Chiến thắng Đống Đa, đỉnh cao của sự nghiệp thống nhất
nhân tâm, thống nhất dân tộc của Quang Trung Nguyễn Huệ
Tinh thần dân tộc, ý chí độc lập và thống nhất vốn được củng cố trong các triều Lý - Trần, được thử thách và vun xới, bồi dưỡng trong thời kỳ kháng chiến chống Minh và Hậu Lê, đã bị tổn thương nặng nề sau hơn hai thế kỷ đất nước bị chia cắt: Nam Bắc triều (Lê Mạc), Trịnh Nguyễn Mạc rồi Trịnh Nguyễn. Chia cắt và chiến tranh tương tàn trong gần nửa thế kỷ (1627-1672) giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đã xói mòn tinh thần dân tộc và phá hoại ý thức thống nhất.
Tất cả nỗ lực duy trì, củng cố một biên giới địa lý đã hình thành một sông Gianh tâm lý và tình
cảm trong nhân dân Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nam Hà và Bắc Hà cơ hồ đã trở thành hai quốc gia thù nghịch.
Đại Việt đứng trước một mối đe dọa chia cắt vĩnh viễn. Tổ quốc thiêng liêng, tình cảm ruột thịt giữa nhân dân hai miền vốn cùng một lịch sử, một văn hóa, một tiếng nói... chỉ còn được biểu trưng bằng một niên hiệu, một lá cờ họ Lê đã nhợt nhạt và rách nát, tồn tại như một chiêu bài để che dấu sự tương tranh vì quyền lợi cá nhân và dòng họ.
Lôi kéo nhân dân vào chiến tranh tương tàn để tranh giành quyền lợi, duy trì và củng cố một vị thế chiến lược để cát cứ, và cát cứ để bảo vệ quyền lợi, xây dựng thế lực để tiếp tục tranh bá đồ vương. Một lũy Trường Dục, một lũy Nhật Lệ, một lũy Trấn Ninh không đáng sợ bằng những hành động đào sâu hố thù nghịch giữa nhân dân hai miền:
"Bắt được người Nam Hà thì bất kỳ trai gái già trẻ đều lấy cái sàng Thái Bình khoét
phần giữa thành lổ đem lồng vào cổ cho quân quay. Vì vậy, cổ dân chảy máu đầy đất, tiếng kêu khóc chấn động xa gần" (1)
Đó là hành động của quân Trịnh đối với thường dân Nam Hà. Một ngư dân Nghệ An, thuyền bị đứt neo, trôi đến phá Tam Giang, bị quân tiên phong của Nguyễn bắt:
"Mày là làng thuyền xứ nào? Sao dám đường đột như thế?"
Người chài đáp rằng: Tôi là người Nghệ An. Chỉ vì nhà nghèo đói, phải làm nghề chài đê sinh nhai. Bất ý vì gió to thổi đứt mất neo thuyền cho đến đỗi thuyền trôi đến đây... Ngóng xin tha tội...
Quân nhân bẩm lên chúa[chúa Hiền]. Chúa nói rằng: "Nó là điềm giặc Bắc họ Trịnh đến nộp đầu đó!" Rồi sai chém đầu, bêu lên để lấy làm điềm sẽ đại thắng!"(2)
Bắc cũng như Nam, bọn phong kiến cát cứ coi sinh mạng nhân dân như cỏ rác còn nói gì đến sinh mạng của đồng bào bên kia lằn ranh quyền lợi!
Để quân lình hăng hái chém giết, quân Bắc Hà bị cho uống rượu cấp nộ. Trong trận Trấn Ninh (1673), thây quân sĩ chất cao như núi. Quân lính tự nói: Chúng ta chết không đúng số, mất cha mẹ, bỏ vợ con. Đó là cái lẽ gì?
"Chỉ vì các chúa tranh nhau, đến nỗi tao và mầy phải chết ngoài số mệnh" (3)
Khi lý tưởng dân tộc, nhân dân không còn chỗ đứng trong cuộc tranh bá đế vương thì tồn tại (dung) và lợi được bọn phong kiến cát cứ nâng cao thành lý tưởng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tóm tắt lý tưởng của bọn "đại trượng phu" thời đại trong hai chữ dung và lợi.
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, Mạc cố thủ ở Cao Bằng, Đào Duy Từ bơi qua sông Gianh để tìm về với Nguyễn, Nguyễn Hữu Chỉnh chạy về với Tây Sơn... chỉ để tìm một chữ dung. Trịnh không dám dứt nhà Lê chỉ vì lợi.
(Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân (4)
Cao Bằng tuy thiểu, khả dung sổ thế
Thờ Phật thì ăn oản...)
Chữ nghĩa Trạng Trình như thấu suốt tâm can bọn phong kiến. Khả dỉ hay sổ thế cũng chỉ là dung thân. Theo đuổi dung và lợi, nên khi đã có thể dung được, chúng ra sức bòn rút sức người, chúng ra sức để hưởng thụ và để tranh giành quyền lợi. Nhân dân đau khổ vì nạn binh đao và trên vai nông dân, bọn chúa phong kiến cùng triều thần sống đời xa hoa trụy lạc. Tất nhiên cái suy tàn tất yếu phải đến. Trương Phúc Loan ở Đàng Trong, Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài báo hiệu thời kỳ suy sụp và một thời kỳ hỗn loạn tiếp theo. Nhân dân mong muốn một thời kỳ ổn định, hòa bình. Thống nhất nhân tâm đã chia lìa, phục hồi ý thức dân tộc để thống nhất dân tộc - đòi hỏi một người lãnh đạo có tài năng và hơn thế, có hoài bão lớn lao để vượt lên dung và lợi.
Phải có tài năng vượt bậc để có thể đánh bại mọi thế lực đang cát cứ và bọn cơ hội đang cố vươn lên để cát cứ, để đập tan những "con rắn" xâm lược mà bọn "dung và lợi" cõng về.
Phải có một hoài bão lớn lao, vượt lên xu thế đương thời để không bằng lòng và không trở thành một kẻ cát cứ. Cho nên, không chỉ là những thế lực cũ mà Nguyễn Nhạc, kẻ cầm đầu thế lực Tây Sơn cũng chỉ muốn yên phận với phủ Quy Nhơn. Bất chấp quyền lợi của dân tộc, Nguyễn Ánh đã bán Côn Lôn, Hội An, Đà Nẵng cho Pháp (hòa ước Versaitles 1787), rước quân Xiêm xâm lược và Lê Chiêu Thống rước quân Thanh... Đó là những hành động tệ hại nhất mà những kẻ mưu đồ vương bá, trung thành với "lý tưởng" dung và lợi, xa rời truyền thống dân tộc yêu nước thương dân.
Nguyễn Huệ đã đáp ứng được những đòi hỏi của nhiệm vụ lớn lao ấy. Trước hết, Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự xuất chúng để thắng Trịnh và thắng Nguyễn, loại trừ những mầm mống cát cứ mới như Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, Trịnh Bồng và đánh thắng quân Xiêm, quân Thanh xâm
lược.
Nguyễn Huệ có một hoài bão lớn là thống nhất nhân tâm và xây dựng một đất nước giàu mạnh. Ông rất giỏi dùng binh, và chưa hề thất bại nhưng lại biết được rằng "việc binh là việc độc hại cho nhân dân" (chiếu phát phối hàng binh).
Ngay trước khi xuất quân để quét sạch quân Thanh đã nghĩ đến việc dùng ngoại giao để giữ sự hòa hiếu giữa hai nước. Ông lên án thời kỳ Nam Bắc đánh nhau [để] dân sa vào chốn lầm than (Chiếu lên ngôi). Ông mong chính
sách khuyến khích sản xuất sẽ làm cho dân giàu để cùng trăm họ chung vui cái vui giàu thịnh (Chiếu khuyến nông).
Tất cả sự nghiệp lớn lao đó Nguyễn Huệ đã thực hiện trong vòng 4 năm: Trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) đã đưa Nguyễn Huệ lên địa vị kẻ cứu tinh cho nhân dân Đàng Trong. Chiếm Thăng Long, diệt họ Trịnh, trả lại địa vị chính thống cho vua Lê, Nguyễn Huệ đã chinh phục lòng dân và sĩ phu Bắc Hà, mà cuộc hôn nhân Nguyễn Huệ, Ngọc Hân, cuộc hôn nhân Nam Bắc sau hơn 200 năm thù địch phải chăng đã góp phần hàn gắn nhân tâm đã quá chia lìa? Và chỉ 3 năm sau, chiến thắng Đống Đa đã đưa Nguyễn Huệ lên địa vị người anh hùng dân tộc, tiếp nối truyền thống của Lê Lợi một khi Lê Chiêu Thống đã trở thành kẻ phản bội dân tộc.
Với chiến thắng Đống Đa, Nguyễn Huệ trở thành niềm tự hào của dân tộc và là một biểu tượng mới của truyền thống anh hùng dân tộc. Từ đây, nhân tâm có chỗ mà quy hướng, ý thức dân tộc vốn tiêu trầm vì chia cắt đã có cơ hội phục hồi. Đống Đa không chỉ là một chiến thắng quân sự lẫy lừng mà là đỉnh cao rạng rỡ sự nghiệp chính trị của Quang Trung Nguyễn Huệ: thống nhất nhân tâm, thống nhất dân tộc.
(4). Trên bia Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ghi "khả dĩ dung thân", sử sach nhà Nguyên sửa lại là "vạn đại..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét