Về một bài trong Thi nhân Việt Nam
Ông Hoài Thanh xuất bản quyển Thi nhân Việt Nam năm
1943 mà mãi 14 năm sau, đến năm 1957 tôi mới được đọc. Quyển sách ra đời trong
thời gian tôi ở tù 5 năm, rồi sau đó trong nước có chiến tranh, sách báo không
lưu hành được dễ dàng, và tôi hoàn toàn không biết có quyền sách ấy cho đến năm
1957 mới trông thấy nó, lần đầu tiên, do một người bạn cho mượn. Quyển sách đã
rách nát hết bìa, chỉ còn trên một trăm trang ruột.
Lật sách ra coi, tôi hết sức ngạc nhiên về bài nói đến tôi.
Ông khởi đầu bằng một lời phê bình lạ lùng: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với
chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai…”
Không biết ông Hoài Thanh lấy theo tài liệu lịch sử nào mà ghi chép như thế?
Quyển Tập thơ Đầu ra đời năm 1934 – lúc bấy giờ sự thật tôi mới có 22
tuổi, chỉ là một cuộc trình diễn rụt rè và im lặng.
Tập thơ Đầu – Premières: Poésies chỉ gồm có năm sáu bài thơ Việt và sáu
bài thơ Pháp, mà tôi làm chơi, chép lẫn lộn trong một xấp giấy. Trương Tửu
trông thấy, lấy đưa Lưu Trọng Lư xem, rồi chính Lư đưa nhà in Tân Dân in dùm mà
tôi không có tiền trả. Lưu Trọng Lư cũng không có tiền. Trương Tửu cũng vậy.
Thành thử từ khi Tập thơ Đầu được in chịu và chỉ phát hành ở Hà Nội
thôi, mãi hai năm sau tôi mới trả được tiền in cho ông chủ nhà in, Vũ Đình
Long. Sách in ra gởi bán, không có một quảng cáo nhỏ và toàn thể báo chí Hà
thành cũng im lặng trong một tháng trời, không có một lời giới thiệu. Tập thơ mỏng
mảnh, không có tranh vẽ, không có màu mè, cũng không có một lời tựa của tác giả
hoặc của ai. Lưu Trọng Lư muốn có mấy lời giới thiệu nơi trang đầu tập thơ, tôi
không bằng lòng.
Như thế, trong quyển Thi nhân Việt Nam, ông Hoài Thanh bảo “Nguyễn Vỹ
đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai…”, thì thật là sai
hẳn với thực tế lịch sử hồi đó.
Bỗng dưng, một tháng sau, tờ báo đầu tiên ban cho tôi một hân
hạnh đặc biệt là tờ tuần báo Pháp văn L’ Annam Nouveau của cụ Nguyễn
Văn Vĩnh.
Trong một cột dài, tờ báo ấy khen nhiều bài trong Tập thơ Đầu, cả thơ Việt
văn lẫn thơ Pháp văn. Tôi nhớ báo ấy trích cả đoạn dài của bài Débris
d’aile et Desbris d’Ell và bài Đức thánh Đồng đen. Cách mấy số sau,
cũng trong L’ Annam Nouveau, Nguyễn Nhược Pháp viết một bài phê bình rất
có cảm tình nồng hậu.
Tôi thật cám ơn hai bài báo ấy. Nhưng, tiếp sau đó, Thế Lữ với một bài dài đăng
trong tuần báo Phong hóa, đả kích nhiệt liệt mấy bài thơ Việt văn của tôi.
Ông bảo tôi “dốt”, ông chê tôi “bất tài”. Rồi mấy chàng “Thi sĩ” vây cánh với
Thế Lữ – hiện nay hình như không còn được mấy người – cũng nhao nhao nổi lên viết
trong vài tờ báo khác những bài mạt sát tôi và mấy bài thơ của tôi.
Cuộc đả kích đột ngột và tàn nhẫn ấy có mục đích đánh cho tôi quỵ xuống và dìm
tôi xuống đất bùn. Nhất là bài của Thế Lữ, viết với giọng ngạo nghễ, kiêu căng,
tự cao tự phụ. Thế Lữ lúc bấy giờ là ông trùm của một phe “thi sĩ” chuyên môn
tâng bốc anh chàng để được chen chân vào Tự lực văn đoàn.
Cuộc đả kích hỗn xược và ồn ào ấy, đối với tôi chỉ là một thử thách nhất thời
mà tôi phải chịu đựng. Nhưng nhiều bạn làng thơ, làng văn, tỏ lòng phẫn nộ.
Trong số đó, có một thiếu nữ xa lạ mới 18 tuổi, ở tận rừng núi Phủ Lạng Thương,
tên Mộng Sơn gởi bài công kích Thế Lữ, nhưng Thế Lữ không đăng. Để hưởng ứng với
tôi, và trả lời cuộc đả kích hằn học của Thế Lữ, Mộng Sơn gởi đăng trong các
báo văn nghệ ở Hà Nội những bài thơ của Mộng Sơn theo lối thơ riêng của tôi, nhất
là trong báo Đông phương và Văn học tạp chí. Lan Khai, Trương
Tửu, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Huy
Thông, Vũ Trọng Phụng, là những bạn làng văn, làng thơ ở Hà Nội, đã công kích
Thế Lữ và bênh vực tôi. Tôi rất cảm ơn mấy bạn ấy.
Riêng tôi vẫn im lặng. Mãi về sau do sự giục của Lan Khai, tôi chỉ viết một lời
phi lộ trong báo Đông phương để xác minh một vài chủ trương của tôi về
thơ ca Việt Nam hồi bấy giờ.
Sau đó, Trương Tửu diễn thuyết ở nhà hội Khai trí Tiến Đức, về thơ của tôi. Cuộc
diễn thuyết này rất sôi nổi. Đêm diễn thuyết tôi không đi nghe, nhưng các báo tường
thuật cho biết thính giả rất hoan nghênh. Duy có Thế Lữ là mạt sát hăng hơn nữa.
Thơ tôi lại bị anh ta đem ra làm mắm, giữa tiếng hoan hô hùa theo của các thi
sĩ che tàn nhóm “văn phiệt”.
Có lẽ ông Hoài Thanh, bạn của nhóm Thế Lữ, thấy mấy bài thơ của tôi (sự thực hồi
đó mới chỉ có năm ba bài thôi) đã gây ra một cuộc sóng gió xôn xao trong làng
thơ Bắc Việt mà ông phao vu ngay rằng tôi “đến giữa làng thơ với chiêng, trống,
xập xoèng…” chăng? Chiêng, trống, xập xoèng, là do người ta đánh lên đấy chứ,
mà nhứt là do tay Thế Lữ, như thể một cuộc báo động kinh khủng vậy! Chớ riêng
tôi, chỉ lặng lẽ đưa Tập thơ Đầu mỏng mảnh kia ra, không hề dám ho
lên một tiếng!
Tài liệu lịch sử văn học hồi đó còn để lại rành rành chứ nói bá xàm bà láp được
ư?
Tôi biết ông Hoài Thanh là một người
phục thơ Thế Lữ, nhưng phục thơ Thế Lữ thì ông cứ tự do ca tụng nhà Thơ ấy, chứ
sao ông lại hùa theo chàng mà vác gậy đập tôi? Đập tôi, sau rồi lại vuốt ve
tôi?
Ông Hoài Thanh muốn mạt sát tôi, ông phê bình tôi có “cái lối ăn mặc và điệu bộ
lố lăng”… Lối ăn mặc của tôi hồi ấy là lối ăn mặc của một người sinh viên
nghèo. Tóc không có brillantine để chải cho bóng, quần áo của bạn bè giúp cho,
sơ mi rách vá, giày tây há mồm. Ông Hoài Thanh là nhà tư bản giàu sang, y phục
bảnh bao, thấy tôi áo quần xốc xếch như vậy thì cho rằng tôi “ăn mặc và điệu bộ
lố lăng”?? Có phải “điệu bộ lố lăng” là điệu bộ của một chàng thanh niên
trời rét mướt không có áo trench-coat như ông, không có pardessus, không có mũ,
đi đâu cũng phải đút hai tay trong quần cho đỡ lạnh mà vẫn run run cầm cập? Có
phải thế không?
Ông giới thiệu tôi như thế với người của thế hệ, thì thật là vinh dự cho tôi
quá!
Nhưng dù sao, ông Hoài Thanh viết một quyển sách văn học sử, mà ông phê bình cả
lối “ăn mặc lố lăng” và “chiêng, trống, xập xoèng”, thì tôi thấy ông đi quá mức
rồi đó. Ông viết một quyển sách để lại cho hậu thế mà y như ông viết một bài
báo cho độc giả nhất thời, để thỏa mãn một thái độ cá nhân của ông, thì ông kém
cả lễ độ văn hóa vừa nhận xét chủ quan quá đáng, không xứng đáng một tác giả ký
tên trên một quyển sách nhan đề Thi nhân Việt Nam.
Về phần giá trị văn thơ của tôi, ông mâu thuẫn với ông một cách rất bất ngờ. Ở
đoạn trên, ông viết: “Lúc đầu, ta thấy con người ấy không có gì”, “rất tầm thường”,
rồi đoạn dưới ông viết: “người ta thấy Nguyễn Vỹ sáng tạo ra một nhạc điệu
riêng…” Rồi ông lại viết: “Bài Gửi Trương Tửu thật là một kiệt tác”. Ủa!
Té ra “con người rất tầm thường” kia, “chỉ lòe với những kẻ tầm thường” mà lại
có thể “sáng tạo ra một nhạc điệu riêng” và viết ra “một kiệt tác” như ông nói ư?
