Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Nhà văn nữ xứ Thanh với công việc sáng tạo

Nhà văn nữ xứ Thanh
với công việc sáng tạo

Thanh Hóa là một miền đất hiếu học, đã từng được chọn là một trong những kinh đô, trung tâm văn hóa lớn của đất nước: Lam Kinh của nhà Lê, Tây Đô kinh thành nhà Hồ của nước Đại Ngu, một Lê Thánh Tông với hội Tao đàn, làng Quần Tín một trong cái nôi văn hóa văn nghệ thời chống Pháp…, là quê hương, là đất lành, là long mạch tụ huyết khí thiêng của trời đất làm nên tên tuổi nhiều vị vua, chúa, trạng anh minh hiển hiện suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Ngoài là một hoàng đế, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao… thiên tài, một nhà văn hóa lớn, họ còn là một nhà thơ, nhà văn gần gũi với chúng sinh, đó là Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Hồ Quý Ly, Bà Triệu, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, đó là truyền thuyết về một Trạng Quỳnh, Trạng Lợn…
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, nhiều lớp nhà thơ, nhà văn Thanh Hóa trưởng thành mà tên tuổi của họ ít nhiều đã có những đóng góp nhất định cho quá trình phát triển của nền văn học cách mạng nói chung và nền văn học Thanh Hóa nói riêng đó là: Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Nguyễn Duy, Hà Minh Đức, Nguyễn Bao, Định Hải, Lê Thị Kim, Lê Minh Khuê, Trần Vũ Mai, Anh Chi, Mã Giang Lân, Lê Quang Sinh, Xuân Ba, Nguyễn Bảo, Phạm Hoa…, đó là: Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh, Mạnh Lê, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Kiều Vượng, Hà Thị Cẩm Anh, Viên Lan Anh, Vũ Thị Khương, Hỏa Diệu Thúy…, một lớp thế hệ các cây viết trẻ tiếp nối xuất hiện là: Tú Anh, Ngân Hằng…..
Trên nền là một trại viết đặc biệt, với cuộc hội thảo đặc biệt dành riêng cho các nhà văn nữ, bởi vậy, trong bài viết này, tôi xin được phép dành toàn bộ thời gian lướt qua đôi chút về tình hình sáng tạo của các nhà văn nữ xứ Thanh.
Một câu hỏi được đặt ra: Khi nhà văn là nữ? Cái khoảng lặng có thể gọi là “chết người ấy” dành để mỗi chúng ta suy nghĩ về những thành công lẫn những thách thức mà các nhà văn nữ phải trải qua. Tính cá biệt, làm nên khác biệt so với các nhà văn nói chung. Nói một cách ngắn gọn: Văn của nhà văn nữ có gì đặc biệt?
Bến bờ của văn chương đã là một hành trình không dễ dàng cho mọi kẻ, với nữ văn sỹ bầu trời của văn chương càng không chỉ có gió lành và nắng ấm? Giông bão đến cả trong những lúc bình thường, cái chênh chao xuất hiện cả trong ngày hạnh phúc. Chồng con, gia đinh, lề thói, lễ nghi, tự do và đạo đức. Rồi lòng nhân ái, sự vị tha – có hay không giữa cuộc sống xô bồ, gánh nặng mưu sinh. Chân, thiện, mỹ có hay không khi những ganh ghét, những hoài nghi, những ích kỷ còn nặng trong cách nghĩ con người? Tình yêu, quê hương có là máu thịt; biển đảo, biên cương có còn là khúc ruột, là giá trị, là lý lẽ cho những khát vọng, phẩm giá một đời người? Bản sắc văn hóa vạm vỡ đến đâu, giản đơn gần gũi, sâu sắc đến mức nào? Đó là vô vàn những ngẫm ngợi, những khoảng lặng để nhìn nhận, để quan tâm.
Nhà văn nữ xứ Thanh
Ngòi bút của các văn nữ ngoài cái chung còn có những thế mạnh không kém gì nam giới. Thay vì “ăn to, nói lớn” họ lại đi vào cốt lõi nữ tính là điềm đạm, vị tha. Họ nhận chân những triết lý cuộc đời bằng sự trìu mến. Họ biết đau nhân thế bằng sự nín lặng chôn sâu. Và, họ biết né chiếc áo quá rộng để không vấp phải sự lùng bùng, thừa thải, đồng thời cũng không để mình rơi vào éo le, chật hẹp đến mức thiếu vắng những chân trời bao la,những cánh rừng thăm thẳm. Họ nhập cuộc và dấn thân theo cách tư duy nữ tính “lạt mềm buộc chặt”.Các nhà văn nữ Thanh Hóa cũng không nằm ngoài vòng tròn quy luật chung đó. Một Hà Thị Cẩm Anh lam lũ trong văn hóa Mường, một Viên Lan Anh quần “xăn móng lợn” bì bõm, ngập mình với ruộng cạn đồng sâu mà vắt cạn hồn mình, một Cẩm Hương say sưa với ồn ả thị thành mà ngơ ngác với bờ tre, bụi chuối. Bộ ba ấy tạo thế chân kiềng làm nên gương mặt văn xuôi nữ xứ Thanh.
Gần đây xuất hiện một Ngân Hằng với những trang viết chủ yếu về tình yêu một chút bay bổng pha chút ưu tư, hoài niệm, cần một khoảng lặng để tích tụ dồn nén cảm xúc, cần thêm một sự mạnh bạo để câu chữ trở nên xoắn xuýt. Một Mai Hương, Tú Anh khỏe khoắn, không ngại can trường mạnh mẽ dấn thân vào ngõ ngách, số phận con người mà làm nên say đắm. Xông xáo là đặc tính của các cây bút trẻ, họ còn đủ tự do để thể nghiệm cho sự cứng cáp. Trầm tĩnh là cốt cách của các cây bút nữ đã trưởng thành, họ biết hợp lý sau những gì bất hợp lý để làm nên ổn thỏa. Đó cũng là bản năng sinh tồn rạch ròi nhất của tạo hóa dành cho giống cái.
Về thơ, có một số nữ sĩ Vũ Thị Khương, Viên Lan Anh,… miệt mài, cứng cáp cài thế với các nhà thơ thế hệ 7x, 8x, 9x như Mai Hương, Sơn Ca, Việt Hưng, Lê Đáng, Lê Hương, Trà Hoa Nữ, Phong Lan… Dồi dào sức trẻ, tất cả như những con thuyền độc mộc thoát về phía trước cùng đón đợi bình minh, tạo lập, đắp mở những con đường đi cho riêng mình mà hòa vào biển lớn. Họ đã có nhiều tác phẩm được công bố, được trao giải ở các tạp chí, các cuộc thi uy tín ở Trung ương và địa phương nhưng vẫn cần có thời gian để cây cành tạo lõi.
Về Lý luận phê bình là mảng hiếm người đầu quân nhưng xứ Thanh đã có nhiều cây viết nữ chuyên và không chuyên. Họ là những người cần mẫn cày xới trên cánh đồng văn học nghệ thuật xứ Thanh và cả nước: Đó là một Hỏa Diệu Thúy thế hệ đàn chị, tiếp đó là Lê Tú Anh, và trẻ hơn thế hệ 7x, 8x… xuất hiện các cây bút như Kiều Thu Huyền, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Bùi Hương Thảo… đang cố gắng bứt phá trên đường đua định mệnh của mình.
Nói tóm lại, phụ nữ là nhà văn dù hôm nay có được rộng vòng sáng tạo hơn xưa nhưng chức năng làm mẹ thiên bẩm vừa là thế mạnh cho sự trải nghiệm vừa là hạn chế khi họ mất nhiều thời gian cho việc thiên chức chăm chút gia đình, con cái. Dù gì đi nữa, họ vẫn mang nặng giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt, cái bung nở cá tính ít được gia đình xã hội chấp nhận đó là hạn chế trong sáng tạo của nhà văn nữ nói chung và nhà văn nữ Thanh Hóa nói riêng.
9/9/2023
Thy Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người Đàn Bà Ở Vườn Luxembourg Tôi nghĩ trong tất cả chúng ta –từng một thuở học trò—không ai là không nhớ đến đoạn mở đầu bài văn Tôi...