Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Nhiều năm rồi, vắng Bế Kiến Quốc

Nhiều năm rồi, vắng Bế Kiến Quốc

Kỷ niệm 17 năm ngày nhà thơ Bế Kiến Quốc vĩnh biệt cõi đời: 6/2002 – 6/2019
Chuyến thứ 3 các nhà văn Việt Nam sang Nga dự lớp tập huấn tại Học viện Văn Học Gorky đến Moskva vào cuối tháng tám hay giữa tháng Chín tôi không nhớ nữa. Có chuyện này thì tôi không quên. Vốn du học dài ngày ở Nga, tôi dặn anh chị em trong đoàn: Mọi thứ bán mua, thăm viếng mong xếp lại hết. Hãy nhanh chóng ra phố, vào rừng, chúng ta sẽ được chứng kiến những ngày thu cuối cùng, tiếp tới là những ngày đầu đông ở xứ sở bạch dương này.
Vào tiết ấy, những thảm lá phủ dày hè phố, các khu công viên, trong mảnh sân các khu nhà tập thể… đã mất đi sắc vàng tươi mới, chuyển dần sang màu nâu ấm, nhưng trên cành cây lá vẫn còn. Cái lạnh chưa bắt ai phải xỏ tay vào găng dù những ả quạ đen nỏ mồm kêu táo tác rủ nhau đi trốn đông. Vòm trời vẫn trong xanh, tia nắng ấm áp vừa đủ gơi sự háo hức, tung tăng từng bước chân đi.
Ngồi trên xe, qua cặp kính cận khá dày, chàng thi sỹ Bế Kiến Quốc dán mắt vào cửa kính như muốn không bỏ sót một cảnh vật nào trên con đường dốc dẫn lên đồi Lenin. Anh suýt xoa bên tai tôi chỗ này hệt như trong tranh Kramxcôi, nơi kia hình như anh đã gặp đâu đó trong những trang truyện của Pautovsky, của Prisvin..
Xe dừng thả anh em tản bộ nửa tiếng trong cánh rừng phía sau trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Vừa nhận ra một em gái Nga đang ngồi đọc sách ở chiếc bàn kê dưới tán dù trắng của quán café bên đường, tôi nháy mắt gọi Quốc.
– Xin phép, chúng tôi có thể ngồi được không?
Đặt cuốn sách đang đọc xuống, cô gái Nga lắc nhẹ mớ tóc vàng ươm, ngước cặp mắt xanh biếc trả lời:
– Xin cứ tự nhiên! Các anh là sinh viên nước ngoài chắc sang sớm để nhập học? Xin lỗi các anh từ đâu tới?
Tôi dịch cho Quốc nghe và dĩ nhiên để Quốc trả lời:
– Chúng tôi từ vùng nhiệt đới tới. Từ Philipin..
– Philipin? – Cô gái Nga tỏ vẻ ngượng ngập vì không biết xứ ấy ở đâu. Như hiểu tiếng Nga, Quốc nhanh nhẩu giải thích, tôi giúp Quốc chuyển ngữ. Lợi dụng tôi đang dịch, Quốc nói nhanh bên tai tôi bằng tiếng Việt – Chà, dịu dàng, xinh đẹp thế này thì làm sao cất bước đi nổi. Nếu các ông, bà kia có gọi ra xe, ông ra hiệu bảo hãy đợi đấy nhé!
Biết cô gái Nga đang theo học khoa Ngữ văn, chàng thi sỹ chuyển đề tài từ thơ của Puskin, Esenhin, Akhmatova qua thơ của Evtushenko, Rozvestvensky, Abdulina… Câu chuyện mỗi lúc một sôi nổi. Như tìm được người bạn tri kỷ, cô sinh viên trường Lomonosov cũng như muốn khoe với chúng tôi sự đọc, sự hiểu văn chương của mình. Trời đổ chiều, gió lạnh từ phía dưới sông đào Moskva thổi thốc lên. Các bạn bụm loa tay gọi. Đứng dậy khỏi bàn, chàng thi sỹ mấy lần chỉnh lại kính, sửa lại chiếc khăn quàng cổ, cử chỉ rõ ràng là mất tự chủ…
Trên đường về, Quốc khẽ khàng như để riêng anh nghe:
– Mình gắng nói những câu ngắn gọn để ông dễ dịch, mà sao ông nói dài thế? Chả nhẽ tiếng Nga lòng thòng hơn tiếng Việt mình à? Hay anh, ả tán nhau còn mình là vật thí thân?
Ba ngày sau, vào buổi sáng lên lớp, những bông tuyết đầu mùa, hệt như những bông hoa mỏng mảnh, ướt át nhè nhẹ từ tít trên cao khiêm nhường như không muốn ai để ý tới mình, lặng lẽ đậu xuống nền rừng.
Anh chàng thi sỹ họ Bế không reo hò, không suýt xoa mà đứng thẫn thờ, đờ đẫn với cái dáng vẻ rất riêng của Quốc bên khung cửa sổ say mê ngắm cảnh tuyết rơi…
Ngày còn ở trong nước, tôi chỉ đọc thơ của Quốc chứ chưa quen biết anh. Tôi cảm thấy quý mến và muốn kết bạn với anh, có thể, từ sau buổi dạo chơi trên đồi Lenin, sau buổi sáng tuyết rơi tuyệt đẹp đó…
Tôi không kịp hỏi Quốc (Và cả sau này cũng không hỏi nữ sỹ Đỗ Bạch Mai, người bạn đời của anh), rằng trước chuyến sang Nga năm 1987 ấy, Quốc đã đặt chân ra nước ngoài bao giờ chưa? Rồi hay chưa thì tôi vẫn đinh ninh rằng, không có gì hòa hợp, kết bện tuyệt vời hơn hình ảnh chàng thi sỹ lãng mạn này với những thảm lá vàng cuối thu, những cánh rừng chấp chới bay những bông tuyết trắng đầu đông ở nước Nga…
Tôi ở Nga đã 6, 7 năm; đã ngán ngẩm đến ghê sợ những chuyến đi lùng sục bàn là, nồi áp xuất, phích lưỡng tính… thành thử không phải tình cờ tôi cũng thích luôn cả những buổi chiều đi “săn hàng” với Quốc.
Năm 1987 ấy, đất nước vẫn còn trong cơn bĩ cực. Vẫn củi dầu, gạo tem. Bo bo, bột mì còn chẹn ngang cổ họng. Vật giá leo thang vùn vụt. Cái tắc tị trong cung cầu, trong hoạch định phương cách làm ăn vẫn còn mờ mịt. Quốc cho tôi hay anh cũng có hai con nhỏ, ngoài công việc ở báo “ Văn Nghệ”, chị vợ anh cũng phải bươn chải làm thêm việc này việc nọ để có đồng tiền phụ thêm vào chi tiêu gia đình. Các anh chị em khác trong đoàn cũng neo đơn, khó khăn như thế cả. Nghe những bài giảng về văn chương trên lớp là vậy, nhưng ai cũng mong ngóng giờ nghỉ trưa đến sớm, để có một buổi chiều rộng rãi, tỏa đi khắp các ngõ ngách, lên các cửa ga metro giáp ranh ngoại ô, sục vào các cửa hàng ít dân “đầu đen” mong mua được thứ gì mang về cho vợ con bán đi kiếm thêm đồng lời vực dậy đời sống gia đình.
Với chiếc ba lô lép kẹp sau lưng, Quốc cũng trèo lên xe buýt, chuyển qua tàu điện, rẽ vào cửa hàng này cửa hàng sau. Nhưng tôi nhận ra vẻ miễn cưỡng của anh. Quốc cũng ngó nghiêng, nâng lên đặt xuống thứ hàng này hàng nọ. Anh thường trút hơi thở hắt với vẻ khoan khoái khi ra khỏi cửa hàng, để được hòa vào dòng người tan tầm, tan ca trên phố xá, hoặc ngồi trên chuyến xe lao vun vút qua những khu công viên cành lá đã bám đầy tuyết.
Như đoán được yêu ghét của bạn, vào hai ngày nghỉ thứ bảy hoặc chủ nhật tôi hay rủ Quốc đáp tàu elistricska (một loại tàu điện chạy bánh hơi)cũng là đi “săn hàng”, nhưng ra tít xa tít những khu vực ngoại thành cách trung tâm Moskva dăm ba chục cây số.
Như các vùng Mtisư hay Zagor, Abrmasevo… Nơi ấy, nhà cửa, phố xa thông thoáng, dân cư thưa vắng hơn. Thấp thoáng trong các cánh rừng có những ngôi nhà thờ chính thống giáo, những khu nhà nghỉ mùa hè của các văn nghệ sỹ. Có lần tôi đưa Quốc rẽ vào thăm khu nhà nghỉ của nhà văn Leonits Leonov, tác giả tiểu thuyết “Rừng Nga”. Lần khác tìm tới thăm khu nhà nghỉ đã biến thành viện bảo tàng của nhạc sỹ Nga thiên tài Rakmanhinov… Quốc mê mải lắng nghe thuyết minh, lấy sổ tay trong túi ra ghi chép nhoay nhoáy. Những ngày ra ngoại thành như vậy, dĩ nhiên là hai chúng tôi trở về nhà hầu như trắng tay. Tối hôm ấy, anh chị em nháo nhác kéo từ phòng này qua phòng khác khoe nhau mua được mặt hàng “độc” này, nọ. Quốc không háo hức, không sục sôi như anh chị em khác. Anh ngồi lại trong phòng, trong khói thuốc mờ mịt, trở về với nét buồn hay thoáng gặp ở anh.
Có một buổi tối như thế, Quốc ngoắc tay gọi tôi vào. Vừa uống cạn ly trà nóng Quốc trao, đã nghe anh than thở:
– Chả ra cái thể thống gì cả! Vừa đi học để thu nhận những gì thánh thiện cao siêu, vừa phải “đi buôn” những cục sắt đem về nước… Bà Mai trao cho tôi ít vốn liếng đấy, ông có cách gì giúp tôi tiêu vèo một lượt cho xong, để tôi được thảnh thơi không?
Tôi lựa lời an ủi, nói với Quốc nên nghĩ tới Mai và hai chủ Xẻng, Cuốc (tên gọi yêu hai đứa con của vợ chồng Quốc, Mai) ở nhà. Anh chị em khác cũng trải qua cái bi kịch như Quốc vừa nói, nhưng cứ nghĩ tới lúc đám trẻ con ngồi vào bữa ăn có thêm đĩa thịt, quả trứng luộc; mùa đông giá rét có thêm tấm chăn ấm nên mọi người đều trở nên thanh thoát cả. Quốc quên rằng, với chuyến sang Nga lần này, vợ con chúng ta đều chất lên vai anh em mình cả “niềm tin và hy vọng” đó sao?
Đi “sục hàng” với Quốc, rất mau chóng tôi phát hiện ra ở anh hai niềm an ủi. Đấy là khi bước vào cửa hàng Quốc gặp được đám các cô bán hàng là những em gái Nga “choai choai”. Đó là các nữ sinh ở một trường trung cấp thương nghiệp nào đó đang đi thực tập. Tuổi 15, 16, mọi thứ đang nảy nở, mướt mịn, ửng hồng; mắt lung liếng, nụ cười long lanh. Nhà thơ bỗng đờ đẫn, ngất ngây như mất hồn; nhiều lúc phải kéo tay lôi từ gian hàng này qua gian hàng khác. Sau đó là tươi tỉnh, là nói luôn miệng, là hết kêu mỏi chân, hoa mắt. Và y như rằng, dù không mua được mặt hàng gì đáng giá, tối về nhà thi sỹ lại ngoắc tôi vào đọc cho nghe mấy câu thơ mà mấy em gái Nga kia khơi gợi cảm hứng. Quốc có những lúc vui vẻ, phấn chấn nữa, khi anh lạc bước vào những gian hàng bán đồ chơi trẻ em. Ngắm các giá hàng, các gian tủ kính bày ra la liệt đủ các loại, các kiểu đồ chơi, Quốc bỗng trở nên lúng túng, cuống quýt, gương mặt chợt đỏ, chợt tái nom thật vui. Thứ gì anh cũng đòi xem, đòi tự tay thử, để rồi chọn ra cả một đống bày la liệt trước mặt. Anh mở ví, với vẻ hào hào phóng, lấy ra những đồng rúp tỉ giá lớn để thanh toán với nhân viên thu ngân. Quốc tiêu tiền hầu như không tính, không tiếc cho đám đồ chơi đủ loại kia. Nhiều khi tôi phải can gián, nhắc khéo Quốc dành tiền để mua nhiều thứ khác mà vợ con anh ở nhà đang mong.
Và thế rồi, từ hôm đó trở đi, gian phòng của Quốc trong khu ký túc như diễn ra những cuộc triển lãm mi ni những thứ đồ chơi anh mua được. Để tránh những tiếng ồn ào, á ố từ các phòng khác lan tới, Quốc khép hai cánh cửa ra vào và hầu như chỉ riêng tôi là vị khách được anh ưu tiên. Quốc bày la liệt những con búp bê Nga lớn nhỏ; những bộ soong nồi, đồ gia dụng nhà bếp xíu xiu; bộ lưỡi cào, xẻng, cuốc – đồ trẻ em mang theo đi nghỉ ở biển; súng lục các loại, súng trường báng gỗ bắn bằng nút chai, súng trường nhựa; xe du lịch, xe tải loại lớn, loại nhỏ… ra giường ngủ. Hết chỗ, anh xếp xuống sàn nhà. Pha một ấm trà Thái Nguyên thật ngon, bóc ra một gói thuốc mới. Hít thuốc, nhấp thêm một ngụm trà, Quốc thủ thỉ với tôi đồ chơi này sẽ dành cho con Xẻng, đồi chơi kia dành cho thằng Cuốc ra sao. Hứng chí lên, Quốc còn cuốn tôi theo vào những gì anh tưởng tượng ra trong đầu: cái Xẻng sẽ thích con búp bê nào hơn; thích búp bê hay thích bộ đồ nấu bếp; thằng Cuốc sẽ mê súng lục, súng trường hay xe tăng vặn cót. Một lần, Quốc ra ngoại thành còn mua được cả một chú ngựa khá lớn, bằng nhựa. Thế là tối đó thêm một động tác, Quốc ngồi hẳn lên lưng chú ngựa kia, tay vung cây kiếm cũng bằng nhựa và khăng khăng khẳng định với tôi rằng, chú ngựa và thanh kiếm này mới thực sự làm cho thằng con trai anh thích nhất…
Viết đến đây, tự dựng không muốn viết nữa. Từ Hà Nội gọi vào Mai cho tôi hay, mùa hè này Quốc ra đi đã là 16 năm. Sao thời gian cuốn trôi nhanh vậy được? Ở Việt Nam mình bây giờ ngày càng mọc ra nhiều cửa hàng đồ chơi dành cho trẻ em, Quốc ơi. Hàng Tàu, giá rẻ nhưng nghe nói có tẩm thuốc độc. Nhiều tiền thì ngó nghiêng tới hàng Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Hà Lan… Đẹp, bền, nhiều tính năng, tuổi nào thứ đồ chơi nấy, tha hồ chọn.
Dễ hình dung ra Quốc vui vẻ, sung sướng, cười nói ra sao giữa những đứa cháu ngoại, cháu nội với những đồ chơi, trò chơi ông cháu cùng bày đặt. Chơi chán rồi, hẳn Quốc sẽ kể cho đám cháu nghe câu chuyện ngày xửa, ngày xưa nước mình còn nghèo lắm; đồ chơi dành cho trẻ con không kiếm đâu ra, ông các cháu đã phải tìm sang một xứ sở thật xa, nơi có những cánh rừng ngày cuối thu ngập đầy lá vàng, còn ngày đông chìm trong màn mưa hoa tuyết, để gom nhặt những thứ đồ chơi mang về cho bố mẹ các cháu…
25/6/2019
Tô Hoàng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...