Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục

Tựa
Vấn đề giáo dục và văn hóa khỏi nói ai cũng nhận là quan trọng. Vì vậy ngoài bộ quốc gia giáo dục còn có nhiều hội nghị giáo dục cũng nhóm họp để tìm giải đáp cho những vấn đề liên hệ.
Triết lý nhân sinh làm sao có thể hờ hững trước những vấn đề quan thiết đến sự sống còn của con người và vận mạng quốc gia như thế được. Bởi vậy chúng tôi không ngần ngại đưa vào làm đề tài học hỏi suy luận cho các lớp triết. Vấn đề trọng đại này phải chia ra hai phần là lập pháp và hiến chương. Lập pháp là phần thuộc về bộ chúng tôi không bàn tới, nhưng chỉ bàn về hiến chương tức là nền tảng căn cơ của giáo dục và văn hóa. Trong phạm vi giáo dục và văn hóa có đến trăm ngàn đường lối nhưng tất cả phải dẫn đến một trung tâm. Tìm ra và xác định được cái điểm trọng tâm ấy, đó là việc của triết lý. Và đó là việc làm dài hơi cần phải dành cho một loạt tiểu luận. Ở đây mới là mấy bài khai mạc. Bài đầu nói về sứ mạng đại học tức cũng là thử xác định sứ mạng của văn hóa và giáo dục.
Bài nhì nhận định tình hình thế giới. Về điểm này thấy rằng tất cả đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng.
Bài ba: trong các phương được đưa ra có khuynh hướng truyền thống là hội được nhiều tay cự phách nhất, nên bàn qua cho biết.
Bài bốn: tiếp tục Truyền Thống nhưng thu gọn vào phía Đông Phương với nhan đề Tam giáo
Bài năm: một quyết định phải tiến thêm: từ triết lý tới Đạo học.
Bài sáu: sửa sai một số quan niệm sai lầm về văn hóa Đông Phương.
Có một điều xin lưu ý các bạn trẻ, đừng thấy bài dài mà đọc rảo qua. Tuy là dài nhưng thực ra đã gạn lọc từ một xấp tài liệu đầy đủ cho một cảo luận. Vậy mà chỉ đúc kết lại có vài ba chục trang giấy nên đây chỉ là những bài làm cốt tuỷ cho sự giảng huấn hoặc suy tư. Vậy nếu đọc rảo qua như tiểu thuyết mà không có đọc lại hoặc hồi niệm thì có cả oan cho tác giả và uổng cho ngừơi đọc.
KIM ĐỊNH
NỘI DUNG
CHƯƠNG I: TRƯỚC THỀM ĐẠI HỌC
1. Ý thức việc làm
“Tout seuil est une sacrée chose” (Porphyre) == Thềm nào cũng là một sự linh thiêng trọng đại, phương chi là thềm Đại học, nó càng linh thiêng vì trùng hợp với lứa tuổi thành nhân của những người bước qua, nó đòi ở họ những đóng góp quan trọng hơn vào việc kiến thiết tương lai cho mình cũng như cho xứ sở. Đó là nhiệm vụ đang đón chờ các bạn hôm nay đầu tiên bước qua thềm Đại học.
Để ghi bước vượt qua thềm trọng đại đó từ nay các bạn được bỏ tên học sinh để khoác lên mình một danh hiệu mới: sinh viên. Chữ sinh viên nghe hách hơn chữ học sinh nhiều lắm, nó gợi ngay ra sự kính nể mà người đời thường dành cho những chức trách đi kèm với chữ viên: quan viên, viên chức, viên ông, viên bà… Do sự kính nể đó mà các vòng kiểm soát được nới rộng ra, tự do gia tăng gấp hai ba lần. Kể ra đó là phần thưởng đích đáng cho các cô cậu đỗ tú tài hai. Tuy nhiên cái công lệ ở đời là hễ thêm tự do thì phải thêm trách nhiệm mà một trong những bó buộc của trách nhiệm là phải ý thức. Ý thức rộng hơn tri thức nhiều. Dưới trung học mới là tri thức, lên Đại học phải thêm ý thức nghĩa là tuy cũng học bài như dưới Trung học thật nhưng không còn thụ động nhận lấy mà phải ý thức, phải cố tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, cả đến cử chỉ hành vi đều mang thêm một ý nghĩa, đến cả bước chân của sinh viên coi như cũng vương vấn suy tư. Sinh viên ưa phê bình, thích đặt hết mọi vấn đề, đó là dấu hiệu tiến bộ cần được khuyến khích. Vậy chúng ta sẽ đặt lại vấn đề về lối làm việc sau đó đến mục phiêu của Đại học sao cho xứng danh Đại hoc (theo danh lý thì xét mục phiêu trước hợp lý hơn, nhưng theo lối giáo khoa bàn về lề lối làm việc là điều cần còn mục phiêu vì không ở cả trong quyền chúng ta nên đặt sau.)
Ai cũng biết rằng Trung học là cấp bậc thâu nhận những kiến thức phổ thông có tính cách bách khoa, ngược lại Đại học đi và chuyên môn một ngành để có thể đào sâu. Từ sự khác biệt căn bản đó mà đường lối làm việc cũng phải khác nhau. Ở Trung học việc chính là thâu thái các kiến thức của nhân loại đã sở đắc, người ta không có quyền chờ đợi ở cấp Trung học những khám phá mới. Sự tìm tòi cố gắng tuy có rất nhiều nhưng là hướng vào việc tìm biết (s’informer) nhằm bác học và quảng văn. Còn Cao đẳng cũng mới là bước sửa soạn vào Đại học, nên là gạch nối giữa Trung học và Đại học, khác ở chỗ Cao đẳng tuy cũng thâu nhận kiến thức nhưng đẩy đến mức độ hoàn bị có thể hiện thực được, chẳng hạn như kỹ sư, sư phạm.
Bước lên Đại học thì vai trò đổi mới, ngoài việc chuyển đạt kiến thức mà nhà trường vẫn tiếp tục và đẩy đến mức độ cao nhất, thì Đại học phải đảm nhiệm thêm một trọng trách khác: đó là khám phá, phát minh, sáng tạo thêm cái mới. Sứ mệnh Đại học là bằng cách này hay cách khác làm gia tăng di sản tinh thần của một dân nước, của cả nhân loại. Nếu mục phiêu Trung học là truyền bá, bảo tồn, duy trì và Cao đẳng là thực hiện, thì Đại học phải tìm kiếm thêm những tri thức mới, phát kiến ra những năng lực còn tiềm ẩn trong con người hay sự vật, phải cố gắng nới rộng mãi vòng chân trời của tri thức, làm phong phú thêm di sản của con người và nhất là làm cho chúng trở nên sống động nhịp theo thời đại. Đó là một sự phân công thường bị quên đi, nên cần rút ra một hai hệ luận.
Trước nhất vì Trung học là bảo tồn, là truyền bá thì sự trung thành với chương trình là điều bó buộc. Ngược lại ở Đại học giáo sư lại được dành cho rất nhiều tự do để quy định nội dung chương trình của những bài ông giảng huấn; có khi giáo sư phải đi ngược hẳn lại khi nhận ra đấy là điều kiện thiết yếu cho những bước tiến vượt bậc như phản lực cơ với phi cơ cánh quạt. Nếu bắt giáo sư phải mãi mãi trung thành với cánh quạt thì làm sao có được phản lực cơ? Đành rằng như vậy là mở cửa cho phiêu lưu, cho lầm lạc, nhưng miễn là có phương pháp thì những phiêu lưu ấy mới gây cho Đại học bầu khí sinh động tự cường giàu óc mạo hiểm. Nên nhớ là giáo sự Đại học không phải chỉ có chuyển giao tri thức đắc thủ là hết việc: nhưng còn phải đi tìm những phương trời mới mẻ. Đã gọi là tân kỳ thứ thiệt, thì giả thiết là chưa ai thấy mặt mũi, bộ dạng nó ra sao, vậy thì so với cái chi mà bảo là “lầm lạc”. Cái gọi là lầm lạc có thể chỉ là những giả thuyết làm việc, nên những lầm lạc đó giàu tính chất màu mỡ (fertile) biểu thị một tình trạng hăng say trong Đại học, cái đó mới đáng quý và có giá trị vượt xa lòng trung thành với chướng trình ngồi ôm mớ lý thuyết của người xưa. Còn tránh những phiêu lưu vô lối là chuyện thuộc nhân sự. Đó là việc chọn người có khả năng thì đấy là trách nhiệm thuộc nhà hữu trách chứ không trong phạm vi triết lý. Nếu ở Trung học người ta quen đánh giá ông thầy qua tài giáo khoa chứ không qua nội dung chương trình vì đã do bộ định đoạt và do thủ bản trình bày sẵn: ông có thay đổi cũng là trong vòng sắp xếp nào đó cho sáng sủa theo ý nghĩ của ông. Ngược lại với giáo sư Đại học không nên áp dụng tiêu chuẩn đó nữa, tuy tài giáo khoa cũng vẫn quan trọng nhưng so với nội dung chương trình giảng dạy của ông thì chỉ đáng 1, 2 phần, đang khi nội dung chiếm đến 8, 9 phần. Giáo sư ở Trung học có hay cũng là hay cho học sinh của ông, hay trong phương pháp, ngược lại giáo sư Đại học nếu hay thật thì phải xét về nội dung: do đó ảnh hưởng của ông có thể vượt trường ốc để lan rộng xa ra ngoài, có khi qua nhiều thế hệ, như trường hợp Khổng Tử được tôn là vạn thế sư biểu chẳng hạn.
Đôi khi ta nghe sinh viên khen giáo sư nọ kia vì nói gì sinh viên cũng hiểu được. Đành rồi vậy là hay, nhưng nếu cái hay chỉ có bấy nhiêu thì còn chi nữa là lý tưởng Đại học. Hiểu được mới quan trọng một phần, còn chính cái hiểu được có hướng đi đâu và liên hệ thế nào với nhân tâm thế đạo, vũ trụ nhân sinh, tiền đồ đất nước…… mới quan trọng gấp 8, 9 lần. Lý tưởng Đại học nằm trong đó, chứ không trong chỗ hiểu được hay không hiểu được. Ngoài chợ Cầu Muối ồn ào như ong vỡ tổ mà trăm vạn lời nói ra cho người cần nghe đều được hiểu hết. Nếu chỉ đánh giá theo hiểu được thì chợ Cầu Muối dám cao hơn Đại học lắm đó. Vậy thì hiểu được quan trọng 1, 2 lần mà nội dung cái hiểu được mới quan trọng 8, 9 lần. Học sinh không buộc biết nhưng sinh viên phải ý thức điều đó.
Nói lên mấy nhận xét này để sinh viên tập nhận thức ra tính chất của Đại học, nghĩa là không còn coi mình như một người thụ động chỉ việc theo lớp ghi cho đúng, nhưng phải coi mình như người học giả đi tìm tòi, đi khảo cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Phải đặt lại vấn đề, phải biết nghi ngờ cả ông thầy, tuy hầu hết chưa thể hơn ông thầy hoặc tìm ra được cái gì mới mẻ, nhưng đó chưa phải là điều quan trọng, điều quan trọng là phải biết nghi ngờ, vì đấy là bước đầu để trở nên người phát minh (“Le douteur est le vrai savant”. Cl. Bernard).
Vậy giáo sư cũng như sinh viên phải bỏ lại ngoài ngưỡng cửa Đại học lòng sùng tín chấp nhận vô điều kiện để thay vào đó một bộ óc thắc mắc, một sự khó tính yêu sách và chỉ chấp nhận khi có bằng chứng xác đáng, minh bạch. Vì thế điều phải tránh trước tiên là lối học tủ, ghi âm cho trúng để thi cho được. Không ai cấm việc muốn thi được, nhưng nên tìm điều đó qua lối học tự sáng tạo, tự tìm tòi, cố gắng để trở nên một người có khả năng đóng góp vào di sản tinh thần của Tổ quốc. Vì vậy một kết luận cụ thể là nên cố gắng đi nghe giáo sư mới dễ hiểu rõ tinh thần. Cours in ra đã mất đi bao nhiêu phần sống động tế vi, là những cái chỉ biểu lộ phần nào qua giọng nói dáng điệu, nhất là môn triết. Vì triết học có hai điều khó, trước nhất là nó đề cập nhiều vấn đề vượt quá tầm tuổi của sinh viên, nó đòi một mức độ đứng tuổi nào đó, kèm thêm một kinh nghiệm về nhân sinh ấm lạnh kha khá cao. Vì hoàn cảnh không cho phép làm khác, nên sinh viên phải bù lại bằng chăm chỉ đi nghe ông thầy.
Một khó khăn phụ trội gây ra cho triết là do khúc quanh của lịch sử: các giá trị cũ đang sụp đổ tơi bời. Tư tưởng nhân loại đang biến đổi mau lẹ, nên có những người tốt nghiệp với mảnh bằng còn chưa ráo mực chữ ký của viện trưởng mà tư tưởng đã có chỗ cũ rồi. Vậy chính nhờ lúc nghe giảng mới hiểu ra dần lập trường các tác giả được trưng dẫn, và mới xác định nổi vị trí từng vấn đề. Đặt vị trí một vấn đề hợp theo hoàn cảnh của mỗi luồng tư tưởng là cái khó nhất nhưng nếu không vượt qua điểm này được thì hy vọng gì đóng góp vào việc gia tăng di sản tinh thần. Đành rằng triết không phải như bác học nên đọc sách triết ít khi thấy ghi xuất xứ, là vì đã bay bổng vào suy tư. Tuy nhiên trước khi bay bổng cần có một nền tảng khoa học, một phương pháp làm việc giống với nhà bác học, nói cụ thể là cần phải tìm lấy một hệ thống fiche nào minh ưng hơn cả để ghi xuất xứ sách vở tư tưởng và ý nghĩ. Triết học thường vượt qua phương pháp. Nhưng muốn vượt qua phải biết trước đã, nếu không sẽ lộn xộn. (Nên đọc qua một vài quyển như Travail intellectuel de Sertillange, hoặc Eùducation de la Volonté của Payot nói tỉ mỉ về phưong pháp làm việc. Quyển “Cửa Khổng” cũng theo phần lớn lối khoa học có ý giúp sinh viên tập quen phương pháp làm việc có xác thiết, có mạch lạc).
Mấy điều trên đây cần nhắc nhở cho sinh viên ngay từ lúc bước qua thềm Đại học để tránh rơi vào một tai họa mà các bậc thức giả đang than phiền và họ gọi là “journalisme”, tức thứ kiến thức bì phu phiến diện kiểu chuồn chuồn điểm nước, kéo dài mãi mãi trình độ phổ thông Trung học. Nhiều giáo chức Đại học bên Tây Phương lẫn lộn cả bình đẳng có tính cách xã hội, chính trị với bình đẳng tri thức. Mà thực ra trong phạm vi tri thức làm gì có bình đẳng. Nay nếu muốn bình đẳng hóa cả Đại học tức là đắp ụ trên đường tiến bộ mất rồi “But democracy is a social and political not an intellectual possibility”, lẫn việc phổ biến với nội dung của phổ biến. Phổ biến là việc của Trung học, tìm ra nội dung để phổ biến đó mới là việc của Đại học.
Trở lên là ít điểm thuộc về lề lối làm việc ở Đại học. Bây giờ chúng ta bàn đến điểm thứ hai là mục phiêu của Đại học.
2.      Mục tiêu của Đại học
Đại học là gì? Thưa là cái học to, tiếng Tây kêu là Université có nghĩa là hướng về (vers) một mối (unité). Kiểu nói là hai mà ý nghĩa là một: khi nhiều cái quy tụ lại một, cái một ấy tất phải to, phải đại. Vậy đại là gì, to là gì?
Thưa đại đây không có ý nói đến đại số lượng hay to thân to xác, to đống to mớ. Đại ở đây có ý chỉ về phẩm giá, sự tự lập: nghĩa là khỏi cần phải quy chiều vào cái khác nhưng tìm được lý do tồn tại ngay trong bản thân, từ trong nội tại, hơn thế nữa còn có thể cấp lý do tồn tại cho nhiều cái khác. Vậy cái gì là đại theo nghĩa đầy đủ như thế? Mục phiêu của Đại học chính là tìm ra mối đại nền gốc đó để cho các kiến thức khác quy tụ chung quanh. Nhiệm vụ của Đại học là thiết lập ra mối nhất thống nội tại bằng cách xác định đâu là gốc là đại và nhấn mạnh trên đó đểm làm trung điểm cho các cái học chu vi có nơi quy chiếu. Sứ mạng của Đại học là tìm ra và phát triển đến sung mãn cái điểm xét ra là đại để nó chiếu tỏa vào các ngành tri thức và thông cho tất cả nguồn sinh lực và tia sáng dẫn đạo. Nói cụ thể là Đại học sẽ chu toàn sứ mạng ngày nào mà những người xuất thân ở Đại học phần lớn trở nên trung tâm điểm ban phát ra những lời hướng dẫn cuộc đời, gây tươi vui trong cõi nhân luân, làm rung động những sợi dây lòng để hướng lên cõi siêu linh, để đem lại cho đời một ý nghĩa, để đem lại cho lân nhân lòng mộ mến những mối tình cao cả của nhân hậu, dũng cảm, vị tha, nồng nhiệt… Nói theo kiểu tiên Nho thì Đại học là để đào luyện ra đại nhân, đào luyện nên những kẻ sĩ nghĩa là những người ý thức được sâu xa cái trách nhiệm nặng trên con đường Đạo thâm viên; sứ mạng của kẻ sĩ về mặt hành động là tế thế an bang, về mặt tri thức là triệt thượng tới trí tri tâm linh và triệt hạ tới bậc cách vật tới chỗ nhất nghệ tinh. Ngược lại phải kể là Đại học sa đọa bao lâu chưa tìm ra cái mối đại đó khiến cho các tri thức chồng chất lại ngổn ngang vì thiếu nơi quy tụ, bao lâu những người xuất thân ở Đại học ra nếu không bị thác loạn tinh thần thì cũng chỉ thấy đời là phi lý, cuộc sống đáng nôn mửa. Cái học đó có gọi là Đại học, người xuất thân có gọi là nhà trí thức đi nữa cũng không làm cho tâm hồn họ thanh thản, vòng tay họ có mở ra hết cỡ cũng chi ôm nổi dăm ba cô với một vài đàn trẻ. Nói đến chuyện tế thế an bang là hão và chớ đợi ở họ những luồng tư tưởng sáng soi nồng nhiệt thường phát ra từ những tâm hồn đại độ bao la, và như thế là Đại học sa đọa.
Sa đọa vì không tìm ra điểm đại, ngược lại thành công là tìm ra được để mà vun tưới cái điểm to, cái đại bổn, cái căn cơ. Mới hay tìm ra điểm gốc quan trọng xiết bao. “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thuỷ. Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ” (Đại học). Câu sách cổ đó vẫn còn giữ nguyên giá trị, nhưng ít khi được chú trọng vì thường thường ai cũng nghĩ rằng đã là Đại học thì cái chi chả là đại, nên không xét tới xem trong từng trăm môn dạy trên Đại học thì môn nào đáng làm bổn, làm gốc, làm đại. Bởi thế chúng ta phải gắng công tìm hiểu. Để dễ tiến hành chúng ta nên phân ra hai loại Đại học: một là Đại học cấp bậc, hai là Đại học tự thân.
Trước nhất ta cần biết thế nào là Đại học thuộc cấp bậc, và thế nào là Đại học tự thân (en soi). Đại học cấp  bậc là cấp trên đối với cấp dưới, không có thành vấn đề: toán Đại học cao hơn toán trung học. Xét về cấp bậc thì môn nào cũng có đại có tiểu, nên ý nghĩ hễ đã lên đại học thì cái gì cũng đại cả là trúng ở phương diện này. Nhưng đó mới là chuyện thuộc cấp bậc độ số (degré) có tính cách tương đối: to là đối với nhỏ, chưa phải là to tự nội (en soi) nghĩa là trong bản thể (nature) đã mang theo tính chất quan trọng, đã có sẵn lý do của sự trọng đại, khỏi cần dựa vào tha vật. Phân biệt như thế rồi ta hỏi trong các môn dạy trên Đại học, môn nào xứng đáng làm gốc, làm bổn. Trả lời được câu này không những xác định được bản chất Đại học, mà luôn thể định hướng được cả nền triết lý giáo dục nữa. Vậy thì trung điểm đó là gì?
Xuyên qua lịch sử ta thấy có ba loại trung điểm mà cứ sự nó đã thay thế nhau giữ chức trung ương và ta có thể định tính vắn tắt là lý giới, nhiên giới và nhơn giới. Ba trung điểm đó thường đi đôi với pháp trị, cơ trị và nhơn trị. Có thể thêm siêu giới đi với thần quyền (théocratie) nhưng đó là chuyện thuộc phạm vi tôn giáo bên ngoài chương trình triết lý. Chỉ cần ghi rằng Âu châu thời Trung cổ đi lối Siêu giới. Từ thời Phục Hưng đạo đời ly dị thì đến lượt lý giới tức pháp trị: quyền hành nằm trong tay các luật gia. Đây cũng là thời thuận lợi phần nào cho triết học. Nhưng bước sang thế kỷ 20 thì quyền hành về tay nhiên giới với chế độ cơ trị (technocratie): kỹ sư nắm tay lái và gọi là thời nguyên tử, tức là dùng khí năng thuộc nhiên giới để định tính một giai đoạn lịch sử. Bầu khí giai đoạn này đang lan tỏa và tràn vào nước ta. Công hiệu ra sao? Chỉ cần xem một ca cụ thể để rồi suy rộng ra. Anh A yêu cô B quá xá, thế nhưng anh A không thể nào cưới được cô B nữa vì khi bà C hỏi anh học gì, anh tình thực thưa ngay là văn khoa. Một lúc sau hỏi tiếp môn gì? Da rằng triết. Cái giề môi của bà C tuy kín đáo nhưng đủ sức tống cổ anh C ra khỏi cổng. Than nổi chi nữa? Ai bảo nhào vô triết học, sao không học dược hay y? Thời thế đổi rồi cu cậu ơi! Xưa thì cáng anh đi trước võng nàng theo sau. Nay thì xe hơi chàng chay trước, xe đạp chàng theo sau! Thời thế, thế thì phải thế. Đời cơ trị rồi mà! Văn khoa, triết học còn có nghĩa chi đâu? Nhất là triết học lẽ ra đi với nhân trị, nhưng bên trời Âu chưa bao giờ triết nắm được quyền hành đó, phương chi đến thời cơ trị lại càng xuống giá. Thế là cơ trị nắm chính quyền và đó là thời đại của ta khi cứ sự mà nói. Và nếu xuôi chuyện thì cứ lý khỏi đặt lại vấn đề nhưng chuyện không xuôi nên mới lại có vấn đề tìm ra điểm đại cho Đại học, nghĩa là chúng ta phải tìm xem “cơ trị” đã phải là đại chưa? Nó đã là cái gì tuyệt đối có lý do tồn hữu nội tại của nó hay nó chỉ có ý nghĩa vì một cái khác thí dụ con người? Và nếu nó không phải là đại tự thân, thì nhất định là không tạo nổi mối nhất quán nội tại (cohérence interne) giữa các phân khoa mà đó mới là hồn Đại học, hồn văn hóa, hồn cho tinh thần đất nước. Và nếu đó không phải là linh hồn thì tất nhiên nó sẽ dẫn tới tình trạng tan nát ngổn ngang.
Do đó vấn đề hiện đại là nên cơ giới hóa con nguời hay là nhân bản hóa cơ giới và hiện các nhà giáo dục đàn anh đang bù đầu trước một vấn đề liên hệ mật thiết với câu hỏi trên tức là trong hai giải pháp một là chuyên môn, hai là toàn diện phải chọn đàng nào? Theo giải pháp chuyên môn thì nhiệm vụ khẩn cấp của Đại học cũng như của nhà giáo dục là phải gắng sức tìm ra càng sớm càng hay cái năng khiếu nổi nhất trong mỗi học trò để mà trau dồi vun tưới cho tài năng đó phát triển tới mức tối đa. Giải pháp này có cái lợi là sản xuất được nhiều nhà chuyên viên cho mọi ngành hoạt động nên được chấp nhận nhiều bên các nước có óc thực tế như Anh, Mỹ và nhất là Nga. Nhớ lại năm nào bộ trưởng kỹ thuật Pháp kêu cứu (S.O.S) vì nạn khan hiếm kỹ sư, bởi mức sản xuất kỹ sư kém Nga bốn lần. Lý do? Vì Pháp chọn lối toàn diện. Lối này chủ trương nhằm nhân bản hóa kỹ thuật, từ đó trọng tâm Đại học cũng như giáo dục hướng vào chỗ cốt làm phát triển đồng đều mọi khả năng trong con người; đưa tất cả mọi tiềm lực đến một sự nảy nở bằng nhau để tạo nên tâm trạng quân bình. Vì coi con người trọng hơn kỹ thuật và đó là lý do bênh vực hữu hiệu cho giải pháp toàn diện này. Lý thuyết thì rất hay nhưng vì thiếu giải pháp hữu lý nên kết quả rất tệ. Đây là đại lược: chương trình giáo dục toàn diện sẽ đẩy thực xa trình độ kiến thức phổ thông. Với giải pháp chuyên môn thì kiến thức phổ thông thường dừng lại ở đệ tứ xuýt xoát, đàng này đưa tới tú tài II. Giải pháp này có tính tham lam, chương trình chất thật nặng, càng biết nhiều, văn hóa càng cao và bằng càng có giá trị. Những nước mới thoát nô lệ bị mặc cảm giữ giá cho mảnh bằng theo kịp bắc metro thì còn nặng thêm nữa. Óc “toàn diện” còn cố lêo lên đến Đại học ở năm thứ nhất gọi là dự bị dùng để trọn vẹn hóa trình độ văn học: vài ngoại ngữ, vài ba môn sử địa, văn chương, thêm tí cổ ngữ. Đến khi vào chứng chỉ, chừng năm sáu môn với chừng ấy giáo sư. Sinh viên cũng theo đà tham lam mỗi năm ít nhất theo hai chứng chỉ, vị chi là 12 môn với 12 giáo sư. Kết quả: Đại học là nơi thâu thập tri thức, sinh viên trở thành những đánh-đống-viên: đống của ai lớn người ấy có văn hóa cao. Kết quả là sản ra những con người rách nát (écartelé, nói theo chuyên môn là schizophrénie thác loạn tinh thần vì thiếu hướng) với một mớ tri thức nửa chừng không làm nên trò trống gì có thể gọi là triệt thượng triệt hạ. “Toàn diện” trở thành “ngoại diện” (d’une encyclopédie lamentablement superficielle) duy trì mãi trình độ “nhật báo” ở Đại học, và trở thành kém cả những người theo giải pháp chuyên môn. Giải pháp này ít ra cũng giúp nắm vững cái cần câu cơm. Có thực rồi vực dần dần đạo cũng phải lòi ra. Và như thế là giải pháp chuyên môn hiện lên như một cám dỗ đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên chúng ta không thể theo giải pháp chuyên môn được, ít ra như hiện nay đang được thi hành vì càng ngày người ta càng ý thức sâu sắc về những ác quả của giải pháp đó, và đây là một hai lý do: trước nhất chuyên môn từ trong bản chất là chuyên biệt nên càng rút hẹp giới hạn bao nhiêu càng hữu hiệu bấy nhiêu: học chung về thuốc không thể hữu hiệu bằng chuyên về mắt, về răng, về tim v.v… Đấy là luật tất định, nếu muốn hữu hiệu thì phải tuân theo, không thể làm khác được. Nhưng đó chỉ là luật của nhiên giới đem áp dụng vào nhơn giới thì hậu quả là cơ giới hóa con người, biến nó thành những người máy (robot), những khí cụ. Con người khuôn theo nó trở thành những quái vật một mắt ti hí, hết nhìn được những vấn đề bao la toàn diện. Vì đã bị chi phối bởi luật chiếu giãi (loi de projection) theo đó, khi một người để hết tâm trí vào một giá trị nào, thì sẽ chỉ còn thấy có giá trị đó và sẽ nhìn mọi vật qua lăng kính duy nhất ấy. Freud nhìn tất cả qua tính dục. Rousseau thấy tất cả qua tình cảm, qua thiên nhiên. Platon thấy chỉ có ý niệm mới là giá trị. Hegel thì tôn vinh biện chứng làm chủ tể v.v… Người xưa đã gửi nhận xét đó vào những câu chuyện như Bá Nhạc học xem tướng ngựa, trông cái gì cũng là ngựa cả. Bào Đinh nước Tống học mổ trâu ba năm không thấy con trâu sống nào, trông con nào cũng là trâu chết cả. Bác sĩ Knoch xem ai cũng là bệnh nhân và đã biến một thị xã thành những con bệnh tưởng tượng. Kết quả là các khoa học chuyên biệt thay vì là một phương tiện, đã được tôn lên bậc cùng đích nội tại (fin en soi). Thế là có bao nhiêu khoa học là có bấy nhiêu mục phiêu tuyệt đối càng ngày càng xa nhau làm đứt hết mọi mối liên hệ nằm ngầm. Đại học cũng như văn hóa hoạt động tứ tung ngũ hoành, biểu lộ một sự nghèo nàn trong đường hướng, không còn chút sinh động gì trong tâm hồn, biến con người thành những bộ phận, những dịch vụ (fonction) trong bộ máy vô hồn, lù lù quay như bất cứ bộ máy nào. “Personne ne peut nier que la conscience moderne est déseperément disloquée entre ces “fin-en-soi” et ainsi les hommes ne cultivent plus que des qualités spécialisées: ils deviennent eux-mêmes des instruments” (Jung Moderne 123). Tâm thức con người căng trên những môn chuyên biệt được phong làm cùng đích và hạ mình xuống làm dụng cụ, chữ nho gọi là khí (quân tử bất khí). Con người không muốn làm chủ thể nữa rồi nên nhường lại ghế đó cho nhiên giới để đi hạ mình xuống làm phương tiện, làm khí cụ và trở nên một thứ man rợ, thượng lưu. Thượng lưu cũng có mà man rợ lại càng đậm màu (xem chẳng hạn quyển La barbarie des élites của Rostenne edit, Desclé) và như thế là giải pháp chuyên môn cũng tai hại một cách sâu độc, nó cho một điểm quy tụ nhưng là điểm quy tụ chúi đầu xuống cái lỗ nhỏ hẹp, có bao nhiêu ngành là có bấy nhiêu mối quy tụ, bấy nhiêu đáy giếng. Và như thế thiếu xương sống trở thành vật vờ trôi giạt, vì thế nó vẫn không thắng nổi giải pháp toàn diện dẫu giải pháp này chỉ là ngoại diện. Do đó mà các nhà giáo dục cứ còn bù đầu như con lừa Buridan tránh hùm phải hạm: cả hai giải pháp cũng có lý, nhưng chỉ ở một phương diện, nếu nắm lấy cái lý đó mà giay thì trở thành thiên lệch và kết quả là cả hai giải pháp cùng làm cho sinh viên chơ vơ trong trường học, để rồi chơ vơ trong trường đời nghĩa là sẽ bị thả vào những ngó ngách của cuộc đời chưa được sửa soạn, chưa được nghe nói tới bao giờ. Đó là trạng thái bi đát trong khắp các đại học trên thế giới hiện đại và ngoại trừ một hai tia sáng le lói đó đây nghĩa là ngoại trừ những giải pháp chỉ hay có một chiều kiểu toàn diện ngoại diện nói trên thì chưa đâu tìm ra lối thoát, nghĩa là tìm ra cái điểm gọi được là ĐẠI là LỚN khả dĩ đáng làm trung tâm quy tụ cho mọi ngành và các nhà hữu tâm vẫn cứ đành dùng giải pháp vá vứu tô trát trước những làn sóng phá hoại của cơn khủng hoảng.
Sở dĩ tôi gạch dưới 3 chữ trên thế giới là để nhấn mạnh tính chất phổ quát vả tỉ xích quốc tế của vấn đề chứ tuyệt nhiên không có ý chỉ trích Đại học nước ta. Nói về Đại học nước nhà cứ kể chung ra cũng là bình thường nghĩa là trừ một số khuyết điểm không thể nào tránh nổi ở bước đầu và sẽ lần lượt cải thiện theo đà tiến của nền độc lập quê nước thì đại để ta theo giải pháp toàn diện. Cái đó có những bất lợi như đã nói trên, nhưng nên nhớ bất lợi cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó tất nhiên Pháp là một đại biểu nổi nang (1). Vậy Đại học ta có kém thì cũng là kém một cách quốc tế chứ không phải do sự bất lực của bộ quốc gia giáo dục nước nhà. Trong thâm tâm các nhà dìu dắt nền Đại học cũng như giáo dục nước ta đang sôi lên nguyện vọng thiết tha tìm một giải pháp nào vừa thâu hóa được cái lợi của hai giải pháp đồng thời tránh được cái bất lợi của cả hai bên. Tuy nhiên đó là chuyện dài hơi, không phải một lúc mà làm hiện hình ngay lên được, muốn đi mau là hỏng việc. Trong ý hướng đi tìm đó chúng tôi thử phác họa với sinh viên một giả thuyết làm việc mà tôi xin gọi là giải pháp mẹ tròn con vuông. 
3.      Giải pháp mẹ tròn con vuông
Theo biểu tượng Kinh Dịch ta sẽ gọi là vuông tất cả các môn chuyên biệt, vì chuyên biệt nên có giới hạn nhỏ hẹp, Kinh Dịch chỉ thị bằng hình vuông có góc cạnh, giới mốc đóng khung. Còn vòng tròn ta dùng để chỉ Đạo lý tâm linh, nói nôm na là đạo làm người cái lý tưởng then chốt của đời sống con người toàn diện. Đạo này hiện nay chưa có và đó sẽ là việc chúng ta phải tìm lấy bằng cách mượn dữ kiện của cổ kim Đông Tây. Người xưa đã có nhưng nay ta không thể xài ít ra y nguyên được nữa. Tuy vậy ta có thể gỡ lấy chiều kích tâm linh của Đạo xưa để làm Trung điểm cho một tổng hợp thâu hóa mới. Vì tất cả sự cổ kính nhưng cũng rất mới mẻ nằm trong hai chữ tâm linh, nó có thể giúp ta phương thế để tìm lối thoát. Sở dĩ giải pháp “toàn diện” rất hay trong chủ trương nhưng thất bại trong thực hiện chẳng qua vì thiếu chiều kích này. Do đó thay vì tổng hợp (synthèse) thì chỉ làm được có tổng cộng (syncrétisme) nghĩa là không có yếu tố khác tính mà chỉ là cộng vào, chất đống lại các yếu tố cùng trình độ, cùng lượng chất. Nhưng cộng bao nhiêu cái có góc lại cũng không làm nên được một cái vòng tròn. Học 10 môn chuyên biệt, không làm nảy thêm được bản chất của sự toàn diện vì thiếu chất tổng hợp là cái chỉ tìm được nơi dòng sống tâm linh đang chảy trong thâm tâm nơi sâu thẳm. Chỉ ở đó mới tìm ra chiều kích siêu việt để bao trùm lấy các ngành ngọn. Chỉ có yếu tố tâm linh mới đáng làm căn bản, làm cái đại để các môn khác quy tụ. Ta sẽ biểu thị nó bằng vòng tròn và theo tinh thần Đông phương ta thấy vòng tròn bao bọc lấy vuông. Và nôm na ta gọi là “mẹ tròn con vuông”: theo nghĩa mẹ đại con tiểu. Tâm linh cao hơn các khoa vật học. Hoặc muốn nói rõ lên sự quân bình thì là “hợp ngoại nội chi đạo dã”. Ngoại vuông hợp với nội tròn. Nếu tài là Vuông, còn đức là Tròn thì tài đức phải cố gắng kiêm toàn nhưng bởi vuông hay lấn át nên ta nhấn mạnh trên tròn và nói: “Đức chi bổn dã. Tài chi mạt dã”, Đức là gốc, Tài là ngọn.
Tiền nhân ta xưa đã ghi ý nghĩa đó vào đồng tiền hình tròn lỗ vuông. Lỗ vuông đâu có tiện xỏ bằng lỗ tròn, nhưng nếu không tiện lắm cho việc xỏ thì lại tiện để biểu thị được ý hướng đặt tình người lên trên tài vật. Tinh thần phải mạnh phải lớn đủ để bao trùm lấy con tài. Đạo nhân sinh phải thấu nhập được các chuyên khoa để cho tinh thần linh nhuận cõi nhiên cơ. Đành rành thời đại này chúng ta phải mở rộng vuông tức phạm vi chuyên môn rất nhiều, nhưng đừng để cho bốn góc vươn ra ngoài, vì nó sẽ ngãng trở không cho bánh xe lăn được trên đường tiến hóa toàn diện.
Nếu đồng tiền tổ tiên là          hình vẽ
Còn đồng tiền hiện đại là       hình vẽ
Hoặc là (hình vẽ), tức là chuyên môn choán gần hết chỗ của tinh thần, thì đồng tiền của Việt Nam mai ngày sẽ phải là (hình vẽ)
Như vậy là đúng câu: “tiên lập hồ kỳ đại giả kỳ tiểu giả bất năng đoạt giả” (Mạnh V. b.15). Trước hết thiết lập cái bản cốt, cái tâm đạo cho cái tiểu khỏi lấn át cái đại, nghĩa là đừng bao giờ để cho chuyên khoa trùm lên đạo người. Đạo người thuộc thành nhân, chuyên khoa thuộc thành công. Thành nhân chỉ có một và cần cho hết mọi người, xét cả về mặt là người tư nhân. Thành công có nhiều ngành và chỉ cần chung cho xã hội, mà không cần hết thảy cho tư nhân. Là tư nhân chỉ cần học một nghề đã đủ, đã chọn nghề này thì thôi nghề kia, nhưng đạo làm người ai ai cũng phải biết phải học, đạo ấy không còn riêng của phân khoa nào cả. Các phân khoa sẽ nhận thêm rất nhiều sinh viên, số người học văn khoa sẽ rút xuống từ năm ngàn còn một hai để gia tăng số chuyên viên. Nhưng về mặt chuyên viên thì chỉ nên học một ngành. Nên nhờ khoa hướng nghiệp chọn cho khá hợp khuynh hướng rồi hãy đẩy đến cùng cực, để có thể khám phá thêm, hầu đóng góp vào đà tiến triển của khoa học. Muốn như thế không thể theo nhiều ngành một trật: đào hai giếng sâu 5 thước, nước đã ít lại đục, nên đào một giếng 10 thước, nước vừa nhiều vừa trong. Cái tài con người ta thành ở chuyên hỏng ở tạp. Vậy hãy dồn hết năng lực vào một khoa mới mong đạt độ tinh thông. Đạt tới cái thú vui khám phá và đóng góp mà cái học lưng chừng không sao không sao có được. Thành công đã nắm vững, mưu sinh bảo đảm, riêng về phía xây đắp quê xứ số chuyên viên tăng lên mau lẹ sẽ kịp cung cấp cho một cuộc kỹ nghệ hóa gấp rút. Thế là ta nắm được cái lợi của giải pháp chuyên môn. Mặt khác chúng ta cố tránh ác quả của giải pháp đó bằng học thêm đạo làm người. Ta có thể theo lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc dành ra mỗi tuần ít giờ (từ 10 đến 20%) để học đạo người, mà vẫn không thiệt đến chuyên khoa. Trái lại là khác vì đạo làm người nếu được học cách đích đáng, sẽ làm gia tăng nghị lực tinh thần đến độ phi thường, như trường hợp Oppeinheimer nếu không tìm ra đạo học thì đã bỏ dở cuộc nghiên cứu nguyên tử năng. Đàng khác nếu sửa đổi theo đó thì chương trình sẽ nhẹ xuống ít gì một phần ba so với hiện đại, hơn thế nữa chuyên môn sẽ khởi đầu cách nghiêm nghị ngay từ đệ ngũ hoặc đệ tứ thì dành ra ít giờ đặng học đạo sống thật không ngãng trở sự theo đuổi việc học chuyên khoa mà còn đưa lại cho đời sinh viên một ý nghĩa sâu xa hướng theo lý tưởng cao trọng của nhân sinh.
Anh muốn học luật? Được lắm nhưng thiếu đạo làm người thì thay vì tìm hòa giải anh sẽ gây thêm và kéo dài các vụ tố tụng để cho đục nước béo cò. Anh tính làm bác sĩ, dược sĩ? Càng tốt, nhưng nếu thiếu đạo làm ngừơi mai ngày chỉ gõ vào lưng người ta anh đã lấy mấy trăm bạc dầu đó là người ngheo cực và dù một ngày anh gõ hai ba trăm lần. Anh thích học ngoại giao? Tốt lắm nhưng thiếu đạo làm người thì khi đi làm đại sứ thay vì tìm thị trường cho nước, anh chỉ lo sao trong cái vali ngoại giao còn có chỗ để dollar và hột xoàn… Anh thích học sư phạm? Được rồi nhưng thiếu đạo làm người anh sẽ đào luyện trẻ em theo cái mô phạm cái dạng thức nào đây? Nếu theo dạng thức người thì phải tri nhơn. Mà tri nhơn thì học ở đâu ngoài đạo làm người? Các ngành chuyên biệt khác cũng thế có lấy đạo làm người làm mối hội thông mới có mối liên hệ sinh động và cố kết lấy nhau và từ đó văn hóa mới thêm linh hoạt và xã hội con người mới mong thấm nhuần nhân hậu và khoan dung. Và có thế sinh viên mới đáng là sinh viên vì có đạo nhân sinh thấm nhuần cái học chuyên biệt để bao quanh bằng một vòng đai tinh thần nhân ái. Thế mới đúng nghĩa sinh viên nghĩa là sống cái tròn nếu không thì chỉ là sinh vuông vì dồn hết sinh lực vào những cái chuyên biệt cục hạn có góc vuông thuộc mưu sinh mà chưa là nhân sinh lý tưởng. Cho được là nhân sinh phải thêm cái vòng tròn tinh thần. Muốn thêm cái vòng tròn thì phải học thêm, học mãi, không học làm sao biết được đạo làm người. Để làm một cơ khí, kiến trúc một cái nhà hay biết những món chuyên khoa hướng đến cuộc sống thông thường còn phải chuyên chú cả đời. Huống chi cái lý uyên nguyên của cuộc sống nhân sinh toàn diện luôn luôn biến diễn trên con đường mỗi ngày mỗi mở vào sâu thẳm thì không học làm sao mà biết. Đã không biết thì đời sống trở thành phi lý và triết học chỉ còn có một việc khẩn thiết là vấn đề nên tự tử hay không? Sao lại đặt vấn đề thế: lẽ ra phải hỏi tôi có đáng sống chăng vì nếu sống thừa thãi (de trop) trong cái vô tri nhầy nhụa thì chết là phải rồi cần chi phải đặt vấn đề nữa? Rõ thua cả thế nhân họ không đặt vấn đề mà chỉ có việc tự vẫn và sát nhân. Tỉ số sát nhân, tự vẫn và loạn óc gia tăng theo hàm số tiến bộ của mực sống và tiện nghi, như những nước có mức sống cao nhất (Mỹ, Thuỵ Điển…) chứng tỏ điều đó trước sự kinh hoàng của các nhà xã hội học. “Seulement voilà ces hommes suédois ne sont pas heureux. Champions du confort et de la productivité, ils sont aussi champions du suicide et du divorce, de l’aliénation mentale, de l’alcoolisme et de la délinquence juvénile… Le Suédois ont découvert une nouvelle misère impossible à guérir par les moyens mêmes qui l’ont engendrées. On ne peut pas fonder une civilisation par la méconnaissance de la réalité humaine (Introd. Sc.h.p.473). Trạng huống bi khổ gây nên do nghèo nàn có thể chữa bằng nâng cao mức sống, nhưng khi nỗi bi khổ lại thoát thai từ mức sống cao thì không thể chữa bằng nâng cao mức sống. Vì có trường hợp những nhà cự phú không tìm ra lẽ sống lên máy bay tự lái đâm vào núi để chấm hết một sự sâu xé trong tâm hồn. Không thể xây đắp một nền văn minh chân thật trên sự thiếu hiểu biết về con người. Do đó muốn tiến bộ trung thực phải biết đạo người.
Đành rằng không phải cứ học đạo là mọi người trở nên tốt. Nhưng không lẽ vì thế mà Đại học buông xuôi trách nhiệm dạy đạo làm người. Đành rằng hiện thời trong các Đại học không phải không có dạy đạo đó nhưng rất thiếu sót và tản mát, nên tuy trong số những nhà trí thức xuất thân trong những Đại học hiện đại vẫn có những tâm hồn cao thượng của con người chân nhân, bất kỳ ở đâu và bao giờ cũng có những con người như thế, nhưng họ phải tự lực học thêm quá nhiều. Họ là những bản lãnh cao cường đủ sức chống lại các ảnh hưởng ly tán của trường ốc, nên khi tốt nghiệp học cũng còn giữ được khả năng tốt người, nghĩa là còn bảo toàn được ít nhiều đức tính làm người để rồi tự tài bồi vun tưới cho đến độ làm người toàn diện chân thực. Tuy nhiên số đó hiếm hoi. Nay nếu nhà trường đi theo lối thống nhất “hợp ngoại nội chi đạo” thì số đó sẽ gia tăng có thể lên tới năm sáu mươi phần trăm. Nhưng dù gia tăng bằng nào đi nữa (cái đó còn tuy nhiều hoàn cảnh) Đại học cũng đã chu toàn sứ mệnh cao cả của mình, đó mới là điểm quan trọng.
Trở lên là sự phác họa sơ sài ít nét một giải pháp hợp tinh thần dân tộc, nó khác với những giải pháp hiện hành. Những giải pháp này khi thì mẹ Vuông con Tròn; có khi mẹ đã vuông lại còn đánh trụt thai nên đứa con tròn chỉ còn là bèo bọ của hạ tầng cơ sở… Tất cả đó là tinh thần ngoại lai đang tàn phá chút di sản nhân bản tâm linh của dân tộc còn sót lại. Đừng ai tưởng rằng tinh thần đó hủ bại, mà ngược lại nó đang được các nhà trí thức thượng đẳng cổ võ và hiện nay đã có những ánh vừng đông huy hoàng ở hai khoa vi thể và thâm-tâm-y (psychosomatique) là hai khoa dẫn đầu trong việc tiến vào sâu thẳm và cũng là hai khoa giàu chất tổng hợp Đông Tây, Đạo đức và Khoa học. Hơn thế nữa đã có những mẫu người tổng hợp đó. Họ là một Jung, một Einstein, một Oppeinheimer. Tôi chỉ trưng lời một người trong họ tức nhà toán học trứ danh Schrodinger, đại để ông viết: càng ngày chúng ta càng nhận thức rằng chuyên môn không phải là một đức tính mà chỉ là một sự khốn khổ không thể tránh được, và một sự nghiên cứu chuyên biệt chỉ có giá trị của nó khi đã được hòa hợp vào cái biết toàn thể. Ông có trưng một bài “Những Đại học của Đức quốc”, năm 1957 với một đề nghị cải tiến như sau: “Tout professeur d’université devrait se montrer capable de voir des limites de sa matière… qu’au delà de ces limites interviennent des forces qui ne sont plus entièrement rationnelles, mais jaillissent de la vie et de la société humaine elle-même, de montrer à propos de chaque sujet qui conduit au delà de ses propres limites étroites vers le chemin les horizons plus larges auxquelles il appartiennent… (Science et humanisme p.19-20). “Lẽ ra mọi giáo sư Đại học đều phải nhìn thấy giới hạn của khoa mình dạy để nhìn ra được những sức mạnh ngoại lý đang tràn lên tự đời sống, từ xã hội, để từ những giới mốc của khoa mình có thể chỉ trỏ cho sinh viên hướng đến những chân trời rộng lớn hơn. Tác giả thêm: “Gardez le contact avec la vie, non pas tant avec la vie pratique qu’avec la fond idéal de la vie qui est toujours plus important” “Cần phải tiếp cận với đời sống, không phải đời sống ăn làm nhưng là với cái nền tảng lý tưởng của dòng sống sinh linh là cái bao giờ cũng tối quan trọng”. Cái ông gọi là “căn cơ lý tuởng của đời sống” thì chúng ta gọi là tâm linh hoặc đạo làm người, là cái vòng tròn nhân ái khoan dung bao phủ lấy các tài năng kỹ thuật tột bực. Những người đó Jung, Einstein xứng đáng làm thầy chúng ta vì nơi họ tài ba kỹ thuật Tây Phương được lồng vào tâm hồn kẻ sĩ Đông phương: nhân hậu, bao dung, quảng đại. Hiện nay ảnh hưởng họ đang lan tỏa và đã gây tiếng vang nơi cơ quan “Văn hóa Liên Hiệp Quốc” (xem Education et humanisme. UNESCO 1951). Trong một phiên họp của cơ quan này có lời khuyến cáo nồng nhiệt nên cho sinh viên các khoa khác nhất là khoa học nghe thêm ít giờ triết lý. Đó là dấu hiệu báo trước lối thoát kiểu mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên đó mới là lời khuyên. Vì một số điều kiện chưa hội đủ nên chưa mấy được thực thi. Do đó hiện tại bầu khí cơ trị vẫn tiếp tục bao trùm con người. Triết lý vẫn bị khinh khi là “kính nhi viễn chi”. Tại sao? Đó là điều chúng ta cần bàn tới. 
4.      Triết lý với Đại học
Chúng ta nghĩ gì về chuyện triết học bị khinh? Thưa đấy là một thảm trạng. Thảm trạng vì triết học bị khinh thì ít, nhưng trầm trọng hơn là chính triết học cũng có chỗ đáng khinh. Lý do là vì triết học đã không chu toàn nổi sứ mệnh cao cả của mình tức cũng là sứ mệnh của Đại học, nghĩa là tìm ra và phát triển cái đại học, tức cũng là đạo học hay là triết lý nhân sinh. Đàng này triết học đã hầu hết trở thành một tiểu tri kiểu chuyên khoa, nghĩa là cũng khép mình vào những phương thức của khoa học: từ địa vị bà Chúa trụt xuống làm tiểu tri làm con sen cho khoa học và xin khoa học ban cho một phép lành, một cái gật ưng chuẩn. Triết học sa đọa từ đấy và hầu hết triết học gia chỉ còn là những nhà bác học và biến triết học thành những khoa chuyên môn với đặc tính của chuyên biệt tức là tự ly khai với các khoa học khác, hay nếu có đề cập đến thì lại đứng trên cùng bình diện hiện tượng như các khoa thì từ lúc ấy đã trở thành vô tích sự, chẳng hạn khi triết muốn đề cập khoa học kiểu khoa học thì sẽ biến triết thành bản tổng kết các thứ khoa học. Kết quả là khoa học không ra khoa học, triết học chẳng ra triết học và từ đó ly dị với đời sống tâm linh, đi bàn những vấn đề xuất thế gian bằng những danh từ kỳ dị chẳng mấy ai hiểu được. Còn những vấn đề đang làm bù đầu óc loài người thì lại chẳng nhận được tia sáng nào từ triết học cả. Đó là lý do khiến người đời coi thường triết học, kể như một đồ xa xỉ thừa thãi. Đấy là một trong những lý do khiến cơ giới cứ phải tạm giữ tay lái con thuyền đời sống mặc dầu không thấy phương hướng đâu cả, vì khoa học có phải thiết lập ra để theo đuổi chuyện đó đâu? Nó thuộc về tổng hợp còn khoa học thuộc về phân tích kia mà. Ngày nay các bậc trí thức chân chính nhất trong nhân loại đều tin rằng: cái thiếu cho con người hiện đại không còn phải là khoa học nữa nhưng là một triết lý nhân sinh, một đạo làm người. Lối thoát cho nhân loại phải tìm về phía này. Vậy điều quan trọng cần thiết hiện nay là làm thế nào cho triết lý trở thành đạo làm người. Điều đó chưa có, nên ở trên tôi chỉ nói đạo làm người mà không nói tới triết. Vì triết có hai loại, một thuộc hàn lâm trường ốc thì có đã từ lâu rồi; còn triết lý nhân sinh thuộc loại hai thì mới khởi lên từ Schopenhauer và Nietzche, truyền qua Jaspers và Heidegger… nhưng đó mới là những cố gắng rời rạc còn lẫn nhiều yếu tố hàn lâm, chưa đủ trở thành một nền triết lý nhân sinh có đầy đủ uy tín. Cũng vì thế mà các điều bàn luận trên đây chỉ là tìm hướng cho công việc nghiên cứu của chúng ta chứ chưa dám coi là một đề nghị với quốc dân hay chính quyền chi cả. Trước khi nghĩ đến chuyện đó chúng ta còn phải gắng sức làm việc nhiều lắm, cố làm sao cho triết học chu toàn được sứ mệnh của mình là tìm ra cái mối quán thông, tìm ra cái bổn cái đại, tìm ra cái toàn diện, cái bao dung thể. Vì khi tìm ra được nó sẽ trở nên bà chúa đôn đốc các khoa học khác. Nếu sánh nền đại học của  một nước nhu thái dương hệ mà mỗi hành tinh là  một phân khoa hướng dẫn cho một ngành hoạt động thì triết lý phải là định tinh ở trung tâm: nó phải nóng hơn, sáng hơn để tung toé ra chung quanh nguồn ghị lực để nuôi dưỡng và sưởi ấm tất cả mọi hành tinh, ràng buộc trong hệ thống để thái dương hệ khỏi tan loãng trong Thiên Cầu vô tận.
Để kết luận chúng ta có thể nói như sau. Theo tinh thần cố hữu của dân tộc Việt Nam thì sự vật bé hơn con người. Con người tiểu ngã nhỏ hơn con người đại ngã tâm linh. Vậy nếu sứ mệnh đại học là đi tìm một trung điểm làm mối hội thông bao quát được mọi khoa để điều lý và linh động hóa tất cả thì cần lấy nhân bản tâm linh làm căn bản cho mọi ngành tri thức. Ngành nào không quy chiếu vào con người không thể gọi là Đại học tự thân, người nào không sống đạo làm người không phải là đại nhân, dẫu là một thiên tài đi nữa, nhưng họ chỉ là một chuyên viên với một mớ tri thức về sự vật. Biết vật bé hơn biết người. Đại học chính tông phải lấy tri nhơn làm hướng học tập, lấy nhơn trị làm phương châm tác hành. Cần đào luyện sao cho chuyên viên vẫn còn là người, không để cho nhân cách của chuyên viên bị trầm diệt dưới những đống tri thức cứng lạnh để cho “sự méo mó nghề nghiệp” rút hẹp nhãn giới lại quá đáng đến nỗi lấy tiểu làm đại. Sứ mệnh Đại học Việt Nam mai ngày là phải làm thế nào để vận mạng quốc gia không bị đặt vào tay những kỹ sư, bác sĩ, luật sư, công chức, giáo chức v.v… vì đó là những thứ mắt đã trở thành cận thị và lòng đã se cứng trước tình nhân loại chỉ còn biết thâu quén cho đầy túi tham, đào sâu thêm mãi cái hố phân ly đang há hốc miệng giữa bình dân và trí thức, giữa bần cùng và giài sang, tức là con đường hữu hiệu nhất để dẫn quê nước tới hố bại vong. Vì đó Đại học phải làm thế nào để vận nước được trao vào tay những Người-kỹ-sư, Người-luật-sư, Người-công-chức, Người-giáo-chức… Nghĩa là những người có lòng nhân hậu có tình người bao trùm lấy những tri thức chuyên môn. Tuy là bác học gia, khoa học gia mà lòng vẫn còn biết rung cảm trước những đau khổ của tha nhân, chí vẫn biết thành khẩn lo lắng cho tiền đồ quê xứ và trong đáy lòng vẫn âm vang tiếng vọng siêu linh. Nếu muốn như thế thì cái đại sẽ không còn phải là tu văn, tu lý, tu cơ hay tu bất cứ cái chi chi khác nhưng là tu thân. Đừng hiểu tu thân theo nghĩa nhăn nhó co ro của những thứ kiểm tục hương nguyện nhưng phải hiểu theo nghĩa uyên nguyên cao cả của nó thì tu thân chính là dùng văn hóa chân thực làm cho phát triển đến cùng cực tất cả mọi cơ năng thuộc thân cũng như tâm. Nói khác tu thân là con đường hữu hiệu nhất để đưa đến thiên địa chi tâm, chính là nền tri thức quán thông thiên địa của những chơn nhơn, tức là cái biết cao sâu nhất, vĩ đại nhất: là Đại học trên các Đại học. Nếu hiểu tu thân theo nghĩa trung thực đó thì chúng ta dám mượn nguyên lý của sách Đại học để chấm hết rằng: “tự các thứ công tử dễ kiếm tiền: y khoa, dược khoa, cơ khí, điện năng… dĩ chí ư các thứ kiếm khó hơn một chút như luật khoa, hành chánh, quân sự, thương mại, báo chí huống chi là văn khoa… nhất thị giải dĩ tu thân vi bổn (2). “Kỳ bổn loạn nhi mạt trị giả phủ hỹ. Kỳ sở hậu giả bạc, nhi kỳ sở bạc giả hậu, vị chi hữu dã”, gốc loạn mà ngọn trị không thể có. Cái đáng phải thâm hậu lại phớt nhẹ, để nhấn mạnh trên cái chỉ cần lướt nhẹ, làm như thế mà mong được việc thì chưa hề có bao giờ vậy.”
CHƯƠNG II: KHỦNG HOẢNG TINH THẦN
1.      Những chứng nhân
Đầu thế kỷ 20 Âu Châu tràn ngập một niềm hy vọng đặt vào tương lai. Tuy lúc đó có một số khó khăn thuộc chính trị, kinh tế…
nhưng ai cũng tin rằng rồi khoa học sẽ lần lượt giải quyết hết và đem đến cho nhân loại một đời sống tự do.
Người đầu năm 1901 thay vì chúc nhau một năm tốt thì họ chúc nhau một thế kỷ tốt. Siegfried khi ghi lại câu đó có nhấn mạnh không phải là câu sáo ngữ mà là niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi. Nhưng đối với giới đại trí thức đã có người nhận thấy mầm khủng hoảng như Valéry, Nietzsche, Kierkegaard v.v… Những mầm mống đó được phân tách khá sâu sắc trong quyển Déclin de l’Occident của ông Oswald Spengler. Sách tuy xuất bản sau đại chiến thứ nhất nhưng đã được khởi thảo lâu trước. Ngày nay đọc ông ta khó cảm thấy cái nhìn mới mẻ và sắc bén của tác giả; nhưng khi mới xuất bản, dân Âu Châu còn đang khói ngụt lửa chiến tranh, cũng không mấy ai tin là tác giả nói thật. Có từng trăm bức thư của các nhà thông thái chỉ trích kịch liệt cho là ông bi quan, phê bình khoa học quá khắt khe. Nhiều người cho là ông ngu ngốc vô thần (một lối chụp mũ hồi đó). Nhưng sau đại chiến thứ hai tất cả các điều tác giả tiên đoán đã là những câu cửa miệng và trở thành đề tài cho văn chương: chẳng hạn “thế giới rạn vỡ”, “con người âu lo hoảng hốt” bị đầy đọa. Thế kỷ trước cái gì cũng rõ ràng đơn giản. Ngày nay cái gì cũng rối bòng bong và mịt mù.
Tuy nhiên, đó là nhận thức trong giới tư tưởng, ngoại giả người ta chỉ cảm thấy lờ mờ, không có một sự ý thức tương xứng với hiện tượng. Lý do là tại ít khi người ta chịu lưu tâm đến những lý luận có tính cách lên án mình. Đàng khác nhịp sống chạy mau mỗi người phải lo sống. Vả đời sống không thiếu những cái đáng hứng khởi. Cơ khí không tiếp tục tiến bộ sao? Ông Lippman ghi chú: trong 50 năm mức sống gia tăng bằng muôn thế kỷ từ Adong cho đến Newton. Chính sự thịnh vượng bành trướng mạnh đó che khuất sự thiếu sót về đạo lý. (Crépuscule des démocraties tr.19)
Đời sống mỗi ngày mỗi thêm tiện nghi, các quốc gia mỗi ngày mỗi thêm hùng cường. Việc chi phải lo lắng hão huyền. Đại chúng Âu Mỹ nghĩ như thế và họ có lý khi đứng nguyên ở phạm vi kỹ thuật mà trong thực tế đã mấy ai chịu nhìn xa hơn. Huống chi các dân tộc bị trị nào phải lo tranh thủ lại nền độc lập, nào sau đó phải dồn hết sinh lực vào việc đuổi kịp đà tiến của Tây Phương. Còn đâu thì giờ suy nghĩ đến việc khủng hoảng tinh thần. Đa số thanh niên còn đặt hết hy vọng vào khoa học, cho tới nay còn có người ra báo sách để tuyên dương lòng sùng thượng khoa học. Đang khi bên Tây Phương các chúa trùm của khoa học đã không ngần ngại tuyên bố một mình khoa học không đủ, cần phải có nhân bản mới giải quyết được những vấn đề về vận mạng con người.
Do đó ý thức khủng hoảng không thành hình bên các nước ngoài Âu Châu. Đôi khi cũng có người nói tới nhưng phần đông không chú ý, phương chi càng không nhận thức được tầm mức nguy kịch. Người đói khổ xem thấy những ai có xe hơi nhà lầu tưởng thế là sung sướng hoàn toàn, không còn khó khăn chi hết, làm gì họ có giờ thư thái để nhìn nhận ra những vấn đề vận mạng. Các nước kém mở mang nay cũng yên trí hễ tiến mạnh được như Âu Tây là hết mọi khó khăn, sự lo lắng quá khẩn thiết về kinh tế che mắt chúng ta không cho thấy những rạn vỡ tinh thần. Do đó việc tân thời hóa xứ sở đã trở nên Âu Châu hóa, nghĩa là nhập cảng hết mọi yếu tố của Tây Phương, kể cả những yếu tố đã gây nên cuộc khủng hoảng. Đứng trên quan điểm triết mà đưa cái nhìn sâu xa bao quát thì sẽ thấy lối đi đó thực ra là giảm tốc lực đà tiến của dân tộc. Nếu tránh được những yếu tố gây khủng hoảng thì bước tiến sẽ mau hơn nhiều. Bởi vậy vấn đề cân được lưu ý. Ở đây chúng ta sẽ học về:
Một số chứng nhân để gây ý thức, rồi II. bắt mạch sự khủng hoảng chung và III riêng trong triết học của Tây, IV triết đông. V sau đó đề nghị một phương thuốc sơ bộ. Và trước hết đây la một số chứng nhân:
Jaspers: nhà triết gia quen thuộc bên Đức trong quyển Sens et l’origine de l’histoire (290) có viết: mỗi thời có một ý thức lịch sử. Thời trước với họ là khám phá địa cầu, ngày nay là ý thức khủng hoảng.
Toynbee: nhà sử gia hữu danh này đặt vấn đề như sau: sự mở mang bờ cõi và kỹ nghệ phát triển cực rộng đã phải là dấu hiệu chứng tỏ văn minh Âu Châu đang độ cường tráng khoẻ mạnh chăng? Và liệu nó có vượt qua được sự thách đố chăng (challenge)? Nếu trước đại chiến thì ông còn phân vân giữa lời đáp có và không. Còn sau đại chiến thì ông không dám nó trắng ra là không. Chỉ ghi nhận một sự trống rỗng tinh thần bên Âu Châu và ông nhắc lại lúc trước cũng vì sự trống rỗng đó mà La Mã đã thắng các dân Cận Đông để rồi bị chinh phục bởi các tôn giáo bên đó. Nay Âu Châu sắp bị như thế chăng? Ông không thưa có, chỉ ghi chú tình trạng rất giống nhau (Le monde et l’Occident tr.184).
Berdiaeff: nhà triết gia có tiếng của Nga nói: “Notre époque c’est l’entrée dans la nuit”, thời đại chúng ta là thời đại bước vào đêm tối (94). Âu Châu đang thối nát, những người ý thức đang lo âu đến mức độ hấp hối “l’Occident est en train de mourrir, les meilleurs hommes éprouvent une angoisse mortelle” (Sens et Histoire p.189).
Max Scheler: cho là thời đại đang đi đến sẽ dã man khốc liệt hơn xưa (180). Một thời đại đau đớn: một sự lo âu sợ hãi có thiệt vì sự nô lệ và thờ ơ mỗi ngày mỗi lớn thêm đang nuốt thế giới văn minh (Homme et son histoire p.88).
Nietzsche là một người cảm thức sâu xa hơn ai hết sự khủng hoảng, cho rằng nhân loại đang rảo bước chạy đến bờ vực thẳm (se hâte vers le précipice) vì mọi giá trị cũ đang sụp đổ. Âu Châu đứng trước một sự trống rỗng (Nihilisme occidental) nghĩa là mọi giá trị cao đều đang sụt giá: không có lời đáp cho những vấn đề như “để làm chi”; “có cùng đích nào chăng?” (V.P. 43). “Trong thâm tâm sẽ không biết ra sao, chỉ còn mở mắt đón nhận những cái vui nho nhỏ thí dụ về tri thức, nghệ thuật vì nghệ thuật” (V.P. 50). Chúng ta sắp mất trọng tâm của mọi hoạt động, không biết bám víu vào đâu. Khắp nơi chỉ là những mầm mống của tan rã (pricipes de désorganisation)…
Paul Scortesco: một thi sĩ người Ý thiên về triết có viết quyển Gog et Magog đã một thời nổi tiếng nói như sau: “lò nướng bánh mì tinh thần thế giới” (nói về Âu Châu và nhất là Pháp) đã nguội rồi chăng? Thế nào mà một xứ truyền bá đạo lại biến ra một xứ sản xuất thuốc độc? Bởi chính nó đã đào luyện ra hay đúng hơn đã làm hư người đời mới” tr.14 (former ou plustôt déformer) ba loại thuốc độc của Âu Châu được truyền bá ra thế giới là: óc kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản (Racisme, Colonialisme, Communisme…)
 
2.      Bấm mạch chung
“Tôn giáo là nền móng lớn nhất nay bị khủng hoảng đầu tiên. Người ta nhận ra đạo không biến cải được Âu Châu mà trái lại người Âu Châu đã biến cải đạo” (Déclin de l’Occident p.329). Đàng khác họ cho rằng đạo quá thiên về hình thức không đủ thổi lên một luồng sinh khí mãnh liệt, những người trí thức muốn cứu vãn thì lại vướng bước trong suy tư, thành ra họ gọi việc theo đạo là sự trầm mình của lý trí (Camus, Nietzsche etc, Parodi, enquête d’une Philosophie p.26).
Trong chính trị thì trước hết là vấn đề chính thuyết. Thế kỷ trước ai cũng cho dân chủ là thần dược nay thì trí thức quá rõ bản chất của nó và có rất nhiều loại dân chủ trong đó có những hình thức còn tệ hơn quân chủ… (xem Crépuscule des démocraties de Walter Lippman hoặc le drame de la Démocratie de Suzanne Labin v.v…) Về chính khách lại bày ra cái cảnh đáng nản hơn: số ứng cử thì đông ngập chợ, nhưng người có tư cách thì thật là thiểu não. Đã hết người chí sĩ (homme d’état) mà chỉ còn những hạng chính khách đầu cơ… (Situation Spirituelle K.Jaspers p.127).
Đâu đâu cũng kêu là thiếu thủ lĩnh. Bên Pháp bao lần hội thảo về sự suy sụp của quyền bính vì thiếu người xứng đáng làm thủ lĩnh. Cả một lâu đài mênh mông sụp đổ. Ông Parodi viết “tự lối ba chục năm nay xem ra sự tán loạn tinh thần cũng như trong luân lý lan tràn khắp nơi và đại chiến nếu nó là dịp cho các quốc gia đoàn kết để hoạt động, bao lâu hoạt động còn kéo dài thì sau đó nó để lại một sự lộn xộn trong tư tưởng và trong cảm tình cũng to bằng trong phạm vi sự việc. Ngày nay hơn bao giờ hết bên Âu Châu và khắp trong thế giới người ta có thể lặp lại lời thi sĩ nhưng với một ý thâm thiết và sâu xa hơn biết bao rằng: “Nói gì, nghĩ gì đây? Từ chối, nghi nan hay tin tưởng? Que dit et que penser? Nier, douter ou croire?”
Trong một trật sự do dự lớn lao đến nỗi người ta không thể nhận thức và muốn thoát khỏi cảnh huống. Nhưng trong phạm vi tư tưởng thuần tuý cũng như trong phạm vi chính trị, xã hội càng ngày càng thấy thế? Nó tự cắn nuốt mình như con thú catoblépas (thứ vật đần độn, cắn chân tay nó mà không hay biết).
Ngõ bí trong sự đi tìm văn hóa: đối với hầu hết con nhà trưởng giả họ đi tìm văn hóa không vì trong đó còn có cái chi đáng ao ước, nhưng chỉ vì thế tục lợi lộc bên ngoài do nó đưa lại. Như thế là không sao tránh khỏi việc thay văn hóa bằng kiến thức, bằng những môn chuyên nghiệp. Người trưởng giả chỉ còn là người có kiến thức như dân quen nói một cách vừa kính nể vừa ghen bì vừa chễ giễu. Họa hiếm mới còn một người có văn hóa ăn vào đời sống bản thân, có một lối sống được xếp đặt theo một sự hiểu biết. Ngõ bí trong sự cảm thông của loài người với nhau, mà một nền văn hóa chính thống phải tạo ra, trái lại cái xác văn hóa hiện đại chỉ tổ gây thêm chia rẽ hơn là thống nhất. Người văn hóa bị tách rời khỏi đại chúng bằng một vực thẳm sâu rộng đến nỗi bờ bên này hết hiểu bờ bên kia” (Avènement de Prométhée p.159).
Như thế là bệnh khủng hoảng lan tràn vào khắp mọi ngành: tôn giáo, triết lý, luân lý, chính trị, xã hội, gia đình. Lúc trước người ta còn đặt hy vọng vào khoa học, tưởng khoa học sẽ giải quyết hết cho, nay thì mối hy vọng đó chỉ còn sót lại nơi những khoa học gia hạng nhì trở xuống, chứ vào những tay anh chị đều chân nhận lời của Husserl: các khoa học hiện đại đang trải qua một cơn khủng hoảng đến tận nền móng (les sciences actuelles traversaient une vaste crise de fondements).
Khoa học đã trải qua thời niên thiếu coi trời bằng vung, các chúa trùm khoa học đã chấp nhận giới hạn của nó. Einstein nhấn mạnh sự cần thiết phải có giáo dục và văn hóa (xem Comment je vois le monde). Môn đệ ông là những nhà khoa học trứ danh như: Jeans Eddington, Planck đã đến gõ cửa triết học. Những ông trùm khoa học muốn nhân bản hóa khoa học, khác hẳn với tinh thần Descartes muốn toán lý hóa nhân văn. Thế là bao hy vọng đem khoa học thay chân tôn giáo và triết học trong việc chỉ huy thế giới đều bay hết.
Thật là bây giờ không biết phải chạy đến cửa nào để hỏi đường. Và vì thế số sách báo nói về khủng hoảng có rất nhiều. Ở đây chúng ta bàn qua về triết học.
 
3.      Chẩn mạch triết lý.
Ở các phạm vi khác còn có thể nghi ngờ đó chỉ là chứng sốt rét vỡ da của nhân loại, nhưng về triết học thì hình như đây là chứng bệnh kinh niên, người ta đồng thanh trách triết học là một cái học bàn giấy, một thứ triết lý hàn lâm, không có lấy được một cái nhìn lên thời cuộc, lên đời sống, lẩn lút trước cuộc đời thực tại, khiến cho thường nhân khi hoạt động việc đời gặp ngã bí, muốn ghé hỏi triết học thì thấy toàn nói những truyện đâu đâu.
Nói theo Nietzsche triết học là một xâu những hệ thống bị bác bỏ, mà cái xa xỉ phẩm đó không giúp ích gì cho ai cả. Nó chỉ là những thứ tinh tế trường ốc (subtilités d’école). Ra khỏi trường là không còn biết múa máy ra sao nữa (Gusdorf, Méta p.20). Điều đó dễ hiểu khi ta liếc nhìn nội dung của triết học.
a)        Luận lý cổ điển Nietzsche phê cho là một danh lý ngu nhất và kỳ cục (une des logiques la plus bête et singulière. Volonté de Puissance II, 206)
b)        Tâm lý đã đốc ra một thứ sinh lý chồng chất bao la sự kiện mảnh vụn, chỉ là những đống sự kiện thường nghiệm. Spengler nói: “tất cả các tâm lý đều dựa trên một sự tin có một linh hồn. Linh hồn là như cái cục gì mà cơ cấu nó khoa học lý trí có thể đo lường phân tách mổ xẻ. Vì thế tâm lý là một khoa học để biết con người, một sự thực nghiệm đời sống; nó đã trở thành một khoa học và trong triết học nó là bộ môn vô bổ nhất, rỗng tuếch nhất và là món chuyên môn độc quyền của những nhà thông thái nửa vời cũng như của những kẻ thích xây hệ thống son đẹt: chú ý, liên tưởng, thâu nhận, trí nhớ, cảm giác… tất cả những cái đó là một chuỗi các thứ bộ phận chết. Người ta muốn đến đó tìm sự sống thì gặp ngay những đồ trang trí bằng ý niệm” (Déclin 285). Đây chỉ là sự nhận xét ở đầu thế kỷ. Tới nay đã thêm được một số đóng góp quan trọng: những nhận xét tế nhị ở một số ngành, một số thực hiện như trắc nghiệm hay tâm lý trẻ con, phân tâm… Tuy nhiên đó hoàn toàn thuộc chuyên môn, thường nghiệm, còn đại cuộc vẫn thiếu cái quán thông với toàn thể, thiếu cái siêu hình của nó. Điều đó ở đợt văn nghệ không quan trọng lắm nhưng trong phạm vi triết lý thì tức là thiếu xương sống thiếu cái cùng lý, nên chưa có nhất quán, chưa đáng gọi là triết lý.
c)         Đạo đức đốc ra một thứ lịch sử về trăm ngàn triết thuyết. Riêng một nước Hy Lạp có tới 288 thứ luân lý. Cho nên khoa đạo đức trở thành lịch sử các ý kiến, không có một chủ lực, thiếu nhất quán. Vấn đề then chốt là tiêu chuẩn chưa được giải quyết xong. Vì thế thiếu hẳn năng lực bồi dưỡng lý tưởng đi lên tinh thần.
d)        Siêu hình là nền móng lại càng lúng túng nữa. Nói đến đối tượng cũng chưa đồng ý: triết cổ điển lấy sự hữu thể chung của vạn vật làm đối tượng. Nhưng cứu xét thấu đáo thấy không đem lại ơn ích nào quan hệ đến đời sống nên sang thời mới Descartes, Kant đã chôn đi. Tưởng yên ắng, ai dè mấy triết học gia đàn em một Lavelle, một Sartre lại moi móc lên, lấy cớ là siêu hình đang phục hưng. Nhưng sự hữu có phải là siêu hình chăng? Phần lớn triết gia ngày nay thưa không. Xem hai quyển Traité de la métaphysique của hai giáo sư danh tiếng nhất bên Pháp hiện nay đủ rõ. J.Wahl thì phi bác hết các ý niệm của siêu hình cũ tự bản thể trở đi v.v… Gusdorf còn đi xa hơn nữa, trong Traité ông không nói tới Ontologie (tuy ông còn dùng danh từ để chỉ con người, Thiên Chúa, linh hồn).
Vì thế từ Descartes không có “siêu hình”, Kant đã đưa vấn đề tri thức thay thế vào, mục đích là để phê phán chính giá trị của tri thức, tuy công lao của nó đáng kể ở chỗ cho ta thấy biên giới của lý trí, nhưng phần xây đắp không đạt đích, nó chỉ đẩy óc phê bình đến mức độ cùng tột mà không đưa lại điều mong muốn là siêu hình đích thực.
Ông Durant có lý mà cho vấn đề tri thức là tai hại nhất cho triết học, làm lụn bại triết lý mới. Lẽ ra phải đem vấn đề tri thức đặt vào khoa tâm lý thì hơn (Vie et doctrine des philosophes ở đầu). Spengler cho rằng nếu những người hoc triết không cảm thấy đủ năng khiếu thì thà quay ra làm trồng tỉa, hay kỹ sư hoặc học cái gì thiết thực thay vì nhai lại những luận đề cũ rích lấy cớ triết học mới hồi phục. Thà đi xây một cái cầu, chế ra một động cơ, một máy bay còn hơn là xếp đặt lại một lần nữa hơi khác đi ít chút với trăm lần trước, những ý niệm về ý chí hay về sự đối đáp (paaléllisme) trong tâm lý… Công việc đó chỉ có thể làm hứng khởi những người hạng ba nó không hợp thị hiếu của thời đại nữa p.55-56 Déclin de l’Occident.
Đấy là khoa nền móng, cho tới nay chưa biết đối tượng là gì, nên số kiếp triết học toàn bộ cũng thế, các triết học gia chưa thỏa thuận đặt đối tượng xong! Nội dung của triết học nhà trường đại để như thế. Nietzsche cho rằng “nó là một hệ thống đồ sộ, có đủ mọi dáng dấp của minh triết, trừ lương tri”, vì thế nó không có chủ lực, thiếu hồn sống, và càng ngày càng đốc ra lịch sử những ý kiến, và phương pháp luận. Kết quả là chính những người tin vào triết cũng không còn tin tưởng vào triết nữa. Ngay đến việc truyền bá ra qua cổng nhà trường còn chưa làm xong, thì mong gì chỉ huy đời sống. Thành thử bị uy tín mênh mông của khoa học cơ khí lấn át và đồng thời che đậy được sự thất bại nặng nề đó. Thế là chính triết học gia không còn tin tưởng vào triết học nên buông xuôi cái sứ mệnh cao quý nhất, cần thiết nhất cho nhân loại tức là hướng dẫn đời sống vận mạng con người. Nhân đấy xảy ra chuyện bi hài kịch, mà báo Eùtudes có nhắc đến như sau: “các nhà thông thái, nhất là trong khoa vi thể khi đi tới cùng cực, đã nhìn nhận ra giới hạn của bộ môn họ, họ cần phải có cái gì bên ngoài trách nhiệm của họ. Các nhà lãnh trách nhiệm lớn trong kinh tế trong chính trị cũng thế, họ đến gõ cửa triết gia, vì họ đụng chạm tới thực tế, họ bắt đầu coi là quan trọng sự đóng góp của triệt học. Nhưng khi tới triết học họ chỉ gặp nơi đây những sử gia có tài dẫn họ đi viếng những cái lạ trong tư tưởng nhân loại, như những con bướm phơi khô được lồng kính, là những người tài phanh phui những thiên kiến trưởng giả, có tài dạy cách đặt lại vấn đề mà cuối cùng chỉ còn để lại những trò chơi khéo về biện chứng pháp của họ… nghĩa là triết học gia hết tin vào triết nữa. Toàn dân cử họ ra lãnh trách nhiệm cao quý là đại diện cho chân lý, cho những giá trị hằng cửu. Dân bắt đầu cho đó là thiên sứ lớn lao thì chính các đại diện lại tỏ ra lơ mơ hờ hững.” Tác giả nhận xét thêm “thế là lúc này có sự ly dị một bên là trào lưu phục hưng của sự khát mong tìm chân lý nơi những người không phải là nhà trí thức, hay ít ra không phải là những nhà triết học, và bên kia là sự khủng hoảng kinh niên của những nhà trí thức và cách riêng của các nhà triết học. Sự ly dị này là một việc quan trọng, vì nếu không tìm thấy chân lý nơi những người có sứ mệnh phải đem lại cho họ, thì họ sẽ đến gõ cửa những thuyết độc đoán, đôi khi có tính cách khái lược và thường thường lẫn ý hệ với chân lý”.
“On trouve chez eux des historiens habiles à faire visister de musée des curiosités de la pensée humaine comme des papillons morts sous leurs verres. On en trouve qui sont habiles à déniaiser, disent-ils, les préjugés des jeunes bourgeois, à apprendre à tout remettre en question et finalement à ne laisser subsister que les jeux brillants de leur dialectique”… “Il y a donc en ce moment un divorce entre le renouveau du sens de la vérité chez les hommes qui ne sont pas des intellectuels ou tout au moins qui ne sont pas philosophes et une crise permanente du sens de la vérité chez nombre d’intellectuels et en particulier des philosophes. Or ce divorce est une chose grave. Car s’ils ne trouvent pas cette vérité qu’ils cherchent chez ceux qui ont mission de la leur donner, les hommes la demanderont à des dogmatismes parfois sommaires et qui confondent souvent vérité et idéologie” Études Janvier 1960, p.14-16.
Đó quả là một tình trạng bạc nhược phân hóa xuất hiện dưới những hình thức văn chương sao chép và bác học để thu quén về từng đống những ý niệm tản mát mà không có đủ can đảm để yêu thích một triết học nào cách sốt sắng. “Une littérature d’épigones et d’érudition qui amasse en foule les notions disparates sans avoir le courage d’une préférence active” (Nietzsche, Andler, t.III, p.222). Điều đó chứng tỏ triết học đã sa đọa quá lắm, “là một triết học suy nhược khi không hướng dẫn và đôn đốc cho đời sống “une philosophie est vraie ou fausse suivant qu’elle est exaltation du progrès ou de la décadence de la vie” (Nietzsche, Durant 458). Trạng huống đó các nhà triết học có nhận thức được chăng? Hay chỉ có những nhà tư tưởng lớn? Kể ra thì có lắm và sự nhận thức ngày càng lan rộng, cứ xem các cuộc hội nghị về triết thì đủ biết. Thường hội nào cũng dành ra một quyển sách cho vấn đề khủng hoảng thuộc môn mình, như hội nghị quốc tế họp ở Bỉ năm 1953, đã dành quyển đầu cho vấn đề. Hội nghị thứ 16 bên Ý 1955 dành tất cả cho vấn đề khủng hoảng siêu hình.
Xem thế đủ biết rất nhiều người đã nhận thức, và cũng đã làm hết sức để thoát khỏi trạng huống bi đát. Nhưng tình trạng triết cổ điển gặp hai nỗi khó khăn này: một là sự ngự trị của triết học duy niệm đã quá lâu đời, nên nó đã trở thành một cái mà giáo sư Gusdorf gọi là “Lễ nghi trung cổ” phải theo, đi trật ra thì bị truất chức nghiệp (traité de métap, p.21) cho nên dẫu biết nhiều khi “triết học chỉ là một cái trò chơi của lý trí đặt bên ngoài cuộc sống cụ thể”, mà vẫn bó buộc phải theo. Những người dám ra khỏi khuôn khổ, lăn vào đời sống như một Kierkegaard hay Nietzsche, Schopenhauer thường bị nghi ngờ. Tình trạng ngày nay rất lạ đời, một triết gia muốn làm ích cho đời thì cần phải khước từ triết học chính thức, càng thoát ly nhiều càng có thể trở nên ơn ích hơn, vì sự thoát ly đòi phải ý thức được thực tế.
Nhưng thoát được là chuyện khó. Trên kia tôi nhắc đến “lễ phép trung cổ” nhưng tại sao lại cần giữ như thế và đây là lẽ chính: chỉ vì chưa tìm ra được lối thoát, chưa ai đề ra một nền triết như mọi người đang khát mong trông chờ một triết lý không những có suy tư mà còn cảm nghĩ và sống được.
Bởi không tìm ra lối thoát, không kiến tạo nổi một nền triết lý đủ uy tín khả dĩ thay được cho các hệ thống trước, nên “lễ nhạc trung cổ” trở nên cần, và như vậy tất nhiên dẫn đến chỗ triết học thành triết sử, nghĩa là không có môn luyện triết lý, mà chỉ dạy cho biết ý kiến các triết học gia (information et pas de formation hl.doxographie cinématographique như lời Heidegger).
Đó là trạng huống của triết học hiện đang được dạy trong các trường Âu Mỹ và cùng với chương trình giáo dục của họ đang tràn sang các lục địa, và chiếm một địa vị lớn nhỏ tuỳ xứ đó đã là thuộc địa lâu mau. Và nhân đó cuộc khủng hoảng tinh thần ở Âu Châu lan tỏa trên khắp hoàn cầu. Tuy nhiên các cựu thuộc địa chưa ý thức nổi, vì khủng hoảng xảy ra ở đợt thượng tầng triết lý; mà các nơi đó trèo ngay đợt trung tầng khoa học, chính trị văn nghệ đã xong đâu mà cảm thấy được khủng hoảng đợt trên. Vì thế mầm mống khủng hoảng cứ được gieo rắc một cách sốt sắng và trịnh trọng.
Lúc trước nhờ có tôn giáo lãnh đạo tinh thần, không mấy ai cảm thấy khiếm khuyết đó, nhưng từ ngày tôn giáo bị ruồng bỏ thì xã hoọ«I mất kim chỉ nam, các thất bại triết học mới xuất hiện chán chường.
 
4.      Đi tìm thuốc cứu
Làm thế nào bây giờ? Trả lại cho tôn giáo quyền chỉ huy xưa? Nhưng vấn đề rất tế nhị vì nay thế giới đã mở rộng, có tới hơn mười tôn giáo lớn khác nhau, cho nên một là nếu lòng tin càng đủ mạnh thì sự chia rẽ càng căng thẳng, còn nếu lòng tin nguội rồi thì mệnh lệnh tôn giáo sẽ vô hiệu trước sự lãnh đạm của đại chúng. Vì thế các nhà tư tưởng chỉ còn có một đường là phải tìm ngay trong triết học. Nhưng triết học cổ điển trước đã đặt bên ngoài đời sống, nên nay phải làm lại tự nền móng, đó là những việc đang phôi thai với những người như Schopenhauer, Nietzsche, Jaspers, Heidegger. Triết lý Đông Phương liệu có thể giúp vào việc giải quyết đó như một số triết gia mong đợi chăng? (Schopenhauer, Jaspers, W.Durant, Heidegger, Aldous, Huxley). Đặt vấn đề như thế thật ra chưa được ổn, là vì triết lý nếu đã chu toàn nổi được sứ mệnh thì nó không còn quê hương, không thể nói là Đông, Tây, Nam, Bắc nữa và nó chỉ còn là triết lý suông, một triết lý vĩnh viễn của con người muôn thưở. Tuy nhiên câu nói có một phần sự thật ở chỗ triết lý đã có lúc chu toàn sứ mệnh của mình bên Đông Phương, nơi quê hương của “tam giáo đồng nguyên”. Vậy hỏi ngày nay nó có còn chu toàn được sứ mệnh đó để giúp cho triết lý vĩnh viễn lấy lại uy tín nữa chăng?

Tôi thiết nghĩ triết lý mới sẽ không còn là Đông hay Tây mà là tổng hợp với tính chất liên lục địa, ứng hợp tỉ xích của thời đại phi hành không gian. Vì thế việc của triết gia Đông Phương là phải tạo dựng sự hiện diện của triết Đông trong việc đóng góp này. Điều đó chúng ta nên lưu tâm từ nay.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn ghi chú một điểm: triết Đông hiện cũng bị khủng hoảng như triết Tây, và cũng đang đi tìm một hình thức mới, và hầu hết các triết lý bên Đông Phương đang lưu ý nhiều đến triết học Tây Phương, rồi một là cóp nhặt theo phạm trù triết Tây hay là trở về chú sớ kinh điển hay là làm sử văn học rồi gọi đại là triết học. Vì thế không nhận ra một sự khác biệt nền tảng như sau đó là sự khủng hoảng của triết Đông có tính cách ngoại khởi và thuộc tâm lý chứ không có tính cách nội khởi và siêu hình như triết Tây. Triết Tây đã được các triết học gia phân tích rành mạch có phương pháp, rồi họ thấy nó không làm tròn sứ mệnh và thấy không thể hy vọng gì nơi phương pháp cũ nữa; trái lại còn đi hại là khác nên những người thức giả mới buộc lòng phải thải bỏ như một cái gì đã lỗi thời và đặt ra một triết lý mới, triết lý của Hiện sinh của Hiện thể. Triết cổ điển có còn được giữ lại chẳng qua là trong phạm vi lịch sử hàn lâm, thế thôi. Còn bên triết Đông cơn khủng hoảng xuất phát từ sự thất trận  của các nước Viễn Đông rồi tiếp đến sự sụp đổ của thể chế và khung cảnh cũ, nhân đó thanh niên đâm ra hoảng hốt mất tự tin, từ bỏ hết tất cả di sản tinh thần mà triết lý là phần quan trọng nhất; họ không còn đủ bình tĩnh để phân biệt văn hóa, tinh thần với văn minh cơ khí và những biến thể nhất thời.
Nói khác, khủng hoảng của triết Đông phát xuất do vận số hơn là do bản chất như trong triết Tây. Triết Tây khủng hoảng từ trong bản chất, còn triết Đông khủng hoảng theo nhịp độ dự trù: một lên một xuống, chứ không vì thiếu đạo lý (crise rythmique et non de l’absence).
 
5.      Phương thuốc cấp thời
Thiết nghĩ nên khởi ngay từ chỗ phải khởi đầu: xem những nơi nào bị khủng hoảng hơn để tránh đi hay ít lai vãng tới. Hiện nay ta đang vướng mắc quá nhiều với văn hóa Pháp, cả trong chương trình giáo dục cũng như trong địa hạt văn nghệ. Đó là chuyện thường tình sau 80 năm người Pháp cai trị ở đây. Huống hồ văn hóa Pháp có nhiều cái hay cái đẹp và đã một thời đứng vào hàng đầu văn hóa Âu Châu, cũng như hiện nay vẫn còn giữ được nhiều yếu tố đáng học.
Nhưng ta có nên khuôn mình mãi trong văn hóa Pháp chăng? Và văn hóa Pháp ngày nay có còn là văn hóa Pháp thế kỷ 17 nữa chăng? Nietzsche cũng đã nặng lòng yêu văn hóa Pháp của thế kỷ 17, của một La Rochefoucauld, một Voltaire, một Montaigne, một Fontenelle, còn hiện nay ông nói nước Pháp đã trở nên trường huấn luyện và là nơi trưng bày thường trực các thứ bùa ngải của hoài nghi thuyết” La France est devenus aujourd’hui l’école et l’exposition permanente de tous les sortilèges du scepticisme. Vol. Puissance t.II p.61, “mà hồ nghi tức là hậu quả của sa đọa” id. 33.
Triết gia Mỹ Whitehead trong bài diễn văn quan trọng đọc tại Đại học Harward đã hô hào sinh viên muốn cho nước tiến bộ phải biết phân tích nguyên lý trường tồn ra khỏi những yếu tố lỗi thời để canh tân đời sống. Ông nói: mọi nơi bên Âu Châu đều đang có cuộc trùng tu vì người ta cảm thấy một cái gì đã tận cùng rồi, trừ có nước Pháp. Nơi đây tương đối chưa có sự cảm thấy và vẫn còn tái bản những lề lối xưa của Richelieu, Turgot, mãi từ đời cách mạng, từ đời tiểu công nghệ. The comparative absence of any feeling of the end of ways of precedures explains a certain inability to penetrate instinctively into the spings of action of her neighbouring nations. For the rest of Europe, something has come to an end while France is prepared to resume pratice of traditions derived from Richelieu, from Turgot, from the French Revolution, and the above and from her incomparable craftsmen. (Science and Philosophy tr.160). Vấn đề đặt ra cho Harward ngày nay là do sự phải chấm dứt một thời đại văn hóa Âu Châu. The problem before Harwaed is set by the termination of an epoch in European culture. For three centuries European learning has employed itself in a limited definited task. Id.p.225. Thiết tưởng lời ấy cũng phải trở nên vấn đề tối khẩn cấp cho nền giáo dục và văn hóa nước nhà.
Thời đại này không còn là thời đại duy Âu Châu được nữa. Cho nên giả sử có khiêng được Sorbonne cả chương trình lẫn giáo sư sang Sài Gòn cũng chỉ thêm được một đống kiến thức vất ngổn ngang ra đó mà sinh viên ta vẫn ngơ ngác thiếu hướng đi, thiếu ý thức, thiếu hồn sống như thường. Vì giả thiết là họ có hướng sống đi nữa điều đó không chước chuẩn chúng ta phải tự suy tư tìm kiếm. Thành công có thể mượn ở ngoại bang được, chứ thành nhân phải trông cậy trước nhất vào mình. (1)
(1)      Bài này viết vào năm 1960 nên nay có ít điểm đã vượt qua thí dụ dự tính mời thêm giáo sư triết Tây. Tuy nhiên tưởng cũng nên để y nguyên hầu ghi lại một tâm trạng lạ lùng của thời mới thoát vòng nô lệ, để cho con cháu sau này có thể đo lường phần nào những khó khăn trên đường tranh thủ độc lập văn hóa. Trong bài nói “rút bớt văn hóa Pháp” thì không có ý chủ trương tẩy chay hay đoạn tuyệt mà chỉ có ý nhấn mạnh tính cách liên châu (intercontinental) của giai đoạn mới mà thôi.
 
Xưa nay chưa thấy ai cho được người khác cái mình không có. Nếu nước Pháp cũng như cả Tây Âu có một nền đạo sống làm người thì trong 80 năm họ đã đủ thì giờ ban cho ta rồi, họ quá đủ quảng đại để cho ta vì nếu họ truyền lại được một đạo sống, có lẽ họ còn ở lại được với ta, uy tín văn minh của họ được dân ta kính phục, đem vào làm “mười điều tâm niệm” rồi kia mà. Giáo sư Duffil đại học Sài Gòn viết “cái lầm nền tảng trong công cuộc thuộc địa, và là cái làm cho hai nước Pháp Anh khi đi khỏi thuộc địa không để lại được gì, đó là sự vắng mặt của một đạo lý.”
“Việc cuốn gói ra đi của người thực dân gây ra do một cơn khủng hoảng sâu xa ngấm ngầm trong xã hội, nó xuất hiện như một sự tống ra ngoài một vật xa lạ không tiêu đi được” La fondamentale erreur de cette colonisation et qui fait que l’Angleterre et la France ne laissent presque rien à leur départ c’est l’absence de doctrine… Le départ du colonisateur vient d’une crise profonde latente dans la sociéte, c’est le rejet d’un corps étranger non digérable… (Vitalité actuelle des religions non chrétiennes. Cerf 1957 p.191-192).
Chúng ta nên rút bớt ảnh hưởng Pháp lại, vì về đàng triết học quá duy trí ít đưa đến thực hiện; còn về mặt luân thường thì quá cá nhân, phóng túng, dật lạc. Cả hai điểm đều không có lợi cho nước nhà đang sửa soạn vào giai đoạn kiến thiết. Cần một triết lý thiết thực, yêu đời dấn thân thực sự vào đời sống với đầy hứng khởi. Và một thứ văn chương hăng say hùng tráng.
Hãy cố đón nhận nhiều hơn do những nền văn hóa có tính cách lạc quan, nhân sinh, vươn tới và tràn sức sống. Đây mới là phương dược sơ bộ. Phương dược căn cơ sẽ được trình bày trong bài Truyền Thống.
 
CHƯƠNG III: TRUYỀN THỐNG
1. Truyền thống và những truyền thống
Trước đà gia tốc tiến bộ của thế giới hiện nay mà đi nói chuyện về truyền thống có tránh khỏi tiếng cổ hủ chăng? Husserl bảo: “La tradition est l’oubli des origines” == truyền thống là quên nguồn gốc.
Nói thế cũng như nói rằng truyền thống là vong bản. Thì ra vong bản lại gây ra do những người chủ trương truyền thống? Truyền thống có phải là nơi ương tính ỷ lại, là chỗ nhìn vũ trụ dưới khía cạnh tĩnh như bọn nho gia tưởng vũ trụ bao giờ cũng có thế: cổ nhân thấy vậy chúng ta cũng phải thấy vậy? Hỏi rằng cơ cấu xã hội tức môi trường sinh hoạt xã hội thời nay có giống cơ cấu xã hội thời thánh hiền không?… Ý thức con người thời nay về nhân vị mình có giống với ý thức con người bộ lạc xưa chăng? Sao không coi thánh hiền cũng là người sống trong không thời gian cũng mang nặng ấn tích của thời đại các ngài, lại mất giờ tưởng nhớ tới thời hoàng kim xưa cũ? Thiếu lý trí suy tư hay sao lại cứ ý lại vào tiền nhân coi các ngài như ý nghĩ, nói thay cho mình?…
Đấy là đại khái những lời tố cáo nhóm Truyền Thống. Nhóm này đã xuất hiện từ mấy chục năm nay ngay bên Âu Châu nó phát nguyên từ tình trạng khủng hoảng tinh thần. Trong những người ưu thời mẫn thế lo tìm thuốc cho con bệnh thì nhóm truyền thống là một. Thật ra đó là vấn đề cố hữu trong nhân loại Đông cũng như Tây. Pháp gia tố cáo Nho gia là cổ hủ cũng như vấn đề cũ mới ở bên trời Âu hồi Phục Hưng.
Theo chỗ chúng tôi nhận xét thì hai bên phải cả và trái cả. Là vì vấn đề khác phức tạp mà rất ít người phanh phui ra manh mối. Do đó cần phải đưa lên bàn mổ xẻ, nhất là về phía triết lý Đông Phương từng bị đả kích là nệ cổ mà chưa có lần nào bày tỏ quan điểm của mình cách hệ thống mạch lạc. Đó là điều chúng tôi khởi công góp phần ở đây. Điều cần nhận xét trước hết là sự sai biệt về nội dung mà người ta thường hiểu về hai chữ Truyền Thống. Thường thì  người ta hiểu Truyền Thống là tập tục, là những cái gì lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có thứ truyền thống quân đội, truyền thống gia tộc, truyền thống hương thôn, truyền thống tôn giáo v.v… sự thực ra đó chỉ là những tập tục lưu truyền, những thể chế cũ kỹ, và đó là những bia rất đích đáng cho những lời công kích trưng lại trên kia.
Lại còn có những lối học từ chương nhai lại chữ nghĩa bề bộn kềnh cơi, để cho văn tự cướp mất tinh thần mà cũng gọi là Truyền Thống. Sự thực đó chỉ là truyền chữ, truyền nghĩa, truyền sách, truyền vở chứ đâu có đáng gọi là Truyền Thống. Vì Thống là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, nó liên tục và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói, bề ngoài coi như rời rạc nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu. Chỉ đáng gọi là hiểu được một hiền triết là khi nào đã có thể tham dự vào được cái quá trình sinh động của làn sống tâm linh ngầm chảy đó, nó luôn luôn sống và đủ khả năng để tỏa thêm những tia sáng mới có sức soi rọi và gợi dậy biết bao tiềm lực đang nằm chết giấc trong cái xó tối do chữ nghĩa gây nên, và phát động một lối suy tư mới, cảm nghĩ khác trước cho hợp với những hoàn cảnh mới xuất hiện. Muốn được như thế thì không phải nhai sách vở cũ mà được, chữ nghĩa hay tới đâu cũng là đồ chết và chỉ có người sống mới làm cho chúng sống. Khổng viết: “Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí đã”. Cái đạo mới nghe qua tai ở đầu đường này vội đem ra thuyết với giảng ở đầu kia, chưa kịp suy tư un đúc lại, thì đấy là làm việc của người gánh rông đường (colportage) xê dịch sách vở có chút hồn sống nào đánh rơi đi hết. Như vậy có đạo có đức cũng chẳng bằng không có còn hơn. “Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu yên năng vi vô, chữ hán” (L.N. XIX. 2). Giữ đức mà không hoằng đại ra. Tín đạo mà không đốc thật chân thành, thì dẫu có đọc trơn thập tam kinh đi nữa phải kể là có Truyền Thống hay là không có Truyền Thống?
Vậy thì Truyền Thống chúng ta bàn ở đây là có ý nó đến mối Quán Thông Thiên Địa, nó là linh hồn của cái học Truyền Thống cũng gọi là Nhân Bản Tâm Linh. Bao lâu chưa đặt lạ được nền Nhân Bản và bao lâu chưa khơi được suối mạch tâm linh thì bấy lâu chưa có Truyền Thống, mà chỉ có lưu truyền, truyền tụng chi đó là những cái chỉ cần đọc đi cho biết, chứ không đòi đọc lại, nghĩa là từ những điều tiền nhân truyền lại không chịu tìm hiểu đến chỗ tinh vi để có thể nhập thần, để mà hoằng hóa thích nghi không những cho hợp với thời đại mà còn hướng dẫn đến những chân trời mỗi lúc mỗi mới mẻ mỗi bao la. Đấy mới là Thống. Thống không là ngồi mà ôm mà ủ, nhưng là đi lên mãi trên con đường đạo tiến xoáy ốc vào Vô biên. Như vậy là một con đường đầy hứng khởi.
Vậy để cho sự tiến hành được chu đáo, chúng ta sẽ bàn qua về những người đã xướng lên con đường Truyền Thống bên Tây Phương. Sau đó sẽ nói đến đường lối cụ thể hợp cho Đông Phương hơn để đi vào hiện thực. Trước hết là ba người xướng khởi về phía Tây Âu là Nietzsche, Jaspers, Heidegger.
 
2.      Nietzsche: người nhận ra chỗ đứt dây Truyền Thống.
Nietzsche là người đầu tiên đã đề nghị Truyền Thống như phương dược chữa đời, vì ông cho rằng sở dĩ triết học cổ điển thất bại thì truy căn ra, chính là tại những ông tổ triết học đó làm đứt dòng Truyền Thống. Nietzsche tung ra những lời kinh khủng như: “Socrate le premier décadent et Platon est antiantique”. Socrate là người đầu tiên đã sa đọa và Platon là người chống lại người xưa (tức chống Truyền Thống). Phải hiểu được dòng truyền thống triết học cổ điển nơi Socrate là sáng lập, Platon là triết gia ưu tú (philosophie par excellence) mới hiểu được tính chất đảo lộn của câu nói trên. Những ý tưởng đó Nietzsche đã quảng diễn qua các tác phẩm của ông, nhưng nó đã nổ lên như tiếng sét trong cuốn đầu tay nha đề là La Naissance de la tragédie. Ở đây tôi sẽ tóm lược mấy trang chính (từ trang 67-76). Tuy có vẻ mạnh mẽ xúc động nhưng nếu không biết thì khó lòng nắm được then chốt con đường triết học hiện đại.
Nietzsche cho rằng hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bì nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm tượng trưng bằng thần Dionysos quan thầy của sự sinh, sự tử và phục sinh, của sự say mê và tiềm lực. Còn thần Apollon có tên là sáng láng, thần của yến hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt. Hai thần đó luôn luôn giằng co cấu kết lấy nhau tương tự như kiểu âm dương tương thôi của Kinh Dịch. Sự phối hiệp đó được tượng trưng bằng Bi kịch (tragédie) diễn tả những sức sống vươn lên trên đường chinh phục bất chấp đau khổ. Promethée ăn cắp lửa trời bị trói ngửa trên đỉnh núi Caucase cho kền kền đến moi gan là tiêu biểu Dionysos, một thần bị đau thương bị tùng xẻo, nhưng nhờ có Nhạc cứu thoát và trả lại sự sống cho Promethée. Đó là hồn Truyền Thống của Hy Lạp.
Cái hồn ấy đã bị một tân quỷ tên là Socrate bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng, do đó cũng xua đuổi luôn cả bi kịch tức cả thơ cả nhạc, và toàn bộ nghệ thuật. Thời đó giới trí thức Hy Lạp coi Socrate như một người phản dân tộc, phản Truyền Thống. Ý kiến đó đã kết tinh lại trong vở kịch “Dans les Nuées” của Aristophane. Strepsiade sai con là Phidéppide đến học phương pháp biện luận với Socrate để về cãi kiện cho khỏi trả nợ. Phidéppide đến học với Socrate và đã trở nên biện sĩ tài danh, không những đuổi được chủ nợ, mà tống cổ luôn được cả ông bố ra khỏi nhà nữa. Bấy giờ Strepsiade mới mở mắt ra tìm đến đốt nhà Socrate… Trong vở tuồng đó Aristophane giới thiệu Socrate như một biện sĩ tiên phong, một biện sĩ đầu sỏ bao gồm mọi khuynh hướng nguỵ thuyết về sau, cố ý chống đối Truyền Thống để đi nhận những thần tượng bấp bênh (biểu hiện bằng phù vân nuées) và xúi thanh niên đi vào con đường cá nhân buông thả.
Socrate không viết gì, và ông nói rõ ông không biết gì. Đang khi nơi các người sáng tác khác thì bản năng là một tiềm lực kiến thiết có tính chất tích cực, còn ý thức là một sự phê bình tiêu cực, trái lại nơi Socrate bản năng được trao cho có việc phê phán còn ý thức mới giữ vai trò xây dựng. Có lẽ vì đặt ngược lại như thế nên Socrate chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm, bởi năng khiếu biện lý đã được vun tưới đến mức phát phì nên ông đã cắt đứt với dòng Truyền Thống. Hình như ông cảm thấy đó là một tội ác nên ông đã đón nhận lấy cái chết mà lẽ ra ông có thể tránh được dễ dàng. Socrate chết đi đã để lại cho thanh niên Hy Lạp một lý tưởng mới mà trước kia chưa hề có. Platon đã hy hiến trọn vẹn thiên tài ông cho lý tưởng mới này. Ông đã đem các tập thơ ông sáng tác đốt đi hết để được trở nên môn đệ Socrate và tài thi sĩ của ông đã bị dồn ép và lẩn vào suy tư để đẩy nó đến những miền xa lạ cho tới lúc đó chưa ai thám hiểm tới. Nietzsche ví các sách đối thoại của Platon như những chiếc thuyền của người di cư từ thế giới cũ đi sang tân đảo, trong đó thi ca bị đắm tàu may mắn đã được vớt lên và cho ngồi cú rũ một góc nhỏ xíu và phải đau đáu phục tùng hoa tiêu Socrate (tức lý trí). Platon đã để lại cho hậu thế một mẫu tuyệt hảo của nghệ thuật mới đó, một thứ tiểu thuyết mà người ta có thể định nghĩa như ngụ ngôn của Esopho được phóng đại. Trong đó thi ca bị chết ngạt, còn lại có tri thức tinh ròng mà Socrate cho đấy mới chính là nhân đức (la vertu est le savoir). Đôi khi âm thần giục ông học nhạc “Socrate! Étudie la musique” nhưng nấn ná chần chờ ông lại cho triết học là cao hơn cả đến độ độc hữu, còn nhạc vẫn bị ông coi là cái gì tầm thường của lê dân. Ông chỉ còn tin có lý trí mà ông cho là được hướng dẫn với nguyên lý căn nguyên (causalité) mà ông nghĩ nó đủ khả năng thấu đến những đợt cuối cùng của Tính Thể (Sein): suy tư không những biết được Tính Thể mà còn sửa chữa lại được những gì lầm đường. Ông đã gán cho tri thức một giá trị tuyệt đối, nên không còn nghĩ tới các tiềm lực khác nhất là “lực hành”. Tri thức đã là nhân đức rồi, hầu như việc làm không còn quan trọng chi nữa.
Thế là cái não tuỷ Dionysos tiêu tan dần, còn lại có cái vỏ đồ sộ Socrate (113). Nói theo tiếng Kinh Dịch cái âm tàng đã mất còn lại có cái biết dương hiển hiện ở ngoài vỏ. Truyền Thống bị gián đoạn từ đấy. Sự gián đoạn này càng ngày càng trở nên sâu xa nhất là từ khi có những người như Descartes, Kant, Hegel đẩy lý trí suy luận đến cùng cực, dốc bầu văn hóa cho hết mọi sinh lực, còn lại có cái vỏ kềnh cơi.
Phân tích như trên là Nietzsche đã đặt ngón tay trên chính căn bệnh của thời đại. Bây giờ chỉ còn việc bốc thuốc và đó sẽ là làm thế nào nối lại được dòng Truyền Thống đã bị cắt đứt trên kia. Đó là một sứ mạng tối quan trọng liên hệ với vận mạng nhân loại mà Nietzsche cầu ước cho nước Đức hiện thực được. Muốn thế cần phải đi sâu vào tinh thần của Hy Lạp cổ đại. Đồng thời phải đả phá dĩ vãng kể từ Socrate đến nay, bởi vì dĩ vãng này đã đi ngược lại với Truyền Thống.
Chủ trương Nietzsche ở đây là cả một chìa khóa giải được mối mâu thuẫn rất lớn người ta thường gặp khi đọc ông. Tại sao có lúc ông đả phá dĩ vãng, có lúc ông lại tuyên dương dĩ vãng? Thì ra dĩ vãng ông tuyên dương đó chính là Truyền Thống tiền Socrate, còn dĩ vãng ông đả phá là dĩ vãng hậu Socrate mà chúng tôi dịch là tập truyền (Ecce. 97). Việc công phá này ông đã khởi đầu với những cái nhìn thật sâu sắc và tế nhị, nó dành cho ông công đầu trong việc nhận thức và tìm lại nguồn Truyền Thống. Nhưng còn việc xây đắp để nối lại Truyền Thống thì ông mới thành công có ít. Bởi vì một mặt sách vở tiên hiền Hy Lạp lưu lại đến đời nay chỉ còn được ít câu tản mát (fragments). Mặt khác vì ông chưa đi sâu đủ vào Hy Lạp cổ truyền mà còn dừng lại nhiều ở đảo Crète, đảo Sparte là những nơi thờ sức mạnh, và là xã hội có bầu khí nặng về giai cấp. Thành ra con người lý tưởng ông đề ra nghiêng về ý chí mù quáng của sức mạnh (volonté de puissance) và những phương pháp có tính cách sinh lý dễ hiểu trật ra bạo lực hơn là tinh thần tâm linh. Vì thế tuy ông giúp chúng ta hiểu rất nhiều về Âu Châu từ Socrate, nhưng còn tìm về nguồn Truyền Thống để bắt con gà triết lý gáy lên một tiếng mới như ông mong ước (d’arracher à la philosophie un nouveau chant du coq) thì chưa hoàn thành. Chuồng gà bị ông lay đã sụp đổ vùi luôn cả ông như đền thần Moloch vùi tướng Samson vậy. Tuy thế công việc của ông sẽ có âm vang rất lớn, gây nên nhiều nhóm “Truyền Thống”. Ở đây chỉ nhắc tới Jaspers và Heidegger.
 
3.      Karl Jaspers người quy định thời kỳ truyền thống
Việc nối lại Truyền Thống được Jaspers nhấn mạnh trong quyển “La foi philosophiques” và nhất là quyển “Le sens et l’Origine de l’histoire”.  Quyển sau này tương đối dễ đọc nhất của tác giả mà cũng là sâu sắc vào bậc nhất của ông. Trong quyển đó phần độc đáo hơn cả là những trang ông bàn về thời Trục (période axiale) tức là quãng từ năm 800 đến 200 năm trước kỷ nguyên, thời mà ông gọi là giai đoạn bẻ gãy gông cùm thần thoại, để đi vào thời lý trí và ý thức; một thời mà K.Jaspers cho rằng có nhiều nét giống với thời đại chúng ta. Chúng ta cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần mà căn nguyên gần là do khoa học cơ khí gây nên và hiện thời chúng ta chưa tìm được hướng đi cho đời sống; cũng như quãng 800 đến 200 trước kỷ nguyên lý trí loài người thức tỉnh vì sự đi xa thấy nhiều (có lẽ do sự bắt đầu cưỡi ngựa nên đi xa được). Nhưng lại có một điều khác biệt, ấy là Thời Trục là một thời giàu về tinh thần đến tột bực, còn thời ta “tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt tinh thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca (Sens Histoire, 173). Ông nhấn mạnh đến cái mà Nietzsche gọi là “sự trống rỗng của Âu Châu” “Nihilisme occidental” nghĩa là Âu Châu không còn tin tưởng vào giá trị tinh thần nữa; ông hô hào phải trở lại những giá trị thời Trục (reprendre les valeurs de l’axe, 335 id) là thời đã đặt nổi giá trị Truyền Thống mà ông cho là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ nhân loại. “Không ai có thể đặt một nền tảng nào khác với nền tảng đã có từ nguyên sơ” (La foi philosophie 153). Không những không sợ Truyền Thống cản bước tiến, ông còn quả quyết: “lớn lên trong Truyền Thống là một điều kiện cần thiết cho mọi nền tư tưởng được súc tích, miễn sao đừng tán ra những câu nói đại khái trừu tượng dễ hiểu cho lý trí hay khích lệ cho mối tình bâng quơ nhưng không thiết thực vào đời sống”.
Vậy phải dùng lịch sử mà tránh mối nguy cơ đó bằng cách khởi sự từ một dòng Truyền Thống rất gần như gia tộc, rồi đến dân tộc, đâm rễ vào quá khứ bản thân… ngoài ra phải mở rộng nhãn giới để tới đến toàn thể nhân loại, để tìm ra trong thời kỳ từ năm 800 đến 200 trước kỷ nguyên một sự nhận thức quyết liệt của loài người, một sự thức tỉnh quy định cho mọi triển diễn xuyên qua các thời đại về sau. Được như thế Truyền Thống sẽ không còn là một hệ thống của ý tưởng băng giá, nhưng sẽ mặc tính chất cơ thể có miên tục, có những đỉnh cao chót vót, có những vĩ nhân, những bầu khí, những sách kinh điển và bao ngành nhỏ tỏa ra trong sự diễn tiến của lịch sử (Foi Philosophique p.156).
Chính vì muốn cho Truyền Thống trở nên nguồn sống quan thiết tới đời sống tư, nên ông có dự những phiên hội “bảo vệ Âu Châu” (défense de l’Occident” do Henri Massis tổ chức) nhưng đồng thời ông ý thức rõ rệt cần phải ngược dòng thời gian lên tới thời tiền Socrate, lên đến thời Trục mới tìm ra dòng Truyền Thống chính tông, nhờ đó mà cái nhìn của ông trở thành bao la rộng rãi, hơn hẳn những triết lý về lịch sử viết trước ông, vì tất cả vẫn còn đóng khung trong quan điểm cũ lấy Âu Châu làm trung tâm duy nhất. Đồng thời triết lý của ông là một bằng chứng cụ thể của sự trở lại Truyền Thống đã không ngăn trở mà còn giúp cho ông có những tư tưởng sâu sắc lai láng.
 
4.      Heidegger người vắt danh từ cho vọt ra tinh tuý Truyền Thống
Ông là người thứ ba tiếp tục đường Truyền Thống bằng một phương pháp đặc thù, đó là một thứ ngôn ngữ học do ông sáng chế lấy để tìm cho ra nghĩa uyên nguyên khi vừa mới xuất từ miệng các nhà Hiền triết Hy Lạp. Beaufret gọi triết lý của ông là triết học gia phả (philosophie généalogique) nghĩa là tìm theo ngọn về ngành qua cành xuống gốc, đến cội rồi căn để. Từ những câu những chữ bị hiểu trệch nghĩa đã từ hơn hai ngàn năm, Heidegger cố lần cho ra ý nghĩa uyên nguyên.
Và đây là then chốt triết lý của ông. Ông cho rằng nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ Tính Thể thấp hẳn xuống một độ tức là độ hiện tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì Être (Sein) hiểu là Tính Thể u linh, thì triết học cổ điển làm đốc ra nghĩa Hữu Thể một thứ vật thể. Être đốc ra étantité hay là ensemble des étants. Tính Thể trong cõi siêu hình đốc ra hữu thể trong cõi hiện thể hữu hình hay ít ra hữu giác: từ Thái Nhất đốc ra Đa tạp và khốn khổ hơn hết là tôn một Đa tạp nào đó lên làm Thái Nhất. Nói theo sách Luận Ngữ tôn “tiểu tri” lên làm “đại thụ” thì chỉ có được một thứ đại thụ huyền hoặc, thiếu chất bao dung của Thái Nhất và tất nhiên đâm ra độc hữu (exclusif) nhỏ nhen. Triết học cổ điển hỏng từ trong cơ cấu là tại đó và Heidegger quen gọi là triết học thiếu căn cơ, thiếu Grund (tiếng Đức là nền tảng) cho nên nghĩa vụ của triết gia hiện đại là phải phá huỷ toàn bộ triết học cổ điển (destruction complète) là phải nắm lấy tay triết học lôi cổ ra khỏi cái siêu hình sặc mùi vật thể đó. Thành ra quyển “đưa vào siêu hình” của ông lại trở thành “đưa ra khỏi siêu hình” như J.Wahl nhận xét rất đúng: introduction à la métaphysique trở thành extra-duction de la métaphysique. Vì nếu không làm được như thế thì mọi ý niệm đều hỏng từ nền. Con người thí dụ lẽ ra phải Tại thể (Dasein) phải là mục đồng coi giữ Tính Thể hay nói theo Đông Phương lẽ ra phải là “Con trời” hay là “Thiên dân” thì chỉ còn là dân mất thiên, chỉ là con nhưng không phải là của trời mà là thứ con lạc loài, không nơi cư trú, lang thang không chốn không nhà, không Tính thể chỉ có “da” hiện tượng mà không có “Sein” siêu linh thuộc Tính Thể. Người đốc ra một giống ngợm, đi cà nhắc từ trong căn cơ!
Đó là đại để triết học của Heidegger, nó khá gần với Đông Phương mà ông năng tỏ lòng hâm mộ, và năng nhắc rằng cần phải trở lại với Hy Lạp cổ xưa để sửa soạn cho một cuộc đối thoại trong tương lai với Đông Phương (có lần ông nói với Á Châu, có lần nói xác định hơn với Viễn Đông). Essai et conférence. Những người hâm mộ ông như Beaufret thì hỏi chúng ta sẽ nhờ được chi bởi cuộc đối thoại đó; nhưng những tay cự phách cỡ Heidegger không dám coi thường. Có điều cần nói ra ở đây là với tôi thì Heidegger đáng ghét nhất trong ba người. Đọc Nietzsche tôi nghe tâm hồn phừng phừng sôi nổi, đọc Jaspers như đứng trên đồi sứ mệnh để đặt những cái nhìn cai quát trên rừng nhân sự, đến khi đọc Heidegger tôi có cảm tưởng như đi vào bụi gai, chui rúc trong những hang hốc âm u. Riêng tôi giận tác giả ở hai điểm. Điểm nhất là cái lối tán tự của ông thật oái ăm khúc khỉu, nó càng hóc búa hơn nữa khi đi qua những ý niệm khúc mắc kênh kiệu, cho nên có lẽ không tác giả nào khó đọc hơn ông. Đừng nói những người đọc lối tài tử, ngay đến những dân chuyên môn, có bằng sắc kề kề mà nhiều người đọc vẫn không thủng. Đấy là điều tiêu biểu cho tính chất “trưởng giả” cao độ nhất, nên với tôi là đáng ghét nhất.
Đọc những triết gia có chất nhân sinh sống động ta thấy toàn lời nói giản dị thông thường. Có những người viết như nói chuyện kiểu Montaigne. Huống chi những bậc hướng dẫn nhân loại không hề lấy lời hại ý, nhưng luôn luôn qua sự “dị giản nhi đắc thiên lý” dễ dàng giản dị mà được thiên lý, mà sáng nóng tuôn trào: người nghe hay đọc khỏi vấp phải những lời kênh kiệu khúc mắc. Schopenhauer nói “la naiveté est la sublime simplicité qui est un trait essentiel du vrai génie”. Cái nét đơn sơ có lúc như ngây thơ, kỳ thực là siêu tuyệt. Đó mới là nét đặc trưng của thiên tài.
Điểm thứ hai là đối với những thần tượng cổ điển như Platon, Aristote, Kant… Nếu triết học cổ điển thiếu nền tảng thì tại họ chứ còn tại ai? Cả một lưu truyền hơn hai chục thế kỷ đều giải nghĩa một lối, Nietzsche với cặp mắt cú vọ cũng không hiểu khác và thẳng thắn hạ bệ một lượt. Vậy là dứt khoát. Đàng này Heidegger có vẻ ngập ngừng khi bước chân ra, cực trăm ngàn nỗi xoa ba bảy lần sau khi đã thụi vào lưng thần tượng những cú nên thân. Khiến cho người đọc hoang mang trước những mâu thuẫn đó, và cứ sự nó đã làm nảy ra khá nhiều cuộc tranh luận sôi nổi kể cả bên ta. Tuy vậy “mâu thuẫn” loại này chúng ta có thể nhắm mắt cho ông vì ít ra “phép xã giao” bắt phải như thế. Cũng như điểm trên tuy làm cho chúng ta bực dọc, nhưng đối với cơ cấu não trạng của người Âu có thể gây nhiều thế giá. Và vì thế tôi nói ghét mà không nói bỏ, bực mà không bội. Vì ông cũng giúp cho mình một lối xem đời kiểu kỳ lạ, nên tôi vẫn dành cho ông một ghế danh dự trong nhóm Truyền Thống.
 
5.      Truyền Thống bên Đông Phương
Và bây giờ chúng ta trở về với dòng Truyền Thống bên Đông Phương. Nơi đây chúng ta sẽ gặp những khó khăn khác hẳn chứ không phải do sự thiếu sách vở. Ngược lại là khác. Giáo sư Glasenapp đã tính ra bộ Tam tạng của Tiểu Thặng có đến 27 triệu chữ (quyển Bible của Kitô giáo 3 triệu chữ), Đại Thặng trong bản in bên Nhật 1927 có tới 40 triệu chữ làm thành 55 quyển lớn. Mật Tông bên Tây Tạng có tới 50 ngàn quyển và ông thêm “véritable océan inmensurable” Mystère Bouddhiques p.52. Ấy là chưa nói tới Ấn giáo, Lão giáo, Nho giáo. Tất cả làm nên cái rừng già mà nhiều học giả gọi là “Đông Phương sâu thẳm huyền bí” chứa chấp biết bao danh hoa dị thảo. Nhưng chính sự phong phú đó rất dễ làm lạc lõng các nhà nghiên cứu và hầu hết bị cái nạn để cây che mất rừng, để cái dị biệt tiểu tiết che mất chính sự.
Riêng về Nho giáo có một điều cần ghi chú tức thời ở đây, là Truyền Thống không nằm tản mát đó đây thiếu liên hệ, nhưng được kết vào thành một cơ cấu uyển chuyển được biểu lộ không những bằng lời nói (từ) nhưng bằng cả tượng, số, chế nữa (xem giải rộng ở quyển Chữ Thời). Do đấy một chân lý muốn được kể là của Truyền Thống phải đủ khả năng trải qua bốn chặng thử thách đó mà không sứt mẻ mới được công nhận. Như thế có thể nói nó còn minh xác gấp bốn lần hơn triết học cổ điển và bởi vậy rất khó mà cưỡng bức bắt bản văn phải nói theo ý mình, để gán cho người xưa những tư tưởng riêng tư rồi tuyên bố là Truyền Thống như nhiều người e ngại. Sau này độc giả sẽ nhận ra cơ cấu đó khi đọc quyển Chữ Thời. Tuy nhiên cơ cấu đó rất linh hoạt và ẩn sâu nên dễ khuất mắt. Nhưng chịu tìm tòi thì sẽ lần ra manh mối. Như thế nỗi khó khăn của chúng ta không ở chỗ thiếu sách vở lưu truyền hay ở chỗ giải nghĩa tán tự. Nếu có chẳng qua là đối với chúng ta không đủ trang bị để đọc mà thôi.
Tuy nhiên, điều đó không chước chuẩn chúng ta phải suy tư sáng tạo. Vì đấy mới chính là điều kiện tiên quyết của dòng Truyền Thống chính tông. Phải tổ thuật Nghiêu Thuấn chứ không được lặp lại y nguyên. Phải từ lời nói người xưa đã hiểu một cách trung thực, nói lên được những điều ẩn tàng bên trong, phát kiến ra những khả năng giàu chất sáng tạo, thế mới là tổ thuật, thế mới là Truyền Thống.
Cái khó của chúng ta nằm ở chỗ đọc đi như một triết gia chứ không ở chỗ đọc lại như một học giả, điểm này thì dễ vì sách vở chúng ta không bị thất lạc quá nhiều như đối với Văn hóa cổ Hy Lạp.
Tuy nhiên, không phải là chúng ta không có khó khăn trong việc gây lại Truyền Thống. Khó khăn lớn nhất nằm trong chỗ mất tin tưởng vào những giá trị của Truyền Thống. Vì từ lúc khoa học thực nghiệm tiến mạnh thì mọi giá trị Truyền Thống bị coi rẻ. Trào lưu đó phát xuất trước hết từ Âu Châu rồi lan tỏa ra các xứ thuộc địa. Tuy nay có khuynh hướng đi ngược lại nhưng nói chung ra, khuynh hướng này vẫn còn mới lạ nên ở những nước vừa thoát vòng nô lệ như nước ta, thì văn hóa vẫn còn bị nhiều ấn tích của thời lệ thuộc chính trị. Nên lúc đó nói đến Truyền Thống thì lại không đưa vào đó một tâm não thanh thản để tìm hiểu, mà luôn canh cánh bên lòng một mớ giá trị của Tây Phương với những phạm trù cá biệt của họ, là những cái dễ che khuất mắt không thấy được Truyền Thống chân thực. Thành ra bất cứ nói về cái chi chi, về biện chứng Kinh Dịch chẳng hạn, cũng phải cố gắng xem có hợp với của Hegel mới dám chắc bụng; về danh lý có hợp với Descartes, về biến dịch có hợp với Bergson mới dam cho là thật. Có ngờ đâu rằng nếu những thứ đó có giá trị chân thực thì theo tuột họ cho khoẻ, cần chi phải bận tâm tìm lại Truyền Thống cho thêm mệt. Vì thế khi tìm lại nguồn Truyền Thống phải cố gắng đem vào một tấm lòng thanh vắng không cần để ý đến Đông Tây, Nam Bắc chi cả, chỉ cốt làm sao nghe được cái Thiên lý từ tâm hồn của mình mà thôi… Nếu có cần một hai nguyên lý của người xưa để lại thì cũng phải xét trên tỷ xích nhân loại, như chúng ta sẽ bàn ở dưới về nội dung Truyền Thống.
Ở đây tưởng cần nhấn mạnh rằng Truyền Thống không phải là chuyện sĩ diện chi cả, không phải là chuyện khoe mẽ, nếu các ông có Descartes, Hegel, Bergson thì chúng tôi cũng có Khổng, có Mạnh, có Kinh Dịch kém chi. Hoàn toàn không phải như thế, nhưng là chuyện quan thiết đến vận mệnh của toàn thể nhân loại.
 
6.      Truyền Thống với sự tồn vong của nhân loại
Dòng Truyền Thống tâm linh là một điều thiết yếu cho sự tồn vong của nhân loại chứ không phải chuyện có thể coi thường.
Bao nhiêu luồng tư tưởng đã làm ơn ích cho đời là nhờ tiếp thông với nguồn suối đó. Ơn ích nhiều ít tuỳ mức độ tiếp thông nhiều ít. Càng nhiều càng ơn ích nhiều, càng ít ơn ích càng kém đi. Tôi không nói là mất hẳn, vì Truyền Thống không thể tiêu diệt, nếu không được vun tưới công khai nó cũng ngấm ngầm tác động qua lương tri và thói tục, qua tôn giáo… Những cái học bật rễ hẳn với Truyền Thống, tuy có làm rùm beng chứ không thể xây đắp cái gì bền bỉ, mặc dù thiện chí sáng tạo có thừa chẳng qua cũng đổi thay được ít nhiều ở danh từ, ở đợt văn nghệ là đợt thuộc dạng thức cần phải đổi mới luôn. Tuy thế hễ “rễ không sâu thì lá không xanh” bất kỳ ở đâu đều theo luật đó. Hãy lấy thí dụ triết lý mà nói thì kể từ thời Trục về sau chưa thấy có cái gì mới mẻ trái với Truyền Thống lại có thể gây nên một luồng gió mới thổi sức sống cho đa số của một nhóm người. Trái lại như Nietzsche nói “tất cả những tay đổi mới cự phách đều bệnh hoạn và loạn thần kinh không trừ một đứa nào”. “Les grands novateurs sont tous sans exception malidifs et épileptiques” (V.P.345). Khổng Tử viết: Tư nhi bất học tắc đãi, chữ hán. Suy tư mà không học với Truyền Thống cũng gọi là cái học thánh hiền thì là nguy cơ. Chúng ta không nên tin vào những bản tuyên ngôn long trọng với một thiện chí tinh dòng. Thiện chí tuy là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là bảo đảm sẽ đưa lại hạnh phúc, nên thiện chí mới là một phần, còn ba phần nữa là giải pháp và tư tưởng dẫn đạo với đường lối áp dụng. Cần phải xem những cái đó có hợp với yếu tố tâm linh hay chăng, mới là Truyền Thống.
Karl Marx cũng mang nặng một tình thương bao la với đám thợ thuyền Âu Châu thế kỷ 19 mà thánh Gandhi cho là chưa đâu loài người sống khốn khổ bằng. Ông muốn đưa lại cho họ giải phóng. Lòng thiện chí đó không ai chối cãi được, nhưng thuyết của ông vì chứa chất giết người, nên đã gây nhiều trại tập trung hơn hết các thuyết khác, ấy cũng vì thiếu chất tâm linh. Cho nên xem lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm nay chúng ta thấy loài người chưa thể lìa xa những giá trị Truyền Thống. Giáo sư Merleau Ponty viết một câu rất chí lý: “nhất là chúng ta không được bật rễ vì nếu phạm lỗi đó thì sự trống rỗng sẽ lôi cổ chúng ta trở lại sự thật chính tông bằng một tác động đau đớn”. Mais surtout nous ne devons pas nous déraciner, si nous commettons cette faute, c’est le nihilisme qui nous ramènera par une opération douloureuse à là vérité authentique” (Les Philosophes célèbres).
Kinh nghiệm lịch sử cổ kim đó giúp ta hiểu tại sao các bậc tiên hiền như “vạn thế sư biểu” hay là “đại bổn sự Phật” đáng được tiền nhân ta tặng cho những danh hiệu ấy là bởi vì các ngài đã trung thành với Truyền Thống. Khổng Tử với câu “tín nhi hiếu cổ, thuật nhi bất tác”. Lão với câu “chấp cổ chi đạo dĩ ngự kim chi hữu == cầm giữ đạo xưa để thống trị những cái hiện hữu ngày nay. Còn Phật Tổ cũng có tên là Như Lai: Tathagata. Ông Humphreys chú thích chữ đó do Tatha-agata: “đến như thế”, hay là Tatha- gata: “đi như thế”, nghĩa là một vị đã đến và đã đi khỏi như các Phất thủa trước, tức là cùng dạy một chân lý, một con đường để tới đích (AB Manual p.179). Học giả Coomaraswami chú thích: “giới răn thứ mười của Phật dạy lánh các sự tin rối như tin rằng Phật Tổ đã dạy một đạo lý mới” (Hindouisme et Boudhisme p.132). Platon: “những người xưa trổi vượt hơn ta, đời sống các ngài gần Chúa hơn, các ngài đã lưu truyền lại chân lý cho ta như một mặc khải (Philèbe 16). Xem như thế chúng ta có thể rút ra nguyên tắc sau đây: Truyền Thống là một kho tàng chứa đựng những chân lý thiết yếu cho sự sống còn và sự tiến triển của con người. Lìa xa nó con người thoái hóa và bị khủng hoảng; móc nối lại được với nó là đi vào đường dẫn đến nguồn sinh lực, dẫn tới suối tinh thần. Sứ mạng người trí thức ở mỗi thời đại là phải đem một trí tuệ thông minh vào sự học hỏi Truyền Thống để từ đó triển khai ra những khả năng phong phú và được thích nghi với thời đại của mình. Muốn hiện thực điều đó trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nội dung khái quát của Truyền Thống.
 
7.      Nội dung Truyền Thống
Để quy định phần nào nội dung Truyền Thống chúng ta sẽ đưa ra hai tác giả theo chiều hướng từ xa đi vào gần.
Trước hết là Toynbee đại diện cho cái nhìn bao trùm 27 nền văn minh mà loài người đã biết được trong đó có 5 còn tồn tại. Tất cả mọi tìm tòi nghiên cứu của ông kết tinh trong quyển “An Historian’s approache to Religion”. Ở trang 263, Toynbee có tóm những điều chung cho các tôn giáo trên hoàn cầu vào ba điểm của Truyền Thống như sau:
a)        Mọi tôn giáo đều nhận có một thực thể huyền bí cao hơn thế giới của các giác quan ta.
b)        Thực thể đó siêu vượt con người hiện tại, và người ta cần phải cảm thông với.
c)         Con người chỉ làm được chuyện đó khi trút bỏ được khuynh hướng tự nhiên cho mình là trung tâm (self-centreness native).
Người thứ hai là Aldous Huxley. Cái nhìn của ông có tính cách đúc kết hơn xét cả về không gian cũng như thời gian. Ông chú ý đến Đông Phương hơn. Do đó cái nhìn trở nên xác thiết hơn đối với chúng ta. Ông đưa ra 4 điểm sau để làm nền móng cho triết lý Truyền Thống.
a)        Thế giới hiện tượng của vật chất và ý thức cá nhân (tức là thế giới của sự vật, của loài người và cả thần tiên) là sự xuất lộ của một Bản Thể thần linh. Chính nhờ Thần linh đó mà muôn vật được hiện hữu thực sự, ngoại giả không vật nào có thể có sự hữu được.
b)        Con người không những có khả năng hiểu biết về Bản Thể thần linh đó bằng suy luận mà còn thể nghiệm được sự hiện hữu của Bản Thể ấy bằng trực giác, là lối biết cao hơn lối biết bằng suy luận. Vì cách biết trực nghiệm này thống nhất năng tri với sở tri thành một (sujet objet coincident).
c)         Con người có một bản chất hai chiều: một chiều là cái tiểu ngã hiện tượng, chiều kia là đại ngã bất biến nó là con người nội tại, tâm linh, là tia sáng thần linh trong tâm hồn. Nếu muốn, người ta có thể đồng hóa với tâm linh vì như vậy là đồng hóa với bản thể thần linh cùng một thể tính với tâm linh (chí thành như thần).
d)        Đời sống con người trên mặt đất này chỉ có một mục đích, một cứu cánh tức là sự huyền đồng với đại ngã bất biến và như vậy là sửa soạn đi tới cái biết kết hợp với bản thể thần linh (B. Gita de Prabhavananda tựa, trang 7). Ông A. Huxley cũng còn là tác giả quyển La Philosophie éternelle rất có giá trị mà tôi coi là một bản tóm tắt cách thông minh tinh thần Truyền Thống (édition Plon 1952).
 
8.      Tổ thuật Nghiêu Thuấn
Sau khi đã biết nội dung Truyền Thống với những nét cốt yếu là nhân bản và tâm linh thì chúng ta đã có được một tiêu chuẩn để tìm về nguồn. Trong việc trở lại này ta có thể nhận những hướng đạo viên khác nhau. Riêng ở Viễn Đông ta có Khổng, Lão, Thích. Ở đây xin chú ý đến Khổng, cũng là một người đã đi tìm Truyền Thống và đã để lại lối đi bằng câu Tổ thuật Nghiêu Thuấn.
Truyền thuyết nói rằng: bà Hoa Lư đạp phải lốt chân người to lớn ở Lôi Trạch mà đẻ ra Phục Hy là người đã được khải thị cho Hà Đồ, nên cũng là “tác giả” Kinh Dịch truyền lại cho Thần Nông và Thần Nông truyền lại cho con cháu trong đó có Nghiêu Thuấn. Ông Nghiêu được đời sau xưng tụng là Thánh nhân và trở thành một vòng trong chuỗi Truyền Thống với câu nói bất hủ khi truyền ngôi cho ông Thuấn rằng:
“Tư, nhĩ Thuấn: Thiên chi lịch số tại nhĩ cung.
Doãn chấp kỳ trung.
Tứ hải khốn cùng
Thiên lộc vĩnh chung
Thuấn diệc dĩ mệnh Vũ. (L.N. XX. 1)
Chữ hán
Trong Đại Vũ Mô kinh thư 16 có lời sau:
Này Thuấn cái số của trời ở ngay tại lòng ngươi. Muốn đạt là người phải chân thành nắm vững cái nội ngã của ngươi thì sẽ đạt. Nếu không mà để cho dân chúng cơ khổ thì cái lộc Trời sẽ dứt. Về sau ông Thuấn cũng dùng những lời đó mà truyền lại cho vua Đại Vũ nhà Hạ mà ta có thể gọi là phương pháp để đạt Thiên chi lịch số như sau:
Nhơn tâm duy nguy,
Đạo tâm duy vi
Duy tinh duy nhất
Chữ hán
Doãn chấp quyết trung. Nhơn tâm có thể nguy, vì Đại tâm rất tế vi. Vậy chỉ có cách là giữ tâm hồn được tinh ròng chuyên nhất vững nắm cái nội ngã tâm linh của mình.
Thêm vào hai câu trên là chương “Hồng phạm” mà căn bản là Ngũ Hoàng cực trong Kinh thư nó là cái khung, hay là cơ cấu cho tất cả nền triết lý Việt Nho nên đã được quảng diễn ra trong quyển Chữ Thời. Trở lên là ba bản văn có thể coi như hàm chứa đại cương tất cả nội dung Truyền Thống Nho giáo, đã được Khổng Tử duy trì và truyền về sau. Nay chúng ta muốn nắm được then chốt thì việc đầu tiên là dẫm vào lốt chân người to lớn, tức là đặt đúng được đạo vào căn cơ của ông Bàn Cổ (xem Nhân Bản), tức vào quỹ đạo của nền Nhân bản tâm linh có thể mới hiểu được Đạo Nghiêu Thuấn tức là Tâm Đạo siêu linh.
Nếu không “tiễn tích” đạp vào vết chân người to lớn thì chỉ tới mức Thiện nhơn (l’honêtre homme) mà Khổng cho là “bất tiễn tích, diệc bất nhập ư thất, chữ hán” (L.N. XI. 19), tức là chưa theo được lốt chân người to lớn tâm linh, nên cũng không “nhập ư thất” tức là đạt “nhân tính”. Lúc đó có học cũng là chạy quanh ngoài cửa với sân. Chưa theo đúng được Tâm Đạo, nên không vào được trong nhà Thái Thất.
Lão giáo chủ trương “vô triệt tích” tức là xóa bỏ “vết chân”. Nho giáo cũng có một bậc “triệt tích” nhưng dành cho bậc Thánh nhân và thần nhân. Nhưng trước khi làm thánh nhân phải làm kẻ sĩ, rồi quân tử, mới có đà đi lên thánh nhân. Trước khi triệt tích thì phải tiễn tích, để rồi mới có tích để mà triệt.
Do đó mà Nho giáo đã tìm lên được đến gốc nguồn “Tổ thuật” và ngày nay được kiện chứng bằng vị trí sao trăng (theo luật précession des équinoxes như sẽ bàn trong cảo luận Chữ Thời) một trật cũng đi vào nội tâm khám phá vũ trụ tâm linh. Thành ra một đạo lý có Thống kỷ trong ngoài cùng với những nguyên lý thật quân bình như tam tài, nhất thể, chí trung hòa, nhất âm nhất dương v.v… như sẽ được quảng diễn trong các cảo luận về sau.
Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra “tiễn tích” hoặc nói kiểu huyền thoại “đạp lên lốt chân người to lớn” không có nghĩa chi khác hơn là đi đúng chiều “tiềm thức cộng thông nguyên thuỷ” (inconscient collectif primordial) mà khoa tâm lý các miền sâu đang tưng bừng khám phá ra, nó chính là kho báu những linh tượng của nhân loại được chôn giấu thật sâu bên cạnh suối thiêng gọi là Cam Tuyền. Như vậy Truyền Thống cũng chính là con đường khám phá mạch Cam Tuyền cho nên huấn điều căn cơ của Truyền Thống là bảo mình phải tự kiên trung với Nội Ngã của mình. Tinh hoa của Truyền Thống có thế thôi. Và đó là điểm cần được duy trì. Các bậc hiền triết đại thánh vẫn chủ trương có bấy nhiêu. Và chúng ta vui mừng ghi nhận từ ít lâu nay đã có những triết gia nhận thức lại được chân lý trên. Những người lo âu về tình trạng vong thân của con người, cũng chính là những người làm việc để trùng tu Truyền Thống mặc dù dưới danh từ khác.
Vậy thì ta có thể kết luận những triết gia tên tuổi nhất lại chủ trương Truyền Thống. Nietzsche có công đầu tìm ra chỗ đứt quãng Truyền Thống và ông tri hô như hỏa diệm sơn tung toé. Jaspers đưa vào triết lý những cái nhìn trên thời cuộc bao gồm sử vận của nhân loại rất giá trị. Heidegger rủ rỉ tán chữ nghĩa đem ra những tư tưởng sâu sắc. Còn nhiều nhóm khác không thể kể ra đây.
Nhận xét cuối cùng có tính cách rất hứng khởi và đầy thú vị: Truyền Thống chính là con đường có bảo đảm nhất để khỏi nói là duy nhất trong việc cập nhật hóa môn triết lý trung thực và mọi nền tư duy muốn có chất nuôi dưỡng tinh thần.
 
Chương IV: Từ triết lý đến đạo học
1. Triết lý là gì?
Nếu đem câu đó ra chất vấn các triết học gia thì hầu hết họ sẽ lúng túng không đưa ra được một định nghĩa dứt khoát. Họ lúng túng vì họ đã đi được một bước tiến bộ chân chính nên đã trút bỏ được thái độ chắc mẩm lúc xưa.
Khi ấy nếu ta hỏi triết là gì thì các triết học gia sẽ đọc trơn tru cho ta nghe câu đã coi là sở đắc từ lâu rằng “triết học là một khoa học hiển minh và chắc mẩm về những sự vật, biết cho tới tận những lý lẽ, những căn nguyên sâu xa nhất”. “Scientia rerum certa et evidens per altissimas causas et rationes”. Đó là câu định nghĩa nền móng đã chi phối triết học lý niệm từ hai ngàn năm. Và nay các triết học gia muốn đưa ra câu định nghĩa khác thế vào thì vẫn chưa thoát khỏi vòng kiểm tỏa của nó như sẽ nói sau.
Lấy tâm trạng người thời nay mà nhận xét thì có hai điều đáng nói. Trước nhất ít khi người ta gặp một câu nói vắn tắt mà lại chứa chấp nhiều điều lầm lạc như thế. Thứ hai là dọc dài qua bao thế hệ không một ai nhận thức điều đó, phải đợi đến thể kỷ này mới phát giác ra và cũng là việc mới mẻ do một số người mà thôi. Rồi đây xuyên qua các khóa giảng chúng ta sẽ có dịp bàn đến từng điểm. Ở đây trong bài khai mạc chỉ cần và đủ nêu ra một chữ trong câu định nghĩa trên, đó là các vật: rerum, des choses, triết học là khoa học về các sự vật. Xin nói ngay là triết đã lấy sự vật làm trung tâm suy tư và vì triết học là khoa nền móng mà đã khởi đầu từ sự vật thì tất cả sau này hết mọi vấn đề đều phải khuôn theo phạm trù của sự vật kể cả khi bàn đến vấn đề rất tinh tế như Thiên, Tính mệnh, Linh hồn, sự sống v.v… thảy đều mang sắc thái sự vật. Nói đúng hơn đuổi theo bóng sự vật, nghĩa là còn ở bên dưới khoa học thực nghiệm. Đàng này đuổi theo bóng theo hình ảnh của sự vật. Có ích ở chỗ nào chưa ai chỉ ra rõ được nhưng hiển nhiên là đã giản lược con người thành một quặng kim khí phải tuân theo mọi phạm trù và luật tắc chung của sự vật, thiếu mất hẳn tính chất âm u linh động tư riêng của con người. Con người trở nên như quặng kim khí nên hoàn toàn thoát xác. “L’existence humaine a été minéralisée, fossiliée. La réalité, humaine a été dissoute. L’individu désincarné se trouve réduit à la condition de cas particulier d’application d’une loi générale… Ce n’est pas par un simple rencontre de hasard que la loi morale évoque pour Kant le ciel étoilé don’t les astres obéissent de toute éternité aux lois rigoureuses des l’astronomie. (Morale, Gusdorf 170). Không phải vì vô tình mà Kant đã vì luân lý với bầu trời có trăng sao đã từ đời đời vâng theo những luật lệ khắt khe của thiên văn tức sự vật kiểu khoa học.

Tình trạng đó ăn khớp với câu Kinh Lễ: “nhân hóa vật: diệt thiên lý nhi cùng nhân dục” == người hóa vật, cái đức Sáng bẩm thụ của trời đất mờ tắt mà lòng dục vọng của con người thì đi đến chỗ cùng cực, ngay những chốn linh thiêng đạo đức ta cũng thấy sặc mùi lợi danh vật chất. Quả thật người ta đã không quá lời khi bình luận triết học lý niệm là bộ môn phi nhân hóa con người. “École de déhumanisation” (Métaphysique, Gusdorf 167). Câu định nghĩa cổ điển trên kia tuy phát xuất từ Aristote người đã bàn về vật thể và các sự quy định về vật thể (substance et ses déterminations gọi là phạm trù) nhưng căn nguyên sâu xa hơn thì do Platon người đầu tiên đã phân biệt thế giới khả giác khỏi thế giới lý niệm cách quá đáng vì đã coi khinh thế giới khả giác, cũng gọi là trần thế, để đề cao lý giới bắt trần giới phải căn cứ vào lý giới để tìm lý do tồn tại và tiêu chuẩn giá trị. Điều đó không phải không có lý do vì con người phải có một lý tưởng cao xa hơn xác thân vật chất, nhưng cái lầm của Platon (hoặc của những người giải nghĩa sau) nằm trong chỗ phân đôi rồi chọn bên kia bỏ bên này như chúng ta sẽ học về sau. Điều đáng nói ở đây là những hậu quả của sự phân tách đó dẫn tới chỗ Đạo, Đời ly gián. Con người xác thịt phải tuân theo những dạng thức đặt bên ngoài thế giới, mà không được đếm kể gì đến những nhu yếu về xác thân, tình cảm tâm tư. Do đó những người mẫu của triết học đưa ra thường bị coi là những mộng du, những thứ người thoát xác mất nhân vị (philosophie dépersonnalisée). Người dưới phố không thể nào nhận ra được mình qua những mẫu người của triết học gia nên họ cũng thôi luôn không thiết tha đến triết học nữa. Từ đó triết học trở thành môn học do chính quyền cung cấp, trở thành một ngành chuyên biệt đặt ngoài lề đời sống, không còn quan thiết đến nhân tâm thế đạo, không còn mối liên hệ nào với đời sống như đáng lẽ nó phải là thế. Chính vì vậy mà tôn giáo phải gánh vác thay cho triết lý nhiệm vụ hướng đạo đời sống. Cho tới lúc thế lực của tôn giáo giảm sút thì đời sống trở nên con thuyền không lái, bồng bềnh trước các cuồng phong loạn thổi. Những người thức thời cảm thấy cần một hướng đi, một ngọn đèn pha soi cho con thuyền đời sống và từ đấy dần dần người ta nhận ra chỗ tai hại gây nên bở chữ sự vật do Aristote đưa vào triết để chống đối lại sự phân tách thế giới giác quan ra khỏi thế giới lý niệm do Platon đề xướng. Nietzsche cho sự phân chia này là một lời rủa sả độc địa đè nặng trên hai mươi lăm thế kỷ triết học cổ điển vì nó khiến con người bị “vong thân”, bị “sa đọa” chìm mất tăm vào giữa thế giới sự vật về hai phương diện luân lý cũng như tri thức.
Về mặt luân thường đạo lý thì con người phải vâng phục các luật lệ của cõi lý niệm đặt xa con người không có gì tự nội khởi phát xuất từ tính đồng nhiên con người cả. Do đó đạo đối với con người trở nên cái gì xa lạ lạnh ngắt. Học là học, không ăn nhằm chi tới hành cả.
Về phương diện tri thức thì chính sự vật quy định chủ tri như con dấu in hình xuống sáp mềm. Chủ tri là miếng sáp mềm nhận lấy ấn tượng y nguyên từ sự vật in vào chứ tuyệt nhiên không góp chút chi tỏ ra là chủ động. Một vài việc được gán cho như lý trí tác động (intellect agent) cũng loay hoay trong vòng tiếp với nhận nên có thể nói là không có chủ tri vì hoàn toàn thụ động tiếp nhận cho nên xét về cả hai phương diện ta thấy chủ tri hết còn là chủ tri mà là thụ tri, nghĩa là không được đếm kể chi tới. Không ai ngờ đến sự có một chủ tri nữa. Mãi tới Descartes mới hé thấy sự hiện hữu của chủ tri trong câu nói thời danh “tôi suy tư vậy là có tôi”. Với câu đó Descartes được một số sử gia dành cho danh dự mở màn giai đoạn mới gọi là giai đoạn khám phá ra chủ tri (La découverte du sujet), y như nhà thiên văn mới phát kiến ra một ngôi sao lạ cho tới đó chưa ai hay biết. Trong bầu trời triết lý tức là bầu trời có những quyết định căn cơ hướng dẫn vũ trụ nhân sinh trong thời cổ điển, chỉ có khách thể với chân lý đối vật (La vérité- objet: veritas est conformitas intellectus ad rem) nghĩa là chân lý được đẽo gọt hoàn toàn theo sự vật chứ không kể chi tới nhu yếu thâm sâu của con người. Nay nhà thiên văn Descartes mới khám phá ra ngôi sao mới, gọi là cái Tôi và từ đấy cái tôi sẽ dần dần không còn đáng ghét nữa.
Descartes xóa bảng (tabulala rasa) không kể gì đến thế giá người xưa, xóa hết mọi tập truyền bấy lâu đã đè đầu cỡi cổ cái “Tôi” để cho tôi lấy lại được địa vị để cũng như ai kia đươc đứng trong vòng trời đất thì tôi cũng có đây; ego sum: có mặt tôi đây. Bao nhiêu quyết định về tôi phải chờ là phiếu của tôi, ít ra phải chờ tôi giơ tay lên, chứ không phải giúi đầu tôi xuống mà đóng búa vào. Đó là sự phát kiến của Descartes.
Thực ra tôi đi quá mau. Những câu đó Descartes chưa hẳn nói lên được xác thiết như thế, phải chờ đến Kant. Descartes mới như người đang ngủ say chợt tỉnh dậy nhận ra là có mình, thế thôi, chưa kịp đòi quyền lợi gì cho mình cả, thì đột nhiên lại lăn ra ngủ nữa, nên đã để cho “tôi suy tư” đốc ra “sự vật suy tư” (res cogitans: chez Descartes ego dégénère en chose pensante), đến nỗi linh hồn cũng bị đạc điền như một sự vật có trương độ vậy, nên Ego đó mới chỉ là ngoại ngã, một cái ngã bì phu dưới quyền chi phối của tượng vật (phantasma) Descartes tuy được công kênh lên bậc “đại triết gia” nhưng nay vào số những huyền thoại đang bị ủi đi (xem trong quyển Nhân Bản). Thế giá của Descartes như là nhà khoa học có lẽ sẽ còn phần nào, nhưng thế giá Descartes như một triết gia đang bị chối cãi cách nghiêm nghị. Nhiều sách triết không chịu nhắc đến tên ông nữa (chẳng hạn Vies et doctrines des philosophies, W.Durant), hay có nhắc đến là để bóp cho tan (xem Bachelard…) và phần lớn triết sử gia đào mốc phân ranh triết mới cũ đem chôn sang một tên tuổi khác, đó là Kant.
Kant mới thật là người cách mạng. Kant có lý khi ví mình như Copernic bắt trái đất phải xoay quanh mặc trời, bắt sự vật phải xoay quanh chủ tri. Chủ tri bây giờ mới thật làm chủ nắm quyền định đoạt và trở nên trung tâm quy định dạng thức của sự vật. Sự vật trở nên thụ tri phải nép mình qua khuôn thước, qua phạm trù của chủ tri. Chủ tri không cần xét tới sự vật, vì đã sẵn có những khuôn thước rồi, nên chủ tri cũng gọi là lý trí tiên thiên, tiên nghiệm. Cần gì phải nghiệm, mình làm chủ mà, muốn thành méo tròn, đỏ đen, tụi vật thể đều phải tuân theo hết thảy. Kant đã cho mình là thức khỏi giấc mơ giáo điều của sự vật (sommeil dogmatique). Tuy vậy sau này Kant sẽ ngủ lại dưới chăn gối của duy sùng mộ piétisme… bỏ cuộc khám phá dở dang để mãi tới thế kỷ 20 mới được Heidegger nối tiếp (xem Kant et le problème de la Métaphysique) con đường của ông đã hé thấy nhưng không bước vào được. Trong khi chờ đợi thì con đường lý niệm cũng gọi là duy tâm (idéalisme, là tên cũ đặt cho giai đoạn thứ hai này) được Hegel nối tiếp. Với Hegel tinh thần con người không còn quy định sự vật mà là tạo dựng sự vật. Tạo dựng! Như thế con người là tạo hóa rồi còn chi? Đúng thế với Hegel, con người được nâng lên hàng Tạo hóa, nhưng là một Tạo hóa vong thân còn đang say ngủ, tuy nhiên vẫn là tạo hóa trong cái diễn biến đang hình thành. Khi cuộc diễn biến đã đạt đích thì con người sẽ nhận ra mình với tinh thần tuyệt đối là một.
Cuộc khám phá chủ tri đến đây là tuyệt đỉnh rồi, không còn đẩy xa hơn được nữa! Thế nhưng với con người thì sao? Thưa “rằng cao thì thật là cao” nhưng cao quá có còn đủ dưỡng khí cho sự hô hấp của con người hiện tại chăng? Con người không phải chỉ có lý trí nhưng còn cả một xác thân với một khối tình luôn luôn chực tràn bờ với bao uẩn khúc tư riêng… Con người đó có chịu theo Hegel chăng, hay nó sẽ theo triết lý con heo của Trang Tử. Chủ tế đề nghị giết heo tế trời, heo chịu thì được làm heo của Thiên. Heo cũa Thiên thì tất nhiên cao hơn heo. Nhưng heo nhất định từ khước chức làm heo của Thiên để ở lại chuồng làm heo của heo. Cao thì nhất định không bằng nhưng sống mạnh, sống đầy đủ đời sống con heo. Vậy là đủ cho heo rồi. Cho nên thái độ của heo dứt khoát với chủ tế Hegel. Không thể ông ta dắt đến bàn thờ của nhà nước (Hegel chủ trương étatisme). Nhất định Adieu. Chấm tròn. Xuống dòng. Sang trang để viết một trang sách mới với những đại diện cho thái độ “bảo sinh” tức là Hiện sinh với thời trang là Duy sinh.
 
2.      Từ duy sinh đến hiện sinh
Hiện sinh chủ trương chống đối lý trí, chống lại óc duy lý của thời cổ điển lấy tiêu chuẩn mãi ở thế giới đâu đâu mà “hiện sinh” gọi chung là triết lý ngoài vũ trụ, ngoài thời gian (philosophie acosmique, extra-temporelle) triết học tháp ngà, triết học thưởng ngoạn: mắt nhìn cùng bốn phương, miệng nói như thác chảy, mà tay thì khoanh dính đét vào mình. Hiện sinh đề ra một triết học mới gần gũi ngay ở đây và bây giờ (hic et nunc) trong không gian và thời gian, một triết lý ghé vai, xắn áo, lăn lưng vào đời: đưa vào một cách thế hiện diện hữu hiệu giữa hoàn cảnh (en situation) đầy bất trắc ngẫu nhiên, phi lý, bi đát, nhầy nhụa… Hỡi người hãy sống cái sống hiện tại đang triển diễn ra trước mắt đây này. Nhìn bâng quơ ngoài xa xăm mà làm chi. Những lời “bảo sinh” đó quả là hữu lý nên được một số tín đồ cuồng nhiệt ùa theo, tạo thành một lối sống bừa bãi bệ rạc gọi là thời trang hiện sinh, sẽ làm hạ giá Hiện sinh rất nhiều và trên kia khi nói đến heo là tôi nghĩ đến những hiện sinh rẻ tiền, những thứ “duy sinh” theo nghĩa chợ Cầu Muối. Tuy nhiên đó chỉ là những mương những tép, chúng ta nên lờ đi và tiến sâu hơn để tìm ra cái tinh tuý của triết học Hiện sinh, để lên sổ những sở đắc mới mẻ của họ. Đây là một giai đoạn triết lý khá phong phú dệt bằng những khám phá tưng bừng, nghĩa là nhiều nhận thức về những giá trị cho tới đó bị quên nhãng hay không được ý thức sâu xa. Chúng ta cần ôn sơ qua các giá trị đó để biết được phần đóng góp của Hiện sinh và nhất là để hiểu được hiện tình triết học đang đi đến đâu. Trước hết phải kể đến cuộc khám phá xác thân. Xác thân bị quên bẵng dọc dài từng ngàn năm của triết học lý niệm, và đó cũng gọi là thời duy linh, con người được phong làm thiên thần (angélisme). Noblesse oblige. Bao nhiêu chuyện thuộc thân xác hay bị coi là đồi bại hay ít ra không dám bàn đến để tìm cách thỏa mãn những nhu yếu căn bản của con người sống trong xương trong thịt: cần phải ăn uống, phải tình tự yêu thương v.v… lại còn coi khinh thường hoặc đặt dưới bao điều cấm kỵ trái ngược. Nhưng con người làm sao giữ được. Chính vì vậy mà triết học đã sản ra một lũ ăn vụng khổng lồ. Ngày nay khi khám phá ra thấy đó cũng là những việc đáng tôn trọng lắm. Với Kant có hai điều đáng kính: một là lương tâm luân lý, hai là tầng trời lấp lánh trăng sao. Với Nietzsche chỉ còn lại một điều đáng kính là đi cầu trơn tru không vướng mắc!
Một khám phá nữa cũng kinh khủng không kém, xuất hiện ở phía nam huyệt đơn điền: khu “trù mật” (danh từ của sinh viên y khoa) được Freud chọn làm tổng hành dinh cho mọi tác động của con người (pansexuel) trong phân tâm học của ông. Ông cho rằng vì con người đã dùng huý kị dồn ép các nhu yếu sinh lý nên nảy sinh vô vàn bệnh thần kinh v.v… Chủ trương của ông tuy quá đáng nhưng cũng khiến con người phải nhìn nhận mình thiếu của vấn đề sinh lý.
Và đây là một khám phá nữa rất quan trọng là khám phá tha nhân. La découverte du toi, d’autrui, d’altérité. Với triết vật bản không có tha nhân. Chủ tri còn chưa có, có sao được tha nhân. Thành thử tha nhân bị coi như những “Cela” ở ngôi thứ ba, cùng một đợt vỡi tĩnh vật, không liên hệ chi tới mình. Đến nay khám phá ra tha nhân như một ngôi vị, một hữu thể mà mình có thể thiết lập đối thoại, thông cảm, một hữu thể ở ngôi thứ hai (je-tu, Buber) mà tôi phải kính nể, phải coi trọng ý kiến… Vì hầu chắc hắn cũng là Người chứ không phải là tĩnh vật như triết cổ điển ngầm hiểu thế. Sự khám phá này ảnh hưởng vào thái độ ở đời của tôi. Thay vì độc thoại hay thái độ chỉ biết có mình (Narcise) tôi phải cảm thông, phải chấp nhận tha nhân. Do đó cần phải bỏ thái độ độc hữu, độc tôn, độc quyền. Xin hãy chấp dứt thời đại “Duy”, bất kỳ duy nào cũng là một bệnh hoạn, dẫu là duy lý hay duy linh, duy vật hay duy thần. Thánh, Thần, Vật, Linh, hễ đã nhốt vào phạm trù “duy” thì nên phải bỏ, giữ lại chỉ có hại cho con người trong thực tại. Sự vật có muôn khía cạnh, mỗi người chúng ta không thể một lúc đứng ở Đông Tây, Nam Bắc. Tất nhiên chỉ nhìn được có một khía cạnh, một trắc diện (profil, dịch tiếng của Husserl: abschattung) không được vì thế mà phủ nhận các trắc diện kia nghĩa là không được phủ nhận cái nhìn của người đứng ở địa điểm khác. Vậy cần phải chấp nhận tha nhân, nghĩa là lân nhân với những cái nhìn khác. Nhìn khác nghĩa là cảm giác khác, nghe khác, muốn khác, quan niệm khác về nhân sinh về vũ trụ. Do đó mà triết lý quan điểm kéo theo những vũ trụ quan (Weltanschauung) khác nhau tức là những triết lý biện minh cho vũ trụ đa dạng, mà triết học cổ điển đã không kể chi tới.
Trở lên là thử phác họa lại mấy khám phá lớn của triết học nó làm thành bầu khí của triết học hiện sinh, tức là thời kỳ hiện đại. Sự cố gắng lớn nhất của thời đại này là cố công đem yếu tố biến hóa sống động, uyển chuyển vào trong triết lý, vào vận mạng con người (Jaspers), đem ra những khía cạnh tư riêng độc đáo, những nỗi u uẩn của kiếp người (Kierkegaard, Nietzsche…) nên Hiện sinh đáng được chúng ta chú ý mặc dù có nhiều khuyết điểm. Tuy thế cần phải nói ngay điều này là rất nhiều lời đả kích Hiện sinh không đủ giá trị, bởi nhằm bảo vệ triết thuyết cổ điển, tức là từ khước sự tiến tới, cố bám víu lập trường cũ xưa tức là vật bản (choisiste), thế nghĩa là chậm tiến hơn Hiện sinh. Hiện sinh trội hơn cổ điển ở chỗ bảo sinh, và chính ở chỗ đó mà Hiện sinh đáng được chúng ta lưu tâm. Lưu tâm để tiếp tay đẩy đà tiến lên mãi. Cái hay do bảo sinh phải được chúng ta bênh đỡ chống với thái độ ứ đọng cứng nhắc của cổ điển. Đồng thời chúng ta có thể bổ khuyết chỗ có thể tiến thêm.
Trên kia đã nói đến thái độ sống heo. Chúng ta đã cho heo đứng ở lập trường bảo sinh là tỏ ra khôn hơn thái độ ý hệ coi trọng những ý niệm trừu tượng hơn cả con người có xương có thịt, hơn cả sự sống. Bây giờ chúng ta hỏi heo đã phải là tận thiện chưa? Trên heo còn có gì nữa? Tất nhiên là bật ra câu thưa còn có người nữa. Và nếu heo sinh cao hơn vật sinh nhưng còn thấp hơn nhân sinh, nên nhân sinh mới là đích điểm chúng ta phải nhằm. Ở heo sinh có sống có động nên hơn vật bản im lìm, nhưng heo sinh thiếu một ý thức hướng dẫn, minh biện. Thái độ cởi mở của duy sinh hầu như không mấy khác “quán trọ ngỏ cửa bên ngã ba đường mà Gide nói tới ai vào cũng được” (mon âme était l’auberge ouverte au carrefour. Ce qui voulait entrer, entrait). Thì từ lúc ấy, chưa phải là nhân sinh mà mới là duy sinh. Mạnh Tử tả tình trạng đó như sau:
“Thượng vô đạo quỹ dã
Hạ vô pháp thủ dã
Quốc chi sở tồn giả hạnh dã”
Chữ hán
Người trí thức không có một đạo lý soi đường. Đại chúng không có một pháp độ để nắm giữ. Nước như thế mà chưa diệt vong là ăn may vậy.
Đó chính là tình trạng của nước ta nay đã bật khỏi gốc tổ tiên, Tổ quốc đã mất có còn tồn tại chăng cũng chỉ còn là mảnh đất vô hồn làm nơi nương tựa cho cuộc khủng hoảng trầm trệ, cho các tư trào ngoại lai tràn vào, cho mọi thứ cuồng phong quần thảo. “Mất vũ trụ rồi” (un-welt, Heidegger). Vũ trụ đã rạn nứt rồi (le monde est cassé, G.Marcel). Những danh từ đó làm chúng ta liên tưởng đến mấy chữ Thiên liệt, địa phế trong Lão Tử (ĐK 39):
Thiên vô dĩ thanh, tương khủng liệt.
Địa vô dĩ ninh, tương khủng phế.
Thần vô dĩ linh, tương khủng hiệt.
Chữ hán
 
Trời không trong sẽ vỡ
Đất không yên sẽ lở
Thần không linh sẽ tán.
Then chốt nằm trong câu cuối cùng. “Thần không linh sẽ tán” Một trong mấy đặc điểm của thế giới hiện đại theo Heidegger là sự trốn chạy của các thần minh (la fuite des dieux). Nói cụ thể ra là những thực chất linh thiêng hiệu nghiệm đã suy đồi đến mức độ tối đa. Nói riêng về triết học thì chỉ còn là một thứ khoa học về các tư tưởng, một khoa học lãnh lẽo thiếu tinh thần. Nói theo Nietzsche thì triết học thiếu mục đích, thiếu ý chí, thiếu lòng tin tưởng nồng nàn nên là một thứ triết thiếu xương sống (une philosophie sans but, sans volonté, sans foi ardente, une philosophie sans épine dorsale) cho nên bầu vũ trụ phải tan hoang, con người trở nên long đong và khi người Việt Nam chúng ta chạy theo trào lưu đó trở thành côi cút. Đó là chỗ quan hệ mà các nền triết học lý niệm chưa nhận thức đủ. Và Hiện sinh đang gắng sức gây niềm ý thức bằng những đường lối khác nhau. Kierkegaard cũng gọi là hiệp sĩ đức tin đang cố gây lại ý thức người bằng tín ngưỡng trung thực. Nietzsche thì bằng cách đề cao ý chí hùng cường và mẫu người siêu nhân. K.Jaspers với siêu việt thể, Heidegger với tính thể và thời gian… Đó là những cố gắng đáng khen của trào lưu mới.
Tuy vậy ta có thể nói tất cả còn mang nặng yếu tố thưởng ngoạn suy tư (contemplatif et spéculatif) thiên về mô tả suy luận nhiều nhưng vẫn nghèo nàn về phương thế thực tiễn. Dầu sao thì nó cũng còn đang trên đường hình thành chúng ta nên đón nhận tất cả với niềm thông cảm và lựa chọn.
Riêng về K.Marx, ông đã phê bình triết học từ trước tới nay chỉ ngắm nhìn vũ trụ, mà lẽ ra phải biến đổi vũ trụ. Miệng nói mình làm: ông đã đưa pháp hành (praxis) ra để bổ sung. Đó là một bước tiến, nhưng mới tiến một vế, thay vì ngắm nhìn thì biến ra biến đổi. Nhưng về đối vật còn để y nguyên tức là vũ trụ, “biến đổi vũ trụ” như vậy là trở lui về giai đoạn vật bản mất rồi. Và con người thay vì được giải phóng như ông mong muốn có bị vong thân sâu đậm hơn nữa chăng? Những trại tập trung bát ngát làm cho chúng ta rất ái ngại. Có cách gì cảm hóa con người hợp với tình người hơn chăng? Làm thế nào để hòa giải giữa ngoại khởi và đồng loại hóa với triết lý sinh sinh nội khởi để không vì một bát cơm mà phải hy sinh đến tự do nhân cách của ngàn vạn con người? Ai giúp chúng ta tìm ra “thần đủ linh” để quy tụ cảm hóa lòng người hầu mở ra một trang mới cho triết học trở thành đạo sống? Ai sẽ đứng ra để hướng dẫn chúng ta đi thâu hóa được hết mọi khám phá vừa kể ra trên kia, duy trì được hết những điểm tích cực như bảo sinh, tha nhân, quan điểm, hiện thực? Ngoài Đạo học ra tôi không thấy đâu là con đường khác.
 
3.      Đạo học là gì
Người ta hay lầm Đạo học với khoa luân lý hình thức vì thường chúng cũng mang tên đạo đức học. Kỳ thực khi xem từ đầu chí cuối không gặp được yếu tố chi đáng gọi là Đạo cả.
Cũng có người lầm đạo học với tôn giáo bởi vì hai đàng có điểm giống nhau ở chỗ cả hai bên có bầu trời siêu việt, một bên là siêu nhiên, một bên là tâm linh. Nhưng cũng còn rất nhiều sự dị biệt từ căn để. Chẳng hạn, trước hết tôn giáo là một tín ngưỡng, một lòng sùng mộ, đang khi đạo học là một tri thức cùng loại khoa học, hơn nữa còn là bà chúa khoa học ở chỗ không những tìm biết nhưng tìm biết cách thấu triệt bằng trực giác. Khoa học mới là một tri thức, một savoir, đang khi đạo học phải là một sagesse, một minh triết, nghĩa là cái biết đến căn cơ cũng gọi là đạo học. Triết lý chưa phải là triết khi hiểu triết cùng với nghĩa Minh Triết. Trong trường hợp đó Triết phải viết hoa, nói lên cái biết cùng cực. Còn triết lý tuy cũng là cái biết triệt để nhưng mới là cái để của lý học là một tài năng rốt ráo của các cơ năng khả giác, hữu hình, có đi xa hết cỡ cũng mới vượt giác quan có cơ thể, chưa hẳn là hình nhi thượng, nên triết học chưa phải là Triết, cũng như ý thức chưa phải là Thức: ý thức mới là một phần nhỏ của cái Thức toàn diện bao hàm tiềm thức, vô thức, siêu thức, thần thức v.v… Triết học chỉ ở trong vòng ý thức, trong vòng lý trí của con người hiện tượng. Triết mới bao gồm cả lý trí lẫn tiềm thức siêu thức nơi cõi Tâm linh của con người toàn diện Đại ngã. Hiểu như thế thì Triết với Đạo là một. Vậy Đạo học là gì? Có thể căn cứ vào tự dạng chữ Đạo kép bởi bộ xước là đi và Thủ là đầu, là cội gốc mà thưa rằng Đạo học là đường đi về với bản gốc của mình. Đạo chính là con đường “phục quy kỳ căn, chữ hán”, trở lại với căn cơ nguồn ngọn của con người muôn thưở. Đạo học chỉ có bấy nhiêu đó, nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng quá đủ đặt ra cho ta những vấn đề vừa thâm thiết đến mệnh số và cứu cánh con người, cho nên cũng là những vấn đề hào hứng mà không một ma tuý nào trên đời có thể bì kịp, là vì nó trung thực và đáp ứng cho những khát vọng cốt tuỷ nhất của lòng người. Những vấn đề nó đặt ra sâu xa man mác đến nỗi lý trí con người mặc dầu có thể tạo dựng nên những khoa học tân kỳ đủ loại, cũng đành bó tay trong địa hạt bao la của cõi Đạo và ngoại trừ một số dữ kiện sửa soạn, lý trí không sao tìm được đáp số cho những câu hỏi chẳng hạn: nguyên uỷ mà Đạo tìm về là cái chi? “Phục quy kì căn” thì căn đó là gì? Nó liên hệ với ta ra sao? Với vũ trụ nhân sinh thế nào? Trên đường quy căn đó có phục kích, có đắp ụ chăng? Ai đắp? Những ai phục kích? Làm sao mà kinh qua? Đó là đại loại vài câu hỏi mẫu, nó sẽ kéo theo biết bao câu hỏi khác mà già cả một đời tận tuỵ tinh anh cũng không sao giải đáp hết. Vậy thì Đạo học không phải là tuân theo một số luật tắc này nọ, vâng giữ một số nghi tiết kia khác… Những cái đó nếu có cũng chỉ là phụ thuộc. Đạo học là một đường lối siêu tuyệt phát khở từ tri thức, ý thức, xuyên qua tiềm thức, vô thức để lên miền siêu thức nên thấu nhập vào tận thâm tâm con người cũng như tỏa ra thấm nhuần hết mọi hành vi cử chỉ con người. Nói theo tâm não khoa học đời ta thì Đạo học mở ra những chân trời kỳ lạ có thể gọi là chiều kích thứ năm thứ sáu tuỳ ý (5e, 6e dimension). Nhưng điều cốt cán là ám chỉ cái nguồn nghị lực huyền diệu chất chứa bên trong, khiến cho ta khi đọc và có thể hiểu được Đạo học thì sẽ thấy có cái chi lôi cuốn rất huyền vi. Có những người chỉ cần nghe một câu của Đạo học đã đủ sáng soi, hướng dẫn và tiêm hăng say cho cả một đời sống cách rất sung mãn, và đó là chỗ đạo học vượt xa triết học, nó đưa lại cho triết học một chiều kích siêu linh mà nguyên triết học không sao có được. Nó đem lại một nguyên lý uyên tuyền phổ biến đang khi triết học mới đạt những nguyên lý thuộc lý trí, thường được phát kiến ra bằng lý luận suy tư nên có tính cách tương đối, cùng loại với khoa học như Toán Lý Hóa v.v… Vì thế khi định nghĩa triết học, Aristote cho là cái biết đến tận những lý lẽ. Ông đã dùng số nhiều “rationes, causas”: những lý do, những căn nguyên. Chữ những là cái cùm cầm chân không cho triết học tới đến cái lý nhất quán, vô nhị. Chỉ có Đạo học mới vượt qua hàng rào những lý, những lẽ để đi sang miền “lân hư” tiếp cận với “không” tức không biên cương giới mốc, không lý lẽ, ở bên ngoài những ngẫu kiện tương đối (contingences relatives). Do đó mà Đạo học không dùng số nhiều nhưng là số ít. Một đầu, vô nhị, nhất quán nhưng với sức bao dung vô tận như đại dương, còn triết học chỉ là ao, hồ. Vậy Đạo học sẽ phải là chỗ hướng vọng của chúng ta, của những con người thế kỷ 20 đã hiểu được ngoài hiện tượng còn có một cõi siêu linh cần khám phá. Trải qua hai mươi lăm thế kỷ, triết học lý niệm đã có đủ thì giờ lục soát cõi hiện tượng và đã chu toàn sứ mạng của giai đoạn lý trí rồi, nghĩa là đã biểu lộ đến hết cỡ mọi khả năng của nó, và Kant đã tuyên bố là nó bất lực trước thế giới siêu linh đành bó tay vì không có buồm lạt chèo cột chi cả. Giờ đây nó đang bị đả phá, bị tháo gỡ để dọn đường cho Đạo học ra đời. Đó là chiều hướng đáng hứng khởi của triết học hiện đại, tuy mới như rạng đông qua làn sương mai chập chờn biến hóa “hốt hề hoảng hề” nhưng “kỳ trung đã hữu tượng” tức là đã có tượng linh động đủ cho chúng ta quy hướng sinh lực vào đó mà phát triển và hoằng dương. Với triết học có làm hết cỡ chúng ta cũng mới là triết học gia, một thứ bác học có nhiều sáng kiến và mạch lạc. Chỉ với Đạo học tức là một thứ Triết Trung thực chúng ta mới đi vào con đường trở thành triết gia, hiền triết.
 
