Phấn thông vàng 2
Chó Hoang
Bọn mèo hoang tuy thế mà còn sướng. Chúng chẳng sinh ra để sống ngoại hạng, sống ngoài biên là gì. Chúng cao, chúng nhẹ, chúng ở thượng tầng như những nóc lầu chúng xem tợ đất bằng, như những chim sẻ chúng bắt ăn. Chúng có thuật tàng hình, biết làm một xứ riêng, ở đó mà meo, mà gào, mà khóc lên những tiếng hãi hùng cho bọn trẻ con - như Sơn khi còn nhỏ.
Bọn chó hoang mới thực khổ.
Bọn nó trung thành quá nên cứ luẩn quẩn chung quanh người. Bọn nó hiền quá, thật thà quá để người ta đánh một cách dễ dàng, rồi kêu những tiếng đau đớn như bị gãy xương và vỡ trái tim. Gồm bằng những con chó nhà nghèo, chủ đói không có ăn, huống chi là chó. Gồm bằng những mẫu chó đẻ bên bụi cỏ, lọt lòng ra rúc hết vú mẹ không được một chút sữa khô. Gồm bằng những con chó người ta quên nuôi, vì một ngày kia trong nhà bỗng có mười con hoàng anh hay một con vẹt. Gồm bằng những con chó người ta không đem đi, lúc đổi chỗ ở: chúng yêu quá, nương mùi tìm chủ, song đường xa thẳm, hơi đã bay theo gió mấy lần.
Gồm bằng những con chó già. Gồm bằng những con chó đau. Và biết đâu? Gồm bằng những con chó cứng đầu, ghê roi vọt và sợ đọa đày, bằng lòng chết khổ để theo tự do, như chó sói.
°
° °
Ban ngày, chúng đi lang thang, không biết dùng mình làm việc gì. Chúng không phải là loài biếng nhác. Nhưng không có sân, không có nhà mà giữ để sủa cho sướng miệng. Bây giờ chúng dám đâu hùng hổ với người ăn mày! Bởi vì chúng cũng đương đi ăn xin. Nhưng chúng chỉ có đôi con mắt để mà trông thôi, chúng không có lời để mà nói. Chúng chỉ có một bộ xương rất rõ, đếm được từng cái một, không hề che lấy bằng mảnh giẻ nào; nhưng chúng không thể van xin: "lạy ông, lạy bà, nhón tay làm phúc". ồ! lắm phen chúng ngứa miệng quá. Song lẽ nào lại quáu lên giữa đường, ở ngoài trời không; loài người sẽ đánh cho im, và chửi như... chửi chó!
Những con chó nhà vẫn thường đến nhập đàn với chúng. Trong đôi giờ, chúng được quên rằng chúng là "hoang". Cả năm sáu con ngửi lông nhau, liếm mặt nhau. Một con theo đuôi một con, khác chi một người theo chân một người để xin tình ái. Chúng đứng hai con với nhau; sau khi đã mơ lẫn nhau rồi, hai bên ngơ ngẩn hai đường, mỗi đằng nghĩ một ý riêng...
Họ không kể đến xã hội loại người; còn giữa bọn họ với nhau, thì họ không biết mắc cỡ. Họ rất tự nhiên. Bởi thế mới bị người ta đến quăng đá, ném đất cho, khuấy phá làm rầy, phạm vào tự do của họ. Bảo họ vào giữa sa mạc mà yêu nhau hay sao?
Cũng rất nhiều lần cắn nhau dữ tợn, ồn ào. Những con yếu - đó là những con "hoang" - bị nhổ cả từng vạt lông, da sùi trắng hay cháy ứa máu hồng. - Nói hồng cho đẹp vậy thôi chứ máu của loại chó khô khan, đói khát, gầy gò, chỉ có thể bầm tím. Và có lẽ họ không còn máu để chảy nữa kia!
Đó còn lúc khá. Lúc này mới chịu không nổi cho bọn vẩn vơ; tới giờ ăn, những con vật mập mạp, đầy đủ, béo tròn liền bỏ chạy về mừng ông chủ cũng béo tròn, đầy đủ mập mạp, đuôi ngoắt lia lịa, đầu quấn quít vào những ống quần. Chủ đánh cái nhẹ vào mỏ ác, và một đứa nhỏ ngoa mồm lên:
- ấy, thưa cha, con Vàng nó chạy ra chơi với chó hoang, bẩn cả bộ lông rồi!
- Thầy ạ, con Vện nó muốn hư như lũ chó hoang.
- Con Ba Tô! Mày không được chạy rông như chúng nó.
°
° °
"Chúng nó" thì đương ngơ ngác nhìn theo. Đầu chúng cần được cọ vào một bàn chân; sườn của chúng nhớ một bàn tay ve vuốt. Và nhớ nhất, là cái bụng lép đáng thương, rỗng như những ngày trống không ở dọc đường.
Chao ôi đói, đói, đói không rên được, đói đi không nổi, đói lử cả người, đói... Bọn họ lẩn thẩn lơ thơ, tìm những cái xương không thể rớt xuống tự trên trời, kiếm những miếng cơm mà đất không làm cho mọc lên. Trời ơi, được một cái xương to mà giòn, nhai nghe rào rạo! Ôi chao! Mùi thơm ngào ngạt ở trong bếp nhà kia đưa ra cùng với khói ngon lành! Nếu vào được ở dưới một cái bàn ăn, há hờ những hột cơm rớt xuống! Những cậu bé vụng về và hào phóng, mới tập cầm đũa hay ăn quà đã no, các cậu đi đâu vắng cả? Sao không làm mưa cơm xuống đầy đất, những hột cơm có ướt nước cá, nước thịt, nước tôm! Các cậu rất xa xỉ, các cậu đạp cả chén cơm cho đổ ùa, các cậu há miệng rất hẹp, cố ý vãi cho con chó hai phần thìa cơm. Khi suốt ngày xơi bánh đã quá no, các cậu bưng chén cơm ra hè, mượn con chó của các cậu ăn giùm cho, rồi khoe với mẹ rằng các cậu giỏi lắm. Ôi, những cậu bé hay thương người như vậy, sao các cậu chỉ ở trong nhà!
Ước mơ... Nhớ nhung... Thèm thuồng. Và đói!
Húc mũi vào đống rác. Lè lưỡi trên bụi cỏ. Cào đất lên như những con gà. Con chó hoang cũng vẫn nhớ rằng không có gì trong ấy đâu, rác và cỏ, và cả đất nữa đều bị nó lục soát mấy mươi phen rồi. Nhưng tìm để mà tìm, để an ủi này lừa dối cơn đói mà thôi. Vả lại biết đâu ông trời của loài chó lại không rủ lòng thương mà cho gặp gỡ?
°
° °
Chiều chiều Sơn đi chơi, thỉnh thoảng gặp một con chó ngẩn ngơ giữa đường vắng, kiếm gì ở dưới đất, mùi dư hay hương thừa, vết không thấy của một miếng thịt hay bóng vô hình của một ngày qua?
Gặp Sơn nhiều lần nên con chó quen người; nó đã đi sau, hít hơi của Sơn một cách ngọt ngào mà Sơn không để ý tới. Rồi một bận, nó cứ theo lỳ lấy Sơn, đuôi phe phẩy. Chắc bấy lâu, nó không được mừng ai, đuôi nó cần được dùng vào tình quyến luyến. Ai bảo rằng tâm hồn nó lại không đồng một cảnh khát khao yêu mến, như cô gái hay chàng trai trong tiểu thuyết tình?
