Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Nhà văn nói với chúng ta điều gì

Nhà văn nói với chúng ta điều gì?

Nhà văn nói với chúng ta điều gì? Câu hỏi này bất chợt nảy ra trong đầu tôi. Tôi chắc rằng khi nhà văn viết ra một tác phẩm, anh ta nhất định muốn nói với độc giả một điều gì đó.
Milan Kundera nói với tôi rất nhiều điều. Ông là một trong số ít những nhà văn tôi học được rất nhiều. Không phải cái cách ông nói với tôi về văn chương hoặc phong cách viết mà là việc ông nói với tôi về cuộc sống. Tôi đã từng gặp những tình huống cuộc đời giống như ông mô tả và có lúc tôi đã làm theo lời khuyên của ông. Không phải lời khuyên trực tiếp, mà qua câu chuyện ông kể, tôi tự nhận ra điều ấy.
Trong một tác phẩm của Milan Kundera có một người đàn ông li dị vợ. Mỗi lần anh ta đến thăm đứa con của mình, cô vợ đều đưa ra những yêu sách đề nghị người chồng của mình phải đáp ứng để được gặp con. Hoặc là quà, tiền hoặc một điều kiện nào đó. Được vài lần thì người chồng cũ quá chán ngán, mệt mỏi. Anh ta không đến thăm con nữa để khỏi phải đối mặt với những yêu cầu khó chịu của cô vợ cũ và tin rằng khi lớn lên đứa con của anh sẽ hiểu. Nó sẽ biết rằng người cha vẫn yêu và thương nó nhưng ông ta không thể làm gì khác. Và đúng vậy, khi đứa trẻ kia trưởng thành, nó đã biết được sự thật. Nó không ghét cha hay ảnh hưởng bởi những lời nói của người mẹ về người cha của mình.
Câu chuyện trong tiểu thuyết của Milan Kundera có diễn ra trong cuộc đời thực không? Có. Tôi đã nhìn thấy nó ở một người bạn của mình, một người rất mê Milan Kundera và dường như anh đã làm giống với nhân vật trong tiểu thuyết. Nhà văn lúc này đóng vai trò như một nhà truyền giáo. Người đọc đã nghe theo anh ta hoặc hiểu một cách khác, nhà văn đã nói được điều gì đó với độc giả và độc giả bị thuyết phục. Thông điệp của Milan Kundera là không thoả hiệp hoặc lảng tránh vấn đề; những giải pháp ban đầu ta tưởng có ích nhưng càng về sau, vấn đề càng trở nên tồi tệ.
Tất nhiên, không nên bắt bẻ tôi cách hiểu về tiểu thuyết của Milan Kundera; có thể tôi được ông ấy nói cho điều ấy nhưng với người khác thì không thế. Họ có thể nghe thấy những câu nói khác từ nhà văn và có thể cảm nhận hoàn toàn khác tôi. Tiếng nói của nhà văn đối với mỗi độc giả là không trùng lặp và hàng trăm, hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu độc giả sẽ nghe thấy những lời khác nhau từ một người viết. Ở mỗi thời điểm và những tình huống riêng biệt, người đọc có thể nghe thấy những thông điệp khác nhau từ một tác giả, hoặc nhiều tác giả cùng nói với anh ta một điều gì đó.
Một điều hơi lạ là những tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh ở giai đoạn đầu như Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo nói với tôi được nhiều hơn so với những tác phẩm sau này của ông. Ở giai đoạn đầu, Nguyễn Xuân Khánh nói cho tôi về những nỗi lo âu, bất an của một người trẻ tuổi hay nghĩ ngợi. Nhà văn đã rất trăn trở về cuộc sống và thời cuộc. Ông đã nghĩ rất nhiều về những sự việc đang diễn ra xung quanh mình và đã nói cho người đọc sự lo âu ấy. Bây giờ, sau nhiều biến chuyển của xã hội và có độ lùi thời gian, chúng ta đã thấy những lo lắng, suy tư một thời của Nguyễn Xuân Khánh là có cơ sở và được chứng minh phần nào qua thực tế. Nhà văn thời tuổi trẻ đã dám nói ra những suy nghĩ rất chân thành và nhiệt huyết của mình, điều ấy khiến tôi thấy ông lớn hơn. Còn ở giai đoạn sau này, Nguyễn Xuân Khánh nói với người đọc một cách khác về văn hoá và lịch sử, nhưng nói thật, tôi không ấn tượng nhiều bằng giai đoạn đầu ông cầm bút, hoặc là tôi chưa đủ độ trải nghiệm, chưa đến tuổi để nghe được những tiếng nói của ông.
Tôi thích Haruki Murakami nhưng không mê ông quá. Tôi thấy ông hầu như không nói được với tôi câu nào qua những tiểu thuyết của mình nhưng với một cuốn phi hư cấu Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (tiêu đề ông đã nhại của Raymond Carver “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình”) thì nó nói với tôi một câu rất ý nghĩa: Cần phải tập thể dục hằng ngày. Trong cuốn sách ấy, Haruki Murakami nói về việc chạy bộ rất thú vị của ông. Nhà văn đã nói cho tôi một câu rất quan trọng vào thời điểm ấy, khi sức khỏe tôi giảm sút và thấy mình lười biếng. Từ sau khi đọc cuốn sách của Haruki Murakami, tôi bắt đầu tập thể dục, chính xác là đi bộ, hơi lệch một chút so với những gì ông đã nói nhưng cơ bản tôi đã lắng nghe ông.
Thuận nói với tôi về tình dục, thật đấy. Tôi bỏ qua những thứ người ta làm bộ làm tịch về đạo đức, dư âm lớn nhất của tôi về Thuận, chính xác hơn là về cuốn Vân Vy, là tình dục. Thuận không miêu tả hay kêu gọi tình dục nhưng tôi nghe thấy một điều gì đó rất rõ ràng về dục tính. Thuận kêu gọi sự tự do, kể cả về tình yêu đồng tính đang được nhìn nhận cởi mở hơn và dần dần được chấp thuận. Nếu người ta phải kìm nén về tính dục, họ phải vẽ ra một bộ mặt đạo đức, một cái mặt nạ tiết hạnh khả phong và rất khổ sở.
Tôi chỉ nói cảm giác thật của mình, không giấu giếm hay che đậy. Tôi kể lại tiếng nói tôi nghe được từ người viết. Có thể tác giả không định nói với tôi như vậy nhưng có hề gì, tôi có quyền nghe được như thế, với chính cá nhân mình tôi đã cảm nhận được điều đó.
Một trong những thất bại của một tác phẩm văn học là người ta đọc xong mà nó không đọng lại điều gì, không tác động hay ảnh hưởng đến anh ta. Nó vô âm hoặc người đọc không nghe được tiếng của nhà văn hoặc họ không hiểu, không cảm được, hoặc trí não, trái tim họ không mở đúng nhịp, đúng hướng người viết muốn nói. Hoặc sự thể hiện, diễn đạt trong tác phẩm không rõ ràng, tay nghề của người viết quá yếu, không tạo được hiệu quả.
Đã có người phản bác tôi thế này. Tại cái gu anh không hợp khiến anh không ưa Haruki Murakami chứ đâu phải ông ấy không nói gì với anh. Ông ấy nói nhưng anh không nghe thấy, không thể nghe hoặc không muốn nghe. Vấn đề nằm ở sự đọc của anh chứ không phải của nhà văn.
Tất nhiên bạn ấy đã nói đúng. Nhưng tôi có quyền nghe một cách tự nhiên và tôi thuật lại những điều cảm thấy tự nhiên mà không có sự khiên cưỡng hay ép buộc nào. Một người bảo Truyện Kiều của Nguyễn Du nói với chúng ta nhiều lắm, nhiều đến mức nó đã trở thành lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đó là quá trình tự nhiên mà tác phẩm văn học đã thẩm thấu vào đời sống. Chứ nếu bây giờ mà bảo, rằng Truyện Kiều rất bổ ích, Nguyễn Du nói với chúng ta rất nhiều điều, hãy đọc nó đi… thì chưa chắc người ta đã muốn đọc nó. Hoặc quá trình tiếp nhận sẽ bị khiên cưỡng, vai trò của lí trí sẽ lấn át những cảm xúc tự nhiên. Mà sự đọc tác phẩm nghệ thuật, quan trọng nhất là những cảm xúc tự nhiên và những ý nghĩa thực sự được chạm tới.
Tô Hoài cũng nói với tôi khá nhiều qua cuốn Cát bụi chân ai của ông. Với cuốn sách đó, ông nói với tôi nhiều nhất với tư cách một nhà văn nói với những đồng nghiệp hậu sinh. Là người viết, chúng ta cần tử tế với nhau và kìm nén những thái độ, hành động xốc nổi mà sau này nhìn lại hối hận thì đã muộn. Đó chính là những lời vang vọng nhất mà Tô Hoài nói với tôi. Mỗi lần đọc lại Cát bụi chân ai, tôi lại hình dung ra Tô Hoài và tâm trạng của ông. Có thể ông có một chút bối rối, ăn năn cũng như sẵn lòng thú nhận. Rất có thể một lúc nào đó, tôi hoặc bất kì độc giả nào sẽ ở trong một trạng thái giống như ông: luyến tiếc, hối hận, day dứt hoặc ưu phiền về những gì đã qua. Nhà văn đã cảnh báo một trạng huống mà chúng ta sẽ trải qua, về mối quan hệ giữa người với người, tình bạn, đồng nghiệp, vui buồn và cay đắng, tử tế và phản bội… Được biết hoặc được cảnh báo về những điều đó, có thể chúng ta sẽ sống tử tế và điều chỉnh được những hành vi của mình từ bây giờ chăng?
Tôi tin rằng một văn bản nghệ thuật có giá trị thực sự sẽ không bao giờ vô nghĩa, nó đã và đang nói với chúng ta một điều gì đó, bằng một cách nào đấy. Vấn đề là người đọc có thể nghe hoặc cảm thấy người viết đang nói với họ hay không mà thôi.
25/9/2021
Uông Triều
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...