Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Kỷ niệm một lần

Kỷ niệm một lần

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết "Kỷ niệm một lần" của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thúy (sinh năm 1978), hiện công tác tại Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.
Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Thúy
Chiến tranh bom đạn đã lùi xa, thế hệ trẻ chúng tôi được sống trong yên bình của đất nước nay đang từng bước thay da đổi thịt. Cuộc sống sôi động trong cơ chế thị trường đã từng có những lúc làm chúng ta dễ quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc, những con người, những bà mẹ vẫn trăn trở nỗi đau chiến tranh.
Đi qua chiến tranh - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học, tôi có cơ hội trở về quê hương công tác, mong góp  một chút sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương. Nhân chuyến công tác cơ sở về hướng dẫn bà  con phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng Trà Sơn thuộc miền Tây Can Lộc, tôi bắt gặp một chiếc xe lăn đang loay hoay lăn bánh từng vòng chậm chạp tiến về phía Ngã ba Đồng lộc. Trên xe lăn là một người đàn ông trong bộ quân phục chỉnh tề, mồ hôi vã trán, nước da ngăm đen, chai sạn, nhưng ánh mắt vẫn tự tin nhìn về phía trước. Tôi dừng xe đi cùng người đàn ông đó một quãng đường. Sau những lời chào xã giao của hai thế hệ, bỗng dưng nước mắt chú trào ra nói trong sự nghẹn ngào " Nhìn cháu chú nhớ lại các o, các ả ngày xưa!" Tôi như được trở về với quá khứ cuốn trôi vào câu chuyện chú kể cho tôi nghe về những trận đánh, những kỷ niệm sâu sắc ở Ngã ba lịch sử này. Một cánh tay, một chân phải của chú đã gửi lại nơi đây trong một lần chỉ huy Đại đội Thanh niên xung phong san lấp đường cho xe thông tuyến. Chú nhắc tên những chiến sỹ đã nằm lại nơi đây và vĩnh viễn họ không bao giờ được tận hưởng một chút tuổi xuân. Nước mắt tôi cũng trào ra. Cũng không rõ tôi đang khóc cho những nấm mồ nằm im dưới chân núi hay khóc cho cái sung sướng tự hào của tôi.
Một già một trẻ sóng bước bên nhau trong những câu chuyện đầy nước mắt đau thương. Đúng lúc đó, chuông đồng hồ của Ban quản lý khu di tích điểm 16 tiếng, ngậm ngùi bịn rịn. Tôi vuốt nhẹ lên bàn tay không bình thường của chú và nghẹn ngào nói  một lời "cảm ơn" chân thật tự đáy lòng mình. Chú chỉ nói lại với tôi một điều duy nhất: " Chú tự hào đất nước này bình yên bởi có nhiều kỹ sư như cháu!"
Tôi lên xe đi xề phía Thành Phố bỏ lại sau lưng chiếc xe lăn một mình lộc cộc giữa ngàn thông reo, mờ dần trong làn khói lam chiều...Trên xe, tôi thầm nghĩ rằng: Có lẽ tuổi trẻ hôm nay hy sinh, cống hiến bao nhiêu cũng không đủ với những gì mà chú và đồng đội đã hy sinh, mất mát. Khi thành phố đã hiện ra trước mắt, tôi giật mình vì chưa kịp hỏi quý danh của chú là ai? ở đâu đến và bây giờ đang làm gì, ở đâu? ... Có lẽ trên quê hương, đất nước mình vẫn đang còn nhiều những con người như thế nhưng quả thực với tôi thì đây là cuộc gặp gỡ có nhiều dấu ấn nhất, mãi mãi sẽ không phai trong ký ức.
11/8/2019
Nguyễn Thị Hoài Thúy
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...