Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Linh thiêng tiếng gọi Trường Sơn

Linh thiêng tiếng gọi Trường Sơn

Một năm sau, cùng với các đồng đội cũ, tôi lại có dịp trở lại đường 12A dâng hương lên Đài tưởng niệm “Đồi 37”. Giữa khung cảnh Trường Sơn xanh ngát, Đài Tưởng niệm nổi bật lên thật là hoành tráng, đẹp đẽ. Cho dù vậy, nhìn dòng xe hối hả xuôi ngược nối mạch kinh tế với nước bạn Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo, lòng vẫn thao thức không yên. “Liệu hôm nay còn bao người “nghe” được tiếng vọng linh thiêng từ Trường Sơn năm xưa?…”
… Cuộc chiến đấu trên đường 12A lên đèo Mụ Giạ – một tuyến đường-ngang nổi tiếng trong mạng lưới ngang-dọc Trường Sơn thời chống Mỹ, đặc biệt là trận địa bom “toạ độ” khốc liệt trên “Đồi 37” gần đây đã được nhắc đến trên một số báo chí và trong chương trình truyền hình trực tiếp tối 25.4 kỷ niệm đường Trường Sơn huyền thoại tổ chức bên “Hang Tám Cô” đường 20.
Nơi đó thường gọi là “km 21”, tính từ Ngã ba Khe Ve lên – một bên dốc núi cao, một bên vực thẳm, những đoàn xe ra mặt trận không có lối đi nào khác, mà bom “toạ độ” trút liên miên cả tháng trời. Ngày 18.6.1966, tôi đã suýt chết ở đây và đến đêm 3.7.1966, con đường bị chặt đứt, gần một tiểu đội TNXP và hai chiến sĩ công binh bị bom vùi lấp. Từ đó, địa danh “Đồi 37” ra đời; còn nay thì có người gọi là “Đồi Cha Quang” – do lấy tên một cây cầu nhỏ gần đó.
Sau những trận chiến đấu sinh tử ở đây, từ hơn 40 năm trước, Đại đội TNXP 759, Nguyễn Thị Kim Huế và Tiểu đoàn 2 công binh đã được phong danh hiệu “Anh hùng”, nhưng 7 chiến sĩ TNXP hy sinh trong trận ngày 3.7.1966 chưa mấy người biết đến và mãi đến gần đây, mộ của liệt sĩ Cao Xuân Châu mới tìm thấy; còn tại “Đồi 37”, mỗi khi đồng đội cũ trở lại thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ chỉ biết cắm vào một mô đất gom lại bên đường! Và cái mô đất như thế đã bị mưa lũ trên đại ngàn Trường Sơn đánh sụt xuống vực sâu hai lần!
Chính vì thế, chúng tôi trở lại “Đồi 37”, tìm thăm lại thân nhân các liệt sĩ để dựng cuốn phim tài liệu về cuộc chiến đấu trên đường 12A kịp trước ngày tỉnh Quảng Bình khởi công dựng Nhà Bia tưởng niệm các liệt sĩ trên Đồi Cha Quang ( tức “Đồi 37”) và đề nghị Nhà nước truy tặng 7 TNXP hy sinh ở đây danh hiệu tập thể anh hùng (7 liệt sĩ đều quê huyện Tuyên Hoá, gồm 2 nữ là Cao Thị Thường, Nguyễn Thị Thường và 5 nam là Cao Xuân Châu, Trần Trọng Khuyến, Trần Xuân Trường, Nguyễn Khắc Hiếu, Đinh Tân Thành).
Hai cựu chiến sĩ TNXP 759 là Nguyễn Thị Sâm, Trần Thị Huế và tôi được mời tham gia đoàn như là những “nhân chứng” cho cuộc chiến đấu bi tráng năm xưa. Hơn 40 năm trước, tôi là cán bộ kỹ thuật bảo đảm giao thông trên đường 12A, Trần Thị Huế từng là một tiểu đội trưởng gan góc trên “Đồi 37”, về sau được cử làm Đại đội phó 759 và nay là Thường trực Ban liên lạc cựu TNXP 759 anh hùng; còn Sâm chính là cô gái đã “sống lại” sau khi bị đất vùi trong trận 3/7/1966.
43 năm đã qua từ ngày ấy! Hai cựu TNXP 759 nay đã là “cụ bà” trên 60 tuổi. Các vong linh liệt sĩ liệu có biết chúng tôi đang tìm về gia đình các anh chị? Các bàn thờ nhỏ trên vách cao trống trơn, đến di ảnh cũng không còn! Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng của gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Thường ở xã Thạch Hoá, Nguyễn Thị Sâm sà đến nắm bàn tay nhăn nheo của mẹ Nguyễn Thị Kim nay đã 91 tuổi, nghẹn ngào:
– Mẹ! Con là bạn của Thường về thăm mẹ đây!…
Người mẹ già như ngơ ngác ngước nhìn chúng tôi, chỉ “ờ ờ” không nói được trọn câu. Huế cũng bước lại bên mẹ và hỏi:
– Mấy năm ni mẹ có khi mô nằm mơ thấy Thường về không?
– Không! Nó đi từ “sáu lăm” đến giờ…
Thế là mẹ vẫn nhớ, nhưng có lẽ không nghe được rõ câu hỏi của Huế; nhưng dù thật hay mơ thì mẹ vẫn biết là đã mất hẳn đứa con gái yêu quý của mình. Có điều, vết thương quá lâu ngày đã thành sẹo, nước mắt khóc con đã cạn lâu rồi, nét mặt và giọng nói của mẹ cứ lạnh khô. Hình như mẹ cũng không còn bận tâm gì đến những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và “Huân chương” đã phai màu mà anh Nguyễn Song Loan – em trai của Thường – mang ra cho phóng viên ghi hình.
“Của tin còn một chút này”… Vậy là vẫn còn…Còn hình ảnh người mẹ thay thế cho di ảnh liệt sĩ. Mẹ của một liệt sĩ nữa là Đinh Tân Thành ở xã Lâm Hoá, may mắn còn sống: Mẹ Cao Thị Kham. Tuy đã 90 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng nước da mẹ trắng hồng và tay vẫn điều khiển cối quết trầu một cách khéo léo.
Một điều thật bất ngờ, khi chúng tôi ghé thăm gia đình liệt sĩ Cao Thị Thường ở xã Thạch Hoá thì bỗng nhận được một thông tin thật có ý nghĩa trong chuyến đi hôm nay. Em trai của liệt sĩ – từng là một chiến sĩ công an vũ trang trên đường 12A cho biết: năm ngoái, ông đã tìm thấy mộ của Cao Xuân Châu tại nghĩa trang huyện Minh Hoá. Vậy mà bấy lâu gia đình và đồng đội của liệt sĩ đều băn khoăn không biết di hài của anh đã thất lạc đi đâu. Sau trận ngày 3/7/1966, các liệt sĩ được mai táng ở thung lũng La Trọng, khi dời về Nghĩa trang Binh trạm 12 ở Tân Ấp thì không thấy mộ của liệt sĩ Cao Xuân Châu đâu nữa. Hơn bốn chục năm qua rồi, tưởng là cuộc kiếm tìm vô vọng như biết bao nhiêu liệt sĩ còn nằm lại trên các nẻo đường. Cho đến hôm nay…
Thế là chúng tôi quyết định thay đổi lịch trình. Chiếc xe xoay hướng đi lên Nghĩa trang huyện Minh Hoá. Miền Tây Quảng Bình, mới đầu hè mà nắng sớm đã gay gắt. Những nấm mộ san sát lặng im dưới nắng và không hương khói. Thì nghĩa trang của một huyện vùng sâu heo hút, thường chỉ dâng hương vào ngày Thương binh liệt sĩ “27-7”, chứ đâu phải như Nghĩa trang Trường Sơn luôn có khách viếng thăm, nhất là dịp kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn. Có lẽ nhiều người chưa biết, những liệt sĩ có tên và chưa biết tên còn nằm ở rất nhiều nghĩa trang khác nữa, như nghĩa trang của Binh trạm 12 tại Tân Ấp, nghĩa trang của “Ban 67” trên vùng đồi phía Tây Đồng Hới… Và hôm nay chúng tôi bất ngờ tìm thấy đồng đội của mình hy sinh trên “Đồi 37” đường 12A từ 43 năm trước tại Nghĩa trang huyện Minh Hóa.
Trong khi Nguyễn Thế Tường và phóng viên Đài Truyền hình tìm chỗ đặt máy quay toàn cảnh Nghĩa trang huyện Minh Hóa, chúng tôi chia nhau đi dọc các hàng bia mộ…Đây rồi! Tôi đã đọc thấy tên những đồng đội cũ thân thuộc và kêu to:
– Huế ơi! Sâm ơi! Đúng đây rồi!… Cao Xuân Châu hy sinh ngày 3.7.1966…Cả mộ của Thường nữa…
Huế đốt vội mấy thẻ hương, còn Sâm bước nhanh lại rồi ngồi thụp xuống, hai bàn tay như muốn ôm lấy người bạn gái xa cách đã 43 năm, đôi mắt nhoà lệ. Hai chị em cùng quê, cùng lứa tuổi “em út” của đại đội, những đêm mưa trắng rừng Trường Sơn, nằm ôm nhau trong hầm từng tỉ tê cười đùa hẹn nhau ngày về sẽ cùng chọn chồng một quê, ai ngờ bạn phải nằm lại nơi hẻo lánh này …
Tôi cũng không cầm được nước mắt. Không chỉ vì nỗi thương nhớ đồng đội, mà còn vì xót xa khi bên mình có nhiều ngôi mộ vô danh nằm cạnh những người con của rất nhiều miền quê trên khắp miền đất nước. Mà đây chỉ là nghĩa trang của một huyện miền núi xa xôi!…
Nỗi buồn thương rồi cũng qua khi chiếc xe lăn bánh trên con đường 12A nay đã được mở rộng, trải nhựa suốt đến tận đèo Mụ Giạ, những trọng điểm Khe Ve, La Trọng, Y Leng, Bãi Dinh…đều có cầu mới bắc qua, bà con dân tộc Khùa, Mày quần tụ cùng vui với con đường đang hồi sinh một cách mạnh mẽ. Không như những tuyến đường-ngang khác như đường 20 (qua “hang Tám Cô”), đường 10, 16 – nay hầu như chỉ để “lưu niệm” và có phần hoang vắng, thỉnh thoảng mới thấy xe lâm nghiệp, biên phòng chạy qua – đường 12A với cửa khẩu Cha Lo hoành tráng vừa được xây dựng mới, là một tuyến đường trọng yếu trong việc giao lưu kinh tế với nước bạn Lào, nay đã được kéo dài tận cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Hòn La (Quảng Bình), ngày đêm những chiếc xe trọng tải lớn chở gỗ, thạch cao từ Lào nối nhau về xuôi. Đang có cả dự án mở rộng đường 12A gấp đôi và xây dựng tuyến đường sắt từ Lào ra biển Đông qua đèo Mụ Giạ. Bên trận địa “Đồi 37” năm xưa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình sẽ khởi công xây dựng công trình “Nhà Bia tưởng niệm” các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập và Tự do của Tổ quốc.
Bây giờ thì nơi thắp hương tại “Đồi 37” vẫn chỉ là một mô đất đá nhỏ ven đường. Chị Hồ Thị Lan, dân tộc Khùa, từ bản Y Leng về xuôi, nghe chúng tôi kể qua trận chiến sinh tử năm xưa ở đây, đã xin một nén hương để kính viếng hương hồn các liệt sĩ.
Vậy là vẫn còn… Không chỉ là những ngôi mộ. Mà là những tấm gương hy sinh vì nghĩa lớn và tấm lòng tri ân của hậu thế. Trở về Huế mấy hôm, tôi nhận được lá thư của Nguyễn Thị Sâm. Người cựu TNXP rất ít nói, hầu như không bày tỏ “ý kiến” gì trong chuyến đi, nay tâm sự với tôi (mà cô gọi là “người cán bộ xưa”):
“…Em rất cảm ơn Đoàn cán bộ truyền thống cách mạng đã cho em đi thắp hương cho đồng đội và người bạn gái thân của em đã hơn 40 năm trôi qua, nay mới biết chỗ yên nghỉ của bạn mừng mừng tủi tủi trước nén hương. Bạn ơi, tôi cùng chung một chí hướng – một chút nữa tôi cũng nằm chung hàng với bạn ở đây – tôi may mắn được đồng đội nhanh tay cứu sống, tôi và bạn phải hai người hai ngả – bạn ở đây toàn người chiến trận 4 phương, lớp người chiến thắng, lớp người anh hùng của dân tộc…Đoàn cán bộ đã cho em đi hết con đường 12A… Ôi! Con đường mới rộng thênh thang như đường thành phố vậy! cứ đi một đoạn cho em xuống nhìn ngắm cảnh để ôn lại ngày xưa…Khi trận “Đồi 37” đã đồn về nhà em đã chết. Em rất muốn cho con cháu em biết người mẹ, người bà trong kháng chiến là vậy…”
Tôi ghi lại nguyên văn vài đoạn trong lá thư còn đôi chỗ vụng về của Sâm để thấy tấm lòng của các “cựu binh” đường 12A luôn nhớ về đồng đội đã ngã xuống trên con đường lịch sử này và nỗi vui mừng trước cảnh tượng mới, trước viễn cảnh đẹp đẽ của đường 12A.
***
Chuyến trở lại đường 12A trên đây, tôi đã viết đăng trên báo “An ninh thế giới” cuối tháng năm 2009. Đầu năm 2010, bất ngờ tôi lại nhận được thư của Nguyễn Thị Sâm. Gọi là “bất ngờ” vì “bà lão” TNXP ở nơi heo hút, ít nói năng và viết lách thì xem ra rất khó nhọc.
Lá thư này, Sâm định viết cho tôi từ tháng 7 năm ngoái, sau khi tôi gửi tờ báo “An ninh thế giới” nói trên cho Sâm và cô chứng kiến chuyện linh ứng có thể nói là kỳ diệu, như nguyên văn cô đã viết: “…Sao tờ báo của anh thiêng liêng đến thế. Người trên trần nghe đọc nước mắt tuôn, người dưới đất nghe đọc cũng nhật mình hiện lên…” Thế đó, cô viết chữ “giật” thành “nhật” nên tôi đành phải “chép lại” nội dung lá thư của “người em gái chiến trường” – danh hiệu mà Sâm đã tự xưng.
“…Em định viết thư cho anh từ hồi tháng 7 nhưng em cầm bút lên tay viết mấy dòng, nhìn lại nét chữ, hành văn thấy buồn cười và mắc cỡ – văn hoá thì bình dân, chữ thì giống gà bới… Nay em phải cầm bút và “người bạn linh thiêng” giục em cầm bút viết và cảm ơn người viết bài báo…
Anh Phê ơi! Khi em nhận được tờ báo của anh, theo lời anh dặn, em phô-tô tờ báo đưa cho mẹ của Nguyễn Thị Thường… Em bước vào nhà nghe mùi hương thoang thoảng, thấy bà ngồi thừ ra trên chiếc ghế. Bà ngửng đầu lên thấy em rồi nói: “Con mà đi nhanh chút nữa thì chung cơm với bạn con rồi!” Em đứng lặng một lúc rồi đưa tờ báo cho cháu bà; cháu bà đọc cho bà nghe, nước mắt bà tuôn ra dầm dề. Bà nắm tay em mân mê và nói: “Không biết sống được bao lâu nữa, tuổi đã ngoài 90 rồi…” Em nói: “Bà sống đến ngày hôm nay là quý lắm rồi, lại được đón đứa con liệt sĩ anh hùng của dân tộc anh hùng trở về. Bà rán sống thêm ít nữa để xem đất nước đổi mới…”
Em về nhà, vài hôm sau thì Thường lại “đến” nhà em. Em hỏi: “Ở mô về đó?” Thường nói: Ở “km 21” chứ mô nữa!” Thường đến ngồi sát với em trên giường, em thì chăm chăm nhìn bạn, còn bạn thì chẳng nhìn em. Em thấy trong tay Thường cầm tấm vải, em bảo đưa tấm vải xem có đẹp không? Thường đưa tấm vải cho em thấy nhẹ tâng. Em kêu “oa…”, mở mắt ra chẳng thấy Thường đâu nữa nhưng từ đó những hình ảnh ở đơn vị em đều nhớ hết… Anh Phê ơi!… Em không hiểu nổi vì sao ngòi bút của anh thiêng liêng đến thế. Chắc ngòi bút Bác Hồ tặng cho anh thì phải…”
Sâm đã quá đề cao bài viết của tôi. Đúng ra, sự thiêng liêng chính là từ linh hồn của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường, là tình mẹ con, tình đồng đội không bao giờ đứt đoạn dù Thường đã sang “thế giới khác” gần nửa thế kỷ… Tôi tin những điều Sâm kể là thật; một bà lão viết sai chính tả, câu cú, hẳn là không thể bịa chuyện (“cô Sâm” TNXP chết sống lại mấy chục năm trước nay đã là lên lão “lục tuần” – chỉ Thường là vẫn trẻ, “những người chết còn trẻ mãi” – nhà văn Đức Ana Dêgớc đã viết  như thế); và không ai “bịa” trong một câu chuyện thiêng liêng như thế này. Vả lại, chỉ có những liệt sĩ hy sinh trong ngày 3.7.1966 như Thường mới gọi nơi “cửa tử” này là “km 21” – tên cột cây số tính từ ngã ba Khe Ve lên; cô không biết sau này nơi đây đã mang tên “Đồi 37”…
Chuyện tâm linh bây giờ không còn ai cho là mê tín nữa. Tôi chỉ phân vân vì sao năm ngoái, khi chúng tôi về thăm mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường, mẹ bảo “nó đi từ sáu lăm đến giờ, chưa lúc mô mơ thấy nó về”; vậy mà lúc Sâm mang tờ báo đến thì mẹ lại vừa “thấy” Thường về chung mâm cơm với gia đình… À, phải rồi; không phải “ngòi bút” của tôi “thiêng liêng” mà chính nhờ chúng tôi vừa lên thăm mộ cô trước khi về thăm mẹ. Và Sâm đã ôm ngôi mộ người bạn gái khóc lóc, tỉ tê như thế, “người dưới đất” tất phải động lòng. Mấy ngôi mộ này trước đặt ở La Trọng, chuyển về Nghĩa trang Minh Hoá đã lâu, nhưng gia đình không biết…Mấy chục năm đã qua, bao nhiêu là đổi dời, hương hồn các liệt sĩ có thể đã lạc mất đường về quê? Đó là chưa nói đến sự quên lãng…
Quả là đã có những kẻ quên lãng – thật đau đớn, trong số đó lại có không ít tên mang danh là người tiếp nối sự nghiệp đội quân mở đường anh hùng ngày trước, nhưng chỉ nhăm nhe lợi dụng khe hở “đục khoét” các dự án hàng trăm, hàng ngàn tỷ về xây “biệt phủ”, ăn chơi sa đọa! Cũng may là đồng đội các liệt sĩ trên đường 12A thì vẫn luôn ghi nhớ, vẫn nghe được  tiếng gọi linh thiêng từ Trường Sơn vọng về nên vào lúc tôi ghi những dòng này, từ Quảng Bình, Trần Thị Huế, nguyên là đại đội phó Đại đội TNXP 759 anh hùng, vui mừng tin cho biết:  Tháng 7 này, Tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức đón quyết định của Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu tập thể anh hùng cho tiểu đội cảm tử đã hy sinh trên “Đồi 37”. Và ít lâu sau, Chủ tịch Nước cũng đã truy tặng liệt sĩ Trần Đức Hè danh hiệu Anh hùng, hầu như cùng lúc tại “Đồi 37”, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ do cán bộ, công nhân ngành giao thông Quảng Bình góp tiền lương xây dựng, vừa được Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch cấp bằng chứng nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia…
Một năm sau, cùng với các đồng đội cũ, tôi lại có dịp trở lại đường 12A dâng hương lên Đài tưởng niệm “Đồi 37”. Giữa khung cảnh Trường Sơn xanh ngát, Đài Tưởng niệm nổi bật lên thật là hoành tráng, đẹp đẽ. Cho dù vậy, nhìn dòng xe hối hả xuôi ngược nối mạch kinh tế với nước bạn Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo, lòng vẫn thao thức không yên. “Liệu hôm nay còn bao người “nghe” được tiếng vọng linh thiêng từ Trường Sơn năm xưa?…”.
Quảng Bình - Huế, 26/7/2010
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: Trích từ sách “Đãi cát lấy vàng” - Tập Ghi chép & Tản văn - NXB Tổng hợp TPHCM, 2018
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...