Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Những bài hát hay nhất viết về Đà Lạt của ngày xưa

Những bài hát hay nhất
viết về Đà Lạt của ngày xưa

Đà Lạt là xứ sở của tình yêu, của ngàn hoa, là nơi thường được nhớ đến với những buổi sáng sương mù giăng ngang, đường dốc quanh co và những rừng thông trầm mặc, chập chùng mờ khuất trong sương bay.
Nhiều năm về trước, Đà Lạt đã có không khí bồng bềnh phiêu lãng, bàng bạc nên thơ làm ngây ngất lòng người. Có thể nói, mọi thứ ở Đà Lạt đều hiện lên đầy màu sắc lãng mạn, và đã từ lâu xứ sở này đã gợi lên biết bao nhiêu cảm xúc, nỗi niềm với những tao nhân mặc khách từ thập phương ghé đến, trong đó có những người nhạc sĩ tài hoa và đa cảm, và cũng vì vậy mà Đà Lạt cũng là một trong những địa danh đã đi vào trong âm nhạc nhiều nhất.
Xin giới thiệu với các bạn những ca khúc nhạc trữ tình hay nhất viết về Đà Lạt mộng mơ:
Click để nghe video tuyển tập 
các bài hát Đà Lạt thu âm trước 1975
Nhắc đến Đà Lạt, không thể không nhớ đến những ca khúc bất tử của nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là hậu nhân của hoàng tộc, quê quán ở Nha Trang, nhưng nhạc sĩ Minh Kỳ đã có mối duyên kỳ lạ với xứ sở ngàn hoa và ngàn thông Đà Lạt. Trong những lần làm lữ khách tại đây, ông đã bị quyến rũ với cảnh thơ mộng của những triền dốc, những đồi thông và con suối, trở thành nguồn thơ to lớn sáng tác ba nhạc phẩm bất tử: Đà Lạt Hoàng Hôn, Má Hồng Đà Lạt và Thương Về Miền Đất Lạnh. Đặc biệt, cả ba ca khúc này đều được một người con nổi tiếng của Đà Lạt hát trước 1975: Ca sĩ Thanh Tuyền.
Đà Lạt Hoàng Hôn (Minh Kỳ - Dạ Cầm)
Bài hát này được nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác chung với nhạc sĩ Anh Bằng trong nhóm Lê Minh Bằng và ký với bút hiệu là Minh Kỳ - Dạ Cầm. Suốt hơn nửa thể kỷ qua, Đà Lạt Hoàng Hôn luôn được xem là bài nhạc vàng tiêu biểu nhất viết về Đà Lạt.
Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ
Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ
Từng đôi đi trên phố vắng
Bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm.
Đà Lạt là xứ sở của tình yêu, nên luôn luôn không thể thiếu bóng dáng những đôi tình nhân trên phố vắng, nhẹ nhàng dìu nhau từng bước êm đềm trong màn sương phủ kín. Họ đi bên nhau thật khẽ khàng, vì không muốn làm khuấy động cái không khí lãng đãng mê hoặc đó: Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường…
Click để nghe Thanh Tuyền hát 
Đà Lạt Hoàng Hôn trước 1975
Thương Về Miền Đất Lạnh (Minh Kỳ - Dạ Cầm)
Cũng giống như bài Đà Lạt Hoàng Hôn, ca khúc này của Minh Kỳ và Anh Bằng cùng sáng tác và ký bút hiệu Minh Kỳ - Dạ Cầm.
Bài hát có giai điệu như là một dòng suối tuôn chảy nhẹ nhàng đi vào lòng người, với những hình ảnh đặc trưng của xứ lạnh đã làm mê hoặc lòng người lữ thứ. Đà Lạt không chỉ là vùng đất của hoa, của tình yêu, mà còn là vùng đất của bao nhiêu ước mơ, vì khung cảnh tuyệt vời làm cho người ta như bước vào một cõi mộng, với sương lam nhẹ rơi ngang đầu, với chim ca ngàn lời ở cạnh bên, nghe như là đang ở một vùng tiên cảnh xa vời, là nơi hẹn hò lý tưởng của những tình nhân khắp chốn:
Tôi nhớ Đà Lạt mơ ru lòng người lữ thứ với bao nhiêu ước mơ.
Lưu luyến Đà Lạt thơ
khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa.
Dọc ghềnh suối đá lá chen hoa đẹp tươi
với sương lam nhẹ rơi với chim ca ngàn lời.
Thác ngàn là nơi hẹn hò
của giai nhân đón ai trong ngày vui.
Click để nghe Thanh Tuyền hát 
Thương Về Miền Đất Lạnh trước 1975
Má Hồng Đà Lạt (Minh Kỳ - Lan Anh)
Bài hát này cũng được nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác khi hợp tác cùng trong nhóm Lê Minh Bằng và ký bút hiệu là Minh Kỳ - Lan Anh.
Những người con gái Đà Lạt luôn có nét đẹp đặc trưng và riêng biệt so với các nơi khác, đó là đôi má luôn ửng hồng, mái tóc dài thường đẫm ướt trong sương.
Đà Lạt lắm sương mù phải không hỡi cô em má hồng
Đẹp như ti gôn vừa nở
Đà Lạt lắm hoa rừng phải không
Lối đi xinh tươi vô cùng, rất đẹp là lúc hoàng hôn…
Click để nghe Thanh Tuyền hát 
Má Hồng Đà Lạt trước 1975
Bên cạnh nhạc sĩ Minh Kỳ, thì nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người sáng tác nhiều ca khúc về Đà Lạt nhất. Người nhạc sĩ sinh quán ở xứ Nghệ này đã có thời gian dài gắn bó, sinh sống và làm việc ở Đà Lạt, nên ông đã ca tụng vùng đất này bằng 4 bài hát: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào, Hoa Đào Ngày Xưa và Đà Lạt Mưa Bay, trong đó nổi tiếng nhất là Ai Lên Xứ Hoa Đào.
Ai Lên Xứ Hoa Đào (Hoàng Nguyên)
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ.
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Hồ Xuân Hương như là một điểm nhấn của xứ Đà Lạt mà hầu như du khách nào đến cùng dừng chân bên hồ để nghe lòng mình cũng phẳng lặng êm đềm giống như là mặt nước. Khi chiều xuống, hơi lạnh từ lòng hồ làm cho du khách tận hưởng cái giá lạnh của miền cao nguyên. Chiều Xuân mây êm trôi trên cao soi bóng dưới mặt hồ, Xuân đi vào trong mắt biếc cho hồn lữ khách dạt dào muôn ý thơ. Đà Lạt đẹp như thơ khiến ai đến lần đầu cũng ngất ngây như lạc vào mộng Đào Nguyên thuở nào…
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người rất hâm mộ nhạc sĩ Văn Cao, yêu thích ca khúc Thiên Thai, nên chắc hẳn những hình ảnh về một cõi thiên thai “Đào Nguyên” có hai chàng Lưu Nguyễn lạc bước trong nhạc của Văn Cao đã ảnh hưởng đến nhạc Hoàng Nguyên, và ông đã nhắc đến một cõi Đào Nguyên tuyệt đẹp khác có thực ở ngay xứ Đà Lạt mà ông đang sinh sống.
Click để nghe Hà Thanh hát 
Ai Lên Xứ Hoa Đào trước 1975
Sau đây là những bài nhạc Đà Lạt khác của nhạc sĩ Hoàng Nguyên:
Click để nghe Thanh Lan hát 
Bài Thơ Hoa Đào trước 1975
Đà Lạt Mưa Bay (Hoàng Nguyên)
Click để nghe Thanh Lan hát 
Đà Lạt Mưa Bay trước 1975
Thành Phố Buồn (Lam Phương)
Một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương nói riêng, và của cả dòng nhạc vàng nói chung, tuy không có chữ nào nhắc đến tên Đà Lạt, nhưng khi nghe bài hát này thì ai cũng thấy hình bóng của xứ sở sương mù tràn ngập trong đó.
Hoàn cảnh sáng tác của bài Thành Phố Buồn được chính nhạc sĩ kể lại rằng trong một lần đi công tác trên Đà Lạt mà không có người yêu đi cùng, ông chạnh nhớ về kỷ niệm xưa, nhớ lại những lần từng hẹn hò cùng người yêu ở thành phố sương mù này. Vào một buổi chiều, khi đồng nghiệp đã ra ngoài ăn cơm, một mình nhạc sĩ Lam Phương ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống thung lũng, phong cảnh hữu tình làm ông tha thiết nhớ người yêu và có cảm xúc để viết thành ca khúc:
“Thành phố buồn nhớ không em
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm…
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”.
Nhạc sĩ Lam Phương cũng cho biết rằng cái cớ nhớ người yêu chỉ là một trong những yếu tố cảm xúc, lý do chính tạo nên cảm hứng của sáng tác Thành Phố Buồn là ông gặp được phong cảnh nên thơ lãng mạn của thành phố sương mù, rồi tưởng tượng thêm những hình ảnh về một đôi tình nhân quỳ trong góc giáo đường, xa cách nhau vì nàng trốn phong ba để làm dâu nhà người.
Click để nghe Chế Linh hát 
Thành Phố Buồn trước 1975
Về Thăm Xứ Lạnh (Hùng Cường)
Trong tất cả các bài nhạc vàng đã viết về Đà Lạt nhắc tới trong bài viết này, thì Về Thăm Xứ Lạnh của ca sĩ - nhạc sĩ Hùng Cường được ra đời đầu tiên, từ thập niên 1950. Đó là thời gian mà người nghệ sĩ đa tài bậc nhất của làng nghệ thuật miền Nam là Hùng Cường đã thường xuyên trốn gia đình để lên xứ lạnh thăm người yêu bé nhỏ mới 16-17 tuổi, cũng là người vợ của ông sau đó.
Đà Lạt mơ, mơ người em nắng lên rồi
Vai nặng vai chiếc gánh bên đồi
Nhìn đôi môi son thắm em còn tươi.
Đà Lạt ơi, sương buồn thắm ướt trên hàng mi
Ai cười nhớ đến câu biệt ly
Lòng du khách ngập ngừng đi
Click để nghe Hùng Cường hát 
Về Thăm Xứ Lạnh trước 1975
Tình Yêu Như Bóng Mây (Song Ngọc)
Nhắc đến nhạc sĩ Song Ngọc, người ta thường nhớ đến nhiều ca khúc nhạc vàng đại chúng, hoặc là những bài nói về tâm sự của người lính. Trong sự nghiệp sáng tác đa dạng và phong phú về giai điệu lẫn thể loại của mình, nhạc sĩ Song Ngọc còn có những bài tình ca rất êm đềm và lãng mạn, từ bài hát đầu tay là Mưa Chiều, sau đó là Tiễn Đưa, và bài hát viết về Đà Lạt là Tình Yêu Như Bóng Mây.
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho anh
Ngàn thông buồn chiều nay im tiếng
Ngôi giáo đường lặng đứng suy tư
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Đồi núi buồn xin gởi lại cho anh
Và con đường mù sương giăng mắc
Hai đứa hôm nào lạnh buốt trong tình yêu…
Bài hát này là những cảm xúc thật sự của nhạc sĩ Song Ngọc khi ông đang thụ huấn khóa CTCT vào năm 1971. Đó là thời gian sắp mãn khóa, quân trường tổ chức cho các môn sinh một chuyến đi thực tế kết hợp nghỉ ngơi ở Đà Lạt. Nhạc sĩ Song Ngọc nói rằng những hình ảnh như là “ngàn thông”, “giáo đường” và “con đường mù sương” làm cho đôi lứa lạnh buốt trong tình yêu… được nhắc đến trong bài hát đều hiện hữu thật sự trong một cuộc tình buồn ở xứ sở sương mù của chính ông, trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại đây.
Bài hát này được Khánh Ly trình bày thành công nhất, và Khánh Ly cũng là người đã có thời gian gắn bó với Đà Lạt:
Click để nghe Khánh Ly hát 
Tình Yêu Như Bóng Mây trước 1975
Thung Lũng Hồng (Phạm Mạnh Cương)
Một trong những hình ảnh đặc trưng nhất của xứ lạnh Đà Lạt là có những thung lũng trùng điệp, với bạt ngàn rừng thông xanh ngát, hoặc có những thung lũng có đầy hoa, đầy cỏ, đầy nắng và gió, được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương gọi là Thung Lũng Hồng:
Gọi gió lên thung lũng hồng, mây trôi bềnh bồng.
Hạt nắng lung linh tím dần, mông mênh thu vàng.
Click để nghe Khánh Ly hát 
Thung Lũng Hồng trước 1975
Hoài Thu (Văn Trí)
Bài hát Hoài Thu của nhạc sĩ Văn Trí được sáng tác dựa trên bài tùy bút của thi sĩ Đinh Hùng mang tên là Cảm Thu đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940.
Bài hát này đã lừng danh một thuở qua giọng hát Thanh Thúy, tiếng hát liêu trai đó đã đặc tả được những trời mây lãng đãng, bàng bạc sương giăng của một Đà Lạt của những ngày rất xưa cũ.
Đó là một vùng bạt ngàn thông reo, có bầy nai ngơ ngác ở trong rừng vắng lạnh, và từng thu đến được ngắm nhìn lá rơi vàng trải thảm lối đi, cảnh vật dễ làm lòng người đắm say và lâng lâng, luyến lưu không muốn rời:
Mùa thu năm ấy
Trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Thác ngàn nước bạc thiên nhiên
Chạnh lòng tôi thấy
Lá vàng rơi nhẹ say mơ
Trong rừng thu đẹp nên thơ
Lưng trời đàn chim bơ vơ
Mùa thu năm nay
Tôi lại thấy lòng lâng lâng
Khi nhịp bước nhẹ đôi chân
Trong rừng vắng lạnh bâng khuâng
Bầy nai ngơ ngác
Lá vàng rơi đầy miên man
Trên bờ cỏ rộng thênh thang
Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng
Click để nghe Thanh Thúy 
hát Hoài Thu trước 1975
Giã Từ Đà Lạt (Duy Khánh)
Ca sĩ - nhạc sĩ Duy Khánh có thể xem là tên tuổi lớn nhất của dòng nhạc vàng. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp sáng tác của mình để viết về xứ Huế, còn riêng về Đà Lạt, ông cũng đóng góp một ca khúc nổi tiếng là Giã Từ Đà Lạt, nổi tiếng qua giọng hát Hồng Vân trước 1975.
Click để nghe Hồng Vân hát 
Giã Từ Đà Lạt trước 1975
Đà Lạt ơi, thôi giã từ em nhé
Ôi Lâm Viên, ôi thác cao, đồi xa
Ôi thông reo, ôi suối Vàng run rẩy
Có nghe ước thề hẹn về trong bước ai đi?
Đà Lạt ơi, thôi giã từ em nhé
Ôi Cam Ly, ôi Ái Ân rừng thơ
Ai bơ vơ nghe tiếng buồn than thở
Có ai cách trở mộng về mai thắm duyên mơ…
Mimosa (Trường Hải)
Ngoài mai anh đào, thì mimosa là đặc trưng của xứ Đà Lạt. Loài hoa vàng này mang một nét đẹp rất mong manh, hương thơm nhẹ nhàng, lưu luyến, để lại ấn tượng khó quên đối với du khách Đà Lạt.
Mùa hoa Mimosa nở là vào mùa thu hoặc đầu đông, khi những cơn mưa vùng cao nguyên đã dần ngớt. Hoa có thể nở hết trong mùa đông và tàn khi xuân đến. Khi đó sắc vàng của Mimosa mùa đông sẽ nhường lại cho sắc hồng của mai anh đào mùa xuân. Vì vậy trong bài hát Mimosa, nhạc sĩ Trường Hải đã viết:
Tình yêu đắm say nào có ai ngờ
Mộng vỡ khi xuân vừa sang…
Xuân đi để nhớ cho ai một trời, một trời vấn vương,
Mà cánh hoa tàn làm vỡ tan bao mộng đời…
Click để nghe Nhật Thiên Lan 
hát Mimosa trước 1975
Thành Phố Sương Mù (Huỳnh Anh)
Trong những bài hát về Đà Lạt nhắc tới trong bài viết này thì Thành Phố Sương Mù là ca khúc duy nhất được sáng tác sau năm 1975, và là một trong hai ca khúc hiếm hoi được nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác sau năm 1975 (bài còn lại là Rừng Lá Thay Chưa).
Bài hát này được ca sĩ Như Quỳnh giới thiệu lần đầu vào năm 2000 trong Paris By Night 54, mời các bạn xem lại MV sau đây:
Click để nghe Như Quỳnh hát 
Thành Phố Sương Mù
Thành phố sương mù, mưa mùa chớm thu
Trời mây xanh nhạt màu, ôi buồn sao!
Tôi hay lang thang đường phố nhỏ quán đìu hiu
Một mình đêm đêm tìm về
Một người bỏ quên thành phố.
22/3/2021
Đông Kha
Theo https://nhacxua.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...