Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Thương nhớ sông quê

Thương nhớ sông quê

Con sông Nông Giang bắt nguồn từ sông Chu tại xã Xuân Bái huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Sông chảy qua thành phố Thanh Hóa dài quanh co uốn lượn ôm mình vòng qua phố xá. Sông chảy qua đời tôi từ thưở ấu thơ để đến bây giờ ở một nơi rất xa lòng tôi khôn nguôi nỗi nhớ về sông. Xa quê đã hơn 20 năm, bao lần về thăm quê nhưng nhà tôi đã không còn ở chỗ cũ nữa nên tôi cũng không tiện về thăm sông. Nhưng lần này, một người bạn từ thuở ấu thơ đã giúp tôi tìm lại những kỉ niệm thời niên thiếu với dòng sông quê hương.
Xe chạy chầm chậm qua những con đường, tên phố vẫn còn đó nhưng nhà cửa, diện mạo phố xá đã khác xưa nhiều lắm. Nhích thêm vài đường cua, chúng tôi đã đến bên bờ sông. Bước xuống xe, tôi chạy ào lên bờ đê, cái cảm giác hân hoan, vui sướng như gặp lại cố nhân dấy lên trong lòng tôi, trong tim tôi dạt dào bao niềm yêu cũ. Tôi dạo bước vài vòng trên bờ đê, gió nhẹ mơn man làn tóc rối. Tôi nghe như có tiếng gió mùa xưa của mấy chục năm trước ùa về.
Vì là sông đào nên lòng sông rộng chừng mươi mét, độ sâu chừng bốn năm mét. Hai bên bờ được kè bằng xi măng sạch sẽ. Mặt nước trong xanh phẳng lặng in bóng mây trời. Dòng nước an phận nhẹ nhàng chảy qua bao cánh đồng, con phố. Dưới sự điều tiết của con người, nước sông Nông Giang chẳng bao giờ tràn bờ, chăm chỉ dẫn nước về các kênh thủy lợi tưới mát cho những cánh đồng lúa xanh tươi. Có khi, để nạo vét lòng sông, người ta tháo nước trơ cạn đáy. Tôi nhìn rõ cả những viên đá, viên gạch lổn nhổn giữa bùn đất. Lúc đó cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi mang xô mò mẫm đi bắt cá. Bắt được vài con cá nhỏ thôi nhưng đó cũng là niềm vui lớn của lũ trẻ chúng tôi.
Nhớ khi xưa, lúc nhà tôi còn ở ngay sát bờ sông, tôi đã có biết bao kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng ra bờ sông. Tôi thích đi trên những bờ cỏ đê mềm mượt lún phún xanh mà ngắm bao la đồng ruộng hai bên bờ. Ngắm những giàn bông mướp vàng trải dài, quả sai dài thõng gần sát đất. Nhớ những ngày đông rảnh rỗi anh em tôi rủ nhau lên bờ sông đào dế. Ngày ấy tôi nào có biết đào dế là gì, chỉ lò dò đi theo anh, thấy anh cuốc vài cuốc sâu xuống đất, sau đó đổ nước chờ dế ngoi lên. Bắt được những con dế mùa đông béo mẫm, nâu bóng, chúng tôi liền nhốt chúng vào bao diêm, bên trong bỏ vào một cọng cỏ nhỏ cho chúng ăn dần. Trong thâm tâm tôi cứ nghĩ như vậy là dế có thể sống qua ngày tháng ai ngờ vì hộp diêm quá kín, mới chỉ sáng hôm sau dế đã chết cứng đờ. Từ đó trở đi, tôi hiểu ra rằng loài vật cũng phải sống trong môi trường của nó mà không lần nào bắt dế nữa.
Hồi ấy nhà tôi còn nuôi lợn để tăng gia sản xuất, để có rau xanh trộn cùng cám gạo cho lợn ăn, mẹ bảo tôi ra bờ ruộng vớt bèo. Thường là bèo tấm dạt nơi chân ruộng sâu hay những ao chuôm ngoài ruộng. Mình tôi thơ thẩn lội bùn vớt bèo. Trong cuộc đời tôi, tôi nghĩ mình sợ nhất là đỉa và rắn. Những con vật mềm mềm, bơi loằng ngoằng dưới nước luôn làm tôi chết khiếp. Có lần sau khi vớt bèo xong, tôi đem lên sông rửa. Trong khi mắt đang lơ đãng nhìn theo làn sóng lăn tăn, tôi cảm thấy tay mình man mát, sờ phải vật gì mềm mềm, tôi nhìn xuống rổ bèo, tim hoảng hốt khi thấy một con rắn đang khoanh tròn trong rổ. Chỉ là rắn nước thôi mà tôi muốn ngất xỉu. Tôi vứt luôn cả rổ bèo, cuống cuồng leo lên bờ ngổi thở. Để rồi khi tĩnh tâm lại lòng vô cùng lo lắng sợ mẹ mắng vì đánh mất rổ bèo.
Tuổi thơ tôi gắn bó với sông quê trong những buổi mai mùa hè mát dịu. Mặc dù nhà có nước giếng nhưng tôi vẫn thích ra sông giặt quần áo hay chiếu, chăn. Mà chủ yếu là để được tận hưởng không khí trong lành hay được ngâm chân dưới làn nước mát rượi. Sông Nông Giang tuy nhỏ nhưng vì gần khu dân cư nên người ta thiết kế rất nhiều những bến sông để bà con tiện ra tắm giặt. Những lối đi xuống bằng xi măng chắc chắn là chỗ chúng tôi thường ngồi giặt áo. Chỉ cần vò qua xà phòng một lần rồi rũ một lần nữa qua làn nước chảy là quần áo sạch bong. Vừa giặt chúng tôi vừa trò chuyện vui vẻ. Hồi ấy, trái tim mười sáú của tôi đã biết mộng mơ. Tôi luôn hướng mắt về phía dòng nước xa xa mà suy nghĩ mông lung về cuộc đời.
Và bờ sông Nông Giang ấy là con đường tôi đi học. Để đi được nhanh hơn, chúng tôi không đi đường cái lớn mà đi đường tắt lên bờ sông.Vào mùa đông, không khí lạnh tràn về rét mướt, dòng sông mơ màng bảng lảng khói sương. Chiều về, chúng tôi thường dừng chân bên cống ngầm. Đó là nơi đường tàu chạy qua nên người ta xây chìm một cống ngầm gồm ba miệng cống cho nước sông xuôi dòng. Đoạn ấy nước cuộn chảy thành những vòng xoáy ghê người khiến chúng tôi chỉ dám đứng nhìn từ đằng xa. Bây giờ chỗ đoạn cống ngầm ấy thành phố đã xây một cây cầu vượt, mở một con đường mới nối liền phố xá.
Phía trong bờ đê là đầm sen rộng mênh mông, nước sâu lắm nên chúng tôi không dám lội xuống, chỉ đứng từ trên bờ ngắm những bông hoa màu hồng tươi vươn mình trên đám lá tròn xanh và hít hà hương sen thơm mát lan tỏa khắp không gian. Cũng có lúc gặp được chủ đầm bơi thuyền đi hái sen, chúng tôi mới dè dặt xin một vài bông nho nhỏ và vài chiếc lá làm ô che đầu. Niềm vui cứ thế theo suốt con đường về nhà và theo suốt kí ức tuổi thơ tôi.
Con sông Nông Giang, con sông tuổi thơ mát lành vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Mỗi lần đi qua một con sông nào đó, tôi lại mường tượng so sánh với dòng sông quê mình mà lòng dạt dào một nỗi nhớ mênh mang.
5/12/2021
Mai Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...