Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Sa Pa du ký

Sa Pa du ký

Hình ảnh: Tác giả và đồng bào
Dao Đỏ ở Tu Viện Tà Phìn
Ở trên độ cao hơn một ngàn sáu trăm mét so với mực nước biển, Sa Pa được trời phú cho một bầu không khí vô cùng trong lành, mát mẻ với đủ những sắc thái khác nhau, khá đa dạng của tiểu vùng khí hậu ôn đới nằm giữa miền khí hậu cận nhiệt đới. Giữa bao la núi biếc trập trùng của dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh Phan Xi Phăng dựng thẳng đứng giữa trời cao để làm thành nóc nhà của cả vùng Đông Dương rộng lớn nên thị trấn phố núi nhỏ bé nơi miền biên viễn cực Bắc này quanh năm mây phủ, nhạt nhoà khói sương. Với cái địa hình như thế, Sapa không chỉ mang trên mình những núi đồi hoang sơ, hùng vĩ mà còn có những đèo cao dốc đứng, thác đổ suối reo cùng muôn cây vạn hoa dư sức mê mẩn, quyến rũ người xem. Có lẽ vậy mà cách đây trên một trăm năm, người Pháp đã phát hiện và xây dựng chốn này thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, mát mẻ như Đà Lạt trên cao nguyên Langbiang khiến bao người về rôi lại đến như một kẻ nghiện.
1. Rong chơi Tà Phìn
Tà Phìn nằm cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng chừng hơn chục cây số, hướng về đằng phía thành phố Lào Cai. Từ quốc lộ 4D đến bản khoảng tám cây số, đường không phải quá xa nhưng chẳng dễ đi một chút nào bởi những con dốc quanh co cùng đường đi gập ghềnh với những ổ voi ổ gà men theo những sườn đồi nhấp nha nhấp nhô chạy dài miên man. Nhưng đổi lại người đi sẽ được mãn nhãn với những thửa rộng bậc thang uốn lượn như trăm ngàn con sóng nối đuôi nhau dọc hai bên đường cùng những nương ngô xanh mướt. Phải nói, tuy không nhiều, không đẹp như ở Mù Căng Chải hay Hoàng Su Phì nhưng những thửa rộng bậc thang nối đuôi nhau, chạy dài liên tiếp hết quả đồi này sang quả đồi khác của Tà Phìn cũng khá đẹp khiến người qua phải mê mải ngắm nhìn.
Ở Sapa, nếu Cát Cát là bản của người H’Mông được biết đến với những nghề truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát các dụng cụ sinh hoạt hay trạm trổ bạc và rèn các loại nông cụ sản xuất thì Tà Phìn là bản của người Dao đỏ lại nổi tiếng với bài thuốc tắm lá. So với Cát Cát thì Tà Phìn có vẻ kém người đến nhưng nếu đến Sapa mà không biết Tà Phìn thì có gì đó như là còn thiêu thiếu, một sự khám phá còn dang dở. Đến bản Tà Phìn ta không thể không tắm lá của người Dao đỏ. Tắm lá là một trong những nét sinh hoạt truyền thống độc đáo của đồng bào Dao đỏ. Ngày xưa, với những bí truyền riêng, người Dao đỏ thường hái những lá thuốc từ trong rừng về phơi, nấu với nước rồi cho vào bồn gỗ pơ mu để tắm vào dịp cuối năm nhằm tẩy rửa sạch sẽ cơ thể, đón mừng năm mới. Lâu dần tắm lá trở thành bài thuốc nổi tiếng của người Dao đỏ. Thường thì người Dao đỏ dùng khoảng hơn chục loại lá để đun nước tắm, cũng có khi cầu kỳ thì nhiều hơn, nghe kể có người còn dùng tới tận một trăm hai mươi loại lá khác nhau để đun nước tắm. Khách đến Tà Phìn, ngâm mình trong bồn nước, hà hít làn hơi bốc lên ấm nóng với những hương lá ngạt ngào cơ thể sẽ cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng, da dẻ bỗng trở nên tươi trẻ hồng hào tựa đang lúc xuân thì.
