Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Sân cỏ bờ đê

Sân cỏ bờ đê

Mùa hè gắn với nhiều trò chơi thú vị của trẻ nhỏ trong đó có môn bóng đá. Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử xin trân trọng giới thiệu ký ức một thời trên“ Sân cỏ bờ đê” của nhà văn Phan Trung Hiếu, được rút từ tập tự truyện “Vườn đất Thánh, NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu năm 2000.
 
        Thanh vừa được bố mua cho một quả bóng nhựa vằn xanh vằn đỏ. Từ lúc có quả bóng mới, tội nghiệp mấy trái bưởi bị bỏ quên lăn lóc ở góc vườn, thâm dần rồi rữa nát. Cũng chẳng oan, bóng bưởi nặng chình chịch, đá vào đau méo cả mặt. Quả bóng còn thơm mùi nhựa mới, khẽ chạm vào đã bay vù vù. Những tiếng lịch kịch rộn ràng, nghe thôi cũng đã khoái.
         Ngày hè, chờ khi nắng chiều nguội bớt chúng tôi chia phe quần nhau cho đến mệt phờ. Có vài ba đứa mỗi bên mà cũng ồn ào la hét, lăn xả vào nhau trong mịt mờ bụi cát. Sân bãi thì gặp đâu đá đó. Có khi là cái sân gạch nhà thằng Thanh. Đông đúc hơn thì xách nhau ra chân bờ đê trước quán cố Sửu. Chọn một khúc phăng phẳng, mỗi đầu hai chiếc dép hay vo viên quần áo đặt xuống là thành cầu môn. Chẳng có trọng tài, cũng không cần khán giả. Một lũ lộc ngộc háo hức rượt đuổi theo trái bóng hò la đến khản giọng. Đã xảy ra một chuyện oái oăm trong một chiều náo nhiệt trên sân cỏ bờ đê ấy.
         Chiều đó, thằng Bài què hứng lên xin nhập bọn. Chuyện gì thì còn có thể được chứ việc đá bóng thì chả dại gì mà nhận nó về phe mình. Lành lặn còn chả ăn ai huống hồ què quặt. Nhưng Bài cứ xin nằng nặc cho nên cả bọn phải bắt thăm. Bẻ hai que tre nắm chặt trong hai lòng bàn tay: thằng Bài là cái que ngắn, thằng Bình cái que dài. Tôi chỉ đúng vào bàn tay thằng Cung nắm cái que dài hơn, nhận thằng Bình. Dĩ nhiên, thằng Bài về phe thằng Cung. Không ngờ mặt Cung vẫn tỉnh bơ. Nó khệnh khạng: “Tao với thằng Linh cũng ăn đứt chúng mày. Coi như chấp một thằng què”. Rồi cả bọn vội vã vào trận. Không ngờ bài Què chơi cũng không đến nỗi nào. Nó như một cầu thủ ba chân, cũng đu mình trên chiếc gậy tre mà sút. Mỗi lúc giáp mặt, đáng gờm nhất vẫn là cái gậy của nó. Loạng choạng thế, nó mà thọc gậy đúng vào chân thì không gãy xương, bong gân cũng trầy da tróc vảy. Thằng Cung giao cho nó mỗi việc giữ gôn thế mà Bài què cứ nhao lên tuyến trên mà đá. Một lần, nhận được bóng của Thanh chuyền lên, tôi đá vọt qua mặt thằng Bài ngược lên phía triền đê. Mái đê dốc đứng là cầu thủ thứ bảy vô tư với cả hai phe. Khi quả bóng vừa lăn xuống qua trước cầu môn, tôi co cẳng định sút thì “bịch”- quả bóng mà chân tôi chưa kịp chạm tới đã bay xéo qua đôi dép lăn ra ngoài. “Không vào! Hoan hô Bài què!”. Thằng Cung vỗ tay reo ầm ĩ. Tôi la lối: “Phạt! Bài què dùng tay chơi bóng”. Bài què tì gậy vào nách, gạt đám mồ hội lễ nhễ trên trán ngạc nhiên: “Sao lại là dùng tay?”. “Mày dùng gậy quất vào bóng không dùng tay thì là cái gì?”. Thế là xảy ra một cuộc cãi vã gay gắt khiến trận đấu phải tạm dừng. Bài què nói: “Cái gậy là chân của tao. Nếu tao lành lặn như bọn mày thì cần gì đến gậy nữa”. Bực mình về cú bóng hỏng ăn, tôi nổi đóa lên: “Mày không đủ chân thì vào đá làm gì, lo về nhà mà đơm khuy áo cho mẹ. Có ai lại đi đá bóng bằng gậy bao giờ?”. Thằng Bài lặng người, tròn xoe mắt nhìn tôi. Nó tập tễnh chống gậy bước ra ngoài, mắt rân rấn nước. Không khí chùng xuống, tẻ ngắt. Có cái gì đó chẳng ai nói ra nhưng đã vỡ òa, u u trong đầu mỗi đứa. Trận đấu coi như tan, ai về nhà nấy.
 
Giải bóng đá nhi đồng hè năm 2019 ở xã Bùi Xá - Ảnh: Lê Quang Thành
         Cơm tối xong, chả biết vì sao tôi lại mò sang nhà Bài què nhưng chỉ đứng tần ngần ngoài cổng. Chắc nó còn giận mình lắm!- Tôi thầm nghĩ. Tôi nấn ná mãi ngoài cánh cổng tre khép hờ cho đến lúc con Vện khẳng khiu nhà nó đánh hơi thấy mùi người lạ cất tiếng sủa nhai nhách. Bài chống gậy ra cổng gặp tôi với vẻ mặt là lạ. Tự dưng tôi cúi đầu, lí nhí trong cổ họng: “Chuyện hồi chiều, minh xin lỗi cậu!”. Trời nhập nhoạng nên chắc Bài không nhìn thấy vành tai tôi đang nóng rực lên. Tôi vội vàng tiếp lời như sợ câu nói của mình rơi tõm vào yên ắng: “Chiều mai ta lại ra bờ đê chơi chứ?”. Bài què đằng hắng, giọng buồn buồn: “Nhưng nhỡ mình quên lại đá bằng gậy?”. Tôi nhìn cây gậy tre nhẵn thín mà nó đang kẹp tì vào nách, quả quyết: “Thì cây gậy chẳng phải là cái chân của cậu sao”. Cả hai cùng phá lên cười. “Ra bờ đê ngắm trăng đi!”- Tôi rủ nó. “Thì đi!”. Nó lọc tọc chống gậy quăng mình từng nhát một. Bấy giờ, vầng trăng muộn đã nhô dần khỏi rặng tre trông như quả bóng vàng ai đó vừa thả xuống cuối sân trời xanh ngắt. Cái bóng ba chân của thằng Bài rôm rả hắt xuống con đường làng lênh láng ánh trăng những cú đi hăm hở.
11/8/2019
Phan Trung Hiếu
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...