Giải
nghĩa câu chữ trong
các bài nhạc vàng nổi tiếng
1) Nhạc vàng là những
bài hát đã được sáng tác khoảng trên 50 năm, nên có những câu chữ, những nội
dung được sử dụng vào thời điểm đó mà thế hệ sau không hiểu được. Bài viết này
sẽ giải thích một số chữ và câu từ trong các bài nhạc vàng nổi tiếng. Khi hiểu
được trọn vẹn nội dung bài hát, người nghe nhạc sẽ cảm thấy hay hơn, người hát
cũng sẽ hát hay hơn.
Người yêu tôi tôi mới quen mà thôi
lúc dừng quân trên
vùng vừa tiếp thu… Đó là câu hát trong bài hát nổi tiếng Biển Mặn của nhạc sĩ
Trần Thiện Thanh, là người sinh trưởng ở vùng biển Phan Thiết. Với thế hệ trẻ
sau này, ít người biết ý nghĩa của chữ “tiếp thu” trong câu này là gì. Việc “tiếp
thu” trên chiến trường có hai trường hợp, đó là đơn vị A tiếp thu “vùng hành
quân” từ đơn vị B vừa rời đi nơi khác. Hoặc là đơn bị quân đội chiếm lại vùng bị
địch chiếm giữ trước đó. Theo ý nghĩa của bài hát Biển Mặn, anh lính đã quen với
người yêu lúc dừng quân trên vùng tiếp thu, nên có thể là trường hợp 1: đơn vị
A tiếp thu vùng từ đơn vị B. Còn trường hợp thứ 2 liên quan đến việc giao tranh
ác liệt tranh giành lãnh thổ nên khó có thể “làm quen với người yêu” được.
Trong thời chiến, các đơn vị hành quân thường theo cấp đại đội hoặc tiểu đoàn,
tùy vào mục đích hành quân như bình định, tái chiếm, truy quét hoặc các hoạt động
an sinh, huấn luyện. Ở các vùng hành quân, ngoài quân cơ hữu thường trực thì
luôn có những quân đến và đi tùy theo công việc của họ. Đơn vị nào mới đến thì
“tiếp thu” vùng hành quân của đơn vị trước đó. Theo lời bài hát Biển Mặn, rất
có thể người lính trong bài thuộc binh chủng bộ binh ở vùng biển Phan Thiết,
thuộc sư đoàn 23 bộ binh.
Ba tháng - sáu tháng - chín tháng quân trường
Bộ ba
bài hát quân trường, đó là Ba Tháng Quân Trường (Hoài Nam), Sáu Tháng Quân Trường
(Khánh Băng) và Chín Tháng Quân Trường (Hoài Nam) rất quen thuộc với người yêu
nhạc vàng. Tuy nhiên có thể sẽ có người không phân biệt được các cấp độ của
3,6,9 tháng huấn luyện trong quân trường. Đó là ba mốc thời gian phổ biến của
huấn luyện quân đội: cấp cơ sở (3 tháng), hạ sĩ quan (6 tháng), sĩ quan trừ bị
(9 tháng), ngoài ra còn có cấp độ huấn luyện sĩ quan cấp cao hơn thì có thời
gian dài hơn. Quân trường huấn luyện tân binh lớn nhất với thời gian 3 tháng là
Quân Trường Quang Trung, chuyên đào tạo và huấn luyện tới 80% các binh sĩ tình
nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng. Trong bài hát
Ba Tháng Quân Trường có câu hát: Hỡi Quang Trung đôi ta cùng nhau, nguyện dù đường
đời mỗi đứa cách một nơi…
Trong bài hát Sáu Tháng Quân Trường có nhắc tới hai quân trường nổi tiếng nhất thời đó là Quang Trung và Đồng Đế. Trường Đồng Đế
chuyên đào tạo cấp bậc hạ sĩ quan, được nhắc đến trong hai bài hát nổi tiếng của
nhạc sĩ Khánh Băng là Giờ Này Anh Ở Đâu và Sáu Tháng Quân Trường:
Đồng Đế nắng
mưa thao trường…
… Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí
nam nhi…
Bài hát Sáu Tháng Quân Trường cũng nhắc đến ba tháng quân trường Quang
Trung, cộng thêm ba tháng huấn luyện tác chiến chuyên môn ở Đồng Đế, tổng cộng
là sáu tháng quân trường như tựa đề bài hát. Bài hát quân trường nổi tiếng nhất
trong ba bài là Chín Tháng Quân Trường với những câu hát như sau:
Cuộc liên hoan
nửa khuya sắp tàn
Mà sao tình mình thêm chứa chan
Xiết tay nhau mến
trao lần cuối
Viết cho nhau những dòng lưu niệm
Của những ngày
trong quân trường mình sống yêu thương
Qua chín tháng phong sương. Bài
hát cũng nhắc đến việc “gắn trên vai chiếc lon chuẩn úy”, tức là đào tạo chín tháng trở thành sĩ quan. Có thể đó là trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, thời gian
đào tạo 8-9 tháng, tốt nghiệp Chuẩn Úy Trừ Bị. Có hai khái niệm trong hàm sĩ
quan là Trừ Bị và Hiện Dịch. Ngạch sĩ quan trừ bị trên lý thuyết là sĩ quan được
động viên đi quân dịch trong một thời gian ấn định, mãn hạn động viên sẽ trở về
dân sự. Khác với ngạch sĩ quan hiện dịch, là tình nguyện tham gia quân đội, lấy
binh nghiệp là nghề nghiệp suốt đời. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều người
thi xong tú tài thì tình nguyện vào trường Trừ Bị Thủ Đức luôn, và từ đó cuộc đời
của họ đã gắn liền với binh nghiệp. Các tướng lãnh nổi tiếng xuất thân từ trường
Trù Bị là Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Ngọc Loan… Từ Ca bê xê giá
lạnh rừng sâu…
Bài hát Viết Từ KBC của nhóm Lê Minh Bằng nói về tâm trạng của một
người lính thương nhớ người yêu, với những suy nghĩ về đời lính, về tương lai…
Chữ KBC, theo nhiều người đã biết, đó là viết tắt của Khu Bưu Chính, là trạm
trung chuyển thư từ trong quân đội miền Nam. Đó là địa chỉ để liên lạc thư từ
giữa người nơi chiến trận và người ở hậu phương, nên chứa đựng tất cả tâm tình
của cả một thế hệ. Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền…
Bưng biền là
một từ cũ, hiện ít được sử dụng nên sẽ có một số khán giả trẻ không biết ý
nghĩa của chữ này có nghĩa là vùng lầy lội, ngập nước thường thấy ở các vùng
Tây Nam Bộ. Trong bài hát Căn Nhà Màu Tím của nhạc sĩ Hoài Linh, hình ảnh người
lính gian lao với bưng biền quanh năm, gợi nhớ lại một câu hát tương tự là: lội
bùn dơ băng lau lách xuyên đêm… (Sương Trắng Miền Quê Ngoại)
Giày xô tôi đi…
Trong bài hát Thành Phố Sau Lưng của nhạc sĩ Hàn Châu có câu hát: Giày xô
tôi đi, hằn trên lá cỏ…
Chắc chắn là giày không thể “xô” người lính rồi, “xô”
thực chất là “sault”, ghi đầy đủ là giày Botte De Sault, là loại giày cao cổ được
dùng trong quân đội mà người ta thường thấy ở binh sĩ miền Nam (bộ đội miền Bắc
thường mang dép râu). Pông xô buồn liệm kín hồn anh…
Poncho là một loại áo mưa
nhà binh được dùng khi hành quân rất tiện dụng. Nó có thể che mưa, che nắng, mắc
thành lều, làm chiếu, làm võng, làm phao di chuyển trên sông… và trở thành một
loại áo quan phủ kín người lính nằm xuống, như trong bài hát Kỷ Vật Cho Em của
nhạc sĩ Phạm Duy (phổ từ bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của thi sĩ Linh
Phương):
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh… Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng có một bài hát rất hay về đời quân ngũ là Mưa Trên
Poncho. Rừng Lá Thấp
Từ trước đến nay, có nhiều cách giải thích cho tên gọi của
bài hát Rừng Lá Thấp. Bài hát này viết về những người lính TQLC ở trận cầu Bình
Lợi. Màu áo và màu nón của anh lính này vốn là màu xanh lá rừng để ngụy trang.
Một đội quân như vậy khi xung trận sẽ nhìn giống như một cánh rừng, tác giả Trần
Thiện Thanh đã gọi đội quân đó là rừng lá thấp, không phải là rừng có lá ở trên
cao như bình thường.
2) Sau khi viết phần 1 của loạt bài viết
giải nghĩa một số câu chữ có thể gây khó hiểu trong các bài hát nhạc vàng nổi
tiếng, được độc giả yêu cầu, người viết tiếp tục phần 2 của chủ đề này. Nhạc Vàng là những bài hát đã được sáng tác khoảng trên 50 năm, nên có những
câu chữ, những nội dung được sử dụng vào thời điểm đó mà thế hệ sau không hiểu
được. Bài viết này sẽ giải thích một số chữ và câu từ trong các bài nhạc vàng nổi
tiếng. Khi hiểu được trọn vẹn nội dung bài hát, người nghe nhạc sẽ cảm thấy hay
hơn, người hát cũng sẽ hát hay hơn.
… qua phên vênh có bao mái đầu…
Xóm Đêm là một
ca khúc có giai điệu bolero hiếm hoi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tuy là nhạc
bolero nhưng màu sắc của bài hát khác hẳn với những ca khúc giai điệu bolero mà
người ta hình dung. Bài hát này được sáng tác từ đầu thập niên 1950 và nổi tiếng
qua giọng ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long (có sự góp giọng của chính
tác giả). Đến nửa thế kỷ sau, khi ca sĩ Quang Dũng cover lại bài Xóm Đêm hồi đầu
thập niên 2000, bài hát đã tạo thành một cơn sốt trong giới thưởng ngoạn, ở thời
điểm nhạc trẻ đang làm mưa làm gió. Những khán giả trẻ lúc đó đã ngơ ngác không
biết nhạc sĩ Phạm Đình Chương là “nhạc sĩ trẻ” nào mà lại có một bài hát xuất sắc
như vậy. Giá trị của một bài hát được khẳng định xuyên thế kỷ, xứng đáng với
tên gọi là ca khúc vượt thời gian. Tuy nhiên khán giả thế hệ sau sẽ không thể
nào hình dung được hình ảnh một xóm nghèo thời thập niên 1950 như thế nào, thế
nào là “đêm khuya ngõ xâu”, “ánh điện câu” và “phên vênh” là gì. Ca sĩ Quang
Dũng đã hát sai câu hát “qua phên vênh có bao mái đầu” thành “qua chênh vênh có
bao mái đầu”, làm cho câu hát trở thành tối nghĩa. “Phên” là tấm che được đan bằng
tre, những nhà nghèo thời những năm 1950 ở một xóm nhỏ nghèo, nhiều vách nhà được
che bằng tấm phên (còn gọi là nhà vách nứa), lâu ngày mưa nắng làm tấm phên bị
cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe “phên bị vênh” ấy, thấy
có những mái đầu trong một gia đình đông con chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng
ánh điện câu”. Đêm khuya ngõ sâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu hắt
hiu vàng ánh điện câu.
Câu hát đắt giá này có tới ba chi tiết có thể gây khó hiểu
cho khán giả trẻ. Nhiều người tưởng là “ngõ sâu”, nhưng thực chất là “ngõ xâu”,
là câu hát ngắn gọn mô tả những ngõ hẻm trong xóm nghèo đan xâu chằng chịt vào
nhau. Bấy giờ có khi cả xóm mới có một công tơ điện, mỗi nhà chỉ câu nhờ một
bóng đèn vàng võ hắt hiu, nên tác giả gọi là “ánh điện câu”.
“Dây tử thần không
làm sờn chí nam nhi”
Trong bài hát Sáu Tháng Quân Trường của nhạc sĩ Khánh
Băng, mô tả thao trường Đồng Đế có câu hát:
Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ,
dây
tử thần không làm sờn chí nam nhi…
Trong các quân trường huấn luyện gian khổ,
thường có nhiều cái được gọi là “dây tử thần”, đó có thể là dây thép gai, đu
dây vượt suối, đi thăng bằng dây trên cao…
Tuy nhiên theo những người đã từng
được huấn luyện ở quân trường Đồng Đế, thì Dây Tử Thần là một đoạn dây cáp dài
khoảng 1000m, nối từ hai ngọn tháp trên hai quả đồi không cao lắm. Khoảng cách
giữa hai ngọn đồi có một cái hồ nước đường kính khoảng 12m. Hai bên bờ hồ theo
chiều của dây cáp có đổ cát, mỗi bên dài khoảng 15m. Các tân binh tập luyện bằng
cách nắm cái ròng rọc cho chặt rồi co giò phóng ra. Ròng rọc sẽ di chuyển trên
sợi dây cáp theo sức nặng của người và độ nghiêng của dây cáp, có thể đi với tốc
độ rất nhanh. Khóa sinh đu người tòng teng và buông tay nắm cái ròng rọc cho
thân mình rớt xuống hồ nước ở thế 90 độ của thân mình. Nếu buông tay không đúng
lúc thì sẽ bị rớt vô mặt đất, có đá lởm chởm, hay rớt vô vùng cát, sẽ được xe cứu
thương đậu chờ sẵn để… chở đi, tùy theo tình trạng chấn thương. Nếu buông tay
đúng lúc nhưng lại buông không đúng tư thế, ngực sẽ bị vỗ xuống mặt nước, miệng
sẽ ứa ma’u hoặc không thở nổi. Có một nhóm cấp cứu ngồi chờ ở gần hồ nước để vớt
lên, làm hô hấp nhân tạo. Khóa sinh xếp hàng để từng người đi lên ngọn tháp. Có
một sĩ quan Huấn luyện viên phụ trách đứng ở đó.
Dây Tử Thần chỉ là một trong
vô số công cụ huấn luyện cho tân binh chuẩn bị tiến vào chiến trường còn gian
truân hơn hàng ngàn lần. … Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về…
Chế
độ miền Nam tồn tại tròm trèm 20 năm (1955-1975), tuy nhiên từ thập niên 1960
và đầu thập niên 1970, đã có nhiều nhạc sĩ viết về cái mốc 20 năm chiến tranh.
Có một điều lạ là, khi họ viết các bài đó, cái mốc lịch sử 1975 chưa tới, vậy
20 năm là thời gian nào?
Chắc chắn đó không phải là mốc 1955-1975, đó là một
quãng thời gian áng chừng của cuộc chiến. Thập niên 1960, chiến tranh đã lan rộng,
cuộc chiến không phải bắt đầu từ những năm 1954-1955 mà đã bắt đầu từ trước đó
rất lâu, từ thập niên 1940, cho đến thập niên 1960, cuộc chiến đã trải qua hơn
20 năm. Vì vậy nhạc sĩ Duy Khánh mới viết rằng: “hơn 20 năm chinh chiến điêu
tàn, đau xót vô vàn…” trong bài “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê” sáng tác vào khoảng
năm 1965-1966. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng nói “hơn 20 năm” trong bài hát “Ngoại Ô Buồn”
sáng tác vào khoảng năm 1967 như sau: “Hơn hai mươi năm lửa binh tàn phá vùng
ngoại ô lắm khổ đau…”
Còn nhiều bài hát khác nhắc về mốc 20 năm:
Hai mươi năm
qua, lau mắt cho khô đi lệ nhòa… (Những Chuyện Tình Mong Manh - Mai Văn Hiền)
Mẹ
Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về… (Tám Điệp Khúc - Anh Việt Thu)
Hai mươi năm nội chiến từng ngày… (Gia Tài Của Mẹ - Trịnh Công Sơn)
Hai mươi
năm sau, đón đợi thu vào tầm tay… (Rồi 20 Năm Sau - Trầm Tử Thiêng và Tấn
An)
7000 đêm góp lại - Trầm Tử Thiêng (7000 đêm, nếu nhân chia cộng trừ ra thì
là bằng đúng 20 năm)
… Hai mươi năm cũng là cái mốc của một đời người: Tuổi 20
của thanh xuân, của thời trai trẻ, là cái tuổi để trưởng thành. Đó cũng là ý
nghĩa trong hai bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là “Rồi 20 Năm Sau” và “7000
Đêm Góp Lại”.
Người mẹ 20 tuổi trong bài hát “Rồi 20 Năm Sau” ru đứa con trai
ngủ, đón đợi 20 năm sau đó (rồi con lớn khôn 20 tuổi đời như mẹ ngày nay…), người
con sẽ nối tiếp cha để “vui lên đường”. Với bài hát “7000 Đêm Góp Lại”, 7000 đêm
là hai mươi năm để những người trai thành sử rạng ngời và những người em
thấm ngọt son môi. Qua 7000 đêm, họ sẽ trưởng thành:
Bảy ngàn đêm ta biết yêu rồi.
Em về với người, cho chị thêm vui.
Anh lớn khôn rồi, anh ra chiến trường cho mẹ
anh thương.
3) Nối tiếp phần 1 và phần 2 của loạt bài viết giải nghĩa những
câu chữ trong nhạc vàng có thể gây khó hiểu cho người nghe nhạc, ở phần 3 này,
xin được dành trọn bài viết cho một câu hát trong bài hát bất hủ: Một Chuyến
Bay Đêm. … Đường Minh Đế nhàn du thăm tinh cầu…
Bài hát Một Chuyến Bay Đêm của hai nhạc sĩ
Song Ngọc và Hoài Linh là một trong nhiều bài hát viết về người lính phi công, ca
khúc này nổi tiếng qua tiếng hát Thanh Thúy. Chồng của ca sĩ Thanh Thúy
cũng là một phi công, nên có thể nói Thanh Thúy là người trình bày thành công
nhất bài hát này. Danh ca được mệnh danh “tiếng hát liêu trai” là người hiểu rõ
nhất tâm trạng của một người vợ phải nguyện cầu khi có người chồng là phi công
phải xuất kích hàng đêm, vì vậy mà cô hát đầy cảm xúc. Bài hát này được Song Ngọc
sáng tác nhạc và Hoài Linh viết phần lời. Nhạc sĩ Hoài Linh là người được người
đời ca tụng là người đặt lời ca hay nhất. Những bài hát do ông sáng tác hoặc đặt
lời ca luôn đậm chất thơ, lãng mạn, vì vậy mà có rất nhiều nhạc sĩ khác, dù rất
nổi tiếng nhưng vẫn nhờ Hoài Linh đặt lời giúp trong một vài bài hát, như nhạc
sĩ Minh Kỳ với Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Sầu
Tím Thiệp Hồng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền với Chuyện Đêm Mưa, nhạc sĩ Mạnh Phát với Về
Đâu Mái Tóc Người Thương và nhạc sĩ Song Ngọc với Chúng Mình Ba Đứa, Thiệp Hồng
Anh Viết Tên Em, Một Chuyến Bay Đêm.
Với bài Một Chuyến Bay Đêm, đây không chỉ
là một lời bài hát nhạc vàng thuần túy mà nó còn phản phất chất thần thoại
Trung Hoa và bàng bạc nhân sinh quan (theo lời của Hoài Nam SBS Úc Châu), đặc
biệt là qua câu hát “Đường Minh Đế nhàn dù thăm tinh cầu”.
Hồi hai mươi năm trước,
khi lần đầu nghe Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm, người viết đã không hiểu “đường
minh đế” nghĩa là gì, tưởng là “đường mình đến”. Nhưng nếu như vậy thì câu hát
trở thành vô nghĩa nếu ghép với mấy chữ sau đó là “nhàn du thăm tinh cầu”. Sau
này, khi tìm hiểu lời gốc, thì lời chính xác là “Đường Minh Đế (viết hoa) nhàn
du thăm tinh cầu…”. Trong tờ nhạc gốc phát hành trước 1975, chữ “Đường” viết
hoa, chứ không phải là “đường” trong chữ con đường. Từ trước đến nay, không có
con đường nào tên là Minh Đế ở Việt Nam.
“Đường Minh Đế” là một tên khác của Đường
Minh Hoàng, vị vua vong quốc nổi tiếng của Trung Hoa, u mê vì tình nên dẫn đến
loạn An Lộc Sơn.
Câu hát này có nghĩa là người phi công bay giữa bầu trời đêm
mà tưởng tượng mình là vị đế vương nhàn du giữa vũ trụ. Có truyền thuyết rằng
vua Đường Minh Hoàng đã có cơ hội viếng thăm “cung nguyệt điện” của chị Hằng.
Vì thế, người phi công khi bay trên trời vào những đêm đầy sao, đã ví mình như
vị vua Đường.
Điều này được chính tác giả Song Ngọc và Hoài Linh xác nhận trong
mặt sau của một tờ nhạc với lá thư ghi tựa đề: Viết cho Hương. Đoạn thư này
cũng giải thích toàn bộ ý nghĩa của bài hát Một Chuyến Bay Đêm. Mời đoạn đọc đoạn
thư này dưới đây:
Đêm nay trong chuyến bay độc hành giữa bầu trời lồng lộng,
anh cố tìm đôi mắt em ẩn hiện giữa các vì sao. Tiếng động cơ vi vu như một điệu
nhạc đưa tiềm thức anh tìm về quá khứ.
Thuở ấy, tuổi thơ trong trắng và mang
nhiều mộng đẹp. Nhìn trời cao thăm thẳm nhiều lần anh ước được như cánh diều
bay bổng lên không trung để níu áo chị Hằng đang ngồi đan áo cho chú Cuội bên
sông Ngân. Chuyện đời ai có thể ngờ Hương nhỉ! Hai mươi năm sau mộng thành sự
thật. Bây giờ trong MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM nhớ lại dĩ vãng thốt nhiên anh mỉm cười.
Hương ơi! chỉ có những kẻ vào đời với đôi cánh bằng khát gió như chúng anh mới
có được tâm trạng đêm đêm “Ta là Đường-Minh-Hoàng vân du nguyệt điện”.
Đêm nay
nhớ về gác trọ ngày xưa có đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa. Nhớ em cũng nhiều mà
thương tụi nó không ít. Không hiểu giờ này chúng nó ở đâu? lênh đênh nơi biển cả
hay đang gối súng nơi rừng sâu? Chao ôi là nhớ!
Hương ơi! ghi vội những giòng
này giữa lúc mà anh tin chắc rằng nhân loại đang say sưa trong giấc điệp trong
đó có Hương và những người thân yêu của anh.
Bình minh đang ló dạng, cho phép
anh ngừng bút và hẹn thư sau… Đọc bức thư này, những người yêu nhạc vàng sẽ cảm
thấy thú vị vì chợt hiểu ra “đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa” trong bài hát Chúng
Mình Ba Đứa (cũng của Song Ngọc và Hoài Linh sáng tác) chính là người con gái
tên Hương - người vinh dự được ba anh lính ở ba binh chủng khác nhau theo đuổi.
Chúng ta có thể thấy sự liên kết giữa hai bài hát Một Chuyến Bay Đêm và Chúng
Mình Ba Đứa, qua câu hát này:
… Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào…
“Hai
đứa” trong câu này chính là hai người bạn khác (thuộc bộ binh và hải quân)
trong “ba đứa” của bài hát Chúng Mình Ba Đứa. Ba người bạn thân này đã “lâu lắm
chẳng gặp nhau”…
Ở bài viết sau, người viết sẽ nói rõ hơn về bài hát Chúng Mình
Ba Đứa.
Dưới đây là lời bài hát được chép lại từ tờ nhạc gốc phát hành trước
năm 1975:
Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
Người trai đi viết câu
chuyện một chuyến bay đêm.
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ
xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.
Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều
Để
níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy ngân hà.
Giờ sống giữa lưng trời
Đôi khi nhớ
chuyện đời mỉm cười thôi.
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo
Đường
Minh Đế nhàn du thăm tinh cầu,
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi
nào
Lâu lắm chẳng gặp nhau.
Bạn bè dù cách xa nào khuây,
Tình nàng
chưa nói nhưng mà say.
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài
Theo tìm
trong chuyến bay.
Có người hỏi phi công ước mơ gì?
Người ơi nhân thế muôn
màu nào biết mơ ước chi?
Ước rằng từ khi tung nhịp cánh
Tình ta yêu thương là
gió, nhân tình của mây.
Ở đời ai hiểu ai, người bay trắng đêm dài,
Thì thức giữa đại dương,
Dù yên giấc ven rừng,
Bạn có biết chuyện
này
Tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say.4) Bài này là phần 4 của loạt bài viết
giải nghĩa một số câu chữ trong các bài nhạc vàng nổi tiếng. Đó là những câu,
những chữ có thể gây khó hiểu hoặc thường bị ca sĩ hát sai nhất. Bài viết này
nói đến hai bài hát “Vọng Gác Đêm Sương” và “Đà Lạt Hoàng Hôn”. Khi hiểu đúng ý
nghĩa của từng chữ mà nhạc sĩ đã viết ra, chúng ta sẽ thấy bài hát hay hơn và
thêm yêu những ca khúc bất tử đó.
Buông khói gây thơ, tôi kể người nghe một chuyện tâm tình… Đó là câu mở đầu của
bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Mạnh Phát - bài Vọng Gác Đêm Sương. Tuy nhiên,
khi search phần lời “buông khói gây thơ” này trên google, sẽ không ra bất
kỳ một kết quả nào, thay vào đó, 100% kết quả hiển thị là câu “buông
khói NGÂY thơ”, một câu khá tối nghĩa.
Khi nghe lại hàng chục phiên bản
bài Vọng Gác Đêm Sương từ trước đến nay, người viết nhận thấy thế hệ ca sĩ sau
1975 hầu hết là hát sai câu mở đầu bài hát, đó là Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh…
Chỉ có Tâm Đoan và Như Quỳnh là hát đúng “buông khói gây thơ”. Ngoài ra thế hệ
ca sĩ trước 1975 cũng có rất nhiều người hát bài hát này, và đều hát đúng lời
là Chế Linh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Giao Linh…
Từ đó cho thấy, mặc dù Vọng
Gác Đêm Sương là một bài hát quen thuộc, được nhiều thế hệ yêu thích, nhưng hầu
hết khán giả lại hiểu sai câu hát, ngay cả ca sĩ nổi tiếng cũng hát sai câu hát
này.
Bài Vọng Gác Đêm Sương của Mạnh Phát kể về một người lính đang gác
súng nơi biên thùy lúc nửa đêm giá lạnh. Mặc dù đang ở nơi đầu tuyến nguy hiểm,
nhưng với anh lính, đó là một khung cảnh nên thơ, với sương rớt trên vai, gió về
lạnh buốt, làm anh chạnh nhớ về thời thơ mộng của mình. Vì vậy mới có câu
“buông khói gây thơ”.
Thoạt đầu, người nghe sẽ liên tưởng đến “khói” trong câu
hát này là khói thuốc lá. Điều đó cũng có thể đúng. Tuy nhiên khi nghe các đoạn
sau của bài hát, tác giả mô tả khung cảnh cô đơn và giá lạnh về đêm với hơi
sương lan tỏa:
Phút vấn vương bàng hoàng hơi sương…
Và:
Đêm trắng hoen sương…
Vì vậy “buông khói” ở đây có thể không phải khói thuốc mà là khói sương tỏa ra
khi người ta thở, điều thường thấy khi ở xứ lạnh. Nghe bài hát Vọng Gác Đêm
Sương Tiếng hát Phương Dung trong băng Sơn Ca 11, thu âm trước 1975 … Bước
chân êm giữa không gian, hoàng hôn thùa màn đêm…
Trong nhạc vàng, bài hát Đà Lạt
Hoàng Hôn của nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng là một trong bốn bài hát nổi tiếng nhất
viết về Đà Lạt (ba bài khác là Thương Về Miền Đất Lạnh (cũng của nhạc sĩ Minh Kỳ),
Thành Phố Buồn - Lam Phương và Ai Lên Xứ Hoa Đào - Hoàng Nguyên).
Đà Lạt Hoàng
Hôn được nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác năm 1968 chung với nhạc sĩ Anh Bằng trong
nhóm Lê Minh Bằng, trở thành bài hát quen thuộc của xứ sở ngàn hoa, là ca khúc
góp phần đưa tên tuổi ca sĩ người Đà Lạt là Thanh Tuyền vụt sáng trở thành ngôi
sao hạng A của làng nhạc miền Nam.
Trước năm 1975, Thanh Tuyền là người duy nhất
hát bài Đà Lạt Hoàng Hôn. Cho đến nay, có thể nói cô cũng là người duy nhất hát
đúng lời gốc của bài hát, đặc biệt là ở cụm từ “hoàng hôn thùa màn đêm”. Vậy
THÙA trong câu hát nghĩa là gì?
Sau này các ca sĩ trẻ không hiểu chữ “thùa”, họ
đã hát thành “hoàng hôn THUA màn đêm” hay “hoàng hôn KHUA màn đêm”, nghe rất vô
nghĩa.
“Thùa” là một từ cũ, nay ít được dùng. Ngoài động từ nghĩa là “thêu
thùa”, thì “thùa” còn có nghĩa là một màu vàng pha mà chúng ta hay thấy ở bầu
trời lúc chạng vạng. Vậy, chữ “thùa” trong câu hát được tác giả sử dụng rất độc
đáo, mô tả khoảng thời gian chạng vạng, khi trời đang chuyển từ chiều sang tối.
Có nhiều tranh cãi quanh từ ngữ này, tuy nhiên tra cứu lại lời gốc của bài hát
được in trên tờ nhạc khi phát hành năm 1968, có thể thấy rõ ràng tác giả đã sử
dụng chữ "THÙA": Ngoài ra, xem lại tờ nhạc phát hành trước năm 1975, có một đoạn
được nhạc sĩ viết 2 lời khác nhau, thay đổi chỉ một chi tiết nhỏ như sau:
Lời
1:
… Hàng cây thẫm màu, đèn lên phố PHƯỜNG
Giờ đây HƠI SƯƠNG giá buốt Lời 2
hàng cây thẫm màu, đèn lên phố NHỎ Giờ đây ĐI TRONG giá buốt
Ở bản thu âm trước
1975, Thanh Tuyền hát lời thứ 2, trong khi hầu hết các ca sĩ khác thì hát lời
1. Theo tờ nhạc gốc thì hát lời nào cũng đúng. Nghe bài hát Đà Lạt Hoàng Hôn, 29/11/2018 Đông Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét