Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Mười ngày ở Huế

Mười ngày ở Huế

Phần I
Nhân dịp tế Nam Giao tôi có về chơi Huế, thật là phỉ cái lòng mong mỏi đã lâu nay. Sinh trưởng ở một nơi đô hội mới, không còn tí gì là cái dấu vết cựu thời, mối hoài cổ vẫn thường canh cánh trong lòng. Quan niệm về lịch sử nước nhà, trông quanh mình không có cái cảnh tượng gì đủ nhắc lại những sự nghiệp nhớn nhao của đời trước, tình ái quốc vẫn thường ngang ngang trong dạ. Nên vẫn ước ao được về nơi Đế Đô để chiêm ngưỡng cái hình ảnh của Tổ quốc. Nay sự hi vọng đã thành, mắt đã được trông, tai đã được nghe, tinh thần đã cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể đã gội cái khí thiêng của núi sông, muốn đem những sự kiến văn, sự cảm giác, sự tư tưởng trong mười ngày ở chốn Trường An thuật lại cho các bạn đọc báo nghe, tưởng cũng giúp được một phần cho cái quan niệm của quốc dân đối với Tổ quốc vậy.
Xưa chẩy Kinh mất hai mươi ngày, nay nhờ có xe hỏa xe hơi đi đường bộ chỉ vừa đầy hai ngày tròn. Bắt đầu đi từ Hà Nội ngày 19 tháng 3 tây, ngày 21 tới Huế, ở Huế 12 ngày, ngày 2 tháng 4 bắt đầu về, chiều ngày 3 tới Hà Nội, vừa đi vừa ở vừa về cả thảy 16 ngày. Đi qua mười tỉnh: Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; trải nhiều cảnh khác nhau: khi ruộng lúa, khi đồng cỏ, khi non thấp, khi núi cao, khi sa mạc, khi cao nguyên, khi qua sông, khi men bể; giải Hồng Lĩnh, núi Hoành Sơn, bến sông Gianh, truông nhà Hồ, những nơi có tiếng to tiếng dữ ngày xưa lần lượt trình bầy ra trước mắt, chỉ khác cổ nhân là thân không phải chịu khó nhọc mà trong khoảng hai ngày thu được một mảnh giang sơn của cố quốc.Ở vào thời đại khai thông cũng có nhiều điều tiện lợi, nhưng có nhẽ kém cái thú riêng của các cụ ngày xưa, thong dong bầu rượu túi thơ, đi đến đâu đề vịnh đến đấy, chẳng quản ngày qua tháng lại, cái thân nhàn không hệ lụy với thời gian! Ngày nay thời giờ đã coi là vật rất quí ở đời, người đời đối với ngày giời đã sinh lòng bủn sỉn, thì cái hồn thơ lấy đâu mà lai láng được như xưa! Cho nên điện khí, hơi nước, xe hỏa, xe hơi, không phải là những “thi khố” thiên nhiên của giời đất.
Sáu giờ sáng ngày 19 lên xe hỏa về Vinh, năm giờ chiều tới nơi. Từ Hà Nội đến Ninh Bình là phong cảnh đất đồng bằng, đất bằng giời phẳng, bát ngát mênh mông, người đứng giữa như giam mình trong cái ngục nhớn. Ai sinh trưởng ở chốn đồng bằng xứ Bắc, từ
thủa nhỏ đầy mắt chỉ là cái cảnh giời biếc ruộng xanh, song song bất tuyệt, mới biết cái khổ lạ như cái khổ kẻ tù nhân, khao khát những cảnh núi non cao thẳm, gò đống khi khu. Theo sách địa lý thì những bậc anh tài hùng kiệt thường sinh ra ở gần nơi cao phong tuấn lĩnh: mắt nhìn những cảnh tượng nhớn nhao, lòng tất rộng rãi mà trí tất cao sâu. Sách tây cũng thường nói người Ấn Độ đời xưa sở dĩ sáng lập ra được những tôn giáo triết lý cao thâm như đạo Thích ca, đạo Phệ đà, cũng là bởi sinh trưởng ở dưới núi Tuyết Sơn, tinh thần thường theo ngọn núi cao mà bay bổng lên chốn không gian vô cực. Như thế thì xứ đồng bằng hiếm người anh tuấn cũng là phải: người đồng bằng cái trí không lên khỏi ngọn cây tre! – Từ Ninh Bình giở vào mới thấy nhiều núi non, trước còn thấp, rồi cao dần mãi lên. Núi thường đột khởi ở giữa cánh đồng, đá trắng mọc rêu xanh, đen đen đốm đốm, trông xa như những mảnh thành bị tàn phá đã lâu ngày, hay là những bức tường đổ nát của cái lâu đài khổng lồ từ thời thượng cổ. Trông những núi đó không khiếp sợ mà chạnh thương, vì nó trơ vơ xơ xác giữa đồng, có cái hình dạng tiêu điều như người đau đớn trong lòng: mộc thạch cũng có linh hồn chớ chẳng không! Nhưng từ vùng Thanh Nghệ giở vào thì núi đã thấy liên tiếp nhau mà thành từng rặng dài, đá thường lẫn đất, cỏ cây rậm rạp, không xơ xác như những núi trên kia. Hình tròn sắc mượt, như một đàn voi cực lớn theo nhau tự trong rừng Vạn Tượng ra đến bờ bể Đông. “Hồng Lĩnh cửu thập cửu phong” là bắt đầu từ đấy. Xe lửa chạy nhanh, không thể đếm được có đủ chín mươi chín ngọn không. Nhưng túng sử đếm được mà cái số hoặc nhiều hơn hay ít kém thì có hề chi; cái tên của cổ nhân đặt vẫn là có ý vị, dẫu không đúng cũng chẳng giảm đi chút nào. Ôi! Cái hồn thơ của cha ông!…
Đêm hôm ấy ngủ tại Vinh, sáng hôm sau lên xe hơi đi về Đông Hà. Xe hơi có thể đi từ Vinh về Đông Hà trong 12 giờ, nhưng xe hỏa tự Đông Hà về Huế chỉ có một chuyến chạy chín giờ sáng, vả Đông Hà là một nhà ga cùng tịch ở đêm không tiện, nên ước năm sáu giờ chiều tới Đồng Hới là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình ngủ đêm đấy, sáng hôm sau đi nốt Đồng Hới về Đông Hà, vừa gặp chuyến xe lửa về Huế, đúng 12 giờ trưa thì tới Kinh đô. Nếu sở xe hỏa chịu đặt một chuyến bảy tám giờ tối thì hành khách khỏi phải ngủ đêm ở Đồng Hới, khỏi phải mất nửa ngày hôm sau, mà ước nửa đêm ngày thứ hai đã tới Kinh. Cứ xem khi ở Huế ra Hà Nội chỉ vừa đầy hai ngày thì đủ biết: 6 giờ sáng lên xe hỏa tự Huế ra Đông Hà, 8 giờ đến Đông Hà, 9 giờ lên xe hơi ra Vinh, 10 giờ tối tới Vinh, ngủ đêm ở đấy, sáng sớm mai lên xe hỏa ra Hà Nội, 5 giờ chiều tới nơi. Người yếu sức cũng hơi nhọc mệt một đôi chút, nhưng trông phong cảnh hai bên đường đủ làm cho quên cái nỗi lưng mỏi chân chồn.
Từ Vinh giở vào đi xe hơi là theo con đường Thiên Lý cũ gần bờ bể. Phải một quãng ở khỏi Nghệ đường mới đắp xấu quá, hôm đi lại vừa gặp giời mưa to đêm hôm trước, đường sũng nước thành bùn lầy, bánh xe bết xuống không đi được hành khách phải xuống để cho phu đẩy mất năm sáu trăm thước tây. Chuyến ấy có bốn người đi, hai vợ chồng ông quan ba với hai anh em nhà báo mình là ông Chương Dân và tôi. Bốn người cùng lội bì bõm, nhìn nhau mà buồn cười thay. Quan ba cùng phu nhân tính vui mà nhã nhặn, thực là một đôi bạn đi đường quí hóa. Suốt một ngày chuyện trò ân cần vui vẻ, cùng nhau bình phẩm cái bức tranh thiên nhiên đương bầy ra trước mắt. Đến lắm chỗ phong cảnh núi non đẹp, phu nhân nói nhớ đến những cảnh quê hương bên mẫu quốc. Chẳng hay phu nhân có biết hai người Việt Nam ngồi đấy trông cảnh ấy trong lòng cũng đương vẩn vương về tổ quốc không?… Quan ba người đẫy đà, ngồi trong xe khí chật, tủm tỉm cười mà nói: “Tôi to nhớn quá, ngồi chật mất cả chỗ, không được thanh tú như các ông là những bậc văn nhân…” Than ôi! Câu đó cũng là một câu nói nhã mà khiến cho chúng tôi luống những rầu lòng. Trông người mạnh mẽ ta yếu ớt mà buồn thay cho tư cách văn nhân của giống mình. Ngoài những khi ngồi xe như lúc này, cái tư cách ấy há đáng người ta thèm lắm ru? Ngay khi lóng cóng lội bùn vừa rồi cũng đủ biết cái tư cách văn nhân không đủ ra đối đãi với đời. Ngán thay!
Xe hơi đi phăng phăng như nuốt đường, gió lộng tứ phía như đập vào mặt đập vào tai mà thành một thứ âm nhạc riêng lẫn với tiếng phành phạch của cái máy động cơ trong xe. Người nhà quê trong Trung Kỳ này vụng tránh xe lắm. Nghe hiệu còi không biết đứng nép ngay vào bên đường mình đương đi, lại hình như cuồng cẳng lên mà đâm quàng sang bên kia, hoặc cứ chạy mãi cho đến chỗ nào có cái cửa hay cái ngõ ngang mới rẽ vào, rồi cắp nón quay lại nhìn, mặt ngơ ngác! Thường xe hại người cũng vì thế. Nhưng mà nghĩ cho kỹ chẳng nên trách chi người nhà quê. Phàm cái gì có hiểu, có giải được cái lý do nó thế nào thì làm mới phải đường; người nhà quê trông cái xe hơi chạy vùn vụt, tưởng là có cái ma lực gì nó đưa đi như mây như gió, lại không hiểu những người ngồi trong xe ấy có công việc gì mà đến nỗi chạy bạt hơi bay tóc như lũ cuồng như vậy, nên trông thấy cái xe đi đến kinh ngạc khiếp sợ, bối rối lên mà không biết tới lui thế nào.
Hai bên đường xe chạy, phong cảnh có cái vẻ buồn rầu lặng lẽ: toàn thị là một rải đất hoang, xa xa mới có một thôn lạc năm ba nóc nhà lơ thơ; ngoài là bãi cát trắng xóa, trong là rẫy núi xanh om. Cái xe bon bon chạy giữa tưởng như con thú rừng lạc vào trong sa mạc; kinh hoảng mà chạy cuồng. Ngoài xa nữa là bể khơi một mầu xanh ngắt, sóng rạt gần bờ trông như một rải bạc trắng xóa. Phong cảnh ấy tưởng những lúc bão bể mưa ngàn, tiếng sấm trên núi họa với tiếng sóng ngoài khơi, thì kinh hãi biết chừng nào! Hoặc buổi chiều mặt giời đã xế, cây cỏ rầu rầu, nghe tiếng con chim lạc đàn kêu giữa bãi trường xa, thì thê thảm biết chừng nào! Mình ngồi trong xe chạy vùn vụt, mà trông cảnh ấy trong lòng còn lạnh lẽo thay, huống chi là những khách đường xa, người lữ thứ đi đến đấy, tấm lữ hoài ngao ngán biết là bao!
Miền hải tần đó không phải là cái đất người ở được. Núi tuy có cây mà là những cây cằn cọc, không phải là cái lợi nguyên cho cư dân. Đất trộn lẫn với cát, không phải là cái chất nuôi được giống sinh vật. Trông cây cỏ mọc đấy mà thương thay; có lắm giống giá vào chỗ đất tốt sức nhớn được bằng cây đa cây đề, mà ở đây không sao lên được hơn ba bốn mươi phân tây. Thực là cái cảnh sơn cùng địa tịch vậy.
Nếu suốt đường cứ một cái cảnh tiêu điều như thế thì mắt cũng phải chán mà lòng cũng phải ngán. Nhưng ước nửa đường thì đến rặng Đèo Ngang. Phong cảnh ở đây mới thực là ngoạn mục, chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy vậy. Núi Đèo Ngang tức tên chữ là Hoành Sơn. Ta thường dùng nhầm chữ Hoành Sơn mà dịch tên tây Chalne Annamitique là gồm cả cái rẫy núi dài chạy dọc suốt đất Trung kỳ, theo lưu vực sông Cửu Long, trên liền tiếp với các núi miền Thượng du Bắc kỳ, dưới đến tận đồng bằng Lục tỉnh. Thực Hoành Sơn chỉ là một chi núi của rẫy núi nhớn ấy, chạy thẳng ra bờ bể, chắn ngang đường Thiên Lý tự Bắc vào Kinh, nên gọi là Đèo Ngang, Bài thơ bà huyện Thanh Quan: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà… tức là vịnh núi ấy. Ngày xưa khách bộ hành đi đến đấy tất phải trèo đèo, trèo ngược lên, rồi lại trèo dốc xuống, lấy làm một bước đường rất gian hiểm. Khi đêm các vì sơn quân vẫn thường lẩn quất ở đấy. Ngày nay đã có con đường chạy quanh núi như xoáy trôn ốc, xe hơi đi ước mất hơn nửa giờ, đến lưng chừng núi trông xuống không cảnh gì xinh bằng. Thực là:
Dừng chân đứng lại giời, non, nước, Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cảnh vui này mới bõ cảnh buồn lúc nãy. Trên núi thì cỏ cây chen đá lá chen hoa, dưới đồng thì ruộng lúa xanh rì dòng nước cuốn, ngoài bể thì giời nước mênh mông sắc một mầu. Đến cửa “Hoành sơn quan” xe đỗ tôi trèo lên xem. Cửa nay đã mất cánh, rêu mọc cỏ che. Cạnh có cái bi đinh trong khắc bài bia ngự chế của Đức Thiệu Trị. Trông cái cửa cỏn con ấy, không thấy gì là cái cảnh tượng một chốn “hùng quan”! Đứng đấy mà lại sực nhớ đến hai câu thơ của bà huyện:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Tuy bấy giờ không nghe tiếng con quốc cái gia nào kêu, mà nỗi thương nước nhớ nhà như chan chứa trong lòng. Nghe nói gần đấy có cái đền thờ bà Liễu Hạnh linh lắm, nhưng đường xuống dốc quá, không thể đi tới nơi.
Khi xuống xe thấy một ông lão già ngồi bên đường như người hành khất, hình dáng tiều tuỵ, không nói không năng. Than ôi! Khoảng vắng đường dài, trên rừng dưới bể, lão ở đâu đến, lão ngồi chi đây? Hay là lão cực nỗi đời khốn khổ, đem thân tự hiến cho sơn quân? Thương thay!
Lúc đã xuống đến chân núi ngửng trông lên thấy con đường mình vừa đi như một dải lụa vòng quanh núi, khác nào như cái dây trắng buộc quả bầu xanh vậy.
Hết rặng Đèo Ngang lại đến cái cảnh đất cát cây cằn như trước. Đi một ít lâu nữa thì tới một nơi có tiếng dữ ngày xưa, tức là nơi truông nhà Hồ, thuộc tỉnh Quảnh Bình, làng Hồ Xá. Truông là một khoảng đất cây cỏ rậm rạp, không có đường đi lối lại. Ngày nay thì không có cái cảnh tượng như thế nữa, cây cỏ ở đấy cũng cằn cọc như ở trên kia, nhưng xưa thực là một nơi sào huyệt của bọn cướp đường, khách bộ hành lấy làm nguy hiểm hơn cả, nên đi qua đấy phải đông người mới dám đi. Những buổi nhiễu nhũng, khách đi qua thường bị bọn cướp bắt đem vào trong xa bóc lột, quân quan không biết đường nào mà tìm bắt, vì cây cỏ rậm quá. Thuộc về lịch sử nơi truông nhà Hồ ấy, ở đường trong có tương truyền truyện như sau này. Ông Nguyễn Khoa Đăng làm chức nội tán cho chúa Minh vương (1691 – 1725) nghe nói nơi truông nhà Hồ có nhiều giặc cướp, hay bóc lột khách đi đường, bèn lập kế trị cho yên. Ông cho tải đến nơi ấy ước hai mươi cái hòm to đóng kín, trong phục người, để giả làm một bọn nhà buôn chở đồ hàng đi qua. Đám cướp vẫn rình ở đấy trông thấy bọn khách đông, lại nhiều đồ hàng, tưởng là một dịp béo bở lắm, xông vào đánh cướp, rồi đem đến nơi bụi rậm chia nhau. Trong hai mươi cái hòm ấy một cái có khoan lỗ thủng, người nằm trong ấy đi đến đâu rắc giấy đến đấy, để cho quân lính theo sau biết đường mà tìm vào. Đương khi bọn cướp họp lại đông đủ cả để bàn nhau chia của thì người trong hòm đâm xổ ra, quân ở ngoài kéo ùa vào, vây bốn bề, bắt được cả bọn, không thiếu đứa nào. Từ đấy cả miền đó được yên. Sau ông truyền cho người bộ hành nào đi qua đấy cũng phải cắt những cây mọc bên đường. Hai đầu đường đã để dao sẵn cho mà dùng. Cứ thế mãi, không bao lâu mà con đường thành ra quang đãng, người đi lại giao thông như thường; từ đấy không có tiếng giặc cướp gì nữa.
- Lại gần Kinh, giáp bể, ở nơi tên là Bàu Ngược, thuộc huyện Quảng Điền, có một cái đầm nước gọi là phá Tam Giang, cũng có tiếng dữ lắm. Nay xe hơi không đi gần đến đấy, nhưng xưa hành khách về Kinh tất phải chở thuyền qua đấy. Nhất là về mùa thu mùa đông, sóng gió nhiều, thuyền thường đắm luôn, rất là nguy hiểm, vì chỗ ấy nước vừa sâu mà đường đi lại quanh co khúc khuỷu. Tục truyền là đấy có ba cái Sóng thần dữ lắm. Ông Nguyễn Khoa Đăng muốn trị cho được, bèn truyền đóng một chiếc thuyền rất vững vàng, đặt chiếc súng thần công ở trong. Ra đến giữa phá ông nổ hai phát súng bắn tan được hai cái Sóng thần, còn cái thứ ba thì chạy ra bể mất. Đêm hôm ấy ông cho đào liền một con sông thẳng đấy; từ đó thuyền bé không hay đắm nữa. Nhân hai việc tục truyền đó mà có câu hát như sau này:
- Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang
- Phá Tam Giang nay rày đã cạn, Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.[2]
Xe hơi đi đến Đông Hà thì thôi. Đấy là đầu đường xe hỏa Quảng Trị. Có một nhà ga nhỏ với năm ba cái hàng quán con ở giữa khoảng đồng không mông quạnh. Xe hơi tới nơi, đợi ít lâu thì có chuyến xe hỏa về Huế. Hai bên đường cũng vẫn nhiều đất rậm bỏ hoang, chưa ra cái cảnh tượng trù mật. Xe hỏa chạy gần tỉnh Quảng Trị, nhưng không đi qua. Vào đến địa phận Thừa Thiên thì phong cảnh thấy khác ngay. Làng xóm đông đúc, ruộng lúa xanh rì, không phải đất bỏ hoang như trên kia nữa. Dẫu không biết rằng đã sắp đến Huế, cũng đoán được rằng sắp tới một nơi đô hội nhớn. Quả nhiên ước một giờ đồng hồ thì xe hỏa tới Kinh đô: Bây giờ vừa đúng 12 giờ trưa…
Kể chi những nỗi dọc đường… tới đây mới nhớ đến câu thơ ấy trong truyện Kiều, thì ra từ trên toàn thị là những nỗi dọc đường cả, mà chính chuyện trong “mười ngày ở Huế” chưa từng kể đến. Ôi! Cổ nhân có tính hay thơ, mà tôi đây thực là thơ thẩn vậy. Thơ thẩn thẩn thơ, giời đã bẩm sinh cho cái tính luyến cảnh luyến người, bình sinh đã từng biết người nào cảnh nào, những khi hồi tưởng đến không thể dứt cho đành. Thôi thì: Dở hay cũng bởi tính giời biết sao? tưởng các bạn đọc báo cũng lượng cho vậy.
Từ đây xin thuật chuyện Trường An.
Phần II
Cổ ngữ Âu châu có câu: “Trăm con đường đều quay đầu về thành La Mã”. Có ý nói thành La Mã là nơi trung tâm của lịch sử Âu châu đời xưa, đâu đâu cũng qui phục về đấy, muôn sự đều do đấy mà ra. Cái ánh sáng của văn minh nước La Mã nhóm lên từ đấy mà chiếu khắp thế giới, cái oai quyền của quân đội nước La Mã dấy lên từ đấy mà trấn áp hoàn cầu; cái then máy của cuộc thống nhất nước La Mã cũng do tự đấy mà vận động ra suốt cõi Âu Châu. Từ xưa đến nay phàm nước nào đã có một cuộc lịch sử lâu dài đều có một nơi trung tâm như thế: nước nào cũng có một thành La Mã vậy. Thành La Mã của Việt Nam ta là ở đâu? Tức là nơi Đế đô bây giờ, đất Thuận Hóa khi xưa, kinh thành Huế ngày nay vậy.
Lấy lịch sử mà xét, lấy địa thế mà chứng, lấy cái tình thế chính trị ngày nay mà chiêm nghiệm, lấy lòng khuynh hướng quốc dân sau này mà dự đoán, thành Huế thực là chốn căn cứ, nơi yếu điểm của giống Việt Nam, xưa đã nhờ đấy mà gây dựng nên bờ cõi, nay lại nhân đấy mà nói lên cái tư cách một dân quốc hoàn toàn. Ôi! Phàm đã gọi là một dân quốc không thể giây phút thiếu cái tư tưởng, cái tinh thần một dân quốc. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy gọi một tên tức là cái quốc hồn vậy. Quốc hồn của Việt Nam ta ngày nay phải tìm ở đâu cho thấy? Thiết tưởng phi ở Huế không đâu thấy vậy.
Ấy trước khi bước chân xuống đất Huế, cái tư tưởng tôi triền miên như vậy. Tôi chưa biết Huế tôi đã yêu Huế rồi, yêu vì cái nghĩa cao thượng nó ngụ ở trong cái tên ấy, yêu vì cái cảm tình vô hạn nó chan chứa trong lòng tôi. Bình sinh tôi học vấn được đến đâu, cảm giác được đến đâu, tư tưởng được đến đâu, hy vọng được đến đâu, bấy giờ tựa hồ như con sông vỡ đê mà tràn ngập cả trong tâm giới tôi vậy.
Đương mộng tưởng mơ màng thì xe hỏa dừng trước nhà ga Huế. Sực tỉnh trong bụng nửa mừng mà nửa lo. Mừng rằng nay đã tới nơi rồi, lo rằng không biết sự thực có xứng với cái mộng không, hay là quen thói thường chỉ đủ khiến cho mình thất vọng…
Thường câu đọc trong sách Đại Nam nhất thống chí, thiên Kinh sư, có tả địa thế cùng lược lịch sử nơi kinh thành Huế như sau này:
“Chốn Kinh sư gồm cả núi bể trong nước mà ở vào giữa khoảng Bắc Nam, khí hậu hòa bình, sơn thủy kỳ tú. Đường bể thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền làm hiểm, đường lục
thì có ải Quảng Bình, ải Hải Vân làm trở. Sông nhớn bao mặt trước, núi cao chắn mặt sau. Ba nguồn Bồ Trạch bọc bên tả bên hữu. Đầm Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung làm then làm chốt. Thực là một nơi hổ chồm rồng cuốn, địa thắng hình cường; đất hiểm yếu của giời đất, làm thượng đô cho đế vương. Kể từ khi nước Nam dựng nước, thuộc về nhà Trần là đất Thuận Hóa, thuộc về nhà Lê là Thuận Hóa thừa tuyên, đều xưng là nơi trọng trấn. Về Bản Triều, đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế chịu mệnh Giời mở nền nước ở cõi Nam, trước đóng ở Ái Tử, sau đi ra Trà Bát (tên làng thuộc tỉnh Quảng Trị, huyện Đăng Xương, lại đi ra phía đông Ái Tử nữa ở nơi gọi là Cát Doanh). Đức Hi tôn Hiếu Văn Hoàng đế lại tự Cát Doanh đi ra Phúc An (tên làng, thuộc huyệnQuảng Điền). Đức Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế lấy nơi Kim Long là đất có hình thế, đổi ra đóng đấy. Đức Anh tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế lại dịch ra Phú Xuân (Kim Long Phú Xuân đều là tên làng). Đức Thế tôn Hiếu Võ Hoàng đế chia đất trong cõi làm 12 doanh. Ở Phú Xuân thì gọi là Chính doanh, lại xưng là Đô thành. Đều là đất Thuận Hóa vậy. Phía Bắc cưỡi lên sông Gianh, phía Nam gồm đất Chân Lạp, Liệt Thánh tương truyền hơn hai trăm năm. Năm Giáp Ngọ đời đức Duệ tôn Hiếu Định Hoàng đế, quân Trịnh đến chiếm. Sau bị giặc Tây Sơn trộm giữ trong ba mươi năm. Kịp đến đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta dấy lên như rồng như mây, thay Giời dẹp giặc, mùa thu năm Mậu Tuất thu phục thành Gia Định, mùa hạ năm Tân Dậu khắc phục chốn cựu kinh, mùa hạ năm Nhâm Tuất bắt tướng giặc ở cõi Bắc; từ đó gồm An Nam nhất thống dư đồ, bờ cõi mênh mông, nam tới Tiêm La Chân Lạp, bắc giáp nước Tàu, đông đến bể, tây đến Ai Lao. Giở về đất cũ, mở rộng thêm ra, định đô ở Phú Xuân, từ đấy mới xưng là Kinh sư vậy. Đặt phép tắc, định triều cống, như cái nóc nhà cao hơn cả, bốn bề đều quay về đấy, như ngôi sao Bắc đẩu tôn hơn cả, trăm sao đều chầu chung quanh. Cái nền vững vàng thịnh vượng của nước nhà trong ức vạn năm thực là ở đấy vậy. Rực rỡ thay! Vẻ vang thay!”
Lấy cái cảm giác nhà ái quốc mà đọc những nhời đó, trong lòng hứng khởi biết chừng nào! Người vô tình cho là nhời văn chương hư sức, mà người có cảm với nước nhà qua câu văn hình như trông thấy cái hồn trong nước sinh trưởng ở vùng Thuận Hóa Phú Xuân nơi đất cũ vậy.
Tôi vốn không tin cái thuật địa lý của bọn thầy vườn lấy đống đất giữa đồng, ngòi nước bên ruộng làm ngai rồng tay hổ. Nhưng tôi tin những nơi sơn thủy kỳ tú có ảnh hưởng đến vận mệnh một nước. Người ta đối với cái ngoại cảnh không phải là không có quan hệ. Người đồng bằng biệt ra tính cách đất đồng bằng, người rừng núi biệt ra tính cách nơi rừng núi; thói ăn cách ở, đường sinh kế, lối tư tưởng, không gì là không tùy theo cái ngoại cảnh mà khác nhau. Huống chi là những bậc đế vương mở đất dựng nước, những nơi sông núi xinh đẹp lại không có quan hệ với cái lòng hoài bão nhớn nhao hay sao? Liệt Thánh bản triều ta đặt nền Đại Việt ở đất Phú Xuân thực đã dự tưởng mà biết cái cơ đồ vĩ đại về sau vậy.
Người khách mới đến thành Huế tưởng như bước chân vào bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng. Cái phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là thứ nhất bởi con sông Hương Giang. Con sông xinh thay! Hà Nội cũng có sông Nhị Hà, mà sông Nhị với sông Hương khác nhau biết chừng nào! Một đằng ví như cô con gái tươi cười, một đằng ví như bà lão già cay nghiệt. Nhị Hà là cái thiên tai của xứ Bắc, Hương Giang là cái châu báu của xứ Kinh. Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có tị sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần. Nhưng đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa, cái cảnh mới thực là toàn xinh. Ngự Bình không phải là một núi cao như núi Phú Sĩ nước Nhật, Hương Giang không phải là một sông rộng như sông Hoàng Hà nước Tàu, nên nói rằng sông ấy núi ấy làm hiểm trở cho chốn Đế kinh thì cũng là nói quá, nhưng sông ấy núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ Huế vậy. Vả cái khí vị của phong cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí vị mĩ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng. Phải nhận kỹ như thế thì mới khỏi nhầm mà hiểu được tinh thần của cái bức sơn thủy hiển nhiên ấy. Khi mới bước chân vào một xứ lạ, cái gì nó cảm mình trước nhất là cái cảnh ngoài. Có cái cảnh ưa người, như tươi cười mà đón khách, có cái cảnh ghét người như hẩm hiu mà mới gượng, lại có lắm cái cảnh vô tình, mình hỏi không thèm đáp, phần đó là phần nhiều. Cảnh Huế là một cảnh rất ưa người, ngoài mặt mới tiếp xúc trong lòng đã sinh cảm tình. Hay là lòng tôi đã nhiệt thành sẵn mà dễ cảm như thế? Cũng có nhẽ, nhưng bởi cái tinh thần riêng của phong cảnh cũng nhiều. Nay đã có cảm tình với cảnh Huế, phải gây lấy mối cảm tình với người Huế nữa. Đó là cái công việc tôi trong mấy ngày về sau này. Cái mục đích cuộc du Kinh của tôi là chủ xem tế Nam Giao. Vậy trước nhất hẵng xin thuật chuyện Giao.
Tế Giao đính nhật đêm ngày 12 rạng 13 tháng 2 an nam (tức là 24-25 tháng 3 tây). Tôi tới Kinh từ ngày mồng 9, có ý sớm mấy bữa để xem cái cảnh tượng trong phố phường cùng cách trần thiết ở Giao Đàn. Mấy ngày ấy thành Huế tấp nập những kẻ đi người lại. Hai bên đường Hoàng Thượng sắp ngự qua từ Nội thành đến Giao Đàn đương làm rạp đặt hương án. Những hương án đó là do các thôn xã mấy huyện ở gần Kinh đô, mỗi làng phải đặt một sở, nghe nói cả thảy mấy trăm sở. Nhất là con đường thẳng lên Nam Giao hai ngày 10-11 đi dạo chơi không cảnh gì vui mắt bằng: cờ xanh, cờ đỏ, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành, các hạng cờ cắm san sát hai bên đường, gió thổi bay cả về một hướng, xa trông phấp phới, tưởng tượng như con hoàng long ở dưới đất nổi lên mà mỗi lá cờ là một cái vẩy đương rung động vậy! Hương án liên tiếp nhau, cách vài thước lại một cái, không có khoảng nào bỏ không. Mỗi sở có mấy viên ký-mục ngồi túc trực. Sau lưng những hàng quán dựng lên nhan nhản. Giữa đường kẻ đi người lại như nước chảy, nào là người phục dịch về Giao Đàn, về các hương án, nào là dân các nơi lại xem, đàn bà con trẻ cũng nhiều. Tôi có ý nhận những đám đông người ở đây rất nghiêm, không những như ngoài Bắc. Lính cảnh sát có ít mà trên đường vẫn có trật tự, không hề thấy đám đánh nhau chửi nhau, ồn ào rộn rịp, thứ nhất là không có cái tiếng rất khả ố là tiếng cập kè của bọn sẩm chợ, như những khi hội hè ở ngoài ta.
Cái vui của người dân đây nghiêm mà không nhả. Đại để dân xứ Huế rất có lễ phép, dù bậc hạ lưu cũng vậy. Xem đó đủ biết là gần cái phong hóa của Triều đình. Ngoài ta không hạng người nào bại liệt bằng hạng phu xe: ở Huế bọn phu xe cũng có lễ phép, không hề nói tục nói láo bao giờ. Cái nhân phẩm của phu xe Huế, còn cao hơn phu xe Hà Nội gấp mấy lần vậy.
Ngày 11 ta, giao đàn trần thiết đã chỉnh bị cả. Chiều hôm ấy tôi cùng với ông Chương Dân lên xem khắp mọi nơi, muốn thu trước lấy cái địa đồ vào trong mắt để khi xem tế cho tường hơn. Xin thuật đại khái như sau này.
Giao đàn ở giữa cánh đồng, rộng ước bằng hai Văn Miếu Hà Nội. Ngày thường là cái đàn không, không có nhà cửa gì cả; khi tế mới căng vải dựng nhà, tế xong lại triệt đi. Đàn chia làm bốn thành: thành thứ nhất cao hơn cả là viên đàn, thành thứ nhì thấp kém là phương đàn, thành thứ ba thấp kém nữa, đến thành thứ tư là khoảng đất bao chung quanh, bằng với mặt đất ngoài, giồng toàn thông cả. Khi tế thì chỉ trần thiết trong ba đàn thứ nhất thứ nhì thứ ba mà thôi. Đàn thứ nhất là viên đàn thì căng vải xanh khắp cả, làm thành cái nhà tròn, gọi là thanh ốc. Trong bầy như sau này: ở giữa đặt hai án chính vị, tả thờ Thiên Hoàng (Giời), hữu thờ Địa kỳ (Đất), đều quay mặt về phía Nam. Ở hai bên thì tả hữu mỗi bên đặt ba án phối vị, đông tây đối nhau. Tả nhất án thờ đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (tức là đức Nguyễn Hoàng, tổ bản triều); hữu nhất án thờ đức Thế tổ Cao Hoàng đế (tức là đức Gia Long); tả nhị án thờ đức Thánh tổ Nhân Hoàng đế (tức là đức Minh Mệnh); hữu nhị án thờ đức Hiến tổ Chương Hoàng đế (tức là đức Thiệu Trị); tả tam án thờ đức Dực Tôn Anh Hoàng đế (tức là đức Tự Đức); hữu tam án thờ đức Cảnh Tôn Thuần Hoàng đế (tức là đức Đồng Khánh). Đức Đồng Khánh mới thăng phối năm nay là lần đầu, Hoàng thượng đã ký cáo trước ở Giao Miếu từ ngày mồng 1 tháng 2. Trước bấy nhiêu án đã kể trên đó, mỗi án có đặt năm cái bàn độc để bầy những đồ tự khí tế phẩm. Ở trước chính vị ngay giữa, đặt một cái nội hương án, trước nội hương án là chỗ Hoàng thượng đứng làm lễ. Ấy đại khái trong thành thứ nhất trần thiết như thế. Thành thứ nhì thì ở trước viên đàn về mặt nam dựng một cái nhà vuông căng vải vàng, gọi là hoàng ốc. Ở chính giữa hoàng ốc đặt một cái ngoại hương án (đối với nội hương án ở đàn trên), trước án đặt chỗ ngự bái để Hoàng Thượng đứng tế. Hai bên tả hữu thành thứ nhì đặt tám cái án gọi là tùng đàn, đông tây đối nhau. Trên đàn bắc khung căng vải, mỗi án đặt ba cái bàn độc để bầy đồ tự khí tế phẩm, trước án đặt chỗ để các quan phân hiến đứng tế. Tả nhất án thờ Đại Minh chi thần (Mặt Giời); hữu nhất án thờ Dạ Minh chi thần (Mặt Giăng); tả nhị án thờ Chu thiên tinh tú chi thần (các vì sao trên giời); hữu nhị án thờ Sơn hải giang trạch chi thần (các núi sông); tả tam án thờ Vân vũ phong lôi chi thần (mây mưa gió sấm); hữu tam án thờ Khưu lăng phần diễn chi thần (gò đống đồng điền); tả tứ án thờ Thái tuế nguyệt tướng chi thần (thần các năm các tháng); hữu tứ án thờ Thiên hạ thần kỳ chi thần (bách thần trong nước).
Thành thứ ba góc đông nam đặt nơi liệu sở, trữ sẵn củi bằng gỗ tùng để khi tế đốt lửa làm đình liệu, góc tây bắc đặt nơi ế sở là chỗ đem chôn mao huyết những con sinh vật dâng tế. Trước mỗi sở có đặt cái bàn độc, che tàn lọng. Về phía đông lại đặt nhà đại thử, căng vải vàng, che mành màu sắc vàng, để làm chỗ khi Hoàng Thượng ngự tới Giao Đàn vào nghỉ đấy, rửa tay, sửa áo, rồi mới lên làm lễ. Về phía nam, ngay ở sân dưới thềm, hai bên bầy các đồ nhạc khí. Ngoại những trống, chuông, chiêng, khánh, là đồ thường, còn có nhiều các đồ cổ nhạc lạ lắm. Nhất là có một cái trống bằng gỗ, hình như cái hòm hổng mặt trên, khi nào bắt đầu một khúc hát thì đánh vào đấy một hồi: gọi là cái chúc tỵ. Lại có cái ngữ ty, hình con hổ nằm trên cái hòm, trên lưng thủng đặt mười tám miếng gỗ ken liền với nhau, khi hát xong một khúc lấy cái que siết vào thành tiếng quẹt quẹt. Những đồ cổ nhạc ấy không ra thanh âm gì cả: ý giả chế ra đó để cho hợp cổ lễ mà thôi. Lại có thứ như đàn cầm đàn sắt nhớn, cái sáo bài tiêu, chỉ bầy mà khi tế không dùng đến. Cạnh những đồ nhạc khí thì phường nhạc phường hát sắp hàng đứng hai bên. Phường hát tức là phường múa, vừa hát vừa múa, theo lối gọi là múa bát dật. Cả thảy có 128 người, chia làm hai ban văn sinh và võ sinh, mỗi ban 64 người, có một thầy đội bát phẩm coi, bên văn là hiệu cờ mao, bên võ là hiệu cờ tinh. Văn sinh võ sinh đều mặc áo xanh, nhưng bên văn thì tay áo rộng, bên võ thì tay áo hẹp. Văn sinh tay trái cầm cái thược (cái sáo), tay phải cầm cái vũ (cái gậy); võ sinh tay trái cầm cái can (cái mộc), tay phải cầm cái thích (cái búa). Khi tế thì vừa múa vừa hát, sắp làm 8 hàng 8 người một, bên võ hát khúc Võ thiên uy, bên văn hát khúc Văn thiên đức.
Xét kỹ những tế khí bầy trên các bàn độc cũng là thuần cổ cả. Thường đọc trong sách cũ thấy những tên cái tôn, cái tước, cái biên, cái đậu, cái phủ, cái quỉ, nay mới được trông, cái thì tròn, cái thì vuông, cái thì cao, cái thì thấp, hình dáng rất lạ. Những đồ ấy dùng để đựng các thứ nước rượu, thóc gạo, hoa quả, rau dưa, thịt cá, mỗi thứ một ít, để dâng tế thần. Lại cây đèn, bộ đỉnh, cái ống hương, cái mâm bồng, cái đài, cái chén, không gì là không có cái vẻ cổ lỗ và mộc mạc. Tôi muốn về Kinh để xem phong thể cũ nước nhà, nay thật được thỏa thích. Nội trong Giao Đàn không có một đồ vật gì là không cũ; những người hành động trong ấy, ăn bận mũ áo xưa, trông cũng rất là cổ. Khi mặt giời đã xế, một mình đứng giữa đàn rộng mênh mông, mơ màng tưởng như tinh thần đương mộng du ở một nơi thế giới nào khác, tự mười lăm hai mươi thế kỷ về trước, ở đâu nơi triều đình nhà Hán hay cung điện nhà Đường vậy. Người đời tàu bay tàu lặn mà trong giây phút được nhác trông một cái cảnh tượng đời thượng cổ như thế, còn gì khoái lạc bằng!
Xem xong Giao Đàn, xem đến Trai cung là nhà Hoàng Thượng ra trai giới ở đấy một ngày trước khi hành lễ. Cung ở ngoài đàn, xa xa về bên hữu; chung quanh xây tường. Trong cung có hai mặt: mặt trước về hướng nam có cái sân rộng, là chỗ Hoàng Thượng ngự để bách quan triều yết và làm lễ mừng sau khi tế xong. Mặt sau có buồng the, giường sập, bàn ghế, mùng màn, để làm chỗ Hoàng Thượng nghỉ ngơi. Sau cung có hai bên tả lang hữu lang để thị vệ túc trực. Bốn bề đều giồng rặt những cây tùng, um tùm rậm rạp. Những cây gần cung là phần nhiều của Liệt Thánh đời xưa giồng, lắm cây đã cao và to lắm. Ra ngoài một ít là những cây của các Hoàng thân Vương công giồng. Còn ngoài xa là cây của các quan đại thần. Người nào giồng đều có cái biển đã khắc tên hàm cùng năm tháng, buộc vào cái vòng bằng sắt treo lên trên cây. Nhìn qua một lượt mà sực nhớ đến bao nhiêu những bậc danh thần đại công của Triều đình ta, người thì mất đã lâu dựng nên công nghiệp nhớn cho nước nhà, người thì mới mất tiếng thơm còn lừng lẫy trong châu quận, người thì hãy còn hoặc đương giúp Thánh triều, hoặc đã về hưu nơi cố quận, thanh giá kẻ khen người trọng. Cũng là một cách kỷ niệm rất có ý nghĩa vậy. Đại để ngày nay những cây to đến một ôm, cao đến ngất giời, là những cây gieo hạt tự đời Gia, Minh, Thiệu, Tự vậy. Khoảng đất ở sau cung là những cây tùng mới giồng, mới cao được độ một thước hay hơn một thước ta, nhìn biển xem thì là những cây của các bậc đường quan ngày nay từ tứ phẩm giở lên vậy.

Ngày 12 là ngày Hoàng Thượng ngự giá ra Trai cung. Từ sáng sớm trong thành phố đã tấp nập những người đi xem, giời nắng ráo sáng sủa trông thực là vui vẻ. Tám giờ sáng ở cửa Ngọ môn nổi chín tiếng súng. Ngự giá từ cửa Đông nam trong thành ra, tiền hô hậu ủng, nghi vệ rất nghiêm mà rất thịnh. Thực là một cảnh tượng mắt tôi chưa từng được trông bao giờ. Đám nhiều đến hơn nghìn người, dài đến ngót một cây lô mét. Cờ quạt, tán lọng, gươm giáo, voi ngựa, đồ nghi trượng, đồ lộ bộ, trống chuông, các phường nhạc, cho đến những đồ ngự dụng, ngự liễn, ngọc kỷ, xe ngựa, xe tay, không thiếu tí gì. Hoàng Thượng thì ngồi trong loan giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng; các hoàng thân vương công cùng các quan văn võ mặc triều phục đi theo sau. Đương khi đi chỉ đánh trống, còn quân nhạc, đại nhạc, nhã nhạc, có đem mà không cử. Gần cuối đám lại có mang một cái tượng bằng đồng gọi là đồng nhân. Tượng hình người, hai tay cầm cái biển khắc hai chữ Trai giới. Hỏi ra thì là do một tích cũ bên Tàu ngày xưa, có người trông thấy ở dưới bể hiện lên một pho tượng đồng, sắc xanh xanh, sáng như ngọc, trong bụng đựng toàn nước trong. Từ đấy dùng tượng đồng để biểu sự thanh tịnh trai giới. Tượng mang đi đây là để đặt trong Trai cung trước mặt Hoàng Thượng để ngài nhìn mà tâm niệm về sự trai giới trước khi hành lễ. Ngự giá tự cửa Đông nam ra, đi qua cầu Thành Thái, phố Tràng Tiền, cầu Phủ Cam, rồi đi thẳng vào đường Nam Giao. Nhất khi chẩy qua cầu Thành Thái, đứng bên bờ sông trông rất là ngoạn mục; cờ tán phấp phới, trống đánh rập rình, như con rồng dài lượn trên mặt nước vậy. Cạnh các hương án đặt hai bên đường, những kỷ lão đã quì sẵn, đợi khi ngự giá đi qua thì cúi lạy. Người dân đứng xem bên bờ đường cũng bỏ nón ngồi thụp xuống. Khi giá đến Trai cung, thì những hoàng thân vương công, cùng quan văn tự ngũ phẩm, quan võ tự tứ phẩm giở lên đều mặc triều phục quì đón ở trước sân Trai cung. Còn quan văn tự lục phẩm, quan võ tự ngũ phẩm giở xuống thì quì đón ở ngoài cửa bắc Giao Đàn. Phụng Hoàng Thượng vào Trai cung nghỉ ngơi rồi, bách quan mới lui về. Trưa hôm ấy tôi nhận được giấy tòa Khâm sứ cho phép vào Giao Đàn xem diễn nghi từ 4 giờ đến 6 giờ chiều. Khi ấy thì được lên tận viên đàn xem, chớ đến khi tế có Hoàng Thượng ngự thì nghiêm cấm không ai được vào. Nên buổi chiều hôm ấy các quan tây các bà đầm đến xem đông lắm. Diễn nghi tức là tế thử, vì lễ thức phiền phức, phải tập trước cho đến khi hành lễ các quan cùng viên chức dự tế khỏi nhầm nhật. Nghi tiết cũng y như khi tế thực, chỉ khác không thắp hương lửa, không đọc chúc văn mà thôi; các quan bồi tự cũng bấy nhiêu ông, chỉ trừ chủ tế là một ngài Khâm mạnh thay Hoàng Thượng. Vậy hình thức thì đủ cả, duy kém có cái vẻ chân hoạt, nên xin để dưới này sẽ thuật. Đêm hôm ấy trên Giao Đàn đèn thắp như sao sa. Bấy giờ mặt giăng đã lặn, trông lại càng sáng lắm. Nhưng trong cái vẻ rực rỡ ấy có cái ý nghiêm túc ở đấy. Tưởng như lúc ấy đứng trên ngọn núi cao nào mà nhìn xuống, thì ngờ là một cõi Thiên quốc ở chốn nhân gian vậy. Ngoài đàn thì kẻ đi người lại tấp nập, trong đàn thì lặng lẽ như không. Hai giờ sáng tôi tới Giao Đàn. Vẫn biết rằng hôm nay nghiêm cấm không mấy người được vào, vả tòa sứ cho giấy vào xem diễn nghi hôm trước, tức là có ý để hôm sau khỏi đến nữa. Song đã mang cái tư cách nhà báo, không có nhẽ đến hồi trọng yếu nhất trong bài kịch mà mình lại vắng mặt ở nơi diễn đàn. Nhưng làm thế nào cho các thầy lính canh cửa (vừa lính ta vừa lính tây) hiểu được cái nghĩa vụ của nhà báo như thế? Khó lắm thay! Vậy tôi cứ đường đột vào. Đến chặng canh thứ nhất mấy thầy lính ta hỏi: “Ông đi đâu? ” Tôi nói: “Tôi vào có việc, đã có giấy quan Khâm đây”. Tôi đưa cho xem cái giấy phép chiều hôm trước, chắc rằng các thầy chẳng hiểu chữ chi chi. Quả nhiên soi vào đèn thấy chữ tây cả, giả lại tôi, rồi cứ để cho vào. Cách mấy thước lại gặp thầy lính tây bồng súng đứng đấy. Thấy tôi vào nói: “Không được vào!”. Tôi nói: “Đã có phép đây”. Tôi lại chìa cái giấy kia ra. Chỗ ấy bóng cây tối, thầy nhìn mãi không đọc ra chữ gì, sau nhận sắc giấy nói: “Phải có giấy đỏ mới được vào, giấy trắng không được”. Tôi nghĩ ngay một kế nói liền: “Tôi đi theo quan Toàn quyền ngài sắp tới, đây là giấy phép riêng, phải để tôi vào mới được”. Thầy ngần ngại một lúc, rồi trao lại tôi cái giấy, cứ để cho vào. Thế là thoát nạn! Vào đến đệ nhị thành gặp cụ Thượng Công, bữa trước tôi đã vào hầu ở bộ. Cụ giữ nói chuyện một hồi lâu, rồi cho phép đứng ngay đấy xem. Bấy giờ nhìn trước nhìn sau, trừ những người có phần việc ở Giao Đàn, không thấy ai là người ngoài được vào xem cả, mới biết rằng buổi đó thực là một sự hạnh ngộ cho mình vậy. Đến sau bên mình đứng chỉ thấy thêm có vài ba ông tây nữa, còn bên kia thì có quan Toàn quyền, quan Nguyên súy, quan Khâm sứ với mấy quí quan đi theo. Các ngài thì được lên tận viên đàn xem, còn mình thì cứ đứng ở đệ nhị đàn đó cũng đủ thu được cái chân tướng đêm hôm ấy. Lúc bấy giờ trong Giao Đàn có cái vẻ nghiêm tĩnh vô cùng, như trước khi sắp sẩy ra một sự gì rất quan trọng, ai nấy đều ngóng trông. Không có tiếng người nói, không có tiếng dế kêu. Chỉ chốc chốc nghe tiếng lung linh như những miếng đồng nhỏ đập vào nhau: ngoảnh lại thì là một ông quan mặc triều phục, đeo ngọc bội làm bằng những miếng đồng buộc với nhau (vua thì bằng ngọc thật), lúc đi dập vào chân mà thành tiếng. Người ấy, cảnh ấy, thời khắc ấy, khí vị ấy, lại thêm bốn bề đuốc đốt rực giời, ngoài xa rừng thông mù mịt, bút nào mà tả cho được cái ảnh tượng mơ màng như trong thơ trong mộng đời cổ xưa vậy?
Đúng 2 giờ 40 phút thì Ngự giá tự Trai cung ra Giao Đàn. Do cửa bên hữu vào, xuống xe, tiến đến nhà Đại thử. Tôi đứng đệ nhị đàn trông rõ lắm. Hoàng Thượng đội mũ miện, mặc áo cồn, tay cầm ngọc trấn khuê (tức là cái hốt bằng ngọc), có hai ông quan võ cầm quạt lông che, bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến, rồi mấy ông đi theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thử làm lễ quán tẩy (rửa tay).
Bấy giờ quan cung đạo (tức là quan Lễ bộ) quì tâu rước ngài lên nhà hoàng ốc. Trống chuông nổi lên Hoàng Thượng tiến vào đứng trước ngoại hương án. Phàm các lễ tiết là do những quan nội tán xướng tâu, Hoàng Thượng cứ y nhời mà hành lễ. Lại có những quan thông tán truyền tán xướng to lên để các quan bồi tự ở ngoài cùng các quan phân hiến ở các tùng đàn cũng theo mà làm lễ. Vậy mỗi tiết kể sau này là có nhời xướng cả. Bấy giờ nghe xướng: “Phần sài! Ế mao huyết!” (Nghĩa là đốt lửa thui trâu, và chôn lòng máu), thì trông thấy ở góc đàn thứ ba lửa cháy lên ngùn ngụt. - Hoàng Thượng lễ bốn lạy ở trước ngoại hương án gọi là lễ “nghênh thần”. Ngoài sân phường ca hát khúc An thành, vừa múa, vừa hát. Đương đêm thanh vắng, hơn một trăm con người đồng thanh hát lên, nghe rất là cảm động, tưởng thấu đến tận giời cao đất thẳm, mà xa đưa tới đứng Thiên Hoàng Địa ký cái tấm lòng thành của cả một dân một nước. Những khúc hát đó bằng chữ cả, đứng xa chỉ nghe thấy tiếng hề! Ở cuối câu: ế… hề, hêề, hêêề!…, giọng rung rinh cho hợp với điệu múa Hát xong, phụng Hoàng Thượng lên viên đàn làm lễ “điện ngọc bạch” (dâng ngọc lụa). Tấu khúc Triệu thành, cũng hát múa như trên kia. Rồi làm lễ “tiến trở” (dâng cái mâm con trâu thui). Tấu khúc Tiễn thành – Lại phụng Hoàng Thượng lên trước chỗ chính hiến, làm lễ “sơ hiến” (dâng rượu lần thứ nhất). Tấn khúc Mĩ thành. Phường bát dật múa dưới dân bằng cái can, cái thích, theo điệu võ -Phụng Hoàng Thượng quì. Quan tư chúc đọc bài chúc văn. Đọc xong Hoàng Thượng về nơi bai vị. Bấy giờ các quan phân hiến mới lên các tùng đàn, đứng trước tám án ở hai bên đông tây quì làm lễ “hiến bạch” (dâng lụa) và “hiến tước” dâng rượu) - Lại phụng Hoàng thượng lên trước chỗ chính hiến, làm lễ “á hiến” (dâng rượu lần thứ hai). Tấu khúc Thụy thành. Phường bát dật múa bằng cãi vũ, cái thược, theo điệu văn – Kế sau làm lễ “chung hiến” (dâng rượu lần sau cùng). Tấu khúc Vĩnh thành Dàn nhạc dứt tiếng, phường múa lui về. Phụng Hoàng Thượng lên trước chỗ ẩm phúc, làm lễ “ẩm phúc” và “thụ lộ” (nghĩa là uống chén rượu cúng, nhận miếng thịt cúng). Thế là lễ thành. Các quan làm lễ “triệt-soạn”, nghĩa là cất những đồ cúng xuống. Tấu khúc Nguyên thành. – Phụng Hoàng Thượng xuống đàn. Đến trước ngoại hương án ở đệ nhị thành, Hoàng Thượng lễ bốn lạy để tống thần. Tấu khúc Hi thành – Phụng Hoàng Thượng ra chỗ vọng liệu để xem đốt tờ chúc văn cùng các đồ bạch soạn. Tấu khúc Hựu thành – Lại phụng Hoàng Thượng về chỗ bái vị. Lễ xong quan Cung đạo đưa Hoàng Thượng tự trên đệ nhị thành xuống cửa nam, ra cửa bên tả, rồi mời Ngài lên loan giá về Trai cung. Ra đến cửa tây đàn, tấu khúc Khánh thánh. Nghe đâu khúc này là bọn đồng ấu hát, nên nghe hay lắm. Tiếng thanh thanh, xa xa, văng vẳng, như trên cung giăng hát khúc Quảng Hàn vậy. Rõ ra cái giọng vui vẻ tơi bời, mừng rằng đại lễ đã thành, Thánh chúa đã làm trọn cái thiên chức đối với Giời, đối với dân, mà từ nay nhờ đức trên phúc Giời sẽ giáng cho lũ dân Nam Việt vậy.
Bấy giờ ước 4 giờ rưỡi sáng. Từ khi khai tế cho đến khi tế xong, cả thảy hai giờ đồng hồ. Trên kể đó là nói cái đại khái mà thôi. Còn như lễ vật nhiều ít thế nào, mũ áo khác nhau thế nào, cùng các quan bồi tự khi lên khi xuống thế nào, ca công nhạc công khi tấu khi dứt thế nào, thì phiền tế lắm, không thể biết hết được, không thể nhớ hết được, mà cũng không thể thuật hết được. Buổi sáng hôm ấy có triều yết trong Trai cung, nhưng người ngoài không được vào xem. Nghe nói Hoàng Thượng khi ở Giao Đàn về nghỉ ngơi, rồi thay khăn vàng áo vàng, ngự lên ngai để các quan văn võ làm lễ khánh thành ở trước sân Trai cung. Lễ xong, ông Quản vệ bầy loan giá, phụng Hoàng thượng lên ngồi rước về cung, nghi vệ cũng y như khi đi. Chỉ khác trống chuông đều đánh, quân nhạc, đại nhạc, nhã nhạc đều cử, là có ý khi đi chưa làm lễ chủ lấy nghiêm, khi về lễ đã thành chủ lấy vui vậy. Hai bên đường các kỳ lão quị tống ở cạnh hương án. Cảnh tượng không khác gì ngày hôm trước. Giá hồi cũng do cửa đông nam vào thành. Đến cửa Ngọ môn quan Kinh thủ đã đứng sẵn ở bên hữu để đón. Phụng giá đến cửa Đại cung môn, do cửa giữa vào. Ngoài thành bắn chín tiếng súng mừng. Rồi phụng Ngự vào điện Văn minh, lên ngai ngồi. Quan Kinh thủ bước vào làm lễ “phục mệnh”, phụng nạp cờ bài rồi ra. Hoàng thượng bấy giờ tiến vào trong Nội. Quan Thị vệ mang phần rượu phúc thịt tộ đi theo sau. Thế là tế Nam Giao xong vậy. Lấy cái tư tưởng mới mà xét thì có người cho những sự tế lễ ấy là phiền. Nhưng bất luận rằng việc tế tự có quan hệ với cái thể thống trong nước thế nào, phải sinh trưởng ở nơi không có những sự phiền như thế mới biết rằng trong cái phiền ấy có một cái thú đặc biệt, một cái nghĩa thâm trầm. Tôi nói đây là lấy cái phương diện nhà hiếu cổ, nhà ái quốc mà nói. Theo phương diện ấy thì phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái, lên xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh vậy. Tôi thiết tưởng ngày nay có nhiều nhà thiếu niên đọc Nam sử khao khát muốn được trông cái vết tích nước Nam ngày xưa thế nào mà khổ vì không tìm đâu thấy; như thế thì cái cảm tình với nước được bao lâu mà chẳng tiêu mòn đi? Ở cái đời cấp tiến này, người ta chỉ biết lấy cái chủ nghĩa quyền lợi mà đối đãi nhau, nếu thời hồ không có dịp nào để biểu cái nghĩa liên lặc của người một dân một nước thì mấy nỗi mà đến quên nhà quên nước vậy! Trong Giao tự thực là có ngụ một cái nghĩa sâu ở đó. Tuy là do cái học thuyết đã cổ lắm mà không phải là không hợp thời. Theo học thuyết ấy thì Vua là con Giời mà là cha mẹ dân. Vua phải thuận mệnh Giời, lại phải mưu sự hạnh phúc cho dân. Như thế thì Vua vừa có trách nhiệm đối với Giời, lại vừa có trách nhiệm đối với dân nữa, nhưng hai trách nhiệm ấy cũng tức là một, vì cái thiên chức của Vua là phải làm cho dân được sung sướng, dân được sung sướng tức là thuận mệnh Giời. Tế Giao là Vua thay mặt con dân mà cầu Giời giáng phúc cho dân. Vậy trong tế Giao có ba bậc: trên là Giời, giữa là Vua, dưới là dân, ba bậc rất là liên lạc với nhau, không thể dời nhau được. Giời đất là nguồn gốc của muôn giống, dân phải nhờ giời che đất chở mới sống được. Nhưng dân không thể trực tiếp mà cầu phục ở Giời; phải có một người đứng giữa, một người giới thiệu, người cao hơn cả muôn dân, thay mặt dân mà cầu Giời thì mới được. Người ấy là ai? Là Thiên tử, là con Giời, là Vua vậy. Ấy cái nghĩa thần bí của tế Giao là thế. Vậy thì Vua tế Giao là biểu cái lòng tôn trọng với Giời và biểu cái tình thân ái với dân. Thân làm chúa tể trong nước mà kính trọng khúm núm dưới thềm, vái lạy cái hình ảnh thiêng liêng ở trên bàn thờ kia là vì ai? Vì dân vậy, vì lũ lê thứ mình có cái trách nhiệm phải chăn nuôi, phải coi sóc vậy. Như thế thì Giao tự cũng có quan hệ với chính trị, vì nhân đấy mà cái dây thân mật nó buộc Vua với dân, buộc người dân với nhau lại càng bền càng mạnh thêm ra. Ba năm một lần tế Giao tức là ba năm lại một lần Vua trịnh trọng ra tuyên cáo với Giời Đất, với Tổ tiên, với Sông Núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy. Chớ nên cho những nhời thuyết lý về tôn giáo đó là viển vông, vì thử xét cả các tôn giáo trong thế giới có đạo nào là không có một phần viển vông như thế không? Nhưng trong phần viển vông của cái đạo thờ Giời ở nước ta có một nghĩa thiệt thực ở đấy, như ta đã giải trên kia, và có quan hệ đến chính thể xã hội nước ta. Bởi thế nên tuy bề hình thức có phiền, mà cái tinh thần rất nên phải giữ vậy.Ấy là lấy con mắt nhà triết học mà giải nghĩa Giao thì Giao có cái nghĩa như thế. Nếu lại lấy con mắt nhà mĩ học, nhà thi nhân mà xét Giao thì Giao thực là một cảnh tượng rất đẹp, rất trang nghiêm của cái Việt Nam cổ quốc này. Không những con mắt người mình xem ra thế, mà nhất là con mắt người ngoại quốc lại càng phục lắm. Bao nhiêu những tay văn sĩ Pháp đã ở qua xứ này, đã từng được xem tế Giao, sau thuật lại ra văn ra thơ cũng đều lấy làm một cái cảnh tuyệt diệu. Tôi còn nhớ khi xưa có đọc bài tả cảnh tế Giao của một bà nữ sĩ Pháp, nhời văn rất cảm động và rất lý thú. Bà nói cái cảnh Giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp trong đàn thành từng dãy dọc dãy ngang, trông xa như một chữ triện nhớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lửng chừng giời; tiếng đàn tiếng sáo thì như tiếng nước chẩy suối reo, tiếng xướng tiếng hát thì như tiếng thiên thần địa quỉ reo hò ở bãi bể… Cái tư tưởng của các bậc đế vương ngày xưa đặt ra nghi tiết lễ Giao cũng đã li kỳ lắm mới gây nên một cái cảnh huyền diệu như thế! Nghe dân sĩ ở Kinh đô nghị luận nói rằng tế Giao lần này vừa đẹp vừa nghiêm hơn những lần trước nhiều. Có nhẽ cũng là một điềm hay cho niên hiệu mới Vua ta vậy. Quan Toàn quyền, quan phó Toàn quyền, quan Nguyên súy đều ở Hà Nội về xem. Nhân các ngài tới Kinh, hội Đô thành hiếu cổ xã có đặt hai cuộc chơi rất nhã: một là cuộc trần thiết những đồ dùng đồ bầy cũ của An Nam ta để khôi phục lại hình ảnh một cái nhà cổ ngày xưa; hai là cuộc diễn tuồng tây để quyên tiền cho hội Hồng thập tự. Trần Thiết thì ở nhà Tân thư viện, tức là điện Long An cũ. Đồ cũ, nhà cũ thực là hợp cảnh. Điện này cũng là một cái châu báu trong nghề kiến trúc của ta. Rộng rãi thênh thang, trông rất là có bề thế. Không có những lối tô điểm rườm rà, những sắc xanh đỏ sặc sỡ, mầu gỗ xưa, thềm đá cổ, mà có cái vẻ thuần túy rất đáng yêu. Cứ so sánh cái điệu cổ ấy với hai nhà Quốc Tử Giám mới đương xây ngay trước mặt, thì đủ biết nghề kiến chúc ở nước ta ngày nay có thoái bộ mà không có tiến bộ. Những nhà cửa mới dựng bây giờ không ra kiểu tây, không ra kiểu ta, lại thêm cái lối vẽ vời phiền phức, rất là khó coi. Có lắm cái cửa đền cửa phủ tưởng như xây toàn bằng mảnh bát vỡ. Thực là một cảnh tượng dễ làm cho chạnh lòng nhà hiếu cổ.
Những đồ trần thiết trong điện Long An thì hoặc là đồ trong Nội, hoặc là đồ riêng của nhà các quan đem lại. Bầy ra từng gian, trông nghiễm nhiên như phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Bộ đồ trà bằng “pháp lạn”, bộ quân cờ bằng xương, cái bình phong khắc bài thơ nôm, đôi ngà voi mỗi chiếc dài hai thước tây, thứ nhất là một cái quạt bằng xương dài ước một thước tây mà mở rộng đến hai thước; còn nhiều đồ quí lạ nữa, không thể kể cho hết được. Xem một lượt cũng đủ hình dung được cái cách sinh hoạt của các bậc thượng lưu ở Kinh đô về khoảng mười lăm hai mươi năm trước. Vì ngày nay những nhà sang trọng dùng đồ Âu châu đã nhiều.
Cuộc diễn tuồng thì ở nhà Quốc tử giám chiều ngày 26 tháng 3 tây. Thoạt đầu diễn mấy lớp toàn con trẻ đóng vai, ăn mặc rất đẹp, ca vãn rất hay. Rồi đến một bài hí kịch của hai nhà làm tuồng có tiếng bên Đại Pháp. Ở Kinh Đô không có phường hát tây, các vai tuồng đều do các quí quan cùng quí phu nhân đóng cả, cũng như các vai trẻ con trên kia là do các cô các cậu đóng. Tuy không phải là những tay nhà nghề, mà khi ra diễn coi đã thạo lắm, chẳng kém gì ở nhà Đại Vũ đài Hà Nội. Khá khen thay là những nhà chủ trương hội ấy, không sẵn người sẵn đồ mà kẻ giúp công người giúp của, vì việc nghĩa gây nên một cuộc mua vui rất tao nhã. Hoàng Thượng, quan Toàn quyền, các quan tây quan ta đến xem đông lắm. Hát hai tối luôn mà tối nào cũng chật ních những người. Đương hát có các cô đi quyên tiền cho Hồng Thập Tự. Chắc bữa đó thu được nhiều, vì ai đã tới đấy tất sẵn lòng giúp về việc nghĩa, huống các nhà chủ trương lại hết tài hết sức làm cho xứng đáng cái hảo tâm của người xem!
Nhân dịp Nam giao, trong thành lại mở một hội đấu hoa nữa, ở nơi vườn hoa mới lập sau điện Long An, trước cửa bộ Học. Quan dân nhà ai có chậu bông đẹp đều đem họp tại đấy, chiều chiều những bậc giai thanh gái lịch ở chốn Trường An, cũng đến họp mặt đông lắm, như muốn đua tài đua sắc với trăm hoa. Lại các nhà thi nhân vinh hoa cũng nhiều; đem chậu bông thường kèm bài thơ theo, kẻ xướng người họa, thực là một cuộc tiêu khiển rất phong nhã. Nghe đâu các Cụ lớn cũng có ngâm vịnh. Những bài thơ đó có yết vào cái bảng ở giữa vườn hoa. Tiếc không kịp biên được, những bài hay để điểm thêm chút hương thơm xứ Huế vào nhời kỷ thuật nhạt nhẽo này.
Phần III
Ở Kinh mà không đi cung chiêm các Tôn lăng thì cũng là uổng mất cái công tự Hà Nội về đây. Vả mục đích tôi về Kinh là muốn xem những cảnh tượng cũ của nước nhà: còn cảnh tượng gì trang nghiêm hùng tráng bằng những nơi lăng tẩm của mấy vị đế vương ta đời trước? Không những mấy nơi đó là những nơi thắng tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa. Hoàn cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ của bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo, gây nên một cái khí vị riêng như não nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu, mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãn cảnh luống những ngẩn ngơ trong lòng. Mà cái cảm giác ấy không phải là người mình mới có, dẫu người ngoại quốc đi du lịch đến đấy cũng phải cảm như thế. Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng tẩm của ta đã từng nói muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm được hết cái thú thâm trầm. Bữa tôi đi xem thì tuy là giữa cảnh mùa xuân, mà hốt nhiên không những gió hiu hắt, giời u ám, lại nước mưa đổ xuống như trút nữa, tưởng thế cũng là quá vậy. Đêm hôm trước thuê thuyền đi, giời sáng giăng xuông, tưởng ngày mai dẫu không nắng to cũng bảnh bao cho bọn mình leo đường núi cho dễ. Ai ngờ chưa xem được một lăng, khi giở xuống thì giời đổ trận mưa rào, ngớt được một lát, đâm ra mưa rầm suốt cả ngày. Nhưng đã đến đấy không nhẽ bỏ nửa chừng mà về. Vả có nhẽ xem ngày mưa phong cảnh lại biệt ra một cái thú riêng nữa. Bởi thế nên tuy nước tát đầy mặt, bùn lội đẫm chân, cũng không quản dầm mưa mạo gió mà đi cho tới cái mục đích cuộc du lãm. Thực là hết lòng nhiệt thành với nơi thắng cảnh vậy.
Đi xem lăng có thể đi xe tay tự Huế, ước mất bốn năm giờ đồng hồ. Nhưng đi xe không bằng đi thuyền, tuy mất nhiều thì giờ hơn mà thú hơn nhiều. Thuyền chèo từ nửa đêm, ước tám giờ sớm mai tới nơi, đi xem suốt một ngày, chiều tối chèo về, nửa đêm đến Huế, cả thảy không đầy hai đêm một ngày mà được nằm nghỉ thảnh thơi, ngắm phong cảnh sông Hương, không mỏi mệt như ngồi trên xe. Kể cả lăng tẩm thì nhiều lắm, nhưng trước danh nhất có bốn nơi: Thiên Thụ lăng (lăng đức Gia Long), Hiếu lăng (lăng đức Minh Mạnh), Xương lăng (lăng đức Thiệu Trị), Khiêm lăng (lăng đức Tự Đức), bốn nơi ấy là to hơn và đẹp hơn cả. Nơi Thiên Thụ xa nhất, rồi lần lượt đến nơi Hiếu, nơi Xương, nơi Khiêm. Vậy thuyền chèo tới Thiên Thụ trước, rồi lần về các nơi khác, xem hết vừa tối ngày. Nói lăng, những người không biết mỗi người tưởng tượng ra một cách: người thì cho là cái nhà bằng đá nhớn, trong đựng quan quách ông vua; người thì cho là cái vườn rộng, giữa xây nấm, quanh giồng cây; người thì cho là cái nền to như nơi văn chỉ, phỗng đá voi ngựa đứng chầu. Nhưng dù tưởng tượng đến đâu cũng không kịp tới cái chân tướng nhớn nhao. Lăng đây là cả một tòa thành, cả một vùng núi, chớ không phải một khoảng năm ba sào, một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả mầu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải một cái nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy, khiến cho có một cái hồn não nùng u uất, như phảng phất trong cung điện âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt. Không biết lấy nhời gì mà tả được cái cảm lạ, êm đềm vô cùng, ảo não vô cùng, nó chìm đắm người khách du quan trong cái cảnh tịch mịch u sầm ấy. Trong thế giới chắc còn lắm nơi lăng tẩm đẹp hơn nhiều: như ở Ấn Độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc thạch, ở Âu Châu cũng có lắm nơi mộ địa rất là u sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cùng một mầu một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy núi non ấy phải có đình tạ ấy cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy đình tạ ấy phải có núi non ấy cây cỏ ấy mới là hợp vậy.” Tôi vẫn thường lấy làm một cái khuyết điểm trong tư cách người dân ta là có tài xây dựng những đền đài to đẹp, mà khi xây ra rồi không biết bảo tồn cho được vững bền lâu, khiến cho có người Tây đã nói rằng: “Không những người An Nam không làm nổi cầu sông Cái, túng sở làm nổi nữa, cũng chỉ trong năm năm là cầu đổ vậy. Bởi thế nên các đình chùa đền miếu của ta như có cái cảnh tượng bỏ hoang, không ai nhìn đến, cỏ mọc rêu che. Nhưng trong chốn lăng tẩm này thì hình như cái cảnh tượng bỏ hoang ấy lại hợp với cái khí sắc thiên nhiên, hợp với cái tinh thần riêng của phong cảnh, mà làm cho cái vẻ u sầm lại u sầm thêm lên vậy. Ví có ông quan hộ lăng nào siêng việc quá, ngày ngày cho rẫy sạch cỏ trong lăng, năm năm quét vôi lại một lần, quét vôi vàng, rồi lại kéo thêm một đường xanh đỏ như các cung điện dinh thự ở Kinh đô, thì tưởng cái cảnh sắc nơi tôn lăng bấy giờ không gì khó coi bằng. Ai hay cái tính lười biếng của người mình mà lại làm đẹp thêm được cho nơi thắng cảnh? Kỳ thay!
Tuy vậy, nói thế không phải là nói chỗ tôn lăng quyết không nên tu bổ. Đổ nát đâu phải chữa đấy, đừng để cho rầm mục tường siêu, nhưng chữa không được làm sai qui củ cũ. Gạch lát sân có viên nào vỡ thì hàn gắn lại, chớ nên bỏ cả đi mà thay gạch hoa tây vào. Còn ngọn cỏ ở khe gạch, cái rêu trên thềm đá, cây leo trên ngọn tường, lá rủ dưới hồ nước, phàm cái sắc cũ kỹ, cái vẻ tự nhiên thì cứ nên để vậy, vì chính những cái ấy nó gây nên cái khí vị riêng cho phong cảnh vậy.
Thuyền đỗ bên bãi cát, khách lên bộ, đi qua bãi thì vào đến chân núi Thiên Thụ. Có con đường lên, hai bên giồng thông. Bấy giờ giời tuy đã bảng lảng mà chưa mưa, vừa đi vừa ngắm phong cảnh vui lắm. Đi ước mười phút thì tới nhà binh xá là chỗ quan chánh sứ lăng, quan lãnh binh cùng quân lính coi lăng ở đó. Muốn đi xem lăng phải có giấy phép của Bộ mới được vào các cung điện. Vậy hôm trước tôi đã xin giấy Cụ lớn Công, ngài tử tế ân cần lắm, trong giấy nói rõ rằng tôi là chủ bút báo Nam Phong ở ngoài Bắc về, muốn đi cung chiêm các Tôn lăng, dặn các quan chánh phó sứ cùng quan lãnh binh cho người đưa đi xem mọi nơi. Nhưng chẳng may hôm ấy các quan đi vắng cả, tôi lên trình giấy không gặp ngài nào, duy có một thầy đội ở nhà, thầy xem giấy rồi tiếp đãi tử tế lắm, thân hành cùng với hai tên lính đưa chúng tôi lên lăng. Từ nhà binh xá tới lăng đi ước mười phút đồng hồ nữa. Hai bên đường rặt thông. Thông là một giống cây nó làm cho trong sạch không khí. Ngửi hơi thông cũng đủ mát mẻ khoan khoái trong người. Tưởng cả ngày cứ được như thế, không mưa, thì còn gì sướng bằng. Đến điện trước rồi mới đến lăng, điện ở bên hữu lăng, gọi là Minh thành điện. Điện trông rất là nguy nga, trước mặt có sân rộng, giồng mấy cây đại to; lại có một thứ cây không biết tên là gì mà hình rất cổ kính thực là hợp với cái cảnh trang nghiêm ở chỗ ấy. Trèo bệ đá lên cửa điện, bước vào một cái sân rộng nữa, trong bầy mấy cái thống bằng sứ cực lớn. Thường trong các miếu điện ngoài sân hay bầy những thống như thế. Chắc là đồ tàu, nhưng không phải đồ thường, hoặc giả Triều đình ta khi xưa đặt kiểu riêng tự nơi “thổ sản” chăng. Vì ngày nay không thấy đâu có những chiếc thống nhớn như thế. Hai bên là tả vu hữu vu, giữa là chính điện. Vào chính điện phải nói với các “mệ” coi trong ấy. Các “mệ” là những bậc cung nữ của Tiên đế khi xưa, hoặc là những bậc công tôn nữ giở về già xin vào lăng để trông nom việc hương lửa hôm mai. Ở lăng Thiên Thụ này chắc không còn những bậc cung nữ nữa. Trong điện có cái khám đặt bài vị đức Tiên đế, ngoài bầy cái sập rải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp giầu, v.v. Hai bên lại bầy những đồ pha lê cùng đồ sứ tây, chắc là những đồ của các ông sứ thần Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Đại khái cách bài trí trong tẩm điện các lăng đều như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều mà thôi. Điện lăng Thiên Thụ này là ít đồ bầy hơn cả; nhiều nhất là điện Khiêm lang.
Xem xong trong điện mới ra xem ngoài lăng. Sánh với các lăng kia thì lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng nghiệp. Bốn bề là núi cả, trong sách nói cả thẩy ba mươi sáu ngọn đều quây quần về đấy. Giữa mấy từng sân đá rộng thênh thang, thềm cao rồng chạy; trên một tòa thánh tròn ba bề xây như hình cái ngai, trong hai nấm đá hình chữ nhật, tức là mộ đức Thế tổ Cao Hoàng đế cùng đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, hai ông bà nằm song song ở giữa khoảng giời rộng núi cao như muốn chứng với Giời Đất rằng công ta đã đánh đông dẹp bắc mà gây dựng nên cái nền nhất thống của nước Đại Việt này, từ nay vững như Bàn Thạch, bền như Thái Sơn vậy. Không có đình, không có tạ, không có lâu, không có đài, chỉ trơ trơ một tấm sân đá mênh mông, ngoài xa hai cột đồng trụ cao ngất giời! Hùng thay! Thực rõ cái chí một bậc khai quốc đại anh hùng, không ưa những sự hư văn vô ích. Phàm lăng là xây tự sinh thời vua, chớ không phải khi vua băng hà rồi mới xây, cho nên mỗi cái lăng là biểu tinh thần tính cách riêng của mỗi ông vua, tự tay đặt kiểu lấy cái nhà ở sau cùng của mình. Như thế thì nơi lăng Thiên Thụ này thực là tấm gương phản chiếu cái khí tượng anh hùng của đức Gia Long ta vậy.
Có người cho lăng đức Minh Mạnh là đẹp, có người cho lăng đức Tự Đức là khéo. Tôi lấy lăng đức Gia Long là hùng hơn cả. Nhưng một triều được mấy vua sáng nghiệp? Công khai sáng chỉ một đời, mà nền bình trị thực muôn thủa. Cho nên các lăng sau này có văn vẻ hơn nhiều mà thực là kém bề hùng tráng vậy. Dù vậy, nếu có người hỏi tôi: “Trong bốn lăng anh thích lăng nào?”, tôi xin đáp trước: “Tôi thích lăng đức Gia Long vậy”.
Nhưng dễ vì tôi thiên vị một lăng đức Gia Long mà đến khi giở xuống xem các lăng khác thì giời không tựa nữa, làm cho mưa rầm suốt ngày hôm ấy! Khi xuống đến thuyền đã hơn 11 giờ trưa. Nhà đò đã làm cơm xong, anh em vừa đánh chén, thuyền vừa chèo xuống sở Hiếu. Tự sở Thiên Thụ tới sở Hiếu là lăng đức Minh Mạnh mất hơn một giờ đồng hồ. Nhưng tự bến lên lăng thì gần, không có mấy bước đường. Ngoài bến có cái lầu nhỏ bằng gỗ dựng ngay bờ nước, để khách ngược xuôi qua đấy biết là nơi tôn lăng. Nơi Hiếu lăng này ở khuất núi, cái địa thế không được rại rễ như nơi Thiên Thụ, nhưng có cái vẻ u sầm hơn. Chung quanh bịt tường kín cả, rõ ra một cái thành rộng. Vào trong trông cảnh tượng khác hẳn ở lăng Gia Long. Cây cối um tùm, đình tạ lâu đài rải rác khắp mọi nơi. Đây là hồ Tân Nguyệt, kia là cầu Thông Minh, nọ là núi Tam Tài, xa kia là đình Điếu Ngư, lại xa nữa là quán Nghênh Lương. Tẩm điện thì ở giữa, trước lăng, chớ không phải ở bên cạnh. Gọi là điện Sùng Án, ở trên cái gò tên là núi Phụng Thần. Trong điện bầy biện cũng như là ở điện Minh Thành lăng Gia Long, nhưng nhiều đồ hơn. Đại khái thì các lâu đài, đình điện chính đặt ở giữa cả, thẳng vào lăng. Sau điện đến cái bi đinh, trong đựng bia “Thánh đức thần công”. Phía đông có núi Viễn Trạch trên dựng Linh phương các, núi Đức Hóa trên dựng Thuần lộc hiên, núi Đạo Thống trên dựng Quan lạn sở. Phía tây có đảo Trấn Thủy, trên dựng Hư Hoài Tạ, sau một ít thì đặt nhà Thần Khố; lại có núi Tĩnh Sơn dựng Tả tòng phòng, núi Ý Sơn dựng Hữu tòng phòng. Cứ đọc bấy nhiêu tên cũng đủ biết chốn này là cơ ngơi của một ông vua thượng văn, chớ không phải thượng võ như vua cha là đức Gia Long. Trước mặt lăng có đặt những khu giồng hoa, xây dọc xây ngang như hình chữ triện trông rất xinh. Lại có một cái cửa nghi môn bằng đồng như hình cái hài phường, rồi đến cái cầu, đi thẳng vào thì bước lên bực đá, trên là cái thành tròn, trong cây mọc như rừng, không biết nấm mộ chỗ nào. Vì từ đời đức Minh Mạnh thì theo lệ cổ khi chôn vua phải chôn mật, đào đường tụy đao đem quan vào, xong lấp lại không cho ai biết chỗ. Phong cảnh ở đấy hiện ra một khí vị riêng, như âm thầm, như u uất. Chỗ này mới thực là cái cảnh tiêu sắt như cảnh mùa thu. Xem cảnh đoán người thì biết ông vua nằm đấy thực là mang cái tư cách tính tình một nhà văn sĩ thi nhân vậy.
Ba giờ chiều mới về đến sở Xương là lăng đức Thiệu Trị. Từ bến đến lăng đường đi cũng xa mà giời thì vẫn mưa. Cái qui mô thể chế của Xương lăng đại để cũng phỏng theo như Hiếu lăng. Chỉ khác tẩm điện không ở chính giữa mà ở về bên tả. Điện gọi là Biểu đức điện. Đối với điện, ở bên hữu thì có Đức hinh lâu. Lại về đằng sau một ít thì có Hiển quang các. Trước có cái hồ gọi là Ngưng thủy trì, trên bắc ba dịp cầu đá. Ngoài Đức hinh lâu là bi đinh, dựng bia “Thánh đức thần công”. Chính lăng thì cũng y như Hiếu lăng, không khác tí gì: Ngoài thành tròn bao kín mít, trong cây mọc um tùm như rừng. Phong cảnh ở đấy lại tiêu sắt hơn ở Hiếu lăng nhiều. Bấy giờ giời đã về chiều, mưa vẫn không dứt, đứng trong ấy buồn không biết chừng nào. Tưởng cái hồn đức Thiệu Trị còn phảng phất đâu ở đây, hồn đa sầu, khi sinh thời dễ đã biết trước rằng trị vì không được mấy lâu mà buồn, nên trong phong cảnh nay còn như ngậm ngùi ai oán. Cảnh tiêu sắt mà có thi vị vô cùng.
Về đến sở Khiêm là lăng đức Tự Đức thì đã gần sáu giờ chiều. Sở Khiêm vừa là cung vừa là lăng. Đức Tự Đức trị vì lâu, ngài kinh doanh ở đấy rất công phu, dựng hẳn cái cung để làm nơi nghỉ mát. Ai cũng cho Khiêm cung Khiêm lăng là đẹp hơn cả. Tôi thiết tưởng cái thể chế khi phiền, vẻ nhân công nhiều hơn vẻ thiên thú. Mới bước chân vào trông như một tòa thành quách nguy nga, ngổn ngang chồng chất những cung cùng điện, những gác cùng lầu, không nhận biết cái thể chế thế nào. Nếu cứ xét từng cái lầu, từng cái gác, từng cái cung, từng cái điện một thì rất là đẹp, nhưng bấy nhiêu cái họp lại một nơi thì trông ra bề bộn quá. Cung ở bên hữu lăng, chung quanh xây tường, mặt trước mở một cửa tam quan trên đặt mấy từng lầu, trong cửa là Hòa khiêm điện, tức là chỗ thờ Ngài. Phàm tên các cung điện ở sở Khiêm này đều đặt có chữ Khiêm cả. Hai bên tả lăng hữu lăng gọi là Thề Khiêm và Pháp Khiêm. Phía bắc điện Hòa Khiêm lại có một điện nữa tên là Lương Khiêm điện, bên đông là Minh Khiêm đường, bên tây là Ôn Khiêm đường. Đằng sau, bên tả bên hữu đặt hai viện gọi là Tòng Khiêm và Dụng Khiêm. Sau nữa là Ích Khiêm các. Lại bên tả cửa cung dựng nhà Chí Khiêm đường, bên hữu đường dựng hai viện: Y Khiêm và Trì Khiêm. Ở ngoài cửa cung nhớn đặt hai cái nhà vuông gọi là Cung Khiêm và Công Khiêm. Trước cửa cung có cái hồ gọi là Khiêm hồ, trên xây hai cái tạ: Dũ Khiêm tạ và Xung Khiêm tạ. Trong hồ có cái đảo gọi là Khiêm đảo, trên đảo dựng ba cái đình: Nhã Khiêm, Tiêu Khiêm và Lạc Khiêm. Bên tả hồ bắc ba cái cầu: Tuần Khiêm, Tiền Khiêm, Do Khiêm, v.v. Ấy sau tra sách mới biết rõ các tên như thế, chớ khi đứng trong lăng thì trông trước trông sau đều có nhà cả, không thể nhận được nơi nào sở nào, đằng trước hay đằng sau, bên tả hay bên hữu. Xây dựng nhiều quá thế thực là phiền vậy. Nhìn cơ ngơi ấy đủ biết ông vua sáng lập ra là người hiếu kỳ, càng làm càng muốn cho kỳ mãi ra, mà để đến khi làm xong cũng vẫn chưa mãn ý. Sánh nơi Khiêm lăng này với nơi Thiên Thụ trên kia thì biết cái tinh thần của hai ông vua khác nhau là nhường nào! Đại để từ lăng Thiên Thụ, qua Hiếu lăng, Xương lăng, đến Khiêm lăng, cái hư văn càng xuống càng thịnh, mà cái vẻ thuần phác hùng hồn lúc đầu càng mất dần đi vậy. Lấy lịch sử mà chứng thì sự biến thiên trong tinh thần ấy cũng có quan hệ đến quốc vận nhiều. Nước ta sở dĩ yếu hèn chẳng phải là phần nhiều bởi cái tính hiếu hư văn rư?
Khi ở trên sở Khiêm xuống đò về thì vừa nhọ mặt người. Giời vẫn mưa, không dứt hột, quần áo ướt đẫm cả, nhưng cũng cam tâm rằng ngày hôm ấy mắt đã được trông, chân đã được bước vào mấy cảnh thiêng liêng của cố quốc, xưa nay vẫn thường mộng tưởng đã lâu ngày. Đã được xem các Tôn lăng rồi, tôi còn có một cái hi vọng nữa: là muốn vào xem trong Nội. Nhưng nghe nói vào trong Nội khó lắm, có người bảo phải có giấy tòa Khâm mới được. Tôi bèn vào hầu quan Đổng lý phủ Khâm sứ xin ngài cho cái giấy phép. Ngài tiếp rất ân cần, nhưng ngài nói rằng xưa nay không có người An Nam nào xin vào xem trong Nội, vả tòa Khâm chỉ ban giấy phép cho các ông tây mà thôi, ngài sẽ cho hỏi lại, thế nào bữa sau bảo cho biết. Bữa sau tôi tới hầu, ngài nói việc đó là thuộc về bên Bộ, bên Tòa không thể can thiệp vào. Bấy giờ tôi mới nghĩ lại mình là người An Nam mà xin phép bên Tòa thì cũng là sai cách thật. Tòa Sứ chỉ đảm nhận cho người Tây chớ không lẽ đảm nhận cho cả người An Nam được. Tôi bèn sang hầu quan Tham Cơ mật, Đặng đại nhân, trước vẫn đã biết tiếng ngài và đã từng đọc những bài trước thuật của ngài trong sách biên tập hội “Đô thành hiếu cổ xã”. Ngài người rất nhã nhặn, lập tức giới thiệu tôi cho quan tham Lễ, Bửu đại nhân, vì việc đó là thuộc về bộ Lễ. Quan tham Lễ lại quá yêu thân hành đưa đi xem, và cắt nghĩa cho từng tí. Vậy cái hi vọng tôi mà sở dĩ thành được, thực là nhờ hai quan tham vậy. Xin có nhời đa tạ hai ngài.
Tôi được xem Thái Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, điện Thái Hòa, Cần Chánh, Kiều Thành. Điện Cần Chánh hiện đương chữa lại, nên từ đấy giở vào không được xem kỹ. Thái Miếu là thờ các vua cùng các hoàng hậu từ trước đức Gia Long. Thế Miếu là thờ từ đức Gia Long giở xuống. Có miếu chính để “cát tế”, nghĩa là tế những ngày tuần tiết sóc vọng, lại có miếu phụ để “hung tế”, nghĩa là tế ngày giỗ. Ở Thế Miếu, hai bên tả vu hữu vu lại có tòng miếu thờ các công thần hồi Trung hưng. Ngoài sân bầy chín chiếc đỉnh nhớn bằng đồng, trông rất là vĩ đại.
Mỗi đỉnh có tên riêng: chính giữa là Cao đỉnh, tả thứ nhất là Nhân đỉnh, hữu thứ nhất là Chương đỉnh, tả thứ nhì là Anh đỉnh, hữu thứ nhì là Nghị đỉnh, tả thứ ba là Thuần đỉnh, hữu thứ ba là Tuyên đỉnh, tả thứ tư là Dũ đỉnh, hữu thứ tư là Huyền đỉnh. Mỗi chiếc nặng bốn nghìn cân ta, có khắc hình tượng mặt giời, mặt giăng, núi sông, hoa cỏ, các giống vật, vân vân.
Nhiều đồ đẹp nhất là trong điện Phụng tiên. Vàng ngọc châu báu chẳng thiếu vật gì, bầy chật mười cái tủ kính. Nghe nói hồi Kinh thành thất thủ đã mất mát đi nhiều, không thời còn lắm đồ quí hơn nữa. Lạ nhất thì có cây “thiên gia bách bảo thụ”, tức ta gọi nôm là cây vàng lá ngọc. Cây cao ước hơn một thước ta, để trong cái hộp bằng mặt kính. Cành cội toàn bằng vàng, mà hoa lá thì bằng các thức ngọc báu, mỗi cái một thứ, không cái nào giống nhau: chân châu, kim cương ngọc khuê, ngọc bích, ngọc lưu li, san hô, đồi mồi, v.v. Những đồ cống vật bằng pha lê, bằng sứ tây cũng nhiều.
Điện Thái Hòa ở trong cửa Ngọ Môn là nơi đặt đại triều ở đấy. Sơn son thếp vàng lồng lộng, giữa chỉ để một cái ngai vàng, trông rất là tôn nghiêm. Ngoài là cái sân rộng có bệ rồng, các quan văn võ đứng chầu ở đấy. Trước sân là hồ Thái dịch, có đồng trụ, có phường môn, cầu bắc ở giữa. Đứng trong điện trông ra ngoài sân bát ngát, tưởng tượng những buổi triều yết thì cái nghi vệ đẹp biết chừng nào!
Trong điện Thái Hòa, sau Đại Cung Môn, có hai bên tả vu hữu vu đặt làm phòng khách phòng ăn theo lối Tây để những khi tiếp các quí quan.

Vào trong là Cần chánh điện hiện đương chữa,hai bên là Văn Minh Điện và Võ Hiển Điện. Những khi thường triều thì hay đặt ở điện Văn Minh. Vào trong nữa là Kiền thành điện, nhưng đến đấy thì thôi, trong là Tử Cấm Thành, người ngoài không được phép vào.
Khi giở ra quan Tham giắt vào qua Nội vụ, rồi chỉ cho xem cái rạp hát, những khi hội tiệc Hoàng Thượng thường ra coi hát ở đấy. Bắt đầu đi từ mười giờ, đến ngót mười hai giờ mới ra về. Ấy là mới xem thiệp liệp ở ngoài, chớ trong còn nhiều cung điện nữa. Nhưng đó là nơi Chí tôn, kẻ thường ai dám bước chân vào đấy?
Thành cao cửa kín, cái hồn Nam Việt hơn trăm năm nay vẫn phảng phất ở đâu chốn này. Trung gian vận nước có lúc biến thiên mà hồn cũ không bao giờ tiêu diệt. Ngày nay gặp hội thái bình, cái hồn cũ tất trai trẻ tinh anh thêm ra để dun dủi quốc dân vào đường văn minh tiến hóa. Đó là cái hi vọng tối cao tối thiết của mấy trăm vạn đồng bào ta vậy.
Phần IV
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.
Cho nên ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi cung điện lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quí nhất là những nhân vật của xứ Huế vậy. Tôi tiếc vì không ở được bao lâu, trong khoảng mười ngày lấy đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân, thường là người ẩn dật, không phải hằng ngày mà gặp được. Nhưng phàm những người tôi sở biết đều là có cái tư cách cao thượng cả. Cầm, kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của các bậc ấy. Nay không thể biết được hết những người hay ở Huế, không thể kể được hết những người đã từng biết, chỉ xin nói qua về một nhà nữ sử với một vị cao tăng tôi được tiếp trong khi ở Kinh đô.
Nữ sử hiệu là Đạm Phương, con gái Đức ông Quỳnh Quốc Công là con Đức Minh Mạnh, và là em hai Đức ông Tùng Thiện và Tuy Lý. Nữ sử năm nay tuổi chừng ngoài bốn mươi, vợ ông Nguyễn Khoa I…, hiệu Thanh Nguyên, thuộc về dòng dõi quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã nói trên kia. Hai ông bà đều hay thơ, thường xướng họa với nhau, có đưa cho tôi một tập thơ chữ để đăng báo. Nhời thơ chải chuốt mà có vẻ phong nhã. Có lắm bài làm theo lối liên hoàn, lối hồi văn khéo lắm. Phu nhân lại có làm thơ nôm và biết chữ Pháp nữa, hiện đương tập lược dịch một bộ tiểu thuyết tây. Tôi có mời phu nhân giúp vào báo Nam Phong thì phu nhân cũng hứa sẽ soạn một ít thơ văn bằng quốc âm gửi ra sau. Hiện có mấy bài sau này, giọng êm đềm thanh thoát, rõ ra tư cách nhà thi nhân. Hai bài “Nhớ cảnh núi”:
I
Phất phất mành Tương gió quạt lầu,
Thềm hoa xem đã bóng trăng thâu.
Bâng khuâng chạnh nhớ niềm lâm hác, Vắng mặt Lư Sơn những mấy lâu.
II
Giậu trúc bơ thờ ráo hột mưa,
Tiếng chim dìu dặt gió hương đưa. Hồ sen nắng hạ đà phai thắm,
Ngành cúc rừng thu tuyết điểm chưa?
Một bài “Nhớ bạn”, lối liên hoàn:
Mảnh trăng đêm dọi bóng quanh thềm, Bóng dọi quanh thềm giấc khó êm
Giấc khó êm vì thương nhớ bạn,
Vì thương nhớ bạn mảnh trăng đêm.
Phu nhân có một bộ di văn của Đức ông khi xưa để lại, cả thảy hơn mười quyển, chưa từng đem in và công bố bao giờ. Toàn là những văn nghị luận thiết thực, chớ không phải lối văn trường ốc. Vả Đức ông về đời Thành Thái có sung đi sứ bên Pháp, nên kiến văn rộng lắm. Khi ở Tây về, đóng cửa làm sách trong mấy năm: bộ di văn này tức là kết quả của cái công trước thuật của ngài hồi bấy giờ. Tôi có xin phu nhân cho phép đem in để công bố cho quốc dân biết cái tư tưởng một bậc đại nho của nước ta. Phu nhân cũng hứa sẽ cho sao lại rồi gửi ra sau, vì hiện chỉ có một bản muốn giữ làm gia bảo. Đức ông không sinh được người con giai nào, nhưng được người con gái như phu nhân tưởng cũng là xứng đáng lắm vậy.
Chính phu nhân cũng có hai cô con gái học Pháp văn đã thông lắm. Cô nhớn hiện làm trợ giáo ở trường nữ học Huế, năm nay sắp ra thi lấy bằng trung học. Con gái An Nam ta học chữ Pháp mà đến được bậc trung học tưởng mới có tiểu thư là đầu, không kể những cô đã từng học ở bên Tây về. Mấy lần tôi lại chơi, không được gặp tiểu thư để cùng đàm luận cho biết cái trí thức một bậc nữ sinh có tài trong nước, thực lấy làm tiếc lắm. Nghe nói tiểu thư rất hiếu học, và tính rất phong nhã. Cứ xem một cái cách đặt tên cũng đủ biết tư cách người: phu nhân nói tiểu thư không chịu viết tên bằng chữ Thị không được thanh nhã. Nguyên tên họ là Nguyễn Khoa, tên riêng là Nhơn, bèn đặt tên là Nguyễn Khoa Diệu Nhơn. Chữ diệu đó thật là khéo, mà rõ ra cái phong thú con người yểu điệu tài tình. Mong cho sự học vấn của tiểu thư mỗi ngày một tấn ích: trong nữ giới nước ta sau này tất thêm được một ngôi sao mới vậy.
Họ Nguyễn Khoa vốn là người ngoài Bắc, nguyên quán ở tỉnh Hải Dương. Năm Minh Mạnh mới xin nhập tịch vào làng An Cựu, thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, gần thành phố Huế. Mười đời giúp việc bản triều, từ thời đại các chúa Nguyễn đến giờ. Ông thủy tổ đã từng theo đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng) từ khi còn đóng đô ở làng Ái Tử. Các con cháu về sau, hoặc làm quan văn, hoặc làm quan võ, hoặc giúp việc ở Triều đình, hoặc xông pha nơi chiến trận, hoặc cai trị một trọng trấn, thực đã hết lòng trung thành với nước, hình như đem cái vận mệnh riêng một nhà mà gửi thác cả vào cái vận mệnh chung trong nước. Trong lịch sử ít có mấy họ mà mười đời thủy chung chỉ thờ một nhà vua. Họ Nguyễn Khoa thực là có công với triều Nguyễn vậy. Vẻ vang thay! Cao Tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trụ trì chùa Ba La Mật, làng Nam Phố, cách Huế bốn năm cây lô mét. Chùa đó của một ông quan lớn họ Nguyễn Khoa dựng ra, thượng nhân tu ở đấy từ thủa lên bẩy, nay niên tuần đã vào khoảng ngót bốn mươi. Nhờ có ông bạn giới thiệu, tôi mới được biết thượng nhân, thực là cảm phục cái tư cách phong nhã, tư tưởng cao thượng của người. Thượng nhân vốn là người hoàng tộc, nên tuy ở chốn thuyền môn, mà biệt ra một cái phong độ riêng, không giống các nhà tu hành khác. Bước chân vào trong tinh xá, tưởng như nơi văn phòng của nhà thi nhân tao khách nào. Không phải là đồ bầy biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng nó phảng phất ở trong cái phòng ấy, khiến người khách vào chơi biết ngay ông chủ nhân là người phong nhã tài tình. Mà thượng nhân quả là người tài tình phong nhã thật.
Nói thế tất có người lấy làm lạ mà tự hỏi có nhẽ nào một kẻ tài tình ví như bông hoa thơm, hòn ngọc báu ở đời, lại không đem thân ra hưởng sự phong lưu phú quí của đời mà chịu ẩn mình ở chốn cửa Phật là cõi tịch diệt hư không; Đạo Phật là đạo xuất thế mà kẻ tài tình phải là người nhập thế, vì cái tài tình phải ở đời mới có giá trị; ở chốn Từ bi thì nhất thiết chúng sinh đều mang nghiệp khổ, người nào tài tình lắm tất nặng nghiệp nhiều, người mộc mạc thật thà ấy là người luân hồi nhẹ kiếp. Tôi cũng thiết nghĩ như thế, nhưng nghĩ kỹ ra thì tôi tưởng rằng cái tài tình tuy là vật quí của giời đất mà cách dùng mỗi người có khác nhau. Phần nhiều người lấy tài tình như cái bả mà làm cho say mê người đời, để chiếm lấy phần sung sướng ở đời. Nhưng cũng có người bẩm tính cao thượng, không lấy sự sung sướng ấy làm cái mục đích ở đời, nên không muốn đem cái tài tình của mình ra thi thố với đời, làm một vật buôn bán với đời, mà muốn dùng để đạt tới cái cõi mầu nhiệm cao hơn cả mọi sự mọi vật ở đời, là cõi Tiên, cõi Phật, cõi Thánh, cõi Thần. Bởi thế nên người tài tình không tất nhiên là phải nhập thế; dẫu xuất thế mà cái tài tình cũng có dùng vậy. Viên thành thượng nhân có nhẽ cũng vào hạng những người cao thượng ấy.
Vả xưa nay cái quan niệm của người đời đối với người đi tu thường sai nhầm. Người đời cho đi tu là bỏ nhà ở chùa, ăn chay niệm Phật, không biết rằng tu thế chưa phải là tu. Người đi tu là người trong lòng khao khát một sự cao xa mà ở đời không bao giờ tới được, hoặc vì việc đời phiền phức không để cho thư thái trong lòng mà tìm cho tới, hoặc vì lòng mình chìm đắm ở trong bể dục mà mờ ám không trông thấy cái chân lý ở đâu. Vậy phải ra tay cắt đứt cái dây liên lạc với đời mà đem mình lánh ở nơi am thanh cảnh vắng, để sửa trong mình cho được trong sạch sáng suốt mà đón rước lấy cái thú cao xa kia. Sự sửa mình ấy tức gọi là tu, chớ không phải ăn chay niệm Phật mà là tu. Nên phàm ai có lòng thành thực khao khát một sự cao hơn mọi sự ở đời, mà dùng hết tinh lực cho tới nơi, thì người ấy dẫu không tu cũng là tu, mà người ăn chay niệm Phật nhưng trong lòng không có sự thành thực như thế thì người ấy dẫu tu cũng chưa phải là tu. Như thế thì xưa nay thường nghiệm phàm người tài tình phong nhã là những người trông thấy cái cảnh tượng thô bỉ xấu xa ở đời mà chán, khao khát muốn thoát khỏi cõi trần tục, lên một cõi cao xa trong sạch hơn. Cái lòng khao khát ấy chẳng phải là nguồn gốc của sự đi tu, sự xuất thế rư? Cho nên nói rằng sự tài tình không những là không trải mà lại có nhẽ hợp với cái chủ nghĩa xuất thế vậy.
Cái tài tình của Viên thành thượng nhân thì không phải tìm đâu xa, cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết: mỗi nhời như ngọc nhả châu phun, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ nôm cũng rất hay. Trong khi nói chuyện người thường đọc cho nghe nhiều bài; nay sao được vài bài nôm như sau này: Một bài “Nhớ bạn”:
Cao thấp trời chung một hạt mưa, Ra đời vô núi cũng duyên dưa.
Mấy phen sương tuyết chồi mai nở. Ngàn dặm tinh hoài bóng nhạn thưa. Lò lửa nhớ chừng vầy chuyện cũ.
Bàn cờ theo buổi ngắm trà trưa. Nghĩ người đạo khế từng qua lại, Trăng giọi thềm rêu phải đó chưa? Một bài “Chơi núi”:
Lững đững bên giời ngọn rớn sưa[3]
Dặng bờ thu thảo ngớt cơn mưa.
Rêu xanh đá mọc nhìn đường cũ, Khói biếc thành xây tưởng dấu xưa. Mây phủ dịp cầu sen ẩn tróc,
Cây lồng bóng nước cảnh thừa ưa. Khách quen năm trước bây giờ đến. Thử hỏi non sông đã biết chưa?
Thượng nhân lại thường nhận những câu hát ca dao nhiều câu rất có ý vị, người bèn dịch ra thơ chữ tuyệt khéo mà diễn được hết cái tinh thần của câu nôm. Như câu:
Núi cao chi lắm núi ơi!
Núi che mặt trời không thấy người thương người dịch ra hai câu chữ là:
Kỷ trùng lam thùy vô cùng hận, Nhật ảnh vân già cách cố nhân.
Lại câu:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều.
Nhớ người đẫy gấm khăn điều vắt vai,
người dịch là:
Hoàng hôn vô hạn hoàng hôn từ. Hồng phách hà bao nhỡn lí nhân
Phi tay thi nhân tuyệt diệu không dịch được như thế.
Nhưng thượng nhân không những là một tay thi nhân có tài, mà lại là một nhà tư tưởng sâu sắc nữa. Người nghiên cứu về Phật học rất thâm, cốt để giải lấy cái giáo lý, thấu được những nhẽ mầu nhiệm của đạo Phật. Người nói chuyện với tôi rằng hiện đã soạn được một bộ Thích ca lược sử bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, còn đương chú thích, khi nào xong sẽ gửi để đăng báo. Quốc dân ta ngày nay đã ai chịu công nhận rằng chữ quốc ngữ có văn mà đã mấy người chịu hạ cố viết văn xuôi; nay nghe thượng nhân nói làm sách bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, tôi có ý lấy làm lạ, người bèn đáp rằng: “Bên Gia Tô người ta còn làm sách bằng quốc ngữ, theo như nhời nói thường, để cho nhiều người hiểu mà dễ truyền bá đạo. Mình há lại không nên làm như thế rư?”. Nghe câu đó mà tôi mừng rằng đã có một bậc trí thức biết cho văn quốc ngữ là có ích lợi. Thực đáng mừng mà đáng vui thay, vì cái vấn đề văn quốc ngữ ấy vẫn là một sự khổ tâm cho tôi đã lâu nay vậy. Nhân bàn về đạo Phật, thượng nhân khuyên tôi nên cổ võ Phật học trong báo Nam Phong, rồi người phát khởi ra một cái tư tưởng lạ. Người nói rằng: “Đạo Phật ở nước ta sở dĩ không thịnh được là bởi không có một cái Giáo hội như đạo Gia Tô ở các nước bên Tây. Nay muốn cho đạo Phật thịnh hành mà có thế lực trong nước thì phải họp cả các chùa lại, đặt một ông sư trưởng tức như ông giáo hoàng, lập lấy một cái tư bản chung, khiến cho các môn đồ đạo Phật trong nước thành một đoàn thể mạnh, như thế thì ích lợi cho quốc dân biết chừng nào! Ước gì vua ta chủ trương được việc đó thì thực là phúc đẳng hà xa”. Ấy cái hi vọng của người to tát như thế, cái tư tưởng của người cao xa như vậy.
Tôi ngồi nói chuyện mà không muốn đứng ra về nữa. Thượng nhân lại giắt ra xem cái vườn hoa riêng của người. Vườn hoa xinh thay! Đáng yêu thay! Trông tưởng như một cái hoa viên trong sách tiểu thuyết tàu vậy. Những cây, những hoa giồng trong vườn ấy toàn
là những cây cùng hoa quí cả, mà là những cây cùng hoa các thi nhân đã từng đề vịnh cả. Người chỉ cho xem cây nào lại đọc liền ngay câu thơ theo sau, hoặc là câu của tiền nhân, hoặc là chính của người. Nghe những tên người đặt cho các cây hoa đó cũng đã có thi vị lắm rồi: cây này là cây tì bà, lá như hình cái đàn tì bà, cây kia là cây mai khôi, hoa này là hoa thập tỉ muội hồng, chậu kia là chậu túy ông lan. Chỗ thì bụi tùng, chỗ thì khóm trúc, chỗ thì hòn núi giả, chỗ thì cành giậu thưa. Tôi có ý nhận suốt trong vườn không có một thứ hoa gì là sặc sỡ nồng nàn, như ông bụt tây hay mẫu đơn tàu. Cái tính tình ông chủ nhân tất cũng có cái vẻ dịu dàng mát mẻ như chốn hoa viên ấy vậy. Người giữ đứng lại để chờ giăng lên mà thưởng nguyệt trong hoa thì mới thú. Nhưng bữa ấy là ngày 20, đợi mãi đến khuya mà giăng chưa mọc.
Anh em đành phải xin từ biệt ra về, trong lòng luống những ngẩn ngơ, vì nhớ cảnh, vì nhớ người.
Thượng nhân tiễn ra đến cửa chùa, vừa đi vừa ngâm: Chân trọng cà xa tống xuất môn… Quí hóa thay!
*
* *
Ấy người Huế như thế, cảnh Huế như thế. Thiết tưởng cái cảm tình của tôi với Huế cũng không phải là quá đáng vậy. Nếu có người đọc bài này mà cũng sinh lòng yêu mến chốn Kinh đô cũ của nước nhà, nhân đó yêu đến cả nước nữa, thì “mười ngày ở Huế” của tôi cũng không phải là vô ích vậy.
Chú thích:
[1] Tự điển Annam - Bồ Đào Nha và La Tinh. Rôme. 1651.
[2] Họ Nguyễn Khoa là một vọng tộc ở tỉnh Thừa Thiên, khi ở Huế tôi có được tiếp truyện một ông Nguyễn Khoa, sau này sẽ kể qua cái lịch sử họ ấy, theo một bài khảo cứu trong sách Biên tập của hội “Đô thành hiếu cổ xả”.
[3] Rớn ngoài Bắc gọi là giảng, là cái mây sắc đỏ vàng, sau khi mưa. Sưa là thưa.
Hà Nội, 6/4/1918
Phạm Quỳnh
Theo http://quyetnguyenblog.blogspot.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...