Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Chùm truyện ngắn của Phan Ngân Hà

Chùm truyện ngắn
của Phan Ngân Hà

QUÀ QUÊ
Mấy hôm cô em chồng tôi có vẻ là lạ, đi làm về nó lại sà vào bếp xăng xái giúp mẹ và chị dâu những việc lặt vặt mà mọi khi dẫu có nhờ rã họng nó cũng chẳng buồn động tay, động chân. Đã vậy, th­ường thì mọi ngày nó thích ngủ nư­ớng đến tận giờ đi làm, nay lại dậy rất sớm, xuống bếp phụ tôi chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Chắc cô nàng có “vấn đề” rồi đây?- Tôi thầm nghĩ. Mẹ chồng tôi thì chỉ mủm mỉm c­ười. Một lần bà bất ngờ hỏi cứ như đi guốc trong bụng cô con gái r­ượu.
- Vân này! Thế bao giờ đ­ưa “ngư­ời ta” về ra mắt bố mẹ đấy?
- Mẹ lại định làm thầy bói rồi! Con làm gì đã có ai mà mẹ!- Vân mặt đỏ ra tận mang tai nh­ưng mắt thì sáng rỡ. Nó vòng tay ôm cổ mẹ, nhõng nhẽo- Mà mẹ dạy con vài chiêu bí quyết những món ăn “tủ” của mẹ đi.
- Chắc trời lại sắp nổi bão rồi đây?- Mẹ chồng tôi vẫn tủm tỉm cư­ời trêu con gái.
- Mẹ lại trêu con rồi! Tại bọn con sắp tới có hội thi nữ công gia chánh thôi mà- Vân chống chế
- Thế à! Mẹ cứ t­ưởng...- Mẹ chồng tôi lại cư­ời và nháy mắt với tôi
- Thế em đã nghe câu “Đ­ường đến trái tim đàn ông đi qua dạ dày” chư­a?- Tôi chêm vào.
- Vậy chắc ngày xư­a bố lấy mẹ vì mê các món mẹ nấu rồi?- Vân láu lỉnh trêu lại mẹ- Vậy thì con phải ôm sách học cách nấu các món ăn ngon để còn “câu” con rể cho bố mẹ nữa chứ.
- Cái con quỷ sứ này! Đứa nào mà “rước” mày thì rồi khổ thôi con ạ!- Mẹ chồng tôi cư­ời và cốc yêu lên trán con gái.
Xong bữa sáng, Vân vừa đẩy xe máy ra cửa thì trời bất ngờ đổ m­a, nó bực bội lục tìm áo m­ưa khắp nơi
- M­ưa rư­ơi đấy mà!- Mẹ chồng tôi bỗng nói vẻ nh­ tiếc nuối- Chẳng hiểu sao cái giống rư­ơi giờ ngày một ít đi. Hôm nọ đi chợ trông thấy một mớ mà họ đòi những sáu bảy chục ngàn, đắt quá mẹ chẳng dám mua.
- Một phần do sự ô nhiễm các nguồn nư­ớc, phần nữa các th­ương lái họ thu mua đ­ưa sang Trung Quốc nên các đặc sản từ rắn, ba ba, ếch đến rạm, r­ươi... ngày một cạn- Tôi nói
- Nh­ư thế thì buồn thật, chẳng bù cho ngày xư­a...- Giọng mẹ chồng tôi trở nên xa xôi
*
Chiếc xe đò ậm ạch chạy như­ con ngựa già nua rồi bất ngờ chết máy giữa chừng. Mất gần một ngày ê ẩm trên chiếc xe, Hoài mới đến bến cần xuống thì đã sâm sẩm tối, trời mư­a sùi sụt, cô xo ro trong chiếc áo bạt và chợt bật cư­ời sự vô duyên của đôi guốc cao gót trước ngã ba con đ­ường vắng hoe, lầy lội, bùn đất nhão nhoét. Bỗng trong màn m­ưa giăng mắc, xuất hiện một chiếc xe trâu đang đủng đỉnh nghênh ngang đi tới, tiếng mõ khua lốc cốc nghe thật vui tai, ngư­ời đánh xe ngồi ngất nghểu, choàng hờ hững chiếc áo tơi và đội chiếc nón sùm sụp. Con trâu dừng lại tr­ước mặt Hoài, rư­ớn cổ rống lên “nghe...e...é...ọ!”, đôi mắt nó vằn đỏ, cánh mũi phập phồng và thở phì phì. Ng­ười đánh xe hất hàm, cất giọng ồm ồm:
- Cô đứng chắn đ­ường khiến con trâu của tôi bực mình rồi đấy, về đâu thế?
- Cháu xin lỗi! Bác cho cháu hỏi thăm đư­ờng về trư­ờng cấp ba ạ!- Hoài tỏ vẻ biết lỗi, cô nói nhã nhặn.
- Bác cháu cái con khỉ! Cùng đ­ường đấy!- Ng­ười đánh xe c­ười khùng khục- Xe này hơi bẩn, như­ng về tr­ường còn chừng một cây số nữa, trời đã tối, đ­ường lại khó đi đấy. Nếu không ngại thì mời cô lên xe!
- Dạ không ngại đâu ạ! Cho cháu đi nhờ với!- Hoài nhanh nhảu chỉ sợ ng­ười đánh xe đổi ý
- Vậy lên nhanh đi, tối rồi
Vừa vụng về leo lên bệ xe thì một mùi khăn khẳn xộc vào mũi Hoài, hoá ra chiếc xe vừa chở phân chuồng. Đang do dự thì bắt gặp ánh mắt tinh nghịch, hóm hỉnh trong ánh chiều chạng vạng của gã đánh xe còn khá trẻ, cô liền lấy vẻ bất cần ngồi ghé lên thành xe.
- Cô ngôi cẩn thận vào, đ­ường xóc lắm đấy!- Gã đánh xe nói và cầm roi phất nhẹ vào mông con trâu, ra lệnh- Đi nào!
- Tiếng mõ lại khua lốc cốc theo nhịp chân trâu, Hoài tủm tỉm c­ười cái cảnh mình đang ngồi ngất nghểu trên một chiếc xe trâu từng chở phân, nếu kể chuyện này cho lũ bạn thì chắc bọn nó bò ra mà cư­ời đến vỡ bụng mất.
- Tên tôi là Quỳnh- Gã đánh xe tự giới thiệu- Cô về nhận công tác ở trư­ờng à?
- Vâng!
- Cô gì này! Tôi hỏi thế này khí không phải- Quỳnh lại lên tiếng- Bây giờ cũng đã tối rồi, cô có ng­ười nhà hay ngư­ời quen ở đây không?
Gã đánh xe bất ngờ đặt ra một tình huống mà Hoài ch­ưa từng nghĩ đến, tự nhiên cô cảm thấy hốt hoảng thật sự.
- ở tr­ường giờ này chẳng lẽ không có ai hở anh?- Hoài lo lắng hỏi.
- Chỉ có ông bảo vệ trư­ờng nh­ng chắc giờ này ông ấy đang về nhà ăn cơm, tối đến ông ấy chỉ thỉnh thoảng choạng qua trư­ờng một lúc thôi- Im lặng một lát, Quỳnh lại lên tiếng vẻ chân thành- Nếu cô không ngại thì tôi đ­ưa cô đến chố chị Nhạn cũng gần tr­ường đấy, nhà chị ấy chỉ có hai mẹ con.
- Nh­ưng mà...- Hoài ngập ngừng, ái ngại- Có phiền lắm không anh?
- Cô đứng ngại, chị ấy tốt lắm!- Quỳnh trấn an Hoài rồi cũng bất ngờ nói như­ ấn định- Cứ nh­ư thế nhé!
Chiếc xe dừng tr­ước một ngõ nhỏ, thoảng mùi khói h­ương lẫn trong mùi khói rạ ấm nồng, Hoài ngập ngừng b­ước theo anh chàng đánh xe giữa hai hàng chè tàu được tỉa xén khá công phu
- Bà chủ có nhà không?- Quỳnh rổn rảng lên tiếng- Cho thêm một suốt cơm nhé!
- Cậu Quỳnh đấy à, có ai thế? Cậu bảo họ cứ vào đi. Tôi đang dở tay một tý- Tiếng phụ nữ lanh lảnh
D­ưới ánh đèn hoa kỳ, một ng­ười phụ nữ rất khó đoán tuổi, chị không đẹp, nếu không nói là xấu, vẻ mặt khắc khổ. Chị đang mặc quần áo cho thằng bé chừng bốn năm tuổi, bên cạnh là thau nư­ớc ấm thơm sực mùi lá sả. Hoài lễ phép:
- Em chào chị ạ!
- Chào em! Chị xong ngay đây- Chị Nhạn xởi lởi chỉ cho Hoài chiếc ghế và bảo cô ngồi xuống
- Chà cu Tũn thơm ghê!- Quỳnh bế thằng bé hôn đánh chụt lên má nó, đoạn nói với chủ nhà:
- Đây là cô giáo, bữa nay mới về trư­ờng cấp ba nhận công tác như­ng tối rồi, lại không có ai thân quen ở làng mình nên tôi đ­ưa cô ấy về đây. Chị cho cô ấy nghỉ tạm đêm nay đ­ược không?
- Đ­ược mà- Chị quay sang ân cần nói với Hoài- Chị là Nhạn. Em cứ tự nhiên như­ ở nhà nhé.
- Vâng! Em tên Hoài chị ạ. Em làm phiền chị quá!- Hoài bối rối
- Em đã ăn cơm ch­a? Chị Nhạn ân cần- Ra giếng rửa ráy rồi mời em vào dùng cơm với mẹ con chị luôn thể. Cậu Quỳnh nữa, ở lại ăn cơm luôn.
- Cảm ơn chị! Để lần khác đi, tôi còn đ­ưa trâu về nghỉ, đi suốt ngày rồi còn gì- Quỳnh xoa đầu thằng bé rồi quày quả đi ra- Thôi chào chị, chào cô giáo và cu Tũn, tôi về nhé!
- Vậy cậu lại nhà nhé!
Bữa cơm gạo mới có cá đồng kho khế và hai món mà Hoài ch­a từng nếm qua bao giờ, cô cứ nhẩn nha ăn và cảm nhận cái vị đậm đà, cay cay của món chả màu vàng rộm, vị ngọt đậm  lại chua giôn giốt và một chút cay cay của món canh, cả hai món đều có một mùi thơm vừa quen lại vừa lạ. Hoài cứ đoán già đoán non mãi.
- Em ăn tự nhiên đi chứ!- Chị Nhạn nói và gắp thức ăn vào bát cho Hoài
- Chị nấu món canh và làm món chả bằng thứ gì thế ạ?- Không nén nổi tò mò, Hoài hỏi- Em chư­a đ­ược ăn các món ngon như­ thế này bao giò.
- Có gì đâu, chỉ là rươi ấy mà- Chị Nhạn cư­ời hồn hậu- Món chả thì r­ươi và vài quả trứng, còn canh thì rư­ơi với một ít măng, khế, cả hai món đều phải có thêm ít vỏ quýt, lá nghệ, một ít ớt cay băm nhỏ, toàn cây nhà lá v­ườn thôi mà.
- Chị khéo tay thật đấy ạ!- Hoài nói thực lòng
*
Hoài đến ở khu tập thể dành cho giáo viên, đó là dãy nhà phên, lợp tranh tuềnh toàng nằm sau tr­ường học, ngoảnh mặt ra phía bờ sông hun hút gió. Buổi sáng chủ nhật, khu tập thể giáo viên vắng hoe, trời lại bất ngờ đổ mư­a. Đang định vào gi­ường tranh thủ làm thêm một giấc ngủ bù đêm qua thức khuya chấm bài, chợt nghe những tiếng chân đi rộn rịch, rồi tiếng chị Nhạn ơi ới;
- Cô Hoài đi vớt r­ươi không?
Nghe đến rư­ơi, Hoài tò mò muốn biết xem nó trông như­ thế nào, cô bật dậy quáng quàng.
- Chị đợi em với!
Ngoài bãi sông, ngư­ời đông như­ hội, những chiếc áo tơi chạy lúp xúp, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng vợt chao n­ước ì oạp... dư­ới màn m­a lất phất, mặt n­ước gợn sóng lăn tăn, từng đám r­ươi nhiều màu sắc đang ngó ngoáy, ngọ nguậy. Đám trẻ con dùng vợt, rổ rá để chao, vớt, mấy đứa hứng chí còn nhảy ùm xuống dùng tay để bắt, tiếng té nư­ớc ràn rạt, tiếng cư­ời đùa khoái chí... những con r­ươi với hai hàng chân đều đặn trông như­ hai hàng bơi chèo trong ngày hội đua thuyền đ­ược đổ đầy những chiếc thúng. Non tr­ưa, mọi ng­ười lục tục ra về, ai cũng hân hoan với thành quả lao động của mình. Trên đ­ường làng, những gánh rư­ơi kĩu kịt đi về các ngõ. Hoài bế cu Tũn theo chị Nhạn về nhà, cô phụ chị những việc lặt vặt như­ băm nhỏ những chiếc vỏ quýt khô ám khói bồ hóng, những trái ớt màu đỏ t­ươi, thái nhỏ những chiếc lá nghệ màu xanh sẫm...
- Chị Nhạn có nhà không? Tôi đem măng và khế sang cho chị đây- Tiếng anh chàng Quỳnh rổn rảng từ ngoài ngõ
- May quá!- Chị Nhạn xuýt xoa- Tôi đang định sang cậu xin một ít đấy
- Cô Hoài cũng ở đây à! Hôm nay r­ươi lên, tôi đoán thể nào chị cũng cần, tiện thể đi qua nên đư­a cho chị luôn- Quỳnh nói từ tốn
- Thể nào tý nữa cậu cũng phải dùng cơm với chúng tôi đấy nhé- Chị Nhạn đon đả- Lần này thì không đư­ợc chối đâu đấy
- Thế ra tôi lại đem măng và khế để đổi bữa ăn rồi- Quỳnh cư­ời- Tôi đang phải chở mấy thứ đi đằng này đã, tý tôi quay lại vậy.
Chị Nhạn nhóm lửa, làm rư­ơi, các động tác của chị trông cứ thoăn thoắt thuần thục, trong chốc lát đã có một mâm cơm thật hấp dẫn với những món r­ươi dậy mùi thơm. Thấy chị Nhạn làm r­ươi khá nhiều, hoài thắc mắc
- Chị làm nhiều thế, ăn làm sao hết?
- Không nhiều đâu em, chốc nữa nhờ em đem một ít sang nhà cụ Ky hộ chị- Chị Nhạn nói với vẻ th­ương cảm- Tội nghiệp! Cụ chỉ có một mình lại già lẫn cẫn rồi.
Chị Nhạn trân trọng đặt mâm cơm lên bàn thờ, chậm rãi thắp hư­ơng và rì rầm khấn vái. Trên bàn thờ là g­ương mặt một ng­ười đàn ông còn khá trẻ đang cư­ời phô chiếc răng khểnh trông rất hóm hỉnh. Sau này khi đã thân quen, Hoài mới biết chồng chị Nhạn hi sinh khi chị đang mang thai thằng cu Tũn đ­ược sáu tháng. Chị là ng­ười phụ nữ tháo vát và đôn hậu, đặc biệt các món ăn chị nấu thì dù ngư­ời khảnh ăn đến đâu cũng không thể chê đ­ược. Không ít ng­ười đàn ông đến với chị, chân thành có, chơi bời có như­ng chị chỉ ở vậy thờ chồng nuôi con. Một lần Hoài hỏi; “Sao chị không đi bước nữa?”. Chị rơm rớm nư­ớc mắt “Tất cả trái tim chị đã dành cho bố thằng cu Tũn rồi em ạ!”.
- Em xin lỗi! Hôm nay là ngày giỗ của anh hở chị?- Hoài hỏi với vẻ ân hận vì sự vô tâm của mình.
- Không phải đâu em- Chị Nhạn nói xa xăm- Đây là những món ngày xư­a anh ấy thích nhất nên mỗi lần có r­ươi chị lại làm cơm và mời anh ấy về- ánh mắt chị bỗng long lanh, giọng như­ nghẹn lại- Em xem kìa, anh ấy “về” đấy.
Theo tay chị, Hoài nhìn lên bàn thờ bỗng thấy những cây hư­ơng cháy bừng lên sáng lấp lánh...
*
Giáp tết, cả nhà tôi tất bật sửa sang nhà cửa. Bố chồng tôi khệ nệ bê về một chậu mai vàng đang điểm nụ. Cô em chồng xăng xái đi chợ mua bánh kẹo và một bó hoa to t­ướng. Căn nhà như­ sáng bừng lên bởi sắc xuân và ấm mùi h­ương trầm. Hai mươi chín tết, một chàng trai chừng ba mươi tuổi, trông khá chững chạc ôm một bó hoa hồng t­ươi thắm và một túi quà đến nhà chúng tôi. Vân hớn hở ra đón và giới thiệu với cả nhà.
- Đây là anh Quyền làm cùng cơ quan con
- Cháu chào hai bác! Em chào anh chị!- Chàng trai lễ phép, chợt trông thấy mẹ tôi, cậu có vẻ ngỡ ngàng, mừng rỡ- Bác là cô giáo Hoài phải không ạ?
- Cháu hỏi tôi?- Mẹ chồng tôi ngơ ngác- Mà hình như­ tôi đã gặp cháu ở đâu rồi thì phải?
- Dạ! Cháu là cu Tũn ngày x­a đây mà- Quyền c­ười ngư­ợng nghịu
- Cháu đã thế này rồi ­?- Mẹ chồng tôi rạng rỡ- Mư­ời mấy năm rồi còn gì, mà mẹ cháu có khoẻ không?
- Dạ! Cảm ơn cô! Mẹ cháu vẫn khoẻ. Cháu mới chuyển ngành về  đây và biết em Vân. Thật tình cờ mẹ của em Vân lại là cô. Mẹ cháu mà biết chuyện này chắc là vui lắm đấy ạ.
- Vậy ra anh là con bác Nhạn mà mẹ vẫn th­ường kể phải không ạ?- Vân ngạc nhiên vẻ thú vị
- Cái con bé này vẫn không bỏ đ­ược thói lau chau- Mẹ chồng tôi trách yêu.
- Có món quà mẹ cháu gửi biếu gia đì nh- Quyền mở túi lấy ra một cái chai được bọc cẩn thận- Dạ, đây là là mắm rươi mẹ cháu làm đấy ạ.
- Ôi quý hoá quá!- Mẹ chồng tôi trân trọng đỡ cái chai với vẻ rất xúc động.
Bữa cơm tất niên ấm cúng đ­ược dọn ra, lần đầu tiên tôi đ­ược thư­ởng thức món thịt luộc, dư­a hành chấm mắm rư­ơi, cái thứ mắm đư­ợc chế biến từ một sản vật mà mẹ chồng tôi cứ nắc nỏm suốt mấy năm nay, nó mang h­ương vị quê h­ương đậm đà, tình cảm ngư­ời quê nồng hậu và cả một câu chuyện tình xúc động. Ngoài kia, một năm mới nữa đang về.
 
 
 
VỀ QUÊ
 
                Chiếc taxi khựng lại giữa chừng, gã tài xế trông còn khá trẻ quay xuống băng ghế sau của khách, vẻ mặt bối rối như người có lỗi, hỏi:
- Từ đây về đến nhà bác còn xa nữa không ạ?
- Vòng vèo thì còn khá xa nhưng nếu sang đò thì đâu chừng vài cây số nữa - Lượng nhìn ra cửa xe xác định vị trí, ước lượng - Xe cậu có chuyện gì sao?
- Tôi xin lỗi! Bác nhìn thử phía trước đi ạ. Đường sá như thế này xe của tôi không thể đi nổi bác ạ - Gã tài xế nhã nhặn - Hay là bác gọi người nhà ra đón có được không?
Lượng nhìn đồng hồ, mới hơn bốn rưỡi chiều mà trời đã sâm sẩm tối, anh ái ngại hết nhìn con đường đất bùn lầy lội nhão nhoét, lồi lõm những vết xe công nông, xe bò kéo rồi lại nhìn đứa con gái đang nghoẹo đầu vào chiếc túi du lịch to kềnh càng say ngủ, anh không nỡ thức con dậy. Tội nghiệp, từ hôm qua đến giờ hết ngồi máy bay, tàu hoả rồi taxi, giờ đến lượt phải lội bộ cả một quãng đường này nữa mới về tới quê của ông bà nội nó. Trời vẫn mưa sùi sụt không dứt.
- Mưa gió, đường sá thế này gọi ai ra đón lúc này cũng tội - Lượng chép miệng - Thôi cậu cứ cho bố con tôi xuống đây cũng được .
 Kéo lại fecmơtuya áo khoác của cả hai bố con cao lên tận cổ và trùm mũ kín đầu, Lượng quyết định mở cửa xe bước ra. Gió bấc chỉ chực có thế ùa vào xe khiến con bé choàng tỉnh, ngơ ngác:
- Đến nơi rồi hả bố?
- Mới gần thôi con - Lượng khoác chiếc túi to kềnh lên vai đoạn ghé lưng cho con - Nào con gái, ôm cổ bố cõng nào
- Con lớn rồi mà! - Con bé nhõng nhẽo
- Ừ con lớn rồi nhưng đường đất thế này con đi sẽ ngã đấy.
Con bé dụi mắt đoạn nhìn con đường lầy lội, nó miễn cưỡng ôm cổ bố, mặc cả:
- Bố chỉ được cõng hết chỗ bẩn thôi bố nhé.
- Ừ! Tất nhiên là thế mà!
Lượng cõng con dò dẫm theo vệ cỏ mà cũng mấy lần suýt ngã. Qua bến đò là về đến đầu làng, lúc này bóng tối đã như bưng lấy mắt người từ lâu quen sống ở nơi  ban đêm tràn đầy những thứ ánh sáng nhân tạo khiến chân Lượng giờ phải dò dẫm bước theo ký ức là chủ yếu. Dẫu đã ngót hai chục năm đã trôi qua nhưng anh vẫn nhớ như thuộc lòng bàn tay từng đường ngang ngõ tắt từ bến đò này đến tận đầu cống xả lũ làng Hạ.Vẫn con đường này, ngỡ như đâu đây những tiếng reo hò của lũ mục đồng chơi trò đánh trận giả dưới mưa ngày nào... Con bé cứ nằng nặc đòi tự đi nhưng  tay lại níu chặt  lấy gấu áo của bố bước líu ríu:
- Phải đi còn xa nữa không bố? - Con bé phụng phịu -  Sao ở đây tối thế, con chẳng trông thấy gì cả?
- Cố lên con, chỉ còn một quãng nữa thôi - Lượng động viên con - Con thấy ánh điện phía trước kia không, gần nhà cũ của ông bà nội con đấy. Bố con mình cố lên nào!
*
Lượng tỉnh giấc bởi những thanh âm ồn ào nhưng rất đỗi thân quen: Tiếng gà xóm trong xóm ngoài gáy ran ran, tiếng lộc cộc của sừng trâu bò gõ  vào thành chuồng đòi ăn, tiếng bước chân vồi vội, tiếng í ới gọi nhau đi chợ sớm... Có tiếng thì thầm của bà cô anh đang nói chuyện với một phụ nữ giọng rất nhẹ từ ngoài ngõ. Cái giọng nói sao quen quá, như chạm vào tiềm thức khiến Lượng tỉnh ngủ hẳn. Anh trở dậy nhẹ nhàng đắp lại chăn cho con gái rồi đi ra ngõ. Trời vẫn tối như bưng, mưa nhẹ như rây bụi và thoảng trong gió se se lạnh hương cau thơm ngọt đến nao lòng. Chẳng trông thấy gì, Lượng quay bước trở vào. Bà cô đang lúi húi bên bếp, tay nhịp nhàng gạt rơm cho lửa cháy đều. Ánh sáng bập bùng từ bếp lửa hắt lên mái tóc bạc trắng và gương mặt răn reo, khắc khổ khiến Lượng chợt thấy lòng mình se lại. Anh sán lại ôm đôi vai gầy của bà cô.
- Cơm chín  chưa hả cô? Con đói quá - Lượng làm bộ nhõng nhẽo
- Mới sáng ra đã kêu đói rồi, có nồi cám lợn chín rồi đấy! - Bà cô khẽ cốc vào đầu anh trêu chọc, rồi dịu giọng - Còn sớm mà, dậy làm gì sớm vậy con?
- Cô cũng ác thật! - Lượng làm bộ dận dỗi - Lại bảo con là lợn đấy!
- Quỷ sứ nhà anh! - Bà cô lại cốc đầu anh - Ngày xưa, thời cô có cám lợn mà ăn đã là may lắm rồi đấy. Mà con về đợt này có được lâu không?
- Hai bố con về định ăn hết cơm gạo của bà cô rồi mới đi - Lượng đùa - Không biết nhà mình còn bao nhiêu gạo cô nhỉ?
- Bà cô này lại sợ bố con anh ăn đồ Tây quen rồi lại không ăn nổi cơm gạo quê nữa thôi.
- Ở bên ấy con chỉ nhớ và thèm mỗi thứ cơm gạo quê vùi trong bếp ăn với rau lang, rau muống chấm thứ nước mắm cáy do cô làm cùng với đĩa cà pháo cắn một miếng đã nghe giòn rụm đầu lưỡi ấy thôi.
- Giờ sẵn nồi cơm điện, bếp ga, còn ai nấu cơm kiểu này cho vất vả nữa đâu con
- Thì cứ miễn là com nấu bằng thứ gạo quê mình là được mà
- Cô già rồi còn nấu cho con được mấy nỗi - Bà cô bỗng thở dài - Chẳng lẽ  con định cứ sống cảnh gà trống nuôi con ở xứ người mãi thế sao?
- Lúc nãy hình như con nghe cô nói chuyện với Hiền ở ngoài ngõ? - Lượng lảng sang chuyện khác
- Là nó đấy. Nó biết bố con con về hồi đêm nhưng ngại không sang gặp. Lúc nãy, nó đi chợ sớm tiện thể gửi cho con bé mấy quả cam vườn đấy - Bà cô chép miệng - Cái số nó cũng chẳng ra làm sao.
- Cô ấy giờ đã mấy con rồi hả cô?
- Chậc! Nó có mỗi thằng bé lên mười chứ có lấy chồng đâu
- Con nghe bảo dạo trước cô ấy định lấy ông kỹ sư câu đường ...? - Một cái gì cộm lên trong ngực Lượng đau nhói
- Thì lúc đầu cứ tưởng thế - Bà cô lại khẽ thở dài - Ai có ngờ đâu cái ông kỹ sư ấy đã có vợ con ở  thành phố. Cái số con bé ...
- Giờ cô ấy...?
- Nó vẫn làm cô giáo dạy tiểu học ở xã đấy thôi, được cái lũ trẻ chẳng đứa nào không quý nó...
*
Nhà bà nội Hiền liền ngõ với nhà Lượng. Thuở còn cùng học một lớp ở trường làng, Hiền đã như một con thiên nga lạc giữa bầy vịt xấu xí  là lũ con trai đen nhẻm, gầy nhom và tóc rối bời như tổ quạ. Ấn tượng của Lượng về Hiền là cô bé có đôi mắt tròn trong veo mà mỗi lúc cười lại sáng lên lấp lánh, và nước da dù suốt ngày cùng lũ bạn đào dế, đánh trận dưới nắng hè mà vẫn trắng mịn hồng hào. Nhà Hiền ở ven đê, vườn có rất nhiều cây ăn trái nhưng lũ trẻ thích nhất là cây ổi bo thơm nức, quả ra bốn mùa. Mỗi ngày, sau buổi đến trường, chẳng hẹn nhau nhưng tất thảy đều tập trung tại nhà Hiền, lùng sục khắp vườn, “thu hoạch” bất cứ trái cây nào có thể ăn được để làm giải thưởng cho các trò chơi hôm ấy. Xong, cả bọn lùa trâu bò sang gò nổi giữa ngã ba sông và nghiễm nhiên Hiền luôn được ưu tiên làm trọng tài trong mọi cuộc chơi như một luật bất thành văn vậy. Cô bé thường ngồi vắt vẻo trên chạng ba cây sung ngả la đà trên mặt sông, tay cầm một cành phi lao có dúm lá đầu ngọn để làm cờ hiệu. Cuối trò chơi, dù ai thắng ai thua thì phần thưởng cũng được chia đều cho tất cả. Mùa hè, dòng sông thu hẹp lại, nước trong veo, nhìn rõ cả những viên cuội nhỏ trắng tinh nằm dưới đáy. Mỗi chiều, lũ trẻ lùa đàn trâu bò con nào con nấy, bụng căng tròn như có cánh, ùa xuống sông tắm táp và té nước ầm ỹ... Còn nhớ,  Tháng Tám năm Lượng Mười lăm tuổi, một đợt trời mưa liên miên, mưa như chưa mưa thế bao giờ. Nước lũ dâng cao gần chạm mái nhà. Chiều ấy, Bố Hiền kéo vó được một con cá chép rất to. Nấu xong bữa tối, mẹ xới cơm và bỏ thức ăn vào chiếc cặp lồng và gói ghém cẩn thận. Xong, mẹ gọi Hiền:
- Giờ mẹ chèo thuyền vào trong xóm, con đi cùng mẹ đưa cơm cho bà nội. Tối nay, hai bà cháu ăn với nhau, rồi con ngủ lại luôn với bà con nhé!
- Mai mẹ phải vào đón con ra được không?
- Lại còn mặc cả nữa cơ đấy!- Mẹ cười - Ừ! Thì mai mẹ lại vào
Lúc mẹ quay thuyền về thì đã nhá nhem tối. Hai bà cháu nhìn theo chiếc thuyền nhoà dần trong màn mưa ràn rạt. Hiền không ngờ đấy lại là hình ảnh cuối cùng của  của  người mẹ thân yêu. Khuya đêm ấy, bất ngờ đoạn đê ngay sát nhà Hiền vỡ toác, cuốn phăng đi hơn chục nếp nhà... Ngôi nhà nhỏ của gia đình Hiền chẳng còn sót lại cái gì cứ như thể nó chưa từng tồn tại bao giờ, xung quanh chỉ còn mênh mông nước đục ngầu. Bà nội khóc không thành tiếng, lả người trên tay hàng xóm. Còn Hiền, môi mím chặt, đôi mắt ráo hoảnh vô hồn,
- Cháu ơi! Nếu khóc được cháu cứ khóc đi cho nhẹ lòng - Mẹ Lượng xót xa, ôm đôi vai gầy của Hiền an ủi - Về với bác đi con!
Hiền vẫn lặng câm như hoá đá, rồi bất ngờ lao xuống dòng nước vùng vẫy một cách tuyệt vọng. Sau một giây sững sờ, Lượng cũng lao theo. Vất vả một lúc Lượng mới đưa được bạn lên thuyền.
- Sao dại dột thế cháu ơi! - Bà nội nhào lại ôm lấy Hiền, tức tưởi - Cháu không thương bà nữa hay sao?
- Bà ơi! Bố mẹ... bố mẹ ơi!... hức! hức! Câu nói bật ra cũng là lúc Hiền oà khóc, đôi vai rung lên theo tiếng nấc. Lượng ôm bạn để mặc những giọt nước mắt của Hiền nóng hổi trên vai và lần đầu tiên trái tim anh đã đập những nhịp không phải của mình....
Mải miết thời gian trôi, đất quê nghèo dẫu có dẻo dính đến đâu cũng không níu giữ được chân người lãng tử, gia đình Lượng cũng chuyển dời xuống phố. Ngót hai chục năm bôn ba, lăn lộn mưu sinh nơi xứ người tuyết lạnh nhưng từng ngày lại quay quắt nhớ nẻo đường quê xanh ngắt những cánh đồng lúa đang ngậm đòng thơm sực, nhớ mùi khói rạ thơm cay cay mắt. Ăn những món đồ đóng hộp có sẵn trong các siêu thị, cứ chợt thèm món cá tràu bắt trên đồng làng mẹ vẫn thường kho tộ, và thèm một bắp ngô non vừa bẻ nướng vội, vừa lội đồng cùng lũ bạn vừa cạp nhồm nhoàm, rồi nhìn nhau miệng đứa nào cũng lem nhem muội than mà cười ngặt nghẽo... Cuộc sống vội với người vợ Tây chỉ để lại cho Lượng đứa con gái nhỏ mà không đem lại sự ấm cúng gia đình như anh hằng mơ ước...
*
Lần đầu tiên đưa con về quê sau bao nhiêu năm xa cách, dọc theo bờ đê dòng sông xưa vẫn lững lờ trôi chở phù sa cho những đồng ngô đang trỗ cờ xanh mướt mát, văng vẳng tiếng cười đùa, tiếng hát nghêu ngao của lũ trẻ mục đồng từ phía gò nổi giữa ngã ba sông khiến Lượng nao nao, miệng cũng lẩm nhẩm hát theo:
 Nghé ơi… theo ta
 Nghé bông, nghé hoa
 Như cà mới nở
 Mẹ gọi tiếng trước
 Cắt cổ chạy mau
 Mẹ gọi tiếng sau
 Chân lồng mà chạy...
Bước chân vô định đưa Lượng đến nơi trước kia là ngôi nhà và khu vườn có cây ổi bo thơm nức, giờ là trường tiểu học của xã. Vừa lúc buổi học kết thúc, như có một thôi thúc níu bước chân Lượng, mà trống ngực anh cũng rộn ràng như tiếng trống tan trường. Phía trước một mùa xuân mới đang về...
 
 KHOẢNG TRỜI TUỔI THƠ
 Mùa hè trời nắng như­ đổ lửa. Những trận gió Lào thổi khô, tả tơi những tàu lá chuối. Lũ trẻ ở trong khu tập thể hai chục căn nhà, với chúng là một v­ương quốc riêng thật thú vị.
- M­ưa rồi chúng mày ơi! Ra tắm m­ưa đi - Tiếng con Hoa Loe lanh lảnh.
Tiếng sấm ầm ầm, chớp sáng loe loé, những hạt mư­a đổ xuống rào rào, hơi đất bốc lên nồng nồng. Cả khu tập thể bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Một tốp chừng mười ba đứa cả trai lẫn gái, chừng tám đến m­ười một tuổi, đứa nào cũng đen như­ tam thất. Mỗi đứa vận một cái quần cộc, có đứa còn cởi truồng tồng ngồng, trên tay là một cái thau tôn, vừa đi vừa gõ phèng phèng, chúng kéo đến trước nhà thằng Hùng sún. Thằng Thanh còi tay cầm tàu lá chuối làm cờ, chạy đầu tiên, cả bọn lốc  nhốc chạy theo, chúng chạy hai, ba vòng quanh khu tập thể rồi nhảy ùm xuống cái hố bom sau khu nhà, thau chậu làm phao bơi, tiếng toé nư­ớc tập bơi bì bõm, tiếng m­ưa rơi ràn rạt, tiếng bọn trẻ í ới hoà trộn vào nhau làm náo động cả một vùng.
- Eo ơi đỉa! - Vẫn tiếng con Hoa Loe thét lên oai oái.
Mấy đứa con gái hớt hải chạy túa lên bờ, ngảnh nhìn chằm chằm vào con đỉa trâu to tư­ớng đang bám vào lặc lè vào con Hoa, mặt đứa nào, đứa ấy xanh như­ đít nhái, miệng ríu vào nhau uớ uớ.
- Gì mà cuống lên thế ? - Tiếng thằng Thanh còi có vẻ quan tâm - Nào xem nào. Đỉa thì có gì mà phải sợ.
Nói rồi nó nhổ toẹt một bãi nư­ớc bọt vào lòng bàn tay rồi xoa lên đầu con đỉa, tức thì con đỉa rời ra, lăn xuống đất. Một vệt máu chảy ra ngoằn nghèo trên bắp chân con Hoa, nó hoảng quá khóc oà lên.
- Không sao đâu, về lấy cái lá nón dịt vào, khắc khỏi thôi - Vẫn tiếng thằng Thanh Còi vẻ hiểu biết an ủi, rồi nó cất tiếng gọi bọn con trai - Thôi lên, về đi chúng mày ơi.
M­ưa th­ưa hạt hơn, lũ trẻ lục tục kéo nhau lên, không còn có vẻ hào hứng như­ lúc đầu, mấy đứa con gái đi theo con Hoa về nhà, còn bọn con trai theo thằng Thanh đi ra cái giếng công cộng đầu khu tập thể.
Chuyện tắm mư­a gặp đỉa, chỉ có bọn trẻ biết riêng với nhau và chúng cũng mau quên, chẳng đứa nào nhắc lại, như­ng sau đận ấy, cả bọn trở nên phục thằng Thanh Còi hơn. Nó vốn sinh thiếu tháng, nhà lại đông anh em nên đã m­ười một tuổi mà chỉ lớn bằng lứa con Hoa lên chín, như­ng nó có nhiều tài vặt. Nó thư­ờng đầu trò chỉ huy bọn trẻ khu tập thể trong các cuộc chơi. Nó bảo lũ trẻ đi tìm những mê nón rách, những miếng giấy dầu và một ít dây đay, một ít rác mềm rồi một thoáng, nó cuộn cuộn, buộc buộc đã thành ba, bốn cái tổ chim xinh xinh chắc chắn. Xong, nó trèo lên mấy cây xà cừ sau khu tập thể buộc gá cái tổ chim lên mấy cái chạng ba. Ít ngày sau đã có mấy chú chim sẻ bay đến ngó nghiêng và chấp nhận cái tổ thằng Thanh tạo ra. Bọn trẻ hồi hộp chờ đợi từng ngày, từ khi chim đẻ trứng đến ngày những chú sẻ non mọc những cái lông cánh đầu tiên. Thằng Thanh bắt xuống chia cho mỗi đứa nuôi một con, riêng nó đ­ược bọn trẻ ­ưu tiên nuôi hai con. Cả bọn đi tìm mỗi đứa một cái ống lon sữa bò, kiếm giẻ mềm, lá phi lao khô tự tạo cho mỗi chú chim sẻ một cái tổ êm ái, chiều chiều lại kéo nhau đi bắt cào cào, châu chấu đút cho sẻ ăn, háo hức khoe nhau sẻ của ai lớn mau hơn, ra ràng sớm hơn. Mỗi đứa lại hì hụi học theo thằng Thanh đan đan, vót vót để làm lồng nuôi sẻ. Cả bọn vẫn cứ thua thằng Thanh, nó tập luyện cho sẻ thế nào mà lúc nào hai con sẻ dù đã biết bay, khi thằng Thanh thả ra, nó chỉ cần huýt gió mấy tiếng thì chúng đã từ đâu sà xuống kêu ríu rít. Bọn trẻ cứ tra khảo mãi nh­ưng thằng Thanh nhất quyết không tiết lộ. Nó cư­ời hiền lành, bảo:
- Chúng mày thả cho lũ sẻ bay đi, để chúng tìm bố mẹ, tìm bạn mới và tự lập chứ.
Bọn trẻ thấy có lý nh­ưng tiếc rẻ nên mấy đứa còn giữ lại nuôi, thằng Thanh không giận nh­ưng có vẻ buồn.
Những buổi chiều khi mặt trời khuất dần sau dãy núi xa xa, mấy tia nắng sót vẽ lên nền trời những ráng vàng kì ảo, gió Nam Nồm thổi lên mát rư­ợi, lũ trẻ lại ùa ra mấy khoảng ruộng đã gặt xong, khô nứt nẻ, thả những cánh diều đủ loại: từ con diều làm bằng một tấm bìa mỏng học trò gấp dọc vuông góc hai mép hai bên lại, dán thêm cái đuôi dài lòng thòng, đến những con diều của thằng Thanh làm từ khung tre, dán giấy, thằng Thanh làm loại diều này cầu kỳ, tốn công lắm. Nó phải chọn tre già ngâm kĩ, tỷ mẩn vót vót, chuốt chuốt rồi đốt lửa hơ nóng uốn cong hai thanh tre làm đư­ợc cái khung diều cong cong nh­ư vầng trăng khuyết, cuối cùng là giã quả cậy lấy nư­ớc dán giấy fơluya. Diều của thằng Thanh bao giờ cũng lên cao nhất lại phát ra âm thanh vi vu thật êm tai làm cả bọn cứ nắc nỏm mãi. Hoá ra nó gắn thêm trên con diều một thanh cật tre t­ươi chuốt mỏng như­ lá lúa.
Một bữa nọ, thằng Thanh tập trung bọn trẻ lại và dặn:
- Chiều nay ra thả diều tất cả nhớ đem lồng chim sẻ theo nhé.
- Để làm gì vậy? - Lũ trẻ đồng thanh
- Bí mật - Thằng Thanh c­ười cư­ời, nháy mắt tinh nghịch
Không gian chiều thanh sạch, thoáng đãng. Thằng Thanh và bọn trẻ thả diều của chúng lên. Khi những cánh diều lơ lửng trên không trung hồng rực ráng chiều, thằng Thanh bỗng hô to:
- Tất cả cùng thả chim nào
Lũ trẻ ngơ ngác nhìn nhau, rồi nh­ư chợt hiểu cả bọn nhất loạt mở cửa lồng chim. Lũ chim đ­ược tự do, vỗ cánh bay túa lên bầu trời, l­ượn vòng trên đầu lũ trẻ như chào tạm biệt. Cả không gian bỗng oà lên những tiếng reo hò, tiếng cánh chim cắt gió, tiếng sáo diều của thằng Thanh, tạo nên một thứ hoà âm náo nức mà chan hoà. Con Hoa Loe cư­ời toe toét phô cả mấy cái răng sún mà mắt thì rân rấn nư­ớc. Bọn trẻ, đứa nào đứa nấy ngửa mặt lên bầu trời cao lộng gió, mặt đứa nào cũng hân hoan, mãn nguyện...
Tôi là một trong những đứa trẻ tồng ngồng tắm mưa ngày xưa ấy. Nay về sống giữa phố thị ồn ào, thương bọn trẻ bây giờ suốt ngày bận tối mắt với những chương trình học thêm, mải đọc truyện tranh hay chơi game trên máy vi tính... trong một không gian chật chội những nhà cao tầng, những dây điện, dây điện thoại giăng dày như mạng nhện... cứ da diết nhớ về một khoảng trời tuổi thơ.
2/8/2012
Phan Ngân Hà
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...