Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Lưu Quang Vũ tâm hồn trở gió

Lưu Quang Vũ tâm hồn trở gió

Đây là bài viết dịp kỷ niệm 10 năm mất anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Nay lại cộng thêm 10 năm nữa vào ngày mất của hai nhà thơ tài tình và tài hoa của đất Việt...
Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để sưởi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...
Những câu thơ này ở trong bài Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Lịch sử đất nước, qua con mắt thơ Lưu Quang Vũ, bao trùm là gió và tình yêu. Cũng có thể mượn câu này để nói về thơ của chính anh. Điều anh ước đã làm những trang thơ anh có rất nhiều gió.
"Tôi lớn lên trong ngọn gió nhà ga"
Và nếm trải Ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt. Do đó Lưu Quang Vũ khát những khoảng rộng, khát những chuyến đi. Anh luôn luôn là người đang ở trên đường. Như con tàu luôn bồn chồn ra đi. Thơ anh tất bật, hối hả như đời anh, suốt đời vội đi, suốt đời nóng ruột. Nghe tiếng gió chuyển, gió nổi, gió trở là anh náo nức muốn lao ra với cuộc đời bên ngoài, muốn tung mình ra không gian. Đối với anh mỗi sớm mai một cảng mới để lên đường. Cảm hứng mạnh nhất trong thơ anh là cảm hứng khai phá, tìm kiếm, dẫu sau vô biên sẽ chỉ có vô biên. Nhưng có ngọn gió nào từ chối những chân trời rộng mở? Còn bao chân trời chưa tới được mở ra trước mắt anh, vẫy gọi. Anh hối thúc, giục giã cả mình, cả người yêu thương: lòng chưa biết những gì đang ngóng đợi, nào em yêu chúng ta lại lên đường. Anh tiên cảm được hành trình gió của mình xa vắng lắm để có lý do e ngại, phấp phỏng lòng em có đến cùng. Lưu Quang Vũ, giống như nhà thơ lãng mạn Anh Percy Bysshe Shelley, thấy ở gió sự "hòa điệu dấy loạn": gió có sức mạnh hủy diệt và bảo tồn; gió mang trên đôi cánh của mình sấm chớp, bão giông. Bài thơ Cơn gió tây hoang dã (Wild West Wind) của P.Shelley ngợi ca gió là thần linh hoang dại, người tung hoành trong ngang dọc không trung và gọi kêu gió Hãy là chính ta, hỡi cơn gió khốc liệt!. Hãy cuốn đi những ý tưởng bị cuộc đời dập tắt, cành lá khô, từ đó cuộc sống tái sinh! Với gió, Lưu Quang Vũ không phân biệt đông tây hay nam bắc, cho anh hãy cứ là gió lộng. Và trong gió lộng anh thấy dưới mặt trời xứ sở, vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi. Từ đó anh muốn làm một cái gì, chí ít thì cũng thổi thêm sức mạnh cho những người dám vượt những dặm dài.
Bởi như gió, anh phóng túng, tự do. Dám sống đúng mình, dám nghĩ đúng mình. Anh không thể yên ổn trong những cái mực thước, khuôn phép, vừa phải, lừng chừng. Cửa kính đóng xong anh đưa tay đập vỡ, Đời anh ổn định rồi anh lại phá tung ra. Mạnh mẽ quá hay yếu đuối quá, một Lưu Quang Vũ trong tâm trạng này? Chỉ biết anh thật đến dễ sợ. Như gió, anh phơi bày tất cả mình ra để rồi thấy trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng. Cuộc đời có lúc hiện ra trước mắt anh như một mụ già dâm đãng, một núi dây thừng bẩn thỉu rối ren. Một đại dương tình cảm sôi sục trong tim anh chỉ mong được trào ra, mong được dâng hiến, nhưng chẳng ích lợi cho ai cả. Còn những gì mọi người cần tôi chẳng thiết. Thơ anh thời kỳ này (những năm 1972-73) có một cảm hứng nói thật, thật lắm, rất hiếm có trong thơ cùng thời, do đó là rất quý. Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh, Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao? Anh tin là cuộc đời không ruồng rẫy anh, bởi anh vẫn còn nguyên cái tinh chất của đời. Anh không muốn kỷ niệm về anh là một điệu hát buồn. Trong cơn khủng hoảng tâm hồn giữa những biến động của xã hội và gia đình những năm tháng ấy, anh giữ được lòng tin để đi tiếp là nhờ đã thở trong sức gió muôn người. Không giấu diếm lòng mình, anh thú nhận Đã có lần tôi muốn nguôi yên, Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng, nhưng đã là gió làm sao lặng được, anh vẫn sống đúng con người anh với những yêu thương khao khát của đời anh.
Như gió, anh sớm biết lật trở vấn đề để nhìn ra sự vật ở bề mặt thật của nó. Bài thơ Nói với mình và các bạn anh viết năm 1970 là một lời tâm sự thẳng thắn, chân thành của anh với những người làm thơ thuộc thế hệ mình. Rộng ra, có thể coi đó là tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ anh về trách nhiệm của nhà thơ và thơ ca đối với đất nước, với nhân dân. Thơ không thể được viết để xuôi tai, phỉnh nịnh cuộc đời. Thơ không phải là chứng minh, không phải là hào quang phản chiếu của tấm gương. Nhà thơ không phải là lũ viết thuê, viết thơ theo kiểu chạy theo những biển hàng ngắn ngủi, để rốt cục lại lắm kiểu nói mà giống nhau đến thế. Anh quan niệm thơ là phải sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả, càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều. Nhà thơ phải biết rằng Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ, Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi. Chàng trai hai mươi hai tuổi khi đó đã nói với các bạn thơ cùng lứa: Thế hệ mình cần những người dũng cảm, Dũng cảm yêu thương dũng cảm căm thù. Chắc anh đã đặt mình vào trong số những người đó. Anh, như gió, vô tư cởi mở nói ra thật lòng những điều nhức nhối lương tâm người cầm bút, khi bè bạn gặp nhau có người theo dõi, thầm thì không dám nói to, khi những bài thơ anh viết ra, chỉ một mình anh đọc. Trong hoàn cảnh đó thơ phải là nhịp đập của trái tim trung thực, không bao giờ được câm lặng. Nếu điều đó bị coi là tội lỗi thì Anh hãy nhận về mình, như trách nhiệm, như niềm vui, Và sống chết cùng người, đất nước mến thương ơi! Anh nặng lời nhưng thành tâm: Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp, Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép, Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn, Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh. Anh, như Arthur Rimbaud con người mang "đế giày gió" và có con mắt "thấu thị" (Voyant), đã thấy trước một trạng huống xã hội: Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp, Đến nay thành không đủ nữa rồi, Những người tốt tự bằng lòng với hôm nay, Mai sẽ là kẻ xấu. Gần hai mươi năm sau những điều anh viết ở đây, cơn gió đổi mới mới thổi lên trên đất nước. Anh là người nổi gió sớm trong thơ, như về sau nổi gió đầu trong kịch. Rát mặt đấy nhưng là gió lành. Ai chịu được thì sẽ khỏe mạnh.
Gió đưa Lưu Quang Vũ tìm đến biển, bỏ phường phố bỏ dòng sông anh tìm đến biển, Dù muộn mằn dù tê dại bàn chân, và anh thấy mở ra trước mắt một khoảng vô cùng. Những bài thơ anh viết về biển, về cảng hay một cách đau đớn không chỉ vì ở đó có tình bạn sâu nặng của anh, những người bạn cùng chung tâm tư và cảnh ngộ, mà có lẽ vì vùng đất và con người biển hợp với cơn gió hồn anh. Gió thổi bay tung mọi sự che đậy, đắp điếm, bóc trần sự vật đến lõi, đến chất. Điều này khiến thơ viết về biển của Lưu Quang Vũ khác các bài thơ cùng loại của thế hệ anh: trong khi những người khác nhìn biển ở khía cạnh tình yêu, anh nhìn ở phía cuộc đời, nghệ thuật, dù là khi viết thơ tình. Biển phơi mở hết trước anh: Tất cả ở đây đều chưa định, Cuộc đời như sắp sửa đi xa, Tươi trẻ đến phát lo, ồn ào mà sâu hút, Hải cảng trụi trần như bắp thịt, Ròng ròng mồ hôi, Mọi phía phơi ra dưới mặt trời, Cao thượng xấu xa đều không giấu được, Con người ở đây vô cùng cơ cực, Nên ước mơ nào cũng rộng cũng bay xa. Biển như cuộc đời anh: Những manh buồm như ngực anh gió táp, Những con tàu như hồn anh cuồng loạn, Chẳng bao giờ chịu ở với bờ yên, ánh lân tinh lấp lánh vỏ thuyền, Gọi anh đi trên bãi hà nhọn sắc. Biển cho anh thấy mình đã khôn lớn qua mười năm từ lần đầu tới còn bỡ ngỡ giữa tin yêu đến lần sau trở lại thấy Chỉ gió về quằn quại giữa rừng dương, Và sóng đập liên hồi lên ngực đá. Biển đã thổi vào thơ anh một bài hát khác Thật và đẹp hơn mọi điều trong sách, Về những con tàu và các bạn của tôi.
"Đất nước như con thuyền xuyên gió mạnh"
Chính tại Hải Phòng mùa đông năm 1972 anh đã cảm nhận màn cuối cùng của cuộc chiến tranh khủng khiếp và phát giác một sự thật Tấm màn hạ xuống, Như không có gì xảy ra. Đất nước trong mắt anh là con thuyền xuyên gió mạnh. Gió của chiến tranh: Gió hú gầm gào qua gạch vỡ, người chết vùi thân dưới hố bom, Kẻ sống vật vờ không chốn ở, Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường. Gió của đói nghèo: Những áo quần rách rưới, Những hàng cây đẫm mình vào bóng tối, Chiều mờ sương léo lắt đèn dầu, Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ, Lèo tèo mì luộc canh rau. Gió của đổ vỡ: Gió đã thổi ngàn cây nến tắt, Khói bay mù mịt, Gã thất nghiệp đi lang thang, Túi rách không tiền mua nến. Cơn gió mạnh của thời cuộc xoay quật đất nước thổi thốc vào hồn anh đôi khi khiến anh choáng váng, nghiêng ngả: Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược, Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu. Đêm Noel 1972 anh cất lời cầu nguyện trong tiếng rú còi báo động của thành phố: Sao cho máu đừng chảy nữa, Sao cho người lính trở về, Lũ trẻ ngủ ngon, Cái chết không cắt ngang giấc mộng. Ai đã sống qua thời ấy hẳn nhớ cái đêm này B52 Mỹ ném bom bệnh viện Bạch Mai, và đêm sau là đến cuộc huỷ diệt khu phố Khâm Thiên. Anh còn nguyện những điều khác nữa: Nguyện cho phố tôi, không ai phải quanh năm túng đói, Không còn ai bị mỏi mòn sỉ nhục, Nguyện cho kẻ ốm mau lành, Nguyện cho người tôi thương không phải khóc, Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi, Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu. Nghĩa là anh muốn cắt cơn gió đảo điên cho đất nước, cho nhân dân, cho lòng mình. Nhưng những lời nguyện của anh đã được gió thổi bùng.
Có một đêm anh nằm mơ thấy hiện về rất nhiều khuôn mặt khóc cười nhìn anh: người ông say rượu rên rỉ những vần thơ phẫn chí, những ông tướng mất thành chết chém, những ả đào múa hát giữa sông khuya, người con gái che mặt ngón tay đầy vết mực, mẹ già Vĩnh Linh em gái Quảng Bình, những đồng đội ngày xưa, Nguyễn Du gương mặt đa tình khoé miệng xót xa, Phật ngồi nhắm mắt, Giêsu tay máu chảy ròng ròng... Tất cả những kiếp người hiện về như trách giận anh điều gì và như đòi hỏi anh một điều gì. Muôn người chết đứng lên cùng kẻ sống, Những cánh tay như dấu hỏi chìa ra, Những cánh tay như buồm thẳng vươn xa, Trên biển rộng đợi một lời giải đáp. Lạ lùng sao tôi muốn nói nhưng bốn bề gió lốc. Ở đây đã xảy ra một đột biến trong thế giới tinh thần của Lưu Quang Vũ. "Khi gió xuất hiện trong các giấc mơ, nó báo hiệu một sự kiện quan trọng đang được chuẩn bị ngầm; một sự đổi thay sắp xảy ra" - Từ điển biểu tượng văn hóa cho biết thế. Và đây là lời của Aeppli Ernest trong sách Les Rêves et leur interprétation (Paris, 1951) được từ điển đó dẫn ra: "Những sức mạnh tinh thần được tượng trưng bởi một ánh sáng lớn và, điều này người ta ít biết hơn, bởi gió. Nhìn bão táp đến gần, người ta có thể chẩn đoán một chuyển động lớn của thần linh hoặc các thần linh. Theo kinh nghiệm tôn giáo, thánh thần có thể hiện ra trong tiếng thì thầm êm dịu của gió hoặc trong cuồng phong của bão táp. Dường như chỉ người phương Đông mới hiểu được ý nghĩa của không gian rỗng (gió thổi vào đó). Thật là nghịch lý, đối với họ đây là một biểu tượng mạnh mẽ của năng lượng". Gió lốc nổi lên ngăn anh nói. Những mặt người như những quả chuông, Sáng lòe chớp giật đòi anh phải suy ngẫm đã trước khi lên tiếng nói. Một tiếng nói khác. Một bảng từ khác. Những con chữ hoa mỹ, bay bướm, đèm đẹp, ngòn ngọt phải xua đi. Thay vào đó là những chữ sắc nhọn như đinh, gầy guộc như bùn. Cơn gió đến trong giấc mơ đã làm anh thức tỉnh, đã "thanh lọc" anh: Tôi ở cùng những chữ hôm nay, Điều còn lại sau đường dài tôi vượt, Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật, Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi.
Trong cơn bi phẫn, có phần tuyệt vọng, trước cảnh tượng đau thương, tan nát của đất nước, anh đã kêu lên ba tiếng: Việt Nam ơi! Anh xin Người, Tổ Quốc, đừng trách giận anh khi nghĩ về Người anh thấy lòng rách nát, thay vì thấy Tổ Quốc là nơi tỏa bóng yên vui, nơi khiến lòng yên tĩnh nhất. Cơn bão lớn vẫn đang lồng lộn thổi trên thân mình đất nước, cơn gió hồn anh vẫn đang vật vã, anh không thể yên lòng được khi nhắc đến hai tiếng thiêng liêng Việt Nam. Giữa dàn đồng ca hào hùng tụng ca đất nước thời trận mạc, Lưu Quang Vũ riêng mình đau và lo cho đất nước: Tất cả sẽ ra sao, Mảnh đất nghèo máu ứa, Người sẽ đi đến đâu, Hả Việt Nam khốn khổ? Đến bao giờ bông lúa, Là tình yêu của Người? Đến bao giờ ngày vui, Như chim về bên cửa?. Những câu hỏi như gió xoáy. Như gió, anh gã làm thơ da vàng, từ nay biết mình khát những khoảng rộng nào, cần những ào ạt nào cho thơ, và cho đời. Thơ anh là sức gió đẩy cửa, nối những chân trời với những chân trời, đưa tin con người đến với con người. Chúng ta đi mở những cánh cửa, Chúng ta suốt đời đi mở những cánh cửa, Xuyên bóng tối bốn bề bao phủ, Chúng ta đã nhận ra nhau, Chúng ta đã tìm đến bên nhau, Chúng ta mãi mãi ở bên nhau, những bàn tay không còn đơn độc nữa. Sức gió ấy đến hôm nay vẫn còn lay động trên những trang thơ anh. Vẫn còn đủ sức lay động lòng người hôm nay. Càng lay động khi biết anh hồi ấy tự mình nổi gió. Thổi gió một mình.
"Em cần gì gió lốc của đời tôi"
Lưu Quang Vũ đến và đi trong tình yêu cũng với sức gió. Tình của anh mạnh mẽ, ào ạt và khoáng đạt. Khi yêu: Đến bây giờ anh gặp được tầu em, Anh mở gió tâm hồn cho buồm thắm kéo lên. Khi được yêu: Em có nghe đất trời đang náo động, Như tình em nổi gió giữa hồn anh. Những ngày chưa có em: Anh như một toa tàu bỏ vắng, Rất nhiều gió thổi qua cửa lạnh. Và khi đã có em: Em đã tới diệu kỳ như âm nhạc, Đất mênh mông chuyển gió tới chân trời. Không chỉ tình riêng của mình, bao thế hệ lứa đôi đến với nhau trong trường kỳ lịch sử đất nước anh cũng thấy Những mối tình trong gió bão tìm nhau. Anh đã sống và đã yêu trong một thời kỳ bão táp, những cuộc tình đời anh đã trải nhiều gió bão.
Cuộc tình đầu tiên của người trai mới lớn nơi anh, như mọi cuộc tình, đắm say và mơ mộng. Nhưng tâm hồn anh trong yêu đương vẫn bay bổng trên đôi cánh gió. Những băn khoăn, thương nhớ khó hiểu về em - trạng thái tình cảm của những người yêu nhau, nhất là mối tình đầu - anh mở tung ra với gió để chuyển tới người yêu dấu. Anh vọng về em một sắc trời xanh, ở nơi xa em có nhớ gió ân tình. Anh nhớ em dẫu ngày mai chẳng biết sẽ ra sao, anh cố quên nhưng chiều gió cứ vào. Anh nhìn thấy hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió (sao là đêm gió chứ không phải đêm nào khác?) và tin chắc đó chính tay mình đang vượt khoảng xa, tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta. Anh vui trong mảnh vườn em đọng gió trời xa. Anh bực bội bỏ nhà ra đi như ngọn gió nhưng ngọn gió âm thầm quằn quại vẫn yêu em. Gió làm cho tình yêu xao động và phập phồng. Trời xa luôn vẫy gọi gió. Cơn gió một buổi là dễ chịu, nhưng một đời gió là thử thách không phải tổ ấm gia đình nào cũng đương nổi. Anh đi ra nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp. Nhiều điều chưa nói được cùng em, mà nói ra em hiểu hết chăng. Em trói anh vào cột buồm của tình yêu sau khi cướp được con tàu cuộc đời anh, ngờ đâu tàu anh không có bạc vàng, chỉ có ván nát sàn hoang và trơ lại hồn thơ tai ác quá. Maiakovski từng đã kinh nghiệm chuyện này - vấp đời phàm tục tan vỡ chiếc thuyền tình, và ông đã tìm đến cái chết để cự tuyệt nó. Lưu Quang Vũ thì nuối tiếc tình đẹp ban đầu Em mà ngọn gió chiều nức nở, Em mà ngày xưa run rẩy cả lòng anh. Và anh đành cay đắng, chua chát nói lời từ biệt: Hai ta không đi một ngả đường dài, Không chung khổ đau không cùng nhịp thở, Những gì em cần anh chẳng có, Em không màng những ngọn gió anh trao.
Ngọn gió Lưu Quang Vũ tiếp tục thổi trong đời sau lần đổ vỡ thứ nhất. Anh ngỏ tình lần hai trong một khung trời dữ dội Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn. Bão ngoài đời và bão trong lòng. Anh cầu khẩn Em u buồn em có nhận hay không nhưng vẫn là anh, là gió Tìm trong mắt em náo động những chân trời. Anh nhìn những bức tranh trên tường thấy chúng nổi gió. Dễ hiểu thôi, cuộc đời mình anh đã coi là gió, ai bước chân vào đó không thể lặng yên được. Con người luôn luôn ở trạng thái động này không thể để ai yên. Dù cho đó là người con gái mình yêu. Anh muốn yêu, muốn được yêu, nhưng tình yêu phải quay trong cơn gió đời anh. Tha thiết, giục giã Tôi muốn đi tới đích cùng em, Tôi phải đi tới đích cùng em nhưng không che giấu mình Tôi ảo tưởng quá nhiều ư? Có lẽ, Em cần gì gió lốc của đời tôi. Trên kia là câu nói khi chia tay hai ngả đường đời "em không màng...". Còn đây là câu nói lúc ngỏ lời muốn gắn kết hai cuộc đời "em cần gì...". "Những ngọn gió" lúc trước bây giờ đã tăng cấp thành "gió lốc". Lưu Quang Vũ đã nhìn đúng mình và linh cảm được kết cục cuộc tình thứ hai. Anh là gió mà, không còn gì nữa cả: Bây giờ anh trong suốt như không khí, Như ngọn gió hoang không hình không giới hạn... Chỉ có gió, Em làm sao thấy được.
Em không thấy, nhưng anh thì thấu rõ lòng mình nát tan đến thế nào. Tôi còn gì mà đau khổ nữa em? Lưu Quang Vũ kết lại mấy đoạn thơ gửi Q. (Xuân Quỳnh) bằng câu hỏi đó. Anh thú nhận với người đàn bà rồi đây sẽ sống trọn với anh mười lăm năm hạnh phúc lớn lao: Lòng tôi trắng nhưng mùa thu gió độc. Người ấy bảo anh cần phải tìm một lý do để sống, để gắn bó để lòng mình yên ổn. Nhờ đó anh lấy lại được lòng tin và lòng yêu. Và lại thấy nổi gió những chân trời mới: Mưa như bước chân những khát vọng vô hình, Trên một biển lá vàng đang nổi gió. Người ấy cho anh điều khẳng định Anh yêu em và anh tồn tại. Người ấy ở bên anh giữa Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió. Người ấy góp thêm gió cho anh, mùa gió mới nhờ em tôi có lại. Người ấy nổi gió những vần thơ có cánh cho anh và cho đời. Thế là đến đây gió đời anh đã gặp được, đã kết tụ được với gió của người bạn đời, tạo nên cơn gió lành như câu thơ anh viết tuổi hai mươi gió xuân thổi hết những ưu phiền. Người ấy cùng anh chung căn phòng chật nhưng Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi, Bạn thuyền ơi ngoài kia chiều lộng gió. Nhà chật mà anh vui vì có gió lộng trong tâm hồn hai người đồng điệu. Khi người ấy vắng Gió bồn chồn gọi nhắc bước chân quen. Một chiều chuyển gió, chỉ gió chuyển chứ có gì khác lạ, anh bỗng bồn chồn đợi người ấy đi làm về, bởi cơn gió chuyển mùa cho anh cảm nhận tháng năm sống bên người ấy anh hiểu lại cuộc đời, anh bắt đầu tất cả, mùa hạ đầu tiên ngọn gió đầu tiên. Bên người ấy anh muốn mình nhỏ lại, muốn dịu đi cơn gió của mình: Anh muốn làm cánh cửa để em quên, ngọn gió nhỏ trên trán em kiêu hãnh. Người ấy anh vừa yêu vừa sợ và nhận ra người ấy là ngọn gió heo may. Và rồi ước chi còn tất cả để trao em...
Điều ước ấy là một dấu hiệu tan vỡ. Anh lại nghe tiếng gió gọi lên đường. Anh cất tiếng hỏi Em có nghe từ phía nào đang tới, Trên những ngả đường trở gió chiều nay, Một cái gì chúng ta còn chưa biết, Một cái gì chưa ai đoán được? Cái gì đó thôi thúc anh ra đi như đã từng trước đây ra đi, có em chung bước: Anh cùng em đi hết ánh trăng này, Một thành phố khác, một bờ bến khác. Trong khi đó trái tim người phụ nữ đời anh đã thấm mệt. Trái tim nhiều vất vả lo buồn, Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt, Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật. Người ấy nghe thao thiết những lời gió hát câu thơ của anh, nhưng trái tim đã phập phồng một câu hỏi rất thật, rất đời: ánh trăng trải mênh mông phía trước, Bao giờ đi hết ánh trăng đây? (X.Q). Cánh chuồn không còn chịu được gió, không còn bay cùng được với gió. Giông bão nổi lên cánh chuồn sa xuống. Cho đến khi Gió đã dừng nơi cuối chót không gian, Anh vẫn chưa nói được cùng em, Bài hát ấy vẫn còn là dang dở. Dẫu anh có lúc đã muốn dừng chân lại trên mặt đất, bằng lòng với những gì có được trong tầm tay, trong hiện thực: Không ôm được cả bầu trời lồng lộng, Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay. Dẫu người ấy đã vì anh mà đau khổ, đã vì anh mà tin tưởng: Thời gian như là gió, Mùa đi theo tháng năm, Tuổi theo mùa đi mãi, Chỉ còn anh và em (X.Q). Anh biết, trong các cuộc tình anh đều không lẩn tránh được điều này, rằng đời tôi những chuyến ra đi, còn em món ăn quen thuộc chốn quê nhà. Anh đau khổ những chuyến tôi đi sao em không hiểu được, dù vẫn nói anh nào dám trách lòng em nhỏ hẹp. Cuối cùng, cơn gió và cánh chuồn đã dìu nhau về đỉnh trời cao, cho đời đẹp ta sợ gì cái chết, trước khi giông bão xảy ra. Cho đến phút chót anh và người ấy vẫn bên nhau, nằm bên em nghe gió suốt đêm dài.
Qua mọi điều ngọn gió có qua đâu
Luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến
Lưu Quang Vũ giờ đây đang ở quanh chúng ta. Như gió, đêm ngày vẫn thổi. Như gió và tình yêu thổi trên đất nước, thổi không yên suốt dọc dài lịch sử, qua đất đai và đời sống con người. Đời anh là gió, thơ anh là mây. Gió thổi mát và mây che mát. Mây cho gió dừng chân và gió cho mây bay bổng. Gió và mây hợp lại có thể làm mưa, mưa tưới nhuần mặt đất. Gió lòng anh đang thổi tới lòng ta [1].
Chú thích:
[1] Tất cả thơ trích dẫn trong bài đều rút từ sách Lưu Quang Vũ, thơ và đời (Lưu Khánh Thơ biên soạn), Nxb Văn hóa - Thông tin, H.1997. Đây là tập thơ mang tính tuyển từ các tập thơ đã xuất bản của Lưu Quang Vũ (Hương cây - Bếp lửa, Mây trắng của đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu) do đó nó khá tiêu biểu cho thế giới thơ của anh. Do tính chất của bài viết, tôi không đề tên các bài thơ và số trang, bạn đọc có thể tự mình tìm thấy những câu thơ đó trong tập thơ trên(PXN).
Tháng 8/1998
Phạm Xuân Nguyên
Nguồn: Tạp Chí Văn Học 8/1998
Theo https://www.chungta.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...