Tà Phìn không chỉ có ruộng bậc thang, tắm lá mà còn là một thiên đường cho những ai thích sống ảo. Sống ảo, không chỉ với những cánh đồng ruộng bậc thang còn hoang sơ quấn quện mây trời bồng bềnh phiêu lãng đầy thơ mộng mà còn được sống ảo với một tu viện đá hoang phế của người Pháp còn sót lại rãi rầm trong mưa nắng của thời gian. Tu viện hoang phế ấy có ba tầng, chỉ còn lại những bức tường vươn mình lên trời xanh giữa vườn cây rậm rạp. Tuy không còn mái che và lở loét rêu phong nhưng dáng vẻ và đường nét kiến trúc cổ kính của một tòa lâu đài Âu châu vẫn còn vẫn còn hiện rõ với một vẻ đẹp vô cùng huyền bí đang trầm mặc đêm ngày giữa mây ngàn gió núi bên những gốc đào phai. đứng bên những bức tường đá phủ đầy rêu phong hay ngồi trên từng ô cửa mái vòm cổ kính đẹp đẽ và thơ mộng như huyền thoại của tu viện chắc ai nấy chẳng thể nào cưỡng nổi một tấm hình để làm kỷ niệm. Có lẽ vậy, nên từ lâu, chốn hoang tàn này đã chở thành một địa chỉ đến cho không ít người, nhất là những nam thanh nữ tú dân phượt cứ mê mẩn đến đây để chụp hình, sống ảo.
Lặng thầm bên những tường đá xám nham nhở, lở loét, rêu phong  của tu viện cổ kính đang phơi mình trong mưa, gió, nắng, bão... ngót trăm năm qua ta như thể lạc đi trong một giấc mơ về một câu chuyện cổ tích của trời Âu nào đó trên từng đường nét kiến trúc đang phai màu phôi pha. Bất giác chợt nhận ra rằng, cái đẹp đâu cứ phải là vẹn nguyên, đâu cứ phải trang hoàng rực rỡ. Hóa ra lịch sử và thời gian vương trên đống đổ nát mà những bức tường kia chính là chứng nhân đang trơ gan cùng tuế nguyệt giữa chốn rừng xanh cùng mây ngàn gió núi vẫn cứ hiện hữu là một cái đẹp. Cái đẹp ấy khiến cho ta sao không khỏi ngậm ngùi, luyến tiếc...!
2. Thức cùng phố núi 
Lần trước lên Sapa anh bạn đi cùng đã tôi bảo rằng, đến Sapa để ngủ thì ở nhà bật điệu hòa mà nằm cho đỡ mệt. Có lẽ đúng, vượt qua bao đèo, bao dốc với hàng trăm cây số chỉ mà để nằm trong phòng thì thật uổng phí, cho dù là ban đêm. Phải ra ngoài mà hít hà khí trời mát lạnh, để ngắm nhìn phố núi lung linh và tận hưởng những hương sắc vùng cao cực Bắc giữa màn đêm mênh mông huyền thoại.
Xem ra, phố núi Sapa hình như nhịp sống chủ yếu là về buổi đêm. Khi mặt trời gác núi, màn đêm buông xuống, những con phố trở nên huyên náo, đông vui, tấp nập hơn thì phải. Trung tâm thị trấn bừng sáng trong ánh điện đa sắc lấp lánh toả ra từ những nhà hàng, khách sạn. Đường phố rộn ràng bởi sắc màu thổ cẩm của người bản địa cùng với các trang phục tây ta lẫn lộn của du khách thập phương đang dập dìu nô nức đổ về trước của nhà thờ Đức mẹ Mân Côi. Và đó cũng là lúc cái lạnh của tiểu vùng khí hậu ôn đới hiện lên rõ nhất trong tiết trời nắng hạ của Bắc Việt. Dường như sương lạnh buông xuống cùng những ngọn gió lùa làm cho đất trời Sapa trở nên nhẹ nhõm, mát lành đến khó tả. Chẳng những vậy nó còn như một chất xúc tác làm hương vị của những con phố ẩm thực bùng lên đầy quyến rũ khiến du khách thập phương khó cưỡng. Dọc các con phố khu trung tâm phố núi hương thơm cafe toả ra, dâng lên thơm nức; “phố nướng” ở gần bên hông nhà thờ cũng ngạt ngào mùi vị của thịt nướng cùng các loại rau, ngô, khoai, sắn... Thật lạ, ở Sapa cái gì cũng nướng. Đến cả trứng cũng nướng. Phải chăng tiết trời lúc nào cũng lạnh nên đồ nướng thích hợp với xứ sở này chăng. Đã không ít lần tôi thấy trong tiết trời lạnh giá, bên những hàng nướng dọc con phố bên cạnh nhà thờ đá của Sapa không ít du khách tây, ta cứ vừa ăn vừa hơ tay trên những bếp tham rực đỏ và cả xuýt xuýt xoa xoa hà hít các mùi hương vị. 
Hình như khách đến Sapa, sau khi lang thang trên các cung đường, ngắm nghía các quán hàng thổ cẩm thì cũng không thể không dạt vào một hàng nướng để vừa ăn vừa xuýt xoa thưởng thức hay tìm cho mình một góc nào đó trong quán cafe để nhâm nhi lặng ngắm đất trời, lắng nghe những thanh âm của phố núi. Tôi cũng vậy, dù không phải là dân nghiền cafe nhưng cứ theo thói quen, lần nào lên Sapa tôi cũng tự tìm cho mình một góc nào đó trong quán cafe để thả hồn cùng Sapa phiêu lãng. Tôi đã từng hút hồn bởi những làn mây trắng bồng bềnh trên những thửa ruộng bậc thang vòng vèo như sóng cuộn đổ lên trời cao ở The Haven bên đồi Vọng Cảnh của bản Cát Cát hay bị mê mẩn bởi cánh đồng lúa đang thì chín rực cùng mây vờn dáng núi đẹp hút tầm mắt ở Lá Dao Spa Tả Van. Lần này tôi lại tìm cho mình một địa điểm mới. Không ngắm nhìn trời đất mà lại thả hồn ra với phố phường bên núi. Và thế Cộng cafe là nơi tìm đến ở trung tâm phố nhỏ trên đường Xuân Viên. Thương hiệu Cộng có lẽ cũng đá khá quen ở Hà Nội nhưng ở Sapa thì đây là lần đầu tôi đến. Theo tinh thần “du mục” và cách trang trí những đồ vật cũ tưởng như đã bị bỏ đi nhưng lại được dùng theo phong cách của Cộng để gọi hồn du khách về những hoài niệm của một thời đã qua. Người quản lý xinh xắn và những tiếp viên nhẹ nhàng, hiếu khách trong bộ trang phục kiểu phương Tây đeo tạp dề khiến ta như đang trong một không gian văn hoá Pháp. Ở Cộng cafe còn có một chàng trai H’Mông thổi sáo. Tiếng sáo nhỏ nhẹ trên nền nhạc phát ra từ chiếc điện thoại kết nối bluetooth của chiếc loa nhỏ tuy chưa hay nhưng cũng gợi lên những thanh âm ban sơ của núi rừng. Đôi lúc điệu sáo Mèo vang lên dục dã hồn tả trở về với những bản làng xa vắng, với những đêm hội, trai gái hẹn hò mãi tít trên các triền núi cao xanh ngất mây trời. Thức uống ở Cộng không nhiều nhưng khá ngon và ấn tượng bởi hương vị của dừa. Cafe Cộng có hương đặc trưng cà fe vị ngọt của dừa vừa thơm vừa ngậy. Điểm đặc biệt của Cộng là cốt dừa. Thức uống nào cũng có vị dừa, từ cafe đến cốm sữa và Chocolate... Cộng cafe đúng là hương vị và thanh âm thân thiện mang đầy sắc hoài cổ của phố núi Sapa.
3. Ngắm thác, đón gió, săn mây
Sapa nổi tiếng không phải chỉ có đỉnh Fansipan mà còn được biết đến bởi có con đèo trứ danh được xếp vào loại “vua đèo” của Việt Nam, đèo Ô Quý Hồ (dài gần năm chục cây số). Con đèo này nằm trên quốc lộ 4D, đỉnh đèo là gianh giới tự nhiên giữa Lào Cai và Lai Châu. Đèo Ô Quý Hồ cao ngót hai ngàn mét cho nên nó còn được ví là nơi gặp gỡ của đất và trời. Chinh phục đỉnh đèo Ô Quý Hồ chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng biết bao vẻ đẹp khác nhau của những triền núi Hoàng Liên Sơn khi xe vòng vèo chồi lên rồi lại vòng xuống theo con đường nhìn như cái dải lụa đang thắt quả núi này nối với quả núi khác. đặc biệt trên cái cung đường ấy ta còn được chiêm ngưỡng rất nhiều vẻ đẹp khác nhau của đất trời Sa Pa như Thác Bạc, Cầu Mây và rừng cây hoa lá. Thác Bạc nằm ngay bên đường quốc lộ, trên đỉnh núi cao hàng trăm mét, ngày đêm ầm ầm nước đổ, tung bọt như thể muốn nhuộm trắng cả núi rừng hoang sơ. Cái thác nước ấy cũng là nơi sống ảo của biết bao người. Có lẽ không có đoàn khách nào du lịch Sapa là lại không một lần thăm thú thác nước này. Cách đó không xa, khoảng chừng nửa cây số theo đường chim bay còn có con suối Mường Hoa đẹp nổi tiếng bên những thửa ruộng bậc thang. Con suối ấy được tô điểm bằng một chiếc cầu mây (một chiếc cầu treo được làm bằng những sợ mây bắc qua con suối) để tạo thành một điểm đến Thác Bạc - Cầu Mây. Mỗi khi có người đi qua, chiếc cầu chao đi chao lại làm cho người ta như đang đứng trên cánh võng với một cảm giác vừa thích vừa sợ.
Đứng trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ, ta thấy con đường đi về Lai Châu như một dải lụa vắt trên triền núi xanh thật đẹp. Núi non hoang sơ và hùng vĩ đêm ngày hối hả mây trôi khiến cho biết bao tay phượt vượt hàng ngàn cây số tìm đến tay lăm lăm máy ngồi đợi săn mây. Đèo Ô Quý Hồ tương truyền bắt nguồn từ tên gọi của một loài chim cùng tên với tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình dang dở của một đôi trai gái tha thiết yêu nhau. Đứng trên đỉnh đèo chúng ta sẽ thấy được sự hùng vĩ hoang sơ của đất trời Tây Bắc yêu thương cùng những thửa ruộng bậc thang trập trùng, ngút ngàn như nối đất dày với trời cao xanh ngát... Có lẽ đèo Ô Quý Hồ đẹp nhất phải kể vào lúc hoàng hôn. Khi ấy, ánh tà dương ngả màu, không còn chói chang, như thể đang lê từng bước đi chậm chạp để khuất dần sau khe núi. Ngắm nhìn cảnh vật ấy ta thấy bức tranh chiều hôm của Sapa thật tuyệt. Nó đưa ta về với cái tĩnh lặng của tâm tư, với cái cảm giác lâng lâng, man mác. Lúc ấy, khách tha phương không khỏi động lòng nhớ về tổ ấm ở chốn quê nhà. Đứng trên đỉnh đèo, gió lộng thổi tung mái tóc, dõi mắt nhìn về phía xa xa mờ ảo, giữa ngút ngàn mây núi, con đường của cung đèo hiện ra mềm mại như đang dán mình vào những vách đá dựng đứng. Thấp thoáng, trong bóng chiều hôm ta thấy đàn trâu đủng đỉnh đi về vang lên những tiếng mõ lộc cộc đung đưa trên cổ và xa xăm là bóng nàng sơn nữ đang lặng lẽ, cặm cụi gùi bó củi trên lưng trong ánh tà dương hư ảo. Bức tranh sơn dã ấy hỏi rằng trong đời mấy ai và mấy khi ta có được?
Sapa là thế. Đẹp, một vẻ đẹp ma mị, mê mẩn khiến cho ta đến một lần là nhớ mãi. Đến, về... rồi lại hẹn lòng ngày trở lại. Muốn ở mãi thôi chẳng thích về!.
25/6/2019
Giang Hiền Sơn
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...