Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Người chồng câm

Người chồng câm

Ông bà Bưu là dân di cư từ ngoài bắc vào. Thời đó khổ lắm nên lần lượt họ di cư vào trong nam và chọn Saigon làm nơi sinh sống. Gia đình ông làm nghề giết mỗ gia cầm chủ yếu là gà vịt. Vì nhà gần chợ nên công việc tiến triển rất tốt. Hể nhà ai có tiệc tùng hay ma chay cưới hỏi đều đặt gà vịt nhà ông. Công việc nhiều nên ông bà mướn thêm nhân công. Mãi mê lo kiếm tiền nên tuổi xuân trôi qua hồi nào không hay đến khi ngẩng lại thì đã quá lứa lỡ thì. Tuy nhiên hai ông bà quyết định tìm một mụn con để nối dõi tông đường.
Tuy lớn tuổi nhưng con đường sinh sản chưa phải là hết cửa. Chạy đôn chạy đáo lo bồi bổ thuốc thang cuối cùng bà cũng có tin vui là đã có thai và chuẩn bị ngày hạ sinh. Người vui nhất chờ đợi nhiều nhất chính là ông Bưu. Ông luôn cầu nguyện để xin được đứa con cầu tự. Cho dù trai hay là gái ông cũng mãn nguyện. Cuối cùng thì bà đã hạ sinh được đứa con trai kháu khỉnh cho ông. Ông mừng quá mở tiệc ăn mừng ba ngày ba đêm. Hàng xóm đến chúc mừng rần rần vang dậy cả khu xóm.
Từ ngày có thằng bé trong nhà gia đình ông lúc nào cũng đông vui. Nó chính là niềm vui khi tuổi đã xế chiều. Có điều thằng bé lớn lên rất khỏe mạnh cao lớn nhưng tuyệt nhiên nó hề nói năng gì cả. Ông bà lo sốt vó chạy đi thuốc thang khắp mọi nơi. Ban đầu tưởng nó chậm nói nên ông bà chờ đợi nhưng càng lớn thì nó không nói và không nghe thì lúc đó mới biết con mình là đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Đau đớn tột cùng ông bà đi khấn nguyện khắp nơi nơi nhưng cánh cửa cho đứa trẻ bình thường đã bị đóng lại vĩnh viễn. Nhiều người theo thuyết tâm linh tin vào nhân quả cuộc đời cho rằng ông đã giết mỗ quá nhiều gà vịt nên phải trả báu. Nói vậy thì oan cho ông quá. Đó chẳng qua là nghề nghiệp thôi.Có cung thì có cầu, ông không tin con mình phải lãnh hậu quả như vậy. Ông đưa con đi khắp bệnh viện từ trong nước ra ngoài nước nhưng tất cả đều bó tay và ông đã hiểu nó thật là đứa trẻ bất hạnh. Thương con ông cho nó học trường đặc biệt dành cho trẻ bị khuyết tật. Nó lớn lên đẹp trai khỏe mạnh nhưng gương mặt bao giờ cũng đượm nét trầm buồn.
Cuối khu xóm này có gia đình bà giáo già có đứa con gái duy nhất tên là Thương. Ông giáo đã mất sớm do bạo bệnh. Nhà chỉ còn hai mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Cô bé càng lớn càng xinh đẹp. Cô theo nghề của mẹ làm nghề gõ đầu trẻ tức giáo viên mầm non. Gần nhà cô có anh Đông làm nghề lái tàu cho Công ty vận tải đường sông. Anh thầm thương trộm nhớ rồi cả hai hẹn nhau sẽ về thưa cha mẹ để tiến tới hôn nhân. Ai cũng mong cho đôi trẻ sớm thành duyên chồng vợ.
Ai có ngờ đâu, năm đó trời mưa giông gió bão. Anh Đông buổi chiều đi trực ở cơ quan. Tối hôm đó ông trưởng tàu có tổ chức đi công tác và điều động anh làm tài công cho chuyến đi. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng anh không bao giờ trở lại...cô Thương ngày đêm trông ngóng tin anh nhưng không có tin tức nào về chuyến đi hôm đó xem như là anh mất tích.
Thời gian dần trôi nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai. Thì đột nhiên bà giáo phát bệnh ngặt nghèo đó là bệnh tim tái phát. Bán hết gia sản cũng không đủ để chữa bệnh, trong lúc túng quẫn cùng đường thì có người đề nghị chị nên lấy anh câm đầu hẻm để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Một đề nghị ban đầu tưởng là vô lý nhưng đó lại là con đường duy nhất để cứu cánh trong lúc này. Ông bà Bưu được lời như mở tấm lòng. Thế là nhờ mối mai định ngày làm lễ cưới.
Nhưng bà Bưu cho rằng nhà bà giáo quá nghèo không môn đăng hộ đối nên không tổ chức tiệc cưới linh đình mà chỉ làm lễ ra mắt gia tiên thôi tức là chỉ làm bé chứ không được làm vợ chính thức. Tội nghiệp cho cô giáo vì nghèo mà chấp nhận cuộc hôn nhân này để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Để rồi từ đó là chuỗi ngày đau khổ chỉ có nước mắt chan cơm. Nhà này bà Bưu nắm quyền mọi việc sanh sát trong gia đình đều do bà quyết định. Đám gia nhân trong nhà đều nghe lệnh bà răm rắp. Bà còn đề ra nhiều nội quy hà khắc để răn đe đám nhân công.
Ai cũng nghĩ là cô giáo Thương một bước lên mây, lấy con ông chủ được làm mợ cả có kẻ hầu người hạ nhưng không cô đã đau khổ ngay từ khi mới bước chân vô nhà chồng. Cô giáo có lòng thương người hay giúp đỡ bọn nhân công để rồi bị bà la mắng quát tháo vì bà sợ hao hụt tài sản. Bà cho người hầu quản lý sát cô giáo nếu có tin tức hay biểu hiện gì thì báo ngay cho bà. Cô giáo như con chim quý bị nhốt trong lòng son. Có điều an ủi là người chồng câm của cô tuy không nói được nhưng lại là người rất nhân hậu. Có đôi lần anh ta lấy thức ăn và nước uống cho nhân công. Anh ta không hà khắc như bà Bưu, đó chính là niềm an ủi duy nhất của cô giáo khi về làm dâu nhà này.
Tin về mợ cả có bầu làm cho mọi người hớn hở nhất là ông Bưu. Ông mong có đứa cháu nối dõi tông đường nên đây là tin mừng cho gia đình ông. Tuy nhiên bà Bưu thì lại nghĩ khác, bà thuộc loại người đa nghi nên mọi việc dưới lăng kính một chiều của bà. Theo bà thì đứa con trai khuyết tật của bà khó có thể sinh con nên bà hồ nghi đứa cháu này không phải trong dòng họ. Bà đợi cho mợ cả đến ngày sinh nở, bà sẽ tìm cách xem có phải là con cháu của bà không.
Ngày cô giáo hạ sinh đứa con đầu lòng lại là con trai, cả nhà vui quá mở hội ăn mừng. Vui nhất là anh chồng câm, anh không ngờ có được ngày làm cha. Ông Bưu thì đi khoe hết làng trên xóm dưới, gặp ai ông cũng vui vẻ báo tin vui. Trong khi mọi người rất vui vẻ phấn chấn thì ngược lại bà Bưu lại có chút ưu tư. Bà vẫn còn nghi ngờ về đứa cháu nội này... bà vẫn âm thầm cho người mai mối tìm cô vợ lớn cho anh con trai xứng tầm môn đăng hộ đối với gia đình bà. Nhưng vì bà khó khăn quá nên đám mai mối cũng e dè thành thử công việc tìm kiếm cô vợ lớn cho anh con trai chưa đi tới đâu...
Kể từ ngày anh lấy vợ, cô khuyên anh và gia đình nên chuyển sang nghề khác không giết mỗ gà vịt như xưa nữa. Anh mở công ty riêng vận chuyển hàng hóa đường dài. Vợ anh làm kế toán còn anh tuy không nói được nhưng rất tháo vát lo cho công việc.
Thời gian dần trôi đứa nhỏ nay đã lớn nó chạy giỡn vui chơi, quan trọng nhất là nó nói và nghe được. Điều mà ông bà Nội nó rất lo lắng. Bà Bưu cũng không còn nghi ngờ gì nữa sau khi đã đi xét nghiệm ADN cho đứa cháu nội và cũng không mặn mòi tìm con cô dâu mới. Đúng lúc mọi thứ tưởng đã an bài thì...người xưa trở về!
Đúng vậy anh Đông trở về. Vào một ngày đẹp trời anh tìm về nơi xóm cũ để gặp lại người xưa là cô giáo Thương. Anh đã rõ hoàn cảnh của cô giáo, anh cho người nhắn tin để gặp lại nhau ở vùng ngoại ô thành phố. Tin về anh Đông vẫn còn sống và trở về tìm cô làm cô vừa mừng vừa lo không thể diễn tả được tâm lý cô lúc này. Cô đắn đo có nên gặp lại anh không khi mọi thứ đã an bài. Mặc dù cô gặp sự hà khắc của mẹ chồng nhưng cô rất hạnh phúc với người chồng câm. Tuy nhiên cô muốn biết vì sao hơn mười năm qua anh bật tâm không có tin tức gì? Vậy thì gặp anh sẽ rõ. Cô không muốn đi nhưng trái tim cô thôi thúc cô phải gặp lại người xưa.
Trăng đêm nay sáng quá, anh Đông ngồi đợi bên mái hiên nhà. Cô Thương từ xa trông thấy anh thì nước mắt đã đầm đìa. Họ chạy lại ôm nhau thấm thiết, cả hai đều không nói nên lời. Phút ngỡ ngàng khi gặp lại rồi cũng trôi qua, anh ngập ngừng mới nói được vài câu:
- Em...khỏe không?
- Dạ...em khỏe còn anh?
- Anh không được khỏe lắm nhưng muốn gặp em hôm nay để nói rõ ngọn ngành.
- Anh đi đâu mà biệt tích hơn mười năm trời?
- Chuyện dài lắm, rồi anh sẽ kể lại cho em nghe. Bây giờ anh hỏi thật em?
- Hỏi gì anh?
- Em còn thương anh không?
-....
Cô giáo im lặng không trả lời. Cô vẫn còn thương anh lắm nhưng còn chồng cô hiện tại và đứa con trai. Nếu đem lên bàn cân thì gia đình cô vẫn trên hết còn với người tình xưa bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Biết người xưa đang đắn đo anh từ từ rút ra chiếc khăn tay là kỷ vật mà cô trao cho anh lúc lên đường. Cô im lặng không nói nên lời chỉ khóc thút thít. Anh nắm lấy tay cô trao lại chiếc khăn tay đó vì anh hiểu cô đã chọn hạnh phúc cho gia đình, chuyện xưa xem như là dĩ vãng.
Đúng lúc đó thì anh chồng câm xuất hiện, anh không nói được chỉ thấy đôi mắt đang đỏ hoe. Những giọt nước mắt từ từ lăn xuống. Cô rất biết tuy chồng cô không nói được nhưng rất thương yêu cô. Từ việc lớn đến việc nhỏ anh đều giành làm hết không để cho cô phải cực nhọc. Cô đứng nhìn anh như trời trồng. Cả ba quá ngỡ ngàng. Ai cũng đều mang một tâm trạng xót xa, rối bời...một bầu không khí im lặng bao trùm lên tất cả.
Cuối cùng thì cô giáo dứt khoát nắm lấy tay chồng áp vào gương mặt mình xem như lời thanh minh chỉ có anh là chồng cô thôi. Cô kéo anh ra khỏi đó như cao chạy xa bay. Anh Đông chỉ biết nhìn theo như làn khói trắng tan biến vào không trung...
Đinh Văn Sơn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những dị biệt giúp câu chuyện chuyển động Nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami chia sẻ cách ông tạo ra những nhân vật hư cấu, và t...