Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Bali, Ngưỡng cửa vào thiên đường

Bali, Ngưỡng cửa vào thiên đường

I. Mũi nhọn du lịch quần đảo Nam Dương

Quần đảo Nam Dương và Bali

Chiếm một khoảng rộng 2000 km bề ngang, hơn 5000 km chiều dọc ở vùng Đông Nam Á, Nam Dương Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới. Kể cả mặt biển, diện tích nước nầy lên đến 30 triệu km2, chỉ riêng đất liền cũng đã 2 triệu, phân phối trên 14.000 hòn đẩo. Trong số nầy chỉ có khoảng 6.000 hòn có người ở, có những hòn lớn như Sumatra, Java,... có những hòn nhỏ như Lambok, Sumba,... Trước kia, thuở mặt biển còn thấp, Nam Dương chưa là quần đảo, Bali và Java dính vào nhau và là một bán đảo của châu Á, còn Lombok thì hợp với châu Úc. Ngày nay, eo biển giữa Bali và Lombok là nơi nước sâu nhất. Sau nầy, khi Bali và Java tách khỏi lục địa châu Á thì đồng thời Bali và Java cũng rời nhau. Huyền thoại kể lúc ấy một ông giáo sĩ có một đứa con chơi bời lêu lổng, muốn đày nó đi xa. Hai cha con đi bộ thật lâu, đến một chỗ vắng, ông giáo sĩ lấy ngón tay vạch một đường trên cát giữa hai cha con, niệm một câu thần chú tức thì nước biển chảy vào tách rời Bali ra khỏi Java.



Thôn làng vùng Ubud

Tuy trước kia thuộc cùng một lục địa, mỗi hòn đẩo có một tính chất riêng biệt, vẻ đẹp đặc thù của mình, nhưng Bali đặc biệt được đưa ra làm mũi nhọn du lịch cho cả quần đảo. Từ tk XVI, trong khi các nước châu Âu đang mịt mù khói lửa với những cuộc chiến tranh tôn giáo thảm khốc, châu Á được xem như là một vùng xa xăm, mọi rợ vì không có tín ngưỡng, khó lòng giao du, nhưng cũng là nơi núi sông hiểm trở, phong tục lạ lùng, dễ bề hấp dẫn kẻ giang hồ mạo hiểm. Chính những người thích phiêu lưu đầu tiên đã đem về châu Âu những nhận xét về phong cảnh cùng như những phân tích về đời sống ở châu Á. Dần dần những thương thuyền châu Âu vượt đại dương, lân la lại gần các bờ biển phương đông, can đảm đi tìm nơi buôn bán. Từ Bali, phong cảnh những hàng dừa chạy dọc các bải biển cát vàng êm dịu, những điệu nhạc lạ tai nhưng trầm bổng, hình ảnh nhưng cô gái da ngăm, mắt đen lánh, tóc xỏa dài, lắm lúc ở trần không mặc áo,... đã được đưa về, biểu tượng một cảnh tượng thiên đường ở thế gian. Người bản xứ kể cho khách nghe huyền thoại nguyên thủy của họ. Thuở mặt đất mới sẵn sàng đón nhận nhân loại, hai vị thần Batana Guru và Brahma đua nhau nặng tượng hình người nhưng nặng mãi chẳng ra hình thù thích muốn. Nghĩ phải cần cho thêm một chút màu sắc gì, họ bỏ vào lò nung đốt, mong ngọn lửa biến hóa tượng hình. Lần đàu tiên nung không đủ lâu, các tượng vẫn còn trắng. Lần thứ hai, nung quá lâu, tương trở thành đen thui. Qua lần thứ ba, thời gian nung đúng mức, các tượng nhuốm một màu da ngăm, thích họp cho cả hai vị thần. Họ liển niệm thần chú thổi sinh khí vào hình tượng làm thành dân tộc khởi nguyên Bali. Thật ra không ai biết con người đã lại định cư ở Bali thuở nào. Nếu người Homo erectus đă được khám phá ở đảo Java kế cạnh, ngành khảo cổ cũng phát hiện ra được ở Bali những dụng cụ thời đại đồ đá. Vào lúc hiện ra những trống đồng loại Đông Sơn, khoảng 500 năm trước Công nguyên, Bali đã đông đúc dân cư. Ảnh hưởng trực tiếp văn minh Ấn Độ đã thấm nhuần tư tưởng họ. Vào tk IX, nhiều chứng tích Phật giáo thấy được ghi khắc vào đá.



Nhà cửa, chợ búa ở Kusamba và Bedugul
Qua tk XI, Bali bị vương triều Majapahit ở Java qua thôn tính, từ đó Ấn giáo bắt đầu phát triển, nhất là ở kinh đô Gelgel, miền nam đảo. Cuối tk XV, vương quốc Hồi giáo Demak miền bắc Java lần chiếm toàn đảo, đánh đổ đế quốc Majapahit, Bali nhân đó thoát khỏi nền đô hộ Java. Trong khi Hồi giáo ngày càng lan rộng khắp quần đảo Nam Dương, Bali thành công chống cự và trở nên nơi bảo tổn Ấn giáo. Nhiều trí thức, vương hầu, nhiều nghệ sĩ, thợ giỏi, nhiều nhà quyền quý, thế lực rời bỏ Java, vượt biên qua lánh nạn ở Gelgel, giúp Bali mở mang một nền văn hóa đặc thù. Một số lớn văn bản về di tích cổ truyền, tục lệ tập quán, căn bản ngôn ngữ Java được bảo tồn ở Gelgel. Nhưng cũng từ đó Bali và Java trở nên thù địch. Cuối tk XVII, nhiều rắc rối lủng củng nội bộ buộc triều chính phải dời kinh đô Gelgel lên Klungkung. Tuy kinh đô mới không cách xa bao lăm, hậu quả là vương quốc tan rả, nhiều tiểu quốc ra đời. Mặc dầu chính thức phục tùng Klungkung, các tiểu quốc thật ra tranh dành quyền lực với nhau. Bắt đẩu từ tk XIX, lịch sử Bali đi đôi với cuộc xâm lăng Hòa Lan. Thương thuyền Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Cát Lợi rạch biển ngòai khơi Bali từ đầu thế kỷ XVI mà mãi đến năm 1597 mới có một hạm đội Hòa Lan chính thức cập bến, lâu dài hơn những lần ghé mua thức ăn hay tìm nước uống. Lúc ban đầu chỉ là hợp tác thương mãi, trao đổi ngoại giao và, nếu cần, thám hiểm rừng biển. Những báo cáo đầu tiên đưa về châu Âu trình bày Bali như là một miền đất phì nhiêu sản xuất lúa, bông, hương liệu đủ thứ, triều đình lại là nơi xa hoa, lộng lẫy, vàng bạc sáng chói ở mọi đồ trang sức, dụng cụ. Thêm vào, đó, Bali có thể lập thành tiền đồn để đi xâm chiếm các đảo khác. Vương triều Bali tuy không hùng mạnh, cũng có khả năng tức khắc "động viên 30 vạn bộ binh, 10 vạn kỵ binh" thể hiện một đồng minh đắc lực trong tương lai để chống chỏi những vương triều Hồi giáo các đảo kế cạnh.



Chợ búa vùng Bedugul
Cùng đi với những thương gia là các nhà học giả. Họ tin Bali là nơi sống sót một hệ thống tôn giáo Ấn Độ đã từng chế ngự miền Đông Nam Á nghĩa là một viện bảo tàng sống của nền văn minh Java xưa. Tuy nhiên, họ cũng trách người Bali thiếu văn minh đã làm thoái hóa nền Ấn giáo cao cả trước kia, mặc dầu đồng thời làm tan rã chế độ phong kiến của những vị quân chủ tàn bạo đã duy trì một sự phục tùng quá đáng của dân cư. Từ thương mãi qua văn hóa, từ văn hóa qua chính trị, một bước dễ vượt qua. Dần dần người Hòa Lan muốn trực tiếp điều khiển, nhất là họ cho Bali không có chính phủ, các tiểu vương chỉ biết lợi dụng sự tùng phục của người dân để trị vì: vua chúa xem dân như kẻ nô tỳ, đụng đâu xử chém đấy, bắt các bà góa bụa nhảy vào đống lửa tự thiêu theo chồng,... Họ cho người Bali còn dã man, cần phài được cai trị, cần phải dược khai hóa. Luận điệu nầy sao nghe quen quá, mặc dầu ở một xứ khác thỉ có những lý do khác. Để bắt đầu, Hòa Lan chỉ buộc các tiểu vương thừa nhận chủ quyền của mình qua các hiệp ước thương mãi. Không thành công, họ dùng quân lực chiếm đóng các tiểu quốc Buleleng, Jembrana ở miền bắc, rồi Karangasem ở phía đông. Đầu tk XX, bị Klungkung đe dọa, Gianyan không biết làm gì hơn là chạy lại cầu cứu quân Hòa Lan. Cỏng rẳn cắn gà nhà đã từng thấy trong lịch sử. Năm 1904, một chiếc ghe của người Hòa Lan bị mắc cạn ở Sanur, miền nam đảo, bị dân Bali cướp mất mọi đồ đạt. Người Hòa Lan buộc tiểu vương Badung chịu trách nhiệm và phải bồi thường một số tiền lớn. Được Tabanan và Klungkung ủng hộ, Badung mạnh dạn từ chối. Thương thuyết mãi không thành, quân Hòa Lan đổ bộ lên Sanur và tiến về kinh đô Denpasar. Mặc dầu nhiều can đảm và đầy khí khái, người Bali không sao đương đầu nổi với súng ống Hòa Lan. Và đây diễn ra một biến cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới.





Phong cảnh vùng Ubud
Để tránh một cuộc đầu hàng nhục nhã, trọn vẹn triểu đình Badung, từ vua chúa, vọ con, họ hàng cho đến giáo sĩ, quân binh, quan chức cùng các nghệ sĩ, nô tỳ, dân quê không cùng đẳng cấp nhưng thuộc quyền nhà vua, tổ chức một cuộc quyên sinh tập thể ngày nay còn truyền tụng qua danh từ puputan trong ngày Tận số. Toàn mặc áo quần trắng tinh, cài hoa và mang đủ đồ trang sức tráng lệ, đàn ông đặc biệt mang thanh kiếm tượng trưng kriss lóng lánh ngọc bích, giữa tiếng trống, tiếng mõ, giữa khói lửa mịt mù, tiếng nổ rầm trời tạc đạn đại phá, họ tuần tự, thản nhiên tiến lại quân địch như diễn viên trên sân khấu ra chào cảm ơn khán giả. Lẽ tất nhiên, họ tiếp tục nhau ngã gục dưới làn đạn của quân Hòa Lan. Để cho chắc chắn là tất cả cùng nhau hiến thân, nhiểu ông đã lầy liếm đâm vợ, nhiều bà đâm con trước khi chính mình bị bắn chết. Cảnh tượng vô cùng khủng khiếp dễ sợ nầy được Vichi Baum miêu tả trong cuốn truyện Liebe and Tod in Bali (bản dịch tiếng Pháp Sang et Volupté à Bali) rùng rợn, có phần bi thảm hơn cả những câu vè Thất thủ Kinh đô kể lại biến cố năm 1885 ở Huế tương đương với biến cố Mậu Thân... Cuộc tàn sát tiểu vương Badung mở cửa rộng cho quân Hòa Lan vào Bali. Ngay sau đó đến lượt vương tộc Pemacutan cũng bỏ mình trong một cuộc quyên sinh tương tự, còn gia đình tiểu vương Tebanan thì tự sát khi bị bắt. Sau đó, quân Hòa Lan tấn công Klungkung, lại diễn ra một puputan khác. Tiếp sau tiểu vương Bangli đầu hàng, quân Hòa Lan làm chủ toàn đảo rồi từ đấy đi chiếm cứ các đảo kế cạnh và qua năm 1910 thì thống nhất tất cả quần đảo Nam Dương thành một thuộc địa chạy dài từ Borneo đến Irian Jaya.



Đời sống ở Kusamba và Mengwi
Bắt đầu từ đây, quá trình phát triển Bali đi đôi với lịch sử Nam Dương và lịch sử Nam Dương diễn biến song song với lịch sử Việt Nam, ít nhất cũng cho đến ngày hai nước tuyên bố độc lập. Những bạn đọc cùng tuổi tôi chắc còn nhớ những ngày xuống đường năm 1945 ủng hộ Nam Dương đòi độc lập. Hòa Lan dựa lên Nam Dương để xây dựng nền kinh tế của mình cũng như để thực hiện kỹ nghệ của "mẫu quốc". Đầu tk XX, Nam Dương là một nước sản xuất tiêu và quinin lớn nhất thế giới, cung cấp một phần ba cao su, một phần năm trà, cà phê, đường, dầu tổng lượng thế giới. Nhưng Nam Dương vẫn luôn nghèo khổ. Nhiều tổ chức chính trị ra đời tranh đấu cho một cuộc sống đầy đủ hơn. Quan trọng nhất là phong trào Hồi giáo (từ 1909) và đảng Cộng sản (từ 1920). Năm 1927, một kỷ sư trẻ tuổi, Sokarno, thành lập một đảng quốc gia nhưng ông sớm bị bắt và đưa đi đày. Ngày 9 tháng ba năm 1945 (không phải tình cờ) Nhật Bản đảo chính Hòa Lan và ngày 17 tháng tám năm đó nước Nam Dương Cộng hòa ra đời với Sokarno làm tổng thống. Như Pháp ở Đông Dương, Hòa Lan khư khư muốn dành lại thuộc địa và năm 1946 tái chiếm Bali. Mãi đến ngày 17 tháng tám năm 1950, đúng 5 năm sau lần thứ nhất, được Liên hiệp quốc dàn xếp, nước Cộng hòa Nam Dương thống nhất thật sự độc lập ra đời luôn với Sokarno làm tổng thống. Khó khăn rất nhiểu cho một nước thế giới thứ ba muốn vươn lên nhất là Sokarno theo đuổi một con đường chính trị quá chống đối tây phương. Thêm vào đó, Hòa Lan vẫn còn lăm le muốn chiếm lại đảo Irian Jaya.





Dân cư ở Bedugul và Singaradja
Nền kinh tế Nam Dương trở nên vô cùng khủng khoảng với một cuộc lạm phát lên đến 680% năm 1965. Một nhóm sĩ quan trẻ tuổi, mà chính quyền cho là được đảng Cộng sản khuyến khích, tìm bắt và xử tử sáu vị đại tướng. Một ông may tránh khỏi là Suharto lập tức được đưa lên làm tổng tư lệnh quân đội để đối phó với tình hình cấp bách. Mặc dầu trách nhiệm của đảng Cộng sản Nam Dương trong cuộc đảo chính nầy không được chứng minh rõ ràng, đảng bị chụp mũ là thân chính quyền Bắc Kinh đồng thời Hoa kiều ở Jakarta bị ghen ghét vì làm ăn phát đạt, được đưa ra làm dê tế thàn: một cuộc lùng bắt diễn ra trước ở Sumatra, sau qua Java, Lambok, Bali,...giết hại hàng chục ngàn người. Đây là biến cố đau buồn nhất của Nam Dương từ ngày độc lập. Sau đó, cuộc tranh dành quyền lực giữa hai nhà lãnh tụ kéo dài đến 1965 là năm Suharto được chính thức bầu làm tổng thổng thứ nhì Nam Dương. Công việc ưu tiên của ông tân tổng thống là tu bổ nền kinh tế đang kiệt quệ, ngăn chận lạm phát đang leo thang. Nhiều cố vấn Hoa Kỳ được mời giúp sức, nhiều nhà tư bản bắt đầu lại đầu tư, khai thác gỗ rừng, các mỏ đồng, thiếc và nhất là dầu khí. Tuy khám phá ra từ năm 1883, gần đây Nam Dương mới đạt đến mức độ các nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Lợi tức quốc gia vọt nhảy nhưng chính quyền luôn cần rất nhiều tiền vì ngoài công việc củng cố quân đội, cảnh sát, còn phải mở mang công vụ, chỉnh đốn từ hạ tầng cơ sở, đương sá cầu cống, đến các ngành giao thông giáo dục cũng như nhân khẩu, chức nghiệp,... Từ đây, nảy ra ý kiến tu bổ, cải thiện một nguồn thu nhập mới là ngành du lịch. Ở Bali, thật ra không phải đợi đến độc lập văn đề du lịch mới được đề cập đến. Sau những biến cố puputan khủng khiếp, chính quyền Hòa Lan có phần bối rối và như muốn người ta quên đi cuộc giết chóc tàn bạo tuy không phải lỗi hoàn toàn tại họ. Họ tuyên dương Bali là nơi mang nặng giá trị văn hóa cần phải giữ gìn và đưa hình thức "du lịch văn hóa". Vì đã xem Bali như là một viện bảo tàng sống nền văn minh Ấn Độ - Java, họ muốn không những bảo vệ Bali chống mọi tiếp xúc với đời mới tối tân có thể đem lại ảnh hưởng tệ hại, mà còn muốn dạy cho người Bali biết bảo tồn bản chất thuần túy của mình trong một chương trình "Bali hóa Bali". Qua giáo dục ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật, họ thúc đẩy thanh nhiên Bali ý thức rõ ràng tài sản phong phú của dân tộc mình.




Thiếu phụ và thiếu nữ ở Goa Lawah và Kuta
Ngay sau đấy, nghĩa là từ 1908, sở du lịch bắt đầu tiến hành. Tuy nhiên, cũng phải đợi đến đầu thập niên 20 mới thấy khách bắt đầu lại viếng Bali và khách sạn lớn đầu tiên, Bali Hotel, chỉ được xây lên ở Denpasar năm 1928. Đến lượt những du khách quảng cáo cho Bali. Trong số nầy phải kể tác giả người Đức Gregor Krause cho ra một cuốn sách tái bản nhiểu lần, trình bày thiên nhiên và con người, từ rừng rậm cây ngàn, hội hè đình đám qua hình tượng chạm trổ nhân thể trần trụi. Đợt khách thứ nhì đến Bali là các nghê sĩ. Trong những năm đầu thập niên 1930, họa sĩ cũng người Đức Walter Spies mở xưởng ở Ubud, miền trung hòn đảo, và thành lập "làng nghệ sĩ" với những nhà cộng sự có tên tuổi như Margarel Mead, Gregory Bateson. Một họa sĩ khác, Miquel Covarrubias, người Mễ Tây Cơ, cũng là một nhà dân tộc học, cùng với phu nhân Rose, người Hoa Kỳ, soạn thảo một cuốn sách đầy thú vị về văn hóa, Island of Bali. Bắt đầu từ đây, khách du lịch ngày càng đông đến nỗi có người kêu la: Coi chừng, Bali đang bị du lịch đe dọa, Bali rồi sẽ hết còn Bali. Một cuộc tranh luận sôi nổi trên đề tài du lịch bắt đầu từ hồi ấy. Người lạc quan không tin Bali sẽ mất nhân cách vì con người Bali có khả năng đồng hóa, họ không chịu nhượng bộ dù chút nhỏ cốt yếu bản chất mình. Được vậy là nhờ họ không phải đồ vật thụ động để ngắm nhìn mà là cá nhân năng động có khả năng xây dựng chẳng hạn những cụộc biểu diễn theo thị hiếu của khách nhưng vẫn giữ nguyên lễ nghi cổ truyên của mình. Khách thích, xem đông thì tài chánh trở nên dồi dào, nghệ sĩ có thêm điều kiện để hoàn hảo cuộc trình diễn, từ đó khách lại càng nhiều thêm. Luận pháp nây như tuồng được nhà cầm quyền chấp nhận và ủng hộ vì năm 1978, Suharto bổ nhậm làm thống đốc đảo, giáo sư Bagus Mantra, một người rất am tường văn hóa, thay thế một viên đại tá người Java thiều kiến thức mà Bali phải chịu đựng từ ngày Sokarno xuống chức.
Bắt đẩu từ đây, Bali đóng góp rất lớn vào ngân quỷ quốc gia, đồng thời củng cố đia vị của đảo trong tập thể Nam Dương. Thành thử câu hỏi không phải là văn hóa Bali có sống còn được không sau cuộc tiếp xúc vói du lịch ngoại quốc mà bản chất văn hóa Bali là gì?.
II. Bản chất và văn hóa Bali 
Ngày nay, đi dạo quanh Bali, đặc biệt ở vùng nam đảo, trong khu tam giác Denpasar-Sanur-Kuta, nơi tập trung các khách sạn du lịch, theo luật lệ hiện hành, khách thấy nhà cửa không được xây cao quá ngọn cây dừa, từ ngày Bali Beach Hotel cao đến 10 tầng làm dân cư hoảng sợ. Dù chung đụng với du lịch tây phương, người Bali biết sống trong một khuôn khổ nặng đầy thủ tục, tôn giáo. Đời sống hằng ngày của họ phân chia giữa nhiệm vụ xã hội và bổn phận đạo giáo. Ngay nghệ thuật cũng phản ảnh môi trường của cộng đồng. Từ thuở ấu thơ, đứa trẻ Bali nhờ đang còn thanh khiết nên được xem như một vật thiêng liêng, không được đánh đập, la mắng quá độ. Lớn lên, tục lệ mài răng không chỉ để cho mọc thẳng đẹp mà còn có nghĩa để hạn chế những tật xấu của con người: tham lam, giận dữ, ghen tuông, dục vọng,... Nếu là con gái, nhất là thuộc đẳng cấp cao, thì có lễ mừng tuổi dậy thì, ra mắt phụ nữ. Tôi may măn gặp được những cô cở tuổi nầy, trẻ đẹp, da ngăm, quần jean, áo cụt, mang một rỗ đầy hoa sắp thành mâm nhỏ, thoăn thoắt bước qua đường, chạy từ cổng nầy qua cửa khác, đặt các mâm hoa lên lên thành đá hay ngưỡng cửa, có khi ngay cả trên vỉa hè, vệ đường, bất chấp người xe qua lại, để tạ ơn một thần linh nào hay để cầu khấn ma quỷ đừng lại quấy nhiễu. Bất cứ trai hay gái, phải lập gia đình mới là trưởng thành. Ở Bali có hai cách lấy nhau: hoặc nhà trai lại xin cưới, quà cáp tốn kém lại phải viếng thăm mất nhiểu thì giờ, hoặc phấn khích hơn là anh chàng lại bắt cóc ngay cô nàng. Lúc trước chàng trai phải trèo tường, leo thang, vượt qua biết bao chướng ngại, tưởng mình như ông hoàng Ạrjuna, người hùng của truyện Mahabharata. Ngày nay, thời đại mới cho phép chàng trai đem xe hơi lại phổng, có khi được bạn bè phụ giúp. Tuy vậy, tối hôm ấy cặp trai trẻ phải ra làm lễ ở miếu thờ thần Đất Pertini và sau đó vài hôm phải tổ chức một lễ cưới chính thức có giáo sĩ lại cầu chúc trước bàn thờ tổ tiên đòng thời cũng phải đi cúng lạy ở các miếu đền khác trong xóm, trong làng.

Pura Taman Ayun ở Mengwi
Pura Besakih dưới chân núi Agun
Đền Ulu trên bờ hồ Bratan
Miếu Tanah Lot 
trên bờ Ân Độ Dương

Tục lệ còn giữ như vậy vì người Bali tuy sống theo cách thức hiện đại vẫn còn tin ở đời sống thần linh. Đối với họ, mọi vât trong thiên nhiên đều có một ý nghĩa mầu nhiệm cao quý. Núi, như ngọn núi lửa Gunung Agung, mặc dầu khi phun lửa thì tàn phá không ít nhưng cũng đem lại màu mỡ cho đất đai, là cao cả, tượng trưng cho tất cả những gì thiêng liêng.Trái lại, cái gì xấu xa, tối tăm thì thuộc về biển sâu, địa ngục. Người Bali tuy ở đảo lại hướng nhiểu về núi. Đời sống của họ diễn biến trên đồng bằng giữa núi và biển. Thiên nhiên từ đó hiện hình dưới hai mặt như núi và biển : trên và dưới, trái và mặt, ngày và đêm, mạnh và yếu, thiện và ác,... Nghi thức đời sống là làm sao giữ được thăng bằng giữa hai mặt đó. Hướng dẫn người dân là Agama Hindu Bali tức là Ấn giáo thích nghi cho Bali. Có tổ chức gọi ngược tên đạo là Agama Bali Hindu để nhấn mạnh đặc trung Bali. Cuộc bàn cải về giáo lý nầy kéo dài đã từ lâu cho đến 1945 thì theo hiến pháp của nước Cộng hòa Nam Dương, mỗi đạo phải có một vị Thượng đế độc nhất. Nếu Hồi giáo và Thiên chúa gíáo có mặt ở bộ Tế tự, người Bali bị liệt vào loai không có tôn giáo và nghi thức cúng lễ của họ được cho là thuộc phong tục. Người Bali phải kiên trì tranh thủ mãi đến 20 năm sau mới được chính phủ công nhận Ấn giáo Bali ngang hành với 5 tôn giáo khác : Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Gia tô và Tin lành. Đồng thời hội Parisada Hindu Dharma ra đời, khẳng định đại diện cho toàn thể Bali.


Thang lên Pura Besakik dưới chân núi Agun

Lễ hội ở Goa Lawah (Hang Dơi) tại Rendang
Họ mở viện Hindu Dharma để truyền bá Ấn giáo. Một vấn đề nan giải cho các nhà trí thức: muốn được công nhận là một tôn giáo (agama), cần phải loại bỏ mọi nghi thức thường được cho thuộc về phong tục (adat). Ở Bali, trên thực tế, adat là agama, đôi bên sống chung đụng từ thuở nào, tương tự như bên Việt Nam ta. Tuy vậy, họ thành công tổ chức lại các lễ tiết, đình đám, thờ tự, đền miếu,... Parisada ra đời đúng lúc chính quyền đang rượt bắt những người được cho là vô thần đồng nghĩa với "cộng sản"! Để được yên thân, rất nhiều trí thức ghi tên vào hội, hậu quả bất ngờ là hội được phồng lớn thêm. Mặt trái của hiện tượng nầy là Parisada hết còn thuần túy Bali: ngày nay, nếu trụ sở hội còn ở Bali, văn phòng được đặt ở Jakarta... Ông thần vạn năng của đạo là Sanghyang Widi nhưng ông thần nầy không được trực tiếp thờ cúng. Xung quanh ông có nhiều vị thần khác là Tam nhất Trísakti từ Độ đưa qua: thần sáng tạo Brahma, thần bảo trì Vishnu và thần phá hoại Shiva. Sau đó là một loạt thần dewa nhỏ hơn: thần Gió, thần Bảo, thần Núi, thần Biển,... Họ thờ cúng các thần này trong đền khởi nguyên Pura Puseh tức là ngôi đền được dựng lên đầu tiên trong làng. Bên cạnh các thần có yêu quỷ leyah mà chúa tể là rangda dược thờ trong các đền hoàng tuyền Pura Dalem dành cho người chết. Để cho trọn vẹn bộ ba, còn có đền Hội đồng (các thần thánh) Pura Bale Agung để cầu khấn phù hộ mùa màng, thu hoạch,... Ngoài ra còn có các đền đẳng cấp, đền hội đoàn, đền thị tộc,... và các miếu thờ các thần linh ao, hồ, sông, lạch,... Thành thử khi đi dạo ở ngoại ô thành phố hay ở đồng quê thì thấy nhà cửa lẫn lộn với miếu đền. Một cảnh tượng đẹp mất là khi các cô, các bà ăn mặc đẹp đẽ mang đồ cúng trên đầu, hoa quả sắp trên khay có khi cao đến một thước, yểu điệu nối nhau trên đường làng hay nhanh nhẹn leo thang lên đền. 




Lối lên đền Goa Lawah
Nhà ở thì trước mặt bao giờ cũng có bình phong ngăn chận ma quỷ, sau có vườn trồng cây quả, nuôi heo gà như loại nhà vườn ở Huế. Quanh nhà và vườn là một vách đất như để bảo vệ ấm cúng gia đình. Trong mỗi khoảnh đât có một hay nhiểu gia đình cùng ông cha ở chung với nhau. Nhiều nhà họp lại thành xóm banjar hoạc độc lập hoặc nằm trong phạm vi một làng desa. Xóm là đơn vị đời sống công cộng. Họ tự bênh vực nhau, bảo vệ văn hóa, phong tục, lo liệu mọi chuyện cưới hỏi, ly dị, đám tang, gia tài, tu bổ đền miếu,... Nhiều xóm có nhà hàng tổ hợp, xe hơi, xe hàng, dàn nhạc gamelan, nhà họp mở cửa suốt ngày cũng là nơi họp hội đồng xóm. Lên đến mức làng mới có chợ, nhà chọi gà, chòi mỏ hulhul, miếu làng pura, xung quanh một công trường thường trồng ở giữa một cây đa. Đi xa trung tâm mới có nhà giặt, nhà tắm, nghĩa địa, miếu thờ người chết,... Tất cả nhà cửa, đền miếu đều theo một kiến trúc, sắp đặt chính xác, hòa hợp với vũ trụ điều hòa. Ra khỏi làng là đồng ruộng, ở miền đồi núi thường sắp đặt thành tầng cống hiến một quanh cảnh vô cùng đẹp. Tôi tìm mãi chẳng thầy các loại gàu tát nước, xe đạp nước hay máy bơm nước. Hỏi ra mới biết ở đây nước không phải từ sông ngòi đem lên ruộng mà là từ trên núi chảy về. Vậy chỉ có đào nương trổ nước thẳng xuống ruộng. Người Bali vốn có kỹ luật, họp nhau lại thành hội đoàn subak cùng nhau xây mương, quản lý mương, phân chia nước, chỉ định ngày gieo, cấy, gặt, tổ chức những buổi lễ hội ở các miếu thờ Nước, Hồ,... Subak không có không có quyền gì về lợi tức thâu nhận. Đồng ruộng là tài sản của dân, nước thuộc quyền sở hữu của subak. Những hội viên không nhất thiết phải ở cùng xóm cùng làng, vị trí đồng ruộng chỉ định họ thuộc subak nào. Vì vậy, người nông dân Bali thường bảo họ có hai làng: "làng khô" banjar và "làng ẩm" subak.




Đồng ruộng vùng Ubud
Ngoài subak, người Bali còn có nhiều hội đoàn khác, nhỏ hơn, gọi là seka, tùy lúc, tùy chỗ, tập hợp các nhạc sĩ, trí thức cũng như thợ gặt hay người đi săn,... nhưng tương đối ít bền chặt lâu dài vì không có lãnh thổ, không có đền miếu. Nhưng cũng không sao, hội đoàn lập ra rồi giải tán rồi lại mọc lên... theo nhịp của đời sống và tuân theo phong tục adat mà họ rất hảnh diện. Đến nay, trải qua các thời kỳ ảnh hưởng Ấn Độ, thuộc địa Hòa Lan rồi sáp nhập vào cộng đồng Nam Dương đồng thời mở cửa du lịch, Bali tỏ ra có tài chọn lựa và chỉ đồng hóa cái gì thích hợp cho mình. Họ luôn biết giữ gìn phong tục từ thuở ông cha. Thời thuộc dịa, Hòa Lan muốn duy trì tục lệ để giữ Bali trong vị trí những người trung thuận, như vậy dễ bề cai trị. Khi Công hòa Nam Dương thành lập, chính phủ lại muốn trưng dụng phng tục ấy vào chương trình quốc gia để phát triển kinh tế. Đồng thời du lịch đem lại tiền bạc, dù không trực tiếp cũng góp phần vào cuộc phá hoại một số phong tục kia. Ai cũng thấy Thái Lan chẳng hạn đã bị du lịch làm hư hỏng như thế nào. Người Bali đã biết chống lại những sức mạnh bên ngoài, biết dùng khí giới của địch để chống lại địch như trong môn nhu đạo. Họ thường biểu tượng đất nước như một cái cây mà rễ là đạo giáo (agama), thân là phong tục (adat) và hoa trái biểu thị nghệ thuật (seni budaya). Dù thân có bị dày vò, có khi bên ngoài có vẻ hư hỏng, nhưng nếu rễ bám cứng vào đất và tìm ra nguồn sống thì rồi thân cũng nảy nở lại, trái sẽ nhô mọc lên dồi dào, phong phú. Người Bali biết phân biệt và tách rời phong tục, chính trị, đạo giáo, nghệ thuật. Họ biết dung hòa cũ và mới, biết hỗn hợp hài hòa di sản quý báu của ông cha với những phẩm vật ngoại lai nhập cảng. Đây có lẽ là giá phải trả, việc phải làm để một nước nghèo muốn vươn lên mà không mất bản tính của mình.



Ruộng bậc thang ở Singaraja
III. Vũ tuồng kịch múa Bali
Bali là một nơi ít có trên hoàn cầu được gọi là hòn đảo nghệ thuật. Thật vậy, nhạc điệu, nhảy múa hòa nhịp với đời sống hằng ngày và mỗi người dân là một nghệ sĩ. Sau một ngày dài làm lụng mệt nhọc trong đồng ruộng, họ trở thành họa sĩ, thợ chạm hay nghệ sĩ cùng nhau nhảy múa trong một vở tuồng để cảm ơn hay tỏ lòng kính phục thần thánh vì Bali cũng còn được xem là một hòn đảo thần thánh. Thường xuyên hằng ngày họ cúng bái các vị thần linh, dâng cúng hoa quả, bánh trái, lắm khi cống hiến một điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển. Thần thánh ở đây thuộc về Hindu giáo. Số là giữa hai thế kỷ VII và XV ở Nam Dương lẫn lộn Phật giáo và Indu giáo. Bắt đầu từ thế kỷ XV, Hồi giáo tràn qua áp đặt Java, trong lúc Phật giáo lùi bước tàn lụi, người Hindu giáo chạy trốn qua Bali và giữ gìn tôn giáo ấy cho đến bây giờ. Tuy nhiên, những tuồng hát như Mahabaratha, Ramayana,... tuy dựa lên sử thi Hindu giáo gốc Ấn Độ, khi biểu diễn ở Bali thì mang một màu sắc khác, có lúc pha lẫn với những huyền thoại địa phương. Bắt đầu từ thế kỷ XX, những điệu múa được phóng thích ra khỏi phong tục cổ truyền, biến thành một biểu hiện mỹ cảm uyển chuyển, tinh vi. Sở dĩ được vậy là nhờ một phần lớn những người Hindu giáo chạy qua đây thuộc dòng quý phái, mặc dầu không ít tiểu vương, ngay cả vương triều, bị quân Hòa Lan sát hại trong biến cố puputan. Nền văn hóa Bali nhuốm đậm vào tâm hồn người Bali nên trải qua bao biến cố nào chiến tranh, xâm lược, nào thuộc địa rồi cuộc sống mới, không hề mất mát dù chút nhỏ. Ai cũng nhận thấy trẻ en Bali được khai tâm, hướng dẵn từ thời tuổi thơ. Các em có thể trở nên họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc hay nhà nghệ nhân kể chuyện luôn trong tinh thần Bali. Khi nhập vào một hội đoàn văn hóa, người Bali vừa đóng kịch, kể chuyên, vừa đàn hát và lẽ tất nhiên nhảy múa nên tuồng kịch thường được gọi lẫn lộn với điệu múa. Một điểm chung là mọi điệu múa đều do những nhà nghiệp dư tài tử thực hiện không lương, không lấy tiền, lúc trước trong các buổi lễ, bây giờ trước khách du lịch.
VŨ TUỒNG BARONG





Một trong những điệu múa thường được trình bày cho khách du lịch vì dễ hiểu lại thêm các nhân vật ăn mặc lạ lùng nên rất hấp dẫn. Vũ tuồng kiếm kriss còn gọi Vũ tuồng Barong thể hiện cuộc đấu tranh bất phân thắng bại giữa hai cực thiện và ác mà động lực chủ yếu là giữ thăng bằng giữa hai vũ lực của vũ trụ như trong thuyết âm dương. Đối với người bản xứ, tuồng kịch thiêng liêng này nhắm mục đích trừ tà vì Barong được ví như vị thần thành hoàng, thường được tả là nhát gan nhưng rất can đảm và sùng đạo. Đại diện cho phe thiện, Barong là một nhân vật kỳ quái, có vẻ hung dữ: mình to, đầu nhỏ, miệng nhe hai chiếc răng nanh nhọn hoắc; trên đầu một đống vẩy đủ màu sắc mang nhiều mảnh gương lóng lánh và trên mình một số lục lạc kêu lẻng kẻng mỗi khi cử động, nhất là khi nó dặm chân và mở đóng cầm cập hai hàm răng bằng gỗ; bộ lông làm bằng những sợi lông dài, mưọt, điểm tô toàn vật liệu bằng vàng, râu ria trang sức đầy hoa. Địch thủ của Barong là Rangda, đồ đệ của Batari Durga, chúa tể một đàn quỷ sứ, đại diện cho phe ác, mặt mày gớm ghiếc, một cái lưỡi khổng lồ thắm đỏ lòng thòng dưới miệng, mái tóc bờm xờm rủ dài xuống tận đầu gối, vừa chuyển động vừa kêu the thé thật ghê rợn cho khán giả lạ. Để phục vụ khách du lịch xem mau một buổi sáng trong sân làng, trước một ngôi miếu, một kịch bản khá giản dị, ít nhiều mất tính cách siêu thiên nhiên nguyên thủy: thanh niên trong làng, tượng trưng cho cộng đồng, mang kiếm kriss lại đả kích, nhưng Rangda chỉ dơ tay là dân làng mất hết hồn phách, quay cuồng như lên đồng, có người dùng kiếm tự sát, có kẻ ngã gục xuống đất. May nhờ Barong ra tay cứu độ, dân làng mới trở lại bình tỉnh nhưng rồi Barong và Rangda vẫn lại tiếp tục đánh nhau trong một cuộc xung đột không ngừng như cuộc chiến muôn thuở trong đời sống giữa thiện và ác theo tư tưởng người Bali.



Thật ra sự tích phức tạp hơn. Theo tục lệ, đến ngày lễ Tử thần, hoàng tử Sahadewa phải được hiến thân. Sự có mặt một quỷ sứ, tay sai của Rangda, làm hai người hầu hoảng sợ, vội chạy kiếm cận thần Pathit và hoàng hậu Dewi Kunti. Bà này rất lo lắng phải giữ lời hứa cống dân đứa con thương mến. Rangda sợ hoàng hậu rút lại lời hứa liền lại phát lên một câu yểm biến bà hoàng hậu hiền lành thành một phụ nữ hung dữ dan tay đánh con và ra lệnh cho cận thận dẫn hoàng tử ra nghĩa địa, nơi lưu trú của Rangda. Viên cận thần yêu hoàng tử như con mình nên không nở dắt đi, Rangda liền biến cận thần thành tay độc ác kéo hoàng tử ra cột trước miếu Tử thần. Nhưng trước khi Rangda ra tay hành hình, thần Shiva, qua hình dáng một đạo sĩ, thương hại hoàng tử và ban cho hoàng tử phép bất tử. Biết không thể làm gì được hoàng tử, Rangda đành chịu thua và xin hoàng tử ân huệ được giết để chịu tôi. Hoàng tử đồng ý và, chết đi, Rangda được lên Trời. Đến lượt Kakela, nữ giáo chủ của Rangda cũng xin được giết nhưng hoàng tử từ chối. Tức giận, bà tự hóa ra con gầu để đánh phá hoàng tử nhưng chẳng đuợc gì, bà liền biến thành con chim khổng lồ nhưng cũng thất bại. Cuối cùng bà hiện ra qua hình dáng Rangda. Sức mạnh của Rangda là vô biên, nên để địch lại hoàng tử chỉ còn lấy lốt Barong. Bây giờ hai đối thủ đồng sức nên cuộc đấu chỉ có thể bất phân thắng bại. Thấy vậy dân làng mới dùng kiếm kriss lại giúp sức Barong. Rangda liền hóa phép bắt dân làng quay lại tử đâm kiếm vào mình. Để cứu dân làng, Barong cho họ nhập đồng, như vậy họ không bị thương khi kiếm đâm vào mình và tránh khỏi chết. Sau đó, một tu sĩ cho rải nước thánh để dân làng tỉnh giấc, trở lại đời sống bình thường, tạm thời chấm dứt ác mộng cho đến cuộc đấu sau.



VŨ ĐIỆU LEGONG
Thường trước một cuộc biểu diễn Vũ tuồng Barong khách được thưởng thức một Vũ Điệu Legong. Bắt gốc từ đầu thế kỷ XVIII, được xem như điệu múa duyên dáng, yêu kiều nhất ở Bali, vũ khúc gồm có hai vũ nữ lúc trước 8-12 tuổi, ngày nay lớn tuổi hơn, nhất là khi phục vụ khách du lịch. Các cô gái nhỏ 5-6 tuổi thường mơ đại diện cho làng mình đi múa nhưng đến 12-14 tuổi các cô nầy thường cũng thôi múa. Những tư thế, điệu bộ, liên kết khó khăn, chặt chẽ đòi hỏi một cuộc huấn luyện lâu dài, vì vậy cần bắt đầu từ trẻ để cơ thể thấm nhuần điệu múa. Quy tắc nghiêm ngặt áp đặt những điệu bộ chính xác, xác định cử động của bộ mặt, vị trí các bàn tay, động tác các ngón tay. Vũ nữ đội một cái mũ vàng trang trí hoa sứ, áo quần thanh tao sặc sỡ màu sắc, có khi cầm quạt. Trong các điệu nầy, có tiếng nhất là điệu  Legong kraton  hay Legong cung điện  vì lúc trước được biểu diễn trong cung vua, trước mặt các hoàng tử, với ba vũ nữ: hai cô ăn mặt giống nhau đại diện cho vương tộc và một cô tùy tùng ngày nay không còn nữa. Để bắt đầu cô tùy tùng múa một mình, sau mới đến hai cô tôn nữ múa đối xứng. Đề cương được rút ra từ một sự tích xảy ra ở Java thế ky XII. Nhà vua Lasem bắt gặp cô tôn nữ Rangkesari đi lạc trong rừng, đem về giam giữ trong một ngôi nhà bằng đá. Cô có người anh, hoàng tử Daha, biết đuợc em mình bị giam, liền đòi thả và dọa sẽ đến đánh nếu không thả về. Rangkesari năn nỉ nhà vua vâng theo để tránh một cuộc ẩu đả. Nhà vua không chịu nghe. Trên đường đi chiến đấu, một con chim chắn đường báo hung tin. Ông cũng cốc cần và bị giết trong cuộc giáp chiến.



VŨ KỊCH KECAK
Bên cạnh Vũ tuồng Barong, Vũ điệu Legong thường thẩy, môt tuồng kịch khá đặc biệt gọi là Vũ kịch Kecak, từ tượng thanh CAK. Tương tự như trong vở tuồng Wayang Wong (**), cốt truyện lấy từ Kỳ tích Rama tức Ramayana, huyền thoại lớn nhất sau Mahabharata, kể theo phong cách Bali. Được cho là do nhà thơ Valmiki - hẳn nhiên hoang đường - sáng tác, Ramayanaxuất phát từ những yếu tố lịch sử liên quan đến các bất đồng dữ dội trong thời cổ đại, có khi đi đến đánh giết nhau, giữa một quốc vương trên bờ sông Hằng Hà và những bộ tộc trên đảo Tích Lan tức là Sri Lanka ngày nay. Bài trường thi dài 48.000 câu thơ nầy kể lại thành tích của hoàng tử dũng khí Rama (Ramawijaya) vương quốc Ayodya được phú thêm quyền thế ma lực, chồng của công chúa Sita, con vua Janata láng diềng. Đôi vợ chồng mới cưới cùng với hoàng tử Lakshmana, em Rama, vâng lệnh vua cha Dasarata, để giải quyết bất bình gia đình, phải đi sống lưu vong mười bốn năm. Họ vào ở trong một ngôi rừng tình cờ là nơi ngự trị của một đoàn quỷ sứ ăn thịt người Raksasas đứng đầu là vua quỷ hung ác Rawana. Vua quỷ nấy thừa cơ bắt cóc Sita. Để cứu nàng, Rama phải nhờ tướng khỉ Hanuman giúp sức và thành công sum họp vợ chồng.



Nguyên là một điệu múa trong vở Sang Hyang Dedari thường được các cô gái nhỏ biểu diễn. Trong một trạng thái nửa thức nửa tỉnh, các cô này (có thể chỉ hai cô) làm trung gian giữa người và tổ tiên hay thần thánh, như vậy có khả năng chuyển giao và tiếp nhận những điều ước mong. Ngày nay, thay thế các cô gái nhỏ là những thanh niên trên ở trần, dưới quấn sarong, hình dung đoàn khỉ của Hanuman trong vũ điệu Kecak. Dưới ánh sáng mờ nhạt một ngọn lửa Damar kecak, họ ngồi quanh vòng tròn vừa đánh nhịp vừa kêu hô kê xat, kê xat, trong một đội hợp xướng pengecak, tưởng như đoàn khỉ trên đường đi cứu Sita. Chính họa sĩ Walter Spies, một người Đức rất sành nghệ thuật và âm nhạc Bali, hợp tác với nhà nghệ sĩ nhảy múa Nam Dương Wayan Limbak cùng dân cư làng Bedulu khoảng 1930 đã đặt móng cho vũ điệu trên nền tản vở Sang Hyang Dedari. Trong vũ điệu Kecak sáu màn, như trong truyện Ramayana, Parih Marica, cận thần của vua quỷ Rawana, tự biến thành con nai sừng vàng để cho Rama chạy theo săn, cậy em là Laksamana bảo vệ Sita. Marica giả giọng Rama kêu than, Sita bảo Laksamana chạy đi cứu để nàng ở lại một mình. Rawana tiện lúc lại bắt Sita đưa về sào huyệt ở Lengkapura, bay giờ là Tích Lan. Vua khỉ Hanumana được Rama cậy đem lại cho Sita chiếc nhẫn của mình làm tin, nàng nhờ Hanumana đem về Rama một chiếc hoa trắng có nghĩa nàng còn sống và trinh bạch. Trong lúc ẩy, Rama và Laksamana chạy kiếm Sita, gặp con quỷ Meganada biến mũi tên thành con rồng quấn lầy Rama, may nhờ chim Garuda của Víshnu phái đến cứu. Cùng với Hanumana và đoàn khỉ, Rama đi cứu Sita. Màn cuối là cuộc giao chiến giữa đội quỷ sứ rakshasas và đoàn khỉ. Trừ được Rawana, Sita đưa Sita về Ayodya lên nối ngôi cha.



Những điệu múa truyền thống Bali thưòng được biểu diễn đệm theo nhịp một dàn nhạc gọi là gamelan. Dàn nhạc nầy cốt yếu là một bộ nhạc khí gõ: cồng (ageng, kenong, bonang), đàn kim loại (saron, peking, demung, slentem, gender), đàn phiến gỗ (gambang), trống (ciblon, kendang), có khi đàn dây (rebab, lacapi), sáo (suling) và hát hai giọng nam nữ. Thường nhạc công đánh trống kendang được xem như là nhạc trưởng và một cuộc đối thoại diễn ra giữa ông và nghệ sĩ múa tương tự như trong tuồng bóng wayang kulit. Cả bản nhạc gamelan chơi theo chu kỳ : bắt đầu với cồng ageng và cũng chấm dứt với ageng xem như là nhạc khí chính. Có nhiều chuyên gia xem toàn thể gamelan như một nhạc cụ độc nhất. Thật vậy, sau cuộc biểu diễn, nhạc công không đem nhạc khí về nhà tập dượt như trong các dàng nhạc khác. Nhạc khí được xem là thiêng liêng và không ai dám bước qua vì chân được cho là không trong sạch. Cũng vì vậy mà gamelan có mặt trong mọi tế lễ, đám cưới. Về mặt nhạc học, Nam Dương gồm có hai phần: nhạc sunda ơ miền tây Java, nhạc java ở hai miền trung, đông Java và Bali. Cả hai phần đều có chung hai nhạc điệu prelog thất cung (heptatonique) như đàn đá Tây Nguyên của ta và slendro ngủ cung (pentatonique); riêng nhạc sunda có thêm nhạc điệu sorog. Ở Java, thường đàn kim loại saron bắt đầu giai điệu, tiếp theo sau là các nhạc khí kenong, bonang đánh nhịp. Ở Bali, nhạc khí chính gangsa bắt đầu, tiếp theo là những jejogan và cồng đánh nhịp. Nhạc gamelan rất có tiếng trên quốc tế và nhiều nhạc sĩ thế giới đã ghép gamelan vào nhạc của mình. Ở Pháp, ban nhạc Orfeo ở Grenoble đã tậu một cái cồng keybar Bali, toàn một bộ gender đệm tuồng wayang kuli và nhữngđàn tre rondik. Ở Aix-en-Provence, hội Adémuse có mua một bộ gamelan Java và ban nhạc Gamelan Kancil thực hiện những buổi hòa nhạc với các bài hiện đại đặc biệt sáng tác cho loại nhạc ấy. Đầu tháng mười 2012, cả một đoàn múa lớn Bali gồm có nghệ sĩ ba làng Sebatu, Telepud và Kedisan qua biểu diễn nhiều nơi ở Pháp, nhưng hôm tôi đi xem ở Sceaux rất tiếc không có  Vũ tuồng Barong đã có dịp thưởng thức ở Bali. Theo tôi thấy tại chỗ, các điệu múa truyền thống Bali loại nầy có khả năng tồn tại lâu dài.





TUỒNG WAYANG WONG ĐẢO BALI BIỂU DIỄN Ở PARIS
DienDanForum (diendan.org) 1.9.2014


Ngày chủ nhật 2.2,2014, Paris hân hạnh đón tiếp đoàn múa hát nghi lễ Telepud đảo Bali (Indonesia) ở rạp Pleyel. Với 32 diễn viên và nhạc công, dưới quyền điểu khiển của ông bầu Gde Adhi (cải biên Jacques Brunet, Jean Luc Larguier), đoàn chọn lựa biểu diễn đặc biệt hai xuất một đoạn tuồng cổ nhất Bali là Wayang Wong mang tên ‘’Bắt cóc Sita’’ (Enlèvement de Sita). Đối với khán giả người Âu, đây là một món quà quš báu vì những đoàn nghị lễ như đoàn nầy rất hiếm có ở đảo, chỉ tìm ra được ở những làng Bà la môn hẻo lánh. Đây là những nơi còn bảo quản cẩn thận những bản thảo xưa, gọi là lontars, về các huyền thoại, một việc cực kỳ khó khăn ngày nay trước cạnh tranh của du lịch và internet. Các buổi trình diễn rất ngoạn mục, thuần khiết, nhưng đối với những người ở đảo thì đây là cuộc bố trí nghiêm nghị những trang sách được các vị tu sĩ kín đáo giữ gìn, nền tảng của mọi tuồng hát trên đảo. Các cuộc diễn xuất dù là tuồng hát trước công chúng được xem như là những nghi lễ cúng bái các vị thần thánh trong đền thờ. Như vậy, trước mỗi buổi diễn phải có hương đèn cầu khấn, những diễn viên cùng những nhạc công phải theo đúng truyền thống để khỏi làm phật lòng thần thánh là những vị trông nom sự sống còn của làng xóm. Di sản nghệ thuật này dính liền với những hành vi, những tin tưởng đạo giáo chủ yếu có chức năng dâng cúng nhưng tín đồ không buộc luôn phải gò bó trong môi trường thiêng liêng để thoát ra thành một nghệ thuật ly kỳ, lộng lẫy. Vì đồ cúng thần thánh cần phải hoàn hảo, tuồng hát, điệu múa, sáng tác bản nhạc luôn được cải tiến cho đến hoàn thiện, nhưng đồng thời cũng cần phải đáp ứng mỹ quan những nhà sáng tác
Sita
Rama

Vì vậy, nói chung mỗi làng, mỗi phường trong thành phố có kiểu cách của riêng mình từ đấy thường được tổ chức hằng năm những cuộc thi điệu múa, bản nhạc. Trong một xứ gần như độc nhất trên thế giới thời nay hằng ngày sống theo nhịp múa và tính nhạc, không có gì lạ khi nghe khắp làng những tiếng gõ, nhạc cồng, tiếng trống, xập xỏa đệm theo những điệu múa bố trí thanh lịch minh họa bầu trời đầy dẫy thần thánh từ thiện cũng như ma quỷ hung ác. Nhạc điệu chính là phương cách để chinh phục những nhân vật hoang đường này. Dàn nhạc chính thức có tên gamelan cốt yếu là một bộ nhạc khí gõ: cồng (ageng, kenong, bonang), đàn kim loại (saron, peking, demung, slentem, gender), đàn phiến gỗ (gambang), trống (ciblon, kendang), có khi đàn dây (rebab, lacapi), sáo (suling) và hát hai giọng nam nữ. Thường nhạc công đánh trống kendang được xem như là nhạc trưởng. Có nhiều chuyên gia xem toàn thể gamelan như một nhạc cụ độc nhất. Nhạc khí được xem là thiêng liêng và không ai dám bước qua vì chân được cho là không trong sạch. Cũng vì vậy mà gamelan có mặt trong mọi tế lễ, đám cưới. Vai trò dàn nhạc rất quan trọng, không chỉ đệm theo tuồng hát. Khởi phát từ những động tác nhẹ nhàng nhịp điệu của các nhạc công, tiếng nhạc gô, tiếng cồng kim loại thôi thúc liên hồi một nghị lực vừa bản thân, vừa tập thể, có khả năng đưa khán giả vào một trạng thái xúc cảm đồng cốt, từ đó dẫn họ đến một miền vô định, lạc thú. Gamelan làngTelepud đặc biệt thần diệu, có tiếng tăm, có thể xem như là dàn nhạc lịch sử của đảo.

Lakshmana
Peranda

Cùng với Gambuth, tuồng cổ Wayang Wong là mẫu căn bản để phát triển mọi sáng tác về bố trí điệu múa và về dàn cảnh tuồng kịch truyền thống Bali. Cả hai tuồng nầy có thể xem như là sườn cốt nghệ thuật và lš thuyết nhưng không chỉ là một mô hình thẩm mỹ mà còn là một kịch trường trọn vẹn trong ấy tham dự vừa nhạc hát, múa nhại, vừa khúc hát nói, đối thoại nói. Chính trong khuôn khổ những phương cách sum sê dồi dào ấy mà lẫn lộn các màn tình ái mộng mị, các hồi đoạn chiến đấu, các màn xen khôi hài, các cuộc đuổi bắt sống động, .... trong lúc huyền thoại tuần tự diễn biến, tiếp nối nhau những cảnh tượng sôi sục và những phong cảnh nên thơ yên tĩnh. Có những nhân vật tuy không cốt yếu nhưng rÃt có ích là các chú hề: một bên Tuelen, Merdah hai người phục vụ hoàng tử Rama, bên kia Delem, Sangut hai tay sai của vua quỷ Ravana. Nếu những nhân vật chính diễn đạt với một ngôn ngữ chải chuốt trong triều ngày xưa, loại văn chương khó hiểu, ngay cho cả người bản xứ, những vai hề đùa nghịch với nhau, bình phẩm chế nhạo các nhân vật qua lối nói bình dân để cho mọi khán giả có thể theo dõi các cuộc tranh luận. Trong ngành nhạc, họ được xem như là phần đối âm để có thể thấu hiểu diễn biến sự tích. Nghệ thuật kịch câm của họ lên cao đến nổi năm 1936, tay nghề hài kịch nổi tiếng thế giới Charlie Chaplin lại xin cùng ở vài tháng để thấm nhuần tâm tính. 
Dasarata
Subali
Tuồng ‘’Bắt cóc Sita’’ trích từ sử thi Ramayana Ấn Độ, qua cải biên thuật sọạn điệu múa ‘’tuồng hát bóng không bóng’’, là thành công lớn nhất vở Wayang Wong của Bali. Những diễn viên nhảy múa đều mang mặt nạ mà cử chỉ điệu bộ cũng như quần áo trang phục đều phỏng theo những con rối bằng da Wayang kulit. Mặt nạ xác định đẳng cấp của nhân vật : trắng, vàng hay lục cho hàng quý phái, nhăn nhó dễ sợ cho quỷ sứ. Những nhân vật ít có biết diễn đạt tinh tế : người xấu thì thật xấu, người tốt thì thật tốt, nhưng những sự kiện đều là điển hình phong tục tập quán cả vùng. Bản kịch sân khấu luân phiên bài múa, bài ca quanh nhạc điệu gõ gamelan. Hai người thuyết minh, một trai, một gái, diễn mọi vai trò, trực tiếp giải thích sự tích. Ở rạp Pleyel, những lời bình còn được dịch ra tiếng Pháp chiếu cao trên sân khấu. Một tờ chương trình chi tiết từng màn kịch bản được phát cho khán giả. Ramayana, còn gọi Kỳ tích Rama, là huyền thoại lớn nhất sau Mahabharata. Được cho là do nhà thơ Valmiki - hẳn nhiên hoang đường - sáng tác, Ramayana xuất phát từ những yếu tố lịch sử liên quan đến các bất đồng dữ dội trong thời cổ đại, có khi đi đến đánh giết nhau, giữa một quốc vương trên bờ sông Hằng Hà và những bộ tộc trên đảo Tích Lan tức là Sri Lanka ngày nay. Bài trường thi dài 48.000 câu thơ nầy kể lại thành tích của hoàng tử dũng khí Rama (Ramawijaya) vương quốc Ayodya được phú thêm quyền thế ma lực, chồng của công chúa Sita, con vua Janata láng diềng. Đôi vợ chồng mới cưới cùng với hoàng tử Lakshmana, em Rama, vâng lệnh vua cha Dasarata, để giải quyết bất bình gia đình, phải đi sống lưu vong mười bốn năm. Họ vào ở trong một ngôi rừng tình cờ là nơi ngự trị của một đoàn quỷ sứ ăn thịt người Raksasas đứng đầu là vua quỷ hung ác Ravana. Vua quỷ nấy thừa cơ bắt cóc Sita. Để cứu nàng, Rama phải nhờ tướng khỉ Hanuman giúp sức và thành công sum họp vợ chồng. 
Ravana
Hanuman
Sự tích rất dài, kể hết chi tiết phải cần một cuốn sách dày, diễn xuất trọn vẹn cần hơn một trăm giờ. Thường chỉ một đoạn đuợc chọn lưa, tùy theo hoàn cảnh. Ví dụ khi có khô hạn, đoạn được diễn xuất là màn ‘’thoát nước‘’: một người em của Ravana làm nghẽn nguồn suối để cho địch quân thiếu nước, phải bỏ chạy khi đoàn khỉ lại đánh, và nước đuợc tháo ra… Có những màn khác bị cấm không thì cả làng mang vạ bị cháy! Chỉ các trận đánh nhau giữa hai đội quân khỉ và đội quân quỷ với những đòn ma quái khủng khiếp qua lại không ngừng đã là một cảnh tượng khá dài. Đoạn diễn xuất ở Paris điễn hình những màn trình bày trong các đền miếu nhân các buổi tế lễ tôn giáo hay ruộng đất. Trận giao chiến cuối cùng thường dành cho hai thủ lĩnh Rama và Ravana. Nếu Ravana mặt mày dữ tợn, Rama trong trẻo luôn có mặt trong nhà thờ chư thần như là hóa thân của Vishnu. Ramayana trở nên truyền thuyết phổ biến nhất ở Ấn Độ cũng như ở các nước Đông Nam Á. khi văn hóa Ấn Độ trở thành nền tảng những đế quốc Hindu tương lai. Không biết rõ vào thời gian nào văn hoá nầy đã được đem vào quần đảo Nam Dương, người ta đoán khoảng chừng vào thế kỷ IV những sử thi Ramayana và Mahabharata được chuyển qua trộn lẫn với những truyền thuyết địa phương làm thành một di sản riêng biệt Indonesia. Nếu cốt lõi sử thi Ấn Độ vẫn được giữ nguyên, những nhân vật được địa phương hóa: Rama, Sita trở thành một hoàng tử, một cô công chúa Java, trong tuồng này thì là Bali.
Lakshmana hộ tống Sita
Sita muốn bắt con nai Marica

Kịch bản từ lâu không có thay đổi bao lăm. Ở màn đầu, Tuelen và Merdah, hai người phục vụ hoàng tử Rama chuyện trò ở lâu đài Mantila của vua Janaka. Rama và tùy tùng sắp sửa lên đường về Ayodya sau lễ cưới với Sita. Nàng khóc vì Rama ra đi mà không thức nàng dậy. Vua Dasarata và Lakshmana, thân phụ và thân huynh Rama, lại dỗ dành Sita, bảo anh chỉ đi chào vua Janaka. Cả đoàn lên đường, qua rừng gặp ẩn sĩ Ramaprasu, thách thức thi đấu với Rama. Ông đưa ra một cái cung nặng, thách Rama nhất lên. Rama dễ dàng nâng cung rồi hướng mũi tên về Ramaprasu. Sợ quá, ông xin chịu tội và hiến Rama thiên đàng mà Rama trước đã được thần Indra ban cho. Về đến Ayodya, vua Dasarata báo cho Rama biết ông nhường ngôi cho chàng. Màn sau, hai tay sai Delem và Sangut hộ tống vua quỷ Ravana. Ông ra lệnh cho bộ hạ Trisirah, Kara và Dursana giết hết các tu sĩ trong rừng. Trong lúc ấy, vì lỡ hứa với vợ nhưòng ngôi cho Bharata, anh của Rama, vua Dasarata khuyên Rama đem cô vợ Sita và người em Lakshmana lánh vào rừng để tránh xích mích. Gặp con quỹ dữ ăn thịt người Wirada đặc biệt đi với hai tay, hai anh em bắt và xé nó ra. Người gặp sau là Surpanaka, em gái Ravana, đem lòng yêu hai chàng trai trẻ đẹp và muốn quyến dũ, Lakshmana tức giận cắt lỗ tai, cô ta gào thét vì đau, chạy đi mách Ravana. Bên phần ông vua quỷ nấy thì lại muốn chiếm đoạt Sita bèn sai bộ hạ Marica biến thành con nai có sừng vàng lại quyến dũ. Nàng muốn bắt nhưng không được, con nai lại chạy xa, Rama chạyđuổi theo.

Hanuman trao nhẫn cho Sita
Sita trao hoa cho Hanuman

Ra xa, Marica giả giọng Rama kêu cứu, Lakshmana chạy đuổi tiếp. Khi thấy Sita ở lại một mình, Rovana liền giả dạng ẩn sĩ già Peranda đến bắt cóc Sita đem về vương quốc Lanka. Dọc đường, có con chim huyền thoại Garuda Jatayu, bạn của vua Dasarata, muốn cứu nhưng không nổi, lại bị cắt hai cánh rơi nằm xuống đất. Hai anh em Rama và Laksmana không bắt đuợc con nai, trở về thì gặp Jatayu kể cho biết Sita đã bị bắt cóc. Vào lúc ấy đại tướng quân khỉ Hanuman lại cầu cứu giúp vua khỉ Surgriva đang bị anh là Subali tiếm ngôi. Rama giết Subali và Hanuman vâng lời Surgriva cùng đi cứu Sita. Trong lúc ấy, Ravana muốn quyến rũ Sita mà không được. Rama gởi Hanuman mang chiệc nhẫn cưới của mình đi Lanka dò xem Sita ở đâu. Trong rừng, ngồi hóng mát trong một cái động, một phụ nữ đẹp, Swayampraba, mời Hanuman ăn đồ trái và đề nghị hiến tặng quyền lực mầu nhiệm để đi mau tới Lanka với điều kiện là nhắm mắt lại. Bất ngờ cô biến Hanuman thành quỷ Celuluk và bầy khỉ thành bầy quỷ sứ ăn thịt người. May nhờ chim thần Sempati, em của Jatayu, hoá pháp cho phục hồi lại thành khỉ. Sau đó, cả đội quân khỉ tiến đến đảo Lanka nhưng chỉ có Hanuman có phép bay vào gặp Sita bị Rovana giam trong cung điện. Sita rất vui mừng nhận ra chiếc nhẫn cưới và cậy Hanuman mang về Rama một cái hoa. Lập tức, Rama, Lakshmana, Hanuman cũng đội quân khỉ tiến vào tấn công Lanka, đánh bại đoàn quân quỷ sứ và Ravana chịu thua…

Sita và Rama sum họp
Ca khúc khải hoàn

Huyền thoại này, cũng như nhiều truyền thuyết khác, được xem như là cuộc đấu giữa Thiên và Ác, bất phân thắng bại và luôn lặp lại giữa ông hoàng đức hạnh và con quỷ dã man. Kết quả là các đòn ma quái long trời vỡ đất gây ra bảo táp, lụt lội, hạn hán, động đất,... đủ thứ thiên tai tác hại lớn đến sản xuất và đời sống thường xảy ra hằng năm. Sự tích không khác gì chuyện cổ Sơn Tinh Thủy Tinh bên ta. Tuồng Wayang Wong đã từng được ra mắt lần đầu ở Festival d’Avignon năm 1992. Năm 2012, dàn nhạc gamelan Telepud lại cùng đoàn Sebatu qua Phàp biểu diễn ở La quinzaine Biennale de Lyon. Vì là một đoàn hiếm có ở Á Đông đang còn biểu diễn một nghệ thuật xưa xác thực, Bali lại là pháo đài cuối cùng của Hindu giáo ở Indonesia, tôi mừng thầm thấy những chuyên gia nghệ thuật không quên ghi giữ làm tài liệu bản thể một kho tàng văn hóa, một thời đại văn minh. Một cuốn phim vidéo đã được đã được quây hôm biểu diễn 2.2.2014 ở rạp Pleyel, đăng ba tháng trên mạng Cité de la Musique (citedelamusiquelive.tv). Những ảnh minh họa trong bài này rút từ phim ấy và lấy trên internet.

Dàn nhạc gamelan

Thành Xô cuối năm 2014
Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...