Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Kim Vân Kiều đính giải 2

Kim Vân Kiều đính giải 2
Chương 8:
CÂU 363 ĐẾN CÂU 452
“Vàng đá ân cần, tóc tơ căn dặn”
363. Từ phen đá biết tuổi vàng, [1]
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.
365. Sông Tương một dải nông sờ, [2]
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
367. Một tường tuyết ủm sương che,
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng. [3]
369. Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua. [4]
371. Ngày vừa sinh nhật ngoại gia, [5]
Trên hai đường dưới nữa là hai em, [6]
373. Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
Cần dưng một lễ quỳ đem tấc thành. [7]
375. Nhà lan thanh vắng một mình, [8]
Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay. [9]
377. Thời trân thức thức sẵn bày, [10]
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.
379. Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng, [11, 12]
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông :
381. Trách lòng hờ hững với lòng,
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu. [13]
383. Những là đắp nhớ đổi sầu,
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm. [14]
385. Nàng rằng: “Gió bắt mưa cầm, [15]
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy. [16]
387. Vắng nhà được buổi hôm nay,
Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng !” [17]
389. Lần theo núi giả đi vòng, [18]
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
391. Xắn tay mở khóa động đào, [19]
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-thai. [20]
393. Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,
Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên. [21]
395. Sánh vai về chốn thư hiên,
Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông. [22]
397. Trên yên bút giá thi đồng, [23]
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên. [24]
399. Phong sương được vẻ thiên nhiên, [25]
Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi. [26]
401. Sinh rằng: “Phác họa vừa rồi, [27]
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.” [28, 29]
403. Tay tiên gió táp mưa sa, [30]                                                        Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
405. Khen: “Tài nhả ngọc phun châu, [31]
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này ! [32]
407. Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang ?”
409. Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang, [33]
Chẳng sân bội ngọc cũng phường kim môn. [34]
411. Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay ? [35, 36]
413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời : [37]
415. “Anh hoa phát tiết ra ngoài, [38]
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.”
417. Trông người lại ngẫm đến ta,
Một dầy một mỏng biết là có nên ?”
419. Sinh rằng: “Giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều. [39]
421. Ví dù giải kết đến điều, [40]
Thì đem vàng đá mà liều với thân ! [41]
423. Đủ điều trung khúc ân cần, [42]
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. [43]
427. Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.
429. Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.
431. Cửa ngoài vội rũ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
433. Nhặt thưa gương giọi đầu cành, [44]
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu. [45]
435. Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
437. Tiếng sen sẽ động giấc hòe, [46, 47]
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. [48]
439. Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, [49]
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
441. Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. [50]
443. Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao ?”
445. Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp song đào thêm hương. [51, 52]
447. Tiên thề cùng thảo một trương, [53, 54]
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
449. Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
451. Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. [55]
Đính chính và xác định
Câu 367: Một tường tuyết ủm sương che – Câu này nghĩa là chỉ có một bức tường phân cách hai người mà thôi, thế mà sao trông nó có vẻ nghiêm trang lạnh lùng như tuyết ủm, như sương che mù mịt hết lối thông tin tức. Chữ “ủm” câu này các bản kiều quốc ngữ bản thì in là “điểm” bản thì in là “trở” hay là “chở”. Đó là vì chữ “ủm” nôm viết là [] (ảm = tối, tiếng nôm ta đọc trạnh ra là ủm), sau vì khắc đi khắc lại khắc lầm [] (ủm) ra [] (điểm). Tôi đã thấy có bản nôm in là [] (điểm) như vậy. Các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ sau, người thì theo nguyên bản nôm dịch là “tuyết điểm sương che”, người thì thấy “tuyết điểm” vô nghĩa, mới đổi là “tuyết trở sương che” hay “tuyết đón sương che” cho có nghĩa. Nhưng “tuyết điểm” vô nghĩa đã đành, mà“trở che” hay “che đón”cũng không đúng nghĩa chỗ này, vì “che chở” có nghĩa là bênh vực, chứ không có nghĩa là che kín đường thông tin tức. Còn “trở che” thì không ai nói, người ta chỉ nói “ngăn trở, ngáng trở, hay cách trở” để tỏ ý ngăn cách. Vậy xin đính chính câu này là “Một tường tuyết ủm sương che [     𩂏] ” cho thật đúng chữ, đúng nghĩa.
Câu 374: Cần dưng một lễ quỳ đem tấc thành – “Cần dưng” nghĩa đen là dưng một mớ rau cần, nghĩa bóng là nói khiêm dưng một lễ quê mùa đơn bạc. Hai chữ này lấy điển sách xưa nói có một người trồng được ruộng rau cần, mình ăn thấy ngon, mới mang một mớ to đi biếu quan ; quan ăn chê không ngon, người kia xấu hổ trở về. Sau người ta dùng chữ “cần” để nói khiêm về lễ vật quà cáp của mình cho ai. “Quỳ đem tấc thành” nghĩa là đem tỏ tấm lòng thành kính quý mến như hoa quỳ lúc nào cũng hướng về mặt trời. Tác giả dùng “quỳ đem tấc thành” đối với “cần dưng một lễ” thật hay, thật trang trọng, nhưng nghĩa khó hiểu. Người sau không hiểu mới đổi là “biện dưng một lễ, xa đem tấc thành.”
Câu 376: Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay – Chữ “rành” [+] và chữ “đành” [] các bản Kiều nôm thường khắc là “đành” [] cả. Suy xét thì chữ này ở câu này phải để là rành mới đúng nghĩa hơn.
Câu 378: Chữ “mé” và chữ “mái”, chữ nôm cùng viết là [𠃅]. Câu này các bản quốc ngữ in là “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường” thật là sai nghĩa. Tường làm gì có mái, mà cho là tường có mái đi nữa, thì hóa ra Kiều dạo tới nhảy qua tường chăng? Vậy nên phiên âm là “dạo ngay mé tường” mới đúng.
Câu 404: Khoảng trên vẫy bút thảo và bốn câu – Sách Hán có câu [        = văn bất gia điểm nhất huy nhi tựu = văn không thêm chấm nào, một vẫy bút là xong] để tả thi tài của Hàm Đan Thuần 13 tuổi, vâng lệnh quan thảo bài bia kỷ niệm hiếu nữ Tào Nga. Những bản kiều quốc ngữ viết là “vẩy bút” hay “dừng bút” đều là không biết điển này mà sửa lại thành ra sai nghĩa cả. Bởi vậy cần phải đính chính và xác định lại cho đúng.
Chú giải và dẫn điển:
[1] Đá biết tuổi vàng: Ý nói Kim Trọng đã gạn hỏi biết được lòng Kiều rồi, như thể dùng đá thử biết đích xác được vàng mấy tuổi. Trước kia người buôn vàng vẫn dùng một hòn đá màu đen để vạch thỏi vàng lên xem vết vàng ở mặt đá mà nhận biết tuổi vàng là bao nhiêu – vàng nguyên chất là vàng 10 tuổi; càng pha nhiều đồng thì tuổi càng giảm đi, thí dụ nói vàng 7 tuổi là vàng có pha 3 phần đồng, chỉ có 7 phần là vàng.
[2] Sông Tương… cuối kia: Hai câu này lấy ý ở bài thơ trong Tình sử:
[     = quân tại tương giang đầu = chàng thì ở khúc đầu sông tương]
[     = thiếp tại tương giang vĩ = thiếp thì ở đoạn cuối sông tương]
[     = tương cố bất tương kiến = cùng ngó nhau mà cùng chẳng thấy nhau]
[     = đồng ẩm tương giang thủy = chúng ta cùng uống nước sông tương]
[3] Tin xuân = thư từ kể tâm tình thương nhớ nhau.
[4] Thưa hồng rậm lục : Thưa hồng = hoa đã ít đi. Rậm lục = lá cây đã mọc nhiều và màu xanh thẫm hơn. Lấy ý ở Tây Sương Ký [       = lục ám hồng hi xuân khứ dã = lá cây màu xanh đã sẫm, hoa đỏ cây đã thưa, mùa xuân đã đi rồi].
[5] Sinh nhật ngoại gia = lễ sinh nhật nhà họ ngoại.
[6] Hai đường = cha mẹ. Chữ hán là song đường [ ]; nghiêm đường [ ] = cha, từ đường [ ] = mẹ; hay xuân đường [椿 ] = cha, huyên đường [ ] = mẹ]
[7] Cần dưng: Xem lời xác định câu 374 bên trên. Tấc thành = tấm lòng thành kính.
[8] Nhà lan = nhà có hoa lan thơm tho tao nhã. Chữ Hán là lan thất[ ].
[9] Hội ngộ [ ] = họp mặt truyện trò với nhau.
[10] Thì trân [ ] = những đồ ăn ngon quý trong mùa, như các thứ trái cây. Thức thức = thứ nọ thứ kia. Câu Thì trân thức thức sẵn bày này rất hay, và tác giả tả ý đề phòng tinh tế của Kiều. Trước khi sang hội ngộ với Kim Trọng, nàng sắp sửa việc nhà chu đáo để phòng khi cha mẹ về khỏi ngờ nàng bỏ nhà đi cả ngày. Nàng bày sẵn một bàn bánh trái để khi về, ai cũng tưởng nàng luôn luôn mong đợi cha mẹ và các em. Nhiều nhà chú thích truyện Kiều cho câu này là thừa, đáng bỏ, thật là sai lầm. Ông Nguyễn Khắc Hiếu thì cho là tác giả đặt câu này rồi quên không nói là để làm gì. Ông Trần Trọng Kim thì nói không biết Kiều bày những đồ thì trân đó để làm gì. Một ông Tàu dịch truyện Kiều diễn ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thì nói là Kiều làm đồ uống rượu để đem sang nhà Kim Trọng, vì tục Tàu cuộc vui phải có đồ ăn uống. Ôi, cái nẻo thông phải rạch rào mới được lối đi, thì bưng qua sao được mâm thì trân thức thức sẵn bày! Thật rất vô lý, chẳng khác gì ông Hiếu cho là tác giả bỏ quên mâm đó.
[11] Dắng = ho một tiếng để làm hiệu trước khi nói.
[12] Tiếng vàng = tiếng trong vang êm ái dễ nghe.
[13] Lửa hương = cái tình yêu đã thề với nhau, do ba chữ hương hỏa tình [  ] dịch ra. Hương hỏa tình là tình khói lửa, vì lúc thề với nhau vẫn thường đốt hương mà cùng thề ở trước trời đất quỷ thần.
[14] Hoa râm: Ở Bắc Việt có cây râm, nhị hoa cái trắng cái đen, mọc thành chùm lẫn lộn nhau, nên người tóc dở bạc dở đen gọi là đầu hoa râm.
[15] Gió bắt mưa cầm: Lấy ý từ thơ của Tiền Khởi đời Đường [          = chỉ xích sầu phong vũ Khuông Lư bất khả đăng = chỉ gần trong gang tấc thôi mà buồn vì mưa gió mà không lên được núi Khuông Lư].
[16] Cam = chịu lỗi. Tri âm = biết lòng nhau. Theo điển Bá Nha gẩy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha nghĩ gì khi gãy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm.
[17] Tạ lòng = tạ lỗi phụ lòng mong đợi nhau.
[18] Núi giả = núi chất bằng đá làm cảnh ở trong vườn.
[19] Động đào = cảnh tiên.
[20] Thiên thai = tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết giang bên Tàu, phong cảnh rất đẹp. Tương truyền đời nhà Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên thai hái thuốc thì gặp hai nàng tiên, lưu lại ở đó nửa năm rồi xin về thăm nhà. Khi về đến nhà thì ra đã được 7 đời người rồi!
[21] Vạn phúc [萬福] = lời đàn bà chào ai, tỏ ý chúc mừng. Hàn huyên[ ] = lời đàn ông chào ai, tỏ ý hỏi thăm sức khỏe, lạnh (= hàn) hay ấm (= huyên) thế nào.
[22] Góp lời phong nguyệt có nghĩa đen là kể những câu thơ vịnh gió thưởng trăng, và nghĩa bóng là nói đến những chuyện tình tứ vui vẻ với nhau.
[23] Bút giá = cái giá để gác bút. Thi đồng = cái ống để đựng những bài văn, thơ viết vào giấy cuộn lại. Bút giá, thi đồng là hai thứ trang sức bày trên án thủ của một văn sĩ.
[24] Đạm thanh = lối vẽ bằng mực nhạt lỏng (thủy mạc). Tranh tùng = tranh vẽ cây thông.
[25] Phong sương = đã chịu nhiều phen gió bão to, sương tuyết lạnh. Người xưa quý cây thông vì nó đứng thẳng, cao, vững, lại chịu được sương tuyết mùa đông vẫn xanh tốt. Nó được ví như người quân tử khí khái thẳng thắn.
[26] Mặn khen = khen một cách nồng nhiệt.
[27] Phác họa = vẽ một cách thô sơ lấy hình đại khái, chưa tô điểm cẩn thận. Ý nói khiêm là vẽ thô vụng.
[28] Phẩm đề = đề một bài thơ phê vịnh khen ngợi khéo đẹp thế nào.
[29] Thêm hoa = làm cho đẹp thêm lên, như vẽ thêm hoa vào tấm gấm, lấy điển ở bốn chữ [    = cẩm thượng thiêm hoa = thêm hoa trên gấm].
[30] Gió táp mưa sa = đưa bút nhanh như gió và nét mực đi đến đâu như mưa tưới hoa đến đó.
[31] Nhả ngọc phun châu = ý thơ đã hay như nhả ngọc ở trong lòng ra, lời thơ lại đẹp như phun ngọc ở trong miệng ra.
[32] Nàng Ban Chiêu [ ] đời Hán, và ả Tạ Đạo Uẩn [  ] đời Tấn, đều là những tài nữ nổi tiếng thông minh ngay từ lúc nhỏ. Ban Chiêu được vua Hán vời vào cung dạy hoàng hậu và cung phi; nàng vào đó tra khảo sách vở tiếp tục làm xong bộ sử của anh là Ban Cố. Nàng Tạ Đạo Uẩn thì bàn văn thơ khiến nhóm văn sĩ trứ danh phải phục.
[33] Dung quang = hình dạng với màu sắc và vẻ thông minh hiện ra ở mặt. Liếc dung quang = xem tướng mặt.
[34] Ngọc bội: Sách Lễ Ký có câu [    = quân tử bội ngọc = người quân tử đeo ngọc] để tỏ ý phải giữ đức hạnh mình trong quý như ngọc. Sân ngọc bội là nơi những người đeo ngọc tức là nơi triều đình, vì các quan vào chầu vua đều có đeo ngọc trước bộ áo chầu. Kim môn: Vua Hán Vũ đế bắt được con ngựa thần, sai đúc tượng ngựa đồng để ở trước của cung Vị ương, gọi cửa đó là Kim mã môn hay là Kim môn (cửa ngựa vàng). Các quan học sĩ phải ngồi ở trong nhà gần Kim môn để đợi lệnh vua sai khiến. Phường Kim môn hàm ý hạng quan văn học giỏi.
[35] Khuôn xanh = khuôn thiêng = ông trời.
[36] Vuông tròn = cho được nên vợ nên chồng tử tế.
[37] Tướng sĩ = thầy xem tướng người.
[38] Anh hoa phát tiết [   ] = vẻ thông minh tài hoa tiết lộ ra ngoài quá = tướng xấu, nhất là về phần con gái.
[39] Nhân định thắng thiên [   ] = người ta cứ quyết tâm mà làm cho kỳ được, thì có thể thắng được số trời].
[40] Giải kết: Giải [] = gỡ ra. Kết [] = nút oan nghiệp. Giải kết là lời đọc bùa ếm để gỡ ra những nút oan nghiệp cho khỏi gặp những tai vạ sau này. Tục ta xưa, trước khi nói một câu chẳng lành (thí dụ “chắc gì sẽ nên duyên”), thì thường nói ếm trước rằng “nói giải kết đổ đi, nếu sau này có xảy ra sự ngang trái làm cho đôi ta không lấy được nhau, thì quyết giữ lòng bền vững như vàng đá mà liều bỏ một đời không lấy ai nữa.”
[41] Đem vàng đá mà liều lấy thân: Xem câu chú thich [40] bên trên.
[42] Trung [] = những điều ở trong lòng.  Khúc [] = những điều kín đáo chứa ở một nơi khuất khúc trong lòng. Trung khúc = những tâm sự rất thật.
[43] Ngậm gương non đoài = mặt trời đã lặn xuống bên kia dẫy núi phía tây. Lấy ý từ câu thơ cổ [西       = tây sơn dục hàm bán biên nhật = núi phía tây muốn ngậm kín nửa vầng mặt trời].
[44] Gương giọi đầu cành lấy ý từ câu thơ cổ [       = nguyệt minh tài thượng liễu sao đầu = sáng trăng vừa mới lên tới ngọn cây liễu].
[45] Trướng huỳnh = màn đom đóm. Đời xưa Trác Dận  [ ] nhà nghèo không có tiền mua dầu đèn, phải bắt đom đóm làm đèn học đêm mà thành tài, cho nên người sau mới nói trướng huỳnh với ý nghĩa buồng học.
[46] Tiếng sen = tiếng chân Kiều đi. Đời Nam Bắc Triều, Đông Hôn Hầu, lúc còn làm vua nước Nam Tề, yêu nàng Phan Phi, giát vàng thành hình hoa sen ở nền buồng cho nàng đi lên, và cười nói “mỗi bước chân nàng đi sinh ra một hoa sen vàng.” Người sau mới dùng chữ sen vàng, hay gót sen để chỉ chân đàn bà đi.
[47] Giấc hòe = giấc mơ ngủ. Truyện xưa kể Thuần Vu Phần [  ] nằm ngủ ở gốc cây hòe, mơ thấy được vua vời làm phò mã, được phong làm chúa tể ở đất Nam Kha [ ] (cành phía nam). Chàng làm chúa vinh hiển hơn 20 năm, bỗng được tin cấp báo có con rồng vào phá kinh đô. Công chúa yêu cầu chàng về cứu vua, chàng giật mình tỉnh dậy thì thấy một con rắn lớn đương phá một cái tổ kiến to ở trên giữa ngọn cây, mà mình thì nằm ngủ ở dưới bóng cành phía nam. Chàng liền trèo lên đánh chết rắn để cứu đàn kiến. Văn sĩ sau lấy điển này mà gọi mơ ngủ là giấc hòe.
[48] Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần lấy ý từ hai câu thơ cổ [       = nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai = trăng đưa bóng hoa và người mặt ngọc lại] và [       = nguyệt di lê ảnh thượng lan can = trăng đưa bóng hoa lê lên bức lan can].
[49] Đỉnh Giáp, Non Thần: Vua Tương Vương [ ] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [ ] (ta thường đọc là Vu Giáp) ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu Giáp này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.
[50] Đánh đường = vừa đi vừa dò đường vì đêm tối.
[51] Đài sen = cây đèn bằng đồng hình hoa sen để cắm nến.
[52] Song đào là cái lư hương bằng đồng để đốt trầm hương, hình quả đào to, trên nắp có trổ lỗ thông khói giống hình cửa sổ có trấn song. Câu tả cây đèn lư hương này thật tài, thật hay, lời lẽ thật đẹp, hai vế đối thật chỉnh: đài sen đối với song đào, nối sáp đối với thêm hương. Ý lại rất đầy đủ, tả rõ được hình đèn hình lư rất đúng, rất đẹp, rất trang trọng lịch sự, đáng bày làm bàn thờ cúng thề. Chỉ nỗi lời đặt vắn tắt cầu kỳ nên “song đào” các bản Kiều đều giảng nghĩa sai lầm. Bản thì cho song đào là cửa sổ ngoài có trồng cây đào. Ôi, nếu là cửa sổ thì thêm hương vào đâu? Bản của hai ông Kim và Kỷ thì đổi song đào thành lò đào vì có chữ đào lô [ ], nhưng lại giảng đào lô là lò hương hình hoa đào! Thật ra chỉ thấy lư hương đúc hình quả đào thì nhiều mà không thấy lư hương, đỉnh hương làm hình hoa đào bao giờ.
[53] Tiên thề = tờ văn tế viết lời thề.
[54] Thảo = viết.
[55] Chữ đồng ở đây thay cho thành ngữ đồng tâm kết [  ]. Lễ xưa, khi trai gái thuận tình lấy nhau, thì bên trai đưa cho bên gái 2 giải lụa đẹp để cô gái kết một nút đẹp nối hai dải với nhau thành một dải dài giữa có nút “đồng tâm” đó.
Diễn thành văn xuôi
Câu 363, 364 = Từ hôm hai bên đã hiểu thấu lòng nhau rồi, tình yêu nhau càng thấm thía, và lòng nhớ nhau càng tha thiết ngẩn ngơ.
Câu 365, 366 = Hai bên ở rất gần nhau, lúc nào cũng trông ngóng nhau mà không sao được thấy mặt nhau.
Câu 367, 368 = Chỉ có một bức tường xoàng thôi, mà sao trông nó thâm nghiêm lạnh lẽo như sương che tuyết ủm kín mít nhà nhau, chẳng sao năng đưa tin tức làm vui lòng nhau được.
Câu 369, 370 = Ngày ngày chỉ những lần lữa, ngày hóng gió, đêm ngắm trăng, thấm thoắt đã hết xuân sang hè, hoa cây thưa ít dần, lá cây mau rậm dần.
Câu 371 đến 374 = Một hôm gặp ngày có lễ mừng sinh nhật ở nhà bên ngoại Kiều, trên thì hai cha mẹ, dưới thì hai em, đều nhộn nhịp sắm sửa quần áo chỉnh tề và đem đồ lễ đi chúc mừng tỏ lòng kính mến.
Câu 375, 376 = Được hôm cả nhà đi vắng, Kiều ở nhà thảnh thơi có một mình; nàng mừng lòng hôm nay rõ ràng là ngày được họp mặt truyện trò với chàng.
Câu 377, 378 = Khi cả nhà đi rồi, nàng liền dọn dẹp cửa nhà đồ đạc cho chỉnh tề và bày sẵn các thứ quà bánh hoa quả đương mùa lên bàn ăn, để phòng khi lên hội ngộ lâu quá, về không kịp bày để chào mời cha mẹ, và cũng để khỏi ai ngờ mình bỏ nhà đi cả buổi. Khi sắp sửa bày biện xong cả rồi, nàng mới đi ra nẻo mé tường nhanh thoăn thoắt.
Câu 379, 380 = Nàng đứng ở cách chòm hoa mà dắng lên một tiếng làm hiệu, thì thấy ở bên kia đã có chàng đứng đợi ở dưới gốc hoa.
Câu 381, 382 = Chàng sẽ tỏ lời trách yêu “Sao mà lòng cô quá hững hờ với lòng tôi như vậy? Sao mà nỡ để duyên hương lửa bỗng lạnh lùng đi bấy nhiêu lâu? ”
Câu 383, 384 = “Làm cho tôi những đắp nhớ nọ lên nhớ kia, hết sầu này đến sầu nữa, đầu tóc tôi đã bị màu lạnh lùng sương tuyết đó nhuộm trắng một nửa, thành mái tóc hoa râm.”
Câu 385, 386 = Nàng tươi cười xin lỗi “Vì phải giữ gìn như mưa gió hãm chân, không sao qua lại gặp nhau được, xin đành chịu lỗi như tệ bạc với bạn tri âm bấy lâu.”
Câu 387, 388 = “Hôm nay được dịp cả nhà đi vắng, phải vội vàng đem tấm lòng thành này sang tạ tấm lòng mong nhớ nhau của chàng.”
Câu 389, 390 = Nàng mới đi vòng quanh hòn núi non bộ, thấy chỗ cuối tường hình như có lối thông qua sang bên kia mà mới rào lại.
Câu 391, 392 = Nàng bèn xắn tay áo cho gọn mở chỗ rào ra và rẽ rộng cỏ cả hai bên thì thấy rõ ngay lối đi sang; nàng vui mừng quá, chẳng khác gì hai chàng Lưu, Nguyễn rẽ ra được đám mây mà thấy được lối vào thiên thai mà gặp tiên nữ.
Câu 393, 394 = Hai bên nhìn mặt nhau rất vui tươi, nàng chào chúc chàng được vạn phúc, chàng thì chào chúc nàng được an khang.
Câu 395, 396 = Chàng nàng đi ngang vai nhau về chỗ hiên đọc sách, vừa đi vừa góp những chuyện vịnh gió thưởng trăng cho vui, và nhắc lại những câu chỉ sông chỉ núi mà thề cho tình thêm nặng.
Câu 397, 398 = Trong hiên có cái án thư bày những giá bút và ống đựng những cuộn giấy chép văn thơ; phía trên giá bút ống thơ có treo một bức tranh cây thông vẽ lối thủy mạc.
Câu 399, 400 = Bức tranh vẽ khéo rõ được vẻ già cứng tự nhiên như thật của cây thông đã trải qua nhiều năm sương gió. Nàng ngắm mãi và tỏ lời mặn mà khen nét vẽ rất khéo, càng nhìn càng thấy vẻ tươi đẹp ưa nhìn.
Câu 401, 402 = Chàng nói “Tranh này tôi mới vừa vẽ phác qua xong. Nhân tiện xin cô để một vài lời phẩm bình cho thêm đẹp, như gấm thêm hoa.”
Câu 403, 404 = Nàng nhận lời, và bàn tay đẹp nõn nà của nàng cầm bút vẫy múa một mạch, nhanh như gió táp mưa sa, thảo xong một bài thơ bốn câu ba vần ở trên bức tranh đó, lời thơ rất hay, chữ viết rất tốt.
Câu 405, 406 = Chàng rất thán phục, khen ngợi “Thật là tài nhả ngọc phun châu, dẫu nàng Ban, ả Tạ thuở xưa cũng chỉ tài đến thế này mà thôi.”
Câu 407, 408 = “Nếu kiếp trước tôi tu chưa được đầy đặn, thì kiếp này tôi lấy phúc đâu để mà cân được thăng bằng với tài to giá nặng của cô?”
Câu 409, 410 = Kiều đáp “Thiếp đã liếc trộm coi vẻ mặt chàng thấy tướng chàng rất tốt, nếu sau này không làm quan to chức trọng nơi triều đình, thì cũng thành bực văn thần nổi danh ở tòa Kim môn.”
Câu 411, 412 = Rồi nàng có vẻ lo buồn và nói tiếp “Thiếp nghĩ đến cái số phận của thiếp chỉ mong manh như thể cánh chuồn, chẳng biết rồi ra trời có cho được vuông tròn duyên phận với chàng không?”
Câu 413 đến 416 = “Thiếp còn nhớ từ hồi thiếp còn trẻ thơ, có người thầy tướng đoán ngay tướng thiếp rằng: con gái mà bao nhiêu phần anh hoa phát tiết ra ngoài hết cả, xưa nay bao giờ cũng mệnh bạc, chỉ sống uổng đời tài hoa thôi.”
Câu 417, 418 = “Nay thiếp trông tướng phúc hậu của chàng, lại nghĩ đến tướng thiếp như vậy, thật là một dày một mỏng khác nhau, chẳng biết có nên vợ nên chồng được không?”
Câu 419, 420 = Chàng nói để khuyên nàng cứ vững dạ chớ lo “Tình cờ ta được gặp nhau như thế này, chắc là có duyên rồi, vả lại từ xưa đến nay, nhiều cuộc người ta nhất định quyết chí làm, đã thắng được số trời định rồi.”
Câu 421, 422 = “Nói dại, giải kết đổ đi, nếu có xảy ra sự gì ngáng trở, thì ta cứ vững lòng cương quyết một niềm bền chắc như vàng như đá mà liều với thân cũng chẳng tiếc ngại gì cả.”
Câu 423, 424 = Hai bên bày tỏ tâm sự với nhau thật đủ điều và nhủ bảo nhau rất ân cần khẩn thiết, lòng xuân tươi vui phơi phới như cờ bay trước gió, rượu xuân mời nhau vui uống tàng tàng say say.
Câu 425, 426 = Ngày vui sao quá ngắn như chẳng đầy một gang tay, bỗng trông ra sân đã thấy mặt trời lặn xuống núi phía tây chỉ còn một nửa gương tròn.
Câu 427, 428 = Vì nhà vắng, ngồi mãi không tiện, nàng mới từ giã chàng ra về.
Câu 429 đến 432 = Nàng về đến nhà thì được tin ông bà còn dở tiệc chưa về. Nàng liền buông bức màn the ở cửa ngoài xuống, rồi một mình vội đi thẳng ra nẻo vườn lúc tối khuya.
Câu 433, 434 = Lúc đó trăng mới mọc, ánh sáng chiếu lên dần các cành cây chỗ mau chỗ thưa, nàng trông phía thư phòng chàng thì vẫn còn thấy ngọn đèn hắt hiu trước gió ở trong màn học.
Câu 435, 436 = Chàng còn ngồi tựa án thư, vừa mới thiu thiu buồn ngủ, dở tỉnh dở mê, thì tiếng chân Kiều làm cho chàng tỉnh dậy và thấy nàng ở trước bóng trăng tiến lại gần mình như cành hoa lê được bóng trăng đưa đến.
Câu 439, 440 = Chàng vẫn còn bâng khuâng như giấc mộng xuân, thấy nàng mà còn ngờ, như Sở tương vương thấy thần nữ núi Vu trong giấc mơ ngủ ở đỉnh non Giáp.
Câu 441 đến 444 = Thấy chàng tưởng là gặp mình trong giấc mộng, nàng có ý lo ngại là điềm gỡ, nàng mới nói “Trong giờ vắng vẻ khuya khoắt này, vì quý mến chàng quá, nên phải liều thân lần từng bước đường mà tìm lại nhau. Bây giờ thì thật là rõ mặt đôi ta lúc tỉnh. Nhưng ôi, chắc đâu lúc này chỉ là một giấc mơ?”
Câu 445, 446 = Bấy giờ chàng mới thật sự tỉnh và mừng lắm, vội đứng dậy chào đón nàng vào, đốt thay cây nến khác ở trên cây đèn hình hoa sen, và bỏ thêm trầm đốt vào cái lư hương hình quả đào, nắp trổ hình cửa sổ.
Câu 447, 448 = Rồi hai người sắp sửa làm lễ thề với nhau, lấy giấy hoa tiên cùng viết một bài văn thề, lấy kéo cắt một món tóc trên mái đầu, chia làm đôi mỗi người giữ một nửa.
Câu 449, 450 = Lúc đó đã nữa đêm, vừng trăng giữa trời sáng vằng vặc. Hai người cùng ra sân lấy vừng trăng làm chứng cuộc thề, rồi hai miệng một lời cùng đọc.
Câu 451, 452 = Lời thề kể căn vặn tấc lòng từng ly từng tí và gắn bó mối duyên tơ tóc với nhau thật bền chặt, thề tạc một chữ “đồng” vào tận xương để kết nghĩa trăm năm với nhau.
Những câu và chữ có ý móc nối
Câu 388 [Kiều nói] Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng: Hai chữ lòng này ứng với hai chữ lòng ở câu 381 [Kim nói] Trách lòng hờ hững với lòng.
Câu 385 Nàng rằng gió bắt mưa cầm/ đã cam tệ với tri âm bấy chầyđể Kiều vừa trả lời vừa xin lỗi câu 386 Kim Trọng nói Những là đắp nhớ đổi sầu/ tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm.
Thi cảnh này thật là hay quá – lấy ý bóng bẩy gió mưa đáp lại ý bóng bẩy tuyết sương thật là thanh nhã tài tình và lấy cam tệ để giải khuây nỗi đắp nhớ đổi sầu thật là gọn gàng, đầy đủ tình tứ, hả được lòng nhau. Hai chữ “gió mưa” câu này còn có ý móc nối bóng bẩy với hai chữ “tuyết sương” ở câu 367 “Một tường tuyết ủm sương che.”
Trong câu 417 Trông người lại ngẫm đến ta, “trông người” thì ứng với “trộm liếc” dung quang, “ngẫm đến ta” thì ứng với Nhớ từ năm hãy thơ ngây/ có người tướng sĩ đoán ngay một lời.
Biết là có nên ở câu 418 Một dầy một mỏng biết là có nên nhắc lại ý lo nghĩ ở câu 412 Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay.
Đoạn tả Kiều vì ảnh hưởng hồn Đạm Tiên hiện ra gió cuốn cờ buổi chiều, mà tối ngồi tựa triện thiu thiu thấy hồn Đạm Tiên lại tưởng là người thật, lúc gió làm tỉnh dậy thì còn như ngửi thấy mùi hương thừa. Trái lại đoạn tả Kim Trọng vì ảnh hưởng ban ngày được hội ngộ với Kiều, tối đến ngồi tựa án mơ mơ màng màng như vẫn ngồi với Kiều, khi tiếng chân Kiều đi làm chàng tỉnh, thì chàng thấy Kiều thật lại tưởng là thấy mộng hồn nàng mà ngơ ngẩn nhìn. Tả hai cuộc ngủ ngồi thì giống nhau: Kiều thì vì ảnh hưởng làm cảm động mà ngủ, rồi lại gió làm tỉnh dậy. Kim thì vì ảnh hưởng Kiều làm say sưa mà ngủ, rồi lại tiếng chân Kiều đi làm tỉnh dậy. Nhưng sự mơ tưởng trong giấc mộng thì khác hẳn nhau. Kiều thì tưởng mơ là thật, khi tỉnh ra vẫn ngẩn ngơ tìm Đạm Tiên. Kim thì bâng khuâng biết là giấc mơ, nên tỉnh rồi thấy Kiều thật lại vẫn tưởng là bóng Kiều mơ. Kết cục giấc ngủ ngồi thiu thiu của nàng và giấc mơ màng ngủ ngồi của chàng đều báo điềm không hay cho Kiều, khiến nàng phải ngẫm nghĩ lo buồn.
Câu 433 Nhặt thưa gương giọi đầu cành rất khẩn thiết với đoạn trên. (1) Nó cho ta biết hôm đó là giữa tháng, tối trăng mới mọc; lúc Kiều lại sang nhà Kim Trọng, thì bóng trăng chỉ mới soi chéo lên ngọn cây nên nàng phải đánh đường tìm hoa ở dưới bóng cây. (2) Lúc nàng lại đến nhà Kim Trọng, trăng còn ở sau lưng nàng, nên Kim Trọng thấy “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.” (3) Lúc hai bên làm lễ thề là nửa đêm, trăng tròn đứng ở giữa trời. (4) Lúc gần sáng hôm sau thì trăng đã xế xuống ngang đầu mái nhà khi có gia đồng gọi cửa làm tan cuộc hội ngộ. (5) Lúc chàng lén sang từ giã Kiều để về đi hộ tang, thì trăng đã sắp lặn nhưng chàng còn kịp trỏ trăng mà nói Trăng thề còn đó trơ trơ/ dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. Tác giả khéo tả đúng đủ vị trí mặt trăng từng giờ đêm rằm đó. Thế là từ tối đến sáng cái đêm hôm đó, sự biến chuyển to nhất giữa cuộc tình duyên Kim Kiều, mặt trăng đã chứng kiến tất cả các chi tiết từ cuộc đằm thắm vui tươi nhất cho đến cuộc tan rã buồn thương rồi hóa đau thương suốt đời.
CHƯƠNG 9
CÂU 453 ĐẾN CÂU 568
“Ngán khúc tiêu tao, trọng lời đoan chính”
453. Chén hà sánh giọng quỳnh tương, [1, 2]
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. [3, 4]
455. Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
457. Chày sương chưa nện cầu Lam, [5]
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?” [6, 7]
459. Nàng rằng: “Hồng diệp xích thằng, [8]
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.
461. Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. [9]
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai. ”
463. Rằng: “Nghe nổi tiếng cầm đài, [10]
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” [11]
465. Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi, [12]
Đã lòng dạy đến dạy thì phải vâng. ”
467. Hiên sau treo sẵn cầm trăng, [13]
Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.
469. Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tây, [14]
Làm chi cho bận lòng này lắm thân!”
471. So dần dây vũ dây văn, [15]
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương. [16] 
473. Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. [17]
475. Khúc đâu Tư mã Phượng cầu, [18]
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
477. Kê khang này khúc Quảng lăng, [19]
Một rằng Lưu thủy hai rằng Hành vân. [20] 
479. Quá quan này khúc Chiêu quân, [21, 22]
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
481. Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. [23]
483. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. [24]
485. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu. [25]
487. Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. [26]
489. Rằng: “Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
491. Lựa chi những bậc tiêu tao, [27]
Dột lòng mình lại nao nao lòng người ?” [28]
493. Rằng: “Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!
495. Lời vàng vâng lĩnh ý cao, [29]
Họa dần dần bớt chút nào được không.”
497. Hoa hương càng tỏ thức hồng, [30]
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
499. Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
501. Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi, [31]
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao! (32)
503. Vẻ chi một đóa yêu đào, [33]
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. [34]
505. Đã cho vào bậc bố kinh, [35]
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu. [36]
507. Ra tuồng trên bộc trong dâu, [37]
Thì con người ấy ai cầu làm chi!
509. Phải điều ăn xổi ở thì, [38]
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày! [39]
511. Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương. [40]
513. Mây mưa đánh đổ đá vàng, [41]
Quá chiều nên đã chán chường yến anh.
515. Trong khi chắp cánh liền cành, [42]
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
517. Mái tây để lạnh hương nguyền, [43]
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.
519. Gieo thoi trước chẳng giữ giàng, [44]
Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai? [45]
521. Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt lại đền bồi có khi!”
523. Thấy lời đoan chính dễ nghe, [46]
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.
525. Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, [47]
Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.
527. Nàng thì vội trở buồng thêu, [48]
Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.
529. Cửa sài vừa ngỏ then hoa, [49]
Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang. [50]
531. Đem tin thúc phụ từ đường, [51, 52]
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. [53]
533. Liêu dương cách trở sơn khê, [54]
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. [55]
535. Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. [56]
537. Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi:
539. “Sự đâu chưa kịp đôi hồi, [57]
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,
541. Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
543. Ngoài nghìn dặm chốc ba đông, [58]
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
545. Gìn vàng giữ ngọc cho hay, [59]
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”
547. Tai nghe ruột rối bời bời,
Nhịn ngừng nàng mới giãi lời trước sau: [60]
549. “Ông tơ gàn quải chi nhau,
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!
551. Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ! [61, 62]
553. Quản bao tháng đợi năm chờ,
Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. [63]
555. Đã nguyền hai chữ đồng tâm,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. [64]
557. Còn non còn nước còn dài,
Còn về còn nhớ đến người hôm nay!”
559. Dùng dằng chưa nỡ rời tay,
Vầng đông trông đã đứng ngay góc nhà.
561. Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
563. Buộc yên quảy gánh vội vàng, [65]
Mối sầu xẻ nửa bước đường chia hai. [66, 67]
565. Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa. [68]
567. Não người cữ gió tuần mưa, [69]
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
Đính chính và xác định
Câu 526 Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào – Chữ “gọi” câu này có bản Kiều in là “gõ” e không hợp ý nghĩa với chỗ này, vì cửa ngăn chỉ là thứ cửa làm tạm để phân cách địa giới bằng những thanh gỗ thưa thớt, làm gì có cánh gỗ tử tế mà gõ, chỉ đứng ngoài gọi thì rất dễ vì rất thoáng, trông rất rõ.
Câu 548 Nhịn ngừng nàng mới giãi bầy trước sau – “Nhịn ngừng” là nén lòng cảm động lo buồn muốn khóc của mình đi, để giãi bày rành rõ mọi điều và cũng để làm ra vẻ bình tĩnh mà yên ủi lòng chàng. Đặt chữ “nhịn ngừng” vào đây thật xác đáng thâm thúy tỏ được lòng Kiều vừa thương tình Kim Trọng, vừa lo buồn muốn khóc cho số phận trắc trở của mình. Những bản đổi chữ “nhịn ngừng” ra “ngập ngừng” thật là sai lầm vô nghĩa. Vậy xin xác định lại cho rõ. Lại có bản phiên âm lầm chữ “nhịn” ra “nhận” e vô nghĩa.
Câu 560 Vừng đông trông đã đứng ngay góc nhà = mặt trời đã mọc lên ngang với góc mái nhà. Những bản phiên âm chữ “góc” ra “nóc” e lầm quá, vì Kim Trọng lẻn sang với Kiều để báo tin và dặn dò mọi điều thì chỉ kịp ở nhà Kiều chốc lát rồi đi, có đâu dám ở lại lâu đến lúc “vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà” tức là lúc trời đã gần trưa rồi.
Chú giải và dẫn điển
[1] Chén hà = chén làm bằng thứ ngọc thạch hồng như mầu ráng buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn. Chữ Hán là hà bôi [ ]; hà = ráng, bôi = chén.
[2] Quỳnh tương = rượu trong như ngọc quỳnh. Thơ Đường có câu [   漿    = nhất ẩm quỳnh tương bách cảm thôi = một khi đã uống rượu trong như ngọc quỳnh thì lòng sinh trăm mối xúc cảm”].
[3] Giải là hương lộn – “Giải là” dịch từ chữ Hán [  = la đái = những giải dây lưng bằng lụa rũ xuống ở trước người]. “Giải là hương lộn” = mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau.
[4] Bình gương bóng lồng – “Bình gương” dịch từ chữ Hán [  = ngân bình = cánh bình phong bằng bạc đánh bóng có thể soi gương được]. “Bình gương bóng lồng” = bóng hai người chiếu chung nhau trong một tấm bình phong bằng bạc đánh bóng.
[5] Bùi Hàng [ ] đời Đường gặp cô tiên tên là Vân Kiều phu nhân, có cho chàng một bài thơ trong có câu [       = Lam kiều bản thị thần tiên quật = Lam kiều là chỗ thần tiên ở]. Về sau, một hôm chàng đi qua cầu Lam (= Lam kiều), vào một quán xin nước uống, gặp nàng tiên Vân Anh [ ] đẹp lắm. Chàng ước ao muốn lấy, bà mẹ nàng bảo nếu tìm được cái chầy ngọc để bà tán thuốc thì bà gả nàng cho. Khi chàng được một bà tiên cho chầy ngọc, đem lại nộp thì lấy được Vân Anh. “Lam kiều” đây chỉ nhà Thúy Kiều ở.
[6] Lần khân = đòi hỏi nhiều, được cái nọ lại đòi cái kia.
[7] Sàm sỡ = không biết giữ lễ phép đứng đắn trong quan hệ giao tiếp nam và nữ.
[8] Hồng diệp xích thằng = lá thắm chỉ hồng. “Chỉ hồng” = duyên vợ chồng, do điển tích Vi Cố như sau: Vi Cố [韋固] học giỏi đang kén vợ. Một hôm thấy ông cụ già ngồi dưới bóng cây giở một cuốn sách ra coi, bên mình có một túi chỉ đỏ. Cố hỏi sách gì, thì ông bảo “Tập sổ biên những cặp vợ chồng phải lấy nhau. Khi ta biên tên vợ chồng vào sổ này và lấy hai sợi chỉ hồng ở túi này mà se với nhau, thì dù hai bên giàu nghèo, sang hèn khác nhau thế nào, cũng phải lấy nhau thành vợ chồng.” Cố hỏi đùa ông cụ se tôi lấy ai, thì ông cụ chỉ vào đứa con gái rách rưới bẩn thỉu, mẹ đặt ngồi ở bờ ruộng để mẹ hái rau. Rồi ông cụ biên tên và lấy hai sợi chỉ se với nhau. Cố giận lắm, thuê người giết con bé, và yên trí là con bé đã chết rồi. Sau Cố long đong mãi không tìm được vợ, kết cục vẫn phải lấy người con gái có thẹo ở mang tai. Nàng nói lúc bé bị tên giặc chém nhưng may không chết. Đây ý nói tuy chưa thành vợ chồng, nhưng đã có duyên định rồi, để trả lời câu “Chày sương chưa nện cầu Lam” mà Kim Trọng vừa nói ở trên.
[9] Đừng điều nguyệt nọ hoa kia = trừ điều hoa nguyệt ra, thì không còn tiếc điều gì để làm vui lòng nhau. Đây là vì Kiều hiểu lầm các chữ “lần khân, sàm sỡ” của Kim Trọng, mà tỏ ý nói để ngăn ngừa trước.
[10] Cầm đài là chữ ở Đường thi nói về lúc Tư Mã Tương Như ngồi gảy đàn quyến rũ được Trác Văn Quân. Người sau này dùng chữ “cầm đài” để gọi chỗ ngồi gảy đàn.
[11] Lắng tai Chung Kỳ = muốn được lắng tai nghe bạn gảy đàn. Theo điển Bá Nha gảy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha đang nghĩ gì khi gảy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm (= biết lòng nhau).
[12] Tiện kỹ = nghề hèn mọn, chẳng đáng kể.
[13] Cầm trăng = cây đàn nguyệt.
[14] Nghề mọn = nghề chẳng đáng kể, tiếng nói khiêm nhường. Trong Liêu trai có câu [        = khu khu tiểu kỹ khủng phụ lương cầm = nghề nhỏ mọn của tôi chỉ sợ phụ cây đàn tốt này].
[15] Dây vũ = dây to trên mặt đàn. Dây văn = dây nhỏ.
[16] Cung, thương, giốc, trủy, vũ = năm âm về âm nhạc xét theo giọng đục, trong, cao, thấp. “Cung” = âm đục thấp nhất, “thương” = âm đục thấp thứ hai, “giốc” = âm trung bình giữa trong đục cao thấp, “trủy” = âm trong cao bực nhì, “vũ” = âm trong cao nhất. Trong câu lục-bát “Trong như tiếng hạc bay qua/ đục như nước suối mới sa nửa vời” thì trong là âm vũ, đục là âm cung.
[17] Tiếng sắt tiếng vàng – Tiếng sắt = tiếng sát phạt như tiếng gươm giáo đánh nhau trong chiến trường. Tiếng vàng = tiếng hòa dịu như tiếng chuông, tiếng lệnh bằng đồng đánh để thu quân.
[18] Tư Mã Phượng Cầu – Tư Mã = Tư Mã Tương Như đời Hán. Phượng Cầu = khúc đàn Phượng Cầu Hoàng. Bài đàn này nói về một con phượng mới bay từ biển về, muốn tìm bạn hoàng (hoàng = phượng mái) mà mãi chưa được, lòng những buồn bã ước ao. Nó nghĩ nếu mà tìm được thì sẽ sát cánh nhau mà bay lượn chìm bổng trên trời cao, thật vui sướng biết bao. Khi Tương Như dự tiệc ở nhà đại phú hào Trác Vương Tôn, chàng gảy khúc đàn này thì quyến rũ được con gái Trác Vương Tôn là Trác Văn Quân. Nàng trốn đi theo chàng ngay đêm hôm đó ; nàng vừa trẻ đẹp vừa tài tình.
[19] Kê Khang [ ] người đời nhà Ngụy, được thầy dạy khúc “Quảng Lăng” ngay từ lúc nhỏ, nên đàn rất hay. Có bản Kiều đổi các chữ Lưu Thủy [ ] và Hành Vân [ ] ở câu 478 ra là Hoa Nhạc [ ] và Quy Vân [ ] là hai bài nhạc ở trong khúc Quảng Lăng cho đúng nghĩa hơn. Nhưng tôi thấy đổi như vậy thật là câu nệ, không hiểu tác giả đặt hai chữ Lưu Thủy Hành Vân vào đây là hay lắm, một là để ứng với bốn chữ “lắng tai Chung Kỳ” ở trên, hai là ngầm báo điềm gở Kiều sẽ bị lưu lạc như nước chảy mây bay.
[20] Lưu Thủy Hành Vân” – Sách Lã Thị Xuân Thu kể: Bá Nha ngồi gảy đàn, bụng nghĩ đến cảnh núi cao, Chung Kỳ ngồi nghe nói “Đàn gảy hay quá, tiếng nghe cao vòi vọi như núi Thái Sơn.” Lát sau, Bá Nha vừa gãy vừa nghĩ đến cảnh mây bay nước chảy, Tử Kỳ lại khen “Đàn gãy hay quá, tiếng nghe mông mênh nhẹ nhàng như nước chảy.” Khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha tháo đàn, cắt dây nói “Thiên hạ ai biết tiếng đàn của ta nữa mà gảy.” Người sau mới gọi mấy khúc đàn của Bá Nha gảy cho Tử Kỳ nghe là khúc Hành Vân và khúc Lưu Thủy.
[21, 22]  Chiêu Quân tên là Vương Tường [ ] là một cung phi tài sắc vô song đời nhà Hán, bị họa sĩ Mao Diên Thọ báo thù bằng cách chấm một nốt ruồi ở dưới mắt là tướng sát phu, nên không được vua yêu, rồi lại bị gả cho chúa nước Hung Nô. Lúc chào vua ra đi, vua mới biết là Diên Thọ vẽ oan cho nàng, và tiếc lắm. Lúc qua cửa ải nàng nhớ vua, nhớ nhà quá, ngồi trên lưng ngựa gãy một khúc đàn tỳ bà nghe rất buồn thảm. Người sau gọi khúc đàn đó là khúc “Quá quan = qua cửa ải.”
[23] Nước suối mới sa nửa vời = nước suối chảy từ trên cao xuống mới đến nửa chừng ở sườn núi nghe thành tiếng đục ồ ồ [24] Bốn câu tả tiếng đàn: “Trong như… Đục như… Tiếng khoan… Tiếng mau…” lấy ý ở bốn câu thơ tả tiếng đàn cầm như sau: (1) [       = sơ nghi táp táp lương phong động = lúc mới ngờ là phảng phất như gió mát tới] (2) [       = hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh = rồi lại nghe rầu rĩ như tiếng mưa buổi chiều tối] (3) [       = cận nhược lưu toàn lai bích chương = lúc nghe gần như suối chẩy ồ ồ từ gành ngang trên trời biếc thẳm xuống] (4)) [       = viễn như huyền hạc hạ thanh manh = lúc lại nghe xa như tiếng hạc đen nhào vút từ trời xanh mờ xuống]. “Sầm sập như trời đổ mưa” mượn ý câu tả tiếng đàn tỳ bà trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị [       = đại huyền tào tào như cấp vũ = tiếng dây to nghe ầm ầm như mưa dồn dập đổ xuống].
[25] Người ngồi đó = Kim Trọng ngồi ở chỗ vui thích như thế đó, mà cũng buồn ngơ ngẩn.
[26] Vò chín khúc = chín khúc ruột. Vò chín khúc = buồn rầu rối ruột.
[27] Tiêu tao = buồn bã lo âu.                                                              
[28] Dột lòng = khi mình nghe thấy điều gì có ý báo điềm tai nạn cho mình, thì mình giật mình sinh lòng lo sợ. Khi Kiều gảy khúc bạc mệnh, chính Kiều nghe cũng dột lòng Kiều.
[29] Lời vàng = lời khuyên răn quý báu như vàng.
[30] Hoa hương càng tỏ thức hồng – Hoa hương = sắc đẹp như hoa, tài thơm như hương. Câu này có nghĩa là Kim Trọng càng gần Kiều thì càng thấy vẻ đẹp của tài sắc Kiều.
[31] Đừng lấy làm chơi = chớ coi việc đó là thường. Đây là lời Kiều cảnh báo, cản dẹp cái sóng tình lả lơi của Kim Trọng.
[32] Dẽ = hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, đừng nóng nảy thế.
[33] Yêu đào – Kinh Thi có câu [    = đào chi yêu yêu = cây đào lộc non rờn rờn] ý nói người con gái trẻ mơn mởn đến tuổi lấy chồng, ta vẫn dịch là đào non.
[34] Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh – Câu này không biết tác giả lấy điển từ đâu, còn ý nghĩa đại khái thì rất dễ hiểu = Kiều nói nhún trước là đâu dám ngăn cản như rào vườn hồng lại, không cho chim xanh vào, để sau đó giãi bày những lẽ không thể nào quá chiều nhau như thế được.
[35] Bố kinh = nói tắt bốn chữ [    = bố quần kinh thoa = quần bằng vải thường, thoa gài tóc bằng cành gai cây kinh]. Nàng Mạnh Quang [ ] là con gái một vị tướng quốc, lấy ẩn sĩ Lương Hồng [ ]. Lúc về nhà chồng bỏ hết quần áo gấm vóc và các đồ trang sức bằng vàng ngọc, mặc quần vải, gài thoa gai, theo chồng đi ẩn vui cảnh nghèo. Người sau dùng chữ bố kinh để nói người vợ hiền.
[36] Đạo tòng phu [ ]  = đạo con gái ở với chồng. “Trinh” = tấm lòng bền vững giữ nghĩa trung thành với chồng mãi mãi của đàn bà.
[37] Trên bộc trong dâu do thành ngữ Hán “tang gian bộc thượng [   ] ” dịch ra. Đời Xuân Thu, nước Vệ có đất tang gian và đất bộc thượng rất rậm rạp khuất khoắn, rất tiện cho trai gái họp riêng nhau, nên trai gái rất dâm đãng, có nhiều câu hát dâm tình hẹn hò nhau. Bởi vậy ta dùng thành ngữ “trên bộc trong dâu” để gọi loại trai gái lẳng lơ hư hỏng.
[38] Ăn xổi ở thì = chỉ ăn ở với nhau ít lâu rồi chán bỏ nhau. Ta nói “muối dưa, muối cà ăn xổi” là thái và muối một cách chóng được ăn, để ăn tạm vài ngày thì hết, vì để lâu không được.
[39] Tiết trăm năm = cuộc ăn ở với nhau đúng lễ nghĩa trong suốt đời. 
[40] Thôi Trương – Đời nhà Đường có nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng là đôi trai gái tài mạo tuyệt vời; họ gặp nhau ở chùa rồi tự tình với nhau ở hiên mái tây chùa. Sau Trương về kinh thi hội đỗ làm quan bỏ lơ Thôi, mặc dù Thôi vẫn thư từ tha thiết nhớ mong. Lúc Thôi đã lấy chồng rồi, Trương lấy cớ là anh họ ngoại đến thăm, ao ước muốn gặp mặt Thôi, nhưng Thôi không ra chào, chỉ đưa một bài thơ từ biệt. Trong bài thơ ấy có câu [       = vị lang tiều tụy khước tu lang = võ vàng vì anh lại xấu hổ, không dám thấy mặt anh].
[41] Đỉnh Giáp, Non Thần : Vua Tương Vương [ ] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [ ] (ta thường đọc là Vu Giáp) ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu Giáp này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.
[42] Chắp cánh liền cành lấy ý của một câu rất hay trong bài Trường Hận Ca [              = tại thiên nguyện tác tị dực điểu tại địa nguyện vi liên lí chi = trên trời thì xin làm đôi chim liền cánh, dưới đất thì xin làm đôi cây liền cành].
[43] Mái tây chữ Hán là tây sương [西 ] tức là chỗ Thôi Trương trước đã thề với nhau mà sau bỏ không giữ lời thề nữa.
[44] Gieo thoi – Tạ Côn trọ học vẫn dòm ngó một cô gái hàng xóm. Một hôm Côn thấy cô ta ngồi dệt vải một mình ở nhà, bèn sang định tán tỉnh thì bị cô gái ném cái thoi vào mặt gãy mất mấy cái răng.
[45] Nên thẹn cùng chàng – Xem lời chú giải [40] bên trên.
[46] Đoan chính = ngay thẳng, đứng đắn.
[47] Bóng tàu – “tàu” = phiến gỗ dài đỡ chân rui mái nhà ở phía trước, chỗ gần giọt ngói. Câu này hàm ý mặt trăng tròn xế thấp lúc gần sáng.
[48] Buồng thêu = buồng phụ nữ ở, vì họ hay khâu vá thêu thùa trong đó.
[49] Cửa sài = cổng ở hàng rào trước sân, cánh làm bằng những thanh gỗ ghép dọc thưa thớt, thường gọi là cổng chông.
[50] Gia đồng = đứa ở trai trẻ tuổi.
[51] Thúc phụ [ ] = chú, em trai bố.
[52] Từ đường [ ] = nghĩa đen là từ giã nhà bỏ đi, nghĩa bóng là chết. Còn chữ “từ đường” viết [祠堂] thì nghĩa là nhà thờ. Chết ta còn thường gọi là từ trần [ ] (bỏ đời) thì thông thường hơn, nhưng đây vì ép vần nên gọi là từ đường.
[53] Lữ thấn – Lữ [] = quê người, thấn [] = còn chôn tạm. Lữ thấn = còn quàn ở quê người.
Tha hương = nơi làng khác, nơi quê người. “Đề huề” = vợ con còn bơ vơ nheo nhóc ở quê người, chứ không phải nghĩa là ung dung đông vui như khi ta nói “cảnh nhà ông này con cháu đề huề sung sướng quá.”
[54] Liêu Dương [ ] = một tỉnh ở phía đông bắc nước Tàu.
[55] Hộ tang [ ] = đi giúp đỡ trông coi mọi việc trong cuộc đưa đám ma từ nơi xa về quê quán.
[56] Lẻn = đi riêng một mình không để ai biết. “Tự tình” [ ] = kể lể tình cảnh.
[57] Đôi hồi = lo liệu bàn định mọi việc về chuyện mối manh sêu cưới.
[58] Chốc ba đông = một lát lâu bằng ba tháng buồn mùa đông (nếu giảng ba đông là ba mùa đông, tức là ba năm, e lâu quá).
[59] Gìn vàng giữ ngọc cho hay – Vàng ngọc đây tức là tấm thân quý báu như vàng như ngọc. Hai câu lục bát này là lời Kim Trọng khuyên Kiều là phải giữ mình cho vui vẻ khỏe mạnh để chàng ở xa được yên lòng. Câu này nghĩa lơ lửng rất hay, vừa khuyên nàng chớ nhớ thương chàng quá mà sinh ốm đau, vừa có ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà không giữ được tấm lòng vàng đá cho được trọn vẹn. Ý giữ mình cho được mạnh khỏe thì ứng với câu “Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.” Ý giữ lòng cho được thủy chung thì ứng với câu “Trăng thề còn đó trơ trơ, dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” của chàng.
[60] Nhịn ngừng – Xem lời xác định câu 548 bên trên.
[61] Thay mái tóc = đến lúc tuổi già, mái tóc đen hóa trắng.
[62] Dời lòng tơ = đổi lòng gắn bó lúc thề nguyền.
[63] Ăn gió nằm mưa tả cảnh khổ cực khi đi đường, lấy điển ở câu thơ cổ [ 宿     = lộ túc phong san lục bách lý = nằm ngủ ở ngoài sương, phải ngồi ăn ở trước gió trong cuộc đi 600 trăm dặm đường.” Đây đổi chữ sương ra chữ mưa cho có vần, mà lại thêm ý vất vả hơn.
[64] Ôm cầm thuyền ai – Cổ thi có câu [        = mạn bảo tỳ bà quá biệt thuyền = nỡ ôm đàn tỳ bà đi sang thuyền khác] để chê người đàn bà vì vắng chồng mà đi theo người khác. Câu thơ này lấy điển ở truyện ông Bạch Cư Dị kể trong bài Tỳ bà hành – đại khái nói ông đặt tiệc tiễn khách ở dưới thuyền, bỗng nghe thấy tiếng đàn tỳ bà gảy rất hay ở một chiếc thuyền gỗ gần đó ; ông đánh thuyền lại mời mãi mới được người đàn bà đó sang thuyền ông mà gảy, nghe rất não nùng. Người ấy kể bà vốn chơi đàn nổi tiếng ở kinh đô lúc tuổi trẻ, lúc luống tuổi cô đơn quá phải lấy một người lái buôn và thường phải ở một mình dưới thuyền. Ông thương cảm mới làm bài Tỳ bà hành để tặng bà.
[65] Buộc yên = đóng yên lên lưng ngựa.
[66] Mối sầu xẻ nửa = nỗi sầu như chia đôi, chàng một nửa, nàng một nửa, như sợi dây sầu cắt ra làm đôi mà chia cho nhau.
[67] Bước đường chia đôi = không nỡ đi, mỗi bước chỉ ngắn có một nửa, còn nửa nữa để lùi lại với nàng.
[68] Quyên nhặt, nhạn thưa – Quyên nhặt = tiếng cuốc kêu mau. Nhạn thưa = tiếng chim sếu lạc đàn lẻ loi, kêu thưa thớt tiếng một. Câu 8 chữ này tả cảnh buồn khi chàng Kim đi đường, nghe tiếng cuốc kêu rồn rập ở trên cây thì nhớ nhà, nghe tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt ở nẻo trời xa thì thương cảnh mình bơ vơ dọc đường.
[69] Cữ gió tuần mưa – Đối với người phải kiêng tránh nắng gió thì người ta gọi 7 ngày là một “cữ” và 10 ngày là một “tuần”. Về sau người ta dùng cữ và tuần để nói sự kiêng nắng gió – như nói đàn bà đẻ là ở cữ, người lên đậu phải cấm cữ, thấy cổng nhà nào hay cửa buồng ai treo cành lá đa dứa để cấm cữ thì người lạ chớ vào. Câu “Não người cữ gió tuần mưa” này dùng chữ cữ và chữ tuần là kiêng như vậy. Nghĩa hai câu lục bát này nói Kim Trọng thương Kiều phải vì mình mà giữ gìn kiêng tránh mọi điều, không dám đi chơi bời tiêu khiển đâu, chỉ những âm thầm ngồi ở nhà để càng ngày càng nhớ mình khổ lòng thêm mãi.
Diễn ra văn xuôi
Câu 453, 454 = Hai người ngồi uống rượu với nhau, rượu đã ngon, chén lại đẹp, khi thì ngửi mùi thơm quần áo lẫn lộn với nhau, khi thì lại ngắm bóng ngồi bên nhau ở trong cánh bình phong bằng bạc đánh sáng như gương.
Câu 455 đến 458 = Sinh bỗng dè dặt nói “Đêm nay gió mát trăng trong, cảnh đẹp quá. Đã từ lâu tôi vẫn có một chút chưa được thỏa nổi lòng ao ước, nhưng vì chưa nên vợ nên chồng, sợ lần lừa đòi hỏi quá thành ra bờm sơm bất lịch sự.”
Câu 459, 460 = Kiều nói “Đôi ta tuy chưa cưới xin gì, nhưng tình duyên trời đã định như lá thắm chỉ hồng và đã có lời thề nguyền với nhau thành đôi bạn tương tri, đồng tâm thân mật rồi.
Câu 461, 462 = “Chỉ xin đừng nói đến truyện nguyệt nọ hoa kia vội. Ngoài truyện đó ra, thì thiếp chẳng dám tiếc chàng sự gì cả. Vậy có ao ước việc gì, xin chàng cứ nói.”
Câu 463, 464 = Sinh nói “Tôi nghe đồn cô gảy đàn hay đã nổi tiếng ở nơi cầm đài, nên vẫn ước ao được lắng đôi tai biết nghe đàn này mà thưởng thức tiếng đàn cô gãy.”
Câu 465, 466 = Kiều nói “Tưởng là gì! Chứ đó chỉ là một nghề nhỏ mọn của thiếp thôi, có đáng kể vào đâu mà chàng phải trịnh trọng thế. Chàng đã bảo thì thiếp xin vâng lời ngay.”
Câu 467, 468 = Ở mái hiên sau có treo sẵn một cây đàn; Sinh lấy ngay ra và hai tay nâng cây đàn ngang trán mà trao cho Kiều.
Câu 469, 470 = Kiều đón lấy cây đàn và nói “Nào có đáng kể gì cái nghề hèn mọn riêng của thiếp này, mà chàng làm quá trịnh trọng như thế, cho thiếp phải bận lòng nể chàng vô cùng!”
Câu 471, 472 = Rồi nàng ôm cây đàn, vặn lại các dây, so lựa dây to dây nhỏ cho đúng năm âm cung, thương, trủy, giốc, vũ, rồi bắt đầu gãy.
Câu 473, 474 = Có khúc nàng gảy ra giọng sát phạt rùng rợn như tiếng gươm giáo, chuông cồng chen nhau trong chiến trường Hán Sở.
Câu 475, 476 = Có khúc nàng gãy nghe ra giọng sầu, giọng oán như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng.
Câu 477, 478 = Có khúc nàng gãy tiếng hay như Kê Khang xưa gãy khúc Quảng Lăng, và có giọng mông mênh bát ngát như khúc Lưu Thủy, rồi lại như khúc Hành Vân của Bá Nha.
Câu 479, 480 = Có khúc nàng gãy nghe ra giọng thương nhớ thiết tha như Chiêu Quân gảy khúc Quá Quan.
Câu 481 đến 484 = Khi thì tiếng đàn nghe trong veo như tiếng hạc bay vèo qua trên đỉnh trời. Khi thì tiếng đàn nghe đục lầm như tiếng suối từ trên cao vút chảy xuống mới đến nửa chừng núi. Khi thì tiếng đàn nghe thong thả khoan hòa như làn gió mát hiu hiu thoảng đến. Khi thì tiếng đàn nghe dồn dập mau gấp như tiếng mưa tối sầm sập đổ xuống.
Câu 485, 486 = Nhưng tiếng đàn khi chìm khi bổng ấy hợp với bóng sáng ngọn đèn khi tỏ khi mờ, làm cho chàng ngồi chỗ vui thích như thế mà cũng hóa ra ngơ ngẩn buồn sầu.
Câu 487, 488 = Khi thì chàng tựa lưng lên chiếc gối xếp mà lắng tai nghe, khi thì chàng ngồi cúi đầu xuống mà ngẫm nghĩ, khi thì bồn chồn như vò rối chín khúc ruột, khi thì ủ ê buồn bực, cau có đôi lông mày.
Câu 489, 490 = Chàng nói “Kể hay thì hay thật, nhưng nghe ra có giọng đắng cay thế nào ấy? ”
Câu 491, 492 = “Cô lựa làm gì những khúc đàn sầu não như vậy? Chính tai cô nghe chắc lòng cô cũng thấy ảo não như có điều gì quái gở làm chột cả dạ cô, mà lại làm cho người nghe như tôi đây cũng phải nôn nao lo buồn.” 
Câu 493, 494 = “Thiếp trót đã quen tay mất nết rồi, chỉ thích gảy những điệu sầu buồn như vậy. Âu đó cũng là tính trời sinh ra, người thích gảy điệu buồn tẻ, người thích gảy điệu vui vẻ, biết làm sao được. ”
Câu 495, 496 = “Nay được nghe những lời răn bảo đáng quý như vàng như ngọc này, thiếp xin vâng lĩnh cái ý hay cao ấy mà sửa đổi xem có bớt được chút nào không.” 
Câu 497, 498 = Tiếp xúc lâu với Kiều, chàng càng nhận thấy vẻ đẹp lộng lẫy của mặt hoa nàng và vẻ quý của tài thơm tho như hương trời cho nàng, nên tình yêu của chàng lại càng nồng nàn hiện ra đầu mày cuối mắt, ngắm liếc nàng luôn.
Câu 499, 500 = Nàng nhận thấy sóng tình chàng đã bồng bột như muốn sa ngã và thấy thái độ chàng yêu quý âu yếm mình đã ra chiều lả lơi kém phần đứng đắn.
Câu 501, 502 = Nàng mới ngỏ lời can rằng “Xin chàng đừng coi thường sự phi lễ ấy như là một trò chơi mà không giữ gìn cho thiếp, hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, để thiếp thưa rõ mấy lời chàng nghe đã nhé! ”
Câu 503, 504 = “Tấm thân con gái của thiếp chẳng qua chỉ như một đóa hoa đào mơn mởn, nào có ra vẻ gì đáng kể mà dám ngăn cấm chàng không cho phạm đến, cũng như sao thiếp dám rào kín vườn hoa lại không cho chim xanh vào? ”
Câu 505, 506 = “Nhưng chỉ vì chàng có ý định lấy thiếp làm một người vợ hiền giỏi lễ phép, thì bổn phận đầu tiên của thiếp đối với chồng là phải giữ tấm lòng trinh tiết cho thơm sạch trọn vẹn từ trước tới sau.”
Câu 507, 508 = “Nếu nay thiếp bừa bãi như những hạng gái theo trai vào trong bãi dâu, bờ sông Bộc xưa kia, thì chàng còn lấy làm gì nữa.”
Câu 509, 510 = “Chúng ta còn ăn ở với nhau lâu dài trăm năm chứ có phải đâu chỉ chung chạ chốc lát qua thì như muối dưa ăn xổi còn thừa bỏ đi. Bởi vậy thiếp không dám nỡ lòng đem cái danh tiết trăm năm đó bỏ đi trong một ngày một chốc.”
Câu 511, 512 = “Thiếp nghĩ rằng, từ xưa đến nay, cuộc tình duyên gặp gỡ rõ xứng đôi vừa lứa lạ lùng, thật chẳng đôi nào đã đẹp bằng đôi nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng.”
Câu 513, 514 = “Ấy thế mà những cuộc mây mưa bừa bãi đã làm tan rã mất lời vàng đá thề bồi, rõ thật là nàng đã chiều lòng ước ao của chàng quá, để đến nổi lòng yêu đương của chàng thành ra chán chường, như đàn chim anh yến họp đấy tan đấy.”
Câu 515, 516 = “Tại sao chàng chóng chán nàng vậy? Là bởi vì trong khi chắp cánh liền cành, đầu gối tay ấp, ân ái say sưa, mà chàng đã có ý riêng coi rẻ là nàng kém lòng trinh tiết.”
Câu 517, 518 = “Ôi! Cái nén hương thề ở dưới mái hiên tây kia bị nguội lạnh đi, mà cái duyên đằm thắm lứa đôi này hóa ra bẽ bàng, có phải chỉ vì nàng đã quá chiều chàng không?”
Câu 519, 520 = “Tại nàng không biết giữ gìn từ trước như cô gái dệt cửi kia ném thoi vào mặt Tạ Côn, để sau đến nổi tuy nàng vàng võ ủ ê vì nhớ chàng Trương, mà khi được chàng tới thăm, hai bên vẫn tha thiết muốn gặp nhau, mà nàng quá hổ thẹn không dám ra trông mặt chàng.”
Câu 521, 522 = “Bởi vậy thiếp xin chàng đừng ép liễu nài hoa vội. Còn duyên này, còn thân này, thì hẳn còn một lần chàng được đền bù mỹ mãn.”
Câu 523, 524 = Thấy Kiều nói những câu đứng đắn, lời lẽ dễ nghe, chàng càng thêm kính nể, thêm yêu quý nàng đủ mười phần.
Câu 525, 526 = Truyện trò với nhau mãi tới hồi gần sáng, vừng trăng nhạt bạc đã xuống đến ngang mực tàu nhà mái hiên, thì bỗng có tin từ ngoài cửa hàng rào gọi vào.
Câu 527, 528 = Nàng thì vội trở về buồng nàng, còn chàng thì vội đi qua sân luồn dưới mấy cây đào ra mở cửa.
Câu 529, 530 = Cửa vừa mở ra, thì đứa gia đồng đưa cho phong thư bên quê chàng vừa mới gửi sang cho chàng.
Câu 531, 532 = Chàng mở thư ra xem thì được tin thúc phụ chàng đã từ trần ở tỉnh Liêu Dương, hãy còn quàn tạm ở nơi đất khách đó, và tình cảnh vợ con thật nheo nhóc.
Câu 533, 534 = Vì đường xa xôi, núi sông cách trở, nên thân phụ chàng nhắn chàng phải cấp tốc về ngay để đi Liêu Dương trông coi giúp đỡ mọi việc đưa xác chú về.
Câu 535, 536 = Được tin này chàng rất kinh hoàng, vội vàng lẻn ngay sang lầu trang Kiều mà kể rõ sự tình cho nàng nghe.
Câu 537, 538 = Chàng đinh ninh kể cặn kẽ đủ đầu đuôi mọi nỗi thương đau trong lòng chàng, phần vì tang tóc ở trong gia đình, phần vì phải xa cách nàng ở nơi xa thẳm rất lâu.
Câu 539, 540 = Rồi chàng nói tiếp “Việc tang tóc xảy ra bất kỳ, làm cho việc hôn nhân chúng ta chưa kịp bàn định với nhau được chút nào, cả đến một lời mối manh trao duyên chính thức cũng chưa kịp làm cho đúng lễ.
Câu 541, 542 = “Tuy chưa có dạm hỏi gì thật như vậy, nhưng còn vừng trăng chứng tỏ cuộc thề nguyền của chúng ta kia, thì có lẽ đâu vì xa cách nhau mà lòng tôi dám hờ hững chút nào!”
Câu 543, 544 = “Tôi thấy nay ta càng xa cách nhau, thì lại càng mong nhớ nhau. Người ta nói xa nhau ngoài nghìn dặm, thì mỗi mỗi chốc lát mong nhớ nhau coi lâu bằng ba tháng mùa đông. Thế mà ta phải xa nhau ít ra là 6, 7 tháng thì lâu biết là bao nhiêu! Mối sầu nhớ nhau này, chúng ta còn lâu lắm mới gỡ ra được. ”
Câu 545, 546 = “Trong khi xa nhớ nhau lâu lai như vậy, tôi xin cô nén lòng chờ đợi, khéo giữ tấm thân vàng ngọc cho tôi được yên lòng ở nơi xa xôi.” (Hai câu lục bát này mang hai ý nghĩa rất hay: vừa khuyên Kiều chớ nhớ buồn quá mà sinh đau ốm, vừa ngụ ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà thay lòng đổi dạ).
Câu 547, 548 = Kiều nghe chàng nói, ruột nàng bối rối tơi bời thương cảm, buồn lo đủ đường. Nhưng nàng phải cố nhịn mọi nỗi nức nở như muốn khóc, để chàng khỏi phải bận lòng về mình và để trình tỏ lời cho được rành rõ trước sau.
Câu 549, 550 = Nàng nói “Sao ông Tơ lại nỡ bỗng sinh sự quái ác làm ngáng trở cuộc tình duyên của chúng ta như vậy? Chưa được sum họp vui vẻ đã phải chia lìa sầu nhớ!”
Câu 551, 552 = “Xin chàng chớ lo, chúng ta tuy chưa dạm hỏi gì nhưng đã nặng lời thề nguyền với nhau, thế là cũng đủ rồi. Dầu phải chờ đợi đến lúc bạc đầu, thiếp cũng xin quyết không đổi lòng thương mến chàng.”
Câu 553, 554 = “Chàng khuyên thiếp phải giữ mình cho chàng được yên tâm, thiếp xin hết sức giữ gìn, chàng chớ lo; dầu phải chờ đợi bao nhiêu năm tháng nữa thiếp cũng không quản ngại, chỉ nỗi thiếp khó dẹp được lòng thương chàng phải dãi gió dầm mưa trong mấy tháng trên đường hộ tang. Vậy thiếp cũng xin chàng cố giữ gìn cho được mạnh khỏe luôn.”
Câu 555, 556 = “Và cũng xin chàng đừng lo, đã thề nguyền hai chữ đồng tâm với nhau, thì thiếp xin thề là quyết một lòng suốt đời không lấy ai nữa cho khỏi mang tiếng với đời. ”
Câu 557, 558 = “Thiếp xin chàng yên trí rằng trời cho sông núi còn lâu dài bao nhiêu thì tình nghĩa đôi ta còn lâu bền bấy nhiêu. Thiếp còn nhớ mãi mãi chàng là người thiếp từ giã hôm nay và mong chóng lại về gặp nhau.”
Câu 559, 560 = Hai bên còn đương dùng dằng chưa nỡ rời tay nhau thì trông ra ngoài sân thấy mặt trời đã đứng ở góc mái nhà rồi.
Câu 561, 562 = Thế là chàng trở ra về, lòng những ngại ngùng từng bước, bước đi bước nào là tiếc mất xa nhau thêm bước ấy, và mỗi lời ngoảnh lại trân trong dặn thêm nàng là hai hàng nước mắt nhỏ xuống theo lời.
Câu 563, 564 = Khi về tới nhà trọ, chàng thì vội vàng đóng yên ngựa, đứa gia đồng thì quảy gánh cùng ra đi. Mối sầu chàng như sẻ làm đôi, một nửa mang đi, một nửa để lại cho nàng; mỗi bước đường chàng đi cũng như muốn chia làm đôi, một nửa tiến lên, một nửa muốn lùi lại với nàng.
Câu 565, 566 = Trên đường đi, chàng thấy phong cảnh quê người, cảnh nào cũng gợi cho chàng mối sầu thương, nghe thấy chim cuốc kêu mau mau ở trên cành cây thì chàng cảm thấy nhớ nhà; nghe thấy tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt tiếng một thì chàng cảm thương mình bơ vơ ở dọc đường.
Câu 567, 568 = Lại thêm nỗi lúc nào bụng chàng cũng thương Kiều phải vì chàng mà phải giữ mình; mặc dù buồn bã, chẳng dám đi đâu cho khuây khỏa; suốt tuần, suốt tháng chỉ rầu rĩ ở nhà như người đau ốm phải kiêng cữ gió mưa, mang gánh tương tư mỗi ngày mỗi nặng thêm.
Những câu và chữ có ý móc nối
Trong đêm Kim Kiều hội ngộ, mặt trăng đã đóng một vai trò từ thủy chí chung: (1) Lúc mới mọc thì dẫn đường cho Kiều đi và đưa Kiều đến phòng văn Kim Trọng: “Nhặt thưa gương giọi đầu cành... Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.” (2) Lúc lên đỉnh đầu thì chứng quả cuộc thề nguyền: “Vừng trăng vằng vặc giữa trời/ đinh ninh hai miệng một lời song song.” (3) Lúc quá nửa đêm, trăng lại gây cao hứng cho chàng muốn nghe đàn: Sinh rằng “Gió mát trăng trong/ bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.” (4) Rồi lúc gần sáng trăng đã xế tàn lại chứng kiến trước sau cuộc chia ly đau đớn và nhắc lại cuộc thề lần nữa: “Bóng tàu đã nhạt vẻ ngân/ tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào” và “Trăng thề còn đó trơ trơ/ dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.” Bởi trăng ghi một kỷ niệm sâu xa cho Kiều suốt cái đêm chan chứa đầy ái tình đằm thắm trọng quý này như vậy, nên trong bước lưu lạc sau này, biết bao lần nàng đã: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ thấy trăng mà thẹn những lời non sông.”
Những lời lẽ đối đáp giữa Kim Kiều trong cuộc hội ngộ này thật là đầy ý nghĩa sâu sắc, đầy tình tứ tế nhị, hô ứng đâu vào đấy, rất thân mật kín đáo, rất gọn gàng đầy đủ. Khi hai người đang “Chén hà sánh giọng quỳnh tương/ giải là hương lộn, bình gương bóng lồng” thì chàng bỗng nói “…gió mát giăng trong/ bấy lâu nay một chút lòng chưa cam/ chầy sương chưa nện cầu Lam/ sợ lần khần quá ra sàm sỡ chăng.” Câu nói đột ngột ấy đã làm cho Kiều giật mình khiến nàng vội ngắt lời chàng và thưa ngay lại “… hồng diệp xích thằng/ một lời cũng đã tiếng rằng tương tri” (để trả lời hai câu “Chầy sương chưa nện... ra sàm sỡ chăng), và “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia/ ngoài ra ai có tiếc gì với ai” (vừa để trả lời ý ngầm lửng lơ với chàng, vừa để khuyên chàng muốn gì cứ nói chớ ngại, xin vâng lời hết). Câu Kiều nói khiêm “… nghề mọn sá gì/ đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng” trả lời một cách rất đích đáng với lời quá trịnh trọng của Kim “Rằng nghe nổi tiếng cầm đài/ nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” Câu “… nghề mọn riêng tây/ làm chi cho bận lòng này lắm thân” cũng trả lời rất thích đáng với cử chỉ quá trịnh trọng của chàng là “tay nâng ngang mày.”
Những câu Kim Trọng lúc sắp ra đi hộ tang nói với Kiều thật đầy đủ ý tứ, khuyên nhủ một cách rất tế nhị, kín đáo, vừa thân mật thiết tha, vừa lễ phép đúng đắn và lời Kiều thưa lại cũng đầy đủ ý tứ từng câu một, mà cũng rất thân thiết lễ độ. Câu chàng nói “Sự đâu chưa kịp đôi hồi/ duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ ” hàm ý lo chưa dạm hỏi gì nàng có thể lấy người khác, thì nàng đáp “Cùng nhau trót đã nặng lời/ dẫu thay mái tóc dám rời lòng tơ.” Câu chàng nói “Trăng thề còn đó trơ trơ/ dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” khuyên nàng một cách bóng gió ý nhị, là phải giữ lời thề chặt chẽ như chàng, đừng có thưa thớt lòng vì xa cách. Để trả lời lại ý khuyên bóng gió ấy là câu nàng nói “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.” Câu chàng căn dặn “Gìn vàng giữ ngọc cho hay” lửng lơ với hai nghĩa: (1a) Phải giữ gìn tấm thân vàng ngọc cho khỏe, chớ buồn nhớ nhau quá mà sinh ốm; (2a) Phải giữ gìn danh tiết cho bền trong như vàng ngọc. Lời đối đáp của Kiều thật đoan trang và quả quyết: (1b) “Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.” (2b) “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. ”
Chữ “đó” trong câu “Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” thật hay, vì nó tả rất gọn rõ cái nơi đủ cảnh vui – trăng trong, gió mát, bạn đẹp, đàn hay – thế mà chàng phải ngẩn ngơ sầu, thì biết tiếng đàn nàng gảy có giọng như ngậm đắng nuốt cay khiến lòng chàng phải nao nao đến thế nào.
Hai chữ “tiêu tao” ở câu “So chi những khúc tiêu tao” gồm được cả ý nghĩa tả giọng sát phạt, sầu oán, nhớ thương ở các khúc, và giọng trong ít đục nhiều, thư nhàn ít, dồn dập nhiều ở các câu trên.
Câu “Dột lòng mình cũng nao nao lòng người” tả thật khéo tài nghe đàn của Kim Trọng, thật không thẹn với câu chàng nói “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” ở trên. Chàng chỉ nghe giọng đàn tiêu tao mà biết được điềm bạc mệnh của Kiều, khiến chàng phải vò chín khúc, cau đôi mày ngỏ lời cảnh báo nàng. Chữ “dẽ” ở câu “Dẽ cho thưa hết một lời đã nao” thật đã tả rõ được thái độ “lả lơi” của Kim Trọng ở câu trên và đủ sức mạnh vừa nghiêm trang mà vừa đứng đắn, vừa cương quyết mà êm đềm, để dẹp tan được sóng tình bồng bột, khiến chàng phải cảm phục, phải thêm yêu thêm kính.
Ý nghĩa thâm thúy của mấy câu tả tiếng đàn Kiều gãy trong đoạn này. Trong Truyện Kiều có hai đoạn tả “tiếng đàn” Kiều gãy cho Kim Trọng nghe. Chúng rất quan trọng mà tác giả đã tốn nhiều tâm tư đem tài nghệ viết ra – bên ngoài tuy tả tiếng đàn nhưng bên trong thật mượn tiếng đàn để vừa báo điềm biến chuyển vận mệnh đời Kiều (cũng là vận mệnh tác giả), vừa để than thở ngầm kín cho cuộc đời Kiều. Đó cũng là cuộc đời tác giả vui ít buồn nhiều, cuộc vui chỉ thoáng qua để làm cuộc buồn càng thêm nhớ tiếc thương đau mãi mãi. Dưới đây tôi xin phân giải từng câu trong đoạn tả tiếng đàn lần thứ nhất này để độc giả cùng suy xét.
(1) Khúc đâu Hán Sở chiến trường/ nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau bên ngoài thì tả tiếng đàn có vẻ sát phạt như tiếng gươm giáo đâm chém (tiếng sắt), như chuông cồng thúc giục (tiếng vàng); nhưng ý bên trong thì báo điềm gia đình Kiều sắp bị lũ nách thước tay dao vào tàn phá (tiếng sắt) và trói đánh Vương ông để lấy vàng bạc (tiếng vàng).
(2) Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu/ nghe ra như oán như sầu phải chăng bên ngoài thì tả tiếng đàn rất hay như tiếng đàn Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở bốn chữ “như oán như sầu” báo điềm Kim Kiều sẽ phải chia rẽ nhau và sẽ đem lòng sầu oán nhớ tiếc nhau mãi mãi rất thê thảm.
(3) Kê Khang này khúc Quảng Lăng/ một rằng Lưu Thủy hai rằng Hành Vân bên ngoài thì chỉ nói tiếng đàn Kiều gảy rất hay chẳng kém gì tiếng đàn Kê Khang gảy khúc Quảng Lăng; nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “Lưu Thủy” và “Hành Vân” báo điềm Kiều sẽ bị lưu lạc như “nước chảy dưới suối”, như “mây bay trên trời” nay đây mai đó.
(4) “Quá quan này khúc Chiêu Quân/ nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia” bên ngoài thì tả giọng đàn Kiều gảy nghe hay một cách thê thảm, giống như giọng đàn của bà Chiêu Quân ôm tỳ bà gảy khúc “Quá quan” khi qua cửa ải sang đất nước rợ Hồ. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì bốn chữ “luyến chúa” và “tư gia” báo điềm Kiều sẽ phải bỏ nhà ra đi để phải nửa đời lúc nào lòng cũng đau đớn phần tiếc Kim Trọng, phần nhớ gia đình.
(5) “Trong như tiếng hạc bay qua/ đục như tiếng suối nước sa nửa vời” thì bề ngoài chỉ tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì trong như tiếng hạc kêu, khi thì đục như tiếng suối chảy. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “bay qua” câu trên và ở bốn chữ “mới sa nửa vời” câu dưới để than thở cho quãng đời trong sạch của Kiều chỉ thoáng hệt như tiếng hạc bay qua, và quãng đời bẩn đục của nàng thì kéo dài mãi như tiếng ồ ồ nước suối đương sa xuống nửa vời mãi mãi không ngừng.
(6) “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì khoan thai như tiếng gió hiu hiu, khi thì mau gấp như tiếng mưa sầm sập. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở hai chữ “thoảng ngoài” câu trên và ba chữ “trời đổ mưa” câu dưới để than thở cho cuộc đời nàng lúc thư thả thì ít, chỉ như gió thoảng, còn lúc tai nạn thì dồn dập như trời gió bão đổ mưa sầm sập.
Tóm lại, từ các câu lục bát nêu trên thì bốn câu (1, 2, 3, 4) báo điềm đủ từng giai đoạn nửa đời bạc mệnh của Thúy Kiều, và hai câu (5, 6) thì tỏ lời than thở cho đời nàng hồi trong sạch thanh cao thì chỉ thoáng qua, mà hồi bẩn đục thì kéo dài mãi mãi, cảnh thư nhàn thì chỉ mong manh như gió thoảng, còn cảnh tai nạn dữ dội thì dồn dập xảy ra như trời gió mưa bão.
CHƯƠNG 10
CÂU 569 ĐẾN CÂU 692
“Sai nha quen thói, hiếu nữ bán mình”
569. Nàng còn đứng tựa hiên tây,
Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ. [1]
571. Trông chừng khói ngất song thưa, [2]
Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng. [3]
573. Tần ngần dạo gót lầu trang,
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về, [4]
575. Hàn huyên chưa kịp dãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao. [5]
577. Người nách thước, kẻ tay dao; [6]
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. [7]
579. Già giang một lão một trai, [8]
Một dây vô loại buộc hai thâm tình. [9]
581. Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh, [10]
Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai. [11, 12]
583. Đồ tế nhuyễn, của riêng tây, [13]
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham. [14]
585. Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai đơm giậm, đặt giàm bỗng dưng? [15]
587. Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ. [16, 17]
589. Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây. [18, 19]
591. Hạ từ van vỉ suốt ngày, [20]
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn. [21, 22]
593. Rường cao rút ngược dây oan, [23]
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người.
595. Mắt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
597. Một ngày lạ thói sai nha, [24]
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. [25]
599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao? [26]
601. Duyên hội ngộ, đức cù lao, [27]
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
603. Để lời thệ hải minh sơn, [28]
Làm con trước phải đền ơn sinh thành. [29]
605. Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!” [30]
607. Họ Chung có kẻ lại già, [31]
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm. [32, 33]
609. Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.
611. Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi. [34]
613. Hãy về tạm phó giam ngoài, [35]
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày. [36]
615. Thương lòng con trẻ thơ ngây, [37]
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ! [38]
617. Đau lòng tử biệt sinh ly, [39]
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
619. Hạt mưa sá nghĩ phận hèn, [40]
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân. [41]
621. Sự lòng ngỏ với băng nhân, [42, 43]
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao. [44]
623. Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh. [45, 46]
625. Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh.
Hỏi quê rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần. [47]
627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, [48]
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
629. Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
631. Ghế trên ngồi tót sỗ sàng, [49]
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
633. Nỗi mình thêm gấp nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng! [50]
635. Ngại ngùng dợn gió e sương, [51]
Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày. [52]
637. Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. [53]
639. Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
641. Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu. [54]
643. Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều, [55]
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?” [56]
645. Mối rằng: “đáng giá nghìn vàng,
Nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài.” [57]
647. Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm. [58]
649. Một lời thuyền đã êm giầm [59]
Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi. [60]
651. Định ngày nạp thái vu qui, [61]
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong! [62]
653. Một lời cậy với Chung công,
Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà. [63]
655. Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột rầu:
657. Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi. [64, 65]
659. Trời làm chi cực bấy trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan! [66]
661. Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.
663. Một lần sau trước cũng là, [67]
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!
665. Theo lời càng sưới dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
667. Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:
669. “Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
671. Dâng thư đã thẹn nàng Oanh, [68]
Lại thua ả Lý bán mình hay sao? [69]
673. Cỗi xuân tuổi hạc càng cao, [70]
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
675. Lòng tơ dù chẳng dứt tình, [71]
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
677. Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
679. Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh. [72]
671. Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.”
673. Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang.
685. Mái ngoài họ Mã vừa sang,
Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao. [73]
687. Trăng già độc địa làm sao? [74]
Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên.
689. Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì! [75]
691. Họ Chung ra sức giúp vì,
Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.  [76, 77]
Đính chính và xác định:
Câu 572 – Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng – Chữ trôi trớt câu này bản nôm viết là [ ] (phần chỉ nghĩa cho cả hai là bộ thủy, phần chỉ âm lần lượt là lôi [] và trác []). Bản ông Nguyễn Khắc Hiếu theo chữ trác phiên âm là “trát” không thật đúng. Bản ông Trần Trọng Kim phiên âm là “giạt” thì thực là vô nghĩa. “Hoa trôi trớt thắm” = vẻ mặt Kiều đương hồng hào đẹp thế mà bỗng hóa ủ ê buồn tái nhợt đi.
Câu 582 – Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai – Đọt = nhánh cây non mập mạp mới mọc rất mạnh từ gốc lên cây, có thể thành thân cây thứ hai được. Cội = gốc cây già cứng giữ cho cây bền vững. Đọt liễu tượng trưng hai cô gái trẻ: Kiều, Vân. Cội mai tượng trưng Vương bà có vẻ già cứng thanh tao như cây mai và là chủ cốt gia đình. Vì chữ “đọt” nôm viết [mộc + đột ] gần giống chữ “giọt” [bộ thủy + đột] nên thợ khắc bản in gỗ trước quen tay khắc lầm “đọt” ra “giọt.” Các nhà xuất bản sau, vì không biết sự khắc lầm đó, công nhận chữ [] (giọt) và giảng nghĩa gượng giọt liễu là những giọt dây lưng đàn bà con gái buông xuống ở trước bụng; rồi thấy “cội mai” [ ] đối với giọt liễu không chỉnh, lại đổi “cội mai” ra “gối mai” [ ] vì [] cũng đọc là “gối”. Xét ra chỉ vì chữ “đọt” khắc lầm ra “giọt” đó mà người sau đều biết câu này nghĩa không êm xuôi, mới mỗi người một ý, đổi sai thành ra: (a) Rụng rời giọt liễu, tan tành gối mai – (b) Rụng rời bọc liễu, tan tành cỗi mai – (c) Rụng rời khung dệt, tan tành gói may – (d) Tan hoang khung cửi, tan tành gói may. Hết thảy đều lạc nghĩa, nực cười.
Câu 586 – Vì ai đơm giậm, đặt giàm bỗng dưng – Giậm = cái vợt đan to bằng tre để đơm cá. Miệng giậm hình bán nguyệt dài chừng gần 2 mét, buộc ngang trên đầu cái cán dài. Khi bắt cá người ta cầm đầu kia cán, bất kỳ đặt nghiêng miệng giậm xuống phía ngoài một góc ao cá, rồi lấy chân lùa cá vào giậm mà nhấc lên. Giàm = một thứ lưới rộng để bắt chim. Người ta đặt lưới ở chỗ ruộng mới gặt xong, rồi đặt chim mồi và rắc những ré lúa còn thóc để dụ đàn chim trời xuống ăn, rồi bất kỳ giật lưới úp bắt. Ta hay nói “đơm giậm, đặt giàm” vắn tắt là “đơm đặt” để nói bày mưu kế mà người mắc vào tội vạ. Câu thơ này cốt ý ở hai chữ “đơm đặt” là bỗng dưng gán tội vạ cho người.
Câu 635 – Ngại ngùng rợn gió e sương – Chữ “rợn,” ở bản nôm viết là [] hay [+], chỉ dịch ra “rợn” là vừa đúng tiếng vừa đúng nghĩa là hổ thẹn, cực khổ quá làm lạnh lùng rùng rợn cả người. Các bản quốc ngữ hiện thời bản thì dịch là “dín”, giảng là tiếng cổ nghĩa là e lệ. Nếu là “dín” thì bản nôm sao không viết là [] (diến)? Có bản lại dịch là “dạn” thì sai ý nghĩa.
Câu 646 – Nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài – Chữ nghẹt bản nôm in là [] (chữ Hán đọc là ngạt và nghĩa là xấu). Vì chữ [] này ít dùng, ít người biết chính âm là gì, nên mỗi người phiên âm một khác: là “ngặt”, là “dớp” đều xa âm chữ [] ngạt cả; chỉ có chữ “nghẹt” là vừa đúng âm vừa đúng nghĩa. Dân quê ta thường dùng chữ nghẹt để nói khi nhà gặp cơn vận hạn túng bấn. Ví dụ như người khất nợ nói “nhà tôi dạo này vận hạn mãi, thật tình nghẹt quá, vậy xin ông khoan hạn cho ít lâu, tôi sẽ xin trả dần đủ số.”
Câu 665 – Theo lời càng sưới dòng châu – Chữ sưới câu này, bản nôm cũ in là “suế” và viết [] (chấm thủy + chữ suế). Chữ suế [] là lông tơ súc vật cũng ít dùng nên ít người biết. Hồi năm 1947, cụ huyện Phù lưu Hoàng Mộng Lệ tản cư về nhà tôi ở làng Hương Mặc, thường hay bàn truyện Kiều với tôi. Một hôm cụ nói “Tôi khảo cứu truyện Kiều đã 50 năm nay rồi, mà có một chữ tôi vẫn không hiểu đọc là gì cho đúng, đó là chấm thủy bên 3 chữ mao.” Rồi cụ giở cuốn Kiều nôm cũ chỉ cho tôi xem chữ [] ở câu này. Tôi bèn giở Khang Hi Tự Đìển ra tra thì thấy chữ đó đọc là suế. Tôi nghĩ một hồi rồi nói với cụ “Có lẽ là chữ sưới, do chữ suối đọc trạnh ra và nghĩa là chảy ra như suối.” Cụ bật cười nói “Tôi cũng nghĩ thế mới đúng!” Rồi cụ nói tiếp “Thế mà các nhà tái bản họ không biết, họ đổi bừa ra sối, ra chảy, ra rội, thật mất cả hay!” Cụ còn nói nhiều câu các bản Kiều bây giờ in sai với bản cổ, đại khái như câu “lờ thu thủy, nhợt xuân sơn” in lầm ra “làn thu thủy, nét xuân sơn.” Cụ có hẹn tôi cụ sẽ đọc cho tôi nguyên văn bản Kiều cũ nhất của cụ. Nhưng chưa kịp thì cụ lâm bạo bệnh rồi qua đời. Vậy đây xin ghi lại mấy lời làm kỷ niệm.
Chú giải và dẫn điển
[1] Chín hồi là chín khúc ruột, do chữ Hán [   = cửu hồi trường] dịch ra. Cổ nhân cho rằng cái bụng chủ trương tư tưởng, mà trong bụng thì có chín khúc ruột xếp thành chín vòng.
[2] Trông chừng khói ngất song thưa – Câu này dịch ở câu chữ Hán [  只見   = sơ song chỉ kiến yên cao = trông ra ngoài cửa sổ có những chấn song thưa, chỉ thấy khói cao] ý nói trông chẳng thấy bóng Kim Trọng đâu, chỉ thấy khói bốc cao mù mịt.
[3] Hoa trôi trớt thắm – Xem lời đính chính câu 572 bên trên.
[4] Ngoại hương = làng bên họ ngoại.
[5] Sai nha = lính tráng do tòa án sai về.
[6] Người nách thước, kẻ tay dao – Những lính tráng quan sai về nhà dân trước kia thường võ trang bằng tay thước và mã tấu. Tay thước = thanh gỗ dài độ 1 m, rộng độ 4 cm và dày độ 2 cm, bào nhẵn sơn bóng, một đầu có dùi lỗ xâu dây để đeo lên vai được và cắp vào nách. Mã tấu = thứ dao to lính mang để làm nghi vệ và để đánh nhau.
[7] Đầu trâu mặt ngựa – Theo sách Khuyến Thiện, ở tòa Diêm Vương dưới âm phủ có những lính quỉ, đứa thì đầu trâu có hai sừng, đứa thì mặt ngựa mõm dài, đều rất hung hãn và tàn ác.
[8] Già giang – Già [] = cái gông đeo vào cổ. Giang [] = cái cùm khóa vào tay. Hai chữ này ở đây dùng làm động từ, ý nói đóng gông đóng cùm vào Vương Ông và Vương Quan.
[9] Dây vô loại – Vô loại [ ] = không nhân đức như loài người. Dây vô loại = cái dây tàn ác chỉ để trói người, tức là cái thừng của lũ sai nha vô nhân đạo. “Hai thâm tình” = hai bố con họ Vương.
[10] Tiếng ruồi xanh = Ý nói tiếng lũ tiểu nhân tham lam bẩn thỉu thét lác, hống hách, ồn ào như đàn ruồi nhặng.
[11,12] Đọt liễu chỉ Kiều và Vân. “Cội mai” chỉ Vương bà – Xem lời đính chính câu 582 bên trên.
[13] Đồ tế nhuyễn – Tế [] = nhỏ. Nhuyễn [] = mềm. Đồ tế nhuyễn là những đồ bé nhỏ mà quí báu như tiền, đồ trang sức, quần áo phụ nữ.
[14] Túi tham lấy ý từ chữ Hán [    = tham nang vô để = túi tham không có đáy].
[15] Đơm giậm đặt giàm – Xem lời đính chính câu 586 bên trên.
[16] Xưng xuất [ ] = kẻ tù tội khai tên ai ra là đồng phạm với nó. Thường lũ làm việc quan tham nhũng vẫn bắt kẻ tù tội khai tên vu cho ai để chúng làm tiền hay để trả thù người ấy.
[17] Thằng bán tơ – Triều nhà Minh nước Tàu rất ghét nước Nhật, muốn hãm nghề dệt tơ lụa của Nhật, nên cấm dân bán nguyên liệu cho Nhật ; ai phạm tội thì bị tử hình. Nhưng vì người Nhật mua tơ với giá rất cao, nên vẫn nhiều người Tàu bán tơ lậu cho Nhật. Một người buôn lậu tơ với Nhật bị nhà chức trách theo dõi, có vào dự bữa tiệc thọ, ngồi ăn với bố con ông Vương. Khi bắt nó và thấy nhà Vương ông cũng khá giả, bọn tham quan ô lại bèn bắt nó khai ra là buôn tơ chung với bố con họ Vương để chúng lấy cớ bắt oan mà tống tiền họ.
[18] Tiếng oan dậy đất = tiếng kêu oan rung động cả đất.
[19] Án ngờ lòa mây ý nói làm tội người ta một cách oan ức, không coi pháp luật và trời đất ra gì. Sách cổ có chữ chê bọn gian tà [    = nhất thủ già thiên = một bàn tay của kẻ gian tà che kín được cả trời] làm cho người bị vu oan như vướng mây không thể kêu lên trời được.
[20] Hạ từ = những lời chịu hạ mình xuống bực thấp hèn để kêu oan.
[21] Điếc tai lân tuất – Lân tuất [ ] = thương xót người khổ. Tai lân tuất = tai nghe người khổ kêu thì biết thương xót. Nhưng lũ sai nha này nghe người khổ kêu oan chúng chẳng thương chút nào, như thể chúng bị điếc không nghe thấy gì cả.
[22] Phũ tay tồi tàn = cái tay đánh người ta thì thật phũ phàng tàn bạo.
[23] Rường cao = xà ngang cao nhất ở giữa gian nhà.
[24] Một ngày ý nói xưa nay cái lũ sai nha nó vẫn tàn ác như thế, chứ đâu phải mới có một ngày như thế là lần đầu mà lạ.
[25] Khốc hại [ ] = độc ác tàn khốc.
[26] Ngộ biến tòng quyền – Ngộ biến [ ] = gặp lúc tai biến xảy ra bất ngờ. Tòng quyền [ ] = nghĩa đen là theo cán cân; nghĩa rộng (ra việc đời) là khi gặp việc gì bất ngờ xảy ra, ta phải suy nghĩ kỹ, như dùng cái cân mà nhắc lên xem đằng nào nặng hơn thì theo. Ở đây Kiều nhắc cân lên xem, thì thấy bên hiếu nặng hơn, nên nàng phải bỏ bên tình.
[27] Đức cù lao – Cù lao [ ] = khó nhọc. Đức cù lao = công đức cha mẹ nuôi con khó nhọc. Trong Kinh Thi có câu [        = ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao = thương thay cha mẹ nuôi sống ta khó nhọc].
[28] Thệ hải minh sơn [   ] – Thệ = lấy lời nói mà thề. Minh = giót chén rượu cúng khấn, rồi thề và cùng uống với nhau. Trong Tình Sử có câu [ 誓山盟 = hải thệ sơn minh = chỉ biển mà ngỏ lời thề, chỉ núi mà uống lời thề] hàm ý “bao giờ biển cạn hết nước, núi mòn hết đá thì lời thề mới tan.”
[29] Sinh thành [ ] – Sinh = đẻ ra và nuôi cho sống. Thành = chăm non dạy bảo cho con thành người khá.
[30] Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha = lời Kiều nói từ tạ Kim Trọng, và nghĩa là “xin chàng hãy nén lòng, đừng giận trách thiếp, mà cho thiếp được bán mình để chuộc đời của cha.”
[31] Lại già – dịch từ hai chữ Hán lão lại [ ] = người già làm việc giấy tờ đã lâu ở văn phòng các quan tòa.
[32, 33] Nha dịch [ ] = những người làm việc ở văn phòng các quan hành chính, tòa án; họ thường hay điên đảo pháp luật để bắt nạt dân lấy tiền của. “Từ tâm” [ ] = có lòng nhân từ thương người. (Tác giả dùng câu này để mỉa mai bọn nha dịch).
[34] Lạng [] = một đơn vị của phép cân ta (cũng gọi là lượng) nặng chừng 37 g. Xưa kia ta chỉ đúc tiền bằng đồng, bằng kẽm để tiêu, còn vàng hay bạc thì để vụn, mỗi khi tiêu phải dùng một cái cân nhỏ mà cân. Trong sách Tàu người ta thường hay nói nghìn vàng, túc là nghìn lạng bạc, không phải nghìn lạng vàng. Câu nói “ngoài bốn trăm” tức là hơn bốn trăm lạng bạc.
[35] Tạm phó giam ngoài = ông họ Chung bảo đảm đem Vương ông và Vương Quan về giữ tạm ở nhà ông để đợi xét xử, tránh không phải bị gông cùm ở trong nhà giam nữa.
[36] Qui liệu [ ] = lo chạy đúng hạn cho đủ số tiền đem nộp.
[37] Thương lòng con trẻ thơ ngây – Chữ “thương lòng” câu 615 này ứng với chữ “ xót vay” ở câu 610, nghĩa là Chung công thấy Kiều còn thơ ngây mà gặp vạ gió tai bay, nên lòng ông thương xót cho nàng. Bản ông Trần Trọng Kim cho là lòng Kiều tự thương, và bản kinh cho là tác giả thương cho cảnh Kiều, đều là lầm cả và làm mất ý nghĩa mạch văn.
[38] Vạ gió tai bay lấy ý từ câu chữ Hán [    = hoành họa phi tai = tai vạ bỗng dưng xảy ra như gió đưa đến].
[39] Tử biệt sinh ly – Tử biệt [ ] = chia rẽ nhau bởi kẻ chết, người sống. Sinh ly [ ] = lìa rẽ nhau bởi người ở nhà, kẻ phải bỏ nhà ra đi lúc còn sống.
[40] Hạt mưa – Nghĩa bóng của “hạt mưa” đây là thân phận con gái. Phong giao ta có câu nói về con gái “thân em như hạt mưa rào / hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa” – hàm ý cô nào số tốt thì như hạt mưa rơi vào vườn hoa, vừa sạch sẽ vừa thơm tho; cô nào xấu số thì như hạt rơi xuống giếng, tối tăm chìm đắm chẳng ai ngó tới nữa.
[41] Đem tấc cỏ đền ba xuân – Trong một bài thơ của thi sĩ Mạnh Giao đời Đường có câu [          = thùy ngôn thốn thảo tâm báo đáp tam xuân huy = ai bảo tấc ruột cỏ báo đáp lại được khí sáng tốt đẹp ba tháng mùa xuân]. Trước kia ta vẫn dùng bấc ở ruột cỏ, để làm mồi đốt đèn dầu hột. “Có khí sáng đẹp ba tháng xuân thì cỏ mới lên được” hàm ý “có công ơn cha mẹ sinh dưỡng thì con mới thành người được. ” Vậy con phải hết lòng báo đáp công ơn cha mẹ, cũng như cây cỏ nọ đem ruột bấc ra đốt đèn soi sáng để báo đáp lại khí sáng mùa xuân.
[42] Sự lòng do chữ  tâm sự [ ] dịch ra, có nghĩa là việc mình định làm ở trong lòng.
[43] Băng nhân [ ] = người đứng ở trên làn nước đá = người đứng ra làm mối. Xưa có người nằm mơ thấy mình nói chuyện với một người đứng ở trên băng. Tò mò, ông ta nhờ người đoán hộ xem đó là điềm gì, thì thầy đoán mộng cho biết là điềm sắp có người làm mối vợ cho, vì người đứng ở trên mặt băng là dương, bóng người đó ở dưới mặt băng là âm, tức là nối âm dương liền với nhau. Sau quả nhiên ông ta được người làm mối vợ cho thật.
[44] Tin sương dịch từ chữ Hán sương tín [ ] = tin trời báo trước là sắp có sương mù đến, như nếu thấy chim le, chim sếu ở phương bắc bay về thì liệu sắp sửa mọi sự phòng rét. Trong văn cảnh này thì “tin sương” = tin Kiều định bán mình đồn vang đây đó.
[45] Viễn khách [ ] = người khách lạ ở phương xa đến.
[46] Vấn danh [ ] – Việc cưới xin của người Tàu thời xưa có 6 lễ:
1. Nạp thái [ ] = ngỏ lời kén chọn (ta gọi là lễ giạm).
2. Nạp cát [ ] = nhận lời cho biết là tốt đôi.
3. Vấn danh [ ] = hỏi tên tuổi dâu rể (để hai bên làm lễ cáo tổ tiên).
4. Nạp trưng [ ] = dẫn đồ cưới (ta gọi là dẫn cưới).
5. Thỉnh kỳ [ ] = xin nhà gái định ngày cưới (ta gọi là xin cưới).
6. Thân nghinh [ ] = nhà trai đón dâu về – Vu quy [ ] = nhà gái đưa con về nhà chồng.
[47] Lâm thanh là một huyện ở gần Bắc Kinh, còn quê thật của Mã Giám Sinh thì ở huyện Lâm truy rất xa. Tên chữ Hán của hai huyện này khi viết chỉ khác nhau có một nửa ở chữ thứ hai thôi : [ ] = Lâm thanh so với [ ] = Lâm truy. Mã Giám Sinh nói dối có hai mục đích lừa nhà gái – vừa để nhà gái tưởng gần dễ bằng lòng, vừa để sau này khó tìm và khỏi sinh kiện cáo. Vì vậy sau này Kim Trọng tìm cả mười mấy năm không thấy Kiều ở đâu.
[48] Quá niên = đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa già.
[49] Sỗ sàng = trơ tráo, thô bỉ, vô lễ.
[50] Lệ hoa = nước mắt đầm đìa trên mặt Kiều (tựa như những giọt mưa đọng ở đóa hoa ủ rũ).
[51] Dợn gió e sương – Xem lời xác định câu 635 bên trên.
[52] Ngừng hoa bóng thẹn = vừa ngại ngùng dở đi dở đứng, vừa nhìn xuống dãy hoa thấy bóng mình ở trên hoa mà thẹn với hoa.
[53] Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai – Câu này tả vẻ buồn của cô gái thanh tao lịch sự tuyệt hạng mà gặp cảnh ê chề nhục nhã quá sức. Tuy buồn rầu khổ đau mà cô vẫn nguyên vẻ thanh cao, theo ý câu chữ Hán [        = dung đạm như cúc cách sấu như mai = vẻ mặt buồn nhạt như hoa cúc, hình dạng khô gầy như cành mai].
[54] Dặt dìu mô tả lời nói đắn đo, lựa ý và tùy cơ nữa mà mặc cả.
[55] Lam Kiều = nơi có núi Lam Điền trồng ngọc và có nhiều tiên nữ cư ngụ.
[56] Sính nghi [ ] = đồ dẫn cưới. Đây tức là Mã Giám Sinh hỏi lấy bao nhiêu tiền, nhưng nói là sính nghi cho lịch sự, cho hợp với lễ cưới.
[57] Nghẹt nhà – Xem lời xác định câu 646 bên trên.
[58] Ngã giá = cuộc mặc cả đã thành giá, đôi bên cùng thỏa thuận.
[59] Êm giầm – Câu tục ngữ “buông tay giầm, cầm tay lái” nghĩa là khi lái đò mặc cả với khách hàng đã thành giá rồi, thì bỏ tay giữ cái giầm hãm thuyền ra, cầm lấy mái chèo để cho thuyền đi.
[60] Canh thiếp [ ] = tấm thiếp biên “niên canh” [ ] (tuổi năm sinh) và tên của cô dâu và chú rể.
[61] Nạp thái, vu quy – Xem lời chú thích [46] về “vấn danh” bên trên.
[62] Tiền lưng = tiền sẵn có trong tay để lo mọi việc.
[63] Khất từ tạm lĩnh = làm đơn xin mang tạm Vương ông về nhà.
[64] Trao tơ – Theo sách Thiên Bảo Dị Sử, Trương Gia Trinh đời nhà Đường có 5 cô con gái, muốn gả một cô cho Quách Nguyên Trấn là một thanh niên có tài hơn người. Ông đưa cho mỗi cô cầm đầu một sợi chỉ to dài màu khác nhau, ngồi ở nhà trong. Rồi ông dòng các sợi tơ đó ra nhà ngoài, bảo Nguyên Trấn chọn lấy một sợi, đúng sợi cô nào thì lấy cô ấy. Nguyên Trấn rút lấy sợi màu đỏ, lấy được cô thứ ba là cô đẹp nhất. Đó là tích “trao tơ. ”
[65] “Gieo cầu” : Theo sách Tam Hợp Bảo Kiếm, Hán Vũ Đế kén phò mã bằng cách cho công chúa ngồi trên lầu, ném quả cầu bằng gấm thêu xuống lũ con trai vua đã kén đi lại ở dưới, quả cầu trúng người nào thì người ấy được làm chồng cô.
[66] Vu thác = đặt ra tội mà vu cho người ta phải chịu.
[67] Một lần = một lần chết – ý nói trước sau thế nào cũng có một lần chết.
[68] Nàng Oanh – Theo truyện Liệt Nữ của Lưu Hướng đời Vua Hán Văn Đế, Thuần Vu Ý bị án tử hình. Con gái Vu Ý là Đề Oanh [ ] dâng thư lên vua xin nộp mình vào làm quan tỳ (kẻ sai vặt) suốt đời trong một công sở, để chuộc tội cho cha. Vua xem thư rất thương tình, liền tha án tử hình cho cha nàng.
[69] Ả Lý – Theo sách Tùng Thư đời Đường, nàng Lý Ký nhà nghèo tình nguyện bán mình làm lễ cúng thần rắn để lấy tiền nuôi cha mẹ. Sau nàng giết được rắn thần và lấy được vua Việt Vương.
[70] Cội xuân = biểu tượng của người cha già làm cội gốc cho gia đình. Theo Trang Tử, cây xuân sống rất lâu (có thể đến 8 ngàn năm) cho nên trong văn chương, người cha được con cái gọi là “xuân đường” [椿 ] (nhà xuân) để tỏ ý mong cha sống lâu mãi mãi. “Tuổi hạc” – Người xưa nói con chim hạc và con rùa đều sống hàng nghìn năm, cho nên trong văn chương tuổi già được gọi là “hạc toán” [ ] (tuổi hạc) hay “quy linh” [ ] (tuổi rùa).
[71] Lòng tơ = lòng vướng vít vì tình. Câu này Kiều nói nếu cha không dứt tình thương con đối với nàng.
[72] Chẳng đỗ = chẳng nuôi được, chết ngay từ lúc mới đẻ.
[73] Tờ hoa = tờ văn tự bán Kiều, viết bằng giấy hoa tiên (một thứ giấy viết thư có in hình cành hoa đỏ).
[74] Trăng già = do điển tích [    = nguyệt hạ lão nhân = ông già ngồi dưới trăng (se chỉ kết duyên vợ chồng)].
[75] Đổi trắng thay đen = câu tục ngữ để nói về lũ tham quan ô lại bỗng dưng buộc tội oan cho người dân để dọa nạt làm tiền (đổi trắng ra đen) ; khi đã được tiền đút lót rồi thì lại xóa tội đi (đổi đen ra trắng).
[76] Lễ tâm = của đút lót thầm kín làm lũ quan tham được vừa lòng.
[77] Tụng kỳ [ ] = thời gian hầu kiện ở tòa án.
Diễn ra văn xuôi
Câu 569, 570 – Chàng Kim đi rồi, Kiều vẫn còn đứng ở trước mái hè phía tây nhà, bối rối như trăm mối tơ vướng vít trong lòng.
Câu 571, 572 – Nàng đưa mắt nhìn qua hàng trấn song thưa cửa sổ, chỉ thấy một vùng khói bốc lên cao trên phía chàng đi. Mặt mày nàng ủ rũ tê tái, mất hết vẻ hồng hào tươi đẹp như hoa, như liễu.
Câu 573, 574 – Nàng đương ngơ ngẩn dạo bước lên lầu trang thì đoàn mừng thọ ở bên ngoại về đến nhà.
Câu 575, 576 – Nàng chưa kịp chào mừng hỏi han hết lời thì bỗng thấy một bọn sai nha kéo vào, thét lác om sòm tứ phía.
Câu 577, 578 – Người thì tay thước cắp nách, kẻ thì mã tấu cầm tay, trông như lũ quỹ sứ đầu trâu mặt ngựa, quát thét hung hăng, dữ tợn nóng nảy, ào ào như nước sôi một lượt.
Câu 579, 580 – Chúng gông cổ cùm tay Vương ông và Vương Quan, rồi lấy một chiếc thừng ra tay độc ác vô nhân đạo, trói hai bố con vào với nhau.
Câu 581, 582 – Chúng hung hăng như đám ruồi xanh quát thét vang nhà làm bạt vía hai cô gái trẻ đẹp như hai đọt liễu xanh non, và một bà già khô gầy như gốc mai già.
Câu 583, 584 – Bao nhiêu những đồ quý giá vặt vãnh dễ mang, và những vải vóc áo quần mềm đẹp dễ cuốn gói với những tiền bạc của cải riêng tây, chúng đều vơ vét hết sạch cho hả lòng tham như túi không đáy.
Câu 585, 586 – Rõ thật là một điều lạ lùng, ai đã đưa vạ gió tai bay ở đâu đến buộc vào nhau như vậy ? Ấy ai đã bỗng dưng đơm đặt ra tội nọ tội kia như đơm giậm để bắt cá, đặt giậm để bắt chim như vậy?
Câu 587, 588 – Sau hỏi ra mới biết rằng bị thằng bán tơ nó tiêu xưng cho hai bố con Vương ông đã đồng mưu buôn lậu tơ với nó để bán cho kẻ thù (tức là người Nhật thời ấy).
Câu 589, 590 – Cả nhà nghe nói bị vu oan cho tội to như vậy đều ngẩn ngơ rất hoảng sợ; tiếng kêu oan đã làm rung động cả đất, và cái tội án vu vơ này đã tối tăm như mây phủ kín trời chẳng biết kêu cầu lên ai được.
Câu 591, 592 – Cả nhà bây giờ đành phải chịu hèn, van vỉ chúng suốt ngày. Nhưng ôi! Tai lũ này như điếc, chẳng nghe thấy những lời van vỉ thảm thê đáng thương xót ấy, mà cái tay đánh đập tàn ác của chúng lại càng phũ phàng thêm.
Câu 593, 594 – Chúng lấy một dây thừng oan độc, một đầu trói buộc hai chân người ta, rồi vắt đầu thừng kia lên trên cái rường cao giữa nhà mà kéo ngược hai cha con họ Vương lên lủng lẳng dưới mái nhà, làm cho dẫu là sắt đá cũng phải rùng rợn, huống chi là người ruột thịt.
Câu 595, 596 – Trông thấy mặt người bị treo đau đớn, ai cũng phải sợ hãi rụng rời. Ôi cái cuộc oan uổng này thật hết kêu cứu với ai, chỉ còn cách kêu trời, thì trời lại cao xa quá, kêu sao cho thấu được đến tai trời.
Câu 597, 598 – Nguyên cái lề thói lũ sai nha xưa nay nó vẫn vậy, chứ đâu phải mới có ngày hôm qua là một, mà ta cho là lạ lùng. Chúng đánh trói tàn khốc như thế, chẳng qua là chỉ cốt để lấy tiền thôi.
Câu 599, 600 – Muốn cứu cho tính mạng của cha và em được an toàn thì phải có nhiều tiền bạc cho bọn này. Nhưng nhà mình vốn đã chẳng giàu, lại bị chúng nó vơ vét hết cả của cải rồi, thì lấy đâu ra tiền bạc? Chỉ còn mỗi một cách là ta phải liều thân bán mình đi thôi. Nhưng khốn nỗi, còn vướng lời thề nặng với chàng Kim thì sao? Nhưng đành thôi vậy, gặp biến thì ta phải tòng quyền chứ biết tính sao bây giờ!
Câu 601, 602 – Kiều suy tính: Một bên là duyên gặp gỡ thề ước với chàng, một bên là công đức sinh thành của cha – ta phải cân nhắc xem bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.
Câu 603, 604 – Nàng thấy bên hiếu nặng hơn, nên nàng mới dẹp những lời chỉ biển chỉ núi mà thề với chàng để lại một nơi bên lòng, mà nghĩ đến đạo làm con là trước hết phải đền ơn sinh thành của cha mẹ.
Câu 605, 606 – Nghĩ vậy, nàng mới quyết tình hạ bên tình xuống. Rồi lòng nàng đau khổ như nghẹn ngào nức nở, mà như ngỏ lời van lơn từ biệt chàng Kim rằng “Xin chàng hãy khoan khoan, hãy dẽ dàng nén lòng nhớ tiếc thiếp đi, nén lòng giận trách thiếp đi, mà cho phép thiếp bán mình để chuộc tính mạng cha thiếp!”
Câu 607, 608 – Bấy giờ có một lại già họ Chung, tuy cũng ở trong bọn nha dịch, nhưng lại có lòng nhân đức.
Câu 609, 610 – Ông thấy nàng có tình thương bố sâu xa quá, nên tuy chẳng họ hàng gì, ông cũng thương thầm xót vay cho nàng.
Câu 611, 612 – Rồi ông tính việc lo chạy giúp nàng, và bảo nàng là ông đã tính đút lót mọi nơi, tất cả phải hết chừng 300 lạng bạc thì việc này mới xong xuôi được.
Câu 613, 614 – Rồi ông bảo lĩnh được tạm đem Vương ông và Vương Quan về giữ ở nhà ông để chờ ngày xét xử, thay vì bị cùm giam trong ngục tù. Ông bảo Kiều phải liệu thu xếp lo chạy cho đủ số tiền trong vài ba ngày rồi đưa cho ông.
Câu 615, 616 – Sỡ dĩ ông tận tâm giúp đỡ Kiều như vậy là vì lòng ông thương hại cho Kiều tuổi còn trẻ thơ mà gặp cơn vạ gió tai bay to tát bất kỳ như vậy.
Câu 617, 618 – Còn về phần nàng, thì thật đau lòng quá đỗi, sắp sửa phải xa lìa bố mẹ, thà chết đi mà lìa nhau còn hơn. Thân mình còn lìa bỏ chẳng tiếc, thì còn tiếc gì đến duyên với tình nữa.
Câu 619, 620 – Nhưng nàng biết thân phận con gái vốn hèn mọn như hạt mưa rào nói trong ca dao, dẫu sa xuống giếng cũng đành chịu, nên nàng đành không hơi đâu nghĩ đến thân nữa. Thế là nàng quyết liều thân báo ơn cha mẹ, như cây cỏ bấc kia nó đã đem ruột nó ra làm tim đốt đèn soi sáng để báo đáp lại ánh sáng ba tháng xuân đã nuôi lớn nó.
Câu 621, 622 – Nàng kể cho người làm mối biết nỗi lòng của nàng, và nhờ người ta làm mối cho. Tin nàng bán mình đồn đi chóng lắm, làm xôn xao cả một vùng.
Câu 623, 624 – Có một mụ ở gần đó đưa một người khách ở xa đến, vào nhà nàng xin làm lễ vấn danh.
Câu 625, 626 – Hỏi tên khách thì hắn nói là Mã Giám Sinh (tức là họ Mã, đỗ Giám sinh). Hỏi quê quán ở đâu thì hắn nói là ở huyện Lâm Thanh gần đây thôi. (Tên thật hắn là Mã Bất Tiến và quê thật là ở huyện Lâm Tri rất xa, nhưng hắn khai man, mập mờ để lừa nhà họ Vương. Xem lời chú thích [47] về huyện Lâm Thanh bên trên).
Câu 627, 628 – Trông mặt thì thấy tuổi hắn độ ngoài bốn mươi, đã quá tuổi thanh xuân rồi, nhưng mày râu sửa cạo rất nhẵn nhụi và áo quần sắm sửa rất bảnh bao. (Hai câu tả mặt mày quần áo này cho ta biết hắn là người không đứng đắn rồi).
Câu 629, 630 – Khi Mã đến, lũ đầy tớ theo hầu xôn xao ồ ạt một lượt. Mụ mối vào giới thiệu trước rồi đưa khách vào lầu trang. (Chữ xôn xao tả đúng là lũ hầu tớ thuê mướn tạm thời để làm ra vẻ quan sang, nhưng chẳng có lễ phép trật tự gì cả).
Câu 631, 632 – Vào nhà rồi, Giám Sinh chẳng đợi ai mời đã ngồi tót ngay lên ghế cao nhất, chẳng có lễ độ chút nào. Còn mụ mối thì vào buồng giục nàng ra ngay cho khách xem mặt.
Câu 633, 634 – Về phần nàng lúc đó thật khốn cực đủ đường, đã thương tấm thân thanh cao của mình như thế, mà bị người ta coi như vật giữa chợ, lại thêm nỗi cần kíp cho nhà mình là một gia đình lịch sự lễ phép như thế mà nay phải đón một kẻ thô bỉ sỗ sàng này vào nhà cho nó dám khinh rẻ gia đình mình như vậy. Nhưng nàng vẫn phải lê từng bước đi ra, mỗi một bước trên thềm hoa là mấy hàng lệ tràn trụa trên mặt hoa nàng.
Câu 635, 636 – Nàng đi thật ngại ngùng từng bước và cảm thấy hổ thẹn ê chề quá thành ra lạnh lùng cả người như mình ốm nặng rùng rợn trước gió, ngại ngoài sương, nhìn xuống dãy hoa thì thấy bóng mình thẹn với hoa, trông vào gương thì thấy mặt mình rõ thật dạn dầy nhơ nhuốc.
Câu 637, 638 – Nàng đã khổ tâm thẹn mặt như thế, lại thêm nỗi mụ mối coi nàng như con vật đem bán, lúc thì vén tóc nàng lên để khoe với khách là mặt nàng đẹp, lúc lại cầm tay nàng lên vuốt ve khoe với khách là tay nàng đẹp. Nét mặt nàng bấy giờ thật buồn thẹn quá, nhưng vẫn có vẻ thanh tao như hoa cúc, người nàng bấy giờ hóp gầy quá, nhưng vẫn có vẻ đẹp đẽ như cành mai.
Câu 639, 640 – Rồi họ còn cân nhắc mãi bên sắc bên tài; sắc tuy đẹp đó, nhưng tài thì có tài gì không? Nên khi thì họ bắt gảy đàn cho nghe, khi thì bắt nàng đề thơ vịnh vào chiếc quạt để xem văn hay chữ tốt thế nào.
Câu 641, 642 – Khi khách thấy bên tài bên sắc, mọi điều mọi vẻ đều đẹp đẽ mặn mà đáng ưa đáng quý cả, khách bằng lòng rồi, mới đưa lời dò ý, để tùy cơ mà nói đến chuyện giá cả mua bán, khi tiến khi lui cho khỏi hớ.
Câu 643, 644 – Khách nói “Tôi đến đây, như đến đất Lam Kiều để mua ngọc, vậy lễ dẫn cưới xin cho biết rõ là định lấy bao nhiêu?”
Câu 645, 646 – Mụ mối thay mặt nhà gái nói “Kể ra thì giá thật đáng nghìn vàng, nhưng không may gặp lúc nhà đang túng thiếu, vậy xin người rộng lượng cho bao nhiêu thì cho, chứ đâu dám nài.”
Câu 647, 648 – Rồi hai bên cò kè mãi với nhau, mụ mối thì xin thêm hai, chàng Mã thì xin bớt một, mặc cả một hồi lâu mới thỏa thuận ngã giá là bốn trăm lạng bạc.
Câu 649, 650 – Khi hai bên đã nhận lời êm thỏa mọi bề rồi, họ mới tạm trao cánh thiếp cho nhau cầm làm bằng chứng, và coi như lễ vấn danh đã xong.
Câu 651, 652 – Và liền định ngày làm lễ “nạp thái” và ngày làm lễ “vu quy.” (Chữ nạp thái đây đáng lẽ phải nói là nạp trưng hay nạp tề là lễ dẫn cưới thì mới đúng, nhưng có lẽ đây dùng lễ nạp thái là lễ đầu tiên, và lễ vu quy là lễ cuối cùng cho tỏ vẻ đủ đầu đuôi 6 lễ). Ôi trò đời thế mãi, hễ trong tay sẵn có nhiều tiền thì việc gì cũng làm được xong xuôi cả; cưới một cô gái tài sắc thanh cao như thế, mà sao dễ dàng mau chóng đến như vậy!
Câu 653, 654 – Chắc là có đủ tiền rồi, Kiều mới nói với Chung công xin làm đơn xin tạm lĩnh Vương ông về nhà để ký văn tự bán nàng.
Câu 655, 656 – Khi Vương ông về nhà biết vậy, ông rất đau lòng. Con thì trẻ, cha thì già mà gặp cảnh thảm thê sắp lìa bỏ nhau; ông nhìn con như muốn hộc máu ra, ruột đau như cắt.
Câu 657, 658 – Ông than khóc rằng “Cha nuôi con những mong ước rồi đây sẽ kén cho con được người chồng xứng đôi vừa lứa, để con được làm dâu một nơi đáng cha đáng mẹ. ”
Câu 659, 660 – “Nay sao trời nỡ làm cho ta phải khổ cực thế này hởi trời! Ấy ai đã vu oan giá họa cho người ta, khiến cha con đang sum họp vui vầy mà bỗng phải chia lìa nhau một cách đau khổ như thế này? ”
Câu 661, 662 – “Thôi! Cái thân già này dù phải búa rìu chém giết thế nào nữa, ta cũng đành chịu vậy, không ngần ngại chút nào. Chứ nhất định ta không chịu để cho đứa con trẻ thơ của ta phải đầy đọa vì ta, mà làm cho ta phải oán khổ bội phần.”
Câu 663, 664 – “Trước hay sau, thế nào ta cũng một lần chết, thà chết trước đi cho khuất mắt, còn hơn là sống mà lòng phải đau đớn mãi.”
Câu 665, 666 – Nói dứt lời, nước mắt ông trào ra như suối, và ông toan liều mình gieo đầu vào bức tường vôi mà tự tử.
Câu 667, 668 – Vội vàng người thì giữ ông lại, người thì canh chừng ông không tự tử, và Kiều thì chạy lại nằn nì ngỏ lời to nhỏ mà khuyên can ông.
Câu 669, 670 – “Con là phận gái chẳng đáng quý gì, lại chưa báo đáp lại mảy may chút nào công đức sinh thành của cha mẹ. ”
Câu 671, 672 – “Nay cha mắc tội nạn này, con đã thẹn với nàng Đề Oanh, không dâng thư lên được đến vua để cứu cha như nàng. Vậy xin cha cho con bán mình để cứu cha cho khỏi thua nàng Lý Ký đã bán mình để nuôi cha mẹ. ”
Câu 673, 674 – “Con nghĩ rằng nay cha tuổi đã cao, càng ngày càng già yếu, mà còn phải gánh vác nhiều việc trong gia đình cho mẹ con và hai em con được nhờ.”
Câu 675, 676 – “Nay nếu cha không đành lòng dứt đứt cái mối tình thương con đi và không cho con bán mình để cứu cha, thì tai vạ sẽ như mưa bão nổ lên làm tan tành cả gia đình. Cha và Quan tránh sao khỏi tử hình, còn ba mẹ con đàn bà con gái sống làm sao được trong cảnh lòng đau của hết?”
Câu 677, 678 – “Vậy sao bằng liều bỏ một thân con đi, chỉ có một con phải đầy đọa buồn sầu ở nơi xa lạ, còn cả nhà vẫn được sum họp trong gia đình, và sẽ gây lại được cuộc sống vui tươi.”
Câu 679, 680 – “Thôi thì số phận bắt thế, ta đành phải chịu vậy, và con xin cha mẹ cứ coi như không nuôi được con ngay từ lúc mới đẻ ra được ít lâu, thế là xong, đừng tiếc con nữa.”
Câu 681, 682 – “Vậy con xin cha thôi đi, đừng tính quẩn lo quanh nữa, đừng tự tử, cũng đừng tiếc con nữa, mà trước là tan nát gia đình, sau là thiệt thân cho cha. ”
Câu 683, 684 – Vương ông thấy lời nàng nói hợp lý, nên cũng thuận tai, đành lòng nghe vậy, rồi hai cha con than khóc nức nở, nước mắt tràn trụa.
Câu 685, 686 – Ngay lúc đang đau đớn than khóc với nhau như thế ở nhà trong, thì họ Mã vừa đến nhà ngoài. Hắn đợi Vương ông ký nhận đúng thể lệ vào văn tự bán con viết trên giấy hoa tiên rồi thì hắn mới cân đủ số bạc cho Vương ông và thu giữ lấy văn tự. Thế là xong việc mua bán, chỉ còn ngày hôm sau đón Kiều đi nữa là hết việc cưới xin.
Câu 687, 688 – Nghĩ thật đáng trách cái ông già ngồi dưới trăng kia, sao mà độc địa thế! Ông cầm mớ tơ hồng, sao không lựa chọn mà se cho người ta vợ chồng đáng đôi đáng lứa, mà lại se bừa bãi như vậy?
Câu 689, 690 – Mà cũng đáng ngán cho lũ chính quyền tham ô kia nữa; hễ được tiền đút lót thì đổi trắng thay đen như chơi, chẳng coi pháp luật và nhân đạo ra gì!
Câu 691, 692 – Họ Vương đã có tiền rồi, lại nhờ được ông họ Chung giúp đỡ, đưa lễ đút lót vừa lòng mọi nơi đâu đấy rồi, thế là xong việc, trắng án, chẳng ai khiếu nại gì nữa.
Những câu và chữ có ý móc nối hoặc châm biếm
Hai câu 569, 570 tả lòng Kiều nhớ Kim Trọng – chàng thì đi rồi, Kiều thì đứng vẩn vơ mãi ở hiên tây, lòng vướng vít biết bao nhiêu nỗi nhớ nỗi lo, nào là nhớ những cuộc họp vui vẻ, khi đề thơ tranh tùng, khi chung thề dưới trăng, khi chén hà chuốc rượu, khi đàn nguyệt so dây. Những cuộc vui đó đã để nàng nhớ tiếc, lại thêm những điều không hay khiến nàng lo nghĩ – nào là hai mặt gặp nhau hẳn hoi mà chàng lại tưởng là mơ ngủ, nào là tiếng đàn chàng chê là ngậm đắng nuốt cay, nào là chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
Hai câu 571, 572 tả vẻ mặt Kiều ngắm trời vẩn vơ, lo buồn thất sắc. Câu Hoa trôi trớt thắm, liễu xơ xác vàng tác giả đã khéo lựa đặt vừa để tả lòng nàng buồn nhớ lo nghĩ ở đoạn trước, vừa để báo trước cái điềm sầu thảm không may cho nàng ở đoạn này.
Câu 606 “Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha” có ý móc nối với những câu sau đây mãi về sau: [2813 Cùng nhau thề thốt đã nhiều/ 2814 Những điều vàng đá phải điều nói không/ 2815 Chưa chăn gối cũng vợ chồng/ 2816 Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang/ 2817 Bao nhiêu của mấy ngày đàng/ 2818 Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi].
Kiều biết Kim Trọng sẽ khổ tâm về nàng và sẽ trách nàng phụ ước, nên trước khi định tâm bán mình, nàng tha thiết gởi lòng xin lỗi mà xin phép chàng cho mình lỗi thề. Và quả nhiên, khi chàng trở lại thì vì quá tiếc nàng nên đã trách nàng là tệ bạc thật. Hai chữ “dẽ cho” nghĩa thật thâm thúy.
Những câu tả mức tham nhũng tàn bạo của lũ sai nha, tác giả kể rất thứ tự liên hệ với nhau. Trước hết là trói hai cha con Vương ông làm một [Già giang một lão một trai/ Một dây vô loại buộc hai thâm tình]. Rồi vừa thét lác ra oai, vừa vơ vét của nổi [Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh… Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham]. Khi cướp vét hết của nổi rồi, mới ra tay đánh đập tra tấn để làm lòi của chìm ra [Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn/ Rường cao rút ngược dây oan]. Những hành động bất nhân ấy quả thực đã làm cho gia đình họ Vương bị [… khốc hại chẳng qua vì tiền].
Trong cuộc mua bán người này, mụ mối và bợm Mã vô nhân cách cũng làm cho Kiều khổ cực chẳng kém gì bọn sai nha vô nhân đạo. Một mụ chẳng quen biết bao giờ và một tên bợm xa lạ, màu râu nhẵn nhụi, đưa nhau vào thẳng lầu trang [Gần miền có một mụ nào/ Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh]. Tên bợm thì hỗn xược chẳng coi ai ra gì [Ghế trên ngồi tót sỗ sàng]. Mụ mối thì vào ngay buồng giục Kiều ra, coi nàng như con vật mụ đem ra bán [Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra]. Rồi mụ vén tóc nàng lên để khoe cho khách nhìn rõ vẻ đẹp mặt nàng, bắt tay nàng giơ lên vuốt ve để khoe cho khách nhìn rõ vẻ xinh vẻ đẹp của bàn tay, của ngón tay nàng. Cảnh nàng bấy giờ có khác gì là con vật giữa hai kẻ bán người mua? Ngắm sắc được rồi, bợm còn thử tài Kiều [Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ]. Nàng đều phải nén lòng tủi nhục, mà cũng cố gảy đàn, cố đề thơ. Trong lúc này nàng nghĩ đến cảnh đề thơ tranh tùng với biết bao nhiêu hứng thú, và cảnh chàng Kim hai tay nâng cây đàn trao cho nàng một cách trịnh trọng. Ta tưởng tượng lúc này nỗi nàng nhớ tiếc những cảnh ấy thì kể sao cho hết.
Trong cuộc hai bên thương lượng giá bán của Kiều, tác giả thật khéo dùng những tiếng trong nghề mua bán như thừa cơ dật dìu, cò kè thêm bớt, giờ lâu ngã giá, và thuyền đã êm giầm.
Tác giả còn khéo đặt đúng những lời “lịch sự” giả dối trong giới buôn bán, như lời Mã hỏi giá bán Kiều lấy bao nhiêu [Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường] và lời mụ mối đặt giá khéo nói lửng lơ […giá đáng nghìn vàng/ Nghẹt nhà nhờ lượng người thương dám nài]. Mụ còn dùng chữ “người” để tâng bốc bợm Mã lên, hòng nó tung túi bạc ra, nhưng nó vẫn cò kè.
Chương 11:
CÂU 693 ĐẾN CÂU 804
“Nhờ em trả nghĩa, mắc bợm buôn hoa”
693. Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về. [1]
695. Một mình nương ngọn đèn khuya,
Áo dầm giọt tủi, tóc se mối sầu.
697. Phận dầu, dầu vậy cũng dầu, [2]
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
699. Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít, cho người dở dang. [3, 4]
701. Thề hoa chưa ráo chén vàng, [5]
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
703. Trời Liêu non nước bao xa, [6]
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
705. Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế là thôi còn gì.
707. Tái sinh chưa dứt hương thề, [7]
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. [8]
709. Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan. [9]
711. Nỗi riêng riêng những bàng hoàng,
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn. [10]
713. Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:
715. “Cơ trời dâu bể đa đoan, [11]
Một nhà để chị riêng oan một mình,
717. Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh?
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?”
719. Rằng: “Lòng rộn rã thức đầy, [12]
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
721. Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.
723. Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
725. Giữa đường đứt gánh tương tư, [13]
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em. [14]
727. Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
729. Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai!
731. Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
733. Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây. [15]
735. Chiếc vành với bức tờ mây, [16]
Duyên này thì giữ vật này của chung.
737. Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên.
739. Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa. [17]
741. Mai sao dầu có bao giờ.
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
743. Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
745. Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai. [18]
747. Dạ đài cách mặt khuất lời, [19]
Rẩy xin chén nước cho người thác oan.
749. Bây giờ trâm gẫy gương tan, [20]
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
751. Trăm nghìn gửi lại tình quân, [21]
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
753. Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. [22]
755. Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
757. Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng.
759. Xuân Huyên chợt tỉnh giấc nồng,
Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài.
761. Kẻ thang người thuốc bời bời,
Mới dằn cơn vựng, chưa phai giọt hồng. [23]
763. Hỏi: Sao ra sự lạ lùng?
Kiều càng nức nở mở không ra lời.
765. Nỗi nàng Vân mới rỉ tai,
Chiếc vành này với tờ bồi ở đây.
767. “Này cha làm lỗi duyên này,
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em.
769. Vì ai rụng cải rơi kim, [24]
Để con bèo nổi mây chìm vì ai. [25]
771. Lời con dặn lại một hai,
Dẫu mòn bia đá, dám sai tấc vàng.” [26]
773. Lạy thôi, nàng lại rén chường, [27]
“Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.
775. Sá chi thân phận tôi đòi,
Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu.”
777. Xiết bao kể nỗi thảm sầu!
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi. [28, 29]
779. Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly. [30]
781. Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm. [31, 32]
783. Trời hôm mây kéo tối rầm, [33]
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương.
785. Rước nàng về đến trú phường, [34]
Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong.
787. Ngập ngừng thẹn lục e hồng, [35]
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen.
789. Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai:
791. Biết thân đến bước lạc loài, [36]
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
793. Vì ai ngăn đón gió đông, [37]
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.
795.Trùng phùng dầu họa có khi, [38]
Thân này thôi có còn gì mà mong.
797. Đã sinh ra số long đong,
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?
799. Trên yên sẵn có con dao,
Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn:
801. Phòng khi nước đã đến chân, [39]
Dao này thì liệu với thân sau này.
803. Đêm thu một khắc một chầy, [40]
Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.
Đính chính và xác định:
Câu 694 – Tinh kỳ giục giã hầu mong độ về – Chữ độ về câu này có bản in là trở về. Xét chữ độ sát nghĩa với chữ kỳ hơn: kỳ là hẹn độ là lúc, lúc hẹn về. Còn chữ trở về lời non nghĩa thừa.
Câu 695 – Một mình nương ngọn đèn khuya – Các bản quốc ngữ đều phiên âm chữ nương [] là nàng; nhiều người đọc bản nôm cũng đọc [] là nàng. Đó thật là lỗi người đọc không nghĩ, chứ Truyện Kiều đâu lại có câu đặt rời rạc không luyện như vậy. “Một mình nàng ngọn đèn khuya” nghe thật lủng củng, không luyện. Tôi thấy thơ Khuê Oán có câu [     = Cô ảnh bạn tàn đăng = chiếc bóng lẻ loi ngồi đôi với ngọn đèn tàn]. Đọc đến câu thơ Khuê Oán này thì ta biết chữ [] (nương hay nàng) phải đọc là nương mới đúng, vừa có điển, vừa lời thuận nghĩa.
Câu 696 – Áo đầm giọt tủi, tơ se mái sầu – Những bản Kiều in giọt tủi là giọt lệ đối không chỉnh với mái sầu. Chỉ lầm một chữ mà mất cả ý hay, lời đẹp của câu này.
Câu 706 – Kiếp này thôi thế là thôi còn gì – Có bản in câu này là “Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì”. Mời nghe thì tưởng “là” hay “thì” cũng như nhau cả. Nhưng để ý suy luận thì thấy “kiếp này thôi thế là thôi còn gì” có ý than tiếc sâu xa hơn nhiều vì mình không phạm lỗi trong việc phụ tình. Nếu để là “…thôi thế thì thôi còn gì” thì hình như là mình hối hận là mình đã phạm lỗi.
Câu 719 – Rằng lòng rộn rã thức đầy – Có bản in là: Rằng lòng đương thổn thức đầy. Xét ra có lẽ cả hai câu đều sai nguyên văn cả, vì lời đều lủng củng và nghĩa cũng mập mờ. Muốn khảo cứu cho ra đích xác, thì cần phải có những bản Kiều nôm cũ, nhưng ôi lấy đâu được bây giờ! Vậy đây đành tạm theo bản Kiều của ông Trần Trọng Kim mà tạm giải nghĩa câu này là “lòng chị đang dẫy những nỗi thương cảm, làm cho chị rộn rã, bối rối quá, không biết tính sao đây!” Tôi nghĩ chữ đầy [𣹓] câu này có lẽ nguyên là chữ đây []. “Rằng lòng rộn rã thức đây…” nghĩa là Kiều nói: “Lòng chị đương rộn rã nhiều nỗi, nên thức mãi, không ngủ được” để trả lời câu Vân hỏi: “Cớ sao ngồi nhẫn tàn canh?” Giá có bản Kiều nôm mà tra, thì biết ngay chữ này là đây [] hay là đầy [𣹓]”.
Câu 721 – Hé môi ra cũng thẹn thùng – Chữ hé câu này, bản nôm viết là [+] (khẩu bên chữ hứa) cũng có thể đọc được là hở. Bởi vậy các bản quốc ngữ đều dịch là hở môi. Nhưng “hé môi” mới là nói những điều thầm vụng đáng thẹn của mình cho người khác biết. Còn hở môi thì lạc nghĩa ở đây. Ta chỉ nói “môi hở răng lạnh” với hàm ý “làm mất người che chở cho mình, tức là làm hại mình.”
Câu 726– Keo loan chấp mối tơ thừa mặc em – Chữ keo loan nhiều bản Kiều quốc ngữ để là giao loan. Nguyên chữ Hán giao [] là keo, mà chữ nôm cũng viết keo là []. Keo loan là thứ keo nấu bằng xương con phượng mái (loan). Nếu nói chữ nho thì phải nói là loan giao, nhưng nếu dùng tiếng nôm Việt ta thì phải nói là keo loan mới đúng.
Câu 730 – Hiếu, tình, khôn lẽ hai bề vẹn hai – Chữ khôn câu này, các bản nôm cũ in là có, đó là theo lối văn cổ trước thường nói có tức là không thể có được. Nhưng chắc người sau thấy lối nói này cổ quá, khó hiểu, nên nhiều bản đã đổi là khôn cho thông thường dễ hiểu, nên ta không nên câu nệ theo cổ quá.
Câu 762 – Mới tan cơn vựng, chưa nguôi giọt hồng – Chữ nguôi câu này, nhiều bản để là phai giọt hồng, tôi e vô nghĩa, vì giọt hồng đây là nước mắt, chứ đâu phải màu đỏ mà phai được; hoặc giải nghĩa là nước mắt vẫn tràn trụa thê thảm như đổ máu, nhưng nghe nghĩa khổ khắc quá, không được tự nhiên nên khó hiểu.
Câu 796 – Thân này thôi có còn gì mà mong – Hai chữ còn gì có bản in là ra gì. Xét ra còn gì mới sát nghĩa với tình lý tiếc tấm thân trong trắng trong lúc này. Còn ra gì không ăn nghĩa chút nào với sự tiếc thân hiện tại này.
Chú thích và dẫn điển
[1] Tinh kỳ [ ] = giờ đón dâu về nhà rể.
[2] Phận dầu dầu vậy cũng dầu = Kiều nghĩ “phận mình dù đau khổ sao cũng đành chịu vậy, chỉ thương xót cho chàng Kim, rồi cứ giữ mãi lời thề khăng khít với mình, mà dở dang suốt đời.”
[3] Khăng khít = thề bồi gắn bó chặt chẽ với nhau.
[4] Dở dang = không lấy ai nữa, thành cả đời không vợ con.
[5] Thề hoa = lời văn thề viết trên giấy hoa tiên.
[6] Trời Liêu = đất Liêu Dương, nơi Kim Trọng đi hộ tang. Hàm ý “xa thẳm ở tận chân trời.”
[7] Tái sinh = kiếp thứ hai = kiếp sau.
[8] Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai – Dựa vào điển tích : Một người vay của bạn một số tiền to để đi buôn, không may thua lỗ mãi hết cả. Tuy bạn không đòi, nhưng anh ta vẫn ân hận mãi và lúc gần chết vẫn nhắn lại bạn là sẽ trả. Được ít lâu, bỗng một hôm, người bạn mơ thấy anh ta vui vẻ đến trả nợ. Sáng sau, người bạn thấy con trâu nái nhà mình đẻ một trâu đực con rất mập mạp. Biết là vừa được trả nợ, anh ta chăm nuôi nó rất tử tế. Con trâu con lớn lên rất ngoan, kéo cày rất khỏe. Mỗi khi trâu kéo cày có ý chểnh mảng, thì anh ta nhắc đến nợ, là trâu lại cố kéo. Thương tình, một tối nọ mới bảo trâu rằng “Bác trả nợ tôi thế là hết rồi, từ mai không phải đi làm nữa, ở đây chơi với tôi cho vui.” Sáng hôm sau con trâu chết lúc nào không ai biết; người chủ chôn nó một cách chu đáo.
[9] Khối tình – Theo Tình Sử, một cô gái phải lòng một chàng lái buôn có thuyền đỗ ở bến trước nhà. Cô ta sớm tối mê mệt tiếng sáo chàng thổi. Sau chàng rời thuyền đi nơi xa không về, cô tương tư ốm nặng, rồi gọi mãi tên chàng mà chết. Cha mẹ đem hỏa táng, xương thịt cháy hết, mà vẫn còn lại một cục rất cứng trong như ngọc, trong có hình người lái thuyền thổi sáo. Cha mẹ cô giữ lại để thờ. Khi người lái buôn trở lại, nghe truyện vào hỏi thăm thì thương cô lắm. Anh ta cầm khối tình đó mà khóc, và khi nước mắt rớt xuống khối tình thì nó tan thành máu.
[10] Dầu chong trắng đĩa = đèn đốt chong chong mãi không tắt, khiến dầu cạn hết, để hở trắng cả chôn đĩa. Trước kia chưa có dầu mỏ (dầu hôi), ta vẫn đốt đèn bằng dầu hột. Người ta rót dầu hột vào cái đĩa, thả bấc cỏ vào làm mồi, để một đầu bấc lên mép đĩa mà đốt.
[11] Đa đoan [ ] – Đoan = đầu mối sợi tơ. Người ta ví việc trời như một mớ tơ có nhiều đầu mối, khó tìm được đầu mối sợi nào ở chỗ nào. Việc trời định cũng vậy, thật là lắm trò, ta khó biết trước để tìm lối tránh.
[12] Lòng rộn rã thức đầy – Xem lời xác định câu 719 đoạn này.
[13] Giữa đường đứt gánh – Ta có câu tục ngữ “Không may gẫy đòn đứt gánh giữa đường” để nói sự vợ chồng phải lìa rẽ nhau lúc đương thì, nhất là chỉ sự vợ chồng kẻ chết người còn. Bởi vậy những đòn gánh gẫy quăng bỏ giữa đường không ai dám nhặt.
[14] Keo loan = thứ keo để gắn, nấu bằng xương chim loan (chim phượng mái). Theo Hán Thư, có người dâng vua Hán Vũ Đế thứ keo này để gắn dây cung hay dây đàn đứt. Một hôm vua đi săn, dây cung đứt thì vua sai lấy keo này gắn lại. Quả nhiên, cung lại bắn được như thường, và đàn có dây đàn đứt được gắn cũng dùng được như cũ. Văn sĩ dùng câu [      = loan giao tục đoạn huyền = keo loan nối dây đàn đứt] để chỉ sự vợ chết hay chồng chết lại lấy vợ khác hay chồng khác.
[15] Ngậm cười chín suối = dẫu chết xuống âm phủ cũng vẫn được vui lòng. Dịch từ câu chữ Hán [    = hàm tiếu cửu tuyền].
[16] Chiếc vành = chiếc xuyến vàng Kim Trọng gói vào chiếc khăn hồng đưa cho Kiều với chiếc thoa. Tờ mây do hai chữ Hán [  = vân tiên = giấy có in hình mây hoa cho đẹp]. Đây tức là bài văn khấn hôm thề thốt (“Tiên thề cùng thảo một trương”).
[17] Mảnh hương nguyền = mảnh gỗ trầm đốt trong lư hương cúng thề còn giữ lại làm kỷ niệm (“Đài sen nối sáp, song đào thêm hương”).
[18] Trúc mai = cây tre và cây mai. Bài Trường Can Hành của Lý Bạch có mấy câu sau đây:
[     = thiếp phát sơ phủ ngạch = khi tóc thiếp còn để rũ xuống che kín mang tai]
[     = triết hoa môn tiền hý = còn hái hoa chơi đùa trước cửa vườn]
[     = lang kỵ trúc mã lai = chàng cưỡi ngựa bằng gậy tre chạy lại]
[     = nhiễu sàng lộng thanh mai = chạy quanh bờ giếng dưới cây mai xanh rờn]
[     = thập tứ vi quân phụ = năm 14 tuổi thiếp về làm vợ chàng]
[     = tu nhan vị thường khai = thẹn thùng, thường chưa dám nhìn mặt chàng]
[     = đê đầu hướng ám bích = cúi đầu ngoảnh mặt vào nơi tường tối]
[     = thiên hoán bất nhất hồi = chàng gọi nghìn lần, không một lần ngoảnh lại]
[     = thập ngũ thủy triển my = năm 15 tuổi mới mở mày mặt với chàng]
[     = nguyện đồng trần dữ hôi = thề rằng khi hóa bụi tro cũng vẫn ở bên chàng]
“Trúc mai” (trong câu 708) có lẽ cũng do điển tích này.
[19] Dạ đài [ ] = nền đêm. Đồng nghĩa với chốn âm phủ và cửu nguyên.
[20] Trâm gẫy gương tan – Tục xưa bên Tàu, lúc vợ chồng hay đôi tình nhân phải lìa rẽ nhau vì biến loạn, thường bẻ chiếc trâm cài đầu, mỗi người giữ một nửa làm kỷ niệm, và so lại khi tái ngộ xem đúng không, cho có chứng cớ.
[21] Tình quân [ ] = vua tình. Cùng nghĩa với tình lang, nhưng có ý trân trọng và xa cách hơn.
[22] Nước chảy hoa trôi dịch từ thành ngữ Hán [   ] = lưu thủy lạc hoa = cái hoa ở cây rừng rụng xuống dòng chảy, trôi đi không bao giờ về lại gốc cây cũ nữa. Ý nói người đàn bà con gái lưu lạc nay đây mai đó không tìm được về quê cha mẹ nữa.
[23] Giọt hồng – Xưa có người con gái bị kén vào làm cung phi, nhớ cha mẹ khóc nhiều nước mắt quá phải lấy chậu hứng. Nước mắt nàng đọng lại thành màu đỏ như máu. Văn sĩ sau dùng chữ giọt hồng để tả nước mắt khóc thảm thiết.
[24] Rụng cải rơi kim – Sách chữ Hán có thành ngữ [        = hổ phách thập giới, từ thạch dẫn châm = ngọc hổ phách hút hột cải, đá nam châm hút kim sắt]. Câu Kiều này hàm ý “vì ai đã làm cho hổ phách phải bỏ hột cải rụng xuống, đá nam châm phải bỏ rơi kim” tức là “vì ai đã vu thác để làm cho Kiều phải đứt duyên với Kim Trọng.”
[25] Bèo nổi = lưu lạc đây đó như cánh bèo trên mặt sóng. Mây chìm = sa ngã đọa đày như bóng mây ở dưới đáy nước.
[26] Tấc vàng = tấm lòng thành thật, giữ bền lời hứa hẹn.
[27] Rén = dáng thong thả, giọng sẽ sàng. Chường (hay chiềng) = trình. Ta thường nói trạnh “trình” ra “chiềng” hay “chường” như trong hai câu ca dao “Chiềng làng, chiềng phè, nghe tôi giáo trâu, lúa tốt bằng đầu, cò bay thẳng cánh” và “Anh cả đi cày, chị cả đem cơm, ra bờ xới xới đơm đơm, chường anh hãy nghỉ xơi cơm em về.” Trong các bài thơ phú chữ Hán, nhiều chữ vần anh, inh, iêng, ang, ương vẫn hợp vận với nhau. Xem lại câu 240 và 241 Truyện Kiều, trong đó chữ “mành” có thể đọc trạnh ra “miềng” để hợp vận với chữ “nghiêng.”
[28] Khắc canh – Khắc là những vạch phân chia thì giờ trên mũi tên của đồng hồ thời cổ, trong đó nước nhỏ đầy dần, nâng mũi tên cao lên hở dần từng khắc chỉ canh. Lối canh ở các đồn trại lính trước chia đêm làm 5 canh, mỗi canh lâu 2 tiếng đồng hồ bây giờ. Từ 7 giờ đến 9 giờ tối là canh 1 (trống cầm canh đánh 1 tiếng), rồi tiếp tục từ 9 giờ đến 11 giờ tối là canh 2 (trống cầm canh đánh 2 tiếng) … Lúc 5 giờ sáng là hết canh 5 (trống cầm canh đánh tan canh).
[29] Nam lâu [ ] = lầu cầm canh ở phía nam thành, cũng là lầu cầm canh chính ra hiệu cho các lầu cầm canh khác đánh trống theo.
[30] Quản [] = ống = sáo. Huyền [] = dây đàn. Quản huyền là tiếng đàn sáo bát âm. Trong Truyện Kiều có lắm câu ý nghĩa thê thảm như làm đứt ruột người, thật đúng với tên Đoạn Trường Tân Thanh. “Quản huyền đâu đã giục người sinh ly” là một trong những câu đó – lấy đàn sáo mà giục người ta phải lìa rẽ nhau, thật là vô nhân đạo!
[31] Lệ rơi thấm đá = nước mắt khóc nhiều rơi xuống làm ướt cả đá trên mặt đường.
[32] Tơ chia rũ tằm = đau thương quá, héo quắt cả ruột gan như con tằm đã kéo hết tơ, rũ xuống như đã chết.
[33] Trời hôm mây kéo tối rầm – Câu này dùng “trời hôm” để tả thêm cảnh thảm đạm cuộc chia ly, lấy ý từ câu thơ cổ [       = hoàng hôn dục vũ hắc như lam = cảnh buồn như lúc sắp tối, trời trở mưa trông đen xám như màu lam].
[34] Trú phường [ ] = nhà trọ có một dãy buồng riêng nhau cho người ở thuê ít lâu.
[35] Thẹn lục e hồng – Chữ lục [] ở đây là “lông mày” (từ hai chữ “lục liễu”) và chữ hồng [] ở đây là “má đào” (từ hai chữ “hồng nhan”). Thẹn lục e hồng hàm ý “trông thấy mặt mày mình mà thẹn với mặt mày mình, tiếc cho mặt mày mình. ”
[36] Lạc loài = gặp bước ê chề nhục nhã, mất hết cả vẻ thanh cao nhà mình.
[37] Vì ai ngăn đón gió đông – Kiều nghĩ hối hận cái lúc “sóng tình xiêu xiêu, âu yếm có chiều lả lơi” sao mình lại ngăn cản “đừng lấy làm chơi, dẽ cho thưa hết mọi lời đã nao, vội gì liễu ép hoa nài.”
[38] Trùng phùng [ ] = gặp lại lần sau.
[39] Nước đã đến chân – Lấy ý từ lời khuyên “ta phải phòng bị từ trước, chớ để nước đã đến chân mới nhảy thì không kịp nữa. ”
[40] Đêm thu một khắc một chầy - Thơ Đường có câu [       = thu tiêu chỉ vị nhất nhân trường = đêm mùa thu chỉ dài cho riêng một người].
Diễn ra văn xuôi
Câu 693 – 694 = Khi việc nhà đã thong thả tạm yên rồi thì cái tối đón dâu lại sắp đến làm cho Kiều thật khổ tâm.
Câu 695 – 696 = Một mình nàng ngồi bên ngọn đèn khuya thức mãi, tủi thân khóc, nước mắt ướt cả áo, tóc bù rối như khô cả mái đầu.
Câu 697 – 698 = Nàng nghĩ phận mình có khổ cực thế nào cũng đành chịu được rồi, nhưng chỉ xót xa cho lòng chàng, rồi sẽ đeo đuổi giữ mãi một lời thề hẹn với mình suốt đời, lâu khổ biết bao nhiêu!
Câu 699 – 700 = Công trình chàng đeo đuổi mình kể biết là bao nhiêu, thế mà bây giờ chỉ vì mình thề bồi khăng khít chặt chẽ quá, để cho chàng phải dở dang suốt đời chẳng vợ con gì!
Câu 701 – 702 = Vừa mới hôm nọ thề nguyền với chàng nặng tình thân mật như thế, nào đọc chung bài văn thề, nào uống chung chén rượu thề, thế mà hôm nay chén rượu thề chưa khô, mà bỗng đã phụ phàng với lời thề viết trên giấy hoa tiên kia rồi!
Câu 703 – 704 = Ôi, nay chàng ở nơi phương trời xa thẳm đất Liêu Dương, có biết đâu tôi đã làm chia nhà rẽ cửa cho chàng rồi!
Câu 705 – 706 = Biết bao nhiêu nợ tình nợ duyên, thề non thề biển với nhau, mà nay thế là hết cả cho kiếp này của ta rồi!
Câu 707 – 708 = Kiếp sau, nếu nén hương thề ở trên tấm đá Tam Sinh nơi âm phủ còn chưa dứt khói, thì tôi xin làm trâu, làm ngựa, để báo đền lại cái nghĩa nặng giao kết tình duyên với chàng.
Câu 709, 710 – Kiếp này nợ tình chưa trả cho nhau được, thì khi chết xuống âm phủ, khối tình này vẫn không thể tan được!
Câu 711 – 712 = Nàng ngồi nghĩ quanh quẩn mãi mối tình riêng kín trong lòng như thế, vừa nghĩ vừa khóc, ngọn đèn đốt chong chong mãi, dầu đã cạn trắng cả trôn đĩa và nước mắt thì ràn rụa ướt đẫm cả khăn.
Câu 713 – 714 = Thúy Vân đang ngủ êm say, bỗng thức dậy thấy Kiều ngồi khóc ở trước đèn, mới ghé lại ân cần hỏi han chị và nói :
Câu 715 – 716 = Trời sinh chi lắm tai biến khó lường để riêng mình chị phải chịu oan khổ cho cả nhà được yên ổn như vậy?
Câu 717 – 718 = Chị ngồi nghĩ gì cho đến lúc canh khuya thế này? Chắc là lòng chị còn vương vít một chút mối tình riêng gì đây thôi!
Câu 719 – 720 = Kiều nói: Thật vậy, lòng chị hiện đương bối rối lắm nên vẫn thức mãi đây. Chị còn chút mối tơ tình này vương vít trong lòng mà gỡ mãi không xong.
Câu 721 – 722 = Hé môi ra nói với em thì thật cũng thẹn thùng lắm, mà giấu kín trong lòng thì lại phụ tình ai quá.
Câu 723 – 724 = Chị muốn nhờ cậy em gỡ giúp chị trong việc này, nếu em nhận lời thì em ngồi lên cho chị lạy đã, rồi chị sẽ thưa truyện với em sau.
Câu 725 – 726 = Cuộc tình duyên này của chị đương đẹp đẽ đằm thắm, bỗng nay vì việc nhà mà phải đứt gánh giữa đường khiến chị rất nhớ thương ai. Nay chị muốn giao phó lại mặc em việc chắp nối cuộc tình duyên ấy thay chị. Rồi Kiều kể rõ đầu đuôi câu truyện cho Vân nghe:
Câu 727 – 728 = Từ khi duyên trời run rủi cho chị gặp chàng Kim, hai bên sinh lòng quý mến nhau. Rồi có hôm gặp nhau ban ngày, hai bên đã trao lẫn cho nhau bên vòng bên quạt để làm kỷ niệm ước hẹn lấy nhau; lại đêm vừa rồi, cả nhà đi vắng, chị đã sang cùng với chàng rót chén rượu khấn thề với nhau ở dưới trăng. Chị thấy tướng chàng rất tốt, mong lấy được chàng cho chị khỏi bạc mệnh như lời thầy tướng đoán cho chị.
Câu 729 – 730 = Nhưng nay bỗng xảy ra cơn sóng gió bất kỳ. Bên tình bên hiếu, chị không thể giữ được trọn vẹn cả hai, nên chị đành phải dứt bỏ mối thâm tình với chàng để cứu cha.
Câu 731 – 732 = Nay em còn trẻ, ngày tuổi xuân còn dài. Chỗ chị em tình thân máu mủ, em có thương chị, thì chị nhờ em thay chị làm trọn vẹn lời thề non nước của chị với chàng.
Câu 733 – 734 = Được như thế, thì chị dẫu chết đi, thịt nát xương mòn ở nơi suối vàng cũng vẫn vui cười vì em đã làm cho chị được thơm lây.
Câu 735 – 736 = Này đây chiếc xuyến vàng mà chàng đã đưa làm kỷ niệm cho chị ngày hôm đó, và tờ hoa tiên viết bài văn khấn tối hôm thề. Cuộc tình duyên này thì lấy hai thứ làm của chung, nay chị trao lại cho em giữ để thay chị.
Câu 737 – 738 = Nếu em được nên vợ nên chồng với chàng, thì lòng em ắt hẳn xót thương người chị bạc mệnh này mà chẳng sao quên được.
Câu 739 – 740 = Dầu sau này em đã mất chị rồi, nhưng đây còn mấy thứ này em giữ lấy làm của tin kỷ niệm mà coi như chị hãy còn. Đó là cây đàn mà chị đã gãy cho chàng nghe, và mảnh gỗ trầm hương đốt hôm cúng thề còn thừa lại.
Câu 741 – 742 = Mai sau đây, nếu có bao giờ đốt mảnh trầm này vào lư hương, và gẩy mấy dây trên cây đàn này.
Câu 743 – 744 = Rồi em trông ra ngọn cỏ lá cây ở trước cửa, nếu thấy ngọn gió hiu hiu thổi vào, thì biết đó là hồn chị thổi về để vui sum họp cùng vợ chồng em đó.
Câu 745 – 746 = Hồn chị còn mang nặng lời thề với chàng, thì dẫu tấm thân mềm yếu như cây liễu này của chị có nát đi, cái nghĩa trúc mai tươi đẹp của chàng, chị vẫn cố báo đền lại.
Câu 747 – 748 = Ôi, chỉ vì âm dương cách biệt, chị ở dưới dạ đài không sao hiện hình lên cho vợ chồng em thấy được, không sao nói lời lên cho vợ chồng em nghe được đó thôi! Vậy xin em, hễ thấy hồn chị về như thế, thì rẩy một chén nước lên ngọn gió mà cúng chị, cho hồn chị được hả hê, cũng như giọt nước cành dương của Đức Phật rẩy để giải oan cho âm hồn kẻ chết oan.
Câu 749 – 750 = Nói với Vân thế rồi, nàng lại gửi như lời nói với chàng Kim: Ôi, bây giờ trâm đã gãy, gương đã tan rồi, thiếp với chàng đã chia rẽ nhau rồi. Thiếp kể làm sao cho xiết được muôn vàn nỗi tình ái ân của thiếp đối với chàng!
Câu 751 – 752 = Rồi nàng đứng lên bái vọng chàng Kim để từ biệt và nói: Thiếp xin gửi đi một trăm lạy, một nghìn lạy để từ giã chàng, vua tình của thiếp! Cuộc duyên tơ tóc giữa chàng và thiếp chỉ ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Câu 753 – 754 = Ôi, phận thiếp sao mà xấu thế! Thôi thế là lỡ làng từ đây như hoa rụng xuống dòng suối, theo nước trôi đi, chẳng bao giờ được gặp mặt nhau nữa!
Câu 755 – 756 = Thương tiếc quá, Kiều kêu lên: Kim Lang ơi, thôi thế là thiếp phụ chàng từ đây rồi!
Câu 757 – 758 = Kêu dứt mấy lời, nàng lăn ra bất tỉnh, thở một hơi dài, và chân tay thì giá lạnh như đồng.
Câu 759 – 762 = Vương ông, Vương bà đương ngủ say bỗng thức dậy. Cả nhà tấp nập rối rít, người thì ở trong nhà lay gọi nàng, người thì đi tìm thầy chạy thuốc. Chữa chạy hồi lâu, nàng mới tan hết cơn ngất ; tuy tỉnh dậy nhưng vẫn khóc như đổ máu mắt.
Câu 763 – 764 = Ông bà mới hỏi sao nàng lại sinh ra sự lạ lùng như thế, nhưng Kiều còn cực khổ quá nói không ra lời.
Câu 765 – 766 = Thúy Vân mới ghé tai nói nhỏ cho ông bà mọi nỗi tâm sự của Kiều và đưa ông bà coi chiếc xuyến vàng và bức hoa tiên viết bài văn thề.
Câu 767 – 768 = Vương ông than : Thế là vì cha đã ký tờ bán con mà làm lỡ mối lương duyên của con với chàng Kim rồi! Nhưng thôi đành vậy, việc ấy sau này em con nó sẽ thay con.
Câu 769 – 770 = Nghĩ thương con quá, ông lại kêu than: Trời ơi, ai đã làm cho con tôi phải lìa bỏ mối duyên đằm thắm này như hạt cải phải rời ngọc hổ phách, như kim sắt phải rời đá nam châm thế này? Vì ai mà con tôi phải chịu kiếp lưu ly như cánh bèo mặt sóng, đọa đầy khốn cực như bóng mây dưới đáy sông thế này?
Câu 771 – 772 = Ông hứa với Kiều: Tâm sự con dặn lại quý như vàng ngọc này, dẫu bia đá còn có thể mòn được, chớ những lời này cha xin ghi nhớ mãi mà chẳng bao giờ dám sai.
Câu 773 – 774 = Thấy Vương ông nhận lời sẽ gả Thúy Vân cho Kim Trọng thay Kiều, nàng liền lễ tạ ơn cha. Lạy tạ xong, nàng sẽ sàng thưa với cha: Nhờ ơn cha trả được nghĩa chàng cho con như thế, con thật yên lòng hả dạ.
Câu 775 – 776 = Sau này, dẫu phải sống kiếp tôi đòi cực nhọc, con cũng chẳng sá kể gì thân con; và rồi dẫu chết phơi xương trắng ở nơi quê người, con cũng chẳng quản ngại gì cả. (Tâm sự Kiều lúc này: Ơn cha trả được rồi, nghĩa chàng trả được rồi, chẳng tiếc gì thân nữa, khổ thế nào cũng chịu được, chết đâu thì chết chẳng cần. Những lời này nghe quá thảm thê từ người con gái chí hiếu).
Câu 777 – 778 = Suốt ngày hôm ấy, cả nhà thật kể không xiết biết bao nhiêu là nỗi thảm sầu; rồi thoáng đã đến giờ thu không, ở lầu canh chính phía nam thành đã thúc mấy hồi trống báo hiệu cầm canh.
Câu 779 – 780 = Thế là đã đến giờ đón dâu. Một chiếc kiệu hoa ở đâu đã đến đậu trước cửa nhà, với tiếng đàn tiếng sáo réo rắt vang lên để giục người ta phải sâu thẳm lìa rẽ nhau.
Câu 781 – 782 = Cả nhà lúc đó, kẻ ở người đi đau thương quá đỗi, ai cũng khóc sướt mướt, nước mắt ướt cả áo, và người nào cũng rũ rượi mềm lả như con tằm đã kéo hết tơ.
Câu 783 – 784 = Người đã buồn thảm như vậy, lại thêm cảnh trời đất lúc đó hình như muốn chia buồn với người mà hiện ra cảnh buồn thêm – trên thì trời tối mây đen ủ rũ như muốn mưa, dưới đất thì ngọn cỏ lá cây đầm đìa như sương, dầu dầu như muốn chung nước mắt khóc với người.
Câu 785 – 786 = Họ rước Kiều về nhà trọ, rồi đưa Kiều vào buồng và đóng kín cửa bốn bề lại như nhốt nàng ở trong.
Câu 787 – 788 = Nàng ngồi một mình, lòng những ngập ngừng, vừa hổ thẹn với bộ lông mày xanh tươi như liễu của mình, lại vừa tiếc cho bộ mặt mũi hồng hào như hoa của mình. Nàng càng nghĩ, lòng nàng càng xót xa thương tiếc cho mình nhiều nỗi.
Câu 789 – 790 = Kiều tự nhủ trong cay đắng: Cái thân ta trong trắng như tiên phẩm thế này mà phải rơi vào tay đứa hèn này! Rõ thật ta uổng công gìn giữ với ai, không để cho mưa nắng làm hoen ố vẻ trăng trong này!
Câu 791 – 792 = Nếu ta biết thân ta phải gặp bước lạc loài này, thì ta thà bẻ cái nhị đào non đẹp của ta này mà dâng cho người tình chung của ta cho xong!
Câu 793 – 794 = Ta rất hối tiếc chỉ vì ta cản không cho ngọn gió đông vào vườn đào, khiến khi chàng khi ở gần ta thì phải thiệt thòi, và khi phải đi xa ta thì phải đau tiếc!
Câu 795 – 796 = Rồi sau đây, dù họa chăng có khi lại gặp nhau nữa, thì chao ôi, thân này còn có ra gì nữa mà dám mong được chàng đoái hoài đến!
Câu 797 – 798 = Nếu quả thực Trời đã bắt ta chịu số long đong như thế này, thì làm sao ta mang nổi mãi cái kiếp má hồng này đây!
Câu 799 – 800 = Nghĩ thế rồi, bỗng thấy có con dao ai để ở dưới cái yên, nàng mới cầm lấy mà gói dấu vào trong một góc khăn.
Câu 801– 802 = Nàng đã định tâm ngầm giữ con dao đó để khi cần phải chết thì sẽ dùng để liều thân.
Những câu và chữ có ý móc nối
Đoạn thơ (từ câu 569 – 692) và đoạn thơ (từ câu 693 – 804) tả lòng hiếu nghĩa của Kiều. Đoạn thơ trên thì tả vì hiếu mà bỏ cả tình, bỏ cả thân. Đoạn thơ dưới thì tả đã báo được hiếu rồi, mới lại nghĩ đến tình mà lo trả trọn nghĩa với tình lang và một niềm hy sinh thân phận mình. Hai câu trong đoạn dưới Việc nhà đã tạm thong dong/ tinh kỳ giục giã đã mong độ về lúc mới đọc nghe lời rất giản dị tầm thường, và lại mỗi câu có một chữ “đã” nghe thật trùng điệp lủng củng. Nhưng đọc lại mà nghĩ kỹ thì biết chúng tuy lời bình thường đơn giản mà ý rất hay và hai chữ “đã” trùng điệp đó lại là hai chữ rất khẩn thiết cho hai câu. Chữ “đã” câu lục thì vừa nối đoạn thơ này với đoạn thơ trên: thế là nay đã thu xếp tạm yên việc nhà, vừa tả được lòng nàng đã tự yên ủi thế là ta đã cứu được cha, đã cứu được gia đình. Chữ “đã” câu bát thì (a) vừa tả nỗi lòng nàng bỗng lại bối rối về việc trả nghĩa: thế là đã đến ngày phải bỏ nhà ra đi rồi, mà chưa tìm được cách trả nợ tình lang, (b) vừa mở ra ý suốt đêm ngồi nghĩ để rồi móc nối với những cuộc xin em thay lời, những cuộc dặn dò thê thảm giữa chị em, giữa cha con. Hai câu Phận sao đành vậy cũng vầy ở đoạn trên và Phận dầu, dầu vậy cũng dầu ở đoạn dưới, mới nghe lời thật lơ lửng và nghĩa thật vẩn vơ, có thể tưởng là tác giả đặt ra cho đủ câu đủ vần, nhưng nghĩ kỹ ra thì đó thật là hai câu quan hệ, tả rõ ra được nỗi lòng hy sinh của người con gái hiếu nghĩa tột bực. Câu trên thì vì hiếu mà quên mình: số trời bắt thế con đành chịu, cha đừng thương tiếc gì con nữa, coi như con chết từ lúc bé. Câu dưới thì vì nghĩa mà quên mình: số kiếp sau này dù có khổ đến đâu nữa, về phần ta ta chịu được, ta chỉ rất thương xót cho chàng là mất bao nhiêu công lao theo đuổi ta mà đã chẳng được gì, nay lại vì lời thề khăng khít, quá chặt chẽ của ta mà có lẽ bơ vơ đau khổ suốt đời.
Trong đoạn 235 câu thơ này (569 – 804) có nhiều câu nghe thật thảm thương, đọc đến ai mà không rớt nước mắt : (a) Trông ra ngọn cỏ lá cây/ thấy hiu hiu gió thì hay chị về (b) Dạ đài cách mặt khuất lời/ rẩy xin chén nước cho người thác oan (c) Trăm nghìn gửi lạy tình quân/ tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi (d) Kiệu hoa đâu đã đến ngoài/ quản huyền đâu đã giục người sinh ly.
Trong đoạn (569 – 804) này cũng có mấy câu xếp đặt thật khéo giúp cho Kiều đỡ phải ngượng nghịu, thí dụ như (a) Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân/ dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han đỡ cho Kiều khỏi phải đánh thức em dậy mà van xin một truyện gần như không đâu và (b) Nàng còn nức nở nói không ra lời/ nỗi nàng Vân mới rỉ tai đỡ cho Kiều khỏi phải kể cho cha nghe sự tình của mình.
Chương 12:
CÂU 805 ĐẾN CÂU 992
“Suối lệ phân ly, lưỡi dao oan nghiệt”
805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen. [1]
807. Quá chơi lại gặp hồi đen, [2, 3]
Quen mui lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
809. Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã giã về già hết duyên. [4]
811. Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường. [5]
812. Chung lưng mở một ngôi hàng, [6]
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề. [7]
815. Dạo tìm khắp chợ thì quê,
Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi. [8]
817. Rủi may âu cũng tại trời,
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.
819. Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
821. Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá nghênh hôn sẵn ngày. [9]
823. Mừng thầm: Cờ đã đến tay! [10]
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng. [11]
825. “Đã nên quốc sắc thiên hương, [12]
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa. [13]
827. Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau. [14]
829. Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời,
 831. Miếng ngon kề dến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham.
833. Đào tiên đã bén tay phàm, [15]
Thì vin cành quít cho cam sự đời! [16]
835. Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
837. Nước vỏ lựu máu mào gà, [17]
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên. [18]
839. Mập mờ đánh lận con đen, [19]
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?
841. Mụ già hoặc có điều gì,
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.
843. Vả đây đường xá xa xôi,
Mà ta bất động nữa người sinh nghi. [20]
845.Tiếc thay một đóa đồ mi, [21]
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
847. Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
849. Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ. [22]
851. Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách phần nhơ nỗi mình:
853. Tuồng chi là giống hôi tanh, [23]
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng. [24]
855. Thôi còn chi nữa mà mong?
Đời người thôi thế là xong một đời.
857. Giận duyên tủi phận bời bời,
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh. [25]
859. Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
Một tình thì vậy, hai tình thì sao? [26]
861. Sao dầu sinh sự thế nào,
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân. [27]
863. Nỗi mình âu cũng giãn dần, [28]
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi. [29]
865.Những là đo đắn ngược xuôi,
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường.
 867. Lầu mai vừa rúc còi sương, [30, 31]
Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi.
869. Đoạn trường thay lúc phân kỳ! [32]
Vó câu khấp khểnh bóng xe gập ghềnh.
871. Bề ngoài mười dặm trường đình, [33]
Vương ông gánh tiệc tiễn hành đưa theo.
873. Ngoài thì chủ khách dặt dìu, [34]
Một nhà huyên với một Kiều ở trong.
875. Nhìn càng lã chã giọt hồng, [35]
Rỉ tai nàng mới giãi lòng thấp cao:
877. “Hổ sinh ra phận thơ đào, (36)
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
879. Lỡ làng nước đục bụi trong, [37]
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
881. Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già!
883. Khi về bỏ bẵng trong nhà, (38)
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.
885. Khi ăn khi nói lỡ làng,
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh.
887. Khác màu kẻ quý người thanh,
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.
889. Thôi con còn nói chi con?
Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!
891. Vương Bà nghe bấy nhiêu lời,
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên. [39]
893. Vài tuần chưa cạn chén khuyên. [40]
Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe.
895.Xót con lòng nặng chề chề,
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao:
897. “Chút thân yếu liễu tơ đào,
Rớp nhà đến nỗi dấn vào tôi ngươi. [41]
899. Từ đây góc bể bên trời,
Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
901. Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân, [42]
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.” [43]
903. Cạn lời khách mới thưa rằng:
“Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao. [44]
905. Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỉ thần!” [45]
907. Đùng dùng gió giục mây vần, [46)]
Một xe trong cõi hồng trần như bay. (47)
909. Trông vời gạt lệ chia tay,
Góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm. [48]
911. Nàng thì cõi khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây. [49]
913. Vi lô san sát hơi may, [50]
Một trời thu để riêng say một người. [51]
915.Dặm khuya ngất tạnh mù khơi, [52]
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
917. Rừng thu rỗ biếc úa hồng, [53]
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn. [54]
919. Những là lạ nước lạ non,
Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.
921. Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
923. Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!
925. Trước xe lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
927. Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
929. Giữa thì hương án hẳn hoi,
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. [55]
931. Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư,
933. Hương hôm hoa sớm phụng thờ.
Cô nào xúi vía có thưa mối hàng,
935. Cởi xiêm lột áo chán chường,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm. [56]
935. Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!
937. Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
939. “Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu. [57]
941. Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai.
945.Tin nhạn vẩn, lá thư bời, [58]
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau.”
947. Lạ tai nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
949. Lễ xong hương hỏa gia đường, [59]
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay. [60]
951. Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi, sang lạy cậu mày bên kia.”
953. Nàng rằng: “Phải bước lưu ly,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh. [61]
955. Điều đâu lấy yến làm anh, [62]
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì? [63]
957. Đủ điều nạp thái vu qui,
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
959. Giờ ra thay mặt đổi ngôi,
Dám xin gửi lại một lời cho minh.”
961. Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên: [64]
963. “Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.
965. Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
967. Tuồng vô sỉ ở bất nhân, [65]
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
969. Màu hồ đã mất đi rồi, [66]
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
971. Con kia đã bán cho ta,
Nhập ra phải cứ phép nhà tao đây. [67]
973. Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe. [68]
975. Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
977. Phải làm cho biết phép tao!”
Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.
979. Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi.
981. Thôi thì thôi có tiếc gì!”
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
983. Sợ gan nát ngọc liều hoa!
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
985. Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần. [69]
987. Nỗi oan vỡ lở xa gần, [70]
Trong nhà người chật một lần như chen.
989. Nàng thì bằn bặt giấc tiên, [71]
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
991. Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc chạy thầy thuốc thang.
Đính chính và xác định 
Câu 808 – Quen mui lại kiếm ăn miền nguyệt hoa . Chữ mui các bản nôm viết là [𠿃] (khẩu [] bên môi []) có thể phiên âm là mồi hay mui hay mùi. Nhưng theo tiếng thông thường ta hay nói là mui như quen mui thấy mùi ăn mãi, chứ ít khi nói quen mùi hay quen mồi.
Câu 845 – Đồ mi [𦯬 𧃲] là một thứ cây cảnh có hoa đẹp hay trồng thành giàn ở trong vườn cảnh, như câu 1092: Giá đồ mi đã ngậm gương nửa vành. Cả hai câu này đáng lẽ đều phải đọc là đồ mi mới đúng, nhưng vì chữ đồ [𦯬] giống chữ trà [] nên mọi người đã quen đọc là trà mi thì vừa sai, vừa mất âm điệu.
Câu 866 – Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường. Chữ “mé” câu này các bản Kiều quốc ngữ đều phiên âm lầm ra “mái”, nhưng “mái tường” thật là vô nghĩa. Vậy xin cải chính lại.
Câu 872 – Vương Ông gánh tiệc tiễn hành đưa chân. “Gánh tiệc” câu này nhiều bản Nôm hay quốc ngữ đều in là “mở tiệc [ ]”, chỉ có một bản Nôm cũ in là “gánh tiệc [ ]”. Tác giả đặt chữ “gánh tiệc” ở đây thật đúng với tình cảnh buồn thảm vội vàng. Những bản đổi là “mở tiệc” để nghe cho lịch sự trang trọng, nhưng thật là làm mất tình ý của tác giả. Vậy xin xác định lại cho hợp với cảnh ngộ buồn thảm vội vàng.
Câu 873 – Ngoài thì chủ khách dặt dìu. Nhiều bản Nôm hay quốc ngữ đổi “dặt dìu” [ ] ra “dập dìu [ ]” là sai nghĩa, vì dập dìu nghĩa là đông người vui vẻ, như “dập dìu tài tử giai nhân” mới đúng nghĩa chữ “dập dìu.” Còn câu này dùng chữ dập dìu thì thật không hợp với tình cảnh cái bữa tiệc tạm bợ vắng vẻ buồn tủi này.
Câu 883 – Khi về bỏ bẵng trong nhà = Khi Mã Giám Sinh mang Kiều về đến trú phường rồi, hắn để Kiều ngồi một mình như bỏ bẵng ở trong buồng. Hắn chẳng có tình nghĩa đoái hoài gì đến, đúng với cái cảnh “bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong”. Vì chữ “bẵng” Nôm viết là [] (Hán đọc là băng, Nôm đọc là bẵng), các bản Kiều Nôm khắc lầm [] (bẵng) ra [] (Hán đọc là vĩnh, Nôm đọc là vắng), thành ra “khi về bỏ vắng trong nhà” thật là vô nghĩa mà ít ai nghĩ đến. Vậy xin đính chính lại cho đúng, để ai đọc đến câu này cũng hiểu rõ nghĩa ngay.
Câu 884 – Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng = Khi Mã vào buồng với nàng thì như có vẻ lén lút vụng trộm, phải dùng dằng ngó trước nhìn sau, thừa cơ bên ngoài mọi người vắng vẻ mới dám vào, rồi hấp tấp thỏa tình vội vàng ra khỏi buồng ngay, không có tình quyến luyến chút nào. Vì chữ “dắng” Nôm viết là [] (Hán đọc là dựng, Nôm đọc là dắng), thợ khắc bản in gỗ khắc lầm ra [] (Hán đọc là đóa), người phiên âm trước không nghĩ ra, cứ dịch là đóa, nhưng thấy “dùng đóa” vô nghĩa lại mất âm luật, nên đổi bừa ra “đôi đóa” cho có âm luật. Bản Kiều Trần Trọng Kim cũng theo sự lầm ấy và giảng nghĩa chữ “đôi đóa” là “vờ vĩnh” đồng nghĩa với “dùng dắng.” Thật là giảng gượng, vì “vờ vĩnh” cùng nghĩa với “dùng dắng” sao được.
Câu 898 – Nghẹt nhà đến nỗi dấn vào tôi ngươi = Vì tình thế eo nghẹt quá đến nỗi nó phải tự ý liều thân bán mình chịu kiếp tôi đòi nhục nhã. Trong câu 2941 “Dấn mình trong đám can qua” chữ dấn mình cũng một ý liều mình như dấn mình xuống sông nước vậy. Các bản Kiều đổi “dấn vào” ra “buộc vào” hay “mắc vào” đều làm mất ý nghĩa lời Vương Ông muốn tỏ cho họ Mã biết là con gái mình rất mực hiếu nghĩa, tự ý liều mình để cứu cha cứu gia đình, hầu mong hắn quý nể Kiều hơn. Nếu để buộc mình hay mắc vào thì không phải là Kiều tự ý bán mình, tự ý hy sinh, thành ra bị người khác bắt buộc phải bán mình.
Câu 917 – Rừng thu rỗ biếc úa hồng = Cảnh rừng bắt đầu điêu tàn vì hơi sương lạnh mùa thu, chỗ thì những chòm lá xanh biếc đã lốm đốm điểm những lá vàng như người mặt rỗ, chỗ thì những lá sạm lại thành màu đỏ úa buồn. Có bản giảng lầm chữ “úa hồng” là hoa úa: hoa tàn thì rụng, chứ đâu úa ở trên cây cho người ở xa trông thấy được? Có bản nôm khắc lầm chữ “rỗ” [𤻼] (chữ bịnh trên chữ lỗ [] = rỗ) ra chữ [] (Hán là tằng = từng); và khắc lầm chữ “ố” [] (chữ bịnh trên chữ “ố” []) thành chữ “chen” [] (Hán đọc là chiên, Nôm đọc là chen). Theo bản lầm này, thì câu này là “Rừng thu từng biếc chen hồng.” Ôi thật lầm quá, vì như thế rừng thu lại hóa đẹp quá.
Vậy xin xác định là “rừng thu rỗ biếc úa hồng” cho thật đúng cảnh buồn mùa thu, sánh đôi với tâm trạng buồn của Kiều trong cuộc đi này.
Câu 934 – Cô nào xúi vía có thưa mối hàng. “Xúi vía” câu này, các bản quốc ngữ đều dịch là “xấu vía”, đó là do “xúi” hay “xấu” chữ Nôm đều viết là [] (Hán đọc là “xú” = xấu), nhưng “xấu vía” nghĩa khác với “xúi vía.” Người “xấu vía” là trời sinh ra có cái hồn vía xấu, truyện trò giao thiệp với ai là làm cho người ta xúi quẩy gặp những sự không may, người xấu vía thì không thể nào chữa được; còn người “xúi vía” là người bị người “xấu vía” làm cho xúi quẩy gặp sự không hay, như bán hàng thì hàng ế, sinh đẻ thì con sài ốm… Người bị xúi vía có thể chữa được bằng cách “đốt vía, phỉ phui” hay bằng cách cầu cúng như các cô “xúi vía” ở câu này. Vậy câu này phải để là “Cô nào xúi vía có thưa mối hàng” mới đúng nghĩa.
Câu 964 – Thôi đà cướp sống của min đi rồi = Lời Tú Bà chửi Mã Giám Sinh, khi mụ thấy Kiều nói “đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi” với Mã, và nghĩa là “thôi thế rõ thằng này đã trắng trợn ăn cướp sống mất tiền của của tao rồi.” Chữ “của” đây là chỉ vào Kiều. Nhiều bản Kiều đổi làm của ra chồng, cho là Tú Bà mắng Kiều đã cướp chồng của mụ, rõ thật là vô nghĩa, vậy xin xác định lại cho đúng nghĩa lý. Đoạn Tú Bà nói này, từ câu: “Này này sự đã quả nhiên” đến câu “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” là lời mụ chửi Mã Giám Sinh; và từ câu “Con kia đã bán cho ta” đến câu “Phải làm cho biết phép tao” mới là lời mụ nói với Kiều.
Câu 967 – Tuồng vô sỉ ở bất nhân = Tiểu thuyết Tàu vẫn gọi những tên đàn ông đểu cáng, vô lại làm nghề lừa gái, dắt gái cho trai để kiếm tiền là vô sỉ [ ] (không biết xấu hổ) hay là vong bát [ ] (nghĩa là quên cả 8 đức tính: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ) và thường nói trạnh ra thằng vương bát [ ]. Câu này Tú Bà dùng chữ vô sỉ để chửi Mã Giám Sinh, cũng như ta nói thằng đểu, thằng ma cô. Có bản Kiều đổi “vô sỉ” ra “vô nghĩa” cho là Tú Bà trách Mã phụ nghĩa vợ chồng với mụ, thật là sai nghĩa và mất hết cả ý nghĩa sâu sắc xác đáng. Mã Giám Sinh chỉ là thằng kiếm gái cho Tú Bà, chứ đâu phải là chồng mụ, mà nói là “vô nghĩa”?
Chú thích và dẫn điển
[1] Phong tình [ ] = Kẻ ăn chơi chỉ thích những cuộc trăng hoa trai gái, và tự cho mình là hạng phong lưu tình tứ.
[2] Quá chơi = Ăn chơi quá độ thành ra hết của.
[3] Hồi đen = Lúc vận xấu, gặp sự không may, tai nạn bất kỳ, hao tiền tốn của.
[4] Làng chơi đã giã = Vì già và xấu, khách làng chơi không ai ngó đến nữa (giã = từ giã).
[5] Mạt cưa mướp đắng – Truyện cổ tích ta kể: Một người đem mạt cưa ra chợ bán giả làm cám, và một người đem mướp đắng ra chợ bán giả làm dưa chuột, nhưng đều ế cả. Lúc chợ đã gần tan, hai bên gặp nhau, cùng nói khéo bán lẫn cho nhau, cũng mừng thầm là đánh lừa được nhau. Lúc về nhà mới biết là cùng bị lừa. Sau hai người gặp nhau cùng òa ra cười và cùng chịu nhau là tài lừa bịp, mới kết bạn với nhau để cùng đi lừa thiên hạ.
[6] Chung lưng = Góp tiền vốn với nhau để mở cửa hàng buôn bán.
[7] Đã lề = Đã quen, đã thành lề thói đủ ngón trong nghề.
[8] Giả danh hầu hạ = Mượn tiếng mua gái về làm vợ lẽ để lừa nhà có con gái.
[9] Sính nghi = Số tiền nhà trai nộp cho nhà gái để sắm sửa cô dâu. Nghinh hôn = Lễ đón dâu.
[10] Cờ đã đến tay – Tục ngữ ta có câu “Cờ đến tay ai thì người đó phất.”
[11] Khúc vàng = Tấc vàng = Lòng đáng tin cậy. Nhưng đây tác giả đổi ra “khúc vàng” để tỏ ý mỉa mai tấm lòng tham ô bẩn thỉu.
[12] Quốc sắc, thiên hương – Quốc sắc = Người con gái nổi tiếng đẹp nhất nước.Thiên hương = Được vua yêu quý, ban cho nước hoa thơm đặc biệt như từ tiên trên trời ban xuống.
[13] Một cười nghìn vàng – Bởi câu chữ Hán [    = Nhất tiếu thiên kim = Một cười đáng nghìn vàng]. U Vương nhà Chu thưởng một nghìn lạng vàng cho người làm được Bao Tự cười một cái.
[14] Vương tôn hàm ý những khách ăn chơi phong lưu như con cháu nhà vua chúa.
[15] Đào tiên, tay phàm – Có lẽ tác giả dùng điển từ truyện ông Ngâu của ta: Bà Ngâu bay lên tiên mất, ông Ngâu bế con lên được cung tiên tìm thấy vợ. Bà Ngâu đưa cho quả đào tiên, ông Ngâu không biết cách ăn cho lịch sự, vội vàng cùng con gặm ăn thô bỉ, bị các nàng tiên chê cười, bà Ngâu lại dòng dây cho hai bố con xuống cõi phàm. Câu thơ này than tiếc cho Kiều gặp kẻ phàm phu không biết đối đãi nàng một cách thanh lịch xứng đáng.
[16] Vin cành quít lấy ý từ thơ Tô Đông Pha [              = Lão nhân du hí như đồng tử, bất triết mai tri triết quất tri = Người già mà trêu đùa như trẻ con, vào vườn hoa chẳng biết bẻ cành hoa mai trắng đẹp mà ngắm cho vui măt, lại bẻ cành quít lấy quả ăn cho sướng miệng]. Tác giả dùng ý câu thơ này để chê Mã Giám Sinh là kẻ tục phu chỉ biết cái thú thô tục như trẻ tham quít, không biết hưởng cái thú thanh tao như người tao nhã thích ngắm hoa mai.
[17] Nước vỏ lựu, máu mào gà – Theo sách Bắc Lý Chí, gái thanh lâu vẫn nấu nước vỏ lựu cho đặc để rửa chỗ kín cho co gọn lại như gái thanh tân, và chứa ngầm sẵn máu mào gà, để khi tiếp khách xong, thì ngầm đổ một chút vào mà nói là mới bị khách phá trinh.
[18] Chiêu tập = Sửa chữa gọn gàng lại. Còn nguyên = Vẫn còn như con gái thanh tân.
[19] Con đen do chữ kiềm lê [ ] dịch ra và nghĩa là “lũ dân còn đen đầu, khờ dại.
[20] Bất động [ ] = Không làm gì.
[21 Đồ mi [𦯬 𧃲] phải đọc là đồ mi mới đúng, nhưng vì chữ đồ [𦯬] giống chữ trà [] nên theo thói quen ta vẫn đọc là trà mi. Đường thi có câu [ 𧃲 = Khai đáo đồ my hoa sự liễu = Nở đến hoa đồ mi là xong công việc mùa hoa].
[22] Đuốc hoa do chữ hoa trúc [ ] dịch ra. Hoa trúc là cây nến có hình cành hai hoa trang điểm quấn quít chung quanh. Tục xưa, trong buồng dâu rể đêm tân hôn vẫn đốt cây đuốc hoa để làm lễ hợp cẩn rồi để luôn suốt đêm trong buồng vợ chồng mới cưới.
[23] Giống hôi tanh – Thơ Tô Đông Pha có câu [       = nhữ phi kỳ nhân, thân tinh chiên = mày không phải là người, thân mày hôi tanh lắm].
[24] Ô danh [ ] = Làm dơ bẩn mất cả tiếng thơm của khách má đào.
[25] Quyên sinh [ ] = Bỏ đời sống, tự tử.
[26] Một tình đã vậy, hai tình thì sao = Cái tình lý lẽ nọ lẽ kia sẽ xảy ra sau này theo tình thế việc mình làm. Một tình đã vậy nghĩa là việc mình tự vẫn, nếu theo một lẽ nông nổi mới nghĩ là chết đi thì hết mà êm đi, thế là xong chết được. Hai tình thì sao nghĩa là sự mình tự vẫn, nghĩ lại cho kỹ thì có thể xảy ra “tình ly thứ hai” nữa, là Mã sinh sẽ sinh sự kiện cáo bố mẹ mình là lừa nó như vậy thì chết không xong, không thể chết lúc này ở đây được. Nói vắn tắt thì câu này nghĩa: Mới thoạt nghĩ thì chết được, nhưng nghĩ lại thì chết không xong.
[27] Truy nguyên = Xét lại đến tận nguồn gốc. Ở đây nghĩa là theo lý luật mà xét cho ra nguyên cớ gì mà xảy ra án mạng.
[28] Giãn dần = Nguôi dần bớt nỗi căng thẳng trong lòng.
[29] Một lần có ý nói: Chẳng chết trước thì cũng chết sau ; thế nào cũng một lần chết là xong.
[30, 31] Lầu mai = Lầu lính canh buổi sáng sớm. Còi sương = Hồi còi lính canh rúc báo lúc tan canh, lúc sương đêm gần tan.
[32] Phân kỳ [ ] – Phân = Chia. Kỳ = Chỗ đường rẽ làm đôi ngả. Phân kỳ hàm ý chia rẽ nhau mỗi người đi một ngả.
[33] Trường đình [ ] – Theo Hán sử, đường quan lộ xưa kia cứ 5 dặm đặt một quán nghỉ nhỏ gọi là đoản đình [ ], 10 dặm thì đặt một quán nghỉ lớn gọi là trường đình. Lễ tiễn biệt nhau, thường đưa nhau đến 10 dặm thì từ biệt, và nếu có tiệc tiễn biệt thì cũng đặt ở trường đình. Trong truyện Tam Quốc, Lưu Bị tiễn Từ Thứ đến trạm trường đình rồi từ biệt nhau.
[34] Dặt dìu – Xem lời xác định câu 873 bên trên.
[35] Giọt hồng = Nước mắt khóc thảm thiết như nhỏ máu.
[36] Thơ đào = Phận con gái hãy còn trẻ dại yếu đuối.
[37] Nước đục bụi trong lấy điển tích từ câu thơ của một ca kỹ tiễn tình nhân đi kinh thi Hội. Nàng chắc rằng thế nào chàng cũng đỗ và lo sẽ bỏ rơi mình, nên thơ nàng tiễn có câu [          = Thiếp như trọc thủy nê, quân như thanh lộ trần = Thiếp là bùn đọng mãi ở dưới nước đục bẩn, chàng là bụi được gió đưa đi trên con đường trong sạch]. Tác giả dùng điển này để tả Kiều vừa than thân phận phải đầy đọa vào kiếp ô nhục, vừa tiếc không lấy được Kim Trọng là tình nhân cao quý.
[38] Bỏ bẵng – Xem lời đính chính câu 883 bên trên.
[39] Vạch trời kêu lên = Vạch mây cho hở trời ra mà kêu lên cho trời nghe tiếng oan khổ.
[40] Vài tuần = Vài tuần rượu. Mỗi lần chủ rót rượu mời khách, và khách mời lại là một tuần rượu.
[41] Dấn vào = Liều mình vào nơi khổ sở nguy hiểm như dấn mình xuống sông nước. Xem lời xác định câu 898 bên trên.
[42] Tùng quân – Tùng [] = Cây thông. Quân [] = Loài tre to cao. Người ta quý hai thứ cây này như người quân tử có độ lượng cao thẳng bao la, hay che chở bênh vực kẻ dưới.
[43] Cát đằng – Cát [] = Cây sắn dây. Đằng [] = Thứ cây dây leo cuốn gốc cây khác. Người ta hay dùng cát đằng để ám chỉ đàn bà con gái làm lẽ mọn.
[44] Nhiệm trao = Trao lại cho nhau một cách nhiệm màu như có trời định sẵn.
[45] Gương nhật nguyệt, dao quỷ thần – Mã sinh chỉ mặt trời mặt trăng xin chứng minh cho lời thề hẹn của hắn, và khấn quỷ thần nếu hắn không giữ lời thề hẹn thì sẽ bị chết đâm chết chém.
[46] Gió giục mây vần dịch từ câu chữ Hán [    = Vân trì phong trục = Mây chạy gió đuổi] có nghĩa là nó giục đi cho mau như mây bay gió thổi.
[47] Cõi hồng trần = Nơi phồn hoa đô hội náo nhiệt.
[48] Tháng ngày đăm đăm = Lúc nào Kiều và bố mẹ cũng thương nhớ nhau đến khốn khổ.
[49] Cầu giá = Cầu có sương trắng phủ như băng đọng trên mặt. Giá = Sương đọng thành tầng. Tác giả dùng thành ngữ “bạc phau cầu giá” để tăng thêm nỗi lòng buốt lạnh của Kiều, và thành ngữ “đen rầm ngàn mây” để tăng thêm nét mặt u buồn của nàng.
[50] Vi lô, hơi mây – Vi lô [ ] = Các loài lau sậy về mùa thu thì bắt đầu khô tàn. San sát tả tiếng lá khô gió đưa cọ sát vào nhau. Hơi mây tả hơi gió khô lạnh mùa thu để làm cho người xa nhà cảm nhớ đến cảnh ấm cúng của gia đình.
[51] Một trời thu để riêng say một người = Cảnh buồn thì ai cũng chán, nhưng riêng Kiều bây giờ thấy nó hợp với nỗi lòng mình, nên có ý thích ngắm, như nó chia sẻ nỗi buồn với mình, nhưng càng ngắm thì cảnh thu càng làm cho nàng thêm buồn tê tái.
[52] Dặm khuya ngất tạnh mù khơi – Dặm khuya = Đoạn đường đi lúc đêm khuya. Ngất = Trên cao. Ngất tạnh = Trời cao không mây. Mù khơi = Trời trông cao tít mù xa thẳm.
[53] Rỗ biết úa hồng – Xem lời đính chính câu 917 bên trên.
[54] Tấm lòng thần hôn – Thần [] là buổi sớm. Hôn [] là buổi tối. Lễ xưa dạy con nuôi cha mẹ già thì sớm dạy phải chào hỏi cha mẹ xem đêm ngủ có ngon không ; tối phải đến hỏi xem cha mẹ ngày hôm đó có được vui không, ăn có ngon không ; nếu cha mẹ có điều gì buồn thì khuyên giải, nếu mình có điều lầm lỡ thì xin tạ lỗi.
[55] Thần mày trắng – Xưa kia các thanh lâu đều thờ thần bạch mi xích nhỡn [    = Mắt đỏ lông mày trắng] làm tiên sư. Tục ta, Tàu trước nghề gì cũng có thờ một ông tiên sư tức là ông đã sáng lập ra nghề đó.
[56] Lầm rầm – Ta có câu tục ngữ “Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư.”
[57] Hàn thực [ ] và Nguyên tiêu [ ] là hai ngày tết rất vui vẻ náo nhiệt về mùa xuân. Tết Nguyên tiêu vào đêm rằm tháng giêng, có cuộc treo đèn khắp nhà khắp phố, yến tiệc khắp nơi. Hàn thực (cũng gọi là tết Thanh minh) vào ngày mồng 3 tháng 3 có những cuộc đạp thanh, tảo mộ. Hàn thực vui vẻ về ban ngày, Nguyên tiêu vui vẻ về ban đêm. “Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu” ý nói đông khách vui vẻ luôn luôn, bất kể ngày đêm, lúc nào cũng như tết.
[58] Tin nhạn vẩn, lá thư bời – Tin nhạn = Thư khách xa gửi tới. Lá thư = Thơ tình xướng họa hẹn hò nhau.
[59] Gia đường [ ] = Bàn thờ trong nhà.
[60] Vắt nóc = Lên ngồi một cách oai vệ ở chỗ cao quí nhất để tỏ ra mặt bà chủ trong nhà, trùm lợp cả mọi người như nóc nhà trùm lợp cả gia đình vậy.
[61] Tiểu tinh [ ] nghĩa đen là sao nhỏ, nghĩa bóng là vợ lẽ. Kinh Thi có câu [    = Tuệ bỉ tiểu tinh = Ngôi sao bé nhỏ kia] ý nói các vợ lẽ như những ngôi sao nhỏ.
[62] Lấy yến làm anh = Lấy chim én làm chim anh (vẹt). Ý nói đổi vợ lẽ thành ra con nuôi.
[63] Danh phận – Danh [] = Tên gọi. Phận [] = Phần quyền lợi, bổn phận. Danh phận ở đây là được xếp vào hạng người nào trong nhà.
[64] Tam Bành = Ba vị thần Bành. Theo kinh Phật, trong người ta có ba thần tên là Bành Kiêu, Bành Cư, Bành Chất. Họ hay xúi ta làm điều ác, rồi cứ đến ngày canh thân thì lên tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế.
[65] Tuồng vô sỉ – Xem lời xác định câu 967 bên trên.
[66] Màu hồ – Nghề buôn bán thường hồ hàng hóa cho đẹp đẽ để dễ bán. Hàng hóa đã mất màu hồ thì khó bán. Đây là lời Tú Bà chửi Mã Giám Sinh đã làm mất màu hồ của Kiều.
[67] Nhập gia – Tục ngữ Tàu có câu [        = Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục = Thuyền tới sông nào thì phải chở theo chiều cong khúc sông đó, người vào nhà ai thì phải theo tục nhà ấy].
[68] Văng vào mặt = Lôi những câu thô tục ra mà chửi vào mặt. Các bản Kiều đổi “văng vào mặt” thành “phang vào mặt” là sai với bản cũ.
[69] Dây phong trần = Quãng đời khổ nhục.
[70] Vỡ lở là tin Kiều tự tử vang ra nhiều người biết.
[71] Giấc tiên = Giấc mê lịm đi chẳng còn biết gì, coi như đã thoát nợ đời và lên cảnh tiên.
Diễn ra văn xuôi
Câu 805, 806 = Nào có ngờ đâu Mã Giám Sinh là một kẻ phong tình lừa gái đã quen.
Câu 807, 808 = Hắn ăn chơi quá, nhà đã hóa nghèo lại gặp hồi vận đen, nên cửa nhà khánh kiệt. Vì dụ dỗ gái đã quen, nên hắn quen mui lại kiếm ăn về nghề trăng hoa, dụ dỗ gái vào thanh lâu để lấy tiền ăn tiêu.
Câu 809, 810 = Lại có mụ Tú Bà, một gái thanh lâu đã già hết duyên, chẳng khách làng chơi nào ngó đến nữa.
Câu 811, 812 = Tình cờ hai đứa bợm thất nghiệp gặp nhau, chẳng khác truyện xưa kể đứa bán mạt cưa giả làm cám lại gặp đứa bán mướp đắng giả làm dưa chuột. Thế là hai bên một phường kết bạn tri kỷ.
Câu 813, 814 = Hai tên bợm này mới chung lưng nhau mở một thanh lâu để kiếm ăn. Tú Bà thì xuất vốn tiền, Mã Giám Sinh thì xuất công đi lừa dỗ gái. Quanh năm chúng làm nghề bán phấn buôn hương sành sõi đủ lề lối.
Câu 815, 816 = Chàng Mã đi dạo khắp cả thành thị và thôn quê để tìm gái, mượn tiếng là mua về làm vợ lẽ, nàng hầu, để đem về ép buộc hành nghề mại dâm.
Câu 817, 818 = Ôi! Đó cũng là sự rủi may do trời định sẵn cho số phận Kiều, nên cái kiếp đoạn trường nó lại chọn đúng ngay mặt người vô duyên này.
Câu 819, 820 = Thật đáng thương xót cho nàng là một gái thuyền quyên mà về tay Mã Giám Sinh, chẳng khác gì một cành hoa mà bị lọt vào thuyền của tên lái buôn hoa này!
Câu 821, 822 = Kiều đã mắc vào cái khuôn bẫy mẹo lừa của nó, giá tiền cưới xin đã rẻ, ngày đón dâu lại sẵn sàng đến ngay chỉ trong một vài ngày.
Câu 823, 824 = Mã Sinh mua được nàng rồi bụng rất mừng ; thế là cờ đã đến tay rồi muốn phất ngang phất dọc thế nào mà chẳng được ! Nó càng nhìn vẻ đẹp như ngọc của nàng, bụng nó càng say sưa một cách đểu giả bẩn thỉu, vừa về tình dục, vừa về tài lợi.
Câu 825, 826 = Nó nghĩ rằng gái này thật là hạng quốc sắc thiên hương, đúng là hạng gái một cười đã đáng nghìn vàng chứ không sai.
Câu 827, 828 = Về tay ta đây rồi, ta hãy bẻ hoa trước đã cho thỏa tình, rồi lũ vương tôn quí khách ắt là đua nhau đến bẻ sau ta.
Câu 829, 830 = Hẳn là mỗi người cứ phải trả 300 lạng, chứ kém sao được! Cứ một vài người đến trước là đủ vốn rồi, còn từ những người sau đều là lời tất cả.
Câu 831, 832 = Nhưng óc con buôn của nó thấy miếng ngon kề đến tận nơi thật là phân vân: ăn đi thì thiệt vào vốn liếng, mà không ăn thì tiếc của trời, lòng tham không bỏ được.
Câu 833, 834 = Rồi kết cục vì lòng ham muốn của trời quá, hắn nghĩ cái quả đào tiên kia đã đến tay kẻ phàm này, thì ta cứ ăn bừa đi như đứa trẻ con vào vườn hoa vin ngay cành quít hái quả ăn cho thỏa miệng, cần gì phải bẻ cành hoa mai trắng đẹp mà ngắm một cách hão huyền vô ích.
Câu 835, 836 = Còn về phần vốn lãi thì cũng chẳng lo thiệt gì, vì lũ làng chơi ở cõi trần này, họ chơi hoa nhưng mấy kẻ đã biết rõ được hoa nguyên, hoa dở.
Câu 837, 838 = Ta cứ dùng nước vỏ lựu, máu mào gà mà sửa sang tô màu lại, thì hoa dở lại hóa hoa nguyên.
Câu 839, 840 = Ta cứ dùng cách mập mờ như thế để đánh lừa lũ đầu đen khờ dại, thì hoa dở vẫn bán được giá như hoa nguyên, có thiệt chút nào đâu.
Câu 841, 842 = Còn cái mụ già kia, nếu mụ có sinh sự điều gì thì đành liều công quỳ một buổi để xin lỗi với mụ là xong.
Câu 843, 844 = Vả lại ở chốn xa xôi này, mình nói là lấy cô ta làm lẽ mà không đụng chạm gì đến, thì e người ta sinh lòng nghi ngờ, biết là mình buôn người, rồi sinh chuyện thưa kiện đánh tháo thì sao? (Lý luận khẩn thiết vơ về của kẻ ích kỷ vô lương, coi như tình thế bắt buộc phải hoại đời Kiều).
Câu 845, 846 = Tiếc thay cho đóa hoa thơm đẹp thế này, mà nay con ong đã mở đường đi lối vào được tới nhị hoa rồi!
Câu 847, 848 = Và qua một cơn mưa gió nặng nề, nó còn thương gì đến vẻ ngọc, hương thơm của đóa hoa này nữa!
Câu 849, 850 = Thỏa mãn thú tính rồi, Mã ngủ mơ màng một giấc suốt đêm, bỏ mặc Kiều nằm trơ một mình với ngọn đuốc hoa.
Câu 851, 852 = Nàng nằm khóc một mình, nước mắt ràn rụa như mưa, phần thì căm giận thằng khách nó nỡ lừa đảo mình, phần thì thương cho nông nỗi mình đã bị nhơ bẩn.
Câu 853, 854 = Nàng nghĩ cái giống hôi tanh này nó có ra tuồng gì đâu, mà sao tấm thân nghìn vàng của ta đây lại để nó làm nhơ bẩn mất cả danh giá của khách má đào như thế?
Câu 855, 856 = Thôi thế là hết mong mỏi nỗi gì nữa! Đời ta thôi thế là xong một đời!
Câu 857, 858 = Lòng bời bời những giận duyên, những tủi phận, tay nàng cầm dao những toan tự vẫn.
Câu 859, 860 = Nàng nghĩ đi nghĩ lại nếu ta tự tử, mà thằng Mã này đành chịu im đi, thì ta chết được, thế là xong. Nhưng nghĩ đi, ta phải nghĩ lại: Nếu ta tự vẫn, nó không chịu im đi, nó lại sinh sự ra sự tình thứ hai mà thưa kiện bắt đền cha mẹ thì sao?
Câu 861, 862 = Nếu mà nó lại sinh sự như thế, thì khi quan muốn xét rõ nguồn gốc cuộc án mạng, thế nào cũng không khỏi liên lụy đến cha mẹ, thế là ta chết sẽ làm cha mẹ thêm đau thương, lại phải kiện cáo lôi thôi, thì ta chết sao được.
Câu 863, 864 = Thôi ta đành vuốt bụng cho nông nỗi nguội dần đi vậy – chẳng chết trước thì cũng chết sau, sớm hay muộn cũng một lần chết là xong, có muộn gì?
Câu 865, 866 = Nàng còn đương đắn đo nghĩ ngược nghĩ xuôi thì bỗng đã nghe thấy tiếng gà đua nhau gáy như sôi ở mé ngoài tường.
 Câu 867, 868 = Lúc lầu canh buổi sớm vừa rúc còi tan canh, lúc trời hãy còn mờ sương, thì đã thấy Mã Sinh vội vàng ra đi rồi. (Mã Sinh cấp tốc ra đi là vì sợ lộ chuyện buôn gái, nhà gái sinh sự đánh tháo). Cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thì lại nói Mã Sinh ở trú phường lâu hàng tháng mới đi, thật là sai lầm.
Câu 869, 870 = Lúc chia tay nơi đường rẽ này, thật là lúc đau đớn cho nàng. Mà Mã vội đi nhanh cho chóng xa nơi quê nàng, nên chân ngựa chạy khập khễnh bước thấp bước cao, và bánh xe lăn gập gềnh như khi lên khi xuống, làm cho tâm hồn nàng đã đau khổ lại thêm dằn vặt bội phần.
Câu 871, 872 = Đi đến chỗ nhà trạm trường đình, thì đã thấy Vương Ông, Vương Bà và mấy người nhà gánh bữa tiệc tiễn hành ra đợi đó để từ biệt nhau.
Câu 873, 874 = Ở nhà ngoài thì Vương Ông và Mã Sinh chén tạc chén thù dìu dặt mời nhau, ở bên nhà trong thì chỉ Kiều và Vương Bà ngồi với nhau.
Câu 875, 876 = Hai mẹ con ngồi nhìn nhau, nước mắt đau đớn rơi lã chã khác nào như những giọt máu. Kiều nói nhỏ vào tai mẹ để tỏ lòng trước sau của mình trước khi vĩnh biệt:
Câu 877, 878 = Con hổ thẹn sinh ra là phận gái hèn yếu, không kiếp nào báo đền được ân đức cha mẹ.
Câu 879, 880 = Nay lại gặp bước lỡ làng nước đục bụi trong (xem chú giải [37]), trước khi vĩnh biệt cha mẹ con xin ghi lại mấy lời cuối cùng để tỏ tâm sự suốt đời của con.
Câu 881, 882 = Ngắm xét cách cử chỉ ăn nói của người này, con thấy rằng thân con chắc là mắc lừa vào tay bợm già này rồi.
Câu 883, 884 = Con thấy khi nó mang con về đến trú phường rồi, nó bỏ bẵng con ngồi một mình ở trong buồng, thật nhạt nhẽo, chẳng có tình nghĩa gì cả. Khi nó muốn vào buồng với con thì phải đắn đo, ngó trước ngó sau mới dám vào, rồi sau lại vội vàng ra ngay, rõ ràng là có ý lén lút vụng trộm, chứ không phải là tình vợ chồng chân thật.
Câu 885, 886 = Nó nói nhiều câu lầm lỡ thất thường; khi thì làm bộ ra được vài câu đứng đắn lịch sự, rồi lại phang ngay những lời thô tục nhảm nhí. Đối với con cũng vậy, lúc thì vờ vĩnh vài lời âu yếm, lúc lại mày tao ra vẻ như chủ nhà. Con lại thấy kẻ thầy người tớ có ý khinh thường nó quá mà nó chẳng dám quở mắng câu nào, thật đúng là những tôi tớ thuê mướn tạm thời để huỳnh hãm lừa lọc ra, chứ không phải tôi tớ nhà sang trọng tử tế.
Câu 887, 888 = Tóm lại, nó không có dáng dấp những người cao quý thanh tao, ngắm ra cho kỹ thì hình như đúng là một tên lái buôn bịp bợm.
Câu 889, 890 = Rồi nàng than thân với mẹ : Thôi cái thân đời con thế là xong, còn nói gì nữa! Đành sống thì nhờ nơi đất khách, chết thì chôn nơi quê người! Chứ còn tránh sao được bây giờ đây?
Câu 891, 892 = Nghe mấy lời Kiều kể khổ cực đó, Vương Bà muốn những vạch mây ra cho quang đãng mà kêu to lên cho trời biết những nỗi oan ức của mẹ con bà.
Câu 893, 894 = Ở mé ngoài, Vương Ông chưa mời cạn vài chén rượu tiệc tiễn hành, thì Mã Sinh đã giục nhau lên xe đi cho mau.
Câu 895, 896 = Vương Ông nặng lòng thương con quá mới ra đứng trước yên ngựa Mã Sinh mà nằn nì dãi bày với nó mấy lời thảm thiết như sau:
Câu 897, 898 = Con gái tôi đương độ trẻ trung mơn mởn, chỉ vì nó thấy cảnh nhà gặp cơn tai vạ eo nghẹt quá, nên nó đành phải liều thân cứu cha, dấn mình vào làm kiếp lẽ mọn tôi đòi hầu hạ ông.
Câu 899, 900 = Từ đây trở đi nó phải sống nơi xa lạ, góc bể chân trời, gặp khi mưa nắng bất kỳ, ốm đau làm sao, cũng đành một thân thui thủi nơi quê người, chẳng có ai là người thân yêu săn sóc yên ủi như khi ở nhà cha mẹ.
Câu 901, 902 = Vậy tôi xin ông đem lòng cao cả, bao dung che chở nó, cũng như cây thông cao thẳng đem bóng mát che chở cho dây sắn bìm quấn leo dưới gốc cho khỏi tuyết sương lạnh lẽo.
Câu 903, 906 = Ông vửa dứt lời thì Mã Sinh thưa ngay: Đó chẳng qua cũng là do sợi tơ hồng thiêng liêng trời đưa lại buộc chân cô ấy vào duyên phận này thôi. Tôi thề sẽ hết sức che chở cô ấy. Nếu sau này tôi để cho cô ấy phải đến nỗi khổ cực thế nào, thì trên đầu có bóng mặt trời, mặt trăng kia soi sáng, tôi xin chịu tội dưới lưỡi gươm của quỷ thần.
Câu 907, 908 = Dứt lời là hắn đùng đùng giục đi như gió cuốn mây vần, thế là xe chạy như bay vào trong lớp bụi đỏ ngầu.
Câu 909, 910 = Thế là ông bà và Kiều cùng tay gạt nước mắt ràn rụa mà từ biệt nhau. Ông bà ở lại thì đứng nhìn phương trời xa mà bụng đau thương than thở: Từ đây con ta lúc nào cũng thăm thẳm một mình ở nơi góc trời kia, ngày đêm đăm đăm nhớ nhà đứt ruột.
Câu 911, 912 = Còn Kiều thì mỗi lúc đi mỗi xa vào nơi đất khách; biết bao cảnh làm cho nàng đau buồn thêm hiện ra trước mắt – nào là những chiếc cầu trắng phau những giọt sương đọng lại thành băng giá ở trên mặt ván cầu, nào là ngàn đám mây đen cuồn cuộn phía chân trời.
Câu 913, 914 = Nào là những chòm lau sậy hoa trắng lá khô cọ nhau sào sạt trước làn gió heo may khô lạnh. Cảnh thu lạnh lẽo buồn bã đó hình như có ý dành riêng cho nàng, khiến lòng nàng phải tê tái như say như ngất đi.
Câu 915, 916 = Khi xe chạy ban đêm, nàng thấy trời quang mây tạnh, đỉnh trời cao ngất màu xanh, chân trời tít mù xa thẳm; mỗi khi thấy vầng trăng vằng vặc, nàng lại thẹn với lời chỉ núi chỉ sông mà thề với chàng Kim ở dưới bóng trăng giữa trời vằng vặc lúc nửa đêm hôm nào đó.
Câu 917, 918 = Khi xe chạy ban ngày, nàng thấy rừng thu chỗ thì vùng lá xanh đã điểm lỗ rỗ lá vàng, chỗ thì lá úa đã thành màu đỏ u buồn. Mỗi khi nghe tiếng chim mẹ gọi con, con gọi mẹ, rõ như khêu gợi tấm lòng nhớ thương cha mẹ, không được ở nhà để chăm nom hầu hạ.
Câu 919, 920 = Họ mang nàng đi qua toàn những nơi lạ nước lạ non, ròng rã vừa một tháng trời thì đến Lâm Truy là nơi phồn hoa có cửa hàng thanh lâu của Tú Mã.
Câu 921, 922 = Khi xe đón dâu về, vừa mới đậu trước cửa, thì ở rèm trong đã thấy một người đàn bà bước ra.
Câu 923, 924 = Thoạt trông Kiều thấy bà ta da màu nhờn nhợt, và không biết ăn cái gì mà cao lớn đẫy đà như thế.
Câu 925, 926 = Bà ta chạy ra trước xe chào hỏi một cách lơi lả đon đả lắm. Theo lời bà ta nàng mới bước vào trong nhà.
Câu 927 đến 930 = Kiều thấy một bên có mấy cô gái trẻ đẹp, một bên có mấy chàng ra vẻ ăn chơi. Gian giữa nhà có bàn thờ đèn hương tề chỉnh hẳn hoi; trên bàn thờ có treo bức tranh vẽ một ông thần có đôi lông mày trắng toát.
Câu 931, 932 = Lề thói lầu xanh xưa nay vẫn thế: Cái nghề này thì thờ ông này làm tiên sư.
Câu 933 đến 936 = Họ thờ ông tiên sư này một cách rất thành kính, ngày đêm lúc nào cũng hương hoa dâng cúng cẩn thận. Hễ cô nào mà bị người xấu vía làm cho xúi quẩy ế hàng vắng khách thì cởi hết cả xiêm áo đi một cách trơ trẽn đáng ngán, rồi ra quỳ ở trước bàn thờ mà dâng hương hoa lầm rầm cầu khấn.
Câu 937, 938 = Làm lễ cầu khấn xong, xin đổi lấy hoa cũ trên bàn thờ mà lót xuống chiếu nằm, thế là khách làng chơi tứ phía sẽ ầm ầm kéo đến ngay.
Câu 939, 940 = Kiều vì mới lạ, còn ngẩn ngơ nào đã biết gì, cứ theo lời bà ta bảo vào lễ trước bàn thờ. Nàng vừa lạy xuống thì mụ khấn ngay rằng:
Câu 941, 932 = Xin người phù hộ cho cửa hàng buôn bán đủ mọi điều may mắn, ngày nào, đêm nào, bao giờ cũng nhộn nhịp vui vẻ như ngày Hàn Thực, như đêm Nguyên Tiêu.
Câu 943, 944 = Muôn ngàn người ai thấy cũng yêu. Lúc nào ngoài cửa cũng xôn xao những khách vui chơi như đàn chim anh chim yến, trong nhà cũng dập dìu những tình nhân lưu luyến như bạn trúc mai lâu bền.
Câu 945, 946 = Lúc nào cũng tấp nập, nào là tin nhạn xa đưa đến hẹn hò, nào là lá thư tình cùng nhau xướng họa, vừa tiễn người ra cửa trước, lại đón rước ngay người vào cửa sau.
Câu 947, 948 = Nàng tuy lạ tai nghe chưa rành rõ là thế nào, nhưng xem tình ý cũng biết là không ra gì rồi.
Câu 949, 950 = Lễ xong bàn thờ hương hỏa trong nhà rồi, Tú Bà bệ vệ lên ngồi giữa chiếc giường cao sang nhất, tỏ ra địa vị là chủ chứa trùm cả nhà.
Câu 951, 952 = Ngồi vắt nóc bệ vệ trên giường rồi, mụ bảo Kiều: Con làm lễ lạy mẹ bây giờ đi ! Lạy mẹ xong thì sang lạy cậu con ở bên kia.
Câu 953, 954 = Kiều liền đem lý nghĩa ra mà chất vấn mụ : Tôi đây gặp bước lưu ly, đã đành chịu phận hèn, cam tâm một bề làm lẽ mọn rồi.
Câu 955, 956 = Bây giờ lại lấy lẽ gì mà lấy chim yến làm chim anh như vậy. Tôi thật không biết thân ngây thơ này là hạng người nào, danh phận nào ở trong nhà này.
Câu 957, 958 = Khi ông ấy cưới tôi, đã đủ các lễ cưới hỏi từ nạp thái đến vu quy, rồi sau ông ấy lại khi chung chạ, khi đứng ngồi sánh vai với tôi. Đích thật tôi đã là vợ lẽ ông ấy hẳn hoi rồi.
Câu 959, 960 = Giờ đây sao lại thay bậc đổi ngôi, đương làm vợ lại hóa ra làm con như thế? Vậy tôi giám xin bà cho tôi biết rõ lẽ ra sao.
Câu 961, 962 = Mụ nghe nàng nói mới biết thực tình những việc Mã đã làm, vì vậy mụ mới lồng lộn nổi tam bành mụ lên.
Câu 963, 964 = Mụ bắt đầu chửi Mã Giám Sinh: Này này rõ rành rành là sự quả nhiên thật rồi! Rõ ràng là mày đã cướp sống mất cả của cải của tao đi rồi!
Câu 965, 966 = Mình bảo nó đi dạo tìm lấy gái mà đem về để rước khách kiếm lời mà ăn.
Câu 967, 968 = Thế mà cái thằng vô sỉ chẳng ra tuồng người này nó ăn ở lừa đảo bất nhân. Nó buồn ngứa, nó thèm thuồng, nó giám tần mần thử nếm mùi ngay!
Câu 969, 970 = Thôi thế là món hàng này đã mất màu hồ đi rồi! Thôi thế là vốn liếng đi đời nhà ma cả rồi!
Câu 971, 972 = Chửi Mã rồi thì mụ chỉ vào mặt Kiều mà quát: Con kia, mày đã bán thân cho tao, thì nhập gia tùy tục – mày vào nhà tao thì mày phải theo phép nhà tao!
Câu 973, 974 = Lão kia có giở trò bậy bạ với mày, thì sao mày không văng lời thô tục chửi vào mặt nó, mà mày lại nghe lời nó?
Câu 975, 976 = Cớ sao mày lại lặng lẽ chịu tốt một bề như thế? Gớm chưa? Gái mới lớn mà đã sớm ngứa nghề thế kia à?
Câu 977, 978 = Tao phải làm cho mày biết phép tao, cho mày hết lý sự với tao! Miệng vừa nói dứt lời, tay mụ với ngay chiếc roi sấn vào ra tay đánh Kiều.
Câu 979, 980 = Nàng kêu lên: Trời thẳm đất dầy ơi! Xin thấu nỗi này cho! Thân này đã liều bỏ từ ngày bước chân bỏ nhà ra đi rồi kia mà!
Câu 981, 982 = Thôi thì bây giờ ta còn tiếc gì nữa! Miệng nói, tay lấy ngay con dao dấu trong tay áo ra.
Câu 983, 984 = Thật đáng sợ cho cái gan dám thí bỏ tấm thân như hoa như ngọc. Mụ thoáng thấy nàng giở dao ra, còn đang ngơ ngác nhìn mặt nàng thì nàng đã quá tay cắt cổ nàng rồi, không kịp cứu nữa!
Câu 985, 986 = Thương cho nàng tài sắc tột bực như thế mà một nhát dao oan nghiệt đã cắt đứt cái dây ngày tháng đời gió bụi của nàng rồi!
Câu 987, 988 = Tiếng nàng chết oan uổng vỡ lở ra ngoài, nhiều người chạy lại xem, trong nhà chen nhau đông nghịt những người.
Câu 989, 990 – Nàng thì nằm mê lịm đi như thoát nợ trần mà lên tiên. Còn mụ Tú thì sợ quá, người mụ run cầm cập, mắt mụ nơm nớp nhìn nàng, hồn vía mụ như bay bạt đi đâu mất.
Câu 991, 992 – Rồi mụ nhờ người vực nàng vào buồng phía tây và cắt người trông nom săn sóc, cho người đi đón thầy về chạy chữa thuốc thang.
Những chữ và câu có ý móc nối hoặc châm biếm
Câu 883 Khi về bỏ bẵng trong nhà ứng với câu 785 và 786 Rước nàng về đến trú phường/ bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong.
Câu 886 Khi thày khi tớ xem thường xem khinh ứng với câu 629 Trước thày sau tớ xôn xao.
Câu 887 Khác màu kẻ quí người thanh ứng với câu 628 Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao và câu 631 Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.
Câu 841 Mụ già hoặc có điều gì móc nối với 8 câu Tú Bà chửi Mã (từ câu 963 đến 970): Này này sự đã quả nhiên… Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Câu 924 Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao có ý thóc mách nối nghĩa với ý ăn vật bẩn thỉu ở câu 966 Đem về rước khách kiếm lời mà ăn và với ý tàn nhẫn đánh Kiều ở hai câu 1133 và 1134 Tú Bà tốc thẳng đến nơi/ hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà. Người mụ to béo như thế mà túm đầu Kiều nhỏ gầy như thế mà lôi về thì thật là tàn bạo đáng thương.
Đoạn trích từ Truyện Kiều này có mấy cảnh cho hai thái cực gặp nhau, mà bên cực hay đều bị bên cực dở chèn ép một cách thái quá, khiến ai đọc đến đều phải chau mày chán ngán cho cảnh đời éo le đau đớn: (1) Kiều là một gái thanh cao thơm đẹp như thế mà mắc vào tay ma cô họ Mã. Về phần Mã thì chính nó cũng tự thú rằng đào tiên đã bén tay phàm. Về phần Kiều thì nàng than thở muốn tự tử vì nỗi tuồng chi là giống hôi tanh/ thân nghìn vàng để ô danh má đào. (2) Một cô gái mai cốt cách, tuyết tinh thần mà phải theo con mụ dầu nhờn nhợt màu da, cao lớn béo phì bước vào cửa thanh lâu rồi quì lạy trước thần mày trắng. (3) Một cô gái đứng đắn thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong đem lời lễ nghĩa ra để chất vấn Tú Bà thì bị mụ này quát chửi trả lời bằng những câu hết sức thô bỉ tục tằn, rồi lại toan đánh đập bắt phải theo phép nhà nó.
Những chữ và thành ngữ tác giả dùng có ý mỉa mai thói đời ở trong đoạn này là: (1) Chữ khúc vàng ở câu 824. Khúc vàng nghĩa bóng cũng là tấm lòng như tấc vàng. Nhưng trong khi tấc vàng ở chỗ khác là ẩn dụ cho tấm lòng đáng quí như vàng ngọc, thì trong ngữ cảnh này khúc vàng ám chỉ tấm lòng bẩn thỉu thối tha của kẻ buôn bán chỉ biết lợi, bỏ cả nghĩa lý. (2) Thành ngữ nhờn nhợt màu da để mỉa mai những kẻ ăn uống và ham nhục dục một cách quá độ cho nên người thì béo phị ra, mặt thì nhợt nhạt mất cả tinh thần. (3) Động từ vắt nóc trong câu 950 tỏ ý mỉa mai những kẻ hống hách ra oai bắt nạt người dưới. (4) Thành ngữ rước khách kiếm lời mà ăn thật là khéo chửi thậm tệ những đứa dắt gái cho khách làng chơi để kiếm ăn.
Chương 13:
CÂU 993 ĐẾN CÂU 1128
“Lời hẹn Tiền Đường, Mẹo lừa Ngưng Bích”
993. Nào hay chưa hết trần duyên, [1]
Trong mê dường đã đứng bên một nàng. [2]
995. Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang, [3]
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
997. Số còn nặng nghiệp má đào, [4]
Người dầu muốn quyết trời nào có cho. [5]
999. Hãy xin hết kiếp liễu bồ, [6]
Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau.”
1001. Thuốc thang suốt một ngày thâu,
Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan.
1003. Tú bà chực sẵn bên màn,
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần: [7]
1005. “Một người dễ có mấy thân!
Hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dài. [8]
1007. Cũng là lỡ một lầm hai,
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây! [9]
1009. Lỡ chân trót đã vào đây,
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non. [10]
1011. Người còn thì của hãy còn,
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà. [11]
1013. Làm chi tội báo oan gia, [12]
Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?”
1015. Kề tai mấy mỗi nằn nì,
Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi. [13]
1017. Vả suy thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong. [14]
1019. Kiếp này nợ trả chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau! [15]
1021. Lặng nghe, thấm thía gót đầu,
Thưa rằng: “Ai có muốn đâu thế này?
1023. Được như lời, thế là may,
Hẳn rằng mai có như vầy cho chăng!
1025. Sợ khi ong bướm đãi đằng, [16]
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!”
1027. Mụ rằng: “Con hãy thong dong,
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi! [17]
1029. Mai sau ở chẳng như lời,
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.” [18]
1031. Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.
1033. Trước lầu Ngưng bích khóa xuân, [19]
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung. [20]
1035. Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. [21, 22]
1037. Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, [23]
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.
1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, [24]
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
1041. Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
1043. Xót người tựa cửa hôm mai, [25]
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ? [26]
1045. Sân Lai cách mấy nắng mưa, [27]
Có khi gốc tử đã vừa người ôm? [28]
1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm, [29]
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
1049. Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu? [30]
1051. Buồn trông nội cỏ dàu dàu, [31]
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
1053. Buồn trông gió cuốn mặt doành [32]
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
1055. Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
1057. Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,
Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần. [33]
1059. Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
1061. Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, [34]
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
1063. Bóng nga thấp thoáng dưới mành, [35]
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai. [36]
1065. “Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
1067. Giá đành trong nguyệt trên mây, [37]
Hoa sao, hoa khéo đọa đày mấy hoa?
1069. Nổi gan riêng giận trời già, [38, 39]
Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
1071. Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!”
1073. Song thu đã khép cánh ngoài, [40]
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh. [41, 42]
1075. Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ. [43]
1077. Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi?
1079. Đánh liều nhắn một hai lời,
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. [44]
1081. Mảnh tiên kể hết xa gần, [45]
Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
1083. Tan sương vừa rạng ngày mai,
Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang. [46]
1085. Trời hôm lãng đãng bóng vàng, [47]
Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi. [48]
1087. Mở xem một bức tiên mai, [49]
Rành rành “tích việt” có hai chữ đề. [50]
1089. Lấy trong ý tứ mà suy:
Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng? [51]
1091. Chim hôm thoi thót về rừng, [52]
Giá đồ mi đã ngậm trăng nửa vành. [53)
1093. Tường đông lay động bóng cành, [54]
Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
1095. Sượng sùng đánh dạn ra chào, [55]
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần.
1097. Rằng: “Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh. [56]
1099. Dám nhờ cốt nhục tử sinh, [57]
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!” [58]
1101. Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu:
“Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!
1103. Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!” [59]
1105. Nàng rằng: “Muôn sự ơn người, [60]
Thế nào xin quyết một bài cho xong.”
1107. Rằng: “Ta có ngựa truy phong, [61]
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi. [62, 63]
1109. Thừa cơ lẻn bước ra đi, [64]
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn. [65]
1111. Dù khi gió kép, mưa đơn, [66]
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!” [67]
1113. Nghe lời nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi, quản gì được thân.
1115. Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu! [68]
1117. Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.
1119. Đêm thu khắc lậu canh tàn, [69)]
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
1121. Lối mòn cỏ nhợt mù sương, [70, 71]
Lòng quê đi một bước đường, một đau .
1123. Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.
1125. Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
1127. Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.
Đính chính và xác định
Câu 1004 – Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần – Chữ lựa câu này có bản in là dịu và chữ khuyên giải có bản in là ổn thỏa, đều không được xác đáng bằng chữ lựa và chữ khuyên giải. Lựa lời khuyên giải là tìm lời hợp tình hợp lý mà dỗ dành khuyên nhủ cho vừa lòng Kiều như những lời Tú Bà kể ở mấy câu sau đó. Để chữ ổn thỏa đã mất âm điệu lại không khẩn thiết lắm với chữ lựa lời. Còn để chữ dịu thì hình như thừa vì đã có chữ mơn man ở dưới tức là dịu rồi.
Câu 1006 – Hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dài – Chiếng là mới nở đương lúc tươi đẹp. Có bản in là hoa xuân đương nhụy thì thật tối nghĩa. Sở dĩ chiếng lầm ra nhụy là vì chữ chiếng Nôm viết là [/] ( thảo trên  chính) nhưng có bản Nôm khắc [/] thành [] (nhụy). Có lẽ người phiên âm không hiểu nghĩa chữ chiếng nên đành dịch theo bản lầm là [] (nhụy) mà dịch. Vậy xin đính chính lại cho đúng.
Câu 1012 – Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà = Tôi sẽ tìm nơi tử tế xứng đáng mà gả cô vào làm dâu con nhà người ta. Nghĩa rành rõ rất hợp tình hợp lí như vậy mà sao bản Kiều của ông Trần Trọng Kim lại đổi lầm chữ làm ra chữ là và giải nghĩa gượng là “tìm nơi xứng đáng là con nhà tử tế” thành ra hụt nghĩa: Tìm để làm gì? Mà ông lại cho những bản in chữ làm là lầm.
Câu 1057 – Ngậm ngùi rũ bức rèm châu = Kiều vịnh thơ xong rồi sinh buồn chán mới đứng ngậm ngùi thương thân nhớ nhà. Có bản đổi ngậm ngùi thành tần ngần e không khẩn thiết với tình trạng bằng ngậm ngùi.
Câu 1078 – Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi – Có nhiều bản Nôm hay quốc ngữ in lầm chữ mới ra chữ là thành ra đã mất âm điệu lại nghĩa không thanh thoát. Đó là bởi có bản Nôm khắc lầm chữ [] (mới) ra [] (là). Hai chữ này viết chân phương thì khác nhau nhiều, nhưng khi viết thảo thì khá giống nhau; bởi vậy người sao chép dễ lầm.
Câu 1092 – Giá đồ mi đã ngậm trăng nửa vành – Giá đồ mi = giàn hoa đồ mi. Cây đồ mi mềm yếu mà mọc cao, phải bắc giàn cao để đỡ. Câu này dựa vào một điển tích trong Tình sử: Nàng Vương Kiều [ ] hẹn với tình lang rằng: “Phía trước cửa sổ buồng thiếp có giàn đồ mi [𦯬 𧃲 = đồ mi giá], phía sau giá đồ mi có gian nhà mát nhỏ, chung quanh nhiều cây kín khuất. Tối nay lúc trăng nửa vành mọc thì chàng đến dưới giàn đồ mi đợi, thiếp sẽ hé cửa sổ mà chờ.” Vì chữ [] (giá) gần giống chữ [] (đóa), nên các bản Kiều Nôm khắc lầm ra “đóa” thành ra vô nghĩa, vì một đóa đồ mi ngậm sao được trăng nửa vành. Vậy cần đính chính lại cho đúng nghĩa lý.
Câu 1094 – Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào – Rẽ song nhiều bản quốc ngữ in là đẩy song. Viết “đẩy cánh cửa sổ vào” thì thật lầm, vì cánh cửa sổ đều mở ra ngoài, muốn mở thì phải rẽ hai cánh ra, chứ đẩy sao được.
Chú thích và dẫn điển
[1] Trần duyên = Cuộc tình duyên của mình còn vướng vít ở cõi trần tục cần phải trả cho xong.
[2] Dường = Hình như. Truyện Kiều hay dùng chữ dường trong nghĩa này.
[3] Nhân quả [ ] – Nhân = Cái nhân, cái mầm mình gây ra từ kiếp trước. Quả = Cái kết quả mình phải chịu trong kiếp này. Nhân quả = Phận trời theo việc kiếp trước mình làm mà định cho mình phải chịu kiếp này.
[4] Nghiệp má đào = Do thành ngữ “hồng nhan bạc mệnh” dịch ra và nghĩa là gái má đào hay xấu số, hình nhữ hay bị trời bắt phải chịu kiếp oan nghiệp khổ sở.
[5] Quyết = Tự tử, do chữ “tự quyết” [ ] dịch ra, và nghĩa là tự ý làm cho mình chết đi.
[6] Kiếp liễu bồ = Số phận đàn bà. Tục ngữ ta có câu “Xấu số mới phải làm đàn bà.”Kiếp liễu bồ = Kiếp sống khổ sở vất vả của đàn bà.
[7] Mơn man = Nhẹ nhàng thăm dò ý tứ rồi dùng lời êm ngọt dỗ dành vuốt ve cho vừa lòng nguôi dạ.
[8] Chiếng – Xem lời đính chính câu 1006 bên trên.
[9] Đá vàng = Tấm lòng giữ bền chặt lấy trinh tiết. Mây mưa = Sự trăng hoa trai gái. Vua Sở Tương Vương đi thuyền chơi ở vùng thác Tam Hiệp sông Trường Giang, một đêm mơ thấy Thần Nữ ở đỉnh Vu Sơn đến hầu và bảo vua rằng “Thiếp là Thần Nữ chỉ chuyên việc sớm làm mây tối làm mưa.” Câu này nghĩa là “Cô đã quyết lòng bền giữ trinh tiết thì ta đâu nỡ bắt tiếp khách nữa.”
[10] Ngày đào non = Ngày con gái đi lấy chồng.
[11] Làm con cái nhà = Làm dâu con nhà người ta. Xem lời đính chính câu 1012 bên trên.
[12] Tội báo oan gia = Đặt tội ra mà vu cho nhà người ta mắc tội oan. Ý nói làm gì mà phải tự tử để báo thù cho ta phải tội oan.
[13] Thị phi rạch ròi – Thị = Phải. Phi = Trái. Thị phi rạch ròi = Biết rõ ràng mọi lẽ phải trái.
[14] Túc nhân – Túc [] = Cũ. Nhân [] = Mầm trong hột. Túc nhân = Mầm tội nghiệp cũ mình đã gây ra cho mình từ kiếp trước, cho nên trời bắt kiếp này mình phải đền tội.
[15] Nợ trồng là nợ kiếp nọ trồng lên kiếp kia. Nợ kiếp trước chưa trả, lại gây thêm nợ kiếp này nữa, để kiếp sau chịu mấy lần nợ trồng chất lên nhau.
[16] Ong bướm đãi đằng – Chữ ong bướm câu này khác nghĩa với chữ “ong bướm” là khách làng chơi ở câu “Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.” Chữ ong bướm ở đây lấy đìển ở câu ca dao “Nói lời thì giữ lấy lời/ đừng như con bướm đậu rồi lại bay”; tác giả đổi chữ “con bướm” ra “ong bướm” cho lời văn được chải chuốt thanh nhã hơn và để tránh chữ “con bướm” là tiếng thô tục. Chữ đãi đằng – có nghĩa là khéo nói đãi bôi trước mặt để lấy lòng nhau một lúc cho xong lần, rồi sau đâu lại hoàn đấy – lấy điển từ câu ca dao “Yêu nhau bảo thật nhau cùng/ đậu ngâm ra giá đãi đùng nhau chi” nghĩa là chớ nói dối nhau, thế nào mai sau cũng phải lộ sự giả dối ra như hạt đậu ngâm vào nước thì thế nào cũng nứt mầm thò đuôi rễ ra mà mọc thành rau giá ; đãi đằng tức là đãi đùng; tác giả đổi đãi đùng ra đãi đằng để hợp vần. Câu này nghĩa hơi khó hiểu nhưng rất rõ ràng liền nghĩa với mấy câu Tú Bà trả lời Kiều ở dưới. Vì Kiều gạn hỏi “Bà bảo sẽ gả tôi vào chỗ xứng đáng, được như thế là may lắm, nhưng chẳng biết sau này có được như thế không; tôi chỉ e bà nói đãi đằng tôi lúc bây giờ cho xong lần, rồi bà nói đấy bỏ đấy như ong bướm đậu hoa này lại bỏ đi hoa khác, rồi vẫn bắt tôi làm gái điếm, thì thà tôi chết đi cho được trong sạch.” Mụ liền trả lời rằng đâu có phải là chuyện đùa mà dám lừa dối lòng nhau, rồi mụ thề có trời soi xét.
[17] Lòng dối lòng = Lòng tôi nghĩ thế nào thì tôi nói thế, chứ đâu phải chuyện đùa mà dám nói dối lừa nhau, tôi xin thề có trời soi xét.
[18] Xem lời Tú Bà thề ở hai câu 1029 và 1030 bên trên.
[19] Ngưng Bích là tên căn lầu Kiều cấm cung, và nghĩa là căn lầu có cảnh ở trước trên thì có trời, dưới thì có biển rộng xanh biếc đưa lại (ngưng = đọng lại, bích = màu xanh biếc.)
[20] Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung – Non xa và trăng gần ở câu này đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Vẻ non xa nghĩa đen là cảnh ngày ngày Kiều ngồi buồn ngắm dãy núi ở phía xa ở bên kia sông mà nhớ nhà; nghĩa bóng là đôi lông mày tươi đẹp giống như hình dẫy núi xanh xanh ở xa (thơ cổ thường dùng viễn sơn (núi xa) để tả lông mày đẹp). Trăng gần nghĩa đen là đêm đêm ngồi buồn ngắm mặt trăng chiếu ở trước cửa coi như người bạn cũ duy nhất của mình khi còn ở nhà cha mẹ; nghĩa bóng vừa là cái gương tròn, vừa là khuôn mặt đầy đặn sáng sủa của mình. Nghĩa đen câu này tả cảnh cô đơn của Kiều, phải ngày thì lấy núi, đêm thì lấy trăng làm bạn – coi núi là bạn trung gian ở đất, trăng là bạn trung gian ở trời để liên lạc tinh thần giữa mình và gia đình, quê hương. (Trong cảnh ở xa nhớ nhà, có ông chỉ dẫy núi xa nói: Nhà ta ở bên kia dẫy núi đó; có ông chỉ mặt trăng nói: Trăng kia cũng đang chiếu gia đình ta). Nghĩa bóng câu này tả cảnh cô độc, nhớ nhà thương thân, chỉ những quanh quẩn ra vào ngắm gương trên vách lấy bóng mình làm bạn với mình và mình lại thương mình, mày mặt thanh tao đầy đặn sáng sủa thế, mà sao số kiếp khổ cực thế? Câu này ý nghĩa thật sâu xa đầy đủ tả cảnh, tả tình lẻ loi khổ cực.
[21, 22] Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia – Câu này nghĩa đen tả cảnh thật hiện trước mặt: Chỗ thì bãi cát vàng vắng vẻ quạnh hiu, chỗ thì đường xe ngựa lầm bụi hồng nhộn nhịp. Nghĩa bóng ý nói: Cái cảnh buông tay xuống nằm dưới bãi cát vàng kia nó liền ngay với cuộc xe ngựa đua tranh trên đường danh lợi, khiến lòng Kiều càng thêm buồn chán cảnh đời ngắn ngủi.
[23] Mây sớm đèn khuya – Câu này tả cảnh buồn, chỉ những bẽ bàng với mây buổi sớm, với đèn canh khuya. Ôi, trước kia, trong cảnh đoàn viên gia đình, mỗi buổi sớm dậy cùng nhau tươi cười ngắm ánh mây hồng đẹp phương đông, và mỗi buổi tối, cả nhà xum họp truyện trò trước ngọn đèn khuya, thì sao vui vẻ đầm ấm thế! Mà nay đây mây sớm đó, đèn khuya đó, chỉ bơ vơ lẻ loi một mình, thật bẽ bàng cho tình cảnh quá!
[24] Dưới nguyệt chén đồng = Cùng thề “đồng tâm” ở dưới trăng. Mấy câu này nói nhớ thương Kim Trọng.
[25] Người tựa cửa hôm mai = Cha mẹ. Lấy điển từ truyện Vương Tôn Giả đời Chiến Quốc: Vua Mân Vương nước Tề bị Náo Sỉ cướp ngôi phải bỏ nước đi trốn. Vương Tôn Giả làm quan to không theo vua, bị mẹ mắng: Buổi chầu sớm, buổi chầu chiều, buổi nào tao cũng ra tựa cửa ngồi đợi mày về. Thế mà bây giờ sao mày lại bất trung bỏ vua như vậy? Vương Tôn Giả từ tạ mẹ, rồi đi khởi quân giết được Náo Sỉ.
[26] Quạt nồng ấm lạnh do chữ ở Kinh Lễ [    = đông ôn hạ thánh = mùa đông làm cho cha mẹ được ấm, mùa hè làm cho cha mẹ được mát]. Truyện Nhị Thập Tứ Hiếu kể: Hoàng Hương còn bé thờ cha mẹ rất hiếu, tối mùa đông vào nằm trước giường bố, giường mẹ cho nóng chổ, để khi bố mẹ vào ngủ được ấm áp. Mùa hè thường quạt cho bố mẹ được mát mẻ.
[27] Sân lai – Truyện Cao Sĩ kể: Đời nhà Chu có ông Lão Lai [ ] đã 70 tuổi vẫn còn cha mẹ, thường mặt áo sặc sỡ mà đùa múa như trẻ con ở ngoài sân, để cha mẹ vui lòng quên cảnh già nua. Người sau gọi nơi con nuôi cha mẹ già là là “sân lai.”
[28] Gốc tử vừa người ôm – Trong sách Chu Tử Gia Huấn có câu chuyện về một người đi học xa, mỗi khi về nhà thường thấy cha ngồi đợi mình ở dưới gốc cây tử [] (cây thị) trồng trước cổng nhà. Khi bố mất rồi, mỗi khi ông ta về tới nhà đều ôm cây tử đó mà khóc. Khi đã đỗ đạt làm quan to và gốc cây tử vừa người ôm, mỗi khi về ông vẫn ôm cây tử mà khóc như trước. Tác giả dùng tích này vào đây để nói Kiều lo có lẽ cha mẹ vì thương nhớ mình quá mà chết rồi chăng?
[29] Cửa bể chiều hôm – Nhìn cảnh cửa bể lúc chiều tối, Kiều thấy cảnh ai ai cũng trở về nhà xum họp với gia đình, lại càng thương thân mình lưu lạc.
[30] Hoa trôi man mác – Khi Kiều thấy cảnh hoa bị nước đưa ra biển, mỗi cái một nơi thì cảm thấy cảnh mình cũng vậy – chẳng biết rồi ta sẽ lưu lạc đến đâu, nên càng thêm lo sợ càng thêm đau lòng.
[31] Nội cỏ = Cánh đồng cỏ. Kiều thấy cỏ mọc đầy đồng thảnh thơi xanh tươi mơn mởn thì nàng lại thương mình gặp cảnh bó buộc âu sầu.
[32] Mặt doành = Mặt nước sông bể mênh mông. Kiều thấy cảnh gió cuốn sóng dữ đáng sợ trên mặt bể thì cảm thấy cảnh mình rồi cũng nguy hiểm như vậy.
[33] Cách tường nghe có tiếng đâu họa vần lấy điển tích từ câu sau đây trong Tây Sương Ký [        = Cách tường nhi thù họa đáo thiên minh = Cách tường mà ngâm thơ xướng họa cho đến sáng].
[34] Mạch thư hương = Dòng dõi con nhà học hành tử tế. Mạch [] = mạch đất. Thư hương [ ] = tiếng thơm về sách vở.
[35] Bóng nga thấp thoáng dưới mành = Kiều thấy Sở Khanh thấp thoáng trong bóng trăng ở phía dưới bức mành trước cửa nàng đứng. Có bản cho chữ bóng nga là bóng Kiều và giảng là: Sở Khanh thấy bóng Kiều thấp thoáng ở dưới mành. Giảng thế là sai ý nghĩa chữ “thấp thoáng” và chữ “dưới”, vì Kiều đứng thì thấp thoáng sao được, và Kiều đứng ở sau mành. Câu này nói Kiều nhìn thấy Sở, câu sau (1064) mới nói Sở nhìn thấy Kiều.
[36] Đeo đai = Bận lòng vướng vít, thương xót, muốn cứu giúp.
[37] Giá đành dưới nguyệt trên mây = Phẩm giá bậc tài sắc này thật đáng ở cung núi quần ngọc trên mây, hay đến Dao đài trong cung trăng. (Quần Ngọc và Dao Đài là hai cung trên cõi tiên có nhiều tiên nữ ở). Câu này tác giả đặt theo ý hai câu cuối trong một bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch tả sắc đẹp của Dương Quý Phi, được vua Minh Hoàng rất tâm đắc. Hai câu ấy như sau: (1) [       = Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến = Nếu không thấy Quý Phi ở trong mây tiên núi Quần Ngọc] (2) [       = Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng = Thì nên đi về Dao Đài ở dưới cung trăng là gặp].
[38] Nổi gan – Tục ngữ nói “giận nổi ruột nổi gan lên” nghĩa là giận quá, gan ruột nóng sôi lên như nước sủi.
[39] Trời già – Do chữ Lão thiên [ ] dịch ra. Chữ Hán có câu [   人常    = Lão thiên liêu nhân thường đa ác thái = Trời già trêu người nhiều thói ác].
[40] Song thu = Cửa sổ về mùa thu – Mùa thu buồn bã lạnh lẽo khiến người ở xa thường ngồi trong cửa sổ ngắm cảnh buồn khiến càng thêm nỗi nhớ nhà.
[41] Đồng vọng = Nghe như còn tiếng vang văng vẳng ở bên tai.
[42] Lời sắt đanh – Chữ Hán có câu [       = Kỳ ngôn như trảm đinh tiệt thiết = Lời nói quyết đoán như cầm gươm chém đinh chặt sắt] nghĩa là nói sao thì quyết làm được như vậy.
[43] Nhạt tình bơ vơ – Kiều nghe thấy Sở Khanh nói có ý cay chua, thương xót nên rất cảm động, nhạt bớt được nỗi lòng bơ vơ của mình.
[44] Tế độ trầm luân – Tế độ = Cứu vớt người sắp chết đuối mà đem lên bờ. Trầm luân = Chìm đắm ở dưới nước.
[45] Mảnh tiên = Miếng giấy nhỏ để viết thư có vẽ hoa.
[46] Tiện hồng – Tiện [便] = Nhân dịp thuận tiện nhờ đưa hộ. Hồng [] = Ngỗng trời. Chim hồng mùa rét bay về nam ở, mùa nóng lại bay về bắc. Hồng tiện [ 便] = Nhờ chim hồng đưa thư, lấy điển ở truyện Tô Vũ đời Hán. Tô Vũ đời Hán Vũ Đế sang sứ nước Hung Nô. Vua Hung Nô thấy ông giỏi, dụ ông hàng; ông không chịu mới đầy ông lên vùng Mạc Bắc, và nói với vua Hán là Tô Vũ chết rồi. Ông lấy lụa viết thư buộc vào chân chim hồng. Khi chim hồng bay về nam, vua Hán bắt được thư, sai sứ sang đòi ông. Vua Hung Nô sợ lắm phải tha ông về.
[47] Lãng đãng bóng vàng = Lúc mặt trời lặn rồi, trời sâm sẩm vàng rồi tối dần dần. Lãng đãng cũng có thể nói là lững đững.
[48] Phúc thư [ ] = Thư trả lời.
[49] Tiên mai – Chữ Hán là mai tiên [ ] tức là giấy viết có in hình cành hoa mai cho đẹp đẽ lịch sự.
[50] Tích việt thư – Sở Khanh trả lời Kiều chỉ có hai chữ tích việt [ ]. Phân tích hai chữ này ra thì chữ tích [] là ghép ba chữ [  ] “chấp, nhất, nhật = ngày hai mươi mốt”; và chữ việt [] là ghép hai chữ [] (tuất = giờ tuất) và [] (tẩu = chạy). Các chữ ghép ấy họp lại thành năm chữ “chấp + nhất + nhật + tuất + tẩu” tức là Sở Khanh hẹn ngầm với Kiều: Đến giờ tuất (hồi trước nửa đêm) ngày 21 thì hắn mang Kiều đi trốn. Nghĩa hai chữ “tích việt” rành rõ như vậy, thế mà cuốn Kiều của ông Trần Trọng Kim lại theo cuốn Thanh Tâm Tài Nhân giải nghĩa là “Chấp nhất nhật tuất thời việt tường tương kiến [        ] = Ngày 21 trèo qua tường sang với nhau” và hai ngày nữa mới rủ Kiều đi trốn. Giảng thế rõ thật vô lý, mất hết cả ý nghĩa tinh tế của chỗ Sở Khanh nó cần phải đem Kiều đi trốn cho mau, kẻo sợ nàng tỉnh ngộ không theo mình đi trốn nữa thì cơ mưu hỏng hết. Vả lại chữ “việt” giảng là “trèo qua tường” thì sai nghĩa quá, vậy thì hai hôm sau chạy trốn lúc nào?
[51] Tuất thì = Giờ tuất (từ 9 giờ đêm đến 11 giờ đêm).
[52] Thoi thóp = Có vẻ mệt mỏi muốn về tổ nghỉ.
[53] Giá đồ my – Xem lời đính chính câu 1092 bên trên.
[54] Tường đông lay động bóng cành – Tây Sương Ký có câu [     = Cách tường hoa ảnh động = Cách tường bên kia có bóng hoa động lung lay].
[55] Sượng sùng = Có ý hổ thẹn, ngượng nghịu (nhưng đành bạo dạn ra chào).
[56] Lạc đàn = Lưu lạc ra khỏi gia đình quê quán.
[57] Cốt nhục tử sinh = Lời rút ngắn từ câu [       = Cốt nhi nhục chi tử nhi sinh chi = Làm cho sương lại mọc thịt, chết lại hóa sống], ý nói xin cứu vớt cho thoát khỏi nạn to, như cải tử hoàn sinh.
[58] Kết cỏ ngậm vành – Hai thành ngữ này đều nghĩa là báo ơn. Điển tích “kết cỏ”: Ngụy Thù người Tấn đời Chiến Quốc có người vợ lẽ trẻ đẹp, lúc gần chết dặn con là Ngụy Khỏa đem người vợ lẽ đó chôn theo mình. Nhưng Ngụy Khỏa không theo lời cha dặn, cho người vợ lẽ đó về nhà cha mẹ nàng. Sau Ngụy Khỏa làm tướng, phải đánh nhau với một dũng tướng nước Tần là Đỗ Hồi ở trên bãi cỏ, bỗng Đỗ Hồi chân vướng cỏ ngã, bị Khỏa đâm chết. Đêm hôm ấy Khỏa ngủ mơ, thấy cha người vợ lẽ đó báo cho Khỏa biết rằng “vì tướng quân tha không chôn sống con tôi, nên tôi đã kết cỏ làm Đỗ Hồi vướng ngã để báo ơn ông.” Điển tích “ngậm vành”: Dương Bảo đời Đông Hán một hôm đi chơi thấy một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, Bảo cứu lấy đem về nuôi, khi lành mạnh thả cho bay đi. Sau bỗng có đứa trẻ mặc áo vàng, miệng ngậm bốn chiếc võng ngọc đến biếu Bảo và nói “tôi cảm ơn ông đã có lòng nhân đức cứu tôi thoát nạn, lại chăm nuôi tôi, nên nay tôi xin đem ngọc này đến tạ ơn ông. Ông được ngọc này con cháu ông sẽ đời đời vinh hiển. ”
[59] Bể trầm luân = Cái bể làm cho người ta phải đắm đuối chết chìm. Ý câu này nói “ta quyết phải cứu cho nàng thoát khỏi chỗ đầy đọa ô nhục này mới thôi. ”
[60] Muôn sự ơn người – Chữ “người” đây là tiếng tôn trọng để gọi người mà mình rất quý trọng coi như ông thần, quý trọng hơn tiếng “ngài” một bực.
[61] Ngựa truy phong – Truy [] = Đuổi. Phong [] = Gió. Ngựa truy phong = Ngựa chạy nhanh đuổi kịp gió bão.
[62] Tên dưới trướng = Đứa hầu tớ thân như lính hầu ở trong nhà quan, ta thường gọi là thủ hạ [ ] hay trướng hạ [ ].
[63] Kiện nhi = Người sức vóc khỏe mạnh. Kiện [] = Khỏe. Nhi [] = Người.
[64] Thừa cơ = Nhân dịp may, cơ hội tốt.
[65] Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn – Đời Nam Bắc Triều, Đàn Công [ ] bảo Vương Kính Tắc [  ] rằng [        = Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách = Trong ba mươi sáu chước, chước chạy trốn là hay nhất].
[66] Gió kép mưa đơn = Những sự hiểm nguy dồn dập kéo đến.
[67] Can cớ – Chữ Hán viết là [ ] = Tội vạ về việc này. Can phạm = Kẻ bị tội. Vôcan = Người xét ra không có can hệ gì đến án này.
[68] Con tạo = Ông trời (do chữ tạo vật [ ] dịch ra).
[69] Khắc lậu [ ] = Cái đồng hồ chỉ thì giờ đời xưa bằng nước nhỏ giọt dần xuống cái chậu đồng giữa có cái que khắc thì giờ. Thứ đồng hồ xưa này có nhiều kiểu, kiểu thông thường đúng nhất có ba cái chậu. Hai chậu trên đều có lỗ rất nhỏ ở đáy để nước chậu trên nhất rỏ xuống chậu hai, nước chậu hai rỏ xuống chậu ba. Ở chậu ba có que khắc giờ, phút, cắm đứng phẳng trên cái phao, nước đẩy phao nổi lên dần, giờ phút nào ở que khắc giờ ngang với miệng chậu tức là giờ phút ấy. Muốn cho nước chậu hai rỏ đều đặn xuống chậu ba thì gần miệng chậu hai này có cái lỗ, hễ nước đầy đến lỗ này thì tràn ra ngoài, làm cho mặt nước chậu này lúc nào cũng ngang với lỗ này. Chậu thứ hai thường kê chếch ra ngoài miệng chậu dưới và lỗ đáy chậu làm thành hình vòi rồng dẫn nước rõ xuống chậu thứ ba. Bởi vậy có câu “Giọt rồng canh đã điểm ba” (câu 1865).
[70] Lối mòn = Lối người đi mãi thành mòn phẳng ở miền rừng núi.
[71] Cỏ nhợt màu sương = Cỏ có sương đêm mùa thu thấm vào, trông màu sắc nhợt nhạt.
Diễn ra văn xuôi
Câu 993, 994 = Nhưng nào ai biết đâu nàng chưa dứt nổi được trần duyên, vì nàng chưa trả hết nợ trần. Trong khi nàng mê man, nàng thấy hình như có một nàng con gái đứng bên cạnh mình.
Câu 995, 996 = Cô ta sẽ bảo nàng: Cuộc nợ nhân quả kiếp trước của chị hãy còn dở dang chưa gỡ xong. Chị toan trốn cái nợ đoạn trường này sao được!
Câu 997, 998 = Số chị còn phải chịu khổ nhiều về cái kiếp hồng nhan bạc mệnh này. Thân chị dầu muốn quyết tình chết đi cho xong nợ, nhưng trời đâu có cho chị chết.
Câu 999, 1000 = Thôi, xin chị hãy sống cho hết cái kiếp khổ của bọn đàn bà ta này đi.Tôi xin hẹn cùng chị và chúng ta sẽ gặp nhau sau này ở sông Tiền Đường.
Câu 1001, 1002 = Mọi người thuốc thang chăm sóc nàng suốt một ngày thì thấy nàng đã dần dần tan hết cơn mê mà tỉnh lại.
Câu 1003, 1004 = Tú Bà ngồi chực sẵn ở bên màn Kiều nằm thấy nàng đã hồi tỉnh, mới khéo tìm lời phải chăng mà vuốt ve khuyên giải để gỡ dần lỗi mình đối với nàng, cho nàng hết uất hận liều thân.
Câu 1005, 1006 – Mụ thân thiết tỉ tê bảo nàng rằng: Trời sinh ta làm người dễ đã có mấy thân, nên ta phải quý thân ta. Nhất là thân con nay đang độ tuổi trẻ trung, mơn mởn như hoa xuân mới nở đẹp tươi, ngày xuân vui của con còn dài lắm.
Câu 1007, 1008 – Sự vừa rồi tại vì chúng ta chưa hiểu lòng nhau, nên lỡ một lầm hai xẩy ra như vậy. Bây giờ ta đã biết tấm lòng trinh bạch của con bền vững như vàng như đá, thì đâu ta nỡ ép con làm điều ô nhục ấy nữa !
Câu 1009, 1010 = Nay con đã trót vào đây rồi, thì con đành cấm cung ở vậy ít lâu để đợi ngày có dịp may thì sẽ lấy chồng.
Câu 1011, 1012 = Ta nói thật tình cho con biết hễ con vẫn còn thì của ta vẫn còn. Ta sẽ tìm nơi xứng đáng tử tế mà gả bán con về làm dâu con nhà người ta, để lấy lại phần nào số tiền ta đã mua con, thế là con thì được sống tử tế, mà ta thì khỏi thiệt, lợi cả đôi bên.
Câu 1013, 1014 = Vậy thì tội gì con phải hoại thân để làm cho ta phải tội oan, như hai nhà oan oan tương báo như vậy, trước thiệt thân mình sau tội vạ cho ta, có hay dưng gì?
Câu 1015, 1016 = Nàng lặng nghe mụ năn nỉ mấy lời bên tai, đã thấy rành rõ mọi lẽ phải trái.
Câu 1017, 1018 = Nàng lại nghĩ đến mấy lời thần báo mộng vừa rồi, nàng biết rằng số kiếp mình phải vậy là do có trời theo nhân quả kiếp trước mà định cho mình, khó có thể tránh được.
Câu 1019, 1020 = Kiếp này mà không trả xong nợ, thì thế nào số nợ này cũng chồng chất lên đầy thêm cho số nợ kiếp sau.
Câu 1021, 1022 = Nàng tai nghe bụng nghĩ lời mụ nói thật hiểu thấm thía đầu đuôi mọi lẽ, nàng mới trả lời mụ rằng: Nào có ai lại muốn đâu tự vẫn thế này bao giờ?
Câu 1023, 1024 = Cứ như lời bà nói, thì thật thế là may cho tôi lắm, nhưng chẳng biết sau này bà có làm được như lời bà nói cho không ?
Câu 1025, 1026 = Tôi e bà chỉ nói đãi đùng để lấy lòng nhau chốc lát, rồi lại quên lời ngay, như ong bướm ở vườn hoa, vừa đậu hoa này lại bay ngay đi đậu hoa khác. Tôi nghĩ đến điều sống mà đời vẫn đục bẩn, thì sao bằng chết mà đời được trong sạch!
Câu 1027, 1028 = Thấy Kiều có ý ngờ vực ngại ngùng, mụ vừa nói vừa thề rằng: Con cứ yên tâm, chớ lo ngại gì cả. Ta đâu dám lấy sự lừa dối lòng nhau mà làm trò chơi đùa được.
Câu 1029, 1030 – Sau này nếu ta không ăn ở với con được như lời ta vừa nói vừa rồi, thì trên đầu có bóng mặt trời sáng soi mà phạt tội ta.
Câu 1031, 1032 = Kiều thấy mụ nói quả quyết hẳn hoi như thế nên nàng cũng đành lòng nguôi nguôi dần.
Câu 1033, 1034 = Rồi mụ để cho Kiều cấm cung ở một căn lầu trông ra một vùng cửa sông rộng, trên trời dưới nước mông mênh một màu xanh biếc, tên gọi là lầu Ngưng Bích. Nàng ở đó tình cảnh rất buồn vắng, ngày thì thấy dẫy non xa trước mặt, đêm thì lấy mảnh trăng gần cửa sổ và bóng mình ở trong gương làm bạn ở chung với mình, ra ngắm vào ngắm nhau.
Câu 1035, 1036 = Ra cửa lầu, trông xa tứ phía, nàng thấy nơi thì cồn nọ cát vàng quạnh hiu, nơi thì đường kia bụi hồng nhộn nhịp.
Câu 1037, 1038 = Sáng dậy trông mây sớm trước mặt, nàng cũng bẽ bàng, vì nghĩ đến lời ông Địch Nhân Kiệt đời xưa nói “Cha mẹ ta ở dưới đám mây kia.” Đêm đêm trông ngọn đèn khuya, nàng cũng bẽ bàng, vì nghĩ đến những tối xum họp vui vẻ ngày xưa ở gia đình. Lòng nàng lúc nào cũng âu sầu nửa buồn vì cảnh bên ngoài, nửa buồn vì tình bên trong.
Câu 1039, 1040 = Lúc thì nàng bẽ bàng thương xót chàng Kim đã uống chén thề “đồng tâm” với nàng ở dưới bóng trăng, mà nay thật uổng công mong tin tức nhau hàng ngày.
Câu 1041, 1042 = Bây giờ nàng bơ vơ một mình ở nơi góc bể chân trời, thì chẳng biết lòng đằm thắm của chàng, cũng như lòng đằm thắm của nàng, đến bao giờ mới gột rửa được phai nhạt để đỡ thương đau?
Câu 1043, 1044 = Lúc thì nàng thương cha mẹ sớm tối mong nàng đã khổ lại lấy ai chăm nom hầu hạ cha mẹ cho được tận thành tận hiếu như nàng.
Câu 1045, 1046 = Có lúc nàng lại lẩn thẩn quá lo, những e cha tuổi đã già, lại gặp bao cảnh tai biến như nắng mưa thất thường trong gia đình như thế, thì có lẽ không còn nữa.
Câu 1047, 1048 = Có lúc nàng buồn bã ngồi nhìn những cánh buồm của thuyền ai thấp thoáng xa xa, ở ngoài cửa bể lúc chiều hôm, và bụng nàng buồn nghĩ ai ai tối đến cũng được về gia đình xum họp, mà riêng nàng thì bơ vơ chẳng biết về đâu?
Câu 1049, 1050 = Có lúc nàng buồn bã đứng ngắm ngọn nước mới ở sông đổ ra bể, đưa những chiếc hoa trôi man mác mỗi cái một nơi, rồi nàng thương thân mình nào có khác gì những chiếc hoa kia, biết rồi lưu lạc lênh đênh đến đâu trên mặt bể đầy sóng gió?
Câu 1051, 1052 = Có lúc nàng buồn bã ngắm cảnh đồng cỏ mọc chen nhau xanh rì một lượt, khắp mặt đất đến tận chân mây. Nàng cảm thấy cỏ đồng đầy thênh thang vui mọc bao nhiêu, nàng lại thấy cảnh nàng thêm hiu quạnh âu sầu lên bấy nhiêu, và chỉ thêm nhớ cảnh vui hội Đạp Thanh với hai em rồi gặp chàng Kim hài văn lần bước dặm xanh.
Câu 1053, 1054 = Có lúc nàng buồn bã ngắm những luồn gió cuốn trên mặt nước bể làm thành những đợt sóng nổi lên kêu ầm ầm vang đến chổ ghế nàng ngồi, và nàng nghĩ đó là điềm gở báo trước cho nàng biết cuộc đời sau này của nàng sẽ nguy hiểm sóng gió như vậy, nên càng ngắm cảnh này nàng càng lo buồn.
Câu 1055, 1056 = Thấy chung quanh toàn là non sông quê người cả, nàng nghĩ đến tấm thân lưu lạc mà đau lòng, nên nàng mới ngâm vài bốn vần thơ để tả tình tả cảnh cho khuây.
Câu 1057, 1058 = Ngâm thơ sông rồi, nàng nghĩ buồn quá, mới buông bức rèm châu xuống mà ngậm ngùi đứng ở sau rèm ngẫm nghĩ ngẩn ngơ. Bỗng nàng nghe thấy có tiếng ai ngâm thơ họa vần lại ở mé ngoài tường.
Câu 1059, 1060 = Nàng nhìn xuống thấy một chàng thanh niên người trông có vẻ chải chuốt lịch sự và ăn mặt khăn áo có vẻ dịu dàng phong nhã.
Câu 1061, 1062 = Nàng nghĩ rằng người đó chắc cũng là con nhà học hành như nhà mình. Sau nàng hỏi ra mới biết đó là chàng Sở Khanh.
Câu 1063, 1064 = Biết được tên chàng, rồi nàng ngó xuống dưới lầu, thì vẫn thấy chàng ở dưới bóng trăng thấp thoáng qua mành và ngó lên trông nàng. Chàng cũng ra tình quyến luyến thương xót nàng không nỡ bỏ.
Câu 1065, 1066 = Chàng biết nàng đã để ý đến mình, chàng mới nói bâng quơ lên rằng: Thương thay cho người sắc nước hương trời kia cớ sao bỗng thấy lạc loài đến chỗ này?
Câu 1067, 1068 = Người thật không kém gì những tiên nữ ở trong đền Dao Đài dưới trăng, hay ở núi Quần Ngọc trên mây.
Câu 1069, 1070 = Ta thật tức giận ông trời già kia quá, gan ruột như sôi lên sùng sục. Ôi, tấm lòng nghĩa khí của ta này, ai tỏ cho ta được nhỉ?
Câu 1071, 1072 = Nếu cô thuyền quyên kia mà biết đến kẻ anh hùng này, thì ta sẽ ra tay tháo cũi sổ lòng cho như chơi, chẳng khó gì!
Câu 1073, 1074 = Nàng nghe chàng có ý nói với mình, liền vào khép cánh ngoài cửa sổ lại, nhưng trong tai vẫn còn văng vẳng như nghe tiếng vọng lên những lời quả quyết như chém đinh chặt sắt đó.
Câu 1075, 1076 = Nàng ngồi ngẫm nghĩ đến bụng người nghĩa khí, rồi lại nghĩ đến cảnh mình cơ cực cảm thấy chàng có lòng chua xót cho mình, khiến lòng nàng cũng đỡ, cũng nhạt bớt được nỗi lẻ loi bơ vơ.
Câu 1077, 1078 = Rồi nàng nghĩ: Nếu mình cứ e sợ nọ kia, nay lần mai lữa mãi những ngày nắng đêm mưa ở đây, thì kiếp phong trần này biết gỡ đến bao giờ mới xong?
Câu 1079, 1080 = Chi bằng ta cứ liều một phen, nhắn một vài lời, nhờ người nghĩa hiệp ra tay tế độ cứu mình ra khỏi cuộc trầm luân này.
Câu 1081, 1082 = Nghĩ định thế rồi, nàng mới lấy mảnh giấy hoa tiên, viết kể hết mọi nổi xa gần: nào là gia đình gặp cơn tai bay vạ gió, nàng phải bán mình để cứu cha, nào là cảnh thân nàng gặp cảnh lừa đảo mắc vào bước lạc loài.
Câu 1083, 1084 = Thư viết xong, sáng sớm hôm sau, trời mới tan sương mờ sáng, nhân dip thuận tiện có người đi, nàng mới nhắn lời nhờ gửi cho Sở Khanh.
Câu 1085, 1086 = Ngay chiều hôm ấy, lúc trời mới bảng lảng bóng vàng sắp tối, đã có người đưa thư trả lời của Sở Khanh đến tay nàng.
Câu 1087, 1088 = Nàng mở phong thư ra xem, thấy tờ hoa tiên (vẽ cành mai) chỉ viết rành rành có hai chữ “tích việt.”
Câu 1089, 1090 = Lấy ý tứ phân tích hai chữ này ra suy đoán, thì nghĩa hai chữ này phải chăng là chàng hẹn đến ngày hai mươi mốt, vào hồi giờ tuất, thì chàng mới mang nàng đi trốn?
Câu 1091, 1092 = Chiều hôm ấy, nàng có ý chờ đợi ngay từ lúc chim hót buổi chiều hôm có ý mệt mỏi lẻ tẻ bay về rừng, chờ mãi đến lúc mặt trăng hình nửa vòng tròn mọc lên ngang bên kia giàn hoa đồ my.
Câu 1093, 1094 = Rồi thấy bóng cành cây ở mé tường phía đông lay động, và liền thấy Sở Khanh rẽ cánh cửa sổ ra mà lén vào trong lầu.
Câu 1095, 1096 = Nàng đánh liều bạo dạn ra chào, mặt rất sượng sùng hổ thẹn, sụp lạy xuống đất ngỏ lời kêu cầu thảm thiết ân cần.
Câu 1097 đến 1100 = Nàng nói: Chút thân tôi như cái bèo bãi bọt lênh đênh mặt bể này, đã như chim lạc đàn đến đây, lại vướng cái nợ yến anh lăng nhăng ô uế. Tôi xin ngài đem lòng nhân đức ra tay cứu vớt, làm cho nắm sương khô này lại mọc thịt, cái thây chết này lại hồi sinh. Ơn to này, tôi xin còn báo đáp lại rất nhiều về sau như hồn người kết cỏ như chim sẻ ngậm vành.
Câu 1101, 1102 = Sở Khanh ngồi lặng lẽ mà nghe, ra ý bằng lòng, gật đầu lẩm nhẩm nói: Ta đây vì lòng nghĩa khí mà cứu nàng, chứ có phải người tầm thường như ai đâu mà nàng lại nói báo với đền như vậy!
Câu 1103, 1104 = Nay nàng đã biết đến ta mà cầu cứu với ta, thì ta quyết ra tay lấp cho bằng cái bể trầm luân để cứu nàng cho kỳ được mới thôi !
Câu 1105, 1106 = Kiều đáp: Người đã quyết lòng cứu tôi như thế thì muôn sự tôi đều nhờ ơn người lo tính cho tôi. Vậy người định làm thế nào xin người cho biết, rồi quyết làm ngay đi, sớm ngày nào hay ngày ấy!
Câu 1107, 1108 = Sở Khanh khoe: Ta có con ngựa truy phong, lại có một tên hầu tớ chân tay, dòng dõi tráng sĩ đi hộ vệ.
Câu 1109, 1110 = Ta đã nghĩ trăm cách để cứu nàng, và không có cách nào bằng cách mang nàng chạy trốn. Thừa cơ lúc không ai để ý, bất thình lình lẻn bước đem nàng ra đi.
Câu 1111, 1112 = Khi đã đem được nàng ra thoát khỏi cái nhà này rồi, thì dầu cho họ có đuổi theo bọn nọ đến bọn kia như mưa như bão đi nữa, thì đã có ta đây che chở, nàng không can ngại việc gì cả, nàng chớ lo!
Câu 1113, 1114 = Nàng nghe lời chàng nói có vẻ huênh hoang quá, nàng đã có ý e ngại nghi ngờ. Nhưng việc đã trót cầu cứu rồi, không thể lấy lại được, thì còn quản ngại gì nữa.
Câu 1115, 1116 = Thôi thì cũng đành thử nhắm mắt mà liều đưa chân đi một phen, xem ông trời sẽ xoay vần mình đi đến đâu.
Câu 1117,1118 = Thế là hai người cùng lặng lẽ lén bước xuống lầu, rồi cùng lên ngựa kẻ trước người sau đi thành một đoàn.
Câu 1119, 1120 = Lúc bấy giờ đã vào giờ canh tàn đêm thu, cảnh thật lạnh buồn, gió thổi vào cây làm cho lá vàng rụng như trút xuống, trăng đã xế thấp xuống đỉnh ngàn non tây gần lặn hết.
Câu 1121, 1122 = Hai bên lối đường mòn, ngọn cỏ nhợt nhạt đầy sương. Nàng thấy trong cảnh buồn này, mỗi bước đi lại đau lòng thêm một bước.
Câu 1123, 1124 = Tiếng gà gáy mỗi lúc mỗi xao xác thêm đã làm cho nàng nao núng lo âu, bỗng lại thêm có tiếng người ồn ào nổi lên ở mé sau nữa.
Câu 1125, 1126 = Đang lúc Kiều hãi hùng thổn thức, gan vàng tan nát, thì Sở Khanh đã quất ngựa rẽ dây cương đi đường nào mất rồi.
Câu 1127, 1128 = Còn trơ một mình, nàng chẳng biết làm thế nào được nữa, đành phóng ngựa đi bừa, bước thấp bước cao trên lối đường khập khễnh trong rừng.
Những chữ và câu có ý móc nối hoặc châm biếm thở than:
Câu 993 Nào hay chưa hết trần duyên ứng với câu 986 Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần. Nhưng trong khi câu 986 (Chương 12) than Kiều tự vẫn chết rồi, thì câu 993 lại than nào có chết được đâu – như để xác nhận cái dây phong trần ấy cho nàng còn phải kéo dài thêm mười mấy năm nữa.
Câu 999 Hãy xin hết kiếp liễu bồ nhắc trước cho ta biết các đoạn khổ cực của kiếp bạc mệnh Kiều sẽ phải chịu.
Câu 1000 Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau móc nối xa với câu 2623, 2624 Đạm Tiên nàng nhé có hay/ hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.
Nỗi luyến tiếc Kiều diễn đạt trong câu 1039, 1040 Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ tin sương luống hãy rày trông mai chờ móc nối với các câu Kim Trọng than trách sau này: 2813, 2814 Cùng nhau thề thốt đã nhiều/ những điều vàng đá phải điều nói không, và 2817, 2818 Bao nhiêu của mấy ngày đường/ còn tôi tôi gặp mặt nàng mới thôi!
Ý câu 1044 Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ móc nối với ý câu 2823, 2824 Thần hôn chăm chút lễ thường/ dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.
Câu 1038 Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng liên lạc mật thiết với các câu 1039-1046 tả tình, và các câu 1047-1054 tả cảnh.
Chữ “trời già” ở câu 1069 Nổi gan riêng giận trời già và chữ “con tạo” ở câu 1116 Thử xem con tạo xoay vần đến đâu đều tỏ ý than thở ông trời sao lại nỡ đày đọa con người như thế? Chữ “người” ở câu 1105 Nàng rằng muôn sự ơn người thật tỏ ý than thở chua cay cho Kiều gập bước đường cùng phải tâng bốc Sở Khanh lên bực thần thánh.
Đoạn tả Kiều ở lầu Ngưng Bích rồi mắc lừa Tú Bà và Sở Khanh được viết thật uyển chuyển, ý nọ liền ý kia đâu vào đấy: Kiều lẻ loi đau buồn nhớ ngắm cảnh sinh tình rồi ngâm thơ khuây dạ, rồi nghe tiếng họa vần, rồi để ý đến Sở Khanh, rồi cảm tình lời Sở xót xa mình, rồi đưa tin cầu cứu, rồi kết cục theo Sở mắc vào mẹo lừa Tú Bà.
Mẹo Tú Bà thật thâm độc. Mụ cho Kiều ở lẻ loi một mình trong một căn lầu phía trước đầy những cảnh tha hương bao la, lại ra lòng tử tế cho Kiều ăn ngon mặc đẹp, ăn dưng ngồi rồi, ra thì ngắm cảnh nhớ nhà, vào thì soi gương tiếc thân. Rồi mụ lại lợi dụng phần tài hoa ngâm vịnh của nàng, mà cho Sở Khanh đem tài ngâm họa, ăn mặc bảnh bao, mon men dụ nàng vào bẫy. Mảnh giấy hoa tiên chỉ có hai chữ “tích việt” thật là cái mồi đẩy Kiều xuống giếng thơi.
Đọc những câu trả lời Tú Bà năn nỉ khuyên Kiều trên giường bịnh, ta thấy tả Tú Bà thật là tay bợm già khôn ngoan đủ bước. Mụ rất sợ Kiều vừa chán đời, vừa oán mụ rồi lại tự tử thì mụ vừa bị tội vạ, vừa thiệt tiền của. Nên trước hết Mụ khuyên Kiều phải tiếc đời, nhất là tiếc tuổi đang xuân xanh đầy hy vọng của nàng, để ngăn nàng khỏi chán đời mà tự vẫn nữa. Điều thứ hai là mụ xin lỗi vì không biết lòng trinh bạch của nàng nên lầm lỡ đối xử tàn bạo với nàng, rồi lại hứa sẽ gây dựng cho Kiều vào nơi xứng đáng để đổi bạn thù thành tình nghĩa. Thứ ba là mụ kể rõ mọi lẽ lợi hại và oan báo cho nàng nghe: Nàng sống thì nàng khỏi thiệt đời, mụ khỏi thiệt của; nàng chết thì nàng uổng tuổi xuân xanh, làm mụ mắc tội vạ, lại còn oan oan tương báo đời đời mãi mãi. Những lời mụ nằn nì khuyên giải thật là “thị phi rạch ròi”; những câu tả lời mụ nói “hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dài” , “người còn thì của hãy còn”, “thiệt mình mà hại đến ta hay gì”, thật rõ là mưu mô thâm hiểm của bọn buôn người đáng sợ.
Đàm Duy Tạo - Đàm Trung Pháp
Theo http://viethocjournal.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...