Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Chùm truyện ngắn của Phan Trung Hiếu

Chùm truyện ngắn
của Phan Trung Hiếu

NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ CẦU THANG
Cha con tôi  trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đem xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn. Nhà mỗi hai người đàn ông, chật một tí lại đâm ra ấm cúng. Độ này cha tôi già đi nhiều. Ông để râu, trải trắng xuống quá khuy áo ngực thứ nhất. Ngày trước ông nổi đình nổi đám trước cánh đàn bà thôn quê với mái tóc chải bồng ngược và tài đàn hát. Mẹ tôi cũng được gái, lại con nhà giàu thế mà đồng ý nhận trầu của cha tôi. Hồi tôi còn nhỏ, nghe mẹ kể: “tao bị tiếng đàn cha mày bắt mất hồn”. Cha nghe được, nói: “Sao dại thế?” Mẹ lườm: “Tại ông bỏ bùa bỏ phép chứ tôi hám gì loại nghèo xác như ông”. Bà hờn mát thế chứ thương ông thật bụng.  Người nhỏ thó lại ham công tiếc việc nên về già chóng đổ bệnh, rồi mất. Đám tang bà, người làng kéo đến dẫm nát cả vuông vườn. Khói hương nghẹt thở, cứ như bếp đun rạ ướt. Từ khi mẹ tôi mất, cha lặng lẽ như một cái bóng. Cây đàn măng-đô-lin im lìm treo trên vách, nguội tênh.
Thừa hưởng dòng máu của cha, tôi cũng yêu âm nhạc nhưng không thích cây măng-đô-lin cũ kỹ. Số tiền dành dụm được mấy mùa Tết, tôi nhờ thằng bạn học trên Thị xã lùng mua cho cây ghi ta gỗ. Những ngày ở lính, tài lẻ của tôi là niềm tự hào của đơn vị.
Đợt hành tiến vào Nam, đơn vị tôi dừng chân ở một xóm dân ven đường cái quan. Nhà bọn tôi trọ có cô con gái tên Hương, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt sáng đẹp như mắt chim câu. Những lúc rỗi, Hương thường bắt tôi đàn hát bài "Nổi lửa lên em", cho dẫu em chỉ “nuôi quân” cho bọn tôi vẻn vẹn có mấy ngày. Bữa chúng tôi lên đường, Hương khóc miết. Kể tay đại trưởng cũng tệ, mờ sáng mới báo lệnh xuất phát. Thế là chẳng kịp có đêm chia tay. Hương tiễn tôi, bàn tay em run rẩy bíu chặt lấy túi áo ngực. Tôi cố gỡ để kịp đuổi theo hàng quân lúc đó đã khuất sau ngõ xóm.
Tôi là kẻ không may mắn trong chiến tranh dù rằng ngày về Huân, Huy chương đính đầy ngực áo, chỗ có dấu tay người con gái bám chặt trước lúc xa. Trong một trận đánh quyết định trước ngày giải phóng, chúng tôi vọt lên chiếm lĩnh trận địa đã rã rời tiếng súng của đám tàn quân. Lúc ấy trong đầu tôi đã thấp thoáng bóng dáng của bờ đê, bãi mía quê nhà. Tôi sẽ trở về trong đoàn quân chiến thắng và tin rằng trong những người ôm hoa đứng vẫy  bên đường sẽ có Hương... Một quả mìn phát nổ ngay dưới chân tôi đã cắt đứt niềm mơ tưởng. Như cây chuối bị phát gãy ngang thân, tôi khuỵu xuống, người nhẹ bẫng.
Sau gần 3 tháng nằm điều trị ở bệnh viện quân y, tôi bị chuyển trả lại tuyến sau. Hai ống chân tôi dập nát đến mức các bác sỹ phải cho cắt bỏ đến quá đầu gối, sát tận bẹn. Thế là hết. Vĩnh biệt những đôi giày da bóng lộn và những ống quần ly là thẳng tắp! Tôi đau đớn trở về quê. Những bó hoa tươi đầy lòng biết ơn phủ ngập lối về. Tôi hổ thẹn đón những cành hoa mà dáng người tặng luôn luôn cúi xuống. Và tôi đã gặp lại tất cả, chỉ trừ Hương. Lòng dạ tôi rối bời. Muốn được gặp lại em và không muốn cho em gặp lại? Tôi đâu còn là chàng trai phong độ như ngày ấy. Chiến tranh đã tước mất của tôi một nửa chiều cao cho dù hàng ngày tôi đã kê mình lên hai chiếc đòn thấp dùng để đi lại trong nhà. Giờ đây tôi khác gì một đứa bé, mọi sự lớn nhỏ trong cuộc sống đều nhờ vào bàn tay đỡ đần của một người cha. Có người bàn với cha tôi xin tiêu chuẩn người phục vụ hay cho tôi vào ở trong khu điều dưỡng  dành cho thương binh nặng. Cha hỏi ý kiến tôi. Tôi níu lấy áo ông, cầu van “cha cho con được ở thế này, với cha”. Cha tôi không bàn chuyện ấy nữa, tự ông xoay xoả lấy mọi việc. Số tiền chế độ của tôi ông cất riêng  và thỉnh thoảng lại bấm đốt tay nhẩm tính. Có bữa, thấy ông vui vẻ: “Tháng này cộng cả tiền lãi ngân hàng nữa là gần 10 triệu”. Tôi băn khoăn: “Đời cha còn được mấy nữa mà dành dụm, chắt bóp?” Cha tôi thở dài thườn thượt: “Thì mày cũng phải có vợ con, có một ngôi nhà cho nó tử tế chứ. Ở mãi thế này được à?” Tôi nói gạt: “Số con đã vậy, ai thèm lấy. Làm người chẳng nên huống hồ làm chồng”. “Thế còn con Hương, mày nghĩ nó chết rồi chắc?”. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Thì ra, chẳng có chuyện gì giấu ông được. Sáng mai, cha tôi dậy sớm, kêu thằng cháu bên xóm sang dặn dò chuyện cơm nước cho tôi rồi lẳng lặng xách túi, đội mũ ra đi. Nhìn cái dáng lòng còng của ông khuất dần  sau cửa cổng, tôi chỉ chực muốn khóc. Tôi thật vô tích sự, suốt đời chỉ quấy quả Người.
Rồi tôi cũng được trên ưu tiên cấp cho một chiếc xe lăn. Có xe, thỉnh thoảng tôi đi ra ngoài dạo, tạt vào coi cái chợ xép, mấy quán cóc ven đường. Lũ trẻ con trong xóm như được thấy người sao Hoả. Chúng tò mò vây quanh chiếc xe và hình nhân kỳ dị. Có lần vui, nhân lúc chúng xán lại gần, tôi mạnh dạn cầm tay một đứa. Con bé lên 6 tuổi hoảng sợ khóc ré lên. Tôi vội buông tay nó, lòng trống rỗng, cho xe quay về nhà.
Cha tôi ngày càng trầm mặc. Ông uống rượu ít hơn. Bữa nhâm nhi độ hai chén nhỏ. Nhìn ông uống rượu mà buồn. Nhấp một hớp, cặp mắt đục mờ tối sầm lại, sâu hun hút. Một bữa, tôi đánh bạo hỏi: “Hay cha thử kiếm việc gì để con làm, ăn không ngồi rồi thế này cũng chán”. Cha nhìn trân trân vào hai ống quần nhũn nhẽo của tôi, nhỏ tiếng: “Vất vả, sợ con không chịu nổi”. “Không, con làm được mà”. Tôi vén ống áo khoe cánh tay vồng lên những múi thịt cuồn cuộn. Mắt cha tôi ánh lên niềm vui. “Để cha nghĩ xem”.
Không để tôi đợi lâu. Sáng hôm sau đã thấy cha tôi lừng lững đội một bó lá tro về thả đánh uỵch giữa sân. Rồi ông sai thằng cháu vác dao ra vườn chặt vào  tre, đẵn thành từng khúc. “Cha định đan tranh?”- Tôi buột miệng hỏi. Cha tôi gật đầu, bảo: “Con cứ chịu khó đan thật nhiều, cha sẽ mang chợ bán. Nguyên liệu rẻ mà lợp nhà lại bền”. Làm được dăm bảy chục chiếc, cha tôi lại gọi lão Hân xe ngựa – bạn vong niên cùng làng đến chở đi. Dần dà, tôi cũng bớt mặc cảm mình là đồ ăn bám. Nhìn tôi làm, cha vui. Bữa đứa cháu  về chơi, thấy tôi xoay xở chật vật với đám dao cưa, nó sấn vào định đỡ một tay. Cha tôi trừng mắt, quát: “Ai khiến, để chú ấy tự làm”. Tội nghiệp, con bé ngơ ngác như cún nhỏ bị mắng.
Ít lâu sau, cha tôi bảo: “Tranh bữa nay ế rồi, ta chuyển sang làm đồ gỗ”. Rồi ông ra chợ, sắm sanh đủ thứ dụng cụ làm mộc và mua cả xe gỗ chất một đống to sụ trước sân. Gì chứ nghề mộc  cha tôi thạo lắm. Từ cách kéo cưa, xẻ ván đục mộng mẹo cho đến từng nhát bào làm trơn. Mỗi thứ, cha tôi làm một ít, cứ như đang làm phần gỗ cho một ngôi nhà cầu kì nào đấy. Có lần tôi hỏi, ông ừ hữ cho qua chuyện. Biết tính cha không ưa vặn vẹo, tôi không gặng hỏi thêm. Việc nhập đồ gỗ có vẻ nhùng nhằng hơn, có hôm ông theo xe đến mấy ngày mới trở về. Chẳng biết hàng tôi làm thế nào mà trông ông hể hả lắm. Sau  gần một năm, công việc rảnh dần, rồi không thấy ông mua thêm gỗ nữa. Ông thu dọn đám đồ nghề lỉnh kỉnh cho vào một cái bao tải buộc túm miệng laị.
Đêm đó sáng trăng. Cha rủ tôi uống rượu. Ông thần  thừ một  lát rồi bảo: “Cha có chuyện này muốn nói với con”. “Chuyện gì hả cha?”. Tôi hồi hộp và linh cảm có chuyện gì đấy hệ trọng. “Ngày mai, ta chuyển nhà nhé!”. Giọng ông run run. “Sao vậy cha?”. Tôi la lên như phải bỏng. “Đây chật chội lại không hợp với con. Vả lại, ngôi nhà này xem ra cũng ọp ẹp lắm rồi. Mà mùa mưa bão lại sắp đến”. “Thế cha định dọn đi đâu?”. “Ngày mai hãy hay”. Giọng ta tôi dấm dẳn, ý muốn chuyển sang chuyện khác. Ông lóng ngóng lấy ra từ túi áo ngực một bức ảnh, đưa cho tôi: “Con có thích người phụ nữ này không?”. Dưới ánh trăng bàng bạc tôi vẫn nhận ra tấm ảnh chụp nửa người một cô gái tay đan len, cặp kính đen to bản che lấn khuôn mặt trái xoan trắng mịn. Ai mà trông quen quen thế nhỉ? Tôi cố lục tìm trong trí nhớ nhưng bất lực. Cha tôi giục: “Có được không?”. “Thưa cha, mình như đũa mốc nào dám chòi mâm son?”. Cha tôi làm thêm một hớp rượu nữa rồi thủng thẳng: “Lẽ nào, con lại không còn ước mơ gì về hạnh phúc?”. Tôi cúi gằm mặt, mân mê chiếc sẹo trên đùi phải. Những lời nói lấp lửng của cha khuấy lên trong tôi một khát vọng mơ hồ. Mặt tôi tự dưng nóng ran. “Thôi, giờ thì hãy vào đi ngủ đi, mai lên đường sớm”. Cha tôi bảo vậy. Tôi ngoan ngoãn vào nhà, đu lên giường nằm nhưng không tài nào chợp mắt. Cha tôi cũng lật trở suốt đêm. Khuya, ông lén dậy ra ngoài sân. Một lúc sau, có tiếng đàn rỉ rả vọng vào. Cả hát nữa. Giọng hát người già khàn đặc, đùng đục. Một lúc nữa thì tiếng đàn im bặt. Nghe thấy tiếng dép lê loẹt quẹt đi ra phía ngõ và độ nửa tiếng sau, tiếng chân buồn bã ấy mới quay về. Còn tôi, cũng trải qua một đêm đầy mộng mị.
        Sáng mai, cha dậy sớm. Như đã đâu vào đó, lão Hân đánh xe ngựa đến chở đồ đạc lên xe. Gia tài tôi chẳng có gì  ngoài chiếc xe lăn, hòm đạn đựng mấy bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, hộp đựng Huân, Huy chương, bọc giấy cuộn bằng khen, giấy khen, cây đàn ghi-ta gỗ. Thấy cha giục lão Hân lên đường, tôi ngạc nhiên: “Thế còn đồ đạc của cha?”. “Chật rồi, chuyến sau rồi tính, cha còn phải trở lại chào bà con chòm xóm”. Tôi thảng thốt ngó lên bức vách: “Thế con cây đàn măng-đô-lin?”. “Cha ném nó xuống sông rồi. Để nó thêm nhớ mẹ mày. Vả lại, đã có cây ghi-ta của con. Thế là đủ”. Mắt cha vụt đỏ hoe. Tôi cũng nghẹn ngào. Cha  giục lão Hân cho xe ngựa đi nhanh. Hình như ông sợ trời sáng.
*           *
*
Chiếc xe ngựa hết quành trái đến quẹo phải. Nhiều đoạn gập ghềnh, tôi phải bám vào thành xe cho khỏi ngã. Con ngựa tía ngoan ngoãn kéo chiếc xe men dọc con đường đất đồi đỏ quạch và dừng lại trước một khu vườn. Cha bảo: “Đến rồi”. Lão Hân nhảy xuống, cùng cha tôi khênh chiếc xe lăn và đỡ tôi xuống xe. Trước mắt tôi là một ngôi nhà gỗ xinh xắn như chỉ có đâu đó trong chuyện cổ tích. Ngôi nhà hãy còn mới. Những khóm hoa,  cây ăn quả trong vườn đã bén rễ lên xanh. “Nhà của con đó, vào đi!”. “Cha không đùa đấy chứ?”. “Con không tin à? Đó là ngôi nhà do chính tay con làm đấy”. Tôi chưa hết bàng hoàng thì lão Hân đã cùng cha tôi ẩy chiếc xe lăn lên dốc. Thêm độ vài chục bước chân, tôi mới thấy rõ từng thoen gỗ nơi cửa cổng cho đến rèm che, mái lá, cột kèo... Tất cả đã qua bàn tay tôi và giờ đây được lắp ghép khéo đẹp đến không ngờ. Được thiết kế theo kiểu nhà rông của dân tộc miền núi nhưng có điều lạ ấy là ngôi nhà này không có cầu thang. Chừng như đọc ra nỗi băn khoăn ấy, cha tôi khẽ khàng: “Muốn lên được sàn nhà, con phải có câu niệm chú”. Lão Hân đã cầm sẵn cây đàn, ấn vào tay tôi. Cha tôi nhỏ giọng. “Giờ thì con hãy đàn và hát bài gì con thích”. Như bị ai thôi miên, như kí ức xa xăm vụt đến, tôi nhắm mắt thả hồn vào bài hát cũ “Nôỉ lửa lên em” và chờ đợi một cơ may.
 Khi câu hát cuối cùng đã nhỏ dần lại, chợt nghe trên đầu mình có tiếng kêu vọng đến: “Anh Lâm!”. Mắt mở choàng, tôi không muốn tin vào mình nữa. Đứng trên ban công của tầng sàn chính là Hương- người trong bức ảnh mà cha tôi đã cho xem dưới ánh trăng. Người đàn bà đeo kính đen rờ rẫm tìm cái cần quay ròng rọc, từ từ hạ chiếc cầu thang bằng tre xuống đất. Tôi ngửa mặt ngó lên, há hốc miệng. Mắt nhoà đi, tôi quay về phía sau nhưng không còn thấy cha tôi, cả lão Hân nữa. Lúc này, nắng trong vườn đồi dậy lên, trong và mỏng. Sau lưng tôi, có tiếng rầm rì ngày một nhỏ dần. Là bước chân người hay tiếng lá rừng rơi ?
 
 
ĐÊM MÙ SƯƠNG
                                                                                                      Truyện ngắn
              Chiều nhạt nắng. Chúng tôi xăng xái đi ra biển. Chuyến đi này, dự định ban đầu chỉ có bốn người. Chẳng dè, sắp lên đường thì vợ Minh nằng nặc đòi theo. Đàn bà vốn nhạy cảm. Mà bọn tôi thì ngu. Ngu ở những tiếng thầm thào khả nghi, những cái nháy mắt tinh quáy. Tệ hại hơn, lúc xếp lại đồ đoàn, lớ ngớ thế nào mà Trung lém làm văng ra sàn nhà mấy cái “choác” màu hồng khiến cả bọn tím mặt. Bây giờ thì năm đấy nhưng coi như còn ba. Độc thân như ba chúng tôi, lông rông thế nào chả được. Bị “bám đuôi” ngặt nghèo như Minh, mất hứng. Hồi sáng, nổ máy rồi còn phải ghìm ga chờ cô ả hoàn tất việc bôi quẹt, thay đổi váy áo đã khó chịu, giờ thì thây kê hắn cùng cô vợ nhõng nhẽo. Xuống biển, vợ chồng Minh tách bầy, rẽ sang hướng khác.
Nhấp nhổm trên cát, Trung lém ngây mắt ra ngó theo mấy cô gái bận đồ tắm. Những cặp đùi tròn lẳn, bóng nhẫy. Hắn chép miệng đánh ực, vẻ thèm thuồng:
- Chà, được là cá, bơi đến cắn trộm vào đùi mỗi em một cái, chắc sướng!
Hoàng thi sĩ ngả ngớn gối đầu trên đụn cát, ngẫu hứng ê a một ý thơ:
“Cánh sóng vỡ ập oà trên cát
Có đủ để làm nguôi cơn khát
Vạn thuở bạc bờ hứng đợi biển xa...”
Gió biển lây phây liếm trên da thịt. Tôi cũng thấy trong mình rộn rực. Đã thế, Trung lém lại còn toang toác:
- Các chú ngựa hoang! Cảnh đẹp thế này ắt có cỏ non. Phần “dương” tráng khí mà thiếu phần “âm” e phí quá!
Đêm xuống. Trăng biển sót mật vàng sánh. Cơm nước xong, Trung lém và Hoàng thi sĩ lẻn đi đâu mất. Một mình, tôi vác cây ghi ta gỗ ra trước ban công. Đầu hạ, biển chưa rộn rịp. Trên con đường lát đá dăm vắt qua khu nhà nghỉ, thi thoảng mới có một hội trai gái tụm năm tụm ba vừa đi vừa nói cười ồn ĩ. Càng về đêm, càng yên tĩnh. Những tiếng động lột sột đáng ngờ trong phòng riêng vợ chồng Minh nhỏ dần rồi tắt lịm. Vang lên giọng ca con gái khiến tôi ngừng tay. Dưới bãi đá xù xì mấp mô sát mép biển, mấy bóng áo trắng đang cười đùa hò hát. Như có gì hối thúc, ngón tay tôi buột lướt, đuổi theo. Có tiếng gọi với lên:
- Anh gì ơi! Xuống đây đàn hát với tụi em đi!
Hên rồi! Tôi mừng rỡ xách đàn leo xuống cầu thang. Hai, có khi ba bậc một. Lúc này, sương mù bảng lãng từ biển dâng lên. Ánh trăng rưới qua, nhuộm thành từng mảng đục nhờ. Biển hẹp lại. Chỉ còn loang loáng những vết sóng trắng vỡ ra trước lúc chạm bờ. Vượt qua trảng cát có những bụi cây lúp xúp, tôi dè dặt bước tới. Thì thào một giọng nói nhẹ như gió:
- Anh đàn khá lắm! Ngồi xuống đây làm vài bản cho vui!
Tôi lóng ngóng ngồi xuống một tảng đá nhẵn thín, lúng búng:
- Mấy em hóng biển vui quá nhỉ?
Cả sáu luồng ánh sáng hắt về phía tôi. Một cô lên tiếng:
- Tụi em ở cạnh đây, buồn quá nên lang thang dạo biển.
Hỏng! Mình cứ nghĩ họ vui. Họ có đến những ba người, khó xử quá nhỉ? Giá như có bọn Trung ở đây. Thực lòng, tôi cũng thuộc nhóm máu”D” nhưng chúa nhát gái. To mồm khua khoắng giữa đám bạn trai chứ trước chị em thì cực rối. Cũng may, ánh trăng bợt bạt đã giúp tôi giấu được ngây ngác, sần dại của mình. Trong ánh sáng lờ mờ hư ảo ấy, tôi hé mắt nhìn. Cạnh tôi, một cô chắc trẻ nhất đám, tóc búi ngược. Cô ngồi đối diện, mặt tròn, tóc buông dài quấn quýt. Còn cô nữa, có chiếc nơ con bướm kẹp lửng mái tóc ngang lưng.
- Mấy em ở đây sinh sống bằng nghề gì? Tôi hỏi, giọng đã bớt run.
- Bọn em ở chung. Công việc chủ yếu là giúp nhà nghề làm biển – Cô gái có mái tóc dài trả lời.
- Một nhà! Thế ai chị ai em? – Tôi thắc mắc.
- Chị Hải Linh lớn hơn một tuổi, em và Huệ bằng nhau.
Cô gái kẹp tóc ngang lưng tự giới thiệu. Tôi lại hỏi dồn:
- Sinh đôi à?
Cả ba cái đầu chụm lại. Cô chị Hải Linh nhỏ tiếng lại:
- Mà thôi! Anh đừng hỏi chuyện nữa. Chẳng có gì vui đâu. Anh đàn hát cho tụi em nghe đi!
Ừ  nhỉ! Mình rõ là vô duyên. Người ta gọi xuống chơi, tự dưng lại giở bài lục vấn. Trong ba cô gái, Hải Linh trông có vẻ trội hơn. Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt buồn mở to rực sáng. Lông mày rậm rạp như một bờ cỏ lâu ngày không ai phát quang, ăn lan ra cả hồ mặt. Môi tròn căng như cặp dâu vườn tím mọng. Mà thôi, ngó gì kỳ thế! Cứ như muốt ăn tươi nuốt sống người ta. Tôi cụp mặt, nâng đàn và hát. Và không bỏ được thói quên nhắm mắt, thả hồn trôi theo tiếng nhạc. Để khi mở choàng mắt, chỉ còn thấy mỗi Hải Linh đang ngồi bó gối lắng nghe. Tôi ngừng đàn, vội hỏi:    
- Hai bạn gái của em đi đâurồi?
Hải Linh ấp úng:
- Ở biển, nghe sóng réo gọi, ai cũng muốn cặp đôi. Họ đi tìm bạn rồi?
Thì ra thế. Mấy cô ghê thật! Nhoáng cái đã biết mình ưa ai. Con gái vùng biển có cái nhìn thật lạ. Như có ánh lân tinh, lấp loá hút hồn kẻ khác. Sương mù quái ác mỗi lúc một dày thêm. Gió biển nghịch ngợm thổi tung tóc xoã khiến gương mặt Hải Linh chập chờn biến dạng. Tôi và em cách nhau chưa đầy sải tay. Đủ để thấy mùi thơm con gái trộn lẫn vị tanh nồng của biển. Đến lượt, tôi đệm đàn cho em hát. Chao ôi! Giọng em trong veo như sương mai trên cỏ, lại khàn đục như tiếng sóng xa. Em hát những bài về biển, về dòng sông lở bên bồi một thời chia cắt,  rồi những tình khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Lời ca da diết, nghẹn ngào, buồn tủi. Vai em run lên, áo trắng phập phồng thổn thức. 10 – 15 bài, có thể hơn. Thời gian lạc vào miền âm u của những bài ca không có tuổi. Những cơn lạnh, đói cồn lên, réo sôi sùng sục. Những thanh âm đùng đục rú rít như tiếng hú hoang sơ của đại dương.
Trăng mười bốn âm iu, vàng quạch trong sương mù nhoà thành một luồng sáng loá nhoá. Hơi sương bám vào hộp  đàn ướt lạnh. Chẳng biết bằng cách nào mà  tôi và em đã ở sát cạnh nhau. Vải áo em căng phồng, lật phật cọ khẽ vào da thịt. Toàn thân tôi đột nhiên nóng hực. Cùng  lúc, Hải Linh xoay người nhìn tôi, hai mắt rực lên như hai cục than hồng. Chúng tôi đổ ụp vào nhau trên bãi đá  đầy rêu xanh ẩm mốc. Không phải tôi mà chính em, đẹp như một pho tượng cẩm thạch chủ động đè lên.  Gương  mặt nhớt nhát sương đêm và hai bàn tay nhẽo lạnh của em sục sạo... Tôi ngột thở trước nụ hôn điên dại khao khát của em. Đôi môi ấy tím tái và giá lạnh. Tôi vận hết tráng khí trong cơ thể của mình để ủ ấm em trong cơn hoan lạc. Tôi gồng người xoay, xiết nhưng bất lực. Em trượt trên tôi, lạnh tanh như một thỏi nước đá. Có gì đó tan chảy rần rật trong từng thớ thịt rồi nhểu xuống cát thành giọt. Tôi lạc vào sương mù, lềnh bềnh trôi. Trôi thật xa... và mù mờ tỉnh thức khi Hải Linh lay gọi:
- Thôi anh! Quá nửa đêm rồi. Ông già em chuẩn bị ra khơi.  Em phải về để theo thuyền. Kìa! Ông đang gọi em đấy!
Tôi bật dậy, giương hết các giác quan nghe ngóng. Chẳng nom thấy gì bởi sương mù đặc quánh. Cũng chẳng nghe gì ngoài tiếng sóng ì oạp và tiếng nước vỗ óc ách trong kẽ đá. Chỉ ngửi thấy mơ  hồ trong gió có mùi hương. Mà ai lại đi đốt hương vào lúc này cơ chứ? Tôi buồn bã chia tay với Hải Linh:
- Mai em đến nữa chứ?
- Em sẽ trở lại, nếu còn có sương mù – Giọng em ướt rượt mùi rêu.
- Biển vắng, hay để anh đưa  về một quãng?
- Chẳng cần  đâu, em không còn gì để sợ. Nhà em ở đằng kia...
Hải Linh đưa tay chỉ về vệt cây xanh thẫm phía tây rồi cắn môi quay gót. Mảnh dần như một que diêm, khối trắng lạnh ấp nhấp khoáng lơ lửng trên bãi cát rồi mất sau màn sương đục nhờ màu sữa.
Tôi tỉnh giấc khi trời chưa sáng hẳn. Lũ gà trống trong xóm chừng đang ngon giấc. Biển sương đã loãng nhạt. Lác đác vài ngôi sao ngái ngủ giữa nền trời lặng lẽ. Hùng thi sĩ, Trung lém không biết mò về lúc nào, chân tay gác xéo lên nhau, miệng lảm nhảm. Tôi bật dậy, dớn dác đi ra biển. Bãi cát còn trống trơn. Ra tận mép nước, tôi dè dặt đặt chân lên thảm cát mịn ướt và bất giác nghĩ đến da thịt trinh bạch của Hải linh. Men theo bờ cát thẫm nâu mát lạnh, tôi chạy về phía tây, đến chỗ gấp khúc có một doi đất ăn ra biển. Lưng chừng vách bờ rậm rì cây cỏ là một  gốc cây  cụt ngọn, hai cành khô khẳng khiu chĩa lên trời. Chẳng  thấy nhà cửa đâu hết. Đang nhớn nhác thì phát hiện ra trên biển, một chiếc thuyền thúng tròn nhỏ đang lững thững tiến vào bờ. Trên thuyền có hai người: một khối đen gù gập câm lặng và một bóng trắng mềm như dải lụa. Hay là cha con Hải Linh đi biển về? Tôi thầm nghĩ. Con thuyền đã áp sát vào  bờ. Bóng  đen cất tiếng:
- Anh gì ơi! Giúp  lão một tay kéo thuyền lên với!
Tôi vội vàng chạy đến và sững lại. Trên thuyền không có  Hải Linh, không còn bóng trắng mềm mại. Một người đàn ông có tuổi, da xạm quắt đang lụi cụi sắp xếp đồ đạc trong lòng thuyền. Ông bận chiếc quần cũ cắt cụt đến đầu gối, chiếc áo bộ đội bạc phếch, thẫm đen từng vạt lớn vì ướt nước. Tôi dụi mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Bãi đá đen ngòm, những con  sóng ngầu bọt xà phòng. Lại săm soi nhìn vào lòng thuyền nhỏ hẹp, nhờ  tối. Đống lưới to nằm chềnh  ềnh như mớ rong biển, chiếc ống bằng sắt một đầu còn vẩn khói. Màu trắng duy nhất là vẩy bạc lấp lánh của  đám cá trong  thúng nhỏ đã vun đầy ngang miệng.
- Nào! Anh giúp lão một tay! – Cái mũ lá bươm  nát ngửa lên.
Tôi cúi xuống nắm lấy cạp thuyền bặm môi kéo mạnh. Chiếc thuyền thúng đen sì hắc ín lệt sệt lê trên cát.  Độ vài chục bước chân, ông già buông tay, khò khè:
-  Thôi chú ạ! Kéo xa thì chiều tối lại thêm dài đường. Hồi đêm, sương mù nhiều, gặp cá, lão  đánh được kha khá. Có đến gần chục ký đấy!
Như không để ý, tôi buột hỏi:
- Hình như  có ai cùng đi với  cụ nữa cơ mà?
Ông già thở hắt, trầm giọng:
- Không, một mình, chỉ một mình lão.
Ông ngồi bệt xuống cát, vừa gỡ nốt những con cá còn vướng trong mắt lưới, vừa trò chuyện:
- Cái số tôi vất vả. Bà  vợ còm cõi yếu đau cũng vừa mới mất. Bây chừ, sướng khổ tuỳ thuộc vào ơn biển. Có cá, đổi be rượu, ít gạo củi sống lấp  liếm qua ngày. Chỗ  tiền dư, góp nhóp  để  xây cái mộ cho con  gái.
Ông ngừng lời, chỉ tay vào vách bờ xanh um:
- Con gái tôi nằm đó. Hồi chiến tranh, đây là cửa địa đạo. Dạo  ấy, vùng này là đất giáp ranh, hứng chịu cơn điên của máy bay, pháo hạm. Không một bụi cỏ, cành cây nào còn xanh được. Cả làng tôi phải sống, chiến đấu và nín thở chờ đợi trong những đường hầm tối om trong lòng đất. Dưới ấy, có đủ cả: giếng nước, nhà tắm, chỗ hội họp vui chơi... Đêm ấy oi trời, lão mất  cảnh giác để đứa con gái rủ thêm hai đứa bạn lẻn ra tắm biển. Lại còn mò mãi ra  ngoài  xa. Máy bay địch ào  đến, kẻng báo động vang  lên hối mọi người xuống  hầm. Cả ba đứa không kịp mặc quần  áo, mới chạy vào đến cửa thì bom nổ làm sập hẳn một khúc địa đạo. Đứng ngoài nghe rõ tiếng la hét, kêu khóc thảm thiết, vậy mà tất cả mọi người, kể  cả lão  đây đành chịu. Cả núi đất như thế. Mười ngón tay lão tướp máu rốt cuộc cũng chỉ để mà nghe tiếng khóc, tiếng hát nữa  chứ, nhỏ dần rồi im bặt. Chúng chết ngạt, thi thể  chắc còn nguyên.  Mấy lần, định đào  lên lấy xác, nhưng sợ không chịu nổi. Đành để lại làm nhà mồ  luôn   cho chúng nó.
Giọng nghèn nghẹn, ông  già đưa ống tay áo lòi thòi quẹt  mắt, chậm chạp đi về cửa mộ.  Tôi lẩn thẩn bước theo. Đằng sau gốc cây khô, một hõm sâu ăn vào bờ đã phủ kín dương xỉ, dứa dại. Rêu từng đám lên xanh, chen lấn màu hồng của đất. Có rất nhiều khóm  cây trinh nữ, lá mỏng  mượt chẳng chịu cụp lá trước  gió  biển và bước chân người. Những bông hoa trắng tím xốp tròn xoe như những vỏ ốc trắng hồng rủ loà xoà trên cửa mộ.
- Nếu chú muốn “tham quan” địa đạo, lão cho mượn cây đèn đánh cá mà soi đường. Bây chừ, để  lão thắp cho bọn nhỏ nén hương rồi còn phải về để kịp phiên chợ sáng.
Ông già ấn vào tay tôi cái ống đèn bằng sắt,  một đầu rỗng lù ra búi giẻ cháy lam  nham: 
- Còn khá dầu đấy! Cứ đi, khi nào thấy ánh sáng thì ra. 13 cửa  cả thảy,  ra cửa nào  cũng  được. Hồi ngách hầm này bị sập, bọn tôi đã mở thêm  cửa sát cạnh để thông ra biển. Đây! Chú vào lối này! Ông đe tay chỉ sang hõm đất gần đấy, rồi bật lửa châm vào cây đèn. Tôi đứng thần người nhìn ông mở nén nhang thắp dở, rút ra ba cây đốt, cắm vào chiếc lư hương làm bằng vỏ ốc:
- Tôi nghiệp, cả ba bứa đều chưa kịp có chồng hay có người yêu...
Giọng ông nhỏ dần, lục bục trong cổ họng. Ông chào tôi rồi nặng nhọc bước đi. Cái bóng gù gập, đống lưới, thúng cá khuất dần sau rặng phi lao, nơi con dốc dẫn  về lối xóm.
Gió biển ẩy mạnh sau lưng, nhấc chân tôi lên khỏi mặt đất, kéo tôi xềnh xệch sát bên lỗ hổng, ấn tôi xuống cửa hầm sâu hun hút. Mùi quá khứ ẩm mốc, lạnh lẽo xộc vào mũi. Vài chú nhái bén, nhái bù nhảy loi choi, quệt vào chân rờn rợn. Một mình một đuốc, tôi lò mò run rẩy đi trong đường hầm ngoằn ngèo kì bí ấy. Ánh đèn hắt lên vách đất loang loáng những hình thù quái dị. Tôi ớn rét, vội tìm đường trở lui. Đường ra dài hơn đường vào. Hai bên đường hầm giống nhau ở những ngách nhỏ mở vào, rộng chỉ bằng chiếc chiếu. Trong ánh sáng chờn vờn, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp trong những ngách hầm ấy những xoong nồi,  chậu bát sứt sẹo nằm chỏng chơ cùng cuốc, thuổng, ven, cào han rỉ. Ngọn đèn dừng lại trước một ngách hầm lạ. Ánh sáng không được phản chiếu bị hút hết vào một khoảng tối đen ngòm, tròn vịn. Tôi dợm chân lách vào và cúi xuống. Trời ơi! Hun hút ở dưới đáy giếng trong vắt là khuôn mặt méo mó chập chờn của  Hải Linh. Tôi hoảng loạn hét lên. Muôn vàn âm thanh như tiếng hú của loại thú dậy lên đáp lại. Tôi ngoắt người bỏ chạy, vấp chúi dụi vào các ngách hầm. Ngực tôi như bị ai bóp chặt. Ngột ngạt không thể nào chịu nổi. Chân tôi cuồng lên, chới với như một vận động viên chạy dài sắp kiệt sức lúc về gần tới đích. Luống cuống, ngọn đèn trong tay lại đâm chúi vào thành đất, phụt tắt. Cơ thể tôi tê dại, bải hoải. Trong đầu, chỉ còn một khát khao duy nhất là không khí và ánh sáng. Tôi quờ quạng tìm lối ra, miệng ú ớ như bị bóng đè. Bò mãi, chạy mãi, cho đến lúc sắp xỉu đi vì sợ hãi thì chợt thấy đằng trước le lói chút ánh sáng xanh dịu hắt chéo vào. Ngoài kia là biển, là ánh sáng. Tôi cố sức ẩy mình nhoài ra.... Để khi tỉnh trí, đã thấy mình nằm vắt ngang cửa địa đạo, đúng chỗ vào ban nãy. Gốc cây cụt ngọn ... chiếc lư hương bằng vỏ ốc của ông già biển, những bông hoa trinh nữ xập xòa trong gió.
Phía đông, hơi ấm đã bừng lên. Trên mặt biển xanh dịu đã loãng sương, mặt trời đục thủng một lỗ tròn, đỏ ối. Một vệt sáng bầm đỏ như máu từ đó vọt ra, lênh loang thành dòng trên mặt nước. Một ngày ở biển lại bắt đầu với những âm thanh ầm ào, u oa của sóng, gió...
  Cửa Tùng 1995
 
 
NẺO VỀ
Truyện ngắn
 
           Hai mươi tám tuổi. Đã vậy sao? Chị không muốn tin vào điều ấy. Khoá chặt vòi tắm, chị soi mình trong chiếc gương phủ mờ hơi nước. Đã hơn chục năm chị làm đàn bà, trôi trượt qua đủ thứ. Vậy mà như chẳng có gì để vết. Cơ thể nõn nà như măng vừa bóc vỏ. Chị chậm rãi vuốt những hạt nước bám trên da thịt. Cánh tay trần mềm mại, bộ ngực lồ lộ tròn căng. Cái gương treo hơi cao. Chị lật úp xô đựng nước, trèo lên. Một thoáng hổ thẹn trinh nữ. Chị xoay lưng. Eo hông săn chắc. Từ ngực xuống mông kẻ một đường lượn nũng nịu, gợi tình. Mặt nóng rần, chị liếc vội xuống cặp đùi tròn lẳn....
Sao mình không nghĩ đến việc thi hoa hậu nhỉ? Nhìn mấy cô hoa hậu, á hậu đạt giải thanh lịch của tỉnh ngoay ngoáy trước màn hình, chị phát bực. Biết đâu mình có thể đăng quang? Ái chà, tha hồ mà khoái nhé! Gì thì chưa biết, chứ mấy tay phóng viên ôm camêra, máy ảnh bu quanh như ruồi là cái chắc. Lại còn chèo kéo, mời mọc đi núi, xuống biển để chụp hình làm lịch Tết nữa chứ. Khoan đã nào, hình như mình hợp với cảnh chùa hơn. Vậy đã sao! Cứ gì phải toác miệng cho thoả ý mấy cha phó nháy. Nghề nghiệp quái gì mà chỉ biết độc mỗi câu “Cười tươi lên nào!”. Mà mình cười thế nào thì đẹp nhỉ? Hình như, lâu quá rồi chẳng có lấy một nụ cười cho ra hồn. Thôi dẹp cái chuyện cười cợt đi! Bù lại, mắt mình đẹp như Đức mẹ đồng trinh. Ây! Nếu thích, hãy chụp tôi ở thánh đường, nhé! Mà không, phải là cảnh mình cầm hương hoa,  gục đầu trước ngôi mộ anh ấy. Dĩ nhiên, nếu họ ưa một cái đẹp buồn. Chao ôi! Chỗ chàng năm, thông xanh đến não lòng. Mỗi lần lên thăm mộ, chị lại cạn nước mắt. Nước mắt sám hối làm sao cho hết được mười năm nhớp nhơ, tanh tưởi. Chị bực bội mở hết cỡ vòi tắm. Nước xả xuống rào rào. Chiếc khăn bông trong tay chị cọ xát giận dữ. Da thịt ửng đỏ. Chỗ này này! Những tì vết mang dáng bàn tay, môi người và đủ thứ hình kỳ quái. Chị sặc nghẹn trong nước. Mệt lử vì cơn giận khó hiểu đối với cơ thể, thay quần áo xong, chị nốc một cốc rượu tướng rồi nằm vật xuống giường. Những giọt nước mắt vỡ ra. Tủi hờn. Cay đắng. Chèn chiếc gối vào lòng, hồn chị lang thang phiêu lãng. Quá vãng nhập nhoà nhưng rành rõ. Chị bươn bả, rẽ đám mặt người bợt bạt. Hành trình tìm về quá khứ cực kỳ gian khổ. ...
Bắt đầu là gã trưởng phòng chuyên môn của chị. Mắt vằn những tia lửa đỏ, hắn đứng xoạc chân ngáng đường. Gã có 3 con và một bà vợ xanh lớt như mạ gặp rét. Câu tán tỉnh đầu miệng mỗi lúc xán đến bên chị là: “Vợ con mình chán quá”. Gã lẳng nhẳng, bám chị dai như đỉa đói. Từ chỗ chị ngồi làm việc cho đến những chuyến cơ quan tổ chức đi xa. Mỗi bận xáp mặt, gã không chỉ để chị yên: hích, chạm, sờ soạng, nắn bóp, từ mọi phía. Tởm hơn là cái lối chun mũi hin hít từ xa rồi ngó thọc vào cổ áo. Cặp mắt ốc nhồi ham hố chòng chọc như khoan vào cơ thể. Có bữa khiếp đảm, chị cáo ốm, nằm lì ở nhà. Gã không tha, mò vào tận chân giường “hỏi thăm sức khoẻ” chu đáo đến mức chị phải bật người dậy. Hết dám ốm luôn!
Gã vứt tọt điếu thuốc hút dở xuống đất, lừ mắt:
- Bộ cô định chuồn hả? Không xong đâu, đang giờ hành chính nhé!
Mình lên chùa, việc quái gì phải sợ. Chị xộc tới, gạt gã nằm chỏng khoèo trên đất. Và đi. Lại phải qua một đám đông đang đắm mắt nhìn theo. Những mặt người quen quen. Tay đạp xích lô không chỉ biết gò lưng kiếm tiền mà đôi lúc còn rửng mỡ đòi chở chị đi quá xa chỗ cần đến. Cha phóng viên mồm mép dẻo quẹo, cứ nhất định hứa sẽ đăng hình chị lên trang nhất trong số báo đặc biệt kỷ niệm ngày 26-3. Lão chủ quán cà phê rộng bụng không bao giờ tính tiền đá, đường, sữa nếu như chị muốn. Ông giám đốc cái Công ty có tên dài ngoẵng được kết thúc bằng “ếch”, “ô” gì đó lại hảo tâm muốn chị bỏ chuyên môn chuyển sang làm tạp vụ, pha trà, hầu rượu đêm với một khoản lương hợp đồng hậu hĩnh... Chao ôi! Bọn đàn ông! Chúng làm như trên đời, nhục dục là thú vui sau cùng, duy nhất. Chị lơ đãng mĩm cười là lầm lũi bước đi. Chị biết cách biến mình thành con lươn trơn chuội, để lại cho mỗi thằng một tí nhớt. Thế mà cũng có khối kẻ hoang tưởng, cứ tưởng có được tí nhớt ấy, sẽ băm viên được chị.
Ngược độ dăm năm nữa, lại thấy một người đàn ông đen đúa, cơ bắp nổi cuộn, đứng chắn đường. Như một kẻ lục lâm. Nếu được gặp, ắt tay trưởng phòng gần đây của chị sẽ nghiêm giọng bảo: Một người lí lịch không trong sạch, làm quen chỉ tổ hại đến uy tín công tác! Kể cũng phải. Hắn thuộc loại đàn ông dữ dằn, sẹo dán đầy mình. Hắn từng là lính trinh sát. Để có cớ ba hoa với chị lai lịch chiếc sẹo dài bằm nát lông mày phải: “Vết sẹo chém trượt của một thằng Mẽo to con”. Chị thích thú gục vào những vết xăm xanh lè trên cánh tay, gục vào những câu chuyện huyền thoại mà sau này chị mới ngộ ra hắn là kẻ ưa tưởng tượng. Và tốn đời dành cho hắn gần một năm. Thời gian quá đủ để những câu chuyện ba hoa và những trò chơi lục súc của hắn đâm ra cũ mèm. Chị giãy thoát. Hắn biết, mắt không long lên sòng sọc. Thế là may! Chị biết hắn say máu và không ngán trước màu đỏ. Có lần hắn kể, giữa rừng Tây Nguyên, hắn bị thương khi lạc đội hình. May mà gặp cô gái dân tộc đi qua cưu mang dùng thuốc lá rừng chữa giúp. Khoẻ, hắn trả nghĩa bằng cách đè nghiến cô ta trên tảng đá bên kia suối. Hắn thích dùng chữ “giết” với một cảm hứng sảng khoái như cuộc đời này chưa từng có chiến tranh.
Bỏ ngũ trốn về địa phương, hắn đổ đốn, quên béng trên mình còn có những vinh quang lở lói, tạp nhạp mà lên núi đi tìm mỏ. Ít lâu, chán việc đào bới lại chuyển qua nghề chấn lột. Và chị, cũng bị hắn chặn đường lột sạch, kể cả mảnh vải lót nhỏ xíu cuối cùng trên cơ thể. Xét đến cùng, hắn đói. Mà chị thì sung mãn, hừng hực như một lò lửa. Hắn chết cháy trong chị hay chị bị thiêu đốt trong vòng tay của hắn? Có lẽ, những ngày tháng ấy, chị cũng nên biết ơn trước sự chấn lột êm dịu đó. Hắn – kẻ trải đời từng “giết” đàn bà như ngoé đã mang lại cho chị cảm giác thoả mãn hoang dại của tình dục cổ xưa. Cái gọi là hiện đại bây giờ, xem ra cổ lổ xỉ hết sức. Chẳng khác mấy sự động cỡn của loài cầm thú. Tỉ như chuyện con Đốm đen nhà chị. Chăm bẵm thế mà chả lớn được mấy. Suốt ngày sục sạo, chạy lông rông ngoài đường. Gặp cô ả nào dễ tính, chú chàng giở trò đú đởn ngay. Chẳng thèm lừ gừ tán tỉnh, dụi mõm cà sườn gì hết. Ụp một cái đã thấy chồng lên nhau, hai chân sau đạp vung cả đất cát. Khốn thật! Mấy lần định kiếm tí riềng sả, thịt quách. Nhưng, cứ nhìn vào đôi mắt ươn ướt, giọng rên ư ử của ả Vàng nhà bên lúc bị Đốm ta cưỡng bức, chị lại thôi. Tội nghiệp con Vàng. Chắc nó cũng sướng đẻ ra một lũ cún có lông màu vằn vện...
- Thôi đi nào, gã loạn dâm! Ta lên chùa đây! Cần thiết thì dúi cho hắn be rượu và một câu van xin ngọt xớt:
- Be đây, anh để em còn đi kiếm tí chồng!
Dứt khoát hắn sẽ cười tít mắt. Cái ngữ đàn ông thật lạ. Thông lệ, rượu đi với gái. Hắn thì không thế. Rượu làm hắn dịu đi. Đổ ọc miệng thứ men cay đó, hắn sẽ quên mất vế kia. Đấy! Tu xong chai rượu, miệng cười hềnh hệch, hắn đã khật khưỡng bỏ đi. Hình như còn cả khóc nữa. Những giọt nước mắt thoáng nhận ra thân phận. Hắn không thể giam hãm chị mãi được. Vả lại, hắn đã chán chị như chán một thứ đồ chơi.
Vậy là chị được giải thoát, lại phăm phăm trên con đường lãng đãng sương mù. Trong ký ức mịt mờ, hiện lên một miền quê thơm thảo dịu dàng. Trên bờ đê tua tủa cỏ non sau một trận mưa, chị ngồi cùng người lính trẻ độ hăm mốt hăm hai gì đó. Ve áo đỏ choạch, chẳng gạch gủng gì hết. Lính trơn, được nghỉ phép sau hơn một năm quạnh quẽ giữa biển khơi. Trời ơi! Lính thời bình sao còn khổ thế. Chị không muốn biết những từ khô khan kiểu “nhiệm vụ chính trị”, “chiến lược quốc phòng” mà anh lính đem ra hù doạ. Chị hiểu, bằng sự nhạy cảm của đàn bà, rằng anh ta đã đói rét như thế nào trên đảo vắng. Ở đó, mấy khi  được thấy bóng đàn bà. Thi thoảng có một vài đoàn khách tới thăm, mắt các chàng rực lên, nếu trong đoàn có vài ba cô gái trẻ. Chỉ tội làm họ thêm nhớ và mơ tưởng ... Đã thế, còn phải nghe sóng vỗ rần rật  nữa chứ! Thứ này, gợi hứng cho du khách nhưng với họ là một cực hình.
Lính đảo! Trông anh ta thật thương. Giống như chàng học trò vừa bỏ bút. Da xanh tái màu rêu.
- Hỏi thật nhé, có chút gì kỷ niệm trước khi ra đảo chưa?
- Loáng thoáng học trò thôi, bạn gái ạ! – Anh ta lí nhí đỏ mặt.
Chị nghĩ ngay đến một sự ban phát, đúng hơn là một trò đùa. Một đêm, chị mượn đứa bạn gái hộp nước hoa hảo hạng, xịt đầy mình. Thứ này quả ác liệt. Bọn con gái thầm thì bảo đây là loại “tấn công”. Dùng của này khỏi phải chui mũi đánh hơi như chó, như lão trưởng phòng của chị. Trò chơi thật tuyệt. Anh lính đảo ngất ngây như say sóng khi chị đến. Trăng nhập nhoạng. Anh ta ôm đầu rên rỉ:
- Em làm tôi chịu hết nổi, chắc em định lột quân hàm trên ve áo của tôi hay sao?
Không, chị không có ý định ác hại ấy. Chị ngả người, nhắm mắt và nghĩ mình đang cất tiếng ru...
Thôi! Mình đang ở gần chùa lắm. Không thể làm ô uế cửa Phật. Chị vừa ở đó ra, chẳng còn mấy lòng ham tục luỵ...
Anh ơi! Sao em khổ thế này? Nếu trên tảng đá trong rừng thông ấy, em giữ được mình. Nếu em không rên rỉ, quằn quại như một con quỷ cái. Nếu em cứ khư khư ôm chặt lấy cổ áo ngực, đừng cho anh thấy cặp vú trinh bạch tròn đầy như hai chiếc bánh dày. Nếu em chịu khó bận chiếc quần bò chật cứng cùng với những thắt lưng, khoá móc hay cái quần lụa có dải rút mà bà em bày cho cách thắt an toàn nhất.
Nhưng cả hai chúng ta đã như lạc vào cõi mê, lăn tròn trên cỏ, xoay qua lật lại. Ôi! Nụ hôn tình ngọt ngào và thơm đến tê dại. Anh – người đàn ông đã cho em biết thế nào là tình yêu. Anh, ánh mắt buồn mênh mang cho em biết run lên trước vẻ đẹp hoang sơ của cỏ cây hoa lá. Anh – vầng trán rộng ưu tư nấp sau mái tóc rủ loà xoà cho em hay cõi đời này thật đẹp và ngày mai rực rỡ một thiên đường. Anh – bộ ngực vạm vỡ và cánh tay dẻo như rắn đã biến em thành đàn bà, dịu dàng đem em vượt qua cơn đau êm ái khi giã từ thời trinh nữ. Và cũng chính anh, đã biến em thành một thiếu phụ mồ côi.
Chúng ta mê man, quên đi tất thảy. Như cuộc đời này chẳng thể còn cạm bẫy, bóng tối, khổ đau. Lẽ ra, em phải tỉnh táo để nhận ra trên bãi cỏ mịn mượt yêu thương ấy còn có một bờ vực đang ngoác miệng sâu hun hút. Muộn quá rồi! Ý thức về sự sống – cái chết chỉ đến khi cả hai đã lủng lẳng bám vào thành vực. Cái duy nhất neo chúng ta lại với cõi đời có nắng là một gốc sim nhỏ, cành nhẳng như sợi cước. Anh bảo: “Đừng động đậy, cây sẽ bị bật gốc!”. Em tin như thế và nín thở chờ đợi. Nhắm mắt, em viện cầu tất cả những gì siêu phàm của hai cõi âm dương mà em biết được. Đức Phật đại từ đại bi, Đức chúa Giêsu cứu khổ cứu nạn, ông Tiên thương người trong truyện cổ tích....  Không có ai đến cả. Em ngửa mặt van xin vầng trăng và các vì tinh tú xa xôi – họ biết em yêu anh đến nhường nào. Khi nhận được nụ hôn, em mở mắt vì cứ nghĩ đã có ai đó trong bọn họ đến, mang theo hai cặp cánh thiên thần. Nhưng vẫn chỉ là anh, miệng thì thầm: “Em phải sống”! Ánh mắt thanh thản, bao dung, anh buông tay, rơi xuống cái vực sâu dễ có đến hàng trăm thước ấy. Ác quỷ đã chiến thắng. Đến bây giờ, em vẫn không hiểu tại sao lúc đó mình không làm theo như thế! “Em phải sống”! Ánh mắt anh nghiêm  nghị như một người cha...
Sau đó, chị đã lóp ngóp bò lên trong một trạng thái hoảng loạn đến tột cùng. Hôm mọi người đi vớt xác, chị ngất đi. Không dám nhìn lại hình hài đẹp đẽ thanh tú ấy chỉ còn là một đống thịt xương đỏ lòm, bầm dập. Chị chỉ đến, khi anh đã ngủ yên trong  lòng đất.
Dự báo đầu đời chẳng lành ấy làm chị khiếp đảm. Ôi tình yêu! Đâu chỉ có hoa thơm mật ngọt. Ám ảnh mình đã hại người bám riết, dày vò chị. Miệng lưỡi độc địa của người đời lại phao tin chị có tướng “sát phu”, “canh” thì phải chịu “cô” suốt đời. Điều ấy chị không thèm chấp. Suốt ba năm, tâm trí chị bị hút đến cạn kiệt trên ngôi mộ ấy. Mọi ham muốn trần ai lụi tắt. Chị như bị mắc chứng lãnh cảm trầm uất. Hôm trao nụ hôn phá giới cho người lính trẻ, chị buồn bã khi nhận ra mình đang hôn nụ hôn của người mẹ. Vậy mà chị vẫn sợ. Phải hương hoa lên chùa để cầu xin. Chị lo, có ai đó sẽ dìm anh lính trẻ chết sặc trong nước biển. Chị khấn khứa trước nấm mộ hiu hắt. Chị không nghe được tiếng nói của âm hồn, nhưng chị tin anh sẽ thứ tha. Những que hương cháy hết, tàn than uốn cong tựa như những cái gật đầu chấp nhận. Ôi anh! Người đã tưởng giành lại cho em cuộc sống. Chẳng ngờ.... bởi thế mà cuộc sống lại trở nên nặng nề và tồi tệ hơn. Cái gì đó khắc khoải trong lòng chị. Đôi lúc chị mơ. Anh đã bỏ chị trơ trọi giữa cuộc đời nhơ nháp. Và chị thì cố sống, dù để mà phản bội lại vị Thánh bất tử của mình.
Đã đi hết mười năm. Chị như nắm giẻ rách sũng ướt, hôi hám đủ thứ mùi trên bàn tiệc. Chị đã cọ rửa thật kỹ, đến bỏng rát những dấu vết nhơ bẩn mà bọn đàn ông để lại. Bàn tay thô lậu, cặp môi bậm bạp như đỉa no máu, cái lưỡi thô ráp thọc sâu đến tận cổ họng.... Nhưng, có một chỗ, chị đành bất lực. Chỗ đó ăn sâu vào bụng, vào ngực, nhói thẳng tới đỉnh đầu dờm dợm đến buồn ói. Chị như một con chiên, nghĩ mình dày tội đến mức khó lòng sám hối. Để đến một hôm, chị thấy, tấm hình trên bia mộ chau mặt lại.
Nhưng chưa có bao giờ như đêm nay, chị thấy nghẹt thở. Chị run rợ về sự phản bội của tâm hồn. Lẽ nào, cái gọi là tình yêu bỏ chị đi đến mười năm ròng, đã quay trở lại? Lẽ nào lại còn có thể len nổi vào trái tim băng giá, đóng kín như bưng? Đêm qua, mặc kệ lão trưởng phòng đang xọc chân luồn vào dưới nếp váy, kệ thây lão giám đốc “ếch”, “ô” béo ị  dạng chân đè nghiến lên đùi, quên béng cặp mắt cú vọ của tay văn sỹ nát rượu đang xỏ mắt chòng chọc vào cổ áo ngực, chị quay mặt ngây người ngó lên sâu khấu. Tay trưởng phòng léo chéo, bực giọng như đụng nhầm phải một xác chết:
- Ngồi với tụi này mà hồn vía để đâu, hử?
Không ngó lại, chị buột miệng kêu lên:
- Trời! Anh bạn chơi ghi –ta có bộ mặt đẹp như một vị Thánh!
Cả bọn ngơ ngác dừng đũa, thôi áp những ly nước vàng sánh vào những cặp môi bóng mỡ, trừng mắt ngó lên. Nãy giờ, họ mới để ý nhà hàng đang chiêu đãi thực khách một đêm nhạc sống.
Đêm đó, chị say. Nốc hết vại này sang vại khác như một con điên. Mà điên thật khi chị lảo đảo mò lên dàn nhạc, bảo chàng chơi ghi-ta đệm cho một bài hát. Chị ca. Giọng ca lạ hoắc, âm u rờn rợn như moi đâu từ dưới đất lên. Tóc xoã, chị rền rĩ gào vào chiếc micrô cực nhạy. Bài ca ấy, có người biết và có người không biết. Dù sao người ta cũng đoán được chị không trung thành với bản nhạc. Lời ca tràn cả ra ngoài bờ nhịp, rớt thõng thượt xuống lòng người những âm sắc hoang dại đến ghê tai. Anh chàng chơi ghi-ta mắt đờ đẫn, “líp” theo những giai điệu xuất thần khiến tay đánh trống cau mặt lại.
Chị liêu xiêu rời bàn tiệc, trở về nhà. Không cho một ai đưâ tiễn. Hình như, lão giám đốc ghé tai bảo chị đêm mai đến trụ sở công ty để ký hợp đồng làm việc. Anh bạn chơi ghi-ta bảo rằng đêm mai anh sẽ có mặt trong buổi biểu diễn đặc biệt tại Nhà hát lớn. Và mời chị. Nghĩa là đêm nay chị đang có nhiều cuộc hẹn. Ý thức lùng nhùng lay gọi. Đến giờ rồi! Chị choàng dậy, sững sờ nhìn chiếc gối trắng đẫm ướt, nhàu nát,  hoen đầy những dấu son môi. Chị giận dữ ném mạnh chiếc gối xuống đất. Ra vườn, chị lọ mọ chọn hái ba bông hồng bạch thật đẹp, thứ hoa mà “vị Thánh” hồi trước thường ưa. Chị dông thẳng ra phố, quên cả cài cửa lại. Chị đi về phía ngã ba. Ở đó, có một nẻo đi qua trụ sở công ty “ếch”, “ô”, rồi đến một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông. Nước chỗ ấy chảy xiết, sâu và lạnh. Nẻo khác, là đường đi đến phía Nhà hát lớn rực rỡ những bóng đèn màu. Chị đi theo nẻo đường còn lại, nhỏ và vắng, và sâu hun hút dẫn về phía ngọn đồi có bụi sim còi, cành mảnh như sợi cước.
Chẳng ai hay trong đêm khuya khoắt ấy, chị có đến được ngôi mộ Thánh ấy không?.
Cửa Tùng, 2/8/1995
Phan Trung Hiếu
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...