Tấm lụa đào 1
Chương 1
Ông Tư thức dậy sớm ra vườn tưới cam như thường lệ. Ông đã
chăm chút mấy chùm cam trổi từ mươi bữa nay. Ông dựng chiếc gàu mo vào gốc cam
và ngước nhìn lên. Kiến vàng bỏ ổ trống bộn vì kiến hôi. Lũ bất lương này từ đâu
đến phá tán làm đồng loại tan cửa nát nhà. Ông oằn nhánh xuống bẻ chùm trái ửng
dạ, nghiêng qua lật lại xem xét. Kiến vàng thưa thì cam sẽ ít nước và chai dần.
Phải đánh đuổi chúng nó đi thì vườn cam mới tốt được.
Ông Tư tưới xong, đem cam vào nhà thì Minh cũng vừa thức dậy.
Ðêm qua nó với thằng Bảo, hai anh em đi cắm câu được cặp cá lóc cháo. Ông Tư bảo
con:
- Con đem cam với cá biếu cho thầy Tám trước khi nhập trường.
Thằng Bảo đang ngủ, nghe nói, ngồi bật dậy , phóng xuống đất:
- Ðể con dẫn ảnh đi đường tắt cho mau
Thằng Bảo định lấy sợi dây lạt cà bắp xỏ mang cá còn Mình cầm
mấy trái cam, nhưng ông Tư bảo:
- Món gì biếu cho thầy cũng phải ngon lành và trang trọng.
Cam thì để trong rổ cho khỏi dập, còn cá thì bỏ trong giỏ đàng hoàng. Vậy mới
phải lễ của trò đối với thầy. Con nên nhớ câu: Không thầy đố mầy làm nên nghe
con! Hồi ba đi chọc chữ Nho, ông nội con luôn luôn nhắc nhở câu "Quân Sư
Phụ" .
Bà Tư bắt thêm cặp trê vàng mọng và xúc một quả nếp trắng, đặt
mấy quả cam vào rồi dặn Minh:
- Con bưng cam và nếp. Ðể thằng Bảo xách giỏ cá. Nó mà bưng nếp
thì tới đó không còn một hột.
Thế là anh em khởi hành.
Thầy Tám dạy trường xóm. Trường của thầy cứ dời chỗ luôn. Có khi là chái nhà của
cha mẹ học trò hảo tâm. Có khi chỉ là cái chòi trống của nhà giàu để dành chất
củi. Chỗ nào không dột , nắng không chói , đủ lót cái bàn hoặc bộ ván thì đó có
thể là nơi dạy học của thầy. Thầy không học trường sư phạm, nhưng cả trăm trẻ
con trong xóm đứa trước, đứa sau đều đến đây thọ giáo. Nhiều đứa đã vô trường
làng, lên trường quận, trường tỉnh, trong số đó có Minh.
Thầy dạy suốt năm không bải trường, không hạn chế tuổi học
trò, không có lớp riêng biệt. Ðứa nào đến, thầy tùy trình đột mà dạy, từ a, b,
c đến toán nhơn một con, toán chia hai con. Mười đứa mười lớp, không đứa nào học
giống đứa nào.
Tiền công của thầy được cha mẹ học trò quy định là một đồng một
tháng, nhưng có nhiều người đền ơn thầy hai, ba cắc, còn lại thì đem bầu bí, gạo
nếp, cá mắm bù vào. Thầy Tám vui lòng nhận tất cả, không kèo nài.
Thầy dạy ở xóm lâu lắm, không ai nhớ được mấy chục năm. Có
gia đình cha học chữ của thầy rồi con cũng học chữ của thầy, nói gì anh em như
Minh và Bảo.
Vừa đi , Minh hỏi em:
- Mấy giờ thầy lên lớp?
- Tụi em tới chừng nào thầy dạy chừng đó. Khi ở nhà có chuyện,
cha mẹ tới kêu con về, xong việc trở lại học tiếp.
Minh sực nhớ ra hồi trước mình cũng vậy. Cứ tới học, chừng
nào thuộc thì thầy phóng bài mới chớ đây có "thời dụng biểu" , giờ
nào bài nấy như trường nhà nước.
Bảo dắt anh đi len lỏi qua hè nhà bà bảy, người đạo Cao Ðào,
thường mua núm mối của Bảo, băng ngang vườn ông Hai Nghi đạo Thiên Chúa, xẹt
qua trước cửa nhà ông Tám Kỳ, chuyền trên đầu bụp lá qua xẻo nhỏ ông Bộ
v.v...toàn những đoạn đường mới trong vườn do lũ học trò mở mang để đi ngang về
tắt cho mau.
Ở tỉnh, mang guốc trên mặt đường tráng nhựa, vừa đi vừa hút
gió nhạc Tây khoẻ ru, bàn chân không khi nào bị vấp. Còn ở đây , mặt đất đầy lỗ
chân trâu, đầu bập lá nhọn như gươm, cũng phải bước lên. Nhiều khi phải đi cầy
độc mộc, chạy vụ qua thân cây cau bắc ngang mương (nếu đi chậm sẽ té), có quãng
lại phải lách mình qua kẹt lá, bường tới...Con đường ngoằn ngoèo này Bảo thuộc
lòng và đi nhanh như gió, làm anh nó bước theo mướt mồ hôi.
Ðang đi bỗng Bảo đưa giỏ cá cho Minh xách:
- Ðể em bắt tụi còng gío đỏ xanh này chơi.- Nói xong lội xuống
mương.
Bắt còng gió xong lại reo lên:
- Ðể em móc cái hang này chút đã !
- Hang gì mà móc ?
Bảo trỏ vào mé bờ có dấu đất đùn, quả quyết:
- Dấu chân ếch còn mới tinh !
Nói xong Bảo thò tay vàohang, miệng liến thoắng tía lia:
- Ðể em bắt cặp ếch nầy về ca-ri cho ba nhậu...Ha..ha...!
Bỗng Bảo ré lên rồi rút tay ra. Một con cua biển vàng nghính
đeo dính tay cậu bé. Bảo vung mạnh, nhưng chú cua không sứt. Hai chiếc càng cua
kẹp cứng tay Bảo như kềm sắt. Bảo nhăn nhó, nhưng không có vẻ hốt hoảng. Có lẽ
cậu bé đã từng bị cua kẹp nhiều lần nên không sợ. Cậu đưa tay lên mé bờ bảo
Minh:
- Anh nạy cái ổ tèng heng kia kìa, nện thẳng tay lên lưng nó
giùm cho em!
Minh buông gió cá và quả nếp xuống làm theo lời Bảo. Con cua bị đập bể mu, càng
rụng lìa thân nhưng vẫn còn kẹp dính tay thằng nhỏ. Bảo đưa tay lên miệng cắn
"rốp rốp" như nhai xương dòn. Hai chiếc càng cua rớt xuống bùn cùng với
mấy giọt máu. Bảo quệt vào quần, vọt lên bờ, đưa lên miệng mút máu, bứt lá nhai
đắp vào vết thương rồi nhặt chú cua ngất ngư bỏ vào giỏ một cách thoải mái.
Hai anh em lại tiếp tục đi. Minh thương em:
- Càng cua bén quá !Lủng thịt sâu không em?
Bảo không trả lời theo câu hỏi, mà lại càu nhàu:
- Nhà của người ta lại nhảy vô ở càn!
- Nhà gì, của ai, em?
- Ðây là hang ếch. Cua tới, ếch sợ nên bỏ đi. Cua chiếm lấy,
chớ nếu là hang cua em biết liền. Cua bò khác dấu chân ếch. Tại em sơ ý nên mới
bị nó kẹp.
- Gần tới trường chưa em ?
- Còn chút nữa.
- Bữa nay em không đi học sao?
- Anh sắp lên tiẻnh nên ba biểu em ở nhà chơi với anh. Mai em
sẽ phụ khiêng tiếp đồ của anh vô chợ đưa lên mui xe, chớ mình anh vác sao nổi ?
- Anh thích đi đò hơn.
Minh nhìn chú cua bị thương trong giỏ, lắc đầy:
- Bầm dập như vầy làm sao cho thầy?
- Nó còn nguyên cũng không cho thầy được.
- Sao vậy ?
- Vì ổng rụng răng hết rồi, nhai gì bể.
Minh sực nhớ ra. Thời gian qua, hồi Minh học vỡ lòng tới bây giờ là bao nhiêu
năm ? Lúc đó Minh nhỏ hơn Bảo bây giờ. Ðến trường có khi ông Tư phải cõng đưa tới.
Bỗng Bảo hỏi bất ngờ:
- Anh có gặp ông Cạc...cạc nô ở trển không ?
- Ông Cạc-nô nào ?
- Cái ông ở trên trển ấy mà!
- Không, anh không có gặp!
-Sao thầy bảo là ổng ở trên đó?
Minh hiểu ra ông Cạc nô là ai rồi. Ông ta ở trong sách Luân lý giáo
khoa thư, Minh được thầy dạy ở trường làng. Sao bây giờ học trò trường xóm như
Bảo mà cũng học ? Tội nghiệp cái bộ óc non nớt của Bảo có biết Cạc nô là
ai mà cũng nhớ.
- Thầy nói ông Cạc nô ra sao em? - Minh hỏi
Thằng Bảo ngẫm nghĩ một chút rồi đáp:
- Thầy nói ông Cạc nô hồi nhỏ học với thầy xóm như
tụi em bây giờ học với thầy Tám vầy nè, khi lớn lên thì ổng làm quan rồi trở lại
trường thăm thầy. Thầy đã già , mắt yếu nhìn không ra. Ông ta bèn nhắc lại:
"Tôi là Cạc nô đây, thầy còn nhớ tôi không?" Vậy đó!
Rồi hỏi anh:
- Hồi trước thầy không có dạy cho anh sao?
- Anh vô trường chợ mới học.
- Ông Cạc nô bây giờ ở đâu hả anh?
- Ông ở bên Tây chớ đâu phải bên này!
Thằng Bảo ngớ ra, nó không biết bên Tây là ở đâu. Nó ngây ngô
cười:
- Vậy em tưởng ổng ở bên mình và ổng cũng học một thầy với
anh và em!
- Không phải đâu em à! Ðó là chuyện bên Tây chớ không phải là
chuyện bên mình.
- Bộ bên mình không có ông Cạc nô sao anh ?
- Có chớ sao không! Nhưng không có ai viết ra được!
Thằng Bảo dắt Minh đi một chập nữa thì tới trường Nó dừng lại khẻ bảo với vẻ mặt
nghiêm trang.
- Ông thầy đã cưới vợ, chứ không ở cu ki như trưóc.
- Hồi nào, sao anh không biết?
- Lâu rồi. Thầy có con trai bằng em vậy. Nhà bà thầy bây giờ
là trường học đó. Anh nhớ chào bà thầy nghen !
Thầy đã có vợ con! Chuyện đời đã thay đổi nhiều mà Minh vì mài miệt với bút
nghiên, cứ tưởng là mọi việc đều như cũ, trong lúc không có gốc cây ngọn cỏ nào
còn nguyên, không có người nào còn trẻ như trước. Mải lo học hành, lắm lúc,
Minh cũng không nhớ tới thầy xưa bạn cũ nữa.
Thằng Bảo vô lớp, bạn học của nó trố mắt nhìn vì theo sau nó có người lạ, mặt
mũi trắng trẻo bảnh trai. Thầy Tám đang giảng bài, ngưng lại, tụt mắt kiếng xuống
khỏi sống mũi để nhìn.
Thằng Bảo nhạy miệng nói trước:
- Ba cháu biểu đem cho thầy ít trái cam, một lít nếp và cá
lóc cá trê.!
Nói xon đem quà vật thẳng xuống bếp đưa cho bà Tám, nhân tiện
xin miếng giẻ để rịt vết thương rồi ra ngồi hợc như thường. Còn Minh đứng tần
ngần trước mặt ông thầy cũ mà tưởng người nào khác.
Râu tóc thầy bạc trắng, thân hình gầy nhom, mắt nheo nheo như
muốn hỏi: "Chú là ai?"
Minh qua phút bàng hoàng, chắp tay, cúi đầu:
- Dạ con là Minh đây, thầy còn nhớ con không?
- Minh đó à? - Nói vậy nhưng thầy vẫn chưa xác định Minh là
ai!
- Dạ, bé Minh nhõng nhẽo thầy thường cho kẹo dừa nè thầy.
Một đứa học trò vọt miệng:
- Dạ, anh Minh , anh thằng Bảo đó thầy.
- À, vậy hả? Lâu nay con đi đâu?
- Dạ, con vẫn còn đi học.
Ông thầy già nheo mắt, kéo kiếng lên như để nhìn cho rõ hơn mắt
trần; vì trong đời ông dạy đến cả trăm học trò, có thể có vài ba trò Minh chớ
không phải chỉ có một.
- Con học ở đâu bây giờ?
- Dạ, ở trên tỉnh thầy ạ!
- Trời đất, xa dữ vậy sao con?
- Dạ.
Ông thầy già lại tụt kiếng xuống, bước tới nom sát mặt Minh như để nhìn cho gần
thêm, đây là Minh nào. Ông không ngờ trong đám học trò xưa của ông lại có đứa
lên tận tỉnh. Ở đó nó học những gì, ông cũng không tưởng tượng ra. Chỉ biết
trên tỉnh là xa, xa lắm. Và cả đời ông cũng chỉ nghe chớ chưa đi tới đó bao giờ.
Bà thầy từ bếp bước ra nhắc cho chồng:
- Thằng cháu Minh ở xóm Cổ Cò. Ông già nó là chú Tu. Chú vừa
đến nhờ mình coi ngày giùm, ông quên rồi sao?
- Ờ, ờ, tôi nhớ ra rồi. Tôi coi ngày đám hỏi cho nó ấy mà!
Thầy Tám nheo nheo mắt rồi tỏ vẻ ngạc nhiên với vợ:
- Nói vậy tôi coi ngày đám hỏi cho thằng nầy đây à?
- Chớ còn ai nữa?
- Mới ngày nào nó tới học với tôi, tôi phóng bài sổ đứng cho
nó đồ. Nó là đổ mực bít cả trang giấy rồi khóc, đòi về. Mà bây giờ đã lớn cỡ
này rồi. Mười mấy năm tôi không có gặp nó lần nào.
- Mấy năm trước chú Tư có tới đem bánh tét bánh phồng đến cho
ông vào ngày mồng hai Tết. Năm nào bãi trường nó cũng đến thăm ông.
- Vậy thì tại tôi quên. Con nít đông qua làm sao tôi nhớ hết!
- Thầy Tám quay lại Minh - Con học tới lớp mấy rồi?
- Dạ, năm nay tựu trường trở lại con lên năm thứ tư.
- Ủa, sao kỳ vậy? Thầy nhớ con ngồi lớp ba trường làng hồi bảy
tuổi. Sao bây giờ con lại trở xuống lớp tư ?
Minh lể phép thưa:
- Dạ thưa thầy, năm thứ tư là năm cuối cùng của ban
trung học chớ không phải lớp tư trường làng ạ.
- À, vậy hả?
- Dạ.
- Vậy thì sau khi đậu bằng Thành Chung con có thể xin về dạy lớp
nhứt trường làng phải không con?
- Dạ phải.
- Trời đất! Con đã học lên tới đó rồi sao? - Thầy Tám sửng sốt
giây lâu - Vậy mà thầy đâu có hay!
Ông thầy xóm đứng lặng người ra nhìn đứa học trò của mình.
Ông mường tượng con đường nó đã qua, và đoạn đường nó sắo tới. Ông lẩm nhẩm:
- Con hơn cha nhà có phước. Trò hơn thầy trừogn càng có phước
hơn !
Thầy tám không ngờ mình lại có được một đứa học trò như Minh.
Tội nghiệp, học giỏi vậy mà không quên ông thầy vỡ lòng. Thầy Tám quay lại đám
học trò nhem nhuốc:
- Thầy có bao nhiêu chữ thầy dạy hết cho các trò nhưng các trờ
phải ráng học.
Ðám học trò ngồi lặng im, trố mắt nhìn. Thầy Tám khuyên chúng như vậy nhưng thầy
biết khó bề. Chúng nó phải giữ em cho cha mẹ đi cấy đi cày. Nhiều đưa đã phải
đem thân ở đợ khi chưa học hết vần xuôi . Dễ gì làm bạn lâu đời với
bút mực.
Học cao như Minh trong làng có được mấy người ? Chữ nghĩa quý thật, nhưng chữ
quý với người biết giá trị của chữ nghĩa, còn ngoài ra chữ nghĩa là vô nghĩa.
Dân mình cam đành chịu dốt không phải là vì không biết quý chữ nghĩa mà vì người
cai trị khinh miệt chữ nghĩa. Gặp lại học trò cũ giỏi dang, thầy rất vui, nhưng
bụng lải ngùi ngùi. Vài năm nữa, già yếu mắt mờ, thầy cũng sẽ nghỉ dạy. Dầu mến
yêu, thương hại cho đoàn hậu tấn, thầy cũng phải tạm biệt chúng. Ðúng hơn là
chúng đang xa dần thầy. Thóc cao gạo kém, cha mẹ đâu có để cho con rảnh rang đi
học, hầu được dăm ba cái chữ giắt lưng ra đời. Tiền bạc có ý nghĩa hơn. Muốn
làm một lá đơn, bỏ ra đồng bạc là có liền, còn muốn tự tay viết một lá đơn phải
mất tới mười năm ...tới trường miệt mài. Làm sao thấy Tám nói được nỗi buồn của
một ông thầy xóm biết nghĩ xa?
Thầy Tám sực nhớ hồi thầy còn nhỏ, làng này chưa có trường chợ. Con nít không
biết trường là cái gì. Một lần có một người Pháp chạy xe hơi tới chợ làng bỗng
xe tắt máy. Ông ta nói không ai nghe được. Cả chục người bu quanh, Pháp Việt dề
huề bằng cách mạnh ai nấy qươ tay quơ chân không ai hiểu ai. Người ta chạy đi
tìm một người biết tiếng Pháp , nhưng không có. Cho tới bây giờ là năm mươi
năm! Mói có trường làng và một người như Minh.
Thầy Tám bèn hỏi Minh:
- Bây giờ mà rủi có Tây đến đây, con có nói vớ họ được kh6ng?
- Dạ được!
- Ðược mà nhiều hay ít?
- Dạ...Thì họ nói bao nhiêu con nói bấy nhiêu.
- Con giỏi vậy à? - Rồi thầy Tám tiếp - Con ông Hội Ðồng gì ở
làng bên , nghe nới đi học đâu xa lắm mà khi về nhà chỉ được cái bằng cấp nhảy
đầm. Bằng cấp nhảy đầm thì để dành cho tây đầm chớ người mình thì lấy làm gì!
Người mình đâu có biết nhảy cái thứ đó! Con lên trển rán học hành cho thành tài
để đáp đền ơn chín chữ cù lao và để lập thân. Chớ có theo phường lố
lăng vô học, lúc nào cũng khoe tiền nhiều, áo tốt, còn đầu óc thì trống rỗng
như cái lóng tre không mắt.
- Dạ!
Minh khẽ cúi đầu nghe mà khoé mắt nóng ran. Minh thương thầy
lẫn xót đàn em trẻ dưới mái trường tối tằm trong cái xó hóc vô danh này. Cứ như
nhịpđộ xưa thì năm mươi năm nữa con nít mới hết đi học trường xóm như hiện nay.
Bỗng đâu có bóng người xuất hiện ngoài ngõ. Thầy Tám ngó ra. Trông dáng người
và cách ăn mặc của khách thì thầy biết không phải người trong xóm. Thầy lẩm bẩm:
- Con chim khác linh thật. Nó mới kêu hôm qua ở trước cửa
nhà, nay đã có khách.
Thầy Tám vừa bước ra thì khách đã vào tới quá nửa sân. Trông
ông ta không trẻ hơn thầy Tám là mấy. Ðầy bịt khăn đen, quần trắng, áo dài đen,
chân đất, cặp nách cây dù đen cán ngoéo, vai mang một bọc vải đen khá lớn, tay
xách một chiếc bình tích sành trắng. Thầy Tám chưa từng gặp một người nào như vậy,
nên rất bỡ ngỡ không biết phải tiếp đón ra sao, thì khách nói bằng một giọng
"trọ trẹ" khó nghe và tiếng "ạ" hơi lạ tai.
- Thưa bác, tôi là người ở đàng ngoài vào đây bán "thuốc
cao trà đéng" ạ!(Thuốc cao, trà "đéng". Ðó là những món thầy
từng nghe nhưng chưa thấy).
Khách hơi khựng lại trước cửa. Học trò rục rịch đứng dậy theo
phép lịch sự của thầy dạy.
- Xin lỗi! Tôi đến không đúng lúc, làm phiền gia chủ - Khách
tỏ vẻ lịch thiệp.
- Không sao, xin mời vào! - Thầy Tám đưa khách lên nhà trên,
nhắc ghế mời ngồi.
Người khách nói:
- Xin gia chủa cứ tự nhiên dạy trẻ, tôi ngồi đây chờ mãn lớp
sẽ thưa chuyện!
Minh định bụng chào thầy ra về, nhưng thấy khách có vẻ khác
thường nên ở nán lại chơi. Thấy khách ái ngại, Minh bước theo lên nhà chắp tay:
- Thưa thầy, để con dạy các em thay cho thầy tiếp khách.
Khách nhìn Minh hơi ngạc nhiên vì gương mặt khôi ngô và dáng
điệu bặt thiệp. Thầy Tám giới thiệu Minh. Người khách gật gù:"Hậu sinh khả
uý! Một Cạc nô tân thời chăng ?"
Người khách đặt chiếc bình tích lên bàn, mở chiếc bọc rồi lần
lượt lấy ra từng món:
- Ðây là quế khâu vị trị đau bụng, đây là trà
đéng uống tiêu cơm, đây là mật gấu trị bá chứng, đây là thuốc
cao trị đau lưng, nhức đầu, nhức xương. Xin lỗi, ở nhà, gia chủ có sẵn nước
sôi không, cho tôi xin một chút để pha vài chén trà mời gia chủ nếm thử.
Thầy Tám đi xuống bếp đem cả cái siêu nướ đang sôi và lấy hai
cái tách sành để trên bàn.
Người khách móc túi lấy con dao nhỏ gọt mấy lát quế vào tách
rồi rót nước. Xong mở gói giấy trong bọc lấy mấy nhánh trà bỏ vô siêu đậy nắp lại,
rồi hai tay cầm lấy tách nước quế:
- Mời gia chủ dùng thử.
Thầy Tám nâng tách trà lên. Mùi quế thơm cay, bốc lên mũi.
Người khách nói:
- Ðây là quế thật, nên chỗ gọt màu mỡ như ướt, còn nếu khô
khan thì quế giả.
Thầy Tám hớp khẽ nuốt chậm rồi lắng nghe như uống thuốc bịnh.
Hớp luôn vài hớp, thầy Tám gật đầu:
- Quế ngon thật! Uống như thuốc bổ. Nghe thông mũi hết sức.
Người khách được trớn giải thích luôn các món thuốc khác:
- Thuốc cao này nấu bằng các thứ rễ cây trên rừng.
- Rễ gì vậy ?
- Bất cứ rễ gì. Ðào về băm nhỏ trộn tất cả lại rồi để vào trả
to đổ ngập nước nấu. Hai bà ngày đêm, nước sắt lại rồi đổ qua nồi nhỏ. Nấu vài
ngày đêm nữa, chỉ còn một om. Bây giờ chụm lửa ít. Nấu cho đến lúc đặc như thế
này thì trút vào bình. Một thùng nước lớn mà còn có bấy nhiêu đây.
Người khách giở nắp bình cầm cái muỗng gỗ, để sẳn trong bình
khuấy khuấy vài lượt rồi giơ lên. Thuốc màu đen như dầu hắc, lấp lánh như huyền,
đặc sệ, chảy xuống có dây.
- Ông nói lại xem thuốc này trị bịnh gì?
- Dạ, đau lưng, tức ngực, nhức mỏi, chóng mặt, nhức đầu đều
trị được hết!
- Vậy thì để tôi mua một ít. Mà ông bán cách nào?
- Dạ, một cắc một thìa .
- Thìa là cái gì?
- Thìa là cái này- Nguời khách trỏ chiếc muỗng gỗ cắm trong
bình.
- Vậy để tôi hai muỗng.
- Ông mua năm cắc đi, tôi bán rẻ cho.
Thầy Tám quay lại thì thấy vợ đứng ở cửa buồng. Bà Tám tiếp lời
chồng:
- Ông ngồi dạy học hay đau lưng, nên mua khá khá một chút.
- Ừ, bà ra đây coi mấy món thuốc này.
Bà Tám bước ra. Người khách đưa cho bà miếng quế. Bà cầm lên
xem và hỏi:
- Mấy miếng vỏ cây này để làm chi vậy ông thầy?
Bà phong cho người khác danh hiệu "thầy thuốc" một
cách hồn nhiên. Vì đây là người biết trị bịnh cũng như thầy Chệt trong chợ,
cũng như thầy Tám dạy học trò. Theo bà, hễ ai dạy người khác việc gì thì đáng gọi
là thầy: thầy nghề võ, thầy lỗ ban cũng đều là thầy cả.
- Khi lột nó ra khỏi thân cây thì nó còn tươi, Khi phơi, nó
cuốn lại. Như vậy, bên ngoài khô mà bên trong không khô, cho nên phải phải lấy
que trúc ngáng nó ra giống như chiếc thuyền nan vậy.
- Thuyền nan là gì ? - Thầy Tám hỏi.
- Dạ, là cái thuyền đan bằng tre chúng tôi chạy buồm từ ngoài
nớ vô đây.
- À tôi biết rồi. Ðó là cái ghe bầu. Năm nào gần Tết cũng có
ghe bầu ngoài Huế vô đây bán thúng rổ, nia sàng, rổ đi chợ, gàu tát đìa, đươn
thật khéo. Hồi trước họ vô đây đều hơn. Mấy năm nay không biết sao hơi thưa.
Nói vậy thầy cũng ở ngoài Huế vô đây hả ?
Người khách lễ phép thưa:
- Dạ không phải! Huế còn xa ở ngoài nữa. Chúng tôi ở xứ Quảng,
phía gần trong nầy.
Bà Tám nói:
- Ở đây hễ nghe nói tiếng "trọ trẹ" thì bà con cứ
kêu là "người Huế". Bởi vậy nên có câu hát: Anh về ngoài Huế thắt
rế tai bèo; Gởi vô em bán đỡ nghèo đôi năm"
Thầy Tám phụ hoạ với vợ:
- Ở gần đây có ba, bốn người cũng nói giọng giống ông. Hồi nẳm
họ cũng vô đây bán thúng nia, rồi không biết sao ở luôn trong này, cưới vợ có
con mua đất mua trâu mần ăn khá lắm. Ðể chốc nữa tôi kêu họ lại đây nhìn bà
con!
Thầy Tám hỏi mua cái mật gấu để uống trị bịnh tức ngực và một
vài món thuốc trị bịnh con nít, để phòng khi học trò có sổ mũi nhức đầu thì cho
uống.
Thầy Huế soạn ra, kể tỉ mỉ cách dùng từng món và cười đắc ý:
- Hôm nay thật là ngày tốt, thánh dắt tôi tới qúy địa gặp
nhơn huynh. Tôi chỉ lấy nửa giá tiền. Một thanh quế, một gói trà, cái mật gấu ,
xin một đồng bạc thôi!
- Ông đi đường biển xa xôi hiểm trở vô đây, công đó đã quý rồi,
tôi đâu dám trả rẻ vậy.
- Tôi bán rẻ vì nhơn huynh là đồng nghiệp của tôi.
- Nói vậy nhơn huynh cũng làm nghề dạy trẻ?
- Trước kia cơ, còn bây giờ thì làm bạn với gió mây!
Hai bên chủ khách vừa uống trà Huế, vừa nói chuyện và dần dần
đi vào mối tương đắc và đổi cách xưng hô. Thầy Huế ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi lễ
phép thưa:
- Dám hỏi nhân huynh một câu, xin miễn chấp!
- Xin cứ tự nhiên cho.
- Nhân huynh tái giá đã được đúng mười năm thì phải!
- Sao đại huynh biết giỏi vậy ?
- Ðôi liễn tang bụi bặm mờ kia cho tôi biết điều đó.
- Nhà tôi tái giá, còn tôi mới thành hôn lần đầu.
- Chắc trong đám học trò kia có cậu ấm nhà ta.
- Dạ, nhờ trời ban phước, thằng bé nay đã học thuộc lòng các
phép toán.
- Nhơn huynh có quý tử vào lúc...
- Ngoại ngũ tuần
- Vậy nhơn huynh là người đại phúc.
Hai người càng nói chuyện càng tâm đầu ý hợp. Qua dòng tâm sự, thầy Tám thấy thầy
Huế khôngphải là người bán thuốc dạo mà là một ông thầy Nho đã từng dạy học
trò, nhưng vì thời thế đổi thay
ông nghè ông cống cũng nằm co
nên nhà Nho mới ra nông nỗi. Thầy Tám bèn mời thấy Huế ở lại đàm đạo. Thầy Tám
cũng biết chút ít văn chương điển tích nhưng so với ông thầy Huế thì quá ít ỏi.
Thầy Huế nói chuyện bên Tàu lẫn bên Ta., thầy Tám nghe mê man. Từ chuyện Tần Thủy
Hoàng sợ chữ đốt sách chôn học trò đến chuyện Chiêu Hổ mó vào "hang
hùm" của Hồ Xuân Hương và những giai thoại bình dân :
chó vá cắn thợ may
ngựa kim ăn cỏ chỉ
da trắng vỗ bì bạch...
Thấy Huế càng nói càng say mê, thầy Tám càng nghe càng thú vị.
Nhờ Minh dạy thay nên thầy Tám không phải bận tâm. Hai người bạn mới trở thành
tri âm. Hết chuyện thuốc men, bắt sang chuyện văn chương. Khi hai người hứng
thú cười vang thì Minh ló đầu lên nghe lóm, nhiều lúc quên cả nhiệm vụ. Ðến chiều,
thầy Huế mới nhớ ra việc bán thuốc, Thầy Tám kêu bà con trong xóm đến mua giúp
cho thầy Huế. Thầy Huế xiết chi cảm động bèn viết tặng thầy Tám mấu chữ Nho bằng
bút sắt "Hội Ngộ Phong Vân - Hải Trình Vạn Lý " và một bài
Ðường luật chữ Nôm:
Trẻ con mươi đứa dạy cầu vui
Buổi xế chiều đông rộn tiếng cười
Dấu sắc dấu huyền còn lộn xộn
Vần xuôi vần ngược cứ lôi thôi
Măng non cậy có bàn tay uốn
Cổ thụ cuồng phong đã tả tơi
May được Cạc nô về thăm lớp
Ấy là hồng phúc để muôn đời
Lưu luyến rồi cũng phải chia tay. Thầy Tám đưa bạn xuống lộ
làng, rồi cùng đi một quãng xa. Trời chiều tươi sáng nhưng cuộc chia ly làm cho
lòng người cảm thấy phong cảnh thê lương. Thầy Huế đứng lại và nói với giọng
xúc động:
- Xin nhân huynh trở lại. Năm sau khi gió chướng thổi mạnh
tôi sẽ có mặt ở đây để mình còn tâm sự tiếp. Tôi sẽ sửa lại cặp trạng của
bài thơ chưa được ổn lắm.
- Xin đại huynh chớ quên cuộc đất nghèo nàn tăm tối này.
Thầy Tám móc trong túi ra một đồng bạc đãi bạn lên đường. Thầy
Huế không nhận, cho rằng tấm thạnh tình của lối xóm như vậy đã quá nhiều, nhưng
thầy Tám nhét vô tay nải của thầy Huế.
Hai người bạn già nhìn nhau mà nước mắt tuôn ròng. Thầy Tám đứng
nhìn dáng gầy gò của thầy Huế xa dần trên con đường đất. Sắp đến khúc quanh, thầy
Huế quay lại vẫy tay hồi lâu. Thầy Tám cũng vẫy tay đáp lại rồi chờ bạn đi khuất
mới quay lưng. Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!
Minh có mặt ở lớp học suốt buổi thư đàm của hai ông thầy. Khi
thầy Tám tiễn chân thầy Huế, Minh lại đi theo và cũng buồn lây với thầy.
Nhưng điều mà Minh ngạc nhiên là ngoài nhà trường, còn có một
nền văn hoá khác không ghi chép trong sách vở, không được giảng dạy chính thức
mà vẫn tồn tại. Ðó là giai thoại văn chương rất lý thú mà Minh vừa nghe. Minh
thích hơn cả những "bài Annamite" giảng bằng tiếng Pháp ở trường.
Ngoài những món thuốc Tây bán ở tiệm và thuốc Bắc do thầy Chệt
coi mạch và kê đơn, còn có những món thuốc của thầy Huế với cái tên chung là
"thuốc cao trà đắng" mà bà con đã công nhận như thuốc gia truyền, ai
cũng có thể bào chế hoặc dùng được. Cuộc sống văn minh của thành thị và cuộc sống
tối tăm của thôn quê ví như bản nhạc Tây và câu hò cấy , mỗi loại đều có âm
thanh riêng biệt và đều đáng yêu.
Năm sau, khi gió chướng bắt đầu thổi lai rai thầy Tám nhớ ông
thầy Huế. Nhưng không thấy ông bạn xưa trở lại. Cứ mỗi lần thấy đàn bà đi chợ về,
xách theo thúng nia Huế thì ông càng nao nao. Ông tự dựng cớ đi mua bút giấy để
tìm những chiếc ghe bầu, hỏi thăm ông bạn thơ, nhưng khôngai biết ông ở đâu.
Trên đường về, thầy Tám thờ thẫn như kẻ mất hồn. Bài thơ năm xưa vẫn còn
nguyên cặp trạng không ai chữa được. Mối duyên tao ngộ phút chốc mà cứ
đeo đẳng theo ông mãi. Thầy Tám tiếc không nghe được thêm những giai thoại văn
chương. Văn chương thâm trầm vậy, mà than ôi, trên thế gian này không phải ai
cũng biết quý trọng nó. Và cũng không phải ai cũng biết ơn thầy như Cạc
Nô .
Chương 2
Cả nhà thức dậy sớm hơn mọi ngày: hôm nay Minh rời quê lên tỉnh
nhập trường. Hai tháng nghỉ hè qua mau. Chơi chưa mãn các trò vui đã hết ngày.
Chiếc trấp gỗ có khoá của Minh đã nhét đầy ắp những quần áo sách vở. Cơm nước
xong thì cũng vừa nghe tiếng tù và rúc vang trên sông.
Làng Hương Mỹ của Minh có hai đường giao thông chính: rạch
Tân Hương và con lộ chạy song song suốt hai làng (Hương Mỹ và Minh Ðức). Vì
giáp ranh , nên hai làng cũng quan hệ với nhau về mặt xã hội. Trai làng Hương Mỹ
cưới con gái làng Minh Ðức hoặc ngược lại. Từ đó bà con càng đôn và từ đó dây
mơ rễ má càng nhiều, cho nên Hương Mỹ và Minh Ðức chẳng khác hai gian của một
ngôi nhà, bên Nội bên Ngoại . Thằng Bảo phụ với anh khiêng cái trấp lên mé sông
chờ đò. Ðò đi tỉnh cứ ba ngày một chuyến. Nó vừa rời bến chợ là túc tù và để
khác hai bên mé sông chuẩn bị. Dọc theo sông không có bến. Chỗ nào khách đợi
thì nó đâm mũi vào rước. Bao nhiêu nó cũng chở hết. Ði trong rạch Tân Hương thì
nó còn chèo chống hè hụi. chớ khi ra đến sông Hàm Luông thì nó chạy buồm. Nếu
thuận gío thì chỉ vài lèo , ngủ một giấc, mở mắt ra là đã thấy mình ở bến chợ Bến
Tre. Ðặc biệt lần này, ông Tư dắt thằng Bảo xuống đò với Minh. Minh lấy làm lạ
hỏi, thì ông Tư bảo:
- Sẵn đò , ba đi ra đám giỗ ngoài ngoại con.
Hồi nhỏ năm nào Minh cũng theo ba má ra ngoại vào ngày giỗ lớn
nầy, nhưng bây giờ bận học xa, ngày nhập trường lại đúng vào ngày giỗ nên Minh
đành vắng mặt.
Thằng Bảo lại mách lẻo. Nó lôi Minh ra mũi đò rỉ tai cho Minh
biết về mục đích chuyến đi này của ba. Bỗng nó trỏ tay lên bờ:
- Tới chợ rồi kìa anh!
Minh nhìn theo: Tân Hương! Chợ quê ngoại. Thuở bé học trường
làng, mỗi lần nghỉ hè, Minh đều ra nhà ngoại ở chơi thoả chí đến ngày nhập trường
mới về. Bây giờ lớn lên, đi xa quê ngoại, mảnh đất mang những kỷ niệm thân yêu
thời thơ ấu.
Từ dưới sông nhìn lên, ngôi chợ hiện ra có vẻ như khác khác.
Nền chợ đá ong đỏ thẩm, những gốc me còi , ngôi nhà lồng cũ kỹ, vách tường
loang lổ, hai dãy phố thấp với người qua lại lao xao...Tất cả như lùi sau mái
chèo dài rồi khuất hẵn.
Vừa qua khỏi chợ chiếc đò chun qua cây cầu sắt. Minh thấy người
ta đi trên đó, kẻ gánh gồng, người tay không.
Nắng in bóng cầu trên mặt nước. Những kẽ ván quá nhỏ so với
thân người. Vậy mà thuở bé mỗi lần đi trên cầu, Minh sợ lọt kẽ rơi xuống sông.
Cậu Tám của minh phải lôi tay Minh chạy , nếu không Minh bước trên từng tấm
ván.
- Em có đi cầu này không Bảo? - Bỗng Minh buột miệng hỏi.
- Có chớ.
- Em có sợ không?
- Cầu khỉ em còn không sợ nữa là cầu sắt.- Thằng Bảo đáp rất
tự hào.
Bỗng nhiên Minh nghe koé mắt nóng ran. Giọt lệ ấu thơ năm nào
bất ngờ chảy thấm vào quê ngoại. Ðến bên nhà ngoại, thằng Bảo kêu đò ghé lại.
Ông Tư dặn dò Minh rồi bước lên bờ với Bảo. Con đò quay mũi ra, vô tư. Minh
nhìn lên bờ theo cha và em. Minh chợt nhận ra mái tóc người cha nay đã bạc nhiều
và lưng hơi còm. Tuổi già đến không ai tránh được.
Càng gần vàm thì con rạch càng nở ra và nghe gió bắt đầu thổi
mạnh và sóng vỗ mạn đò. Sông cái Hàm Luông hiện ra trước mặt nhu một dãy bạc lấp
lánh mênh mông. Chủ đò nói với hành khách:
- Mình cặm sào ở đây nghỉ ăn cơm rồi đỏ đèn mới bắt đầu dựng
buồm chạy. Ông bà cô bác nào muốn ăn cơm xin cho biết để tổng khậu tôi
lo.
Ðò nằm nép bên mé vàm, phía cạy , dưới một tàng bần
um tùm. Nhiều người leo lên mui đò đổi không khí. Vài chàng trai nhảy xuống
sông trửng giởn với Hà Bá.
Mấy ông khách sồn sồn hợp tác với tài công bày đồ nhậu ra sau
lái và bắt đầu "cưa cột dầu vuông" (1) . Ông tài công thò đầu
xuống nước hỏi mấy cậu đang lặn hụp:
- Mấy cậu có vận choàng tắn không? Coi chừng cá nốc nó
tiệnmất cái "củ chùy" đa nghe!
Minh nằm bên trong vừa nhớ nhà vừa nhớ trường. Thuở bé học
trường quâng, mỗi lần sắp nhập học, Minh cứ bận bịu với những con trâu đất, những
cần câu, giàn thun và những trò chơi ngoài đồng: đá dế, hớt lia thia...Minh
không muốn rời nhà để trở lại trường nữa.
Nhưng bây giờ, những trò chơi ấy như xa dần với Minh. Chàng
đang đeo đuổi sách vở ở nhà trường. Và những mái tóc , những tà áo cũng đã bắt
đầu có sức hấpdẫn đối với chàng.
Hình như Minh nhớ trường nhiều hơn nhớ nhà. Minh nôn nao mong
gặp lai bạn bè.
- Ba không chỉ có đi đám giổ đâu! Ba đi chuyện khác!
Thằng Bảo mách lẻo như vậy. Nhưng Minh không để ý cho lắm.
Cái "chuyện ấy" nghe còn xa vời đối với Minh.
Về chiều càng lúc càng có nhiều ghe tới. Họ từ miệt trên đổ
xuống, từ miền dưới lên tỉnh. Trời vừa sụp mặt thì vàm sông như một thành phố nổi,
mỗi chiếc ghe một sinh hoạt, thiệt rộn rịp. Ghe này hỏi ghe kia bán món gì. Ghe
nọ lại hỏi ghe này đi đâu ? Rồi họ trao đổi hàng hoá với nhau: khóm, mít, chuối,
dừa dùng tạm cho bữa cơm chiều.
Ông tài công đò và khách đã cưa đứt nửa "cây cột dầu
vuông". Gió mát làm ông hứng thú, ông đứng lênmui đò hái mấy trái bần dốt
đặt lên mâm và tiếp tục "cưa" cho đứt mạch.
Bỗng từ sau lái đò có tiếng vọng tới:
- Bần chua thì phải có mắm sống mới trúng điệu!
Ông chủ đò quay ngoắt lại thấy một người trung niên vận xà
rông sặc sỡ đứng ở mũi ghe đậu sau lái đò. Ông chưa kịp đápứng thì một người
trong mâm lên tiếng:
- Ðây là tiệc bất ngờ, đâu có sửa soạn trước mà đem mắm sống
theo ta.!
- Các huynh không phải lo!
Chập sau chiếc đòng dài được bắt từ mũi ghe qua lái đò rồi
ông bạn vận xà rông xách gáo mắm qua.
Bữa nhậu tao ngộ chiến bần chua mắm sống giữa trời nước bao
la càng thêm hào hứng. Khách giang hồ lại là bợm rượu nên thảo ăn. Có món ngon
thì đem mời, trong lúc những người không nhậu ăn cơm trên mui ghe với thịt kho
tàu và trứng vịt luộc dầm nước mắm.
Cơm xong thì mặt trời cũng vừa sụp khỏi rặng cây bên kia bờ
sông cái. Chủ đò sửa soạn lèo lái để dựng buồm chạy gió. Ông nói:
- Gió rong ngọn, chỉ vài lèo thì tới nơi.
Chương 3
Ngồi trong lớp học mà Minh nghe trái tim mình se thắt như tim
cậu bé Jean buổi sáng mù thu đi qua vườn hoa Lũembỏug vào lúc lá vàng rơi từng
chiếc trên những bức tượng phủ tuyết trắng . Còn lòng Minh thì vấn vương cảnh
trí quê hương : gốc cam, tàu dừa, từng nuột dây, mái lá thân yêu . Nhìn bà đầm
Tây sang trọng giảng bài, Minh liên tưởng tới ông thầy xưa của mình: già nua
nghèo nàn với đám học trò lem luốc, tay cầm viết không quen bằng cầm cuốc .
Bỗng nhiên Minh nhớ lời bà Tám nói, ba má Minh đã đi coi ngày
đám hỏi . Minh lo quá . Vì Minh đã phải lòng một cô bạn ở trường . Tuy chưa biết
tên nhưng gặp mặt hằng này, Minh chưa biết phải làm sao trong tình thế nầy .
Bữa nay bà Pottier giảng về mối tình thơ ngây Paul et
Virginie 1. Minh ngồi nghe mà hồn vẩn vơ - lơ lửng như còn
say sóng đò - ở đâu đó, nơi con dốc trải đá ong đổ vào sân trường, ở gốc cây vú
sữa cuối trường nơi dựng xe đạp của đám học sinh ngoại trú .
Từ lâu, Minh có thói quen vào buổi sáng đứng ở giữa hai cây
mãng cầu ta nhìn đoàn lực sĩ do một mô-ni-tơ khôi ngô tuấn tú dắt chạy
lên sân vận động để tập luyện . Còng vào giờ chơi, trong lúc các bạn ăn quà vặt,
hoặc tìm chỗ yên tĩnh gạo bài thì Minh lại lẳng lặng đi đến gốc vú sữa - làm
như chàng có xe đạp dựng ở đây, thực sự chàng là học sinh nội trú - ...tìm chiếc
xe đạp của nàng, để biết chắc rằng hôm nay nàng có đến trường , nàng không ốm
đau hoặc không ở nhà luôn để lấy chồng như nhiều bạn cùng lớp . Nhìn chiếc xe đạp
sơn màu tím vô tri giữa những chiếc xe khác, chàng cảm thấy như đã gặp nàng và
như đã nói với nàng những lời thầm kín của trái tim chàng, những tiếng mà chàng
phải nói ra cho kỳ được và chỉ với nàng .
Bà đầm vẫn say sưa giảng giải . Học sinh ngồi im lắng nghe .
- Tình yêu đến giữa Paul và Virginie là độc nhất trong lịch sử
các mối tình trẻ thơ . Nó sẽ sống vĩnh viễn với người đọc , đặc biệt trong lòng
tuổi trẻ . Hai đứa nhỏ, thân nhau trong tình bạn rồi bước sang tình yêu mà
không hay . Không thể nói Paul yêu Virginie trước hay Virginie yêu Paul trước .
Khi yêu, hai bên cùng đến với nhau một lúc, một phút, một giây, trong cái nhìn,
trong nụ cười đầu tiên, hồn nhiên trong khi hai đứa chạy chơi bắt bướm với nhau
trên đồi cỏ .
Minh ngồi nghe mà hồn mơ màng . Minh cứ tưởng mình là Paul
trong truyện . Lần đầu tiên Minh trông thấy nàng, chàng như bị luồng điện giật
nhẹ . Cặp mắt nai như đã chiếm trọn vẹn trái tim chàng . Hình ảnh của Hồng,
Oanh, Liên và những cô bạn khác đều mờ hẳn rồi biến đi để chỉ còn lại một mình
nàng . Đây là người con gái mà chàng mơ ước . Từ lâu Minh như người đi dạo giữa
vườn hoa, nhưng chưa có ý định ngắt đóa nào . Bây giờ thì Minh cả quyết chính
là nàng, đóa hoa làm cho chàng háo hức .
Mỗi buổi sáng trước khi vào học, Minh đứng ở sau gốc cột hàng
ba nhìn ra con dốc chờ nàng . Nàng đến đầu dốc thì xuống xe . Cái dốc không cao
nhưng trải đá ong lởm chởm, nên nàng cẩn thậng, tay dắt xe, tay đè gấu cáy . Vì
ngọn gió vô tình ban mai từ hồ nước của thị xã thường bất ngờ lướt nhanh qua những
ngọn cây xanh ở trước trường . Và vì nàng cũng biết ở hàng ba có những cặp mắt
nhìn lên đầu dốc . Bước chân nàng líu ríu, mắt nàng chói chói, không được tự
nhiên như ở những nơi khác .
Minh Châu là một trường tư thục nổi tiếng nhất ở vùng Tiền
Giang vì tỉ lệ học sinh đỗ cao trong các cuộc thi và vì kỷ luật nghiêm khắc của
nó . Phần lớn học sinh là những cô cậu con ông cháu cha, những cô cậu quá tuổi
không được trường nhà nước chấp nhận, hoặc những cậu Bùi Kiệm tân thời còn muốn
danh đề bảng hổ khoa thi sau .
Như ở các trường khác, càng ở lớp cao, nữ sinh càng ít . Những
bậc cha mẹ chịu theo trào lưu văn minh của người Pháp mới dám cho con gái đi học
những trường Marie Curie , Couvent des Oiseaux, Áo Tím tít ở trên Sài
gòn, còn lại thì bắt con quanh quẩn học hết trường quận, cao lắm là trường tỉnh
, rồi giữ riết ở nhà .
Chữ nghĩa làm gì ! Nó chỉ gây ác cảm cho những người mẹ chồng
. Con gái chỉ có bổn phận với cái bếp, nồi cơm ,ơ cá, săn sóc manh quần tấm áo
cho chồng, chớ nhiễm làm gì ba cái thứ văn mịnh Cụ Đồ Chiểu đã không hợp tác với
Tây đến mức độ xà bông của họ cụ cũng không thèm ngó tới , mà chỉ xài nước tro
. Con gái không được đọc tiểu thuyết, không được nói chuyện với trai . Còn việc
bắt tay đàn ông là điều tối kỵ . Đó là mầm mống, lớn lên , sẽ quậy nát gia đình
êm ấm của các cụ .
Nhiều lần ba má ngỏ ý muốn Minh ở nhà để cưới vợ và trông nom
nhà cửa ruộng vườn. Ðời này người ta vác giạ đi vay lúc chớ có ai vác gạo đi
vay chữ bao giờ ! Ðó là câu nói ở cửa miệng các cụ. Nhưng Minh nài nỉ ba má để
cho Minh học thi lấy bằng Thành Chung
Một hôm Minh cũng đứng ở hàng ba ngó ra đầu dốc thì Bền đến vỗ
vai chàng:
- Chờ "ẻn" 2 thả xe xuống dốc hả mày? - rồi Bền đưa cho
Minh nắm xôi và cười , tiếp - Mày ngó riết chắc nó đòi nhà trường phải mở cửa
sau cho nó đi chớ không dám đi cổng trước.
Bền là bạn cùng lớp, thi thành chung mới rớt vài ba lượt
thôi, ngồi 4ème mòn cả bàn, nhẵn mặt với giáo sư, hiện được bạn bè tặng cho hỗn
danh là vieux Bền (Bền già), nhưng Bền không nao. Gia đình Bền chỉ cần
Bền ở nhà ngồi ghe đi thâu lúa ruộng.
Thấy Minh làm thinh, Bền tiếp:
- Bữa nào nó mặc đồ đầm mày sẽ được dịp chiêm ngưỡng dung
nhan của nó. Ðặc biệt cặp chân giá đáng ngàn vàng. Hề hề...Nàng là con gái ông
Phán ở gần ngã ba Tháp, mày muốn tao đưa tới làm quen không?
- Khách không mời mà tới à?
- Nhưng mày có "đau tim" vì nó không chớ ?
- Cái thằng đặt chuyện! Thầy giám thị biết được thì ăn
"cồng" 3 đó nghe mậy !
- Mày phải nhanh tay !
- Mày nói với tao làm gì chớ ?
- Ê, ông già nó là dân Tây, chắc là văn minh lắm. Cho nên
ngoài cái tên Việt là Lý Lệ Lan "ẻn" còn cái tên đầm
là Emilie Liliane nữa. Tên gì mà dài như phương trình "ăn rệp" 4 có bốn ẩn số ! Lý Lệ Lan Emilie
Elianne , quớ được nó, mỗi lần mầy kêu em " Ê..Mi..li..i..." chắc
là phải hụt hơi!
- Sao mày không tấn công đi ? - Minh hỏi ngoặt lại.
- Khó lắm mày ơi !
- Khó sao mày lại xúi tao?
- Hé hé ? Không phải tao sợ khó mà vì tao biết tao
"sút" không vô "gôn" được. Hễ biết "sút" không vô
thì đừng "sút". Ðó nghệ thuật trên sân cỏ mà cũng là nghệ thuật ở
ngoài đời , mày hiểu không ? Hì hì - Bền vỗ vai Minh - "Tim ai khắc một
chữ nàng" rồi hả ? Nói thiệt đi, tao mớm bóng cho mày
"sút", thì chắc nàng thả lỏng khung thành cho vô đó.
Bà đầm ngưng giảng, trỏ tay về phía Minh:
- Minh, hãy nói cho ta biết tại sao thằng Paul ốm ?
Minh đang thả hồn xa vời bỗng giật mình. Tiếng gọi bất ngờ và
câu hỏi hóc búa làm Minh ngớ ra. Bền ngồi sau lưng nhắc khẽ như gió vào tai
Minh:
- Vì nó nhớ Virginie ! Nói mau lên kẻo ăn hột vịt !
- Vì Paul nhớ Virginie! - Minh như kẻ sắp chết đuối vớ được bập
lá !
- Giỏi !- Bà đầm gật đầu khen rồi lại hỏi - Các con kể tóm tắt
một đoạn văn hoặc một đối thoại ngắn trong lúc Paul và Virginie thân nhau ! Ai
biết ?
Bền vụt giơ tay và được bà đầm chỉ định - rồi bà quay lại
Minh:
- Hôm nay ta thấy con hơi khác thường. Xác ở đây mà hồn ở đâu
vậy Minh ?
Bền đứng lên trả bài xuôi như nước chảy:
- Paul là một thiếu niên chưa biết yêu nhưng vì hoàn cảnh được
gần Virginie nên hai người đã êm đềm đi vào tình yêu bằng những pas de
velours , những bước nhung, mà cả hai người đều không hay. Cho đến khi
Virginie chết thì Paul đau khổ vô cùng. Và mãi khi sau này Paul mới nhận ra đó
là tình yêu. Tình yêu của hai người như nước thấm từng giọt vào đá. Một đối thoại
đẹp giữa hai người là khi Paul hỏi Virginie. Tôi xin được kể lại như sau. Lúc
Virginie sắp chia tay với Paul.
- Em về thăm nhà rồi chừng nào trở lại ?
Virginie không đáp mà hỏi ngược lại:
- Nếu em không trở lại thì sao ?
- Thì tôi không có ai để cùng đi bắt bướm hái hoa ở đồng cỏ !
- Paul rủ bạn khác!
- Không có ai làm cho tôi hạnh phúc bằng Virginie.
- Rủi em chết rồi sao ?
- Tôi cũng chết theo để hai chúng mình cùng đi bắt bướm hái
hoa bên thế giới khác !
- Nếu anh chết trước thì em cũng chết theo nhé !
- Ừ, hay là chúng ta cùng chết một lúc có phải hay hơn không
?
Bền tiếp:
- Chúng yêu nhau đến thế, cho nên khi Virginie đi xa thì Paul
ngã ốm, rồi ốm nặng. Bệnh của Paul chỉ có một bác sĩ chữa được thôi. Ðó là
Virginie. Vì là bệnh...- Bền không có chữ để diễn tả.
Bà đầm khẽ hỏi:
- Bệnh gì ?
- Dạ bệnh tim ạ !
- Crise cardiaque ? Oh! Ðó là chứng bệnh hiểm nghèo. Nhưng
trong sách không có câu nào nói rằng Paul bị bệnh đó cả.
- Dạ đây là maladie de coeur . Mal au coeur theo kiểu
Verlaine nói :"Il pleut đans mon coeur" chớ không phải crise
cardiaque .!
Bà đầm kêu lên ngạc nhiên và khen rối rít:
- Con có lý ! Con giỏi lắm ! Ðó là bệnh khó chữa hơn các bệnh
tim khác! - Bà gật gù và tiếp - Từ khi dạy Pháp văn, ta đã giảng bài nầy nhiều
lần nhưng không có trò nào trả lời hay như con. Con sẽ nhận điểm cao nhất của
ta từ trước đến nay.
Bà đầm đâu chừng 34, 35 tuổi nhưng lúc nào cũng kêu học trò
năm thứ tư của bà bằng "các con! mes enfants !" trong lúc
đám đệ tử có trự đã quá hai mươi. Nhưng chúng vẫn thành kính gọi bà bằng "maman" .
Có cậu lại dám khen "maman trẻ đẹp qua" .nữa. Bà chỉ cười
thích thú và "cảm ơn các con"! .
Bà rất yêu học trò Việt. Bà cho họ là những học sinh siêng
năng, chịu khó, thông minh và chân thật. Bà thường khéo léo than phiền chánh phủ
đối xử không công bình với học sinh bản xứ. Người ta đồn rằng những lần bà làm
giám khải cuộc thi bằng thành chung, đến phần hạch miệng bà chỉ hỏi vớ vẩn:"
con tên gì, quê quán ở đâu, sau này định làm gì để sống .." rồi cho điểm lớn,
chớ không hạch như nhiều giáo sư khác đánh rớt học sinh.
Hết giờ Pháp văn, các bạn bu lại hỏi ý kiến Bền để làm bài,
còn Minh thì âm thầm đến bên gốc vú sữa "nhìn chiếc xe tím" của nàng.
Lần này chàng quyết chí trao lá thư cho nàng. Rồi ra sao thì ra. Trong hai chữ "yêu" hay "không" ,
nàng phải nói một. Dãy xe đạp nam dựa bên tường đối diện với đám xe đạp nữ dựng
ở gốc vú sữa. Chàng làm như có chiếc xe của mình trong đó. Kia rồi, chiếc xe
tím. Chàng bước lại định móc túi lấy bức thư gắn trên tay cầm - bức thư chàng
đã viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần công phu hơn cả một bài luận.
Nhưng nhìn dãy xe đạp nữ chàng bỗng nhận ra một điều: cách gởi
thư như vậy thật phiêu lưu. Có thể người khác thấy sẽ mở ra xem, rồi đem trình
lên giám thị. Chắc chắn chàng sẽ bị đưa ra Hội Ðồng Kỷ Luật nhà trường. Cả trường
sẽ hay, sẽ chế giễu hoặc khinh miệt chàng như một học sinh kém tư cách. Bố
chàng, một nhà Nho học lẫn Tây học, một người cha rất nghiêm khắc luôn luôn dạy
chàng: Người có tài mà không có đạo đức không xài đặng ", nhận
được thư nhà trường thế nào cũng lên để hỏi cho ra lẽ. Ông sẽ buồn khổ biết bao
nhiêu khi biết rõ nguyên do.
Ồ ! Một bức thư lại gây ra chuyện long trời lở đất thì chàng
không dám gởi. Ngoài ra chàng nào đã chắc nàng có để ý tới mình. Quả là một sự
liều lĩnh, không có chút hy vọng thành công. Ngọn lửa đang bừng bừng cháy trong
lòng bỗng nhiên tắt rụi. Chàng quay đi và tự nhủ, nếu ta không nói thì làm sao
nàng biết ?
Chàng vừa ra tới mé sân thì có tiếng hỏi từ phía sau lưng:
- Cậu muốn lấy chiếc xe của cậu ra hả?
- Ơ ơ...! - Minh lúng túng, nhìn lại thì đụng nhằm lão già
quét sân trường - Dạ, cháu chỉ đến xem coi xe em cháu còn đây không chớ không
có ý định lấy xe.
Minh tưởng nói vậy cho qua truông nhưng chẳng dè lão già sốt
sắng:
- Chắc là ...chiếc này !- Lão chỉ chiếc xe màu tím bánh có bọc
lưới và yên xe bao bằng lông thỏ trắng muốt.
- Sao cụ biết là chiếc đó ?
- Mỗi buổi sáng tôi quét sân tôi thấy cậu đứng hàng ba chăm
chú nhìn lên dốc. Chắc cậu sợ em gái trợt chân té chớ gì ? Hề hề...Trên cái dốc
đó đã có nhiều cô té rồi. Cậu lo là phải ! Tôi thấy hình như bánh sau hơi non.
Cậu có rỗi đem đi bơm giùm kẻo chốc nữa cô em cỡi nát ruột!
- Dạ để chốc nữa, bây giờ gần tới giờ học rồi!
Minh vừa nói vừ đi nhanh nhưng bỗng nghe có tiếng the thé:
- Bác ơi ! Có vú sữa rụng không ?
Lão già lẫn Minh quay lại. Chàng nhận ra Emilie. Lão hỏi
Minh:
- Có phải cô em gái của cậu đó không ?
Thấy Minh lúng túng, lão pha trò:
- Có người đi tìm vú sữa chín thôi cô à ? Xe của cô bánh sau
hơi no, cô có cần bơm thêm không. Có người sẵn sàng giúp cho cô đây!
Emilie chạm trán bất ngờ với nam học sinh lạ, thẹn thùng trở
vào lớp. Ðợi cô nàng đi khuất, lão già hỏi Minh:
- Cô ấy là em gái của cậu à?
- Dạ phải !
- Sao anh em mà kẻ ngoại ngưòi lại nội trú ?
- Dạ ..ở đằng nhà ồn lắm cháu không học được, nên ba...cháu
cho cháu vô ở trong trường tiện lợi hơn.
Lão cười và nói một hơi như đã sắp sẵn trong bụng hồi đời
nào:
- Hỏi cậu chơi vậy thôi chớ tôi biết rồi. Tôi thấy cậu sáng bữa
nào cũng đứng nhìn lên dốc. Cô ấy được lắm, tướng đi tướng đứng đằm thắm, gương
mặt phúc hậu, cái miệng có duyên.. Cặp mắt hiền hậu nhưng sắc sảo. Hai cô cậu rất
xứng đôi. Cô học năm thứ hai, cậu ngồi năm thứ tư thì càng hợp lý ! - Thấy
chàng lặng thinh, lão lại càng nói già - Bộ hai "cậu mợ" chưa gặp
nhau lần nào sao mà vừa thấy cậu, "mợ" lại thụt vô..lớp rồi?
Hai tiếng "cậu mợ" làm cho Minh ngỡ ngàng. Chàng
không biết đáp thế nào cho đúng. Cũng may, chuông reo, Minh chạy về lớp như
thoát nạn.
Tới giờ Sử Ðịa của giáo sư Long. Giáo sư rất được mến mộ. Học
trò bảo ông nói tiếng Pháp hơn Pháp, ông thường đi đăng xê với bà đầm
ở nhà Xẹc Tây ngoài bờ sông Tiền Giang. Ông có máu tứ đổ tường. Chiều
thứ bảy ông đi một chến tới sáng thứ hai, vô lớp không có một mẫu giấy
lộng trong tay, ông nhảy lên buya rô vừa rung đùi vừa giảng tuồng bụng.
Ông nói chuyện Ðông Tây kim cổ từ Phật Thích Ca đi tu đến Christophe Colomb tìm
ra châu Mỹ v.v... Học trò nghe mê tít. Bữa nay ông kể lại tình sử Napoléon và
Joséphine.
Minh ngồi nghe mà không hiểu. Tâm trí chàng còn lởn vởn ngoài
gốc vú sữa. Chàng nơm nớp lo có người biết ý định của chàng định gởi thư cho
Emilie. Ái tình là một sự phiêu lưu thú vị đầy mạo hiểm mà tuổi trẻ lẫn tuổi
già đều thích dấn thân vào.
Tan học buổi chiều, Bền lại đến tán Minh:
- Bữa nào nó dắt xe xuống dốc mày chạy đến nịnh đầm một chút.
Mày cúi xuống 45 độ như mấy ngài seigneur 5 chào các bà mệnh phụ hồi thế kỷ 16 và
nói:" Xin cho được xẹc via nương nương một lần thì kẻ nô tỳ này
lấy làm hân hạnh lắm.!" Làm như vậy chừng vài lần thì thế nào nàng cũng cảm
động và có thể cho mày một miếng tim cỏn con gặm chơi!
Minh bật cười:
- Sao mày không nịnh mà lại xúi tao?
- Tao đã bảo là cái "gôn" đó tao "sút"
không vô mà! Mày là đứa có hy vọng nhất trường đấy! Nếu mày không dám nói thì
viết thư, tao đưa giùm cho.
Nghe nói đến "thư" Minh giật mình. Minh tự hỏi: hay
là nó có xem màn kịch hồi sáng ở gốc vú sữa ? Nó biết thì cả trường sẽ biết, bể
cái mặt.
Như thường lệ học trò năm 4ème chán ngấy bữa cơm chiều do một
bà sẩm già phụ tráhc. Chúng đi ra cầu tàu Lục tỉnh, đi lại rạp hát Nam
Xuân hoặc lên sân vận động "rửa mắt" ở pít xin 6 rồi đi ăn cơm tiệm Lục Mừng .
Riêng Minh thì thơ thẩn ở sân trường. Giữa những dấu xe in
trên cát, Minh cố tìm vết xe của Emilie. Chàng đến tận gốc vú sữa để truy
nguyên, nhưng những dấu xe lẫn lộn chồng lên nhau, chàng không thể phân biết được
mà cây vú sữa thì cứ đứng im chẳng mách cho chàng một lời nao. Một làn gió nhẹ
lướt qua. Tiếng lá khua rìa rào như tiếng lòng chàng gọi Emilie. Chàng buồn rầu
quay ra sân, đi lên con dốc rồi ra đường nhựa. Những dấu xe đã mất hút trên mặt
đường nhưng có một vết đã từ lâu in đậm trong tim chàng: Emilie Liliane Lý
Lệ Lan! Và sẽ không bao giờ phai!
--------------------------------
Paul et Virginie là tác phẩm viết về tình yêu tuổi học trò
của Bernadin de Saint Pierre |
|
"Ẻn" tiếng Pháp: Elle có nghĩa là Nàng |
|
"Cồng" là consigne: bị phạt |
|
"Ăn rệp": Algèbre: đại số học |
|
Seigneur: lãnh chúa |
|
"pít xin": piscine là hồ tắm |
Chương 4
Nhớ đến bức thư, chàng không yên tâm. Chàng quay xuống dốc trở
vào sân. Lão quét lá thấy cậu học trò thơ thẩn ra chiều tìm kiếm cái gì thì hỏi:
- Cậu đã đánh mất vật gì ?
- Dạ , không ạ!
-Cái nghề quét lớp quét sân này thường cho tôi những chiếc
chìa khoá. Nhiều cô cậu đã cạy rương cạy tủ rồi mới tìm được. Tôi đã nộp tất cả
cho ông giám thị. Hiện giờ chắc ông có cả chùm như chùm chìa khoá của một
ông tài phú . Cậu lên đó mà xin lại.
- Dạ, cháu không mất chìa khoá ạ.! Nhưng cụ có thấy miếng giấy
nào thì đừng bỏ. Dạ, giấy...ấy mà ! Chắc cháu đánh rơi bên ...gốc vú sữa !
Lão già sành tâm lý nhưng làm bộ hỏi lảng:
- Bài vở gì của cậu phải không ?
- Dạ !
- Thế thì tôi để đằng cuối dãy nhà, ngay ngoài thềm kia kìa.
Minh hấp tấp đến , xốc bừa những tập vở đủ cỡ, nhưng không gặp
miếng giấy mà chàng muốn tìm.
Thấy Minh trở lại với vẻ mặt hớt hải, lão già nói ngay:
- Nếu cậu không tìm được thì đến cái thùng sắt sau hè , tôi vừa
gom một mớ trút vào đó.
Minh không có tí hy vọng nào ở cái thùng nên trở vào phòng ngủ.
Gặp bạn nào chàng cũng hỏi có thấy "miếng giấy " của chàng không ? Chẳng
ai biết giấy gì. Thì may có kẻ mách nước một cách chắc chắn:
- Mày đi xuống nhà tắm tìm anh bồi Ðông. Anh ta giặt áo quần
thường moi túi để tìm xu cắc lẻ.
Minh tất tả chạy đi tìm anh bồi Ðông. Anh ta đang đứng trước
đống quần áo vun như núi. Bọt xà phòng trắng phếu bao phủ cả bàn giặt.
- Anh Ðông! Anh có thấy miếng giấy gì trong túi áo tôi không
?
- Số của cậu là bao nhiêu ?
- 385, thêu chỉ xanh, ủa chỉ tím !
- Tôi không nhớ có hay không ? Nhưng cậu mất hồi nào?
- Mới hồi sáng đây thôi.
- Vậy thì chắc không có rồi. Vì đây là quần áo tôi nhận hôm
qua. Ngày mốt tôi mới nhận đồ cũ và phát đồ mới...Mà giấy lộn thì thiếu gì, tôi
ném hết cả rồi cậu à !
Minh càng thất vọng. Chàng vào phòng lục lọi khắp trong rương
trong tủ, bới tung cả mền mùng nhưng vẫn không thấy. Thật là đại hoạ. Bỗng
chàng cười một mình: không có bức thư nào hết ! Mình mới dự định thôi
chớ chưa viết! Cũng như Balzac vậy mà! Ông ta đang viết ở trong phòng, bỗng có
một người bạn đến thăm, ông mở cửa và nắm vai bạn khóc oà: "Bạn có gặp
cô Marie ở đâu không?" "Không!" - "Nó chết rồi!" Người
bạn ngớ ra không biết cô Marie nào. Thì ra đó chỉ là nhân vật trong truyện của
ông đang viết...Mộng và thực lẫn lộn nhau cũng thường, nhưng đó là chuyện của
các thì sĩ chớ mình là học trò khổ, mộng quái gì mà mơ! Chàng chạy ra sân xoa
tay nói với lão già:
- Cháu tìm được rồi cụ ạ!
- À thế hả ? Giấy gì vậy cậu?
- À, cái vé cải lương, ủa à...Cái vé xem đá banh!
- Hèn gì cậu tìm dữ vậy.
Minh tự cho mình cái giả thuyết "lá thư chưa viết
" và cố tìm sự yên tâm hoàn toàn với nó.
- Ê, lên sân vận động chơi! Nãy giờ mày đi đâu?
Minh nhận ra Bền mặc áo may ô mới, đang xách đôi giày đá
banh, Bền là cầu thủ của đội tỉnh. Bền đá banh ten nít nổi tiếng đến con gái
cũng mê từ hồi còn ở trường tiểu học. Các bậc đàn anh từng xem cũng khen Bền nức
nở. Bây giờ Bền đã lên chân giày, đặc biệt là Bền đứng ở vị trí nào cũng xuất sắc.
Chiều nay Bền đi dượt để đá trong lễ kỷ niệm nữ thánh Jeanne
d'Arc, Bền lôi tay Minh:
- Kỳ này đội tỉnh mình đá với hội tuyển A Nam kỳ !
Lên sân coi tao tập !
Hai đứa cùng rảo bước. Bền trỏ lên tấm băng đơ rôn căng
ngang đường gió bọc căng với hàng chữ đỏ phập phồng: "Grandes Matches
de football. Bếntre contre Hội Tuyển Nam kỳ "
Minh la lên:
- Ðụng với họ có mà lấy thúng hốt em ơi!
- Họ chấp mình 5 trái.
- Nghĩa là sao ?
- Nếu họ ăn 5-0 kể như huề. 6-1, 7-2 cũng tức là...huề luôn.
Còn nếu 5-1 thì coi là mình thắng.
- Tại sao vậy? Nói lại cho rõ coi nào cầu thủ!
- Nghĩa là cứ vào trận đá thì bảng số đã ghi sẵn Bentre:5,
Hội Tuyển Nam Kỳ:0
Minh gật gù:
- Vậy thì mình ăn trùm ! Mới vô đã bỏ túi trước 5 trái mà
không thắng nữa thì đem câu sấu cho xong!
- Giỡn hoài mậy !
- Họ chấp 5 trái trước mà mình không ăn à ?
- Không chắc đây !- Bền lắc đầu và tiếp...Họ vừa mới thủ hoà
vơí đội Nam Hoa. Nam Hoa là đội tuyển Ba Tàu lừng danh Á Châu biết không? Trận
này mà mình thủ hoà cũng là giỏi rồi - Bền tiếp - Cho mày hay là họ xuống đây
chỉ có nửa đội thôi. Tức là chỉ có sáu, bảy chiến tướng của đội A, còn các cầu
thủ khác thi thuộc đội Ba, hoặc mượn thêm của Etoiles Gia-Ðịnh hoặc
AJS (thanh niên thể thao).
- Bảy chiến tướng đó là ai ? - Minh cũng thích đá bóng nên tò
mò hỏi tới.
- Gôn là Tư, hậu vệ là Cúi và Nàng Bạch Tuyết...
- Ðàn bà mà đứng hậu vệ, ai dám tấn công ?
- Không phải ! Ðó là anh Tây Mariniques Coréa, vì hắn ta đen
thui, nhưng cười thì lòi hàm răng trắng hếu ra nên khán giả đặt cho cái tên là
nàng Bạch Tuyết chớ không phải là đàn bà đá bóng. Kế đó hàng trung vệ
chỉ có Trương tấn Bửu thôi. Nhưng ông này là tay rất lợi hại được mệnh danh
là "Lý Huệ Ðường Việt Nam " và máy phát bóng "
- Tại sao?
- Là vì Lý Huệ Ðường của đội Nam Hoa có cú pho sập
vách tường. Anh ta đá penalty thẳng giữa "gôn", thủ môn nào dám bắt
thì bay luôn vô lưới và hộc máu tại trận.
- Còn tại sao là máy phát bóng
- Ông Bửu đá y như để. Hễ ổng được banh thì hàng tiền đạo cứ
cắm đầu chạy qua vùng đất bạn. Banh sẽ rơi ngay chân. Cứ thế mà lừa hoặc đá tới.
- Hàng tiền đạo của đội tuyển có những tay nào ?
- Guichard góc mặt. Mỹ I I (gọi là Mỹ đơ)
trung phong. Paccini inter trái, Emile Quang inter phải.
Góc trái không rõ là ai đứng.
- Bên mình có đủ chiến tướng không?
- Ðủ chớ. Quý thủ môn, Tưng, Xệ, Xủng, Long...
- Mày chạy đâu ?
- Anh Lợi ở Mỹ Lồng chạy góc phải , tao góc trái.
Chuyện vừa đến đây thì hai người đến cổng sân vận động. Dù bữa
nay chỉ là trận đá thử để chủ hội banh coi chân coi cẳng cầu thủ, nhưng khán giả
mộ điệu cũng tới đông nườm nượp. Vài cô cậu ở trường Minh Châu tới hoan hô Bền:
- Bravo máy chặt góc
- Bravo máy chém pê nan ty
Bền mang giày vớ, buộc dây chắc chắn sửa sọan vào sân cỏ. Chợt
thấy Bền, thầy Năm Lắm chủ hội banh vẫy tay. Bền bước tới, thầy Năm vỗ vai và
nói ngay:
- Ê !Bữa đó mày đi trung phong nghe nhỏ !
Bền bật ngữa, kêu lên:
- Úy! Thầy định cho em chết gấp sao thầy ?
- Gì mà chết !
- Em đi trung phong thì gặp Cúi và Nàng Bạch Tuyết. Họ sẽ đập
em chết dẹp như cái bánh tráng đó thầy !
- Tao vớiông Cò quyết định rồi. Ngoài mày ra không có ai
khác.
Bền chỉ đồng ý tam với ông chủ hội rồi chạy vô sân.
Ông Cò đỡ đầu hội banh cũng vừa đến. Thầy Năm trình bày kế hoạch
và sự bố trí cầu thủ cho ông nghe.
Ông hơi ngạc nhiên về vị trí của Bền trong trận đấu tới, ông
hỏi:
- Nó lên đá giày được bao lâu rồi ?
- Dạ, chừng hai năm!
- Nó bao nhiêu tuổi ?
- Dạ...
- Ồ! Tài không đợi tuổi! - ông buột miệng dùng câu nói trong
vở kịch Le Cid - Hỏi coi nó muốn vô lính tôi như cai Xệ, bếp Xủng,
lính Long không?
- Dạ , nó học năm thứ tư trường Minh Châu!
Ông Cò lắc đầu:
- Vậy chắc nó không chịu đâu. Chỉ mấy thằng dốt mới đầu quân
với tôi thôi !
Bền thấy Minh đứng bơ vơ bèn chạy ra và bảo:
- Mày lại pít xin kia...đọc sách!
- Ở đó có thư viện à ? Vậy lâu nay tao không hay !
- À ờ...Cứ vô đó thì biết. Có đủ hết. Chờ tao đá mãn trận rồi
về, tao chỉ nhà con nhỏ Emilie cho mà tới ! - Nói xong Bền quay vút vào sân.
Minh lững thững đi vào vòng rào của hồ tắm. Nước xanh ngăn ngắt.
Nắng chiếu lấp lánh trên những mảng da thịt nõn nà hồng tươi của những nàng
tiên cá. Họ đập nước trửng giỡn nghịch ngợm với nhau. Ðại đa số là người Pháp.
Người bản xứ không xem đây là sự biểu hiện nền văn minh nên không thấy ai đến
chia sẻ cái nền ấy!
Các nàng tiên ngây thơ và những mụ sồn sồn làm bộ ngây thơ
thay nhao leo lên tấm ván nhún ưỡn ẹo phô trương sắc đẹp , da dẻ, tay chân và
những gì họ vừa muốn che kín lại vừa muốn phô ra, in như những nàng minh tinh uốn
dẻo của gánh xiếc Tạ Duy Hiển mới vừa đến đây biểu diễn. Họ đâm đầu xuống nước
như những kẻ thất tình đi tự tử mà biết chắc rằng mình không bao giờ chết vì ở
trên bờ đang có những cặp mắt rực lửa rọi vào và sẵn sáng cứu vớt những đó hường
nhan bạc mệnh giả kia, nên họ cứ việc nhào tòm tòm kẻ trước người sau xuống hồ
nước.
Minh thấy những chiếc áo tắm sao mà chói chang màu sắc làm
hoa cả mắt. Chiếc nào cũng mang những dòng chữ rất hãi hùng. Một cô ở góc hồ mặc
chiếc áp màu thiên thanh mang dòng chữ: !"Oui, avancez s.v.p" (xin
vâng, mời anh tiến tới). Một cô tóc bạch kim có cặp đùi mập mạp lại thách thức:" Hãy
thử xem thì mới biết rõ" . Cô bên cạnh vừa đi vừa nhún nhảy thì lại
thơ mộng hơn: "Anh là hoàng tử của lòng em" . Ôi, áo với chả
quần. Thà đừng mặc cho được việc. Mặc làm gì cho thêm khổ tâm các vị phó nháy.
Minh đã từng được Bền lén cho mượn những quyển sách cấm ngặt của nhà trường.
Minh đọc và tưởng tượng sự cọ sát da thịt trong những cảnh làm tình được mô tả
rất hiện thực mê ly, nhưng hôm nay thì Minh hơi ngượng khi đứng trước những
hình tượng sống bằng xương bằng thịt. Cô Nina hay Nõn nà gì đó mang trên cái bộ
ngực căng rướn của cô một lời tuyên chiến với các đấng mày râu:" Em
muốn ngủ với anh đêm nay" Minh phát sợ trước sự trống trải của nền
văn minh mẫu quốc. Minh vụt nghĩ, nếu bất thần bắt gặp Emilie vào đây và cũng
trương cái nền..ấy trên người nàng thì không biết chàng nghĩ sao?
Quanh htềm hồ lát gạch bôn càng có nhiều sự phô trương hơn. Bỗng
Minh quay mặt và suýt bật cườ. Một bà đầm với bộ đùi xệu xạo và mảng ngực thỗn
thện từ trong phòng thay đồ đi ra ì ạch tiến lên tấm ván nhún nhún oặt lên gập
xuống. Minh thót ruột sợ tấm ván gãy đôi, thì ắt phải kêu xe cấp cứu. Bỗng bà hụt
chân. Cả cây thịt rới xuống nước một cách vô mỹ thuật như một bao cát bị ném bỏ.
Minh vừa chán mắt thì Bền đến. Chàng trung phong thở hồng hộc:
- Ðọc hết sá....ách chưa mày?
- Có sách quái gì đâu mậy!
- Chỉ một trang đó thôi. Và mỗi trang chỉ có một câu
...hí...hí...
- Sách của mày chớ không phải của tao !
- Thì tao muốn mày nghiên cứu đó chớ !
- Nghiên cứu ?!
- Hình học trên mặt phẳng và trong không gian nữa! Cả đại
số học . Ðấy, mầy thấy chưa. Tất cả mọi "phương ...trình", cái
nào cũng chỉ trình ra có ba ẩn số thôi! Và...hà...hà...lại còn vật lý học nữa
kia!
- Vật lý gì đâu thằng quỷ ?
- Sự phì mình lên của những vật thể...khi bị chất nóng đốt.
"la dilatation des corps"...
- Thôi về đi.
Bền lại cười:
- Ðể khoan tao đọc sá...ách tí đã...Mà tao đố mày đứng thẳng
lên đi thử tao coi!...Chờ tao lên tremblai bay vài phát giải nhiệt rồi
về nhà, ra cầu tàu ăn phở tái Bắc ! Ủa, mà quên, tao thấy hình như "ẻn"
ở đằng bức tường nhảy chướng ngại vật kia kìa. Mày có muốn chiêm ngưỡng cặp
chân vàng của nó không?
- Mày đừng có đặt chuyện mãi tao mệt lắm rồi Bền ơi!
- Nó đang tập nhảy saut à mouton (nhảy trừu). Mày
muốn nhảy nó, hay nó nhảy mày ? Ủa, thiệt mà, đây là một môn nhảy vừa luyện sức
khoẻ vừa tập tánh can đảm. Mày không nhớ tụi mình đã từng học nhảy từ ở trường
làng cơ à ?
- Khép cái mõm mày lại cho tao nhớ.
Bền chỉ cười mơn trớn rồi tiếp:
- Hay là mày muốn "appui en avant " ? Môn này
hơi mệt nghe mậy ? Xin lỗi nhe! Tao nói đùa như vậy chắc mày sợ làm méo mó cái
cục thiêng liêng của mày chớ gì ! Tao đã đọc nhiều tiểu thuyết Tây lẫn Ta, tao
thấy người Pháp đánh giá cái sự đó rất...thường, ví như đói ăn khát uống vậy
thôi. Trái lại người mình coi nó rất thiêng liêng cáo tít trên mây xanh. Theo
tao thì cả hai dều nhìn sai cho nên đặt vị trí của nó cũng sai bét. Ðúng nhất
là phải cộng lại chia đôi thì mới tìm ra nơi để đặt nó vào.
Bền nói xong, không đợi Minh phản ứng, chạy vào phòng thay đồ
tắm rồi trở ra nhanh nhẹn nhảy xuống hồ té nước vào mấy cô đầm, đuổi bắt, đụng
chạm họ một cách vừa táo bạo vừa khả ái làm cho họ thích thú hơn là phật ý.
Cô tóc màu hạt giẻ hỏi:
- Anh là cầu thủ hả?
- Phải!
Cô tóc bạch kim hỏi:
- Anh học với bà Pottier phải không?
- Ðúng!
- Bà ấy dạy giỏi nhưng cho điểm quá khắt khe.
- Bà chỉ khe khắt với học trò 1ère và 2ème, lên tới 3ème và
4ème thì bà rộng rãi hơn! Cô học 2ème hả ?
- Vâng, cả hai chúng tôi đều học 2ème.
- Vậy là...Minh ơi! Lại đây, lại đây. Hai cô là bạn của
Emilie hả ?
- Vâng.
- Cô có cho Emilie cọp bài không?
- Híhí...Tụi em cóp của nó thì có! Cả luận Pháp văn cũng thế
!
- Tại sao kỳ vậy?
- Không hiểu! Chỉ biết là tuần nào bà Pottier cũng đem bài của
nó ra làm bài mẫu. Nó được 12, 13 điểm còn chúng em luôn luôn dưới 10.
- Các cô học kém ở ban thành chung, nhưng lên ban tú tài các
cô lại vượt chúng tôi.
- Tại sao vậy?
- Vì chúng tôi trút hết trí óc ở ban Thành Chung rồi. Các cô
xem, có mấy người ở lớp cô lên đây chơi vào buổi chiều. Họ ở nhà gạo bài. - Bền
trỏ Minh vừa tới mép hồ e dè nhìn xuống nước - Như ông bạn 4ème của tôi kia.,
tôi lôi mãi mới chịu buông sách lên đây coi tôi đá...Hai cô bạn của Emilie nè
mày!
- Chào hai cô!
Minh miễn cưỡng buông câu xã giao. Còn Bền nhanh nhẩu một
cách nịnh đầm:
- Xin lỗi, chúng tôi đang hân hạnh được nói chuyện với những
người đẹp nào đây?
- Em là Yvonne, còn bạn em là Thérèse! - Yvonne tiếp - Emilie
vừa học giỏi lại vừa đẹp.
- Các cô cũng đẹp chứ!
- Không bằng Emilie.
- Emilie có xứng với anh bạn tôi không? - Bền hất hàm về phía
Minh.
- Xứng! Xứng lắm! - Cả hai cô đầm cùng nhí nhảnh reo lên và
cười tán thưởng.
Bền buột miệng:
- Vậy nhờ hai cô giúp một việc được không?
- Ðược chớ! Mà chuyện gì?
- Ðưa giùm thơ của bạn tôi cho Emilei! - Bền nói thình lình ,
Minh không ngăn kịp.
- Tại sao phải nhờ người khác? - Yvonne dẩu môi.
- Bí mật! - Bền bị Minh phản đối nhưng vẫn tiếp- Nhớ nhé,
ngày mai tôi sẽ đến nhờ.
- A! Tôi biết rồi! - Yvonne kêu lên- Bí mậ! Bí mật !
Thérèse hỏi Minh:
- Bí mật mà laị nhờ người khác, không sợ họ biết ? - rồi tỏ
ra lanh lợi - Viết thư là khi nào không gặp được nhau kia, còn đằng này anh và
Emilie gặp nhau hằng ngày mà!
Minh đỏ mặt tía tai, nhưng Bền bình tĩnh:
- Có khi nói tiện hơn viết. Có khi viết tiện hơn nói. Bạn tôi
viết hay hơn nói. Trong trường hợp này bạn tôi muốn dùng thư hơn là nói trực tiếp.
Lá thư chỉ mang một chữ thôi.
Yvonne vỗ tay cười ngặt nghẹo:
- Biết rồi! Cái chữ dễ nói nhất và cũng khó nói nhất. Dễ mà
khó, khó mà dễ, phải không? Do đó anh bạn phải viết chớ gì! Bộ anh bạn chưa nói
tiếng đó với ai lần nào sao?
- Chắc là chưa!
- Thì cứ nói đi cho nó quen! - Yvonne lém lỉnh - Anh muốn nói
tiếng đó với Emilie thì chính anh phải nói với nó, chớ còn tôi nói một trăm lần
cũng không có nghĩa gì.
- Cứ nói giùm đi !- Bền gắt yêu.
- Nói thế nào? - Yvonne hất hàm - Bảo em nói thế nào em nói
thế nấy!
-"Anh yêu em!! - Bền đáp.
- Ừ, anh yêu em! Anh yêu em thật không? - Yvonne nhìn bền và
lặp lại.
- Em yêu anh! - Bền tiếp.
- Em yêu anh! Em yêu anh thật đấy!
Bền cứ nói và hai cô đầm vừa lập lại vừa té nước vào nhau.
Yvonne bảo:
- Anh dạy em nói bằng tiếng Việt Nam đi!
Chương 5
Trên đường về, Bền tán tiếp:
- Mày thấy không? Tụi đầm nó nói tiếng đó rất hồn nhiên. Còn
người mình thì rất khó. Tao đã bảo cộng lại chia hai là vừa mà!
- Nhưng ai bảo mày tài khôn vậy? Rủi ngày mai tụi nó mách với
Emilie rồi làm sao?
- Càng tốt. - Bền cười hô hố - Mày cứ ôm cái cục thiêng liêng
đó trong bụng hoài thì làm sao người ta biết mày yêu người ta ! Hai chiếc lọ
trong phòng thí nghiệm phải có ống thông nhau thì mới thí nghiệm vật lý được chớ.
- Nó méc thầy làm sao ?
- Thì mày cứ nói là mày yêu nó thật. Ðã chết ai nào?
Minh làm thinh. Bền tiếp:
- Tao sẽ đứng đầu dốc nói với ẻn rằng toa yêu ẻn ,
chịu không nào?
- Ðừng có liều !
- Nếu toa có ra hội đồng kỷ luật, tớ tình nguyện nhận
tội cho! - rồi Bền đổi giọng - Mày coi hai con đầm có khớ không? Tụi nó muốn nhờ
tao kèm bài cho đó. Nhưng deux contre un (hai chọi một) tao không kèm
xu..uể! Mày đi với tao nhé! - Rồi trở laị chuyện Emilie - không phải có một
mình mày dòm ngó. Tụi thằng Lạc phi-lô , thằng Thanh Don
Quichotte , thằng Ngợi Tarttuffe cũng có mắt chớ đâu phải cận thị.
- Rủi, mình nói yêu người ta mà người ta không yêu thì sao?
- Sao mày biết nó không yêu mày. Tụi đực rựa mình luôn luôn
phải đi avant ! Bữa nào mình tan giờ sớm vài phút tao với mày ra bên
hai cây mãng cầu ta làm bộ đứng hứng gió sẽ thấy cả bầy, đứa nào coi cũng khoái
mày hết mày ơi!
- Nhưng hổng lẽ mày yêu tất cả ?
- Yêu chỉ là một, nhưng nếu mày yêu mà người ta không yêu thì
mày phải kiếm người khác yêu mày chớ. Tình yêu như hai luồng điện. Nóng và lạnh.
Chỉ một không thành.
Minh lo lắng giục bền đi nhanh.
- Rủi bà đầm lên đánh ten nít với ông Chánh tham biện bắt gặp
mình ở đây, sáng mai bả cho bài mình làm trật, bả bảo tại mình bỏ học đi chơi.
Bả cũng đi chơi nhưng bả là thầy, bả có thể cấm mình đi chơi. Bả không nói với mình" Làm
những gì tôi nói, đừng làm những gì tôi làm " là gì ?
- Chồng bả hiện ở Sài Gòn! - Bền nháy mắt - Nên bả thường lên
đây oánh ...tê...ní...với ông...
Hai đứa về gần đến trường thì đụng một cô đầm khác. Ðó là
Madeleine. Nàng học cùng lớp nhưng có vẻ thối chí. Tối tối nàng thường đi thơ
thẩn lên ngã ba Tháp hoặc trước cửa trường hứng...gió. Nàng ta có hôn phu nhưng
chàng về Tây, rồi không thấy trở qua! Nàng buồn tình ca, nên muốn tìm bạn trò
chuyện. Nàng đẹp hơn cả Yvonne lẫn Thérèse, nhưng ít khi lên sân vận động biểu
diễn nền văn minh mẫu quốc. Bền nói vừa đủ nghe với Minh:
- Ðây là con bé tóc vàng đẹp nhất tao quen từ trước đến nay.
Thân hình rất thon. Cặp chân rất thẳng không ốm không mập, đặc biệt da mặt
trong veo như nước hồ thu, không có một cái tàn nhang. Còn Yvonne và Thérèse
thì tàn nhang lốm đốm đầy mặt, sau cổ, ở hai bắp tay và cả ở ức nữa.
- Mày nhìn kỹ quá he !
- Thì tao tắm chung với tụi nó cả giờ mà. Tao còn lặn lôi tay
kéo chân tụi nó nữa!
Hai cậu công tử làm như không để ý Madeleine, như xe cứ lướt
qua mà không bóp kèm, nhưng hai đứa vừa đi khỏi được vài khoảng cây me thì có
tiếng the thé cất lên:
- Eh! Các bạn, bữa nay trên đó có gì vui không?
- Có! Nhưng ông bạn tôi đã lấy trọn đem về đây hết rồi - Minh
khẩu khí đáp.
Madeleine nghe câu pha trò duyên dáng bèn đến gần:
- Chia cho tôi với. Tôi đang cần vui!
Bền dừng lại với cử chỉ và giọng nói ga lăng
- Cô hát lên sẽ thấy vui ngay. Người đẹp là gì cũng hay hết !
- Bải gì vui, tôi hát cũng nghe buồn.
- Cô biết bài " Chante ma guitare" chưa ?
- Bài đó tôi có dĩa hát của Tino Rossi " ở nhà
nghe mãi rồi, hay cũng hoá dở.
- Vậy thì bài " Guitare d'amour"!
- Cũng nghe rồi!
- Chanson pour Nina! O Nina...
- Bài đó xưa lắm . Tôi nghe mãi chán tai quá !
- Vậy thì bài "Chanson pour Madeleine ",
bài hát cho Madeleine vậy!
- Ðược đấy, anh hát xem nào !
Ô Madeleine, vois le soleil rayonne!
Ô Madeleine, hãy nhìn vầng kim ô! Trời trong xanh có khác chi
đôi mắt em. Nếu em ưng thuận mà không nói với ai hết, thì thuyền đây, chúng ta
hãy tách ra khơi. Chúng ta sẽ tìm một nơi yên tĩnh trong ghềnh đá để xa lánh thế
gian
Madeleine cười thích thú:
- Nhưng thuyền của toa ở đâu để ta cùng đi nào ?
- Có chứ! Madeleine chịu đi thì sẽ có ngay!
Madeleine vỗ tay:
- À, phải rồi, tôi đang tập bản "Thuyền tình trên hải
đảo" . Bản này rất tình tứ. Mời anh vô nhà em, nghe em đánh đàn.
- Ồ, bản đó không hay bằng bản " Madeleine, anh yêu
em!" - Bền tình tứ liếc Madeleine.
Thay vì phản đối, Madeleine bắt mối, hồn nhiên nguập ngay:
- Anh yêu Madeleine bao giờ ?
- Lâu rồi !
- Bao lâu ?
- Thế kỷ trước. Còn Madeleine đối với tôi thế nào ?
- Tôi cũng yêu anh!
- Bao lâu rồi?
- Mới hôm nay. Vừa đúng lúc nãy đây thôi!
- Vậy ra Madeleine có lên sân vận động?
- Có xem đá bóng nữa ạ!
- Và yêu tôi vì tôi đá...giỏi!
- Không phải!
- Vậy tại sao?
- Chính em cũng không biết tại sao. Có lẽ hôm qua thì đúng
hơn! Khi bà Pottier bảo anh bình luận về Paul và Virginie, anh nói thật hay làm
cho em tưởng anh là Paul còn tụi nữ là Virginie cả!
Bền ngó lại thì Minh đã biến mất từ lúc nào, nên mạnh dạn bước
tới nắm tay nàng:
- Thế thì mình làm Paul và Virginie Việt Nam đi nhé. Ðược
không?
- Tôi không muốn một mối tình kiểu đó! - Madeleine không rút
tay ra, chỉ đáp khẽ.
- Ðược văn sĩ viết sách để đời mà không chịu à ? - Bền cười
tình, nhìn sát mặt nàng.
- Yêu là để được hưởng hạnh phúc chớ không phải để cho người
ta viết sách! Nào về nhà, nghe em đánh bài " Thuyền tình trên hải đảo" đi!
- Rồi Madeleine hát nho nhỏ - Trên sóng xanh chiếc thuyền lắc lư như một
bó hoa trước gió...
Bền giao thiếp với Tây đầm con khá nhiều, nên trước sự mời mọc
của nàng, chàng đi theo. Madeleine lấy làm vui mừng khi có Bền bên cạnh. Bất ngờ
Bền hỏi:
- Còn vị hôn phu của Madeleine đâu lâu nay không thấy tới ?
- Hôn phu gì! Anh ta chỉ vờ để ở đậu nhà tôi và lấy tình cảm
với ba má tôi. Bây giờ anh ta về bển gởi thư qua nói là chưa biết chừng nào
sang được. Anh ta cưới vợ rồi cũng nên!
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là vậy đó! - Madeleine nhún vai và bĩu môi rất
...Tây. - Khi nói yêu là không yêu và khi hứa chắc chắn nghĩa là đang nói
láo...
Hai đứa sánh đôi đi vào sân. Chân họ bước trên lớp sỏi nghe lạo
sạo. Bà mẹ Madeleine từ trên lầu thò đầu ra cửa sổ, nói to:
- Maad...con đi đâu từ chiều tới giờ? Ðã bảo đừng có buồn vì
cái thằng phải gió đó. Nó không sang, con còn hạnh phúc hơn chớ! Bố mày đã trả
lời nó bằng mấy chữ cuối cùng:"cấm cửa nhà này". Con biết rồi chớ?
Nàng lẳng lặng đưa Bền đi vào phòng khách. Bền tỏ vẻ ái ngại
vì bộ may ô trên người và đôi giày đá bóng cầm nơi tay, mồ hôi mồ hám chưa khô,
thế mà ngồi trên sa lông bọc da lưng tựa có lót đăng ten trắng nuốt của người
ta. Biết ý, nàng dịu dàng bảo:
- Anh ngồi đây chốc mẹ em ra! Bà thích người bản xứ có học
hơn là người đồng hương vô học.
Bà mẹ bước ra, Madeleine đến hôn mẹ và quay lại giới thiệu
ngay:
- Ðây là anh Bền bạn học của con. Anh ấy vừa đạt điểm cao nhất
với bài bình luận về mối tình Paul et Virginie, ngoài ra ảnh là trung phong có
hy vọng là bàn nhiều nhất của đội banh tỉnh nhà.
Bà mẹ đon đả bước tới đưa tay cho Bền. Bền đứng dậy bắt lấy,
chưa kịp nói câu xã giao thì bà đã tỏ vẻ vui mừng rối rít:
- Tôi lấy làm hân hạnh được biết câu là bạn học của con gái
tôi! Xin lỗi, cậu dùng loại giải khác nào để chúng tôi kêu bồi mang ra.- Rồi bà
nói liên miên làm như con gái yêu của bà xấu xí, ế chồng, chỉ có Bền là kẻ độc
nhất đến đây - Hôm nay hơi muộn, chúng tôi làm cơm chiều không kịp để mời
khách. Xin một dịp khác. Nhưng dịp khác đó không phải là lễ kỷ niệm Jeann d'Arc
năm tới đâu nhé. Không hiểu tại sao năm nay con gái tôi lại bị truất ra khỏi
vai tuồng Jeanne d'Arc vậy hả cậu ?
Madeleine đáp ngay:
- Tại con không nhận chớ có bị họ truất đâu má!
Madeleine đeo dính Bền hỏi về nghệ thuật bóng đá. Bền trúng tủ
tha hồ trổ tài bằng miệng . Madeleine tỏ vẻ tiếc lâu nay bỏ mất nhiều cơ hội
thưởng thức nghệ thuật bóng đá mà nàng nói là đã "ham thích từ hồi còn ở
quê nhà".. Nàng nũng nịu với Bền:
- Trận nào có anh đá, mà em không được xem, em giận anh đó!
Cố nhiên là Bền hứa sẽ không để cho Madeleine giận chàng.
Minh về đến trường thì những trò "ngoại trú được trông
nom" (externe surveillé) cũng đã lục tục đến dựng xe đạp trước
thềm.
Minh vừa bước vào thì có tiếng gọi giật ngược ở sau lưng:
- Anh Minh.
Minh quay lại thì thấy Liễu dắt xe xuống nửa dốc rồi đứng
trên bàn đạp thả nhẹ vào giữa sân. Vạt áo dài trắng của Liễu phất ngược lại sau
như một cánh bướm. Liễu thắng xe sát thềm. Và chỉ chỏ vào mặt Minh như một người
lớn rầy đứa bé:
- Anh chết nghe ! Anh chết..ết.
- Gì vậy nhỏ đầm lai?
Liễu là em của Mi. Mi ngồi cùng lớp với Minh. Má hai nàng là
một người đẹp nổi tiếng ở thị xã. Mi đằm thắm còn Liễu thì liến thoắng. Liễu có
gương mặt rất "đầm" nên nọc trò gọi Liễu là đầm lai
Liễu nhìn Minh có vẻ đắc chí:
- Tôi biết hết bí mật của anh rồi!
- Tôi đâu có bí mật gì mà người ta biết!
- Chắc không? Laị đây người ta nói cho nghe!
- Ai dám đặt chuyện vậy ?
- Ừ được rồi! Tôi trình giám thị coi ai đặt!
- Trình thì trình chớ ai sợ !
- Chị Mi bảo tôi đem đưa cho anh.
- Mà đưa cái gì mới được chớ?
- Một lá thư tình. Lettre d'amour . Chối thì tôi
không đưa !
Thư tình của Mi ? Tại sao? Mi yêu mình? Không có lý . Học
chung lớp nhau từ 3ème nhưng chưa bao giờ hai đứa có ý gì với nhau. Hơn nữa
Minh biết Mi đã hứa hôn với ai đó. Thi thành chung xong, đâu hay rớt gì Mi cũng
lên xe hoa.
Trong một thoáng, Minh nhớ lại từng dòng chữ viết cho Emilie.
Những chữ "em" Minh đều viết hoa. Và câu cuối cùng:" Emilie,
anh yêu em., Chère Emilie! Nếu không Em thì cũng chẳng ai hết " Minh
viết bằng tiếng Pháp.
Cho nên bây giờ bị con nhỏ đầm lai bắt bí, Minh đành chịu
phép, nhưng vẫn còn cượng lý:
- Ừ thì có, rồi sao?
- Anh gởi cho ai biết không?
- Viết để đó chớ không gởi ai cả.
- Chắc không gởi hả ? Cha chả, cái môi anh mỏng ghê! - Liễu
nói xơi xơi vào mặt Minh - Nè, tôi nói cho anh biết, phong bì màu xanh lơ. Bên
trên góc có tên người gởi, phía dưới có tên người nhận hẳn hỏ cơ đấy. Lại còn
phảng phất mùi thơm, còn chối nữa đi coi!
- Ừ thôi, anh chịu tôi, em gái đưa anh xin lại!
- Tại sao anh lại lơ đễnh thế chớ?
- Anh đánh rơi đâu đó thôi!
- Xí , đánh rơi! Ðánh rơi...giữa cuốn Larousse! - Liễu vừa
nói vừa mở bóp lục soạn lung tung nhưng miệng vẫn chưa hết càu nhàu - Hồn anh ở
đâu mà lại quên như thế. Cũng may mà chị Mi bắt gặp chớ nếu...
- Bữa đó gấp quá nên anh đưa sách cho chị Mi mà quên lấy thư
ra.
-Nếu người khác thì anh đã bị người ta thưa lên hội đồng kỷ
luật rồi. Anh không biết trường nghiêm cấm quan hệ nam nữ hay sao ?
- Nhưng ai thưa mà anh bị ?
- Ðối thủ của anh chớ ai ? Họ cũng biết nhắm nhía cái
cô "Chère Emilie " của anh chớ không à!
Ðược thể, Minh hỏi luôn:
- Nhưng Liễu có biết Emilie để ý ai không?
- Ai thì em không rành (Liễu bất thần xưng "em") chớ
anh thì nó không có ngó tới đâu mà hòng. Em biết có người đẹp không thua nó
cũng để ý anh mà anh không biết. Chưa mang kiếng cận mà...Chim đậu không bắt để
bắt chim bay. Thiệt la...Xí! xí!
Liễu nói với giọng lúc đùa cợt lúc hằn học. Bị biết tẩy, Minh
càng xuống nước:
- Ai để ý anh vậy nhỏ?
Bỗng có tiếng sau lưng (Liễu biết ngay đó là tiếng thầy Xuỵt 1 chớ
chẳng ai khác).
- Con Liễu có chuyện gì mà tới đây "xí, xí" om vậy
?
- Dạ thưa thầy a...a...Chị Mi cháu bảo cháu tới trả cuốn sách
cho anh Minh.
- Sách với vở! Ðâu đưa ta coi có ém thư thừ hoa lá gì trong
đó không?
Minh nhanh tay lấy cuốn "Hình học trong không gian
" trình thầy.
Thầy xuỵt mở ra lật từng trang rồi cầm một bên bìa
sách giũ giũ lia lịa. Thấy mấy miếng giấy con rơi xuống đất, thầy khom xuống nhặt
lấy (Liễu nháy nó với Minh:"cho ông mò tới Tết") đưa ra ánh đèn trước
thềm xem cả bề mặt lẫn bề trái. Rồi yên trí rằng đám học trò không có viết điều
gì phạm luập "quốc cấm", thầy mới trả sách cho Minh, nhưng vẫn còn gờm
Liễu:
- Cháu nên giữ kỷ luật nghe! Trai gái không được thư từ qua
laị lăng nhăng!
- Dạ cháu không dám ạ!
- Mánh khoé của tụi bay tao nằm lòng hết. Biết tại sao không?
- Dạ không ạ!
- Tại vì tao cũng đã có một thời làm quỷ phá nhà chay như tụi
bay bây giờ.
- Mấy con đầm mới là quỷ chớ tụi cháu là người phàm thầy ạ!
Thầy "Xụyt " không còn nghi ngờ nên quay
lưng đi. Liễu đưa thư chớp nhoáng cho Minh. Minh chộp lấy bức thư kẹp vào vở rồi
ung dung đi qua mặt thầy " Xuỵt ". Tuy qua mắt được thầy
nhưng Minh vẫn còn nghe ơn ớn xương sống.
Thầy "Xuỵt" đứng ở cửa ngó vô lớp học với
chiếc quạt giấy nâu giá hai xu mua ở chợ, cái vật bất ly th6n luôn luôn dính ở
tay thầy. Thầy dùng để quạt cho khô mồ hôi và che cái bụng màu mỡ của thầy. Lúc
nào thầy cũng hổn hển làm như trời thiếu dưỡng khí cho thầy thở. Tuy vậy thầy vẫn
siêng năng rình mò để bắt phạt học trò. Nhưng đứa nào bị xí nha lê mà
kiên nhẫn năn nỉ thầy chừng nửa tiếng đồng hồ và hứa sẽ không tái phạm thì thầy
sẽ tha cho.
Do đó học trò kháo với nhau rằng thầy " xuỵt "
lấy "bụng " ở đời.
Minh vào tận trong góc phòng len lén mở phong bì lấy thư ra đọc:
Anh Minh thân mến,
Em được thư của anh một cách bất ngời do chị Liễu trao lại.
Chị bảo rằng thư do chị Mi bắt gặp trong quyển Larousse rồi chị bảo Liễu đưa
cho em vì bên ngoài phong bì có tên người gởi là anh và người nhận là em. Nếu
không thì chắc bức thư sẽ đi lang thang như một con "thuyền không bến"
hoặc một món hàng rong chẳng biết ai là kẻ gởi và ai là người nhận.
Anh Minh,
Em rất xúc động đọc những dòng chữ của anh. Em có thể nói với
anh rằng em sẽ đáp lại tình cảm nồng cháy của anh ngay nếu bức thư đến với em
cách đây vài tuần. Ngặt vì...Em nói vậy chắc sẽ làm buồn lòng anh rất nhiều,
nhưng em không thể nói khác hơn. Em vừa đọc quyển "Le livre de mon
ami" của A. France, trong đó có một câu em nhớ mãi:"Nơi mà tôi đứng
tôi chỉ muốn đứng một mình..Là où jue suis, je veux être seul". Trong hoàn
cảnh này chắc anh cũng muốn như vậy, phải không anh? Do đó, em xin chép ra để
đáp lại những gì anh mong muốn ở em mà không đạt. Xin anh hãy nhìn sang bên
trái, bên phải của anh, anh sẽ thấy bạn anh, bạn em, những người có nhan sắc và
đức tính tốt hơn em, họ cũng đã để ý anh từ lâu. Và em biết chắc rằng nếu anh đến
những "nơi" ấy thì anh sẽ được toại nguyện :"être seul!"
Emilie Liliane.
Minh không đọc nổi hết bức thư. Chàng tự hỏi:
- Ai là kẻ được cái diễm phúc đứng một mình trong tim nàng?
--------------------------------
Xuỵt: tiếng Pháp là surveillant (giám thị) nhưng học trò
ghét nên gọ là thầy "xuỵt" |
Chương 6
Trường học và công sở được nghỉ lễ kỷ niệm nữ thánh Jeann
d'Arc. Từ lớp nhứt sơ học trở xuống thì học trò phải học thuộc lòng bào " Hãy
Tưởng Nhớ Tới Jeann d'Arc. ", người con gái chăn cừu vô danh đã cứu
nước Pháp khỏi tay xâm lược của bọn Anglo Saxons vào năm 1429.
Nhưng sau khi chiến thắng vẻ vang, Jeanne bị bọn phản bội bắt
bán cho kẻ thù với giá 16,000 francs, Jeann d'Arc bị thiêu sống năm 1431 vào
ngày 5 tháng mười một. Do đó chánh phủ lấy ngày này để làm lễ kỷ niệm và bắt
dân thuộc địa phải nhớ ơn cô gái chăn cừu 17 tuổi đã cứu mẫu quốc của mình cách
đây năm thế kỷ. Bọn mày râu không làm nên trò trống gì ngày nay cúi đầu tưởng
niệm một đứa con gái vị thành niên, nghèo hèn, ắt hẳn xấu hổ lắm .
Liễu và Emilie được chọn đóng vai người con gái chăn cừu đó.
Nhưng Emilie cáo bệnh rút lui để cho bạn mình được hưởng vinh quang trọn vẹn.
Thực ra Emilie không thích được người ta hoan nghênh như một anh hùng trong lúc
mình không có chút nào mà chỉ là đứa học trò tầm thường. Nhiều cô ước mong được
hưởng cái danh dự của Emilie mà không được. Thấy Emilie từ chối thì rất đỗi ngạc
nhiên. Có cô nói:
- Ðược làm thánh mà không chịu, còn đòi gì nữa ?
Riêng Liễu khi thấy Emilie cũng được chọn như mình thì sợ
Emilie đoạt mất chức "nữ thánh", nhưng khi nghe tin Emilie từ chối thì
rất mừng. Liễu thích được đứng lên trong tiếng hoan hô như Liễu đã từng chứng
kiến các nàng "nữ thánh" đứng trên xe "cộ đèn" khi Liễu còn
học trường tiểu học. Niềm mơ ước được làm nữ thánh nhóm lên trong đầu cô bé từ
đó.
Năm nay buổi lễ được tổ chức tưng bừng hơn mấy năm trước. Người
ta đoán già đoán non là vì quan chủ tỉnh là người sanh đẻ ở vùng Domrémy, quê
hương của cô gái chăn cừu, còn quan phó chủ tỉnh thì chôn nhau cắt rốn tại
Orléans, là thành phố quan trọng nhất bị bọn Anglo Saxons chiếm đóng và được
Jeanne d'Arc giải phóng.
Buổi sáng ở tại sân vận động có các cuộc tranh giải bóng
bàn, bóng rỗ, bóng đá, chạy đua, lội đua . Ngoài ra buổi chiều còn tiếp tục
trò chơi bình dân ai cũng có thể tham dự được và trò nào cũng có phần thưởng
nhu cạp chảo, leo cây thoa mỡ bò, ném vòng vịt, đánh cờ tướng, đi cầu run,
bịt mắt đập trống...Cạp chảo là trò chơi bẩn nhất. Người điều khiển cuộc
chơi trộn xu năm bạc cắc với lọ nghẹ bỏ vào lòng một cái chảo khá lớn. Cạp được
bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nhưng dù được bao nhiêu thì cái mặt cũng đã đen như lọ
nghẹ. Ðây là trò chơi được nhiều người xem nhất vì nó vui, nhưng lại được ít
người dự nhất vì nó bẩn. Tuy là trò chơi vô tư, nhưng nó lại bị mỉa mai: "
cạp được đồng xu, đen cả mặt." Trò chơi được hưởng ứng đông thứ hai
là leo cây thoa mỡ bò . Một thân cây tròn như cột nhà được dựng lên
và thoa mỡ bò trơn như ....mỡ . Trên đầu cột treo cái vòng tròn buộc đầy những
vật dụng như khăn bàn lông, áo thun, khăn tay, xà bông thơm, quần cụ. Nó được
rút lên hạ xuống bằng một sợi dây do người chỉ huy cuộc chơi điều khiển. Anh ta
hạ chiếc vòng xuống chờ người nhảy vào giật đồ thì rút lên khỏ tầm tay. Cả giờ
đồng hồ không ai được món nào. Ai nóng mũi leo cây thì bị tuột...giữa tiếng cười
chế giễu của người xem.
Bỗng một chàng thanh niên chạy ra mé sông phóng ùm xuống nước
rồi nhảy lên lăn mình vào đống cát, xong đến leo cây. Nhờ cát nhám nên chàng ta
leo không bị trợt và giật được nào khăn, nào xà bông và các món khác nữa.
Nhưng người chỉ huy cho đó là gian lận nên lấy lại hết. Hai bên
đang cãi nhau, bỗng có tiếng quát:
- Ðồ con lợn, mày có dẹp cái trò chơi quái gở này không ?
Trò chơi đang trớn bỗng ngưng ngang. Một tên lính áo vàng đến
can thiệp rồi chạy đi tìm một ông Tây. Mọi người xúm lại coi và chờ kết quả.
- Ồ, giáo sư Long, ông cũng đến đây? - ông Tây chìa tay.
- Vâng! Nhờ thế tôi mới được biết trong buổi lễ long trọng
hôm nay lại có trò chơi vui vẻ này.
- Ồ! Ðây là trò choi dành cho giới bình dân đâu phải cho trí
thức.
Giáo sư Long cố cười tự nhiên:
- Xin ngài hãy tưởng tượng đây là Paris thì người ta có bày
ra một trò chơi thế này hay không?
Ông Tây rùn vai:
- Ở đâu thì cũng thế thôi. Lọ nghẹ là lọ nghẹ. Mỡ bò là mỡ
bò. Dân chúng thích chơi thì cứ chơi. Không ai cản họ được.- Nói xong ông Tây bỏ
đi, không ra lệnh tiếp tục hoặc ngưng cuộc chơi.
Giáo sư Long quay sang người chỉ huy cuộc chơi:
- Nếu họ là người Việt Nam thì họ sẽ hiểu rằng lọ nghẹ chẳng
những làm đen mặt dân mình mà còn bẩn cả mặt nước Pháp.
Lâu nay, Minh nghe đồn giáo sư Long là người ngang bướng, hay
cãi lộn với Tây và bất phục tùng cấp trên, nay mới chứng kiến lần thứ nhất.
Minh bỏ chỗ đứng đi rảo qua các khán đài như đi tìm ai, nhưng
trong bụng không định gặp ai. Gặp để làm gì khi nàng đã trả lời như thế rồi. Bỗng
có tiếng gọi nheo nhéo, Minh dừng lại thì thấy hai cánh tay nõn nà vẫy lia từ
đám khán giả ở góc sân. Thì ra Yvonne và Thérèse ngoắt chàng. Minh vừa lại gần
vừa hỏi:
- Sao các cô không ngồi trên khán đài mà lại đứng chịu nắng
thế nầy?
Yvonne đáp:
- Ðứng ở đây xem anh Bền đá thủng lưới đội tuyển mới thích.
Ngồi trên khán đài xa lắm ! Lại đây mau, anh Bền ở trong sân kìa. Tụi em vẫy ảnh
mà ảnh không thấy.
Minh đứng bên cạnh Yvonne. Yvonne tỏ vẻ thân mật làm bụng
chàng nôn nao.
Bỗng Thérèse cười:
- Tôi nói vớ con Emilie rồi! Anh thưởng tôi cái gì nào?
- Nói gì ?
Yvonne vọt miệng:
- Thì cái chữ khó nói ấy mà! Anh quên rồi sao?
Minh nghe mặt nóng bừng. Chàng hỏi:
- Rồi Emilie đáp sao?
- Nó không nói gì hết!
Thérèse tiếp ngay:
- Ðối với bọn con gái chúng tôi, không nói gì hết tức là đồng
ý, anh hiểu không. Vậy nghĩa là nó đã yêu anh - Thérèse nháy mắt nói với Minh -
Tôi bảo nó, có yêu thì yêu mau lên kẻo người ta yêu mất đấy.
- Rồi Emilie nói sao?
- Nó nói...
Thérèse chưa chấm câu, Yvonne đã hớt:
- Nó nó a...a...Nó cũng yêu anh chớ sao!
- Thế là nhờ...Tụi tôi mà anh được một á thánh xinh đẹp yêu rồi
đấy nhé.
Thérèse kêu:
- Khát quá! Ðể tôi kiếm nước đá chanh! - rồi chạy vụt đi.
Minh hỏi Yvonne:
- Cô có nói thật không, hay chỉ đặt chuyện?
- Có thật mà. Bữa đó giờ xả hơi, tôi thấy Emilie ngồi trong lớp
gạo bài, tôi bèn đến bảo nó ra sân chơi. Emilie không chịu đi. Tôi bảo: có người
gởi thư. Thế là Emilie theo tôi. Tôi bảo:"Thư viết chỉ có một chữ thôi. Nó
hỏi chữ gì. Tôi bảo:..."Yêu". Nó cấu vai tôi đau điếng. - Yvonne hồn
nhiên trật bả vai nõn nà cho Minh xem vết bầm tưởng tượng.
Minh thấy mạnh dạn hẳn lên:
- Emilie có nói gì không?
- Người Việt các anh kín đáo chứ không phổi bò như tụi tôi.
Có khi yêu gần chết mà không chịu nói, có người lại nói:"không yêu" nữa
chớ. Nhưng mà tôi biết chắc Emilie yêu anh.
- Sao Yvonne biết chắc được ?
- Nhìn cặp mắt thấu cả ruột gan. . Anh dư biết mắt là cửa sổ
của tâm hồn? Do đó nhìn mắt Emilie thì tôi biết cậu chàng yêu anh.
- Yvonne có nói giùm tôi:" Anh yêu em" không?
- Hỏi hoài! Có! Có! Tôi còn nói thêm những gì anh không bảo nữa
cơ! - Yvonne liến thoắng - Tôi còn hỏi nó giùm anh xem nó thích màu gì nữa. Tôi
nói nhiều lắm. Cái gì cũng nói hết. Nó nge, nhưng lần sau không véo tôi nữa. Nó
chỉ cười cười. Cặp mắt nai của cô nàng long lanh hết sức đa tình. Phải anh thấy
chắc anh xỉu ngay.
Minh mừng rở nhưng lại hoang mang. Emilie nào như vậy, còn
Emilie nào viết thư bảo mình lỡ chuyến đò?
Vừa đến đó thì Thérèse xuất hiện xa xa, cánh tay vẫy lia như
một cánh hoa huệ. Ði sau nàng là một cô đầm khác mặc đồ trắng đội nón đệm rộng
vành và đeo kính dâm. Minh chưa nhận ra là ai thì Yvonne kêu to thích thú:
- Thérèse nó bắt được Emilie về cho anh kìa. Anh chuẩn bị nói
đi!
Minh chớp chớp mắt nhìn kỹ, thì quả thật Emilie chớ không phải
cô đầm nào. Minh hơi xôn xao. Trong nháy mắt, Minh thấy mình sẽ đóng vai chánh
trong một màn kịch mới gay go hơn màn kịch ở gốc vú sữa hôm nao.
Ði gần tới nơi, Thérèse quay lại đủn Emilie lên trước và hỏi:
- Biết ai chờ mày đó không?
Emilie bị lỡ bộ đành phải tiến tới. Yvonne reo lên:
- Tương lai tươi sáng đang chờ bạn, Emilie! - rồi chồm tớ bắt
tay Emilie lôi lại và nói tía lia - Ðây là cái người định nói yêu mày mà không
dám nói nên nhờ tao nói giùm đấy! Nào, bây giờ hai người giáp mặt rồi, bắt tay
nhau đi, nói với nhau đi!
Minh đưa tay ra, Yvonne nắm tay Emilie đặt vào bàn tay Minh
và bảo:
- Nói anh yêu em và em yêu anh đi nào! Hôn nhau đi nào!
Khán giả mê xem bóng đá không chú ý. Minh thấy dạn dĩ hơn
lên. Chàng nghe bàn tay Emilie mịn như nhung nên không dám bóp mạnh. Còn Emilie
nghe hơi nóng từ bàn tay của người con trai chuyền vào mình. Một cảm giác nhẹ
êm mà nàng chưa từng biết làm gò má nàng cũng hừng lên. Yvonne lên giọng thầy đời:
- Emilie ạ! Không nên làm theo lời bà mẹ của Virginie là giữ
kín mọi nỗi niềm trong con tim mày.
- Tao đâu phải là Virginie! - Emilie khẽ bảo Yvonne.
- Tao không nói mày là Virginie, nhưng tao bảo mày đừng có
nghe lời bà mẹ Virginie tức là đừng làm theo lời bà dặn. Giấu làm gì những tình
cảm tốt đẹp trong lòng mày.
- Bà ta dặn cái gì ?
- Bà bảo Virginie " đừng bao giờ nó với thằng Paul
rằng con yêu nó...Nếu nó biết con yêu nó rồi nó sẽ không còn gì để theo đuổi
nơi con nữa!" - Yvonne lắc đầu- Theo tao thì khác. Nếu người ta yêu
tao và tao cũng yêu người ta thì tao sẽ nói cho người ta biết. Tại sao lại lặng
thinh? Rồi người ta tưởng lầm rằng mình không yêu người ta thì thất là tai hại!
Hai người như đôi thanh sắt của đường rầy xe lữa, chạy song song cả trăm cây số
mà chẳng bao giờ gặp nhau.
- Sao mày biết tao yêu người ta?
- Vậy mà tao biết, vì tao đọc được điều đó trong mắt mày khi
tao nói anh Minh yêu mày.
Emilie xấu hổ rút tay ra khỏi cái lồng tù hạnh phúc đã nhốt
nó nãy giờ và nói với Minh:
- Xin lỗi, cho tôi trở về chỗ cũ...
- Ðể "đứng một mình" à?
- Emilie, chỉ trong tim anh, em mới mãi mãi đứng một mình! -
Minh nói bằng tiếng Pháp.
Emilie quay đi. Thérèse còn nói to lên:
- Anh Minh yêu mày, nghe rõ chưa hả? Nó cũng yêu anh rồi đó.
Tiến tới đi!
Tiếng khán giả la ó làm Minh phóng mắt ra sân cỏ. Ở góc sân,
trên tường , tỉ số vẫn còn còn y nguyên, nhưng bỗng trận đấu ngưng hẳn. Các cầu
thủ lao nhao.
Trọng tài chạy xuống khung thành Hội Tuyển xem xét một hồi
lâu rồi tuyên bố đội tuyển bị thủng lướ, do cú đá móc của trung phong Bền.
Khán giả tung khăn vứt nó như mưa hoan hô đội nhà.
Người lính phụ trách bảng ghi bàn thắng đội tấm bảng số 6 lên
đầu nhảy nhót "múa lân" một hồi rồi mới gắn lên tường. Khán giả lại
la ó, qươ khăn tung nón nhảy tưng lên như sắp nổi loạn. Mắt khán giả đổ xô về một
phía, thấy tỉ số 5-6 mà ngờ chiêm bao.
Thérèse và Yvonne vọt ra gần mép sân hò hét:
- Hurrah! Bravo Bền! Một ngàn cái hôn cho anh!
- Em yêu anh! Em yêu anh!
Hai bên tiếp tục trận đá, chỉ còn hơn 5 phút là hết giờ. Ðội
tuyển tung toàn lực vào phần đất Bentre. Thầy Năm cho rút cả hàng tiền đạo về
hàn kín mặt thành nhà và dùng chiến thuật "hai cặp một" cho nên đến
phút chót, đội tuyển đành ôm "cây gậy" về đường.
Khán giả ùa ra sân trong lúc hai đội "đổi áo cho
nhau"
Bây giờ đội Bếntre mặc áo đội tuyển Nam Kỳ. Màu vàng là màu
giựt giải quán quân. Thay vì buồn, đội tuyển Nam Kỳ lại vui, đúng với tư cách
đàn anh trong làng bóng đá. Họ nhiệt liệt khen ngợi cầu thủ Bến Tre, đặc biệt Bền
trung phong trẻ nhất làng bóng. Khán giả công kênh Bền lên đi vòng quanh sân để
mọi người hoan hô cho thoả mãn. Một tốp thiếu nữ từ khán đài A bước xuống tặng
hoa cho chàng. Bền bị chìm ngập trong vinh quang. Bền nhận ra Liễu, Yvonne,
Thérèse, Madeleine. Madeleine chen vào đám đông vít đầu Bền xuống và tặng cho
chàng trung phong một cái hôn dài.
Liễu đứng cách đó không xa. Thấy cái cử chỉ sỗ sàng của
Madeleine, Liễu căm giận nhưng không làm gì được địch thủ. Còn Madeleine thì rất
thù Liễu nên cũng muốn trêu tức Liễu chơi một phát:"Tao mất chức Jeanne
d'Arc nhưng được chàng trung phong! Một cái là hào quang rởm, còn một cái là sự
thật, cái nào hơn?"
Các cô đầm của trường Minh Châu không được chọn là Jeanne
d'Arc là vì Yvonne thì gầy đét, Thérèse có bộ ngực đồ sộ, còn Madeleine thì đã
20 tuổi, hơn Jeann d'Arc những ba tuổi nên bị Liễu gọi là con gái gia (vieille
fille). Cái danh từ này làm cho Madeleine đau đón, cho nên nàng không bỏ lỡ cơ
hội để trả thù. Riêng Bền không chú ý đến Liễu vì cho rằng Liễu quá đẹp, - cái
đẹp quý phái và dữ dội - Liểu sẽ không yêu một cầu thủ vai u thịt bắp như mình,
cho nên cái "gôn Liễu" nằm ngoài những cú "sút" của Bền.
Chập sau khán giả thả Bền xuống. Madeleine chạy tới ngang
nhiên cắp tay Bền đi vào câu lạc bộ. Ở đây Bền lại được hoan hô nhiệt liệt và
được quan chủ tỉnh bắt tay khen ngợi như một anh hùng.
Sẵn trớn, Madeleine giới thiệu luôn Bền:
- Ðây là người yêu của tôi!
- Một cặp trai tài gái sắc - Quan tham biện bắt tay và chúc mừng
hai người.
Liễu cũng đứng gần đó. Nàng trông thấy rõ "cặp trai tài
gái sắc" được hưởng mọi thứ vinh quang.
Bất giác nàng quay ra ngoài đi lang thang ngoài nắng như để
trốn lánh cái hình ảnh làm xốn mắt nàng.
- Ta đã chiếm được cái hào quang của Jeanne d'Arc. Ta sẽ chiếm
nốt gã trung phong tài hoa kia từ tay mi, con gái già ạ!
Chương 7
Lễ kỷ niệm Jeann d'Arc tiếp tục bằng một cuộc "dưng
cộ đèn" đi quanh phố, khởi đầu vào lúc 7 giờ tối.
Liễu mặc áo đầm màu hồng, tay trần, ngực quàng xéo lá cờ tam
sắc. Người ta cắm vào tay nàng lá cờ lệnh đuôi nheo và một thanh kiếm chỉ huy của
Jeanne d'Arc rồi đặt nàng lên một chiếc bục lớn có bánh xe lăn . Nàng đứng giữa
những bó hoa tươi thặm Sau lưng nàng là một đội cận vệ mặc áo giáp sắt, đội nón
sắt theo thời thế kỷ 15. Trông Liễu vừa uy nghi vừa đẹp lộng lẫy . Khán giả hai
bên đường vỗ tay hoan hô:
- Jeanne d' Arc năm nay là người mình !
- Giống Jeanne d'Arc quá !
- Vive Jeann d'Arc !
Chiếc bục của Jeanne d'Arc dẫn đầu, kế đó là xe của quan
chánh tham biện, theo sau là đoàn xe của đội banh rồi mới đến xe của các quan
chức khác . Các đoàn học sinh đi bộ sau cùng tay cầm lồng đèn hình cá, khỉ , rồng,
thỏ, chim...rợp đượng
Ðoàn xe chạy thật chậm để dân chúng nhìn thấy rõ Jeanne d'Arc
da vàng .
Duới mắt Liễu nhấp nhô đầu người, những bàn tay vung vẫy và
nhưng cái miệng há to . Nàng đảo mắt tìm Madeleine . Nàng muốn Madeleine nhìn
thấy cảnh mình trong y phục huy hoàng như một nữ thánh thât. Nàng đã chiếm được
cái vinh quang của Madeleine . Nàng cũng muốn Bền nhìn thấy nàng: "em như
thế này đây, có bằng cô "gái già" Madeleine của anh không ? Hỡi cầu
thủ yêu quý, em sẽ chiếm lại anh từ tay nó !"
Trong đầu nàng chưa phai cái hình ảnh Madeleine sánh đôi với
Bền ở sân vận động: Madeleine khoe với quan chánh tham biện Bền là người yêu của
nàng.
Sự thực, trước đây mấy hôm, Liễu xem thư của Minh gửi cho
Emilie thì nàng lại muốn chiếm lấy Minh cho nên nàng đã mạo bức thư của Emilie
để đánh bạt Minh đi, mặc dù nàng chưa quen với Minh và cũng không biết là nàng
sẽ yêu Minh hay không nữa. Nàng chỉ muốn chiếm Minh để chiếm mà thôi.
Ðến khi thấy Bền trở thành ngôi sao sáng thì Liễu quên hẳn
Minh và quyết dành lấy Bền từ tay Madeleine. Ðứng trên chiếc xe chớp loá những
chùm hao đèn rực rỡ như hào quang, nàng thấy nàng đã chiến thắng. Nhưng khi nhớ
tới cái hình ảnh Bền và Madeleine song song bên nhau, thì trái tim của nữ thánh
hoá thành trái tim nữ sinh, đầy máu nóng muốn ôm ấp bóng hình của một chàng
trai. Những dằn xốc của chiếc xe làm cho nàng tưởng tưởng mình đang cỡi ngựa
phi nước nhỏ trên đồng cỏ mênh mông nơi quê hương Jeanne d'Arc ngày chiến thắng.
Cuộc lễ tan dần.
Bền về đến phòng thì thấy Minh đã ngủ khò. Minh không xem
"cộ đèn" mà cũng không xem kịch.
- Ði tắm thay đồ kẻng rồi theo tao dự dạ tiệc! - Bền lôi chân
Minh, kêu.
- Khuya rồi mầy ạ!
- Ðó là chương trình của các quan lớn, nhưng tao đem mày vô
được!
- Tao không muốn làm khác không mời mà đến.
- Tao có hai vé. Một cho tao và một cho bạn bè.
- Nhưng tao không thích hội hè.
- Biết rồi! Nhưng đêm nay có con Chère Emilie của
mày cũng đến dự.
- Nó đâu có nhiệm vụ gì trong đó ?
- Ði theo tao, không được cãi.
Bền xốc Minh dậy và tiếp:
- Tụi thằng Lạc, Thanh, Ngợi đeo cô Jeanne d'Arc dữ lắm.
- Sao mày không theo ?
- Suit qui Fuit, Fuit qui Suit . Mày theo nó trốn,
ngược lại, mày trốn nó theo! Ðó là định luật ái tình, mày không biết à ?
- Ai dạy mày vậy ?
- Lê Văn Trương, Maupassant, Balzac và...Tao!
- Tao mới gặp nó! - Minh kể lại cho Bền nghe câu chuyện vừa rồi.
Bền gật:
- Hay lắm, nhưng mày còn phải tranh với bao nhiêu thằng khác.
Chừng nào mày "sút" vô "gôn" nó thì nó mới thuộc về mày. Mà
cũng chưa, chừng nào nó ôm ba lông của mầy mới chắc.
- Mày đã sút vô "gôn" con Madeleine chưa ?
Bền cười ré lên rồi lảng sang vấn đề khác:
- Con Liễu đẹp quá trời hả mậy ?
- Mày bảo đó là một sắc đẹp dữ - Beauté brutale mà !
- Dữ thì dữ, nhưng đẹp vẫn đẹp ! Bữa nay tao cho mày cạn ly với
Emilie Lý Lệ Lan một phát và tha hồ nói chuyện trước mặt mọi người. Mày cứ thụt
ló hoài thì tụi thằng Ky chọt , thằng Philô , thằng Tartuffe chộp
mất. Tụi nó lao lách lém lỉnh hơn mày.
Bền lấy xe đạp chở Minh đi vô dinh quan Chánh tham biện. Trên
đường đi Minh hỏi:
- Mày tính keo luôn với con Madeleine à ?
- Nó tới đâu tao tới đó !
- Nếu nó cứ đi tới hoài mà không cho mày "sút" vô
"gôn" thì mày có theo không?
- Gôn tuyển A Nam Kỳ tao còn tung lưới mà mậy. Hé...hé...Thì
"gôn" nào tao đá chẳng vô !
Buổi dạ tiệc được tổ chức thật long trọng với những nghi thức
Tây. Mở đầu buổi tiệc quan chủ tỉnh tỏ lời khen ngợi ban tổ chức cuộc lễ kỷ niệm.
Kế đó là tuyên dương đội banh.
- Ðặc biệt năm nay đội tuyển Nam Kỳ xuống đây bị phơi áo trước
khán giả nhà. Theo lời đề nghị của thầy Năm, vị cảnh sát trưởng, tôi ban thưởng
cho đội một ngàn đồng bạc Ðông Dương. Cũng theo lời đề nghị của các vị tôi tặng
riêng cho cầu thủ đã phá lưới đội tuyển Nam Kỳ ba trăm đồng. Riêng hai trò Liễu
và Emilie sẽ nhận được bằng khen của Nha Học Chánh Nam Kỳ do ban tổ chức thỉnh
cầu.
Một loạt sâm banh nổ ròn để tán thưởng lời nói của ngài chủ tỉnh.
Mùi rượu, khói thuốc xì gà thượng hảo hạng trộn lẫn nhau cấu tạo một bầu không
khí rất đặc biệt mà chỉ hạng công chức cao cấp mới có thể thưởng thức. Riêng
các cô đầm Madeleine, Yvonne, Thérèse tuy không có một cống hiến nào trong buổi
lễ nhưng cũng được dư chung bàn với quan khách vì các nàng là con quan Tây. Liễu
và Emilie cũng ngồi xen trong đám họ. Bền bị Madeleine níu kéo vào bên cạnh
nàng còn Yvonne thì ấn Minh xuống ghế phía tay trái của Emilie. Yvonne bảo Emilie:
- Phen này toa đừng hòng bỏ chỗ trước khi tan tiệc
nghe! - Rồi rót sâm banh bảo - Nâng cốc lên uống cho cạn! Cuộc đời rất ngắn ngủi
! Hãy làm cho nó dài thêm ra bằng những niềm vui do mình tạo ra.
Emilie không ngần ngại. Minh thì hơi ngượng nhưng rồi trong
khoảnh khắc cũng kịp theo sự hồn nhiên của các cô đầm.
Yvonne bảo cả hai:
- Ðây là ly rượu tình yêu. Những giọt champagne này sẽ làm
cho các bạn yêu nhau hơn, sẽ là cho tình yêu của các bạn nồng nàn hơn. Nào, chạm
cốc !
Ba chiếc cốc pha lê trong ngần, sóng sánh rượu vàng ánh, khẽ
chạm nhau. Yvonne cất tiếng:
- Bây giờ hai bạn còn nhờ tôi nói cái tiếng khó nhất nữa
không ?
Minh đáp:
- Xin cảm ơn Yvonne! Tôi đã nói cho tôi rồi!
- Nói rồi nhưng người ta có nghe không ? Ðó mới là chuyện hệ
trọng !
- Có phải không Emilie ?
Emilie đang hớp ngụm rượu, chỉ gật đầu. Yvonne vỗ tay reo:
- Nghe thì phải trả lời. Toa phải trả lời ngay đi .
Bây giờ nè, để tôi nghe và sung sướng lây với bạn.
Emilie lắc đầu, sặc rượu và cố nói lướt:
- Bây giờ chưa nói được.
- Nhưng mà cộng hay trừ thì nên cho biết
trước - Yvonne có sâm banh vào người ăn nói bạo dạn hơn.- Hãy cho khi người ta
thèm khát, đừng đợi lúc người ta no mới đem dí vào mồm.
- Nếu trừ thì sao ? - Emilie hỏi ngoặt lại.
- Thì sao ? - Yvonne quay sang Minh, giằn giọng.
- Thì đau khổ lắm chứ còn sao nữa ? - Thérèse đáp thay và tiếp-
Chớ nên làm bạn mình đau khổ nhé Emilie ! Toa sẽ có tội lớn lắm đấy !
Emilie gật đầu. Yvonne còn bắt gắt:
- Cuối tiệc này, Emilie phải cho anh Minh biết cộng hay trừ nhé!
Emilie lại gật. Thérèse liến thoắng:
- Tớ nhìn thấy trong tim cậu mà Emilie !
- Thấy gì ?
- Một dấu cộng đỏ rực như lửa.
- Nào, mỗi người nốc cạn ly mình đi rồi tôi nói chuyện này
cho nghe!
Nãy giờ Bền và Madeleine ngồi cạnh mấy ông via nên
không dám pha trò, bèn tìm cách chen vào đám trẻ vui nhộn. Riêng Madeleine thì
lấy làm hả hê khi thấy cô nữ thánh ngồi gần quan tham biện. Nàng có vẻ nghiêm
như bụt. Mỗi cái cười, và mỗi cử chỉ đều phải suy nghĩ đắn đo. Madeleine đã từng
biết cái khổ của "nữ thánh" ít nhất là ba năm liền. Nay nàng trút nó
sang cho Liễu. Và...thật là hạnh phúc khi ngồi bên cạnh chàng trung phong lừng
lẫy.
Bền hỏi Minh:
- Nào, đã nói gì với Emilie chưa ? - rồi Bền tiếp ngay - Hai
bạn hãy yêu nhau đi. Ðừng tự đặt cho mình những trở ngại trên con đường suông sẻ
dễ đi. Chính con đường của tôi và Madeleine mới gay go, nhưng chúng tôi đã san
bằng những trở ngại. Yêu ! Ðó là vũ khí chiến thắng tất cả. Hai bạn hãy xem cốc
sâm banh nầy - Bền vừa nói vừa rót rượu - là cốc rượu hồng tôi mừng cho hai bạn!
- Bền nâng cốc lên.
Theo phép lịch sự, Minh cũng nâng cốc đáp lại, rồi Emilie làm
theo, Madeleine cũng phụ hoạ. Nàng cố giơ thật cao và liếc xéo vế phía Liễu
đang cô đơn ngồi giữa các ông lớn. Mọi người uống cạn trừ Emilie.
Ở bàng các ông lớn sâm banh nổ liên tục. Một vị mặc com-lê đen
có bộ tóc chải chuốt tụt xuống khỏi ghế hôn chân mỹ nhân ngồi bên cạnh và lột
chiếc giày của nàng đứng dậy, giơ lên, rót rượu vào gót giày, ngửa cổ uống một
hơi. Rồi hai người ôm nhau hôn rất lâu. Vài ba cặp cũng bắt chước uống rượu bằng
gót giày thay cho cốc.
Madeleine nhìn Bền sâu thẳm:
- Anh không thấy đó là một sự văn minh sao ?
Bền chỉ nghiêng qua hôn nàng.
Nhạc khiêu vũ bắt đầu trổi lên réo rắt. Những cặp uyên ương lần
lượt dìu nhau đi trong mộng dưới ánh đèn càng lúc càng mờ và nghe vũ trụ xoay
êm dưới gót chân họ. Minh và Emilie được dịp ngồi bên nhau.
Emilie ngó ra sàn nhảy nhưng lại nói với Minh:
- Sao anh gởi thư gì cho em vậy ?
- Em có nhận được không?
- Không có nhận, nhưng con Liễu nó bảo là em có thư. Em hỏi
ai gởi nó bảo không biết, nó chỉ biết người đang giữ cái thư đó.
- Em có đọc không ?
- Em có thấy đâu mà đọc.
- Ðể anh viết cái khác và đưa tận tay em nhé !
- Anh đừng có nhờ ai đưa thư, đừng nhờ ai nói giùm như nhờ
con Yvonne , con Thérèse hôm trước. Chúng nó cứ chế nhạo em hoài.
- Từ rày anh không nhờ ai nữa hết. Nhưng thiệt ra anh đâu có
nhờ ai ! Tại tụi nó tài khôn đó chớ.
Minh ngẫm nghĩ một hồi laị nói tiếp:
- Nhưng làm sao anh gặp em?
- Em không biết đâu. Coi chừng người ta thấy. Thôi để em đi về,
kẻo ở nhà trông.
Emilie đứng dậy. Minh bước tới nắm tay nàng thủ thỉ:
- Em ở lại chút nữa. Anh nói chuyện này em nghe.
- Anh chờ em ở bên hông rạp Nam Xuân tối Thứ Bảy. - Nói xong
Emilie đi thẳng.
Chương 8
Buổi tiệc đang vui bỗng Madeleine đòi về. Bền phải chiều
theo.
- Em có làm sao không ?
- Em hơi khó chịu một chút thôi. Nhưng ra khỏi phòng tiệc thì
em khỏi ngay.
Bền biết Madeleine không muốn thấy cặp mắt xâm lăng của cô
Jeanne d'Arc xông xáo về phía Bền ngồi. Mà quả tình Bền cũng có kín đáo đáp lại
đôi lần. Bền khẽ hôn tóc Madeleine và rủ rỉ:
- Em ngoan lắm Madeleine. Anh yêu em ghê nơi !
- Có thật không, hay trái tim anh đang chia nhiều mảnh ?
Hai người lại dìu nhau đi. Họ không định đi đâu nhưng họ thấy
cần phải đi bên nhau khắp mặt đất. Bỗng Madeleine cười như nắc nẻ:
- Anh có vẻ sợ ba em hả ?
- Ổng bắt được anh rủ rê con gái ổng...thì chắc ổng la ghê lắm
!
- Sao anh không nói con gái ổng rủ rê anh? Nhưng mà ai rủ rê
ai cũng không việc gì đến ổng hết. Hễ má em cho phép là ổng phải nghe. Một lần ổng
thấy anh với em trong phòng khác, ổng hỏi má em: "Thằng Annamite nào
mà con Madeleine dắt về nhà vậy?" Má em quát ngay: "Thằng
Annamite nào thì thằng nó cũng hơn tên rể hụt lưu manh của ông hết á !" Thế
là từ đó ổng không hỏi nữa. Má em quả thật còn hơn Beauharnais đối với Napoléon
đó anh. Ðể em kể anh nghe chuyện xử kiện của ổng. Trong một bữa cơm chiều, ổng
cao hứng nói về một vụ kiện ổng sẽ xử vào ngày mai. Kể xong ổng kết luận. Tôi sẽ
xử mông-xừ Piment Ớt thắng mông-xừ Oignon Hành , còn mông-xừ Tiêu
sọ Poivre chỉ bồi thường mông-xừ Piment chút đỉnh thôi.. Má em
quát :"Bộ ông điên rồi hả ? Ông Hành phải thắng ông Ớt, còn lão Tiêu Sọ phải
bồi thường cho ông Hành."
Hôm sau, cũng trong bữa cơm chiều ba em uống một ly cognac rồi
khoe với má em:" Tôi đã nghe lời bà và được công chúng hoan hô nhiệt liệt
như một quan toà anh minh nhất xứ xưa nay. Còn các thầy kiện thì phục tôi sát đất.
Họ nói tôi đã sáng chế một nền pháp lý mới ! Tôi bảo: "Ðó là ý kiến của vợ
tôi." Họ tỏ ra ngạc nhiên. Tôi bảo: " Tôi không bao giờ quên câu luân
lý của Engénie Grandet Tôi không thể làm việc gì mà không xin ý kiến vợ
tôi " . Ðó! Anh thấy cái oa...oai quyền của ba em chưa ? Sau này anh
cũng sẽ như thế đối với em nhé, chó con yêu quý của em ! Anh muốn làm gì anh
cũng phải hỏi em. Em có gật thì anh mới được nhé !
Bền cắt ngang câu nói của Madeleine bằng một cái hôn:
- Vâng, Madeleine, con mèo yêu quý của anh !
- Anh hôn em nữa để thưởng em đi !
- Chụt chụ..ụt !
Bỗng Madeleine hỏi bất ngờ:
- Anh có yêu con Jeanne d'Arc thật không ?
- Yêu, yêu lắm !
- Tại sao anh yêu em, còn yêu nó ?
- Anh yêu nó còn hơn yêu em kìa "
- Anh nói thật hay chỉ đùa để chọc em ?
- Thật chứ không đùa !
- Vậy thì đừng bao giờ ngó mặt em nữa.
- Tại sao ?
- Em không thể đứng chung với ai trong tim anh !
- Cả với một nữ thánh nữa à ?
- Nữ thánh nào ? Em là nữ thánh của anh đây, còn nữ thánh nào
khác?
- Jeann d'Arc, cô gái chăn cừu ở Domrémy.
Madeleine đang nổi cơn giông gió bỗng đẹp trời lại ngay:
- À ra thế, anh trêu em ! Anh yêu quý. Em không thể sống
không có anh bên cạnh ! Không có anh, em không hiểu được Chúa Trời. Balzac từng
nói với mụ Suzanne: Em là Ðức Mẹ của riêng anh ! Anh hiểu câu đó mà !
- Với Hanska không phải Suzanne. Ông ấy yêu Hanska nhất trong
các bà đầm Paris, không có ai bằng Hanska.
- Còn anh, anh có thể nói như vậy với em không ?
- Anh không phải là văn sĩ !
- Cần gì phải là nhà văn mới nói được ? Anh không thấy chàng
thanh niên của A. Daudet yêu cô Alsacienne à ? Không yêu được
cô nàng và trông thấy cô nàng hôn người khác, anh ta nhảy từ trên lầu xuống đất
chết ngay. Ðó là tình yêu phải không ?
- Ðiên rồ! Anh thì không thế ! Nếu anh là anh ta, anh sẽ đi
tìm cô khác đẹp hơn và dắt qua mặt trêu cô ta chơi ! - Bền đưa ngón tay khều
chót mũi Madeleine.
- Như vậy là anh không yêu em tuyệt đối !
- Không có tình yêu nào tuyệt đối !
- Virginie, Graziella ?
- Ðó là tiểu thuyết do các ông văn sĩ thất tình bịa tạc ra mà
thôi chớ không phải thật!
Hai người dìu nhau đi trong những bóng cây lốm đốm ánh đèn diện
mờ ảo. Da thịt con gái và nước hoa toả ra từ cô đầm làm Bền ngây ngất.
Madeleine đọc được sự dè dặt trong cử chỉ và lời nói đôi khi
không cần thiết của Bền, cho nên Madeleine phải luôn luôn mơn trớn gịục giã và
tìm mọi sợi dây để trói buộc chàng. Madeleine bảo:
- Ba em sẽ giúp anh đi sang Pháp học tiếp. Nếu anh không muốn
thì ba em sẽ tìm cho anh vài trăm héc-ta đất ở Bạc Liêu - Cần Thơ. Nếu
anh không chịu nữa thì anh sẽ làm quản lý cho một người bạn của ba em là chủ điền
lớn có hàng chục ngàn mẫu đất ở vùng đó, hoặc ổng tìm cho anh việc khác, thiếu
gì ! Chúng ta sẽ sống như những ông hoàng bà hoàng.
Bền nghe êm như tiếng chim hót bên tai. Trước đây Bền cũng có
mộng làm chủ điền nhưng bây giờ nghe Madeleine nói thì hơi dội vì đây là những
món quà nho nhỏ Bền chỉ nhận được sau khi cưới Madeleine mà thôi.
Ði ngang một cái ngõ có cửa sắt, Madeleine dừng lại và bấm
chuông.
- Ai vậy Madeleine? - Bền hỏi.
- Bạn anh chớ ai! René, anh không nhớ à ?
René ngồi 4ème ba năm nhưng không bao giờ có ý định lấy bằng Thành
Chung . Hắn ở nhà và cưới Hélène, cô bạn học dưới một lớp và là con gái độc
nhất của ông Quản Thủ Sở Ðịa Bộ. Gia đình René phản đối kịch liệt trừ ông bố
dân Tây thích giao thiệp với Tây. Bây giờ René bỏ học ở nhà đi coi ruộng cho bố
lẫn bố vợ.
Thiệt là đắc kỳ sở nguyện cho bố lẫn con, cho thân phụ lẫn nhạc
phụ. Người đầy tớ già mở cửa cho khách.
- Nói có tôi đến chơi !- Madeleine hất hàm.
Bền và Madeleine được đưa vào phòng khách sang trọng trong
ngôi biệt thự tân thời. Cặp chủ nhân bước ra chào mừng.
Hélène đang mang một quả bầu to còn René thì dắt một thằng
nhóc con. Hélène vốn thân với Madeleine từ trước nên đưa bạn vào phòng riêng để
hai chàng đực rựa ngồi ở sa lông. René gọi đầy tớ đem nước cam ra đãi khách. Bền
vừa hớp ngụm đầu tiên thì René vào đề:
- Coi bộ hai đứa dính như sam rồi đó ! Chừng nào cho moa uống
sâm banh ?
- Chưa ....tính ! - Bền bị hỏi bất ngờ , ú ớ đáp.
- Tính đi chứ ! Cậu vô đó là nhất. Ðá banh không phải là cái
nghề. Có ai sống bằng đồng lương đá banh đâu. Lại còn nguy hiểm !
- Moa đang lo...thi .
- Thi cử gì cho mắc công. Cậu đã lên tới 4ème là giỏi lắm.
Moa định bỏ học hồi 2ème nhưng bị ông bố kềm ...nên rán bò lên tới 3ème là hết
sức. Thằng Be em tớ vừa cưới con ông Lục sự toà án do Hélène làm mối. Bây giờ vợ
chồng nó sống như tiên.
Bền nhìn thằng nhỏ mắt đục lờ, tóc như râu bắp thì hỏi René:
- Thằng bé nói tiếng gì ?
- Nó được dạy tiếng mẹ đẻ.
- Là tiếng nào ?
- Là tiếng của mẹ nó, kẻ đẻ ra nó. Ðó là
điều mong ước của ông via moa.. Ổng muốn gia đình moa sẽ
Tây hoàn toàn từ ngôn ngữ đến phong tục. Thằng bé này sẽ gọi moa bằng toa như moa gọi
bố moa bây giờ vậy.
Hélène đưa Madeleine trở ra. Nàng nói tiếng Việt bằng một giọng
pha chè rồi đi luôn tiếng Pháp:
- Chúc anh chị hạnh phúc nhé !
René tiếp với Bền:
- Thằng Be em tao nó đang làm chủ vườn cao su ở Thủ Dầu Một.
Hélène còn một cô bạn đẹp lắm. Mày coi thằng nào muốn đi chung xuồng với mình
thì Hélène sẽ làm mai cho.
Câu chuyện không mấy gì đậm đà. Bền hiểu ra rằng cuộc thăm viếng
này không phải bất ngờ mà là do ý định của Madeleine. Nàng muốn cho chàng thấy
cái thực tế tốt đẹp của vợ chồng René - Hélène. Tiễn bạn ra về, Hélènde lạch bạch
mang cái bụng chửa đi sau với Madeleine. Bền nghe Hélène nói với Madeleine, có
lẽ cố ý cho lọt tai Bền:
- Người Việt Nam rất đẹp. Tao không gặp việc gì phật ý với
René cả.
Trước khi khoá cổng, Hélène còn hỏi Madeleine:
- Bao giờ anh chị gởi thiệp xuân cho chúng tôi?
- Cũng gần thôi bạn ạ ! - Madeleine đáp không ngần ngại.
Trên đường về, Bền suy nghĩ liên miên. Bền ngần ngại hồi lâu
rồi hỏi Madeleine:
- Nếu vị hôn phu của em bất ngờ trở lại đây thì sao ?
Madeleine rùng vai và bĩu môi:
- Không bao giờ !
- Tout est possible ! Mọi việc đều có thể xảy ra !
- Em không thèm nhìn mặt tên Sở Khanh đó!
- Nếu ba má em tha thứ cho anh ta thì sao ?
- Em sẽ tống nó ra khỏi nhà. Không có sự tha thứ như thế
trong ái tình. Trong tim em chỉ có anh thôi - Madeleine nói huyên thuyên rồi hỏi:
- Anh có thấy Hélène và René sống hạnh phúc không ?
Ðang đi bỗng Madeleine lôi tay Bền dừng lại , ép chàng vào một
gốc me, ôm lấy chàng riết mạnh và thầm thì:
- Anh ạ! Em muốn đi đến một nơi xa để chúng mình sống chung với
nhau. Em em...ước mong được như Hélène.
Bền nhìn Madeleine như để đọc ý nghĩ nàng qua câu
nói:"Mong được thành vợ chồng như René và Hélène hay là mong có bầu như
Hélène ?" Bền đáp:
- Rồi em sẽ được toại nguyện !
Về đến nhà, Madeleine chưa vội vào mà dắt tay Bền đi quanh
sân ngắm hoa. Những cụm hoa dưới ánh đèn lờ mờ, chỉ trông thấy hình dáng ,
không rõ màu sắc.
- Anh có lạnh không ?
- Em có lạnh không ?
- Em mỏi chân quá hà!- Madeleine ngồi phệt trên chiếc băng
con bên luống hoa và dẫy nẩy..
- Ðể anh đưa em vào nhà rồi anh về nhé "
- Anh không có đọc "Une Vie " 1 của
Maupassant hay sao ?
- Anh nghiền ít nhất là ba lần trọn cuốn, còn lẻ tẻ từng đoạn
thì không kể.
-...Ðọc mà không nhớ...gì hết !
-..Ðoạn nào !
- Ðoạn thằng Julien dắt mụ Jeanne 2 dạo
ngoài vườn.
- Anh nhớ ra rồi - Bền vừa nói vừa quỳ xuống hôn chân
Madeleine rồi đứng dậy bảo - nhưng chắc anh không bằng anh chàng Julien đâu, hắn
hôn chân Jeanne đến đổi bà vú phải xúc động.
Madeleine vít đầu Bền sang:
- Chụt! Anh ngoan lắm. Ðưa má đây cho em thưởng nào.
Madeleine ôm đầu Bền ép vào ngực mình. Bền hổn hển nói lú ú
trong hơi thở nồng ấm bát ngát của Madeleien:
- Tội nghiệp bà vú. Thấy anh chồng hôn chân vợ, bả tủi thân
mà khóc oà. Bả thú thật rằng từ trẻ đến già bà chưa được người đàn ông nào âu yếm
bà như thế.
- Nhưng riêng em thì...hạnh phúc hơn Jeanne vì từ nãy giờ anh
đã hôn chân em đến hai lần . Chỉ tiếc là chiếc giày của em chưa trở thành cốc
săm banh của anh mà thôi.
- Chờ hôm nào vui hơn anh sẽ uống rượu bằng môi em.
Bền dắt tay và quàng hông Madeleine cùng vào nhà. Bên trong vắng
teo. Ðể Bền yên chí hơn, nàng hồn nhiên cho Bền biết ba má nàng còn ở đằng buổi
tiệc. Rồi nàng dẩu môi tiếp:
- Mà ổng bả có ở nhà thì cũng thế thôi. Cái gì và ai ở trong
phòng này đều thuộc quyền của em !
Nói xong nàng lấy quyển truyện "Une Vie" đang
nằm trên nắp chiếc piano - như đã được dự định - đưa cho Bền.
Bền cầm quyển sách, liếc qua cái bìa Edition
Flammarion với hình cô Jeanne mặc đồ ngủ mỏng dính đang say sưa thưởng ngoạn
các luống hoa giữa một bầu trời trong ngần.
- Anh đọc lại đi ! - Madeleine giục.
- Ðể làm gì ?
- Văn hay thì đọc để thưởng thức chớ để làm gì ? - Madeleine
phụng phịu.
- Ðợi lúc khác. Bây giờ anh không muốn đọc gì ngoài mắt em.
Madeleine giở sách ra lật lật rồi dừng lại trỏ vào cuối
trang, bảo:
- Em không thấy đọan nầy hay hớm gì cả. Anh giải thích cho em
nghe đi.
Bền cầm sách liếc qua thì biết là đoạn tả cuộc mây mưa rả
rích mê tơi. Madeleine đang chăm chắm chờ ở Bền một lời nói hoặc một cử chỉ để
đáp ứng nồng nhiệt:
- Anh cũng không thấy hay! - Bền lắc đầu đáp, làm bộ như
không thích, để thử thần kinh của Madeleine.
- Tại sao ? Ðó là...đoạn...
- Anh biết rồi! - Bền buông sách đưa tay choàng qua vai
Madeleine và lật ngửa nàng ra thành ghế mà gắn chặt môi vào môi nàng. Madeleine
nghe như có những tia nước ấm len chảy vào từng thớ thịt nàng, nhưng Madeleine
vội vùng thoát ra chạy vào buồng. Bền ngẩn ngơ nhìn theo. Bền nhặt quyển sách
lên, nhìn vào, tuy không đọc chữ nào được, nhưng chàng vẫn liếc. Ðó là đọan tác
giả mô tả đêm tân hôn của cặp Julien - Jeanne, một đoạn văn hiện thực rùng rợn
mà từ đó có thể nghe tiếng thở dồn dập, cảm thấy làn da đôi trai gái cọ xát
nhau, tiếng nói thì thào của Jeanne và những cử động từ nhẹ tới mạnh của Julien
trong những cử chỉ ái ân, mà người đọc, bất cứ ở lứa tuổi nào cũng không tránh
khỏi rực lên ý muốn trở thành Julien hoặc Jeanne.
Bền đang ngơ ngẩn, thì bỗng từ cửa buồng Madeleine xuất hiện,
lộng lẫy khêu gợi như cô dâu đêm tân hôn, tươi mát như một bông hoa với bộ xiêm
y mới màu hoàng yến, tay trần, ngực và lưng hở. Bền có thể nhìn thấy suốt những
ẩn số mà chàng không biết là Madeleine muốn khoe ra hay muốn che đậy sau làn
mây hồng huyền ảo kia.
Madeleine ngồi sà bên cạnh Bền. Nàng nhận thấy gương mặt
chàng đờ đẫn. Nàng vói tay và trườn qua người chàng, lấy quyển Bel
Ami 3 và
gìở ra nơi trang hình như cũng đã được đánh dấu sẵn. Bền nói:
- Tại sao em chỉ toàn đọc Maupassant ?
- Tại vì ông ta làm em rung động mãnh liệt cả thể chất lẫn
tâm hồn. - Madeleine vừa nói vừa dùng móng tay gạch những dòng chữ - Anh xem chữ
nghĩa của ông ấy có thần kỳ không? Mỗi chữ của ổng là một đốm lửa dậy lên trên
da thịt và trong trí óc người đọc! - Madeleine đưa ngón tay trỏ nõn nà có móng
nhọn gạch qua gạch lại những dòng chữ như muốn làm cho chúng nảy lửa thêm lên.
Bền nhìn đôi má Madeleine đỏ ửng như hai đoá hải đường, rồi
nhìn sâu thẳng bon xuống ức, cặp vú sữa chín trắng nõn nà gần như trơ trọi chờ
tay hái, chờ một tia mặt trời sưởi ấm hay một cơn gió đùa. Bền đáp lại cái cử
chỉ của Madeleine bằng cách cầm lấy ngón tay búp măng của nàng và gạch mạnh hơn
dưới dòng chữ nàng vừa gạch.
Madeleine nhìn Bền, mắt long lanh. Bền nâng ngón tay nàng lên
mũi hít thật mạnh.
- Belle amie ! - rồi úp cả bàn tay thơm tho lên mặt
mình.
Madeleine đứng lên mở máy hát và đi lại tường vặn đèn mờ.
Tiếng nhạc nhẹ êm dịu và ánh đèn tạo nên một không khí huyền ảo
riêng cho hai người. Không đợi Madeleine trở lại ngồi vào chỗ cũ, Bền đi theo
sau nàng với những bước nhẹ của con gấu sắp vồ mồi.
Khi Madeleine quay lại thì hai tay Bền cũng vừa dang ra đón
nàng. Họ ôm quàng nhau, rồi lướt theo điệu nhạc. Họ không nhảy điệu quen thuộc
nào. Họ như hai đoá hoa trôi trên sông mộng. Họ không nghe lời ca từ bài hát. Họ
đang tạo ra lời ca riêng cho hai đứa từ đôi tim xanh như lá, đỏ thắm như mặt trời.
Họ đang bơi trên chiếc thuyền tình trên hải đảo xa dần bờ trần gian.
Madeleine thủ thỉ:
- Anh đọc hết truyện của Maupassant chưa ?
- Cả truyện ngắn lẫn dài đều gạo kỹ !
- Có đọ ..ọc " Ðêm Tân Hôn" không ?
Bền hôn môi Madeleine thay cái gật.
- Câu chót là gì ? - Madeleine hỏi tiếp - nếu anh nói đúng em
sẽ thưởng.
Bền cười nói như trả bài thuộc lòng:
- Câu cuối truyện là: " Chiếc váy từ từ rơi xuống
và nằm bẹp tròn xoe quanh chân cô dâu."
- Anh giỏi ghê ! Chụt !
- Anh sẽ làm như chú rể trong truyện, em cho phép chứ ?
Madeleine lại hôn liên miên nó giữa làn môi háo hức của Bền:
- I love you . Em là của nah.
- I love you, too! Anh là tên nô lệ của em.
- Hãy đưa em lên thiên đàng.
- Thiên đàng là đây.
- Em muốn được như Hélène ! - Madeleine thều thào lập lại câu
lúc nãy.
- Thì đây là cơ hội ! - Bền vừa nói vừa làm theo câu truyện
Ðêm Tân Hôn.
- Chúng ta còn nhiều cơ hội khác đẹp hơn hôm nay anh ạ. -
Madeleine chợt tỉnh giấc mơ, vùng ra khỏi sự say đắm cuốn hút của Bền như rời
xa miệng hố.
Madeleine đi lại tủ một quyển sác trao cho Bền. Bền liếc thấy
tựa : Phong tục dân quên Việt Nam . Madeleine giở ra và vẫn bằng ngón
tay mà nàng gạch dòng chữ lúc nãy, trỏ cho Bền một đọan, rồi không đợi Bền đọc,
Madeleine nói ngay:
- Em không muốn nhận cái sỏ lợn bị cắt tai !
Bền giật mình vì không ngờ cô đầm lãng mạn này lại tìm hiểu
phong tục mình kỹ đến thế. Bền gạt phắt:
- Ðó là hồi...thế kỷ trước Madeleine ạ ! Bây giờo chúng tao
đã theo văn minh của tụi mày rồi !
- Ðây là một nét văn hoá cao qúy của dân tộc anh, chúng ta cần
phải bảo vệ và dân tộc em cũng phải bắt chước.
Mặc cho Madeleine nói huyên thuyên về phong tục, Bền làm như
không nghe hay Bền không nghe thật. Chàng cứ tiếp tục tỏ sự nồng nàn đối với
Madeleine bằng nhiều ngón. Nhanh chóng, chàng đã dồn Madeleine đến bờ vực hạnh
phúc lẫn tai hoạ.
Thấy Madeleine có chiều hướng chống trả cầm chừng như cuộc
rút quân của Napoléon ở Waterloo, Bền càng hăm hở tấn tới. Madeleine rền rĩ như
van lơn:
- Madeleine là của anh và sẽ là của anh mãi mãi.....Nhưng
không phải ...trong lúc này.
Madeleine nói thêm một vài câu nữa nhưng Bền không hiểu
nghĩa. Nàng nhìn thấy trong mắt chàng ngọn lửa tình dục chứ không phải tình
yêu. Nhưng nàng không cưỡng lại những cử chỉ táo bạo mà đê mê của Bền nữa. Sấm
sét thì phải mưa. Không có tình yêu nào không bao gồm tình dục. Có ai yêu nhau
mà không hưởng hương vị của da thịt không? Nếu có thì chưa hẳn là tình yêu
toàn vẹn.
Rồi nàng hoàn toàn buông xuôi thả lỏng cửa thành cho chàng
trung phong. Nàng mơ màng thấy một vật gì vừa trơn vừa ấm đi vào nàng, xuyên suốt
người nàng, mang đến cho nàng một cảm giác vừa sung sướng vừa đau đớn, một sự vừa
tan vỡ vừa là hòa hợp tuyệt vời, một dòng suối và một đầu non không biết hư hay
thực. Nàng lặp bặp ấp úng như trong mộng:
- Anh... không... cắt tai... lợn chớ?
- Khô... ông!
- Anh hứ... hứ... ứứa... ứa đi!
Chú thích:
1 | Une Vie: tiểu thuyết của Maupassant |
2 | Jeanne: nhân vật của truyện Une Vie không phải Jeanne d'Arc |
3 | Bel Ami: tiểu thuyết của Maupassant. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét