Tản mạn trên bến Tràng Giang
Hình ảnh: Tác giả bên bến sông dưới chân đình ChèmChẳng hiểu sao mỗi khi nghĩ về các bến nước trên những dòng sông tôi lại hay nhớ
đến hai bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan và Tràng Giang của Huy Cận. Nhưng trớ
trêu thay bến ấy, sông kia chỉ là những bến và sông có thực trong thơ thôi còn
tất cả đều không thể định vị một cách xác thực trên bản đồ hành chính đất Việt.
Tuy vậy, dù nhà thơ có nói hay không nói thì người ta vẫn cứ nhận ra nguyên mẫu
của những bến nước và dòng sông ấy. Để rồi hậu thế đã có không ít người lặng lẽ
tìm về một bến đò Trường Thi, ở cửa Tiền trên dòng sông Tân An (An Nhơn - Bình
Định) xem bến My Lăng đẹp và buồn đến mức ám ảnh “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt
sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu” hay tìm về một bãi Chèm (Bắc Từ Liêm - Hà
Nội) ngắm nhìn sông Hồng đỏ nặng phù sa mênh mông sóng nước đôi bờ trong buổi
chiều hôm với nỗi sầu vạn cổ “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời
rộng, bến cô liêu”.
Tôi chưa được đến ngắm trăng trên bến My Lăng để đắm mình trong cái không gian
kỳ ảo của ông lão say trăng đầu gối sách, với chàng kỵ mã nhúng đầy trăng màu
áo ngọc lưu ly... Nhưng bến Chèm trên dòng Tràng Giang của thơ Huy Cận thì
cũng được đôi lần thưa thớt. Chẳng rõ dòng Tràng Giang (sông Hồng) ở cái bến
Chèm của hơn tám mươi năm về trước có thực là cái cảnh như Huy Cận đã từng viết:
“Bèo giạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu
gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” hay không? Còn thực tại
bến Chèm bây giờ đâu còn cái cảnh như thế nữa. Đứng bên này sông, dưới tán đa
già của mái đình cổ kính, thâm nghiêm nhìn về bên kia mạn Bắc ta trông thấy
trong khoảng mờ xa giữa màu xanh của bãi bờ, cây lá nhấp nhô cao thấp của những
mái nhà đang dần chuyển mình từ làng lên phố nhạt nhòa trong buổi chiều hôm.
Ngóng xuôi theo dòng sông, cầu Thăng Long nối đôi bờ sông Cái hiện ra ngay trước
mắt với dòng người, xe xuôi ngược đêm ngày; nhộn nhịp, hối hả như dòng nước Hồng
Hà cuồn cuộn buông xuôi vào khi mùa lũ. Nhìn ngược dòng sông, một bãi bồi xanh
mướt ngô khoai chia đôi dòng nước với thuyền tàu xuôi ngược giữa mênh mông sóng
nước. Bên sông, dưới chân đình, những thuyền chài của ngư phủ khoan khoái, nhẹ
nhõm neo đậu dập dềnh theo sóng nước hệt như câu thơ của Tế Hanh viết năm xưa
“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm”.
Đi giữa mùa xuân, đứng bên dòng sông đã từng góp phần không nhỏ trong việc kiến
tạo nên một nền văn hóa với tên gọi là “văn minh sông Hồng” tôi không khỏi thoảng
nghĩ, hoài niệm về khởi nguồn của dòng sông cùng với hành trình hàng ngàn năm của
nó.Với chiều dài gần một ngàn một trăm năm chục cây số, bắt nguồn từ trên độ
cao xấp xỉ một ngàn tám trăm mét so với mực nước biển của vùng núi Nguy Sơn
(Vân Nam - Trung Quốc), vượt qua hàng trăm thác ghềnh lớn nhỏ tiến xuống phương
Nam tìm về với biển lớn mà sông đã đi vào đất Việt để kết tinh thành những giá
trị tinh hoa cho xứ sở này. Tính từ nơi bắt đầu ở A Mú Sung (Bát Xát - Lào Cai)
cho đến khi kết thúc ở cửa biển Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Nam Định và
Thái Bình) sông Hồng có chiều dài khoảng năm trăm mười cây số và có một hành
trình trôi chảy trên vùng đất của chín tỉnh, thành Bắc Việt. Trong suốt dặm dài
của không gian và thời gian, Hồng Hà cuộn sóng đã không hề ngưng nghỉ, đêm ngày
cần mẫn chuyên chở phù sa đắp bồi hình thành nên xứ sở quê hương với một châu
thổ to lớn vào loại bậc nhất nhất ở đồng bằng Bắc Bộ; góp phần quan trọng để
hình thành nên cái nghề trồng lúa nước độc đáo của người Việt. Chỉ thế thôi, đã
từ lâu, con sông đã không chỉ là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp (lúa
nước) mà còn chất chứa trong mình biết bao điều thú vị về các giá trị văn hóa đặc
thù của miền sông nước trên dải đồng bằng Bắc Bộ với những lễ hội, đình, đền,
chùa, miếu và một loạt các làng chài, làng nghề cùng sinh hoạt chợ búa của cư
dân để theo thời gian mà làm nên những phong tục tập quán của các cư dân dọc
bên đôi bờ.
Hà Nội là thành phố trong sông. Thủ đô được sông Hồng bao bọc. Ai mến yêu Hà Nội
mà lại không biết đến sông Hồng. Con sông như một dải lụa đào mềm mại, yêu kiều,
uốn lượn ngang thành phố làm duyên cho trái tim của cả nước. Không chỉ có vậy,
sông còn là chứng nhân cho sự hình thành và phát triển của thủ đô yêu dấu. Hàng
trăm công trình của kinh thành Thăng Long thửa xưa dù có kiên cố, bền bỉ đến
đâu thì cũng không thể vượt qua được những khắc nghiệt của tiết trời nhiệt đới
gió mùa. Chỉ có duy nhất một dòng sông. Hồng Hà đỏ nước, khi cuộn sóng, lúc hiền
hòa để vừa bồi đắp vừa phản chiếu hàng ngàn năm lịch sử thăng trầm của vùng đất
thành đô. Miên man với những nghĩ suy về dòng sông, bất chợt từ sông Hồng tôi lại
nhớ đến những dòng sông nổi tiếng đi qua thủ đô của một số nước châu Âu. Và nhận
ra rằng, sông Hồng của mình ngang qua Hà Nội cũng giống như dòng sông Von-ga,
dòng sông Đa-nuýp, dòng sông Sen... từng nối đôi bờ của thủ đô Mátxcơva, Viên,
Bratislava, Budapest, Beograd và Pari tráng lệ. Tôi chỉ nghe thôi, còn chưa từng
được đặt chân tới Mátxcơva, Budapest... để lim dim con mắt lắng nghe những
khúc nhạc “Đôi bờ” hay “Sông Đa-nuýp xanh” trên mặt nước trong xanh lăn tăn
sóng gợn của những dòng sông. Nhưng hôm nay trong buổi chiều xuân trên bãi Chèm
của những ngày xưa tôi đã ngắm nhìn mê mải dòng chảy trong mơ màng của những
giai điệu tâm tưởng đầy du dương, nhẹ nhàng, dặt dìu và cũng có khi trào dâng như
đang thổn thức, bồi hồi của những khúc tình ca êm ái đó.
Sông Hồng vào xuân tựa như người thiếu nữ dậy thì. Nó không giống như những
ngày tháng mùa hạ. Con nước không còn cuồn cuộn, hung dữ và căng mập phù sa với
một màu quánh đỏ. Nó cũng không còn dữ dội, quằn quại như người đàn bà đang
hoài thai cho những cánh đồng. Cũng chẳng giống như lúc tàn thu, sông lành hơn
với dáng vẻ như mệt mỏi, chậm chạp, uể oải của người đàn bà sau sinh. Đang giữa
tiết mùa xuân trong trẻo tinh khôi, nước sông giờ đây nhẹ hồng như má cô nàng vừa
chớm tuổi đôi mươi. Dòng sông mềm mại như một dải lụa đào quàng lên tấm áo
choàng màu xanh của thủ đô Hà Nội dấu yêu. Tia nắng xuân ấm áp lung linh đầu
mùa làm cho dòng sông như vừa thức dậy, bừng tỉnh sau giấc ngủ đông với muôn
vàn con sóng nhỏ lăn tăn đùa vui, quấn quýt cùng làn gió ấm; cũng có khi sông
vui vẻ thong dong sóng đôi cùng với những đám mây trắng đang nhẹ trôi trên nền
trời trong xanh, thoáng đãng. Không chỉ dòng sông, cỏ cây hoa lá bên đôi bờ, cồn
bãi đang phe phẩy, dập dờn trong gió chiều hôm. Cảnh vật dường như cũng đang cựa
mình bật dậy sau những ngày lạnh giá. Tất cả như đang phởn phơ, tràn trề nhựa sống
trong một màu xanh mướt mát, bất tận.
Sông Hồng có khá nhiều tên gọi nhưng có lẽ thân thương nhất vẫn là cái tên sông
Cái mà người xưa vẫn trìu mến mỗi khi nhắc đến hay gọi tên dòng sông. Sông Cái
có nghĩa là sông Mẹ. Dường như chỉ cần nghe tên gọi ấy thôi ta đã thấy sự ân
sâu của con người nơi đây với cái dòng chảy đỏ nặng phù sa tựa như dòng sữa mát
mà làm nên dáng hình xứ sở ấy. Thấu hiểu được ân tình giản đơn đó ta mới ngộ ra
một điều là vì sao sông Hồng đã ăn sâu vào trong tâm thức của cư dân dọc bên
đôi bờ. Chẳng thế mà dọc hai bên bờ sông từ nơi chảy vào đất Việt cho đến nơi tận
cùng cửa biển đã có biết bao nhiêu sinh hoạt văn hóa của cư dân gắn liền với
dòng sông. Chẳng phải đâu xa, chỉ tính quanh khu vực bãi Chèm đã có biết bao
nhiêu đình, đền, chùa, miếu cùng với các huyền thoại gắn với dòng sông. Những
làng bên sông giờ đây đã lên phố nhưng cái chất quê cảnh của nông thôn Bắc Bộ vẫn
còn hiện hữu trong từng hình ảnh vừa gần gũi vừa thân quen theo dọc theo hai bờ.
Bến Chèm vẫn còn đó. Những trụ biểu nghi môn cao vút được bày đặt, trang trí
nào nghê nào phượng như bông hoa nở giữa trời cao cùng các đầu đao cong vút của
của mái đình hòa trong không gian của bến nước, gốc đa chẳng là hồn Việt đó
sao. Có lẽ cái không gian văn hóa này sẽ mãi là chốn đến nơi về của biết bao thế
hệ con dân và du khách. Mãi sẽ là những hình ảnh chẳng dễ gì nhạt phai trong ký
ức của những người xa xứ.
Hơn tám mươi năm đã đi qua, vẻ đìu hiu của bến nước Tràng Giang trong thơ Huy Cận
thủa nào trên bến sông nay không còn nữa nhưng cái hồn sâu lắng của bài thơ vẫn
ám ảnh và đưa chân người đến chốn này hẳn vẫn chưa hết. Giữa mênh mang sông nước
ta như vẫn thấy vọng về đâu đây cái âm hưởng buồn vương của hồn thơ “Bâng
khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Và như thế, lòng người chắc không thể không bồi
hồi, xao xuyến.
2/3/2021 Giang Hiền Sơn
2/3/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét