Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Đục hay trong sông cũng đổi dòng rồi

Đục hay trong sông cũng đổi dòng rồi

Câu thơ cũ đợi chiều về xao xác/ Đục hay trong sông cũng đổi dòng rồi/ Từ lâu lắm giữa một miền yên gió/ Lại tạt về một cơn bão đơn côi?.
NHẬT KÝ CÁNH ĐỒNG
Tôi trở về khi mùa lũ đang lên
Mẹ ngoi ngóp dưới đồng xa cấy dặm
Hạt gạo ở quê những ngày giáp hạt
Như gầy hơn gạo của thị thành.
Đêm ở làng bỗng chợt dài hơn
Không xao xác tiếng gà gáy sáng
Mẹ tất tưởi gánh rau đi chợ bán
Cố gồng mình cho kịp buổi chợ đông.
Bữa cơm chiều ngoài bát canh suông
Có đĩa thịt mẹ vừa đi ký vội
Có tiếng nấc như vừa nghẹn lại
Cơn mưa chiều đừng ướt áo tôi đi.
Cánh đồng làng còn trắng nước thế kia
Đến bao giờ mới sang mùa gặt
Lời ru thuở gừng cay, muối mặn
Lại cất lên từ cây lúa nghẹn đòng.
Để mỗi lần lạc lõng giữa phố đông
Tôi vẫn có miền quê này che chở
Heo may chợt như một hơi thở nhỏ
Lúa quê mình sau lũ lại quần bông.
CÒN CHĂNG LÀ TIẾNG THỞ DÀI BƠ VƠ
Trước thềm nhà, rớt bó hoa
Thôi thì cứ nghĩ đấy là ai quên,
Không địa chỉ, chẳng tuổi tên
Tuổi này còn có ai đền cho ai?
Lặng rồi cái thuở ban mai
Còn chăng là tiếng thở dài bơ vơ
Trái tim lạ đến không ngờ
Hình như ta chửa bao giờ quen nhau!
Thôi đừng làm bó hoa đau,
Cái cần tặng đã nhạt lâu lắm rồi.
Người ơi, xin tặng lại người
Bông hoa quên lãng của thời đã xa.
Cũ người và cũng cũ ta
Lọ hoa giờ đã thay hoa mới rồi.
GẶP Ở CHIỀU THU
Dặt dìu trong tiếng gió thu
Nghe đâu đó, tiếng chim gù ngọt hơn.
Mây chiều chẳng rõ nguồn cơn
Cứ sầm sập, cứ dỗi hờn… mà mưa.
Vần gieo từ những ngày xưa
Mà sao sâu lắng vẫn chưa trọn bài?
Hình như mỗi đoạn đường dài
Còn vương lại những hình hài mông lung.
Thu còn mới mẻ gì không
Cho ta cơn cớ chờ mong gió lùa?
Gặp bông hoa huệ cuối mùa
Vẫn tươi tắn nở góc chùa phong rêu!
TRÍCH ĐOẠN CÙNG THU
Này nỗi nhớ, khóc xong rồi buông nhé
Hoài niệm chi, u uất mà chi
Lá bây giờ không còn của vườn xưa
Hoa đã khác và mùa thu cũng khác.
Câu thơ cũ đợi chiều về xao xác
Đục hay trong sông cũng đổi dòng rồi
Từ lâu lắm giữa một miền yên gió
Lại tạt về một cơn bão đơn côi?
Mùa cũ ạ, thôi đành thú nhận
Câu thơ tôi còn bóng dáng của người
Sau im lặng, sau rất nhiều giận dỗi
Là cội cành, cơn cớ của yêu thương
Và tôi ạ, sau rất nhiều chấm lửng
Lòng tôi còn một trích đoạn cùng thu
Trong dấu ngoặc đơn tôi cũng không ngờ
Mùa đã khác sao bão bùng chẳng khác?
TẠP CẢM MÙA
Cây vừa trút lời xao xác lá
Em hay là mùa cũ đang qua
Giời như rắc bao nhiêu lững thững
Có con đường đi mãi, chẳng thể qua!
Lối rẽ cũ, cỏ xanh biền biệt
Hoa vẫn vàng, mùa vẫn đa đoan
Xa lắc ấy có nỗi buồn đi vắng
Cây đã rừng, ký ức cũng xanh rêu.
Xào xạc chút cho mùa xao động nhé
Gió sương giờ như tiếng nấc nghẹn thôi
Ta nhặt nhạnh nỗi buồn vương vãi
Cho mùa về, quả đằm thắm sinh sôi.
Mùa đã hẹn sao mùa còn lỡ hẹn
Gió mưa à, cứ rét thật lòng đi
Ta sợ lúc không còn giông gió nữa
Thì xanh ơi, xanh còn nghĩa lý gì!
VỤN VẶT VỚI MƯA
Có gì ở phía xa xôi
Nắng còn đang nắng mà trời đã mưa?
Mưa từ xa xửa xa xưa
Mưa từ cái thuở lòng chưa mở lòng?
Thơ em, giọt giọt ròng ròng
Ướt cho cả những không cùng cơn mưa
Bàn tay đủ nắm chặt chưa
Để em tránh vết trơn xưa buồn phiền?
Giọt nào lạnh? Giọt nào hiền?
Giọt nào gợn sóng từ miền chưa mưa?
Giọt nào đủ ấm vào thơ
Giọt nào đủ mát giấc mơ chưa tròn?
Hình như những giọt vui – buồn
Thường trong trẻo ở cội nguồn thương yêu!
CHO MỘT LẦN KHAU VAI
Mỗi lần thầm nhắc Khau Vai
Hình như trong nỗi niềm ai cũng từng
Tiếng khèn vấp đá ngập ngừng
Cuộc tình nào phủ xanh rừng, rừng ơi!
Không đi trọn vẹn cuộc người
Thì thôi tìm đến góc trời thả đau
Vẫn còn suối cạn, thung sâu
Là còn nối để cho nhau được về.
Cởi cho toang những hẹn thề
Vò cho nhàu nát não nề, dở dang
Quẳng đi phiền muộn nhỡ nhàng
Đêm nay trời đất ngập tràn thương yêu.
Hình như còn một mái lều
Đang chống chếnh giữa rất nhiều ban mai
Người à, em đúng hay sai
Khi để lỡ một Khau Vai của mình.
1/8/2022
Phạm Hồng Oanh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...