Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Chớp sao

Chớp sao
Vào truyện
Câu chuyện đến từ một ngẫu nhiên. Ðến từ một buổi trưa ở phố thị trời bỗng hừng nắng sau ba ngày mưa ẩm đục. Ba ngày thật hiếm hoi ở miền Nam đất California vốn quen đến độ hờ hững với mây trắng, nắng vàng, với trời xanh, và với những chùm hoa đỏ màu mào gà của những cây Cora lưu lạc đến từ Hawai. Cuối đông cây trụi lá khẳng khiu chọc lên chông chênh rồi vùn vụt chạy ngược chiều xe như những bộ xương khô trải dài theo con lộ đâm vào Wallnut, quẹo trái sang Jamboree, cứ thế lên xa lộ là cuối cùng cũng đưa đến Bolsa. Ở đó tôi gặp  Albert, nhân vật  tôi  kể hầu bạn đọc một mẫu đời. Anh ta châm thuốc hút sau khi chúng tôi bắt tay nhau. Tôi nhìn Albert, không biết đối xử thế nào cho phải, ngần ngại xin anh một điếu thuốc. Ðó là điểm xuất phát lúng túng vụng về như bước tập đi trong một không gian lúc nào cũng chao nghiêng như sắp sụp đổ.
Bolsa, hỡi Bolsa!  Ði đâu cũng nhớ về, ta ngậm ngùi. Dấu phẩy giữa hai chữ ta - về rất quan trọng. Lẽ ra, có thể dùng ký hiệu gạch chéo như một nhà thơ thời thượng. Nhớ như thế, là nhớ về Bolsa, và chủ thể là ta - ta ngậm ngùi. Bỏ đi, có thể hiểu là chủ thể nhớ về chính mình, và rồi ngậm ngùi cho cái ta đó. Tôi xin phép rút đi dấu phẩy để cho cái ta của người kể chuyện đi vào tận cùng nhân vật. Cũng có thể hiểu ngược, nghĩa là nhân vật như thế đi vào tận cùng cái tôi của người viết trong chuyến phiêu du đến ranh giới mỏng mảnh giữa đời thật và ngôn từ. Như vậy, khi dùng chủ từ danh xưng - tôi - cứ cho tôi là Albert. Nhưng xin đừng quên Albert cũng là Anh, cách gọi của Mariko-san. Còn Anh gọi Mariko-san là M, em như tiếng mình vốn dịu dàng và  lãng mạn.
Cửa Ðịa Ngục
Thu người ngồi trong chiếc xe chạy vùn vụt trên xa lộ 405, tôi cố nhắm mắt. Buổi họp chiều nay khá căng, chưa dẫn đến một kết quả cụ thể nào. Bọn NASA vẫn chần chừ. Chúng chưa tin hẳn vào vận tốc xử lý thông tin kết thành mạng liên hợp? Hay là thực ra chúng hiện không còn đủ ngân sách để tài trợ?  Nếu là trường hợp thứ hai, cách thuyết phục phải khác. Tốt nhất, thử đề nghị hợp doanh với hãng tư, như Nortel ở Canada xa xôi chẳng hạn, xem chúng phản ứng thế nào? "Này John, ta mồi bọn NASA như vậy, mày nghĩ sao?".  Vẫn chăm chú nhìn một chuỗi đèn xe  sau đỏ lè đang vùn vụt chạy nối đuổi nhau lên dốc, John lơ lửng" Yes, boss! Cứ thử... Nhưng đồng thời bảo bọn design làm cho một cái prototype.  Tiếc là phía optic-fiber chúng nó vẫn còn chưa chắc... Nếu có thì...". Tôi ngắt  " ... cứ nếu thế thì chúng ta lên cả thiên đàng một ngày.  Còn gì là ngẫu nhiên nữa!". Thằng John im, đưa mắt ngó. Nó nghĩ thầm, phương Ðông chúng mày gọi ngẫu nhiên là định mệnh, phải không?
Tôi sốt ruột  nhìn đồng hồ. Chắc giờ này M đói lắm rồi. M làm Sushi, hâm sẵn Saké vì thế nào cũng thêm món cá sống Sashimi với tôm chiên Tempura. Thò tay móc cái bíp-bơ nhỏ bằng hai bao diêm ra, tôi bấm số. Hôm nay thứ năm. Vậy số 5 là chữ A. Số 6 là B và cứ thế cho đến Y, Z...  rồi mỉm cười lẩm nhẩm 5 24 9 16 19 25 9 5. John ngạc nhiên" Boss! Làm gì vậy?". "Gửi message cho Mariko! Tao viết Late. Love rồi ký tên".  Bật cười, thằng John bảo" ...lạ thật. Sao không dùng mobile-phone mà nói!". Tôi đủng đỉnh " Tao tỏ tình với M như thế. Lần đầu M không hiểu. Ngày sau tao lại gửi. Như vậy ba ngày liền, cứ mỗi ngày số nào cũng tăng theo cấp số cộng. Ðến ngày thứ tư, M trả lời bằng mật mã... Từ đó, chúng tao xử dụng ngôn ngữ tình yêu của chúng tao như vậy. Tình yêu nào không có ngôn ngữ riêng là tình yêu không thể bền vững được!". Ðúng lúc đó, có tiếng bíp. Nhìn vào mặt cái Pagemark-Nationwide sáng ánh lân tinh, M trả lời I wait and love you!.
John ngước mắt ngó kính chiếu hậu than" Ðằng sau xe dài như đàn rắn!". Chưa dứt lời, một tiếng ầm như tiếng nổ rồi tiếng phanh rít lên mặt lộ.  Không gian bỗng chao nghiêng.  Chao nghiêng rồi nhào lộn như hình học topology.  Rồi không gian căng xé, đổi chiều, dãn ra, co lại, và hững hụt trong tiếng gió rít giữa chập chùng ánh đèn nhập nhòe của hàng vạn chiếc xe lao tới. Tiếng ầm nổ chóa ra thành triệu triệu âm thanh li ti xoắn vào não bộ. Bất thần bóng tối bổ xuống cái không gian bây giờ thực sự sụp đổ. Chiếc xe rơi từ trên xuống xa lộ số 22 phía dưới bắc ngang  cách New Port Beach chừng 30 dặm. Tai nạn xe ở chỗ nào cũng không thể khác một sự ngẫu nhiên. Này John, đúng vậy, tao gọi thế là định mệnh.
Bước nhảy nhổm của định mệnh đẩy bắn chiếc xe từ xa lộ rơi xuống gần trăm thước rồi bẹp dí lại như một hộp cá mòi bằng thiếc bị cán dẹp. Tôi loáng thoáng nghe tiếng còi hú xe cứu thương, tiếng người la hốt hoảng.  Biết là nhắm mắt, nhưng sao tôi vẫn nhìn thấy trùng trùng ánh sáng chóa lòa, nóng bỏng, chốc chốc lại đổi đủ bảy sắc cầu vồng. Con cá mòi cố vùng dậy. Vô phương. Ðây là chỗ cạn, cá ơi. Rồi tiếng cưa máy. A, cái hộp thiếc chắc gãy gập làm đôi sao?  Và lửa. Lửa bùng lên. Ðầu óc tôi bắt đầu mụ đi. Tôi há miệng hớp lấy không khí. Mát còn hơn khi khát cháy họng hớp được hớp nước. Nào, một hớp nữa. Bóng tối thình lình chụp xuống. Cái bíp-bơ lại bíp bíp mơ hồ. M đấy à?  Ðợi tôi với.Tai tôi ù đi. Bây giờ là im lặng mênh mang. Tôi lẩm nhẩm, M ơi, chỗ tận cùng của trí nhớ là sự im lặng.  Im lặng như vậy, có phải là thuộc tính của cái chết? 
Chuỗi sự kiện, kết hợp đôi phần ngẫu nhiên với một chút ý chí, đang liên tục thì bỗng chẻ lối bất ngờ đưa cuộc đời vào một ngã rẽ, có ngã đi vào ngõ cụt, có ngã đi ra với trời thênh thang gió và rực rỡ nắng. M yêu, tôi đã từng gặp những ngã rẽ của định mệnh, như thế. M còn nhớ chứ? Buổi đầu gặp M, tôi thú thật tôi khó chịu, khó chịu vô cùng. Bọn IBM chúng tôi và đám SPAR, trong đó em là kỹ sư trưởng, họp về vần đề thiết kế vệ tinh. M không nhân nhượng, viện dẫn đủ lý lẽ, đi ngược với đề nghị về phương cách làm cho vệ tinh bất động trong không gian. Tôi bảo" Lady! Làm được. Chúng tôi bảo đảm thảo trình điện toán...". Vuốt tóc, M điềm tĩnh" ... điều khả thi thì tôi tin. Dĩ nhiên có thể đổi chiều quay của vệ tinh cho đến khi cân bằng thì nó  đứng lại.
Thậm chí muốn nó lùi lại cũng được bằng cách tăng tốc ngược chiều. Nhưng vấn đề nằm chỗ khác. Thứ nhất, làm vậy thì mất bao nhiêu năng lượng. Thứ hai - M nhìn tôi chòng chọc - làm vậy để đạt mục đích gì?". Còn ngần ngừ chưa đáp, thằng John phụ tá ghé vào tai tôi nói nhỏ" ... để tao trả lời". Nó bắt đầu" Lady, that is a sharp question. Mục đích gì ư? hãy lấy một quỹ đạo làm tiền đề suy luận.  Nếu vệ tinh đứng bất động, chúng ta có thể nhận và phát thông tin vòng quanh trái đất với một số vệ tinh tối thiểu...". M ngắt, mắt tinh nghịch, tay gõ nhẹ cây bút xuống bàn" John, nhưng nếu vệ tinh quay cùng chiều và cùng vận tốc với trái đất, thì số vệ tinh cần thiết vẫn vậy...". Và như để John bớt bối rối, nàng nhỏ nhẹ "... nhưng có lẽ còn một lý do khác" rồi nhìn tôi khiêu khích. Tôi thầm chửi "Fucking question!", giả bộ đứng dậy ra rót nước để câu giờ tìm một cách trả lời thỏa đáng. Khi đi ngang M, tôi thoáng ngửi thấy mùi nước hoa, ghé xuống đùa" Lady, cô bôi nước hoa Fleurissimo thơm nhẹ, kín đáo, nhưng thanh thoát như bà hoàng Monaco là Grace Kelly... ". Cả phòng họp cười ồ lên. Còn M, M đỏ mặt, bậm môi.  Tôi chợt nhận ra nàng là một người người đàn bà mặn mà. Cũng đúng lúc giây phút định mệnh ấy, tôi biết là tôi sẽ chiếm đoạt M. Và bằng mọi giá. Tôi đã định, thì tôi sẽ dùng mọi phương tiện. Ngày xưa, khi tôi muốn quen Liễu, tôi lấy xe cố tình tông vào hông xe nàng góc Bolsa và Ward. Rồi tôi vào thăm Liễu trong nhà thương. Lần đầu, một câu xin lỗi kèm một chục cam sành. Lần sau, hai chục đóa hồng. Ðến lần thứ ba, nàng xuất viện thì tôi đưa thẳng về nhà tôi, căn nhà nằm trên con phố Vista Trucha của bọn mới giàu hoặc vừa đủ già để về hưu dưỡng lão. Khi tôi thú thật là tôi gây tai nạn thì nàng lại ứa nước mắt mỉm cười rồi mặc cho tôi áp mặt vào cái cổ tròn tròn trắng muốt còn thoáng đọng mùi ê-te.
Buổi họp tiếp tục và kết thúc với lời hẹn gặp lại để điều nghiên thêm. M đứng dậy, mảnh khảnh, tóc xõa đến vai như một bức thảm nhung. Trên ngưỡng cửa, nàng nhìn tôi, vẫn cái nhìn khiêu khích. Giọng thách đố, nàng bảo" Không phải Fleurissimo đâu! Tôi dùng Miss Balman.Loại nước hoa này có hương hồng, bạch đàn, vỏ cam, thông, hương bài và long diên hương.  Tôi còn giữ một mùi hương cuối cùng, chưa nói ra... Cũng như chuyện vệ tinh bất động, tôi cũng còn giữ một câu hỏi.  Câu này dành khi lần sau anh cải chính, Miss Balman chứ không phải Fleurissimo, nhớ đấy!".
Dĩ nhiên, tôi nhớ. Làm sao quên được điểm chẻcủa một quá trình liên tục khi M đứng dậy lúc tôi vừa bước khỏi ngưỡng cửa kỳ họp sau. Nàng tiến về phía tôi, thò vào xách tay rút ra một cái hộp vuông vắn màu tím than trên có đơm một bông hồng, miệng nhỏ nhẹ "... Cám ơn, nhưng tôi không thể nhận!". Mỉm cười, tôi thì thầm "... dù nó chỉ là một món quà nhỏ?". M lắc đầu. tôi tiếp "... và chỉ mùi Fleurissimo mới xứng với cô, cô biết thế chứ?". M lại lắc đầu. Tôi nói nhỏ, giọng làm như rụt rè "... đây là lần đầu tôi tặng nước hoa cho một phụ nữ...". M chưa kịp đáp thì  tôi vội vã thì thào "... kèm một lời tỏ tình tôi không biết nói làm sao nghe cho được!". M cắn môi, giả tảng như không hiểu. Khi tôi vào thang máy, M nhìn theo buột miệng" See you later!". Thế là gặp lại sau khi M tìm ra chìa khóa mở mật mã  tôi truyền qua cái bíp-bơ. Ngay phút đầu, tôi vòng tay ôm lấy M. Nàng tránh cái hôn, khẽ đẩy  tôi ra, giọng hơi trách móc "Con gái xứ Phù Tang không vội vã thế. Và xin đừng lấy cái dáng bọn Conquistador ở thế kỷ mười bảy. Ði chinh phục phụ nữ cần tế nhị hơn thế nhiều". Vài tuần sau, tên Conquistador thêm một lần chứng minh cho M biết rằng khó mà cưỡng lại bản năng. Khi cả hai còn đang mơ màng sau một cơn buông thả, M bỗng khẽ hỏi "tại sao anh cứ khăng khăng có cho bằng được những vệ tinh bất động trên trời?".
Áp mặt vào làn da bụng M mát rượi, tôi nhắm mắt lại. Vòm trời đính sao lấp lánh trên biển cả hai mươi năm về trước chợt hiện ra cùng với cơn đau nứt da nẻ thịt. Biển mênh mông gợn những lớp nước long lanh sáng. Âm thanh tuyệt mù tăm tích trong khi hình ảnh vẫn dập dềnh lưu lạc từ những mảng trí nhớ sót lại tựa lũ bè trôi trên nước cố bám víu vào nhau. Vục tay, tôi vốc đưa lên miệng. Giọt nước đắng chát như váng muối đóng ngay yết hầu, kết thành tinh thể, chặn nghẹn đầu thực quản. Tôi lại tỉnh lại. Dấp nước nhè nhẹ lên mặt, cái xót xa của làn da bỏng rát sau một tuần ròng phơi nắng biển bốc cháy như hàng nghìn con kiến lửa cắn nhay não bộ. Nước ngọt đã hết từ hai ngày nay. Cơn khát thỉnh thoảng làm mê mụ, và mê chắc chắn dẫn đến cái chết. Ngửa đầu lên cái phao bơi, tôi nhủ thầm, mi phải kéo thêm được một, hai ngày. Hôm qua, có hai chiếc tầu đi ngang.  Có lẽ bọn thủy thủ thấy mình nhưng chúng không vớt.  Ngày mai, cũng có thể có hai chiếc tầu khác. Rồi mốt, cũng hai, may ra. Mỉm cười, tôi lẩm nhẩm, tỉ lệ may mắn là một số dương.  Thế thì đáng kéo thêm lắm chứ. Bây giờ cố chống cái ngủ.  Hãy nhìn lên cao. Trời lấp lánh muôn vàn vì sao chùm xuống mặt biển một vòm nhung óng ánh đính kim cương. Kia là Bắc Ðẩu. Còn chênh chếch phía đông là chùm Ðại Hùng. Sao nào là sao Ngưu? Còn sao bản mệnh mình. Cái hạt bụi đó còn chiếu sáng đến bao giờ? Nó đâu?  Lạ chưa, cả vòm trời sao bỗng vần xoay chuyển động. Sao Ðẩu ùa xuống phương Nam. Chùm Ðại Hùng rã ra rồi chuyển hết về Tây. Sao Hôm chưa sáng đã mọc. Không, hãy tỉnh lại. Không chơi trò chạy đuổi. Cả sao bản mệnh của mi cũng vậy. Chúng đứng tại một chỗ, ở nguyên vị, hệt như sao đóng trên lá số tử vi của mi.  Ông thầy bói già xưa có bảo" Mệnh cậu Sát-Phá-Tham, ra Tử-Phủ. Cung Mệnh thế là vững. Ðến đại hạn vào Thân, phát quan, công danh phú quí không ai bì được...". Cám ơn ông. 
Nhưng ông chỉ hộ trên vòm trời kia ba cái sao ông gọi là Thất Sát, Phá Tham và Liêm Trinh, chúng ở đâu, hở ông? Cứ nhìn kỹ, những vì sao đó đóng chắc như đinh đóng vào vòm trời. Chính chiếu là Tử Vi, phụ chiếu là Thiên Phủ. Tốt lắm. Phủ là cái kho, tiền vào.  Còn Tử Vi, Tử là sao chủ đứng đầu một trăm lẻ tám vì sao tạo nên định mệnh của đám nhân sinh từ đời đời kiếp kiếp. Cậu đừng lo, mặc dầu cung Phúc thì vô chính diệu. Mệnh vững, Phúc có yếu một tí cũng chẳng sao. Cám ơn ông, thế "đi" có lọt không? Phải đợi. Tháng Tư. Dạ, tháng tây hay tháng ta. Tháng ta chứ. Lúc ấy ngũ hành thuận với mệnh, lại khớp vào cung Di. Ði được đấy.
Phút chuẩn bị đã tới. Từ giàn khoan dầu ra đến hải phận quốc tế chỉ có hai dặm hải lý. Nước sẽ trôi xuống phía Mã Lai.  Phao bơi. Nước ngọt. Bánh mì khô. Mang tối đa, và tiêu thụ tối thiểu. Rồi nhớ xách cây gậy, dùng làm que cắm cờ để vẫy gọi tầu bè đi ngang. Và một chiếc đèn pin cỡ lớn. A, đừng quên tấm hình gia đình đã bọc plát-tích. Ðược, sao bản mệnh vững, lại vào cung Di tháng này. Nhưng sao đã gặp sáu chiếc tầu mà không có cái nào vớt mình ha? Một cái tầu cờ Nam Tư. Ðược, tụi bay một phường. Một cái tầu cờ Nhật.  OK, bay người đông đất chật. Tầu cờ Nga, cám ơn nhé, vớt cũng chẳng dám lên. Nhưng tầu cờ Úc? Tại sao mi không vớt ta? Mà thôi, số tử vi tốt như số ta đi Úc thì uổng! Úc xa cách, lẻ loi, làm sao Sát-Phá-Tham ta vùng vẫy cho thỏa chí anh hùng.  Rồi cờ Pháp?  Eh, je suis là. Je suis citoyen Francais. Chiếc tầu vẫn đi qua, thản nhiên như không hề có một kẻ sắp chết trôi. Mặt biển lặng lờ trải dài ra, sóng vỗ về như ru ngủ. 
Buổi sáng, mặt trời to bằng hai cái đấu nhô lên từ phương đông, đỏ lừ lừ dọa dẫm thêm một ngày nắng thiêu, làm rộp lớp da mặt gặp nước phồng lên như bánh tráng nướng than. Ba vì sao bản mệnh cố định trên vòm trời biến đi không còn đâu là tăm tích. Lạy Trời, lạy Chúa. Mất tăm nhưng đâu có nghĩa là không còn ở đâu đó trên cao xanh kia. Lại hết một ngày. Lần này chẳng có bóng dáng một chiếc tầu nào. Rồi đêm. Ba vì sao lại lấp lánh sáng đơm lửa cho hy vọng. Nước biển ban đêm lạnh thấu xương. Da dẻ bây giờ nhăn nheo, trơ ra đến độ vô cảm, trừ da mặt bỏng nắng xót nước muối. Cứ thế, tôi lênh đênh với vòm sao trời, mắt hướng về ba vì sao bản mệnh. Rồi tôi kiệt sức mê man phiêu dạt theo sóng gió. Khi bừng mắt, tôi không còn cảm giác bập bềnh. Tiếng nói lao xao đâu đây khiến tôi hốt hoảng chẳng hiểu tôi ở cõi nào. Hình như tôi rên lên thì phải. Ai đó nâng đầu tôi lên, rồi dòng nước ngọt ngào trôi qua cổ. Tôi nghe lơ mơ "he’s OK!". Lát sau, tôi tỉnh hẳn. Giơ tay vẫy một tên lính thủy, tôi hỏi, giọng thều thào.  Ghé sát vào miệng tôi, nó nghe rồi đáp "... yes, you’re alive!". Khi người ta cáng tôi ra boong tầu, tôi thấy lá cờ hoa Mỹ Quốc. Thuyền trưởng là một Trung tá Hải Quân, nhìn tôi đăm đăm rồi buông thõng "You’re fool!". Vâng, tôi đáp, những người đi tìm sự sống qua cái chết đều điên cả. Sống phải chăng ở hai đầu của sự chết. Tôi đã đi từ đầu nọ sang đầu kia trong mười ngày lênh đênh trên biển cả.
Tôi thì thào vào tai M: "... Sống lúc đó là neo vào một cái gì bất động. Ðầu gối lên chiếc phao nổi cứ dập dềnh trôi theo dòng luân lưu, anh có gì để bấu víu ngoài những vì sao trên thăm thẳm cao, hở M? Sau đây, biết đâu lại chẳng có những kẻ như anh lềnh bềnh trên cái chết để tìm sự sống. Những vệ tinh bất động kia sẽ phát thứ ánh sáng cho họ giữ được niềm tin ấy…".  M bỗng òa khóc, hai tay bíu lấy tóc tôi, nức nở "I am sorry! Bây giờ em mới hiểu. Chúng ta sẽ đặt vệ tinh như cắm những mốc hy vọng của sự sống". 
Văng vẳng giữa âm thanh dìu dặt vỗ nước vào bờ, tiếng bíp-bơ mơ hồ chợt biến chợt hiện, rồi lớn dần bất ngờ vút xé lên cao. Tôi mở choàng mắt, ngỡ ngàng buột miệng "... M, M đấy à!". Ðịnh quay đầu nhìn nhưng cần cổ cứng ngắc như đóng đinh, tôi hoảng hốt nhấc tay lên. Không được. Co chân lại vậy. Vô phương. Tôi không còn điều khiển được chân tay. Ghê rợn hơn, hình như tôi không còn cảm giác gì. Gom hết nghị lực, tôi đi giật lùi về quá khứ, trí óc chệnh choạng đến được cái hụt hẫng rơi từ xa lộ trên xuống xa lộ dưới trong tiếng gió ào ào thổi ngược.
Bây giờ thì tôi nhìn rõ hơn. Người tôi dính vào một chùm những thứ máy móc đo đủ loại chức năng của một thân thể. Ðo nhịp tim. Ðo hoạt động của não bộ. Bình nước biển nhỉ nhả từng giọt. Chụp oxygen trên mặt. Rồi tôi nghe tiếng chân. Tiếng nói. Bắt đầu mơ hồ, dần dần rõ ra. Tiếng đàn bà "... much better. He’s alive, doctor".  Người y sĩ già trầm giọng "Yes... phép lạ. Cô thấy đấy. Chích cho bệnh nhân móc-phin đi". Chỉ vài phút sau, tôi thấy thật dễ chịu, mình bốc lên lơ lửng chập chờn.
Lần tỉnh thứ nhì, tôi nói được. Người y sĩ già hỏi "... tên anh là gì?".  Rồi tên bố tôi, mẹ tôi. Tôi nhớ. Vợ con? Tôi chưa có. Người yêu?  Mariko. Người y sĩ gật gù "... yes, phép lạ. Thế là não bộ tốt. Vậy 27 cộng 62 là bao nhiêu?". Tôi mất đến một phút mới đáp 89. Người y sĩ già cười "... No". Tôi mím miệng "Yes, yes". Ông ta lại cười, giọng vui vẻ "Of course. Dĩ nhiên". Nhìn ông, tôi yêu cầu hai việc. Thứ nhất tôi không muốn bất cứ ai biết được tình trạng của tôi. Hãng IBM chỉ nói là tôi tạm thời nghỉ việc, không được tiết lộ gì hơn. Thứ nhì, tìm cho tôi chiếc bíp-bơ. Người y sĩ ngạc nhiên nhìn tôi gật đầu rồi quay ra nói với hai cô y tá. Cô Dorothy lẳng lặng ra ngoài.
Khi Dorothy quay về phòng bệnh, tim tôi đập chừng còn mạnh hơn buổi tối tôi bỏ giàn khoan phóng mình lao vào mặt biển đen ngòm. Cô ta giơ cái bíp-bơ, hỏi "... phải là nó?". Tôi nhìn. Ðúng. Cái hiệu Pagemark-Nationwide chữ đỏ. Tôi gật đầu định đưa tay lên. Lại vô phương. Tôi bảo để nó trên gối cạnh đầu tôi.  Và mở nút ON. Tôi lại yêu cầu, khi chữ BATTERY LOW hiện ra thì thay pin cho tôi. Dorothy ngẩn ngơ không hiểu nhưng đáp "Yes.  I’ll do it".
Lần đầu nghe tiếng bíp-bơ, tôi ứa nước mắt.Tôi khóc đến độ Dorothy hoảng hồn đi tìm người y sĩ già. Ông ta nhẩn nha ngồi xuống bên cạnh tôi, hỏi "Chuyện gì vậy,  tôi? Anh đau?". Có, nhưng đau không làm tôi khóc được! Trước ánh mắt ngạc nhiên của ông, tôi nhờ ông nâng chiếc bíp-bơ ngang tầm mắt.  Dòng số hiện ra. Tôi lẩm nhẩm giải mã. M viết " Where are you. Love". Nước mắt tôi lại ứa ra. M yêu, tôi cũng thế. Tôi yêu em vô cùng. Ông y sĩ nhìn vào dòng con số trên chiếc bíp-bơ. Tôi vội nói ngay "... tôi khóc vì hạnh phúc!". Ông ta ngẩn người, nháy mắt bảo Dorothy "Nếu bệnh nhân này không điên, chắc nó là thứ điệp viên đến từ một hành tinh lạ.  Cứ chiều nó..." rồi quay lại chào tôi "... Bye now, James Bond!".
James Bond phải nhờ Dorothy đọc tín hiệu bằng số. Lắm khi, mỗi ngày đến năm lần, bảy lần, nhiều nhất là từ năm giờ chiều đến quãng mười giờ đêm.  Riết, tôi phải thú với Dorothy "... đó là người yêu của tôi!". Nàng trợn mắt "... sao không trả lời! Cứ viết tín hiệu số, tôi bấm cho!". Tôi hoảng hốt" Không!  Không được. Dorothy biết rồi, tôi bây giờ chỉ là một bộ não. Còn lại thì...". Dorothy cắn môi, quay vội đi. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi tủi cho bộ não.  Nó có thể nghĩ, đếm, nhớ và đau đớn.  Ngoài ra, nó bất lực. Từ chân, tay, đến đầu cổ. Dĩ nhiên cả cái phần cơ thể Chúa dành cho sinh lý, bộ phận giúp loài người tránh hủy diệt bằng cái đền bù một thoáng ngất người hoan lạc. 
Người y sĩ già cùng đồng nghiệp đứng xung quanh giường tôi nằm.  Sau cả tháng trời làm đủ các loại test, giờ của sự thật đã điểm như giờ phán quyết của đấng cao xanh. Lúc đó, quả tôi run sợ. Tôi tiếc đã cất lời thóa mạ Chúa là Sa tăng giả hình. Trong đáy địa ngục sụt xuống từ những cơn đau đớn làm vỡ toang từng tế bào não, tôi đã mạ lỵ mọi quyền năng, chửi toáng tất cả nhân loại từ xa xưa đến nay, cái nhân loại đã làm ra xa lộ, xe hơi và thậm chí cả cái nhà thương này với muôn vàn tiến bộ y học  đang chực cứu tôi. Người y sĩ già vẫn ngần ngại, ề à "... sức phục hồi của anh là điều hiếm có, là phép lạ. Nhưng đó chỉ là khởi điểm. Chẩn đoán của chúng tôi như sau: ba tháng nữa, anh có khả năng thu lại sáu mươi đến bảy mươi phần trăm chức năng của hai tay. Phía trái cột sống bị hủy hoại ở mức độ nhẹ. Vậy trong vòng hai năm, anh có thể phục hồi bảy mươi phần trăm chân phải.  Còn chân trái, phải đợi ba năm". Tôi vội vàng "... tỉ lệ xác xuất điều ông vừa nói là bao nhiêu?". Người y sĩ già đưa mắt nhìn đồng nghiệp. Một người bảo" năm mươi - năm mươi ".  Một người khác tiếp "... cái đó tùy thuộc sức mạnh tinh thần của bệnh nhân. Có những kẻ bị liệt đứng dậy nhờ niềm tin. Y học không có khả năng thẩm sát điều đó...". Tôi liên tưởng đến M. Ðúng lúc đó có tiếng bíp-bơ. Tôi lại hỏi "... còn cái phần cơ thể dùng vào việc tái sinh, nó có khả năng phục hồi không? Và nếu có, xác xuất là bao nhiêu?". Nhưng không ai đáp câu tôi hỏi, chỉ bảo là còn quá sớm để khẳng định bất cứ gì. Tôi cười nhạt. Trong những cơn đau, tôi đã nghĩ ra ít là hai phương pháp tôi có thể tự tử. Sự sống của tôi nếu chỉ là một gánh nặng cho người tôi yêu thì quả là không đáng một giây một phút nào. Nhưng nay thì chưa biết thế nào. Thôi, hãy như ngày còn bập bềnh trên biển  để níu lấy đời sống qua bóng thiên đường vậy.
Bóng Thiên Ðường
Bóng dáng thiên đường đã loáng thoáng một lần khi xuống phi trường Kansai. Xách vali, tôi vừa bước vừa nhìn quanh tìm M trong đám người lũ lượt chen chúc. Tiếng báo giờ lên máy bay của hiệu thính viên, khi bằng tiếng Nhật, khi bằng tiếng Anh, liên miên nổi lên đều đều đến sốt ruột. Ðúng lời M dặn dò, tôi tìm đến quầy bán vé của Americain Air Line. Còn đang ngỡ ngàng, tôi nghe ríu rít "... Konnichiwa".
Bây giờ, M không còn là cô kỹ sư trưởng làm cho SPAR ở L.A, quần áo đúng thời trang, tóc dài buông ngang vai, lịch thiệp nhưng nghiêm nghị. Nàng nay mặc một bộ Kimono màu hồng nhạt có điểm những cánh chim nhạn trắng toát, tóc vấn lên đỉnh đầu, cười e thẹn nhìn bằng cặp mắt bỗng mang cái nét dịu dàng đoan trang của một phương Ðông tưởng đã xa xưa. Tôi bước lại nhưng M khẽ gập mình, đầu cúi xuống, nói như reo "Dozo", tay đưa một bó hoa hồng. Chỉ người đàn ông đứng cạnh, nàng tiếp "... Sumimasen.  Trân trọng giới thiệu với Albert-san, cha tôi". Ông ta khẽ bước lên, nghiêng người rồi bắt tay, miệng nói" Dear  Albert, you are welcome ".
Hai cha con Mariko đối xử tròn trịa. Họ đưa tôi về một khách sạn gần đại học Kyoto, nơi ông Morishima dạy môn văn chương Anh trong phân khoa Văn Học. Khách sạn nằm không xa con lộ của Minh Triết, mang tên Yachioyo Ryokan, khá cổ kính chứ không như phần lớn những khách sạn nay đều rất hiện đại. Ông Morishima ôn tồn "... hãy nghỉ! Tối nay tôi tới đón anh về dùng cơm với cha con tôi!". 
Mariko ngước nhìn tôi ra dấu. Có mặt cha, nàng ít nói khiến tôi có cảm tưởng gặp một Mariko đã hóa thân thành nhánh đào xứ  Phù Tang, chỉ biết  gập mình e thẹn và vâng dạ rối rít rồi thốt lời xin lỗi sumimasen như chim.  Con chim đó bay vuột khỏi khách sạn, bỏ mặc tôi tần ngần dõi mắt theo nhìn trách móc, tức tối chưa ôm hôn nàng, chưa nói riêng với nàng được một lời.
Ðúng như ý, căn phòng dành sẵn cho tôi thuộc loại cho người muốn tìm hương vị cổ truyền. Phòng trang trí đơn giản, chiếu trải làm giường ở một góc, cạnh là chiếc bàn thấp để khay trà, và góc một bát cắm hai nhành hoa mai vàng nằm trên một chiếc bàn đen bóng. Kéo bức màn ra, ánh sáng tự nhiên dịu dàng hắt qua tấm cửa giấy bồi trong đục, lờ mờ hình những bông cẩm chướng màu hồng nhạt.  Ðẩy cửa theo chiều dọc, tiếng gỗ nhè nhẹ lăn trên con ròng rọc, tôi nghiêng người  bước ra hàng hiên. Trước mắt  là sân Thiền giải sỏi trắng mịn, cào thành những vệt nhấp nhô gợn lên những chuyển động nhịp nhàng tinh tế. Trên mặt sân, dăm phiến đá nổi lên gồ ghề trơ trọi tựa cù lao trên mặt biển, cô quạnh nhưng gân guốc, tạo ra điểm hội tụ của thứ cảm giác hụt hẫng trước bao la.
Ðiện thoại reo. Ðầu dây, M ríu rít "... cha em sẽ đến đón anh vào lúc bốn giờ". Tôi bực bội "Mình chưa nói được với nhau một câu!". M đáp" Ha, ha. Sumimasen...". Tôi ngắt "Sao M cứ dạ và xin lỗi. Anh cần ngửi mùi Fleurissimo thôi!". "Ha, sumimasen... Ðừng vội! Ðất nước này vẫn là xứ của truyền thống". Tôi sẵng "Truyền thống mà bóp chết tình yêu thì phải bỏ!". M khúc khích "... chẳng bóp chết đâu. Tùy trường hợp, có khi truyền thống như miệng ngọn núi lửa giữ cho nham thạch sôi ở phía dưới từ đời này qua đời kia. Ðừng vội, my love!".
Ông Morishima lái xe đưa  tôi đi vòng quanh đại học Kyoto, tay chỉ những mái chùa cong vút trong bầu trời muốt xanh màu bích thủy, miệng chậm rãi "... may mà nước Nhật còn những mái chùa này.  Nếu không thì chỉ có kiến trúc kiểu hộp cao hộp thấp nằm chèn nhau như ở Tokyo, chắc chẳng khác gì L.A. bao nhiêu. Sự đồng nhất hóa của nền văn minh toàn cầu cuối thể kỷ hai mươi này ở một mặt nào đó có gì như là hiểm họa của tương lai. Albert-san có nghĩ thế không?". Nhìn tôi gật đầu, ông thở dài nhè nhẹ, tiếp "... đáng lẽ ra thì không cần có cái thứ đối kháng truyền thống - hiện đại. Nhưng ánh lửa của tiến bộ khoa học có cái khả năng thu hút những con thiêu thân đến độ chúng quên đi rằng ngoài khoa học, đời sống còn những tiềm năng bí ẩn như cái mỹ, cái thiện chẳng hạn". Ông bật cười "Ðấy, Mariko-san trước muốn bỏ đời mình vào hội họa trên lụa, sau rốt cũng thành một kỹ sư. Và anh nữa, anh cũng làm khoa học...". Liên tưởng đến những vệ tinh bất động phát ra thứ ánh sáng màu xanh hy vọng trong vòm trời sao lấp lánh, tôi nhẹ nhàng ngắt" ...nhưng làm khoa học đâu phải là quên đi cái thiện, cái mỹ, thưa ông!". Ông Morishima lẩm bẩm như nói một mình "... Dĩ nhiên.  Vấn đề là nhớ đủ hay không?".  
Bữa ăn tối tay đôi với ông Morishima dẫu thân mật nhưng vẫn có nét nghi lễ tạo ra một khoảng cách. Mồ côi mẹ, Mariko là người đàn bà duy nhất trong nhà. Nàng tất bật bưng lên những món ăn, Saké hâm, rồi trà, luôn miệng kêu "ha" và cứ khom mình đi những bước thật ngắn trong bộ Kimono cổ truyền óng ánh vàng mặc trong buổi tối. Không nhìn thẳng vào mặt nàng, tôi bắt chước ông Morishima, nghiêng đầu nói "Agirato gozaimasu" cám ơn.
Lúc tôi xin phép ra về thì ông Morishima đứng lên. Mariko vội nói một tràng dài. Ông khẽ gật đầu. Lát sau, nàng lại xuất hiện, miệng ríu rít, khom mình chỉ tay về phía cửa. Tôi bước ra. Nắm cườm tay, ông Morishima chậm rãi "... đúng ngày trăng tròn. Thật tuyệt diệu.  Và mùa này là mùa anh đào.  tôi-san nhìn góc vườn mà xem". Theo ngón tay ông chỉ, dưới ánh trăng xanh nhợt, những cánh hoa đào đỏ chót như bôi son sáng rực lên. Tiếng nước chảy róc rách qua những phiến đá tảng, rồi tiếng ễnh ương thỉnh thoảng vang lên khiến cái xã hội ngoài kia gần như chìm vào một thế giới chua bao giờ có. Mùi Fleurissimo theo gió thoảng nhẹ, và Mariko, vẫn trong bộ Kimono, cúi đầu nói nhỏ " Albert-san, ta đi... ".
Khi chiếc xe ngừng hẳn lại dưới bóng cây dương trong bãi đậu của khách sạn, tôi vồ lấy Mariko hôn ngấu nghiến đến độ nàng nghẹt thở. Mặt bừng bừng đỏ, Mariko nhìn như bốc lửa, hai tay thò sâu vào tóc níu đầu tôi áp xuống bộ ngực phập phồng đứt quãng. Cơ thể nàng gặp địa chấn, trồi lên từng chập rồi hụp xuống, căng ra xong lại co vào, miệng không ngớt kêu nho nhỏ. Tôi kéo tay nàng khỏi xe. Mariko ngần ngừ khẽ giựt lại. Tôi lại kéo. Mariko mím môi bước theo. Khi đi qua mặt tiếp viên của khách sạn, Mariko khẽ cúi đầu tránh cái nhìn đang cố giấu đi vẻ soi mói.
Ðóng cửa phòng, tôi lăn xả vào Mariko. Trời ơi! Cởi một bộ Kimono sao lâu thế! Áo lượt ngoài, rồi lượt trong. Thắt lưng cũng vậy, có cả những giải vải vắt chéo. Mariko không nói, tay làm những động tác vừa nhanh vừa gọn cho đến khi không còn một mảnh lụa che thân. Mắt nàng bây giờ cháy đỏ như cành đào góc sân dưới ánh trăng. Nàng đưa tay lên đầu rút cây trâm. Những lọn tóc đen tự do đổ xuống như thác nước chảy xuôi xuống. Mùi Fleurissimo lại thoang thoảng. Nàng nằm ngửa trên giường, hai mắt nhắm lại, miệng hé mở lộ hàm răng trắng ngà và đầu lưỡi hồng nhớt khẽ thè ra chót môi phết nhẹ màu son tím nhạt. Tôi ngây ra nhìn. Thượng Ðế, sự nhiệm màu của người là đây. Ân sủng người ban vừa vẹn tròn vừa tuyệt diệu. Lòng  tôi bỗng thanh thản. Chờ đợi cuồng nhiệt tưởng táp gió đổ bão bỗng đâu hóa ra sự trìu mến giữa những sinh vật khác giống. Cửa ra ngoài sân Thiền vẫn mở. Những cù lao trên mặt sỏi bập bềnh lên xuống nhịp theo thân thể. 
Tiếng Mariko gọi. Nàng thỉnh thoảng lại kêu arigato, arigato... Và khi dương khí muốn tìm đường ra thì nàng bíu chặt lấy mông, cơ bắp phần âm cuốn hút rồi bóp chặt lại để đợi cho đúng điểm giao hòa huyền diệu.  Lúc ấy,  tôi chỉ thấy biển, thấy vòm sao lung linh trong một cơn say sóng và giải ngân hà chao đảo theo nhịp co thắt của vũ trụ.
Nhìn ánh trăng chếch về phía vòm lá đung đưa cạnh mái hiên, tôi se sẽ ngồi dậy. Bên cạnh, Mariko ngủ say sưa, nhịp thở đều đặn đẩy lồng ngực nhấp nhô dưới tấm chăn mỏng. tôi khẽ lay "... M yêu, đã hai giờ sáng rồi! M phải về chứ!". Cựa mình, Mariko quay mặt ra sân, khép hờ hàng mi viền theo đôi mắt một mí.  Nàng từ tốn ngồi dậy, nhìn tôi, giọng cương quyết "... em ngủ lại. Như thế, cha hiểu là em không lấy chồng đẳng cấp vũ sĩ, đẳng cấp của giòng họ Morishima - Nàng bật cười - Ngoài Nhật Bản, làm gì có đẳng cấp ấy trên thế giới này!". Tôi hiểu Mariko vừa bước một bước ra khỏi vòng phấn vạch truyền thống. Nàng nhảy vào thế giới hiện đại với cái thôi thúc của tình yêu, bất chấp mọi cương tỏa. Kéo Mariko vào lòng, cả hai yên lặng nhìn ánh trăng trên sân Thiền lung linh tỏa bóng những trùm lá lung linh. Chợt Mariko lên tiếng "Thượng Ðế ban cho tình yêu cái khả năng cộng sinh. Em muốn có một đứa con. Và từ ngày đó, em thôi làm việc, chỉ lo cho gia đình. Albert-san, anh có bằng lòng không?". Tôi ngạc nhiên. Một kỹ sư trưởng mới ba mươi hai tuổi. Thế là quá xuất sắc. Lệ thường, chắc năm bảy năm nữa nàng sẽ thăng lên chức vị Phó Chủ Tịch lo kỹ thuật cho một cái hãng thuộc loại lớn nhất thế giới. Ngần ngại, tôi nói "M đừng hy sinh sự nghiệp vì gia đình". Lúc ấy, Mariko quay nhìn, dịu dàng " Albert-san, sự cộng sinh mới là cái đích của tình yêu. Khoái lạc là con đường đi tới đó. Sự nghiệp nào cũng không mang lại được sự huyền diệu đó... Em chắc chắn là em không hy sinh gì cả, đừng nghĩ thế, không đúng...".
Bấy giờ, tôi biết Mariko lại vừa tự nguyện quay mình nhảy vào vạch phấn. Tôi ứa nước mắt. Bên ngoài bỗng có tiếng lộp độp. Mariko kéo chăn, nói như reo "Mưa xuân, Albert-san! Thế là ngày mai sẽ nắng!".
Bắt chước những hướng dẫn viên du lịch, Mariko cao giọng ríu rít "Minh Triết đạo, nghĩa là the path of philosophy. Trên con đường giải đá này có bước chân của các thiền sư như Sesshu, các thi sĩ như Basho, và theo truyền thuyết, con đường này là lối đi dạo của Shogun Tokugawa dưới thời Mạc-phủ...". Ngắm Mariko tươi mát trong trang phục màu trắng ngà,  tôi vui vẻ "... thế còn bước chân của những người yêu nhau? Chắc chắn là có những mối tình rất đẹp...". Mariko nhăn mặt, chợt buồn bã "... tình yêu vốn là say mê.  Và say mê lắm khi kéo con người ra khỏi con đường minh triết". Từ lúc đó, nàng nghiêm nghị, vẻ nghĩ ngợi xa vắng.
Bước chậm rãi trên con đường lát đá, chúng tôi đi dọc con sông hẹp, hai bên bờ trồng toàn anh đào đến độ hoa vừa nở. Lòng sông chở đi những khoảng trời xanh chi chít những cành đào đan vào nhau như đan áo, hoa màu hồng nhạt chen hoa màu đỏ tươi, trùng trùng điệp điệp trôi xuôi như đám rước dâu trong buổi hôn phối giữa hình với bóng. Cứ mỗi lần đến trước một cái miếu thờ thần giáo Shinto, Mariko lại đứng lại, nghiêm trang chắp tay, cầu khẩn. Khi đi, nàng vỗ tay, đúng ba cái. Tôi hỏi. Nàng chỉ nói vỗ tay xin đấng Thần Linh. Xin gì? Nàng lại cười, cái cười có đượm nét buồn buồn của kẻ bị khuất phục trước một thứ quyền lực siêu nhiên.
Dọc theo con đường là bẩy ngôi đền thờ, cái số bẩy mang sự bí ẩn Tạo Hóa còn giấu nhân gian. Chúng tôi vào đền Tenju-an. Rồi sau, đền Nanzen-Ji. Cứ thế, Choso-in, Eikan-do, Anraku-gi, và Honen-in. Cuối cùng là Ginkaju-gi, ngôi đền trên cao, dáng khắc khổ nhưng ẩn nét bệ vệ, đá tảng xếp chồng như núi, mái cong vút thếp vàng chóa màu nắng xuân tươi rực rỡ như sắc áo thiền tăng. Quỳ trước tượng Thích Ca, người người lắng nghe tiếng vị sư già ê a đọc Kinh, âm thanh vẳng lên đập vào mái ngói làm đàn bồ câu bay lên rồi lại sà xuống đậu, cánh giương ra trắng xóa nóc chùa. Mariko lại lẩm nhẩm. Nhìn nàng gập mình xuống cầu xin, tôi bỗng chợt thấy Mariko tươi tắn năng động ở L.A. bây giờ là một bóng hình xa lạ. Và cả cái kiến thức khoa học không gian bỗng dưng thành vô cùng bé nhỏ.  Bỗng dưng mang dạng của một thứ huyễn tượng. Bỗng dưng trở thành ảo ảnh.
Nhẹ nhàng dìu Mariko đi ra phía sau đền, tôi chìm đắm trong một cõi an bình dịu lặng. Bên bờ ao, gió thổi ve vuốt làm rơi dăm ba cánh hoa xuống mặt nước lặng lờ. Chợt có tiếng nhảy bõm vào nước.  Mariko mỉm cười, rồi ngân nga nhè nhẹ "... Furuike ya. Kawazu tobikomu. Mizu no oto". Trước vẻ tò mò của  tôi, nàng dịch "Trong ao xưa. Con nhái nhảy vào. Tiếng nước khua". Rồi nắm tay tôi, nàng bảo "Haiku của Basho đấy. Em thuộc được gần ba trăm bài!".
Chúng tôi ra về khi nắng ngả về Tây. Ðến nay, tôi vẫn còn tiếc. Ðáng lẽ ra tôi phải gặng hỏi để biết Mariko đã cầu khẩn gì với Kami ngụ ở những ngôi miếu Thần giáo. Nàng đã van xin thế nào với đấng Thích Ca ở đền Ginkaju-ji. Và nhất là tại sao, hỡi Mariko yêu dấu, tình yêu lại có thể kéo con người ra khỏi con đường minh triết?
Một Góc Trần Gian
Một tháng hai mươi bảy ngày sau tai nạn, tôi tìm lại được khả năng nói một cách tương đối trôi chảy.Lệnh từ não xuống lưỡi và miệng không còn bị vấp vào những mảng rời xô nhau thành âm thanh lắp đi lắp lại. Hai tuần sau đó, tay tôi cử động trừ những đầu ngón vẫn còn bị co quắp. Như vậy là gần đúng với sự chẩn đoán của đám y sĩ. Nhưng họ không nói với tôi về những cơn đau. Cái đau đâm ra từ những con vít bằng pla-tin chạy dọc theo xương sống. Cứ mỗi lúc trở trời, độ ẩm lên xuống là đau, đau thắt ruột, đau nứt óc, đau đến độ mê đi mà vẫn đau. Cái đau của địa ngục đến bất chợt, biến đi, lại thình lình quay lại kéo cho da mặt nhăn nhúm, giật bừng bực, giáng vào đầu như bổ búa tạ. Ngất đi một ngày đến dăm lần, lần nào tôi tỉnh là muốn mê ngay đi, cơn đau trong cơn mê dẫu sao cũng dễ chịu đựng hơn. Cuối cùng đám y sĩ cho trích móc-phin, để tôi giao cảm với nàng tiên trắng những lúc lửa địa ngục bùng đỏ. Tôi gọi nàng là Bạch nương tử.
Bạch nương và Mariko thành hai người thân xót lại trong đời. Trong một tháng hai mươi bảy ngày đầu, cái bíp-bơ lên tiếng đúng bốn trăm sáu mươi chín lần. Tên tôi chính thức là Phan Trung Thành, nhưng Mariko chỉ biết tôi Phan. Hãng IBM giữ lời, không tiết lộ gì nên giả thử dẫu Mariko có tìm tôi qua hàng trăm hàng nghìn tai nạn xe cộ mỗi tuần cũng khó. Vả lại, bíp đến ngày thứ mười, trung bình năm, sáu lần một ngày, hẳn là Mariko không còn cách gì khác hơn. Tội nghiệp. Lần đầu nàng hỏi Why? Rồi sau, nàng van xin Please, let me know! Và Love you! Riết, không hồi âm, nàng chúc tôi hạnh phúc với một người đàn bà nàng tưởng tượng ra. Vẫn biệt tin, nàng viết I hate you. Rồi lại I love you, please come to me. Mỗi lần đọc, tôi ứa nước mắt nhưng hoàn toàn bất lực.
Cơn đau lại sập về đánh úp. Bạch nương, Bạch nương ơi! Bíp bíp. Mũi chích nhói vào. Và tôi bay lên, chập chờn giữa không trung choãi ra trong sương khói huyền ảo. Tôi bắt đầu quên. Bốn tháng sau, đôi khi tôi ngỡ ngàng khi có người gọi tên. Tôi chỉ nhớ cái bíp-bơ. Ngay mật mã giữa tôi và Mariko, tôi cũng không còn đủ sức giải để hiểu nàng nói gì. Những tiếng bíp-bíp vẫn còn đó. Mỗi ngày đều đặn như tiếng gọi. Như tiếng thở. Tất nhiên, thiếu mùi Fleurissimo.  Cho đến một hôm tôi hỏi đến ba bốn lần tên cô y tá Dorothy thì cô báo với người y sĩ già. Ông ta bảo tôi mở mắt, soi đèn pin vào, miệng lẩm bẩm hỏi" Anh nhớ tên tôi không?". Tôi gật. Rõ ràng lắm, tôi nhớ chứ. John, ông John. "Không, anh nhầm, John là người lái xe trong cái tai nạn trên xa lộ". Tôi ngạc nhiên. Người nào lái xe?  Xe nào?  Lạ chưa!  Thế là ông y sĩ không để Bạch nương đến với tôi trong những cơn đau. Ông bảo "... mọc-phin làm anh mất trí nhớ. Bây giờ, anh tỉnh táo rồi nên chúng tôi để anh chọn. Nếu chịu đựng được đau, tôi khuyên anh thôi dùng nó. Nếu không, cứ chích mãi, anh sẽ quên, quên hết". Tôi nhướng mắt nhìn ông. Ừ, quên. Quả là tôi chỉ nhớ tiếng bíp-bíp, còn Mariko thì ngày một mơ hồ như bóng dáng hư ảnh đã nhạt nhòa đi như màu sương trắng trên sân Thiền lối cửa phòng khách sạn tôi nay chẳng biết tên gì. Nhưng trời hỡi, nếu quên hết quá khứ thì tôi chỉ còn cái hiện tại của một kẻ tàn phế, cơ thể lành lặn được sáu mươi, bảy mươi phần trăm với cái sác xuất chưa đến một phần hai. Tôi nhắm mắt. Con người chôn quá khứ thực sự có đời sống hiện tại không?  Ðấy là chưa đả động đến tương lai! Gằn giọng, tôi quả quyết "... thôi, tôi không chích mọc-phin nữa".
Thế là mỗi ngày tôi thăm địa ngục năm ba lần. Xuống rồi lại lên.  Cơn đau cho tôi ngơi nghỉ được một hai giờ, thình lình lại kéo tuột tôi xuống theo đường cột sống đóng cứng vào một thanh pla-tin với những con ốc quái ác cứ xoáy vào não tôi những vòng xiết kinh hoàng thấu xương thấu tủy. Mỗi lần vào địa ngục, tôi cười méo mó bảo Dorothy "... tôi đi shopping center đây". Một lần tôi ngất đi vì đau đớn. Khi tôi tỉnh lại, ông y sĩ già bảo "... chịu đựng của con người có hạn. Thôi, chích mọc-phin lại đi!". Không, chích là tôi lại thành kẻ không quá khứ. Là tôi lại mất Mariko. Và cái hiện tại chỉ còn đồng nghĩa với đống bầy nhầy thịt da và một bộ não liệt dần đi trong ân ái với Bạch nương, người đàn bà rủ tôi đi mây về gió. Không, nhất định không, tôi lắc đầu. Ông y sĩ nhìn tôi ái ngại. Tôi bảo" Khi đau, cho tôi uống rượu! Cognac chẳng hạn!". Ông ngần ngừ. Một ngày sau, tôi là bệnh nhân duy nhất có quyền uống rượu từ khi cái nhà thương này xây cách đây hai mươi năm. Ông y sĩ vui miệng "... thế là nước Pháp lại thắng. Lần trước ở Austerlitz. Lần này thì là vùng Cognac.  Nhưng nói cho cùng, nghiện bạch phiến vẫn nguy hơn nghiện rượu". Giả vờ nâng ly, ông ta nói giọng Pháp ngọng nghịu "... à votre santé!". Tôi gượng cười đáp "merci" và nhìn bóng áo trắng của ông khuất dần cuối hành lang. Nhưng cũng từ chỗ đó, tôi lại thấy con đường Minh Triết hiện ra, đi giật lùi như một cuộn phim quay ngược. Trần nhà trắng nhợt nhạt mênh mang trải ra từ đầu mắt đến cuối mắt. Cặp mắt chỉ có thể liếc qua liếc lại hoặc ngước lên nhìn xuống trên một khuôn mặt dính lên cái đầu đóng cứng vào pla-tin. Thế giới thu hẹp lại, bề bộn những viên thuốc đủ màu, những lần thay băng, những khi buộc phải rửa ráy, những cơn đau cào xé thể xác. May thay, những cơn đau thưa dần. Ðến tháng thứ sáu, đỡ nhiều và nếu có đau thì khoảng thời gian rút lại chứ không đằng đẵng như trước. Ngày giờ còn lại, tôi đợi tiếng bíp. Có, tôi giải mã.  Mariko dọa là phát điên, sẽ tự tử. Mariko viết "... hãy cho em tin, dẫu chỉ một lần. Anh còn sống là đủ. Và nếu anh sống với bất cứ một người đàn bà nào khác, hãy để cho em chúc phúc...". Tôi cắn răng lại.
Bây giờ, nào tôi có còn đâu là tôi, người yêu của Mariko? Khi cô Dorothy  tắm cho tôi, tôi nhìn đôi chân teo lại, hoảng hốt la "My God... these are not my legs". Quơ tay, tôi đập vào.  Không một cảm giác gì. Chết mất.  Phần còn lại giữa hai chân. Cũng vậy. Vô hồn. Lùng nhùng rơi xuống như một cục thịt thừa. Thừa đến độ không làm nổi chức năng bài tiết. Bây giờ, nước tiểu cứ tự động chảy vào cái sắc plát-tích kẹp bên ống chân. Thế thôi sao hả Trời? Vậy thì tôi đâu còn cái khả năng đưa tình yêu của chúng ta đến chỗ cộng sinh? Mariko-san, giấc mơ của em là làm vợ, làm mẹ. Giờ đây, tôi lại không có thể làm chồng, làm cha được. Tôi chỉ là một kẻ tàn phế. Và em, lẽ nào em sẽ là một người đàn bà chỉ tắm cho tôi, đút cho tôi ăn, và rót cho tôi cốc nước rồi đưa kèm mỗi ngày gần hai mươi viên thuốc?
Mariko lại viết "Anh yêu, chờ đợi là một thứ hình phạt ghê gớm.  Không hiểu gì, lại ghê gớm hơn. Ðã sáu tháng, em chờ đợi và không hiểu gì, không biết gì cả. Em gầy đi, mất ba mươi pounds, phải xin nghỉ dưỡng bệnh mấy ngày nay. Cứ thế này, em sẽ chết. Nhưng chết bây giờ lại thành giải thoát. Em không sợ. Ngược lại. Nhưng em muốn sống. Vì em vẫn mong manh trực giác là rồi em sẽ có anh. Sáu tháng bặt tin vừa qua chẳng qua là do bàn tay một bọn phù thủy quái ác sắp đặt để thử thách tình yêu của em. Em chấp nhận. Và em cho chúng thêm sáu tháng nữa. Kể từ hôm nay cho đến lễ Giáng Sinh, em tiếp tục đợi. Em cứ chung thủy đợi, và mỗi ngày em sẽ bấm số bíp-bơ gọi anh. Nếu anh nghe tiếng em gọi, anh sẽ không cứ sắt đá mãi thế được...".
Mariko-san! Anh đâu có sắt đá gì. Anh cũng đang bám víu vào cuộc sống. Bám víu hệt như khi tay anh bám vào chiếc phao trên biển Ðông hai mươi năm về trước. Nay khác xưa, nhìn lên anh chỉ thấy cái trần nhà trắng bệch. Anh tìm nhưng chẳng có một vì sao nào trên cao kia để làm điểm tựa. Bộ Sát - Phá - Tham thuộc sao bản mệnh anh, chúng đã vụn nát khi văng từ xa lộ vào hư không rồi. Cuối cùng, anh chỉ còn tiếng bíp bíp là tiếng gọi của hy vọng.
Ðiều khiển được chiếc xe lăn chạy bằng điện, tôi bắt đầu di chuyển, nhưng phải đợi đến giờ mới có thể ra đi dọc hành lang tầng nhà thương dành cho bệnh nhân dài hạn. Ngày lại ngày, doãi ra buồn nản. Trong nhà thương, người nằm bệnh với cái tâm lý bệnh nhân, dần dần tự mình đào thảo tính tự lập rồi sau đó tùy thuộc vào người khác một cách thật tội nghiệp.  Tôi ngột ngạt, quyết định xin ra bệnh viện và chọn vào một NURSING HOME ở vùng Westminster. Tránh được mùi ê-te và màu trắng của bệnh viện, tôi trở về đời sống, nhưng là đời sống của những người không bình thường. Có Peter, kẻ mất trí nhớ lúc nào cũng ngây ngô gọi bất cứ người đàn bà nào cũng là Mom. Có George, nay chắc đến chín mươi tuổi, đi chôn đứa con trai độc nhất trên sáu mươi vừa chết vì đau tim, bình thản bảo "... tao đã dặn nó đừng chạy. Từ bé, lúc nào cũng nó cũng vội". Có bác X, người mình. Bác gần tám mươi, mạch não chấn động năm ngoái, nay không còn nói được, đi đứng tắm gội đều phải nhờ bác gái. Hơn hai năm, bác gái cứ đều đặn sáng tám giờ vào Nursing Home, chiều năm giờ lại về nhà.
Một tháng sau, tôi xin chuyển vào cùng phòng bác X. Sáng sáng, tôi đọc báo cho bác nghe. Vào bữa trưa, thỉnh thoảng bác gái mang chia cho tôi những món ăn ta. Cơm Mỹ ăn mãi thật ngấy, nhất là loại đồ ăn phải cân đo theo tiêu chuẩn đai-ét, không có tiêu, có ớt, có nước mắm nên nhạt phèo. Một hôm, bác gái tò mò "Sao cứ nghe tiếng bíp bíp, tôi nhỉ?". Tôi tránh không trả lời bác, tảng lờ lăn xe đi ra hàng hiên. Ngừng ở cánh cửa mở nhìn xuống vườn, tôi thầm gọi tên M. Tội nghiệp. Thế là đã chín tháng trôi qua. M vẫn bíp, và tôi tật nguyền, tôi vẫn không bao giờ đáp lại lời gọi. Dưới vườn, dãy hồng thắm trông xa như hoa tầm xuân đã nở, đã tàn và rồi lại nở. Nhưng chúng ta, M ơi, chúng ta thì thì sao? Một nửa phía dưới thân thể tôi vẫn lạnh như đóng băng, và bịch plát-tích đựng nước tiểu vẫn kẹp bên ống chân vẫn còn đấy, trơ trơ ra như thách thức. Ðêm hôm đó, tôi không ngủ được. Nhìn ra cửa sổ, đèn thành phố hắt lên trời thứ ánh điện đủ để chỉ may ra dăm ba ngôi sao sáng nhất còn nhấp nháy cho nhân gian. Dĩ nhiên, ba vì sao thủ mệnh của tôi không còn đó. Và những chiếc vệ tinh bất động chiếu địa cầu bằng một màu xanh hy vọng vẫn ở giai đoạn một dự án khả thi.
Tôi một mình trong Nursing Home. Tôi bất lực. M ơi, tôi bất lực đến độ đã bao lần tôi nghe rồi định bíp lại cho em nhưng rồi tôi lại buông máy xuống. Tôi lại tự nhủ, để ngày mai, hay mốt. Cứ thế, chỉ chưa đầy hai tháng nữa sẽ đến kỳ hạn em hẹn. Chính xác, là 57 ngày 11 giờ 32 phút. Tôi đếm ngày, đếm giờ, đếm phút như tôi đếm thời gian còn lại để rồi sau đó tôi không còn gì, không còn một ai, không tất cả. Thế thì tôi phải sửa soạn cho đến cái thời điểm định mệnh đó. Ít nhất, tôi sẽ quyết định cái chung cục của một đời chẳng còn lý lẽ gì để tiếp tục. Chúa ơi! Con đành mắc tội trọng vậy.
Từ hôm đó, cứ mỗi tuần hai lần vào nhà thương là tôi kêu đau đầu, mất ngủ, lúc nào cũng hoảng hốt đến độ phát rồ. Ông y sĩ già nhìn tôi, ánh mắt thương hại, rồi chậm rãi "... điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thuốc anh dùng có những tác động phụ nên vậy!". Ông ta cho thêm hai loại, một loại vỏ bọc màu trắng nhợt, loại kia là viên màu cam, nhỏ bằng cái móng tay út. Tôi chắc một trong hai loại đó là thuốc an thần. Ðúng thế. Rồi tôi thử. Ðó là những viên màu cam.  Uống vào, tôi bỗng nhẹ tênh đi và cứ thế tôi đi vào giấc ngủ.
Cô Dorothy được phái vào Nursing Home thăm tôi ngày thứ tư hàng tuần, giữa hai lần tôi vào nhà thương như lệ thường. Tôi tiếp tục bảo tôi vẫn mất ngủ, tuy tôi đã bớt nhức đầu. Cô quay sang nói với bác gái, hỏi thăm bác trai, và sau, cứ mỗi lần cô đến, cô đều trò chuyện cả với Peter, với George. Có lẽ vì nghe Dorothy kể mà một hôm, nghe tiếng bíp, bác gái nhìn tôi với nét mắt hơi khác thường. Thình lình, bác bảo " Albert! Trả lời cho người ta đi!". Thế là bác biết. Nhưng tôi giả tảng không hiểu, bấm nút cho xe lăn chạy ra khỏi phòng.
Thời gian còn lại trước Giáng Sinh chẳng còn là bao. Tôi quyết định dùng tận tình thời gian đó. Cứ mỗi sáng Chúa Nhựt, tôi đi xe ca của Nursing Home lên công viên trên đồi RedHill. Còn trưa thứ năm, tôi ra quán Le Bon Café ở khu Laguna Beach. Thời gian còn lại, tôi chuyện trò với đám ngụ cư cùng chỗ, đọc báo cho bác X nghe, và sửa soạn cho chuyến đi xa cuối cùng.
Công viên trên đồi trong ra biển. Từ đó, tôi có thể bắt ống nhòm, nhìn nhà M ở mũi FlyingBird, và thấy được bóng dáng M là đủ cho tôi hạnh phúc cả tuần. Còn quán Le Bon Café, đó là một thứ café-terasse thường thấy ở Âu Châu nhưng vừa du nhập vào Cali, cà phê ngon chứ không nhạt phèo như cà phê kiểu fast - food.
Ðang nhâm nhi, có ai đấy vỗ vào vai tôi. Quay lại, tôi ngạc nhiên.  Một cạâu thanh niên nhìn tôi chòng chọc, hỏi" Hả, anh đấy à? Anh  Albert?". Tôi còn ngỡ ngàng thì anh ta tiếp "... Thăng đây. Em chị Liễu đó. Anh nhớ chứ?". Tôi ngần ngại. Liễu là người đàn bà tôi làm quen bằng cách tông xe cách đây trên dưới bốn năm.  Khi đó tôi còn ở trên Vista Trucha, năm sau mới dọn về San Franscisco, nơi đóng chốt của hãng IBM. Từ đó, tôi bặt tin Liễu, và thật sự, tôi cũng chả muốn kéo dài thêm một chuyện qua đường. Thăng tiếp "... anh sao mà ra nông nỗi này?". Tôi buột miệng "... accident!". Vừa lúc đó, xe của Nursing Home đến đón tôi trờ tới. Ngày hôm sau, Liễu gọi điện thoại.
Liễu đến thăm tôi một cách bất ngờ. Tôi đành chịu trận, lúng túng không biết đối đáp ra sao. Liễu trách "... Anh thiệt! Bỏ đi không nói một tiếng". Nhìn cặp môi Liễu bôi son ướt nhẫy, tôi ngần ngừ "... Cám ơn em tới thăm! Chuyện xưa rồi, bỏ qua đi...". Liễu liếc mắt vào chiếc xe lăn để cạnh giường tôi nằm, hỏi "... anh hổng đi được hả?  Tai nạn làm sao, nói em nghe". Tôi đáp "Thôi, nói làm chi!", cảm giác chao đảo và hụt hẫng bỗng lại ùa về kinh hoảng.
Một tuần trước Giáng Sinh, Liễu lại quay lại, cười "Ngày lễ, mời anh về nhà tụi này cho vui nghen!". Tôi lắc đầu. Bác gái cũng nói vun vào, bảo tối 24 tháng này Nursing Home chắc không có một ai. Trên tầng thứ hai của cái góc trần gian này, Peter sẽ về nhà bà chị, George được xếp đặt đến buổi ăn mừng của Catholic Church ở trên đường Blockhurst, bác X sẽ về với cháu nội, cháu ngoại trên Irvine. Tôi vẫn lắc đầu. Liễu có vẻ thất vọng. Bác gái tội nghiệp đưa Liễu xuống lối ra. Hai người trò chuyện ở cửa một chập rồi Liễu mới đi.
Không, tối 24 là đêm Chúa giáng sinh, nhưng ngày 25 là ngày tôi sẽ chết. Ðó là giới hạn M đã vạch ra. Và khi chết, ai cũng chết một mình. Thế thì cái vắng tênh của Nursing Home thật là một ngẫu nhiên tuyệt diệu. Có đau đớn la hét thì cũng chẳng ai biết mà cứu. Hết như khi tôi lềnh bềnh trên biển Ðông, chỉ khác là ngày trước tôi tìm sống, nay thì tôi an bài lấy sinh mệnh mình ở thời điểm tiếng bíp sẽ bỏ tôi và M trở thành cái bóng xa đi như một giấc mộng đẹp. Lạy Chúa, tôi ở vực sâu kêu lên Chúa tôi. Xin Chúa tôi hãy nhận lời tôi kêu van, hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin. Tôi rồi mắc trọng tội, nếu Chúa chấp tội thì ai đây cứu rỗi, Chúa liệu có quên lòng lành và những lời phán hứa... Ðêm 23, tôi nhẹ nhàng kéo hộp bít-qui ra khỏi ngăn tủ. Dưới lớp bánh, vốc thuốc màu cam lừ lừ hiện ra. Tất cả là 139 viên. Lạy Chúa, Chúa lòng lành. Nhưng con sẽ tự mình kết thúc mẫu đời này dù bây giờ Chúa có bắt con ngàn đời sau sống trong lửa luyện ngục của loài ngã quỷ.
Ðộ 5 giờ chiều 24, bác gái lại bảo "... về nhà với chúng tôi. Cứ coi như gia đình!". Bác trai chỉ còn chớp được mắt, chớp lia lịa, ý bảo nhận đi. Vẫn nằm trên giường, tôi lấy giọng vui vẻ "... thôi, được mà bác. Bác về, hai bữa nữa lại gặp. Cho con chuyển lời chúc cả gia đình Merry Christmas!". Khi mọi người đã xuống nhà dưới, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Cầm chiếc Pagemark, tôi nâng niu, rồi áp môi hôn.  Tiếng bíp bíp. Một phút sau, lại bíp bíp. Tiếng bíp nay đếm thời gian, và cứ như dự định, đúng 12 giờ đêm thì tôi còn nghe được 210 tiếng bíp nữa trước khi đi xa lắc khỏi cái chốn trần gian này. Nhưng đâu đó có tiếng chân ai đi lên. Rồi tiếng kẹt cửa. Mở mắt ra, bác gái đứng đó. Còn ngạc nhiên, bác bước tới chân giường nhìn tôi. Từ từ, bác lôi ra từ cái sách tay đưa lên. Trời hỡi, đó là hộp bánh bít-qui đựng 139 viện thuốc an thần tôi chắt chiu gần hai tháng nay như của cải. Tôi điếng người, ú ớ, định chồm dậy. Nhưng vô phương. Mắt tôi rừng rực đỏ lửa, miệng quát "... trả đây".  Bác gái lắc đầu, nước mắt ứa ra.  Bác đưa tay lên quệt, miệng nhỏ nhẻ "... tôi không biết!  tôi có một đứa con đấy. Nó là con gái...".
Nói xong, bác cầm hộp bánh đi ra.
Phục Sinh
Khi bác gái cầm hộp bánh bít-qui đi, tôi không trách bác nhưng oán Chúa. Chúa ơi!  Có phải người lại bày trò  để rồi thủng thỉnh" ... đã bảo, ta lên thập tự đóng đinh đâu phải để bay muốn làm chi thì làm". Tôi cắn môi đến bật máu, tự nhủ, được, xem ra còn có cách khác. Lên xe lăn, tôi lục lọi. Còn một chai Henessy chưa mở. Một chai Napoleon vơi phần ba. Rồi đồ ăn nữa. Bữa chiều y tá để trong tủ lạnh cho tôi. Bánh ú bác gái mua cho còn bốn cái. Tôi qua phòng Peter và George. Peter ăn khỏe, lại rất thích ăn. Lục thêm được hai hộp bánh bít-qui khô, mấy cục cheese, sáu trái táo và khoảng chục gói Chip, lại khoai chiên Peter lúc nào cũng nhai xột xoạt với hàm răng giả trông như làm bằng sứ. Tôi nghĩ, ăn trước, ăn đến không còn ăn được thì thôi. Rồi uống, uống tất cả Cognac, uống nhanh để gan không kịp bài tiết. Chắc chắn là sẽ nôn mửa. Ðồ ăn ói ra, trào lên mũi. Và thế là tắt thở. Nhưng muốn chắc, phải nằm ngửa. Ðể tránh tay đưa lên quào cho mũi thở do bản năng, tốt nhất là móc chúng vào thành giường. Chúa ơi, lạy Chúa. Con sẽ thành công. Trong sự phạm tội lớn nhất đối với Chúa muôn loài, con thành công huy hoàng, và như thế, chẳng như Thánh Phao Lồ đợi gà gáy ba lần, con bỏ Chúa ngay. Bỏ và không xin cứu rỗi.
Khoảng tám giờ tối, tôi mở nghe radio. Tin Cộng Ðồng. Thôi xin lạy quý vị. Cứ Tony Lâm thế này, Trần Trường thế nọ. Chuyển qua đài Mỹ vậy. Giọng cô ca sĩ da đen hát "Holy night... silent night" vút cao lên. Tiếng hát nhắc nhủ "Ðêm thánh thiện, trên trời sao và dưới đây đều an bình, những bỗng nhiên trong không trung tiếng hát thiên thần dành cho những kẻ chăn cừu vang lừng...". Tôi ngước nhìn tìm một chớp sao trong màu trắng đục vô hồn của bầu trời Bolsa, nhưng không, tuyệt không, không đến không có cả cái không có gì. Tôi bắt đầu ăn. Lại tiếng bíp. Bây giờ tôi ăn theo nhịp bíp. Nhai, rồi nuốt. Nuốt xong lại nhai. M ơi, bíp mau lên. Tôi phải đợi hai tiếng để dạ dày nghiền đồ ăn ra. Rồi uống. Uống theo tiếng bíp. Trước khi uống, tôi sẽ leo lên giường. Ðến lúc sắp say, tôi phải thọc tay vào hai cái thòng lọng tôi đã làm sẵn và móc ở thành ngang đầu giường. Bíp đi em, M yêu. Holy night. Ðêm thánh thiện. Ðêm của những bí ẩn huyền diệu.
Uống hết chai Napoleon, đầu óc tôi bắt đầu chao vào biển. Trên cao, ba vì sao bản mệnh hiện ra. Rồi tôi dập dềnh trở về giàn khoan dầu, nơi tôi làm thông ngôn cho mấy ông Cách Mạng với bọn kỹ sư nước ngoài. Ba tôi cho người báo, đi đi con, không đi sẽ bị bắt. Trước cái biến động đổi đời, Ba tôi đã sắp cho em tôi và tôi vào Tân Sân Nhất, đã lên máy bay ngồi đợi ngày 21-4. Em tôi kêu, ủa, không thấy bà nội đâu. Ba dặn là có nội đi mà. Nó nhảy xuống. Tôi theo. Và khi hai anh em từ Tân Sân Nhất về căn nhà thì không thấy nội. Tôi nói, ra lại sân bay. Nhưng không được nữa rồi. Sau, ba tôi cùng mấy người cận vệ về đưa tụi tôi ra Vũng Tầu, la tụi tôi thật là ngu. Rồi nhà tôi sau đó bị Ủy Ban Quân Quản trưng dụng và dành cho ông tướng Trần Văn Trà. Ở Vũng Tầu được mấy tháng thì ba tôi móc nối cho tôi cái việc thông dịch ở giàn khoan. Còn em tôi, nó vượt biên với tầu đánh cá, bị bắt và nhốt ở Rà Rịa. Ba tôi tổ chức đánh cướp lấy nó mang ra. Sau đó, tin cuối cùng, ba nhắn đi, đi đi con. Hai mươi năm liền vô âm tín, tôi chắc ba và em tôi đã chết. Albert Phan là giọt máu cuối cùng của họ Phan một thời ông cố đã coi cả sáu tỉnh Nam Kỳ dưới triều Tự Ðức. Vậy mà tôi cũng sắp ra đi đây, ba tôi ơi, nội tôi ơi, M ơi!
Mở chai Henessy, tôi tu ừng ực. Rượu cháy cổ đổ lửa xuống dạ dày qua thực quản rát bỏng. Một ngụm. Lại tiếng bíp. Ngụm nữa. Cứ thế. Cho đến lúc gần như không còn biết gì, tôi gắng đưa hai tay vào cái nút thòng lọng đầu giường. Bíp bíp. M ơi, thôi nhé. Merry Christmas, em yêu. Chúng ta đã đến cái giới hạn em quy định. Em còn bíp được, có nghĩa là cái bíp bơ của tôi còn, nhưng tôi, tôi đang hy vọng một chuyến đi không có ngày trở lại.
Tiếng lao xao đánh thức tôi. Ðầu nặng chình chịch, tôi cố mở mắt nhìn xung quanh. Tất cả vẫn lờ mờ. Lờ mờ nhưng có đấy. Muốn nắm bắt cái hiện tại còn lờ mờ này, phải tập trung đi ngược lại bằng hồi tưởng. Chiều hôm 24 là điểm phải tới. Rồi từ đó lần ra tương lai. Như vậy, chuyến tự tử bằng đồ ăn và Cognac là chuyến đi hụt. Sáng 25, người y tá trực Nursing Home đảo một vòng thấy tôi nằm hôn mê trong bãi nôn mửa chua khắm. Hơi rượu nồng nặc và chai Henessy chưa uống hết lăn lóc trên sàn đủ để kể hết sự việc. Lại một thằng say. Say vì cô đơn trong ngày lễ ai có gia đình cũng về toàn tụ. Ðó là chuyện cũng thường.
Bác X nằm trên giường, đưa mắt nhìn tôi. Tay dắt một đưa bé gái, bác gái đến cạnh, nhìn tôi bảo "... tôi say quá! Chiều 25 y tá gọi về, chúng tôi đến nhưng cậu vẫn mê mệt..." Ðằng sau bác, Liễu hiện ra, nói "... mời ảnh về nhà mà ảnh không chịu đó. Tội chưa". Tôi định tìm câu trả lời cho qua thì  Liễu nhìn đứa bé gái tiếp "... Chào ba đi con!". Nép vào mẹ nó, đứa bé gái nhìn tôi chòng chọc, miệng chúm chím "Chào ba... ". Vậy chuyện bác gái nói với tôi là thật sao? Tôi nhìn đứa bé, rồi hỏi "Tên con là chi?", một câu không bao giờ có ai là cha lại hỏi con như vậy.  Nó lí nhí" Là Mai. Mai là tomorrow chớ không là hoa Mai đâu nghen!". Tôi bật cười. Liễu dặn "... Ba đau. Con phải ngoan nghen - rồi quay sang bác gái - Bà à, nhỏ này nói dữ lắm, nói suốt ngày nghe phát mệt đó bà!".
Nhìn bé Mai, tôi ngỡ ngàng. Cố gắng tìm ra cái nét gì đó của tôi, hay dính líu tới tôi cũng được, tôi gọi nó lại gần "Con mấy tuổi?". "Dạ, ba tuổi". "Chà, ba tuổi mà nói giỏi quá". "Dạ, má mắng con "quoài" đó, nói nhiều quá mà!". Tôi lại bật cười, sửa hoài chớ không "quoài". Nó lập lại, vẫn "quoài". Vẫn sai. Vẫn như một lầm lẫn của mọi cuộc gái trai nhẹ dạ.  Tôi đi San Francisco, chẳng để lại địa chỉ cho Liễu cách đây bốn năm. Thế là Liễu mang nặng một mình. Ðẻ đau cũng một mình. Và đến bây giờ tôi mới biết có bé Mai.
Liễu hỏi, giọng trắng trợn "Anh có nhận nó không?". Câu hỏi quả bất ngờ. Tôi ngần ngừ "... nếu là con tôi, dĩ nhiên". Câu trả lời khiến nàng đỏ mặt, tay đập vào thành giường, nghiến răng "... tui mang nó tới xạo anh làm chi?". Tôi biết không nên đáp, chỉ nói lơ. Tuần sau, Liễu lại tới. Khi bé Mai chạy ra hiên chơi, Liễu bảo "... làm test thì biết ai là cha nó, anh chịu không?". Rồi Liễu đay nghiến "Ai bỏ ai? Anh đi không một tiếng. Tháng sau đó, tui tắt kinh. Lẽ ra, bỏ cái thai đi cho xong. Nhưng tui không làm... Bởi vì...". Tôi chận lại, nhỏ nhẹ xin lỗi Liễu. Lỗi tại tôi, muôn phần tại tôi. Tôi biết vậy, ít nhất là chuyện đánh bài chuồn ngày trước.
Một tháng sau, bé Mai đến, tay cầm tờ giấy gập làm tư. Nó tíu tít "Má nói cái giấy này là cái nói ba là ba con đó". Test ADN khẳng định mối phụ hệ của tôi và bé Mai sờ sờ trước mặt. Nhìn bé, tôi bỗng thấy sao mà nó có nét của ba tôi, rồi của nội tôi. Nhất là cái miệng. Miệng nó hơi chề ra, và khi nói thì cong lên hệt như giòng họ Phan nhà tôi. Vừa xấu hổ, vừa cảm động, tôi ôm lấy bé Mai. Hình như tôi khóc thì phải.
Khi bác gái ra về hôm đó, tôi lăn xe theo gọi. Bác quay lại, ngừng chân. Tôi ngập ngừng nhớ đến 139 viên thuốc an thần màu cam, nói" Ðức Mẹ ban ơn cho con qua tay bác. Từ nay bác cho con gọi bác là má. Thế là họ Phan chưa tuyệt giòng đó má!".
Chiếc xe chở tôi đến công viên sáng chủ nhật sau ngày tôi có thêm một người mẹ và một đứa con thơ. Vẫn từ đó, tôi nhìn thấy biển. Tôi nhìn thấy rèm cửa màu xanh lá mạ buông trong phòng ngủ M. Rồi tôi nhìn cái sundeck, nơi có hai cái ghế nhựa trắng đặt hai đầu một chiếc bàn vuông. Trên bàn một bình cắm hoa cẩm chướng, một tách cà phê, một cái đĩa, một cái muỗng, và một cái nĩa. Thế nghĩa là bốn tháng sau Giáng Sinh, M vẫn cứ một mình, chưa đôi lứa gì với ai. Tôi xoay ống nhòm nhìn vào bếp. Quay lưng về phía tôi, M đang lau chùi, mái tóc đen huyền chùng xuống vai. M ơi, tôi đây. Hình như M nghe thấy, quay mặt lại. Không son phấn, nàng trông nhợt nhạt, gầy và già đi, mắt một mí như sụp xuống kéo thành một vệt đen chạy đến cuối mày. 
Lần này ra đây là lần cuối, anh muốn M hiểu cho, nhưng anh vẫn không có cái can đảm cầm điện thoại gọi em, thậm chí, chỉ cần bíp lại cho em một tiếng. Nhìn em cô đơn, anh thấy rõ lẽ công bình không có. Anh có con anh, có mẹ nuôi, có một người tình xưa đến thăm hỏi. Còn em, em có gì?  Em có biển trước mặt, biển vô tận, biển cứ kiên nhẫn đẩy sóng vô bờ. Em có nỗi lo, nỗi hờn, có cái bíp bơ chỉ phát đi mà không nhận về được một lần hơn năm nay. Em băn khoăn, câu hỏi tại sao, tại sao, vẫn đeo đuổi. Vẫn gậm nhấm dày vò. 
Em chung thủy, nhưng bất cứ gì cũng có giới hạn. Vả lại, anh tàn phế thế này, cái giới hạn sớm muộn cũng sẽ đập vào mặt anh như một sự thật phũ phàng, một lời nguyền truyền kiếp. Anh không đủ can đảm đối mặt với cái sự thật và lời nguyền ấy. Cho nên hôm nay là lần cuối anh lặng lẽ đến đây nhìn em và cầu nguyện Chúa độ lượng bao dung cho em trong cuộc nhân sinh muôn trùng sóng gió.
Mariko đi ra sundeck. Nàng mặc bộ đồ ngủ màu trứng gà, thân hình lượn lờ dưới làn lụa mỏng dính, người xiêu đi trong gió sớm.  Nắng mai ngả xuống vai nàng mơn trớn đùa cợt, soi bóng nàng lên mặt sân gẫy đổ như vấp ngã. Ngồi xuống ghế, nàng mở một cuốn sách ra, cúi đầu chăm chú đọc. Ðằng sau, nắng chói làm mảng biển thành vàng ròng chói lóa, vàng như mái đền Ginkaju-gi ở đoạn cuối con đường Minh Triết. Ðám thần linh kami trong những cái miếu Shinto hình như đang ha hả cười diễu cợt, vung những bông hoa anh đào bóp vụn xuống mặt sóng xô nhau chạy vào bờ. Văng vẳng tiếng ông Morishima trong bữa cơm tiễn tôi năm trước ở Kyoto. Gắp thức ăn vào bát cho tôi, ông nhấc kính, chậm rãi"...tôi lên bẩy thì cha tôi mất. Ông là sĩ quan quân đội Thiên Hoàng đóng tại Nam Việt từ năm 41, đâu ở miệt Vĩnh Long, mãi cho đến khi Thế Chiến thứ hai kết thúc...". Tôi vui vẻ ngắt "thưa, Vĩnh Long là quê tôi". Dở kính xuống, ông nhìn tôi, rồi nhẹ nhàng "... à, ra thế". Ngẫm nghĩ, ông tiếp" cha tôi không chịu đầu hàng, trao hết khí giới cho một đoàn quân Việt dưới quyền Trung Tướng Nguyễn Bình...". Tôi lại ngắt lời "thì cha tôi có kể là xưa cha tôi phụ tá cho ông tướng đó". Lần này ông ngạc nhiên, trịnh trọng đeo kính vào, gật gù".. có vậy à!". Trầm ngâm một lát, ông chặc lưỡi" Cha tôi làm phép Seppuku mổ bụng tự tử ở Vĩnh Long. Biết đâu chính từ đó mà Mariko-san có cái duyên phận này với anh. Albert-san, ông nghiêm nghị, vậy thì từ nay tôi giao phó con gái tôi cho anh. Chỉ xin cả hai về đây làm đám cưới năm sau...".
Năm đó đã qua rồi, không cưới xin, chỉ có tiếng phanh xe rít lên, không gian co thắt lại, những mũi chích móc-phin, tiếng bíp bíp và một sự lỡ làng. Cái duyên phận kia, thế là không có. Chỉ còn karma, thứ nghiệp chướng nặng nề đè lên cuộc sống khốn khổ trăm bề của cả hai chúng tôi. Như hóa dại, tôi cất tiếng gào tên Mariko. Có người gọi cảnh sát. Lát sau, xe cảnh sát rồi xe cứu thương trờ tới. Tôi mặc cho nước mắt chan hòa lã chã rơi như mưa rơi về với đất. Mariko vẫn ở tít tắp xa, khắc vào trí nhớ tôi dáng dấp một bức tượng thạch cao. Một bức tượng bất động trong nắng vàng và gió sớm.
Cái góc trần gian nhỏ xíu ở tầng hai Nursing Home bây giờ có thêm Liễu, bé Mai, và bà Roxane. Cứ mỗi tuần, Liễu và Mai vào hai đến ba lần thăm tôi. Ngày chủ nhật cả hai lắm khi ở từ sáng cho đến chiều.
Bà Roxane gày gò, tóc bạc trắng, yếu, đi hay ngã nên cũng ngồi xe lăn. Bà lẩm cẩm, miệng lẩm bẩm suốt ngày "Sony, where are you. Con ơi, con ở đâu?". Khi Peter gọi bà bằng Mom thì bà giật mình, nhướng cặp mắt đã lòa lên như muốn nhìn, cười móm mém nhưng không nói gì. Ảo tưởng có con ở bên là một niềm hạnh phúc an bài cho bà vào cuối đời, kính ơn Chúa.
Bấy giờ, tôi đã rút cục pin nhỏ xíu ra khói cái bíp-bơ. Một cuộc đời không thể tân trang bằng cái quá khứ đã lùi về đằng sau. Và phía trước là chỗ phải đến nên lúc nào cũng manh mối những ước ao và hy vọng. Những hy vọng đó đến từ Mai. Con bé ngộ nghĩnh tay luôn luôn xách con gấu nhồi bông. Nó gọi gấu là Ted. Phiên âm tiếng mình, Ted thành ra Tết, ngày đầu xuân. Cặp Mai và Tết ban sức sống cho tôi  trong cuộc phục sinh vẫn còn đôi chút lấn cấn với Liễu.
Một hôm, tôi hỏi thẳng "… bây giờ tật nguyền, làm chồng thế nào được?". Thế là Liễu khóc bù lu bù loa dắt bé Mai ra về. Cả một tuần, Liễu không gọi điện thoại, và rồi tôi cuối cùng nhấc phôn lên kêu. Ðầu dây, Liễu bảo "Tui sẽ trả lời câu anh hỏi ngày mai!". Hôm sau, Liễu vào Nursing Home một mình, nhìn  tôi "... tui năm nay bốn mươi mốt rồi, dăm ba năm nữa tắt kinh, không cần chi nữa. Anh không làm chồng được nhưng làm cha vẫn được. Tui chỉ thương con Mai, muốn nó có cha nó. Vậy mà anh còn nghi ngờ! Ai đặt điều nói vô nói ra vậy?". Lắc đầu, tôi bảo" Không có ai hết!". Liễu lại bù lu bù loa, nhìn bác gái, to tiếng" Anh lại xạo tui. Ngày xưa, anh xạo, anh bỏ đi. Ngày nay liệt chân rồi anh vẫn còn xạo, anh tính bỏ mẹ con tui nữa, phải không?". Ngượng nghịu nhìn bác gái, tôi xuống giọng "... thôi, cho xin lỗi... ".
Lần sau, Liễu vào thăm nhưng không mang bé Mai theo. Tôi hỏi, nàng than phòng đông người quá, không có riêng tư gì cả, rồi kêu" Tui thì đi làm ít lương, nhưng nếu Bảo Hiểm trả khá, anh vô cái phòng trong góc phía sau cho một người. Con nhỏ nó cần cha nó, tới đây thì người này người kia, lộn xộn... Còn bà già, tui bảo con Mai thôi gọi bả bằng bà nội. Xì, nội ngoại mẹ gì, người dưng nước lã!". Cắn răng, nhưng rồi tôi cũng đổi phòng. Niềm vui duy nhất còn lại là bé Mai, thôi thì chi cũng phải chịu. Mấy bữa sau, nhìn bác gái, tôi nói" Con qua phòng bên kia, nhưng bữa nào con cũng về phòng mình nghen má!". Bác gái xua tay cười "... thoải mái, cứ đi đi, lúc nào về được thì về".
Từ khi đó, Liễu dành phần, chẳng để y tá tắm rửa cho  tôi nữa. " Tui không chịu cho con đàn bà nào đụng vào chồng tui.  Nghĩ  tới mà nổi điên được! Mẹ nó, cái con Jeanne xồn xồn, nó chà xà bông, miệng cười cười, nhìn bắt mệt...". Lắc đầu,  tôi nhìn đôi chân khẳng khiu và cục thịt ở giữa thừa thãi, nói gì Liễu cũng không nghe. Nàng tuyên bố"... Tui giờ xin làm "part-time", rảnh tuần ba bữa, tới tắm rửa cho anh đâu có sao". Hạ giọng, nàng tiếp "... tui tập săn sóc anh cho quen, khi nào về sống với nhau tui tiếp tục chớ còn ai làm y tá cho anh nữa!". Mấy bữa sau, nàng cầm lại một tập quảng cáo nhà bán, giúi vào tay  tôi, nhẹ giọng "... Anh coi cái nào mua được thì tui đi xem trước. Tui có chút tiền dành dụm, "đao" được một phần".
Tối hôm đó, đợi Liễu về rồi  tôi mới lăn xe qua phòng cũ. Dạo này, bác X yếu hẳn. Bác gái ở lại Nursing Home cho đến khi bác trai ngủ mới chịu về. Tôi kể cho bác gái về cái dự định mua nhà. Bác gái chỉ cười. Tôi hỏi "... má nghĩ sao?". Bác gái nhỏ nhẹ "Má già rồi, không muốn nói bất cứ điều gì ảnh hưởng tới những dự định tương lai của ai". Thấy tôi lo lắng, bác tiếp" Người có tương lai phải nhìn cho xa, và xử cho công bình. Thế dạo này  Albert  còn nghe tiếng bíp không?". Câu hỏi vô tình như mũi kim đâm nhói vào tim. Tôi lắc đầu. Cái bíp-bơ không có pin đã ngậm tăm. Tôi đáp "Con không biết!". Duyên cớ gì má nuôi lại bất ngờ hỏi tiếng bíp huyền diệu đã giữ cho tôi sống hơn một năm từ ngày định mệnh chẻ lối vào một ngã rẽ đưa tôi đến cái Nursing Home này?
Tiếng radio láo nháo "Jingle bell... Jingle all the ways" dịp Giáng Sinh đã bắt đầu. Thế là một năm sắp trôi qua. Ðám y tá ở Nursing Home kết hoa chăng chữ "Merry Christmas" ở góc phòng công cộng, đặt một cây thông bằng plát-tích, dưới cây để hang cừu, Ðức Mẹ, thánh Joseph và Chúa Hài Ðồng cũng bằng Plát-tích. Ông George sắp 91 tuổi thều thào "Năm nay tao không đi nhà thờ nữa. Ở đó sao mà toàn bọn già khụ, chán lắm!". Peter nhìn Roxane, vừa gọi Mom, Mom, vừa nhai "chíp" lạo xạo. Còn Roxane, bà nghệt ra nghe những bài hát Giáng Sinh, vẫn lẩm bẩm đúng một câu" Sony! Con đâu hả con?".
Cali bất chợt đổ mưa và lạnh hẳn xuống, trời đục lại như lòng trắng mắt những người lòa. Một sáng sớm, có ai đó hét ầm lên đánh thức cả đám ngụ cư tầng hai của Nursing Home. Không biết thế nào bà Roxane cởi hết áo quần, nằm co người đầu gục vào bánh xe lăn, trông như một bộ xương ngâm phóc-môn đen đủi cong queo. Bà chết. Cái dư âm của câu bà hỏi "Sony! Con đâu hả con?" vẫn còn luẩn quẩn đâu đây. Ðám ngụ cư bỗng như hụt hẫng. Tội nghiệp Peter, miệng cứ kêu Mom, Mom, wake up, dậy đi. Trừ George, mồm lại lầu bầu "... già thế mà vội, cứ như thằng con tao vậy!", ai nấy im lặng buồn bã.
Người ta giữ xác bà Roxane một ngày làm thủ tục rồi mang đi. Hình như cuối cùng họ có liên lạc được với đứa con trai bà làm ở tận Alaska, nhưng không một ai biết hắn có về chôn mẹ không. Dẫu sao, đã chết thì Roxane còn biết gì nữa. Chỉ những người còn sống băn khoăn, dĩ nhiên trừ ông George. Tôi tìm sang phòng bác X, nói với bác gái"... con sợ, má à! Chết như vậy ghê quá". Bác nghĩ đến cái hộp bánh bít-qui đựng 139 viên thuốc an thần và trận ói mửa của tôi vào lễ Giáng Sinh năm ngoái, nhìn bác trai rồi chậm rãi" Chết thì chết thế nào cũng ghê cả ".
Liễu ở đâu thình lình xộc vào, khẽ gật đầu lạnh lùng chào bác gái, miệng bảo" Nè anh, có người muốn gặp đang đợi anh trong phòng!" rồi ngoe nguẩy đi ra. Tôi lăn xe theo. Một người đàn ông trung niên, mang kính trắng gọng vàng, ăn mặc đồ bộ trải chuốt, tay sách cặp, tay kia chìa ra bắt. Cười cười, ông ta nói" Xin chào... xin chào, Tôi là Luật sư Trịnh quốc Hà. Nhìn Liễu, ông ta tiếp, chị đây có nhờ tôi lo một số thủ tục để ổn định tình trạng dân sự ta nên làm ngay cho yên tâm". Dứt lời, ông ta chìa cho tôi tấm danh thiếp và hai thếp giấy. Thếp đầu là tờ khai  tôi nhận bé Mai là con và xin đổi họ cho bé ra họ Phan. Thếp thứ hai dầy hơn, là nháp một bản Chúc Thư. Luật sư Hà trịnh trọng" Bản Chúc Thư này là bản mẫu, nhưng thân chủ tôi ai cũng ký, cho là cái mẫu đầy đủ đàng hoàng nhất đấy". Liễu chêm vào, chết để của cho vợ cho con, nhằm nhè gì, ký đi cho rồi. Nói xong, Liễu rút bút đặt lên bàn. Tôi lặng người đi. Xoay thếp giấy trên tay, tôi thấy nó mỗi lúc một nặng, mắt cay sè, bụng thót lại. Lát sau, tôi nói "Ông để cho tôi đọc đã". Luật sư Hà vui vẻ" Dĩ nhiên. Ký nay cũng được, mai cũng chẳng muộn gì!".
Tối hôm sau, bác X đuối sức cố mở mắt nhìn quanh. Dẫu lờ đờ, mắt bác cũng vẫn lộ ra nét hoảng hốt. Không biết làm sao mà bác bỗng xua tay được, miệng thều thào "... Ði. Chúng mày đi đi". Hình như có ai đến rủ rê, bác cố xua tay đuổi. Phải chăng đó là một đoàn âm binh vô hình đứng lẫn vào đám con đám cháu bác, người muốn kéo lại, kẻ muốn xô đi? Bác tiếp tục, hết sức tay xuôi xuống, xong lại cố giơ lên xua, nhưng không nói gì được nữa.
Liễu lại vào, lần này dắt theo bé Mai. Con nhõ thì thào" Chuyện gì đó ba?". Thấy tôi lặng im, nó thủ thỉ tiếp"... má nói kêu ba ra". Về phòng, Liễu hỏi ngay" Sao? Anh ký chưa?". Tôi lắc đầu. Liễu tru tréo" Ký rồi chuyện mua nhà mới làm được chớ! Không lẽ anh tính ở lại cái Nursing Home này cả đời?". Tôi lại lắc đầu, bảo thôi, để mai mốt. Nhìn Liễu vùng vằng lôi tuột bé Mai xuống thang, tôi bỗng xót xa, tai văng vẳng câu độc nhất bà Roxane biết nói "Con ở đâu hả con? ".
Tôi lăn xe vào phòng bác X. Bây giờ, thỉnh thoảng bác thở hắt ra, người dướn lên, nhưng tay vẫn quơ lên xua. Bác gái thì thào" Thôi, ông đi cho thanh thản!". Khi cô con gái bác không còn kìm được nấc khóc rít lên, tôi lẳng lặng lăn xe ra hàng hiên. Nhìn lên trời, tôi trong mắt tìm một chớp sao. Cái chớp sao hẳn đâu đó, chắc là cố định như những vệ tinh bất động đúng như lòng mình ao ước. Nó không tắt đi để rồi mãi mãi lạc loài như một linh hồn mỏng mảnh vừa cất cánh về một cõi người không ai biết. Cả đêm, tôi chập chờn ngủ. Nỗi sợ hãi biến ra một chuỗi mộng mị liên miên. Tôi thấy mình lăn xe trong một căn nhà lạ, miệng gọi bé Mai, nhưng sao mãi chẳng thấy nó đâu. Bản Chúc Thư lại hiện ra. Nào là tiền Bảo Hiểm. Nào là lương cho nhân viên phế dụng của hãng IBM. Toàn là tiền. Và rồi khoản qui ước rằng tất cả tài sản sẽ thuộc về Phan Thanh Mai, con gái Albert Phan Trung Thành, nhưng trước mười tám tuổi thì do Trần Thị Liễu quản lý và xử dụng. Tôi lại gọi" Mai ơi!". Vẳng lại là tiếng Liễu cười sằng sặc, và tiếng đàn ông hệt như tiếng luật sư Hà ở phòng bên. Ai đó kìa? Thì còn ai nữa! Dăm ba năm nữa mới tắt kinh, bộ để đó thờ à?
Sáng hôm sau, tôi xé làm đôi bản Chúc Thư do Luật sư Trịnh quốc Hà trao tay, nhét vào phong bì và đưa cho phòng tiếp khách của Nursing Home nhờ trả, dặn đi dặn lại" Tôi không muốn tiếp bà ấy nữa! Ðừng bao giờ cho bà ấy lên phòng tôi!". Ít ngày sau khi ma chay cho bác X, bác gái lại trở lại Nursing Home thăm tôi. Mừng quýnh lên, tôi kêu như đứa trẻ" Má, trời ơi. Con cứ tưởng... ". Tôi kể cho bác nghe về bản Chúc Thư đã xé, giọng nghẹn ngào"... con nằm mơ thấy con bị bỏ đói, chết dần chết mòn, kêu hỏi bé Mai mà không ai trả lời. Trời ơi!  Lúc đó con sợ chết...". Bác gái đập tay lên tay  tôi, cười rồi chậm rãi "... đấy, thế là phục sinh. Muốn sống lại thì phải sợ chết chứ!".
Sau Ðoạn Kết
Vẫn ở Nursing Home nhưng từ ngày đó cứ thứ bảy chủ nhật Albert lại về nhà má nuôi. Ở đấy, tôi đã gặp nhân vật của tôi. Và đây cũng đến lúc tôi đi tìm lại dấu phẩy đã xin rút ra ở đoạn vào câu truyện này.
Chúng tôi ra vườn hút thuốc. Theo chiếc xe lăn chạy bằng điện lách vào cửa, tôi nói nhỏ"... sau những ngày mưa, nắng ở đây huy hoàng lạ lùng". Albert cười nhẹ, khuôn mặt bất chợt thanh thản trẻ thơ. Góc vườn, hai cây diệp chụm vào, vươn lên, da dẻ trắng bệch pha một chút xanh nhớt, lá non to hơn lá dăm, chao nghiêng trên những chiếc cành ẻo lả. Nhìn chằm chặp, Albert bảo" Từ chỗ này, cây trông giống như đôi chân đàn bà đang dạng ra". Chép miệng,  Albert vỗ nhẹ chân phải, vu vơ "Chân này có cảm giác rồi. Ngón đã đụng đậy được. Bọn y sĩ chẩn đoán thế là gần đúng. Họ bảo chân này nếu hồi phục thì hai năm". Chỉ cái chân trái, Albert thở dài"… Còn nó, ba năm. Dài quá. Thế là còn tám tháng nữa mới biết... Tôi đã đề nghị với y sĩ là cắt nó đi. Ði với một chân thật, một chân giả lắp vào cũng được...". Chợt đổi giọng, Albert bực bội"... sống tùy thuộc vào người khác cực lắm.  Tôi vẫn sợ lòng thương hại.  Tôi tự mình đi được thì tất nhiên lòng thương hại đó ắt giảm xuống. Như thế dễ thở hơn nhiều". Chẳng hiểu sao tôi buột miệng"... Albert tin rằng Mariko thích một chân thật, một chân giả?". Nói xong cái câu thật bất ngờ đó, tôi lảng nhìn ra xa.
Albert mân mê chiếc bíp-bơ. Tôi đưa tay cầm lấy, định hỏi song lại thôi. Hai chân  Albert, thịt teo lại, nằm lẳn vào hai ống quần rộng thùng thình. Bình plát-tích đựng nước tiểu nay không cần thiết. Cơ điều khiển bọng đái đã hồi phục, và không như trước, tiểu tiện có thể kiểm soát được. Chỉ còn cái chân trái và một thời gian tám tháng. Sau, tập đi. Cơ bắp thế nào cũng trở lại trạng thái bình thường. Tôi đưa trả cái bíp-bơ, vờ nói như không có gì quan trọng"... nó còn bíp chứ?". Mặt  Albert bỗng rạng rỡ" Còn. Nhưng bây giờ thì chỉ thỉnh thoảng!". Như thế, Mariko tự mình bỏ cái hẹn một năm. Nhưng Albert vẫn không bíp lại trả lời. Tôi rùng mình. Trời ơi, nỗi đợi chờ. Chờ khắc khoải. Chờ một tiếng bíp trong quá hai năm. Tôi nói" Albert là một người may mắn!". Albert cười. Tôi tiếp, gắng giữ giọng bình thản"... nhưng còn bắt Mariko chờ thì quá bất công. Và tàn nhẫn. Tàn nhẫn có lẽ vì hèn nhát. Ðối mặt với tình yêu cần công bình và dũng cảm...". Mặt Albert bỗng nhòa nước mắt, hai tay ôm lấy đầu, vai rung lên như trúng gió. Từ lúc ấy, tôi bảo tôi sẽ viết câu truyện này cho Albert.Tôi cũng nói thêm là văn chương không chỉ nhằm giải trí người đọc. Tôi mong truyện tôi viết ít nhất cũng làm Albert nghĩ  kỹ rồi đáp lại tiếng bíp dẫu chỉ một lần. Có thế, tôi mới gửi đăng truyện, còn như không, tôi sẽ mang bản thảo ra xa lộ đúng chỗ có cái tai nạn tàn khốc kia. Rồi quăng nó từ trên trời xuống đất đen cho nó tan tành bay thành một đàn bươm bướm dại.
Nằm xuống thảm cỏ mới bắt đầu xanh, tôi nghiêng người nhìn về phía cây diệp da dẻ đàn bà. Hít cho đầy buồng phổi, tôi như say không khí, đầu lơ lững giữa cái có và cái mất một đời người. Giữa những vệ tinh bất động và những chớp sao băng. Tâm trí tôi cứ xô giạt bập bềnh cho đến lúc tôi ngửi thấy một mùi thơm dịu dàng đầm ấm. Có phải là Fleurissimo? Nhưng nào tôi có biết mùi Fleurissimo là gì? Mùi thơm vẫn thoang thoảng đâu đây. Tôi lại nghe lời Mariko văng vẳng xa xôi, rằng tình yêu có thể kéo con người ra khỏi con đường của Minh Triết, con đường lát đá cạnh lòng sông hẹp  chở  đi những khoảng trời xanh chi chít những cành đào đan vào nhau như đan áo, hoa màu hồng nhạt chen hoa màu đỏ tươi, trùng trùng điệp điệp trôi xuôi như đám rước dâu trong buổi hôn phối giữa hình với bóng.
Không, không thễ thế được. Mariko ơi, tình yêu chính là đích của con đường Minh Triết đó. 
Tôi thiếp đi không biết bao lâu, nhưng khi nửa thức nửa ngủ, rõ ràng tôi nghe tiếng bíp-bíp. Tôi chồm dậy. Mặt trời đã xế, Albert không còn đó, nhưng cây đào vườn cạnh nhà vẫn đấy, đỏ rực rỡ dưới ánh nắng chiều. Bolsa, Bolsa! Ði đâu cũng nhớ về ta ngậm ngùi. Thế là tôi đổi ý. Bây giờ, tôi mãi mãi rút hẳn đi dấu phẩy. Tôi chỉ giữ lại hy vọng. Vì cái đích của con đường Minh Triết vẫn còn đó, Mariko ạ.
Sau tiếng bíp của Albert để truyện này lọt vào mắt bạn, bạn đọc thân yêu, tôi không hỏi và chẳng biết thêm điều gì. Tất cả phải chờ đoạn kết, nếu bắt buộc rằng hễ truyện thì rồi phải kết một cách nào đó. Thôi xin để bạn tùy nghi xếp đặt lấy, còn lại phần sau đoạn kết thì dẫu định mệnh an bài thế nào cũng vẫn là sự sống quý báu. Biết thế, nhưng mấy ai tránh khỏi cái vị đắng chát thấm vào đầu lưỡi dấu vết ngậm ngùi của những vì sao đóng như đinh đóng vào lá số tử vi?.
1/4/2000
 Theo http://amvc.free.fr/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...