Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023
Một tháng ở Nam kỳ
Phần I
Một địa hạt Nam Kỳ mà bấy nhiêu tờ báo kể
cũng đã nhiều lắm vậy. Cứ lấy cái “lượng”
(quantité) mà xét thì thật đủ khiến cho Bắc Kỳ Trung Kỳ phải thẹn với Nam
Kỳ rằng về đường ngôn luận còn chậm kém xa quá. Nhưng cái “phẩm” (qualité)
có được xứng đáng với cái “lượng” không? Điều đó thì chưa dám chắc vậy.
Xưa nay phàm cái gì muốn cho nhiều tất giá phải kém, không thể vừa nhiều
vừa tốt cả được. Muốn giữ cho cái “phẩm” cao, tất phải hạn cái “lượng” lại
mới được. Ấy công lệ từ xưa vẫn thế: nghề làm báo, nghề làm sách, có thể ra ngoài được cái công lệ ấy
không? Thiết tưởng rằng không. Cho nên xét ra các đồng bào ta trong Lục tỉnh hình
như có ý trọng cái “lượng” hơn cái “phẩm” vậy. Đó cũng là một điều khuyết điểm
trong học giới báo giới xứ Nam Kỳ.
Thật thế, đất Nam Kỳ muốn mở mang cho hết sức, phải cần có
người Bắc Kỳ Trung kỳ vào sinh cơ lập nghiệp trong ấy mới được. Không những
dân Nam Kỳ có ít người và cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay đã
là thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa. Mà ngoài Bắc thì lại nhiều người quá
mà ít đất làm, không kể miền thượng du sợ lam chướng không ai dám đi, đến miền
trung châu thì bao nhiêu đất cầy cấy được đã cầy cấy cả rồi, bọn nông phu những
năm đói kém cực khổ quá. Nếu nay chịu về Nam Kỳ là nơi người ta đương thiếu người làm mà kiếm việc thì lợi biết bao
nhiêu, lợi cho cả người Nam, cả người Bắc. Huống đất Nam Kỳ không phải là
đất lam chướng gì, toàn là đồng bằng bát ngát, chỉ vì
chưa khai khẩn hết nên phải bỏ hoang mà thôi.
Nhưng đất hoang ở đây chẳng qua là đất bỏ cỏ chưa phá rãy đến và
chưa thành ruộng, không phải là những rừng rậm núi xanh như các nơi mạn
ngược ngoài ta. Sự khai khẩn cũng không có khó gì: mùa hanh đến cho mớ lửa
là bao nhiêu cỏ khô cháy hết, cái xác, cái rễ ải ra thành một thứ phì liệu không
gì tốt bằng; chỗ nào đất thấp nhiều nước thì đào cái kênh cho nước tháo ra
con sông nào gần đấy: như thế là trong một vài mùa đất hoang thành ra đất
thuộc. Từ xưa đến nay chỉ vì thiếu nhân công nên không thể làm được,
không phải vì cớ gì khác. Có người nói rằng dân đường ngoài mộ
vào làm nông phu trong Nam Kỳ đã xét ra chỉ được một vài năm đầu, rồi sau hễ
không nhớ nhà đòi về thì cũng lại nhiễm cái thói lười biếng ăn chơi của người
trong ấy mà nhãng bỏ công việc làm. Anh nào coi chừng đã nặng túi thì không ai
bắt cho làm được nữa. Cái đó cũng có, nhưng thiết tưởng vì sự mộ phu đó
không phải cách. Mộ dân đồn điền không thể làm như mộ
phu làm đường xe lửa được, không thể gặp người nào cũng mộ rồi hứa
cho công cao mà cưỡng đem đi. Phi là những hạng không ra gì, vốn du thủ du
thực, rồi sau cũng hoàn là du thủ du thực, còn đứa khác thì xa vợ xa con những
nhớ nhà mà cũng không thể ở lâu được. Phải lựa những tay
nông phu nghèo, nói rõ cho họ biết sự lợi hại, khi đi thì hoặc Nhà nước,
hoặc một công ti nào cấp tiền cho đem cả vợ con đi. Đến nơi, tùy ý muốn
vào làm mướn cho người điền chủ nào thì Nhà nước đã định thể lệ, hai
bên phải làm giao kèo phân minh. Hoặc muốn độc lập thì Nhà nước
cho cái đồn điền mấy chục mẫu, cấp trâu bò và nông khí cho mà làm, bao giờ
thành ruộng mới phải nộp thuế. Bao nhiêu người Bắc xin đồn điền như
vậy sẽ khu cả vào một vùng, để dần dần nhiều người có
thể lập thành một cái ấp được. Nếu lựa được những người có chí làm ăn. –
mà hạng đó không phải có thiếu gì – thì sự thực dân Bắc Kỳ ở Nam Kỳ tưởng không
lấy gì làm khó như nhiều người thường nghĩ lầm. Chỉ vì từ trước tới nay có mấy nhà buôn
bán lấy sự mộ phu làm một mối lợi, chỉ vụ cho có nhiều đầu người, không
xét đến hạng người làm gì, bạ đứa nào mộ đứa nấy, có đứa không từng làm ruộng
bao giờ, không biết cầm cái cầy cái cuốc thế nào, những hạng bã rả
như vậy mà cũng cưỡng đem đi cho đông số người thì trách sao cho tốt được!
Còn nói rằng người nhà quê ta không ưa đi xa, khó lòng mà khuyên cho
họ bỏ làng đi xứ khác, thì tuy cái thói đó là ở trong tục nước mình, trong
tính người mình, nhưng tưởng ngày nay nếu khéo giảng giải cho họ biết
điều lợi hại thì tất cũng nhiều người nghe. Người mình cũng như người các
nước khác, chỉ sợ chết mà thôi: đem lên nguồn xanh hút gió, nước độc ma thiêng,
tất ai cũng xo lại mà không chịu đi. Nếu nói cho rõ là đem đi nơi đất lành
ruộng tốt, nước ngọt cá ngon, để
mà sinh cơ lập nghiệp, nuôi vợ
nuôi con, thì trừ những kẻ co ro không dám bước ra khỏi làng,
còn người có chí làm ăn tất ai cũng đậm mà đi. Vả trông quanh
mình người ta đi sang Tây làm thợ mấy năm trời còn về nhan nhản cả kia, ai
nấy rủng rỉnh những tiền bạc, huống là mình mới đi có đến Nam Kỳ mà thôi,
đã lo gì. Dám chắc rằng bởi cái tình thế tất nhiên, bởi đường sinh nhai bắt
buộc mà cái tư tưởng của người dân nhà quê ta rồi
mỗi ngày một mở rộng ra, cái nhỡn giới không có đến cây đa đầu làng làm giới hạn
nữa. Đâu kiếm ăn được rồi tất tìm ra mà đi, chẳng có quản gì những nỗi tha
hương biệt xứ. Bọn thợ ở Tây về rồi sẽ truyền cho những bọn ở nhà cái
tính mạo hiểm, là tính người mình ít có xưa nay. Mà mạo hiểm để kiếm ăn, không
phải là cái mạo hiểm khó truyền gì! Bởi các lẽ đó nên thiết tưởng
rằng dân Bắc Kỳ có thể vào thực dân trong Nam Kỳ đông được. Chỉ nên cổ động hết
sức cho người ta biết rõ xứ Nam Kỳ mà đừng tưởng đất Sài Gòn là một đất ở
đâu Nam dương Bắc hải nào. Phải giảng cho người ta hiểu rằng đất Nam Kỳ tốt
có một, mỗi năm chỉ cấy một mùa mà gấp mấy mươi ngoài ta, nếu chịu khó làm
chỉ trúng luôn một vài mùa là giàu to. Bởi ruộng tốt dễ làm mà có những tay điền
hộ ruộng tới mười mấy ngàn mẫu tây, tiền thâu nhập chi xuất hàng
năm tới bốn mươi năm mươi muôn bạc. Lại có những nhà cai tổng giàu đến một
mình có mấy cái xe hơi đi trên bộ, mấy cái tàu máy chạy dưới nước, nhà như
lâu đài, không dinh ông tổng đốc nào bằng, cách ăn ở cực kỳ
xa xỉ phong lưu, mắt không trông thấy không thể nào tưởng tượng
được. Bao nhiêu sự giàu có đó chỉ bởi ruộng đất tốt mà thôi, không phải bởi tay người sảo hoạt mà làm nên. Vì thường những
người giàu dữ như thế không phải có tiếng là thông minh trí thức gì; nhiều
người lại ngu ngốc mà nổi danh! Thế mà giàu được như vậy, chỉ vì có vườn
ruộng to, mỗi năm chỉ ngồi đấy mà thu bạc của các nhà lĩnh
canh (trong ấy gọi là tá điền) đem nộp mà thôi, không cần phải khó nhọc chút
gì. Ấy cái đất Nam Kỳ nó hậu đãi người ta như vậy. Không khó nhọc gì mà được
như vậy, nếu ra công ráng sức mà khai khẩn thì còn hoạch lợi đến đâu. Các
quan sở tại ta gần dân và hiểu rõ dân tình, xét ra nơi nào dân có chí
làm ăn mà thường bị nghèo khổ, nên giảng giải những điều ấy cho họ nghe, tất
nhiều người nghe mà sinh ra cái hứng muốn đi thực dân xứ Nam Kỳ, thật là
giúp cho việc kinh tế trong nước nhiều lắm.
Trước chỉ định qua Mỹ Tho một ngày, rồi đi thẳng về
Long Xuyên, nhưng nhân gặp bạn hiền mà du di đến mấy bữa. Ngay hôm đầu,
ông muốn cho nếm qua cái thú điền viên ở Nam Kỳ, bèn giắt về chơi vườn(4).
Ông có ông cậu làm ruộng và buôn bán ở Chợ Giữa, cách tỉnh thành Mỹ Tho mươi
cây lô mét. Chợ Giữa là một làng lớn, có tiếng thanh lịch nhất trong hàng
tỉnh. Tự tỉnh về đi “xe kiếng”(5) mất hơn một giờ đồng hồ. Thường gặp chuyến
thì đi xe hơi tiện hơn, vì có một đường xe hơi tự tỉnh lên Cay Lậy, qua Chợ
Giữa. Không ngờ mà gặp, mong đợi mà sai, cả cái phong thú của đời người
là ở sự bất kỳ vậy. Nếu công việc ở đời dự định được như cái học khóa
trong nhà trường, việc gì định thế nào tất sẩy ra như thế,
thì tưởng đời người không còn thú gì nữa. Nay thế này mà không biết mai thế
nào, mỗi ngày một mới, mỗi buổi một lạ, chỉ trong khi du lịch mới có cái
thú bất kỳ đó mà thôi. Nhất là người có tính suy nghĩ, đối với người nào,
cảnh nào, sự gì, vật gì, thường trong trí đã có cái quan niệm sẵn, khi bước
chân ra ngoài thấy sự thực có khi đúng mà lắm khi sai hẳn cái quan niệm của mình,
thật không gì vui bằng. Trước khi về Nam Kỳ vẫn an trí rằng đất này chắc
không còn đâu cái phong vị cũ nữa; vẫn rắp trong bụng rằng mình vốn con nhà nho
mà đã đem mình vào chốn phong trào mới đời nay, trong người hình như có
hai cái nhân cách khác nhau, một cái nhân cách cũ, một cái nhân cách mới,
khi thường vẫn cố sức điều hòa mà chung đúc làm một, nhưng về đến Nam Kỳ chắc chỉ
cần phải biểu lộ cái nhân cách mới, mà cái nhân cách cũ tưởng không
nên bày ra cho khỏi mang tiếng hủ lậu với các bạn đồng bang trong này, đã
chịu âu hóa sâu hơn ngoài ta nhiều. Cái thái độ đó tuy ở nơi tỉnh thành đô hội
thì rất là chánh đáng thật, mà về đến chốn điền viên lắm khi không hợp. Trong
này cũng như ngoài ta, chỉ nơi tỉnh thành mới chóng nhiễm cái phong thói mới
mà thôi, chốn nhà quê, nhất là ở mấy tỉnh cũ về miền trung ương và miền
đông bắc, hiện nay vẫn còn tồn cổ nhiều. Không biết mười năm nữa, hai mươi
năm nữa, thì thay đổi đến thế nào, mà hiện bây giờ
vẫn còn có nơi giữ được cái phong thể cũ như ngoài
mình. Đó thật là một sự mình không ngờ, một sự trái với cái quan niệm sẵn của mình
về nhân vật xứ Nam Kỳ. Người Bắc ai là người tin rằng đất Lục tỉnh còn có
những bậc lão nho ngâm Đường thi, bàn triết lý, đọc Ẩm băng, sớm giảng kinh truyện cho con cháu, chiều họp nhau dưới đèn mà hùng biện về việc
đương thời, ra công bảo tồn lấy cái đạo đức cũ
mà duy trì cho nền Hán học xưa? Chắc không
ai tin như vậy, tôi cũng không ngờ như vậy, mà về đến Chợ Giữa được gặp mấy bậc
trưởng giả ông bạn giới thiệu cho, thật phải chịu rằng mình xét lầm. Có
người nói những nhân vật ấy ngày nay cũng không phải là còn nhiều, dễ chỉ
có một nơi Chợ Giữa hay là một vài nơi khác nữa còn sót được răm ba người
như vậy mà thôi; lượt ấy mất dần đi thì rồi sau này hạng người đó không
tìm đâu cho thấy nữa; bọn tân nhân vật mỗi ngày một tiến lên mà tràn khắp
cả, mà tính cách bọn tân nhân vật ấy thế nào thì cứ coi ngay ở Sài Gòn là
đủ biết. Nếu quả như vậy thì lại là một sự may cho mình lắm nữa, vì tình cờ mà
được biết một hạng người sau này tất không còn nữa, đủ làm biểu chứng cho
cái tình trạng xã hội xứ Nam Kỳ hai ba mươi năm về trước. Ở Chợ Giữa một
đêm một ngày, được các cụ có bụng yêu mà tiếp đãi tử tế quá, không biết lấy lời
gì mà tỏ lòng cảm tạ cho xứng. Trông thấy những bậc trưởng giả tuổi cao đức
lớn, lấy lễ quốc sĩ mà đãi một kẻ thư sinh bất tài, lắm lúc tự nghĩ lấy
làm hổ thẹn vô cùng. Tưởng giá sinh vào một nước văn minh thì thân
này chửa chắc đã làm nổi một chân bàng thính học sinh trường Đại học, mà sống ở
một nước bán khai như nước mình đã dám tự phụ ra đảm nhiệm một phần ngôn luận trong quốc dân, thật là
ngượng thay cho mình tài chưa xứng việc, lại than thay cho nước nhà đương buổi
nhu tài mà thiếu kẻ nhân tài xứng đáng! Than ôi! Đã tự biết mình thiếu thốn
mà mỗi lần được người ta quá trọng quá yêu lại như nhắc lại sự khuyết điểm của mình,
trong lòng thật canh cánh không được an ủi chút nào, há lại còn dám tự cao
tự phụ nữa ru? Khi mới tiếp mặt, các cụ hơi có ý lấy làm lạ, sau mới nói rằng:
“Đọc văn ông, chúng tôi vẫn tưởng ông đến bốn năm mươi tuổi, không ngờ người còn thanh niên như
vậy”. Cho hay cũng có cái văn nó làm cho già người đi được, kỳ thay! Đến nhiều
nơi khác cũng thường thấy có người trông người mà lấy làm lạ như vậy. Nghĩ
kỹ thì tôi thiết tưởng rằng văn tức là lời nói ý nghĩ của người
ta, tuy có tùy tính chất người mà khác nhau, nhưng thực là theo cái thời vận
chung trong một nước. Nước đương lúc thái bình vô sự thì văn chương tất
vui vẻ tươi cười, nhẹ nhàng hớn hở, như người
đương buổi thanh xuân, lấy sự đời làm khoái lạc. Nước gặp buổi phân
vân đa nạn thì văn chương tất triền miên u uất, thiết thực mà cẩn nghiêm,
vì người thường lo đến việc nước, lấy lời văn mà giãi bụng ưu tư. Người
mà gặp lúc thảnh thơi, dẫu già cũng trẻ thêm ra được; người mà gặp buổi
nhiều việc thì thường để bụng lo nghĩ, dẫu trẻ
măng mà cũng ra vẻ chín nục, có khi thổ
lộ ra những giọng thiết tha, tưởng như người già
sọc. Chắc cái tuổi văn chương cũng có quan hệ ở tính chất, tư tưởng
người, nhưng quốc vận thật là có một phần to ở đấy. Cho nên ngày nay những người
nào lấy văn chương làm một sự chơi bời, hoặc làm một việc buôn bán thì
không nói làm chi, còn ai đã biết để bụng đến việc nước, muốn đem lời quốc văn mà cảnh tỉnh chấn
hưng cho nước, thì tất cái giọng phải cẩn nghiêm thiết thực, vì trong lòng thường
khắc khoải băn khoăn. Trong bụng “hữu sở tư” thì dẫu trên trán non cũng có lúc
thành ngấn trũng được. Già non có ở đâu người?…
Ngạch quan lại trong Nam Kỳ khác hẳn ngoài ta. Về ngạch chánh
trị đại khái có bốn hạng: dưới là hạng các thầy Thông thầy Phán làm giấy ở
chánh phủ trung ương và các tòa bố (tức là tòa sứ) các tỉnh, rồi đến hạng
Tri huyện, hạng Tri phủ và hạng Đốc phủ, ba hạng ấy tuy giai cấp khác nhau
mà đều là thay quyền quan chủ tỉnh (tức là quan công sứ) cai trị một quận
(circonscription ou délégation), vì trong này không có phân biệt đường
quan với thuộc quan và không có hạng quan tỉnh. Từ hạng
thông phán lên hạng tri huyện có thi, khóa thi này nghe nói khó lắm, có
người nói khó gần bằng thi quan cai trị Tây. Từ hạng tri huyện lên hạng tri phủ
đốc phủ, cứ thăng lần, không có thi nữa. Cứ lệ thi các quan chủ quận
là lấy trong hàng phủ huyện và đốc phủ, không phân biệt hạng nào,
nhưng thường thì các ông huyện mới còn phải làm phụ với quan chủ tỉnh ở sở tại,
còn các ông chủ quận thì cũng tùy quan hàm cao thấp mà lĩnh quận to hay quận
nhỏ. Hiện các quan đốc phủ thường lĩnh quận sở tại ở tỉnh lỵ. Coi đó thì biết trong Nam Kỳ
này hàng các thày làm việc với hàng các quan
không có cách biệt nhau, tức là một ngạch, trong ấy gọi là “ngạch các quan
lại hành chánh an man” (cadre des services civils indigènes). Còn
các quan lại về bên tư pháp (service judiciaire), thì tôi không
được tường lắm, nghe đâu cũng không có thể thức gì riêng.
Một hôm ông Diệp Văn Kỳ lại chỗ trọ, rủ đi xe hơi lên chơi đồn điền cao su của quan Diệp Văn Cương ở trên Biên Hòa. Lúc ra đi đã về chiều, lên đến nơi thì trời tối cũng không xem được gì, nhưng khi đi đường được biết cái phong cảnh miền cao nguyên ở Nam kỳ. Phong cảnh này thật là khác cái phong cảnh mấy tỉnh Tây Nam mình vừa đi qua mới rồi. Đất đây cao và khô, toàn là đất gò đất núi cả, lắm chỗ đường xe đi sẻ ngang vào giữa khoảng rừng cỏ bãi hoang, cảnh tượng cũng đìu hiu tịch mịch như lắm nơi ở Trung kỳ. Vả đất này mới là đất cao nguyên, chưa phải là đất núi: núi thì còn xa lên trên nữa, vào vùng Mọi ở. Đất này chỉ ưa trồng cao su mà thôi. Có nhiều cái đồn điền rộng lắm, phần nhiều là của người Tây cả; vả gần khắp tỉnh Biên Hòa toàn thị là đồn điền cao su hết, ruộng lúa thì không có mấy và khô khan cầy cấy khó lắm. Miền Tây Nam coi ra phong đăng trù mật bao nhiêu thì miền Đông Bắc này coi lơ thơ xơ xác bấy nhiêu. Dân nghèo, người ít, đất rắn, cây cằn, ít những nơi đô hội lớn, thưa những chốn làng xóm to. Quan lại mà bổ vào những châu quận đây chắc không được tốt bổng bằng miền dưới, tức cũng như quan lại ngoài ta phải bổ lên Trung du Thượng du mà không được ở vùng Nam Thái vậy. Nhân tình ở đâu cũng là nhân tình, mà quan trường xứ Nam kỳ chẳng khác gì quan trường xứ Bắc. Ôi! tiếng tham nhũng ở đâu cũng đã thành cái thanh danh riêng của bọn quan lại vậy. Tựu trung có người tốt, mà cả đoàn đã mang tiếng với quốc dân lâu lắm vậy. Tiếng ấy, quan lại ta có mong bao giờ rửa cho sạch không? Theo ý ông Diệp Văn Kỳ thì khó lòng mà rửa cho sạch được: ông đối với sự hành động của bọn đó, vốn có cái ác cảm riêng, thường thổ lộ ra lời nói câu chuyện.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét