Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Hương bến sông

Hương bến sông

Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bút ký "Hương bến sông" của nhà báo Nguyễn Quốc Khanh, sinh năm 1946, tại thôn Triều Đông, xã Bùi Xá-.nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Tĩnh đã nghỉ hưu.
Sau Cách mạng Tháng Tám, với chủ trương xóa bỏ văn hóa phong kiến, nhiều nơi đặt lại địa danh làng xã. Làng Triều Đông chia thành 4 xóm cỏn con, gọi là Tân Hòa, Trung Đình, Trung Hòa, Cầu Thụy. Nhánh sông Điểu Khê chảy qua xóm tôi được gọi Hói Đẻo. Việc này khiến ông nội tôi bực lắm, cụ trách:
- Răng lại kêu là Hói Đẻo, nó là Điểu Khê – nghĩa là xóm có con hói chạy dưới những lùm cây rất nhiều chim. Đẹp không gọi lại gọi cái tên mách qué! Đúng là chúng muốn xóa long mạch đất Rồng Chầu đó mà!
Rồi ông giải thích: Điểu Khê là một chi của La Giang sau khi chui qua cống Bến Đình, chia thành hai nhánh ôm trọn xóm ta vào lòng. Nhánh chính chảy giữa hai bờ đất Phó Tài và Đội Lộc, thuyền bè đi lại thông thương; một nhánh len giữa lũy nhà ta, hai bên là tre, các, cừa, sung, mít… xuống quá lũy ông Ký Châu vòng sang Bè Bè, vắt ngược lại nhập với nhánh chính tại đìa cố Phù, xuôi Nghèn đổ ra Cửa Sót. Mấy lũy liền nhau như rừng nên chim chóc rất nhiều, đủ loại; các cháu không thấy sáng chiều cò bay trắng trời à?
Chúng tôi biết quá đi chứ nhưng không dám thú tội với ông là ngày nào đám trẻ chúng tôi cũng đi lùng sục trèo lên các lùm cây bắt chim, lấy trứng nướng ăn. Chuyện này mà ông bắt được không thể nào thoát roi.
 
Cống Bùi Xá nhìn về sông La và chợ Cầu xưa. Ảnh: Linh Châu
            Chợ Cầu Bùi Xá nằm ngay bãi đất bờ hữu sông La giữa hai xóm Cầu Thụy – Thọ Giai, đầu bến đò ngang Bùi Xá – Liên Minh, thuận tiện giao thông thủy bộ nên khá sầm uất (mãi sau chợ mới chuyển về gần đền Cả). Ông tôi cũng không rõ chợ có từ hồi nào nhưng khi còn nhỏ ông đã thấy chợ Cầu đón thuyền bè chở đủ thứ lâm thổ sản của Hương Khê, Hương Sơn, thậm chí cả của bên Lào mang về bán, xong lại mua nông thổ sản Đức Thọ, Nam Đàn như gạo, ngô, đậu, lạc, lợn gà, đường phên, mật mía, miến, bột lọc… chở về xuôi bán cho dân Can Lộc, Thạch Hà, nhất là bán cho dân đánh cá, làm muối, rất lời! Thuyền bè Nghệ An, Thanh Hóa phiên chợ đại cũng vào nhiều. Lớn lên, tôi còn chứng kiến cố Nguyễn Nghiêm buôn cối đá từ Thanh Hóa về đổi sản vật địa phương và gạch ngói ông Hương Lê đem đi, mỗi tuần một chuyến, hàng đi - hàng về mấy cũng hết. Chả thế mà làng Triều Đông có nhiều nhà giàu. Riêng xóm Điểu Khê có nhiều nhà đẹp. Giàu nhất là cố Kiểm và ông con trai đầu hai cố tên là Hương Lê. Cố Kiểm bà và các cô đều buôn bán, ông Hương Lê vừa làm ruộng, vừa kéo mật, làm gạch ngói…Nhà cố Kiểm 5 gian lợp ngói âm dương; nhà chính nền tam cấp cao, trong nhà có nhiều đồ gỗ quý, tiện chạm cầu kỳ nhưng thích nhất là cái “đồng hồ xít”, cứ 15 phút dạo một khúc nhạc rồi thong thả nhả chuông; bọn con trẻ chúng tôi chơi dưới bóng tre ngoài đường cái dỏng tai nghe đoán giờ mà về. Nhà cố Kiểm có hai dãy mạn hảo bao cái sân gạch được cố cắt tỉa tạo hình; mấy chị con hai cố học hành cao, bày trò thả tơ hồng hoặc dây hoa tím nên càng sinh động. Nhà ông Ký Châu, nhà ông Thẩm Dương, nhà cố Diệu, nhà ông Phó Tài, nhà ông nội và nhà bác, chú tôi đều từ 3 – 5 gian lợp ngói âm dương, mùa hè rất mát mẻ. Đặc biệt, nhà thờ họ Nguyễn Chói có 3 tòa: tiền, trung và hậu điện; hai bên tường treo tranh “Nhị thập bát tú” sơn mài lóng lánh. Mùa hè nắng chang chang nhưng bước vô tiền điện là ráo mồ hôi, vào trung điện thấy lành lạnh. Đám trẻ chúng tôi không bao giờ dám chui vào hậu điện vì tối mờ mờ mốc ẩm, nhiều bát hương đang cháy nên nhìn lên cứ tưởng ma về.
Nhánh phụ Điểu Khê về sau bị dân lấp biến thành ao đìa nuôi cá, vịt. Nhiều người, nhất là bọn trẻ chúng tôi tát đìa bắt cá hầu hết các trưa hè, dưới các lũy cây mát rượi và thơm lừng hương hoa dẻ. Nhánh sông chính là “hồn quê” đối với chúng tôi. Tùy theo mùa trăng mà mỗi ngày có 1- 2 con nước lên xuống. Khi nước rặc, bọn trẻ chăn trâu tranh thủ mò tôm, bắt cá, hến, cất rớ tôm tép làm nguồn thực phẩm đủ ăn hàng ngày mỗi nhà. Những nhà ông Lự, ông Diêm…ngày nào cũng có cá tôm, trứng vịt bán. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là cái bến sông ghép đá ong, bề rộng khoảng 5 mét cho cả xóm giặt giũ, rửa ráy hàng ngày. Đây cũng là nơi cho mấy bà, mấy chị buôn dưa lê xả mệt mỏi dưới bóng cừa. Con đường chính của xóm Thọ Giai, Cầu Thụy ra đồng cày cấy là qua xóm Đẻo. Vì thế bến đông vui, nhộn nhịp. Cạnh bến là cái cầu gỗ lim bề thế, có 4 đầu cột nhô cao từ 0,8 - 1,2m, cái cao nhất là 2 mét so mặt cầu. Bọn trẻ chúng tôi nghịch như quỷ sứ, leo lên đỉnh cột nhảy xuống nước theo các kiểu ngày càng tăng thêm độ khó. Vì chẳng có ai hướng dẫn nên nhiều lần bị đập bụng xuống nước “bạch một cái” tức anh ách, thế mà vẫn không đứa nào chừa. Thời ấy, nhiều thằng bạn tôi 14, 15 tuổi, lớn tướng vẫn tồng ngồng leo cột cầu nhảy sông, có đứa cố tình làm nước tung tóe ướt tóc tai bạn gái đang giặt bên bến. Cứ kiểu ấy chúng tôi bắt bóng ghép đôi, đặt vè trêu nhau. Bọn con trai hơn kém anh em tôi vài tuổi ngày ấy sao thật đông, mà đứa nào cũng nghịch ngợm. Nhớ một lần anh tôi làm ướt T. đến nỗi cô ta phát cáu, nói: Cái anh rái cá này, có để em giặt hay là muốn em tắm với?
- Em xuống đây tắm với anh, xong anh đưa em về!
- Có dễ cho không nhà anh à? rồi nguýt dài đứt đuôi cá mương.
Anh tôi nháy mắt, nói một câu như thơ: - “Sẽ đến một ngày không xa lắm/ em là của riêng anh”! Rồi nhảy tùm lặn mất tăm, còn T đỏ ửng mặt; đó là câu tỏ tình đầu tiên đời cô chăng? Sau đó, đám bạn bè và cả hai anh em tôi lần lượt vào bộ đội, trong số ấy không ít chàng đã để lại lời hẹn với một em tóc dài nào đó trong đám này.
            Sau giải phóng miền Nam, tôi về quê điểm danh những người ra trận mới xót xa: trong kháng chiến chống Pháp có chú Linh tôi là liệt sĩ; kháng chiến chống Mỹ thì từ anh Đường- con độc nhất ông Hương Lê, anh Phụ con đầu ông bà Lự đến lớp Tương, Xu, Vân, Hành, Tăng, Ninh, Liễu, Châu, Nhân…đều nằm lại chiến trường. Bà Hương Lê trở thành Mẹ Việt Nam Anh hùng. Niềm tự hào của xóm tôi là Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thiều lăn lộn qua nhiều chiến trường ác liệt từ ngày đầu chống Pháp đến ngày nghỉ hưu nhưng đều thoát được bom đạn, để lại cho đời hàng chục tiểu thuyết, tập thơ viết về chiến tranh. Nhà nước vinh danh ông Giải thưởng Nhà nước rồi gần đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Bùi Xá bước vào xây dựng Nông thôn mới với nhiều đổi thay nhanh chóng. Mỗi lần về quê tôi đều thấy một cái mới rất đáng mừng. Nổi bật là xây dựng kết cấu hạ tầng, từ Nhà trẻ đến trường Mầm non, Tiểu học, THCS, trụ sở, trạm xá xã, Ban quản trị HTX, Nhà văn hóa xã, thôn, Đài tưởng niệm Anh hùng – liệt sĩ, Bia chứng tích chiến tranh kho Mý, trạm xăng Vũng Áng… đều to đẹp; Về đổi mới cơ cấu mùa vụ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng kênh mương tưới tiêu, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất; mở rộng đường xá làm nền cứng đủ xe ô tô qua lại tránh nhau; 100% hộ dân có nhà ngói sân gạch, giếng nước, nhà vệ sinh tự hoại v.v... Nhiều đoạn đường làng có hoa nở bốn mùa.
Nhà thờ họ Nguyễn Chói, thôn Triều Đông vùa được tôn tạo lại
Cống Bến Đình sau trận lụt vỡ đê 1950 bị sập phải hoành triệt, xây dịch xuống phía dưới dăm trăm mét, sông Hói Đẻo đặt tên mới là kênh 19/5, được đào lại vừa sâu, vừa rộng đủ cho thuyền bè chở 10 -12 tấn đi lại; Một nhánh nữa đào ngược qua trước xóm Tân Hòa lên Thượng Tứ đổ thông với Hói Khóng. Hai sông đào này vẫn châu đầu tại vùng đìa cố Phù như xưa, nhập vào sông chính chảy ra Cửa Sót. Như vậy làng tôi vẫn là đất Rồng chầu. Có điều đôi Rồng con và con Rồng cái nay to đẹp gấp mấy lần. Tiếc thay, sông đào xong mà chưa có cái bến nào nên dân làm ruộng mang chân tay dính bùn và cả nông cụ bẩn về giếng nhà rửa, tắm giặt thành ra ai biết nhà nấy, rất ít khi giao lưu như ở cái bến xưa. Một chiều hè, ngồi trên đầu bến xưa nhìn 3 nhánh sông nước xanh ngắt, mấp mé tràn bờ mà vắng bóng người, tôi nao nao nhớ lại xưa, không biết những người liệt sĩ bây giờ hồn đang phiêu diêu nơi đâu? Có đứa mô nhớ về tắm Hói Đẻo như ngày nào? Nhớ các bạn gái nay theo chồng đi muôn nơi, cũng có người đã mất, có người lận đận chồng con qua mấy lần đò. Và chợt nhớ đến người con gái có lần tôi nhìn trộm khi tắm dưới gốc cây lộc vừng, làm bật dậy một ý thơ:
Mỗi lần về quê anh lại ra bến sông
Lại nhớ em mỗi lần ra sông tắm
Em cúi xuống soi tóc mình gương sóng
Mái tóc huyền lóng lánh hạt ngọc trai
Mái tóc huyền kia nay thuộc về ai?
Khi em tắm có còn nơi soi bóng?
Và trên bờ còn có ai say ngắm?
Say mái tóc huyền và hương bến sông!
Bến sông quê. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Hoài niệm về quê cũ thúc giục tôi thiết kế và đầu tư xây tặng xóm Trung Hòa một cái bến mới bằng bê tông cốt thép tại ngã tư đường liên huyện, nơi bà con đi lại hằng ngày. Bến sông khi xây xong đã thành nơi cho người dân rửa ráy sau buổi làm việc, tắm giặt khi chiều về và là nơi hò hẹn của tuổi trẻ…Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng huy động nguồn lực tại chỗ kết hợp sự ủng hộ của những người hảo tâm, xóm tôi đã xây thêm nhiều bến bền đẹp, góp phần làm cảnh quan tăng thêm sức hút đối với những người con xa quê.
6/10/2018
Nguyễn Quốc Khanh
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...