Thú thực rằng Sơn có hơi sợ chó. Đứng xa xem thì được; lại gần, nghe con chó giơ hàm răng, thè lưỡi ướt liếm vào hai chân, Sơn nhột và sợ. Khi nhỏ, học bài "Con chó dại", Sơn ghê rợn và hễ gặp con chó nào đuôi bỏ thõng, mắt ngơ ngác, Sơn liền nghĩ ngay rằng nó cắn chết người. Bây giờ, tuy Sơn biết con chó ấy không dại, nó chỉ "hoang" thôi; Sơn cũng đương còn chút sợ thuở xưa; con vật theo chàng, chàng cuốn chân, vội vàng nạt nó một tiếng lớn. Chàng muốn ù té chạy. Nhưng lại e nó rượt theo cắn chàng.
Cái ấy không cấm chàng hết lòng thương con vật bơ vơ. Sơn thấy con chó buồn. Nó buồn lắm. Không ai thương nó hết,- nó biết đâu rằng Sơn không dám vuốt ve nó. Sơn sợ tuy rằng thương. Nó chỉ cúi gầm đầu xuống. Nó đi thất thểu không lanh lợi. Thỉnh thoảng nó ngẩng lên nhìn cái gì đâu đâu. Rồi nó lại cúi xuống đường, vừa theo mãi lấy Sơn.
Nó buồn lắm. Nó đương buồn, hoặc có cớ, hoặc không cớ. Mà chắc trong hồn loài vật, nỗi buồn mới thực là vô căn, không hiểu bởi vì đâu và cũng không rõ là thế nào.
Con chó kia còn biết dùng buổi chiều của nó để làm gì? Nó không biết. Nó không có thú tiêu khiển nữa. Nó một mình, - à không, nó đi theo Sơn.
Và Sơn thì theo những ý nghĩ rất thương xót, đớn đau. Người ta buồn thì có thể đi chơi, ít nữa người ta cũng tự biết, chứ con chó sau chân Sơn, nó chỉ đương ngơ ngẩn, không hiểu cái gì lạ thế đè nặng nó như một lớp. Nó khó chịu, nó ngơ ngác, nó cầu cứu với Sơn.
Nhưng Sơn không thể bồng nó vào tay, nựng nịu, mơn trớn nó. Sơn thương chứ không mến. Sơn tội nghiệp, nhưng lòng chua xót vô vị của Sơn không giùm cho con chó được tý gì.
Rồi Sơn muốn dứt khoát cái dây tình cờ đến buộc lấy chân Sơn. Sơn đi nhanh để con chó hoang không theo kịp. Bấy giờ con vật bèn chạy lúp xúp, ô hay! Sao nó dính vào Sơn như thế!
Nó còn chạy theo chàng một quãng xa, như ai bắn nó, đuôi ngoắt hoài, mũi không thôi ngửi vào chân Sơn, cách tỏ âu yếm giống hệt của loài người: người ta hít hương da thịt của bàn tay, của cánh tay, của đầu với tóc, với má, với cổ họng có những hốc nhỏ chứa mùi thơm...
°
° °
Con chó hoang đã đứng dừng, ngực lép thở mau mau, cái lưỡi thè ra một chút. Sơn đi nhanh quá, Sơn cũng không thèm quay lại nhìn nó cơ mà. Nó biết người ta ghét nó, nên phải dừng lại và trông dõi người đi.
Nó đã xin lòng thương. Nó được lòng thương nhiều lắm, ngập cả tâm hồn người đã đành tâm bỏ nó. Nhưng nó không được nghe trên lông những ngón tay chạy dài, những ngón tay lượn ngược. Lấy hai chân, lấy một chân đè lên mình nó mà mơn trớn nó cũng được; nhưng không!
Sơn não nùng bước đi, nhưng người ta đau đớn ngoảnh mặt tránh một cách thê thảm. Cũng như lòng Sơn, chân Sơn không thể nào nhẹ được, tuy chàng nhất định không ngoảnh lại, sợ gặp đôi mắt thảm thiết của cái linh hồn đầu đường xó chợ kia. Sơn rùng mình, vì chàng thấy mình đương dẫm lên tình của một con chó rách, dẫm lên trái tim tội nghiệp của một con vật tồi tàn. Và Sơn hoa mắt đi, tưởng chân mình dính xương máu nát tan như xương máu của một con chó bị ô tô nghiến.
Ðứa Ăn Mày
Thằng Miêng cũng chỉ là một con chó hoang hay một con mèo hoang. Sơn biết thế rõ lắm. Mỗi lần thấy dáng bộ thất thơ không cửa không nhà của một con mèo hay con chó, Sơn lại thương thằng Miêng, đứa em xấu số, bị nhà bỏ, và cũng bỏ nhà, đi hoang.
Truyện dài lắm. Dài lắm lắm. Sơn không dám nhớ lại. Những sự khổ xúc xích với nhau thành một cái vòng luẩn quẩn, sờ đến khâu này, tức nhiên động tới khâu kia. Chỉ biết rằng bọn chó mèo hoang làm cho Sơn đớn đau: chúng động tới những hình ảnh tồi tàn, thất thiểu của thằng Miêng, ― những kỷ niệm mà Sơn gắng đẩy vào một chỗ vắng vẻ, quên lãng nhất của lòng mình.
Sơn hiểu vì sao có sự liên tưởng ấy. Nhưng Sơn không dám hiểu kỹ; Sơn còn trẻ tuổi quá. Sơn nhát gan, không dám trông thẳng một cảnh ngộ éo le. Sơn cố ý để mù mờ trong lòng, cho lòng nhẹ bớt. Nhưng có một chuyện, nhất là một chuyện...
°
° °
Năm ấy, Sơn học năm thứ hai ban thành chung trường Vinh, mười sáu tuổi đầu. Sơn có học bổng, được ăn ở tại trong trường trái với thằng Miêng học lớp tư, vẫn ở nhà cha mẹ. Một chiều thứ năm, Sơn cùng bọn lưu học sinh đi dạo, có thầy trợ dẫn đi. Sơn mới tắm rửa xong, đã soi gương rất lâu, chải tóc thực đẹp, với bao nhiêu đỏm đáng của chàng trẻ mới lớn lên.
Sơn không có tiền: các bạn khác thì đi giầy, mặc quần lụa áo hàng rất sang trọng. Cậu chỉ mang một đôi guốc; quần của cậu bằng vải không tốt mấy. Nhưng thợ giặt nhà trường đã là quần rất phẳng; và cậu có được một cái áo xuyến của người cô may cho, cái áo xuyến Sài-gòn. Ấy thế mà Sơn hoá ra xinh đẹp, đáng yêu thêm; cậu đi dọc đường, bước hăng, tự ngắm nghía mình trong tưởng tượng. Cái áo xuyến Sài-gòn láng mướt đẹp quá. Cô của Sơn đã may cho hết một chục bạc. Nhờ nó mà những chiều thứ năm Sơn ra vẻ học trò sang, đến nỗi đôi người bạn ngượng nghịu không dám lại gần. Anh em cười đùa Sơn, và Sơn cũng cười đùa, vô tâm sung sướng. Cả đoàn học sinh cùng đi.
°
° °
Ðến bãi biển, gần nhà thương thành phố. Mấy cây tra-tây lá biếc và dày, để thõng những chùm trái tròn xanh. Hái xuống mà ăn thì ngon lành biết mấy! chắc vừa ngọt vừa chua. Sơn lén ngừng lại, trong khi anh em luôn đường đi thẳng. Sơn một mình đến gần cây tra tây, sắp trèo hái.
Trời muốn chiều. Dưới gốc cây, ở giữa cát vì nhớp nên đen, có lẫn những viên phẫn dê bé và tròn như hạt thuốc tể, một đứa nhỏ, một thằng ăn mày nằm ngủ. Tay nó co lại dưới đầu làm gối. Chân nó vì lạnh gió nên cũng co lại; mặt nó khuất vì cả mình nó rút cong như con tôm. Áo quần nó bằng vải đen, nhưng cái dơ bẩn lộ trắng hẳn ra cùng những vệt mồ hôi khô, thứ mồ hôi người ta gọi “mồ hôi muối”, vì mặn lắm và đọng trắng như nước biển.
Thằng nhỏ nằm xây lưng ra ngoài đường. Cổ đầy ghét. Tóc dài phủ tai, xuống ót, làm thành một cái đuôi nhọn. Tồi tàn, gớm ghiếc, hôi hám; một đứa ăn mày. Sơn tự hỏi:
- "Con nhà ai ban ngày đến nằm ngủ ở nơi đây?”
Khi ấy Sơn còn trẻ lắm, tính hay thương người, nên Sơn hay bâng khuâng lẩn thẩn như thế.
Sơn tò mò trông kỹ hơn. Chân Sơn động vào cát; thằng nhỏ bỗng thức dậy, ngửa mặt ra nhìn. Thì hỡi ôi! đó là thằng Miêng!
Ðó là thằng Miêng. Thực Sơn không ngờ rằng thằng Miêng lại có thể ngủ ở đó; nếu Sơn ngờ trước, thì Sơn đã nhận ra ngay là nó, chứ không đợi phải nhìn lâu.
Sơn bị mất hồn, không tin hẳn rằng thằng Miêng em Sơn nằm đó. Miêng ngửa hẳn thân mình, còn chưa tỉnh giấc; mắt nó mở đỏ ngầu, lẫn bao nhiêu kinh sợ trong nửa tỉnh nửa mê. Hai tròng mắt ngày thường đã ngơ ngác, bây giờ lại càng thảm hại như mắt một con vật bị săn riết, cùng đường. Trời ơi, hai con mắt của thằng Miêng, Sơn quên đi mà không được! Cặp mắt lạ quá, thảm quá; thế mà lúc ấy nó vừa đỏ vì ngủ, vừa trắng vì đói, vừa xanh vì sợ, vừa bàng hoàng trông thấy Sơn nên lác đi. Sơn nhớ lại mà khóc mất thôi! Sao bao nhiêu hình ảnh éo le lại rủ nhau đứng trong hai con mắt của Miêng, của một thằng nhỏ!
Mặt của Miêng nhem nhuốc. Miệng thì hở môi trên, để lộ hai cái răng cửa lớn và vàng khè. Một bên mép, nước dãi chảy trong khi ngủ thành đường còn ướt.
Sơn điếng người. Miêng lòm khòm ngồi dậy, hai tay dụi mắt, có vài hột nhỏ dính trên lông nheo. Nó còn ngơ ngơ; nhưng vì sợ anh, người đã thường đánh nó ở nhà, nên đứng dậy. Sơn nắm chéo áo nó, giũ cho cát rơi xuống. Sơn thở dài, giọng nói như chết:
- Thế thì thôi...
Sơn không biết cái gì ở trong đầu Sơn. Sơn còn lặng người, chưa cảm xúc được, vì cảm xúc nhiều và mạnh quá. Sơn bước đi, dẫn thằng Miêng đi theo. Sơn nghẹn ngào hỏi:
- Miêng, mày bỏ nhà đi mấy hôm?
Thằng khốn nạn không nói, cúi gầm đầu xuống. Sao lại bắt nó phải trả lời? Nó khổ, không đủ sao? Sao còn bắt nó phải xưng tội nó.
Sơn đã định thăm một người bạn đau tay; Sơn bèn đem Miêng vào nhà thương, ở gần đó. Sơn để nó đi trước, không cho nó đi sau, sợ nó trốn; tay Sơn liệu chừng sao cho dễ giơ ra nắm lấy áo nó, nếu nó vùng chạy. Sự mỉa mai ác độc: Sơn mặc quần là, áo xuyến, đi guốc đội mũ, ra vẻ học trò; còn thằng Miêng...
Sơn nói với em―em của Sơn như thế ư?―nói những gì, Sơn không nhớ nữa. Nhưng khi vào đến phòng Vệ, người bạn thân thiết, Sơn bỗng oà khóc. Em Sơn như thế đấy! Ai cũng tưởng là đứa ăn xin! Nằm ngủ trên cát nhớp, nơi đại tiện của những con cừu, con dê; áo quần gớm guốc, bụng đói xếp ve, thân hình gầy gò chẳng đáng một xu nhỏ!
- Miêng! Miêng ôi...
Sơn gọi thằng Miêng, và bỗng nhiên đánh mạnh vào lưng nó một cái, nghe một tiếng thụi! Lòng căm giận của Sơn lại phát ra bằng sự đau đớn của Miêng: thằng nhỏ khóc bật ra, vì nó đau tức nơi chỗ đánh, Sơn giận nhà và giận nó. Vì sao? Vì sao? Sơn không cần phải trả lời. Cả một quá khứ éo le, không thể nói ra được, lại rõ rệt trong trí não. Sơn thương thằng Miêng nghe chết một đoạn ruột. Cậu văng tay lên một cái, và đã đánh thêm thằng Miêng một cái nữa rồi!
Thằng Miêng khóc, van lạy:
- Tội quá! Tội quá! Anh ôi!
Sơn thấy nói đau, càng tức thêm, Sơn tức nó đã xui cho mình phải đánh nó, bèn tát nó luôn mấy cái, chúi cả đầu. Thằng Miêng khóc rú lên: tiếng khóc nó đâm vào lòng Sơn; Sơn cũng khóc theo. Một cậu nhỏ mười sáu tuổi, một thằng bé mười hai tuổi, hai đứa phải đâu là người lớn để sửa lại một cảnh đời? Chỉ có nước mắt, và những cơn quặn lòng, ruột gan xoáy lại.
Rồi thì Sơn nghe đau nơi lưng, nơi mặt của mình, vì thằng Miêng đau nơi mình nó. Cậu học sinh vò hai bàn tay dữ tợn vào nhau. Hễ nhìn cái hình dạng tội tình của em, cậu khổ não vô cùng và khóc, bởi tính dễ khóc. Thằng Miêng tủi phận lại càng thút thít hơn.
°
° °
Sơn cổi áo dài, lấy áo cụt mặc lót trong mình đưa cho em,―chỉ là cái áo ngắn, không có cánh tay―bảo em thay mặc. Áo giặt trong trường, trắng toát, mà quần Miêng và cả mình nó thì đen đỉu. Nhưng biết sao? Sơn không mặc quần đùi, nên không có để nhường cho hắn.
Miêng cuộn cái áo đen nặng mồ hôi thành một cục. Sơn đã bình tỉnh hơn, van nó, an ủi, cầu khẩn nó, và nhờ Vệ sẽ đưa nó về nhà. Lớn lao gì cho cam! Học lớp tư mà đã nên thân dơ bụi.
Cái đồng hồ phòng gác nhà thương bỗng đánh bốn tiếng, Sơn biết mình đã trốn hàng quá lâu, chắc sẽ bị phạt. Sơn vội vàng dặn dò em, dỗ dành nó, xin nó đừng đi hoang nữa; dẫu sao ở nhà vẫn còn hơn...
Sơn dặn Miêng phải tắm rửa và giặt quần áo đi; còn cái áo của Sơn, thì Miêng sẽ giữ lấy mà mặc. Sơn thở dài một tiếng: không có một xu mà cho em.
- Em ơi, em về nhà; anh vào trường, em ạ!
Lời nói nhỏ và nghẹn, Sơn vội đi đến chỗ anh em bạn chơi cách mấy trăm thước.
Không ai ngờ gì cả. Bọn thiếu niên cười đùa vui sướng. Gió biển mát, tung cả cái áo xuyến đẹp của Sơn lên. Một người bạn hỏi Sơn, cho sự ấy là một điều chưa từng thấy:
- Sơn mày ăn mặc hay thực! Không có áo cánh lót trong, mà lại mặc áo dài.
tặng Thế Lữ
Tỏa Nhị Kiều
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều
Mỗi lần đến chơi nhà Phan, một cái gác thuê ở một phố hẻo lánh, tôi phải đi qua "nhà dưới", qua một mảnh sân nhỏ, trèo một cái cầu thang, đi một đoạn nữa, rồi mới tới lầu ngà của anh bạn âm thầm. Giá Phan ồn ào, nghịch ngợm, ranh mãnh lên như người ta thì hơn. Để mà được một chút vui tươi chứ! Đằng này Phan lại rất nhịp nhàng với tất cả chỗ anh ở, khiến cho tôi bùi ngùi quá, mỗi khi đến thăm anh.
Tôi biết nói cái gì trước bây giờ? Cái gì cũng buồn như nhau: con đường sắc xanh không rải nhựa, dãy phố lặng lẽ, gian nhà không chút đặc biệt của ông chủ, căn phòng không sáng sủa của bạn tôi, và nhất là ở tầng dưới, nơi tôi thường đi qua, có hai cô gái thế nào ấy. Và cái gì cũng lỡ cỡ; chúng nó xấu hẳn đi, buồn hẳn đi có được không? Mọi vật đều buồn một cách lưng chừng, xui lòng tôi cũng không đủ cớ mà buồn nữa kia, phải chịu ngùi ngùi một cách vô lý.
Đoạn đường chạy qua đó không đủ rộng để làm một đường phố, cũng không đủ hẹp để làm một ngõ hẻm; đá không chịu lởm chởm, mà chỉ hơi gập ghềnh. Nhà không chịu xấu, không chịu tối, mà lại chưng một vẻ phong lưu nghèo nghèo một tí. ánh sáng không chịu sáng; giữa hai dãy lầu khéo đứng để ngăn mặt trời, cả ngày chỉ là một buổi chiều dài. ở chợ Hàng Da đương náo nhiệt bao nhiêu, thế mà vừa đi một trăm bước để vào con đường này, cuộc đời bỗng quạnh hiu làm cho nhà cửa ngơ ngẩn.
°
° °
Và nhất là hai cô gái con ông chủ nhà dưới. Nhất là hai nàng Kiều không kiều diễm, mà người ta cũng chẳng chịu khóa hẳn để tôi thương xót cho được vẹn toàn.
Hai cô ở trong một gian nhà có đủ sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi, có đủ cả bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim trái và nạm cẩm thạch. Nhưng tôi chỉ trông qua cũng biết không phải là giàu.
Quỳnh và Giao, hai tên ngọc đặt cho hai người hiền. Họ ngây ngây thơ thơ (chứ không được là ngây thơ), học lặng lẽ và ngơ ngác; ấy là hai hột cơm.
Mỗi lần đi ngang qua, tôi nhanh chân như lủi trốn, nhưng tôi vẫn đủ thì giờ thấy hai cô gái. Màu áo họ rất thanh đạm, vì nhạt nhẽo nên buồn buồn. Cô Quỳnh trẻ hơn, áo mới hơn cô Giao một chút - tôi quên không nói rằng tôi biết tên hai cô là nhờ bạn tôi.
Phan, cái anh chàng khó hiểu làm sao! Anh rất ít nói, và cũng ít làm. Kiểu mặt á Đông, mắt nhỏ và dài, không biết chứa những gì trong vẻ mập mờ kín hẹp ấy. Tôi lạ cho anh hết sức. Sự lặng lẽ của anh là một thứ hư vô, và tôi cảm như không có anh Phan.
Đôi khi Phan lên cầu thang, tôi gặp được nơi khóe môi anh một chút nhíu da giống như một phần sáu của nụ cười. Thấy thế, tôi vui vui, và hơi nghĩ ngợi.
Tôi nghĩ đến Quỳnh, cô em hiền lành quá, với đôi mắt yên ổn và như không. Cô hơi xinh. Mặt cô tròn. Hay nhíu đôi mày cong, cô có vẻ trẻ con lắm. Cô hiền lành đến nỗi tôi thấy xót thương. Tôi không nghe cô nói một câu gì,- có lẽ chỉ vì tôi không có dịp nghe cô nói.
Biết đâu Phan chẳng đồng điệu với Quỳnh, hai sự "như không" gặp nhau. Chắc cái khóe môi hơi nhích kia biểu hiện một cảm tình kín đáo.
Rồi nhân đó, tôi nghĩ đến cô chị. Dường như cô có một tật nhỏ nơi chân: bước của cô cao thấp không đều. Và dường như cô mang một nỗi buồn không ngớt. Cô giống cha cô, mà cha cô thì chẳng khôi ngô chút nào. Trái lại, mắt ông tròn như hai chấm mực, miệng ông hơi quạu, đôi môi giơ tới trước như kình với ai. Ông thường ngồi chéo chân trên sập giữa nhà, và tôi hằng gặp ông đeo kính, tuy không thấy ông cầm sách. Một lần ông đã cự tôi, vì tôi gấp rút vào gác trong, không kịp xin phép ông. Và từ đó, tôi càng thương ông lắm.
Cô Giao giống con người đứng tuổi ấy, thực bất lợi cho cô. Vì cô không dữ - tôi xem qua thì biết - mà mặt cô lại mang những nét không hiền.
ấy đó, Quỳnh và Giao, hai Kiều rất dửng dưng không e lệ nép vào dưới bụi hoa nào cả, và cũng không đẹp một chút, nhưng bởi một hội ý tiêu tao, đã khiến tôi nghĩ ngay đến câu thơ phong tỏa của người xưa.
°
° °
Bởi vì hai cô ngồi trong một buổi chiều rất đỗi ngẩn ngơ, một buổi chiều triền miên của sự vật và của linh hồn, một buổi chiều trong nhà và trong tâm lý. Lạ quá! Tôi như cảm nghe sự mờ nhạt của cuộc đời, khi trông hai cô.
Dầu tôi vui đến đâu, khi bước vào nhà ấy, tôi cũng nghiêm nét mặt, bước khẽ, sợ động không khí. Hễ vào nhà thì phải cất mũ, tuy thế, trong cử chỉ thường lệ ấy, tôi tưởng như tôi đương chào ai, đương chào một cái gì, một đám tang hay một nỗi đau thương.
Tôi không thấy có một người đàn bà đứng tuổi, nên tôi nghĩ rằng ông chủ góa vợ, hai cô mồ côi. Nhưng một lần, tôi bỗng gặp bà chủ. Và tôi chỉ quen được thấy hai người con gái, nên tôi nghĩ rằng ông chủ không có con trai; nhưng tôi lại nhầm to: gặp hai người thiếu niên đi với Phan, tôi hỏi ra mới biết đó là anh của hai Kiều.
Và hỏi thêm ra, tôi hay rằng ông chủ nhà là một người làm việc nhà nước đã về hưu. Ông còn mấy cậu bé gửi học ở Nam Định. Gia đình họ đông đúc thế, và chắc cũng khá đủ tiền bạc; sao tôi lại bày những cớ rất gở, lại giả sử trong trí tôi những điều nhầm tưởng, những chuyện không lành?
°
° °
Nhưng sao nhà ấy lại bao trùm trong một bầu không khí nhạt tẻ, không ánh nắng, chẳng hương người? Sao lại có hai nàng con gái kia, ngơ ngác kia như không biết sống?
Tôi biết hai cô không có việc gì làm. Họ chẳng mấy lúc đi chơi. Họ để cho ngày tháng qua. Họ là hai cái cây - họ lại còn thua hai cái cây, bởi vì còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành.
Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn, giá họ đàng điếm, hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ tôi sẽ được vui vì thấy họ có việc. Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đi đua xe đạp, tôi sẽ được thản nhiên, nếu thấy họ đỏm dáng chòng ghẹo bất cứ người nào.
Tôi ước được gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cặp môi đắp son đỏ choét. Tôi muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch, lố lăng bao nhiêu cũng được; thà họ làm cho tôi ghét còn hơn làm cho tôi thương.
Nhưng không! Hai cô buồn buồn ngồi đó, trên trường kỷ, chờ đợi một sự gì xẩy đến. Phố vắng, nhà cũng vắng: hai người anh đi chơi luôn, bà mẹ về nhà quê, ông cha lặng lờ hết ra lại vào. Hai cô cũng hết vào lại ra.
Cô em có một chờ đợi: là chồng. Nhưng có lẽ cô cũng hơi biết rằng nỗi mong ấy gần với một viễn vọng. Còn cô chị? Tôi nghe bạn tôi bảo rằng cô đã có một đời chồng: chồng cô đã ly dị với cô. Hỡi ôi! cô Giao còn biết gì để mà trông ngóng.
Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài; hai cô lẫn trong mù sương. Đáng tội nghiệp nhất là hai cô không sầu tư, không có một nỗi chán nản gớm ghê, nó xui ta cầu xin cái chết. Không, hai cô là hai cô gái, chỉ biết buồn mờ, buồn lặng, nhưng buồn lâu. Hai cô là hai cánh đồng...
Nhiều lần, theo một liên tưởng mau chóng, tôi nghĩ đến những cụ già còn đôi chút sức lực, ngày ngày quanh quất giữa bàn ghế trong nhà. Cứ tự nhiên im im như thế, các cụ ăn, ngủ, mà may thay! Trong lúc ấy, thì giờ qua... Cho đến khi các cụ hết ở trong nhà với sự buồn tẻ. Cái chết đã nhận những linh hồn kia, cái chết đã là mục đích.
Tôi lại rất nhớ những khi xế trưa, nắng ngả vào bếp nhà tôi. Lửa tắt, than lạnh, chỉ đôi con ruồi lơ thơ đậu dưới đất thỉnh thoảng bay lên kêu vo vo. Nắng vàng phai lặng, chán nản làm sao! Lúc ấy, mọi người đều cảm thấy mơ hồ nỗi nhạt nhẽo của ngày này tiếp theo ngày nọ. Đến nỗi một người đơn giản như mẹ tôi cũng buột mồm nói: "Cơm mai rồi cơm chiều, rút cục mỗi ngày hai bữa cơm".
Mà nhà ai lại chẳng thế! đứa nào mộc mạc nhất cũng đã từng buồn bã khi làm bữa cơm chiều. Ai lại không nghe, ít ra một lần, nỗi đìu hiu của cái Ao Đời bằng phẳng. Chúng ta nhảy múa, gào khóc quay cuồng để cho có việc; nếu không, ta sẽ thấy một sự vắng vẻ vô cùng thê lương. Và dù siêng năng đến đâu, đôi lúc ta cũng bắt gặp ở đây hồn ta một nỗi trống không rất tuyệt vọng.
Có phải vì vậy mà tôi thương hai cô gái kia chăng? Không biết. Tôi không thấy rõ duyên cớ; tôi chỉ thương mà thôi, thương một cách thành thực và dễ dàng. Tôi đã cảm giùm cho hai kẻ ngơ ngác, và lặng thinh ngắm một cảnh tà dương.
°
° °
Bởi vậy tôi đã nảy ra một ý: đến nói chuyện với hai Kiều. ít nữa tôi cũng là một viên sỏi, một cục đá đến rơi xuống trên mặt nước phẳng lỳ của ngày nọ. Tôi định tâm làm cho hai cô tức, cáu, đem tặng hai cô hạnh phúc thấy mình cũng được xẳng xớm rầy la một người khác. Tôi vừa ra vẻ láu táu, ráng lấy một bộ mặt bướng bỉnh. Tôi giả sử tôi là một người đến chọc ghẹo hai cô, và sự kém giáo dục của tôi để tôi vô lễ.
Tôi đã quên với lời và cử chỉ của tôi lúc ngừng lại nơi nhà dưới, khều cho hai cô nói chuyện với tôi. Nhưng tôi rất nhớ sự vồn vã của hai người, trả lời lại như đối với một vị cứu tinh. Hai cô có bao nhiêu ngọt ngào của lòng mình thì đem ra ngoài, lời hai cô hiền lành hơn trẻ nhỏ. Cái duyên dáng mà hai cô có thể có, hai cô đều phô bày ra hết để tiếp chuyện với tôi. Tôi đã thấy mắt cô em ướt hơn ngày thường...
Thế là thất vọng! Tôi muốn họ hung tợn, họ lại thêm hiền lành, cái hiền hậu nó làm tôi khó chịu quá. Tôi sợ sợ, tự biết mình không thể an ủi được cảnh trống không của đời họ. Công việc ấy tôi không dám làm; tôi chỉ có lòng thương, mà họ, họ cần tình yêu.
Tôi mong ở Phan, anh bạn "như không" của tôi, nguyền ước cho cái khóe cười của Phan hằng nở vì cô thiếu nữ: một lần nọ tôi sung sướng thấy Phan đi xem diễn dịch, và Quỳnh và Giao cũng đi...
Nhưng từ cái chiều xảy ra cuộc nói chuyện, tôi ngại ngùng, lành lạnh trong cảm giác, không đến thăm Phan để khỏi qua nhà hai cô. Sau hai tuần, khi đến tìm Phan, tôi ngẩn ngơ hay tin rằng Phan đã đổi chỗ ở.
Thư Tình, Mùa Thu
Ðây là tám bức thư tình của một người trẻ gửi cho một người trẻ. Này, bạn đọc! hôm nay mùa thu đã rõ rồi đấy. Tôi biết lòng bạn run run lành lạnh, nho nhỏ ngân nga vì hơi heo may. Tám bức thư tình. Một kho ấm áp! Bạn đừng ngay thẳng quá. Những bức thư hờ như thế, bỏ quên trong ngăn kéo, ta bắt được tội gì không xem? Ðây tôi đọc cho bạn nghe, ―hay là tôi chép lại.
Ừ, xem, ta xem đi. Ngoài kia mưa bay mảnh khảnh dịu dàng, chẳng biết là mưa hay là sương nữa... Còn gì thú hơn xem bức thư tình, tay nhẹ nhẹ nâng như không dám cầm mạnh, sợ dập mất chữ của người yêu dấu! Ồ! đọc những lời hò hẹn tiêu tao, trong khi Mùa-Êm-Ái đưa mây, quạt gió ngoài trời! Ồ! buông mình vương vít trong lưới chỉ của lời tơ, thấy mình là một con chim si vui lòng bị nhốt trong lồng tình ái, và nghe mình đập cánh du dương trong vòng giam hãm, và ngoài xa, ngoài rộng, đất trời cũng lịm trong lồng mùa thu...
Ðọc thư tình! Trong mùa thu! để thấy ngón tay cảm động như đàn trên phím giấy, để nghe những chữ những tiếng mở ra như những hộp đựng ngọc, hé ra như những cánh môi. Một làn gió nhỏ đến tự chân trời xa xôi, thổi mơn man vào giấy: thế là tai ta, đã chờ sẵn, vội vàng nhầm tưởng giọng nói thân yêu. Ôi một bức thư tình!
Thế mà đây chúng ta có những tám bức. Giấy mỏng như cánh chuồn chuồn. Hương nhẹ như rất xưa. Hẳn là của một chàng trai nào mười tám xuân xanh, hai chân cao, cái đầu thẳng, trái tim non ở trong ngực mới, cảm mùa thu. Cảm tình yêu đương, và thấy thu về, lòng đòi yêu mến. Chàng ta đã đan lời rất dịu: những bút tích ấy hôm nay lạc vào tay ta. Của ai? Của bạn chứ còn của ai nữa! Bạn hãy thử dim mắt, ngó vào bên trong và đọc thầm những bức thư sẵn có trong lòng bạn: bạn sẽ thấy cũng bấy nhiêu chữ và bấy nhiêu tình.
Bạn ơi, nghiêng đầu bạn bên đầu tôi, ta cùng đọc những bức yêu đương mà tình cờ nhặt được. Cứ cho mùa thu làm dáng ngoài kia; chốc nữa, khi đọc xong, ta sẽ lau một khung kính mờ và nhìn ra trời đất. Bấy giờ mùa thu sẽ càng ý nhị hơn nữa, đến bên vai ta nhẹ nhẹ ôm..
°
° °
I
Cái “thư” lần đầu.
Sợ sệt và ngại ngùng như sẽ có một điều không hay xảy đến vì sự bạo gan.
Bước đầu sẽ dẫn tới đâu?
Ước gì dẫn tới... lòng của bạn!
°
° °
Ba hôm,―bốn hôm chứ―bốn hôm không thấy Chi, sao mà dài ghê quá. Chỉ có cho tôi nói rằng nhớ Chi vô cùng không? Tôi muốn đến Chi, nhưng sợ mất thì giờ của Chi. Và không dám lạm một tấm lòng tốt.
°
° °
Chi đẹp quá.
Sáng như tuổi trẻ.
Sáng như mặt trời.
Và khi ngó mặt trời người ta quáng mắt, tối mắt đi. Người ta không trông thấy gì nữa.
Trừ ra cảm giác của sự rực rỡ, và cảm tình của lòng mến yêu.
°
° °
Giấu sự giàu có về tiền tài, việc ấy còn dễ.
Chứ giấu sự giàu có của lòng ta, sự ấy làm sao được? Nhất là khi ta thấy luyến ái một người, tự nhiên lòng ta đầy tràn hân hoan và cũng tối tăm lo ngại.
Tôi không thể giấu...
Xin Chi hãy trông...
°
° °
Trước hết, hãy trông sự buồn cười của bức thư trao bằng tay, sau bao do dự.
Và hãy trông nguồn rung động mới, xui lòng Tịnh sống nhiều lên, cũng như ngực Tịnh thở hăng lên.
Và hãy trông, nhất là hãy trông mùa thu mới tới, chứa đầy nhớ nhung;
Và sau cùng, nếu Chi không yêu Tịnh, thì hãy xem như chưa hề có tờ giấy này.
II
Cái “thư” số hai.
Viết trước khi xa nhau, dầu chỉ là trong hai mươi hôm.
Ðể nghe lòng tôi bịn rịn rất dịu dàng, vì có những sợi giây bắt đầu vương buộc.
°
° °
Ồ! làm sao nói được những cảnh yêu phấp phới nhẹ nhàng trong lòng Tịnh!
Mà nói làm chi?
Chỉ im nghe sự cảm thông chảy từ lòng Tịnh sang lòng Chi, theo một dòng suối vô hình.
°
° °
Hai mươi hôm, Chi thân yêu của lòng Tịnh!
Hơn nửa tháng, có phải là ít đâu! Ngần ấy thì giờ cũng đủ để người ta đi vòng quanh thế giới.
Và vòng quanh trái tim của một bạn yêu, chắc cần ít thời giờ hơn, ―nếu hai bên đồng nặng tình cảm với nhau.
Trong bấy nhiêu ngày ở xa Chi, Tịnh cầu mong cho kỷ niệm của Tịnh được vòng quanh lòng Chi, ít nữa là hai mươi lần.
Và hai mươi lần, Tịnh sẽ tưởng tượng làm giấc chiêm bao...
III
Xa Hà Nội rồi.
Không gần Chi nữa...
“Dịp may hiếm có” để gửi thư cho Chi một cách đường hoàng, viện cớ rằng Chi đương ở Bắc, và Tịnh đã về Nam.
Nhưng cũng là một dịp để tha hồ nhớ.
°
° °
Chiều ở đây đẹp lắm!
Có tiếng sóng đến gần nhà.
Có gió vào trong phòng, và có mùa thu giăng màn trước cửa sổ.
Biển đã bắt đầu đổi tiếng, sóng thu đã reo lên.
Thành phố nhỏ của Tịnh nằm trên một lưỡi cát dài.
°
° °
Trời muốn lạnh, Chi có nghe chăng?
Nếu không gặp nhau, ta chịu sao nổi những ngày buồn sắp tới?
Gió thu lẻn vào lòng người rất giỏi; che kín áo cũng chẳng ăn thua gì. Nhưng tình yêu lẻn vào lòng người lại còn giỏi hơn gió thu. Và bấy giờ thì thực ấm.
Mà lắm khi tình yêu chẳng thèm lẻn vào đâu! Nàng công chúa ấy vào trong cung của ta theo cửa Ngọ Môn, đi rất thẳng đường, và cửa nào cũng không dám cưỡng lại.
°
° °
Trong cung lòng anh,
Có ngôi vàng quí;
Em là hoàng hậu,
Anh chẳng dám làm vua...
IV
Mấy chiếc thuyền nằm im trong vũng mới buồn bã làm sao!
Có cái gì rất thu trong cảnh nước và thuyền yên lặng.
Trời êm như hồ.
Én nhỏ như mũi kim.
Mây biếc và xa như những mảnh núi bỗng dưng biết bay!
Mặt trời hiền hậu như một tấm gương đã cũ
Chiều thu... Chiều thu...
°
° °
Tịnh được hưởng cả cái xa xôi của sự cách xa.
Biết rằng ta yêu nhau nên bằng lòng xa cách.
Cũng như lùi lại đằng sau để thấy một bức tranh đẹp hơn và rõ hơn lên.
Tịnh ở xa để thấy ái tình nổi bật từng nét yêu đương.
Gửi Chi nỗi niềm nhớ nhung trông ngóng.
Mênh mông như chân trời này đến chân trời kia.
V
Một trận gió tới đột nhiên, và từ ấy, mưa xuống không dứt.
Chiều qua đến nay, lòng ngập trong mưa...
Thư này mang đến cho Chi một nỗi lạnh lùng run rẩy,―của trời đất thì ít, của lòng Tịnh thì nhiều.
A, thương nhớ nào đâu bay qua với mây, hùa theo với gió, thương nhớ nào đâu vơ vẩn với trời như những con chim lạc, rủ nhau tìm vào chỗ trong lòng anh?
Ba cái thư, mười hai ngày rồi.
Chỉ còn ba hôm nữa, ba hôm!
Tịnh không ở được đến hai mươi ngày; trời ơi, ngựa chạy nơi ngực anh đây!
Tịnh chỉ ở nửa tháng.
Lòng Tịnh gấp ra nhìn Chi một chút, nhiều chút đê mê, đê mê...
°
° °
Nếu có thể đẩy thì giờ cho nó chạy nhanh lên nữa!
Ồ, gặp Chi, ngó Chi, chứa hai tròng mắt đầy em!
Trái tim chồm lên như con ngựa sắp chạy thi,―gớm, sao mà gió lạnh thế!
Chi ơi, Chi ơi, Chi ơi...
Tịnh đây!
VI
Thôi chết rồi, Chi đi chơi xa chưa về.
Em Chi, Tịnh vội ra để thấy em, sao em lại đi vắng? Anh nhớ em nhiều quá. Anh gấp ra để được nhìn em.
Tàu đến ban chiều. Anh chờ đến tối. Chiêm bao mộng mị. Anh chờ đến sáng. Rồi anh chờ đến trưa. Và bây giờ trời đã chiều.
Chi ơi, đi mau về đây với anh!
VII
Ồ! Chi của tôi, của tôi!
Nhớ nhá, chiều nay chúng ta bơi thuyền.
Ta sẽ cho mái chèo vào giữa lá sen, và nói;
“Ðây là những lá sen,
“Ðã rách vì không còn mùa hè;
“Hỡi mùa thu yêu dấu!
Chúng ta sẽ chắp lá sen tàn, may áo rét và mặc cho ngươi.”
°
° °
Cửa sổ nhà em khép lại như những mí mắt buồn ngủ.
Lỗi của gió, của mưa, của mù.
Anh cứ đi qua luôn, ngừng lại một chút, rồi thẳng đường đi...
Lỗi của đôi chân không biết trái lệnh lòng yêu sai khiến.
°
° °
Mùa thu! Mùa thu! Ai không nghe, như chàng trai kia, tiếng kêu vời vợi của không khí? Ai không run nỗi hàn của tâm lý trước khi run nỗi rét của da thịt? Lạnh lùng sắp tới, lòng ai không rộng thêm, bỗng dưng có một khoảng trống cứ to dần. Ai không cần góp nhiều tình, thực nhiều tình, như người ta cất sẵn than củi để phòng mưa gió?
Bức thư tình trong mùa thu, ai sẽ viết cho tôi, cho cô, cho anh, cho bạn? Ai cũng vậy, hễ mùa thu đến là cần thiết rất nhiều âu yếm, như trong ngực bỗng dưng có đến năm sáu trái tim. Ai may thêm áo, ai mặc thêm những lớp áo tình cho muôn lòng người rét mướt? Một bức thư tình là một khuôn nhung ấm; những cặp tình nhân đừng quên!
Truyện Cái Giường
Tôi là một cáỉ giường hư bỏ trong nhà chứa đồ cũ. Tôi buồn lắm. Cái nhà nhỏ như một cái hộp lớn, tồi tàn, dơ bẩn, bụi đâu trên mái cứ rơi chầm chậm xuống phủ mình tôi. Và màng nhện ! Chúng giăng qua sườn tôi, tự do quá.
Nhất là không có ai bén mảng. Lâu lắm, họa chăng một người đầy tớ mở cửa để ẩy vào một cái ghế rách hay một cây đèn tồi. Rồi vội vàng đóng ngay, dáng khinh khỉnh vì sợ bụi. Trời ơi, chịu sao nổi cảnh hiu quạnh đường này ! Dầu gãy, dầu hư, tôi vẫn mong được loài người đụng chạm. Tôi, xưa kia đã từng nâng da, đỡ thịt, tôi đã nhận sự sống của loài người lây qua mình tôi.
Mà bây giờ không có sự gần gủi của người. Thực là cô đơn, vắng vẻ.
Tôi có chuyện của tôi chứ, Tôi đâu phải là cái vồ lớn dựng nơi kia, nó chỉ có một lịch sử : suốt đời giơ đầu gỗ của mình đập lên trên búa, trên rìu. Tôi biết nhiều lắm. Nhưng mà tôi chưa nói đó thôi.
Nào, cái bàn hư, cái ghế hỏng, cái cũi mọt, và các người nữa, chiếc xe con góa bánh, hai cây đèn chảy dầu, năm cái thúng trật vành, và mọi vật linh tinh lủng củng, hãy nghe tôi tự thuật. Làm thinh hoài chỉ tổ cho mọt nó ăn !
° °
°
Tôi vào trong nhà này đã lâu lắm. Mười bốn năm. Tính thử xem, việc đời biết bao thay đổi !
Xưa kia, tôi đẹp, tôi mới. Tôi lại đẹp nhất, mới nhất, không một kẻ nào cũng loài có thể sánh được kiểu tối tân của tôi. Suốt tỉnh nhỏ; người ta đều biết tiếng cái giường ở tiệm đồ gỗ X... Bao nhiêu người thèm thuồng đã đến mặc cả, nhưng túi tiền không đương nổi; và bao nhiêu người đã trằm trồ nhưng không hề dám mộng, chỉ đành tới nhìn tôi để lại về ngũ trên chiếc chõng tre.
Bỗng một hôm, một người thanh niên đến ngắm nghía tôi, hai mắt sáng. Vài câu hỏi, một nụ cười, một cái gật đầu. Và ông chủ tôi mừng quýnh lên, vì đã tưởng chẳng ai dám lãnh quí vật về nhà, bởi vì cao giá quá.
Ôi vênh vang kiêu hảnh trên chiếc xe bò nó kêu như xe thắng trận; ôi sung sướng đi qua giữa phố, khiến nghìn con mắt phải ngước lên cho tới, để ngợi khen tôi và ganh tị chủ mới của tôi ! Mặt trời hôm ấy đỏ vàng, ánh buối sáng chạy lượn trên mình ngời chói. Hồi hộp khi nghe tiếng thở của phu kéo, mơ mộng khi nghĩ đến cuộc đời mới đương chờ tôi, và rung rinh mỗi khi xe gặp một khoảng đường gồ : sao sự sống linh đình mà vui tươi thế !
° °
°
Thế là tôi đã thành một cái giường thực-sự, chính-thức, một cái giường toàn vẹn, sẵn sàng, để cho người ta sống, chứ không phải để mua bán. Phải đợi hai tuần, cái mùng mới mới may xong, và phải đợi thêm một tuần, mới xong một cặp gối mới: ngót một tháng mới hoàn thành.
Cái thiên-chân mờ mờ của tôi cũng cho tôi đoán hiểu. Hai người chủ mới, một đôi vợ chồng trẻ, đã muốn trả thù cho sự tàm tạm khi lấy nhau. Khi được một số tiền lớn đầu tiên, họ liền thay chỗ nằm, bỏ cái lều xoàng xĩnh không xứng với giấc mộng ái ân, mà vào một cung điện khá đẹp, khá sang, knông hổ với tình yêu thứ nhất. Với sự nghiêm trang riêng của tuổi trẻ, họ để dành tôi, chờ cho xứng gối, xứng màn, và chờ một đêm thứ bảy ; xem thấy sự thẳng thắn rất lành của họ, tôi cũng dường như thêm bề thế, vững vàng.
Cái mùng trắng tinh, xốp như bọt sóng trắng ; chiếc chiếu có hơi lòe loẹt, nhưng ta phải nhớ tuổi trẻ là tuổi sắc màu; và cặp gối thi vị biết bao ! Cái gì có đôi cũng là thi vị, huống chi đã một đôi gối, lại trên mỗi chiếc có một đôi chim chuyền luyến cành mai, và trên cành, không biết bao nhiêu là đôi hoa nở...
° °
°
Công dụng của tôi bắt đầu từ một đêm thứ bảy, trong khi bóng trăng đi vào cửa sổ, đến bên mình tôi. Mà đời tôi tưởng cũng như đến đêm nay mới thực bắt đầu; loài người đến truyền sự sống qua thân mình tôi, một đêm trăng ngời đầy những lời dịu ngọt.
Trong phòng nhỏ, tối với sáng không ngược nhau mà lại giao hòa với nhau; cái giường hiển hiện dưới một thi vị thần tiên, xứ của Đêm tưởng chừng như chỉ gồm lại gần đây, ở nơi cái đồ đạc khác thường nó là nơi của giấc ngủ.
Không bao giờ tôi quên lần đầu tôi thức dậy ! Mơ hồ trong vật chất của tôi, tôi bỗng nghe chút gì xao động; vật chất như được hồi tỉnh, có một ánh mong manh, yếu đuối đợi vào cái đêm dày đặc của sự vô tri.
Trước lần ấy, tôi cũng có một thứ thấu-hay, nhưng thô kệch biết mấy ! Chỉ sau khi được nâng sự sống hiền hòa, son sẻ của loài người, tôi mới thấy rõ : đời chỉ có ỷ nghĩa với tôi mỗi khi đêm về.
Ấy là một nỗi ngất ngây dìu dịu lúc khởi sự có ánh đèn trong bóng hoàng hôn chập chừng. Tiếng khua riêng trong nhà, gây nên vì bóng tối, sự rộn rịp nhỏ làm đất chuyễn tiếng chân, tiếng bát đũa và tiếng chó gà, tất cả sự ồn ào thầm kín lúc đêm sang đều động tới tôi rất mạnh. Lúc ấy người ta, bận vì bữa ăn, không xem gì đến chiếc giường, nhưng tôi, tôi sắp sửa giấc ngủ : nghĩa là tôi hồi hộp thấy cái ánh linh hồn của tôi lại trở về... Hoàng hôn, tức là bình minh của tôi !
Rồi trong khi các trẻ nhỏ xúm quanh cây đèn hoa kỳ, học bài nghêu ngao, bàn tay cần mẫn của bà chủ đến chăm sóc chỗ nằm, và nhất là chăm sóc tôi, nơi nằm quí giá nhất.
Một giờ của đêm qua là một giờ của đời tôi đến. Với những cái giường, thời khắc nào huyền ảo cho bằng Đêm ! Những đồ đạc vững chải và nghênh ngang kia được soi dọi bằng bóng tối. Chúng lộ nguyên hình là những cõi riêng, những xứ sớ, chứ không phải những vệt kềnh càng chỉ chiếm hết cả chỗ trong phòng.
Không gì khổ sở cho những cái giường bằng ánh ban ngày. Dù chúng đẹp tới đâu, chúng vẫn có vẻ trẽn trơ, ngờ nghệch. Dường như người ta không hiểu trong khi mọi người làm việc, sao lại có sự lười biếng đang ỳ ỳ nằm đó, họa chăng để làm bạn với kẻ ngủ ngày hay kẻ yếu đau. Sự sáng tỏ bất lợi cho chúng. Tiếng ồn ào không một chút du dương.
Chúng như những con vật sống ban đêm, bị ánh ban ngày bắt được. Chúng đã thành vô dụng, và hóa vô duyên. Chúng đã lạc vào trong ban ngày, nên ngẩn ngơ, dơ dáng.
Nhưng đêm đến ! Gỗ không chỉ là gỗ nữa; cái giường mở rộng như một cõi mơ...
° °
°
Ở trong nhà tù bụi bặm này, chứa những dân đã bị đời thải, tôi xin hỏi riêng những vật bằng gỗ : có vật nào đã từng cảm thấy sự sống rạo rực chạy trong mình hay chưa ?
Chỉ có cái giường, chỉ có tôi mới được những giây phút lạ lùng ấy. Nương bóng huyền bí của đêm, cái gì cũng huyền ảo; những vong hồn có thể hiển hiện, và những chút hồn thầm của mọi vật cũng được hiện ra.
Huống chi tôi được đỡ lấy mùa xuân vào lòng, mùa xuân của hai sinh vật trẻ trung, tốt đẹp. Tôi đã nhận sức nặng của hai sự sống ; loài người có biết chăng tôi đã khoan khoái bồng họ như người mẹ hiền bồng hai đứa con ?
Rồi những đêm đông, khi mưa rào rào đánh tạt vào tường, khi ngoài trời nước xuống tứ vi, đem nỗi lạnh lùng, ướt át, ấy là khi những lòng xanh nghe máu ào tới, rạo rực, ấm áp vô cùng. Ấy là khi người ta càng quí trọng sự gần nhau, kéo chăn kín đầu, không bỏ lọt một chút hơi thở. Ấy là khi bồi hồi xúc động, cái giường hoàn thành một tổ chim. Tôi đã nghe mình tôi được trở lại với đời rừng; tôi là bằng cầy chứ không phải là bằng gỗ : trong những mạch đã khô, đã cứng, tôi tưởng nghe máu cây lại chạy lại, tôi bàng hoàng nhớ tưởng thấy mình lại có da tươi, thịt mát, máu nâu...
Và mơ màng như còn phảng phẩt sống trong rừng, bởi vì gỗ đã bắt chước người, nao mình, chuyển nhựa. Tôi thiêm thiếp cùng vơi hai người chủ, linh hồn ngân nhẹ và vật chất ngân êm...
° °
°
Mà cái bàn nào, cái tủ nào bì được Cái Giường !
Cái bàn thì khô khan, cái tủ thì trưởng giả; cái bàn học giữ vẻ lạnh lùng của những chồng sách nặng; cái bàn ăn mang vẻ thô bỉ của cả thịt, mắm muối; cái tủ thì cao ngông nghênh và có thói tư bản, khư khư giữ chặt quần áo, bạc vàng. Cái hòm, cái rương cũng đồng mang những khối bụng to tướng tham lam; còn nói gì những cái ghế, chúng bị người ta ngồi lên trên mặt...
Chứ cái giường, ôi chao ! còn gì thân mật, ấm cúng, ái ân hơn ? Người ta nằm lên giường, người ta lăn vào giường như cầu xin một sự ấp chở che, như rơi dịu vào một cõi lòng chìu đón... Phải, khi nào buồn ngủ hay mệt mỏi, hay yếu đau, người ta mới đi nằm, cho nên cái giường thành ra xứ sở của nỗi mê man, của sự chập chờn, của niềm tê liệt, nghĩa là cái giường gồm thâu bao nhiêu huyền bí của thân thể, của linh hồn... Có phải không, người ta đến nơi bàn, hay là đi mở tủ một cách rất khô khan bởi vì quá thực tế - chứ khi đặt lưng xuống giường, người ta có cảm giác mơ hồ như đương chìm dần trong một biển đen mờ, xanh nhạt; dần dần người ta lịm dưới một lớp sóng ngủ triền miên. Ôi ! nằm trên giường hay là trôi trên nước, hay là bơi giữa nguyệt, bay trên mây ? Mờ mờ, nhẹ nhẹ, linh hồn người bảng lảng mù sương, ngao du cõi mộng. Trong khi ấy, chân tay vẫn sờ soạng nơi mình gỗ của cái giường, và người ta nhầm chăn chiếu với da thịt của một nàng tiên...
Chỉ cái giường là biết được hao nhiêu thầm kín của con người, chứng cho muôn nỗi lòng vu vơ, ban ngày bị đè nén, lấn át vì công ăn việc làm, ban đêm mới được người ta mở ra nâng niu ngắm nghía. Cái giường mục kích sự yếu đuối của kiếp người, bao nhiêu tình thẹn, ngần nào tình e, ngần nào là tức thầm, hao nhiêu là tủi vụng, tất cả niềm thổn thức mà trái tim che dấu đều chờ đêm thanh cạnh vắng, tuôn trào bằng nước mắt trên giường. Chăn chiếu như ru, gối màn như dỗ người ta, ấp ủ bên lòng, và chỉ có ở trên giường, người ta mới dám khóc...
° °
°
Hãy tội nghiệp cho những thân thể mệt nhọc kia, nhờ giấc ngủ mà được sống đời cây cỏ, ẩn vào giấc ngủ để nguôi cuộc đời chật vật, để tìm quên lãng, nghĩ ngơi.
Cái giường phải chăng là một bà mẹ hiền từ, ẵm bồng lấy con người, vuốt ve, xoa dịu ? Cái giường ở với con người gần hết nửa đời, rộng lượng nhất và nâng niu nhất. Từ khi rời cái nôi và bớt tiếng khóc, người ta đã nghĩ lưng, trong lòng một cái giường. Rồi từ ấy, đêm đêm, cái giường nhận lấy ta, ban cho bao nhiêu ân ái sướng vui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét