Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Đi về phía mặt trời 2

Đi về phía mặt trời 2

Tình Yêu
Hình như mùa Đông bước qua cửa nhà tôi… Trời trở lạnh rồi, sương mù làm ẩm cả khí trời. Những đôi uyên ương tìm nhau, sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu của họ… Tôi bước vô quán ăn quen thuộc, gọi một tô bún nước trong và tìm cho mình một chỗ ngồi sát vách, tôi thích nhìn mọi người từ góc nhìn này.
Ngồi đối diện trước mặt tôi, một đôi chừng ngoài bốn mươi tuổi. Hai tô bún bốc khói được bưng ra. Nhìn cách anh nêm nếm tô bún cho chị rồi lấy đũa muỗng nói khẽ: “Ăn đi em.” Thái độ của anh như là một thói quen yêu thương… Chị ấy đang lơ mơ suy nghĩ chuyện gì đó… Tôi thấy tiếc cho chị!
Tô bún của tôi được bưng ra bốc khói… Đói bụng rồi. Bún ở đây nêm nhẹ, vị rất dễ ăn… Hai người khách mới bước vô quán, người đàn ông tay cầm thêm hai ổ bánh mì không. Họ đã gọi món. Chị lấy đũa muỗng, còn anh lặt những cọng rau thơm. “Bún tới rồi.” tiếng cô bán hàng đon đả… Chị kề cái tô sát tô anh gắp bớt hai đũa bún và miếng thịt rồi lên tiếng: “Anh ăn thêm.” Người đàn ông quay sang: “Gì vậy? Cố ăn đi, có vậy cũng sớt!” Nói rồi, gắp lại cho chị hai miếng thịt. “Ăn đi!” Anh nói cộc lốc…
Tôi quay đi giấu nụ cười… Đằng sau sự kiệm lời đó, là một tâm hồn ấm áp yêu thương. Tôi thấy niềm vui trong mắt chị… Nhìn họ ăn loáng cái đã hết sạch hai tô bún và hai ổ bánh mì lòng lại thấy vui vui. Nhìn lại tô bún của mình chừng đã nguội. Tôi ăn chậm, một mình không vội vã…
Hai khách mới là một cặp thanh niên, vừa ngồi xuống cô gái đã bấm điện thoại, chàng trai gọi món… Cô gái cười tươi khoe hình mới chụp hôm qua. Chàng trai với tay lấy túi xách cô gái đang mang đặt xuống ghế, thế rồi mạnh ai nấy ăn ngon lành. Một thỏa thuận ngầm “ Không ai chiều ai đâu nhé…”.
Những hình ảnh thật đẹp…!
 Tình yêu có đủ sắc màu. Tình yêu không cân đo đong đếm sòng phẳng. Họ đồng điệu trong yêu thương, hay chỉ cần được bên cạnh chăm sóc người mình yêu, không đòi hỏi sự đáp trả hay náo nhiệt như cặp thanh niên kia, dám yêu dám hận. Có một loại tình yêu không chiếm hữu, thuộc về… Họ chỉ dõi mắt theo, cầu bình an, hạnh phúc cho người ấy. Mỗi người có cách thể hiện tình yêu khác nhau… Chỉ mong đó là chân tình.
Ký ức dẫn tôi về chốn cũ… Quê tôi hồi còn chiến tranh… Bỏ nhà cửa, ba mẹ chỉ gom vội một ít quần áo và đếm con mình bao nhiêu đứa đủ chưa. Thế là theo đoàn xe vào lánh nạn ở Huế. Sống tập trung nơi một trường nội trú, mấy gia đình ở chung phòng. Mỗi gia đình một chiếc chiếu, ngày để ngồi, tối nằm sắp lớp ngủ… Sát cạnh nhà tôi có nhà ông Bọ, mọi người quen gọi là ông Bẹo vì hay nhéo má trẻ con. Gia đình tôi có tám người con. Hai trai, sáu gái, ba mẹ nữa là mười người. Gia đình ông ấy… Trong trí nhớ của tôi không chính xác bao nhiêu người, chỉ biết toàn con trai tối nằm chật một chiếc chiếu. Hai gia đình nằm đối đầu nhau...
 Sớm mai chúng tôi được ăn bánh mì với sữa. Ăn sáng xong chỉ được chơi loanh quanh trong khuôn viên trường. Hồi đó còn bé nhưng tôi thích đi một mình hết chỗ này đến nơi kia chỉ để nhìn, trên tay luôn cầm theo bộ banh đũa. Bên gia đình ông Bọ có một anh chắc hơn tôi mấy lớp, ngày nào tôi cũng thấy anh mang theo sách để học cho dù là đang mùa hè. Anh ấy cũng thích đi lang thang và chúng tôi chơi với nhau hết banh đũa, đến tung năm hòn đá rồi giữ lại một hòn và cứ thế nhặt bốn hòn còn lại, vui cười hồn nhiên…
Chúng tôi những đứa trẻ vô tư không biết chuyện gì xảy ra. Không biết ba mẹ lo lắng như thế nào… Chỉ cảm thấy một nỗi sợ vô hình khi chiều xuống gia đình nào cũng đi tìm con, xem còn mất thế nào. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của người lớn “Thời buổi chiến tranh, tên bay đạn lạc…”
Một buổi sáng, như mọi ngày tôi lại lang thang với banh đũa trước sân trường. Nhìn dáo dác không thấy người bạn chơi chung ở cạnh nhà đâu, bèn lân la tới chỗ đông người tập trung mua bán. Những người dân địa phương sáng nào cũng bày hàng quà bánh bán trong chốc lát… Trước mặt tôi một gánh cơm hến người bu quanh, lớp ăn, lớp mua đem đi. Mùi thức ăn thơm lừng bay vào mũi, cảm giác lạ lẫm với cảnh mua bán và ăn ngoài đường, khiến tôi ngây người đứng nhìn. Chợt ai đó vỗ vào vai mình, ngước lên, thì ra anh ấy… Anh nắm tay kéo tôi ra xa, nét mặt nghiêm túc: “Sao nhìn miệng người ta ăn, như vậy xấu lắm.” Tôi cô bé mười hai tuổi đã biết mắc cỡ, ú ớ không biết trả lời sao! Cảm thấy giận vì anh ấy nghĩ mình xấu, thực ra chỉ nhìn vì thấy lạ… Tôi ngoe ngoảy bỏ đi mặc cho anh ấy gọi vói theo… Và thế vì mắc cỡ mà tôi nghĩ chơi. Sáng ra anh cố làm trò, bắt chuyện nhưng tôi vẫn làm lơ bỏ đi một mạch. Một hai ngày sau anh chỉ nhìn tôi từ xa, còn tôi vờ không thấy quay mặt hướng khác… Không có bạn chơi thật buồn, anh ấy cũng lang thang một mình với cuốn sách trên tay…
Ông Bọ từ hôm vô đến nay, cứ thấp thỏm vì bà còn mắc kẹt lại ở quê! Chẳng thấy ông ăn ngủ được bao nhiêu. Mấy ngày sau ông bịnh, nằm lặng lẽ… Chợt có tiếng người kêu vói vào:
- Có xe đưa người mới vô.
Cả phòng nhốn nháo. Ông Bọ bật dậy như cái lò xo… Tất cả rũ rượi tan mất, ông quay qua, quay lại, tay vớ hộp sữa đặc ông Thọ đã khui uống dở chừng, chạy vụt ra cửa, chân không kịp xỏ dép. Tôi chạy theo coi…
Ngoài sân tiếng gọi nhau í ới. Ông đã gặp lại bà. Họ ôm chầm lấy nhau… Một tay ông nắm tay bà, tay kia đưa hộp sữa lên miệng nói:
- Bà mút đi cho khỏe.
Bà lại đẩy hộp sữa qua miệng ông:
- Ông cũng mút đi.
  Họ vừa khóc vừa cười… Một cô bé chớm lớn như tôi đứng không nhúc nhích, nhìn không thôi hình ảnh trước mắt…
Ngày đó còn nhỏ nên không biết được hai bàn tay nắm chặt khóc, cười. Cái lon sữa đưa qua đẩy lại và bên trong lồng ngực có hai trái tim già đập nhanh hơn một nhịp có tên gọi là tình yêu… Tôi chỉ biết trong tôi vỡ òa cảm xúc, để rồi không cầm được những giọt nước mắt mà lần đầu tôi cảm thấy mặn hơn...
Thời gian trú nạn cũng qua khi được thông báo tạm ổn. Gia đình tôi thu xếp về quê. Hai chiếc chiếu của hai gia đình vẫn chạm đầu nhau đêm ngủ. nhưng tôi và anh ấy vẫn chưa làm hòa… Ngày gia đình lên xe về quê, tôi đảo mắt tìm xem anh ấy ở đâu, nhưng không thấy. Từ đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau cho đến bây giờ. Mỗi khi nhớ lại những ngày còn thơ, trong tôi mang mang một nỗi buồn. Tôi biết mình sai, nhưng không có cơ hội để nói lời xin lỗi. Không biết bây giờ anh còn nhớ chuyện xưa không? Nếu còn nhớ, anh hãy biết rằng ngày xưa có một con bé khờ nợ anh một lời xin lỗi. Ở đâu đó trên cõi đời này cầu chúc anh an lành, hạnh phúc.
Tình yêu không có tuổi. Nó có thể làm chết đi hoặc hồi sinh một con người. Tình yêu là một món quà thượng đế ban tặng con người, như một lực đẩy ta tiến về phía trước cho dù có gian truân… Có tình yêu nhân gian sẽ lấp lánh hơn, vạn vật xinh tươi hơn… Tôi nhớ tình yêu của mình…! Nó đã lạc mất từ lâu… Rất lâu… Chỉ để lại những vết  đau trên con đường đi qua…! Tuy vậy tôi vẫn tin vào sự mầu nhiệm của tình yêu. Chỉ có con người làm cho tình yêu biến dạng… Một cảm giác man mác vừa chạy qua tim, chợt nhớ hai câu thơ đã đọc từ rất lâu “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn…” (Thơ Xuân Diệu).
SG -  10/4/2019
Nắng Nhạt
Thy bước ra nhìn trời… Mây thấp xuống âm u như muốn chuyển mưa. Từng cơn gió mang hơi nước, cuốn bụi, thổi ngược chiếc nón lá của Thy. “Cầu trời đừng mưa!” Thy nguyện thầm. Bầu trời cuộn cuộn mây như đang giận ai đó… Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nương theo cơn gió. Chỉ có hai mùa mưa nắng ở lại… Cuốn theo nhọc nhằn của cô.
Cứ khoảng 3 giờ chiều Thy lại dọn hàng đi bán. Đúng giờ anh xe ôm chở thuê lại đến. Lâu ngày thành mối. Anh ta vốn ít nói… Bữa nào cũng bung dùm cho Thy cái dù che mưa, che nắng.
Thy bán hàng ăn ở chợ chiều. Dân sài gòn thích ăn vặt, chợ không thiếu món gì. Chồng Thy lỡ thầy, lỡ thợ nên cứ phải đi kiếm cơ hội…
Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào gánh hàng của Thy. Có những chiều, con trai không có tiết học, ra chợ phụ mẹ. Những món ăn sang trọng trong thực đơn nhà hàng được bày bán vỉa hè đông khách. Thy bán hàng mềm mỏng nên rất được lòng. Trời thương ngày nào cũng bán hết.
Có lần con trai chở cho mẹ nồi súp lớn, trên chiếc Ba-bét-ta cũ kĩ, chân phải nhón mới tới đất, không giữ được nồi súp đổ sạch. Thy sợ hãi, điếng người, cũng may con trai không bị bỏng, cảm giác đó cứ còn mãi ám ảnh Thy. Người mẹ nào cũng muốn ủ con trong đôi cánh bình yên. Cuộc đời không cho người đàn bà lựa chọn hay buông tay… Con thuyền đời đưa con tới bờ… Đó là một quyết tâm!
Nỗi lo lắng của Thy không tránh khỏi… Trời bắt đầu đổ mưa, cơn mưa mỗi lúc một lớn hơn. Chợ chiều nhốn nháo. Mọi người lo che chắn. Thy chồng hết bàn ghế lại, hạ bớt cây dù, rồi đứng giữ chặt, sợ gió hất tung, Mưa xối xả đỗ xuống mặt đường, vỡ ra những bong bóng nối đuôi nhau xuôi dòng chảy… Biết đến bao giờ mới tạnh. Sài gòn những chiều mưa, có những cơn mưa như nghiêng trời đổ nước. Nỗi lo nhiều hơn cơn gió lạnh. Mưa lâu, nước ngập, những chiếc ghế nhựa bắt đầu trôi.
Ngày mưa như thế này, Thy phải bán tới khuya trong bộ đồ ẩm ướt, the thắt theo từng cơn gió… Thy rùng mình. Cuộc mưu sinh giữa đời nhọc nhằn… Nếu không có động lực khó mà bước tới… Con trai phụ mẹ dọn hàng, còn chồng Thy chắc còn ngoại giao đâu đó!
Tiền kiếm được, phải ưu tiên tiền nhà, tiền học cho con, còn lại chi tiêu trong nhà. Một hôm, chồng Thy bắt gặp Thy cất tiền trong tủ quần áo. Đó là số tiền vừa đủ, để dành đầu năm đóng tiền học cho con sắp tới. Sự giận dữ không kiềm chế được, những âm thanh không đẹp dội vào tai Thy:
- Bà cất tiền riêng!
- Bà sống kiểu: “Cục c… gối đầu nằm!”
- Bà không quan hệ ngoại giao, ai chơi với bà!
Không chịu được sự sỉ nhục, Thy đúng bật dậy trả lời:
- Phải! Thy không biết ngoại giao, Thy không cho phép mình phí phạm thời gian cũng như tiền bạc cho những cuộc gặp vô nghĩa. Nhà này một mình anh ngoại giao đủ rồi.
Thy tức tối bật khóc, từng lời ngẹn đi vẫn nói:
- Tôi nói cho anh biết, từ nay trở đi, tôi không để dành một đồng bạc nào, cho dù có lăn đùng ra chết!
Chồng Thy tròn xoe mắt ngạc nhiên, vì mỗi lần giận Thy làm thinh không nói, bỏ đi chỗ khác.
Hai đứa nhỏ dúm vào một góc sợ hãi.
