Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Thiên đường không lối

Thiên đường không lối

Mọi việc bắt đầu từ khi tôi viết trên face book chuyện năm nay mình về quê ăn tết. Thời buổi thông tin có khác không bao lâu sau tôi nhận được hàng loạt những câu chúc tết thú vị, chuyến đi vui vẻ. Đôi ba người bạn ở Việt Nam thì dặn tranh thủ gặp nhau nếu có thể thì tổ chức đi chơi nhóm một chuyến. Cuối cùng thì tới những người thân quen và các anh chị họ của tôi ở những nơi khác nhau gọi về. Đầu tiên là chị Thanh vẩn giọng cười ngọt lịm chị bảo tôi:
-Sướng hé về quê ăn tết, năm về hai ba lần đã ghê nhe. Ganh tị thiệt
Vậy mà khi tôi rủ chị về, chị lại từ chối với cái lý do: Về mắc công buồn thêm. Tôi biết chị nói thật mặc dù tôi mong lắm một câu nói dối đổ thừa tại bởi công việc hay những điều bất khả kháng. Sau đó tôi gọi cho anh Hùng ông anh họ lớn tuổi của tôi sang Mỷ theo diện HO đang sống ở bang Cali. Nhà anh gần khu thương mại Phúc Lộc Thọ nên ngày tết rộn ràng, bánh mứt món chi cũng có. Vợ anh chỉ cần chạy ào ra mua là xong còn khoẻ, còn sướng hơn ở quê. Vậy mà anh cũng nói với tôi tết ở quê mới là tết sau đó thì anh say sưa nhắc chuyện cũ từ mấy chậu vạn thọ tới vụ nấu bánh tét đêm giao thừa. Khi nghe tôi kêu hay là thu xếp cả gia đình anh về một chuyến, đằng đẵng bao năm anh chưa về qua một lần. Nghèo nhiều chứ ai mà nghèo cái vé máy bay trong khi vợ chồng anh thu nhập nào có tệ. Anh ngậm ngùi và bỏ lửng cái câu trả lời: Về làm gì nữa em, còn chi nữa đâu... Làm tôi thấy muốn khóc vì tội nghiệp anh bởi tôi hiểu câu cuối mà anh không nói.
Sáng lên mạng check mail như thường lệ, cô bạn thân sinh ra tại xứ người dặn về bên đó nhớ gởi những thứ đặc sản qua cho cô như tôm khô, khô mực miệt Gò Công. Bên cô những thứ đó bán đầy trong khu người Việt. Cô bảo mùi vị chẳng giống nhau, sự thật đúng vậy hay do cô tự suy diễn chả ai biết được. Một người bạn khác từ xứ tuyết bay đầy trời cũng kể về kỷ niệm, ký ức ngày cũ ở quê. Đôi ba người bạn biết trên mạng dặn dò về quê nhớ viết cái gì cho đọc nhe. Chuyện chỉ có vậy tự nhiên mất ngủ cả đêm nay vì nhớ những chuyện chung quanh chử Quê. Quê tôi ư? Biết nói với người thế nào bây giờ.
Gia đình tôi ở Việt Nam khá đơn chiếc, ít người. Ba người phụ nữ nhà tôi điều là đàn bà góa chồng, nhưng họ sống rất vui vẻ, đầy nghị lực. Chỉ có một điều họ không chịu chấp nhận hay quan tâm cái mới mà người ta gọi là hiện đại. Nhà tôi là căn nhà nhỏ đơn giản nằm giữa vườn cây xanh, ngày trước còn lợp mái lá, vách tre. Sau những thứ đó khó mua, ngày càng khan hiếm nên Ngoại tôi mới chịu cho lợp tôn và xây vách tường. Khoảng cổng sân trồng loại hoa màu vàng mà dì tôi hay hát hò: Nhà em có hoa vàng trước ngõ... Phía trước nhà là con rạch nhỏ êm êm như hàng trăm hàng ngàn con rạch ở miền Tây sông nước. Chiếc xuồng be bé nằm trong lán như ngủ mê với thời gian. Phía sau nhà bếp là hàng lu kiệu đựng nước, đám mùng tơi xanh lét bò lung tung trên hàng rào tre. Vườn Chanh nằm phía hông nhà, khi tới mùa nở hoa hương thơm bay ngan ngát theo gió đưa.
Trong nhà có bộ ván gõ mà tuổi gấp đôi, gấp ba tôi ngoài cái Ti vi thì không có thiết bị điện tử nào. Năm lần bảy lượt tôi ngỏ ý muốn mua tặng mẹ cái máy giặt bởi tôi thương mẹ vất vả. Nhưng mẹ tôi nhất quyết là không chịu vì thế những thứ như máy điều hòa hay mấy món đồ vật xa xỉ khác không bao giờ có cơ hội hiện diện trong ngôi nhà của tôi. Người khác thế nào thì tôi không biết chứ tôi khi bước lên thềm nhà, nằm đong đưa trên cái võng ngoài hiên thì xem như thế giới bên ngoài không còn tồn tại. Iphone, ipad, laptop... điều vứt vào một xó.. Tôi không giấu diếm niềm vui lúc vài người bạn thán phục cái nơi Quê ấy của tôi về mấy tấm ảnh đậm chất đường làng mà tôi có. Tôi thầm cảm ơn người nhà tôi vẩn níu kéo gìn giử miền ký ức ấy qua bao tháng năm trên dòng thời gian dù chẳng thể hoàn toàn nguyên vẹn. Thế nhưng...
Tôi ngày hôm nay vẩn chèo xuồng trên rạch hóng mát dù thỉnh thoảng xuồng lủi vào bờ phải dùng cây sào chống ra. Đâu quan trọng đâu bởi trên rạch không hề có xuồng ghe xuôi ngược như ngày xưa mà sợ va chạm. Tấc đất tấc vàng nên con rạch ngày càng bị thu hẹp do người ta lấn dần ra từ bờ. Dưới sông chẳng còn cái cảnh nước trong veo dập dềnh những chiếc lá, tôm cá đớp bọt lao xao hay lục bình trôi hững hờ. Nước sông đục ngầu đầy rác công nghiệp, bao nylon, vỏ lon nước ngọt, hộp giấy chúng đầy rẫy trên sông như minh chứng thời đại công nghiệp đang thắng thế. Lục bình bị vớt sạch phơi khô biến thành đồ thủ công mỹ nghệ bán giá hời. Tôi nên mừng vì loại thủy sinh nước ấy giúp được bát cơm cho người xứ tôi hay tôi nên buồn, tiếc nuối một góc ký ức dần biết mất.
Xách cần câu đi cả buổi qua hàng chục cái mương, đìa cũng không câu dính một con cá lòng tong. Người ta kích điện bắt hết rồi vừa nhanh gọn lại kinh tế. Ngay cả bầy lòng ròng bé xíu cũng biến thành món đặc sản chiên dòn ở nhà hàng thì mong gì tôm cá khác còn tồn tại. Ngoài đồng không bóng dáng chú cua thập thò chúng bị bỏ thuốc cho chết hết từ đầu mùa gieo mạ. Chuột hay gà nước càng không mơ gì mà thấy. Tuy vậy Cá, Tôm vẩn được bày bán đầy chợ, con nào cũng mập mạp, to lớn. Chỉ cần nhìn bằng con mắt dân ruộng như tôi cũng đủ biết chúng được nuôi dưỡng được ăn thức ăn lớn nhanh nói chi chuyện thịt của chúng khác xa một trời một vực với cá mà tôi thích ăn. Ở hai bên bờ con rạch không còn tiếng radio phát những bài hát như: Anh thương tóc em bay bay trong chiều chiều... hoặc một đoạn cải lương mùi mẫn cái kiểu Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà. Dàn âm thanh hiện đại từ những căn nhà tường vôi kiên cố hai bên bờ phát ra giọng hát của các ca sĩ trẻ đang lên, đang nổi tiếng với cái tên nữa ta nữa tàu nhưng họ hát nhạc tiếng Anh. Tôi cá là dân Anh, dân Mỹ mà nghe họ hát sẽ khóc ròng vì đau lòng do thương xót ngôn ngữ của họ.
Tôi thường mặc áo bà ba, đội nón lá mang dép Lào đi vườn hái chanh hay nhổ mớ rau tập tàng. Chẳng phải điệu đà làm màu hay luyến lưu cái áo cũ rích có mùi long não. Bởi rau nhà không có thuốc trừ sâu, ngồi hái đôi ba cái bông bí tìm chút dư hương sót của ngày trước để che cái lạc lõng hiện tại. Nón lá tránh được nắng, áo bà bà dài tay khi đi trong vườn chanh không bị những cành cây cào vào tay. Dù chanh bây giờ cũng không giống chanh ngày xưa, chúng không có gai, trái to đùng đầy nước. Gia đình tôi trồng như tưởng nhớ thời qúa khứ chứ chẳng có thu nhập là bao từ những thứ đó nói gì là đổi cơm gạo để sống.
Ăn bận như thế đi trong khoảng vườn nhà thì chẳng sao chứ thử đi trên đường quốc lộ mà xem, con nít bu rần rần như chuyện lạ và người đi đường ngỡ rằng đang minh họa cho một đoạn phim nào đó. Đi chừng non cây số ra chợ ngay thị trấn lập tức sẽ bị những cô gái dè bĩu một câu: Đúng là nhà quê, ''lúa'' thấy sợ. Thì ra cái áo đi vào thơ, văn là biểu tượng một thời giờ trở thành lạc hậu lỗi thời. Cứ quần da bò trễ cạp, áo hai dây ôm sát theo tông Hàn Quốc mới là đẹp. Năm ba bà chị sẽ nhún vai nói: Bận đồ gì già chát, xấu hoắc. Cứ ảo mỏng te gió thổi bốn bề thấy được thứ cần phải giấu mới là trẻ trung. Thành thử nhiều lúc tôi ngơ ngác đứng giữa chợ quê mà ngở xứ nào đó. Im lặng thì không sao chứ nói lên suy nghĩ trên thì chắc gạch, đá ném cả rổ. Mà thôi ngay cả chiếc xuồng phải xích vào gốc cây Gáo bằng ổ khóa to đùng - Mẹ tôi bảo trộm cắp như rươi - Cái thời đi ra ruộng không cần đóng cửa nhà là xưa rồi Diễm thì còn nói gì chuyện khác.
Cách đây không lâu tôi nhận được một email từ một người trên mạng. Người ấy nói với tôi rằng thích câu chuyện Lục Bình Trên Sông và Chị Hai Cua Đồng không thích những câu chuyện khác của tôi. Sau không thấy tôi viết những thể loại đó nữa. Tôi im lặng không lý giải, tôi nghĩ yêu thích là quyền mỗi con người và người ta hoàn toàn có thể viết hư cấu theo họ muốn. Nhưng hỡi ơi thật ra đâu phải tôi không muốn viết tiếp dạng đó. Thứ nhất chữ nghĩa tôi thực sự chẳng đủ nên chưa bao giờ tôi dám ôm mộng viết lách, viết để viết cho vui để học thêm tiếng việt được khi nào hay khi ấy. Thứ hai tôi không thể hoàn toàn hư cấu một câu truyện mà phải dựa vào một nguyên bản hay một ai đó na ná. Cuối cùng là tôi sợ nhất viết chuyện đồng quê bởi nó khiến tôi suy nghĩ, khiến tôi nhớ về một khung trời xa xôi và điều đó làm tôi thấy buồn thấy ngậm ngùi đến cả tuần sau. Tôi ngại mình nói không khéo người sẽ bảo khó ưa nên chẳng dám trả lời mail. Cũng như tôi đoan chắc có nhiều người bảo tôi ''lên lớp '' khi đọc những dòng chử này. Người lạc hậu thì cứ sống cho điều xưa cũ đi than thở nói này nọ làm gì. Ừ mà chắc tôi xưa cũ thiệt, hay chưa già mà sinh ra lẩm cẩm.
Bạn bè người quen thường hỏi tôi tại sao về quê không đi đâu chơi cứ ru rú ở nhà. Nếu một người bạn nước ngoài nào hỏi tôi Việt Nam ra sao tôi không ngần ngại đáp rất đẹp. Đáp bằng sự thật chứ không phải thiên vị. Muốn lạnh lên Sapa, Đà Lạt, Hà Nội, Huế đẹp thơ mộng Hạ Long Bay thì không cần phải bàn chưa nói vô số núi hay biển, Việt Nam tôi cái gì cũng có. Nhưng tôi không muốn đi thăm viếng lại những chốn ấy cũng chẳng hồ hởi kêu họ nên tới hay sẵn lòng làm hướng dẩn viên bắt dắc dĩ. Cách đây không lâu một người bạn kể cho tôi nghe chuyện đi chùa Hương của bạn thân mình. Người bạn kia chỉ phán một câu:'' Sau này ghét ai thì sẽ xúi người đó đi chùa Hương ''. Nghe như chuyện cười nhưng lại là thật hai bên đường xực mùi xú uế khoan nói những chuyện khác. Chẳng lẽ đi chùa phải đeo khẩu trang hay lấy khăn che mũi. Câu chuyện khiến dự tính đi chùa Hương của tôi bị dời lại vô thời hạn. Cô bé xinh xắn đi chùa Hương chỉ mãi mãi nằm trong bài thơ của Nguyển Nhược Pháp thuở xưa.
Tôi từng bị một người nơi ngàn năm văn hiến chưởi như tát nước vào mặt đơn giản tại tôi nhìn món hàng mà không mua. Vài nơi khác du lịch đã triệt sạch những gì hoang sơ còn sót lại. Biển đầy rẫy khu nghĩ dưỡng sang trọng, tôi vẩn đủ khả năng tới nhưng đó không phải là cái tôi cần. Nếu thích những thứ hiện đại tương tự tôi bay vèo qua Sentosa của Singapore vừa tiện nghi vừa an ninh. Muốn mua sắm có thể đi Hồng Kông. Ăn uống đi Bắc Kinh. Trái cây Việt Nam ngon nhưng thực tế trái cây Thái Lan vẩn ngon và rẻ hơn. Cái tôi cần là điều gì rất riêng của dãi đất hình chử S. chứ không phải đi ngắm mấy khu nhà na ná kiểu mẫu sang trọng. Tôi cũng rong ruỗi đi khá nhiều nơi so với bạn bè ấy vậy mà về xứ mình tôi lại không dám đi du lịch bụi một mình. Tôi phải trả tiền một tô cháo với giá 160.000 vnd trong khi người ngồi bàn kế bên chỉ trả có 20.000 vnd. Khi tôi thắc mắc thì nhận được câu giải đáp: Ôi Việt kiều đó mà, lâu lâu về xứ tính toán làm chi. Đúng là chẳng tính toán làm gì không ai nghèo vì chút tiền mọn ấy nhưng tôi buồn. Ở xứ người bị kỳ thị phân biệt đã đành. Không ngờ ngay trên quê mình lại bị người có cùng ngôn ngữ phân biệt đối xử như vậy nổi buồn như nhân gấp đôi. Thôi thì lại tiếp tục an ủi, ai kêu mình làm kẻ tha hương mà chi, ai kêu mình không theo kịp nhịp sống mới ở chốn cũ.
Trong chúng ta ai cũng biết câu chuyện Lưu Nguyễn lạc thiên thai hay truyện Từ Thức lên tiên. Ngày xưa họ chèo thuyền thong dong đi vào cõi Tiên họ muốn. Chứ thời nay chỉ vì đi tìm vùng đất mới như mong muốn mà không biết bao nhiêu người làm mồi cho lủ cá ngoài biển. Trăm ngàn thảm trạng khổ sở nói hoài, nói mãi, nói không hết. Giống một người từng nói với tôi rằng sợ lắm, ngán lắm đọc những truyện liên quan thuyền nhân. Ai cũng hiểu ngụ ý sự trở về trần thế của Lưu Nguyễn nói lên họ là con người trần mà người trần thì có tình quê hương xứ sở, nhớ nhung nơi mình sinh ra dù cảnh tiên đẹp đến vậy vẩn không níu giử được họ. Ai mà dám bảo không cần cội nguồn không ước mơ được thăm quê cha đất tổ dù chỉ một lần. Mặc dù có thể cái tiếng mẹ đẻ họ không còn nói được. Hay nơi họ cất tiếng khóc chào đời là bệnh viện bóng loáng, sáng trưng của một quốc gia hiện đại nào đó. Lắm người đi mòn gót ở những châu lục vẩn nhớ về cái dãi đất bên bờ biển Đông. Tóc thì nhuộm được da có thể tẩy nhưng máu thì đổi làm sao. Ai đếm được con số người nhớ quê muốn trở về quê như hai họ Lưu Nguyễn ngày xưa mà nào được đâu.
Nhưng tôi tự hỏi nhiều lần nếu Lưu Nguyễn biết trước cái chốn họ trở về đã thay đổi họ có về không? Tôi tin là không. Khi họ về thấy quê xưa dâu bể đổi dời, xa lạ họ có tiếc nuối tiên cảnh không? Tôi tin là có. Con người thường là như vậy luôn mơ những cái không còn thuộc về mình dưới một dạng này hay một dạng khác. Người ta thường dùng những chử như Thiên Thai, Bồng Lai Tiên Cảnh, Cõi Tiên. Hiện tại xin tạm gọi chung là Thiên Đường nhầm chỉ về một chốn tốt đẹp vô ưu. Chốn đó có thực sự tốt không, chẳng có câu trả lời chính xác biết đâu lại là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Con người thời bây giờ khác với ngày xưa họ tự xây dựng tạo được những Thiên Đường '' nhân tạo '' chứ không ngồi đó chờ. Thử hỏi những sinh vật hai chân được gọi con người đang ngược xuôi chung quanh ta mà xem. Ai cũng có Thiên Đường chỉ có điều ở qúa khứ, hiện tại hoặc tương lai, trong tình yêu, cuộc sống, công việc. Người cho rằng Thiên Đường ở trong tình yêu ngọt ngào kỷ niệm. Người cho là sự thành công hiện tại vợ đẹp con ngoan. Người lại cho ở tương lai khi họ đạt được điều họ mơ ước vị trí nào đó trong xả hội chẳng hạn. Người đơn giản chỉ cần no cơm, ấm áo thế thôi. Nhân tạo dĩ nhiên không bằng thật nhưng vẩn là điều tốt đẹp mới được gọi Thiên Đường.
Chả trách sao anh, chị họ tôi và nhiều người khác nhớ về quê cũ bằng một thứ tình máu thịt không phai nhòa qua bao tháng năm. Nhưng lại dứt khoát không chịu về mà chỉ sống với cái đẹp trong ký ức của họ. Thỉnh thoảng tôi nói đùa họ đa đoan qúa. Họ coi quê hương xưa cũ là chốn Thiên Đường đáng ao ước duy nhất trên đời dù cuộc sống hiện tại của họ là Thiên Đường trong mắt kẻ khác. Ước mơ mà cũng rượt đuổi không ngừng. Có lẽ cái mà mình tìm kiếm không có giá trị hơn sự tìm kiếm...
Còn tôi... một kẻ hoàn toàn có thể gọi sống trong thời tiên tiến hiểu rõ không có chuyện quay ngược thời gian. Nhưng tôi vẩn luôn ước mơ về một nơi rất xa. Nơi tôi lên năm lên bảy, đầu trần chân đất, tóc khét nắng ngày mấy bận chạy vèo vèo qua những cây cầu khỉ mà không cần tay vịn. Hay ngồi tỉ mỉ thắt những con cào cào bằng lá dừa, làm kèn bằng lá chuối. Nghêu ngao mấy bài đồng dao trẻ con. Trưa hè trong làn gió mát rượt nằm trên đám rơm còn thơm mùi đất gối tay lên đầu nhìn con diều lơ lững giữa tầng không. Tự hỏi sao trời xanh thế mây trắng đẹp thế rồi mây bay về đâu, đi đâu những câu hỏi mà không ai có thể trả lời thỏa đáng. Tôi gọi chốn đó là Thiên Đường dẫu Thiên Đường ấy mãi mãi không có lối để tôi tìm đến.
Nếu ai bán cho tôi một cái vé quay về tuổi thơ, tôi thề sẽ chẳng bao giờ mua chuyến khứ hồi.
Song Nhi
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...