Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Cái đẹp trong văn hóa Nhật Bản

Cái đẹp trong văn hóa Nhật Bản
Mỗi năm, khoảng Tháng Tư vào Xuân, du khách trong và ngoài nước Mỹ thường ghé Thủ Đô Washington để ngắm hoa anh đào nở dọc hồ Tidal Basin. Hoa anh đào này nguyên là quà của Thị Trưởng Tokyo tặng năm 1909 bao gồm hơn 1 ngàn cây thuộc 11 chủng loại anh đào khác nhau.
Hoa anh đào năm cánh trắng hoặc hồng được yêu thích nhất ở Nhật, được nhắc đến nhiều trong thi ca, và thường được dùng làm họa tiết trang trí... Mỗi mùa hoa nở đều có lễ hội ngắm hoa (hanami) rầm rộ trong cả nước; geisha ở khu Gion (Kyoto) tổ chức vũ hội hoa anh đào; dân chúng còn theo dõi tình hình hoa nở (sakura zensen) từ cuối Tháng Ba ở đảo Kyusu miền Nam chạy dần lên miền Bắc nước Nhật.
Hoa anh đào có một chỗ đứng trân trọng trong văn hóa Nhật như vậy vì nó tiêu biểu một số đặc trưng của cái đẹp Nhật mà bài này đang thử tìm hiểu.
Nói đến Nhật thiên hạ thường nghĩ đến hàng điện tử, xe hơi, máy ảnh... nhưng có đến nước Nhật mới nhìn ra một đặc tính văn hóa nổi bật. Người Nhật đánh giá cao tầm quan trọng của ý thức thẩm mỹ trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Cuộc sống hiện đại hối hả, nhưng luôn luôn có hoa thật hoặc giả chỗ tài xế xe bus, trong phòng vệ sinh; nét vẽ đặc sắc của bảng chỉ dẫn; cách gói hàng mỹ thuật; trình bầy thức ăn giản dị đẹp mắt, phục vụ lịch sự khác hẳn tiệm ăn Tầu...
Không phải chỉ bề ngoài để hấp dẫn du khách, mà văn học Nhật từ ngàn xưa đã cho thấy cái quan tâm thẩm mỹ này. Hiệp sĩ Âu Tây xưa chỉ cần được đôi bao tay của người yêu là trân quý cất ngay dưới mũ; nhưng Hiệp sĩ Nhật đòi hỏi người yêu phải có cốt cách, văn hóa, biểu lộ qua kiểu cọ, chất liệu, mầu sắc của bao tay, hoặc tờ thư văn hoa, nét chữ bay bướm... Nếu không thì hình như bị vỡ mộng.
Thế kỷ X triều đình còn nâng thẩm mỹ lên hàng giáo điều, qua những nghi thức, lề thói cung đình tỉ mỉ, từ Vua xuống tới cả triều đình. Ai cũng phải biết làm thơ, viết chữ đẹp, pha mầu mực, gấp thư đúng cách... Dần dần ảnh hưởng ra các tỉnh thành, rồi từ người sang xuống dân giả bình thường, để ngày nay trở thành phổ quát. Mùa anh đào nở đài phát thanh, truyền hình liên tục thông báo hoa nở chỗ này 9/10, chỗ kia 8/10 để dân chúng đang nín thở theo dõi tùy thích chọn địa điểm đến ngắm. Nhà nào cũng cố gắng trang trí đẹp mắt, nếu không thì ít ra có một góc để phô diễn mỹ quan truyền thống của Nhật là giản dị và thanh lịch.
Mỹ học Nhật Bản thường được tìm hiểu qua những từ khóa như myiabi (thanh lịch, ưu nhã), hakanasa (ngắn ngủi, phù du), okashi (du khoái), iki (quý phái), sui (gợi cảm), ma (khoảng trống), furyu (phong lưu), yugen (u huyền), aware (bi cảm), shibui (tinh tế, khiêm cung), mono no aware (sự vật bi cảm), sabi(tịch mịch), wabi (tàn phai, u uẩn), mujo (vô thường), kawaii (dễ thương, xinh đẹp)... diễn tả từng đặc trưng cái đẹp Nhật.
Donald Keene tóm gọn các đặc điểm mỹ học Nhật vào bốn nét chính: 
1- biểu tượng gợi ý; 
2- bất đều, bất đối xứng; 
3- giản phác, đơn thuần; 
4- phù du, vô thường.
Dĩ nhiên để tránh đơn điệu nhàm chán tại kiến trúc, nghệ phẩm thỉnh thoảng cũng có điểm xuyết vài nét cường điệu, cân đối, đều đặn, phức tạp, và bền vững lâu dài. Mặt khác phân biệt bốn nét chính trên để dễ lãnh hội, chứ thực tế chúng có những sắc thái trùng lặp tương hỗ.
1/ BIỂU TƯỢNG, GỢI Ý
Fujiwara no Kinto (966-1041) chia thơ hay thành 9 loại, đứng đầu là thơ mà ngôn ngữ tài tình huyền diệu, chuyên chở nhiều ý nghĩa hơn là các chữ diễn đạt.
Những âm o của dòng đầu vang vọng trong dòng cuối rất hay, nhưng tuyệt vời là khả năng bài thơ gợi ra những ám chỉ. Tác giả đau nhói tim khi nhìn con tầu chở người yêu khuất sau đảo, hay tác giả muốn đi theo, hay tác giả buồn vì lỡ tầu... không thấy nói rõ, ai hiểu sao cũng được. Cái hàm hồ ý nghĩa còn gia tăng huyền ảo nhờ cảnh sông nước mờ mờ, con tầu khuất dần và tình cảm sâu lắng.
Cái biểu tượng, gợi ý này đến thế kỷ XII trở thành cái đẹp sâu xa huyền bí được Fujiwara Shunzei (1114-1201) phát triển thành một nguyên tắc thẩm mỹ "u huyền" (yugen) định nghĩa như là cái lý tưởng bán cổ điển của phức tạp âm thanh truyền đạt qua các vang âm của thơ biểu tượng đầy tính chất miêu tả. Khiến ta liên tưởng đến cái biểu tượng mơ hồ đầy sức mạnh tinh thần của Edgar Allan Poe hay thơ phái Mông Lung Trung Quốc sau Cách Mạng Văn Hóa. Mơ hồ không rõ nghĩa còn được hỗ trợ bởi tiếng Nhật thiếu phân biệt số ít số nhiều, bất định xác định, thành thử gợi ý càng được mở rộng.
Bài haiku trên của Basho (1644-94) có thể hiểu khác nhau: một hay nhiều cành hoặc quạ đều đúng; và dòng cuối có thể hiểu là đêm cuối cùng của mùa thu cũng được. Basho không nói rõ ý định của mình và độc giả tùy hiểu. Hình ảnh quạ đen, ban đêm trên cành héo úa, còn cho thấy Nhật thích đơn sắc, cùng mầu, không hoa hòe hoa sói, nghĩa là giản đơn, không rườm rà, giống như văn nghệ sĩ đời Tống mà Nhật chịu ảnh hưởng.
Kịch No có tính biểu trưng gợi ý cao độ: sân khấu sơ sài giản lược, rất ít đạo cụ; không - thời gian của kịch nhiều khi bất hợp lý; ngôn ngữ mơ hồ; động tác thiếu cụ thể, không ăn khớp với nghĩa của chữ; như thể đây là biểu tượng bên ngoài của một kinh nghiệm hoặc chân lý xa xôi nào đó tùy mỗi khán giả tự tìm hiểu. Tây Phương không hiểu No, khó thưởng ngoạn, chê bố cục vô nghĩa, tính cách nhân vật không thích đáng.....
Thầy tăng Shotetsu thế kỷ XV cho rằng Yugen (u huyền) chỉ có thể hiểu được bằng trí óc, không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Tính chất biểu trưng huyền bí sâu xa này được gợi ra khi nhìn làn mây che vừng trăng hoặc sương thu bao phủ lá đỏ tươi trên sườn núi, và không thể giải thích được. Người bình thường thì chỉ thích nhìn trăng núi rõ ràng.
Thưởng ngoạn cái đẹp nhiều khi chỉ cần gợi ý và ngoạn giả phải tưởng tượng để hoàn tất chỗ bỏ lửng.
Kenko (1283-1350) trong Nhàn Dư Tản Mạn (Essays in Idleness) đã tự hỏi: chúng ta phải chăng chỉ ngắm hoa anh đào lúc nở, chỉ xem trăng lúc không mây? Mong thấy trăng trong khi nhìn mưa; hạ mành xuống mà không biết Xuân đang qua- đây là những cảm hoài sâu xa hơn. Cành cây sắp nở hoa hoặc vườn rải rác hoa úa mới là đáng chiêm ngưỡng hơn. Thảo nào có người thích xem hoa chưa nở, hoặc chỉ nở 8/10, và có người lại thích ngắm hoa tàn.
Tây Phương thích cái gì hoàn tất, cái cao trào của sự việc. Kenko cho cái đó không thích thú bằng cái đầu và cái cuối, vì hoàn tất thì còn gì đâu để tưởng tượng, trong khi cái đầu gợi ra cái tiếp sau, cái cuối để tưởng tượng còn bay bổng thêm. Khiến ta liên tưởng đến các tranh phái hồn nhiên (naive), lập thể, trừu tượng... Khán giả tha hồ tưởng tượng trong khi thưởng ngoạn. Hồ Dzếnh cũng đề cao cái đẹp dang dở, không toàn vẹn:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.
2/ BẤT ĐỀU, BẤT ĐỐI XỨNG.
Người Nhật có khuynh hướng chuộng cái đẹp, tránh cái thô trọc của đời thường. Họ tìm thấy cái đẹp trong cõi tự nhiên nhiều bất đều, ít đối xứng. Thơ văn từ xưa đã tránh đều đặn, đối xứng, như thể chúng gò bó, cản trở gợi ý, tưởng tượng. Kiến trúc, hoa viên hiếm có bố cục đồng đều, phải có cái gì lệch trục. Đá xếp trong vườn không đều đặn, ngay ngắn và thường là số lẻ, không bao giờ số chẵn. Thơ haika 31 âm tiết bố cục trong 5 hàng cũng theo số lẻ 5,7,5,7,7. Thơ haiku gồm 3 dòng 17 âm tiết cũng chia theo số lẻ 5, 7, 5. Mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa chú trọng đều đặn, đối xứng, Nhật Bản luôn luôn tìm cách thoát ra cái khuôn khổ nhân tạo này.
Theo Kenko cái gì đồng dạng, đều đặn thì ít thích thú. Cái bất toàn, bất túc để lại chỗ cho phát triển tiếp, sinh động hơn. Người bình thường cho rằng sách không cùng khổ, xếp không đều đặn trông xấu; nhưng Tăng Chủ Koyu bảo "Thói thường kẻ kém thông minh luôn luôn đòi cái gì cũng phải đủ bộ. Không đủ bộ tốt hơn." Thật vậy, trông bộ sách Harvard Classics xếp đều đặn trên kệ chả ai muốn lôi ra một quyển để đọc.

Đồ gốm Nhật được ưa chuộng hơn là thứ đừng quá hoàn hảo, hình thể đừng quá cân đối. Tốt nhất có chút tì vết nhỏ nào đó, là dấu ấn của nghệ nhân. Kiến Trúc Versailles, Alhambra có vẻ cứng nhắc, kỷ hà, toán học, chỗ nào cũng đối xứng, đều đặn, không cho cảm giác thư giãn, thoải mái. Vườn Trung Quốc khá hơn, nhưng vườn Nhật vượt xa hơn nữa về mặt hòa đồng với thiên nhiên, và là chỗ nghỉ ngơi thư giãn, nhờ nhiều bất đều, bất đối xứng, nhiều cây lá, ít hoa.
3/ GIẢN PHÁC, ĐƠN THUẦN
Thiền Nhật ảnh hưởng mạnh trên văn hóa, chú trọng đơn giản, tiết chế, dùng phương tiện tối thiểu để đạt hiệu quả tối đa. Vườn cần cây lá đá sỏi hơn là hoa sặc sỡ nhiều mầu, và chỉ vừa đủ, không nên dư thừa. Đền đài, dinh thự và nhà dân đều trang hoàng giản dị. Tuy nhiên trước thế kỷ XIX vẫn có trường hợp thích hoành tráng giống kiến trúc Tây Phương, Trung Quốc. Vd Lăng Tokugawa ở Nikko có những khắc trạm, trang trí nhiều mầu.
Uống trà được nâng lên thành trà đạo, ở đây tính giản dị, u tịch (wabisabi) nổi bật trong cấu trúc, trang trí lều trà cũng như trà cụ. Chủ nhân thừa điều kiện, nhưng luôn luôn thích lều giản dị, chiếu, bàn nâu đậm, ấm rỉ sét, tách cũ kỹ... do thấm nhuần cái tinh thần đơn giản truyền thống. Hoa bên ngoài không hương, đơn sắc. Trà đạo là một kiểu nghệ thuật ẩn giấu, bề ngoài trông giản phác thô thiển tự nhiên, nhưng thật ra có cố tình xếp đặt, và trị giá mọi thứ rất đắt vì phẩm chất thuộc loại hảo hạng.
Thực phẩm Nhật thiên về rau cá, ít thịt, ít gia vị, giữ nguyên cái mùi vị đơn thuần bản nhiên càng nhiều càng tốt, lại hết sức vệ sinh, sạch sẽ. Tại buổi uống trà, cũng có thức ăn nhưng mùi vị tinh tế, khiến có người xếp hạng miếng đậu phụ chấm nước sốt đậu nành còn cao hơn sơn hào hải vị khác. Nhất là trình bầy thức ăn giản dị mà đẹp mắt, phục vụ chu đáo đầy nghệ thuật. Giản dị và đơn thuần muốn hiệu quả cần chú trọng phẩm chất. Cho nên ngay trong kịch No, mỗi động tác nhỏ của diễn viên đều có cân nhắc, cần được thưởng ngoạn một cách sành điệu.
Kenko còn áp dụng khái niệm giản dị, khiêm cung, tiết chế vào tác phong. Theo đó, người lịch sự nên tránh tỏ ra hiểu biết nhiều, trả lời quá những gì được hỏi. Không nên chìm đắm vào các thú vui, lúc nào cũng nên giữ thái độ tự nhiên, ung dung, tự tại, phong lưu, khoáng dật... khiến ta nghĩ đến cái tính phớt lờ của dân Anh. Giản dị còn là nét đẹp lâu bền không bị ảnh hưởng bởi các trào lưu nghệ thuật thay đổi không ngừng.
4/ PHÙ DU, VÔ THƯỜNG
Phật Giáo và Thiền ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Nhật. Theo đó mọi vật đều phù du, vô thường, mong manh, khiến chúng trở nên trân quý, có vẻ đẹp đặc biệt. Thơ văn không thiếu những than vãn về tính chất phù du của cái đẹp và tình yêu. Kenko viết rằng nếu người ta không bao giờ tan biến đi như sương ở Adashino (nghĩa trang), khói ở Toribeyama (địa điểm lò thiêu xác) mà cứ tồn tại dai dẳng mãi trên đời, thì làm sao mọi vật còn sức mạnh lay động chúng ta. Cái quý giá nhất trên đời là không chắc chắn.
Cái mong manh của cuộc sống đa số không ưa, và ít được thừa nhận là một điều kiện của cái đẹp. Người Nhật không những biết rõ cái đẹp phù du mà còn tôn xưng mọi nét đẹp của các sự vật cho thấy rõ cái phù du vô thường này. Ngoài lý do nhiều động đất, nhà cửa Nhật thường xây cất bằng vật liệu gỗ, giấy không có vẻ gì là lâu dài bền vững, nhưng chúng được chăm sóc kỹ càng, mỹ thuật tỉ mỉ. Đồ gốm cũ kỹ, vá víu, ghi dấu vết thời gian, cho thấy sắp tàn, hình như có một vẻ đẹp chân thực, lại được quý trọng hơn; trong khi Tây Phương chỉ thích cái gì bất tử (vd. đền đài vững chắc đồ sộ), cái gì cáu cạnh. Chỉ khi vải lụa nền tranh đã sờn phía trên phía dưới và xà cừ tô điểm đã rơi mất thì bức tranh cuốn mới thật đẹp.
Khái niệm mono no aware (cảm xúc sâu xa trên sự vật): cái đẹp u buồn của cảm thông giữa con tim nhậy cảm và sự vật phù du được thấy rất rõ trong trường hợp hoa anh đào.
Hoa anh đào được trân quý vì thời gian hoa nở ngắn ngủi đến não lòng, và có thể không được người ngắm kịp thì đã tàn lụi. Hoa mận giống hoa anh đào nhưng nở lâu trên cành không được chuộng bằng. Samurai (hiệp sĩ Nhật) thấy ở hoa anh đào cái biểu tượng của tinh thần hiệp sĩ, chết trẻ giữa trận tiền, giống như hoa nở rụng sớm. Hoa anh đào tượng trưng các đặc điểm giản phác, đơn thuần, phù du, vô thường, bi cảm của mỹ học Nhật Bản khiến ta liên tưởng đến câu thơ cổ:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Thực tại biến đổi không ngừng, những khái niệm thẩm mỹ có thể thay đổi, bổ sung theo thời đại. Ngày nay xử dụng phổ thông là xe hơi, hàng điện tử (smartphone, game, máy ảnh....), thời trang, điện ảnh, chai rượu, lon bia... với những hình dạng muôn hình muôn vẻ. Nhưng với con mắt tinh tế, sành điệu người ta vẫn có thể nhận ra mấy đặc điểm chính nêu trên trong cái đẹp của văn hóa Nhật Bản. Chúng hình như có giá trị phi thời gian.
Phạm đức Thân
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...