Thy đau như cắt. Có chút nắng nào còn sót lại vụt tắt trong lòng. Sự tổn thương như từng mảnh vỡ nhói buốt lòng. Đêm nằm ôm con, nước mắt chảy tràn, ngập nỗi lo. Lo trái gió trở trời, lo ba mẹ già ở quê lỡ có chuyện, lo con không tiền đi học…
Trước đây khi còn là giáo viên, thu nhập không đủ để lo cho gia đình, Thy đã phải bỏ nghề ra ngoài bươn chải, đó là một tiếc nuối không nguôi. Thy tự dặn lòng: “Dù có khó khăn đến mấy cũng phải cho con đến trường, vì chỉ có đi học mới thoát nghèo. Sống ở thành phố, nhà nào biết nhà đó, không hàng xóm láng giềng, đêm hôm có chuyện biết vay mượn ai.
 Ngày mai! Lại một ngày mai! Hôm qua nói mạnh miệng như thế, vậy mà…! Hôm nay Thy dọn hàng đi bán chợ chiều, lại cất những khoản tiền riêng. Nỗi lo sợ có thua gì nỗi đau! Mỗi một ngày qua, mỗi một đồng tiền cất riêng như vết cắt trong lòng Thy. Nghĩ thương con, Thy gạt bỏ muộn phiền. Đó là khoảng thời gian đầu ở xứ người. Nồi súp nhỏ của Thy đã đưa được con đến trường…
 Chút nắng nhạt không đủ để sưởi ấm, căn nhà trọ trở nên rộng thêng thang như con đường hằng đêm Thy trở về. Chồng Thy vẫn ngày ngày đi tìm cơ hội, mọi việc làm xuất phát từ sự tự nguyện mới có kết quả tốt, chính vì lẽ đó Thy không bao giờ tạo áp lực, luôn mong cho anh tìm được một công việc phù hợp. Chỉ mong anh sống tốt, sống trách nhiệm với hai chữ “gia đình”.
Bên ngoài nắng và gió vẫn quấn quýt yêu thương, đẩy những cụm mây xám về cuối chân trời. Trên nhánh sầu đâu trước hiên nhà, có đôi chim đang nhảy nhót chuyền cành, líu lo hót. Ngẩn ngơ đứng nhìn, Thy nghe lòng mình nhẹ hơn. Cuộc đời mỗi người giống như con thuyền ra biển khơi và cảm xúc như từng con sóng có thể nhấn chìm ta bất cứ lúc nào. Có lúc chênh chao, mệt mỏi, nhưng đã làm mẹ rồi thì hãy mau mà vững lại, để làm điểm tựa cho các con và đi cùng chúng từng bước trên con đường phía trước. Hãy gom những niềm vui nho nhỏ, như những hoa nắng lung linh để thấy nhà mình còn ánh sáng, còn hơi ấm cho các con.
Với tay lấy chiếc nón đội lên đầu, ra ngõ, ngoắc chiếc xe ôm, Thy lại đi chợ…!
Saigon - 8/2017
Chuyện Ba Đứa
Hắn bỗng bật cười thành tiếng. Người khách ngồi bàn bên cạnh quay sang nhìn, ngại quá, hắn gật đầu chào như có ý xin lỗi. Quán cà phê hắn ngồi đối diện bến xe. Nhìn cảnh tấp nập, ồn ào của khách về quê trong những ngày sắp tết, làm hắn nhớ nhà. Ký ức của hắn nhớ... và cứ thế trôi về thời hắn còn thanh niên. Chuyện 3 đứa hắn... và hắn bật cười...
Quê nhà hắn nắng ghê lắm, vậy mà con gái quê hắn xinh đẹp đến lạ. Hắn và thằng bạn nối khố chơi thân với nhau từ hồi còn để chỏm... Thanh niên tụi hắn cứ như ngựa hoang muốn phi những nước đại... thế mà tán gái thì dở ẹc. 
Hai đứa hắn có một cô bạn tên là Mây, cùng chơi thân với nhau. Mây càng lớn càng xinh đẹp. Còn hai đứa con trai tụi hắn thì lóng ngóng từ một thanh niên mới lớn, trở nên có chút chững chạc của đàn ông. 
Xuân, Hạ, Thu, Đông nắng gió quê hắn như thay áo mới cho Mây. Mái tóc óng mượt ôm lấy khuôn mặt xinh, buông xuống bờ vai thon, trong tà áo dài thướt tha mỗi chiều đi lễ. 
Hình như có điều gì đó lạ lạ giữa 3 đứa hắn... 
Cho đến một hôm, thằng bạn nối khố ngập ngừng tâm sự với hắn. 
- Tao đã thương Mây rồi. 
- Mày nói vậy là sao? 
- Thì tao thương Mây! 
- Có nghĩa là mày yêu... hả? 
Cái từ yêu thần thánh này hai đứa hắn vẫn còn mơ hồ... 
Bạn hắn yêu, mà tim hắn đập thình thịch. Có điều gì cũng lạ lắm trong hắn. 
Một chiều chủ nhật, sau khi tan lễ, ba đứa rủ nhau đi ăn chè, vô quán chưa được 5 phút, hắn kiếm cớ rút lui, tạo cơ hội cho bạn.
Qua hôm sau vừa gặp mặt hắn đã hỏi:
- Sao rồi! Mày đã nói với Mây chưa? 
- Tao định nói mà run quá! Lần sau sẽ nói. 
Và cái ngày sẽ nói đó cũng tới, bạn hắn kể cho hắn nghe lần đầu nói thương một người con gái... Hắn ậm ừ cho qua chuyện, vì đang phải đấu tranh bên trong và cuối cùng hắn quyết đinh:"Không thương bồ của bạn.” 
Con gái 18 đôi mươi là nỗi lo của cha mẹ. Mỗi lần hai đứa hắn qua nhà Mây chơi, phụ huynh để ý từng chút, không hiểu sao trong mắt người lớn hắn được điểm hơn bạn, có lẽ cộng thêm điểm hắn là con trai một. Và thế bạn hắn bị cấm cửa... 
Những lần hẹn hò sau đó, bạn hắn đứng xa xa, còn hắn vô xin phép cho Mây được đi chơi. 
Hắn cười nói với bạn: 
- Nhớ về sớm, để tui còn đưa Mây về trả nghe bạn. 
Hắn cho hai tay vào túi quần, lững thững đi. Con đường đất thoắt ẩn, thoắt hiện nhờ ánh sáng cửa sổ từ những ngôi nhà hai bên đường. Mùi ngai ngái của đất tươi hoà quyện với mùi cây cỏ hai bên đường, phảng phất trong gió... Hắn hít một hơi cái mùi đặc trưng của quê hương căng phồng lồng ngực. 
Hắn nhớ lời cha dạy "Con trai phải có công danh sự nghiệp rồi mới lấy vợ”. Hắn nghĩ tới bạn và Mây. 
Sao hắn lại phải suy nghĩ... Hình như trong hắn có nhiều hơn một chút tình bạn với Mây. Những lúc có chuyện buồn Mây lại tìm hắn và thế cứ ngồi nghe rồi nhìn Mây khóc.
Hắn vẫn là chim xanh. Ba đứa bên nhau như thế cho đến một ngày, hai thằng hắn trúng nghĩa vụ quân sự. 
Mai lên đường. 
Tối đó hai đứa hắn sang nhà Mây. Bạn hắn lại đứng ngoài ngã tư. Hắn vào nhà, nhìn thấy ba, mẹ Mây đang ngồi hóng mát trước hiên. Hắn lên tiếng: 
- Dạ con chào hai bác. 
- Ừ, con mới qua. (ba Mây lên tiếng.) 
- Ngồi chơi con. (Mẹ Mây nói với hắn rồi ngoái vào trong kêu) 
- Mây ơi! Có bạn con qua chơi nè! 
Hắn đứng im một phút rồi lên tiếng: 
- Hai bác cho phép con đưa Mây đi ăn chè. 
- Ừ, đi rồi về sớm (Ba Mây đồng ý) 
Hắn - Dạ. Nháy mắt với Mây nãy giờ đang đứng sau ngạch cửa. Chờ một chút Mây thay đồ bước ra. Bộ đồ kiểu, màu tím cộc tay, cổ trái tim, xẻ tà hai bên. Hình như có chút son môi.
Bồ của bạn mà sao hắn ngắm kỹ... 
Hắn nghĩ tiếp “Có phải trời sinh con gái đẹp để làm mềm lòng những thằng con trai như hắn.” 
Mây lên tiếng chào ba, mẹ: 
- Ba mẹ con đi. 
Từ xa đã thấy thằng bạn nối khố đi qua, đi lại sốt ruột.
Hắn nhắc chừng: 
- Nhớ nhé hai bạn. Đừng về trễ quá! 
Hắn biết đêm nay, hai bạn ấy chia tay. Hắn đứng đó, nhìn hai người bạn nắm tay, rẽ ngang qua một con đường... 
Hắn thích đi bộ trên những con đường quê. Con đường không có tên mà hắn thuộc như lòng bàn tay. 
Ra tới đường nhựa, đó là con đường liên tỉnh ngang qua quê nhà hắn. Ghé vào quán cà phê bên đường. Tìm một chỗ ngồi, hắn kêu cà phê đá, tự nhiên hắn buồn, suy nghĩ mông lung... Thanh niên như hai thằng hắn lỡ thầy, lỡ thợ... tương lai mù mịt. 
Sau ngày giải phóng. Sự thay đổi lớn, thay đổi luôn số phận những con người... 

Nhìn đồng hồ đã 9 giờ. Hắn trả tiền cà phê đi đến điểm hẹn. Hắn đi thong thả, chậm rãi như tận hưởng những bước chân trên con đường đất quen thuộc. Hẹn ngày trở lại. Hai chân hắn đứng không yên một chỗ để đuổi những con muổi.
Đã 9 giờ 30. Tim hắn bắt đầu đập nhanh, đầu hắn nghĩ lung tung... Hắn nhìn dáo dác, chợt rõ dần bóng dáng hai bạn qua ánh sáng từ khung cửa nhà ai đó mở vội. Hắn thở phào nhẹ nhõm. 
- Hai bạn làm tui phát lo. 
Mây cười trả lời: 
- Đúng giờ mà! Tạm biệt nhé! 
Nói rồi Mây nắm lấy tay hắn như thầm cám ơn. Hắn cảm giác như có điện chạy qua... Hắn rút tay lại và nói: 
- Tạm biệt. 
Thời gian quân ngũ chưa hết, những cánh thư đi về hai đứa hắn chụm đầu đọc chung thưa dần. 
 Cho đến một hôm nhận được lá thơ, kèm theo thiệp hồng. 
 Mây lấy chồng. 
 Thằng bạn nối khố bỏ ăn hai ngày, còn hắn cười chua chát “Phải thôi! Mấy năm bộ đội, ra quân tay trắng, làm sao lấy vợ!” Có những chiều buồn hắn ôm đàn ghi ta hát “Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương, anh pha mực cho vừa tà áo tím...” Giọng hắn truyền cảm... Chiều như xuống thấp hơn. Bạn hắn nhớ Mây, còn hắn nhớ màu áo tím... 
  Những ngày đơn vị hắn đi khai hoang. Có những ngọn đồi thấp thoáng sim dại trên rừng nguyên sơ. Những hoa sim tím được hắn ép vào trang thư gởi về cho Mây. Hắn chợt mơ hồ về sự thủy chung của màu tím… Có lẽ nó chỉ đúng ở một bề của cuộc sống. Đêm trên lán trại đơn vị. Hai đứa hắn nằm ngắm sao. Không biết bạn hắn thấy gì qua những vì sao xa tít tắp đó… Riêng hắn! Muốn xuyên qua tận cùng của bầu trời, xem có nỗi buồn nào chạm vào tâm mà nghe đau quặn lòng… Hắn quay sang hỏi bạn: “Tao hỏi mày chuyện này?” Bạn hắn thờ ơ trả lời: “Chuyện gì?” Hắn nói trong gió thoảng: “Hôm chia tay Mây, có hôn cô ấy không?” Bạn hắn bật dậy ngây người lặng yên… Hắn nén tiếng thở dài, chợt thấy thương thằng bạn nối khố. Bàn tay hắn với những nốt đắng trên phím đàn lạc trong đêm…
Hai đứa hắn ra quân. Làn da rám nắng nhìn ra dáng đàn ông hơn. Tất cả như sang một trang mới. Hai đứa hắn không còn lang thang trên những con đường ngày cũ. Một hôm thằng bạn nối khố qua nhà hắn báo tin sẽ đi làm ăn xa... Hắn lặng thinh nhìn ra ngoài sân, những miếng khoai luộc mẹ xắt phơi trên những cái mẹt như nhảy múa dưới cái nắng gay gắt.
Cuộc đời là một con tàu với những sân ga... Sự chia tay nào cũng xốn xang làm hắn khó chịu. Hắn ghét cảm giác này. 
Hắn cũng một đôi lần thất tình. Giờ đây hắn có một “mái nhà”, một công việc. Thời gian của hắn không trống, nhưng bên trong thỉnh thoảng vẫn có một khoảng trống. Những lúc như thế hắn thường ra ban công hút một điếu thuốc lá... Khói thuốc làm hắn ho. Hắn không ghiền, nhưng đôi khi nhớ khói thuốc, nhớ thói quen rít một hơi dài rồi thổi ra những vòng tròn, hay thở ra một làn khói mỏng tan dần rồi biến mất. 
Hắn nhớ nhà, nhớ quê. Nơi hắn yêu thương nhưng không thuộc về. 
Hắn cũng tha phương... 
Cứ mỗi lần sắp tết hắn lại muốn về quê. Những lúc như thế ký ức lại dừng ở tuổi thanh niên có ba đứa với quặn thắt nỗi buồn... 
Chợt thèm cảm giác của ly rượu đầu tiên, vừa đủ khiến hắn lâng lâng trong sự tỉnh táo để cảm nhận những yêu thương...! 
Tháng 12/2017
HOA LY TRẮNG
Gia đình Quân cuộc sống khó khăn. Cảnh nghèo cho anh nhiều nỗ lực. Anh vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập lo bản thân và cha mẹ già. “Đừng bao giờ bỏ cuộc. Cách chiến thắng nghịch cảnh là bước qua nó…” Anh đã từng nói với cô như vậy. Quân phải đi để thực hiện ước mơ cho mình. Anh biết thời gian vô chừng nhưng anh vẫn truyền lửa vào trái tim cô. Hôm chia tay, anh đem đến cho cô một chậu Ly non dặn dò: “Hãy thay anh chăm sóc chậu hoa này. Ngày nào hoa nở anh sẽ trở về…”
Rồi thế anh đi…
Nắng nhạt xuống chân đồi. Cô nhìn triền dốc mà thèm một lần đi xuống lối hoa Dã quỳ nở suốt con đường. Cô hiện diện bên đời để nhìn ngắm chứ không chạm vào…
Cho hai tay vào túi áo, cô thẩn thờ quay trở về thế giới riêng mình. Nghe nặng lồng ngực. Trái tim yếu chừng như không đủ để bơm máu dưới sức nén nỗi buồn. Hơi thở nặng nhọc, cô uống thuốc, nằm vắt qua giường, thả người vào cảm giác đang nhẹ hẫng trôi về phương vô định. Có yêu thương nào vừa vuột khỏi tầm tay. Cô nghe đau nhói phần ngực trái…
 Cô tỉnh lại với cảm giác mơ hồ. Ba mẹ bên cạnh lo lắng. Suốt đêm họ đã ở đây. Chợt nhớ chậu hoa Ly, cô bật dậy. Đây rồi! Chậu hoa Ly nhỏ vẫn cứng cáp qua một đêm. Sức sống của nó thật mạnh mẽ. Cô mỉm cười tự nghĩ: “Bách Hợp! Hãy bắt chước chậu hoa này nhé…” Cô bắt đầu một ngày mới cùng bữa sáng với ba mẹ.
 Mọi người trong nhà đã quen với căn bịnh của cô. Họ biết rồi đến một ngày không định trước cô sẽ rời đi. Cô luôn sẵn sàng. Cho dù sự sẵn sàng đó làm cô chảy nước mắt, sợ hãi. Tình yêu! Vị ngọt làm say nỗi nhớ… Cô phải đi thật sao!?
 Từ ban công, cô nhìn những luống hoa và cây cảnh thấp thoáng bóng dáng Quân. Nhớ anh làm việc thỉnh thoảng ngước lên chọc cười cô… Cảm giác thẹn thùng như bị ai đó bắt gặp. Mặt cô nóng bừng. Nỗi nhớ dài hơn thời gian cô đợi Quân…
Chậu Ly non đã cứng cáp vươn mình. Mỗi ngày cô chăm bón, tưới nước cho cây. Cô kể cho Lily nghe về tình yêu của mình. Nếu một ngày… Ngày cô không còn trên thế gian này, mùi vị ái tình nhân gian thật sự đã chạm vào. Dù rằng thật khẽ… Cảm giác yêu một người thật thú vị… Tình yêu cho cô hy vọng. Cho cảm giác không buông xuôi với căn bịnh. Hình ảnh cô dâu trong chiếc áo choàng trắng với vương miện trên đầu, khoác tay chú rể bước vào nhà thờ hiện lên. Cô thì thầm “Lily ngươi phải mau nở những đóa hoa thật đẹp nhé!”
 Mùa Xuân đã qua. Vườn hoa nhà cô vẫn khoe sắc. Không khí nhẹ nhàng thoảng thoảng hương thật dễ chịu. Cô dạo quanh trên thảm cỏ non xanh mướt… cảm thấy nhỏ bé giữa thiên nhiên trong lành. Cô muốn khóc. Sự chờ đợi làm tim cô đau…
Hoa Ly đã ra nụ. Cuối Xuân đến đầu Hạ, mùa nở hoa của Lily. Cánh hoa trắng đầu tiên làm cô bật khóc vì sung sướng. Cô đem hạnh phúc đó khoe mọi người. “Anh có cảm nhận được không Quân. Hoa Ly đã nở rồi…” Cô mong mỏi từng ngày… mơ hồ cảm nhận! Thời gian không còn nhiều…
Dọn những cành Lan sang bên để chậu hoa Ly thoáng đãng dưới ánh mặt trời, cô nôn nóng chờ hoa Ly khoe sắc nở. Cô đang chiêm nghiệm hiện tại. Cô không nghĩ đến tính chóng tàn của hoa. Bản thân cô cũng là một hiện tại, cho dù hiện tại đó không hoàn hảo. Sự tồn tại không phải chỉ ở dạng vật chất. Với tình yêu đích thực, mỗi người sẽ luôn tồn tại trong lòng... Cho dù sống hay chết…
 Chỉ là một chuyến đi về… của đời người. Cô phải chuẩn bị một chuyến đi xa… Cô gói gém yêu thương vào trái tim nhỏ thiếu máu và chờ… Quân về…
Đêm trong căn phòng vắng. Mẹ qua thăm cô trước khi ngủ. Cô thương mẹ vô chừng. “Mẹ à! Nếu có kiếp sau, kiếp sau nữa con sẽ mãi làm con của mẹ.” Cô tựa vào khung cửa nhìn lên những vì sao. Có vì sao nào đang đợi cô không? Hãy cho cô thêm thời gian để cảm nhận hết yêu thương cuộc đời… Cho cô chút thời gian để chia tay với Quân….
Sáng! Cô bật dậy lao ra ban công. Hôm nay chậu hoa Ly đã nở. Từng đóa Ly trắng, tinh khiết làm sao! Một loài hoa với màu sắc tượng trưng cho trinh trắng, đức hạnh. Cô chợt buồn… Tuổi đời của hoa Ly chỉ chừng nửa tháng đã tàn. Quân vẫn chưa về. Cô muốn anh nhìn thấy cánh hoa như hy vọng…
Cô suy nghĩ cách nào để giữ lại vẻ tươi mới của hoa. Một chậu hoa đang sống, đang hít thở tinh túy đất trời để cho ra những đóa hoa tuyệt vời cả hương và sắc, để rồi thuận theo tự nhiên úa tàn… Cô không có quyền giam hãm điều tuyệt vời đó.
  Cô run rẩy từng ngày trong thời gian Ly sắp tàn… Hy vọng cô mỏng manh... Thời gian có vô tình như vốn dĩ tiếng đời gán cho. Nếu thời gian chậm lại một giây để tặng cho người này, chắc chắn phải lấy đi của người khác… Cô không có quyền xin khi hạn định cô đã hết…
Cô lơ mơ nghe tiếng mẹ gọi. “Bách Hợp! Dậy đi con.” Đầu cô nặng trĩu. Thân xác không nghe nữa rồi! Cô nhớ lại… Đêm qua cô đem chậu hoa Ly vô phòng, không kịp đóng cửa, cơn đau lại đến. Cô ôm ngực, tìm thuốc uống rồi ngủ vùi. Cô nghe gió mưa hắt ướt mặt mình, nhưng không thể dậy để đóng cửa. Cô mơ thấy Quân nắm tay cô dẫn xuống triền dốc ngập hoa vàng và không thể trở lên. Bàn tay cô tuột dần rồi bóng Quân mất hút. Cô cất tiếng gọi mẹ, nhưng hình như âm thanh đó không thoát ra được. Nước mắt ràn rụa. “Mẹ ơi con sợ lắm!” Cô nhìn thấy mẹ khóc. Cả đời mẹ đã chảy nước mắt vì cô. Nếu có phép màu và điều ước, cô xin được lau khô nước mắt mẹ… “Vĩnh biệt ba mẹ!” “Quân ơi! Không kịp rồi. Anh đang ở đâu? Không tiễn em một đoạn sao?” Cô còn kịp nghe tiếng gào khóc của mẹ, rồi rơi vào khoảng không thế giới vô thường chỉ có cái chết mới trải nghiệm hết…
…Bách Hợp nằm đó nhẹ tênh với chiếc áo choàng trắng. Cô đã đi rồi. Giọt nước mắt đọng lại khóe mi. Môi như nở nụ cười tiễn biệt. Những hoa Ly trắng không níu giữ được linh hồn. Cô đi một mình, nhưng không cô đơn vì trong tâm đã có  tình yêu nhân gian… Mãi mãi…
Saigon - 7/5/2019
Cánh Diều
Ông Viễn bật cầu dao điện cho giàn phun sương. Những chậu cây cảnh thỉnh thoảng ông mua về đã chật khoảng sân trước nhà. Ông dậy sớm tập thể dục, chăm sóc vườn cây với không khí trong lành sớm mai đã trở thành thói quen nhiều năm nay. Tất cả thật nhẹ nhàng, dễ chịu… Cứ thế cho đến khi tia nắng đầu tiên trong suốt xuyên qua từng cây lá, ánh vàng mỏng như cánh gián thật đẹp. Tới giờ ông chuẩn bị đi làm, chợt thấy cánh diều vướng trên hàng rào, ông nhẹ nhàng gỡ cánh diều mắc nạn đứt dây từ tay chủ nhân của nó… Chợt bùi ngùi nhớ…!
Làng quê nằm dưới chân núi, chỉ có một con đường cắt đôi vùng đất thẳng ra biển. Khí hậu ảnh hưởng giữa cao nguyên và gió biển, sáng tối se lạnh… Cái lạnh miết vào da thịt, vai so lại co ro… Ngày nắng rát cùng gió biển, từng cơn gió mang hơi nóng thổi thốc vào nhà, hanh như ngày hè thiếu mưa. Chiều xuống những ngọn núi sẫm một màu tím trông thật huyền bí, vắt ngang những làn khói mỏng như chiếc yếm lụa của tiên nữ hạ phàm để quên…
Gia đình Phong Viễn đã chọn nơi đây làm quê hương với sự đẩy đưa của thời cuộc…
Bạch Vân cô bạn nhỏ hơn Phong Viễn hai tuổi. Nhà Bạch Vân ở ngọn núi phía Tây, mặt quay về hướng Đông. Đường đi về độc nhất phải ngang qua nhà Phong Viễn, con dốc lượn theo triền núi lồng lộng gió. Không biết gia đình sống ở đây đã bao lâu, nhưng khi có trí khôn Bạch Vân đã cho đây là quê hương mình. Hai đứa cùng đi, về trên con đường làng đến trường. Với những ngày mưa gió Phong Viễn đưa Bạch Vân tận nhà trên con đường trơn trượt sũng nước mùa đông.
Thời gian vội qua… Hết những ngày bắt bướm hái hoa, cùng nhau lên núi hái sim rừng túm trong vạt áo, tìm một chỗ ngồi ăn, để mặt mày hai đứa loang tím, rồi nhìn nhau cười vọng cả không gian.
Lên cấp ba, lớn cùng thời gian. Không biết từ khi nào giữa hai đứa đã có một khoảng cách giới tính. Bach Vân e dè hơn, ra dáng thiếu nữ, xinh đẹp, dịu dàng, khẽ khàng trong tà áo dài trắng đến trường… 
Làng quê với người dân hiền hòa, sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Có những năm hạn hán mất mùa nên việc cho con tới trường ít nhiều ảnh hưởng… Phong Viễn có thêm một cậu em trai nhỏ hơn năm tuổi. Cuộc sống gia đình dựa nhiều vào mẹ, buôn bán ở chợ. Ba làm vườn mỗi năm chỉ thu được một hai vụ, có được có mất…
Tiếng trống tan trường đã điểm. Phong Viễn vội thu hết sách vở cho vào cặp, không kịp sắp cho ngay ngắn đã phóng ra cửa… mong kịp cùng về với Bạch Vân. Năm nay là năm cuối trung học của Phong Viễn. Ra tới cổng trường thấy Bạch Vân đi cùng mấy bạn, Phong Viễn giả vờ đi chậm lại phía sau. Trộm ngắm vóc dáng thon thả, mái tóc dài óng mượt ôm mềm phiến lưng xuân thì con gái. Chơi với nhau từ nhỏ, nhưng tình cảm đó không còn đơn thuần là một tình cảm anh, em. Hình bóng Bạch Vân đã ăn sâu trong tâm Phong Viễn, có một tên gọi. Đó là tình yêu… Chỉ âm thầm, chưa một lần dám nói, dặn lòng phải thổ lộ tình cảm trước khi rời ngôi trường trung học này… Mãi nghĩ mông lung Bạch Vân đã qua ngã rẽ con đường về chung. Phong Viễn bước vội khẽ gọi:
  - Nhỏ chờ anh với!
 Bạch Vân giả vờ không nghe. Tiếng bước chân Phong Viễn như gấp hơn, vừa thở hổn hển vừa trách:
- Sao anh gọi nhỏ không trả lời?
Bạch Vân nghiêng đầu tủm tỉm cười.
- Anh PhongViễn gọi ai?
- Gọi Bạch Vân chứ ai.
- Người ta lớn rồi, cứ nhỏ hoài.
- Thì không phải trước giờ quen gọi vậy sao!?
  Trước đây những lần chung đường hai đứa hồn nhiên cười nói, như đôi chim sáo vô tư, còn bây giờ con đường đếm bước chân, có lúc Phong Viễn lung túng không biết nói chuyện gì… Bên trong rất nhiều những ước mơ, ấp ủ cho tương lai...
Quay sang Bạch Vân.
- Này nhỏ, học xong thích làm gì?
- Nhỏ thích làm bác sĩ hoặc cô giáo - Còn anh Phong Viễn thì sao?
 Dõi xa tầm mắt, giọng Phong Viễn trầm hẳn xuống:
- Anh muốn học bác sĩ rồi về đây làm việc trên quê hương mình, giúp những người nghèo… Hay làm một kỹ sư lâm nghiệp! Anh yêu màu xanh bạt ngàn trên những ngọn đồi, những khu rừng đã chết cần được hồi sinh. Màu xanh bảo vệ môi trường sống cho con người.
Phong Viễn chợt buồn, điều kiện cuộc sống còn khó khăn, không biết ước mơ mình và Vân có đạt được không.
  Lên hết con dốc dài sườn núi là đến nhà Bạch Vân. Mặt trời xuống, trải một màu lam tím cho làng quê yên ã… Xa xa, khói bếp vươn lên thong thả giữa trời, tan loãng vào bóng chiều…
Mùa hè đến, cũng là lúc Viễn chia tay trường trung học, một ký ức dài tuổi hoa niên với từng khuôn mặt thân quen của thầy, cô, bạn bè. Tình cảm đó được trân quý gói cất vào bên trong… Mùa thả Diều vào những ngày đầu hạ, trẻ con trong xóm tụ tập lại khoảng đất trống cuối thôn, những cánh diều xanh đỏ đủ màu đua nhau lượn giữa từng trời. Mùa diều nào cũng có mặt Phong Viễn. Bạch Vân đứng bên cạnh vỗ tay mỗi lần cánh diều Phong Viễn bay lên cao nhất.
Lớn rồi Bạch Vân không còn phơi nắng theo Viễn thả diều. Từ nhà, Bạch Vân dõi mắt theo những cánh diều tuổi thơ, mang theo ước mơ giấu kín bay vào không gian, gởi cho gió ngàn…
Đêm qua Phong Viễn trằn trọc mãi… Đứng trước mặt Bạch Vân để thổ lộ tình cảm sao mà khó quá, Viễn quyết định viết thư tình nhờ cánh diều đưa giúp. Viết rồi lại xé quăng sọt rác… Viễn vò đầu, nhắm mắt lại định thần, để cảm xúc lắng xuống. Mở cánh cửa sổ phòng. Bên ngoài một khoảng trời lặng yên với vầng trăng mười sáu tròn vành, sóng sánh qua từng cánh lá xanh, mướt một màu lấp lánh như con sông trăng đang múa lượn giữa cõi nhân gian…
Viễn yêu vùng đất này, yêu người dân chân chất nơi đây, nơi có người con gái dịu dàng đằm thắm yên vị trong trái tim Viễn. Hít một hơi thật sâu quay lại với những lời chân thật được viết trên trang giấy học trò: “Anh sẽ là cơn gió / Đưa mây trắng em bay/ Qua quãng trời đây đó/ Mỗi ngày tay trong tay… Nhỏ ơi! Từ lâu lắm anh không gọi tên em, hôm nay anh muốn gọi tên em một cách trân trọng nhất, để nói với em: Bạch Vân! ANH YÊU EM. Anh sẽ như cánh diều trong tay em lướt gió mãi mãi, vì sợi tơ lòng anh đã nằm trọn trong em…”
Phong Viễn gấp lá thơ, ép trong vở rồi đi ngủ…
Chiều hè đã dịu cơn nắng, đám trẻ trâu trong làng đua nhau đi thả diều. Phong Viễn lấy con diều cất trên chái hiên xuống. Buổi thả diều hôm nay thật đặc biệt. Nó không còn là buổi thả diều ăn giải như mọi năm và thật sự ý nghĩa với tất cả tâm ý Phong Viễn gởi vào cánh diều, vượt qua tuổi thơ đến một chân trời mới, trên con đường phía trước. Ngọn gió Đông - Nam như hiểu được lòng Phong Viễn, cánh diều no gió mang lá thơ bay lên hướng ngôi nhà Bạch Vân cạnh sườn núi Tây – Bắc. Phong Viễn dõi theo cánh diều, dùng tay bắt loa lên miệng gọi lớn “Nhỏ ơi! Bắt lấy.”
Cánh Diều thẳng cánh, căng sợi dây từ tay chủ nhân, lượn cái đuôi dài như nói với cô gái “Cô ơi có người gởi thư cho cô nè”.
Bạch Vân với tay nắm lấy con diều, lá thơ cột bên dưới cánh diều như thở phào nhẹ nhỏm “Cuối cùng thì ta cũng ở trên tay cô gái, trọn tâm niệm của cậu chủ.”
Phong Viễn thả lỏng sợi dây. Cánh diều mặc sức vươn cao…
Bạch Vân đọc những dòng chữ trên lá thơ, mặt nóng bừng, mắc cỡ. Cảm giác như từng bụi cây ngọn cỏ hiểu được nỗi lòng cô gái xuân thì… Gió lao xao nhiều hơn. Tình cảm mới lớn, sự vỡ ra cảm xúc đầu đời khiến tim Bạch Vân đập dồn. Tình cảm này giữa Phong Viễn và Bạch Vân chỉ cần một cái tên để gọi…
Mùa tựu trường, chỉ còn một mình Bạch Vân trên con đường đến trường. Phong Viễn thi đậu Y khoa, là niềm tự hào không chỉ riêng gia đình, làng quê vui hẳn lên. Ai cũng cầu chúc cho sự khởi đầu và chờ mong một kết quả tốt đẹp.
Hôm chia tay dưới con đường họ đã qua mỗi ngày, họ đi từng bước chậm như sợ điểm dừng. Mọi cảnh vật hai bên nín lặng nhường không gian cho đôi bạn trẻ… Họ bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm thời thơ ấu qua đi trong mỗi mùa mưa nắng, từng con trăng dõi theo rưng rưng thương cảm…
Phong Viễn nắm tay Bạch Vân. Bàn tay nhỏ khẽ run trong hơi ấm khác lạ và cứ thế họ nắm tay nhau đi vòng ra phía sau nhà Bạch Vân, nơi có con suối cạn chỉ đầy nước vào mùa mưa. Hai bên con suối có những tảng đá chồng rất đẹp. Trời đất làm chứng cho tình yêu của họ, cho nụ hôn đầu đời thật nhẹ nhàng tinh khiết. Phong Viễn thì thầm bên mái tóc mây thơm nồng hoa bưởi:
 - Nhỏ chờ anh nhé!
Bạch Vân dạ nhỏ như một ước hẹn…
Thời gian thấm thoát trôi, tới lúc Bạch Vân từ giã mái trường trung học. Gia cảnh đơn chiếc, ba của Bạch Vân không còn. Một mình mẹ bươn chải nuôi con. Bạch Vân thương mẹ, chuyện Bạch Vân vào đại học là một vấn đề lớn. Trong bối cảnh xã hội kinh tế khó khăn chung… Bạch Vân biết mẹ không đủ khả năng. Chiều xuống mẹ ngồi bên hiên nhà lặng lẽ, dõi mắt xa xăm… Mẹ có niềm vui không? Tối nằm bên cạnh mẹ, dúi mặt vào mái tóc thơm mùi bồ kết, Bạch Vân lên tiếng:
- Mẹ ơi! Con không học đại học đâu.
Mẹ quay lại hỏi:
- Sao vậy con?
Bạch Vân trả lời:
- Con tính học trung cấp y tế, khóa học chỉ hai năm, sau đó đi làm rồi học liên thông lên đại học. Con biết hoàn cảnh nhà mình, mẹ đừng lo nghĩ quá, vậy đi mẹ nhé!
- Mẹ xin lỗi con.
Bạch Vân nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài cuối đuôi mắt, ôm sát mẹ như muốn truyền một niềm tin “Chỉ cần có mẹ cạnh bên, con sẽ làm được.”
Nương theo cơn gió Bạch Vân đi vòng ra con suối cạn, chợt nhớ Phong Viễn… Nỗi nhớ như xé từng sợi nhỏ cảm xúc. Đến một hốc đá, trở thành cái ngăn riêng tư được Bạch Vân dùng viên đá khác làm cửa và ngụy trang bằng một bụi cỏ. Một chiếc hộp được mở ra… Lá thư đầu tiên được xếp ngay ngắn cùng những viên sỏi nhỏ màu trắng Bạch Vân đã nhặt từ khe suối vào, đánh dấu ngày tháng mà cánh diều mang lá thơ của Phong Viễn đến bên Bạch Vân…
  Đếm thời gian ư…! Bạch Vân chợt rùng mình khi nghĩ đến sự mong manh của tình yêu… Tình yêu có trường tồn không giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống...
“Ngày … Tháng … Năm…
Nhỏ thương!
Nơi anh ở rất đông người nhưng chỉ là người đông… Anh nhớ nhỏ làm sao đây! Anh tìm một góc giữa cái ồn ào, để chỉ mình anh lặng yên nỗi nhớ… Nhỏ nè! Tại sao anh dùng chữ “Thương” vì nó vượt lên trên giới hạn của chữ “Yêu”. Khi yêu người ta đòi hỏi một sự đáp trả, qua lại, sự thất vọng trong tình yêu sẽ làm cho tình cảm quay ngược trở nên hận thù… Khi vượt lên trên những điều bình thường của tình yêu, tình cảm đó lớn hơn, bao dung hơn. Yêu! Nó nghiêng về cảm xúc. Còn thương! Lặng hơn, trách nhiệm hơn và mãi mãi tồn đọng…”
Bạch Vân áp lá thư lên ngực trái, nơi trái tim thổn thức “Phong Viễn! Sẽ là mãi mãi…” Nhìn cây đàn ghi ta treo trên vách tường như nghe tiếng Phong Viễn nói với cô “Anh để cây đàn này cho nhỏ như có anh bên cạnh, những lúc buồn hãy đánh đàn, anh sẽ nghe đấy! Nói rồi xoa đầu Bach Vân cười…”
Với tay lấy cây đàn, gảy những nốt trầm buồn, Bạch Vân như nghe văng vẳng tiếng hát với chất giọng trầm ấm “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ buồn không lên đôi môi/ buồn đau hoen ướt mi ai rồi…(*) Nỗi buồn như rêu phong, đang bám vào tường tâm tưởng Bạch Vân. Cô nghe gió qua hiên nhà, rít lên dưới từng lớp lá nửa đêm…
Mùa hè là tháng ngày hạnh phúc, quấn quýt bên nhau với những ngọt ngào. Hai gia đình qua lại như một đính ước. Phong Viễn xong năm cuối đại học. Chương trình trung cấp hai năm của Bạch Vân cũng sắp hết. Họ đang tính chuyện tương lai…
Một sáng mùa Đông. Buổi sớm đã lất phất mưa. Từng cơn gió se thắt ngược hướng. Giọt mưa cứ thế hắt vào mặt, lạnh tê đầu lưỡi khi nếm từng hạt nước trên bờ môi.
Bạch Vân gò lưng trên chiếc xe đạp đi chợ huyện hốt thuốc cho mẹ. Đã một tháng nay mẹ ho không hết. Thuốc đã lấy xong, ghé chợ mua một ít đồ dùng… Hình ảnh trước mắt khiến Bạch Vân ngỡ ngàng… Ba Phong Viễn, đầu đội nón lá, thân hình gầy khô, lạc giữa chiếc áo mưa ngắn đến đầu gối, hai chân đã tím lại vì lạnh trên đôi dép lào trơn trượt, đang bơm từng chiếc bong bóng bán dạo bên hông chợ... Chợt trông thấy Bạch Vân với một thoáng bối rối…
Bạch Vân lên tiếng:
- Dạ. Con chào bác!
- Con đi chợ.
  Ba Phong Viễn vội dẹp đồ bán, chỉ vào quán nước bên cạnh, nói với Bạch Vân:
- Vào đây con, uống ly sữa nóng rồi về, bác cháu mình nói chuyện chút. Bạch Vân “Dạ” đi vào quán, hai ly sữa nóng được bưng ra, Vân cho đường vào ly sữa đậu nành nóng khấy cho tan.
- Con mời bác.

Bạchh Vân uống sữa không đường, nhấp một ngụm nhỏ ngập ngừng:
- Con không biết bác bán chợ huyện.
Ba Phong Viễn nhìn BạchVân cái nhìn sâu thăm thẳm làm sống lưng cô lạnh toát… Rồi chợt nói với Bạch Vân:
- Hết năm nay Phong Viễn ra trường và còn thời gian thực tập việc, gia đình bác không còn khả năng. Bác cố xoay xở mọi cách, con đừng cho Phong Viễn biết. Bác biết tình cảm hai đứa đã gắn bó với nhau từ nhỏ, nhưng hai đứa không cùng tôn giáo, thời buổi này lý lịch ảnh hưởng nhiều đến con đường tiến thân… Đôi lúc yêu một người không nhất thiết phải ở bên người đó… Bác có một người bạn ở thành phố muốn gả con gái cho Phong Viễn, ra trường sẽ có chỗ làm tốt. Bác không nhận lời vì biết Phong Viễn chỉ thương mình con. Bác đã nợ người ta một số tiền, không biết làm sao để trả. Gia đình bác chỉ còn trông cậy vào Phong Viễn.
Bạch Vân chết lặng, cố kìm nén nước mắt khi nhìn bóng dáng người cha lưng còng như muốn gập xuống. Cuộc sống vất vả đã khiến ông già hơn tuổi rất nhiều.
- Bác xin lỗi vì phải nói với con những lời này. Bạch Vân đứng dậy cầm gói đồ đi như chạy nói lắp bắp
- Dạ không, bác không có lỗi.
 Cô lên xe, đạp như ma đuổi dưới cơn mưa mùa. Nước mưa hòa cùng nước mắt tan chảy trái tim, làm sao cô chịu nỗi với ý nghĩ mãi mãi rời xa Phong Viễn… Tiếng khóc của cô chỉ có trời xanh mới thấu. Cảm giác đau như ngưng thở… Bất giác cô chợt nhớ đến người mẹ luôn đặt tất cả hy vọng vào cô, vào hạnh phúc của đứa con gái. “Làm sao đây?” Đến với nhau, Phong Viễn sẽ mất đi cơ hội tiến thân… Cô biết thế nào là sự nghèo khổ, thế nào là nhọc nhằn của cha mẹ.
Đến đầu con dốc vô nhà, cô đứng lại ngửa mặt để nước mưa trôi hết những ưu phiền đọng lại. Mẹ chưa sẵn sàng đối diện với chuyện này.
Bạch Vân không thể giấu mẹ mãi… Mẹ đã khóc thật nhiều với cô. Cô gục trong vòng tay mẹ rên khẽ như con thú bị thương… “Mẹ ơi! Con phải làm sao?” Tiếng nói mẹ trầm ấm “Nếu con thấy xứng đáng, hãy yêu đến tận cùng và không có nghĩa là trói buộc nhau… Mẹ luôn ủng hộ con.”
Bạch Vân nhẹ nhàng trong tà áo dài tím, như hoàng hôn trải dài nỗi buồn. Lễ chiều cô quỳ gối, cứ thế lặng lẽ, trống không. Tâm cô đang đi tìm Phong Viễn… Tìm một con đường mà cô chưa thấy… “Lạy Chúa xin xót thương con!”
Hình ảnh người cha oằn xuống vì con trong nhọc nhằn mưu sinh, để chắp cánh cho ước mơ cứ ám ảnh Bạch Vân. Cô thấy thật ích kỷ khi chỉ biết nghĩ đến tình cảm bản thân… Sự hy sinh của cô so với người cha ấy có thấm gì? Yêu một người đâu nhất thiết phải sở hữu. Chỉ cần người ấy bình an, hạnh phúc là đủ.
Từ trong sâu thẳm có tiếng nói “Như thế có công bằng với cô không? Có nỗi đau nào bằng chia tay với người mình đang yêu.”
Mùa hè cuối cùng. Phong Viễn mang ba lô về nhà, chỉ kịp chào ba mẹ một tiếng đã chạy như bay đến nhà Bạch Vân.
- Nhỏ ơi! Anh về rồi.
Bạch Vân mở cửa bước ra, nhìn thấy Phong Viễn nước mắt tủi thân lăn dài.
- Sao mà khóc? Nhõng nhẽo anh cốc đầu ấy! Bạch Vân gạt nước mắt mỉm cười.
- Thấy anh về vui quá nên khóc…
Hạnh phúc trên đời này luôn nằm ngoài tay với… Cái mình không được, luôn là điều tốt đẹp nhất lẫn cả khổ đau. Phong Viễn một mực tin tưởng vào hạnh phúc của mình…
Bạch Vân trân trọng từng phút giây bên cạnh Phong Viễn vì bản thân đã quyết định…
Hôm trước ngày chia tay, họ lại đi trên con đường cũ. Con đường nhớ bước chân quen…
Phong Viễn siết nhẹ bàn tay Bạch Vân nói:
- Nhỏ nè! Anh chỉ còn thời gian thực tập là xong. Ra trường ổn định việc làm rồi, anh sẽ cưới em - Phong Viễn dừng lại, nhìn sâu vào mắt Bạch Vân - Làm vợ anh nhé?
Bạch Vân tránh ánh mắt Phong Viễn. Cô choàng tay ôm tròn anh không nói. Trái tim cô đau từng vết cắt…
Cỏ cây buồn cúi mặt! Gió ném vào đêm những uất ức của đời người. Sự hun hút của số phận hay chính con người chọn cho mình một hướng đi sai. Sự giằng xé bên trong tưởng chừng không chịu nổi.
Bạch Vân ra trường, xin việc ở bệnh viện huyện. Mỗi ngày cô đạp xe mười cây số đi làm. Nghĩ đến mẹ, cô không cho phép mình gục xuống. Đêm về cô ôn lại toàn bộ kiến thức đã học với kế hoạch học nâng cao. Cô cố tìm quên trong công việc…
 Nỗi nhớ… ôi nỗi nhớ/ Trói ta trong vòng tay/ Chiều nay chừng không thở/ Nhớ thật nhiều… Gió bay…! Có cơn gió nào mang được tâm tư gửi đến người thương! Cánh diều! Phải rồi, cánh Diều tuổi thơ, cánh Diều tuổi xuân, cánh Diều nào cho ta gởi hết ưu phiền một tình yêu không lối thoát. Một cánh Diều không nắm giữ sợi dây, trong xa xanh bát ngát, chỉ mình ta…
  Bạch Vân lấy chồng. Mẹ nhìn xót xa khi thấy cô lẳng lặng gom hết những kỷ vật cho vào chiếc hộp. Từ nay khe suối cạn sẽ cất giữ mối tình đầu… Nó sẽ mãi của riêng cô, chỉ riêng cô mà thôi…
  Chồng Bạch Vân hơn cô mười tuổi, là một doanh nhân, tiếp nối công việc làm ăn của gia đình. Anh là người định nghĩa hạnh phúc bằng tiền… Bạch Vân đã một lần yêu và bây giờ cô suy nghĩ đơn giản hơn “Chỉ cần sống tốt là được”…
 Trước ngày cưới cô ngập ngừng trước cửa nhà Phong Viễn. Ba Phong Viễn trong nhà thoáng thấy bóng người vội bước ra:
 - Con qua chơi.
 Cô ngập ngừng không nói nên lời.
  - Dạ con qua đưa thiệp …
  - Thiệp gì con?
 Từ hôm gặp Bạch Vân ở chợ huyện, thấy cô như tránh mặt, thật sự ông cảm thấy áy náy trong lòng với những gì đã nói. Ông nghĩ cuộc đời có lý riêng của nó! Ông không có quyền làm tổn thương một cô gái tốt  như Bạch Vân.
  - Dạ. Con đưa thiệp cưới.
 Bạch Vân tránh ánh mắt với nhiều dấu hằn đang cố mở to nhìn mình.
  Tay ba Phong Viễn run run cầm tấm thiệp cưới mà không biết nên buồn hay vui… Chỉ cảm thấy ông đang nợ một ân tình…!
  - Bác đưa anh Phong Viễn dùm con.
  Nói rồi cô đi như chạy. Mặc cho ba Phong Viễn gọi với theo cũng không quay lại… Cô như sợ cơn gió ngược, thổi cô quay về với những yêu thương mà khó khăn lắm mới dứt ra được. “Phong Viễn anh phải hạnh phúc. Đừng để sự hy sinh của em trở thành vô nghĩa.”
Cô biết từ nay cuộc sống không còn tròn nữa! Một nửa khuyết đó cứ nhói vào tim cô…
Hạ quyết tâm! Cô hít sâu một hơi, lưng thẳng lên, bước tiếp về phía trước với bổn phận…
Phong Viễn cảm giác bất an. Thư gởi cho Bạch Vân một tháng rồi không thấy hồi âm. Lá thư gần đây nhất Bạch Vân viết cho anh với những lời lẽ rất khó hiểu. Anh còn một tuần nữa là hoàn tất chuyến thực tập… Có biết bao dự tính trong đầu muốn nói với Bạch Vân… Sự nôn nao đếm từng ngày.
Trên chuyến xe đò về quê, quãng đường như dài hơn. Xuống xe anh đi như chạy, gặp mọi người anh chào hỏi, anh bắt gặp những cái nhìn ái ngại, lãng tránh. Anh vào nhà như một cơn gió, nói lớn:
- Ba, mẹ con mới về.
Ba ngồi đó lặng lẽ. Không thấy mẹ anh hỏi:
- Mẹ đâu rồi ba. Nhà có chuyện gì sao?
Ba không trả lời, chỉ thở dài…
Bây giờ anh mới định thần nhìn quanh, chợt thấy hai tấm hiệp cưới trên bàn, vội mở ra xem. Tay anh run rẩy, vịn thành ghế ngồi xuống đổ gục xuống.
- Ba, nói cho con biết đi, chuyện này không có thật phải không?
Anh la lên đau đớn rồi phóng ra khỏi nhà. Anh chạy một mạch đến nhà Bạch Vân, không kìm được tiếng gào:
- Bạch Vân! Nói cho anh biết, sao lại có chuyện này?
 Hai vai anh rung lên rồi bật khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi đau đớn với ý nghĩ bị phụ bạc… Niềm tin sụp đổ.
Anh bóp chặt bàn tay Bạch Vân và nghe cô nói trong nước mắt:
- Anh làm em đau. Em không thể chờ anh. Anh về đi.
- Tại sao? Có phải người đàn ông đó giàu hơn anh. Đúng không? Sao cô nỡ đối với tôi như thế này? Chỉ một thời gian nữa thôi! Không đợi được anh sao Bạch Vân?
Bach Vân đau như muối xát trong lòng. Cô nhớ anh, chỉ muốn ôm chầm lấy anh, gục khóc trong lòng anh cho trôi hết bao ấm ức… Nhưng cô cố quay lưng lại trả lời Phong Viễn:
-Anh về đi! Xin lỗi anh.
  Phong Viễn đi qua cơn mưa chiều nặng hạt, không định hướng… Đôi chân đi về phía con suối cạn, mùa này nước đã có nguồn… Anh gục xuống khóc như một đứa trẻ.
  Người đàn ông cũng có lúc lịm đi với nỗi đau, cũng có lúc họ cần một sẻ chia, an ủi… Anh đang cần điều đó.
Không biết anh ngồi như thế bao lâu… Cho đến khi chút ánh sáng cuối ngày trả về tối, anh thất thểu những bước vô hồn theo quán tính trở về nhà. Anh nhốt mình trong phòng mấy ngày mới ra ngoài…
- Con xin lỗi!
Ba Phong Viễn vỗ vào vai anh.
   - Không sao rồi con.
Nhìn con gầy rạc đau lòng, ông tự nhủ: “Cố lên con! Mọi chuyện rồi cũng qua. Vì tương lai của con. Hãy để một mình ba với nỗi đau này…”
Cuộc đời không ai sống thay cho hạnh phúc người khác… Bạch Vân đã có một cậu con trai. Chồng cô là người gia trưởng, rất sỉ diện khi mọi việc đều định nghĩa bằng tiền! Không nghĩ đến cảm nhận của cô. Chỉ muốn cô ở nhà lo cho chồng con… Lâu dần cô như chiếc bóng bên cạnh người đàn ông phải gọi là chồng… Những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng khiến cô mệt mỏi. Lúc như thế bước chân lại dẫn cô về bên con suối cạn… Đã bao lần cô đứng nhìn hốc đá cất giữ những kỷ niệm nhưng không đủ can đảm mở ra… Cô muốn quên hết để sống ngày hiện tại, cho dù chỉ còn lại chiếc bóng chính mình…
Cho đến một ngày, bên cạnh mẹ trên giường bịnh, cô thấy ân hận vì bao năm qua mình sống không ra sống, đắm trong đau khổ mà quên đi người mẹ bên cạnh từng vui, buồn theo cô… “Mẹ ơi! Đừng làm con sợ, đừng bỏ con…”
- Sau này mẹ không bên cạnh con. Hãy hứa với mẹ phải sống hạnh phúc nhé!
- Dạ mẹ, con biết rồi!
 Mẹ cô không qua khỏi. Tiễn mẹ một đoạn qua cầu… lòng cô chết lặng. Từ nay cô chỉ còn lại con trai nhỏ.
 Rồi Bạch Vân chia tay chồng. Cô trở về sống tại căn nhà cũ bên triền núi. Con trai nhỏ đã đi học. Cô kiếm việc làm và tiếp tục ước mơ học lên đại học.
  Gia đình Phong Viễn đã bán nhà dọn đi, không một lần quay lại. Anh như cánh Diều đứt dây bay mãi phía trời xa… Nhìn những cánh chim xoãi cánh cuối chiều, cô thì thầm “Phong Viễn anh có hạnh phúc không? Phải thật hạnh phúc anh nhé!”
  Cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, Bạch Vân đưa con đem theo hài cốt của mẹ bỏ xứ ra đi…
Phong Viễn lập gia đình có một cô con gái. Anh lấy vợ theo ý gia đình. Là một người chồng người cha mẫu mực. Anh không giấu nỗi đau của mình mà kể cho vợ nghe tất về cuộc tình quá khứ, mong được chia sẻ… Ngược lại những gì Phong Viễn mong đợi… Vợ anh luôn dò xét, ghen tuông vô lối. Cuộc sống anh luôn có Bạch Vân xen vào giữa, vì suy nghĩ ích kỷ, nhỏ nhen của vợ… Anh mệt mỏi với gia đình nên vùi đầu vào công việc. Căn nhà càng trở nên lạnh lẽo… Cảm giác cô đơn vây lấy anh, cuộc sống vợ chồng tuy gần nhau mà vẫn cách biệt. Nỗi cô đơn thêm cay nghiệt, buồn càng buồn thêm…
  Ba anh, bịnh cũ tái phát. Những ngày mưa, nắng cực khổ đã lấy hết sức ông ấy. Mỗi ngày ông một yếu đi…
 Một hôm ông nắm tay anh và nói:
  - Ba có chuyện muốn nói với con. Chuyện của Bạch Vân!
 Giọng ông thật khẽ như không còn hơi, ông kể cho Phong Viễn tất cả… rồi bật khóc
- Là tại ba, tại ba tất cả…
Ông nấc lên trong ngẹn ngào… Từng cơn ho rũ rượi rút vào lòng ngực, kéo ông co người lại trong đau đớn.
- Nếu ba không nói, ba không yên lòng nhắm mắt.
Phong Viễn tưởng chừng đất dưới chân sụp xuống. Tất cả trở về như mới hôm qua… Anh đau đớn “Bạch Vân! Anh xin lỗi.”
 Ba anh rơi vào hôn mê và qua đời trong đêm.
 Lo hậu sự cho ba xong, Phong Viễn trở về quê, mong được gặp Bạch Vân… Ngôi nhà cũ Bạch Vân để lại cho người em họ ở. Cô ra đi với một ít đồ đạc, tư trang và cây đàn ghi ta…
 Vòng ra khe suối cạn, đến bên hốc đá trống không… Tất cả đã không còn. Anh gục xuống… “Bạch Vân em ở đâu…?”
…Ông Viễn bồi hồi nhìn cánh diều trên tay.
“Bạch Vân! Anh tìm em đã hai mươi năm rồi! Em như cánh diều đứt dây bay về phía vô cùng… Anh bây giờ cũng một mình nhớ em. Tại sao em muốn anh phải thế này, thế kia mới hạnh phúc chứ! Chỉ có anh biết hạnh phúc mình ở đâu!... Em ở đâu đó trên thế gian này, hãy thật bình an và hạnh phúc nhé!!! Anh luôn cầu mong một ngày nào đó được gặp em như cánh diều vô tình trên tay anh…”
Nắng vỡ ra trên đường ông đi tới… Ông vẫn chưa thôi tìm kiếm…!
Một cánh diều lạc mất từ xa xăm…
Sài Gòn. 14/3/2019
Phận Đàn Bà
Trời mới hửng sáng, My đã dậy nhẹ, cho con khỏi thức giấc. Với tay lấy hai cái gối ôm nhỏ chèn hai bên, kéo mền dằn bụng, yên tâm là con sẽ ngủ ngon. Thằng nhóc chưa được một tuổi. Sữa mẹ mát nên ú ù, hai cái má cứ hây hây, bú no một bụng, lăn quay ra ngủ.
Làm vệ sinh thay đồ xong. My qua phòng dì Tư thưa:
- Dì Tư con đi bán. Con gởi thằng nhóc.
Không đợi dì Tư trả lời. My khép hờ cửa phòng, nhìn qua đối diện. Giờ này dì Tư đã dậy đọc kinh. Dì không có gia đình. Ít khi nhắc chuyện ngày xưa. Có lần bệnh liệt gường mấy ngày, My bên cạnh chăm sóc…không lấp hết khoảng trống và nỗi tủi thân trong dì. Giọt nước mắt đọng lại ở khóe mắt dì Tư cứ thế âm thầm lặng lẽ trôi theo ngày… Lòng My xót xa.
Hôm đó dì kể cho My nghe những chuyện khiến dì cô độc như ngày hôm nay: “Dì Tư quê Hà nội. Gia đình vô Nam từ lúc còn nhỏ. Cảnh nhà tuy nghèo, nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Mẹ chạy chợ, Ba che một quán nhỏ trước nhà sửa, vá xe. Đêm về cả nhà quây quần thật bình yên. Giọng dì Tư trầm hẳn xuống như đang trở về quãng thời gian đó…
Ngày đem nỗi bất hạnh cho cuộc đời một cô bé…
Đã hai ngày. Trời mưa tầm tã. Mẹ buôn bán ế ẩm. Ba sửa xe không được bao nhiêu tiền nhưng vẫn mở tiệm để kiếm được đồng nào hay đồng đó!
Một buổi chiều… Dì Tư ngưng lại, lấy hơi lên, như điều dì sắp nói làm ngực dì đau. Có người đàn bà, bước xuống từ chiếc xe hơi sang trọng vào tiệm. Nói chuyện với Ba rất lâu. Một cô bé con, sáng đi hoc, chiều ở nhà nằm vắt vẻo trên chiếc võng mắc vào một góc tiệm, dù có nghe, cô bé cũng không hiểu? Người đàn bà nói gì mà thấy mặt ba căng thẳng. Đêm hôm đó, ba, mẹ nói chuyện trên chiếc chiếu quen thuộc hơi ấm gia đình. Cô bé nằm giữa như mọi khi. Lúc quay qua ôm ba, lát quay lại ôm mẹ, cô bé không hiểu sao mẹ khóc. Tiệm sửa xe đóng cửa. Ba nói “Đi làm ăn xa, sẽ thường xuyên về thăm hai mẹ con.”
Giọt nước mắt không cầm được chảy dài. My đở dì Tư ngồi tựạ lưng vào tường, rót cho dì ly nước ấm… Dì lại kể, cảm giác như đang nói với chính mình. Giọng dì tư lúc to, nhỏ, lúc hụt hơi như thứ âm thanh đòi nợ oan hồn trở về từ nơi âm u nào đó...
“Thời gian đầu, khoảng một hai tuần Ba về thăm nhà một lần. Sau rồi khoảng cách đó thưa dần. Cô bé nhớ Ba, hỏi Mẹ. Câu trả lời vẫn là: “Ba con bận đi làm” vậy mà hai mắt mẹ đỏ hoe. Thời gian đó kéo dài cho đến khi cô bé lên cấp hai. Một hôm mẹ nói: “Mai mẹ dẫn con đi thăm ba!” cô bé nhảy lên sung sướng “Thật ha Mẹ” và thế là lựa bộ đồ đẹp nhất treo lên, trong đầu cô bé săp xếp đủ chuyện để kể cho Ba nghe, ước mong trời mau sáng.
Chiếc xe đò Sài Gòn lên Đà Lạt như chậm rì với nôn nóng được gặp ba của cô bé. Xe vào bến, Mẹ mở chiếc túi sờn da, lấy tờ giấy đã nhàu vì nếp gấp có ghi địa chỉ. Lão phu xe với chiếc xe ngựa, cầm mảnh giấy coi đường, rồi buông hai tiếng cộc lốc “Lên xe”. Đà Lạt chiều xuống lạnh co ro. Xa xa cảnh vật mờ trong màn sương. Tiếng vó ngựa đều đều sãi những bước dài qua nhiều khúc quanh. Có những đoạn hoa vàng nở dọc suốt con đường. Mẹ choàng tay ôm tròn cô bé để giữ ấm. Lên một con dốc thoai thoải. Trước mặt là những căn biệt thự riêng biệt. Xe ngựa dừng lại, lão phu xe nói “Tới rồi”. Lão đưa tay chỉ ngôi nhà phía trước. Mẹ đỡ cô bé xuống xe. Chỉ chờ mẹ trả tiền, lão phu xe đã vung cây coi quất vào mông ngựa. Chiếc xe vút đi, trong phút chốc đã xuống chân con dốc. Mẹ tần ngần đứng lặng hồi lâu, có tiếng xe hơi dưới dốc chạy lên. Mẹ kéo vội cô bé nấp sau gốc cây thông bên đường. Chiếc xe hơi dừng lại, người đàn ông bước xuống. Mẹ đưa tay bụm miệng cô bé như nín thở… Cửa xe bên kia mở, người đàn ông ẵm một bé trai còn nhỏ từ tay người đàn bà. Họ tiến về phía cổng biệt thự, đi ngang gốc cây. Mẹ nắm chặt tay cô bé. Bàn tay Mẹ nhớp nháp mồ hôi, quay mặt đi không dám nhìn. Tiếng người đàn ông: “Em ẵm con, anh mở cửa cho”.
Mẹ kéo cô bé, đi như chạy trong tiếng thở tắc ngẹn. Đưa tay ngoắc chiếc xe ngựa ngược chiều. Cô bé vùng vằng “Mẹ! chưa gặp ba mà”. Trở lại bến xe, suốt dọc đường đi mẹ không nói câu nào. Mặt mẹ tái ngắt như gặp phải ma… Từng cơn gió thổi mang theo hơi nước hắt hiu, cái lạnh như cứa vào da thịt trong chiếc áo phong phanh của hai mẹ con. Mẹ mướn một chiếc chiếu trong căn phòng trọ nhiều người. Lúc đi ngủ mẹ khẽ nói “Mình đi lộn địa chỉ rồi, con đừng buồn, bữa nào ba sẽ về thăm con”. Mệt mỏi với một ngày dài, cô bé nằm co trong lòng mẹ ngủ vùi.
Trở về Sài Gòn, mẹ khác trước rất nhiều, thường lặng lẽ ngồi một mình. Căn nhà nhỏ bây giờ như rộng hơn. Thời gian đó cũng qua đi mấy năm. Ba có về một vài lần rồi đi liền. Cô bé cảm giác như mình đã mất ba. Mẹ bịnh, đêm không ngủ được, và rồi không còn sức để đi bán. Mẹ bày một xe thuốc lá và vé số trước nhà, cô bé nghỉ học, ở nhà phụ mẹ. Mẹ mòn mỏi rồi mất…!”
My ôm choàng dì Tư. Hai dì cháu cùng khóc. Nước mắt dì và nước mắt My đều chảy từ tận cùng đau khổ. Dì Tư như không ngưng được…
“Hôm đám tang mẹ, ba có về. Ba nói với cô bé “Thỉnh thoảng ba sẽ về thăm con”. Hình như với ba, bỏ con mình ở lại là điều bình thường, nên thật nhẹ nhàng ba đi. Cô bé sống trong sự bảo bọc thương yêu của hàng xóm.
Thời cuộc thay đổi… Nhiều năm sau đó ba bịnh nặng rồi mất. Được tin báo, cô bé trở lại Đà Lạt với địa chỉ trên tay, vẫn những khúc quanh với hoa vàng. Khí trời lành lạnh, lên một con dốc thoai thoải và khi đứng trước cổng căn biệt thự đó, tim cô bé thắt lại! Chợt hiểu lý do ngày đó sao tay mẹ lạnh ngắt. Sao mẹ lại đón chiếc xe ngựa ngược chiều. Sao mẹ thường ngồi lặng lẽ mỗi khi đêm về.
 Sau đám tang, cô bé biết mình có thêm một cậu em trai, từ lâu không qua lại. Cô bé đem tấm hình của ba về đặt lên bàn thờ bên cạnh mẹ. Từ nay cô bé đã có một gia đình trọn vẹn, có ba, mẹ bên cạnh.
Lâu dần cô bé cũng nguôi ngoai. Một mình kiếm sống. Xe thuốc lá bây giờ đã trở thành một tiệm tạp hóa nhỏ bán trong xóm. Bận rộn cả ngày, chỉ đêm về, sự thiếu vắng người thân khiến lòng cô trống trải. Có những đêm mưa lớn, gió và tiếng sấm muốn lật bung mái tôn căn nhà cũ kĩ. Cô bé kéo chăn trùm kín đầu với nỗi sợ mơ hồ…
Người đàn ông mới dọn đến ở trọ đối diện nhà cô bé, khoảng chừng ngoài bốn mươi tuổi, làm công trình xây dựng. Hàng xóm láng giềng đều quen biết. Cuối tuần nghỉ ở nhà, trong xóm nhà nào có việc gì cần ông đều giúp. Nhà cô bé, từ cái bóng đèn, cho đến vòi nước, chuyện gì cũng “Chú làm dùm”.
Không biết từ khi nào… Một thứ tình cảm không thể thiếu, in bóng dáng người đàn ông trong lòng cô bé. Tình cảm đó có phải là sự khao khát tình thương của một người cha. Còn lại bao nhiêu phần tình yêu nam nữ…? Chuyện gì đến rồi cũng đến… Năm đó cô đã tròn mười tám tuổi, hàng xóm láng giềng thị phi một thời gian rồi cũng thôi!  Cho đến một ngày, hôm đó ông đi công trình. Một người đàn bà xông vào nhà cô. Tự xưng là vợ ông vừa đánh vừa chửi… Bao nhiêu lời tục tỉu, xấu xa đều được dùng để miệt thị cô. Bao nhiêu uất hận bà ta trút hết lên đầu cô. Hàng xóm vô can. Tiêm tạp hóa nhỏ bị phá tung. Cô được đưa vô bệnh viện cấp cứu… Đứa con mới tượng hình, cô chưa kịp nói với ông cũng không còn. Cô sốt cao, mê sảng…!
Con đường nào đưa cô đến địa ngục hôm nay…? Có phải con dốc thoai thoải dẫn đến ngôi biệt thự, lối đi ngập đầy hoa vàng. Có phải những đêm mà bóng tối nuốt chửng mẹ cô trong âm u thời gian cho đến khi kết thúc. Có phải sự trống trải trong căn nhà côi cút chỉ mình cô… Khiến cô thèm hơi ấm một con người. Tất cả đã đẩy cô xuống vực thẳm.
Cô xuất viện… Căn nhà trọ đối diện đã dọn đi. Đôi chân như muốn sụm xuống không đủ sức đứng lên. Một mình vò võ trong đêm cô nhớ ông. Khoảng thời gian có ông, cô cảm được hạnh phúc và yêu thương thật sự dành cho mình. Có lẽ ông muốn cô được bình yên… Dù sự bình yên này tệ hơn cả cái chết. Lý do tồn tại là hy vọng một ngày nào đó ông trở về bên cô. Yêu thương và sự ấm áp ngày cũ, đủ cho cô sống ngày hiện tại. Tâm không còn chỗ cho một ai khác… Cô chờ đến mòn tuổi xuân. Thời gian như gió thổi lụn tàn chút hy vọng mong manh. Khi những sợi tóc xanh lén đổi màu, ánh mắt mệt mỏi như chút nắng cuối ngày vụt tắt.”
…Dì Tư lặng yên. My choàng tay ôm chặt dì, buổi chiều ngày hôm đó, không gian và thời gian như đứng lặng. Hai người đàn bà bất hạnh đều có động lực để tồn tại. My nghĩ thầm “Sẽ đi tìm hạnh phúc của chính mình, sẽ đối diện với nó, cho dù sự thật có ra sao?”
Ngày đầu tiên gặp dì Tư. Trời đổ mưa, My tay ẵm con, vai mang túi xách vào quán dì trú mưa. Cơn mưa dầm tháng tám giữ chân My. Khi hỏi thăm dì Tư nhà trọ, dì quay lại nhìn My như dò xét:
- Chồng cô ở đâu? Sao lại mướn nhà trọ?
- Dạ, chồng con làm ngoài biển. Lâu lâu mới về, con có nhỏ nên không theo được
 Dì Tư nén tiếng thở dài:
- Tối nay tôi cho mẹ con cô ở tạm, mai tính.
- Dạ con cám ơn dì.
Mọi gặp gỡ trên đời này đều bắt đầu một duyên phận. Cuộc đời đã dung rủi Mẹ con My được dì cho tá túc. My coi dì như mẹ, người dưng giữa đời lấy cái tâm đãi nhau, cơm nước trong nhà một tay My lo toan. Sáng nào My ra khỏi nhà cũng 5 giờ sáng, đạp xe qua lò bánh mỳ, lấy mấy chục ổ bánh mì chạy theo xe đò để bán. Những ổ bánh mì to dài đặc ruột, ngậy mùi bơ, khách mua về làm quà.
Con của My còn nhỏ. Tranh thủ được thời gian sáng sớm. Gởi con cho dì Tư đi bán kiếm chút tiền. Đắt, ế gì cũng phải về trước 8 giờ để dì Tư còn dọn hàng bán. Mọi chuyện không thể đều có thể nếu có động lực. Công việc này quá lạ lẫm với My. Ngày đầu đi bán My cứ lẫm bẫm như đọc thần chú. Tim đánh trống liên hồi: “Cố lên! Cố lên! người ta làm được, mình làm được, chỉ là tạm thời thôi.”

Là một cô giáo. Lấy chồng với suy nghĩ: “Hãy sống yêu thương, mình sẽ nhận được yêu thương!” Cuộc đời không như những gì My tưởng tượng… Mẹ chồng chê nghề giáo của My. Cuộc hôn nhân này không theo đúng ý của mẹ. Đã không ủng hộ, mẹ còn tìm mọi cách để chia rẽ vợ chồng My. Tất cả mọi chuyện chồng đều nghe theo sự sắp xếp của mẹ.  Mẹ không giống những người mẹ chồng khác. Trước mặt con trai lúc nào cũng tỏ ra thương con dâu với cháu nội nhưng phía sau lại khác. Một cơn bão lớn sắp cuốn xoáy cuộc đời My. Dù cho có cố gắng bao nhiêu để hòa nhập vào gia đình vẫn bị hất ra. Một tô canh muốn nấu theo ý, mẹ cũng không dạy để rồi trong bữa cơm My ngồi cúi mặt nghẹn ngào… Khoảng cách đó như từng cơn sóng đẩy xa bờ, để rồi nhấn chìm My xuống biển đời đầy những đau khổ.
Sáng nay trời thiếu nắng. Cái lạnh se se của mùa xuân tới ngõ thật dễ chịu. Sắp tết, khách về quê đông. Mới 7 giờ sáng My đã bán hết mấy chục ổ bánh mỳ, nhưng không quên chừa lại hai ổ đem về ăn sáng với dì Tư. Dì Tư thích ăn bánh mì chấm sữa. Lớn tuổi ăn miếng bánh ngấm sữa mềm dễ nuốt. Cơn gió ban sáng đưa cái lạnh lắt lay làm My nao lòng.
Cuộc đời luôn bí mật với ta. Phía sau cánh cửa… Bước vào con đường trước mặt. Nắng gió hay mưa dầm cũng là con đường ta đã chọn. Hãy bằng cách nào đó để vượt qua! Lấy chồng được 3 năm. Thời gian sống với chồng chắc vừa đủ để sanh con. Cảm giác của My chênh chao như đứng trên cái bập bênh chực ngã. My vẫn còn sợ lắm ngoài kia những điều chưa biết.
Mẹ chồng đã bán nhà dọn đi nơi khác. My ôm con nhỏ bị quăng ra đường… Trong túi chỉ có chút tiền My dành dụm phòng thân. Trên con đường tìm chồng, My đã may mắn gặp dì Tư.
Nhìn mọi người nôn nao về quê. My muốn bỏ hết, lên xe một mạch về quê… Tới nhà, để rồi thở phào nhẹ nhõm. Chợt nhớ lại nỗi buồn trong mắt ba, me. Ánh mắt xoi mói của hàng xóm. My lại nuốt xuống nỗi khao khát trở về. My thì thầm: “Mẹ ơi! Tết này con không về nhé!”. Từng chiếc xe đò lăn bánh như mang theo nỗi niềm nặng trĩu… My thở dài tự nhủ: “Rồi sẽ có một ngày, ngày không còn nước mắt”.
Hai ngực của My căng tràn sữa, chắc thằng nhóc đang khóc. My sốt ruột… Từ lúc có con, suy nghĩ My thay đổi hẳn “Với thời gian, chuyện gì cũng qua”. Ghé chợ mua chút đồ ăn rồi về. Bản năng sinh tồn và tình thương con khiến My mạnh mẽ hơn. Cuộc sống thiếu thốn cho bà mẹ nuôi con nhỏ, nhưng hai bầu sữa của My dư đầy cho con. Chỉ My là gầy đi trông thấy.
Đạp xe về gần tới nhà. Một chiếc ba gác cua ngang làm My giật mình dừng lại. Trên xe ngổn ngang đồ đạc của người đàn ông trung niên và đứa con gái tuổi còn đi học… My lẩm bẩm: “Dọn nhà ư!” Chuyện bình thường! Người đến, kẻ đi, người dư, kẻ thiếu… My nghe nhức nhối, ngộp thở khi nhìn những cảnh đời… Mấy ngày nữa là tết rồi! Một chỗ trọ vẫn chưa yên…
Dựng chiếc xe đạp sát hè nhà. Gió dưới sông mang theo hơi nước, thổi thốc lên lạnh hơn. My nghe tiếng con khóc, tiếng dì Tư ầu ơ dỗ, lật đật chạy vô My chào dì Tư:
- Dì Tư con mới về.
- Lẹ lên con, cục vàng đói bụng khóc nãy giờ.
Xuống bếp rửa tay, rồi lại gần bên con My lên tiếng: “Mẹ đây, Mẹ về rồi!” Thằng nhóc được mẹ ẵm, nhoẻn miệng cười, nước mắt còn lưng tròng. Dúi đầu vào ngực mẹ đòi bú, cu cậu khát sữa nuốt ừng ực nghe thương. Vừa cho con bú, My vừa bóp hai cái chân đầy bông sữa trắng hồng, thì thầm: “Con là động lực cho mẹ tiến về phía trước. Hứa với mẹ là phải ngoan, phải khỏe mạnh nhé!” Thằng nhóc bú no, nhả vú nhìn mẹ cười. Sữa còn chảy bên khóe miệng. Trong căn nhà có hai người đàn bà, một già một trẻ, đứa bé là nắng ấm, là niềm vui…với nhiều tổn thương đau khổ thói đời.
Có phải bản năng làm mẹ đã khiến My lớn hẳn, chính chắn hơn, kiên nhẫn hơn.  Khó khăn không còn là trở ngại khi trong lòng My đang ôm con…
 Con trai ăn no, tắm mát lại lim dim ngủ, My hôn trán con thì thầm: “Tình yêu thương mẹ dành cho con lớn hơn nghịch cảnh! Yên tâm mà ngủ, con yêu!”
SG - 8/2017
Dạ Quỳnh
Một loài hoa phải chịu khát khô cạn kiệt trước khi thai nghén, mới dồn hết chút sức tàn đâm chồi, bung nụ, âm thầm nhưng mãnh liệt, để rồi đêm thanh trở mình đau đớn nở hoa. Mùi hương Dạ quỳnh quyện vào không gian thơm ngát, sẽ ở lại trong ký ức nếu được một lần ngắm Quỳnh nở hoa trong những đêm trăng sáng. Vòng đời ngắn ngủi đó cứ được lặp lại thật đẹp, thật ý nghĩa. Tôi gọi họ là những đóa Quỳnh nở giữa mùa yêu thương. Việc họ làm cũng âm thầm khiêm tốn nhưng nở ra đóa hoa công đức bên đời mấy ai hay.
Sài Gòn Sáng tinh mơ thật dễ chịu. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe vút qua trên đường. Trời ẩm hơi sương. Tôi kéo cao cổ áo để khỏi thấm lạnh, đứng đợi xe đón đến điểm tập trung của một hành trình… Sự yên lắng cho cảm giác như tất cả chậm lại… Trên cao kia còn nhìn thấy vầng trăng mười bốn khuyết một sợi tơ, chưa chịu xuôi thời gian xuống chân đồi. Mọi chuyển động của ngày chỉ mới bắt đầu… Mặt trời còn ngủ đâu đó trên đường đến nhân gian. Họ là ai? Là những con người thầm lặng kết nối yêu thương. Họ đi để kịp làm bữa ăn sáng cho các cụ già trong ngôi nhà tình thương ở vùng ven thành phố. Chỉ cách nhau có một chuyến phà mà nghe thăm thẳm, xa cách… Tôi ước gì vén được bức màn khoảng cách đó để thế gian gần hơn chút nữa giữa những con người…!
Chúng tôi đến nơi khi mặt trời vừa lên. Ngang qua con sông là những ruộng lúa, cây cỏ còn ngậm sương đêm. Gió mang theo hơi nước vuốt trên mặt cánh lá non run rẩy giữa mênh mông. Ngày với nhiều bận rộn, chúng ta không để ý đến nhịp sống hòa quyện với nhau của vạn vật mà thượng đế đã yêu thương ban tặng. Tất cả như đang vươn mình sau một đêm để đón mặt trời, hít thở khí ban mai, tan vào vũ điệu sự sống và chúng ta là những con người được thượng đế thổi hồn vào bên trong xác phàm chóng hư hoại, có phần tâm linh biết yêu thương đồng loại, yêu vạn vật trên thế gian…!
Ngôi nhà tình thương nằm ở giữa, chung quanh là khoảng đất trống, thưa thớt cư dân. Sự trống trải ấy không làm cho ngôi nhà trở nên lạnh lẽo mà lại ấm áp tình người. Tình yêu ấy có sức lan tỏa mạnh khi con người biết khơi gợi và bắt nhịp kết nối những vòng tay. 
Những con người thầm lặng nhưng thật cao cả, đã tự nguyện chung tay nuôi dưỡng và chăm sóc các cụ già. Họ như những chiếc lá úa lắt lay sắp lìa cành… nhưng được sự đóng góp từ các mạnh thường quân khiến cuộc sống no ấm hơn.
  Đoàn chúng tôi đến, không khí sinh hoạt sôi động hẳn lên. Một bếp ăn đỏ lửa. Mọi người bắt tay làm việc, trong thoáng chốc bữa ăn sáng cho các cụ đã xong. Một số người già còn tỉnh táo biết chăm sóc bản thân. Đó là may mắn… Đa phần còn lại ngờ nghệch, từ ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân đều cần giúp đỡ. Có những người sự ngờ nghệch trong đôi mắt rỗng không phải do tuổi tác mà chính là không gượng dậy được trước đau khổ nghịch cảnh bản thân. Tinh thần như phần ánh sáng cuối ngày mòn đi, lạc trong vùng tối với những đốm sáng lóe lên từ ký ức để rồi: nhớ, quên, khóc, cười bất chợt. Họ đã từng có người thân… có một cuộc đời và bây giờ như những chiếc bóng, chỉ cần cơn gió thoảng qua chút hắt hiu đó vụt tắt, không ai nhớ đến.
Giữa các cụ có tinh thần tương thân, tương ái tuyệt vời, giúp đỡ lẫn nhau không ngần ngại. Tôi đến bên một ông cụ đang đút cho một bà cụ ăn, gật đầu chào, ngồi xuống bên cạnh hỏi thăm: “Ông có biết bà không?” Ông cười móm mém, khuôn mặt già nua như sáng lên: “Ồ không! Bà ấy như từ trên trời rơi xuống. Từ lúc biết bà đến giờ ngày nào cũng đút cho bà ấy ăn… quen rồi.” Bà lão nhai ngon lành từng muỗng thức ăn được nấu nhuyễn, khi trong miệng chỉ còn vài cái răng triệu trạo nuốt. Hình ảnh ông lão đã trở nên quen thuộc với bà mỗi ngày. Tôi cảm nhận được niềm vui từ hình ảnh này, ngời lên trong việc làm của ông cụ… Bà cụ như cô thiếu nữ ngoan hiền ngày xưa nhỏng nhẻo khi được người yêu chăm sóc. Hạnh phúc có màu gì nhỉ? Và hạnh phúc có phải những điều lớn lao…? Chỉ khi ta biết cảm nhận những điều nhỏ nhất với tâm tình yêu thương, chia sẻ và tạ ơn… với tôi đó là hạnh phúc. Một sớm mai thức giấc, được thấy tia nắng mặt trời, một ngày mới, cũng tuyệt vời biết bao!...
Tôi muốn nói đến những người phục vụ. Họ cho đi không bao giờ cạn. Họ chân chất đơn giản, việc làm không đòi đáp trả… không cần công nhận… Nhánh yêu thương bám rễ bên vách đời đầy rong rêu vô cảm rồi hồn nhiên nở hoa. Hai giờ sáng họ đã phải làm vệ sinh, thay tã cho các cụ, lau dọn giặt giũ vv… Tôi ngước lên nhìn họ với sự ngưỡng mộ… Họ đưa tay ra nắm lấy những bàn tay, ngày này qua ngày khác bên cạnh những mảnh đời bị bỏ quên chỉ có đêm và lạnh cuối con đường...
Buổi ăn sáng hơn một trăm phần hết sạch. Thực phẩm đoàn mang đến được cất vào kho. Hình như trong mắt ai cũng cố nén bùi ngùi. Những cái vẫy tay như lạc giữa khoảng không đất trời, sự trống trải lại trở về ngập trong đôi mắt sóng nước các cụ già. Họ chờ người thân với hy vọng vụt tắt theo ngày…
Những con người đi từ lúc nắng chưa lên trở về trong im lặng… Một địa chỉ. Sẽ một ngày trở lại…!
Saigon - 2/2019
Nợ Ân Tình
Mùa Đông ở Sài gòn không rét mướt, cái lạnh cuối năm hắt hiu theo từng cơn gió mỗi sớm mai. Khiến tôi thèm không khí ấm áp của gia đình. Muốn được trở về quây quần bên mâm cơm đoàn viên và tôi nhớ chị như nhớ người thân của mình!
Với thời gian, tôi đã bỏ lại nhiều thứ sau mỗi bước chân. Riêng tên chị cứ âm ỉ trong tim tôi một nhói buốt ân tình, in đậm trong tâm trí tôi thật rõ nét, một dấu ấn thật đẹp.
Những ngày tháng đó tôi nhớ như in. Cuộc sống chung quanh tôi như nhanh hơn một nhịp, vì mọi người ai cũng gấp gáp với thời gian cuối năm đón tết.
Tôi lang thang, tìm một lời giải: “Tại sao gia đình tôi tan nát?”. “Tôi đã sai ở đâu?”. Đêm tôi vất vưởng như một bóng ma… Ba giờ sáng đã mò mẫm lên chợ, buôn bán kiếm tiền. Tôi không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Tôi mất phương hướng.
Một căn phòng trọ trên tầng ba, phía trước là một sân phơi không có mái che, cái nóng hầm hập cả ngày. Đêm về không khí dịu đi đôi chút. Không gian vừa đủ để trải chiếc chiếu ngủ và một góc cho con học bài. Từ ô cửa tôi có thể đếm sao trời, ngồi chờ sao đổi ngôi để nguyện cầu một điều ước.
Sự kỳ vọng, tin tưởng ở người đàn là chồng, là cha, trong một gia đình đã sụp đổ hoàn toàn. Anh ấy  không còn là chính mình…  Đem tương lai con cái ra đánh cược với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, bên cạnh những cô gái trẻ, bỏ bê công việc làm ăn. Hậu quả xấu là điều tất yếu. Khi không biết trân trọng cái mình đang có, cơ hội không đến hai lần. Hệ lụy đến nhiều người.
Anh ấy đã bỏ mặc cho tôi với những món nợ. Món nợ đau khổ nhất đó là số tiền cha tôi mượn của bạn già giúp con rể làm ăn, mong cho con cháu ngày một khá hơn. Hôm từ quê vô, số tiền gói rất kĩ trong hai lớp, thêm một bọc ny lon, được dấu cẩn thận bên trong túi, cài kim băng, mặc ngoài hai lớp quần. Đường xá xa xôi là thế, mà ba vẫn cười tươi, không mệt mỏi. Niềm hy vọng giống như một liều thuốc tăng lực thần kỳ.
Tôi lấy tiền đâu trả ba đây!? Và ăn nói làm sao về sự thất bại này! Tôi không muốn đôi mắt già nua ấy ngập đầy thất vọng, nhìn vào cõi xa xăm thăm thẳm để nén tiếng thở dài.
Sau một buổi chợ, tôi tìm đến chị - Một cán bộ phụ nữ. Trước khi bước vào căn phòng làm việc, trong tôi đầy ngờ vực, không mấy tin rằng được chia sẻ, tìm ra câu trả lời thích đáng cho hoàn cảnh của mình.
Phía sau bàn làm việc là một phụ nữ điềm đạm. Mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt phúc hậu với nụ cười thân thiện. Chị từ tốn hỏi thăm tôi:
- Vấn đề của chị là gì?
-  Xin chị hãy giúp bằng cách. Nghe tôi nói hết chuyện. Cho tôi biết mình đã sai ở đâu?
Tôi như nước vỡ bờ, kể cho chị những gì mình đã trải qua như tâm sự với người bạn thân.
Chị xót cho tôi! Cho người phụ nữ cũ, sống cam chịu. Tiếc cho sự hy sinh vô nghĩa của tôi.
Bản thân tôi, luôn nhường phần được cho người khác, nên chất chồng những thua thiệt. Chị đã chỉ cho tôi thấy cái sai của mình:
-  Hãy là chính mình, sống cho mình và cho các con.
Chị nói về quan niệm sống:
- Cuộc sống gia đình, vợ, chồng phải đặt nền tảng trên sự tôn trọng và lòng tin. Khi sự tôn trọng và niềm tin không còn, yêu thương dần mất đi…
- Sinh nhật của chị: Các con hãy tặng mẹ một món quà nhân ái… là vào chợ, biếu cho người cơ nhỡ, ăn xin, những phần thức ăn, mẹ đã vui rồi.
- Đi ngang con đường, có nhiều cây cột đèn dư thừa, chị ước có công tắc, chị sẽ tắt bớt sự lãng phí.
Còn rất nhiều điều chị chia sẻ với tôi. Đầu tôi mở ra…
 Chị đã giúp tôi vô điều kiện với lần gặp đầu tiên. Lòng tốt của chị không nghi ngại… Chị đưa tay ra đỡ lấy bàn tay một người đang té, nâng tôi đứng lên với lời dặn dò:
- Hãy sống tốt! Không cần trả lại những gì chị đã giúp. Hãy giúp người khác trong khả năng của mình.
- Tôi ra về lòng đầy nghi ngại, tôi có mơ chăng?
Tất cả đều là thật. Một tấm lòng nhân ái từ một người cán bộ phụ nữ. Tôi cảm thấy lòng mình ấm áp. Cuộc đời vẫn đẹp lắm với những ân tình…
Tôi đã nhận từ chị số tiền đủ cho tôi gởi lại ba. Số phận mảnh đất ở quê, không còn lo bị bán đi để trả nợ.
Cuối cùng tôi đủ mạnh để thoát ra lối suy nghĩ cũ. Trong nhờ, đục chịu! Người phụ nữ cũng đáng được sống với hạnh phúc, bình yên của mình.
Tôi đã chia tay với người đàn ông dày vò tuổi thanh xuân của mình. Một mình bươn chải nuôi con lớn khôn. Tôi dẫn con đi qua những căn nhà trọ trong vội vàng của thành phố, khi gió mang hơi lạnh giao mùa, những tháng ngày cuối năm. Tôi nhớ chị!... Hết mùa đông này, lại đến mùa đông khác… tôi chưa giúp được ai, như chị đã giúp tôi. Cố gắng sống tốt với mọi người, với những ai tôi gặp phải trên con đường mình đi, nuôi dạy con cái nên người…
Duyên nợ vợ chồng của tôi thực sự chấm dứt, khi anh ấy mất đi với căn bệnh ung thư quái ác. Nỗi đau trong tim vò xé anh ấy không thua gì từng cơn đau quằn quại thể xác. Người phụ nữ sống chung, đã ra đi đem theo đứa con gái nhỏ. Bỏ lại anh ấy trong muôn ngàn lần đau khổ… Lòng tôi lại xót xa! Tôi không cần biết đó là cảm giác gì? Chỉ một thôi thúc đưa anh ấy về nhà để chăm sóc. Ngày anh đi con còn nhỏ xíu, bây giờ con đã lớn khôn. Gần nhau trong hoàn cảnh này... Có những khoảng cách làm sao lấp đầy với bao tổn thương đã qua…
Mẹ con tôi đã tìm mọi cách, thuốc thang. Bệnh đã ở giai đoạn cuối. Con trai xót ba! Tôi hiểu cảm giác các con giữa thương và hận. Các con đã sống một thời gian dài không cha với bao nhiêu thiệt thòi bản thân. Tôi đã nói với các con:
- Đó là ba các con, hơn lúc nào hết, ba cần tình yêu thương và sự chăm sóc của các con.
Tôi đã đưa anh ấy về nhà được ba tháng rồi anh ra đi. Tuần lể cuối cùng trước lúc mất. Anh tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đêm anh không ngủ. Tôi nằm co trên chiếc ghế xếp bên cạnh. Mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay… Chập chờn với những cơn ác mộng… vội giật mình, như sợ không kịp một tiễn đưa...
Anh ngồi tựa lưng vào tường với chiếc gối kê. Anh viết nhật ký! Sau này tôi đã được đọc. Anh viết rất nhiều, có đoạn anh viết: “Anh đã bỏ phí mười năm. Bây giờ anh mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của em. Nhìn em nằm co ro trên chiếc ghế cô đơn đến tội nghiệp! Nhìn các con anh xót xa. Từng cơn đau như xé nát thân xác anh và tâm hồn anh đau đến không chịu nổi. Anh chợt nhận ra, mình đã đánh mất hạnh phúc…Ước gì trời cho anh cơ hộị lần hai…”
Sau cơn đau vật vã cuối cùng, anh lịm dần chìm vào hôn mê. Những nhịp đập trong tim anh thưa dần, rồi tắt hẳn.
Không có những tiếng la khóc thảm thiết. Mẹ con tôi đứng lặng! Trong một giây con trai bật khóc! Những âm thanh xé lòng từ những dồn nén một thời tuổi trẻ không có ba. Trước đây nhiều lần con khóc nhưng vẫn có cảm giác ba ở đâu đó ngoài kia… Còn bây giờ con thật sự mất ba mãi mãi...
Đã lâu rồi tôi không khóc. Những giọt nước mắt như vắt máu trong tim tràn ra… Tôi khóc cho anh ấy! Khóc cho tôi và các con…
Anh mất đi rồi tưởng chừng duyên nợ đã hết.
Người phụ nữ dẫn cô con gái nhỏ về xin để tang cho ba. Trong tôi không một hận thù, ghét bỏ. Đã lâu rồi, cảm giác đó không còn. Chỉ thấy thương cho phận đàn bà. Nhìn cô bé đứng bên cạnh các anh đốt nhang cho ba, tôi biết rằng nợ giữa tôi và anh chưa dứt.
Có những lúc một mình… Nhìn lại những tháng ngày qua. Tôi nhớ chị với bài học yêu thương không nghi ngại, không tính toán thiệt hơn, chỉ biết làm theo sự mách bảo của lương tâm. Khi con tim nhói đau trước một mảnh đời chênh chao không điểm với. Hãy đưa tay ra và nắm lấy! Tôi sẽ đến thăm chị một ngày không xa. Nói với chị lời cám ơn và xin lỗi… Tôi sẽ đến dẫu có muộn màng....
Cầu cho chị bình yên, khi gió heo may về…
 Những ngày cuối năm lòng tôi bồn chồn nhớ về chị như một nút thắt chưa được mở… Ân tình đó tôi mang theo, ấm áp tâm hồn. Món quà thượng đế ban tặng: Một trái tim yêu thương giữa cuộc đời vốn nhiều vô cảm…
19/5/2018
Thị Trấn Nhỏ
Chiếc xe giường tầng của Thành Bưởi chạy nhanh như lướt, lên xe tôi cầu xin bình an. Cảnh vật bên ngoài trôi vút qua, xe đã rời thành phố, bỏ lại sự náo nhiệt và ánh đèn, đi xe đêm cũng thú vị. Sự im lặng với ánh sáng vừa đủ dìu dặt trong tiếng nhạc nhẹ đưa tôi dần vào giấc ngủ lơ mơ, chợt giật mình thức giấc vì tiếng ho của người bên cạnh, tôi tỉnh ngủ, ngồi lên xem đã tới đâu! Con đường từ Sài Gòn lên Bảo Lộc ngày xưa phải đi gần một ngày mới tới, còn bây giờ, tôi coi đồng hồ, lên xe tám giờ tối, mới một giờ khuya xe đã qua đèo Bảo Lộc, sương mù làm cho con đường mờ hơn. Lâu rồi tôi mới trở lại nơi tôi đã sống, một thời gian khá dài, với khoảng sáng, tối đan xen, ngày như dài hơn và đêm cũng khá co ro…
Đèn sáng được bật lên, tiếng anh phụ xe “Bà con chuẩn bị, xe sắp tới trạm trung chuyển” mọi người ngồi lên rộn ràng chuẩn bị đồ đạc. Xe đã vào trạm, ngừng hẳn, tiếng anh phụ xe: “Ai về đâu lên xe nhỏ đưa về”.
Xuống xe, tôi tìm một chiếc ghế khuất gió, kéo cao cổ áo, vai so lại trước cơn lạnh giữa đêm. Giờ này còn sớm, tôi không muốn gõ cửa bất cứ người quen nào để làm phiền. Hơi thở đã thành khói, tôi xoa hai tay vào nhau cho nóng rồi ủ lên mặt “Dza lạnh quá”. Hết ngồi co, lại đứng lên đi tới đi lui, cái lạnh như gặp phải người lạ, cứ thế da diết, tôi lẩm bẩm “Đã từng quen!”
Năm giờ, trời đã hửng sáng, những tia nắng ban mai còn trốn sau lớp sương mù, tựa chiếc áo mỏng khoác lên người thiếu nữ, mơ hồ hư ảo, trải dài theo triền dốc.  Những ngọn đồi thoai thoải, đẹp như đôi chân dài con gái, thăm thẳm mút tầm nhìn. Cảnh vật còn tĩnh lặng sau một đêm chưa vội trở mình.
Lên một xe nhỏ tôi nói với bác tài: “Cho tôi tới chợ khu sáu!”. Xe chạy qua những khúc quanh, đường nhựa mới tinh. Con đường ngày xưa tôi bước qua nó với đất đỏ dính đầy đôi dép nhựa mỗi ngày. Chợ khu sáu chỉ là một chợ quê, một đôi gánh hàng rong, nào trái cây, rau củ, chuối mít từ vườn nhà, vài thau cá suối, cá nuôi, vài ba thớt thịt tự mổ. Gà đúng là gà ta thả vườn tối leo lên cây ngủ, trống mái nhốt chung trong từng chiếc lồng thép đan tròn có nắp đậy, được cột bằng sợi dây ni lon xanh đỏ.
Tôi vào quán cà phê bên đường, gọi một ly sữa nóng pha chút cà phê, nhấp từng ngụm sữa nóng, nuốt xuống tới đâu nghe ấm tới đó. Dõi qua bên kia đường, ánh mắt dừng lại trước một căn nhà còn đóng cửa, tim tôi run lên từng nhịp gấp gáp… Những ký ức như quay lại. Căn nhà ngày xưa mỗi sáng ngủ dậy, khoảng sân nhỏ phía trước bơ rụng đầy! Cây bơ già sai trái, ruột vàng, béo ngậy lượm đầy một rổ.
Tôi nhìn thấy bóng dáng thằng hai, lưng cõng em, phía trước mang cặp, hứng nước mưa nấu cơm cho mẹ. Tôi thấy người đàn ông chân bước thấp bước cao, người nồng nặc mùi rượu mỗi khi về nhà, mẹ con tôi sợ hải không biết chuyện gì xảy ra. Tôi thấy tôi đêm ba mươi tết còn ở ngoài đường làm đẹp cho người ta, gần giao thừa mới về nhà. Những ngày rét mưa tầm tã từ sáng đến tối, hết ướt rồi lại khô, khổ với miếng cơm manh áo…
Đứng lên trả tiền ly sữa, mang vội mắt kiếng, bước ra đường, từng bước chậm, tôi đi. Hơi thở của đất trời vẫn mang mùi vị cũ, thời gian mới với một tôi mới trong cái cũ ngày xưa.
Xong việc, tôi ra chợ, cảm giác như gặp lại cố nhân, bồi hồi, hai chân gấp gáp nhưng không dám lại gần, cứ thế chậm lại. Ngày hai vợ chồng còn là giáo viên, với những tem phiếu, cuộc sống khó khăn, tôi là người bước ra chợ buôn bán để chồng ổn định công việc. Đi ngang qua từng gian hàng, quen có, lạ có, dừng lại ở dãy hàng ăn… Kia rồi! Hàng bánh canh Dì Năm còn bán! Bước vào chọn một chỗ ngồi, tôi gọi một tô bánh canh. Nhìn người phụ nữ trước mặt, đã già rồi, vẫn chiếc áo bà ba, tóc bới củ tỏi và điếu thuốc vấn trên môi chưa bỏ. Tôi chào hỏi: “Dì Năm nhớ con không?” Khẻ cười Dì Năm trả lời: “Nhìn quen lắm mà nhớ chưa ra.” Tôi nghĩ thầm: “Ừ, làm sao nhớ được, đã lâu lắm rồi còn gì”.
Đưa mắt ngó qua mấy gian hàng, ánh mắt dừng lại sau cánh cửa quán cơm của tôi ngày xưa, quán mặt trước là đường lớn, nhiều quán ăn san sát nhau, khách vãng lai nhiều, dân ở các xã ra đông, nhất là thứ bảy, chủ nhật…
Mỗi sớm mai, hai mẹ con bày hàng, lúc đó thằng Hai mới học lớp sáu, mười cái ghế chồng lên nhau, con vịn mẹ leo lên giăng bạt. Ngày xưa đâu có bạt quay như bây giờ. Anh hàng xóm cảm cảnh, sáng nào cũng dậy căng bạt dùm. “Cám ơn anh!” Thằng Hai trước khi đi học, đã đi chợ cho mẹ một giỏ đầy. Những ngày lễ tết đông khách, còn nấu được cho mẹ nồi cơm lớn. Nghĩ tới con, tôi thấy xót: “Con trai à, con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một người bạn, một người cùng mẹ đồng hành qua bao gian nan, mẹ đã chọn con đường khó đi để con vất vả nhiều”.
Nỗi buồn không lớn lên theo tuổi con tôi, mà như nhỏ lại đi sâu vào ký ức, nằm đó, để rồi có những lúc lặng đi với những nhức buốt. “Cô ơi! Ăn đi cho nóng.” Tôi như sực tỉnh: “Cám ơn!” Tô bánh canh bóc khói nhiều hành ngò, vắt miếng chanh, chan chút mắm ớt, mùi thơm làm tôi đói bụng. Hình ảnh tô bánh canh đã ở lại trong tôi, không chỉ là mùi vị, mà còn là kỷ niệm, tôi cười vu vơ với ý nghĩ: “Con người thật lạ! Cuộc sống luôn phải đi tới, sao cứ phải hoài niệm, để rồi đau lòng. Đó là cảm xúc! Đôi khi nó làm chủ, nhấn chìm ta trong tận cùng…”.
Bảo Lộc thay đổi nhiều, bây giờ đã là thành phố Bảo Lộc. Những con đường vàng suốt mùa hoa dã quỳ nở rộ đã không còn, trong tôi nơi này vẫn yên bình một thị trấn nhỏ êm đềm, dù khoảng thời gian ở trong nó không được mấy ngày bình yên. Có người muốn từ bỏ nơi cho ta những nỗi đau, không muốn nhìn lại dù chỉ một lần. Riêng tôi vẫn muôn quay lại, yêu thương, có như thế tôi mới bình yên hơn!
Tạm biệt mi Bảo Lộc! Hẹn một ngày trở lại…
Chuyến xe đêm Thành Bưởi với số ghế A2, tôi trở về Sài Gòn. Giọng ca Khánh Ly văng vẳng bên tai: “Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe”.
Mùa Giáng Sinh - 12/2018
Lê Yên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...