CHƯƠNG V: TAM GIÁO
1.      Nghĩa hai chữ đạo và giáo
Hai chữ Đạo và Giáo thường được dùng lẫn lộn và cùng với thời gian chở theo nhiều yếu tố phức tạp. Trong phạm vi văn nghệ hoặc tiếng nói thông thường thì dùng tạm như thế có lẽ không sao,
nhưng bước vào lãnh vực triết lý thì sự minh biện trở nên cần thiết. Sách Trung Dung mở đầu bằng một câu phương ngôn nền tảng như sau:
“Thiên mệnh chi vị tính
Xuất tính chi vị Đạo
Tu đạo chi vị Giáo”
Chữ hán
 
“Tính chính là Thiên mệnh. Tuân theo Tính gọi là Đạo. Sửa cho ngay cái Đạo gọi là Giáo hoặc là tu luyện vun tưới cái Đạo gọi là Giáo.”
Đọc câu sách trên ta thấy ngay đối tượng của chữ Đạo ở đây không phải là quỷ thần hay Thượng Đế, nhưng chính là Tính con người. Hiện thực cái tính bản nhiên đó chính là cứu cánh của đời người. Do đó Tính còn được dùng làm tiêu chuẩn để phân định mọi giá trị cao thấp. Đấy là một sự phân biệt cốt cán cần nêu ra ngay tự đầu. Và để tránh một sự thiếu sót nghiêm trọng cũng cần thêm ngay rằng: cái đối tượng của Đạo ở đây không hề có khép kín, hay là vô thần như một số tác giả đã nhận lầm, mà trái lại đó là một đối tượng mở lên và hướng thượng, thông với Tuyệt đối thể bằng lời tuyên bố công nhiên: “Thiên mệnh chi vị Tính”. “Tính con người không là chi khác hơn là mệnh lệnh của trời!” Muốn hiểu được tính con người cần hiểu Thiên Mệnh. Có thể nói đây là một dịch bản (version) của nguyên lý tổng quát: “vạn vật bản hồ thiên” (kinh lễ), cái gốc của vạn vật xuất phát từ trời. Cái gốc ấy khi áp dụng vào con người thì gọi là Tính: “Thiên mệnh chi vị Tính”. Muốn nắm được ý nghĩa uyên nguyên của chữ Thiên mệnh ở đây, thì cần phải tránh hiểu theo nghĩa ngoại, có thể dịch là Mandat du ciel, mệnh lệnh của Trời, tức là theo nghĩa ngoại. Theo nghĩa nội thì không được hiểu thiên mệnh như một mệnh lện nào ở ngoài truyền đạt tới con người, chụp lên đầu cổ nó như câu Mạnh Tử đã chú thích: “Tính mệnh thiên tiên phi do ngoại thược ngã dã, chữ hán”. “Tính mệnh là thiên tiên là phú bẩm, bẩm sinh tự nội (inné) không phải là do ngoại đúc ra và đổ chụp vào ta đâu”. Vậy phải hiểu theo nghĩa nội thiên tiên, tức là tia sáng đã phú bẩm nơi thẩm cung tâm hồn con người mà ta cũng gọi là Minh Đức tinh tuyền linh diệu sáng láng bao la, hơn thế nữa là chính cái tính bản nhiên con người, nhưng đồng thời cũng là thiên lý, một thứ thiên lý nội khởi: “thiên lý tại nhân tâm”. Ta quen nói vắn là tâm linh. Tâm chỉ tâm tính, còn linh chỉ phần linh diệu sáng láng ăn thông với Thiên cách huyền diệu nên Lão Tử gọi là “huyền đồng”. Sự giải tỏa sáng láng đó nhiều hay ít sẽ tuỳ theo với tu luyện và mức độ tinh ròng. Khi sáng đến mức độ như xem thấy tính, thì lúc ấy gọi là Đạo “xuất tính chi vị Đạo”. Nghĩa là giữa mình và tính không còn có gì xen ngang. Cả hai ở liền nhau trực tiếp, là một, không có mảy may gì tư lợi, tư dục vẩn đục xen vào để hạn chế cái tính bản nhiên hoặc làm cho nó đi sai Tiết diệu uyên nguyên của Thiên Mệnh nên nó trở thành phổ biến linh diệu vô cùng, và chính khi nghĩ đến cái Đạo ở mức độ này mà Khổng Tử nói “Sáng được nghe Đạo chiều chết được rồi” (L.N. IV, 8). Chữ văn vừa có nghĩa là nghe vừa có nghĩa là tin thuận vâng theo. Le mot écouter prend ici le double sens d’éntendre et d’obéir. Vì chữ Đạo nói ở đây phải viết hoa, cực tinh ròng, siêu vượt mọi trần cấu, không có gì ví được. Đó là mức độ cao nhất cần ghi nhớ để vừa cố tiến tới vừa để phân biệt với các mức độ thấp hơn, mà người ta cũng kêu ẩu là Đạo, nhưng đó là những thứ đạo đã ly dị với nghĩa uyên nguyên chỉ còn lại cái nhãn hiệu bên ngoài. Những thứ đạo đó có nghe nói đến từng năm nhưng lúc phải chết, ai không biết tiếc sống thì kể là khờ. Vậy cần phải phân biệt tiếp theo.
Liền sau Đạo thì đến một thứ thấp hơn, sách không dám gọi tên là Đạo nữa mà chỉ gọi là Giáo: “Tu Đạo chi vị Giáo”.Tức là một cái Đạo đã không còn được tinh ròng, trung thực nữa, đã có nhiều sự pha tạp hạn chế lại rồi, nên cần phải “tu”, tức là sửa chữa lại, làm sao cho nó hợp với Đạo nguyên tuyền ở đợt trên cùng. Vì thế nó chỉ ở đợt nhì vì đã đèo theo một ít yếu tố ngoại tại.
Bên dưới còn một đợt nữa, tức là sửa lại theo cái đạo, cái luân lý của một xã hội nhất định nào đó mà người ta gọi là khoa “đạo đức”. Không còn là cố gắng theo Đạo cùng nghĩa với Tính phổ biến nữa, mà chỉ còn là theo cái đạo tư riêng, một thứ tôn giáo nhân vi (artificielle) không ăn nhằm chi với Tính nữa mà chỉ đầy nhóc những thiên kiến làm cho người theo càng sùng bái bao nhiêu càng trở nên cuồng tín hẹp hòi bấy nhiêu, vì chỉ còn biết xem và đánh giá mọi việc qua cái lăng kính thiên lệch đó mà thôi.
Tuy thế cũng còn hơn một thứ giáo nữa ở đợt thứ tư quen gọi là giáo dục. Gọi thế cho sôm trò chứ kỳ thực là lạm dục, vì chữ Giáo bao hàm hai yếu tố: một là tu sửa, hai là cho hợp với Đạo. Ở đợt ba chữ đạo còn bao hàm ý hướng tu sửa tuy để hợp với đạo tư riêng nhưng ít ra còn yếu tố tu sửa; nhưng ở đây thì cả đến ý tưởng tu sửa cũng bay luôn. Và giáo dục lúc đó đốc ra một thứ tri thức suông tình hầu hết xoay quanh sự vật (choisisme) ít có quan thiết chi tới nhân sinh, tới những mối giao tiếp giữa người với người, và nhà giáo dục lúc đó chỉ còn là nhà chuyên môn có nhiệm vụ chuyển đạt cho thính giả một mớ tri thức bất kỳ nào đấy. Vì thế mà phải cho nó xuống hạng bét, vì nó giết chết văn hóa chân thực như Einstein đã phàn nàn “l’encyclopédie superficielle est la mort de la culture”. Trở lên là đại để bốn đợt của hai chữ Đạo và Giáo, hai đợt trên viết hoa là Đạo, Giáo; hai đợt dưới viết thường là đạo, giáo.
Để tóm lại, ta có thể nói bậc trên cùng là Đạo lấy Tính bản nhiên tinh ròng làm đối tượng. Đó là ý nghĩa uyên nguyên của chữ Đạo, Đạo học. Nó ngang hàng với chữ Minh Triết, là một sự biết thấu triệt thông suốt, không bị u tối hạn hẹp lại, nên luôn luôn kéo theo sự hiện thực. Tri với Hành hợp nhau gọi là Thành.
Bậc thứ hai là Giáo đã có nhiều môi giới xen ngang, nó ở cùng bình diện với Triết lý, một sự hiểu biết hữu hạn nên phải lần mò bằng khảo cứu, lý luận, biện chứng, và cũng có làm được ít nhiều.
Bậc thứ ba cũng gọi là đạo nhưng thực ra nó thấp hơn cả Giáo, vì đã dùng rất ít lý trí mà chỉ còn là nghe theo như đàn cừu, đó là bậc luân lý hình thức, bậc “tôn giáo” hẹp hòi, bậc đạo đức gồm những luật tắc, những quy thức ước định của một xã hội ở một thời đại nào đó: hết sức tư riêng, tương đối.
Và cuối cùng là bậc “giáo” đồng nghĩa với Tri thức bất kỳ nào. Và thường gọi là giáo dục. Mặc dù không dục không nuôi dưỡng tinh thần mà còn bóp chết bằng chất đống tri thức. Đó là đại để bốn bậc. Sự phân biệt này cần phải lưu tâm ghi nhớ để giúp ta quy định đường lối học hỏi, tức là tìm ra nền triết lý giáo dục. Vì thế ta cần đào sâu thêm ít bước nữa bằng đưa ra một số phân biệt đầu tiên là: 
2.      Đạo giáo với tôn giáo
Với sự phân biệt nền móng trên ta có thể thấy sự khác biệt giữa Đạo Giáo Đông Phương với tôn giáo. Vì Đạo ở đây lấy tồn tâm dưỡng tính làm đối tượng (chữ Religion gốc bởi religo là buộc, tức là liên kết với Thượng Đế). Như vậy đã khá rõ. Tuy nhiên để tránh mọi lầm lộn có thể xảy ra, nên chú trọng bốn đặc điểm của tôn giáo như sau:
-            Trước nhất tôn giáo đòi phải tin, nên bao giờ cũng có những tín điều (dogmes) dựa trên một sách được gọi là Thánh, vì chứa đựng những điều được tin do Thượng Đế mặc khải: Coran, Veda…
-            Thứ hai những việc phải làm, tuy những việc đó hầu hết là nội dung chung cho cả nền luân lý nhân loại, nhưng được đóng khuôn theo những luật tắc, những tin tưởng nhất định của mỗi tôn giáo. Mày phải yêu giai cấp Ksatria vì nó sinh ra bởi bụng của Brahma thí dụ.
-            Thứ ba là những nghi tiết lễ nhạc có tính cách tế tự và huyền bí và cũng theo những quy tắc đã được thiết lập do quyền bính thí dụ theo thời hạn nào, ngày sóc, ngày vọng phải tế phải cúng v.v…
-            Thứ bốn là có hàng tư tế.
Căn cứ vào bốn điểm trên để cứu xét thì tam giáo không phải là tôn giáo, vì:
1)        Không có tín điều hay là mặc khải. Tam giáo nhận có Trời nhưng là Trời không nói “Thiên hà ngôn tai”== Trời có nói đâu. Vì thế đề cao Trí (trí đặt trước nhất, sau nhân và dũng v.v…). Phải tự mình dùng trí thông minh mà tìm ra chân lý nằm ngay trong nội tâm của mình == Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn? (Mạnh Tử). Đạo ở trong mày, sao mày đi tìm ở đâu? Nói thế vì người ta hay tìm ở xa bởi đạo mập mờ thấp thoáng “Đạo chi vi vật hoảng hề hốt hề” (ĐĐK. 21). “Vô thanh vô xú” == không tiếng không hơi (Trung Dung, 35), nên không có tín điều quy định. Và tam giáo không có kinh thánh mà chỉ có kinh điển, nghĩa là không có những lời trên buộc phải tin mà chỉ có những lời của các bậc hiền triết truyền lại gởi thẳng đến lý trí, hơn là cho tình cảm. Với mục đích chuyển lại hậu thế một ít kinh nghiệm hướng dẫn ở bước đầu. Còn chính chân lý thì cua không cho cáy được, nhưng cáy phải đào lấy.
2)        Về điểm thứ hai tuy có những việc rất giống nhau với cả mọi tôn giáo trong nhân loại (đừng sát nhân, chớ ăn trộm v.v…) nhưng xét đến lý do thì tôn giáo thường dựa trên những lý lẽ riêng biệt, như phải yêu người vì họ cũng là một phần của Allah, trái lại Nho giáo nói phải yêu người vì họ là người.
3)        Nghi lễ tế tự với những phép màu là đặc điểm riêng các tôn giáo với ý nghĩa bắt buộc đã được quy định do quyền bính. Tam giáo bản cốt không có nhiệm tích nào, tuy về sau Lão Thích cũng có nhưng chỉ với ý nghĩa tượng trưng không có tính cách bó buộc. Ai theo tuỳ ý.
4)        Hàng tư tế tuyệt nhiên vắng bóng trong Nho giáo, rõ rệt nhất là trong Khổng Giáo không hề có dấu vết của tăng lữ. Còn Đạo sĩ, Sư ni trong Phật giáo chỉ là những người đi tu hành cho bản thân mình, chứ không có quyền hành chi trên ai, hay nếu có thì cũng chỉ là do uy tín cá nhân chứ không phải do quyền bính đã trở thành thể chế và vì thế hết sức phụ thuộc.
Lược qua bốn điểm trên, ta thấy người xưa dùng chữ Đạo, chữ Giáo mà dịch chữ religion là mở đầu cho nhiều lầm lẫn, người học triết cần lưu tâm xem xét nội dung của mỗi chữ theo đồng văn. Sau đây là vài câu điển hình do sự lẫn lộn đó và cần được minh biện.
Vấn đề đầu tiên chưa gặp thấy và có lẽ chưa được đặt ra công nhiên nhưng cũng nên bàn sơ qua để tránh những sự ngộ nhận, đó là:
3.      Tôn giáo trên Triết lý hay Triết lý trên Tôn giáo
Với Tây Phương nói chung (ít ra tới thế kỷ 17,18) thì tôn giáo ở trên triết học. Triết học chỉ là con sen cho thần học (Philosophia ancilla Theologiae) và xuất hiện lâu sau thần học với tính cách tuỳ thuộc có hay chăng không quan trọng, như trường hợp Kitô giáo thì đến thế kỷ thứ 5 triết Platon được S.Augustin đưa vào đạo, còn triết học Aristote mãi đến thế kỷ 13 mới được S.Thomas thích ứng với Kitô giáo. Và cho tới ngày nay người ta vẫn còn đặt vấn đề có hay chăng một nền triết lý theo Kitô giáo? E.Gilson chủ trương có. Bréhier bảo không (xem Existe t-il une philosophie chrétienne? Nédoncelle). Vấn đề tế nhị ở chỗ đã tin thì phải có uy thế (autorité) nhưng uy thế đối với triết lý thì không là nền móng mà chỉ là trang trí, củng cố thôi. S.Thomas cho là rất yếu… Vì thế mà có vấn đề.
Trái lại với Đông Phương thì không thành vấn đề, vì không có tôn giáo nên khỏi đặt trước hay sau. Nhưng muốn xét kỹ thì những thứ người ta gọi là “tôn giáo” như Lão giáo, Phật giáo v.v… chỉ là sự biến thể của Minh Triết. “Tôn giáo” ở đây hầu hết chỉ là một phương tiện để cụ thể hóa Minh Triết trừu tượng, một lối hạ triết lý cho vừa tầm hiểu biết của đại chúng. Nói nhân nghĩa là nói trừu tượng, nhưng diễn đạt nhân nghĩa bằng lễ, bằng nhạc, bằng những cử chỉ cụ thể trong các mối tương giao của loài người thì lúc đó thường dân thất học cũng hiểu được phần nào. Vì thế bên Đông Phương, tôn giáo hoặc lòng sùng bái luôn luôn vâng phục Minh Triết, chứ không bao giờ bắt minh triết làm con sen hoặc chống đối. Chính vì vậy mà gọi là Văn hiến chi bang!
Vậy những lễ nhạc, những nghi tiết, những hình ảnh như Tây Phương cực lạc thế giới, cũng như Táo quân lập bô với Hoàng Thiên Thượng Đế v.v… Đối với trí thức chỉ là ẩn dụ thường thường là do các môn đệ về sau đặt ra để minh họa giáo lý cao siêu của thầy, nhưng rồi thường dân tin theo chữ đen: tịnh độ không còn là tâm trong sạch nữa, mà là một nơi nào đó trong không gian v.v… Từ đấy những ẩn dụ đó trở thành “tôn giáo”. Còn chính bản cốt tam giáo chỉ là một nền minh triết.
4.      Đạo nào cũng tốt
Đây là câu thứ hai thường xuất tự cửa miệng người Đông Phương. Câu này cũng phải hiểu theo nghĩa thứ nhất của chữ Đạo ngang hàng với Tính phổ biến tức là minh triết, như phần nào quen hiểu bên Đông Phương. Ngược lại, nếu hiểu chữ Đạo theo nghĩa tôn giáo thì câu trên thường bị công kích. Vì đứng riêng trong phạm vi tôn giáo thì mỗi tôn giáo đều cho đạo mình là duy nhất đáp ứng được những tiêu chuẩn của một chân đạo, dĩ nhiên không tôn giáo nào chịu nhìn nhận rằng những tiêu chuẩn kia đã được rút ra từ đạo của mình nên làm sao hợp cho tôn giáo khác. Bởi thế con đạo không thể chấp nhận một tôn giáo khác, và câu nói “đạo nào cũng tốt” là một câu nói tỏ tường sai. Làm sao lại cho là tốt được cả hai khi một bên nói có bên kia nói không? Cho nên chỉ có một tôn giáo trúng. Nghĩa là chỉ có một tôn giáo nhất định có thể hợp với tiêu chuẩn nhất định. Điều đó thật là rõ ràng. Vậy câu nói “Đạo nào cũng tốt” nên hạn chế vào các đạo giáo Đông Phương mà thôi, không nên áp dụng vào tôn giáo Tây Phương vì phạm trù khác hẳn. Và ngay với Đông Phương câu trên cũng còn hàm hồ, và bình dân. Nên cũng cần phải xác định thêm cả chỗ quy định rằng đó chỉ là tam giáo mà thôi. Sở dĩ nói ba đạo đó tốt vì cả ba đều là minh triết xây trên con người lấy minh tâm làm đường đi, lấy thành tính làm chỗ đến. Tính mệnh đó là nền móng, là “đồng quy”, đó là tuyệt đối. Ngoài ra là “thù đồ” (những nẻo về khác nhau) vì cả ba đều nhận vũ trụ quan động với những nguyên lý do âm dương. Đã động đích đã biến dịch thì tất cả là tương đối, đã âm dương thì tất cả là bù trừ hơn là chống đối. Là đại đồng mà tiểu dị. Đồng ở gốc siêu hình. Dị ở phương pháp giải quyết. Khổng Lão cho đời nay là cay đắng hay ngọt bùi, Phật có cho đời là bào ảnh là bát khổ đi nữa thì cả ba đều đồng ý mà cho đời là biến dịch. Đã biến dịch thì có cái chi là bền vững trường cửu đâu, vậy tội gì nhọc công mà bênh vực lập trường này hay lập trường nọ: ngọt bùi, đắng mặn hay sao sao rồi cũng biến thiên đi hết. Khác với phạm trù cố định của Triết học Tây Phương xây trên vũ trụ quan tĩnh (xem bài Triết Đông động Triết Tây tĩnh trong Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây) theo nguyên tắc “mâu thuẫn” và “triệt tam” A là A. Và A không thể là B. Trái với Triết Đông vì là biến dịch nên A có thể là B. Trong khi chờ đợi thì trong A đã có căn B rồi: “âm trung hữu dương, dương trung hữu âm”. Nhưng nẻo nào thì cũng là biến dịch, cũng trong vòng vận chuyển, cho nên tất cả là tương đối chỉ trừ có một Tính diệu huyền. Do đó mọi biểu tượng, mọi áp dụng chỉ là phương tiện tuỳ với thái độ trước đời sống, tuỳ với căn cơ và sở thích mà khác nhau. Con đường hợp cho người này vị tất đã hợp cho người kia, nên để tuỳ sở thích. Khổng Tử răn môn đệ: “công hồ dị đoan tư hại dã dĩ, chữ hán” L.N. II 16); công kích những mối khởi đầu khác là điều có hại (có người dịch công là chuyên học không đúng, xem nghĩa chữ công ở L.N. XII 20). Vì các mối đó mâu thuẫn nhau đâu mà công, tất cả chỉ là bù trừ là bổ túc. Bởi vậy ta có thể coi tam giáo là ba mối đầu lớn nhất: Lão Tử bàn về con người sống trong thiên nhiên cố hòa mình với vũ trụ bao la nên có một nền siêu hình về nhân sinh đồ sộ man mác. Tuy vậy cái triết lý đó còn ở trong cõi sống.
Thích Ca sẽ nối tiếp nền siêu hình đó và kéo dài sang bên kia cõi sống để dẫn đến Tuyệt đối thể gọi là Như Lai bằng những phương tiện rất tỉ mỉ dựa trên tâm lý con người. Đứng ở những đỉnh cao chót vót đó mà nhìn đời thì dễ đem lòng coi nhẹ cuộc sống, coi đời như những đám mây huyền ảo. Đang khi toan xuất thế vọng cảnh thì may mắn bên cạnh có Khổng Tử thực tế đặt nặng chú trọng đến con người sống trong xã hội bị ràng buộc trong những mỗi nhân luân phức tạp, phồn đa bó buộc phải có một nền triết lý dấn bước, sắn tay. Đứng bên một Lão hay xao lãng xã hội, quá đề cao cá nhân có thể dẫn đến nguy cơ vô chính quyền (anarchie, xem Zenker 177) và một Phật quá chú trọng đến giải thoát có thể trở nên bi quan khắc khổ với hiện tại, thì Khổng đem lại óc yêu đời, dấn thân vào việc cải tiến nhân sinh, đem ra một nền giáo dục “dấn thân” tích cực. Đó là ba chỗ khởi đầu của tam giáo mà ta có thể coi như ba cổ thụ mọc ở ba nơi khác nhau. Cây Khổng mọc lên ở “cõi người ta” ăn rễ sâu vào lòng đất “an thổ đôn hồ nhân cố năng ái”. Cây Lão mọc trên núi cao chót vót, tiêu dao với tiên cảnh bồng lai. Cây Phật mọc trong rừng rậm cố thoát ra cõi âm u để vươn mình lên với cõi vô lượng quang, vô lượng thọ.
Tuy mọc ở ba nơi khác nhau, với những mối khởi đoan dị biệt, nhưng khi vươn lên đến chóp đỉnh thì gặp nhau hòa hợp làm thành một cái Tàn bao la rủ bóng mát che cho các dân tộc Viễn Đông, cho mọi khuynh hướng mọi sở thích. Muốn cụ thể thực tiễn cũng có, mà muốn siêu hình huyền niệm cũng có. Nhờ chỗ bù trừ bổ túc đó mà tam giáo trở nên một nền văn hóa nhân bản toàn diện và sâu thẳm gây nên cảnh thư thái êm đềm. Người Viễn Đông tràn ngập lòng tri mộ mới nói ra câu đạo nào cũng tốt. Vì vậy đứng trong phạm vi triết lý Đông Phương thì câu ấy là một câu đáng duy trì và mở rộng. Vì đạo ở đây chỉ có nghĩa là đường đã đặt ra để vươn tới chỗ Tính mệnh đồng nhiên. Bởi chưng khả năng căn cơ khác nhau không ai có quyền độc đoán về những chuyện tâm linh man mác. Ai dám làm thế là bắt chước người vẽ quỷ có đuôi rồi buộc người khác phải tin và kết tội những người không tin (Vua nước Vệ hỏi một họa sĩ: Vẽ gì khó? Chó hay quỷ? Thưa vẽ chó khó vì ai cũng thấy, vẽ liều không được, còn quỷ chẳng ai thấy đâu nên tha hồ hoa bút). Thái độ độc đoán vì thế thiếu căn bản và thường gây ra bầu khí bất tương dung. Trái lại nếu thấu triệt chân lý của câu “Đạo nào cũng tốt” thì sẽ duy trì được đức Tương Dung. Đức này là một trái quý của khóm cổ thụ kia, nên ta cần dừng lại một lúc để ngắm nhìn. 
5.      Đức Tương Dung
Là một nét đặc sắc của Tam giáo và ta có thể gọi Viễn Đông là quê hương của đức Tương Dung cũng như vườn ươm các cố gắng tổng hợp tôn giáo. Đang khi nhiều nơi xảy ra chiến tranh tôn giáo, chẳng hạn trường hợp Ấn Độ: dân cùng một nước nhưng vì theo hai tôn giáo khác nhau mà gây ra cảnh nồi da Pakistan- Ấn Độ nấu thịt dân tộc Thiên Trúc. Cùng một dòng máu mà vì vấn đề tôn giáo vác búa, gậy, dao xuống phố để gieo rắc máu và nước mắt đặng giảng yêu thương chăng?
Có lẽ xưa kia nước Nga là một địa điểm thuận tiện nhất để quan sát nét đặc sắc của Đông Phương. Vì mạn Đông của Nga chịu ảnh hưởng của Phật và một ít Nho, Lão. Các Nga hoàng nhận thức được điểm đó nên thường khuyến khích các giáo phái ở mạn Tây tản cư qua rặng núi Caucase và Oural để tránh sự bất hại của nhóm chính thống thường gây ra bên miền tây (Herbert 136, Introd. À l’Asie).
Một khi bước chân vào miền đông, họ sẽ thở hút bầu khí tương dung cởi mở, “bên cha cũng kính, bên mẹ cũn vái”. Cùng trong một gia đình có khi bà theo Lão, mẹ theo Phật, cha theo Khổng và vẫn niềm nở đón nhận những ngày cúng vái siêu độ.
Hơn thế nữa một người theo hai ba tôn giáo là chuyện thường. Bên Nhật năm 1950 người ta tính ra trong số 80 triệu dân thì 63 triệu người theo thần giáo, trong số này có 40 triệu người cũng theo Khổng giáo. Điều đó có thể thật cho Đại Hàn, Việt Nam, Trung Hoa. Nhân đó số người theo ba đạo khi cộng lại có thể gấp đôi dân số là chuyện có thực không phải là điều tính lầm như một số quan sát viên ngộ nhận.
Trong đời sống chúng ta có thể gặp biết bao những trường hợp như thế. Chẳng hạn Dương Hùng lúc hấp hối người ta gặp thấy tay trái cầm sách Đạo Đức Kinh và Luận Ngữ, tay phải cầm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Người ta tìm thấy một tượng vua Phục Hy vào lối năm 497-569 đầu đội mũ Lão, chân đi ủng Khổng, vai khoác cà sa Phật.
Giáo sư Herbert nhận xét rất đúng bên Viễn Đông một ông quan có thể theo Khổng lúc làm việc ở công đường, theo Lão lúc nhàn tản ngao du sơn thuỷ, rồi theo Phật trong lục tọa thiền. Ta có thể nói chung rằng trong những thời kỳ văn hóa lên cao, thì hiện tượng tam giáo hòa hợp cũng trở nên khăng khít và một học giả theo cả ba đạo là chuyện rất thường, như bên Trung Hoa đời Tống hay bên Việt Nam đời Lý, Trần. Một chùa thờ cả ba đạo kiểu Tam Tông miếu là chuyện không có gì lạ cả. Đó chỉ là óc tương dung còn được duy trì và hình như ngày nay đang phát triển trở lại. Ông Wing-Tsit-Chan có kể ra đến mười phái mới lập bên Viễn Đông có khuynh hướng đó. Năm phái thì tôn thờ tam giáo Đông Phương, ba phái có thêm cả Judeu, Islam, Kitô. Một vài nhóm còn thêm những danh nhân như A.Comte,  và ông có đan cử ra một ví dụ bên Nhật có miếu thờ bát thánh: tức là bên cạnh tam thánh còn có Jesus, Socrate, Mahomet, Kobo-Daishi và Nhật Liên (Religion Trends in Modern China p.157,178).
Và thường có những chuyện Tây Âu cho là không thể hiểu chẳng hạn: bên Lào nhiều thừa sai Kitô giáo muốn truyền bá đạo có thể đến chùa xin Sư ni ở đó lên hiệu trống hay chuông gọi dân tới nghe thuyết về Kitô giáo. Hoặc bên Nhật Bản, lễ an táng các sư của Thần đạo thường được các Sư ni bên Phật cử hành.
Nhờ óc tương dung đó mà khu vực ảnh hưởng của tam giáo mở ra rất rộng lớn. Từ Tibet đến Tích lan, từ sông Gange đến Nhật Bản cũng như số người hấp thụ rất đông, vượt xa các nhóm tôn giáo khác và hiện nay Nho Thích được kể là hai đạo lớn trong số 5 tôn giáo của nhân loại (xem Les cinq grandes religions du monde của Glassenapp. Payot). Cho nên trong dĩ vãng tam giáo Đông Phương là một sự kiện văn hóa mênh mông đồ sộ, có một thành tích thống nhất nhân loại rất đáng kính nể và cứ sự có lẽ đó là một thực hiện đầu tiên của lý tưởng chung sống êm đềm. Ai nấy vẫn giữ được sắc thái riêng của mình và gần đây cả ba vẫn còn gây ảnh hưởng vào nền văn hóa mới.
Khổng giáo đã ghi dấu và chế độ thi cử tuyển lựa nhân tài, cũng như trong việc thiết lập nền Triết học duy lý Tây phương thế kỷ 18 (xem Cửa Khổng hai chương cuối).
Lão: quyển Đạo Đức kinh đã gây một tiếng vang sâu đậm trên tri thức nhân loại. Zenker đã có thể viết “Lão Tử a fait sur l’esprit européen dès le premier moment une impression profonde et durable à cause de son caratère intemporel et de son rigorisme éthique. Nous voyons en lui un guide vers la renaissance morale qui doit précéder tout renouvement social: il est la vox clamantis in deserto (tiếng kêu trong rừng). Lão Tử n’a pas vécu seulement pour la Chine et pour son époque, il est un des maitres les plus pur et les plus profonds de l’humanité” (Histoire de la Philosophie Chinoise p.108)
Phật: nếu xét như một nền nhân bản có thể thu hút được nhiều cảm tình, có nhiều liên hệ với khoa tâm lý các miền sâu (xem bài A.Barreau trong Présence du Bouddisme).
Dĩ vãng cũng như cận đại đã có thành tích như vậy, nên ta có quyền đặt tin tưởng vào tương lai tam giáo xét như là một nền triết lý nhân sinh, cũng như là một nền nhân bản vừa tinh tuyền vừa toàn diện, tức là những điều kiện đáp ứng được nguyện vọng của nhân loại hai thế kỷ sau cùng đang biểu lộ ở văn hóa Liên hiệp quốc, trong viễn tượng đặt nền văn hóa trên nhân bản để tìm cho nhân loại một nền tảng thống nhất. Vì thế ta hiểu tại sao trong cả ba lần hội nghị quốc tế triết lý, Tam giáo Đông Phương đã chiếm đuợc địa vị danh dự (xem quyển Essays in East West Philosophie par Charles A. Moore).
6.      Hướng học tập
Tìm cho nhân loại một nền móng tinh thần thống nhất.
Đấy là một mục phiêu cao thượng quý hóa xiết bao, rất đáng làm hứng khởi mọi tâm hồn quảng đại bao la, rất thích hợp với ý hướng triết lý Nho giáo nhằm “an bang tế thế” (trị quốc bình thiên hạ). Tuy nhiên học về Tam giáo cũng có ba bảy đường, y như trong thực tế tam giáo không phải chỉ có tạo nên được bầu khí tương dung tốt đẹp như vừa kể trên, mà trái lại cũng đã gây ra những vụ xích mích, bách hại, đả kích nhau. Bức họa vẽ Phật pháp trên tòa sen. Lão tay cầm sách Đạo Đức Kinh tay luyện linh đơn trong lò bát quái, đang khi đó Khổng lòm còm dưới đất như trẻ con, là một bằng chứng. Bên Lão Trang thì tràn đầy những bài đả kích nhân nghĩa của Khổng Nho. Bên Nho cũng không chịu kém như ta có thể thấy chẳng hạn trong bài thơ “Phật thị thuyết pháp, Lão thị đàm kinh, Khổng Tử kiến chi, tiếu nhi truỵ địa” == họ Phật giảng pháp, họ Lão bàn kinh, Khổng Tử xem thấy, cười lăn ra đất”. Đó là những nét đen làm hoen ố bức tranh tương dung mới nhắc tới ở trên.
Nguyên nhân tại đâu? Xét ra thì tại những học giả, những con đạo đã gây nên những bóng đen đáng tiếc kia, đã không hiểu đúng hay ít ra không giữ đúng được cái ý nghĩa uyên nguyên của chữ Đạo, chữ Giáo như chúng ta tìm thấy ở đầu chương. Nho thì đâm ra tầm chương khoa cử. Thích thì đi về tôn giáo, còn Lão chuyên về huyền đạo. Nhân đó đâm ra khích bác nhau. Rõ ràng là đồng minh trong triết lý mà cạnh tranh trong tôn giáo. Vì vậy cần thiết phải nhắc lại để quy định cái hướng học hỏi của chúng ta. Trên ta thấy có bốn nấc của nghĩa chữ đạo chữ giáo, thì trong việc học hỏi ta cũng có thể chia ra bốn nấc tương đương.

1)        Đợt cuối cùng phải kể đến là đám danh học, hình học mà người tiêu biểu là Huệ Thi với câu phê phán của Tuân Tử: “Huệ tử tế u từ nhi bất tri thực”. Huệ tử vướng mắc ở lời nói nên không nhìn ra thực tại. Phải xếp vào hạng này các thứ học từ chương, huấn hỗ, những người chuyên về văn nghệ duy mỹ dễ bị cái tội tế ư từ này, Tây Phương kêu là duy từ ngữ (terministers). Đấy là cái học của “loài ve, kêu suốt mùa hè, đến lúc gió lạnh thổi, nguồn cơn thật bối rối”, bởi vì xem vào sở học thì toàn hư từ rỗng tuếch. Với họ cần nhắc lại khẩu hiệu “từ đạt nhi dĩ hĩ” (res et non verba: cốt sự mới quan trọng chứ không phải là hư từ).
2)        Đợt trên một chút có thể xếp hạng học duy tư, duy niệm (conceptualistes) mà Khổng cho là “tư nhi bất học tắc đãi”. Suy tư suông mà không thực học (ý nghĩa chữ học của Khổng) thì nguy lắm. Đấy là cái học mọt sách, chỉ chú ý học mà không chịu xem cái học đó có hướng đến cái gì ơn ích chăng, thật không ăn nhằm chi với đạo nhân sinh của thánh hiền, mỗi lời nói ra là để cứu dân khỏi cảnh lầm than cơ khổ.
3)        Đợt cao hơn chút nữa là bám lấy một tôn giáo tư riêng, rồi lấy danh từ lý sự mà tranh hơn tranh kém, đạo này cao đạo kia thấp. Khổng Tử trách Tử Cống phí thì giờ so sánh ông này thấp ông kia cao (Tử Cống phương nhơn… XIV. 31). Những con đạo này càng đông thì bầu khí bất tương dung càng trở nên ngột ngạt nặng nề, chỉ cần xem chính bản thân của họ: cuồng tín, hẹp hòi mà hết muốn xét tới cái đạo của họ giữ. Vì với hạng đó thì đạo nào cũng chẳng làm họ trở nên đại độ bao dung được (phi đạo hoằng nhơn).
Lục cửu uyên than:
“Đạo lớn bị người làm nó ra nhỏ
Đạo công tự người làm nó ra tư
Đạo rộng tự người làm nó ra hẹp”
 
Đạo đại nhơn tự tiêu chi
Đạo công nhơn tự tư chi
Đạo quảng nhơn tự hiệp chi
Chữ hán
Mấy thứ đạo câu chấp nhỏ nhen đó mà người tri thức để cho ngoai ra ở đâu thì có ngày chiến tranh tôn giáo bùng nổ ở đấy. Chúng ta nên trung thành với Truyền Thống mà coi óc bất tương dung như dấu chứng những người đó không đủ khả năng cảm nghiệm được tinh thần của đạo. (L’intolérance est considéré comme une inaptitude à l’expérience religieuse. Herbert, 92). Lão Tử nói “Tri Thường Dung”. Người biết được đạo Thường Hằng thì có bụng bao dung. Bởi cái Đạo đó đã đạt tới cái độ Viên Mãn mênh mông, không còn bị lệ thuộc vào những cái nhỏ nhen câu chấp. Chúng ta phải cố gắng đừng để vướng mắc vào một trong những lối học ở trên dù là từ hay tư hay giáo, vì tất cả sẽ làm cho hết còn thấy thực chất của Đạo “tế ư từ, tế ư tư, tế ư giáo nhi bất tri thực”. Học kiểu văn nghệ sĩ, văn học (từ) tôn giáo (Phật giáo, Lão giáo) đều không phải triết lý nên dễ mắc ứ đọng.
Muốn tránh những bế tắc đó, muốn có thể “hoằng đạo” == làm cho cái đạo ta theo trở nên rộng lớn, thái công, bao la thì cần chúng ta phải đem hết chú ý nhằm vào đối tượng của Minh Triết là Tính và Mệnh.
Gắng sức nhấn mạnh vào Tính lý Đại đồng và tính chất bổ sung trong phương tiện. Xin trích câu nói của Tôn Hoàng Đế (1163-89) rằng: “Dùng Phật giáo mà trị Tâm; dùng Đạo giáo mà trị Thân, dùng Nho giáo mà trị Thế.” Điều này tuy đã bàn ở trên, nhưng vì khuynh hướng đi trật đường hãy còn rất mạnh, nên xin nhắc lại đối tượng đó, đối tượng của Đạo của cái đức thiết yếu để đắc đạo bằng một đoạn văn khác của sách Trung Dung.
Đức đó là Thành là Trung, Đạo đó là Tâm là Tính.
Vì thế mới nói “doãn chấp kỳ trung”. Phải tín thuận phải trung với cái tâm của mình trước nhất. Chu Hy giải thích chữ trung là “tận kỳ chi vị trung”. Trung là sống cho tận cùng cái kỷ hiểu là đại ngã tâm linh nơi mình. Creel dịch rất sát là “to be true to the principles of our natures”, sống trung thực với những nguyên tố cấu tạo nên Bản tính chúng ta. Chữ Trung ở đây lót bằng chữ tâm nó đứng trên chữ tình mà dưới chữ tính. Với tính ta phải dùng một động từ khác là thành. “Duy thiên hạ chí thành, vi năng tận kỳ tính, chữ hán” (T.D. 22), chỉ có bậc chí thành mới hiện thực hết được cái tính. Chữ tận đây dịch là biết chưa đủ, phải có một động từ nào nói lên sự biết toàn vẹn đến nỗi chủ tri và thụ tri trở nên một. Chữ tận giống như chữ xuất trong câu “xuất tính chi vị Đạo”. Muốn nhấn mạnh cái trình độ trung đến cực điểm, để không còn chỗ nào so le trống hở, đến nỗi cả hai biến thành một đó, chúng ta nên viết hai chữ Trung Thành bằng chữ hoa, để phân biệt với những chữ thành chữ trung khác. Các chữ đó dầu khi có đối tượng chân chính đi nữa cũng mới chỉ là “phó sản” của chữ Thành chữ Trung trên, bởi vì chính nó mới chỉ là sự trung tín với lời nói nọ, với việc làm kia, thành thực đối với đạo này, người nọ tuy bấy nhiêu có thể là chân chính, nhưng đấy cũng mới là những đối tượng tư riêng, chỉ có giá trị khi hướng theo đối tượng của hai chữ Thành, Trung viết lớn, vì ở đây nó nhằm vào tính phổ biến, nên người đã chí Thành thì cũng trở nên một với phổ biến không còn bị lệ thuộc vào cái chi tư riêng nữa nhưng trở nên bao la man mác đến nỗi sách Trung Dung cực tả bằng câu “chí thành như thần” (T.D. 22). Bậc chí thành thì giống như thần nghĩa là mênh mông u áo có đấy mà cũng có đây: khắp hết y như trời nên gọi là Thiên Đạo “Thành giả Thiên chi Đạo dã, chữ hán” (T.D 20). Bậc chí thành là Thiên Đạo khác hẳn với những cái thành tư riêng đã nói trên vì ở đó chưa có sự hòa đồng. Giữa đạo với người thành còn một khoảng cách, chưa đạt độ tận kỳ tính; muốn nối lại phải thêm chữ Chi để chỉ thuộc về “thành chi giả, nhơn chi đạo dã” (T.D. 20), người đã có lòng thành (chưa hẳn là Thành) thì mới là nhơn đạo. Chữ chi ở đây trỏ vào một cái thân ngoại vật “hay nói theo danh từ triết Tây là đối tượng== objet, chỉ một vật gì đã vất ra đấy “jectum” ở đàng trước mặt ob (objet), nghĩa là giữa mình và vật có một quãng cách, sách nho gọi đó là khúc, nghĩa là đã bị xa lìa cong vạy nên gạt xuống bậc nhì và dùng một động từ có tính cách rất “hiện sinh” là “hữu” mà chỉ thị y như G.Marcel trong Être et Avoir (avoir là có cái gì còn Être là trở nên cái gì). Vì thế Avoir kém hẳn Être. Avoir est décrit comme déchéance de l’être, comme une non coincidence avec l’être. Tramf. 4, p.124), thì đây Trung Dung cũng cho Hữu vào bậc thứ nhì sau Thành “kỳ thứ trí khúc, khúc năng hữu thành, chữ hán”, sau hạng Thành thì đến hạng Khúc, hạng Khúc có thể chiếm lấy (avoir) được Thành (T.D. 23). Chiếm lấy là tỏ ra mình chưa là (être) cái ấy, mới phải tìm cho có. Học giả Couvreur đã dịch câu trên rất sát bằng tiếng La Tinh: quod non est rectum potest accipere integram bonitatem “une nature défectueuse peut devenir parfaite”. Câu tiếng Pháp không sát bằng câu La Tinh vì chữ accipere có nghĩa chiếp lấy, nên mạnh mẽ hơn chữ devenir, tuy vậy còn giữ đủ ý và cũng giúp cho ta hiểu câu “tu Đạo chi vị Giáo” ở đầu chương. Tác giả sách Trung Dung lại quảng diễn thêm “tự Thành minh vị chi Tính. Tự minh thành vị chi giáo, chữ hán” (T.D 21). Tự nhiên mà thành thì gọi là đạo, hợp với câu “xuất tính chi vị đạo”, nhưng lúc Tính đã bị che khuất đi phải soi sáng phải minh giải mới hiểu ra đê mà thi hành thì gọi là giáo (tự minh thành vị chi giáo), cùng nghĩa với câu “tu Đạo chi vị Giáo” ở trên. Một ý mà nói nhiều kiểu giúp ta thưởng thức được làn tư tưởng tuy nhất quán nhưng rất phong phú và sâu thẳm, cả hai câu đều nói lên Thành giả == Être, Thành chi giả == Avoir. Avoir không bằng Être. Thành chi giả không bằng Thành giả. Vậy cần phải xóa bỏ chữ chi đi, dĩ nhiên không phải trong câu văn, nhưng trong bản thân của mình. Điều đó sẽ có nghĩa là phải xóa bỏ mọi quãng xen kẽ, nghĩa là tẩy trừ những cái tư riêng môi giới, những cái đó có rất nhiều, đội lốt muôn vàn tên nhưng quy ra hai mối là tham dục hay tư lợi tư dục. Cần phải bỏ những cái tư đó mới tới chỗ đồng nhiên của nhân loại, mới mong kiến tính và xuất tính.
“Chữ kiến Tính cũng là Xuất Tính. Trong ống nhòm đổ tiếng hư vô” (Nguyễn Công Trứ)
Chữ kiến Tính của nhà Phật, chữ Xuất Tính của nhà Nho. Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng xét đến chỗ rốt ráo cùng cực (trong ống nhòm) tức là xem vào chỗ tập trung then chốt thì cũng cùng một tên đều phải đi qua một con đường hư vô. Hư vô ở đây có nghĩa là làm cho mất đi, biến đi những cái gì tư riêng hạn hẹp. Phật sẽ đưa ra thuyết Thái hư với những phương châm diệt dục để diệt tận gốc rễ những tư dục làm cho hiện diện “Như Lại” tinh ròng như chưa bị tì ố, đó là cái tính bản nhiên linh diệu. Còn Khổng lăn lộn vào đời mà cũng hiện thực được bốn bước vô (IX. 4) “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”, nghĩa là cố trút những cái tư riêng có thể cản ngăn hay bẻ quặt sự Thành Trung của mình vào nẻo ngang trái, để đưa đi Trung Thành với những cái đâu đâu mà không phải Trung với Tâm và Thành với Đại Ngã tức là Tính. Mà Tính với Mệnh, với Thần là một… tất cả đều trỏ vào một thực thể u thâm nhưng lại cực kỳ quang minh linh diệu và ở ngay trong thâm tâm của ta.Tất cả chương trình cùng mọi phương tiện học hỏi đều phải thiết tha nhằm vào việc làm sáng tỏa ra cái đức Minh đó. Đấy mới thật là cửa của Đạo học mà Kinh Dịch nói là: Thành tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn.
CHƯƠNG VI: MẤY Ý NIỆM VỀ VĂN HOÁ ĐÔNG PHƯƠNG CẦN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH
1. Trình độ văn hóa khác với bản chất văn hóa
Nói đến duy trì những giá trị truyền thống, phát huy văn hóa Âu Châu… ta thường gặp thấy những mối e ngại ngấm ngầm, chẳng hạn văn hóa Á Châu có tính cách tĩnh chỉ, thiếu tiến bộ, nay khôi phục lại có khỏi làm ngăn trở việc tiến gấp rút của nước nhà chăng.
Và dưới con mắt nhiều người, những ai đang cố gắng tài bồi cho nền quốc học, chấn hưng văn hóa Đông Phương, đã không gặp được sự nâng đỡ, lại thường bị coi là lạc hậu. Đó là một tình trạng có hại cho tiền đồ văn học, nhưng ít người nhận ra bởi những sự kiện lớn lao chua xót đập vào mắt, tức là tình trạng các dân tộc Á Châu vì chậm tiến nên bị đè bẹp trước sức mạnh của các nước hùng cường Tây Phương. Điều đó chỉ có ai loạn óc mới dám nghĩ đến chuyện chối cãi. Phương chi sách vở đều đồng thanh một giọng như vậy cả. Ông Tennyson viết “năm mươi năm của Âu Châu còn có giá trị hơn cả một chu kỳ của Cathays”. Mieux vaut cinquante ans d’Europe que tout un cycle de Cathay (thời Trung cổ người Tây Phương gọi nước Tàu là Cathay).
Những câu nói kiểu đó có một phần sự thật, nhưng quá đơn sơ, không đủ bao hàm một tình trạng phức tạp hơn nhiều. Nietzsche có lần đã viết “không gì nói dối bằng sự thành công”. Quả thật văn minh cơ khí là một thành công cực kỳ vĩ đại, nhưng chính vì thế nó cũng đã là một lời nói dối khổng lồ, làm cho ta quên đi rất nhiều chân lý; nó là một môn bài che đậy biết bao lời ngộ nhận mà không mấy học giả tránh khỏi khi phê phán về văn hóa Á Châu; nó khiến nhiều người sống yên hàn với một mớ ý niệm đã lỗi thời mà không nghĩ đến kiểm điểm lại, còn lên mặt ngạo đời. Ở đây chúng tôi thử làm chuyện đó bằng đưa ra một số sự kiện ít được nhắc tới và vì thế loan tin trước là sẽ không đẹp đẽ cho lắm, chúng tôi thấy bất đắc dĩ phải làm thế để mong phần nào lập lại thế quân bình cho sự phê phán xưa nay thường oan uổng quá nhiều cho nền văn hóa Á Châu. (La pensée chinoise. Granet. tr 27 có nhắc tới sự bất công này. Nhiều tác giả cũng nói đến: Creel, Needham, Zenker, Forke…)
Sự oan uổng đó không cần minh oan chút nào nếu đấy chỉ là vấn đề thể diện. Nhưng nhân loại hiện đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần, mà xem ra văn hóa Á Châu có thể giúp vào việc tìm ra ngõ thoát. Do đó sự lên tiếng trở nên cần thiết.
Lẫn căn nguyên. Căn nguyên đầu tiên của sự bất công đó là tại người ta đã quy công cho văn hóa Âu Châu tất cả những sự hào nhoáng của giàu sang “giàu có sinh lễ nghĩa”, những lễ nghĩa đó người ta gán cho văn hóa, nhưng thực ra chính giàu sang tô điểm cho văn hóa.
Điểm này ít được nhận ra bởi nó tinh vi; đàng khác vì giàu sang và văn hóa liên hệ nhau rất mật thiết, “chính giàu sang làm nảy sinh văn hóa”. Đó là luận án của giáo sư Clough đại học đường California nhan đề “Grandeur et décadence des civilisations”. Payot. Điều nhận xét này giúp ta có một ý niệm đúng đắn về tính chất của mỗi nền văn hóa, nên cần được lưu ý. Đây là một thí dụ rất thông thường:
Hai người Việt Nam một thuộc thượng lưu trí thức, một ở bậc nông thôn thất học. Ta thấy ngay một đàng lịch thiệp, ăn nói lý sự, khéo léo, cử chỉ có thể hào hoa phong nhã… một đàng quê kệch, nói năng vụng về thô thiển, cử chỉ co rúi rụt rè… Trong trường hợp này không phải nói ai cũng đồng ý, đó chỉ là chuyện khác trình độ học thức gây ra do giàu nghèo, chứ không phải do tính chất văn hóa, bởi cả hai người cùng ở trong một nền văn hóa Việt Nam. Câu chuyện đơn sơ là thế, nhưng nó sẽ hết đơn sơ khi người giàu kia là Tây còn người nghèo nọ là Đông. Lúc ấy sự phán đoán sẽ không chỉ còn là trình độ học thức mà nó sẽ lấn sang phạm vi tính chất văn hóa Đông Tây không nhiều thì ít, nhất là phạm vi ảnh hưởng giàu sang và văn hóa rất mật thiết. “Miệng nhà sang có gang có thép: Tây giàu bộn nên miệng có cả vàng!” Vì giàu mà số người được học bên Âu Mỹ giàu gấp trăm lần bên ta, văn hóa thêm biết bao cơ hội tiến bước. Việt Nam năm nay (1960) được lối 12000 sinh viên tức trong số 1000 dân thì có 1 sinh viên. Đang khi năm 1948 bên Mỹ đã có 160 sinh viên (theo tài liệu Civilisation de 1960 của Fourastié). Nay chắc còn đông hơn nữa. Nói số tròn: chênh lệch nhau từ 1 đến 200. Về phương diện khác cũng thế, chẳng hạn bên Mỹ có 1200 dàn nhạc đang khi bên ta một dàn cũng còn dở sống dở chết. Sự khác biệt đó sẽ gây lầm tưởng về tính chất văn hóa Đông Tây không sao kể xiết. Một thí dụ: người ngoại quốc ở Sài Gòn thường phàn nàn không thể tìm được cái gì để tiêu khiển khả dĩ ứng đáp được trình độ của họ, đang khi đó ta có những bản nhạc sáng tác rất công phu vẫn nằm chình ình kia, không sao tìm ra được nămba triệu để đưa ra trước công chúng. Nếu tìm ra được số tiền đó, những du khách đến Việt Nam lúc trở lui sẽ có thể mua thêm ít đĩa hát, để khi trở lại quê nhà thư thả bỏ ra nghe lại những nhạc điệu xa xôi, bấy giờ họ dễ dàng thưởng thức những nét nhạc tinh vi của Việt Nam. Các bộ môn khác cũng thế: quan niệm của họ về văn hóa đối với nước ta sẽ khác hẳn với tâm trạng hiện nay qua những lời phàn nàn nhắc trên…
“Cái khó bó cái nhạc, nó bó hội họa, nó bó triết học, nó bó văn nghệ…” và cái nghèo không cho nảy nở biết bao mầm mống nhân tài. Với người ngoại quốc ta đành nuốt tủi không sao nói lên được, nhưng với người cùng hội cùng thuyền, cũng nên phân tích như thế, biết đâu lại không động tới những người có thể thành Mạnh Thường Quân… Dầu sao cũng là để khỏi thất vọng về tính chất văn hóa của ta: tại nghèo hơn là tại tính chất văn hóa kém.
2. Nếu hỏi: không kém sao lại không tiến bộ để giàu sang được như người thì lỗi ấy tại văn hóa chứ còn tại đâu?
Thưa rằng chưa hẳn như thế, cứ xem như nước Nhật cũng cùng ở trong một đại gia đình văn hóa với Tàu và ta, vậy mà trong ba mươi năm đuổi kịp đà tiến bộ của các nước Âu Châu đi trước hơn một trăm năm. Vậy không phải do văn hóa cho bằng do nhà cầm quyền không thức tỉnh kịp thời. Một nền văn hóa tốt đẹp đến đâu, nếu guồng máy quốc gia bị giao phó vào tay một người vô tài mà lại độc tài, thì đủ làm hư cả vận mệnh một nước một châu, đến khi thức tỉnh thì đã bị trói lại để làm đà tiến cho người. Những cái đó ta gọi là sự may rủi của nước; nói theo kiểu xưa là số mệnh. Chế độ nào cũng có thể xảy ra, Tây cũng như Đông; việc nước văn minh hơn bị thua nước kém văn hóa là chuyện xảy ra thường xuyên trong lịch sử. Mông Cổ không văn minh thắng Tàu, Roma ít văn minh thắng Hy Lạp là tổ văn minh… và nếu xem cổ sử thì hầu như đó là một luật: Sumérie bị Babylon, Babylon bị Assyrie, Assyrie bị Crète, Crète bị Hy Lạp. Nước thắng là man rợ dùng võ lực. Đến khi nước đó trở nên văn minh lại bị đợt man rợ sau… cứ thể để văn minh thêm sinh khí tiến dần. Cho nên ta thua Tây cũng là chuyện không có gì lạ lắm (Civ. III. 329) (1)
(1) Viết tắt, chỉ bộ Histoire de la Civilisation của Will Durant và được ghi rõ số La Mã theo thứ tự bản dịch nhà Payot.
Còn chuyện đói khổ, thì đó là cái nạn chung cho loài người, may ra rồi đây nhờ khoa học sẽ thanh toán nổi chăng; chí như trở về trước thì chẳng nền văn minh nào thoát cả. Đây hãy nói riêng về Âu Châu mà ta thấy phong phú dư dật như nay, trước kia cũng đói khổ như các nơi: giữa khoảng 970 đến 1100 có 60 trận đói đã sát hại người bên Pháp… Không một người nông dân nào bên Anh có thể quên được những trận đói trong các năm 1086 và 1125. Giám mục thành Trèves thế kỷ 12 lấy làm kinh hoàn trước cảnh tưởng nông thôn là đói giết ngựa để ăn thịt (Civ. IX. 272). Ông Fourastié cho biết Âu Châu cũng mới thoát nạn đói từ thế kỷ 19. Tác giả kể chuyện những người trong họ ông hằng ngày đi làm ngoài đồng bao giờ cũng chỉ được một lạng rưỡi bánh khô và một củ hành luộc. Chính bố ông là người đầu tiên trong họ được ăn no ngoài những ngày cưới xin đình đám. Tác giả tính đổ đồng thì mức sống năm 1900-1931 cao hơn 10 lần mức sống những năm 1800-1831. (Civilisation de 1960 de Fourastié p.12).
Về cách ăn thì thường ăn bố, cứ hai người ăn cùng một đĩa, uống cùng một ly. Đồ ăn chưa có cách ướp lạnh nên thường có hơi, do đó người ta ưa dùng đồ gia vị để át mùi. (Civ. XII tr.356).
Đã nghèo đó thì khó thoát được nạn bẩn thỉu. Chỗ ở người nông nô thời trung cổ thật là hôi hám và chật chội; nhà thường bằng tranh có một gian, họa lắm mới được hai gian, đồ ăn thức đựng làm bếp để cả trong nhà; dưới đất có một cái ổ bằng lông với rơm rạ, tất cả nhà nằm chung lộn trong đó, kể cả khách… (Civ. XII tr.270). Bên Pháp và Anh người ta ngủ trần truồng trong mọi giai cấp” (Civ. XII p.339). Những đêm đông giá lạnh người ta thường đem các giống vật (bò ngựa) vào nhà để thêm hơi ấm (id tr.274), gần nhà là một đống phân, tất cả vật cũng như người trong trại đều đóng góp vào đó. (Civ. XI tr.271). Bẩn đến nỗi có nhiều câu chuyện kể rằng quỷ Satan phải đuổi người nông nô ra khỏi hỏa ngục, bởi chính quỷ cũng không chịu thấu mùi (Civ. XII tr.276). Trong thế kỷ 14 ở Paris, người ta thường đổ bình đêm tuột xuống phố qua cửa sổ, chỉ báo hiệu bằng một câu vắn “ý tứ nước” (gare! L’eau). Nhà cầu là một món xa xỉ. Người ta thường tự tiện ngay ra ở sân trên chân thang hay ngoài ban công, ở điện Louvre cũng thế. Sau trận dịch tễ năm 1531 có chỉ thị buộc mỗi nhà ở Paris phải có nhà cầu nhưng chỉ thị cũng không được áp dụng luôn.
“Bởi túng ăn và bẩn thỉu là duyên cớ cho những trận dịch tả nhiều hơn mọi kỳ trong lịch sử”. Dịch vàng xảy ra năm 550 và 664 giết hại đến 2/3 dân số Islande. Bên Anh cũng bị những trận như vậy ở thế kỷ 6, 7. Pháp Đức bị dịch đốt ruột gọi là mal des ardents những năm 994, 1043, 1130. Còn nhiều bệnh khác như bệnh tóc (plica polimica) người ta hay quy căn cho đủ thứ, nhưng hầu chắc là tại dân ở chen chúc trong những thành tường xây bít kín, điều kiện vệ sinh sạch sẽ hết sức thậm tệ (lamentable), số trẻ con chết không có thống kê nhưng chắc phải đến 50% (Civ. XII tr.549).
Xem như thế không nên quá nặng lời trách các tiên hiền của ta là không lo cho dân no đủ. Nếu so sánh kỹ ra thấy tiên hiền Đông Phương còn thực tế gấp mấy lần các triết gia Hy Lạp chẳng hạn. Ngay từ bài cảo luận đầu tiên về triết học Đông Phương, tức thiên Hồng Phạm trong kinh Thư đã lộ rõ dấu lo lắng đến vấn đề dân sinh. Trong 8 điểm nhà cầm quyền phải chú trọng thì “nhất viết thực (ăn) nhị viết hóa (Couvreur dịch là les commodités de la vie)… bát viết sư (quân dịch, để cuối cùng). Mối lo âu này sẽ thấy xuất hiện nơi Khổng Tử “thứ, phú, giáo” phú đi trước giáo và cách rành rẽ nơi Mạnh Tử… Nhưng lúc ấy mức tiến hóa nhân loại chưa đi tới giai đoạn khoa học kỹ thuật, nên loài người chưa đủ sức chống nạn đói. Tôi nói tiên hiền thực tế hơn triết gia Hy Lạp, vì bên đó có chế độ nô lệ nên coi khinh miệt việc chân tay. Ngoài khoa hình học thành công, còn thì toàn là triết học kiểu văn nghệ bên ngoài đời sống. Mãi tới thời Archimède mới khám phá chút ít, nhưng cũng là học suy lý. Máy trục và bắn đá ông làm ra, nhưng không có ghi lại, ông cũng như tất cả trí thức thời đó vẫn coi việc tìm lợi ích thiết thực và cơ khí là đê tiện bẩn thỉu (ignoble et sordide). (Civ. VI p.229)
3. Căn cứ thứ ba người ta cho rằng chỉ Âu Châu mới có khoa học, còn các nền văn hóa khác không có.
Nếu có một vài sáng chế thì cũng chỉ là thường nghiệm (empirique) chứ không có khoa học như văn hóa Âu Châu. Câu nói này rất dễ được chấp nhận. Khoa học hiện có đó rồi, nó là sự nghiệp vĩ đại của Châu Âu, nên sự giải nghĩa có sai thù để tăng cường uy tín và vinh hiển cho Âu Châu, thì ai cũng lòng chấp nhận, khỏi cần tranh luận. Có nhiều hoạt động khác hứng thú ơn ích hơn là việc cãi cọ nhỏ nhen nọ. Nhưng ta không thể chấp nhận thái độ nhường nhịn và tặng khen một khi giải nghĩa đó “phong thánh” luôn cho những yếu tố tai hại của văn hóa Tây Âu như cổ động đa dục, tuyên dương óc độc chiếm, khuyến khích buông lung… bởi chính đó là những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng ngày nay. Vì thế mà chúng tôi thấy cần đặt lại vấn đề và không ngần ngại phản đối những tư tưởng gia mà chúng tôi ưa chuộng về phương diện khác. Chẳng hạn triết gia Jaspers trong quyển Sens et l’Origine de l’histoire (tr 82) có đưa ra 9 lý do để phóng đoán tại sao khoa học lại phát triển bên Âu, đại để như sau:
1) Vị trí địa dư tạo nhiều sự tiếp xúc giữa các văn hóa khác nhau.
2) Tự do chính trị
3) Lý trí vô biên
4) Ý thức về tự do nội khởi.
5) Người Âu lấy thế giới khách quan làm dữ kiện đầu tiên.
6) Nhưng không dồn quan niệm về vũ trụ vào một công thức có tính cách giáo điều cứng nhắc (!)
7)        Óc độc hữu, nhân đó có sự căng thẳng.
8)        Luôn luôn đi tới cùng cực, đi tới mẹo trừ.
9)        Bởi vậy có những nhân vật độc đáo. Và họ không thể muốn con người toàn diện.
Trong 9 lý do trên chỉ có lý 1 và 3 là có thể chấp nhận phần nào; lý 2, 4 sai thực tế phiền tạp… ngoại giả là không chắc mà còn có thể gây hại như: lấy một sự bất lực (đi tới con người toàn diện) để như khuyến khích những sự đi quá trớn. Tất cả những điều này tôi nêu lên mà không quảng diễn ở đây vì dài quá sẽ làm nơi khác (xem Nhân Bản). Chúng tôi chỉ ghi nhận một điều  là ở dưới trang 96, tác giả có viết “vào quãng năm 700 nếu một du khách từ hành tinh khác đáp xuống trái đất thì có lẽ họ sẽ cho Tràng An- kinh đô Tàu lúc đó- là trung tâm tinh thần của thế giới chúng ta, Constantinople là sự sống sót của một dĩ vãng đáng để ý; còn phần bắc Âu Châu là miền mường rợ. Quãng năm 1400 đời sống cả ba nơi Âu Châu, Ấn Độ, Trung Hoa tới mức độ như nhau. Nhưng sự đóng góp của thế kỷ 15, tức việc khám phá ra thế giới mà Âu Châu sắp in con dấu của nó lên trên, đặt ra… một sự cắt đứt (rupture). Sự tuyệt giao, sự cắt đứt này là một câu đố mới. Vì cho tới đó đã không có sự tiến triển rõ rệt và đều đặn… Và cho tới thế kỷ 19 thì xảy đến sự cắt đứt hẳn với dĩ vãng thuộc lịch sử và một tương lai hãy còn chưa thể thấu suốt được. Một lần nữa ta lại hỏi yếu tố không thể gọi tên ra đó là gì? (trg 97).
Nói không thể gọi tên, vì thật là phiền tạp và bí nhiệm nên những sự thử gọi tên chỉ là đoản phóng hết sức đạc chừng. Bí nhiệm vì có những điều khó biết tại sao khoa học được phát sinh bên Cận Đông (Hy Lạp chỉ tiếp tục một đoạn thường lệ) và được Cận Đông dẫn tới chỗ nảy nở lại bị Mông Cổ đến tàn phá. Tại sao Âu Châu tự nhiên lại thoát ách Mông Cổ (tự nhiên vì Âu Châu không có làm gì và khó có thể chống đối nổi Mông Cổ). Những câu đó khó lòng ai giải đáp, nên ta cho là khuyết nghi, hoặc thuộc Thiên mệnh. Và như vậy bao sự giải nghĩa chỉ nên coi là những ý kiến bấp bênh còn đang đi tìm một lời đáp, chưa nên coi là sự thật. Thực ra nếu khoa học đã phát nguyên bên Ấn Độ hay nhất là bên Ả Rập thì sự giảng nghĩa nguyên do còn có lý gấp ba lần là ít. Đây là những lý do: 1) Yếu tố khoa học của Hy Lạp được vun tưới và nảy nở bên Ả Rập hơn bên Âu Châu. 2) Những phát minh nhiều nơi được tiếp nhận trước hơn, thí dụ hệ thống toán số của Ấn Độ, phép in, giấy, thuốc súng, kim chỉ nam của Tàu. 3) Và nhất là bầu khí tự do phóng khoáng hơn bên Âu Châu nhiều lắm. Cho nên vào những thế kỷ VII- XII, văn minh Ả Rập đã tiến xa hơn Âu Châu rất nhiều và chính nhờ những dịp tiếp xúc trong các lần thập giá binh hay dịp khác mà Âu Châu du nhập được của Ả Rập nhiều kỹ thuật chẳng hạn khoa thiên văn (Civ. XII, 589), phép tinh luyện kính “Venise”, phép làm kính để thấy vật xa coi gần và cả kính đeo (ông Will Durant nói có lẽ nguồn gốc do người Tàu “ai tai”, Civ. XII. 539), nghề làm kim khí, máy kéo nước chạy bằng gió (Civ. X. 418), các thứ đồ ăn, đồ uống, thuốc, khí giới, quan niệm mỹ thuật, kỹ thuật, buôn bán,  phương pháp vượt bể và nhiều khi cả danh từ một trật như orange, sucre, sirop, élixir, azur, bazar, tarif, douane, magasin, barque, câbe, algèbre, zéro, chiffre, alambic, zénith, almanach… người ta tính ra lối 1000 chữ do tiếng Ả Rập và hơn 100 sách Ả Rập dịch ra La Tinh (Civ. X. 434). Các thứ vải: gấm, lụa và luôn cả nghề nuôi tằm kỹ nghệ lọc đường, phép lát đá đường do vua Fréderic II thâu nhập. (Civ. XII. 55). Các nhà khoa học Musulman hầu hết lúc đó đã nhận ra là trái đất có hình tròn. Ngay năm 1081 Sandi đã làm bầu trái đất bằng đồng và những công trình nghiên cứu của Ishak-al Bitruyi đã mở đường cho Copernic (Civ. X 419) sau này… Cho nên nếu Musulman không bị tàn sát và phá huỷ đến tận nền móng về văn hóa, kinh tế, nhân sự, thì rất có thể khoa học đã xuất hiện trên mặt đất trước ít thế kỷ bên đất Á-Phi.
Nhưng trời hình như có ý dành danh dự này cho một giống ngừơi mới xuất hiện sau bên Âu Châu. Con đường thiên mệnh trong việc chạy đuốc văn minh coi như được quy định rõ rệt. Mông Cổ đã tàn sát Musulman một cách ghê sợ: thành Mery bị tiêu diệt với 1.300.000 dân. Thành Ravy với 3.000 chùa (mosquée) bị bình địa. Bagdad với những thư viện mênh mông và bao kho tàng tích luỹ cũng tiêu sách với 800.000 dân. Không khi nào thấy trong lịch sử một nền văn minh bị tàn sát tận gốc như vậy. Cầu cống đê điều bị phá vỡ hoặc đúc lại… Chính vì đó chứ không phải tại khí hậu thay đổi đã cướp mất quyền chỉ huy thế giới của Tây Á từ 5 thế kỷ (700-1200) mà từng trăm thành rực rỡ của những xứ Perse, Syrie, Mésopotamie, Caucase, Tranxosiame bị đẩy vào thảm trạng đói khổ cùng cực và ứ đọng trong thời mới (Civ X. 433). Cũng may đuốc khoa học đã kịp trao sang Âu Châu và sống hoi hóp trong ba bốn thế kỷ cho đến thời Phục Hưng. Trong khi chờ đợi “suốt qua thời Trung Cổ bên Âu Châu khoa học và triết học được triển khai trong bầu không khí thần thoại, truyền thuyết, phép lạ, điềm báo, ma quỷ, sự lạ, pháp môn, chiêm tinh, bói toán, đồng cốt (Civ XII. 524).
Và không phải mỗi phát minh được đón nhận dễ dàng tức khắc. Chẳng hạn hệ thống số Arabe… rất nhiều người công nhận là “phương pháp thần diệu của 9 con số Ấn Độ” (Méthode merveilleuse des neuf chiffres Indiens) thế mà năm 1929 người ta còn vận động để có luật cấm dùng, mãi tới thế kỷ 16 mới thay hẳn được số Roma (Civ XII. 532). Khi mấy thương thuyền bắt đầu dùng kim chỉ nam bị nhiều người nghi ngờ là họ làm phù phép, và không thiếu người từ chối bước chân lên những tàu bắt đầu trang bị bằng kim chỉ nam… (Civ XII. 540)
Còn biết bao nhiêu thành kiến làm cho bầu không khí bên Âu Châu khó thở; mãi cho tới đầu thế kỷ này mà Einstein còn phải phàn nàn: “phân tán một nguyên tử còn dễ hơn phân tán một thành kiến” thì đủ biết tại sao khoa học Hy Lạp bị nằm chết khô bên Âu…
4. Căn nguyên thứ bốn
Người ta quên đi hay không biết rằng việc phát minh khoa học là một sự kiện hết sức mới và đầy những chuyện bất ngờ… Việc tìm thì kể là khởi lên từ thế kỷ 16, 17; nhưng tìm kiếm một cách thật có phương pháp thì cũng mới từ ít chục năm nay. Người ta thường lấy niên hiệu xuất bản sách “Bàn về những sự chuyển vận của các thiên thể” của Copernic tức là 1643 làm ngưỡng cửa cho thời mới. Lấy Newton (1642-1727) làm mốc giới thời đại khoa học và Einstein là mốc những bước tiến vượt bực, tức là chung quanh hoàn cầu đại chiến thứ nhất. Bởi từ quãng đầu thế kỷ này mới có những sự tìm tòi thật khoa học còn trước kia hầu hết vẫn là mò mẫm kiểu rút kinh nghiệm (empirique); xem như một việc phát minh điện lực, linh hồn cho mọi cơ khí, thì đủ rõ. Mãi cho đến năm 1870 hầu hết người ta còn cho việc tìm tòi điện chỉ là trò chơi trong phòng thí nghiệm (amusette de laboratoire) chưa ai tin được điện sẽ có được những công hiệu vĩ đại như nay. Sự tình cờ sơ xuất đã là dịp cho nhiều khám phá quan trọng. Nhiều người còn nhớ con ếch của ông Galvani rung chân khi vô tình ông chạm vào ban công sau một ngày mệt mỏi thí nghiệm vô ích. Từ trường được khám phá do cái kim bỏ văng vãi trên bàn thí nghiệm của ông Oertedt. Sức chuyển động máy sinh điện được ông Fontaine nhận thấy do một cử chỉ lầm lẫn của người thợ. Tác giả phải nói (felix culpa: heureuse faute p.92) ông Edison là người phát minh ra bóng điện năm 1897 và bao nhiêu phát minh khác, một phát minh lớn nhất tới nay, lại là một người bán báo, vốn liếng tri thức chỉ là một kỳ tam cá nguyệt ở trường và hai năm trong phòng thí nghiệm cá nhân “đặt dưới hầm rượu của gia đình”.
Máy phát điện, một bước tiến rất quan trọng, được phát minh do ông Gramme một bác thợ lăng nhăng “bricoleur ou ouvrier en escalier” (Pierre Dexaux, Histoire de l’électricité, trg 65,74 và 92). Bởi vậy ông J.Folliet không ngần ngại hạ chữ tình cờ mà xảy ra hiện tượng cơ khí làm xáo trộn hết mọi cơ cấu văn minh.
Tính chất bất ngờ này ít được chú trọng đến, nhưng thực sự thì trước đây hai ba trăm năm không ai ngờ là khoa học sẽ làm đảo lộn bộ mặt trái đất như nay. Nếu quả thật có ngờ và văn minh Tây Phương luôn luôn tiến thì tại sao văn hóa Hy Lạp, La Mã, Âu Châu đã xuất hiện trên 20 thế kỷ mà tình trạng Âu Châu đâu vẫn nằm đó và cho đến thời Phục Hưng Tàu vẫn trội hơn Âu Châu cả về đàng kỹ thuật. Điểm này được các học giả như Zenker, Needham… đều công nhận (xem La pensée Chinoise, Granet, p.584). Sự tiến triển của Âu Châu còn rất mới mẻ, đầu thế kỷ này người Pháp dưới tỉnh còn rủ nhau lên Paris coi xe không ngựa kéo,  không người đun cũng chạy đuợc. Năm 1896 toàn Mỹ quốc mới có 4 cái xe hơi. Đầu năm 1908 ông Ford mới cho ra xe kiểu T. Vậy là trước thế kỷ 17 Âu Á cũng tĩnh chỉ như nhau, và nay khác nhau thì không phải Đông Tây cho bằng nói mới cũ. Tân thời đối với trung cổ. Còn trước đó Á Âu như nhau. Keyserling viết “giữa thời cổ Hy Lạp và những thời rực rỡ của văn hóa Á Châu, giữa nước Pháp thế kỷ 16 và nước Tàu thời Tống thí dụ, xét về dữ kiện thời sự thì chỉ có một sự khác biệt về hiện tượng chứ không về bản chất (une différence de phénomène et non pas d’essence) tức không phải bản chất văn hóa Âu Tây luôn luôn tiến bộ, còn bản chất Á Châu là ù lì. Cả bên Âu nữa, lý tưởng tĩnh chỉ đã thống trị mãi cho tới thời mới kể cả Hy Lạp cổ đại cũng như trong Ý Đại Lợi thời Phục Hưng, vì trong những xứ này, đời sống có náo động tới đâu đi nữa, bao giờ cũng hướng theo những giá trị mà thời gian không thay đổi gì hết. Ngày nay khi chúng ta, người Âu Châu thời mới, xem Á Châu như bản tính đối chọi nhau, thật ra không phải Đông khác biệt Tây cho bằng thời mới khác với thời trung cổ và  thời cổ đại… Nói khác đi, chúng ta đối chọi lý tưởng của hoàn bị với lý tưởng tiến bộ” (xưa tìm hoàn bị nay cần tiến bộ) (Journal tr.317).
Trong quyển Science and Civilisation, ông Needham có viết: “Bất kỳ ai nếu chịu đọc tới hết quyển sách này, chắc sẽ bị sửng sốt trước số kỹ thuật rất nhiều và khác nhau mà Âu Châu mượn của Tàu, song thường họ không biết đến nơi phát nguyên trong 14 thế kỷ đầu”. Ông Francis Bacon (1626) có viết: “Rất nên quan sát về sức mạnh và năng lực cùng những hậu quả của các điều phát minh. Rõ rệt nhất không đâu bằng ba món đồ mà tiền nhân ta chưa biết đến, và cũng mới xuất hiện, tuy nguồn gốc nó vẫn còn ẩn khuất nhưng rất hiển hiện, đó là máy in, thuốc súng, và kim chỉ nam. Bởi vì ba phát minh đó đã biến đổi cả mặt đất và tình trạng sự thể trên khắp trái đất: cái thứ nhất trong văn chương, cái thứ hai trong binh pháp, cái thứ ba trong nghề hàng hải. Những phát minh đó đã kéo theo vô số sự thay đổi đến nỗi không một đế quốc nào, hay một tôn giáo nào, một ngôi sao nào đã gây được một ảnh hưởng và quyền năng lớn hơn vào trong nhân sự.” (t I, tr 19)
5. Không phải thời nào Âu Châu cũng dẫn đầu về văn hóa.
Ông Dampier có viết: “Chính trong những thời kỳ đen tối nhất bên Âu Châu, sự học hỏi của các miền Á Châu lại bắt đầu tiến triển rực rỡ và lan tràn sang Ả Rập. Môn phái của xứ sở Perse và Ả Rập ban đầu đã dựa trên các bản dịch sách Hy Lạp, nhưng về sau họ đã thêm vào nhiều đóng góp đặc sắc trong khoa học tự nhiên.” Thời ấy những sách hình học của Euclide, thiên văn của Ptolémée cũng được dịch sang Ả Rập. (Histoire de la Science p.85)
Triết gia nổi tiếng người Hồi giáo là Avicenne (980-1037) kiêm y sĩ  có viết quyển Canon tức bản tóm tắt y khoa là một trong những công trình văn hóa Ả Rập, sau này trở nên sách chuyên khoa về y học trong các đại học Âu Châu, mãi tới năm 1650 cũng còn dùng trong các trường Louvain và Montpellier. Thời ấy tiếng Ả Rập đã được công nhận là ngôn ngữ cổ điển về khoa học và hễ cái gì viết bằng tiếng Ả Rập cũng có uy tín như lúc người ta dành cho tiếng Hy Lạp. (Dampier tr.112. Histoire de la Science. Payot).
Cao đẳng Âu Châu thời đó chia làm hai khóa: tam và tứ. Khóa tam sơ đẳng gồm có ba môn học là ngữ, luật, khoa lợi khẩu (rhétorique) và danh lý (dialectique) tức là đề tài chuyên về danh từ và cú pháp. Khoa tứ cao hơn gồm có: nhạc, toán, hình học, thiên văn, tức bốn khoa mà người ta tin là chuyên chủ về sự vật. Nhạc gồm lý thuyết bán huyền niệm về các số, hình học chỉ là một chuỗi những câu của Euclide không có chứng minh, còn toán và thiên văn được trọng dụng bởi là phương thế quy định ngày lễ Phục sinh. Tất cả bấy nhiêu khoa được coi là chuẩn bị sinh viên đi lên thần học. Sự phân phối chương trình như trên được duy trì suốt thời Trung cổ. (Dampier tr.116).
Những giống dân nói tiếng Ả Rập và những người Do Thái cư trú bên đó thời ấy mới chú trọng thực sự tới khoa học và chính nhờ sự tiếp xúc với các miền Hồi giáo mà Âu Châu Trung cổ mới bỏ được những tập quán tư tưởng cũ để đi dần sang lối suy luận lý trí. (tr. 121, Dampier)
Xem chương trình học vấn của Âu Châu Trung cổ ta thấy liền đâu có tiến luôn luôn, đâu có khoa học cơ khí, chẳng qua ăn tự lại của Hy Lạp một phần mà chẳng biết tài bồi thêm. Về phần đóng góp của Hy Lạp không chối là quan trọng nhưng đâu có phải duy nhất như người ta thường viết. Người ta đã quên hay không biết đến phần đóng góp quan trọng của Ả Rập, toán học của Ấn, thiên văn của Babylon. Hy Lạp thành công duy có ở hình học. Và chính nhờ sự tiếp xúc với các dân khác Hy Lạp mới tiến trong khoa học, sự kiện này xuất hiện bên Alexandrie (Egypte) vào lúc mãn chầu thời oanh liệt tức thế kỷ thứ 3 lúc văn học nghệ thuật Hy Lạp đang xuống dốc. Bởi không nhận định điều đó nên trước đây người ta không giải nghĩa được hiện tượng ngoại lệ trên (tức là tại sao khoa học không tiến trong hoàng kim thời đại của Hy Lạp. Civ.VI, 231).
Bởi chưa biết đến những đóng góp của các nền văn minh khác, như nay mấy sử gia lớn đã bắt đầu tìm ra, nên người ta quá tâng bốc Hy Lạp lên, nhưng xét kỹ lại thấy việc đóng góp của Hy Lạp cũng là thường lệ. Trong quyển Technique, ông Ellul đã chứng minh Hy Lạp đóng góp được có một cái đinh ốc. Ông còn nói tại sao có khoa học là vấn đề mầu nhiệm. (tr.41) Y học của Hypocrate còn kém hơn khi tiếp nhận của Egypte. Thiên văn bị cấm. Hội họa chưa sâu sắc bằng tranh Tàu, tượng chưa chín chắn bằng tượng của Egypte. Toán học chưa biết đến đại số…
Cả về đàng văn minh tế nhị như phép cai trị cũng còn thua Perse. Xem một việc Alexandre đại đế bị chinh phục là một sự trả thù của Đông Phương. Aristote dạy ông rằng ngoại bang là rợ mọi, nay ông nhận thấy người Perse tế nhị hơn người Hy Lạp, nên ông đổi thái độ: nhận lối cai trị cư xử như Perse trước sự thất vọng của các người tuỳ tòng. Nhưng sau, cả những người trí thức cũng chịu ảnh hưởng Perse, đến cả triết học sau này cũng bị Đông Phương chinh phục. Triết Stoicien là một bằng chứng, và tất cả sẽ đầu hàng các tôn giáo Đông Phương. (xem Civ. VI tr. 117 và161).
Về phía nước Tàu giáo sư Creel đại học đường Chicago có viết như sau:
“Nhiều người biết ít về nước Tàu và cả những người biết nhiều cũng thường có khuynh hướng tin rằng nước Tàu bất di bất dịch, không có tiến bộ chút nào từ đời nhà Hán. Đó là một cảm tưởng hoàn toàn không đúng, nhưng lại rất phổ biến thông vì hai lý do. Trước hết vào thời kỳ từ thế kỷ VI trước Tây lịch đến thế kỷ II sau Tây lịch được người ngoại quốc khảo cứu hơn tất cả lịch sử nước Tàu. Thật ra đó là một thời đại quan trọng được chứng kiến nền văn hóa Trung Quốc thành hình, nên chính người Tàu cũng khảo cứu và hiện còn đương khảo cứu tường tận, điều đó giúp người ta dễ hiểu thời ấy hơn. Lý do thứ hai khiến người ngoại quốc chối sự tiến bộ của Trung Hoa trong hai ngàn năm nay là tại họ đã lãng bỏ một ít nhân tố không làm vinh dự mấy cho người Âu. Thí dụ họ thích quên đi rằng nước Tàu đã trở nên trưởng thành vào quãng thế kỷ thứ II trước Tây lịch và không bao giờ trở lại thời ấu trĩ nữa (chính ông Creel gạch dưới). Nó đã không bao giờ phải trùng tu lại văn hóa tự nền móng như Âu Châu đã phải làm. Cơ sở chính trị và văn hóa của nó đã hiến cho nó khả năng đồng hóa được các dân man ri tràn vào Trung Quốc, và vẫn giữ được bản sắc như trước. Nó đã không bị những đảo lộn và sự man rợ của một thời Mérovée như Âu Châu chẳng hạn.
“Người ta có thể nói nước Tàu cũng có thời rợ mọi của nó ở đầu nhà Chu và có thời phong kiến vào quãng trung Chu hơn một ngàn năm trước khi những hiện tượng này xuất hiện bên Âu. Lại còn trình độ văn hóa và trình độ các nhà nho trong giới thượng lưu cao hơn rất nhiều sánh với trình độ của phái quý tộc Âu Châu Trung cổ và cả lâu sau. Và khi nước Tàu đã trải qua những giai đoạn này thì không trở lại bao giờ nữa. Tuy nó có biết những thời loạn lạc phân tranh, nhưng nếu người ta nhớ lại rằng nước Tàu cũng lớn rộng bằng Châu Âu thì phải công nhận là nó được bình an và thống nhất hơn nhiều.” (Naissance de la Chine 354).
Tác giả đã quả quyết thế vì đời Trung cổ Âu Châu không thiếu loạn lạc. Người ta tính ra bên Nga từ năm 1054 đến năm 1224 nghĩa là chưa đầy hai thế kỷ có tất cả 83 trận nội chiến, 46 lần bị ngoại xâm, 16 lần nước Nga đi đánh các nước lân cận, 293 ông hoàng tranh ngôi trong 64 tiểu bang. (Will Durant, Histoire de la Civ. L’âge de la Foi, t.III  p.100) “Vua chúa lúc nào cũng có quyền xông vào đất lân cận để ăn hàng…” Trong thế kỷ 12 hầu như chẳng sáng nào lại không có đánh nhau trong cái miền là nước Pháp ngày nay, Berthold de Ratisbonne phàn nàn vì “rất ít vua chúa sống hết tuổi trời, hay được chết cái chết tự nhiên”.
“Sau một trận trong các trận giặc ấy, nhiều nông gia phải kéo cày lấy, nhiều người hết lúa gạo, chết đói… Giáo hội đã hết sức can thiệp để giảm ngày đánh nhau bằng thể chế thần hưu (treuga Dei: trêve-dieu…). Người ta hay đánh nhau đến nỗi sau đặt ra lệ bắt tay khi gặp nhau để tỏ lòng yêu hòa bình, và để chứng rằng họ không có chuẩn bị rút gươmg ra đấu.” (W. Durant, L’âge de la Foi, t.II, p.200).
6. Không phải lúc nào Âu Châu cũng cường thịnh giàu sang
Lối thế kỷ 11-13, Âu Châu đã dẫn thập tự binh sang đánh Ả Rập, lần đông nhất cũng chỉ tới 5 vạn quân mà một trong những lý do thất bại là tại không tổ chức nổi việc tiếp tế (Civ XII. 40). Trong khi đó quân Mông Cổ từng 30 đến 50 vạn đi lại trên đường hiểm trở và xa gấp ba bốn lần. Điều đó cho ta thấy rõ cuộc thăng trầm giữa các nền văn minh. Giáo sư Barkhausen viết: “Lịch sử hoàn cầu có thể coi như một cuộc tranh hùng giữa hai giống da vàng và da trắng. Từ đầu cho tới hết thời Trung cổ thì người da vàng nắm quyền bá chủ. Lịch sử Âu Châu lúc đó chỉ đáng coi là một biến cố nhỏ dưới lục tỉnh so với biến cố quan trọng và sự hoạt động mãnh liệt ở Châu Á. Thánh Cát Tư Hãn lập đế quốc tóm thâu 4/5 nhân loại người ta biết được lúc đó, truyền dõi được hai thế kỷ (cai trị Nga 240 năm) vượt xa những Alexandre, César, Napoléon. Nguyên một tướng Soubalai rong ngựa bốn lần từ Budapest đến Cao Ly, thắng được 65 trận lớn, chinh phục được 52 nước trên hoàn cầu và chỉ vì tình cờ ngẫu nhiên mà Âu Châu thoát ách đô hộ.
“Nhưng bước sang thời mới, nhờ sự tiến triển trong kỹ thuật vượt biển và súng đạn mà Âu Châu chiếm được hầu hết đất đai trên hoàn cầu, dành phần thắng quyết định về cho mình” (Empire jaune de Gengis Khan, Payot 1942, p.31 và 206).
Về đường cai trị ta có thể đọc những bức thư đầy thán phục bỡ ngỡ của các thừa sai khi tới Á Đông. Họ ca tụng hết lời lối cai trị bên Viễn Đông, họ tả những cảnh huy hoàng, đọc lên tưởng rất nhiều điểm giống với quan điểm Trung Quốc là vì họ đã theo lối tổ chức của Tàu. (Naissance de la Chine, Creel p.338)
7. Trong cái hùng cường phồn thịnh của Âu Châu, phần đóng góp các châu khác không phải là nhỏ
Xem như trên, trước kia Âu Á ngang nhau, lên xuống tuỳ vận nước, vậy cái gì đã làm chuyển cán cân đảo lộn tình trạng cũ, thiết nghĩ đó là thuốc súng và địa bàn.
Trên đường Cathy để tìm đồ gia vị (Canada có phố mang tên là Cathay để nhắc tích đó), Christophe Colomb đã tình cờ tìm ra thế giới “mới”, nhờ súng đạn mạnh người da trắng đã tiêu diệt hầu hết bản thổ và chiếm đất đai rồi sau đó họ cũng dùng cùng một chính sách ấy đối với dân bản xứ Úùc Châu, tiêu diệt quá nửa dân số Phi Châu, chiếm Ấn Độ, xâm lăng Tàu… Dân Pháp chiếm được thuộc địa rộng hơn mẫu quốc 20 lần, Hòa Lan 60 lần, Bỉ 80 lần, Anh 140 lần. Nước Nga xâm lăng Á Châu ăn về đông bắc cho tới cửa bể Vladivostov. Tóm lại 85% số tài nguyên trên thế giới lọt vào tay non một phần ba nhân loại da trắng, còn 15% chia cho 2/3 kia. Nói cụ thể khi người Mỹ có 1.880đ, thì Lào có 60đ, Việt Nam có 65đ. (Regard sur histoire de demain. Tibor Mende p.14, du Seuil 1954). Nhờ tài nguyên bát ngát, họ có cơ phát triển kinh tế mạnh mẽ vô cùng, không còn một lực lượng nào cản trở được bước tiến mỗi ngày mỗi mau thêm. Nhân đó mà họ tin tưởng vào sự “tiến tới vô cùng” và đặt vào tương lai một lòng tin vô bờ bến. Ta có thể lấy dân số làm một bằng chứng. Trong khoảng 150 năm tự vua Louis XII (1643) cho tới trận chiến Trafalgar (1805), người Âu từ non 100 triệu ban đầu chỉ thêm có 60 triệu. Thế mà trong 100 năm từ lần thí nghiệm đầu tiên chiếc thuyền chạy bằng hơi nước trên sông Rhin do ông Fulton cho tới lần bay đầu tiên của hai anh em Wright trong năm 1903, dân Âu đã tăng lên gấp ba lần, nghĩa là hơn 400 triệu. (Regard p.15)
Đồng thời số sản xuất gia tăng. Ta có thể lấy sự sản xuất làm ống hàn thử biểu. Từ năm 1785-1935 nghĩa là trong vòng 150 năm số sắt thêm gần 400 lần. (L’av. Promethée p.14). Nhờ giàu sang mức sống dân chúng được nâng cao lên tới mức độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại: năm 1800 mỗi người Pháp một năm được từ 2 đến 3 kí thịt, thì từ năm 1944 mỗi ngưỡi đã được 37 kí. Nhân đấy họ có phương tiện dồi dào để phát huy năng lực văn hóa đến chỗ cùng cực và mở rộng ra cho toàn dân được hưởng bằng đặt ra chế độ học đường bó buộc. Khoa học tiến triển từ đó, nhờ đó…

Đang lúc các nền văn minh khác suy đồi, hầu như bại vong thì văn hóa Thái Tây đi lên rực rỡ huy hoàng trong ánh sáng khoa học với những phát minh tân kỳ. Những người đi họp hội chợ Paris 1910 chúc mừng nhau: phúc cho những nước có thuộc địa (Avènement de Promethée, J.Folliet p.190). Tác giả quên thêm: vô phúc cho các thuộc địa, ở đây nhiều nền văn hóa rực rỡ xưa kia đi vào tàn rụi, bị coi là mường rợ cần được đuốc văn minh đến soi cho biết ý nghĩa công bình, huynh đệ, tự do. Nghe du dương như một bài ca mê ly, nhưng lại đệm bằng những tiếng súng cướp đoạt nổ vang lừng, đến lúc tỉnh ra thì tài sản tan tành, mất cả tự do mà “văn minh Đông Á trời cũng thu sạch”.

8. Trình độ văn minh trung thực: lòng nhân đạo
Mới rồi một tờ nhật báo nọ đề cập vấn đề văn hóa và văn minh, ký giả lúng túng với câu định nghĩa rồi đem ra những thí dụ chứng rằng văn hóa Đông Phương kém như bên Tàu có tục “nịch tử” (dìm chết thai nhi), việc đàn ông đánh vợ, giết vợ mà luật pháp không can thiệp. Đành rằng đó là một vết nhơ, nhưng trong các văn hóa khác thiếu gì, mà còn tệ hơn nữa. Bên Tàu mới là chuyện làm liều còn nhẹ hơn là khi pháp luật đặt thành thể chế như Hy Lạp. Bên Sparte (tức xứ Hy Lạp) trọng luật ưu sinh nên những đứa con ra đời yếu hay xấu phải đưa lên núi Taygète giẩy xuống cho chết (Civ. IV. 114). Nói đâu ngày xưa, ngày nay người ta hay đánh truỵ thai; đánh truỵ thai có khác gì với nịch tử. Riêng một nước Pháp người ta cho là mỗi năm có tới 600.000 vụ phá thai, người khác nghĩ có thể tới con số 1 triệu.
Tục giết hài nhi bên Hy Lạp hay La Mã có cả. Bên Hy Lạp các triêt gia còn cổ động là khác. Người ta giết hài nhi rất thường nhất là trẻ nữ; có một văn kiện cho biết trong số 118 con trai àm chỉ có 28 con gái (Civ VI, p.145). Bên Roma cũng thế. Sau này dẫu bị lên án như một tội ác, việc giết hài nhi vẫn cùng với đói ngheo thêm trầm trọng (Civ. IX. 274). Còn chuyện đánh vợ pháp luật không can thiệp đâu có bằng pháp luật cho phép giết vợ kia kìa: “luật dân Saxon thí dụ kết án người vợ bất trung phải cắt ít ra cái mũi và hai tai, và cho người đàn ông được quyền giết vợ ngoại tình” (Civ VII, p.320). Luật Roma cũng cho người cha giết con (patria postestas) và chồng giết vợ (manus) (Civ VIII, p.284) và không phải không có người dùng quyền đó, chỉ kể một người được bao sử gia ca tụng tức là Hoàng Đế Constanstin vô cớ (người ta không đoán lý do được) đã giết con là Crispus, giết vợ là bà Fausta (Civ IX tr.271). Giết vợ giết con bên Viễn Đông không bao giờ thấy luật pháp cho phép, nên Dawson (trong quyển The basic teaching of Confucius p.156) cho rằng khó tìm đâu được lòng hiếu thảo quân bình như vậy. Một số tác giả hay dùng những thành ngữ sévérité orientale khi nói đến luật hình và phong tục. Thật ra nếu xét kỹ đã vị tất bên nào hơn bên nào. Từ nhục hình, mặc: thích chữ, nghị: cắt mũi, phị: cắt chân, cung: hoạn (không có móc mắt). Và ngay trong kinh Thư đã nói đến việc vua Thuấn đổi sang những hình phạt nhẹ hơn là: đày, mang gông, đánh đòn, tịch thu tài sản và chuộc bằng tiền (Cordier, histoire p.85). Và trừ có mặc, còn ba hình dưới từ đời Tuỳ đã bãi. Bên Âu ta thấy mãi cho đến thế kỷ 18 “cắt xẻo là chuyện thường”: cắt chân, tay, mũi, tai, móc mắt. Vua Guillaume le conquérant để ngăn tội ác truyền không được giết hay treo cổ phạm nhân, nhưng móc mắt, cắt chân, cắt tay, cắt hạ bộ và cho sống để đền tội ác. Ở tòa án Sanite Geneviève bảy người đàn bà bị chôn sống vì tội ăn trộm. Tội lộng ngôn chửi thề thì phải dùi lưỡi bằng thanh sắt nung đỏ. (Civ XI o.287). Một hình luật Đức nói “nếu người nào bóc vỏ cây liễu giữ đê điều thì người ta phải mổ bụng nó, lôi ruột ra lấy mà quấn chung quanh cây đã bị hại”. Năm 1454 còn khoản hình luật ở thành Westphalie: một người xê dịch mốc đất trái phép bị chôn sống để thò lên cái đầu, rồi đất được cấy bằng bò và người chưa hề cày bao giờ. (Civ. XI p.254).
Người ta thường dùng lối xử gọi là thần xử (ordalie). Hai bên đánh nhau ai được là thắng cuộc. Đây là một thí dụ: “Kỵ mã Guy bị kỵ mã Herman tố cáo tội sát nhân, Guy chối Herman thách tài phán quyết đấu. Hai bên đánh nhau từng giờ. Trước trên ngựa, sau dưới đất, sau cùng vất cả gươm để vật nhau tới lúc Herman móc được cả hai hòn của đối phương, sau đó Guy thở hắt ra: en arrache les testicules, sur quoi Guy expira.” (Civ. XI, p.285)
Lúc trước đọc Keyserling khen bên Tàu ít tội sát nhân hơn bên Đức, tôi rất dè dặt với lối so sánh của tác giả, sợ rằng tác giả quá lời khen chăng. Đến sau tôi thấy tài liệu về việc này quá nhiều, những công hàm bên Anh thế kỷ 13 chỉ một số tội sát nhân ngày nay ta phải cho là quá xấu xa, thường thường gấp đôi số chết về tai nạn, mà phạm nhân ít khi bị bắt (Civ. XII, p.327). “Ngày chủ nhật lại nhiều tội dâm đãng, phóng túng, giết người, trộm cướp hơn cả trong tuần.” (Coulton de Medieval Village p.254). Việc sát nhân xảy ra cả trong giới sinh viên. “Năm 1269 ông thị trưởng Paris lên án những sinh viên ngày đêm đánh bị thương hay giết cách khủng khiếp nhiều người, bắt cóc đàn bà, người nữ đồng trinh, phá cửa đột nhập nhà người ta, và thường xuyên phạm những tội ăn trộm và tội ác mới” (Civ. XII p.454). Nói chung tính tình người Âu lúc đó còn rất hung hãn đến nỗi người Ả Rập rất bỡ ngỡ về sự dữ tợn của Thập tự binh. (Civ II, p.295)
Chớ tưởng đó là chuyện thời xưa, hãy nhớ lại “giờ thứ hai mươi lăm” hay “les hommes contre l’humain” của G.Marcel. J.Folliet viết “năm 1943 bên Pháp máu người rẻ hơn giá rượu vang”. Một tác giả nào đó viết “chỉ cần gãi vào da người văn minh là tìm ngay thấy con thú thuộc thời đệ tứ kỳ” và biết bao man rợ khốc liệt đang diễn ra cùng khắp trên hoàn cầu, bên Algérie mà tác giả quyển Contre la torture (ed. du Sueil 1957) Pierre Henri Simon nhắc tới trong sách đó trang 68-70. Tác giả kể lại cảm tưởng rụng rời khi phản đối những dã man quân viễn chinh thi hành bên Đông Dương với một vị lãnh đạo tinh thần, được nghe lời đáp bình thản “bắt người đàn bà, lấy đanh đóng qua tay cho tới lúc thú… anh tính không làm thế sao được?” Đây mới là kể trong sách, chưa bằng những điều tai nghe mắt thấy trong 8 năm chiếm đóng Đông Dương. Đấy là một số nhỏ dữ kiện trong cái đống hồ sơ cao ngất, đưa ra một ít để hòng điều chỉnh quan niệm sai lạc về lịch sử.
9. Quan niệm lịch sử sai lạc
Theo thói quen xưa dân nào cũng cho mình là văn minh còn ngoài ra là rợ mọi (Toynbee gọi tính lấy mình làm trung tâm này là self-centredness native). Văn minh Âu cũng không thoát khỏi cái bệnh chung đó, và họ cho các dân khác là rợ mọi. Đối với những văn minh khác như La Hy hay gần ta hơn là Trung Hoa đã có những thực tế phũ phàng mở mắt cho ta thấy đó chỉ là quan niệm ếch ngồi đáy giếng. Nhưng với văn minh Âu Châu nhờ có khoa học tiến bộ mạnh mẽ nên sự tưởng lầm kia ngày thêm bền vững. Quan niệm lấy Âu Châu làm trung tâm lấy Hy Lạp làm rốn thế giới (bên Hy Lạp có cửa núi phun khói, người Hy Lạp gọi là rốn trái đất Omphalos và lập đền thờ Thổ thần ở đấy) hiểu theo một nghĩa hết sức hẹp hòi: khai trừ các dân ngoài Châu Âu. Khi chia trái đất họ lấy Âu Châu làm khởi điểm và về lịch sử thì lịch sử Âu Châu làm lịch sử nhân loại, ngoại giả các nên văn minh khác như Egypte thì cho là mào đầu còn Trung Hoa và Ấn Độ, Musulman thuộc về các thổ dân (ethnographie). Cái cứ điểm sai lầm đó rồi đây bị những sử gia và triết gia như Tibor Mende, Toynbee, Jaspers lôi ra ánh sáng, nhưng cho tới thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 nó được coi như một chân lý không thể chối cãi. Âu Châu tự gán cho mình sự mệnh đem đuốc văn mình truyền bá cho hoàn cầu. Tuy với một thiểu số có óc con buôn ranh mãnh, câu đó chỉ là khẩu hiệu đẹp đẽ bên ngoài che đậy một lòng tham vô tận, nhưng với đa số, đó là một tin tưởng thành thật. Ta thấy nó phản chiếu cả vào những sách trang nghiêm nhất như luân lý, triết học, đạo đức của tôn giáo…
Có những tác giả nhân danh sứ mệnh truyền bá văn minh đem ra nhiều lý lẽ để biện hộ những hành vi xâm lăng và bóc lột. Kèm theo với những sự say sưa chiếm đoạt là lòng tin thờ khoa học; cứ mỗi ngày lại mỗi sản xuất ra những phát minh kỳ lạ chiếm được lòng tin tưởng của mọi người, khoa học trở nên một bà chúa ghen tương độc hữu không một giá trị nào được đếm xỉa đến, nhất là những giá trị tinh thần của văn minh Á Châu. Âu Châu càng lên cao bao nhiêu thì các châu khác càng xuống bấy nhiêu, khiến cho quan niệm lịch sử sai lầm trong thời cổ sơ được tiếp tục duy trì kèm theo với những thái độ khinh miệt các nền văn hóa ngoài Âu Châu. Trong khi các châu khác cố theo học văn minh cơ khí của Âu Châu nhiễm phải tâm trạng đó đâm ra kỳ thị chủng tộc mình và coi rẻ văn minh tiên tổ mà họ không biết tới, chỉ theo thế tục mà phù thịnh khinh suy… Đó chỉ là thường tình, nhưng ẩn chứa biết bao bất công. Chẳng hạn khi khoa học khởi xuất hiện, thì yếu tố đầu tiên có ảnh hưởng lớn nhất là thuốc súng lại không phải do Châu Âu. Ai cũng biết là do Trung Hoa khám phá ra, những người Âu Tây nhờ biết dùng chất đó làm súng đạn, nên có phương tiện cực mạnh đi tàn sát bóc lột các dân để trở nên giàu thịnh, mà giàu thịnh là yếu tố quyết liệt nhất cho văn hóa và khoa học tiến mạnh. Những sáng tác, nhạc, văn nghệ, hội họa của Âu Châu phát triển từ đó nghĩa là từ lúc có giàu sang do thuốc súng và thuộc địa.
Nhân đó chưa nên kết luận ngay rằng, trong các lĩnh vực khác thuộc văn hóa như minh triết, luân lý… Âu Châu cũng đã tiến theo kịp đà khoa học. Vì thế đừng vội tin tiên thiên rằng cái gì Tây cũng tất nhiên vượt hơn. Phải chia ra từng bộ môn mà so sánh, và cần so sánh xuyên qua lịch sử, đừng hạn cuộc vào một vài thế kỷ sau. Nhân loại từ lúc có lịch sử tới nay cũng đã tới 40 hay 50 thế kỷ. Khoa học mới chưa có đầy ba thế kỷ. Khi xét đoán một nền văn minh đừng lấy một đoạn nhỏ làm bản vị để đánh giá tất cả phải xem dọc dài, căn cứ vào vài thế kỷ sau mà nói. Tàu im lìm thì “không gì sai lầm hơn bằng”. Không một miền nào bị đảo lộn trong chính phủ đến như thế. Trong phạm vi chính trị nó đã thử đủ mọi thể chế từ xã hội chủ nghĩa cho đến chuyên chế độc tài. Nó đã biết hết mọi triết thuyết, “thể lệ và phong tục đã biến đổi sâu xa”. Đó là lời của một học giả rất thông thạo về sử Trung Hoa đã viết bốn quyển lớn kết luận như trên. (Histoire Générale de la Chine t.1, 40, Henri Cordier).
Tuy nhiên đó mới là phạm vi chính trị. Nếu xét đến các phạm vi khác ta cũng thấy sự tiến triển đổi thay. Văn chương chẳng hạn thì phú thịnh ở đời Hán. Thơ thịnh đời Đường. Từ thịnh đời Tống, Truyện thịnh đời Nguyên. Họa cũng tự nhân hình biến sang sơn thủy dẫn đến Thảo trùng và Tĩnh vật với trăm ngàn môn phái. Triết cũng phải viết cả từng quyển lớn mới kể ra hết các thời đại.
Thậm chí cả đến khoa học kỹ thuật cũng tiến mạnh. Trong quyển La technique ou l’enjeu du siècle (Armand, 1954), ông Jacques Ellul không ngần ngại quả quyết “kỹ thuật bản gốc xuất từ Đông Phương” == “la technique est essentiellement orientale” (tr.25), và ông đả kích cho là dị đoan liều những câu nói “Đông Phương thụ động, theo định mệnh, khinh đời sống và hành động, còn Âu Châu hoạt động, chinh phục thiên nhiên…” (tr. 30). Phần lớn quyển sách đều đưa ra những sự kiện trái ngược hẳn lại niềm tin tưởng thông thường đó. Ông Joseph Needham đang trước tác bộ “khoa học và văn minh bên Trung Hoa” (Science and civilisation in China, Cambridge University Press), hiện đã ra được ba quyển lớn. Tác giả chứng minh tỉ mỉ sự tiến triển và nổi vượt của Á Châu về khoa học cơ khí trước thời Phục Hưng. “Con sông có khúc con người có lúc”, đừng thấy giậu đổ bìm leo mà giẫm thêm. Nên lánh nhai lại mấy tư tưởng lấy trong các sách cũ rích đã được bộ thuộc địa ban phép lành. Người Tây Phương trung thực không muốn thế nhưng ước mong cho người Á Đông nhận thức lại giá trị Truyền Thống để cùng với họ xây nền văn hóa mới. Muốn được vậy việc trứơc tiên nhất phải làm là đưa mắt nhìn khắp bốn phương trời, và khi so sánh phải so thời phát triển của nền văn minh này với thời phát triển của nền văn minh kia. Suy với thời suy, lý tưởng với lý tưởng, đừng đánh tráo trộn như một số lớn tác giả mà giáo sự Herbert đã nhận xét: “đem những nguyên lý thường lấy trong phúc âm thư hay trong những tác giả lớn về luân lý so với đời sống thực tại của các nhóm người trong văn minh khác, đem thượng lưu của Âu Châu sánh với đại chúng hay với cặn bã các dân khác… cần phải so sánh lý tưởng với lý tưởng, thượng lưu với thượng lưu, cặn bã với cặn bã…” (Spiritualité Hindoue p.12, J.Herbert). Nếu không chịu giữ cái luật thông thường đó thì quả thật các văn minh khác không đáng chú ý chút nào.
Người mình thường hay đọc lịch sử Âu Châu được viết trong tinh thần thế kỷ 19 đầu 20, nghĩa là hai thế kỷ Âu Châu quá hách dịch, thành ra biết bao sự kiện lớn lao khác bị xếp vào góc tối, ngày nay đã có một số thức giả đang cố sửa lại quan niệm chênh lệch này. Spengler đã lên án lối quan niệm hẹp hòi đó, ông viết: “cổ đại, trung đại, thời mới. Đó là lược đồ nghèo túng không thể tưởng tượng nổi (schéma d’une indigence incroyable). Đó là một sự vô nghĩa nó đã làm cớ không cho ta nhận thức đúng đắn được những mối tương quan giữa các nền văn hóa cao đẳng của nhân loại… Những người hậu lai sau này không thể tin được một lược đồ giản lược vào những nét thẳng tắp với những tỷ lệ vô lý (proportions insensées) càng ngày càng không thể đứng vững với những khám phá mới. (Déclin de l’Occident, t.1, tr29). Cái lược đồ đó gò bó bản chất và hạn chế sân khấu lịch sử lại theo phong thổ Âu Châu được dùng làm trung điểm bất động… chung quanh đó phải xoay quanh từng bao ngàn năm lịch sử lớn lao và những nền văn hóa vĩ đại đặt ra xa trong một địa vị hết sức khinh thường. Chính vì thế mà ta mắc phải chứng ảo tưởng (illusion d’optique) trở thành tập quán làm ta tin rằng ở xa bên Tàu, bên Egypt lịch sử bao ngàn năm cô đọng vào có vài giai đoạn, trái lại trong miền ta, từ Luther và nhất là từ Napoléon những chu kỳ thập niên được thổi phồng mãi lên như những bóng ma (id, tr.29). Nếu với Tây Âu tác giả phải hạ những chữ điên rồ (proportions insensées) thì với người Á Châu không giũ bỏ những ý niệm đó phải gán chữ gì đây?
Những tư tưởng gia lớn đang cố gắng tìm đặt lại trung tâm lịch sử như K.Jaspers đề nghị lấy thời Trục làm mốc. Toynbee trong quyển sử mới xuất bản “Le monde et l’occident” (Desclée) đã nói rõ tại sao lại không đề là “l’occident et le monde”, như có lẽ ông đã làm trước đây, là muốn độc giả lưu ý đến hai ý tưởng. Trước nhất vì Âu Châu ngay ở lúc cực điểm hùng cường cũng không phải là lịch sử duy nhất trên sân khấu thế giới. Vậy mà từ năm trăm năm nay, thế giới và Tây Phương chạm trán nhau thì chính thế giới chứ không phải Tây Phương đã biết được một kinh nghiệm có ý nghĩa nhất. Bởi không phải Tây Phương đã chịu thế giới tấn công mà chính thế giới bị Tây Phương tấn công dữ tợn, bởi đó trong sách này thế giới đã được nhận chỗ ngồi đầu tiên” (tr.72). Ông Will Durant đã mở đầu bộ sử văn minh của ông bằng một quyển lớn về Á Châu, có nói rõ lý do như sau: “bắt đầu từ Á Châu, vì đó là sân khấu của những nền văn minh kỳ cựu nhất người ta biết được, mà cũng vì chính những văn minh ấy làm nền móng cho văn minh La-Hy mà ông Henry tưởng lầm là nguồn duy nhất cho tinh thần thời mới. Chúng ta sẽ phải bỡ ngỡ khi biết những điều chúng ta học được với người Egypt, với Đông Phương trong việc phát minh sáng chế, cũng như trong phạm vi khoa học, văn chương, triết lý tôn giáo. Bước vào thế kỷ 20, việc lớn hơn hết sẽ là sự va chạm giữa hai nền văn hóa Đông Tây mà còn cố duy trì cái nhìn hẹp hòi của những sử gia cổ điển khởi đầu từ Hy Lạp, còn Đông Phương dành ra được vài dòng thì đấy không những là sự sai lầm có tính cách hàn lâm, nhưng còn là một quan điểm thiên lệch mà hậu quả về việc thông cảm có thể sẽ rất tai hại” (Civ I. 11). (Chúng tôi hay trưng tác giả này vì cái nhìn quân bình đó, không kể những điểm khác của tác giả như không bao giờ để cho mớ tài liệu kềnh cơi của “nhà thông thái bác học” lấn át cái nhìn của nhà triết lý và nhân văn. Vì thế đọc ông, đọc giả có cảm tưởng nhẹ nhàng như đọc chuyện.)
Nhà kinh tế học trứ danh Tibor Mende trong một tác phẩm xuất bản năm 1954 nhan đề là “Nhìn về lịch sử ngày mai” có thêm phụ đề “Những trọng điểm mới của thế giới” đã mở đầu bằng những dòng sau đây: “Họ vẽ bản đồ ra trong óc họ. Nhưng nếu họ không chịu theo dõi những biến chuyển nữa là tức khắc họ hết thuộc thời đại. Thói quen, tuyên truyền là sự lười lĩnh của trí khôn đều góp phần nào vào việc duy trì ảo tưởng rằng những bản đồ này cứ còn mãi thế truyền đời. Những ảo tưởng lỗi thời cứ nằm lỳ mãi lại trong trí não nhiều người đã “gây nên thảm họa trong lịch sử”.
Chính vì sợ một thảm họa cho nền quốc học nước nhà nên buộc lòng chúng tôi phải thí mạng viết bài này để làm tròn trách nhiệm nặng nề. Hé cho trí thức ngày nay của nước ta một phần nhỏ sự thật hầu đẩy lui sự cố tình bảo vệ những quan điểm lịch sử lấy ba thế kỷ cơ khí Âu Châu làm trụ với cái thiên kiến cho rằng Âu Châu bản tính là tiến mạnh, văn hóa Á Châu bản tính ù lì. Một thành kiến làm tê liệt óc thẩm định các giá trị thuộc văn hóa lẽ ra phải được vận hành trong tâm trạng thư thái tự do và khoa học, vắng lặng mọi thiên kiến. Chưa phá nổi được cái núi thành kiến do 80 năm nô lệ gây ra thì chưa thể nói đến chuyện phục hồi và phát triển nền quốc học Việt Nam được.
6/6/2012
Kim Định
Theo http://quyetnguyenblog.blogspot.com/
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...