Duyên lặng thầm 1
Chương 1
Hồng Nam cuộn tròn bản thiết kế ném vào góc nhà. Nàng thở dài
ngao ngán khi vận may không mỉm cười với nàng.
Hồng Nam nén tiếng thở dài, đưa mắt nhìn mô hình mà nàng thiết
kế. Đã biết bao đêm nàng thức trắng vì nó chính nó là nguồn cảm hứng cho nàng.
Nàng muốn tạo cho nó có một phong thái riêng, nét độc đáo của riêng nàng. Thế
nhưng bây giờ nó cũng chỉ là của riêng nàng, nàng muốn vất nó đi nhưng Hồng Nam
cảm thấy tiếc, và biết đâu ứớc mơ của nàng sẽ thành hiện thực thì sao?
Hồng Nam đưa tay đẩy mô hình vào góc phòng và lấy tấm drap
giường phủ lên. Nàng tự nhủ, dẫu sao thì cũng là tâm huyết của mình, nó có tội
tình gì đâu mà nàng giận mình rồi giận lây sang nó. Và biết đâu được có một lúc
nào nàng cũng sẽ cần đến nó thì sao?
Chuông điện thoại chợt reo, Hồng Nam nhấc máy, hững hờ hỏi:
- Alô.
- Cô giáo ơi! Sao hôm nay cô không đến? - Tiếng bé Tuấn Anh -
Hay cô ốm?
- Tuấn Anh hả? - Nàng ngập ngừng - Cô xin lỗi. Được rồi, cô sẽ
đến ngay.
- Không cần đâu. Nếu cô ốm cô cứ nghỉ, bao giờ cô khỏe sẽ đi
dạy tiếp cũng được. Cháu sẽ cố gắng học một mình.
- Vậy có ai ở nhà không?
- Dạ, có mình cháu thôi. Nhưng có chuyện gì không cô?
- Ừ, Cô tính xin nghỉ vài ngày về thăm mẹ. Tuấn Anh nói lại
giùm cô có được không?
- Được, cháu sẽ nói lại.
- Vậy cô cám ơn trước nhé. Chào bé Tuấn Anh. Ở nhà ráng học một
mình cho tốt vào, vài bữa cô trở lại. Chào bé nhé!
Hồng Nam trả máy về chỗ cũ, ý tướng trở về bên mẹ khiến nàng
phấn trấn hơn. Bật dậy, nàng lấy chiếc ba lô xếp vài bộ quần áo và lên đường.
Về giờ này, chắc là mẹ nàng sẽ ngạc nhiên lắm. Nhưng không
sao vì nàng muốn dành cho mẹ sự ngạc nhiên mà. Hồng Nam hối hả lên đường.
Bà Phúc Lâm đưa tay vẫy khi thấy bóng dáng Tuấn Thanh đẩy xe
valy ra từ phòng làm thủ tục nhập cảnh của phi trường. Tuấn Thanh nhận ra mọi
người.
Ra khỏi khu vực cấm, anh ôm lấy bà Phúc Lâm.
- Nội! Mắt nội vẫn sáng như xưa. Còn nhận ra cháu thì nội vẫn
còn tráng kiện lắm.
- Cha mày! Cháu vẫn như cũ. Mừng cháu đã trở về, về mà lo cưới
vợ đi.
cháu để cho con gái người ta chờ khá lâu rồi đấy.
Tuấn Thanh rùn vai:
- Nội đừng nhắc những chuyện ấy. Nội mà nhắc, cháu lại đi nữa
đấy.
Bà Phúc Thạnh nhìn mẹ chồng:
- Mẹ nói với nó làm gì? Cứ cột nó vô, từ từ rồi đâu cũng vào
đấy. Con ra xe đi, kẻo ba con chờ lâu.
Tuấn Thanh nhìn quanh:
- Các bà cô của con đâu? Sao không hề thấy bóng dáng ai thế?
- Tụi nó lo làm ăn nên đi xa hết rồi. Ai bảo con về đột xuất
không chịu báo trước.
- Thế mới hay chứ? Báo trước, con sợ rình rang lại phiền phức.
- Vậy sao con hỏi?
- Không thấy thì hỏi chứ sao? Thế còn chú Út nhà mình.
- À! Hôm nay có giờ học kèm, nên cu cậu bị ở nhà.
- Cu cậu siêng vậy sao?
Bà Phúc Lâm gật gù:
- Ừ, thằng bé xem ra có vẻ chăm học hơn cả cháu. Từ hôm có thầy
kèm đến nay, Thằng bé có vẻ tiến bộ hẳn ra.
- Thì Tuấn lúc nào mà chẳng có thầy.
- Nhưng mới đổi thầy mới. Có lẽ đổi thầy giáo dạy kèm trẻ,
nên thằng bé có vẻ siêng năng hơn.
- Vậy thì tốt rồi.
Tuấn Thanh đẩy va li ra xe. Anh hôn lấy ba khi hai người giáp
mặt. Anh chợt hỏi ông.
- Ba vẫn tự lái xe ư?
- Ừ. Ba vẫn còn lái tốt lắm, bằng chứng là nội vẫn thích ba
lái xe khi muốn đi đâu đó.
Tuấn Thanh tủm tỉm:
- Đối với nội thì ba vẫn là nhất mà, nhưng để con lái cho.
Bà Phúc Lâm lắc nhanh:
- Cháu mới về, đường sá biết thế nào mà lái xe chứ. Cứ để cho
ba cháu lái, dù sao thì nội thấy vẫn an toàn hơn.
Ông Phúc Thanh nheo mắt nhìn con trai:
- Đó, con thấy không?
- Con thấy rồi.
Cả nhà cùng bật cười vì biết Tuấn Thanh trêu bà Phúc Lâm. Bà
Phúc Lâm quay sang con trai, khẽ hỏi:
- Con đã báo các cô chú là Tuấn Thanh về chưa? Ta muốn đãi tiệc.
- Để từ từ mẹ à. Cháu về lâu dài mà, mẹ làm gì gấp thế?
- Ba con nói đúng đấy nội. Để con cưới vợ rồi mời luôn thể.
Bà Phúc Lâm nhìn cháu trai:
- Cháu định lấy vợ thật sao? Cháu đã nhắm đám nào rồi? Còn Ngọc
Thủy thì sao?
Tuấn Thanh nheo mắt:
- Vẫn trong vòng bí mật, cháu không thể tiết lộ được. Còn
chuyện Ngọc Thủy, cháu đã trả lời dứt khoát rồi. Vả lại, cô ta cũng đã có người
yêu, cháu không thể lấy một người chưa dứt khoát tình cảm của mình.
Bà Phúc Lâm nhìn Tuấn Thanh:
- Nhưng nó nói nó còn yêu cháu, nên nó vẫn chờ cháu đấy. Nội
thấy nó cũng tội.
- Nhưng là cách cô ta chọn lựa.
- Ai chẳng có phút yếu lòng. Con bé biết lỗi, chẳng lẽ cháu
không thể tha thứ.
Bà Phúc Thạnh chợt xen vào:
- Mẹ à! Hạnh phúc là của bọn trẻ, nếu đã chọn lựa thì không
trách được, nếu có những hậu quả xấu phải gánh chịu khi đi sai đường. Cháu mới
về, xin mẹ đừng nói chuyện không vui.
- Thì mẹ cũng nói thế ... Mẹ thấy nó cứ đợi như thế, mẹ cũng
mủi lòng vì nó cũng là đứa đảm đang.
Tuấn Thanh chợt bật cười:
- Nội yên tâm đi! Con sẽ kiếm được nàng dâu đảm đang về cho nội.
Đảm đang hơn cả cô gái mà nội ưng nữa.
Bà nhìn cháu trai gật gù:
- Ừ, thì nội cũng mong như thế. Cháu cứ kén mãi, không khéo lại
được một đứa chẳng ra gì cho mà xem.
Tiếng cười xen lẫn tiếng đùa làm bầu không khí rộn ràng vui vẻ
cho đến khi xe vào sân.
Nghe tiếng xe, Tuấn Anh phóng ra hè reo:
- Nội đã về. Ba mẹ, anh Hai đã về.
Tuấn Thanh nhấc bổng em trai lên.
- Xem cu cậu sao rồi? Trông lớn quá, nếu gặp ở ngoài chắc
không nhận ra.
Tuấn Anh hứ dài:
- Anh không nhận ra thì em nhận ra. Em sắp tốt nghiệp Tú tài
rồi còn gì. Anh còn muốn em bé mãi hay sao?
- Muốn hay không thì em vẫn lớn. Vào nhà đi, anh có quà cho
em.
- Có quà cho thầy của em không?
- Dĩ nhiên là có. Anh đâu xót chuyện đấy đâu. Em luôn là số một.
Bà Phúc Lâm nhìn cháu trai:
- Có mặt thầy mà dám ra đây sao?
Tuấn Anh gãi tai:
- Thầy gọi điện xin phép nội thầy đi vắng vài ngày, hôm nay
thầy không đến được. Thầy dặn con nói lại với nội như thế. Nếu biết trước, cháu
đã đi cùng nội đón anh Hai.
- Bây giờ anh Hai về rồi đón làm gì. Mà sao bỗng dưng cu cậu
nể thầy thế?
Tuấn Anh thì thầm bên tai anh trai:
- Đây là bí mật, không thể tiết lộ.
- Nhưng anh muốn nghe.
- Bây giờ thì không được.
Bà Phúc Thạnh ôn tồn:
- Tuấn Anh để cho anh nghỉ ngơi, con làm xong bài cô giáo
chưa?
- Xong rồi nên con mới ra đây:
May quá thầy cho nghỉ, đúng dịp anh Hai về, anh Hai sẽ đưa
con đi chơi.
Tuấn Thanh gật gù:
- Không thành vấn đề, chỉ cần em học giỏi thì muốn cái gì
cũng được.
- Gia sư dạy em là phải biết phấn đấu, đừng dựa vào người
khác.
- Thì đúng là như thế. Xem ra, em gặp được thầy tốt rồi đấy.
Tuấn Anh nhìn anh trai:
- Hôm nay anh không đưa cô tóc xanh, tóc vàng về hay sao? Cô
đó, anh bỏ ở đâu rồi?
Tuấn Thanh phì cười:
- Cô ấy không chịu về, vì cô ấy rất sợ bà nội. Cô ấy nói bà nội
... khó ưa.
Bà Phúc Lâm nghe thấy, khi đã vào đến nhà, bà chỉ hai anh em,
nói:
- Nếu cứ để tự do muốn dẫn ai về đây cũng được thì cái nhà sẽ
loạn lên mất rồi. Nội không muốn mất gốc và cũng không muốn dòng họ này có con
lai.
Tuấn Thanh le lưỡi:
- Mình lại chạm vào nỗi đau của nội, anh em mình chuồn thôi.
Tuấn Anh!
Lên phòng anh nhé, muốn gì thì cứ lấy!
- Để em đi dọn sách vở đã, nếu không nội sẽ mách gia sư mất.
- Gia ư? - Tuấn Thanh nhăn mặt - Em có vẻ nể sợ gia sư nhỉ.
- Dĩ nhiên, muốn giỏi phải sợ thầy.
- Anh cũng rất muốn gặp ... xem người ấy ra sao mà em có thể
nể sợ thế.
- Rồi anh sẽ được gặp thôi. Anh còn ở nhà thì sẽ gặp, chỉ là
sớm hay muộn thôi.
Tuấn Thanh phóng nhanh lên lầu, miệng huýt sáo một bản nhạc
vui. Tiếng Bà Phúc Thạnh vọng lên:
- Con tắm rồi xuống dùng cơm, đừng có ngâm hoài trong bồn tắm.
- Dạ .... con biết rồi.
Tuấn Thanh lắc đầu thầm nghĩ, lúc nào gia đình anh cũng coi
anh như cậu bé mới lớn. Đôi lúc anh cũng thấy vui, nhưng có những lúc anh cảm
thấy khó chịu.
Nhưng dù sao anh cũng đã quen lối gia giáo rồi, dù muốn dù
không anh cũng phải bằng lòng với những gì anh có và được giáo dục.
Anh muốn lội ngược dòng, nhưng thật khó cho dù anh hấp thụ nền
văn minh phương Tây khá nhiều.
Hồng Nam ôm tập thảo vẽ trở xuống đồi. Nàng bước đi chậm rãi
giữa trời chiều lộng gió. Nàng về đây đã mấy ngày rồi, mấy ngày rong ruổi lang
thang với cây cọ, nàng đã thấy một chút khuây khỏa khi trượt khỏi công ty nàng
hàng ước mơ.
Thấy nàng về, mẹ biểu lộ một chút mừng rỡ rồi lại lặng lẽ ở
bên cạnh nàng mà không hề hỏi lấy một câu. Nhưng sự lặng lẽ không hỏi han gì của
mẹ đã an ủi nàng rất nhiều. Hình như mẹ cảm nhận được sự thất vọng chán nản của
nàng.
"Hãy cố lên con!". Ánh mắt ấy cho nàng sức mạnh để
cố gắng, để tin vào một tương lai xán lạn.
Mẹ mỗi ngày mỗi yếu, nhưng mẹ vẫn không chịu rời mảnh vườn nhỏ
của mẹ. Mẹ bảo mẹ đã quen với công việc như thế này rồi, nếu lên ở với nàng, mẹ
sẽ không chịu nổi. Nàng muốn về ở bên mẹ, mẹ lại không chịu. Mẹ nói mẹ không muốn
cản bước tương lai của nàng.
Hồng Nam rất hiểu mẹ, nên nàng không biết phải làm thế nào.
Nàng không muốn mẹ thui thủi một mình, nhưng đồng thời nàng cũng không muốn mẹ
thất vọng vì mình. Chính vì thế mà nàng luôn băn khoăn.
Mải suy nghĩ không để ý chung quanh, tiếng còi xe sát bên khiến
nàng giật mình ngẩng lên và tránh nép sát đường bờ cỏ. Chiếc xe hơi rú ga phóng
qua khỏi nàng vương đầy bụi trên áo. Hồng Nam vội rảo bước quay về nhà, nắng đã
khuất khỏi chân đồi. Hồng Nam bước nhanh hơn.
Đẩy chiếc cổng gỗ bước vào nhà, tiếng mẹ chợt hỏi:
- Con đã về rồi đấy à?
Hồng Nam dạ nhanh, bước chân sáo vào nhà, nàng chợt khựng lại
ngang ngưỡng cửa khi thấy nhà có khách. Tiếng Ngọc Bân hỏi lớn:
- Em về hôm nào mà hôm nay anh mới hay?
Hồng Nam đáp nhỏ:
- Tôi về cũng được mấy ngày rồi và cũng sắp sửa đi. Anh đến
chơi với mẹ tôi lâu chưa?
Bà Sáu đỡ lời Ngọc Bân:
- Cậu Bân chờ con đã lâu rồi đấy. Con nói chuyện với cậu ấy một
chút, mẹ đi làm cái gì cho hai đứa uống.
Ngọc Bân lắc đầu:
- Không cần đâu. Cháu đến thăm dì và Nam một chút. Biết cô ấy
vẫn khỏe, cháu an tâm rồi. Bây giờ cháu về đây.
- Cháu khoan hãy về! Dù sao hai đứa vẫn là bạn, đừng để cho
những chuyện không đâu của người lớn mà đánh mất đi tình cảm thời niên thiếu.
Nam à! Con đừng cố chấp quá đi được không?
Hồng Nam nhìn mẹ:
- Thì con có nói gì đâu.
- Nhưng thái độ của con làm cho cậu ấy buồn. Mẹ không muốn
con mất đi một người bạn tốt như cậu ấy.
Ngọc Bân từ tốn:
- Dì à? Dì đừng trách cô ấy. Dù sao thì gia đình cháu cũng đã
làm cô ấy tổn thương. Nếu là cháu, cháu cũng không chịu nổi đâu, huống hồ là cô
ấy.
- Anh không cần phải nói tốt cho tôi đâu. Thật ra, thì mẹ tôi
nói đúng, chúng ta không thể trở thành người một nhà thì là bạn cũng tốt. Nhất
là khi tôi không có nhà, anh đã chạy qua lo cho mẹ tôi, điều này tôi rất cảm
kích. Nhưng sở dĩ tôi làm như thế vì không muốn anh hiểu lầm, cũng như tôi
không muốn gia đình anh cho là tôi mê hoặc anh.
Ngọc Bân nhìn Hồng Nam:
- Vậy em muốn tôi phải làm gì em mới vừa lòng đây? Em nói đi
Nam.
Hồng Nam nhìn Ngọc Bân:
- Anh đừng quá tốt với tôi nữa. Anh hãy cưới vợ đi! Như thế
gia đình anh sẽ an tâm về anh. Anh đừng chờ tôi nữa.
- Nhưng tôi yêu em, tôi phải lấy người mà tôi không yêu hay
sao? Còn em, chẳng lẽ em đã hết yêu tôi rồi hay sao?
Hồng Nam chau mày:
- Thật lòng tôi cũng không biết rõ tình cảm tôi dành cho anh
là tình yêu hay tình bạn nữa? Có điều nó đã bị dập tắt ngay từ lúc vừa nhen
nhúm trong lòng tôi. Tôi chợt nhận ra rằng chúng ta không thể thuộc về nhau, và
như thế cũng tốt, còn hơn để khi yêu nhau rồi thì phải chia tay là một điều hết
sức đau khổ.
- Em vẫn còn giận gia đình anh đến thế sao? Em đâu sống với họ
mà là sống với anh. Em không tin anh sao?
Hồng Nam lắc nhẹ:
- Không phải là tôi không tin anh, nhưng gia đình cũng là yếu
tố hạnh phúc.
Anh không thể chối bỏ cha mẹ mà theo tôi, như vậy anh sẽ trở
thành người con bất hiếu. Liệu ta có thể sống hạnh phúc được hay không? Liệu
tôi có yên tâm mà vui sống khi bị gia đình anh ruồng rẫy không? Nếu anh muốn giữ
tình bạn với tôi, thì anh nên cưới vợ đi, như thế tôi sẽ không ngại khi gặp
anh.
- Em thay đổi nhiều quá Nam à. Hình như em có vẻ không còn
dám tin ai?
Em đã gặp khó khăn gì trong công việc? Em nói đi, anh có thể
giúp gì cho em.
- Cám ơn? Không cần đâu, vì dù sao tôi cũng tự biết lo cho
mình. Tôi không thể cậy dựa vào người khác mãi được. Chứng tỏ mấy năm rồi, tôi
vẫn có thể sống tốt.
- Vậy còn ước mơ của em?
Hồng Nam chợt thấy tim mình nhói đau. Giấu ngay mọi cảm xúc,
nàng cười cười:
- Thì tôi cũng đang cố cho nó trở thành hiện thực đây. Sống
phải có ước mơ.
Dù nó có không được như lòng ta ước mong thì ta cũng cảm thấy,
dù sao thì mình cũng đã sống có lý tưởng, có hoài bão.
Ngọc Bân gật gù:
- Anh hiểu ý của em rồi. Anh biết mình có nói gì hay làm gì
đi nữa, thì cũng không thể bù đắp cho sự tổn thương mà gia đình anh đã xúc phạm
đến em. Chỉ xin em hãy cho anh chăm sóc dì lúc em không có nhà. Còn em, anh sẽ
không làm phiền em nữa đâu.
Hồng Nam nhìn Ngọc Bân, ngập ngừng:
- Anh Bân à! Em xin lỗi ... em thật lòng xin lỗi anh.
- Em có lỗi gì đâu. Người nói tiếng xin lỗi phải là anh.
Hồng Nam lặng thinh. Thật lòng nàng rất quý Ngọc Bân. Hai đứa
chơi với nhau từ bé, anh luôn bảo vệ và lo lắng cho nàng, có cái gì ngon anh
luôn để dành cho nàng. Nàng nghĩ nàng không thể nào thiếu anh trong cuộc đời của
mình, bởi vì nàng quen có anh là chỗ dựa cho mình. Nàng chỉ tin anh và nghĩ chỉ
có anh mới là người che chở và bảo vệ nàng suốt đời.
Những biến cố đột ngột xảy ra khi nàng sắp tốt nghiệp phổ
thông, nàng đã bị gia đình Ngọc Bân mạt sát sự nghèo nàn của mẹ con nàng. Nỗi tủi
nhục bị xúc phạm, khi người ta bảo nàng là đứa con hoang. Nàng nhìn thấy mẹ im
lặng khóc và nàng những tưởng Ngọc Bân sẽ lên tiếng bênh vực, nhưng anh vẫn đứng
im chịu trận không nói nửa lời.
Hồng Nam hụt hẫng, thần tượng về Ngọc Bân bỗng biến mất. Nàng
không còn dám tin ai và nàng tự bảo mình:
Không ai có thể bảo vệ được mình, ngoài bản thân mình. Nàng
cũng không dám hỏi mẹ, nàng có phải là con hoang như người ta nói không, vì
nàng sợ chạm vào nỗi đau của mẹ. Rồi nàng lại tự an ủi:
Con gì cũng được, miễn là nàng chính được mẹ sinh ra. Bởi vì
chưa có bà mẹ nào tuyệt vời như mẹ nàng.
Sau biến cố đấy, nàng xin mẹ đi Sài Gòn. Lúc đầu mẹ không chịu
vì mẹ không muốn xa nàng, và có lẽ mẹ cũng sợ cú sốc ấy có thể khiến nàng thất
vọng buông xuôi cuộc đời mình. Nhưng nàng cố thuyết phục mẹ và hứa với mẹ nàng
sẽ làm cho họ thấy nàng không như suy nghĩ của họ. Nàng nhất định sẽ cố gắng phấn
đấu để không bị coi thường.
Và đúng là nàng đã cố gắng hết sức, khi chọn nghề kiến trúc,
mẹ nàng không hề thích một chút nào. Mẹ nàng hầu như giận lẫy về chuyện chọn
ngành nghề của nàng. Nhưng nàng cố tha thiết với nó nên mẹ đành lặng thinh
nhưng biểu lộ không vui. Và nàng biết có lẽ sự lặng thinh của mẹ phần nào đó có
sự tác động của Ngọc Bân, vì anh biết những ước mơ của nàng.
Nhưng vận may không mỉm cười với nàng.
Tiếng Ngọc Bân chợt vang lên:
- Em có điều gì băn khoăn đúng không?
Hồng Nam lắc nhẹ:
- Không. Cám ơn anh đã quan tâm. Mà anh cũng không nên lo lắng
đến tôi làm gì. Tôi biết tự lo cho mình. Hãy để cho tôi có trách nhiệm về mình.
- Anh hiểu suy nghĩ của em, nhưng em hãy cho anh giúp một lần.
Anh quen biết nhiều, anh có thể ...
Hồng Nam vội ngắt lời:
- Hãy để cho tôi đi bằng chính đôi chân của mình. Một lần
kinh nghiệm xương máu như thế đủ để cho tôi cảm thấy thấm thía khi mất đi chỗ dựa
của chính mình. Tôi không muốn điều ấy lặp lại. Tôi muốn tự khẳng định năng lực
của mình.
- Anh hiểu lòng em đầy tự ái. Em có bản lĩnh có lập trường.
Nhưng xã hội bây giờ năng lực không chưa đủ, cần phải có sự quen biết nữa.
Hồng Nam cười chua chát:
- Anh muốn nói ô dù chứ gì? Tôi không cần những thứ đó.
- Nam à. Anh ...
- Anh đừng nói nữa. Tôi không nghe.
Bà Sáu chợt lên tiếng:
- Cậu đừng thuyết phục nữa. Con bé cố chấp nó sẽ không nghe
đâu. Dù sao thì cũng cám ơn cậu đã quan tâm. Tính khí nó như thế, nó sẽ khổ
thôi.
- Có lẽ một phần cũng tại cháu. - Ngọc Bân khẽ thở dài - Cháu
vẫn yêu cô ấy bây giờ và sau này cũng thế. Cho dù cháu có lấy vợ đi chăng nữa
thì con tim cháu vẫn ngự trị chỉ mỗi mình Nam.
- Cậu không nên nói thế. Như thế thì quá tàn nhẫn với một cô
gái. Cô ta đâu có tội gì chứ? Hãy dứt bỏ Hồng Nam ra khỏi suy nghĩ của cậu, cậu
mới có hạnh phúc được. Cậu có hiểu không?
- Nhưng con cháu tim không thể chứa thêm một ai khác. Thôi
cháu về đây.
Anh về nha Nam. Có gì cần hãy liên lạc cho anh. Anh có món
quà cho em và dù muốn hay không thì em cũng phải nhận.
Ngọc Bân rời khỏi nhà, Hồng Nam đưa mắt nhìn theo, Nàng thấy
tim mình chợt đau nhói mà nói không thành lời. Có gì đó trong tim nàng vụn vỡ.
Một người bạn một người anh hay là người yêu, nàng cũng không biết rõ anh là
như thế nào trong tim nàng nữa. Tự dưng nàng có cảm giác sẽ vĩnh viễn mất anh
mãi mãi.
Hồng Nam bỗng quay đi, nàng thèm được khóc. Tiếng mẹ chợt vỗ
về nàng:
- Nếu con muốn khóc thì cứ khóc đi. Như thế con sẽ giải tỏa
được mọi vấn đề.
Môi nàng chợt mím chặt, cố nuốt những giọt nước mắt vào
trong.
- Mẹ ơi! Con không sao đâu. Con không thể cứ mỗi chút là
khóc, có như thế nào thì con cũng sẽ cố chịu đựng.
- Mẹ biết con nói là sẽ làm được, vì con là con của mẹ mà.
Nhưng thượng đế cho phụ nữ hay khóc, dễ khóc để giải tỏa đó là lợi khí, con nên
biết tận dụng nó như thế sẽ tốt hơn cho con. Đừng cố kềm nén nó không có tốt.
Hồng Nam chợt ôm chầm lấy mẹ, sự kiềm chế lâu nay bỗng bùng nổ,
nàng bật khóc lớn, nàng khóc như chưa bao giờ được khóc.
Trong khi đó bà Sáu ôm chặt Hồng Nam hơn, bà cảm nhận được những
giọt nước mắt đớn đau tủi thân của Hồng Nam. Bà thấy càng ngày càng lớn Hồng
Nam càng giống mẹ, giống từ cá tính đến yêu thích ngành nghề của mẹ. Cũng chính
vì sự yêu nghề mà bà đã đánh mất gia đình của bà.
Hồng Nam nào đâu biết thân phận cao quý của nó, Hồng Nam cứ
tưởng nó là con của một bà nhà quê như bà. Hồng Nam nghĩ như thế cũng tốt, có lẽ
nó không nên biết thân phận thật sự của nó thì tốt hơn. Bà chấp nhận tiếng oan
để cho Hồng Nam tin bà là mẹ ruột của con bé, còn hơn là giở lại những chuyện
đau lòng của người lớn để đội lên đầu một đứa trẻ cái dĩ vãng không nên nhớ.
Cái gì đã qua xin hãy cho nó qua đi, như thế có lẽ sẽ dễ chịu
hơn.
Bà vuốt tóc Hồng Nam. Hồng Nam giống mẹ đến lạ lùng. Bà bỗng
cảm thấy sợ cho số ''hồng nhan bạc mệnh'' của đời mẹ truyền đời con và sợ Hồng
Nam khổ. Bà sợ Hồng Nam gặp những điều chẳng lành, vì nếu Hồng Nam có xảy ra điều
gì, bà sẽ phải nói với cô chủ ra sao.
- Con xin lỗi mẹ. - Tiếng Hồng Nam dịu dàng - Lẽ ra con không
nên để mẹ thấy con khóc.
- Không sao đâu con. Mẹ muốn thấy con khóc mà. Con của mẹ rất
đẹp.
Nàng chợt đỏ mặt:
- Mẹ nào mà chẳng khen con mình đẹp chứ? Nhưng con cám ơn mẹ
vì mẹ đã sinh ra con, con thấy mình thật hạnh phúc khi có một người mẹ thật tuyệt
vời.
- Con đừng cho mẹ đi tàu bay giấy.
- Con nói thiệt chứ bộ.
- Vậy thì mẹ cám ơn trời đã cho mẹ một con người như con,
xinh đẹp tài hoa.
Cả hai mẹ con nhìn nhau, chợt bật cười. Nam nói với mẹ:
- Giá như con suốt đời ở bên mẹ.
- Mẹ cũng chỉ mong có thế.
- Vậy con về đây với mẹ luôn nhé.
Bà nhìn Hồng Nam:
- Mẹ vui và rất hãnh diện khi con nói ra điều ấy, nhưng mẹ biết
đó không phải là ý muốn thực sự của con.
- Bây giờ con thực sự muốn thế.
- Mẹ biết ... nhưng đó là ý nghĩ nhất thời thôi, đừng vì chút
thất vọng chán nản con đánh mất đi ước mơ và hoài bão của mình, không đáng đâu
con.
- Nhưng để mẹ ở đây một mình, con không an tâm. Hay mẹ cùng
đi với con?
Bà Sáu lắc nhẹ:
- Mẹ không sao. Mẹ sống một mình cũng đã quen rồi, có gì mẹ sẽ
nhắn cho con về thôi. À? Mà lúc nãy Ngọc Bân nói tặng quà cho con, con coi xem
cậu ấy tặng gì?
Hồng Nam đưa mắt nhìn lên bàn, nàng thấy chiếc hộp và một đóa
hồng ép bên trên ...Tiếng mẹ thúc giục:
- Con mở ra đi, đừng phụ lòng cậu ấy, nhận vì một tình bạn
cũng tốt chứ sao? Và nếu con nhận quà có nghĩa là con tha thứ cho cậu ấy để cậu
ấy an tâm mà cưới vợ. Con cũng muốn điều ấy mà.
Hồng Nam lặng thinh. Hai từ ''cưới vợ" từ miệng mẹ nói
ra khiến nàng cảm thấy bâng khuâng. Nàng đúng là muốn điều ấy nhưng khi nghe ai
nói về điều ấy nàng lại cảm thấy buồn nàng buồn thật sự. "Sao mà mình mâu
thuẫn thế này?".
Tiếng mẹ chợt vang lên:
- Nếu con không muốn thì thôi.
Hồng Nam giật mình gật nhẹ:
- Như thế cũng tốt. Con sẽ nhận.
Hồng Nam mở gói quà ra, bên trong là chiếc điện thoại di động
đắt tiền mới toanh. Nàng cầm trên tay mở nắp nhấn thử bấm khởi động Ngọc Bân đã
gài sẵn các chương trình cho nàng. Một chút lưỡng lự, nàng ấn số gọi cho Ngọc
Bân.
Tiếng Ngọc Bân vang lên nhẹ nhàng.
- Cám ơn em đã gọi cho anh và đã nhận món quà tạ lỗi của anh.
- Chúng ta vẫn là bạn. - Nàng ôn tồn - Lẽ ra tôi không dám nhận
vì nó quá xa xỉ đối với tôi. Nhưng để anh yên tâm cưới vợ thì tôi nhận. Chúc
anh hạnh phúc và gặp được người trong mộng thật mỹ mãn.
- Bao giờ Nam đi?
- Có lẽ nay mai. Chào anh nhé ?
- Chào Nam! Nhớ bảo trọng và phải biết tự chăm sóc mình.
- Cám ơn anh. Xin chào!
Nàng tắt máy và đưa mắt nhìn mẹ. Bà dịu dàng:
- Con đi tắm đi. Mẹ hâm lại đồ ăn cho nóng.
Hồng Nam "dạ" nhẹ vào phòng riêng. Có điều gì đó
làm con tim nàng vụn vỡ. Hạnh phúc lại một lần nữa vuột khỏi tay nàng.
Vừa nhảy lên bậc tam cấp, Tuấn Anh đã quay lại nhìn bà Phúc
Lâm đang chậm rãi bước lên. Thằng bé léo nhéo.
- Nội ... ơi! Nội ...
Ông Phúc Thạnh nhìn con trai:
- Con muốn nói gì thì nói đàng hoàng, một là xuống đây hai là
chờ nội lên đã. Cứ réo thế nội con ngã thì sao?
Bà Phúc Lâm nhìn con trai:
- Con mặc kệ nó đi, nội biết tánh nó mà. Nó bé bỏng, tánh vẫn
còn trẻ con mà.
- Còn trẻ con gì nữa. Mẹ không thấy Tuấn Anh đang muốn vượt
con à? Lúc bằng tuổi nó, mẹ đã bắt con cưới vợ rồi còn gì?
Bà Phúc Lâm gật nhẹ:
- Ừ, Con nói ta mới nói, Tuấn Thanh như thế mà chưa lo vợ cho
nó đi. Sau này lại cha già con cọc, sướng không muốn chỉ muốn khổ. Mẹ không thể
nào hiểu nổi chúng nó nữa, con liệu sao thì liệu.
Tuấn Thanh nghe nhắc đến tên mình anh nhảy hai bước đến gần
bà Phúc Lâm.
- Nội nói xấu gì cháu đấy?
- À! Nội nói ba mẹ cháu lên đây tìm cho cháu một ý trung
nhân. Con gái ở đây cũng xinh lắm.
- Nội muốn nói da đỏ má hồng chứ gì?
Tuấn Anh rùn vai:
- Nhưng con gái ở đây mập quá, anh Hai cháu đâu thích các cô
gái mập.
- Sao cháu biết?
- "Gu" của anh Hai, sao cháu lại không biết chứ?
Không tin nội hỏi anh con xem sao.
Tuấn Thanh nhìn em trai:
- Kỳ này thì anh đổi ''gú', thích những cô gái ú một chút, có
bỏ đói một tuần cũng không sao?
Cả nhà cùng bật cười lớn. Bà Phúc Lâm gật gù:
- Mẹ cảm thấy sức khỏe bắt đầu đang xuống dần, mẹ cảm thấy mệt
khi đi xa như thế, nên hôm nay ai muốn đi đâu thì đi, mẹ ở nhà nghỉ ngơi thôi.
Tuấn Anh sà vào lòng bà Phúc Lâm:
- Nội không đi thì cháu cũng sẽ ở nhà với nội. Cháu không muốn
đi mà không có nội. Nội mệt, để cháu đưa nội lên phòng.
Bà Phúc Lâm gõ vào trán Tuấn Anh:
- Chỉ giỏi nịnh, lúc nãy cháu định nói điều gì thế?
- À! Lúc lên đồi, cháu nhìn thấy cô giáo khi ngược xuống. Nội
có thấy không?
- Cô giáo ... - Bà khẽ lắc - Sao cô giáo cháu lại ở đây? Coi
chừng cháu nhìn lầm.
- Lúc đầu cháu cũng nghĩ thế? Nhưng nhìn dáng đằng sau thì
không thể lẫn được.
- Cháu có nhìn rõ mặt không?
- Xe chạy nhanh quá, cháu làm sao mà thấy rõ được?
- Vậy thì dáng đàng sau cũng không thể khẳng định được. Có thể
là cháu lộn.
Tuấn Anh lặng thinh, cậu không cho là mình lộn được, nhưng để
khẳng định thì cậu cũng không tự tin cho lắm.
Tiếng Tuấn Thanh hỏi em trai:
- Lại gia sư à? À, mà là cô giáo ư? Vậy mà anh cứ nghĩ gia sư
của em là thầy giáo chứ? Cô ta trị được em như thế mà thì xem ra cô ta có bản
lĩnh lắm.
- Chứ sao! Em đã từng thách đố, nhưng em thua nên em phải tâm
phục khẩu phục.
- Thì ra là thế? - Tuấn Thanh cười thú vị - Nếu cần thì anh
em mình sẽ cùng đi kiếm cô ấy. Bỗng dưng anh cũng muốn gặp cô giáo em một lần
thử xem, sao em trai anh có vẻ thần tượng hóa cô ấy thế?
- Vậy thì đi?
Ông Lâm Thạnh nhìn con trai:
- Sao con nói con ở nhà với nội?
Tuấn Anh gãi tai:
- Nhưng mà con ...
Bà Phúc Lâm nhìn các cháu mỉm cười:
- Ba các cháu nói đùa đấy, cứ đi thỏa thích, nội đâu có đi
đâu đâu. Nội lên đây chủ ý là để nghỉ ngơi. Hai đứa đi đâu thì cứ đi đi, không
phải lo cho nội.
Tuấn Anh reo lớn:
- Thế mới là nội chứ. Anh Hai này! Chúng ta đi thôi, em mong
sẽ gặp được cô ấy.
Tuấn Thanh nheo mắt cười:
- Tắm đã cậu à. Xứ sở bé xíu này nếu có ở đây thì sẽ tìm ra
được ngay. Bây giờ mà đi thì anh chết mất.
Tuấn Anh xụ mặt:
- Vậy mà em cứ tưởng ... Thôi, em đi tắm đây.
Tuấn Anh biến nhanh vào phòng. Tuấn Thanh nhìn bà nội:
- Cô giáo có trẻ quá không? Cháu thấy Tuấn Anh có vẻ quý cô
giáo, cháu sợ tình cảm nó lệch lạc.
Bà Phúc Lâm lắc đầu:
- Cô ấy chững chạc lắm. Điều này thì cháu không phải lo, tuýp
người của cô ta không dễ chinh phục được đâu.
- Nội có vẻ tự tin khi để cô ta kèm cho Tuấn Anh quá nhỉ. Nội
có biết năm nay Tuấn Anh bao nhiêu tuổi không?
- Sao nội lại không biết. Cháu yên tâm đi? Nội không nhìn lầm
người đâu.
Cũng có thể nó quý cô giáo ở một mặt nào đó, nếu nó có ý
thiên lệch, nội tin cô giáo sẽ điều chỉnh được nó.
- Cháu cũng mong điều ấy đừng xảy ra.
Bà Phúc Lâm nhìn Tuấn Thanh:
- Cháu báo động như thế cũng tốt. Biết trước thì ngừa vẫn
hơn.
Ông Phúc Thạnh chợt chen vào:
- Thật ra, Tuấn Anh còn rất trẻ con, và quen được nuông chiều.
Ai kèm chó nó cũng phải lắc đầu. Cô giáo vô tình đi dạy thế thầy, không hiểu
sao nó lại nghe lời cô ấy thế. Chính ba cũng lấy làm lạ đấy.
Bà Phúc Thạnh nói thêm:
- Với ba mẹ, Tuấn Anh nghe lời cô giáo chịu học hành là ba mẹ
yên tâm rồi.
Mẹ nghĩ sẽ không có chuyện ấy xảy ra đâu:
- Mẹ nói thế thì con yên tâm rồi. Thôi, con đi tắm đây.
Tuấn Thanh vừa đứng dậy thì chuông điện thoại chợt reo. Anh
nhấc máy:
- Alô.
- Tuấn Thanh hả?
- Dạ .... Bác Hân! Sao bác biết cháu lên đây mà gọi cho cháu
thế?
- Ừ, Bác còn biết có cả bà nội và ba mẹ cháu lên đây nữa. Tối
bác sẽ ghé.
- Dạ. Bác có cần nói chuyện với ba của cháu không?
- Không cần. Nhắn giùm cho bác thăm nội và ba mẹ thôi. Tối,
bác sẽ đến thăm và lai rai với ba cháu.
- Dạ, cháu sẽ chuyển lời. Chào bác!
Tuấn Thanh trả máy về chỗ cũ. Anh nhìn bà nội cùng ba mẹ, nói
lớn:
- Bác Hân gọi điện hỏi thăm. Bác ấy nói tối sẽ ghé. Mình mới
đến mà tình tức đến nhanh thật đấy.
Bà Phúc Thạnh tủm tỉm cười:
- Mẹ có thằng quý tử chưa có vợ, nên cũng có khối kẻ dòm ngó.
Lần này mở dạ hội quy tụ nam thanh nữ tú, con nên để ý kiếm một người giùm cho
mẹ.
- Cho mẹ hay cho con?
- Dĩ nhiên cho con, nhưng cũng là cho mẹ, vì cũng là dâu con
của mẹ.
Tuấn Thanh le lưỡi:
- Con phải biến thôi. Nếu không sẽ nghe thêm nhiều điều mới lạ.
Tuấn Thanh phi nước đại. Bà Phúc Lâm hỏi con trai:
- Ông Hân hình như còn một cố gái út chưa chồng, đúng không?
- Dạ. Cô Ngọc Ánh có lẽ khoảng ngoài hai mươi mốt chút. Nghe
nói cô Ánh cũng mới xong đại học thì phải.
- Thế còn cậu con trai trạc tuổi cậu Hai nhà mình đã cưới vợ
chưa?
- Hình như chưa mẹ à. Mà con nghe có lẽ trong năm nay thôi. Cậu
ấy thì hiền chứ không như Tuấn Thanh nhà mình.
Bà Phúc Lâm nhìn con trai:
- Con cũng liệu mà bảo ban Tuấn Thanh. Mẹ già rồi, cháu ngoại
thì đã có, nhưng tìm đứa cháu cố đích tôn thật khó. Không biết mẹ có còn sống đến
ngày đấy để nhìn thấy không?
- Mẹ còn sống trăm tuổi, rồi mẹ sẽ thấy đàn con cháu lớn lên
trước mắt mẹ.
Việc hôn nhân là việc cả đời, đâu phải sống một hai ngày đâu
mà gả ép. Con nghĩ thế nên con để cho Tuấn Thanh tự do lựa chọn, sau này có như
thế nào thì nó cũng không thể trách mình.
- Thì mẹ cũng biết thế.
- Mẹ cũng thấy đó, góp ý gì là nó nghe ngay, kể ra nó là đứa
sống ở nước ngoài nhiều, nhưng nó vẫn tôn trọng truyền thống của cha ông.
Bà Phúc Lâm nhìn con trai:
- Coi con kìa, bênh con trai ra mặt. Thật ra thì mẹ biết chứ,
nhưng việc mẹ nói thì mẹ cứ nói thôi. Mẹ biết các cháu của mẹ ngoan, nhưng ở tuổi
này mà nó cứ không chịu lấy vợ thì con cần phải xem lại, nó có bị .... đột phá
về giới tính không?
Bà Phúc Thạnh chợt phì cười:
- Con thấy mẹ cấp tiến đấy chứ? Mẹ chỉ mới nghe Tuấn Thanh
nói chuyện mà mẹ đã cập nhật hóa ngay với thời đại rồi. Con thật ngưỡng mộ mẹ.
Bà Phúc Lâm cười theo con dâu:
- Ừ, thì mẹ cũng phải theo kịp tụi nó một chút, để bọn trẻ
không lừa được mình. Mà giới trẻ bây giờ khó hiểu thật. Có lúc, mẹ cũng không
thể nào biết bọn trẻ muốn gì nữa?
Trong khi người lớn mãi tranh luận về sự tự do của giới trẻ
ngày này thì Tuấn Anh đã vào phòng anh trai. Cậu lục mọi thứ đồ của anh nhưng
chẳng có thức nào cậu ưng ý. Cậu mở các ngăn tủ của anh trai trong cái hộp thủy
tinh thật đẹp có một miếng mã não nằm trong đó, trông nó như miếng ngọc kiểu
dáng cổ xưa nhưng trạm trổ rất đẹp. Táy máy, Tuấn Anh chạm tay vào chiếc hộp và
mở thử ra coi. Miếng mã não ánh lên bởi sự phản quang của chiếc hộp thủy tinh,
nhưng nhìn kỹ thì nó cũ kỹ và xấu xí, chỉ có mỗi cái điêu khắc tinh xảo là làm
cho Tuấn Anh thích.
Từ phòng tắm ra, Tuấn Thanh hỏi lớn:
- Em lục lọi cái gì đấy?
Giơ miếng mã não ra Tuấn Anh hỏi lớn:
- Cho em cái này nhé!
Tuấn Thanh lắc nhanh:
- Không được. Vật đấy không phải trò đùa đâu, em trả lại chỗ
cũ đi.
- Nhưng nó chỉ là miếng mã não cũ.
Tuấn Anh ôm trong tay chiếc mặt ngọc bỏ chạy. Tuấn Thanh
không chạy theo, anh chỉ đưa mắt nhìn chiếc hộp thủy tinh với nhiều băn khoăn.
Thật lòng, anh không tin câu chuyện của nội kể về miếng ngọc,
nhưng anh vẫn băn khoăn về nó. Từ lúc ông chết, ông kín đáo trao cho anh và bảo
anh hãy cất giữ nó như một báu vật, vì đây là miếng ngọc kỳ duyên, ảnh hưởng đến
cuộc đời cũng như tương lai của anh. Anh nghĩ đó cũng chỉ là câu nói đùa của
ông.
Nhưng hôm nay, anh lại nói y như ông nội đã nói với anh thuở
nào?
Anh bỗng cảm thấy sợ, nhưng anh không thể lấy lại từ tay Tuấn
Anh, vì nếu giằng co có thể sẽ bể miếng ngọc. Vả lại, anh biết tánh em trai, nó
sẽ chán và trả cho anh ngay thôi. Anh mong là nó sẽ mau chán để anh có thể lấy
lại và cất nó đi, như thế anh sẽ an tâm hơn.
Tuấn Thanh ngã ra giường, một ngày đường khiến anh mệt mỏi.
Nghỉ ngơi một chút cho khỏe, không ngờ anh ngủ thiếp đi.
Trong giấc mơ, anh thấy ông nội cầm lấy miếng ngọc từ tay anh
trao vào tay một cô gái. Anh hét lớn:
- Sao nội lại làm thế? Ông nội đã cho cháu rồi mà.
Tiếng ông vang vang:
- Nhưng bây giờ nó là của cô ấy.
- Không được, nó là của cháu. Ông nói cô ta trả lại cho cháu.
Trả lại cho cháu ...
- Muốn thì cháu hãy tìm cô ấy mà đòi, vì cô ấy là một phần cuộc
đời của cháu.
- Ông nội! Ông nói thế là sao? Cháu không hiểu.
Nhưng ông của anh biến, còn anh thì mải miết bám theo cái
bóng của cô gái.
Anh càng đuổi theo thì cái bóng càng biến mất nhanh hơn. Vì cố
chạy theo để đòi miếng ngọc, nên anh trượng chân rớt xuống hố sâu thăm thẳm,
anh hét lớn cô gọi lớn để cầu cứu nhưng anh càng rớt nhanh hơn.
Anh bỗng gọi lớn:
- Nội ơi! Cứu con ...
Thì bàn tay ai đó nhỏ nhắn ấm áp nắm lấy tay anh kéo và đưa
anh lên. Khi anh hoàn hồn thấy mình chưa chết, quay lại tìm cô gái, cô ta không
còn ở đấy nữa ... Tuấn Thanh hét lớn tìm cô gái.
- Cô ở đâu? Cô là ai? Cô là người hay là ma?
Tiếng hét của anh rơi vào thinh không, không có lời đáp lại,
khiến anh càng hét lớn hơn.
Tuấn Thanh giật mình tỉnh dậy bởi tiếng lay gọi của Tuấn Anh.
Người anh ướt đẫm mồ hôi, anh cảm thấy sợ.
Tiếng Tuấn Anh hỏi dồn:
- Anh mơ à? Anh mơ gì? Mơ thấy ác mộng à? Anh hét lo quá làm
cả nhà đều hết cả hồn. Anh mơ gì thế?
Tuấn Thanh hoàn hồn khẽ hỏi:
- Em nghe anh nói gì?
Tuấn Anh khẽ lắc đầu:
- Không nghe rõ 1ắm ... chỉ nghe anh hú như gọi ai đấy, nhưng
không ra tiếng.
- Thế à?
Tuấn Thanh nín thinh. Anh tự hỏi:
''Sao mình lại mơ giấc mơ lạ lùng như thế? Thật ra, miếng ngọc
ông nội cho và cô gái có ý nghĩa gì? Nó muốn báo với mình điều gì?'' Tiếng Tuấn
Anh kỳ kèo:
- Anh mơ gì? Anh kể ra đi. Hay anh gặp ma? Thời tiết thế này
mà anh đổ mồ hôi thì chỉ có gặp ma thôi.
- Ừ! Anh mơ gặp ma. - Tuấn Thanh hùa theo em trai - Anh bị nó
rượt chạy thục mạng.
Tuấn Anh cười đắc chí khi đoán đúng. Cu cậu giục:
- Anh xuống ăn cơm. Mọi người đang chờ có mình anh thôi đấy.
Tuấn Thanh tròn mắt:
- Sao ăn sớm thế?
- Sớm gì chứ? Em đói muốn chết đi.
Tuấn Anh kéo tay anh trai, cả hai xuống nhà. Mọi người đang
quây quần bên mâm cơm chờ hai anh em.
Tuấn Thanh nhìn đồng hồ, anh thấy mình có lỗi nên nói lời tạ
lỗi. Bữa ăn diễn ra trong bầu khí ấm cúng vui vẻ và ăn rất ngon miệng vì mọi
người đều đói.
Riêng Tuấn Thanh vẫn bị ám ảnh bởi giấc mơ lạ kỳ. Anh cố
thoát ra và tự nhủ:
Đó chỉ là một giấc mơ như bao giấc mơ khác thôi mà.
Anh chợt đưa mắt nhìn tấm hình ông nội đặt ở giữa phòng. Đôi
mắt ông như sinh động hẳn lên khi nhìn lại anh. Tuấn Thanh chợt rùng mình. Anh
thấy mắt mình bỗng hoa lên. Anh thấy sợ ....
Chương 2
Hồng Nam đang chăm lại vườn lan cho mẹ. Nàng thấy mẹ mình rất
khéo tay, những nhánh lan mẹ ghép rất độc đáo. Mỗi lần vựa hoa thành phố về là
mê vườn lan của mẹ. Nàng hay trêu mẹ là làm chơi ăn thiệt, chơi mà lại có tiền.
Mẹ chỉ cười, nàng biết đó là cái thú của mẹ nên mẹ đâu dễ dàng dứt bỏ nó mà đi.
- Em chưa đi thành phố sao?
Tiếng của Ngọc Bân vang lên bên tai, cắt đứt dòng suy nghĩ của
cô. Hồng Nam ngẩng lên nhìn Ngọc Bân:
- Anh đến từ bao giờ thế? Không có lấy một tiếng động. Cũng
may là tôi không bị đau tim, nếu không thì nãy giờ tôi đã xỉu rồi.
Ngọc Bân cảm thấy vui khi Hồng Nam nói đùa. Anh đùa theo:
- Tại Nam chăm chú quá nên Nam không nghe thấy thôi. Xem ra,
Nam vẫn chưa quên nghề chăm hoa của mình.
- Anh vào nhà đi, tôi rửa tay rồi vào.
- Nam cứ làm đi. Tôi đứng đây cũng được. Nét tạo kiểng của
Nam vẫn chỉnh lắm.
Hồng Nam phì cười:
- Tôi là dân tỉnh mà quên làm sao được. Nghề của mẹ dạy tôi từ
bé, ngoài mẹ tôi ra anh cũng là thầy dạy tôi đầu tiên mà. Tôi không bao giờ
quên điều ấy.
Ngọc Bân nhìn bầu trời chợt nói:
- Tôi muốn trở lại những ngày tháng cũ, đó là ký ức đẹp nhất
của tôi.
Hồng Nam nhìn Ngọc Bân thoáng một chút ái ngại:
- Cái gì đã qua thì sẽ không bao giờ trở lại. Ký ức đẹp hãy
giữ nó để có thêm sức bật cho tương lai chứ đừng hối tiếc. Hãy sử dụng cái gì
là hiện tại cho thật tốt để bù lại lỗi lầm của quá khứ. Tương lai anh đang rạng
rỡ, anh không nên hối tiếc quá khứ để hỏng tương lai của mình.
Ngọc Bân nhìn Hồng Nam:
- Nam thật sự đã rất chững chạc. Ngày xưa, tôi là người lúc
nào cũng an ủi dỗ dành Nam, nhưng hôm nay thì chính Nam lại là người động viên
tôi.
- Anh đừng nói thế. Tôi chỉ nói lên sự cảm nhận thật sự của
mình. Có lẽ sau những thất bại, tôi lại rút ra một chân lý và bây giờ anh cũng
đang dạy tôi rất nhiều điều ngay trong cách xử sự của mình. Trong tôi, anh như
người anh trai đáng kính của tôi, và tôi sẽ luôn mãi nghĩ về anh như thế?
- Cám ơn Nam, cô em gái.
- Có gì phải cám ơn hả anh trai?
Cả hai cùng bật cười sau câu nói đùa:
Tiếng mẹ chợt gọi:
- Nam à! Con và cậu Bân vào ăn chè hạt sen, mẹ náu xong rồi.
Hồng Nam nhìn Ngọc Bân:
- Anh vào nhà đi, tôi sẽ quay lên ngay. Hình như lần nào anh
đến, mẹ tôi cũng nấu chè hạt sen.
Ngọc Bân phì cười:
- Không biết có phải thế không, hay mũi tôi thính nên ngửi thấy
mùi hạt sen mà tìm đến?
Hồng Nam và Ngọc Bân rời khỏi khu vườn sen. Bà Sáu đã sắp sẵn
chè ở bộ ghế bên hông nhà. Bà khẽ hỏi Ngọc Bân:
- Công việc của cậu sao rồi? Nghe nói cậu sắp vào thành phố?
- Dạ, dự định là thế nhưng cũng chưa chắc chắn lắm. Nhưng dì
đừng nói cho Nam biết điều này.
- Sớm muộn thì Nam cũng biết, nhưng để tự nó biết chứ dì nói
làm gì. Hồng Nam cũng sắp vào đấy, dì rất lo cho nó.
- Nam có gì mà dì phải lo. Cô ấy rất là chững chạc, cháu nghĩ
với cô ấy dì không có gì phải lo đâu. Mà sao dì không lên ở cùng cô ấy?
- Hồng Nam cũng muốn thế, nhưng tôi quen không khí ở đây rồi,
thành phố làm cho tôi ngột ngạt. Vả lại tôi cũng không muốn làm vướng chân con
bé.
- Sao dì lại nghĩ thế? Có dì ở bên cạnh, Hồng Nam sẽ vững tâm
hơn, sao dì lại nói là vướng chân.
- Cậu không hiểu đâu. Tôi già rồi, hay lẩm cẩm ca cẩm, có những
điều không nên nói thì lại nói. Lỡ tôi nói gì không nên không phải với bạn bè của
nó thì làm nó xấu hổ.
- Dì nói thế là không hiểu Nam rồi. Cô ấy rất thương dì và có
hiếu, dì đừng lo chuyện ấy.
Bà Sáu cười lắc đầu:
- Nói sao thì nói, tôi cũng không rời khỏi đây đâu. Tôi đi rồi
ai sẽ lo ở đây.
Khu vườn không có chủ sẽ hoang phế mất.
Hồng Nam đến bên mẹ:
- Nếu mẹ muốn thì thuê người trông coi, mẹ lo gì chứ?
Bà nhìn Hồng Nam:
- Con lo cho con chưa xong, rồi lo cho mẹ lại thuê người làm
vườn, con lấy tiền đâu ra chứ? Mẹ ở đây dù sao cũng tự nuôi được mình rồi còn
dành dụm để sau này con có của hồi môn về nhà chồng chứ.
Hồng Nam khẽ lắc đầu:
- Mẹ không phải vất vả thế đâu. Con lấy chồng, chồng con sẽ
lo cho con.
- Nói sao thì nói, không có chút của thì người ta khinh đấy
con à.
Bà buột miệng nói xong chợt nhớ là có Ngọc Bân. Bà ôn tồn:
- Tôi xin lỗi. Tôi không cố ý.
Ngọc Bân lắc nhẹ:
- Cháu biết mà. Dì không phải e dè giữ gìn đâu.
Hồng Nam lảng chuyện:
- Chè mẹ nấu ngon ghê, rất vừa miệng, ngọt thanh. Con chưa thấy
ai nấu ngon bằng mẹ, anh ăn thử đi.
Ngọc Bân gật gù:
- Tôi biết tài nấu chè của mẹ Nam rồi, vì tôi hay được ăn mà.
À? Mai Nam có rảnh không?
Hồng Nam đưa mắt nhìn Ngọc Bân:
- Có chuyện gì không?
- Mai tôi muốn Nam cùng đi dự bữa tiệc anh bạn mới ở xa về.
Đa số dân trong ngành kiến trúc có mặt, cô nên đi dự để mở rộng quan hệ, có lợi
chứ không có hại.
Hồng Nam trầm tư:
- Tôi sợ đi với anh không tiện.
- Nam có thể đi một mình, sẽ có thiệp riêng cho Nam, nơi đó
Nam cũng biết mà. Là ngôi nhà mà Nam hay ngồi ở triền dốc để tưởng tượng vẽ
khung cảnh ở trong, Nam nhớ không?
Hồng Nam gật gù:
- Tôi nhớ rồi! Thì ra chủ nhân của nó đã trở về. Nếu có thiệp
mời, tôi sẽ đi.
Tôi rất thích ngôi nhà ấy và ước ao vào trong đó một lần.
Ngọc Bân cười mãn nguyện:
- Vậy Nam tới đó nhé. Thiệp đây Hồng Nam nhìn Ngọc Bân:
- Anh biết chắc tôi sẽ đi sao?
Ngọc Bân gật nhẹ:
- Có lẽ cả đời này, Nam sẽ không tìm được ai hiểu Nam như tôi
đâu?
- Có lẽ như thế thật. - Hồng Nam gật gù - Và Nam vẫn cám ơn
ông trời về điều ấy. Cám ơn anh đã nghĩ đến Nam.
- Nam đừng khách sáo, chúng ta vẫn là bạn, mãi mãi là bạn tốt
của nhau.
Thôi tôi về đây. Hẹn mai gặp lại!
Hồng Nam tiễn Ngọc Bân ra cửa. Bà Sáu nhìn Hồng Nam:
- Mẹ thấy cậu ấy thật tội nghiệp. Cậu ấy rất yêu con.
Hồng Nam nhìn mẹ, khẽ lắc đầu:
- Chuyện ấy đã qua rồi, xin mẹ đừng nhắc lại làm gì. Mẹ bảo
con phải mặc gì ngày mai bây giờ, con chẳng mang bộ nào ra hồn về cả.
Bà Sáu chau mày gật gù:
- Đúng là đến nơi đó phải ăn mặc cho ra hồn, không thôi họ cười
cho đó.
Bây giờ phải làm sao? Hay ra tiệm mướn một bộ?
Hồng Nam lắc nhẹ:
- Con thấy phức tạp quá. Vậy thì thôi vậy, để con trả lời lại
với Ngọc Bân.
Bà Sáu nhìn Hồng Nam, bà chợt nhớ chiếc váy lụa voan của mẹ Hồng
Nam.
Đã lâu bà chưa nhìn thấy nó vì bà cất rất kỹ tận đáy rương và
có lẽ nó đã ngả màu. Nghĩ là làm, bà vào phòng. Hồng Nam ngạc nhiên chạy theo mẹ.
Nàng thấy bà lôi chiếc rương sắt ra. Bà lấy khăn lau sạch sẽ rồi mở khóa, mùi ẩm
mốc sộc lên. Gạt những thứ lung tung để trên, Bà thọc tay đến tận đáy rương và
lôi chiếc váy ra. Chiếc váy vẫn còn mới, có điều đã hơi ngả màu theo thời gian,
còn kiểu thì đã xưa Hồng Nam buột miệng:
- Đẹp quá!
- Con thử đi. - Bà trao vào tay Hồng Nam - Nếu vừa mẹ sẽ đưa
đi tẩy trắng.
Hồng Nam gật nhẹ, nàng cầm chiếc áo và mặc thử. Bà Sáu gật
gù:
- Con mặc vừa lắm. Để mẹ tẩy trắng, mai có áo cho con đi:
Hồng Nam ôm chặt lấy tay mẹ:
- Con cám ơn mẹ. Mẹ tuyệt thật đấy, mẹ tuyệt đến không ngờ.
Bà Sáu lặng thinh, trong khi ký ức chợt tràn về Hồng Nam ra đời
là ngày mẹ Hồng Nam từ trần. Sự ủy thác của mẹ Hồng Nam, bà vẫn nhớ y nguyên. Mới
đó mà đã hai mươi mấy năm rồi. Bà cố nén xúc động vì sự có mặt của Hồng Nam.
Chiếc áo gợi cho bà nhớ sự tài giỏi và duyên dáng của mẹ Hồng
Nam. Một cô thiếu nữ chết đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Niềm đam mê yêu nghề đã
khiến cô gái ấy đánh mất đi hạnh phúc gia đình của mình, và cô đã chết trong tức
tưởi và tủi nhục.
- Mẹ! Sao mẹ khóc?
Bà Sáu gạt nhanh nước mắt, cười, nói lảng:
- Mẹ thấy tủi thân vì mẹ chưa bao giờ có tiền để may cho con
bộ váy đẹp.
- Con có cần đâu. - Nàng ôm lấy mẹ - Con không đi cũng được
mà.
- Con phải đi chứ. Mẹ sẽ làm cho bộ váy mới lên cho con xem.
- Để con cùng làm với mẹ.
- Không cần đâu. Con lo chống mấy bụi hồng cho mẹ, để việc
này mẹ làm.
Mẹ muốn ngày mai, con gái mẹ sẽ xinh đẹp và quý phái?
Hồng Nam trông theo mẹ khẽ mỉm cười, đậy nắp rương lại và đẩy
nó vào lại chỗ cũ. Nàng chợt giật mình khi thấy vật gì cũ lăn lóc dưới đất.
Nàng thầm nghĩ có lẽ ở trong rương rớt ra.
Hồng Nam cầm lên xem, là sợi dây thắt rất đẹp và mặt ngọc
trong cũ kỹ.
Đưa tay lau nhẹ trên miếng ngọc, càng lau càng bóng và lên nước
vân rất sáng.
Nàng buột miệng:
- Đẹp thật!
Và tiện tay, nàng đeo vào cổ quay ra với công việc mẹ dặn. Hồng
Nam tưởng tượng đến bữa tiệc ngày mai.
Ngọc Bân đưa Ngọc Ánh đến biệt thự "Kỳ bí", khách bắt
đầu đến khá đông. Ngọc Bân dáo giác đưa mắt tìm kiếm. Ánh mắt anh tìm khắp nơi
nhưng không thấy bóng dáng Hồng Nam. Ngọc Ánh níu tay anh trai:
- Anh đang tìm ai đấy? Tìm ai thì tí nữa hẵng tìm, bây giờ
anh phải đưa em giới thiệu với Tuấn Thanh.
- Em sẽ được gặp cậu ta. Nhưng em đừng có mơ tưởng là cậu ta
để mắt đến em. Em hãy quên điều ấy đi!
- Anh lạ thật. - Ngọc Ánh cự nự - Anh làm gì mà nổi cáu với
em chứ?
- Nổi cáu gì chứ? - Ngọc Bân nhăn nhó - Con gái gì mà chỉ lo
đi tìm con trai.
Hãy để cho họ đi tìm mình thì tốt hơn.
- Nhưng là những người mình không thích thì anh bảo làm sao?
Điều này anh còn có kinh nghiệm hơn cả em.
Ngọc Bân dịu giọng:
- Đúng là cuộc đời chẳng như chúng ta mong ước. Anh em mình
vào thôi.
Hôm nay xem ra khách mời cũng khá đông.
- Họ quen biết nhiều, anh không thấy sao? À, anh này! Tại sao
người ta lại đặt cho biệt thự này là biệt thự ''Kỳ bí''?
- Lại nghe tin nhảm về một cô gái chết oan chứ gì? Em đừng có
ăn nói lung tung ở đây. Họ nghe được tin, thật thất lễ đấy hiểu không?
Ngọc Ánh le lưỡi:
- Em biết rồi, nhưng em không có ý nói điều đó.
Tuấn Thanh đột ngột xuất hiện hỏi:
- Tiểu thư nào đây, xin chào!
Ngọc Bân chìa tay ra:
- Chúc mừng cậu đã trở về. Cậu có định đi nữa không?
Tuấn Thanh siết tay bạn mỉm cười:
- Cũng chưa biết. Nhưng hôm nay cứ vui đã. Em gái cậu à?
- Ừ, Con bé Ngọc Ánh, lần nào cậu đến chơi cũng trốn đó.
- À ...Ừ, tớ nhớ ra rồi. Cô ấy lớn nhanh và xinh đẹp quá. Thế
còn người yêu mà cậu thường kể, cô ta đâu rồi? Sao lại đi với em gái chứ?
Ngọc Bân chưa biết nói sao thì Ngọc Ánh đã vội xen vào, giọng
cô khó chịu.
- Cô ta bị ba mẹ em cấm lâu rồi. Thứ ''đũa mốc mà chòi mâm
son'', cô ta không biết lượng sức mới đi thích anh trai em.
Tuấn Thanh không mấy hài lòng về câu trả lời của Ngọc Ánh,
nhưng anh lặng thinh, Ngọc Bân lườm em gái:
- Em không được nói lung tung. Có một đứa em như em, cô ấy bỏ
anh cũng đáng lắm.
Tuấn Thanh lảng chuyện:
- Mời hai vị vào trong, sắp đến giờ khai mạc rồi đấy. Nào,
hai vị đi theo tôi.
Ngọc Ánh đến sát bên Tuấn Thanh:
- Anh đưa em đến chào hai bác.
- Được. Chúng ta cùng đi?
Tuấn Thanh đưa cả hai đi khuất thì Hồng Nam đến, nàng xuống từ
chiếc xe thổ mộ của ông Hai bên cạnh nhà. Trong chiếc váy lụa voan trắng của mẹ,
nàng đẹp một cách rất liêu trai, thanh thoát. Hình như ai cũng ngoái cổ lại
nhìn nàng.
Hồng Nam vô khi bước vào khu vườn mà nàng ưa thích, nhưng chỉ
được ngắm nhìn từ xa. Nàng không vào nhà mà thơ thẩn ra vườn. Những gì nàng tưởng
tượng về ngôi biệt thự hình như rất giống trong ký ức của nàng. Hồng Nam từ ngạc
nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tại sao chủ nhân ngơi nhà này lại có lối kiến trúc pha trộn rất
mới lạ, mà nàng nghe nói ngôi nhà đó có từ hơn trăm năm rồi. Đúng là cái tên
"Kỳ bí".
được người ta đặt quả không sai. Hồng Nam gật gù lẩm bẩm:
- Có lẽ chủ nhân là một tay kiến trúc sành điệu, thuộc loại sừng
sỏ trong giới kiến trúc chứ không phải giỡn chơi đâu.
- Cô nói đúng đấy!
Hồng Nam giật mình quay lại, nhận ra Trần Khoa đang nheo mắt
trêu:
- Chào cô họa sĩ tí hon? Lâu quá không gặp. Cô cũng được mời
à?
- Không ... - Hồng Nam rùn vai - Mình mê nơi này lâu rồi, hôm
nay cửa mở nên lẻn vào xem.
- Thật không? Vậy thì đi theo cặp với mình. Mình đang buồn vì
không có bạn gái bên cạnh những lúc như thế này.
Hồng Nạm nhìn Trần Khoa:
- Nhưng đi bên cạnh mình thì cậu chỉ là em trai mà thôi, anh
chàng cao khều à.
- Lúc nào cô cũng đòi làm chị bọn mình, đúng là bọn con gái.
Trông cô xinh lắm, đi học thành phố vẫn có khác.
Hồng Nam phì cười:
- Khác làm sao?
- Thì từ cách ăn mặc lẫn con người nhuốm màu con gái Sài Gòn.
Hồng Nam nguýt dài:
- Cậu không được phát ngôn bừa bãi nhé. Cậu đi một mình thật
sao?
- Ừ. Nói dối cậu làm gì? Chúng ta vào trong kia đi, bữa tiệc
hình như đã bắt đầu rồi thì phải.
- Vậy thì cậu vào trước đi, mình chưa muốn vào. Nghe nói chủ
nhân là một người rất hào phóng, vậy là già hay trẻ cậu có biết không?
- Biết. - Trần Khoa gật nhẹ - Họ về cả ba thế hệ. Người thừa
kế trẻ bây giờ là gần ba mươi, còn lớn nhất là gần chín mươi. Những người hiếu
kỳ về ngôi biệt thự này rất đa dạng, nhưng chưa ai biết sự thật của nó như thế
nào.
Hồng Nam gật nhẹ:
- Mình cũng nghe nên hiếu kỳ muốn biết phong cảnh về nhà này,
và điều bất ngờ là nó như điều mình tưởng không khác gì lắm, thế mới lạ chứ?
- Thật thế không?
- Ừ. Chính mình cũng ngạc nhiên.
- Vậy thì cậu có duyên với nó rồi đấy. Vì đây là lối kiến
trúc lâu đời, có sửa sang lại đôi chút nhưng vẫn giữ nguyên bản.
- Tớ cũng thấy điều ấy. Có lẽ đó cũng chỉ là sự trùng hợp mà
thôi.
Trần Khoa giục giã:
- Mình vào trong đi.
- Ừ. Vào một chút cũng được.
Sánh bước với Trần Khoa vòng qua tiền sảnh, đi ngang qua bờ hồ,
Hồng Nam sững sờ khi thấy đóa hoa thủy tiên ngoi lên từ giữa hồ. Nàng ngẩn người
đứng nhìn như thu vào ký ức và thầm ước:
''Giá có cây cọ trong tay thì đây chính là tuyệt tác''.
- Cậu làm gì thế - Trần Khoa kéo tay Hồng Nam - Đi thôi!
- Cậu đi trước đi. Tớ đứng lại một chút rồi sẽ theo cậu ngay.
Trần Khoa bỏ đi, Hồng Nam thì đứng lại cho đến lúc nàng cảm
thấy như có ai đang quan sát mình. Tự nhiên nàng rùng mình. Câu chuyện về lâu
đài ''kỳ bí'' bỗng ám ảnh nàng. Hồng Nam đột ngột ngẩng lên, toàn thân nàng sởn
gai ốc khi trước mặt nàng bên kia bờ hồ, dáng người đàn ông to cao đang mỉm cười
với nàng. Mắt nàng chợt hoa lên. Hai tay nàng nắm chặt tự nhủ với mình:
- Chỉ là ảo giác thôi.
Hồng Nam đưa tay dụi mắt. Nhưng không, con người ấy vẫn ở đấy
mờ mờ ảo ảo. Không còn tự chủ được nữa, Hồng Nam bỏ chạy. Nàng chạy hết sức
mình vì nàng có cảm giác mình bị đuổi theo, cảm giác ấy khiến nàng chạy nhanh
hơn nữa.
Cũng may khu vực này rất quen thuộc với nàng từ bé, nàng biết
từng loại cây, ngọn cỏ trong lúc đi lang thang tìm cảm hứng. Khi cảm thấy đã được
an toàn, nàng nằm dài ra giữa đám cỏ dày mà thở dốc. Toàn thân nàng ướt đẫm. Tự
nhiên Hồng Nam bật khóc. Nàng thấy sợ sợ thật sự. Chưa bao giờ nàng thấy sợ như
thế.
Khóc chán, Hồng Nam đứng dậy trở về nhà bằng đôi chân trần vì
đôi giầy trong lúc chạy đã tuột khỏi chân. Đó là đôi giày mẹ nàng lấy ra từ chiếc
rương cũ kỹ. Hồng Nam tiếc đôi giày nhưng làm sao mà tìm bây giờ.
Nghĩ đến những chuyện vừa xảy ra, Hồng Nam tự nhủ:
''Chẳng lẽ mình lại hợp với con ma của ngôi nhà ấy?'' Hồng
Nam trầm tư. Có lẽ nàng phải giữ kín câu chuyện vừa xảy ra với nàng.
Nàng không muốn để mẹ phải lo lắng. Nhìn xuống đôi chân trần
nàng thấy mình phải nói dối.
Hồng Nam chợt thở dài.
Cả đêm Tuấn Thanh không hề chợp mắt. Sáng sớm, anh đã ra đây
thăm mộ ông nội. Một thoáng ngạc nhiên khi anh thấy ngay sát mộ ông nội, đám cỏ
bị đập vừa vặn một người con gái nằm rất lâu trên đấy.
Tuấn Thanh lặng người đi, trong đầu anh tự hỏi:
- Ảo giác? Ma hay quỷ? Hay là người một con người bằng xương
bằng thịt.
Ma hay quỷ thì không thể làm dập cỏ được như thế này, ảo giác
thì không thể tồn tại, còn con người thì không thể biến khỏi mắt anh nhanh như
thế được.
Tuấn Thanh nhớ lại giấc mơ và nhớ lại chuyện đêm qua. Anh
phát hiện ra cô gái với cái đáng rất quen thuộc, nhưng không biết đã gặp ở đâu
cho đến khi cô ngẩng lên, anh chợt mỉm cười như muốn chào vì anh ở quá xa, bỗng
mặt ngọc chợt lóe lên, mắt anh chợt hoa lên khi ký ức của giấc mơ trở lại. Cô
gái trong mơ ... Bỗng cái bóng bỏ chạy. Anh cố đuổi theo nhưng cô ta bỗng biến
mất ngay trước mặt anh, như một bóng ma không tồn tại.
Anh trở lại buổi dạ hội như cái xác không hồn. Anh lên phòng
ngồi lặng hàng giờ không xuất hiện trước quan khách. Tuấn Anh vô tìm anh, nhìn
thấy nó, anh nhớ tới mặt ngọc, liền hỏi ngay.
- Miếng ngọc em lấy của anh em để đâu rồi? Hay em cho ai?
Tuấn Anh ngạc nhiên:
- Anh sợ mất thần hộ mạng thế sao? Vậy thì em trả cho anh, để
anh xuống nhà mau, cho bà nội và ba mẹ đừng lo lắng.
Dứt lời, Tuấn Anh quay về phòng lấy miếng ngọc ra đặt vào tay
anh. Tuấn Thanh ngắm nó mãi và suy nghĩ rất nhiều.
- Có thể là ảo giác, còn người thì trên đời này có miếng ngọc
thứ hai.
- Có ngọc rồi, anh còn không chịu xuống. - Tuấn Anh làu bàu -
Hôm nay sao anh lạ thế, như bị ma ám ấy.
Đặt miếng ngọc vào hộp, Tuấn Thanh cùng em trai xuống lầu.
Anh tiếp khách nhưng vẫn để ý tìm cô gái. Anh mong cô ấy có mặt để một phần của
hiện thực. Nhưng buổi tiệc đông như thế mà không có cô gái nào giống như người
anh tìm. Anh hy vọng rồi lại thất vọng, cái vô thức trong tiềm thức khiến anh cảm
thấy sợ về một lời nguyền anh đã được nghe từ ông nội.
Tiệc tàn mà Tuấn Thanh vẫn ngồi đó để nghĩ về những gì đã xảy
ra. Anh là một con người rất thực tế, nhưng những gì anh thấy nó hư hư thật thật
khiến anh nghi ngờ cả chính mình. Cả đêm không ngủ, bây giờ ra đây anh lại thấy
cũng có một cái giả.
Cỏ vẫn còn ướt vì sương. Tuấn Thanh ngồi xuống bên mộ ông.
Anh muốn nghe được tiếng ông nói, nghe ông kể chuyện vào những đêm mưa rả rích
xen lẫn tiếng côn trùng rên rỉ. Bỗng dưng anh rất nhớ nội. Tuấn Thanh muốn nằm
dài xuống bên cạnh nội.
Anh ghé người định nằm thì chợt nhìn thấy vết cỏ giập. Tuấn
Anh bật dậy, anh đi theo vết cỏ giập và nhặt được đôi giày. Đôi giày còn rất mới,
nhưng nó không phải là loại thịnh hành bây giờ, mà có lẽ nó nằm vào thời mẹ của
anh hay thời của bà nội, loại giày chỉ có người giàu có mới mua nổi.
Tuấn Thanh cau mày. Như thế này là sao? Hay có ai biết được
chuyện ngày xưa mà trêu chọc anh? Người đó phải trẻ mới chạy nhanh như thế, và
là người rất thông thạo đường và phải biết rõ gia đình anh và đã từng ở đây.
Nếu trẻ thì không thể biết chuyện ngày xưa, mà nếu là người
giả dạng thì làm sao lại ăn mặc giống y như cô gái trong mơ mà ông nội cho thấy.
Có điều anh chưa nhìn rõ mặt cả người trong mơ lẫn cái bóng đêm qua.
Còn mặt ngọc giống y chiếc của anh, nó không thể là giả khi
nó óng ánh sáng lên rất đẹp mà từ xa có thể nhận ra.
Tuấn Thanh suy nghĩ rất nhiều. Có cái thật nhưng có cái cũng
không thật.
Anh tự nhủ nếu là người cố ý trêu thì họ sẽ làm lại nhiều lần.
Anh nhất định sẽ khám phá ra sự thật.
Tuấn Thanh trở về nhà với đôi giày trên tay. Anh đánh rửa sạch
sẽ và đem cất vào chiếc hộp cẩn thận.
Nhìn đôi giày, anh biết chủ nhân của nó có đôi chân rất đẹp
cho dù bà đã già.
Trong khi Tuấn Thanh quay về thì Hồng Nam đi ngược lên để tìm
đôi giày, nhưng tìm mãi nàng vẫn không thấy. Hồng Nam chau mày, băn khoăn vì
không ai có thể qua đây sớm để nhặt đôi giày của nàng. Nàng đoán có lẽ con gì
nó tha đi.
Hồng Nam thấy tiếc, nhưng mất rồi biết làm sao được. Nàng
quay trở về thì gặp Ngọc Bân trên đường đến nhà nàng. Anh hỏi ngay nàng:
- Sao hôm qua cô không đến?
Hồng Nam ấp úng không biết nói sao.
- À tôi ... tôi ...
- Nam ngại không có quần áo có phải không?
Hồng Nam gật ngay:
- Ừ. Đến nơi đấy ăn mặc không giống ai, người ta cười ... nên
tôi ngại.
- Lẽ ra Nam nên đến.
- Cũng đâu có sao. Để dịp khác vậy. Còn nhiều dịp mà, anh lo
gì chứ?
Nam vừa đi đâu về thế?
- Tôi đi dạo. Anh đến tìm tôi là để hỏi tại sao tôi không đi
có phải không?
Ngọc Bân lảng chuyện:
- Bao giờ thì Nam đi?
- Có lẽ hôm nay. Tôi về cũng khá lâu rồi, cần phải trở lại với
công việc thôi.
Nghỉ nhiều quá, người ta cho nghỉ luôn là tôi thất nghiệp mất.
- Nam vẫn đi dạy kèm à?
- Ừ. - Nàng gật nhẹ - Nghề kiếm sống của tôi mà. Ở thành phố,
nghề này dễ kiếm tiền nhất nhưng cũng khó nhai nhất.
- Có bao giờ Nam khóc vì học trò chưa?
- Có chứ. Nhưng chỉ biết khóc một mình thôi, ăn tiền của người
ta đâu có dễ.
Anh vào nhà đi.
- Thôi tôi về đây. Nam chuẩn bị đi, tôi lấy xe đưa Nam ra bến
xe.
- Không cần đâu, tôi tự đi được.
- Nam không được từ chối nếu còn coi tôi là bạn.
Không đợi Hồng Nam trả lời, Ngọc Bân quay người ra. Bà Sáu chợt
hỏi:
- Sao cậu ấy đến mà không vào nhà?
- Anh ấy về lấy xe đưa con ra bến xe. Con không chịu nhưng
anh ấy cứ đi.
- Con định đi hôm nay à? Trông con có vẻ mệt mỏi.
- Con không sao đâu, con sẽ khỏe ngay thôi mà. Nghỉ khá lâu,
con sợ mất việc. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe.
- Thì con ăn sáng đi rồi đi.
Hồng Nam dạ nhỏ, nàng quay vào thu dọn đồ đạc. Chuyện đêm qua
luôn ám ảnh nàng.
Hồng Nam chau mày khi thấy Tuấn Anh có vẻ không chú tâm vào
bài vở.
Nàng đột ngột gấp sách lại, khiến Tuấn Anh giật mình hỏi:
- Cô làm sao thế?
Nam nghiêm sắc mặt:
- Cô hỏi em thì đúng hơn. Nếu em chán học với cô thì cô sẽ đến
xin nội em nghỉ luôn.
- Cô ... sao cô lại thế? Cô cứ đến đúng giờ về đúng giờ rồi đến
tháng lãnh lương là được chứ gì. Em học hay không, đâu có quan trọng.
- Em nói như thế mà được hay sao? Em hứa gì với cô, còn lời hứa
của cô với bà? Cô không thể là một người vô trách nhiệm được. Nếu em không muốn
học thì cô xin nghỉ luôn. Bà nội em sẽ tìm thầy mới cho em.
- Khoan đã cô! Hôm nay cô sao thế? Em muốn học, nhưng hôm nay
không hiểu sao em học không có vô. Cô cho em nghỉ ngày hôm nay thôi, mai em sẽ
cố gắng. Cô đừng giận nhé!
- Làm sao mà cô không giận khi em nói những lời xúc phạm đến
nghề nghiệp của cô. Cô có lãnh lương thì tiền lương ấy cũng xứng với những gì
cô đã làm.
- Em xin lỗi. Em đùa thôi mà.
- Nhưng câu đùa của em xúc phạm đến lòng tự trọng của người
khác.
- Em xin lỗi. Em làm sao để cô tha cho em đây? Em đâu cố ý.
Em nói thật đấy, em chỉ có ý trêu cô một chút.
Hồng Nam lặng thinh. Tuấn Anh lo lắng ra mặt, cậu vội phân trần:
- Em biết là em không đúng, nhưng em học không vào. Cô cho em
nghỉ, mai em sẽ học bù.
- Rồi ngày mai em cũng nói thế thì sao?
- Em hứa với cô mà. Cô hãy tin em. Em mới đi chơi xa về nên
hãy còn mệt, em chưa thể tập trung được.
Hồng Nam nhìn Tuấn Anh:
- Coi như cô tin em đi, và em sẽ phải học bù đấy.
- Em biết rồi. Cô đừng giận nữa nhé.
- Em phải ngoan cô mới hết giận.
- Nhất định rồi. Em nhất định sẽ ngoan. Cô thấy bài tập cô
cho, em đã làm hết.
- Cô biết em có cố gắng, nhưng đi chơi có vài hôm là quên hết
bài vở là cô sẽ thưa với bà nội không cho em đi đâu hết - Kìa cô ...
- Cô nói thật đấy. Em có biết em sắp tốt nghiệp rồi không? Em
không chịu cố gắng, làm sao mà nội em vui được. Thôi, cô về đây.
- Cô ở lại chơi một chút. Em sẽ giới thiệu anh Hai em cho cô.
- Để lúc khác đi, vì còn nhiều dịp mà. Nhưng anh Hai em đâu?
- Em không biết. Nhưng em đã hứa với anh Hai rồi, cô đợi một
chút. Vì nếu về không thấy cô, anh ấy giận em.
Hồng Nam ngồi lại. Tuấn Anh đưa trà và bánh tới cho cô dùng,
nhưng nàng chỉ mỉm cười khẽ lắc đầu.
Chờ được gần một tiếng là Tuấn Anh bồn chồn, Hồng Nam thì lặng
thinh.
Nàng nghĩ anh ta sẽ không về nhà kịp đâu, công việc nhiều khi
bận đột xuất không ai biết trước được.
Đúng như nàng nghĩ, nàng chờ thêm nửa tiếng nữa mới đứng dậy
cáo lui.
Tuấn Anh tiếc rẻ.
- Cô ráng chờ thêm chút nữa!
Hồng Nam mỉm cười:
- Có lẽ anh trai em bận tiếp khách rồi, nên không về ngay
đâu. Cô về đây. Cô sẽ gặp anh trai em sau. Thôi đã khuya rồi.
Tuấn Anh rủa thầm anh trai sao mau quên lời đã hứa làm cho cậu
quê với cô giáo. Tuấn Anh tiễn cô giáo ra tận cổng, Hồng Nam dắt xe đạp theo,
nàng nói Tuấn Anh:
- Em mau vào đi, tiễn như thế đủ rồi. Thôi, cô về đây.
Hồng Nam vội quay về nhà, còn Tuấn Anh thì bực bội vì anh
trai đã sai hẹn.
Anh trai về, cậu sẽ làm mặt ngầu. Nhưng Tuấn Anh vừa quay vào
nhà thì xe Tuấn Thanh cũng vào tới sân. Quay ra thấy anh trai, Tuấn Anh không kềm
được hét lớn:
- Anh tệ thật đấy, lại sai hẹn!
- Hẹn cái gì? - Tuấn Thanh ngớ ra - Anh không nhớ. Em nói lại
thử coi.
- Hẹn cô giáo em.
- À! - Tuấn Thanh cười lớn - Tưởng chuyện gì ... Cô giáo em
thì lúc nào gặp chẳng được. Hôm nay anh rất bận.
- Nhưng anh đã hứa rồi còn gì? Anh hứa thì phải biết giữ lời
chứ.
- Anh thật sự xin lỗi. Nhưng không gặp hôm nay thì để hôm
khác, cô giáo em có biến mất đi đâu?
- Nhưng anh đã hứa, nếu anh không thì đừng có hứa làm cô giáo
em phải chờ. Anh làm thế thì coi thường người khác quá.
Bích Quyên - cô kỹ sư mới - chợt lên tiếng:
- Em phải thông cảm với anh trai. Anh ấy bận việc làm đến giờ
mới xong, làm sao còn tâm trí để nhớ đến những chuyện vặt vãnh chứ?
- Nhưng gia sư của em đâu có phải là chuyện vặt vãnh. Còn nếu
anh ấy bận thì đừng hứa, hay ít ra cũng gọi về cho biết anh ấy không về được.
Anh có biết cô giáo em chờ tới gần hai tiếng mới về đấy.
Ông Phúc Thạnh nhìn con trai:
- Con sai thật rồi. Em con nói phải đấy. Đừng cho nó còn trẻ
con rồi coi thường hứa là để hứa.
- Anh xin lỗi.
Ông Phúc Thạnh khẽ lắc đầu:
- Hôm nay chắc cu cậu có chuyện gì không ổn. Chắc mới bị cô
giáo mắng.
Bích Quyên tròn mắt:
- Cô ấy dữ lắm sao hả bác? Dữ lắm cho nên cậu út nhà ta mới sợ
thế?
Ông Phúc Thạnh phì cười không nói. Tuấn Thanh nhìn ba khẽ
nói:
- Để con lên xem nó ra sao.
Dứt lời anh phóng nhanh lên lầu. Bích Quyên nhìn theo chợt
nói:
- Cháu thấy anh ấy thương cậu út quá.
- Anh Hai thì phải thế thôi, nhưng cũng tại Tuấn Thanh có lỗi
trước với nó.
- Nhưng anh ấy vì công việc chứ có phải là đi chơi đâu?
- Vì bất cứ lý do gì cũng thế thôi.
- Dạ, cháu muốn biết rõ ý của bác và anh ấy ra sao?
Ông Phúc Thạnh gật gù:
- Cháu cần phải có chi tiết rõ ràng trước khi đấu thầu. Đây
là cuộc đấu thầu có tính cách quy mô, quá trình thi công đòi hỏi nhanh và chất
lượng.
Bích Quyên gật nhanh:
- Vâng, cháu sẽ cố gắng và làm việc nỗ lực, bác cũng tin
cháu.
- Cháu hãy cám ơn Tuấn Thanh đã chọn cháu vào công trình này,
đừng để cho nó mất niềm tin. Đây là điều bí mật đấy đừng để rò rỉ thông tin.
- Dạ. Cháu biết rồi.
Bích Quyên ngắm ngôi nhà với nhiều tham vọng. Cô biết mình phải
làm gì và phải bắt đầu lấy lòng từ ai để có chỗ đứng ở đây.
Tuấn Thanh chăm chú với bản vẽ trên màn hình. Anh vẫn chưa bằng
lòng với bản vẽ trên. Có cái gì rất khiếm khuyết mà anh chưa tìm ra. Gần đây,
công việc như dồn anh cùng một lúc, anh không có thời giờ để nghỉ. Việc giám
sát công trình cũng quan trọng đối với anh, nếu cứ để mặc họ muốn làm gì thì
làm, lỡ có gì sơ sót không sửa sai kịp thời sẽ gây tổn thất và uy tín của công
ty sẽ giảm. Chính vì thế anh phải chạy liên tục theo các công trình.
- Anh Hai!
Tuấn Thanh ngẩng lên:
- Em chưa đi ngủ à? Đi ngủ đi, không nên thức khuya.
- Anh chưa ngủ sao?
- Chưa, anh còn phải làm việc. Phải kiểm tra lại bản vẽ cho
hoàn chỉnh đã.
Em hết giận anh chưa?
- Giận gì chứ? Sau này em sẽ học kiến trúc để đi theo anh. Mà
sao các chị lại không theo nghề của ba?
- Anh đâu biết. Sao em không hỏi các chị? Mà các chị em chạy
vật tư cho công trình cũng tốt chứ sao? Con gái mà theo nghề này thì cực lắm.
- Nhưng em thấy anh có mấy cô kỹ sư trẻ bên cạnh, các cô ấy
có giúp gì cho anh hay không?
- Có chứ. Mỗi người mỗi việc. Bây giờ có những công trình cần
các kỹ sư trẻ, họ có óc sáng tạo và có năng lực. Các kỹ sư lớn tuổi sẽ là cố vấn
cho họ.
- Trong các cô ấy, anh thích cô nào?
Tuấn Thanh vuốt đầu em trai:
- Thích gì chứ. Anh còn phải làm việc, có thời giờ đâu mà
thích ai.
- Nhưng em thấy cô Bích Quyên có vẻ kết anh rồi đấy. Anh hãy
coi chừng!
- Cái thằng bé này! Em đừng đoán mò, cô ta đến đây vì công việc.
Em đừng suy nghĩ lung tung.
- Em nói thật đấy, em đã quan sát cô ta. Anh đừng cho em là
còn bé không biết gì? Sau này có xảy ra chuyện gì, anh đừng bảo em biết mà
không nói.
Tuấn Thanh phì cười:
- Anh xin lỗi. Đúng là em đã lớn thật rồi. Sang năm em thi có
đúng không?
- Đúng rồi. Em sắp là sinh viên rồi còn gì, mà lúc nào ai
cũng coi em còn bé lắm, em muốn được tôn trọng.
- Thì có ai không tôn trọng em đâu. Mà muốn làm người lớn thì
đừng có xử sự trẻ con nữa. Hãy cố gắng khẳng định mình. Hôm nay em bị cô giáo mắng
à?
Tuấn Anh gật nhẹ:
- Cô giận vì em không chịu học. Cô định nghỉ luôn không dạy nữa
- Sao thế? Sao lại đòi nghỉ ngang?
- Tại em nói phạm đến lòng tự trọng của cô. Cô ấy có vẻ giận
lắm.
- Em xin lỗi cô chưa?
- Rồi, ngay lúc ấy.
- Cô có tha không?
- Dạ có. Cô cho nghỉ sớm. Em đã năn nỉ cô ở lại chờ anh.
- Vậy thì anh hiểu rồi.
- Hiểu cái gì?
- À không ... anh sẽ gặp cô giáo em vào dịp khác, còn bây giờ
anh rất bận, anh không thể hứa với em điều gì.
- Anh có hứa thì bây giờ em cũng không dám tin anh đâu.
- Sao lại thế? Em vẫn giận chuyện cũ à? Thế đâu phải con
trai.
Em không giận nhưng em phải rút kinh nghiệm chứ. Lời hứa của
người bận rộn quá, không có trọng lượng. Vả lại, anh không muốn thì em cũng
không ép.
- Không phải là anh không muốn nhưng thời gian của anh không
cho phép.
Mà sao em cứ thích anh gặp cô giáo em?
Tuấn Thanh mỉm cười trêu:
- Cứ để xem sao? Gặp rồi sẽ biết. À! Sắp sinh nhật em rồi. Chắc
chắn hôm đấy anh sẽ gặp cô giáo em thôi.
- Ừ ha! - Tuấn Anh gật gù - Anh mà không nhắc thì em cũng chẳng
nhớ sinh nhật của em sắp đến. Nhưng còn tới gần hai tháng.
- Em thích gì, anh sẽ mua cho em.
Tuấn Anh gật gù:
- Em thích nhiều thứ lắm, nhưng điều em thích hơn cả là anh
dành thời giờ ở bên em trò chuyện với em.
Tuấn Thanh ôm em trai:
- Anh xin lỗi, đúng là anh quá nhiều việc, anh sẽ cố gắng
hơn. Anh đang đề nghị với ba mẹ cho em đi du học. Em có muốn hay không?
- Em không thích. Đi du học phải xa nhà, em không thích thì
thôi anh cũng không ép. Anh muốn điều tốt nhất cho em.
Tuấn Anh bật dậy:
- Em đi ngủ, anh làm việc đi, em không làm phiền anh nữa.
Tuấn Thanh nhìn theo em trai:
- Anh đố em ngủ được. Bây giờ em đang lên kế hoạch cho sinh
nhật sắp tới của mình có đúng không?
Tuấn Anh tủm tỉm:
- Đúng là không có gì giấu được anh cả. Em sẽ cho anh biết kế
hoạch của em. Em đi đây.
Tuấn Thanh lắc đầu khi thấy em trai nhanh chân phóng khỏi
phòng làm việc của anh. Anh thấy tội nghiệp thằng bé sinh sau đẻ muộn. Anh chị
lớn hết, ai cũng có công việc nên chẳng ai để ý quan tâm, còn anh thì hay đi nước
ngoài.
Công việc ngốn hết thời gian, anh có muốn quan tâm cũng chẳng
có thì giờ.
Cũng may còn có nội để ý nên thằng bé không chơi bời lêu lổng.
Có điều không có thầy cô nào chịu nổi nó được một tháng nên phải đổi thầy liên
tục, chính vì thế mà Tuấn Anh học hành chẳng ra làm sao?
Kỳ này anh nghe Tuấn Anh chịu nghe lời cô giáo, anh rất lấy
làm lạ. Anh vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Thằng bé chịu học là tốt, nội nói nó học
rất tiến đó là điều đáng mừng. Nhưng anh sợ nó thiên lệch về tình cảm vì muốn
bù trừ thì rất nguy hiểm. Anh cũng rất muốn cô ta là ai? Là người như thế nào?
Nhưng anh quá bận, công việc không cho anh dứt ra được, nhưng dù thế nào thì
anh cũng phải gặp cô giáo dạy kèm Tuấn Anh.
Tuấn Thanh trở lại với công việc. Anh làm cho tới gần nửa đêm
mới lăn ra giường, thường thì đêm anh ngủ rất ít. Từ lúc ở Đà Lạt về đến nay
hình ảnh cô gái ấy luôn ám ảnh anh. Gần một tuần anh ở lại để chờ bóng cô gái ấy
có xuất hiện không. Có ngày anh chờ suốt đêm nhưng chỉ có tiếng côn trùng rả
rích hay tiếng lá xào xạc, hoặc tiếng thông reo ...
Tuấn Thanh thường thăm ra ông nội hơn trong những ngày ở đây.
Anh không còn sợ như những ngày đầu nữa mà thấy bình an hơn. Anh cũng không dám
hé môi cho ai biết chuyện này vì anh sợ mọi người sẽ vì thế mà lo lắng. Có đêm
anh ngồi ngoài bờ hồ để chờ đợi, anh không biết mình chờ ai? Hình như anh càng
mong gặp thì anh lại thấy không thể gặp. Anh nghĩ nếu đúng là cô gái có thật
thì đấy là kỳ duyên của anh. Còn nếu là bóng ma thì cô ta sẽ theo anh suốt đời.
Có thể anh mắc nợ gì cô ta.
Về đây với công việc bận rộn, anh bớt nghĩ tới bóng ma ấy nữa,
mặc dù anh muốn một lần nữa nhìn thấy cái bóng ấy. Anh mang theo ngọc bên mình,
vì anh nghĩ cái bóng ấy có liên quan đến miếng ngọc, nó sẽ xuất hiện khi thấy
miếng ngọc. Nhưng cho đến bây giờ đã nhiều ngày trôi qua, anh vẫn không thấy một
chút tín hiệu nào cả.
Anh luôn tự hỏi:
- Tại sao cái bóng ấy không xuất hiện? Nó có liên quan gì đến
giấc mơ của anh?
Mỗi lần nghĩ về nó, Tuấn Thanh lại một đêm mất ngủ.
Chương 3
Hồng Nam rất vui khi nàng được nhận vào làm ở công ty xây dựng
không có tầm cỡ qui mô lớn, nhưng nàng được ông giám đốc đáng bậc cha chú cho
nàng làm chuyên viên kỹ thuật.
Lương không nhiều, nhưng cho nàng nhiều kinh nghiệm sau này.
Nàng được mọi người yêu mến vì trong tổ kỹ thuật có mình nàng là con gái. Vì trẻ
nên nàng xông xáo năng nổ không sợ nguy hiểm, chịu leo cao và rất chuẩn mực
trong kỹ năng nên lúc đầu, công nhân họ không thích nàng lắm, Nhưng sau được
nàng giải thích cặn kẽ, họ hiểu ra nên có gì họ cũng quay lại hỏi nàng.
Càng bận bịu nàng càng cảm thấy hạnh phúc.
Mặc dù vất vả cả ngày và mệt nàng vẫn phải đến dạy kèm cho Tuấn
Anh. Vì nàng đã ký hợp đồng với bà nội của Tuấn Anh, nếu bỏ ngang nàng phải bồi
thường. Từ hôm bị la, Tuấn Anh đã học khá và cố gắng hơn, cho nên có mệt một
chút, nàng cũng thấy được an ủi vì trò của mình tiến bộ.
Hôm nay Hồng Nam rời khỏi công trình trễ. Nàng mệt đến độ thở
không nổi nhưng tới nay có giờ của Tuấn Anh. Nàng nhấc ống nghe định xin nghỉ một
bữa. Nhưng chần chừ, nàng đành dắt xe đạp ra và chạy nhanh cho kịp giờ. Hồng
Nam đến nơi là vừa đúng giờ. Thấy nàng, Tuấn Anh bật dậy mừng rỡ.
- Cô đã tới! Em cứ lo là cô không đến chứ.
Hồng Nam mỉm cười:
- Nếu không tới, cô sẽ gọi đỉện mà. Sao hôm nay lại mong cô
thế?
- Bí mật. Sẽ nói cho cô sau, bây giờ là giờ học.
Hồng Nam tủm tỉm:
- Em giỏi lắm! Vậy thì lên bảng giải một số bài toán lần trước
cho cô coi xem nào.
Tuấn Anh lên bảng, tự tin giải các bài tập mà nàng đã cho. Hồng
Nam mỉm cười và rất tự hào về cậu học trò này, ngạc nhiên vì sự thông minh của
Tuấn Anh mà nàng còn thấy cậu vẽ hình rất có năng khiếu. Vậy mà đã có lúc nàng
cảm thấy cậu ta khó có thể nhồi nhét nổi những con số vì lười suy nghĩ, không
chịu cố gắng. Đúng là bây giờ Tuấn Anh khác rất xa lúc mà lần đầu tiên nàng đến
đây dạy thế cho thầy của nàng vì ông ốm.
''Một cậu bé con nhà giàu bất trị nhưng vì nể ba cậu ta là bạn
lâu năm mà ông giúp''. Thầy đã nói thế với nàng, nên lúc đó nàng cũng không tự
tin cho lắm. Có điều biết rõ như thế nên nàng tỏ rõ thái độ, không hề nể nang
hay lờ đi thái độ hỗn xược của cậu, vậy mà cậu ta lại thích nàng dạy và một hai
xin bà nội cho nàng thay thầy giáo. Thầy của nàng cũng ngạc nhiên về điều ấy và
thầy khuyến khích nàng giúp cậu ta. Thầy nói với nàng:
- Có lẽ là cái duyên của nàng với cậu học trò cá biệt ấy.
Bây giờ nếu nàng kể cho thầy nghe thành tích của cậu bây giờ,
chắc là thầy sẽ không tin đâu.
- Cô ơi! - Tiếng Tuấn Anh - Cô xem có cần sửa gì không?
Hồng Nam mỉm cười:
- Tốt lắm! Em tiến bộ đến không ngờ. Em tuyệt lắm!
- Cám ơn cô.
- Cô phải cám ơn em mới phải, vì em tiến bộ như thế này là em
rất cố gắng.
Em làm cho cô cảm thấy có thể tự hào về học trò của mình. Cô
muốn thưởng cho em một cái gì đó, nhưng cô biết em chẳng thiếu thứ gì cả, nên
cô chẳng biết thưởng gì?
Tuấn Anh buột miệng:
- Chỉ cần sinh nhật em có cô hiện diện, đó là cô thưởng cho
em rồi.
- Sinh nhật? - Hồng Nam ngạc nhiên - Bao giờ thì sinh nhật
em?
- Tối thứ bảy. Cô nhất định phải có mặt đấy.
Hồng Nam chợt ngập ngừng:
- Cô sẽ cố gắng.
- Cô nhất định phải có mặt đấy.
Hồng Nam mỉm cười:
- Có phải đó là bí mật em muốn nói lúc nãy không?
- Dạ. Có bận thế nào thì cô cũng phải xếp việc. Cô không thể
vắng mặt đấy nhé.
Hồng Nam gật nhẹ. Tuấn Anh bỗng chạy đến ôm lấy cô. Hồng Nam
chưa kịp phản ứng và cũng không biết phải làm sao thì có tiếng, bà Phúc Lâm
vang lên gỡ rối cho nàng.
- Tuấn Anh! Cháu làm sao thế? Chắc chắn là cô sẽ đến mà.
Không phải cá nhân cháu mời, mà cả gia đình mời cô nhất định phải đến đấy.
Hồng Nam ôn tồn khi Tuấn Anh chạy đến bên bà nội:
- Cháu sẽ hết sức cố gắng.
- Cô nhất định phải đến. Tuấn Anh được như hôm nay, là nhờ cô
rất nhiều.
Hồng Nam lắc nhẹ:
- Cháu chỉ là một phần nhỏ thôi. Còn chủ yếu là Tuấn Anh. Em
đã cố gắng nỗ lực, phấn đấu để tiến bộ nếu kể công thì chính là công của em Tuấn
Anh đó bà.
Tuấn Anh cười mím chi:
- Nội thấy không. Cô hôm nay mới chịu khen cháu đấy.
- Thì cháu hãy cố gắng lên, cô sẽ khen cháu thôi. Cháu muốn
giỏi chữ thì hãy yêu lấy thầy.
Bà chợt hỏi Hồng Nam:
- Thầy Đại dạo này ra sao rồi?
- Dạ thưa bà, thầy cũng không được khỏe lắm, sức khỏe của thầy
mỗi lúc mỗi xấu đi. Cháu cũng hay nhắc bà với thầy, tại lần nào đến, thầy cũng
hỏi có còn kèm cho cậu Tuấn Anh không?
- Tội nghiệp ông ấy! Lát nữa tôi gởi cho thầy ít đồ, nhờ cô
giáo ghé đưa cho thầy Đại giúp. Lúc nào rỗi, tôi sẽ ghé thăm thầy sau.
- Dạ, cháu sẽ đưa giùm cho bà. Cháu thay thầy cảm ơn bà rất
nhiều.
- Có gì đâu, con tôi với thầy là bạn thân lâu năm. Ông ấy
khác tính nên không bao giờ chịu nhận sự giúp đỡ, tôi coi thầy không khác gì
con trai của tôi.
Đúng là bệnh tật bào mòn sức khỏe của ông ấy, ông ấy già đi
so với số tuổi nhiều quá.
Hồng Nam dạ để nghe bà Phúc Lâm kể về cuộc đời của thầy Đại.
Càng nghe nàng càng cảm thấy thầy là một người kiên định và khẳng khái, một tấm
gương hiếu học và có một ý chí quyết tâm cao.
Hôm nay, nghe bà Phúc Lâm kể, nàng mới hiểu rõ về ông thầy mà
nàng hằng kính yêu và nể phục. Đúng là biết được một con người đã khó rồi, mà
còn để hiểu một con người thì còn khó hơn nữa. Hồng Nam thấy ở với những người
lớn tuổi, nàng học hỏi được rất nhiều điều khi mà nàng biết lắng nghe họ nói.
Tuấn Thanh vừa ký xong hợp đồng sau bữa cơm tối, anh đứng lên
từ giã định quay về công ty để làm cho công việc. Khi xuống khỏi lầu, anh nghe
tiếng cười sảng khoái quen thuộc nên quay lại. Nhận ra chú Đức Sinh, anh nói với
Bích Quyên:
- Cô về trước đi, tôi ghé đây đã.
- Anh còn về công ty mà.
- Tôi biết. Cô cứ về trước đi. Cô không ghé công ty cũng được,
cứ về nhà nghỉ ngơi. Tôi ghé sau và làm một mình cũng được.
Bích Quyên khó chịu quay đi. Tuấn Thanh đến sau lưng ông Đức
Sinh gọi:
- Chú cho cháu xỉn với.
- Ôi, thằng nhóc ... - Ông mỉm cười khi nhận ra Tuấn Thanh -
Đi đâu đây?
Nào, ngồi xuống đây. Lâu lắm không gặp cậu, cậu về từ bao giờ?
- Cháu cũng mới về. Nghe nói chú ra làm ăn riêng cũng khá lắm
phải không?
- Ừ. Cũng sống được. Thế còn cậu? Nghe nói kỳ này công ty cậu
trúng thầu nhiều lắm, đúng không?
- Cũng đủ xài. Đang tính tìm chú đây có một số công trình vừa
tính nhờ đến chú, nhưng cần có một cố kỹ thuật cao, chú nhắm có được không?
- Cậu nói thật đấy chứ?
- Cháu nói thật. Hãy thứ lỗi cho cháu những chuyện đã qua. Tại
vì cháu nông nổi nên công ty bị mất chú.
Ông Đức Sinh mỉm cười:
- Thật ra, cậu đúng, có điều ở thế hệ chú chưa thích ứng kịp,
còn cậu thì góp ý không khéo nên xảy ra chuyện. Nhưng như thế cũng tốt, có như
thế thì thằng già này mới mở mang thêm đầu óc mới có công ty của riêng mình chứ.
- Chú không còn giận cháu sao?
- Lúc đầu thì có đấy, nhưng ra ngoài làm ăn riêng, chú mới hiểu
và thầm cám ơn cháu nữa đấy. Bây giờ thì chú không còn cố chấp như xưa nữa rồi,
chú phải học thêm để theo kịp thời đại nữa đấy. Nào cụng với chú một ly vì lâu
ngày gặp lại.
Tuấn Thanh nốc cạn, anh hỏi lại:
- Chuyện cháu nói, chú nghĩ sao?
- Được, nếu cần, chú rất sẵn lòng, nhưng đừng vì chuyện ngày
xưa mà bù đắp cho chú thì chú không thích đâu. Không làm kịp, chú sẵn sàng hỗ
trợ.
- Chú yên tâm đi, cháu công tư rất phân minh. Về kỹ thuật, nếu
chú cần kỹ sư trẻ, cháu sẽ điều người qua.
- Ồ! Không cần đâu. Chú có cô kỹ sư tay nghề khá lắm lại rất
chịu khó, cháu không cần phải cho người qua đâu, bao giờ cần chú sẽ bảo.
Tuấn Thanh siết tay ông Đức Sinh:
- Coi như cháu và chú đã thỏa thuận xong rồi đấy nhé. Lúc nào
cháu sẽ qua chú để bàn cụ thể?
- Ừ. Chú vẫn ở chỗ cũ, còn mặt bằng vẫn ở đấy, nhưng lùi lại
hai căn nữa. Số điện vẫn như cũ, cần thì cháu liên lạc với chú.
- Vâng. Vậy thôi cháu về nhé. Chào chú!
- Ừ. À! Tuần sau chú giao căn biệt thự ở Thanh Đa, cháu ghé
thử xem sao nhé.
- Thật sao? Vậy thì cháu nhất định sẽ đến. Chào chú?
- Cho chú gởi lời thăm nội và ba mẹ.
- Dạ.
Tuấn Thanh rời khỏi nhà hàng, anh định về công ty nhưng chợt
nhớ ngày mai sinh nhật Tuấn Anh, nên anh ghé mua quà cho em trai. Di động anh
kêu liên tục nhưng anh không nghe, anh tắt luôn di động. Anh thấy phụ nữ thật
là rắc rối, hình như họ thích làm phiền người khác, mua quà cho em trai anh
cũng gọi điện hỏi anh nên mua cái gì?
Tuấn Thanh thích người phụ nữ độc lập nhưng xem ra kiếm không
phải dễ, mà thường phụ nữ độc lập thì hơi cứng cỏi. Có lẽ anh có ý thích này là
do ngưỡng mộ bà nội, một người phụ nữ tháo vát giỏi giang trong mọi lãnh vực.
Bà thông minh lanh lợi tài trí nhưng vẫn không mất đi dáng vẻ dịu dàng đầy nữ
tính của một người phụ nữ. Có lẽ anh bị ảnh hưởng từ bà nội, nên việc kén chọn
bạn đời anh không thích vội vàng. Và hình như nội anh hiểu được suy nghĩ của
anh, nên có hay thúc giục anh cưới vợ, nhưng không bao giờ ép gả.
Đề lại địa chỉ cho cửa hàng mang quà đến, Tuấn Thanh lấy xe
chạy dọc đại lộ Nguyễn Huệ rồi vòng qua Bạch Đằng. Không khí Bạch Đằng thoáng
mát hơn. Anh ghé xe vào sát bên để nghe tiếng gió lẫn tiếng nước rì rào lao
xao.
Có ai tin được một cậu con nhà giàu muốn gì có đấy, con gái
theo hàng dài thế mà lại cô đơn đứng một mình ở đây không? Tuấn Thanh cũng lạ
lùng vì chính mình. Anh bị bạn bè trêu là giống thầy tu hơn là một chàng trai
nhà giàu lãng tử. Giữa một xã hội tự do đang chuyển động không ngừng con người
lao vào đam mê hưởng thụ thì anh lại trở nên dửng dưng với những thứ ấy.
Tuấn Thanh chợt thở dài, không biết anh có phải là người sống
lập dị hay không. Hay anh bị ảnh hưởng nền giáo dục quá khắt khe bởi một gia tộc
coi trọng danh dự phẩm giá của mình một cách quan liêu?
Anh cũng đã từng có một thời sống buông thả vì tưởng mình
không phải là đàn ông. Nhưng khi cuộc vui tàn, anh thấy mệt mỏi. Anh không có
đam mê về phụ nữ mà chỉ đam mê về công việc. Có lẽ chưa có cô gái nào đánh thức
niềm khát khao yêu trong anh, hay chưa đủ quyến rũ để mê hoặc anh, hay anh chưa
tìm được chiếc xương sườn cụt của anh. Hay tại bóng ma của ảo ảnh khiến cho anh
không thể yêu?
Hình như cái bóng ấy đang quay về và lẩn quẩn trong tâm trí
anh. Tuấn Thanh quay xe trở về nhà.
Đêm nay anh phải làm hết đêm để cho xong công việc. Ngày mai
là sinh nhật em trai, anh phải dành ngày ấy cho nó.
Nhấn ga, Tuấn Thanh cho xe lướt nhanh.
Hồng Nam băn khoăn rất nhiều khi phải lựa quà tặng cho cậu bé
nhà giàu.
Món quà đắt giá thì nàng không thể mua, còn quà thường thì
nàng thấy coi không được. Nàng lại rất bận không có thời giờ đi siêu thị, nhưng
dù sao đã hứa với cậu bé đến thì phải có quà. Nghĩ là làm, nàng phải tranh thủ
ra chợ xem sao.
Trong lúc đứng dậy, vô ý nàng làm rớt cây cọ vẽ, lăn xuống gầm
giường.
Với tay kiếm, nàng vô tình va vào mô hình thiết kế vừa rồi của
mình. Hồng Nam lôi nó ra.
Đứng ngắm lại công trình của mình đã dồn bao tâm huyết, nàng
thấy vui nhưng lại thấy buồn. Vui vì hãnh diện mình đã có những sáng kiến độc
đáo, còn buồn thì mình không có đất dụng võ. Nhưng dù sao thì nàng cũng tìm được
cho mình một công việc thích hợp, nàng không còn gì để phàn nàn, vì đâu phải ước
mơ nào cũng đạt được. Hồng Nam luôn tự an ủi mình như thế.
Nhưng hôm nay nhìn lại mô hình, nàng nhớ lại Tuấn Anh đã từng
kể về ước mơ của cậu:
Sau này sẽ trở thành kiến trúc sư giỏi hơn cả anh trai. Thì
ra, gia đình họ cũng làm nghề này. Hồng Nam bỗng nảy ra sáng kiến tặng cho Tuấn
Anh ước mơ của nàng, để cho cậu luôn cố gắng.
Hồng Nam vội đóng hộp và bỏ mô hình vào, gói lại. Xong xuôi,
nàng cảm thấy hài lòng. Định đi tắm để chuẩn bị đi thì chuông điện thoại reo:
- Alô. - Hồng Nam nhấc máy.
- Cô Nam ơi? Thầy Đại ...
- Thầy Đại làm sao?
- Tôi sợ thầy không qua khỏi. Cô đến ngay đi, thầy muốn gặp
cô.
- Được ... tôi đến ngay.
Hồng Nam trả máy về chỗ cũ, nàng cuống lên, hết nhìn món quà
rồi lại nghĩ đến thầy. Cuối cùng nàng quyết định viết vài chữ rồi nhờ chú Hai
đưa đến địa chỉ giúp. Hồng Nam vội vàng đến nhà thầy Đại. Thấy nàng, thầy như
muốn nói gì đấy nhưng không nói thành lời. Bàn tay thầy nắm chặt lấy bàn tay
nàng, ánh mắt như chỉ xuống gối. Nàng gật nhẹ như hiểu ý thầy muốn gì. Hồng Nam
thấy thầy mỉm cười. Hồng Nam cho thầy uống nước và thì thầm an ủi ông.
- Thầy không sao đâu. Thầy sẽ qua khỏi thôi mà. Thầy muốn gặp
ai, con sẽ kiếm cho thầy?
Ông khẽ lắc đầu lại mỉm cười và nhìn nàng rất lâu. Bỗng ông nấc
lên, Hồng Nam cuống lên gọi nhưng ông không tỉnh lại được nữa, ông vĩnh viễn ra
đi, bên cạnh ông chỉ có nàng và bà hàng xóm.
Hồng Nam bật khóc, nàng vuốt mắt cho ông. Nàng cảm thấy đau đớn
như vừa mất đi một thứ gì rất quý báu. Nhìn thấy cả một đời vì mọi người lúc chết
lại chết cô đơn không một ai thân thích, nàng thấy thương thay cho một kiếp con
người.
Dù sao thì nàng thấy thầy cũng rất thanh thản ra đi. Thầy chết
làm cho nàng đau lòng, nhưng thầy chết như thế cũng tốt lắm rồi, vì cái chết giải
thoát thầy khỏi bệnh tật thể xác, khỏi tủi thân vì chỉ có một mình.
Hồng Nam lặng đi trước cái chết của thầy Đại và nàng suy
nghĩ, bây giờ mình phải làm gì?
Có lẽ nàng sẽ là người đi báo tử.
Tuấn Anh hôm nay ăn bận rất sang trọng, khách khứa rất đông,
nhưng cậu cứ lăng xăng chạy ra chạy vào vì chờ một vị khách quan trọng của
mình.
Bà Phúc Lâm bảo Tuấn Thanh:
- Cháu tuyên bố đi, quá giờ rồi.
Tuấn Anh nhìn nội:
- Chờ cô giáo cháu đã.
- Nhưng chờ đến bao giờ? - Tiếng bà dỗ dành - Cháu không thể
để bao nhiêu người phải chờ một người, như thế bất lịch sự lắm.
- Cháu xin bà năm phút thôi, nếu không tới, cô sẽ gọi điện tới.
Bà Phúc Lâm cau mày, bà rất khó chịu nhưng bà không nỡ từ chối
lời khẩn cầu của cháu mà hôm nay lại là sinh nhật của nó nữa. Bỗng có người ôm
món quà rất lớn đưa đến cho Tuấn Anh và khẽ hỏi:
Cậu là Tuấn Anh?
- Vâng, tôi đây.
- Cô Hồng Nam gởi cho cậu. Đây là thư cô ấy gởi cho cậu,
trong đó nói rõ lý do vì sao cô ấy không đến được.
- Tại sao cô ấy không đến? Cô ấy đã hứa rồi mà.
- Thì cậu cứ xem đi rồi sẽ biết.
Tuấn Anh giận dữ. Tuấn Thanh vội đỡ lời:
- Cám ơn chú. Chú ở gần nhà cô ấy?
- Vâng. Nghe nói thầy Đại đang hấp hối, cô ấy nhờ tôi rồi bỏ
đi ngay. Tôi chỉ biết có thế.
Bà Phúc Lâm cau mày:
- Ông vừa nói ai? Thầy Đại à?
- Dạ .... Đúng là thầy Đại. Tôi nghe cô ấy nói thế. Thôi tôi
về đây.
Bà Phúc Lâm chợt lặng đi một lúc. Bà quay sang Tuấn Anh.
- Bắt đầu được rồi chứ?
Tuấn Anh không trả lời chỉ dán mắt vào gói quà của cô giáo.
Tuấn Thanh thay em trai tuyên bố buổi tiệc bắt đầu.
Khách mời rất đông, tiếng chúc mừng cụng ly, rất sôi động. Họ
đến vì bà Phúc Lâm. Sinh nhật chỉ là cái cớ cho họ tới mà thôi. Những người làm
ăn, những người cùng công ty những ơn nghĩa, bạn bè và những cô gái muốn trở
thành con dâu của dòng tộc này. Mang tiếng sinh nhật Tuấn Anh, nhưng hầu như Tuấn
Thanh phải thay em trai tiếp mọi người và cả mở màn buổi khiêu vũ nữa.
Tuấn Anh ủ rũ vì cô giáo không đến. Ngắm món quà chán, lúc đấy
Tuấn Anh mới mở thư cô giáo ra coi.
"Tuấn Anh!
Cô xin lỗi, ngàn lần xin lỗi vì đã thất hứa với em, nhưng cô
không thể làm khác. Thầy Đại trở bệnh khó qua khỏi. Trong lúc chuẩn bị đi đến
em thì cô nhận được tin. Mong Tuấn Anh thông cảm và đừng giận cô. Hãy hiểu cho
cô!
Còn đây món quà của cô, tự cô làm và là tâm huyết và ước mơ của
cô, cô mong ước mơ ấy được trao lại cho em và biết đâu chính em sẽ là người
hoàn tất nó. Đừng buồn và hãy vui lên như có cô đang hiện diện.
Cô Hồng Nam".
Đọc xong thư Tuấn Anh bật dậy, và trước mặt mọi người, cậu
háo hức mở quà của cô giáo ra, khiến Tuấn Thanh cản không kịp.
Món quà được mở ra, một mô hình của một trung tâm thương mại
ngay trong khu chung cư thu nhỏ. Rất đẹp, rất hài hòa và rất độc đáo. Những
tràng pháo tay khiến Tuấn Anh cười hãnh diện. Cậu cho đặt nó lên cái bàn cao và
sai người cho thắp đèn chung quanh.
Tuấn Anh như sinh động hẳn lên. Cậu hết kéo tay bà nội rồi ba
mẹ và các bạn, khoe cái mô hình của cô giáo. Thấy cháu như thế, bà Phúc Lâm thở
phào nhẹ nhõm. Bà cố biểu lộ niềm vui cùng cháu, nhưng trong bà thì đang nghĩ đến
thầy giáo Đại.
Ông Phúc Thạnh đến bên bà.
- Mẹ à! Con đến cậu ấy một chút.
Bà gật nhẹ, bà cũng muốn đi nhưng bà không thể đi trong lúc
này. Bà cố vui để đừng lộ ra cái buồn trong lòng bà. Tuấn Anh đã bắt đầu nhảy
nhót với các bạn và cậu không còn ủ rũ như trước nữa. Còn Tuấn Thanh, anh trầm
ngâm ngắm mô hình với nhiều suy nghĩ trong đầu.
- Mô hình này ai là tác giả? Ai cho cô ta hay là chính của cô
ta? Nếu của cô ta thì cô ta là một kiến trúc sư có tài. Tại sao một kiến trúc
sư có tài như thế lại đi dạy kèm?
Tuấn Thanh tiến sát hơn để xem kỹ, bỗng Bích Quyên đến chen
giữa ngáng tầm mắt anh. Cô hỏi lớn:
- Trò chơi trẻ con ai làm mà chẳng được, anh coi làm gì?
Tuấn Thanh thoáng ngạc nhiên khi một kiến trúc giỏi như Bích
Quyên lại thốt ra điều ấy. Anh mỉm cười trả lời bâng khuâng cách vô thưởng vô
phạt.
- Cô nghĩ thế thật à?
Bích Quyên gật đầu cười khỏa lấp:
- Ở công ty mình đâu thiếu mô hình đẹp. Anh làm như chưa bao
giờ nhìn thấy.
- Nhưng mỗi cái nó có nét đẹp riêng của nó, đâu có ai giống
ai đâu. Cô vừa nói trò chơi trẻ con ai mà không làm được, nhưng có những cái trẻ
làm được, ta cũng khó bắt chước đấy.
Bích Quyên lảng chuyện:
- Em nói là nói vậy thôi. Với con mắt lành nghề như anh, đâu
ai qua mặt được, Anh biết cô giáo của em trai anh chứ?
Tuấn Thanh gật nhẹ lấp lửng:
- Thì sao? Bích Quyên biết cô ấy?
- À ... biết nhưng không quen. Cô ta thuộc tầng lớp nông dân.
- Nông dân thì sao? - Tuấn Thanh hỏi cắc cớ - Đâu phải ai xuất
thân từ nông dân cũng ngu dốt đâu. Vậy chỉ có người thành phố là mới giỏi sao?
- Ý em không phải thế.
- Vậy thì ý cô làm sao?
- Ý của em là dân quê không được tiếp cận với cái mới, nếu có
đuổi kịp theo thành phố thì thua xa.
- Nhưng họ lại có nét độc đáo riêng của họ, sự phong phú về
trí tưởng tượng và những ước mơ mà dân thành phố không có.
Bích Quyên nhún vai:
- Về cãi lý, em thua anh. Anh nhảy với em một bản nhé.
Tuấn Thanh lưỡng lự nhưng rồi cũng gật đầu. Bỗng Tuấn Anh từ
đâu đến bên Bích Quyên, cự nự:
- Cô làm cái gì thế? Sao lại giựt cái bảng tên của mô hình.
Bích Quyên luống cuống:
- Chị không cố ý, chị định ...
- Không cố ý gì chứ? - Tuấn Anh nổi cáu - Như vậy mà không cố
ý hay sao?
Tại sao cô lại làm thế?
Tuấn Thanh đến bên em trai:
- Có gì từ từ nói, em làm cái gì thế? Cô ấy lỡ thôi mà:
Tuấn Anh cúi xuống nhặt bảng tên từ đất lên đưa cho anh trai.
Bích Quyên tái mặt khi Tuấn Thanh cầm lấy bảng tên của mô hình. Ông Chương đến
bên Tuấn Thanh.
- Giám đốc, đưa tôi gắn lại cho?
Tuấn Thanh bỏ vào túi áo vest của anh, mỉm cười:
- Để lúc khác gắn cũng được. Các anh vui chơi đi.
Bích Quyên nhìn ông Chương, Tuấn Thanh biết điều ấy nhưng anh
tảng lờ bảo em trai:
- Tối anh sẽ gắn lại cho. Em đi chơi với các bạn đi.
Tuấn Anh gật đầu quay đi. Tuấn Thanh quay lại nhìn Bích
Quyên:
- Cô còn muốn nhảy chứ?
- Dĩ nhiên. - Cô cười gượng - Ai được nhảy với anh là điều
hãnh diện lắm.
Em rất hân hạnh được anh mời.
- Vậy thì mời cô.
Tuấn Thanh vẫy tay cho dàn nhạc chuyển qua điệu Tango. Anh
dìu Bích Quyên trong những bước điệu nghệ. Cả hai như biểu diễn trên sàn nhảy,
mọi người giãn ra thành vòng tròn ngắm họ nhảy. Bản nhạc dứt đột ngột, mọi người
khựng lại rồi cùng vỗ tay reo hò tán thưởng.
Bích Quyên rất hãnh diện khi vẫn còn đứng trong vòng tay của
Tuấn Thanh.
Ngọc Thủy đột ngột xuất hiện và ai cũng biết Ngọc Thủy là
thanh mai trúc mã với Tuấn Thanh. Thấy Ngọc Thủy, Tuấn Thanh ân cần hỏi:
- Chào em! Sao bây giờ anh mới thấy em? Em đến từ lúc nào?
- Anh còn quan tâm đến em sao?
- Sao em lại nói thế - Tuấn Thanh quay sang Bích Quyên - Xin
lỗi nhé.
Tuấn Thanh quay sang nói chuyện với Ngọc Thủy khiến Bích
Quyên rất khó chịu. Bích Quyên muốn Tuấn Thanh thuộc về cô. Và cô nhất quyết phải
làm được điều ấy bằng mọi giá.
Trong khi Bích Quyên nhìn theo với ánh mắt hờn ghen, thì Tuấn
Thanh lại ân cần nghe Ngọc Thủy tâm sự.
Ngọc Thủy biết có níu kéo tình cảm của anh cũng vô ích, nên
cô quyết định xuất ngoại để học tiếp. Sau những phút bồng bột để mất tất cả, cô
hiểu ra một chân lý:
Sự thủy chung luôn luôn đặt nền tảng cho mọi vấn đề, những gì
đã đánh mất thì không thể lấy lại.
Ngọc Thủy cảm thấy vui thì sau những gì đã xảy ra, anh vẫn
coi cô là bạn và cô cảm thấy ít mặc cảm hơn.
Tuấn Thanh nói chuyện với Ngọc Thủy cho đến tiệc tàn. Tiệc vừa
tàn thì cũng là lúc nghe tin báo tử của thầy Đại.
Vui chưa qua, buồn đã tới.
Sau sinh nhật Tuấn Anh, Tuấn Thanh thay bà nội và ba mẹ lo
đám tang cho thầy Đại. Đám tang khá lớn, tổ chức gọn nhẹ nhưng ấm cúng. Thầy
không có thân nhân mà chỉ toàn học trò, ai biết thì đến. Tuấn Thanh đưa thầy đi
thiêu, còn cốt thì đem gởi vào nơi tốt nhất.
Cái chết của thầy làm bà nội của anh mất tinh thần thấy rõ,
ba mẹ của anh xuống sắc hẳn luôn. Không phải là máu mủ ruột thịt của gia đình
mà Tuấn Thanh thấy như chính gia đình anh mất mát một người thân.
Vừa ở phòng họp xuống, cô thư ký đưa cho anh tấm thiệp:
- Chú Sinh mời giám đốc. Chú ấy dặn nhất định giám đốc phải
đi.
Tuấn Thanh gật gù, anh nhớ lại lời hứa với ông Đức Sinh. Quá
nhiều việc, anh đã quên liên hệ lại, nhất định anh phải đi rồi. Cô thư ký hỏi.
- Giám đốc có đi không?
- Có chứ.
- Vậy thì giám đốc chuẩn bị đi cho kịp.
Tuấn Thanh ngạc nhiên:
- Đi ngay bây giờ à? Cô coi lại thiệp mời xem.
- Dạ, tôi coi kỹ lắm rồi và cũng đã gọi lại hỏi cho rõ. Đi
hay không tùy giám đốc. Giám đốc có cho cô Bích Quyên hay ai đi cùng không?
- Không. - Tuấn Thanh lắc nhẹ - Tôi sẽ đi một mình. Cô chuẩn
bị quà cho tôi.
- Vâng, thưa giám đốc.
Tuấn Thanh về phòng thu xếp công việc. Anh định quay về nhà,
nhưng lại thôi, anh tắm ở công ty rồi từ công ty đi luôn.
Tuấn Thanh đến thì người ta đã cắt băng rồi. Ông Đức Sinh thấy
Tuấn Thanh, ông rất vui. Ông đưa Tuấn Thanh đi tham quan, anh cảm thấy hài lòng
về ngôi nhà. Trông nó rất thanh nhã, lối kiến trúc cách tân, thông thoáng, tận
dụng mọi ngõ ngách để không choáng chỗ mà lại rất hài hòa dễ nhìn.
Một bóng trắng thoáng qua anh, anh giật mình quay lại. Ông Đức
Sinh chợt hỏi:
- Cậu tìm gì?
Tuấn Thanh ngớ ra, anh khỏa lấp:
- Ai là người chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật cho chú?
- À - ông gãi tai - cô Hồng Nam.
Cái tên "Hồng Nam" anh thấy quen quen.. Ông Đức
Sinh hỏi những người gần đấy.
- Cô Nam đâu rồi?
- Cô ấy đi thay quần áo, sẽ ra ngay bây giờ. Chú đợi một
chút.
Ông Đức Sinh quay lại nhìn Tuấn Thanh, khẽ nói:
- Việc chú nói hôm nọ chú có bàn qua với cô ấy, cô ấy nhất
trí liền, chỉ cần đưa bản vẽ, cô ấy sẽ làm như ý. Có điều nếu cần cho mỹ thuật,
cô ấy sẽ trao đổi trực tiếp với cậu, được chứ?
- Chú có chắc cô ấy có năng lực hay không?
- Thì cậu cứ xem đi. Thi công giao nhà trước thời hạn, còn được
thường nữa mà sao cậu lại hỏi thế?
- Cháu phải biết rõ, vì nếu không rõ năng lực, ai dám giao chứ?
- Chú hiểu rồi. Điều này thì cậu đừng lo, chú bảo đảm cho.
Hồng Nam xuất hiện, nàng cúi chào khi đối diện với hai người.
- Chú cho gọi cháu. Có chuyện gì không? Hôm nay cháu sẽ về sớm
một chút, có được không?
- Được chứ. Để chú giới thiệu.
Tuấn Thanh đỡ lời:
.
- Tôi là Tuấn Thanh, học trò của chú Đức Sinh ... tôi ghé
thăm.
- Tôi là Hồng Nam. - Nàng mỉm cười - Là nhân viên của chú Đức
Sinh. Anh thấy ngôi nhà ra sao?
- Rất đẹp? - Anh gật gù - Cô phụ trách kỹ thuật à?
Hồng Nam bật cười:
- Có gì to lớn đâu, anh gọi tên sao kêu quá, tôi không dám nhận.
Tôi cùng làm, cùng chia sẻ với mọi người.
Tuấn Thanh gật gù:
- Cô khiêm tốn quá đấy. Chắc chú Sinh cưng cô lắm.
- Tôi là lớp con cháu, chú cưng cũng đúng thôi. Ở đây, tôi học
rất nhiều điều do chính chú ấy tỉ mỉ dậy, không có trường lớp nào dạy cả. Tôi
thấy mình thật may mắn được làm việc với chú ấy.
Ông Đức Sinh gãi tai:
- Cháu cứ cho chú lên mây. Từ lúc cháu vào làm, vận đỏ cứ đến
liên tục.
Xem ra, cháu luôn đem vận may đến cho công ty của chú. Ngay cả
Tuấn Thanh cũng muốn chia công trình cho chú. Cháu thấy có đúng không?
- Đó là do vận may của chú thôi. - Nàng nhìn đồng hồ - Cháu
đi nhé.
- Ừ, đi đi kẻo trễ.
Hồng Nam cúi chào:
- Chào anh nhé!
Tuấn Thanh buột miệng hỏi:
- Cô đi đâu mà vội thế?
Nàng cười trừ rồi quay gót. Tuấn Thanh hỏi ông Đức Sinh:
- Chú có biết cô ấy đi đâu không?
Ông Đức Sinh gật gù:
- Tôi nghe nói cô ấy đi dạy kèm. Tôi nói cô ấy nghỉ đi, tôi sẽ
tăng lương, nhưng cô ấy lỡ hứa, nên dù muốn dù không cô ấy cũng phải giúp cho cậu
bé phải vào được đại học.
Tuấn Thanh ngớ ra. Anh thầm nghĩ trong lòng:
Hồng Nam ... Chẳng lẽ ...
chẳng lẽ chính là cô giáo của Tuấn Anh?
Tuấn Thanh chợt cười tủm tỉm, anh thấy thật thú vị khi khám
phá ra điều này. Đúng là lạ kỳ!
- Cậu làm sao thế? - Ông Sinh hỏi lớn - Cậu không tin à?
- Cháu tin chứ. À! Mà chú có biết lý lịch trích ngang của cô ấy
không?
- Có đấy. Thành tích học tập tốt. Với thành tích ấy, tôi cũng
đang ngạc nhiên vì sao cô ấy lại xin vào công ty của tôi.
Tuấn Thanh lặng thinh. Anh nhớ đến mô hình được tặng hôm sinh
nhật Tuấn Anh, anh đã quên bẵng nó khi lo đám tang cho thầy Đại. Thái độ của
Bích Quyên và ông Chương hình như muốn che giấu điều gì. Và nếu anh đoán không
lầm thì có thể Bích Quyên và Hồng Nam cũng học một trường cũng nên. Anh chợt hỏi:
- Chú có bao giờ hỏi cô ấy đã xin việc ở đâu chưa?
o- Không, chú không quan tâm. Chú thử việc thấy được nên nhận,
nhưng càng làm việc càng thấy cô ta chịu khó học hỏi, có năng lực thật sự ....
Mà làm gì mà cậu hỏi kỹ về cô ấy thế? Đừng chiếm mất cô kỹ sư trẻ của chú đấy
nhé.
Tuấn Thanh cười trừ, anh siết tay ông Đức . Cháu về đây.
Trong tuần này, lúc nào chú lên cháu cũng được. Chỉ cần điện trước cho cháu,
cháu sẽ đón chú.
- Cháu ở chơi đã.
- Thôi, cám ơn chú. Cháu với chú còn gặp nhau nhiều mà.
- Tưởng ở lại, chú cháu mình lai rai.
- Vậy thì hẹn lại chú lúc khác vậy.
Tuấn Thanh siết chặt tay ông Đức Sinh lần nữa. Anh lấy xe chạy
chậm chậm suy nghĩ rất nhiều về cô giáo của Tuấn Anh, về lời nói úp mở của Bích
Quyên.
Chợt nhớ tới tấm bảng gắn ở mô hình, anh không biết đã vất nó
ở đâu?
Tuấn Anh có cảm giác có sự gian lận trong việc tuyển nhân sự
những kiến trúc sư trẻ cho công ty.
Anh cho xe chạy thẳng về nhà và vào thẳng phòng. Không cần lục
lọi lâu, anh thấy tấm bảng rớt ngay sàn nhà. Có lẽ mấy ngày nay phòng anh không
ai hút bụi, nên nó vẫn còn nằm yên ở đấy. Cầm lên xem, anh nhận ra ngay ký hiệu
của công ty khi thí sinh đăng ký. Số ký hiệu ... tên mô hình là "Vươn tới
những ước mơ". Tác giả Lâm Hồng Nam. Tuấn Thanh đặt tấm bảng tên lên bàn
và suy nghĩ rất nhiều. Anh phải tự kiểm tra điều này. Nhất định anh phải biết sự
thật.
Tuấn Thanh thay đồ rồi xuống nhà. Vừa thấy anh, bà Phúc Lâm hỏi
ngay:
- Cháu đi đâu mà giờ này mới về?
- Cháu ghé bên chú Đức Sinh. Hôm nay cô giáo Tuấn Anh có đến
dạy không nội?
- Có đấy. Cô ấy mới đến. Mà sao hôm nay cháu lại quan tâm đến
cô giáo thế? Có chuyện gì à?
- Dạ không. Cháu hỏi thế thôi. Tuấn Anh học tất chứ nội?
- Ừ - Bà gật nhẹ nhìn cháu trai - Cháu đã ăn gì chưa?
- Ồ! - Tuấn Thanh ôm bụng - Nếu nội không nhắc thì cháu quên
mất. Cháu đói quá.
- Để nội bảo người dọn cơm.
Tuấn Thanh theo nội xuống nhà cơm, không thấy mô hình, anh chợt
hỏi nội:
- Tuấn Anh cất mô hình đâu rồi nội?
- Hình như nó mang về phòng thì phải. Mô hình đẹp nhỉ. Nội
chưa hỏi cô giáo là ai đã tặng cô ấy?
Tuấn Thanh buột miệng:
- Của cô ấy.
- Sao? - Bà nhìn cháu trai - Cô ấy là ...
Tuấn Thanh gật nhẹ:
- Cháu cũng mới biết. Cô ấy đang làm bên chú Đức Sinh.
- Từ bao giờ?
- Vừa mới đây thôi. Cô ấy chưa biết cháu là anh trai Tuấn
Anh, và hình như mô hình của cô ấy có đăng ký thi tuyển ở công ty ta.
- Sao nội không hề biết? Làm sao cháu biết được điều ấy?
- Bảng tên gắn trên mô hình có ký hiệu của công ty, mô hình bị
trả về ... cháu thấy có cái gì đó rất sai sót.
- Cháu định làm gì?
- Chẳng thể làm gì được vì đã qua rồi, cháu chỉ muốn kiểm tra
đúng hay sai mà thôi.
Bà Phúc Lâm gật đầu:
- Như thế là khôn ngoan đấy. Có điều mất một người tài thì thật
tiếc. Không ngờ cô giáo đó lại khá đến thế.
- Đúng là không ai ngờ được.
Tuấn Thanh vào bàn ăn, anh ăn rất nhanh, anh bỗng muốn giáp mặt
cô giáo của em trai. Anh cũng không biết tại sao anh muốn nữa, có gì đó như
thúc đẩy anh. Anh quay lại hỏi bà Phúc Lâm.
- Nội định đi nghỉ chưa?
- Nội về phòng bây giờ. Ba mẹ cháu cũng sắp về rồi đấy, cháu
ăn xong chưa?
- Xong rồi. Để con đưa nội về phòng.
Bà nhìn cháu trai:
- Cháu lại muốn xin gì? Ngày mai con bé Ngọc Thủy ra sân bay,
cháu có ra để tiễn nó không?
- Ngày mai à? Nội không nói cháu lại quên mất. Mai cháu sẽ cố
gắng đi.
- Đúng rồi đấy, cháu nên đi như thế mới phải. Nội cứ thấy
thương nó thế nào ấy.
Tuấn Thanh cười, anh đưa bà nội về phòng rồi quay lại phòng học.
Thấy bóng anh, Tuấn Anh reo.
- Cô giáo ơi! Anh trai em.
Hồng Nam quay ra cửa, ánh mắt nàng có một chút thoáng ngạc
nhiên khi nhận ra Tuấn Thanh. Còn anh thì vờ ngạc nhiên ra mặt ... bước vào
phòng.
- Thì ra là cô à?
Hồng Nam mỉm cười chào lại. Tuấn Anh nhìn cả hai khẽ hỏi:
- Hai người biết nhau à?
Tuấn Thanh gật gù:
- Cũng tình cờ thôi. Em và cô giáo học tiếp đi, anh sẽ gặp cô
giáo em sau.
Anh không muốn làm mất thì giờ của thầy trò. Chào cô nhé!
Hồng Nam gật nhẹ. Tuấn Thanh rời khỏi phòng, Tuấn Anh hỏi Hồng
Nam.
- Cô giáo quen anh trai em sao?
Hồng Nam lắc nhẹ:
- Cô chỉ mới biết chứ không quen.
- Cô nói thế là sao?
- Có nghĩa là cô biết anh trai của em qua một người khác tình
cờ thôi, nhưng cô thì không biết anh ấy là anh trai của em, còn anh trai của em
không biết cô là người dạy kèm em. Em hiểu rồi chứ?
Tuấn Anh khẽ gật:
- Em hiểu rồi. Em rất mong giới thiệu hai người, nhưng không
ngờ hai người lại biết nhau trước. Làm cho em giận anh trai mãi.
Hồng Nam mỉm cười:
- Quả đất tròn mà, không gặp trước thì gặp sau thôi. Làm gì
mà phải giận anh trai chứ?
- Tại anh ấy thất hứa.
Hồng Nam mỉm cười:
- Chúng ta học lại nhé. Chuyện đó nói sau nghe.
- Dạ.
Hai thầy trò trở lại với công việc của mình. Tuấn Thanh đứng
ngoài hành lang, anh nghe Hồng Nam giải toán và hướng dẫn Tuấn Anh rất cặn kẽ.
Anh thừa nhận cô có lối truyền đạt rất sư phạm, lẽ ra cô theo nghề dạy học thì
có lẽ có ích cho rất nhiều người hơn. Anh nhớ lại lời Bích Quyên nói:
"Cô ta thuộc tầng lớp nông dân".
Có nghĩa là Hồng Nam không thuộc dân thành phố mà là dân tỉnh
lẻ. Tự dưng anh muốn biết về cô gái này.
Hồng Nam không biết mình bị quan sát. Sau khi cho bài tập,
nàng gấp sách lại mỉm cười nói nhỏ.
- Hôm nay cô dừng ở đây. Ráng làm bài tập cô cho, không hiểu
cứ giải thử, cô sẽ giảng sau.
- Em biết rồi.
- Còn nữa. Làm trước ở nhà, lên trường không được ra vẻ ta
đây, phải cố gắng giúp bạn bè hiểu không?
- Dạ hiểu. Cô uống nước đi.
Hồng Nam uống một hơi hết cạn ly nước, nàng cảm thấy mệt
nhưng phải cố gắng vì lời hứa của mình. Nàng chào học trò của mình ra tới sân,
tiếng Tuấn Thanh chợt giữ nàng lại.
- Cô ghé sân nghỉ một lát.
Hồng Nam dắt xe đạp mỉm cười:
- Cám ơn anh, khuya rồi tôi phải về, để lúc khác vậy, được
không?
- Tôi biết cô chưa ăn tối. Tôi chờ cô ăn đây. Cô vào đây ăn
cho vui.
Hồng Nam lắc đầu:
- Xin lỗi, tôi ăn rồi. Tôi ...
- Ăn nhẹ thôi. Tôi cho người dọn sẵn rồi, cô đừng từ chối.
Tuấn Anh năn nỉ:
- Anh Hai em mời, cô nể mà ở lại đi, bù hôm sinh nhật cô
không đến.
Hồng Nam mỉm cười:
- Thôi được rồi, cô ở lại.
Tuấn Anh dắt xe đạp trả về chỗ cũ. Hồng Nam theo Tuấn Thanh
ra hiên nhà, nàng buột miệng:
- Ngôi nhà đẹp quá, hôm nay tôi mới ra đến đây.
Tuấn Thanh kéo ghế:
- Cô ngồi đi? Xin cứ tự nhiên.
- Cám ơn. Tôi nghe Tuấn Anh nói về anh rất nhiều, hôm nay mới
gặp. Tuấn Anh rất thần tượng về anh.
Tuấn Thanh bật cười:
- Cô cũng thế. Tuấn Anh giận tôi nhiều lần vì thất hứa chuyện
gặp cô, tiện đây tôi cũng xin lỗi luôn, tôi không cố ý.
- Tôi biết mà. Anh không nói thì tôi cũng hiểu. Tôi chỉ có một
mình nên rất ngưỡng mộ tình cảm yêu thương của gia đình.
- Cô giáo dùng đi? - Tiếng bà quản gia.
- Dạ cám ơn, để cháu tự nhiên ạ.
Tuấn Thanh ăn để cho Hồng Nam cùng ăn. Anh chợt hỏi:
- Cô dạy học rất hay, sao cô không theo nghề dạy học?
Hồng Nam tủm tỉm:
- Thật ra, mỗi lần kèm cho bất cứ học sinh nào là tôi lại được
một lần ôn lại kiến thức. Nói anh đừng cười, tôi kèm trẻ phần lớn là vì thầy Đại.
Mỗi lần thầy ốm là nhờ tôi thế và cứ thế tôi quen luôn. Mà anh nói cũng đúng,
tôi rất có duyên với nghề dạy học, ai cũng nói thế và cũng chính nghề này giúp
cho tôi sống được ở thành phố khi mà vận may chưa mỉm cười với tôi.
- Vậy thì mô hình do chính cô làm ư? Cô có bản vẽ chứ?
Hồng Nam cười buồn:
- Đó là ước mơ của tôi, nhưng đâu phải ước mơ nào đều cũng thực
hiện được đâu. Tôi đã định vất nó đi khi vận may không mỉm cười với mình, nhưng
tôi lại tiếc khi phải vất bỏ ước mơ của mình. Cũng may là tôi đã giữ lại và tặng
ước mơ ấy cho Tuấn Anh, và tôi thấy vui vì mình đã làm điều ấy.
Tuấn Thanh lặng thinh nghe. Hồng Nam nhìn Tuấn Thanh:
- Tôi lạ thật. Sao tôi lại có thể nói với anh điều ấy nhỉ?
Xin lỗi đã để anh nghe những lời nói nhảm của tôi. Tôi đúng là vô duyên.
- Cô không nên nói thế. Cám ơn cô đã coi tôi là bạn và cũng rất
cám ơn cô đã tận tình giúp cho Tuấn Anh.
- Anh không cần phải cám ơn. tôi làm vì bổn phận, sự ủy thác
của thầy Đại.
- Tôi biết điều ấy, nhưng tôi cũng biết cô rất đang cố gắng
cho dù cô rất mệt với công việc đi giám sát công trình như thế.
Hồng Nam nhìn đồng hồ:
- Cám ơn về bữa ăn. Tôi về đây. Chào anh!
- Tôi tiễn cô một đoạn nhé.
- Không cần dâu, tôi về được.
Tuấn Thanh chìa tay, nàng đặt tay vào tay anh. Tuấn Thanh siết
nhẹ:
- Biết đâu sau này có lúc chúng ta sẽ hợp tác.
- Anh cũng là dân kiến trúc?
- Ừ. - Tuấn Thanh gật nhẹ.
Hồng Nam mỉm cười:
- Vậy thì tôi mong sẽ có ngày ấy.
Tuấn Thanh tiễn Hồng Nam ra tận cổng. Anh nhìn theo cho đến
khi Hồng Nam khuất khỏi con đường, anh mới vào sân. Tuấn Anh đến bên anh trai.
- Anh thích cô giáo của em, đúng không anh Hai?
Tuấn Thanh gõ vào trán em trai:
- Em không được nói bậy.
- Em không nói bậy. Hôm nay trông anh lạ lắm, nói chuyện với
cô ấy rất tâm đầu ý hợp và có vẻ rất ăn ý.
- Em thấy thế thật sao?
Tuấn Anh gật gù. Tuấn Thanh chợt trêu em trai:
- Nếu em thích cô giáo em thật, em có đồng ý cho anh thích
không?
- Em đồng ý, nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Anh đã thích cô giáo của em thì anh không được thích ai
khác nữa.
- Tại sao?
- Tại em muốn thế.
Tuấn Thanh vỗ vỗ trán:
- Để anh suy nghĩ đã, có vẻ khó đây.
- Thì anh cứ suy nghĩ đi. Anh tham lam quá đấy.
Tuấn Thanh phì cười, anh nhìn em trai:
- Điều này bí mật chỉ có hai anh em biết thôi, em không được
nói cho ai biết đấy, được chứ?
- Được, em hứa.
- Kể cả cô giáo của em.
- Dĩ nhiên rồi!
Tuấn Thanh khoác vai em trai đi vào nhà. Anh đang có những dự
kiến trong đầu, anh tin anh sẽ giúp được Hồng Nam.
Anh chợt nhận ra rằng anh rất thích Hồng Nam cười.
Chương 4
Tuấn Thanh đi họp ở trên thành phố về. Anh xuống ngay khu lưu
trữ các dự án. Bà quản kho văn phòng khẽ hỏi:
- Giám đốc cần dữ liệu gì cứ điện, tôi sẽ cho người đưa lên.
Sao giám đốc lại nhọc lòng thế?
Anh trêu bà quản kho:
- Tại tôi nhớ bà nên kiếm cớ đến thôi, vì ba tôi rất hay nhắc
đến bà.
Bà mỉm cười đỏ mặt:
- Giám đốc cứ nói đùa. Cậu cần gì để tôi lấy.
- Cho tôi coi danh sách các kiến trúc sư trẻ công ty tuyển vừa
rồi và mô hình kèm theo. Tôi có việc cần.
Bà nhìn Tuấn Thanh:
- Giám đốc chờ một chút, tôi lên ông Chương lấy. Ông ấy mượn
cách đây ba ngày.
- Ông Chương? - Tuấn Thanh nhíu mày - Có lưu vào máy không?
- Dạ có.
- Bà cho tôi coi một chút đi.
- Không cần lấy tài liệu à?
- Lúc khác cũng được. Tôi muốn coi để chọn mẫu thôi mà.
Bà Lưu mở tài liệu cho Tuấn Thanh xem. Đúng như anh dự đoán,
có mô hình của Hồng Nam. Người trúng giải là Bích Quyên. Cả hai nếu xét ở mọi
góc độ thì Hồng Nam nhỉnh hơn Bích Quyên một chút. Tại sao Hồng Nam bị trả về,
trong khi chín người khác trúng tuyển thì ở dạng khá mà thôi?
- Có vấn đề gì không, giám đốc?
- À không! Bà nói ông Chương chuyển hồ sơ này lên cho tôi gấp,
và đừng nói là tôi có xuống đây, được chứ?
- Dạ, tôi sẽ nói.
- Cám ơn bà nhé. Lúc khác, tôi sẽ lại thăm bà.
- Cám ơn giám dốc.
Tuấn Thanh quay về văn phòng. Vừa thấy anh, ông Phúc Thạnh hỏi
ngay.
- Họp bên thành phố có gì mới lạ không?
- Dạ, vẫn bàn về các khu vực đã có dự án qui hoạch. Có điều,
họ đang mời các nhà đầu tư có dự án phát triển khu chung cư vào khu vực Sài Gòn
II có ngân sách thành phố hỗ trợ. Nếu mô hình của nhà đầu tư nào trúng tuyển
thì họ được quyền ưu tiên đấu thầu, còn nếu của kiến trúc sư thì được phần trăm
của dự án, được tham gia phần kỹ thuật hay có thể bán bản quyền.
- Nghe hay đấy! Con để ý xem dàn kỹ sư trẻ mới thế nào. Ba
nghe ông Chương khen cô Bích Quyên lắm, con để ý xem sao?
- Dạ, con biết rồi. Con mới ở bên khu lưu trữ về. Mai con sẽ
mở cuộc họp để bàn về việc này. Bây giờ con phải đến một số công trình đang
gút, có thể con sẽ về hơi trễ.
- Ừ, con đi đi. Có ai đi với con không hay con đi một mình?
- Con đi một mình. Các kiến trúc sư rải đi các công trình rồi,
đâu còn ai ở nhà. Năm nay ở đâu cũng xây dựng.
Ông Phúc Thạnh gật gù:
- Con nên chọn phụ tá trợ lý cho con. Ba thấy Bích Quyên cũng
rất ăn ý với con và lại chịu khó chăm chỉ nữa. Con thấy sao?
Tuấn Thanh lắc đầu:
- Con nghĩ chưa cần. Nếu có gì gấp thì con nhờ cũng được, đưa
lên thì dễ mà điều xuống thì có nhiều thứ phiền lắm. Rồi sau này con cưới vợ,
có nhiều điều phức tạp lắm ba à.
Ông Phúc Thạnh phì cười:
- Không ngờ con lại nghĩ xa như thế. Nếu con sợ thì chọn trợ
lý là nam đi.
Có tay Kha cũng được lắm.
- Có lẽ phải thế thật đấy, nhưng để con suy nghĩ đã. Con đi
ba nhé.
- Ừ. Con đi đi.
Ông nhìn theo con trai. Thấy Tuấn Thanh mỗi lúc một chững chạc,
ông lại thấy an tâm. Càng nhìn ông càng thấy con trai giống ông nội như đúc. Ba
là ký ức đẹp nơi ông, có điều ông rất bay bướm, khác hẳn với Tuấn Thanh lại rất
chừng mực. Ông chỉ có hai đứa con trai, Tuấn Anh thì không được lanh lợi cho lắm.
Cậu sanh sau đẻ muộn nên hầu như không tự minh làm được gì. Còn ba cô con gái ở
giữa thì ông đã gả chồng và ai cũng có sự nghiệp đàng hoàng. Sự nghiệp này, ông
chỉ trông vào Tuấn Thanh. Ông gởi cậu đi du học, đi các nước để học hỏi. Mấy
tháng gần đây về, hẳn ông thấy con trai có vẻ chí thú làm ăn, khác hẳn với thời
gian đi du học thỉnh thoảng về thăm nhà. Thời gian đó ông rất lo và thầm nghĩ gởi
con trai đi du học là một sai lầm.
Còn bây giờ thì ông đã thực sự an tâm và có thể nói ông có thể
kê gối cao đầu để ngủ rồi, vì mọi lo lắng đã qua ... Ông giật mình bởi tiếng gõ
cửa.
- Vào đi, cửa không khóa!
- Chào tổng giám đốc. - Tiếng ông Chương vang vang - Giám đốc
đâu rồi ạ?
- Có chuyện gì không?
- Dạ, tôi đưa hồ sơ.
- À! Ông gật gù - Ông để đấy đi, tôi sẽ nói lại. Đúng là cần
đấy.
- Dạ, có chuyện gì thế thưa ông?
- Mai họp thì ông sẽ biết. Bây giờ thì ông có thể đi được rồi
đấy.
- Dạ.
Ông Chương lui gót, ông thấy lòng băn khoăn. Khi bà quản kho
báo đưa hồ sơ lên Tuấn Thanh, bây giờ lại nghe tổng giám đốc bảo mai họp, ông
càng lo hơn, không biết có chuyện gì? Hay Tuấn Thanh đã biết điều gì đó? Ông
không thể tin là Tuấn Thanh có thể biết điều gì. Dù tự nói với mình như thế,
nhưng ông vẫn thấy lo.
Ông Chương trở về phòng mà lòng đầy lo lắng. Lòng tự nhủ
lòng. Ông nhất định phải báo cho Bích Quyên biết trước chuyện này để biết cách
đối phó.
Ông vội bấm di động ...
Hồng Nam đến bên ông Đức Sinh:
- Họ đổ xong, chú cho nghỉ sớm nhé.
Ông nhìn Hồng Nam gật gù:
- Được cô có vẻ cưng công nhân nhỉ. Làm sao thì làm miễn đừng
để thiệt hại cho công ty là được Hồng Nam mỉm cười:
- Chú có lợi đấy chứ có hại gì đâu. Cháu nói họ cố gắng xong
sớm nghỉ sớm nên họ cố làm cho xong, còn hơn kéo đến chiều tối, ai cũng mệt.
- Tôi biết chiêu của cô rồi. Có lẽ tôi phải học cô điều này đấy.
Hồng Nam bật cười:
- Chú ơi! Cháu không dám.
Di động của nàng chợt reo, nàng nhìn ông Đức Sinh.
- Cháu xin lỗi.
- Ừ, nghe đi.
Hồng Nam khẽ hỏi:
- Alô. Có chuyện gì thế anh Bân?
- Nam ơi! Mẹ em đau, em về thăm bà một chút. Bà nằm cả tuần rồi.
- Mẹ tôi không sao chứ?
- Cũng đỡ nhiều, nhưng nếu có thể thì Nam nên về một chút.
- Thôi được tôi sẽ thu xếp. Cám ơn anh đã báo. Tôi nhờ anh trông
mẹ tôi giùm.
- Nam không nhờ thì tôi cũng lo cho bà. Cô cứ yên tâm!
- Cám ơn anh.
Hồng Nam tắt máy. Ông Đức Sinh khẽ hỏi khi thấy đôi mắt cô đầy
lo lắng.
- Có chuyện gì thế?
- Mẹ cháu ốm. - Nàng nhìn ông - Cháu về thăm mẹ một chút có
được không?
- Cô đi mấy ngày?
- Dạ, ít nhất là ba ngày, được không hả chú? Nhà chỉ có hai mẹ
con.
- Được hay không được thì cháu cũng phải về lỡ bà cụ có chuyện
gì lại ân hận. Thôi cứ đi đi, ở nhà chú sẽ liệu. Bây giờ đi luôn chứ?
- Dạ.
- Cháu cần ứng tiền không?
- Dạ, không cần đâu. Cháu có mang tiền để phòng bị rồi. Chào
chú, cháu chuẩn bị đi đây.
- À! Để xe công ty đưa cô đi. Cô không được từ chối đấy.
Hồng Nam lặng thinh, nàng chỉ cám ơn ông chủ tốt bụng và quay
ra thay đồ rồi có xe đưa ra bến xe. Nàng rất lo cho mẹ. Độ rày, bà không được
khỏe lắm, nàng thấy thương mẹ thật nhiều. Nàng chỉ có mỗi mình bà là người thân
duy nhất. Nếu bà có mệnh hệ gì thì nàng sẽ phải sao đây? Huống chi bà chính là
người đã sinh thành ra mình, nuôi nấng yêu thương mình. Nghĩ thế mà tự nhiên Hồng
Nam ứa nước mắt. Thấy nàng khóc, chú lái xe an ủi:
- Chắc mẹ cô sẽ không sao đâu. Người già ốm đau là chuyện rất
thường tình.
Tôi có ông bố cũng thế, một tháng ba mươi ngày thì có mấy
ngày là khỏe đâu.
- Cám ơn chú đã an ủi.
- Cô thăm mẹ rồi mau về làm việc. Có cô, ai cũng thấy phấn khởi
đấy.
Hồng Nam gật nhẹ. Khi xe vào bến nàng xuống xe thì có xe đi
ngang đưa tay vẫy chú tài xế quay xe về công ty. Nàng thầm cám ơn mọi người đã
yêu thương và giúp đỡ mình.
Tuấn Thanh ăn cơm với công nhân xong, anh vòng xe đi xem khu
đất mới công ty anh đang bắt đầu thi công. Ghé qua khu sang lấp mặt bằng, anh định
bụng sẽ ghé về nhà một chút để coi lại mô hình của Hồng Nam từ mọi góc cạnh trước
khi anh đưa lên thành phố để dự tuyển. Anh muốn mình làm là nắm chắc phần thắng.
Anh nhớ lại nụ cười buồn của cô khi nói với anh:
"Vận may chưa mỉm cười với tôi". Lần này thì anh muốn
vận may sẽ mỉm cười với Hồng Nam.
Tuấn Thanh chợt cười một mình. Từ hôm nói chuyện với Tuấn Anh
về cô giáo và cái bí mật giữa anh và em trai, anh bỗng thấy nhớ và hay nghĩ về
Hồng Nam rất nhiều. Và từ khi Hồng Nam xuất hiện, bóng ma trong anh bỗng dưng
biến mất, anh thấy giấc ngủ mình an toàn thư thái hơn.
Tuấn Thanh chợt đưa tay sờ lên ngực, miếng ngọc vẫn nằm đấy:
Một cảm thức mơ hồ như anh đang đi tìm được điều mình muốn
tìm.
Xe vừa vào đến sân. Bà nội ngạc nhiên khi thấy xe anh vào
sân. Vừa thấy mặt anh, bà hỏi ngay:
- Có chuyện gì thế? Cháu bị ốm à? Sao mà về giờ này?
- Cháu nhớ nội. - Anh trêu bà - Cháu nhớ nên tạt về thăm nội.
- Bố mày! Nhưng có hay không thì bà vẫn vui vì những lời của
cháu.
- Anh Hai. - Tuấn Anh phóng từ trên lầu xuống - Cho em đi
chơi với.
- Ừ thì đi. Nhưng em xong bài chưa? - Tuấn Thanh nhìn em trai
- Xong bài anh mới cho đi với anh được.
- Em xong rồi. Anh có thể kiểm tra.
Bà Phúc Lâm nhìn hai cháu:
- Cho em cháu ra ngoài chơi một lúc cũng tốt, nhưng phải để ý
trông chừng em cháu đấy.
- Dạ, cháu biết rồi.
Tuấn Thanh vẫy tay em trai:
- Lên lầu với anh.
- Có chuyện gì thế?
- Anh muốn bàn với em, chuyện bí mật.
Nghe nói bí mật, Tuấn Anh phóng theo anh trai nhanh như chớp.
Bà Phúc Lâm nhìn theo khẽ lắc đầu cười.
Cả hại lên phòng Tuấn Anh. Tuấn Thanh nhìn em trai khẽ hỏi:
- Em có muốn cho ước mơ của cô giáo Hồng Nam thành hiện thực
không?
Tuấn Anh ngớ ra:
- Anh nói em không hiểu. Như thế là sao anh giải thích đi?
Tuấn Thanh chỉ mô hình:
- Em lấy tên em đưa mô hình của cô Nam lên thành phố thi. Nếu
trúng tuyển, em sẽ trả bản quyền lại cho cô giáo Nam, em thấy sao?
- Nhưng mô hình nó là của riêng em, cô ấy đã tặng cho em rồi.
- Anh biết, nhưng đây là ước mơ của cô ấy chẳng lẽ em không
muốn ước mơ ấy trở thành hiện thực hay sao?
- Dĩ nhiên là em muốn, nhưng em không thể cho bất cứ ai mang
mô hình đi đâu, bởi vì nó là của em nó thuộc về em. Không ai có thể cướp đi niềm
vui, niềm hạnh phúc của em cả.
Tuấn Thanh nhìn em trai:
- Em hiểu sai ý của anh rồi. Không ai cướp đi bất cứ cái gì của
em cả. Em làm như thế chính là đang đem niềm vui niềm hạnh phúc cho cô giáo
Nam.
- Anh đừng gạt em! Anh định lấy mô hình đi khỏi em, có đúng
không?
Không ai có thể làm điều đâu, kể cả bà nội hay ba mẹ.
- Em đừng nghĩ sai như thế! Anh không có ý chiếm đoạt nó vì
nó luôn là của em. Nhưng anh chỉ đề nghị, nếu em thực sự yêu quý cô giáo thì
đây chính là dịp để cho em biểu lộ, và đây cũng chính là dịp để cho cho cô giáo
Nam thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ ấy nó nằm trong mô hình này. Em muốn
cô giáo có được ước mơ của mình thì em phải hy sinh.
Tuấn Thanh bật dậy khi Tuấn Anh quay mặt đi giận dỗi không
thèm nghe.
Anh bực bội nhìn em trai:
- Anh đã nói hết lời mà em không tin anh. Sau này thời cơ qua
đi, em có muốn cũng không được, lúc đó thì đừng hối hận?
Tuấn Thanh bực bội phóng xuống nhà ra xe và phóng xe đi mất.
Bà Phúc Lâm ngạc nhiên thấy thái độ của Tuấn Thanh. Không biết có chuyện gì mà
đang vui vẻ bỗng giận dữ thế này?
Bà biết Tuấn Thanh rất thương em trai vì biết Tuấn Anh bị bệnh
bẩm sinh, có thể tái phát bất cứ lúc nào. Nên dù có như thế nào, Tuấn Thanh
cũng không bao giờ la mắng hay cáu gắt với em trai cả, sao hôm nay có chuyện gì
mà lại thế?
Bà cho người lên coi xem Tuấn Anh thế nào? Bà quản gia xuống
cho bà biết cậu út ngồi im thin thít trên bàn để mô hình và những thứ đồ chơi.
Cậu không nói không rằng, không có thái độ giận dữ như mọi khi. Bà Phúc Lâm dặn
mọi người để ý trông chừng Tuấn Anh. Bà lo cháu bà sẽ đột ngột tái phát.
Trong khi đó thì Tuấn Anh thừ người ra suy nghĩ rất lâu về những
gì anh trai nói. Đúng là cô giáo Nam đã trao ước mơ cho cậu thực hiện và cậu đã
hứa với lòng cậu sẽ làm điều ấy, mà muốn làm được điều ấy, cậu phải cố gắng học
giỏi.
Tuấn Anh thấy độ rày cậu rất khỏe, những cơn choáng không thường
xuyên xảy ra nữa. Cậu không còn sự căng thẳng cáu gắt như trước nữa. Cậu thấy tự
tin hơn.
Tuấn Anh biết không ai dám nhắc đến sự bệnh tật của cậu là muốn
cậu quên đi để vui sống, nhưng cậu biết rõ bệnh của cậu bất cứ lúc nào cũng có
thể đánh gục cậu, và cậu cũng cố tỏ vẻ ra là cậu đã trở lại bình thường để cho
mọi người an tâm.
Cậu rất yêu quý Hồng Nam, nhưng cậu không thể nào có được cô ấy.
Khi Hồng Nam tặng cho cậu ước mơ của cô ấy, cậu thấy hạnh phúc vì dù sao thì cậu
cũng có một cái gì của riêng cô ấy. Khi anh trai cậu nói nếu anh ấy thích cô ấy
cậu rất giận, nhưng cậu biết anh trai có quá nhiều cô gái để yêu, cậu cho là
anh nói đùa nên hùa theo anh. Cậu đã biết giấu đi tình cảm thật của mình, vì cậu
không thể để lộ tình yêu mà cậu dành cho cô giáo.
Hôm nay, khi anh trai bày tỏ ý muốn giúp đỡ cô giáo, cậu đã
phản đối vì cậu không muốn mất đi cái mà cậu đang có của người cậu yêu thầm. Cậu
muốn chính cậu sẽ xây ước mơ cho cô giáo, nhưng bao giờ đây và liệu cậu có làm
được điều cậu muốn không?
Tiếng anh trai cậu như ám ảnh cậu:
"Cơ hội chỉ có một lần, đánh mất cơ hội thì chẳng bao giờ
có cơ hội thứ haí'. Tuấn Anh hình dung cô giáo Nam sẽ hạnh phúc như thế nào khi
cô đạt được ước mơ của mình. Nghĩ đến cô giáo Nam, hạnh phúc Tuấn Anh thấy mình
cần phải hy sinh cho dù mình không hề muốn.
Dù nghĩ thế, Tuấn Anh vẫn bị giằng co ở bản thân sự dứt bỏ hạnh
phúc của riêng mình để tặng cho người khác hạnh phúc ấy.
Tuấn Anh ngồi suốt buổi chiều để ngắm mô hình và thuộc từng
ngõ ngách trong đó trước khi cậu quyết định để cho anh trai đem mô hình đi dự
tuyển.
Chưa bao giờ Tuấn Anh thấy khó quyết định đến thế. Nhưng cậu
tự trấn an mình:
cơ hội chỉ một lần. Nếu điều ấy làm cô giáo Nam vui là cậu hạnh
phúc rồi.
Bích Quyên uống đến ly thứ ba mà vẫn không thấy Tuấn Thanh xuất
hiện.
Từ hôm xảy ra chuyện mô hình, cô rất lo Tuấn Thanh sẽ hỏi đến
chuyện ấy.
Nhưng nàng thấy mọi thứ như trôi luôn, nhờ đám tang của thầy
Đại.
Nhưng kể từ hôm đó, hình như Tuấn Thanh không còn chú ý đến
nàng, anh không gọi nàng làm chung hay giúp anh sửa bản vẽ. Cô vẫn ngóng chờ
anh phát tín hiệu, nhưng anh như lờ luôn cô.
Bích Quyên không dễ dàng bỏ cuộc. Cô đã vào được tới đây, cô
đã phải trả một cái giá rất đắt, nên cô phải đạt được điều cô muốn. Cô đã qua mặt
được nhiều người, nên cô không thể dừng giữa chừng. Cô phải tiếp tục tiến thân
để đạt được mục đích của mình.
- Cô kiên nhẫn quá nhỉ? - Tiếng Mạnh Kha vang vang - Hôm nay
giám đốc nhà ta không tới đâu.
- Anh biết cái gì?
- Cô không tin thì tùy. Nhưng tôi biết chắc giám đốc không tới,
cô nên đi về và đừng chờ mất công.
Bích Quyên bật cười:
- Ông anh à? Chờ hay không là việc của tôi, xin ông anh đừng
xía vào chuyện của người khác. Xin hãy để cho tôi yên.
- Tôi hết sức tôn trọng, tại tôi tội nghiệp cô thôi. Cô thích
trèo cao nhưng không lượng được sức mình. Cô có nghe câu ''trèo cao té đaú'
chưa?
- Anh ghen với tôi à?
- Không hề, tôi chỉ muốn nhắc nhở cô, muốn giám đốc thích cô
thì cô phải biết cậu ta thích cái gì, muốn cái gì và ghét cái gì?
- Anh nói thế có dụng ý gì?
- Cô hãy tự suy nghĩ đi. Cô vẫn cho là mình thông minh mà. Vậy
thì hãy dùng trí thông minh của mình đi.
- Anh ...
Mạnh Kha bật cười:
- Cô có nhớ Ngọc Thủy không? Anh ta và Ngọc Thủy là ''thanh
mai trúc mã'' mà chỉ một sơ suất thôi, anh ta từ hôn, đấy là cái gương cho cô
soi. Cô đừng đặt hy vọng quá nhiều vào điều cô không thể có.
- Nhưng tôi sẽ có. - Bích Quyên nói cứng - Chỉ cần tôi quyết
tâm là được.
Tại sao mấy người nói xấu sau lưng tôi thế?
- Tôi chỉ cảnh tỉnh cô thôi.
Bích Quyên bật dậy:
- Rồi có lúc các người phải cầu xin tôi đấy.
Mọi người cùng bật cười. Có người chợt buột miệng nói đùa:
- Nếu cô trở thành phu nhân của giám đốc, bọn tôi sẽ đình
công.
Bích Quyên giận dữ rời khỏi quán. Cô vẫn còn nghe tiếng cười
đuổi theo cô.
Cô sai điều gì chứ? Chẳng lẽ cô không được ước mơ cho mình
hay sao? Cô muốn trở thành người giàu có. Người quyền thế là sai hay sao? Dù ai
nói sao thì nói, cô vẫn không bỏ những ước mơ những tham vọng của mình.
Bích Quyên quay về nhà với tâm trạng nặng trĩu. Cô muốn hét
thật lớn, muốn giải tỏa tâm trạng đang dồn nén của mình. Cô đã vượt qua bao
nhiêu chặn đường để có ngày hôm nay, cô không thể vì bất cứ lý do nào để có thể
dừng lại, dù phải dùng bất cứ thủ đoạn nào.
Bích Quyên mím chặt môi với đầy quyết tâm, phóng lao cô phải
theo lao.
Hồng Nam đến bến là Ngọc Bân đã chờ sẵn. Thấy anh, cô hỏi
ngay:
- Mẹ tôi sao rồi?
- Nam lên xe rồi ta nói chuyện.
Hồng Nam lên xe, Ngọc Bân lái xe chậm chậm. Hồng Nam sốt ruột
hỏi:
- Mẹ tôi sao rồi?
- Hôm nay mẹ cô có tỉnh đôi chút.
- Mẹ tôi đau từ bao giờ, sao anh không báo giùm?
- Tôi cũng mới ở thành phố về. Con cháu chăm sóc cho bà nói
bà đau cả tuần nay rồi, bà không cho gọi điện cả cho tôi. Tôi biết là điện cho
Nam ngay.
- Xin lỗi, tôi trách lầm anh.
- Có gì đâu. Xem ra, tôi gọi bác sĩ truyền dịch bà đã bớt nhiều
rồi, nhưng tôi cứ gọi cô về để cho bà khỏi tủi.
- Cám ơn anh. Tôi không biết phải đền ơn anh cách nào.
- Cô làm gì mà khách sáo thế? Cô đã tìm được việc làm chưa?
Hồng Nam gật nhẹ:
- Tôi không thất nghiệp, anh đừng lo. Bây giờ thì tôi chẳng
có thì giờ để nghỉ ngơi. Lúc anh gọi cho tôi là tôi đang ở công trường. Ông chủ
tốt lắm, nghe thế cho tôi đi ngay, còn cho xe đưa tôi ra bến xe.
Ngọc Bân gật gù:
- Thế thì tôi yên tâm rồi, bây giờ tôi đưa cô đi ăn, rồi về
nhà. Giờ cô về nhà chẳng có cái gì ăn đâu?
Hồng Nam nhắc nhẹ:
- Anh không nên cùng tôi chường mặt ra cho thiên hạ ngắm. Anh
biết vì sao rồi mà, đừng cho người ta thêu dệt.
- Lâu lâu cô mới về, cứ nghe dư luận thì làm sao sống được chứ?
- Anh cứ đưa tôi về nhà, tôi sẽ tự biết kiếm mà ăn. Tôi cũng
nóng lòng muốn gặp mẹ.
- Thôi được, cô không muốn thì tôi cũng không dám ép.
Ngọc Bân không ghé chợ mà chạy thẳng về nhà Hồng Nam. Xe chưa
dừng hẳn, Hồng Nam đã vội xuống chạy vào nhà gọi lớn.
- Mẹ ơi! ...
Bà Sáu đang thiu thiu thiếp đi. Nghe tiếng Hồng Nam, bà mừng
rỡ:
- Mẹ biết ngay Ngọc Bân sẽ báo cho con về. Mẹ có sao đâu, con
về chi cho mất công, mất thời giờ.
Hồng Nam nhìn mẹ:
- Nhưng thấy con về mẹ có vui không đã? Mẹ có muốn con về
không?
- Dĩ nhiên là muốn.
- Vậy sao mẹ ....
- Mẹ biết con bận, lại được tin con đã tìm được công việc
thích hợp ... Mẹ thấy vui, sợ mới làm con xin đi không được nên mẹ không dám nhắn.
- Ông chủ của con tốt lắm, mà cho dù không cho con cũng đi,
vì con chỉ có mình mẹ, còn công việc không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Còn mẹ
có chuyện gì con tìm đâu được mẹ nữa chứ?
Bà Sáu rơm rớm nước mắt:
- Nghe con nói thế, có khổ thế nào mẹ cũng cảm thấy mãn nguyện
và hạnh phúc. Con đi tắm đi. Mẹ đi tìm cái gì cho con ăn.
Hồng Nam nhìn Ngọc Bân:
- Mẹ cứ nghỉ đi. Lúc nãy anh Bân đã đưa con đi ăn, chút nữa
đói con ăn thêm mì gói.
- Thật thế à? - Bà nhìn Ngọc Bân - Cám ơn cậu. Cậu lúc nào
cũng chu đáo.
Giá như Hồng Nam được gởi gấm cho cậu thì tôi chẳng còn gì phải
lo.
- Thì bây giờ cháu cũng vẫn lo cho cô ấy. - Ngọc Bân nhìn bà
Sáu - Cháu coi Nam như em của cháu. Dì hãy yên tâm! Sau này có xảy ra bất cứ
chuyện gì, cháu sẽ đỡ nâng cô ấy trong vai trò người anh trai.
Bà Sáu giơ tay ra nắm lấy tay Ngọc Bân:
- Dì cám ơn cháu.
Hồng Nam nhìn mẹ:
- Sao mẹ cứ nói những lời như thế, không ai có thể thay thế mẹ
được. Mẹ phải khỏe mạnh để còn gả chồng cho con chứ. Mẹ hiểu không?
Bà gật nhẹ:
- Mẹ muốn điều đó chứ.
Ngọc Bân nhìn Hồng Nam:
- Nam đi tắm đi, để cho dì nghỉ ngơi. Để lúc khác mẹ con tâm
sự.
Hồng Nam đứng dậy:
- Mẹ nghỉ đi, con đi tắm đây.
- Ừ, con đi tắm đi.
- Tôi cũng về đây. - Ngọc Bân chào rồi quay ra.
- Cám ơn anh. Anh cứ về đi, lát nữa tôi ra khóa cửa.
- Nam đừng khóa, lát nữa con bé quay về, tôi cho nó ngủ ở đây
dễ coi bà. Cô cứ cho nó về đây, lỡ đêm hôm có chuyện gì ... Nam mệt ngủ lại
không biết gì có nó cũng đỡ.
- Vâng, vậy thì cám ơn anh.
Thật ra, Ngọc Bân sai con bé đi mua đồ về cho Hồng Nam ăn. Hồng
Nam cũng biết điều ấy, nhưng nàng không thể từ chối. Nàng hiểu có những thứ
tình cảm không nói bằng lời mà bằng hành động, bằng những cử chỉ quan tâm tế nhị
sâu sắc.
Bây giờ thì nàng hiểu ở bên Ngọc Bân nàng luôn cảm thấy có cảm
giác an toàn vì được đỡ nâng bảo vệ. Anh tỉ mỉ chăm sóc cho nàng như một cô em
gái.
Nàng đã lầm lẫn đó là tình yêu, nhưng không phải ... mà đó là
tình anh em.
Hồng Nam đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ, nàng thầm nghĩ:
Thế còn tình yêu ... Bao giờ thì nàng mới có được tình yêu?
Tuấn Thanh chăm chú làm việc, anh cố sửa cho xong bản vẽ để
sáng mai họp, Thỉnh thoảng anh đưa mắt nhìn qua cửa sổ xuống cổng để ngóng ai
đó.
Hình như cô giáo không đến, anh cũng cảm thấy nhớ nhớ thế nào
ấy.
Đưa mắt nhìn đồng hồ, anh thầm nghĩ:
''Giờ này chưa đến là sẽ không đến rồi. Tại sao cô không đến?''
Tuấn Thanh vươn vai nhắm mắt lại thư giãn một chút.
Thấy anh trai ngưng làm việc Tuấn Anh rụt rè đến gần. Cậu nín
thở vì cậu sợ, vì không biết phải bắt đầu từ đâu.
Mở mắt ra thấy em trai, Tuấn Thanh ngạc nhiên:
- Em vào đây từ bao giờ.
Tuấn Anh nhìn anh trai:
- Chắc anh Hai còn giận em, có phải không?
- Giận em? Giận chuyện gì?
- Chuyện em không cho đem mô hình đi dự tuyển.
- À tưởng chuyện gì. Em không cho mang đi thì thôi, đâu có
sao. Cái chuyện cỏn con ấy quan tâm làm gì? Em đừng lo, anh quên ngay lúc ấy rồi.
- Bao giờ thì hết hạn?
- Em hỏi làm gì? Hình như sáng mai là hết hạn.
- Em muốn anh giúp em lo thủ tục dự thi. Em chấp nhận đưa mô
hình đi.
Tuấn Thanh nhìn em trai:
- Em đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Em thấu đáo rồi. Em đã hiểu ra những gì anh nói.
- Em cần phải liên hệ với cô giáo lấy bản vẽ, nếu họ đòi thì
phải nộp. À! Mà hôm nay sao cô giáo không đến dạy?
- Em không biết ... Hay cô ốm?
- Chắc không đâu. Em gọi điện cho cô giáo chưa? Hay cô ấy bận?
- Em gọi nhưng không ai bắt máy. Nếu bận, cô gọi điện báo
ngay. Không biết đã xảy ra chuyện gì? Cô ấy không thất hứa đâu.
- Hay cô ấy đi chơi với người yêu nên quên mất giờ.
Tuấn Anh cau mày:
- Em nghĩ cô ấy chưa có người yêu đâu. Hay xe cô ấy hư?
- Có hư thì đi bộ cũng đã tới rồi. Lát nữa em thử liên hệ lại
coi.
Tuấn Anh khẽ hỏi:
- Hay em cứ đăng ký rồi bổ túc hồ sơ sau, có trở ngại không?
- Nếu em đã nhất quyết thì để anh lo thủ tục cho ... Mà em
làm thế là đúng đấy. Cô Nam sẽ rất hạnh phúc.
- Bên công ty anh có dự tuyển nhiều không? Bao nhiêu mô hình
đăng ký?
- Có năm, nhưng chỉ có một xuất sắc. Dự kiến có thể lọt.
- Có nghĩa là em và anh đang cạnh tranh à?
- Ừ. Cạnh tranh lành mạnh. Em phải cố lên. Còn cô giáo, để
anh liên hệ cho.
Em đừng lo.
- Anh biết nhà cô giáo?
- Không, nhưng anh có cách. Đó là bí mật.
- Bí mật thì em không hỏi. Thôi em đi ngủ đây. Anh làm xong sớm
rồi ngủ sớm, anh cứ thức khuya, mau già lắm.
Tuấn Thanh bắt tay em trai:
- Chúc em ngủ ngon! Mai anh sẽ chở em đi đăng ký.
- Được mai em đi.
Tuấn Anh rời phòng, Tuấn Thanh nhìn theo em trai khẽ mỉm cười.
Anh biết em trai phải đấu tranh lắm mới chịu làm việc này. Và anh cảm thấy vui
vì nó biết mình nhận cái đúng cái sai và nhất là biết nghĩ đến người khác hơn
là nghĩ đến mình.
Nhớ đến lời hứa với em trai, anh vội bấm số gọi cho chú Đức
Sinh.
- Alô. - Tiếng chú Sinh vang vang.
- Xin lỗi, cháu, Tuấn Thanh đây. Cho cháu hỏi một chút. Cô Hồng
Nam ...
- Cháu thích Hồng Nam rồi phải không? Hỏi con bé có chuyện
gì?
Tuấn Thanh bật cười lớn:
- Không phải cháu hỏi mà em trai hỏi. Hồng Nam là cô giáo dạy
kèm của nó.
Hôm nay cổ không đến.
- À, thì ra là thế! Cô ta đến làm sao được.
- Sao thế chú?
- Mẹ cô ta ốm nặng về gấp chiều hôm qua. Có lẽ vì thế mà quên
báo cho bên cháu đấy.
- Vậy thì cám ơn chú. Bao giờ cô ấy về cho cháu biết.
- Được rồi, còn chuyện gì nữa không? Để chú gọi giúp cho.
- À! chú có biết quê cô ấy ở đâu không?
- À! Chuyện này thì chú không để ý. Vậy thì để chú hỏi cho.
- Cám ơn chú.
Tuấn Thanh trả máy về chỗ cũ, anh định báo cho em trai hay
nhưng anh nghĩ chưa cần, mai nói cũng được.
Trở lại với công việc, anh lại thấy đam mê.
Tuấn Thanh đưa mắt nhìn mọi người trong phòng họp, anh hỏi lớn:
- Chúng ta thống nhất đưa hai mô hình của kiến trúc sư Hoàng
Mạnh Kha và kiến trúc sư Lâm Bích Quyên lên thành phố dự thi. Yêu cầu hai kiến
trúc sư trẻ chuẩn bị lại bản vẽ và nộp. Có thể sẽ phải trình bày trước buổi họp.
- Thưa giám đốc, dự kiến có trúng tuyển hay không?
Tuấn Thanh mỉm cười:
- Đưa đi thi, dĩ nhiên ai cũng muốn được trúng tuyển. Nhiều
mô hình được đánh giá rất cao, nên xem ra cũng không phải dễ ăn đâu ... chỉ cầu
may thôi.
- Nếu trúng tuyển thì sao?
- Còn phải hỏi. Công ty sẽ nổi tiếng và sẽ được nâng lên hàng
quốc gia.
Tuấn Thanh giơ tay ra:
- Ta gút lại ở đây di, những gì đã thống nhất thì cứ thế mà
làm. Còn ai có trách nhiệm ở khu vực nào, xin để ý quan tâm chỉ đạo cho tốt. Có
hai công trình thúc công xin điều công nhân đủ để hoàn thành sớm trong việc
giao công trình.
Cám ơn mọi người.
Mọi người cùng rời phòng họp, Bích Quyên đuổi theo anh:
- Thưa giám đốc.
Tuấn Thanh dừng bước, khẽ hỏi:
- Có chuyện gì không?
- Dạ, cám ơn giám đốc.
Tuấn Thanh nhướng mày:
- Cám ơn về điều gì?
- Bản vẽ của em được chọn, cám ơn giám đốc.
Tuấn Thanh bật cười:
- Nếu cô cám ơn thì phải cám ơn cả ban làm việc chứ không phải
riêng tôi.
- Em biết, nhưng nếu không có giám đốc nâng đỡ thì em làm sao
có thể được dự tuyển đặc biệt như thế.
- Điều này thì phải nói đến năng lực của bản thân cô. Nếu cô
không có điều ấy thì tôi có muốn đỡ nâng cũng không được. Cô về lo chuẩn bị cho
chu đáo đi, nếu lọt vào vòng trong, cô phải thuyết trình dự án của mình đấy.
- Dạ, cám ơn giám đốc.
- Không có gì.
Tuấn Thanh trở về văn phòng. Bích Quyên đưa mắt nhìn theo với
nhiều toan tính. Cô đâu biết có ánh mắt luôn theo dõi cô. Mạnh Kha đột ngột xuất
hiện với giọng đầy trêu chọc:
- Cô đang dự tính sẽ chài mồi giám đốc của mình như thế nào,
đúng không?
Giá như có bà giám đốc thì hay biết mấy.
Bích Quyên nguýt dài:
- Anh độc miệng vừa thôi. Anh cũng được chọn, anh còn châm chọc
gì chứ?
Hãy lo mà chuẩn bị cho tốt đi, đừng để lẹt đẹt rớt chạy theo
tôi.
Mạnh Kha tròn xoe mắt:
- Cô kiêu vừa thôi. Tôi không có tham vọng như cô, tôi được
tuyển có lẽ là chó ngáp phải ruồi thôi thì đối với công ty cũng được vẻ vang
đôi chút. Nhưng tôi biết tôi không có cửa để lọt vô đâu, nếu có rớt thì cũng là
chuyện bình thường, vì tôi không có gì để mất cả. Còn cô ...
- Tôi làm sao? Anh đừng thấy tôi không nói gì rồi lấn lướt
nhé. Đừng quá đáng, tôi sẽ không nể mặt đâu.
- Tôi cần cô nể mặt sao? Cô không nói thì ai cũng biết cô là
người thế nào rồi. Hãy nhìn lại mình đi, kẻo không có ai dám đến gần cô. Cô
nghe rõ chưa?
- Anh dám ... - Bích Quyên nổi cáu - Anh tưởng tôi không đám
làm gì anh à?
Mạnh Kha khẽ nhún vai:
- Dĩ nhiên tôi rất sợ kẻ ném đá giấu tay rồi, và biết rõ là
ai thì tôi phải né thôi.
Dứt lời, anh quay gót đi thẳng. Bích Quyên bực tức ném theo
anh ánh mắt hằn học. Nâng tay kéo cổ áo cho thẳng, Bích Quyên quay về nơi làm
việc.
Bích Quyên không hề thích Mạnh Kha vì anh là đối thủ đáng gờm
của cô.
Kha là bậc đàn anh, tánh tình hơi kỳ dị. Anh làm vì thích vì
đam mê hơn là tham vọng, nên anh không đáng sợ. Có điều anh hay châm chọc và
nói như nhìn thấy tâm can người khác nên cô cảm thấy khó chịu.
Vừa ngồi xuống bàn. điện thoại di động Bích Quyên reo. Mở ra
xem, thấy ông Chương gọi, Bích Quyên vội tắt luôn. Cô cảm thấy bực bội khi bị
quấy rầy.
Độ rày, ông Chương liên tục gọi điện thoại cho cô, nhưng cô
không bắt máy. Cô muốn cắt đứt liên hệ với ông khi nhắm đến Tuấn Thanh. Nhưng cứ
như thế này thì cô phải gặp lại ông một lần để nói dứt khoát.
Cô xếp hồ sơ lại. Nhìn thấy Bích Quyên lại chuẩn bị đi, cô
thư ký chợt hỏi:
- Cô định đi đâu thế?
- Tôi ra công trình. Nếu giám đốc gọi đến, xin nói lại giùm
tôi.
- Được rồi. Vậy cô đi đi.
Bích Quyên có ra công trình, nhưng cô chỉ đi một vòng và xem
xét qua loa rồi bấm máy di động hẹn ông ở chỗ cũ. Đó là ngôi nhà chỉ có ông và
cô biết.
Bích Quyên đến nơi thì ông Chương đã chờ ở đấy rồi. Vừa thấy
cô bước vào nhà, ông đã hỏi ngay:
- Bây giờ em mới chịu gặp tôi sao?
Bích Quyên nhướng mày:
- Ông biết là em đang rất bận.
- Bận đến nỗi em không thèm nghe điện thoại của tôi hay sao?
- Ông cũng đừng quá lộ liễu quan hệ của chúng ta. Ông không sợ
người ta sẽ dị nghị hay sao?
- Tôi sợ hay em sợ? - Ông đứng lên khóa cửa và kéo kín màn cửa
- Tôi biết em muốn gì mà. Nhưng em nghe cho rõ đây, tôi đưa em lên được thì
cũng có cách để đẩy em xuống. Em có hiểu không?
Bích Quyên quay nhìn ông. Ông đưa tay vuốt ve khuôn mặt của
cô. Cô chịu trận bởi sự vuốt ve ấy. Bích Quyên hiểu là cô không thể chống cự.
Thấy cô im lặng, ông kéo cô vào lòng và ôm siết lấy cô.
Ông ho em đi tắm đã. Hay ông đi tắm trước đi.
Ông Chương vào phòng tắm, Bích Quyên đi chuẩn bị quần áo.
Trong lúc chờ, Bích Quyên suy nghĩ rất nhiều. Ông ta nói thì ông ta có thể làm.
Nếu cô không chiều ông ta cô sẽ mất tất cả khi sự việc phanh phui ra.
- Mình phải làm sao đây?
Bích Quyên thầm nghĩ. Có thể mình được lên thành phố thi đợt
này cũng nhờ ông ta thì sao? Tùy cơ ứng biến thôi. Trước mắt thì mình phải thuận
theo ông ta cái đã.
Ông Chương trở ra:
- Em vào tắm đi.
Bích Quyên hôn nhanh lên má ông rồi mới đóng sập cửa phòng tắm
lại. Ông Chương nhìn theo khẽ lắc đầu. Ông trở vào phòng ngủ mồi thuốc hút. Ông
soi mình trong gương và thấy mình đã già. Lần đầu tiên trong đời ông đã tự cho
mình được hưởng thụ, như ông bị một cô gái đáng tuổi con mình quyến rũ. Lúc ông
nhận ra mình là người đầu tiên đi vào đời cô ta, ông đã bán rẻ lương tâm mình.
Ông đã vì cô ta làm rất nhiều điều sai trái vì say mê cô ta, cũng như muốn bù đắp
cho cô ta.
Ông say mê cô ta quên cả gia đình lẫn con cái. Có những lúc
ông cảm thấy hối hận, nhưng khi ở bên cô ta, ông quên tất cả, không còn nghĩ đến
bất cứ ai cả.
Ông nghĩ cô hoàn toàn là của riêng ông, ông có hưởng thụ một
chút vào cuối đời cũng phải thôi khi một đời ông đã vất vả làm việc.
Cho đến lúc con trai tổng giám đốc về, cô ta bỗng trở mặt. Cô
ta đầy tham vọng. Đối tượng cô ta nhắm đến là chàng trai trẻ này, và bắt đầu lảng
dần ông.
Ông biết điều ấy nhưng ông không dứt bỏ cô, vì ông quá say mê
cô. Ông thấy mình ghen như đứa trẻ. Ông nghĩ ông không thể chịu đựng nổi nếu
ông mất cô ta, mặc dù ông biết cô ta không bao giờ là của ông. Cô ta sẽ bỏ ông
nếu cô ta tìm được một nơi tốt hơn.
- Ông đang nghĩ gì thế?
Bích Quyên bước ra từ phòng tắm, cô quấn chiếc khăn tắm ngang
người và sà vào lòng ông Chương, mùi thơm lan tỏa từ người cô làm ông ngất
ngây. Kéo chiếc khăn tuột khỏi người cô, ông vuốt ve cưng chiều cô. Bích Quyên
đẩy tay ông ra khúc khích.
- Ông làm em nhột.
Ông siết chặt cô trong vòng tay:
- Tôi điên vì em mất.
- Ông làm em đau.
Bích Quyên quay lại, cô ôm cổ ông:
- Có phải ông đang ghen không?
- Em còn nói điều ấy hay sao? Em biết tôi đã dám làm tất cả
vì em, em còn muốn gì nữa đây?
Bích Quyên bật cười:
- Em có nói ông cũng không làm đâu.
- Có điều gì mà tôi không dám làm vì em. Em cứ thử nói xem
nào.
Bích Quyên ôm ông lăn ra giường:
- Ông nói thật chứ?
Ông gật nhanh:
- Em nói đi.
- Em muốn ông cưới em.
- Cưới em?
- Phải. Em muốn ông cưới em, cưới chính thức. Em không muốn cứ
lén lút như thế này mãi đâu.
Ông ôm siết lấy cô dỗ dành:
- Không được. Em nói thế khác nào em bảo tôi ly dị vợ.
- Thì muốn có em, ông phải làm thế thôi. Ông không thể vừa có
em vừa có gia đình. Ông hãy chọn đi.
Ông Chương lặng thinh. Bích Quyên nhìn ông bật cười lớn:
- Ông không thể chọn được chứ gì?
- Làm sao tôi có thể bỏ một gia đình chưa bao giờ lầm lỗi với
tôi.
- Thế còn em thì sao? Hay em chỉ là thứ để cho ông giải trí
mà thôi sao?
- Tôi không có ý như thế. Nhưng em cho tôi thêm ý nghĩa của
cuộc sống cho tôi cảm thấy mình như trẻ lại. Em cho tôi lại cái đam mê khao
khát của tuổi trẻ và cái nồng say của tình yêu. Tôi yêu và si mê em. Nhưng gia
đình là phần làm nên cuộc sống của tôi, sao em lại ép tôi phải lựa chọn. Chúng
ta cứ như này có phải hay hơn không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét