Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Hành trình giải mã năm thế kỷ văn chương

Hành trình giải mã
năm thế kỷ văn chương

Sức làm việc, sức đọc, sức viết, khả năng nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục hơn ba mươi năm qua, với khối lượng công việc ông đã hoàn thành thật đáng khâm phục. Tuy đã bước vào tuổi quá thất thập ông vẫn tráng kiện, tràn đầy năng lượng và hơn hết là sự hấp dẫn của nhân cách bao dung, giàu tính nhân văn.
Di sản thơ ca của dân tộc ta từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, là một thành tố quan trọng trong cấu trúc của hệ hình văn hóa Đại Việt (giai đoạn hậu kỳ).
Giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở nước ta thường thống nhất văn hóa Việt Nam đã diễn ra với ba hệ hình văn hóa cơ bản. Thứ nhất là hệ hình văn hóa Đông Sơn và tiếp theo là hệ hình văn hóa Đại Việt, và từ đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam được định danh là hệ hình văn hóa Việt Nam. Việc nghiên cứu văn hóa học được tiếp cận trên ba hình thái chủ đạo.
Trước hết là hình thái tiếp cận vĩ mô tổng quát, nhằm đánh giá, phân tích cấu trúc văn hóa Việt Nam được hình thành, phát triển như thế nào trong sự vận động của lịch sử dân tộc ta nói chung. Và hình thái vi mô cụ thể, nhằm khám phá, phân tích lí giải sâu sắc các thành tố văn hóa tương đối độc lập và những biểu hiện chức năng của văn hóa. Hình thái thứ ba là nghiên cứu văn hóa theo hướng phức hợp, xuyên văn hóa, liên văn hóa, nhằm chỉ ra mối quan hệ biện chứng tác động qua lại (giữa cấu trúc, chức năng và các hiện tượng văn hóa đa dạng cùng phát huy tác dụng) trong mối liên hệ phổ biến thống nhất của vật chất.
Trở lại với di sản thơ ca của ông cha ta từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, từ mấy thế kỷ qua giới nghiên cứu văn học nước ta đã có nhiều cố gắng thám sát giải mã nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật theo hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất nghiên cứu theo mô hình nghiên cứu trung đại, chịu ảnh hưởng và chi phối của các phạm trù mỹ học trung đại mà cơ bản là tư tưởng triết học tam giáo (Nho, Phật, Lão) quy định và điều tiết hệ thức thẩm mỹ xã hội và chủ thể nghiên cứu. Xu hướng thứ hai nghiên cứu văn học (thơ ca) thế kỷ XV – XIX theo mô hình lý thuyết mác xít quy định, nặng về tư tưởng đấu tranh giai cấp nên thường phủ định các giá trị mỹ học trung đại (nhất là các phạm trù chỉ luân lý đạo đức).
Nhằm khắc phục những hạn chế của hai xu hướng nghiên cứu thơ ca trung đại vừa nêu trên, nhà nghiên cứu văn hóa, lý luận phê bình văn học Vũ Bình Lục đã tiến hành nghiên cứu “Giải mã kho báu văn chương Lý Trần” (1226 – 1400) và “Giải mã kho báu văn chương Việt Nam từ thế kỷ XV – XIX” theo mô hình nghiên cứu phức hợp, liên văn hóa, xuyên văn hóa.
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã tiến hành nghiên cứu trường hợp – Nguyễn Trãi; Cao Bá Quát, trong những chuyên luận, chuyên sâu, trước khi bước vào nghiên cứu hệ thống thơ ca Việt Nam từ thế kỷ XV – XIX. Và một số công trình nghiên cứu có liên quan chặt chẽ đến vấn đề thơ văn chữ Hán trên mười thế kỷ của dân tộc Việt Nam, tương ứng với thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của hệ hình văn hóa Đại Việt. Và bản chất của việc nghiên cứu giải mã kho báu văn chương mười thế kỷ (thế kỷ X – XIX) thực chất là nghiên cứu trên chất nền ngôn ngữ Hán – Nôm.
Xuất phát điểm của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục vốn đã am hiểu ngôn ngữ, văn hóa Hán – Nôm. Mặt khác Vũ Bình Lục còn là người sáng tác thơ, viết văn xuôi truyện ngắn, bút ký, đa dạng về thể loại sáng tạo nghệ thuật. Dựa trên hai nền tảng vững chắc đó, quả thật hết sức thuận lợi cho việc nghiên cứu, lược dịch thơ ngôn ngữ Hán – Nôm sang ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại.
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục bước vào giải mã kho báu văn chương Lý Trần và kho báu văn chương thế kỷ XV – XIX, quả thực là một thử thách mạo hiểm, quả cảm. Bởi vì trước đó đã có rất nhiều nhà nghiên cứu lừng danh triển khai nghiên cứu và có thành tựu nhất định. Tuy nhiên, với lợi thế của người đi sau đã kế thừa được những tinh hoa của người đi trước, và có những kiến giải độc lập sáng tạo, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã thổi một luồng sinh khí mới trong sáng, tươi tắn cho thế giới nghệ thuật và tư tưởng nội dung của kho báu văn chương mười thế kỷ của ông cha chúng ta.
Trong công trình “Giải mã kho báu văn chương thế kỷ XV – XIX”, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã tiến hành đọc đối chiếu so sánh mấy nghìn văn bản (Hán – Nôm) tài liệu trong nước và nước ngoài để điều tra, phân tích, tổng hợp, nhằm khắc phục điểm khuyết thiếu của các nhà nghiên cứu đi trước do công tác tài liệu hạn chế. Ngoài ra ông còn đọc hàng nghìn tài liệu văn bản tiếng Việt hiện đại để tổng quan tài liệu, viết lịch sử vấn đề nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu của Vũ Bình Lục, xét trên bình diện tổng quát là nghiên cứu phức hợp, xuyên văn hóa, liên văn hóa.
Trong công trình “Giải mã kho báu văn chương thế kỷ XV – XIX”, ông đã đặt kho báu văn chương – thơ ca của ông cha chúng ta trong bối cảnh văn hóa cụ thể của từng thời đại lịch sử, và trong sự phức hợp của vận động tương tác văn hóa giữa cơ cấu nội tại của thơ ca với các thành tố văn hóa khác diễn ra trong cùng một không gian, thời gian nhất định. Xét trên bình diện cụ thể, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã tiến hành nghiên cứu tiếp cận văn bản học và tiểu sử học, trong đó nhấn mạnh trực diện vào văn bản tác phẩm thơ ca ngôn ngữ Hán – Nôm.
Bộ sách 5 quyển “Giải mã kho báu văn chương”.
Về tính chất nội dung nghiên cứu, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã nỗ lực giải mã, phân tích cặn kẽ những giá trị biểu đạt của tư tưởng nghệ thuật Phương Đông. Và làm rõ những cặp phạm trù giá trị thẩm mỹ của khung mô hình thẩm mỹ trung đại còn phát huy tác dụng tích cực trong lý tưởng thẩm mỹ hiện đại.
Về công tác tư liệu trích dịch sử dụng trong công trình “Giải mã kho báu văn chương thế kỷ XV – XIX” chủ yếu được dẫn nguồn từ sách Hoàng Việt Thi Tuyển của Bùi Huy Bích và Toàn Việt Thi Lục của Lê Quý Đôn. Điểm đóng góp quan trọng và có ý tưởng mới của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, ở chỗ ông đã dịch lại toàn bộ các bài thơ, chủ yếu là thơ lục bát, song thất lục bát, đồng thời chú giải bình luận, phân tích văn bản tác phẩm theo nguyên lý phức hợp, xuyên văn hóa, liên văn hóa nhằm giải mã giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm trọn vẹn sâu sắc nhất.
Trong phần tổng quan nghiên cứu ông đã chỉ rõ từ thế kỷ XV, được mở đầu bằng chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược thắng lợi đã mở ra cho dân tộc ta một thời đại mới oai hùng vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, tạo tiền đề cho việc quản trị quốc gia Đại Việt phát triển. Chính tiền đề văn hóa chính trị đó đã làm nền tảng vững chắc cho các hoạt động khoa cử, văn chương nghệ thuật, công thương… phát triển. Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục chỉ rõ: “Nội dung thơ thời kỳ này chủ yếu tụng ca thánh triều hưng thịnh và tài đức của nhà vua, nghệ thuật thơ đạt đến kinh điển nhưng hình thức quan phương, lời lẽ hoa mỹ mà gò bó”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những đại biểu, các nhà nho khác trước tác đậm chất chữ tình bản thể, vừa hiện thực vừa điêu luyện.
Tiếp theo thế kỷ XVI, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục dẫn luận thời đại lịch sử văn hóa trong bối cảnh phân tranh Lê – Mạc. Và thế kỷ XVII là quan hệ Lê – Trịnh; quan hệ phân tranh Trịnh – Nguyễn, dẫn đến khởi nghĩa Tây Sơn… và đầu thế kỷ XIX vua Gia Long thống nhất đất nước.
Tất cả những biến động lịch sử khắc nghiệt như vậy đã tác động rất sâu sắc đến tâm hồn các nhà thơ của dân tộc chúng ta. Hiện thực đi tìm bậc chân chúa, chúa sáng tôi hiền… thờ ai? giết ai? vấn đề nhân tình thế thái, vấn đề tâm thế sĩ phu/Nho sĩ trước trách nhiệm với giang sơn đất nước, với dân tộc, với nhân dân đều được đặt ra.
Trong cấu trúc tổng thể của công trình “Giải mã kho báu văn chương thế kỷ XV- XIX”, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã giải mã thấu đáo khoa học, sâu sắc, khách quan, và giàu hàm lượng văn chương trong các đơn vị bài viết, được xem như các bài tiểu luận nghiên cứu khoa học mô phạm. Tuy nhiên, do có thế mạnh của một nhà thơ nên nội lực làm chủ ngôn ngữ và biểu đạt ngôn ngữ văn phong trong nghiên cứu vừa khoa học khách quan, lạnh lùng, nghiêm cẩn, lại vừa nhu nhuyễn, trữ tình bay bổng thấm đẫm chất văn chương, ngọt ngào bản sắc dân tộc, lại có khi chói sáng đanh thép khẩu khí sử thi, sử tính. Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã công phu tâm huyết cho hành trình giải mã trọn vẹn năm thế kỷ sinh thành phát triển tỏa sáng di sản văn chương của ông cha chúng ta thuộc hệ hình văn hóa Đại Việt thật kỳ vĩ. Đáng khâm phục và kính trọng biết bao!
Sức làm việc, sức đọc, sức viết, khả năng nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục hơn ba mươi năm qua, với khối lượng công việc ông đã hoàn thành thật đáng khâm phục. Tuy đã bước vào tuổi quá thất thập ông vẫn tráng kiện, tràn đầy năng lượng và hơn hết là sự hấp dẫn của nhân cách bao dung, giàu tính nhân văn.
Lời tạm đóng, nhưng để cho tình cảm trân trọng của tôi mở ra với nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục và đến tất cả những người yên mến quý trọng nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục. Ông đã vượt qua thử thách để trau dồi nghị lực bản lĩnh nghiên cứu học thuật và ông đã thành công. Song thành công lớn nhất trong tư cách nhà nghiên cứu của Vũ Bình Lục là ông đã khơi dậy và giải mã được tinh thần văn hiến của ông cha chúng ta để trao truyền cho các thế hệ mai sau, vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng tươi đẹp, vì tương lai văn hóa của dân tộc Việt Nam.
9/5/2022
Nguyễn Văn Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...