Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Đom đóm núi

Đom đóm núi

Tôi nhập bọn đào vàng với Phụng Hoàng, Năm Đoan. Đầu nhóm là già Lâu. Trong nghề này, già Lâu đáng mắt là “pháp sư”. Người ta nói già Lâu có tay nghề non bảy năm. Sốt rét cỡ nào cũng chơi không lại già Lâu. Bọn đào vàng khác cho rằng mũi của già Lâu ngửi được mùi vàng.
Học hành chẳng ra gì, tôi trượt tốt nghiệp 12. Bố say, bố chửi cha thằng ăn bám. Tôi đi làm phụ thợ nề một thời gian chừng 15 ngày. Ngày thứ 16 tôi choảng thằng thợ nề hơn tôi vài tuổi đang hạch sách tôi trên giàn giáo. Bố tôi lại uống rượu. Tôi xin già Lâu được đi. Già Lâu bảo: “Cực như chó không lông”. Tôi bảo “Cực mấy cũng đi. Không làm được thì nấu cơm cho các bác”.
Núi Vân cách chỗ ở chúng tôi khoảng 3 ngày đường. Già Lâu nói: “Chuyến đầu, mửa ra máu nghe con”. Tôi chẳng nói gì, nghiến răng lầm lũi bước. Trưa ngày thứ ba, quá ngọ một chút, núi Vân hiện ra mờ mờ. Già Lâu bảo cả bọn: “Đến quán Lục Lâm kiếm vài xị rồi đi tiếp”.
Vào quán, người ta chia nhau bất cứ thứ gì có thể làm bàn ghế. Già Lâu nói rượu của Lục Lâm ở vào hạng “chiến đấu”. Chủ quán ở một mình, nghe đâu trước kia cũng là một tay ngang dọc. Tôi chẳng thấy rượu ngon chút nào, chỉ thấy cháy cổ. Đối với tôi, rượu Lục Lâm không ngon nhưng tôi thầm phục trí sắc của ông già chủ quán. Đến núi Vân, bọn đào vàng ở chặng nầy chỉ có một đường duy nhất. Trên cái độc đạo ấy là quán Lục Lâm. Về hoặc đi, giang hồ tứ xứ đều phải chọn Lục Lâm làm chỗ nghỉ chân.
Ngồi một chặp chúng tôi lại chuyển. Đến đò ngang, già Lâu lại bảo: “Vào thắp nhang cho thằng Trương Chi rồi đi tiếp”. Hết Lục Lâm rồi đến mả Trương Chi… Đường đến nơi đào vàng trở nên bí hiểm và kích thích trí tò mò của tôi.
Đó là một ngôi mả hoang tàn, cô liêu. Không có bọn đào vàng nếu gặp tôi chỉ nghĩ là một gò đất tàn. Thắp xong nén nhang, già Lâu và cả bọn đứng vái. Tôi còn lóng ngóng thì nghe tiếng nạt gắt của già Lâu: “Vái đi thằng nhỏ”. Bất đắc dĩ, tôi cũng làm theo họ. Điều thật lạ lùng với thằng bé mới đi chuyến đầu như tôi là tôi chẳng hiểu vì sao, những Phụng Hoàng, Năm Đoan, già Lâu những kẻ ngang dọc, giang hồ tứ xứ như họ, phút chốc lại trở nên thành kính như vậy trước ngôi mộ tồi tàn.
Qua đò đến bãi cháy. Lúc nầy sương núi đã chùng xuống. Khí lạnh của núi non đã bắt đầu heo hắt. Nhọ nhem mặt người, đom đóm núi lập lòe như mắt mèo đêm. Già Lâu bảo ngủ lại bãi cháy đêm nay để ngày mai vượt núi đến suối vàng. Tôi ngồi cạnh già Lâu. Điếu thuốc to hơn ngón cái của ông già khét lẹt, nhập nhòe đỏ… Đêm ấy quá nửa đêm tôi mới chợp được mắt. Tôi hỏi già Lâu về mả Trương Chi…
Trương Chi tên thật là gì chẳng ai biết. Một ai đó trong đám đào vàng gọi gã như vậy, thành quen. Gã bị mù. Trong quán Lục Lâm hồi trước, Trương Chi chỉ làm một phần việc duy nhất. Khi nào dân bụi bắt đầu mềm môi, yêu cầu thì Trương Chi hát. Giọng Trương Chi không hay nhưng gã chọn hát toàn những bài …”chết” người. Giữa cảnh gởi thân xứ lạ, giữa cảnh núi rừng heo hút nghe gã hát, người ta nói bọn đào vàng có người khóc. Lại có kẻ vung vít – không nghe Trương Chi hát chuyến ấy có thể sẽ “múc nước cho uống” – Nghĩa là tay không. Sự đời, đâm chém, bóp cổ, dao búa, sốt rét… có khi là chuyên cơm bữa thế mà chỉ một tiếng hát…
Trước đây, quán Lục Lâm có cả thảy ba người. Chủ quán, cô con gái và Trương Chi. Chủ quán không phải người vùng nầy. Nghe nói, trước kia, Năm Hơn – tên y – cũng là loại ngang dọc. Trong chốn lục lâm thảo khấu, Năm Hơn thành danh với miếng giò lái ngay tử huyệt. Thế nhưng, dọc đường gió bụi, người ta kháo rằng đời Năm Hơn chỉ sử dụng đòn hiểm đúng ba lần. Lần đầu tiên để Năm Hơn “đăng quang”. Lần thứ hai để trả thù cho đệ tử ruột Trương Chi và lần thứ ba… Đó là lần cuối cùng để lại cho Năm Hơn một mối hận vạn cổ. Sau một chuyến ăn hàng xa, Năm Hơn trở về. Vợ y nằm với trai. Giải quyết xong hai đứa mèo mả gà đồng, Năm Hơn ẵm đứa con gái độc nhất năm tuổi đi biền biệt. Năm Hơn chán đời, chán người. Nửa cuộc chơi, y nhận ra tất cả là một giấc mộng. Tuy vậy, ở Lục Lâm, mỗi lần nghe tiếng hát ảo não của Trương Chi, lòng Năm Hơn lại bộn bề nỗi niềm. Hồi ấy trong đám tay chân, Trương Chi là tay tâm đắc nhất. Trương Chi là một thằng có học, chẳng biết vì lẽ gì. Trương Chi vào làng chơi. Vào sinh ra tử với Năm Hơn vài năm, Trương Chi trở thành cánh tay mặt của Năm Hơn. Một lần, Năm Hơn tẩn một thằng anh chị ăn bẩn một bà già đáng tuổi mẹ mình. Gã ôm hận, kéo quân qua giang sơn của Năm Hơn định làm cỏ những người anh em của Năm Hơn. Dịp đó, Năm Hơn lại đi ăn hàng xa. Trương Chi thất thế nhưng không muốn tiếng Năm Hơn bị vùi. Y quyết định tử chiến. “Mãnh hổ nan định quần hồ”, Trương Chi bị đánh tả tơi, bầm dập. Năm Hơn trở về, mặt Trương Chi bầy nhầy máu. Thê thảm hơn, Trương Chi bị đâm thủng hai mắt. Năm Hơn điên cuồng sử dụng đòn hiểm để đền món nợ cho Trương Chi. Từ đó, từ khi Năm Hơn hoàn lương mở quán Lục Lâm, Trương Chi mù được Năm Hơn bảo bọc, Nhớ thời oanh liệt, Trương Chi thường hát cho đỡ buồn. Nhiều lần, thành ra một phần việc dành cho Trương Chi ở quán Lục Lâm. Hột máu duy nhất của Năm hơn càng lớn càng đẹp. Giữa chốn bụi bặm, Bạch Liên là một đóa sen trắng. Tuy vậy, dù quán Lục Lâm đông những tay anh chị, toàn những bọn xem trời đất như ngọn rau má nhưng không hề có những chuyện ồn ào, ẩu đả. Dường như trước quá khứ của Năm Hơn, tiếng hát gã Trương Chi mù lầm lũi… những chuyện lên mặt anh hùng, đánh nhau vì một cớ không đâu chỉ là chuyện ngọn cỏ gió đùa, vặt!
Già Lâu ngừng kể. Ông già vấn điếu thuốc khác. Lửa diêm xòe cháy soi rõ khoảnh khắc gương mặt sương gió của ông. Giữa gió núi, bến bãi, những cơn khát vàng… Những Năm Hơn, Trương Chi mù, Bạch Liên, Lục Lâm, thảo khấu anh chị càng cuốn hút tôi. Nó như một truyền thoại gắn liền với vùng đất, với những tay anh chị hết thời, bám víu vào những tia hy vọng, đôi khi đổi cả bằng mồ hôi, nước mắt, và dễ thường là máu. Thế giới ấy trùng điệp những số phận. Những con đom đóm núi sinh tồn bằng một thứ luật lệ riêng có khi tận cùng hèn mạt hoặc tận cùng hảo hớn… Rít một hơi thuốc, già Lâu đột ngột hỏi tôi: “Mày muốn biết vì sao có mả thằng Trương Chi à?”
Tôi gật đầu. Thì nó chết. Ở đời anh hùng hay khốn nạn, thằng nào cũng chết hết con ạ… Thằng nhỏ, mày có học, mầy biết thằng Trương Lương thổi sáo không? Đâu như truyện tàu kể Trương Lương thổi sáo khiến bọn giặc rầu rĩ, nhớ nhà chẳng còn hơi sức đâu mà đánh… tau nhớ nhiều lần, Trương Chi hát, có thằng anh chị khóc… khóc vì rượu, vì đời hay vì gì đi nữa thì tao chẳng biết nhưng nó khóc đấy con ạ. Nước mắt mấy thằng nầy mới hiếm. Như thằng Trương Chi, trong đời tau chỉ thấy nó khóc một lần…”
Già Lâu kể lan man. Tôi cũng nóng ruột. Tự dưng tôi nóng ruột tợn về cái chết của Trương Chi, cái chết của một gã anh chị hoàn lương bằng một nghề độc đáo: Hát. Tiếng hát mà theo lời kể của già Lâu nó ai oán, nó nẫu ruột như một lời than.
Bạch Liên càng lớn càng xinh. Cha như vậy, chốn giang hồ tứ xứ như vậy nhưng Bạch Liên vẫn rất mực đàng hoàng. Chả tay nào dám léng phéng với gái rượu của Năm Hơn. Đối với họ, Bạch Liên là một thứ gia bảo. Một thứ trái ngọt lành từ cây chua… Tuy vậy, cuối cùng Bạch Liên cũng có người ngắm nghe. Đó là một thằng đi mua hàng về xuôi. Thằng nầy trắng trẻo, có học và xem ra biết điều. Đời Năm Hơn là đời giang hồ. Y chẳng muốn con mình sa chân vào một thằng giang hồ khác.
Tay trắng rồi cũng hoàn trắng tay. Vấn đề là Bạch Liên cũng hợp nhãn thằng nầy. Hơn nữa điều quan trọng nhất của Năm Hơn là nó chẳng thuộc phải giới giang hồ…
Ngày cưới của Bạch Liên, quán Lục Lâm trở thành đại bản doanh của những tay đào vàng núi Vân Thê. Người ta uống, hò hát để mừng Năm Hơn và tiễn Bạch Liên. Những kẻ trên về trúng quả. Những kẻ dưới lên chuẩn bị vào cuộc. Năm Hơn uống rượu, hứng chí múa những bài quyền thành danh của một thuở tung hoành.
Trong cuộc ấy chỉ một người không cười, không nói. Đặc biệt là không hát như thường lệ. Dân bụi yêu cầu, Trương Chi xua tay. Trương Chi chỉ uống và uống. Bạch Liên bắt tay chào tiễn biệt chú Trương Chi. Trong hai hốc mắt của Trương Chi, nếu thật tinh ý, người ta thấy, dường như là ươn ướt.
Đêm ấy, tiệc tàn. Bạch Liên rời Lục Lâm. Năm Hơn say vùi với hạnh phúc và rượu. Tất cả đều say, ngủ. Người ta nói rằng, chỉ còn Trương Chi thức một mình mà thôi. Nửa đêm trời trở gió. Cả Vân Thê chìm trong nước. Mưa giận dữ, gầm rú quất vào cây, vào đá núi, hoảng loạn…
Việc đầu tiên của Năm Hơn khi thức dậy là gọi Trương Chi. Lúc đầu Năm Hơn chỉ tưởng Trương Chi còn ngủ đâu dó. Tìm mãi, tìm mãi, Năm Hơn thấy cây đàn, vật bất ly thân của Trương Chi. Cây đàn để ngoài trời suốt đêm, tróc ra từng mảnh như ván thuyền bị bão. Năm Hơn càng lo. Thời còn sáng mắt, Trương Chi quý con dao mỏng như lá lúa. Về Lục Lâm làm ăn, Trương Chi không rời xa cây đàn. Năm Hơn linh cảm chuyện không hay xảy ra. Y sợ Trương Chi quá chén.
Chuyện kể rằng sau đó người ta tìm thấy xác của Trương Chi nơi một ghềnh đá ở bờ sông Cùng. Đó là dòng sông mà bờ bên là núi Vân Thê. Bên này là quán Lục Lâm. Khi người ta đem xác Trương Chi lên, tay gã vẫn nắm chặt một chiếc vòng đá cẩm thạch trắng. Chỉ mình Năm Hơn biết chiếc vòng đá ấy là của ai và vì sao Trương Chi sơ sẩy.
Mả Trương Chi được đắp vội vàng. Lục Lâm chỉ còn một người, đó là Năm Hơn. Nửa đời y nhận ra đời là một giấc mộng. Cuối đời, y càng nhận ra đời đó là một giấc mộng quá hoàn hảo. Bạch Liên đi. Người anh em của y cũng bỏ đi. Đi mãi không về.
Được tin, Bạch Liên không lên kịp. Ngày trở lại Lục Lâm, nàng chỉ được thắp hương lên mộ Trương Chi. Nàng không ngờ ngày vui vủa nàng lại gắn với ngày dữ của một người…
Đêm về khuya càng lạnh. Già Lâu thôi kể, ngủ vùi. Tôi nằm xuống cạnh ông già kéo tấm nylon trùm kín. Lạnh, nhớp nháp, khó thở… Nhưng tôi biết đó chỉ là chặng đầu của việc đãi cát tìm vàng. Phụng Hoàng, Năm Đoan và cả già Lâu đã ngủ. Hình như trong mơ dù chưa biết mặt, tôi bắt gặp Trương Chi. Mặt gã nhờ nhờ trong ánh sáng hiu hắt của những con đom đóm núi. Hiu hắt, lập lòe như mắt những mèo đêm…
Huế, 30/12/1993
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...