Ông lại viết: “Ta xem thơ, có thể khóc lên được”. Thưa ông, tôi không dám ạ,
ông khen quá lời. Nhưng ông Hoài Thanh khóc thật à? Ông vừa mới cười tôi là “lố
lăng”, ông vừa trề môi khinh khi tôi là “tầm thường”, rồi đọc bài thơ Gửi
Trương Tửu, ông rỉ rả hai giòng châu lệ? Ông Hoài Thanh giống hệt Thế Lữ. Viết
chửi tôi thậm tệ hôm tháng trước, rồi tháng sau đi với Vũ Hoàng Chương đến nhà
tôi mà xin lỗi và khen tôi “thâm trầm cảm động”! Tôi không phục thái độ phi văn
hóa ấy.
Tập thơ Đầu xuất bản năm 1934. Ông Hoài Thanh viết về tôi trong Thi
nhân Việt Nam năm 1941, năm 1941. Trong thời gian vỏn vẹn 7 năm qua, tôi bị
tù một lần sáu tháng (1937) và một lần 5 năm (1940 -1945). Thành thử
ngoài Tập thơ Đầu chỉ có 5 hay 6 bài, bị Thế Lữ công kích nhiệt liệt,
nhất là bài Đức thánh Đồng đen, tôi chỉ còn đăng rải rác trong hai tờ tuần
báo Văn nghệ bài Gửi Trương Tửu và Sương rơi, và một
vài bài gì nữa thôi. Ngoài ra, tôi bận công việc khác, không có thì giờ làm thơ
đăng báo.
Một lý do nữa là hồi đó tôi mới có 22 tuổi gì đó thôi và tôi tin rằng tôi chưa
có nhiều kinh nghiệm về đời, chưa sống nhiều, chưa đau khổ nhiều, tâm hồn chưa
rắn rỏi, tư tưởng chưa cô đọng, thi tứ chưa phong phú, tình cảm chưa dồi dào,
thì không nên làm thơ vội.
Mãi đến khi ở tù ra lần sau này, tôi mới đáp lại tiếng gọi của tâm hồn thơ rạo
rực từ lâu. Tôi đã viết vài trăm bài mà đến nay vẫn chưa có điều kiện in thành
sách được. Vậy thì ông Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam “Trường
thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ chỉ còn lưu lại một bài Sương rơi”, tôi sợ ông
nhận xét có hơi vội vàng quá chăng? Ông ấy làm như thể tôi đã chết năm 1941 rồi,
không còn ở trên trần gian để làm thơ được nữa! Tôi mới bị đi ở tù, chớ đã rục
xương đâu, mà ông ấy đã quả quyết như đã đậy nắp hòm cho tôi rồi vậy! Cứ nói đến
1941, thì ông chỉ kể 1 bài Sương rơi, vậy chớ bài Gửi Trương Tửu, mà
ông vừa đọc vừa khóc thảm thiết đó, không phải là Thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ ư?
Té ra ông ấy cũng chẳng hiểu Thơ Bạch Nga là gì! Thế mà ông ấy dám viết sách về
văn học sử. Ông Hoài Thanh táo bạo thật!
*
Tôi viết bài này chỉ đáp lại thịnh
tình của một số đông bạn làng thơ của thế hệ ngày nay, đã nhiều lần yêu cầu tôi
cho biết ý kiến về bài nói đến tôi trong quyền Thi nhân Việt Nam.
Lâu nay, tôi đã chủ trương nhiều tờ báo và tạp chí văn nghệ, nhưng tôi không muốn
nói đến quyền sách ấy. Vì tôi nghĩ không cần phải vội xác minh thái độ đối với
một chương sách nói đến tôi từ năm 1941, trong lúc tôi bị tù. Và tôi nghĩ rằng
sớm hay muộn tôi cũng sẽ ra mấy quyển thơ, trong đó tôi sẽ đặt dấu chấm trên chữ
i.
Ngày nay, tôi rất tiếc ông Hoài Thanh không có mặt ở Việt Nam tự do (Sài Gòn trước
1975- LLVH). Nhưng tôi có phần tin chắc rằng bằng cách này hay cách khác tạp
chí Phổ thông vẫn lén lút ra đến Hà Nội. Vậy nếu đọc bài này ông Hoài
Thanh muốn trả lời trên một tờ báo nào ở ngoài ấy, tôi sẽ tìm đọc ông. Và nếu
ông muốn, tôi sẽ đăng bài trả lời của ông trên tạp chí Phổ thông.
Có điều xin ông biết rằng ngày nay ông không thể dìm tôi được nữa như hồi 1941.
Chứng cớ là lúc quyển sách ra đời thì tôi bị ở tù nhưng 18 năm sau, đến nay tôi
vẫn có cơ hội chỉ những chỗ sai lầm ác ý của ông và nhận xét chân tướng của quyển
sách vô giá trị kia.
8/6/2012
Nguyễn Vỹ
Nguồn: LLVH - Phổ thông số 9, ngày 15 tháng 4 năm 1959
Theo http://quyetnguyenblog.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét