Phấn thông vàng 3
Sợ
truyện ngắn tâm lý
Đôi mắt nàng nhỏ và Tàu. Mi chẻ hơi xếch lên, màu xanh trong
không khi nào mở rộng để ngạc nhiên hay giận dữ. Và hẳn không có những chấm
vàng điểm lửa nó làm cho người ta tưởng thấy những chiếc cổ thuyền chạy trốn
"trên bể cả mênh mông".
Những lông nheo dài óng ả, uốn cong lên, chỉ thêm một vẻ
tương phản đặc biệt, xui những người nhìn càng bối rối thêm. Mắt đẹp cô Phi che
dấu một linh hồn luôn luôn ở trong thầm kín mơ hồ.
Mà cả đôi má hồng chỉ phơn phớt bình minh, cả nét môi chúm lại
chỉ thắm vừa vừa, cả khuôn mặt nhỏ nhắn cám dỗ người, cũng á đông như cô Phi e
lệ.
Phi đã mười tám tuổi, nhưng vẻ đơn giản của nàng gần như là sự
ngây thơ. Thực ra, nàng cũng đã biết yêu rồi: ái tình ở xã hội đời nay làm quảng
cáo khắp cả mọi nơi, người ta thở nó cùng với không khí. Lòng nàng êm, êm biết
mấy, mỗi khi nàng thêu đôi chim nhạn hay một cành mai trên áo gối, và dịu dàng
đan hai chữ "Ngủ ngon". Nhưng Phi nghe ái tình như một bóng trăng;
lòng nàng bảng lảng sương mờ, nàng cũng không đủ chú ý để gọi tên sự mới mẻ vừa
đến trong ấy.
Có một điều chắc: Phi không lả lơi, bồng bột. Nàng vừa lớn
lên. Nàng ít nói, tuy hay cười, - cười vừa đủ để có duyên thôi. Nàng chỉ nhè nhẹ,
thơ thới, không sâu sắc, đắm mê; nàng á đông, á đông từ đầu xuống chân, từ
trong lòng ra ngoài mặt.
Và ấy đó, nỗi thắc mắc của người yêu nàng. Châu được Phi
"thương", vì Châu đã bắt đầu tỏ tình một cách rụt rè ý vị. Thương hay
yêu? ở Huế đây, người ta xô bồ trong một chữ nửa chừng. Kẻ tình nhân phải sờ
trong giọng nói chữ thương, phải vào trong lõi của tiếng chập chựng thả một
cách ngọt ngào, phải len và tìm gặp ý sâu, cũng như trong một chuyện Tàu, chàng
trai rón rén luồn tay trong tay áo rộng của nàng duyên...
Châu không láu táu như rất nhiều thanh niên ở Thần Kinh, họ
đưa sự chòng ghẹo đế sự vô lễ: khởi sự yêu, chàng e ấp, giữ gìn, chàng làm hèn
mọn để bớt tính kiêu hãnh tự nhiên. Mà nhờ vậy, không gì hợp với lòng Phi cho bằng
lòng Châu, - lòng Châu khi bắt đầu yêu mến.
Khi biết nhau, hai người chỉ cần trao đổi những lời đại khái
"chúng ta trẻ, mùa xuân đẹp, và tình yêu thiêng liêng", nhưng khi sống
dài ngày với nhau, trời ơi! Nàng không đồng ý với tôi nữa: mặt trời của tôi đỏ
mà lại vàng, có pha một chút xanh và có hòa một chút tím, còn mặt trời của nàng
thì chỉ đỏ mà thôi!
Buổi đầu từ biết đến yêu, Châu và Phi đồng một niềm dịu dàng,
êm ái. Có Châu, Phi khoan khoái, thấy sự sống dễ chịu và xinh hơn. Có Phi, Châu
nghe tâm hồn phơi phới như một làn gió hẩy. Châu vừa là một anh lớn của Phi, vừa
là một bạn ngoan, vừa là một tình nhân. Phi yêu Châu lúc nào không biết, đến
khi biết, thì Phi đã yêu rồi.
Châu thì biết lắm, chàng thấy rõ chàng yêu; cái đơn sơ của
chàng chỉ là sự rụt rè, sự ngạc nhiên vì chưa tin được rằng có kẻ yêu chàng.
Hai người hợp nhau lắm. Lúc đầu tiên,nhưng đôi cặp chỉ kịp nghĩ rằng người này
yêu người kia, mỗi bên đều bận vì việc "có một người mến yêu", và
chưa tưởng đến cách yêu mến.
Sự rung động của nàng, Phi cũng biết đó là ái tình. Nhưng
nàng yêu chính vì thấy lòng nàng thích trong bầu không khí mới này, cũng gần đồng
loại với cái thích dưới một sáng trăng Nàng có tình một cách vô tình, như trẻ
con, như đàn bà. Nàng không viển vông, không nghĩ ngợi, nhất là không biết đến
cái triết lí hứng khởi của tình yêu. Yêu là dễ, yêu là thường: một cách ăn cơm,
một sự đẩy xô của trời đất.
Thực nàng không xét, không rõ; nàng phớt qua trên mặt,nàng
không đến trong tim của ái tình. Vậy đó, nàng yêu như vậy đó, cũng như nàng lịa
ngón tay đẩy cây kim luồn trong vải, kéo theo sợi chỉ trắng nó lẩn trong áo trắng;
ngồi may mà không nghĩ rằng mình may...
Mà sao nói được thứ mù mờ trong lòng Phi, trong lòng á Đông,
vâng, của xứ á Đông nhác lười, bơi trong sự mang mang diêu diếu, làm việc cũng
như nằm mơ, không dò la, lục soát, không tự biết, huống chi phân chất, giải phẫu
tình yêu! Chả trách Châu buồn, ngay tháng sau, khi chàng đã nhiều bận gần Phi.
Nàng yêu chàng chứ sao không; không yêu sao lại tiếp chàng, dầu phải dùng đến
mưu mô dấu diếm. Không yêu sao lại nhớ, sao lại nằm chiêm bao; nói như Phi,
"không yêu sao lại ...sao lại gì, anh biết lấy".
Mà Phi yêu Châu, đó càng là một lẽ để Châu yêu Phi càng hung.
Chàng bồng bột thanh niên, sung sướng hay âu sầu, chàng đều lộ mà không che. Và
bởi vậy, có lần chàng đã chịu tiếng oan: lơi lẳng.
Vẻ điềm tĩnh của Phi khiến chàng mất trí bao nhiêu lần. Phi đẹp,
đẹp mà ẩn nhan sắc, đẹp bắt người ta phải tìm. Ôi, cái miếng đất ở trong linh hồn
Phi, miếng đất chắc chưa ai vào được! Ôi, bí mật của bình yên! Lẽ nào lòng Phi
chỉ có sự bình yên, nghỉ ngơi. Nàng không biết nàng, cho nên chàng nóng muốn biết.
Châu thường buột mồm than vãn: "Có lẽ, có lẽ ta là một
linh hồn âu Tây lạc giữa thế giới ác ý, thầm trộm, dấu che này, lạc giữa á Đông
mù mịt như sứ chiêm bao, đêm lửa bừng nóng để làm sôi nổi một sự thản nhiên nó
không sôi nổi bao giờ, đem gió băn khoăn uổng công xáo trộn những hồ đứng sững".
Lời chua chát ấy Châu không dám ám chỉ về Phi, tuy đôi mắt u
uẩn của nàng bóp lòng Châu một cách vô lý. Chàng ngó soi vào màu xa vắng của
đôi mắt đẹp, làm cho Phi phải ngoảnh đầu nơi khác, và hỏi:
- Cái gì thế, anh?
Bắt đầu từ lúc này, Phi thấy Châu có hơi kỳ lạ.
Chỉ vì Châu không ngừng lại nơi sự êm dịu buổi đầu. Chàng
yêu, chứ chẳng thương hay mến. Tình của chàng không như dòng sông thỏa mãn chảy
vào trong một cái hồ rồi thì đứng lại để tự ngắm nghía sự bình yên. Tình chàng
mãnh liệt đi phăng, tới luôn, tới trước, càng lâu càng rộng lớn, để một ngày
kia ra nơi biển cả, được biết cuộc sống phong ba của những làn sóng không nghỉ
bao giờ.
Chàng quan niệm ái tình như một sự tiến tới: cho thêm, đòi
mãi, yêu dấu thêm luôn. Chàng không hề ghì sự mãnh liệt của lòng chàng, nó bồng
bột trong rượu, trong men, trong lửa hồng đỏ mãi. Chàng biết rằng hoa ái tình dễ
nở dưới ánh mặt trăng, nhưng thế nào rồi cũng phải soi ánh mặt trời mới có những
màu rực rỡ nguy nga.
Phi, trái lại, chỉ có một tâm hồn đàn bà. Nàng ưa sự xinh xảo,
sự vừa vặn, đều đều khuôn khổ như núi Ngự, sông Hương. Nàng thực lòng yêu
"anh Châu" của nàng, nhưng tình cô thiếu nữ mơ hồ điềm đạm quá. Nàng
sung sướng được Châu yêu, nhưng nàng không dám thấy Châu yêu đến bực nào. Nàng
đoán rằng ở đâu đó - hay ở trong lòng người yêu nàng? - có một thế giới khác.
Nàng bắt được một cảm giác riêng: tựa hồ nàng ngủ một đêm, bỗng thức dậy giữa một
chân trời đặc biệt. Nàng bỡ ngỡ, nàng lưu lạc dưới trời mới mà nàng đã thấy được
một cách mập mờ.
Châu tha thiết quá, tình chàng rộng lớn và sâu xa, rất dồi
dào, giàu có. Phi thấy chàng không giống Phi, tuy hai người vẫn yêu nhau. Phi bất
giác nghĩ đến sự mênh mông, khi nghĩ đến tình của chàng. Phi giản dị, á Đông đến
nỗi nàng không tự biết nàng cơ; thế bảo nàng biết Châu sao nổi? Nếu Phi hiểu rằng
đó là Châu yêu nàng rất nhiều, thì cũng không sao. Nhưng rồi nhất là Phi chỉ biết
rằng có cái mới, mà không biết cái chi mới, và cảm giác ấy biến thành một cảm
giác không gian: nàng tưởng mình đặt chân lên một hoang đảo nào, hay tình cờ đứng
giữa sa mạc.
Một thứ ngạc nhiên điểm thêm đôi luồng rờn rợn làm nàng hơi
run rẩy, mỗi khi nàng đọc thư của Châu.
Châu để cho chàng viết những lời rượu mạnh, không điều độ
theo lẽ thường. Chàng nói sự băn khoăn khi thấy Phi chỉ êm đềm quá luôn luôn
thành ra dửng dưng. Chàng không dấu nổi thắc mắc mỗi lần nhìn đôi mắt huyền bí.
Những đoạn rối rít không có thứ lớp, nói những điều phiền phức, quanh co.
Tình yêu có biết mực thước bao giờ! Lúc nào người ta cũng quá
đáng. Người ta thư thẩn một cách dễ dãi, và không hiểu vì sao những điều cỏn
con, những ý vụn vặt lại bỗng dưng hệ trọng lên, có thể làm ngạt được người viết
thư cũng như người xem thư. Nhưng Phi hiền lành quá, Châu mê đắm chẳng nhầm người
rồi! Phi rối vì thư của Châu, ngợp vì tình của Châu. Một lần nàng nghĩ quá mau:
"Dễ thường anh Châu của ta hơi điên". Rồi tuy nàng rất hối hận vì ý gở
và vô lý của nàng, nàng thấy sợ...
Sợ, phải rồi! Phi sợ! Chính cảm giác mờ trong bấy lâu, bây giờ
Phi mới thấy. Đó là một sự thực mà người ta không nên quên: tình yêu nhiều làm
cho ta sợ.
Có phải không, tình yêu đã to lớn, mênh mông, thì có khác gì
một sông to, một biển cả đâu! Người ta ngợp vì thấy tình nhiều, bởi vì bao giờ
cái nhiều cũng làm ta tự thấy mình ít; ta không kịp ngó, ta cảm xúc không hết,
ta thấy cái nhiều tràn ta, ngập ta, lụt đến quá cổ ta! Ta sợ khi nhiều hay nhiều
trời, nhất là nhiều sắc xanh rờn rợn của không gian; huống chi nhiều ái tình, một
thứ không gian và thời gian vô hình ảnh. Nếu gió mát làm ta ngợp sợ, thì sự quá
êm đềm, quá thiết tha, quá yêu mến lại xui ta sợ sệt đến bao nhiêu.
Có ai thấy những đứa trẻ con xin bánh không? Nếu cho nó một
cái, nó sẽ xin mười; cho nó năm mươi cái, nó sẽ ngạc nhiên, và nếu đưa cho nó cả
một thùng bánh to, nó sẽ rợn rùng và sợ người cho nó.
Châu cho Phi nhiều quá, Phi nhận không kịp, nhận không hết,
và linh hồn con gái của Phi không biết làm gì nhiều như thế kia, Phi không dám
nhận nữa. Phi vẫn yêu Châu, nhưng tay nàng tự thấy rơi tình, cứ muốn buông ra,
để được thong thả xếp vào nơi ngực. Phi sợ!
Cái sợ mập mờ, không rõ từ đâu và vì sao, nhưng cần chi biết
nguồn gốc mới nghe một cảm giác? Phi không dám đưa chén nước của nàng đổi lấy một
bể triều lên. Nàng sợ, nàng sợ...
Rồi một đêm, Phi nhận được một cái thư, lần này ngắn:
"Anh thắp đèn lên để chép cho em Phi - em Phi rất yêu,
quá yêu - mấy dòng mà anh đã đúc trong bóng tối. Phòng của anh đóng mít bóng đọng
lại đen dày. Anh ngồi trong mực, xem thử linh hồn anh có sáng không".
"Nó sáng! Nó chói sáng! Nhờ mang hình ảnh của Phi".
"Phi, em Phi! anh yêu em không biết ngần nào, khi nói
câu ấy, anh tưởng ngực bóp lại để rút đời anh ra tặng em; anh yêu đứt ruột, yêu
quặn lòng, điên dại, ghê gớm, yêu tưởng giết được người, yêu tưởng chết. Em có
thấy máu của hồn anh trên giấy chăng?"
Trời ơi, hai tay Phi run lên, Phi sửng sốt cầm tờ giấy nét chữ
có góc như gươm nhọn. Phi hoa mắt thấy hai tay đỏ máu; nàng chùi hai tay vào vạt
áo dài trắng và nhìn...
Máu? Chết? Giết? Thực là quá vai của Phi, quá lòng của Phi,
Phi không mang nổi. Chân Phi yếu lắm, gánh tình nhiều quá, Phi sợ, Phi sụp!
Nàng hết dám yêu Châu.
°
° °
Từ đó...
Mà thôi, kể lại làm chi chuyện chia lìa, rời rẽ. Không lỗi của
Châu, càng không lỗi của Phi.
Chỉ biết rằng Châu đã được một bài học khôn, giá bằng nước mắt.
Và một lần, Châu nói với người bạn thân thiết tâm sự chàng:
-" Tại tôi. Tôi đương nhiều lý tưởng, đầy thanh niên,
tôi hăng hái, sôi nổi quá".
- "Nàng như một cành lá hổ ngươi 1, tôi không biết dỗ dành, chậm rãi; tôi chỉ giỏi
mãnh liệt, tôi không có cái thuật nhẹ nhàng".
"Không phải tôi thô, nhưng tôi động mạnh vào cây; lá hổ
ngươi khép lại rồi, anh ạ!"
°
° °
Một lần sau, không biết nghĩ sao, Châu cải chính lại, mặt rầu
rĩ:
"Nàng như con ngọc trai, chỉ hé mở khi nước biển bình
tĩnh êm đềm. Tôi quá xôn xao, tôi ưa gió sóng, nên trai đã đóng lại rồi, và
than ôi! Đã giữ lòng tôi lại trong ấy".
--------------------------------
Cây trinh nữ. |
Cái Hỏa Lò
Mẹ của Siêu, Siêu gọi bằng má. Má Siêu xa thầy Siêu, về bên
ngoại ở, Siêu con cá nhỏ giữa hai dòng nước, được về với má trong ít lâu. Siêu
kể lại một kỷ niệm thời ấy. Các bạn ơi, hãy nghe chuyện một cái hỏa lò. Người
ta rủ nhau đau khổ vì một ít đất nặn lại.
°
° °
Khi lên sáu, không biết trời dun dủi thế nào, tôi được rời
nhà thầy tôi trong hai tháng, về ở với má tôi, tại nhà bà ngoại.
