Nguyên do dẫn đến sự ly/ hợp và mối tương quan tình cảm giữa ba nhân vật: Thúc Sinh -
Hoạn Thư - Thúy Kiều
Thúc Sinh
– Khách du bỗng có một người
– Kỳ Tâm họ Thúc vốn nòi thư hương
Qua hai câu thơ trên thi hào Nguyễn Du đã cho người đọc có thể
mường tượng ra một chàng thư sinh với họ, tên đầy đủ, xuất hiện trong tư thế
thong dong và như “bướm tìm hoa”.
Là một thư sinh chàng cũng tài hoa, làm thơ hay, chẳng thế mà
Thúy Kiều đã phải khen rằng:
– Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Điều này cũng có thể nói lên Thúc Sinh là một chàng trai lý
tưởng trong xã hội Nho học thời đó.
Nói về Thúc Sinh cụ Tiên Điền đã dùng chữ Kỳ Tâm phải chăng
có ngầm ý cho rằng đây là con người có tâm tính khác lạ. Một nho sinh nhưng lại
mang trái tim đa tình, ham vui, thích cuộc sống trăng hoa:
– Thúc Sinh quen thói bốc rời
– Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Vương vào nợ thơ văn ít ai có thể tỏ ra cương nghị, cứng rắn,
“uy vũ bất năng khuất”. Đã thế chàng lại mang họ Thúc và ở một khía cạnh nào đó
“thúc” còn có nghĩa là “thúc thủ” (bó tay) khi gặp tình thế khó xử.
Hoạn Thư
Một kiều nữ xinh đẹp, thông minh, sắc sảo, học thức, lại thuộc
dòng dõi nhà quan. Tiếc thay, có thể đây cũng là một định mệnh đã an bài, ngay
tên của nàng cũng mang chữ “Hoạn”. Cái hoạn đầu tiên trong đời hẳn là cái hoạn
bị tình phụ, nỗi đau trần ai ấy đã dẫn tới cái “ghen”, cái ghen thâm độc đến
đau như hoạn.
Hoạn Thư lại là người nặng về khuôn phép và nàng là tiêu biểu
cho cái ghen. Thậm chí cho đến ngày nay những người hay ghen đều bị coi là có
máu Hoạn Thư.
Dẫu thế qua Truyện Kiều ta thấy Nguyễn Du đã mô tả một Hoạn
Thư mới, xử thế biết điều hơn so với Hoạn Thư trong Kim Vân Kiều Truyện. Hoạn
Thư dưới ngòi bút của Nguyễn Du đã trở nên vị tha, độ lượng, biết cảm thông
hơn.
Thúy Kiều
Một nhân vật tài sắc vẹn toàn tất nhiên là điển hình của người
mẫu mang vương miện “Hồng Nhan Đa Truân”.
– Lạ gì bỉ sắc tư phong
– Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cùng một chiều hướng như trên, xin tản mạn đôi chút về họ
“Vương” của Thúy Kiều. Thúy Kiều sinh ra trong dòng họ Vương; ngoài việc Vương
Ông bị vạ oan:
– Hỏi ra sau mới biết rằng
Riêng với Thúy Kiều cái vương víu cũng là vương vấn đầu tiên
là do chiếc trâm của nàng vương trên cành cây trong vườn dẫn đến vương víu với
tình cùng chàng Kim Trọng:
– Lần theo tường gấm dạo quanh
– Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
Rồi từ đó cả một chuỗi vương mắc, liên lụy với tình, với lầu
xanh,
– Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
với dòng sông (sông Tiền Đường), với cửa Thiền, nhà tu (Sư
Giác Duyên), với cả vong linh của một ca nhi (Đạm Tiên).
– Âu đành qủa kiếp nhân duyên
– Cũng người một hội một thuyền đâu xa.
Tóm lại nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du là tụ điểm của định
mệnh, và Truyện Kiều là cuốn Tự Điển Tình của Nguyễn Du trong đó Tình cha/ con
(gia đình), Tình chị/ em, Tình yêu đôi lứa, Tình đời, Tình người, Tình âm/ dương
thương cảm được diễn giải qua lăng kính TÀI/ MỆNH
Nguyên do của vấn đề
Trong truyện tình tay ba này nếu quy trách về cho một ai đó e
có phần thiếu công bằng và khách quan vì mỗi người có một lý do mà lại là những
lý do tạo ra bởi lý lẽ của con tim. Nói cho cùng thì “Trí óc có khi còn bị trái
tim đánh lừa; trí óc là chồng, trái tim là vợ, nếu biết kết hợp với nhau thì thật
là tuyệt hảo.” Vì vậy thiết nghĩ ta chỉ còn một cách nghe có vẻ “huề vốn” đó là
trách nhiệm quy về cho định mệnh con người.
Mối tình Thúc Sinh - Hoạn Thư:
Thúc Sinh con nhà giầu, đam mê sắc mầu, lãng mạn, đa tình, lẻo
mép nhưng nhu nhược. Gặp Kiều, một trang tuyệt thế giai nhân:
– Rõ mầu trong ngọc trắng ngà
– Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên
thì hứa hẹn, tán tỉnh ngọt ngào ra vẻ:
– Đường xa chớ ngại Ngô Lào
– Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
đến khi Kiều bị Hoạn Thư bắt về Vô Tích thì bó tay, không dám
bênh vực, bảo vệ nàng mà chỉ:
– Khôn ngăn giọt ngọc sụt xùi nhỏ sa.
Khi bị vợ hỏi vì sao mà khóc chàng lại dối trá, đánh trống lảng
nói là vì nhớ thương mẹ mới mất. Thật tội nghiệp cho thân mẫu của chàng! Thúc
Sinh ngoài tiền bạc ra có lẽ còn là người nhiều nước mắt hơn ai.
Hoạn Thư thì gia giáo, chấp nhặt khuôn phép nhưng tỏ ra không
quá độc ác, có phần hiểu biết. Vào thời phong kiến đàn ông năm thê bẩy thiếp là
chuyện thường. Nếu như Thúc Sinh nghe lời Kiều về thú thực với vợ thì sự thể có
lẽ đã khác rồi. Hoạn Thư đã ướm lời cho chàng thú nhận nhưng Thúc Sinh vẫn làm
như có thể giấu được vợ.
Với hai tư cách và lối sống khác biệt ấy tất nhiên đưa tới đổ
vỡ. Một Hoạn Thư, người vợ đau khổ vì bị chồng bỏ rơi. Đối với người phụ nữ như
Hoạn Thư còn gì đau khổ, tủi nhục, và cô đơn hơn.
Cuộc tình của hai nhân vật này như mang tính đẳng cấp, một
đàng chỉ là bạch diện thư sinh, ham chơi hơn học, lại thường lép vế trước một
Hoạn Thư thông minh, lanh trí. Hôn nhân Thúc-Hoạn chỉ là một cuộc tình duyên
gán ghép vô vị, sắp đặt trong một xã hội phong kiến, không có sự tìm hiểu nhau
trước để đi đến hạnh phúc lứa đôi. Mặc dù Thúc Sinh và Hoạn Thư là vợ chồng có
hôn ước theo đúng tập tục xã hội song cũng chỉ là mối quan hệ, sự ràng buộc
luân lý hơn là sự hòa đồng của trái tim. Vì thế việc giũ áo ra đi của chàng
Thúc cũng là tất nhiên. Thiếu sự “Tâm đầu ý hợp” cũng là nguyên nhân đưa tới phản
bội, cứ coi là như thế.
Cũng từ đó, bản tính của Thúc Sinh đưa đẩy chàng gặp Thúy Kiều,
mặc dù biết Kiều là gái lầu xanh chàng vẫn yêu, khởi đầu từ chiếm đoạt sang cảm
mến rồi gắn bó đằm thắm say mê.
– Sớm đào tối mận lân la
– Trước còn trăng gió sau ra đá vàng
– Miệt mài trong cuộc truy hoan
– Càng quen thuộc nết càng dăn díu tình.
Điều này chứng tỏ tình yêu không có một định nghĩa chung như
Xuân Diệu đã nói:
– Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có khi còn là “yêu cái mình không được và đưôc cái mình không
yêu”.
Nếu so sánh giữa hai lần chia tay của Thúc Sinh ta thấy rõ bộ
mặt tình yêu nơi chàng họ Thúc.
* Một lần với Hoạn Thư, nàng thử chồng để quan sát thái độ
thì thấy chồng:
– Được lời như cởi tấc son
– Vó câu chàng ruổi nước non quê người
* Và lần tạm biệt với Thúy Kiều, chàng bịn rịn, luyến nhớ và
đau buồn khi phải rời xa người yêu:
– Người lên ngựa kẻ chia bào
– Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san
– Dặm hồng bụi cuốn chinh an
– Người đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh
rồi:
– Người về chiếc bóng năm canh
– Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
– Vầng trăng ai xẻ làm đôi
– Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Cho dù tình thắm duyên nồng nhưng tiếc thay số phận Kiều là
như thế. Giả như không gặp Thúc Sinh thì cũng gặp người nào khác thế thôi. Thúc
Sinh mê sắc nhưng bạc nhược, khi Kiều gặp nạn chàng đã bỏ rơi một cách tàn nhẫn:
– Liệu mà xa chạy cao bay
– Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Thi hào Nguyễn Du đã cho ta một mẫu người ghen, Hoạn Thư. Điều
khác biệt với lẽ thường ở đây lại là cái ghen có chút cảm thông. Nếu ngày xưa ấy
nữ sỹ Hồ Xuân Hương trong cảnh “lẽ mọn” đã phải thét lên:
– Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
mà Hoạn Thư thì biết chồng ngoại tình lại gợi ý chấp nhận chỉ
cần anh chồng thú thực và công khai hóa. Ở điểm này Thúy Kiều cũng đã tỏ ra hiểu
biết và chấp nhận làm thứ thiếp nên đã khuyên Thúc Sinh vê thú nhận với vợ:
– Xin chàng kíp liệu lại nhà
– Trước người đẹp ý sau ta biết tình.
Qua sự kiện trên ta đã thấy được những cảm thông giữa hai người
phụ nữ đáng lý ra là kẻ không đội trời chung thế mà khi Kiều bị bắt đưa về, Hoạn
Thư đã để Kiều ở nhà Hoạn Bà rồi bắt Kiều ra hầu rượu. Mục đích của việc hành hạ
này nếu hiểu được ngầm ý của Hoạn Thư sẽ thấy đáng thương hơn là đáng trách.
Cái ghen để trả thù một người coi như tình địch là điều tất yếu, nhưng đây thực
ra là nhằm vào Thúc Sinh chứ không hẳn là Kiều:
– Bốn giây như khóc như than
– Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Hoạn Thư đóng vai một quan tòa nhưng vừa là người xử án cũng
vừa là một nạn nhân, nàng phải thủ ba vai: vừa là vợ chính thức của Thúc Sinh,
vừa là tri kỷ của Kiều, lại vừa trong nỗi ghen theo bản tính đàn bà. Nhà văn
Pháp thế kỷ thứ 17, La Rochefoucauld đã có lời rằng: “Lòng ghen bao giờ cũng
phát sinh cùng với tình yêu, nhưng nó không bao giờ chết cùng với tình yêu.”
Nếu không hiểu và thông cảm với Kiều vì cùng là phận nữ nhi
thì Hoạn Thư hẳn đã không cho Kiều ra ở Quán Âm Các, đã truy nã Kiều khi bỏ trốn
còn đánh cắp đồ mang theo.
Ngược lại với Thúy Kiều khi có cơ hội báo ân báo oán đã tha bổng
cho Hoạn Thư. Điều này đã nói lên tấm lòng tri ngộ đặc biệt.
– Tha ra thì cũng may đời
– Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen
(Câu 2375-2376)
Thi hào Nguyễn Du cách nay gần hai thế kỷ, qua tác phẩm để đời
này tác giả đã thấy được điểm chung giữa con người với con người, nhất là với
những người tưởng như không còn muốn nhìn thấy nhau và nuôi trong lòng mối thù
hận khôn nguôi.
Nếu trong tích xưa Bá Nha và Tử Kỳ được coi là đôi bạn tri
âm, và Quản Trọng với Bảo Thúc Nha được coi như bạn tri kỷ. Bảo Thúc Nha thấu
hiểu tình cảnh của Quản Trọng nên đã cư xử với nhau bằng sự hiểu nhau thì ở đây
Hoạn Thư và Thúy Kiều cảm thông nhau hẳn cũng do hiểu lòng nhau.
Phải chăng vì thế mà qua những sự kiện và tình tiết trên mà
nhà thơ Đông Hồ đã nhận định rằng: “Trong Đoạn Trường Tân Thanh nhân vật tri kỷ
nhất của Kiều chính là Hoạn Thư.”
Xuân Bích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét