Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Hai chấm sao xa

Hai chấm sao xa

Tôi muốn làm vợ Huy. Ý muốn ấy cứ lần khân trong đầu, mãi cho tới tối hôm qua, lúc đóng cửa phòng, một mình nằm xem bộ phim Dấu ấn chuồn chuồn và thấy Kevin Costner trong vai người đàn ông mạnh mẽ, ôm trước ngực đứa con bé nhỏ trần truồng vừa tìm thấy được giữa mênh mông núi cao rừng thẳm, tôi mới nhận ra không có người đàn ông nào yêu tôi nhiều như Huy và cần có tôi như Huy. Tôi với tay lấy cái remote, chỉa vào màn hình, ấn nút. Sau khi Kevin và đứa con trai bé bỏng biến mất, tôi bấm điện thoại gọi cho Huy: "Anh còn muốn cưới em ?". Tôi nghe hơi thở của Huy, nhịp tim của Huy. Tôi để nhịp tim gõ liên hồi vào tai mình. Tôi nghe giọng Huy thì thào: "Em…em không đùa…" và nghẹn lời. Tôi nói như hét: "Ngày mai em ra với anh !". Dứt lời tôi khoá máy. Tôi sợ tôi sẽ không giữ nổi quyết định bất thần đó nếu tiếp tục nói và nghe Huy nói.
Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ ngủ vùi, ngồi trước gương săm soi lại cái nhan sắc chẳng mấy trội nổi của mình, tôi thấy thiếu tự tin, lại chùng chình…Lúc ở phòng vé, lưỡng lự một hồi, tôi quyết định đi chuyến bay 16 giờ 30 dù biết Huy đang trông đứng trông ngồi. Như vậy, Tôi và Huy sẽ gặp nhau lúc nhập nhoạng, và trong không gian hư hư thực thực của đêm và ngày, nếu nhìn nghiêng, sóng mũi của Huy cũng thẳng như sóng mũi của Kevin và ánh mắt anh cũng thăm thẳm như vòm trời đêm; còn vết sẹo bằng nửa đồng xu ở cuối đuôi mắt trái của Huy, kể cả nốt ruồi khá đậm ở khoé miệng và những chấm tàn nhang trên cánh mũi của tôi cũng sẽ không nhìn rõ. Tuy vậy, lúc ngồi vào chiếc ghế cạnh cửa sổ và thắt dây an toàn, khi nghe âm thanh rọt rẹt từ loa phóng thanh, tôi lại mong có sự bất thường về thời tiết hay một hỏng hóc ở bộ phận nào đó buộc phải hoãn chuyến bay lại vài giờ. Tuy nhiên, không có một sự cố bất ngờ nào cả, thời tiết tốt, mây trắng vẫn bay cuồn cuồn bên ngoài cửa sổ cho đến khi hoàng hôn lịm tắt cũng là lúc thấy ánh sáng hực lên từ  sân bay Nội Bài.
Trong đám đông lố nhố đón đợi bên ngoài cửa kính, Huy nhón lên, rướn người về phía tôi, đưa tay vẫy rối rít. Anh lách khỏi đám đông, chạy ào đến trước mặt tôi, nhìn một lượt từ đỉnh đầu cho tới mũi giày, nắm chặt lấy bàn tay tôi, hụp hưởi: "Chạm được vào em như thế này anh mới tin mình không phải đang nằm chiêm bao". Vừa nói anh vừa choàng chiếc áo lông to xù lên vai tôi: "Anh biết em lúc nào cũng mặc phông phanh !". Cái lạnh cuối xuân chưa kịp chạm vào da thịt, hơi ấm của chiếc áo lông đột ngột phủ lên người tôi. Huy đọc được thời tiết trên mặt tôi, anh nói: "Chịu khó mặc ấm em sẽ không bị cảm ! Tôi cười nhẹ: "Biết đâu em lại muốn bị cảm!". Huy cũng cười, kéo tay tôi chui vào băng sau của một chiếc taxi: "Em muốn cảm muốn cúm gì cũng được nhưng không phải hôm nay !". Trong suốt quãng đường từ Nội Bài về Hà Nội, có lẽ do chiếc áo lông quá dày mà tôi và Huy không chạm được vào nhau dù ngồi sát bên nhau.
Khi mở cửa căn phòng mà Huy đã đặt sẵn trong một khách sạn nằm cạnh một mặt hồ mơ màng bóng liễu, tôi sững lại. Hoa hồng. Thật nhiều hoa chúm chím, rưng rưng vươn cao trên một chiếc bình pha-lê lóng lánh. Hoa hồng còn phản chiếu đỏ rực từ những mặt gương của bàn trang điểm, của tủ áo quần và mặt kính của những khung cửa. Không nhìn Huy, tôi nói như reo: "Thích qúa, em cảm ơn anh !". Huy buông hành lý xuống, kéo tôi lại thật gần: "Anh sẽ làm cho em hạnh phúc, thật hạnh phúc !" rồi anh cúi đặt cái hôn vào tóc tôi và hấp tấp tìm kiếm môi tôi. Khi cái cảm giác gần gụi gần như không còn khoảng cách, tôi bừng tỉnh, vội xô Huy ra: "Mình …mình đi ăn đi anh, em đói !". Huy chưng hửng. Anh buông thỏng hai tay, thở dồn dập và bước đến mở cửa tủ lạnh, lấy chai Lavie uống một hơi hết sạch nửa lít nước, vứt mạnh vỏ chai vào sọt rác. Trút hết bực dọc vào sọt rác, Huy lại bối rối như mình có lỗi. Anh vội vàng vứt hết hành lý của tôi vào ngăn tủ, rồi dịu dàng nắm lấy tay tôi: "Đi, mình sẽ tìm món gì ngon nhất !". Lúc ăn xong, trên đường về, dù đã no cành hông, Huy vẫn ghé hiệu trái cây và bánh ngọt mua cho tôi cả túi. Tôi vùng vằng không chịu mang túi quà lên phòng. Huy kỳ kèo, buộc tôi phải nhận. "Anh không sợ em lù lù như chiếc hủ lô ?", tôi hỏi. Huy siết bàn tay tôi: "Em có như thế nào đi nữa anh cũng yêu em và muốn được sống bên em !".
Huy cũng đã nói đúng như thế lúc tôi nhập viện và phải trải qua một cuộc phẩu thuật. Anh đã hộc tốc bay vào dù tôi đã nài nỉ xin anh đừng có mặt.Tôi không muốn anh tận mắt nhìn thấy nỗi đau và san sẻ nỗi đau mà ắt hẳn không chỉ là nỗi đau da thịt. Tuy nhiên, khi có anh bên cạnh, cái đau và nỗi đau của tôi vơi đi rất nhiều. Anh nắm chặt bàn tay xanh lả của tôi: "Có anh em đừng lo gì cả !". Bỗng tôi oà khóc: "Nhưng cắt mất buồng trứng, em sợ em không thể sinh con !". Anh cúi xuống lau nước mắt cho tôi: "Em ngốc lắm, em vẫn còn một buồng trứng mà, em có thể sinh ra cả một tiểu đội, lo mà nuôi chúng !". Hơi cồn, hơi thuốc, hơi thở đàn ông từ Huy cứ xoắn lấy tôi: " Nhưng…lỡ cái buồng trứng còn lại cũng không khoẻ mạnh ?". Anh vọt miệng: "Thì mình xin con nuôi !". Huy nói dứt khoát như đã trù tính trường hợp xấu nhất có thể xảy đến cho tôi và cho tương lai của anh. Bỗng anh xốc đầu tôi lên và ôm chặt trong cánh tay, lập lại: "Em có như thế nào đi nữa anh cũng yêu em và muốn được sống bên em !". Tôi thấy nước mắt mình trào ra. Tôi biết anh nói thật. Cho dù tôi có mất cả hai buồng trứng, thậm chí là bị cắt mất cả tử cung đi nữa anh vẫn yêu và vẫn muốn có tôi trong đời anh.
Tôi ngồi tốc dậy. Hoa hồng ngào ngạt hương. Chiếc áo lông mà Huy choàng cho tôi từ lúc ở sân bay vẫn máng trên thành ghế. Túi bánh trái để nguyên trên đầu tủ lạnh. Tôi không thấy đói mà thấy có cái gì đó khiêng cưỡng và bất an. Lẽ ra tôi đang cuộn tròn trong vòng tay Huy. Lẽ ra tim tôi đầy ắp Huy. Lẽ ra trong đầu tôi không lướng vướng những câu hỏi và lửng lơ lời đáp. Và lẽ ra tôi phải lắng nghe những lời đáp thẳng thừng, rằng tôi đang tự lừa tôi. Tôi bay ra với Huy vì tôi chạy trốn sự cô quạnh. Tôi muốn làm vợ Huy vì tôi không muốn tiếp tục chống chọi với cuộc sống đơn chiếc của mình. Tôi quá ngán tháng ngày thui thủi đi về. Tôi cũng ớn cảnh cuộn tròn trong mền nằm xem những bộ phim có quá nhiều cảnh ái ân và hình ảnh mái ấm gia đình. Sáng mai khi Huy đến, tôi sẽ nói hết với anh. Anh xứng đáng để tôi cư xử thành thật và anh xứng đáng để sống với một người đàn bà thật sự yêu anh. Tôi thiếp đi trong dự định của một người đàn bà muốn được sống chân thành.
Những hồi chuông điện thoại đánh thức tôi dậy. Mở cửa. Mặt mày rạng rỡ, Huy dúi vào tay tôi một bó hồng vàng.Tôi như nghẹt thở trước bó hồng.Tôi biết mình là con vịt lem luốc vừa đựơc lột xác thành con thiên nga trắng muốt. Nhìn những bông hoa đẫm sương và nhìn vào đôi mắt long lanh hạnh phúc của Huy, trong tôi chợt trào lên cảm giác háo hức của kẻ được chắp cánh.Tôi thấy mình không còn chạm vào chiếc thảm đỏ dưới chân.Tôi đang được nhắc hẫng lên trong cánh tay tình yêu vạm vỡ của Huy.Trong nắng mai tràn đến từ các khung cửa sổ, tôi thấy tôi giá trị hơn, hồng hào hơn, xinh đẹp hơn và đang nắm giữ cơ hội hạnh phúc mà hiếm có người đàn bà nào đủ phẩm hạnh để khước từ. Huy trịnh trọng gỡ bó hoa từ tay tôi đặt lên đầu giường. Anh nhìn tôi, âu yếm: "Mình đi ăn sáng rồi đi chơi xa đi, em !". Lời đề nghị của Huy vô tình bóp chết những dự định thành thật trong tôi, đồng thời cũng giải thoát cho tôi trước trạng thái tiến thoái lưỡng nan của kẻ muốn sám hối mà không đủ dũng khí.
Sau khi ăn sáng, uống cà phê và hít thở thoả thê làn gió hồ Tây, Huy hỏi: "Em muốn đi đâu ?". Tôi nói ngay: " Đi chùa…Tây Phương!". Huy hưởng ứng. Anh nói lúc bé, anh cũng thường theo mẹ đi chùa, ngôi chùa duy nhất của cái làng nằm cạnh một con sông quanh năm nước chảy lửng lờ. Mẹ thường vái lạy thật lâu trước tượng phật. Còn cậu bé thì thấy sờ sợ ánh mắt từ chân dung của những người chết trẻ đựơc gởi vào chùa, sợ cả ánh mắt không nhìn vào ai của đức phật. Tuy vậy cậu bé vẫn thích con đường nhiều hoa dại, nhiều bướm, nhiều chuồn chuồn, nhiều tiếng chim dẫn đến ngôi chùa. Cậu bé chạy trước mẹ một quãng, đuổi theo mấy con bướm sặc sỡ, mấy con chuồn chuồn láu lỉnh để rồi tụt lại phía sau và lại co chân dốc sức đuổi theo mẹ. Vào chùa, mặc khói cay xè con mắt, mũi cậu bé phập phồng hít thở mùi hương nhang khói và tò mò nhìn mẹ cúi đầu lầm rầm khấn lạy. Với cậu, mẹ là bồ tát, là cô tiên, là hạnh phúc tuổi thơ ngắn ngủi và tức tưởi. Mẹ anh đột ngột ra đi sau một cái trượt chân té ngã ở bờ sông, nơi bóng mát Bồ đề không vươn tới. Huy bần thần nhìn mặt hồ cồn cào những đợt sóng rồi quay lại giục: "Mình đi đi, em !". Xe đi chưa hết con đường Thanh niên, điện thoại trong túi tôi reo. Má tôi gọi từ ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ của bà. Má nói thật to vào máy: "Không có người đàn ông nào tốt hơn Huy đâu, con !". Tôi cũng nói to không kém: "Má đừng lo, con với anh ấy đang trên đường đến viếng một ngôi chùa…". Má mừng rỡ: "Con nhớ van vái phật trời !". Tôi "dạ, dạ.." và tắt máy.
Vào chùa, người thành tâm van vái phật trời lại là Huy. Anh đốt một nắm nhang, phẩy mạnh cho ngọn lửa đang cháy vụt tắt và cầm bó nhang nghi ngút khói, men theo lối đi mà vô số chúng sinh đã đi và ước nguyện. Huy như không muốn nhắc chân khỏi mười tám pho tượng của các vị La Hán trong thế đứng ngồi khác nhau được đặt gần nhau trong một không gian hẹp, nhờ nhờ sáng tối sau gian chánh điện. Anh đứng yên lặng trước vẻ mặt đau đớn và hình hài khổ ải của những vị chân tu. Tôi đứng gần các vị chân tu hơn anh nửa bước chân, chăm chú nhìn và chợt nhớ lỏm bỏm mấy câu thơ của nhà thơ Huy Cận "Mỗi người một vẻ, mặt con người. Cuồn cuộn đau thương cháy ngút trời…Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi". Và không cưỡng được, tôi chồm người tới và đưa một ngón tay, bất chấp dòng chữ  "không được sờ tay vào hiện vật" đặt trong tầm mắt, sờ vào cái lồng ngực trơ xương của một vị La Hán. Huy"suỵt" một tiếng và kéo tôi lại. Đầu ngón tay tôi không dính dấp chút mồ hôi nào mà chỉ nham nhám lớp bụi thời gian.
Năm tháng còn hằn trên những lớp rêu bợt bạt bám vào những vuông gạch trên sân chùa. Tuy sân chùa, rất tiếc đã không còn là không gian tĩnh lặng. Tôi cúi nhặt mấy bông sứ trắng muốt vừa rời cành và Huy mới giương máy ảnh chưa kịp "bấm cò", liền bị bao vây bởi những người buôn bán đang bày hàng la liệt khắp sân chùa. Để thoát khỏi đám người đon đả chào mời, tôi sà xuống một gian hàng, chọn mua những con chuồn chuồn được làm bằng tre và trên đôi cánh có bốn chữ "kỷ niệm Tây Phương" bằng mực bút lông màu xanh hoặc tím. Khi tôi đặt cái ức của con chuồn chuồn tỳ vào một điểm tựa là đầu ngón tay mình, đôi cánh con chuồn chuồn cứ chấp chới, chấp chới như muốn được bay lên, bay lên và mất hút mà chẳng thèm lưu lại một "dấu ấn" nào. Còn Huy, anh chăm chú đọc những dòng thư pháp trên nhiều bức tranh sắc hình loè loẹt và chọn mua một bức ít màu mè vẽ cảnh non nước và những điều phật dạy. Nhìn Huy cuộn tròn bức vẽ cho vào túi, tôi trêu: "Đến giờ anh mới học những điều phật răn là quá muộn!". Huy cười cười: "Người học phải là…em!".
Biết Huy chỉ nói đùa, nhưng khi bước đến bậc đá ong cuối cùng trước khi bước xuống đường, tôi ngoái lại nhìn ngôi chùa một lần nữa, dù chẳng thấy được gì ngoài  cái mũi hài cong cong của mái chùa, tự dưng, tôi muốn quay ngược lên chùa. Dường như tôi chưa thắp được một nén nhang thành kính. Tâm hồn tôi cần được tẩy rửa, được soi rọi, chí ít là sự thoả hiệp ngấm ngầm với cái hèn của kẻ sợ cô đơn và nỗi sợ còn lớn hơn là sợ thiên hạ soi mói vào nỗi cô đơn của mình. Nhưng đôi chân tôi đã mỏi nhừ. 237 bậc đá bỗng thành đỉnh Hymalaya vòi vọi. Thấy tôi lựng khựng bước, Huy níu lấy tay tôi, đưa tôi vào quán nước, nơi anh đã gởi xe và hai chiếc nón bảo hiểm.
Ngồi dưới bóng mát của cây đa có đến vài trăm tuổi, tôi cùng Huy uống hết bốn ly trà nóng, ăn hết hai thanh kẹo gừng, vẫn thấy lòng chưa ấm. Một chiếc lá vàng úa bay lả vài vòng rồi nhẹ đáp xuống, chạm vào cánh trái của con chuồn chuồn mà tôi vừa mua trên sân chùa, làm con chuồn chuồn rùng mình khiến tách trà trong tay tôi sóng sánh. Thêm những cơn gió rùng rình. Đám lá nửa xanh nửa vàng vội vã lìa cành, chơi vơi chấp chới.Tôi giục Huy đi. Huy dắt xe ra, gạc chống trái, cẩn thận đội vào đầu mình chiếc nón bảo hiểm. Rồi anh cầm chiếc nón nhẹ nhàng đặt vào đầu tôi. Tôi đứng yên để anh thắt thật khít cái quai nón dưới cằm.
Xe bon bon trên đường. Một phần có lẽ vì cái cảm giác bao bọc bịt bùng và vướng víu bởi chiếc nón nhựa cồng kềnh mà tôi gần như im lặng. Huy cho xe chậm lại, giọng bồn chồn: "Em có làm sao không ?". "Em thấy mỏi !". "Dựa vào anh đi, em!". Tôi phì cười: "Mình quăng hai cái nồi cơm điện này xuống đường đi ?". Chắc do tốc độ và do tiếng gió nên Huy không nghe tôi nói. Anh nói lớn: "Dựa sát vào anh, đi !". Tôi cũng muốn như anh muốn, là được dựa vào anh, ghì chặt lấy anh và anh thì tăng tốc, phóng như bay về phía con đê sững sững phía trươc, nơi ấy chúng tôi có thể níu được chân trời và cũng có thể đạp bỏ mặt đất để lâng lâng trên chín tầng mây. Nhưng sao tôi lại như thế này? Hai cánh tay tôi như không còn phải là của tôi nữa mà là của một maneqin vô hồn, cứng đờ không đưa ra ôm nổi cái vòng bụng chưa có nhiều mỡ của Huy. Mặt tôi, cằm tôi, ngực tôi không thể áp vào lưng Huy dù da thịt anh có mùi oi oi nồng nồng lôi cuốn. Tôi ngượng nghịu đan hai tay vào và nhau đặt vào lưng Huy. Gió. Lạnh. Và không chỉ mỏi và lạnh mà tôi còn thấy buồn ngủ, cơn buồn ngủ không thể nào cưỡng nổi cho dù các loại xe không ngừng ngựơc xuôi và bóp kèn inh ỏi. Tôi chồm ra trước: "Mình dừng chỗ nào đó nghỉ một chút đi !".
Huy dừng trước một quán nước ven đường. Tháng ba, những cơn gió vẫn se sắt riết vào da thịt. Quán nước được che rèm che phên bịt bùng kín mít. Trong quán chỉ có một băng ghế dài đặt trước chiếc bàn thấp. Mặt bàn bày năm bảy chiếc tách úp lên một cái dĩa và chiếc ấm trà được ủ trong một chiếc làn đặt chính giữa, cạnh đó một cái phích nước Rạng đông đã bong tróc, một vài cánh hoa còn mờ mờ trên vỏ. Trên bàn còn có mấy chiếc lọ bằng nhựa đựng kẹo, bánh ngọt, hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương…Chủ quán, dù đã mặc trên người một chiếc áo len dày màu gụ trông bà vẫn gầy xanh tuy nét mặt dịu với đôi mắt đăm đắm nỗi buồn. Bà đặt hai tách trà bốc khói trước mặt chúng tôi, thoáng nhìn và nói: "Cô chú thật đẹp đôi !". Huy tìm bàn tay tôi, siết chặt: "Chúng cháu sắp cưới cô ạ !". Bà chủ quán nói ngay: "Vậy là muộn rồi đó. Hồi cỡ cô đây tôi đã có một lũ con !". Bên ngoài trời đổ mưa. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái phênh. Tiếng mưa nhỏ dần nhưng không dứt. Tôi vén tấm rèm, nhìn ra ngoài.
Bầu trời mù mù. Cánh đồng trước mắt nhàn nhạt xanh nhàn nhạt xám và bị đào xới chia cắt bởi những cột thép đang đổ bê tông, những vòng lưới xanh bao quanh những công trình xây dang dở, những chiếc cần cẩu sừng sững trông như những con chuồn chuồn khổng lồ bất động và vài chiếc máy xúc vẫn lầm lì ăn đất nhả đất. Bà chủ quán nhìn theo hướng nhìn của tôi, nói: "Chỗ đó, trước đây là ruộng lúa của tôi !". Bà rót thêm nước vào tách cho tôi cho Huy, đặt ấm trà vào khay, ủ lại, rồi nhóng đít lên, đưa tay chỉ về phía chiếc cần cẩu: "Tôi lấy chồng sanh con đẻ cái cũng ở chỗ đó đó !". Huy uống thêm một ngụm nước, nói: "Giờ không phải làm ruộng thì đỡ vất vả chứ cô !". Bà ngồi xuống, thở ra: "Buôn bán nhì nhằng như vậy cũng sống được nhưng tôi vẫn nhớ, nhiều lúc nhớ quay quắt…". Nhìn đôi mắt đau đáu tiếc nuối của bà, tôi lại nhớ má. Má tôi ít khi chịu rời xa mảnh vườn và mấy công ruộng của mình dù là những chuyến lên thành phố thăm những đứa con rứt ruột đẻ đau. Thường nán lại với con cái một vài ngày bà đã thấy dài như cả tháng. Bà sốt ruột đi ra đi vô dòm mây ngó gió xem xem ông trời có trở chứng gì không. Bà lo cho cái ao lúc nào cũng sủi tăm cá, lo cả bụi ớt bụi hành và bần thần nhớ cây xoài trồng ở góc vườn, nơi dưới gốc cây, ba cái cuống rún của ba người con bà - ba anh trai tôi được bọc kín trong những chiếc bọc được may giống nhau và chôn cùng một chỗ. Những cuống rún ấy lúc nào như cũng quấn chặt bụng dạ bà. Chỉ có tôi, đứa con gái duy nhất của bà, đứa con gái có lỗ rún nhưng không có cuống rún. Mỗi lần nhắc bà chắc lưỡi, tiếc hùi hụi cái cuống rún bị…mèo tha của tôi. Má kể, con mèo ranh mãnh  đánh hơi, rình rập, khi cuống rún tôi vừa rụng, má chưa kịp gỡ ra khỏi miếng băng, nó liền nhào tới…Má  không trở tay kịp, ngồi chết trân một chỗ, chỉ biết nhìn theo chiếc đuôi vổng lên của nó trước khi nó mất hút sau miếng vườn um tùm cây trái và theo má con mèo tam sắc ấy đã thành tinh. Bà cứ mãi day dứt việc cuống rún của đứa con gái út không được chôn giữ nâng niu như cuống rún những đứa con trai của bà. Bà còn tự dằn vặt vì cho rằng, chính do cái cuống rún bị mèo ăn mà đời tôi chới với vấp ngã và lúc nào cũng chực tuột khỏi vòng tay bà. 
Mưa tạnh dần. Bà chủ quán nhấp nha nhấp nhổm mỗi khi nghe âm thanh gầm gừ từ chiếc máy xúc ở cánh đồng xưa của mình. Có lẽ bà cũng đang lo cho những cuống rún nhỏ xíu của các con bà chắc sẽ không tránh khỏi những nhát xúc thô bạo của những lưỡi thép sáng loáng đằng kia. Một cái gì đó nỏng bỏng như nỗi khát khao đột ngột choáng lấy tôi.
Cái cảm giác khao khát đó vẫn bám lấy tôi cho đến khi bóng tối tràn đến, đèn đường bật lên, đèn xe bật sáng và trên bầu trời đêm nhấp nháy những chấm sao xa. Lặng lẽ ngồi sau lưng Huy, tôi càng cảm nhận rõ sự cô đơn lạnh lẽo từ  các vì tinh tú dù nó có vắt kiệt mình bằng triệu năm ánh sáng đi nữa. Tôi muốn vòng tay ôm siết Huy một lần, duy nhất một lần và nói: "Anh và em mãi mãi là hai chấm sao xa!". 
Nhưng đó vẫn chỉ là ước muốn và câu nói mà tôi định nói với Huy sẽ không bao giờ thoát ra khỏi lồng ngực tôi.
Ngực tôi như đông lại, nhiều lúc toát lạnh, cơn lạnh chạy rân rân khắp châu thân, ngay cả khi được Huy ghì siết, say đắm: "Ôi, vợ yêu của anh! Ơn trời anh có được em!". Và trong những lúc như thế tôi chỉ nhận ra giọng nói như lạc đi của Huy, cái ghì siết cường tráng của Huy, hơi thở dồn dập của Huy; còn gương mặt anh, sóng mũi thẳng như sóng mũi của ngôi sao Kenvin Costner của anh, đôi mắt chất ngất yêu thương của anh, vết sẹo ở đuôi mắt trái của anh… tôi không còn thấy nữa, tất cả, lờ nhờ, lờ nhờ, lùi xa, xa mãi để rồi dần dần hiện ra nét mặt khổ ải với những hố mắt là hố mắt của những vị chân tu chen chúc đứng ngồi trong ngôi chùa cổ ngày nào. Và cũng đôi lần, tôi như còn thấy được những giọt nước mắt long lanh lăn dài trên thớ gỗ, những thớ gỗ trăm năm ngàn năm vân hằn kiếp phù sinh.
Sài Gòn, 21/9/2005
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...