Ôi thiên đường ở nhà bà tôi! Mình tôi nhẹ bông, không khi nào
chịu đi từng bước, chỉ nhảy và chạy. Tôi sung sướng, tôi nở khắp toàn người,
tôi sung sướng.
Một bữa trưa, cơm dọn rồi trên phản gỗ. Có cá chiên, có tôm
kho, có rau và canh, có cả thịt nướng. Hôm ấy ê hề quá! Tôi đã ăn bằng mắt đến
hai lần rồi. Khi bà tôi và mọi người xúm quanh mâm, tôi trèo lên phản để ăn bằng
miệng. Tôi vừa cầm đũa, toan gắp thì bà nói:
- Siêu, mày không mời má mày ăn cơm à?
Tôi mới hay rằng má tôi còn ở dưới bếp. Vậy đó, mấy người đàn
bà hay làm bộ, để "ăn sau" hoặc ít nữa cũng đến muộn. Hễ trong một
gia đình, có dì, mợ, hay chị, ba bốn người, thì tất nhiên họ nhường lẫn nhau.
"Chị lên trước đi! Em bận tay chút nữa". Thế rồi, ai cũng cố là người
lên sau cùng.
Tôi chạy xuống nhà dưới: vòng hai tay lại cho có lễ phép:
- Dạ thưa má lên ăn cơm.
Má nói:
- Con lên ăn đi, má ăn ở đây.
- Không, bà bảo lên mà. Má không nghe bà giận.
- Con lên thưa với bà, má đã có thức ăn dưới này. Vừa nói, má
tôi vừa bưng một niêu cơm nhỏ để trên chiếc chõng con. Thức ăn là một chén muối
vừng mà tôi chắc mặn muối lắm, vì nhiều màu trắng, ít màu vàng. Xới cơm vào
chén rồi, má tôi cười yêu:
- Con lên mau đi, kẻo người ta ăn hết. Hay là con ở đây ăn với
má?
Không, tôi chả ăn đâu, muối vừng ngon sao cho bằng cá thịt.
Tôi đến thưa bà:
- "Má đương ăn ở dưới bếp".
Bà nói: "à phải, má mày nó muốn ăn riêng".
Ăn riêng? Một tiếng lạ. Tối đến tôi sực nhớ bèn hỏi chị Bốn,
chị cắt nghĩa cho tôi hiểu: ăn riêng tức là để vốn riêng; buôn bán lấy lời, ăn
cơm của má kiếm ra chứ không ăn lụy bà mãi. Chị Bốn cũng như tôi là cháu ngoại
của bà, cha mẹ chết sớm, chị nương nhờ ở đây đã mười tám năm. Đủ hiểu rồi, tôi
đến thỏ thẻ với má tôi:
- Chỉ có muối mè 1,
thì ăn chung có hơn không. Má ăn như vậy, chắc xẵng miệng lắm.
Má xoa đầu tôi:
- Mày sang lắm nhé! Muối mè đã ngon rồi. Chớ hồi má đẻ con má
ăn cơm với muối rang không thì sao. Ăn như vậy gần hai tháng. Lại còn đau nữa,
đau mê man. Mà thuốc thang có gì đâu? Chỉ có nước tiểu xin của thằng nhỏ bên
láng giềng, bỏ thêm một chút tiêu sọ.
Eo ôi! má tôi can đảm quá! Riêng mấy người đàn bà đẻ mới chịu
khó được đến thế. Tôi dụi đầu vào cổ má, vuốt cằm và nói mơn:
- Má chịu khổ vì sinh ra con đó.
Cách mấy ngày sau, tôi đương chơi "làm nhà" trong
sân bếp, gần đống gạch. Tôi lụi hụi đặt viên này, chồng lên viên khác, đã làm
thành một cái lầu hai tầng. Chừng ấy sao đủ? Tôi bèn cất thêm một cái lầu nữa:
có đi đi về về mới vui.
Trời nhiều mây, nên tuy còn sớm nhưng trông đã tối. Chị Bốn
ôm rổ ở chợ về, hai chân vội vã, tà áo dài đen làm gió sau mình. Bảy tám con ruồi
túa theo sau rổ, chị vừa đặt xuống thì chúng ồ lên.
Tôi nghĩ: "Đấy, tụi nó đến nhập đàn ruồi ở nhà
mình". Tôi nhớ ngay đến cái quán nước của bà Gồng, nơi tôi thường đến mua
khoai lang, và lẩm bẩm: "Khi nào bán xôi đậu đen, người ta không biết
trong đĩa xôi hột nào là ruồi, hột nào là đậu. Sao họ ăn được nhỉ? có phen nuốt
ruồi vào bụng chứ chẳng không. Bà Gồng phải lấy một cái chai trắng, đổ nước vào
quá nửa, rồi quệt đường bên trong cổ chai. Thế là các chị ruồi mon men theo dấu
ngọt, bò dần vào, cho đến lúc xa quá sẩy chân, rơi ùm xuống nước. Rồi bơi, bơi
như trong hồ. Nhưng đời nào thoát được chứ! Từ mai đến chiều, bà quán được gần
đầy một chai đen! Thằng con mắt nhọ nhem thấy cái kết quả ghê tởm ấy lấy làm
thích chí lắm".
Chị Bốn bưng rổ thức ăn vào bếp, chị nhìn quanh, khi nhìn đến
chỗ để cái hỏa lò thì cái hỏa lò đã bị má tôi chiếm rồi?
Đã tối, rối thêm. Lấy gì kho cá cho bà ăn cơm. Chị Bốn hậm hừ
nói to gì đấy. Má tôi không nhịn cháu, nói lại. Nhất là trong lòng: chắc má ức,
má ghen, má xẳng xớm trong lòng, vì thấy má rời nhà cửa rồi, không còn chặt chẽ
bằng một người cháu ngoại. Mà hễ má giận thì tôi rất thương; má có hay đanh đá
cùng ai đâu! má được tiếng là hiền hậu, thiệt thà, ai ăn hiếp cũng được.
Bây giờ sự chếch mếch tăng thêm, tôi nghe tiếng dằn vặt bát
chén, tiếng đạp thúng hất nồi, tiếng cãi gắt. Khi má tôi đi nhổ miếng nước trầu,
má tôi ngó tôi như người không quen biết, má không chú ý tới tôi. Lần thứ hai
đi ngang qua, má nạt:
- Siêu! mày có đem chất gạch lại không? Mày khuấy thế à? Của
của bà, chớ của mẹ mày đâu? Dẹp lại!
Tôi tiu nghỉu, vội vàng tháo cái nhà công phu xây dựng, đã liều
mặc hai tay trầy sướt, đã quên không sợ gạch rớt giập chân. Nhà mới làm xong,
chưa được ở thử, nhưng thôi! Cái vách này dỡ đi, cái cửa này lấy ra, cái mái
nhà này để làm gì? Và cả tầng lầu thứ ba, hãy dẹp đi nốt!
"- Thế đấy, mẹ con mình ở nhờ ở cậy, ăn chực ăn xin. Mẹ
con nghèo xác xơ, chẳng có gì hết. Ai muốn đuổi mà chả được. Bơ vơ... bơ
vơ..."
Siêu nghĩ thế, tủi thầm, nên tay Siêu chạm chạp. Vả lại rinh
xuống thì dễ, rinh lên thì khó, nên thu dẹp rất lâu. Chết! tiếng xẳng xớm càng
to, chắc bà nghe thấy mất! Má đi hỷ mũi. Vì khói hay vì khóc? Má khóc tức nhiên
Siêu phải khóc lây. Siêu rơm rớm nước mắt. Nhưng Siêu ngậm miệng chặt. Khốn
quá, cái gì ùn lên cổ, miệng cứ muốn phồng ra. Ráng ngậm chút nữa thôi, chút nữa
thôi, cái ấy sẽ tan liền; nếu mở mồm tất phào ra mất. Đấy, đã hơi muốn hạ rồi đấy,
Siêu không dám động tay chân, như những khi bưng một chén nước đầy cho bà súc
miệng.
Nhưng bà đã nghe tiếng cãi cọ. Bà đi xuống bếp tay cầm cái
roi. Không phải đánh Siêu đâu: đời nào? Thế đánh ai đây? Má, chắc đánh má. Siêu
sợ giùm tưởng tượng đau ở mông và nghe một tiếng "trót". May thật, cổ
Siêu bớt phồng một tý, nước mắt chạy đi đâu bớt một phần. Nhưng chỉ sụt một tí
ti thôi; đang còn nặng cuống họng lắm.
Bà thở dài một cái, nói to mà như ngăn lại không cho tiếng
ra:
"Kình lộn! Kình lộn! Bếp với lò! Dì với cháu! không biết
của chi nhà bay mà bay giành nhau?"
Tiếng má và chị Bốn đáp lại cùng một lần, nói cả giây, cả lũ.
Bà đến dơ roi quất chị Bốn: chị khóc hu hu, hai tay chị xoa xuýt nơi mình, chị
kêu: "Tội quá, tội quá!" nhưng chị cũng chưa hết cãi. Bà giận lắm, đá
ngay vào cái hỏa lò:
- Còn giành nhau nữa thôi? Giành! Kình!
Cá với lửa, với đất trộn nhau, nước vào than, kêu xèo xèo.
Luôn giận, bà đổ rổ rau, bà đập trã canh, bà hất mớ tôm chị Bốn vừa bóc vỏ. Chỉ
trong nửa phút, bao nhiêu thức ăn tan tành.
Nửa phút gấp ấy, cổ Siêu lại phồng lên lại, nước mắt góp mau
thêm; thấy chuyện dữ, Siêu kinh hãi, không biết trong lòng Siêu đương như thế
nào. Lệ đã lăn vài giọt xuống má. Nhưng Siêu găng, thế còn mạnh lắm, miệng ngậm
cứng, hai hàm răng khít nhau: Siêu đương giữ một bờ đê không cho vỡ lụt. Dường
như gân cốt cả người dồn lên nơi cuống họng. Ngực cũng dội lên. Bỗng Siêu nghe
năm tiếng "trót" tiếp nhau: chị Bốn đã bị bà đánh thêm, đau quá; chị
vừa kêu vừa khóc tầm tã. Bà thét, bà nói, chị khóc; ôi, cái hỏa lò khốn nạn,
cái hỏa lò!
Bục một cái, đê vỡ rồi; bao nhiêu tiếng ào ra, hết mong, hết
nín! Siêu vùng chạy một mạch, khóc ré lên. Chao ôi nước mắt, ở đâu nhiều thế
này, Siêu lấy tay áo quẹt mà không dứt. Và cái ngực! Nó phồng lên! Và cái cổ!
Nó kêu to, chốc chốc nấc một tiếng. Ôi cái hỏa lò ác nghiệt, cái hỏa lò bằng đất,
cái hỏa lò!
Siêu nép sau một cánh cửa, khóc như gió như mưa. Siêu ngồi sụp
xuống, để trút ra bao nhiêu nặng trĩu trong lòng. Siêu khóc, Siêu khóc...
Khi Siêu đã khỏe, Siêu nghe tiếng chân bà ở dưới bếp đi lên.
Siêu vội lẻn trước ra sân, sợ bà thấy, sợ thấy bà. Siêu nghe cái gì mới mới
trong mình. Siêu đã nín.
Nhưng Siêu buồn, buồn lắm. Còn gì nữa đâu! Nồi niêu đã vỡ cả,
cá thịt đổ cả rồi; nhất là chị Bốn đương đau, má đương buồn, bà đương mệt vì giận.
Biết đâu bà không khóc? Bà lại sung sướng gì sao? Ôi, cái hỏa lò, vì mày mà nên
cơ sự.
Thỉnh thoảng, Siêu thít một tiếng, ở đâu trong mũi còn sót lại.
Mắt Siêu như mới rửa, nước còn đọng nơi lông nheo, hễ nhíu lại mà trông ra thì
thấy cây cối đến rung mờ.
Siêu đi thơ thẩn ra ngoài đường. Những người láng giềng hỏi
Siêu:
- Em khóc hay sao mà hai ống tay áo ướt vậy em?
Té ra họ chưa biết ư? Cơm gạo đổ hết, nồi niêu đập cả, thế mà
họ hỏi như không. Siêu không nói năng, đứng ngẩn.
Và hãy còn buồn, buồn như mọi sự đều kết liễu. Buồn như phải
rời nhà bà về ở với thầy. Buồn hơn trời mưa, buồn hơn chiều tối.
Một lát, Siêu vào lắng tai nơi cửa, thấy mọi tiếng đều im
lìm. Cái lặng lẽ nghiêm nghị quá, làm Siêu sợ sợ. Siêu chậm rãi bước vào, đề
phòng từng bước đi, từng cử chỉ. Nơi cái bàn nhỏ, có một niêu cơm. Bà tự tay nấu
lấy nồi cơm này, vì nồi trước đương sôi, thì vừa bà đến đập vỡ và bà hờn má, hờn
chị Bốn, không cho ai nấu lại, để mặc cho bà nấu bà ăn. Bà chan nước mắm vào
cơm, ngồi một mình uể oải. Thấy Siêu, bà nói lạnh lùng: - Siêu, đi lấy chén ăn
cơm.
- Vâng, cháu đi lấy.
Đi ngoan hơn người lớn. Không chạy nữa. Tay bấu vào chén. Lỡ
rơi vỡ thì sao? Và ngồi ăn.
Bụng ban nãy thóp vào để cuộn nước mắt lên, bây giờ mỏi lắm.
Khi Siêu nuốt cơm vào, Siêu nghe đau đau. Cơm bà nấu cứng quá. Nước mắm ăn chẳng
ngon. Ôi, cái hỏa lò, cái hỏa lò đáng ghét!
°
° °
Hai hôm sau, buổi trưa, Siêu xuống bếp, chị Bốn cười rất dễ
thương, nhờ Siêu một chuyện:
- Em ở đây chơi, coi giùm nhà cho chị, kẻo ai nấy đều ngủ hết.
Em giữ khéo đừng cho mèo vào lục cũi. Chị đem bỏ cái hỏa lò nơi gốc cây đa, bên
cạnh đình làng.
Cây đa có treo ấm và ống bình vôi. Có cái trang thờ; và ở dưới
chân, có vô số hỏa lò và ông táo, cây đa to tát ấy ư? Không, không thể được.
Cái hỏa lò kia không được sung sướng thế; chỉ đáng vứt nó vào đống rác thôi.
Siêu bèn nắm lấy hai tay chị Bốn, hăm dọa:
- Mèo ăn hết cá, bà ngầy mặc chị; em không coi đâu, chị ở nhà
đó, em không coi đâu!
--------------------------------
Mè: vừng. |
Suối Cá Vàng
Suối đẹp lắm, ai ơi! Suối là con mắt, suối ngó lên trời, suối
thay màu sắc, khi sáng như ngày, khi tối như đêm, (suối là con mắt của đất mở
nhìn lên trời), và suối trôi đi cũng như đời trôi mất.
Ôi suối của đất, suối vui và vui!
°
° °
Ở thành Lâm Xanh có biết bao suối đẹp, nhưng có một suối người
ta gọi là “Suối cá vàng”. Bởi vì: Suối hồng và vàng, như một con cá vàng màu ửng
đỏ.
Và họ gọi Suối cá vàng cũng bởi vì: người trinh nữ
xinh tươi nhất của thành Lâm Xanh mát mẻ, nàng công chúa có hai tay hồng vàng,
đã tới đó múc nước vào bình ngọc, và đã nhờ suối làm chỗ ẩn thân, một chiều êm
hơn mọi buổi chiều.
Và suối đã dâng lầu ngọc bích cho nàng, lầu thuỷ tinh lóng
lánh minh châu.
Và từ ấy, đến giờ Tịch Dương, đến giờ phương tây mây ảm đậm
màu và trái tim của mặt trời chảy máu vì phải chết một ít, công nương hát lại
chuyện mình.
Hãy nghe ngọn sáo lau mơ hồ ở trong lau lách,―những ngọn lau
mịn màng làm hàng lông mi cho suối xanh.
Hỡi kẻ đi qua, hãy lắng nghe, hỡi bạn đi qua, và kính trọng sự
lặng im bao quát. Người hãy im lặng để lắng nghe sự với im lặng: công nương
đang hát, này nghe:
“Chàng bỗng đến. Chàng, người Tôn quí của những người Tôn
quí. Chàng ái tình đã đến, trong khi em múc nước suối vào bình.”
“Chàng cưỡi một con ngựa câu mình trắng, móng xanh, con bạch
câu sáng sủa mạnh mẽ, móng chân xanh đạp xuống, làm cho lúa mì, lúa mạch tung bật
lên.”
“Yên ngựa chàng ngồi đỏ như màu danh vọng đỏ; áo bào chàng mặc
thêu lượn chỉ vàng của hạnh phúc.”
“Chàng đến bất kỳ, và nói cùng em:”
“Ta khát. Xin cho ta uống trong đôi tay hồng của nàng, cái nước
hồng có ánh vàng kia: trong đôi tay hồng của nàng, đẹp quí như vàng.”
“Và em thẹn thùng, và em sợ sệt. Chàng dám nói với em người
công chúa mà đàn ông gặp thì phải làm thinh. Chàng dám nói với em, người mà họ
không dám nhìn thẳng vào mặt!”
“Em luống cuống, và em phải thả lưới che mặt xuống. Và bình
nước em đã múc đầy, tay em để đổ cả xuống chân em.”
°
° °
“Bấy giờ chàng bèn nói thêm:”
“Ta khát, khát chết vì nàng.”
“Và chàng đến gần em; em nghe trên trán em đụng cánh áo bào
thêu đẹp.”
“Mắt chàng ngó làm em mê sững, nhưng con chim bồ câu cũng quyến
lại con chim phượng hoàng: mắt em ngó làm chàng sững mê.”
“Và chàng ngồi trên ngựa nghiêng mình xuống van xin, và em mới
dám thở một chút, nhưng mà chàng vẫn cứ không đi.”
“Ngựa chàng nhích tới, kiêu căng như ở giữa trận, hai chân
trước dậm đất, muốn cướp phăng người em, và Chủ con ngựa huy hoàng lặp lại một
lần thứ ba, một lần cuối:”
“- Ta khát, khát giết được người vì nàng.”
“Và chàng nắm vào em để hái em đi, và con ngựa hí.”
“Em không biết gì nữa, em lặn chìm xuống nước, mắt em nhắm lại
với mắt của suối, em khuất mất trong lầu thuỷ tinh, và chàng, người Tôn quí của
những người Tôn quí còn gọi văng vẳng:”
“- Hỡi công nương của ta, da như bông hường hồng, hỡi công
nương tay vàng mặt đẹp của ta, ta sẽ lấy nàng trong cõi chết.”
“Và chàng sắp dõi theo em: nhưng em không muốn rằng chàng phải
thác.”
“Thượng đế đã hóa phép cho em hiện lên mặt nước thành hình
con cá đỏ có ánh vàng, và em bảo:”
“- Xin hãy nguôi lòng, hỡi chàng, người can đảm nhất, người
cao quí và người đẹp đẽ nhất, hỡi chàng, thần ái tình; từ đây em như nước trôi,
anh không sao giữ bắt em được...”
“Song le chiều nào, đến giờ Tịch Dương, đến giờ mà trái tim mặt
trời chảy máu vì phải rời bỏ cõi đời em vẫn còn nghe lời người-rất-yêu van vỉ:”
“- Anh khát, khát chết vì tình em, khát giết người vì em.”
“Và nỗi tiếc nhớ vĩnh viễn của chàng làm em đau xé.”
“Hỡi kẻ đi qua, xin bảo giùm với chàng, xin nói giùm chàng
hãy quên em, bởi vì:”
“Em muốn luôn luôn trinh tiết trong lầu ngọc tiết trinh;”
“Em muốn luôn luôn trong ngần như nước trong trẻo của Suối-Cá-Vàng.”
Suối Tóc Đẹp
Có phải không suối là một dòng tóc trôi dài; một dòng tóc óng
ả, mịn màng, và mãi mãi tuôn đưa, thao thao bất tuyệt.
Hỡi kẻ đi qua, không trông thấy nơi dòng suối mơ hồ dòng tóc
của một giai nhân hay sao...
°
° °
Tóc nàng thực là một kho vàng linh hoạt. Tóc nàng vừa là: Tơ
láng mướt của sắc mượt ong. Tơ dịu dàng của làn cát nhẹ gợn. Tơ nồng ấm của ánh
sáng mặt trời. Tóc nàng dài và nhiều, khi buông xuống thì che phủ cả thân, làm
một áo tơ chít chi ánh sáng.
Ở Lâm Xanh, thành tươi mát, người ta vì nàng khinh tất cả mọi
tên thường đặt cho đàn bà, chỉ gọi nàng là Công-Nương-Tóc-Đẹp.
Và mỗi sáng sớm nồng giọng thư cưu, và mỗi đêm khuya chập chờn
sóng ngủ, công nương cho tóc chạy dài trước ngực, làm màn che ấm ngực non, và rủ
rỉ:
- Tóc ơi, tóc đẹp, ta vuốt ve tóc, tóc hãy vuốt ve ta. Ta lớn
lên thì tóc cũng thêm dài, hai bên cùng một tuổi. Và làm thành lưới: bao nhiêu
ái tình đã mắc lưới như chim!
°
° °
Nhân một ngày lễ thiêng liêng, mọi người đều phải tẩy trần để
cho thanh khiết, ngày của hương trầm, ngày để cầu nguyện, Công-Nương-Tóc-Đẹp đi
tắm suối trong.
Quanh mình công chúa, có bảy vòng cây, mỗi vòng có bảy cây lá
rậm. Và ngoài hàng rào cây, lại có hàng rào người: bảy vòng người giữ, mỗi vòng
bảy kẻ tỳ nô. Làm thành một bức tường biết thở và biết canh, không cho mắt
ngoài xem lọt.
Công nương thì tươi cười như trẻ nhỏ, lấy hoa nhài, hoa lý kết
lại thành vòng, đeo vào cổ, đeo vào tay. Rồi đứng ngâm mình dưới suối, giữa một
vòng nước gợn tròn, nàng rứt hoa thả rơi từng cánh. Nàng quành hai tay lên vắt
tóc, hai cánh tay cong cong yểu điệu, hợp với thân hình du dương, làm đôi quai
ngọc cho chiếc bình ngà.
Mảng soi gương nước, mảng ngắm bóng mình, nàng quên không
nghe tiếng chuông khua giờ Ngọ. Nàng còn mải tắm, thích ở lâu trong nước mát,
ngây thơ không nhớ giờ về. Mà trưa thì nắng, cho nên vòng cây cũng ủ mà vòng
người cũng ngủ quên, cùng chìm say trong một giấc. Không gian yên đứng, hơi
thơm nặng chĩu không lan, và thân nàng hồng phản bóng cây xanh; và mặt trời lặng
lẽ như phụng thờ nhan sắc.
°
° °
Bỗng nhiên lau động, công nương nghẹn cổ chỉ kêu được một tiếng
ngạc nhiên. Hùm beo nào, rắn rết nào xấn xổ tới đây? Không, một người xổ ra, lại
nguy hiểm hơn hùm beo rắn rết.
Hắn đứng đó, trước mặt nàng, một ngón tay đặt lên miệng, ra
hiệu bảo làm thinh. Hắn mặc toàn sắc xanh để lẫn với lau xanh, lẻn vào cho khỏi
ai thấy. Nơi thắt lưng, lộ một chuôi gươm. Người lạ mặt nói thong dong, ngó như
cầu xin mà thực như truyền phán:
- Hỡi mỹ nữ, để cho ta ngắm tóc nàng. Tóc nàng rực rỡ như mặt
trời ở dưới nước. Ta muốn lấy mặt trời ấy ở dưới nước này.
Công chúa ngạc nhiên, đôi mắt mở lớn, và đứng sững như vô
tri...
Nhưng thằng người xấn đến nàng, nhạy như lửa.
Công chúa kêu to một tiếng, lấy tóc che mình cho khỏi lộ
thân, kinh hãi quá nên lặng vào đáy nước.
Người kia đùa tay với lấy tóc đẹp, tóc đã làm hắn mê mà phải
bạo gan. Tưởng tay được nắm làn mây, nhưng nhìn lại thì chỉ còn một mớ rong
vàng, những sợi rong vàng óng ả mịn màng, lẻn qua năm ngón.
°
° °
Rồi những sợi rong vàng từ ấy có luôn. Năm tháng qua mà không
làm sao phai được sắc vàng kỳ ảo của mớ rong lạ lùng, như còn hình ảnh của tóc
công nương, trôi chảy đâu đây, nơi dòng trong của Suối-Tóc-Đẹp.
Bà Chúa Vinh Quang
Vua thành Lâm-Xanh đã hái đóa hồng đẹp nhất của
thành Bá-Đa là con gái một vị Đại Thần; và sinh một nàng công chúa.
Vẻ nàng thanh qui, đặc biệt hoàng vương; duyên nàng lệ kiều,
tưởng như hồn nàng làm bằng hoa hồng. Nàng tuyệt đẹp : hoa hồng trên má, hoa hồng
trên môi, và mắt sao của nàng cũng như có hoa hồng.
Và thành Lâm-Xanh rất tự kiêu vì có một công nương
thơm như hoa hồng ấm.
Nhờ nàng tươi mà khắp chốn cùng đuợc mừng vui.
Trán nàng là sự minh mẫn, Tay nàng là sự hiền từ. Và sắp sửa
mở hội linh đình, vì nàng sắp thành hôn với người yêu, hai bên đều thừa hưởng
ngôi báu.
Hạnh phúc vờn như một đàn bồ câu trắng. Trên trời rớt xuống,
những lời êm dịu thái bình.
Như một đàn bồ câu trắng, hạnh phúc vờn bay; nhưng tai nạn
như một con diều hâu đến đuổi đàn bồ câu trắng.
Vua thành Phê đòi cho công chúa đến trong cung của
người, muốn cho nàng là chúa hoa hồng đến làm chúa của những hoa hồng trong
cung cấm.
Tin dữ lan đi như một vết dầu; và ở chợ búa, và ở phố phường
đông như tổ ong, người ta bão nhau, người thợ thêu mách người thợ chạm và người
thợ chạm mách người thợ vàng :
- Công chúa sắp phải rời ta, vì vua thành Phê ghê gớm
lắm. Đã sai sứ báo trước, nếu không lấy được công chúa, thì phải biết tay. Hắn
sẽ khiến xây thành cao đến mây, để vây thành của ta, bắt ta phải chết đói, chết
khát.
Và nước mắt rơi trên châu ngọc của thợ vàng; trên gấm vóc của
thợ thêu, trên phượng múa rồng bay của thợ chạm.
Nhưng bọn chiến sĩ nói : sao lại khóc? Hãy để nước mắt cho
đàn bà, nước mắt trong trắng như ngọc trai. Chúng ta, đàn ông, phải có những ngọc
đỏ, là máu. Rồi thành Lâm-Xanh sắp đặt chinh chiến, để giữ lấy nàng
công chúa hoa hồng.
° °
°
Rồi vua thành Phê bắt xây lũy vây bọc thành Lâm-Xanh;
bức lũy mới càng ngày càng cao, chắc chắn gớm ghê, đen điu dữ ác. Vị hôn-quân
chắc sẽ thắng, nên gọi bức thành bao vây là thành Đắc-Thắng.
Nhưng Lâm-Xanh cứ muốn giữ mãi công chúa, không chịu
mất nàng, nên cam tâm bị vây, chịu thiếu ăn, thiếu uống.
Bảy lần mười hai tháng, vua tàn bạo kia cứ ngồi đợi qui hàng;
nhưng Lâm-Xanh không chịu hàng, dầu cả thành phố đã gầy gò như một
con chó rừng đói khát. Và công chúa đau lòng nhìn thấy thiên hạ đau thương.
Một đêm, nàng dạo khắp thành, thấy thần chết rình rẫm khắp
nơi. Công chúa về cung, linh hồn nặng trĩu những màu tang chế, bèn lên từng lầu
cao nhất để nhìn trời:
- Van đấng Thượng-đế, xin cho tôi được lời khuyên bảo của các
vì sao.
"Trong bấy lâu, tôi đã nhận lòng hy sinh của dân tôi, nhưng
đến đêm nay, lòng tôi không chịu nổi sự đau đớn của dân chúng. Kẻ thác đầu tiên
là người đáng lẽ cùng tôi lên ngôi trị dân. Chàng cùng họ với tôi, nỗi đau ấy
chỉ riêng tôi phải chịu, nên chẳng thở than. Nhưng bây giờ thì tôi phải chịu
trách nhiệm về sự đau đớn của muôn nguời.
"Thượng đế ! tôi đã đi các phố, thấy trẻ con nhai vú mẹ
mà không có sữa, thấy những viên đại tướng phải giết bọn tỳ nô để sống, thấy
các cụ già đánh nhau để dành một khúc rễ cây hay một miếng da.
"Những thống khổ ấy đã lâu quá rồi. Thượng đế ! tôi còn
cuỡng ý kẻ thù được nữa chăng ? Xin cho tôi được một lời khuyên, từ trên sao
ban xuống."
Và công nương nhìn vào đêm tối, và mắt nàng được thấy sự huyền
bí của muôn sao : tinh tú chuyển đi, và trên trang sách của trời như có những
hàng chữ lượn...
Suốt đêm, công chúa đọc ý thiêng của Thượng đế, và khi đến
sáng, nàng truyền lại cho dân lời dạy của Trời.
- Hỡi dân của ta, này đây lời Trời dạy : Thời thống khổ đã hết.
Các ngươi hãy lấy trong kho ở cung ta mớ thóc để dành cho ta khỏi đói. Hãy bắt
trong vườn ở cung ta con dê độc nhất còn dành lại để có sữa cho ta khỏi khát.
Hãy cho con dê ăn cả thóc, và khi nào dê mập tròn như trăng rằm, hãy đem đưa
cho ông vua bạo tàn đương vây chúng ta. Thấy dê mập tròn như kia, hắn sẽ tưởng
kho ta thóc lúa còn đầy, hắn sẽ nản chí mà bỏ đi. Và thành của ta lại thêm được
một bức thành, và ta sẽ thêm vào tên Lâm-Xanh cái tên Đắc-Thắng.
° °
°
Mọi việc đều y theo lời đoán cùa Nàng.
Nhưng cảm phục vì ơn Trời, Công chúa suốt đời ở vậy, cầu nguyệu
tu hành. Và khi đến giờ cuối cùng, đến giờ nhắm mắt, dân chúng chôn nàng trên
núi cao nhất phòng ngự cho thành Lâm-Xanh. Và Bà-Chúa Vinh-Quang muôn đời
còn phảng phất hương hồn, vô hình mà ngự trị.
(Kể theo chuyện ả-rập)
Mèo Hoang
Thà con cọp trên rừng hay đàn cá dưới biển, chúng nó sống như
chúng nó sống, cứ tự nhiên, như cỏ nội, hoa đồng. Chúng không cần loài người biết
đến, họ có hay không thì chúng cũng chả dính líu gì, có họ mà lại hay hơn! Chứ
giống chó, giống mèo, nếu ta không nuôi thì nó biết làm sao? ừ, chúng đi làm
gì?
Những chó mèo hoang không thể lại thành chó sói hay mèo rừng.
Chúng đành phải thất thơ thất thểu, rách rưới, lang thang. Người ta phải nuôi,
có một bổn phận phải nuôi bọn nó, nhưng người ta không nuôi. Vậy thì thôi, ai bắt
người ta cho được?
Những con vật ấy đã nhiễm thói ăn cơm với cá, quen tính ở cậy
ở nhờ, nương tựa, ỷ lại vào những gia đình, để bắt chước những điều văn minh.
Chúng đã qua lại trong nhà cửa, đụng chạm với những bàn ghế, chung chạ với bếp
núc. Và không thể tự mình lo đủ, vì đã mất bao nhiêu tài cán trời cho.
Không ai nuôi, bọn nó đi hoang; chúng bơ vơ, cực khổ, chúng
đói khát, dơ nhớp, chúng thất nghiệp.
°
° °
A, những con mèo mắt sao, mắt ma, mắt giếng thẳm, bí mật như
xứ cổ Ai Cập! Chúng rút mình lại, kêu một tiếng rù rù đâu từ các lỗ chân lông
phát ra, lấm chấm nghe như gồm bằng rận nhỏ. Chúng hư thân, mất nết lắm, cái bọn
mèo!
Khi Sơn còn học vần quốc ngữ ở nhà, mỗi lúc gần bữa ăn, mẹ
Sơn bảo:
- Sơn, đi lấy cơm cho mèo ăn trước, kẻo đến lúc người ta ăn,
nó nhảy ngay lên, đứng trên bàn.
Cơm xéo thật rời, chan nước thịt, lại bỏ thêm cá vụn, đựng
trong cái chén sắt tây mới tháng trước em Sơn còn bưng ăn. Sơn trông mà bắt
thèm đi được. Thế mà con Mun lè cái lưỡi hồng chỉ liếm vài miếng, xơi hết cá rồi
thôi. Nó ăn sang! Nó làm bộ! Cho ăn tử tế thì không chịu. Để rồi đi ăn vụng, sướng
hơn!
Nó lại còn làm biếng nữa. Trong bốn tháng trời nuôi nó, nó chỉ
bắt được có một mẩu chuột tí hon. ấy vậy mà khi xin nó về, mẹ Sơn xách tai nó
giơ bổng lên cao thử xem tính nó siêng hay nhác, thì con Mun co mình lại, quắp
chân vào, kêu eo éo, ngó sao dễ thương quá! Làm cho cả nhà tưởng nó sẽ siêng.
Sơn cho nó ăn cơm lâu ngày cũng chán. Sơn không chịu nổi công
việc ấy nữa. Trước người ta quí nó bao nhiêu, bây giờ nó hư bấy nhiêu. Mặc xác
nó! Miễn là giữ gìn các thức ăn, đừng cho nó ăn vụng. Nó muốn đói thì cứ đói,
mà muốn no thì bắt chuột lấy mà ăn!
Thế rồi con Mun đi hoang, theo bạn theo bè. Nó đi lúc nào
không hay, nhẹ nhẹ bốn chân cao su của nó.
°
° °
Nhưng một sáng sớm cách đó ít lâu, ở đống gỗ đầu hiên, Sơn
nghe có cheo chéo những tiếng mèo kêu, nhão ướt và inh ỏi. Thằng Được, một đứa ở
nhỏ, kể lại với Sơn, giọng quan hệ bằng chuyện sinh hoàng tử:
- Con mèo bụng to gần sát đất vẫn đến nhà ta; hôm nay đẻ rồi.
Năm con! Nó gầy xóp ve, không có sữa nên con nó la nheo nhéo.
Thế có gì hay? Song thằng nhỏ nói giọng rất thầm kín làm cho
Sơn tò mò.
Sơn chạy ra xem. Mấy mẹ con ở trong hốc nào, tìm mãi không thấy,
chỉ nghe tiếng rên la. Bọn mèo sơ sinh thi nhau réo to, trẻ con khóc không bằng.
Sơn thương ngay. Thực lòng Sơn tội nghiệp chúng nó lắm.
Và Sơn liền được dịp che chở: chính trưa hôm ấy con mèo mẹ đến
luẩn quẩn dưới bàn ăn cơm. Không biết nghĩ sao nó cứ đụng vào ghế Sơn ngồi. Sơn
biết ý, lén bỏ xương cá xuống đất. Cái ấy cấm ngặt. Mẹ Sơn đã dặn: "Đừng bỏ
xương xuống, nhớp nhà, và dậm lủng chân". Nhưng con mèo và cả gia đình nó
đương đói đây này, quí hóa gì cái xương mà tiếc với nó?
Mẹ Sơn bắt được Sơn bỏ cả nửa con tôm xuống dưới bàn. Bà nhìn
theo xuống, thấy con mèo. Bà nói:
- Mày nhịn ăn mà nuôi nó! Làm thế nó quen môi đến hoài, rồi
rũ lông vào đồ ăn cho người ta ho lao!
Ăn phải lông mèo thì ho lao! Ghê chưa?
Mẹ Sơn còn giảng với những người khác:
- Không phải vậy là thương chứ. Đồ mèo hoang, chỉ tổ ăn
chùng!
Tuy thế, sau bữa ăn trưa, Sơn lén vét một chén cơm cho con mẹ
khốn nạn. Sơn lại còn nói mơn nó:
- Ăn đi, ăn mau, về mà cho con mày bú!
Có phải tội nghiệp hay không? Mấy con mèo mới đẻ, nhỏ yếu,
khát sữa, rúc miệng nhai nát vú mẹ mà chẳng nước gì. Trách sao bọn nó đừng la.
Nghĩa là nó khóc theo tiếng của nó.
°
° °
Tuy mẹ Sơn nói hung hăng, nhưng bà không rầy Sơn tốt bụng của
bà nữa. Ngày nào con mèo lạ cũng được no. Bà lại còn vẽ cho Sơn:
- Cho nó vừa vừa, kéo nó bỏ dư, uổng hột ngọc trời. Người ta
nói "ăn như mèo ăn ", con lấy chi nhiều cơm vậy?
Rồi thì một hôm - chúng nó vào như mèo chả ai biết mà để ý -
toàn chùm mèo con nằm gọn trên cái ghế mây. Chúng lại dỡn nhau, con này nhảy
lên con kia, làm dáng, khoe duyên, nằm xuống, đứng lên, ngừng lại, chạy vòng,
tưởng đâu nhà của Sơn là nhà của chúng.
Đẹp nhất có con tam thể. Ba màu óng ánh, trắng, đen, vàng.
Chao ôi, sao nhỏ nhẻ, mũm mỉm, yếu ớt, dễ thương! Sơn nhịn không được, bồng nó
vào tay, vuốt ve, nưng nịu. Chị của Sơn, cô Thư mười hai tuổi, bấy lâu hờ hững,
hôm nay lại âu yếm hơn ai. Cô nhỏ bồng lên mà thương, thương lộ rõ nơi bàn tay
mơn lông, thương quấn quít nơi hai chân nhảy nhót, thương giòn giã nơi miệng
nói, thương, thương!
Mẹ Sơn ban đầu nghìn nghiêm hai chị em:
- "Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì giàu". Bay
liệu đấy! Cơm đâu mà nuôi sáu cái miệng chỉ giỏi ăn mày?
Chị Sơn nũng nịu:
- Mẹ ạ "chó vào nhà thì nghèo, mèo vào nhà thì
giàu" chứ! Có phải không mẹ! Phải không Sơn, câu tục ngữ xuôi hơn, đúng
hơn chứ?
Mẹ tát yêu vào mặt chị. Giỏi thực! Chị Thư học đâu mà nhiều tục
ngữ thế? ứng đối như trạng Quỳnh.
Rồi nhà lăng xăng lên vì những tiếng "meo...
meo..." của năm sáu con mèo và của hai đứa nhỏ gọi mèo. Cho ăn, tắm rửa,
chăm sóc, vuốt lông, dỡn, đùa, nhìn, vui quá!
Một lần mèo chạy vào chỗ cát, mũi còn ướt, nên dính cát đầy.
Sơn phủi không hết, đem cào rửa, đến nỗi rách da non, thấy cả thịt hồng, Sơn lẻn
vào buồng mẹ, lấy ve dầu tăng dót 1 ra
bôi.
Thấy mũi mấy con mèo nhỏ vàng khè, chị của Sơn lè lưỡi xuýt
xoa, tưởng như mũi mình đương bị rát. Nhưng Sơn giảng nghĩa cho chị:
- Chị ạ, mèo nó không biết rát như ta đâu.
°
° °
... Lòng sốt sắng nguội dần, nhất là trong lòng con trẻ. Mấy
con mèo càng ngày càng khuấy nghịch. Chị Sơn ngồi tập khâu vá, thì chúng tung rối
cả cuộn chỉ; Sơn học, thì một con nhảy lên nằm gọn trên vở mới, nhớp tờ giấy trắng
tinh. Cho ăn chung thì phải lấy cả cái đĩa to, đĩa ấy bận đơm cơm cho người
nhà; cho ăn riêng thì phải bốn năm cái chén; mà bỏ cơm giữa đất, thì phải quét nhà.
Và càng lâu, càng lớn, chúng ăn càng tợn; mà thức ăn chúng lại
kén chọn như ông hoàng. Nhà Sơn có giàu, có sang đâu!
Đã mấy lần, Sơn nghe thằng Được cau có. Bởi vì mèo ăn hết
cơm, hết cá, hết phần của nó đi. Nó ăn sau nên nhà trên ăn còn thừa món gì, thì
mèo đã hưởng trước nó, đến lúc bưng xuống thì bao nhiêu đĩa đã sạch bong. Và, hỡi
ôi! Mèo lại còn ăn lẫn của nó nữa! Một hôm, mẹ Sơn cho nó một miếng cá - ngon lắm,
cá thu - nó chưa ăn, chạy ra giếng xách nước; trở vào: đau đớn chưa mèo phỗng mất
của nó rồi!
Té ra bọn mèo này ăn vụng! Rau nào sâu nấy. Chị Sơn đã bắt đầu
nghĩ cách người lớn:
- Đồ con chửa hoang, làm sao mà nên được! Hư là phải. Cái giống
mèo hoang...
Thấm thoát qua nửa tháng. Bọn mèo hành hung, rối loạn. Giường
nào cũng leo, bàn nào cũng trèo, ghế nào cũng ngồi, không còn thứ bậc chi nữa.
Nhỡ mình chúng có bọ chét, có phải lây sang người ta không? - Và ăn vụng cũng
không chừa; quen môi chúng càng gian giảo gắt. Lại còn la inh ỏi; ban sáng, ban
trưa, ban đêm người ta ngủ, lúc nào cũng mè nheo.
Con mèo mẹ ra gương xấu trước nhất. Phải trị. Đầu tiên, mẹ
Sơn bảo đánh, Sơn lấy một cái lạt tre mỏng như cái tăm. Lần thứ hai một cái que
lớn hơn. Lần thứ ba, cái cán quạt lửa. Lần thứ tư, con mèo lỳ lợm quá. Sơn phải
dùng cả đến cái thước gạch. Thế mà mẹ Sơn còn mắng:
- Mày đánh không thấm da nó! Phải đánh mạnh, đánh chết đi cho
chừa!
Sơn đánh không nỡ tay. Sao lại bắt Sơn làm công việc trị mèo ấy?
thằng Được liền vội vàng bái lĩnh. Nó thi hành ngay với chiếc guốc, với cây củi.
Nó cứ đánh bừa, gặp cái gì trong tay, là nắm lấy mà đánh mèo, không biết nó có
thù gì to lớn thế. Sơn xin nó đừng đánh, nó không nghe. Sơn bảo nó đánh nhẹ, nó
chỉ cười. Thấy mà đau giùm cho mấy con mèo; thằng nhỏ nhẫn tâm quá! Nhưng mèo
hư tột bậc, cứ ăn vụng hoài. Sơn không có lý gì để bênh vực. Chị Sơn đã bỏ
chúng, chỉ còn Sơn bịn rịn, - sao lòng Sơn lại yếu hơn lòng đàn bà?
Bây giờ ai đánh mèo, Sơn không dám cản, ai đập guốc nhằm chân
mèo, Sơn chỉ nói nhỏ trong miệng: "tội chưa" - Bọn mèo ơi, ngoan lên
thử nào! Bay hư hỏng thế này thì xấu hổ cho Sơn, người đã rước bay về; bay làm
cho Sơn không thể giữ bay ở lại mà nuôi nấng.
°
° °
... Gió nồm bỗng thổi lên: thả diều sướng biết mấy! Sơn không
giữ mấy con mèo nữa, ngày độc ác ấy, mẹ Sơn bảo thằng Được bỏ lũ mèo ở miếng đất
hoang tận đầu thành phố, rất xa, cho chúng khỏi tìm cách về. Cách giải thoát
này hoàn toàn nhất, không còn kế nào hơn. Còn nhớ thằng Được - thằng nhỏ sao nỡ
quên rằng nó cũng tập tàng như rau tập tàng, đẻ ở bên ruộng kia, nếu không đẻ
nơi đống gỗ - Thằng Được xách một tay hai cái tai, một tay ba cái; bọn mèo van
nỉ, nhưng nó thì cười. Và con mẹ thì nó mượn một đứa nào đó ôm theo. Nó còn
thêm:
- Tao vứt đủ cả sáu chúng mày hủ hỉ mẹ con với nhau. Đừng
mong về ăn vụng nữa?
Tiếng "ăn vụng" kéo Sơn lại với niềm sắt đá; Sơn phải
nhớ sự thật; nhớ bao nhiêu điều hại bọn mèo đã gây ra; dầu Sơn có thương đến
đâu, cũng không ôm mấy con mèo lại được.
°
° °
Ngày nay lớn lên. Sơn không chỉ thương sáu con mèo xấu số đã
cùng sống với chàng trong một thời hạn, ghi lại nơi tay chàng một cảm giác mịn
màng ve vuốt, lưu lại nơi mắt chàng cái ký ức của những con mắt tinh ma.
Chàng nghĩ đến tất cả những con mèo sống trong lối, lút trong
đêm, trùm trong bí mật ghê sợ của một cuộc đời vô định, khác xa những con mèo
sang trọng trong những gia đình trưởng giả, nằm chuốt lông trên chiếc gối bông
êm ấm, hình bóng loáng như hàng lụa bao ghế hay gạch hoa lát nhà.
Nhiều phen Sơn đứng trên gác trọ, nhìn bao nhiêu nóc nhà chen
lấn, lúc nhúc, gập ghềnh. Những nét ngớ ngẩn vì rắn rỏi, những đường gãy hẳn một
cách thô bạo, mái bằng phẳng hay trồi lên sũm xuống vì lợp kiểu âm dương, vôi mốc
rêu, ngói cũ càng, những màu nâu hay đỏ, những sắc xám hay xanh: tất cả làm nên
một cảnh tượng kỳ dị, buồn cười, một cảnh tượng riêng khác.
Sơn nói: đó là thế giới của bọn mèo hoang. Chúng chui trong ống
khói đen, nằm trong máng khô nước. Chúng đi nhẹ như sự rụt rè, chúng nhảy mau,
chúng lượn nhanh, chúng vọt cao, chúng bổ thấp. Chúng khinh luật thăng bằng,
chúng không sợ chiều dưới, và không nể chiều trên. Chúng không thể ngã chúng
không thể té. Có phải chúng nó sống trong một cái đời ở trên cuộc đời hay
không?
Song chúng tìm đâu ra ăn? Bảo là ăn vụng, thì tiện quá; cái
hay, cái khó ở nơi cách ăn vụng. Đánh cắp thế nào? Rình mò ra sao? Chờ ban
trưa, đợi ban tối? Nào có dễ gì ăn vụng! Người ta không chịu mất một con tôm to
hay một miếng thịt nhỏ mà không báo thù bằng một thanh củi nặng làm gãy xương
sườn. Có nhiều đêm, Sơn được gặp hai chấm sáng trong bóng đen, thôi miên, ám ảnh.
Có những chiều, Sơn bắt gặp một thoáng mèo vụt qua rồi biến không biết nào nơi
đâu. Có những trưa, Sơn trố mắt tha hồ trông những con mèo hoang gầy bẹp như
không có bề dày, ngủ phơi dưới nắng.
Dầu đói khát, dầu phải tìm vỏ tôm hay xương cá ở nơi thùng
rác, dầu phải đánh cắp những bộ ruột gà người ta vứt đi, dầu khổ sở thế nào,
nhưng con mèo hoang vẫn giữ lấy vẻ quý phái – quý phái chứ không trưởng giả.
Cách đi đứng, cách nhai nuốt, cách nâng nhẹ những vật thừa thãi đều có duyên của
những bà hoàng sẩy ngôi hay những cung nữ hết thời. Chúng bước dè dặt, không muốn
dính mình vào đất dơ, chúng có cái đặc tài giữ chân cẳng trơn tru, dù phải dậm
qua nhớp nhúa. Và hễ thong thả, chúng liền tỉ mỉ tắm gội. Những cơn đói không bắt
chúng lành tính sạch sẽ; tuy là mèo hoang, chúng vẫn còn là mèo.
Và họ cũng không chừa cắn nhau, những bà tướng có râu mép. Họ
không bỏ hẳn cốt hùm beo của giống giòng. Chân gầy của họ khéo dùng những móng
trắng mỏng, nhọn quấn lại, giữ bén và kỹ hơn gươm trong chuôi.
Họ bấu nhau thì ít, gừ nhau thực nhiều. Họ gậm gừ, tiếng khô
như khát, tiếng xóp như đói. Những tiếng căm giận, uất ức, đen ngòm, mếu máo
như tiếng khóc của đứa hài nhi. Chốc chốc hai tiếng kình địch xoắn lại như quặn
lấy nhau, nghe sợn sùng giữa đêm tối.
Tiếng gào của bọn mèo hoang, xui ta tưởng đến những bãi tha
ma, những quỷ địa ngục. Ta thường gọi "Mèo ma" những thứ mèo tợ hồ
không phải là sự thật, những thứ mèo có lẽ là giả, là yêu tinh. Và ý chừng, tuy
ta không nói rõ với trí ta, ta vẫn tin mờ mờ rằng đó là yêu tinh hiện hình giả
dạng.
Mèo hoang! Chuyện hồ ly thuở xưa chắc hẳn chỉ là bịa đặt; chỉ
có các ngươi, chỉ có bọn mèo hoang mới thực là hồ ly tinh!.
Chú thích:
1 |
Tenture d'iote. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét