Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Gái nghê thường

Gái nghê thường

Thập niên 30 của năm 2000, đọc lại lịch sử, hậu thế với rất nhiều phương tiện, đã chứng minh rằng, Lý Bạch đời Đường không chết vì Trăng. Trăng thường hư huyễn. Chàng tự đắm mình giữa Trường Giang như biển bởi khúc nghê thường của một người con gái đưa thuyền.
Đó là những mỹ nhân ngư mà xưa là huyền thoại nhưng nay là những người đang có thật. Đang có thật như chính chúng ta…
Sông rộng, không bờ. Khách bên sông buổi chiều thu này lại là kẻ sinh ra để phiêu bồng. Đứng trước Trường Giang ngay những kẻ hèn mọn nhất, những kẻ uốn lưỡi khua văn, chí thú với bổng lộc, công hầu, bọn tiện nhân đốn mạt, rượu hèn, thịt nhục vẫn còn le lói đốm nhỏ hùng tâm. Huống là những kẻ từng uống say, men tựa lửa, hừng chí buộc công hầu khanh tướng gò lưng cởi hài, xem quyền uy như phù vân, như nước nổi. Khách bên sông. Chiều thu man mác nỗi niềm. Lau lách tấu khúc hoang vu. Ráng chiều lững thững nhuộm vàng cõi sóng. Khách với tay. Rượu lúc này như mạng sống. Chợt, khách cất cao tiếng hát. Lời theo sóng nước vô biên đến tận cùng. Khách hát:
Ta đợi ai
Sông rộng không bờ
Khách thương hồ
Việc đi đứng ở nơi chim trắng…
Lời khách trên sông hòa trải với gió xuân, tiêu tao mà ẩn ngữ. Hóa ra từ tâm, chừng như khách vẫn chưa thoát tục. Ẩn ngũ vẫn bề bộn niềm riêng. Thì ra khách vẫn là kẻ ngồi đợi. Vẫn đợi theo lý số nghĩa là còn lẩn quất bến mê. Nhưng khách đợi ai?
Danh lợi với khách là mây bay. Lòng tham sanh không đựng hơn chén rượu nhạt. Mỹ nhân với đỉnh chung, tay ngọc với đàn tiên tày sương khói. Nhớ xưa, giữa sân rồng, đối ẩm cùng chánh sứ Cao Ly. Lời khách là phượng hoàng, chính khí như một làn kiếm sắc, mà kiếm khí lay động cả đất trời. Quân vương Đường Minh Hoàng cả khen, giật mình, nghĩ khách là một vị tiên, ngao du cùng rượu, lạc lối xuống trần. Vương ban thưởng ngàn chung muôn nén. Bổng lộc ấy với bọn thường có thể an dưỡng một đời nhưng với khách là vương víu. Mê rượu, khách tặng lại cho chủ rượu ở Kim Lăng. Mê kiếm, khách truyền đúc kiếm quý. Hết đỉnh chung, bổng lộc, sực tỉnh gia hương, khách tặng vợ bài thơ say suốt một năm… Khách như thế, thử hỏi vòng tục lụy nào còn giam giữ, cương tỏa chiều nay, bên Trường Giang tàn thu man mác?
Rượu vơi bình, khách lại hát. Không có mạn thuyền để gõ, khách mượn bầu rượu. Hóa ra, khách đợi. Khách đợi một chiếc thuyền tiên, đưa qua bến mê để châu thân, thể xác nhập hữu hạn với vô cùng. Khi ấy, với khách, may ra lòng mới thỏa, chí mới tròn. Khi ấy, đích thị, cuộc ngao du hạn hẹp với trần ai mới thôi trắc ẩn, lo toan.
Lòng chàng, khách trên sông, đột nhiên xao xác lạ lùng. Đành rằng thân tạm xác nhờ. Sinh hạn định tử vô kỳ. Nhưng buổi giao thời, trách chi khách không có những cảm hoài nuối tiếc. Nhớ xưa, khách bôn ba vạn lý, viễn du vào đất Thục. Say cảnh, khách mê mải đi, lạc vào Tán hoa lâm ở Thành Đô. Lại vượt trùng mây, chim bằng xé gió lên đỉnh Nga My tuyết phủ. Tại đây, khách gặp ẩn sĩ Đông Nghiêm Phủ. Nghiêm Phủ khí độ như tiên, râu dài quá rốn, chân đi hài cỏ, người ướp hương cây lá, vai mang đàn cầm. Đồng thanh tương ứng, khách được mới về túy lều, nghe đàn, uống rượu. Nghiêm Phủ chọn khúc “Nhập trần”. Tiếng đàn như ngọc, khi cao tựa núi, khi như sóng nước. Khách nhắm mắt. Bỗng tiếng đàn Nghiêm Phủ hốt nhiên bấn loạn ngưng ngang như gặp phải vách núi. Khách mở mắt nói: “Đột nhiên tiếng đàn như vậy há trong thưởng lãm ta có điều gì bất úy chăng?”. Nghiêm Phủ thở dài:”Đàn ta vượt lên bất úy. Kính, khinh đối với ta như ngọn cỏ bồng. Có điều đàn là giúp người lấy thanh khí để vượt qua thị phi, mê muội. Ta chọn khúc nầy để mở đầu bằng hữu, lại khiến thí chủ lạc lối mê cung. Hóa ra ta vẫn trong vòng ám chướng, không ngưng đàn sao được”. Khách giật mình, mồ hôi như tắm. Vừa đàn vừa nghe được tất lòng người thưởng ngoạn, thật là bậc kỳ tài. Kỳ thật, đàn hay nhưng khúc ca khiến lòng khách xao xác lạ lùng. Khách nghĩ, trần thế trong khúc cầm đẹp như thế, cớ sao người đàn lại bỏ trần lìa thế, vui với hài cỏ, trăng ngàn. Khách biết không giấu được, hỏi: “Cớ chi, giữa giấc mơ tiên lại ngợi ca trần thế?” Nghiêm Phủ thở dài rót rượu: “Tiếc nuối vốn là mê nhưng chấm dứt tiếc nuối hóa ra không phải là người”. Lại xoay đàn, gảy khúc “Ly trần nhập tiên”. Khúc rằng:
Phù vân phù vân
Đời như giấc mộng
Đất giữ giống hùm beo.
Thiên kim
Tán tận…
Thịnh suy như lộ
Ai là Phí Văn Phi
Cưỡi hoàng hạc
Về tiên…
Nghe đàn, khách biết mình không đoạn được tiếc nuối, giả ẩn sĩ, lại một mình túi thơ bầu rượu ra đi…
Bây giờ, một chiếc thuyền tiên, một cuộc đời phàm. Nửa mơ, nửa tiếc.
Chiều đắm mình trên Trường Giang. Đêm xuống tự lúc nào. Khách vẫn ngồi. Rượu đã thay bình khác, áo ngao du đã ướt đẫm sương đêm.
Nhưng thuyền tiên còn mãi ở nơi nào…
Trăng Trường Giang. Chao ôi, ta đã đánh đổi nửa cuộc đời này để lấy một vầng trăng – khách nghĩ. Đời người há chẳng qua ôm đồm lắm sao. Đã thơ, rượu, mỹ nhân lại còn trăng. Cái mỹ cảm của đời so với cái chật hẹp của thân quả là nỗi trầm uất xưa nay của những bậc tài hoa. Khách lại thở dài. Cỏ lau tấu khúc bạc đầu. Trên trăng nước thu phong, ngàn cỏ hóa nghê thường…
Chếnh choáng say khách đứng lên tựa người bên đá tảng. Mắt trông xa, trên mặt sông lãng đãng mù sương. Đột nhiên giữa ngàn lau, nội cỏ, vẳng xa tiếng hát. Tiếng hát uyển chuyển như mây, khi khoan khi nhặt, khi tỏ khi mờ. Lời rằng:
Khách đợi ai trên sông
Bến đá, thuyền nan
Sao chưa nỡ
Lìa bờ…
Thanh khí như có ma lực. Khách bước về hướng sông như kẻ mộng du. Cái lạnh đêm khuya không át nỗi men nhạt đang đạt đến chỗ tận cùng. Lý bước về chỗ mộng mị, chiêm bao…
Khách nhìn. Không phải là thuyền nan. Thuyền rồng. Cung phi nhã nhạc. Sau bức rèm là Dương Phi, mi phủ, mắt mờ ngấn lệ. Nước mắt không chảy thành dòng. Nước mắt là ngọc Lam Điền mới đông. Đời người sao ôm đồm quá đỗi. Đã có thơ, rượu. Kiếm sắc. Vầng trăng từ khướt  kinh đô phù hoa bay về Trường Giang. Lại có hạt ngọc của mỹ nhân. Ừ thì, tự cổ anh hùng giai hiếu sắc. Nhưng trong sắc có lệ ngân. Nước mắt mỹ nhân, nham thạch cũng muốn phiêu bồng. Huống chi, khách dù sao cũng là hữu hạn của vô cùng. Lý bước tới. Một thân cũng chết. Họa tru di ba đời sánh tựa nào hạt ngọc mỹ nhân. Chàng cầm tay Dương Phi. Thơ và mỹ nhân thoắt nhiên biến thành mỹ cảm của muôn đời. “Chàng ơi, mỹ nhân và quyền lực là tột đỉnh của cô đơn”. Khách chạm tay vào môi bậc mẫu nghi thiên hạ. Môi nàng như lụa. Thảo nào, anh hùng không chết để chiêm bao. “Tiếng nói em giam ta vào vòng cương tỏa thị phi. Đêm nay: Thuyền, trăng và hạt ngọc Lam Điền… Khăn gói một đời người, đối với ta là quá đủ. Quá đủ cho một cuộc về…”
“Nhưng, thiếp còn bề bộn những điều bày tỏ…”
Tay thơ lại chạm môi ngọc. “Ta hiểu…”.
Quí phi đột nhiên bừng sắc lửa. Mắt nàng như kiếm, nhọn như trủy thủ của bọn thích khách tầm thường. Hơi giận của mỹ nhân cũng khác nhi nữ hay lục lâm thảo khấu, không lộ rõ nhưng buốt như sương sa, nóng như sa mạc. Chân khách, chân của kẻ đã từng giẫm lên đầu sông, cuối bãi, cỏ nội hoa ngàn, bỗng lảo đảo. Khách bình sinh chưa biết cúi đầu, nhưng trước sắc giận của quí phi, khách bỗng nhiên thoái bộ.
“Bọn văn nhân như chàng, lấy chữ nghĩa để nghĩ là kiếm cung, hí hoáy mực đen nghĩ là tâm huyết. Thoắt khóc, thoắt cười theo với thời thế thịnh suy nghĩ rằng mình có thể biến đổi càn khôn, vũ trụ. Ngờ đâu, chữ nghĩa là phù vân. Chính khí không nao lòng bọn đã lấy giá áo túi cơm làm lẽ tử sinh. Lại lấy sự bất lực kia để hiểu mỹ nhân. Khác nào ngọc lầm cát đá, chim phượng sánh với cu nhà…”
Lời nàng như kim châm. Khách không say mà chợt tỉnh. Đời khách, thoái bộ giống như tử huyệt. Nhưng bây giờ, khách như bọn văn nhân bất lực của lời nàng. Khách xoay mình như chạy… Trăng đã chếch non tây.
Không phải thuyền của Quý Phi. Chỗ khói sương sông nước, khách lầm tưởng. Tiếng hát đã quá gần. Thanh âm hóa hữu hình, cọ xát trên da thịt.
Khách đợi ai trên sông
Bến đá, thuyền nan
Sao chưa nỡ…
Lìa bờ…
Bến đá Trường Giang mát lạnh. Khách rùng mình mở mắt. Không phải là hư huyễn, mộng mị. Trước mặt khách, trên mặt sông là một chiếc thuyền nan. Sông rộng, thuyền như một ngọn lá… Thuyền rồng chỉ là giấc mơ xưa. Tiếng hát ngừng. Khách nghe một lời mời. Nhận ra tiếng hát trên sông và lời mời là của một người. Khách bước lên thuyền. Tiếng chèo khua sóng nước. Khách biết, đã xa dần bờ mê.
Một thoi đường, khách lại nghe tiếng hát. Trong khoang chèo, trăng không soi rõ bóng nàng. Một chặp, ca ngừng, lại có tiếng nói: “Dẫu là thuyền nan nhưng chàng cứ yên tâm. Rượu trước mặt là quý tửu. Đế vương, tài tử chắc chi đã mấy người nếm được.”
Khách đã lấy lại bình tâm. Tay nâng chén ngọc, hướng về khoang thuyền, sắc độ nghiêm trang như chưa từng thấy: “Ta, khách thơ rày đây mai đó, kính mỹ nhân Trường Giang…” Khoang thuyền bỗng nổi lên tiếng cười…”Hà cớ gì phải là mỹ nhân. Chưa nhìn đã đoan chắc, khách thơ không sợ tiếng lộng ngôn đổi thần thành quỉ, quỉ thành thần chăng?”
Khách giật mình. Lời người sao giống Quý Phi xưa. Hay lại là một cuộc chơi khác của con tạo xoay vần?
“Thanh tượng hình, hình là sắc tướng” Khách nói.
“Nhưng thanh, sắc lộng giả khôn lường.”
Lý không muốn đôi co. Lấy lại nét ngang tàng một thuở, chàng bước về khoang thuyền mong đối diện với sắc tướng, hình hài.
Chàng bắt gặp một khoang thuyền rỗng. Lại nghe tiếng quẫy nước trên dòng sông vắng. Lý thảng thốt nhìn ra mặt sông. Khói nước mênh mông vẳng khúc ca cũ. Dưới ánh trăng huyền hoặc, trên dòng sông rộng không bờ, khách nhận ra sắc tướng mỹ nhân trong một khúc nghê thường. Liêu trai như ảo ảnh.
Sắc tướng nàng có dáng Dương Phi, lại giống những mỹ nhân ngư đêm nguyệt bạch.
Thoái bộ là tử huyệt mà trước mặt cũng là tử huyệt. Lý lao xuống Trường Giang, về phía tiếng hát. Tiếng hát gái nghê thường.
Tử huyệt hóa thiên đàng.
22/12/2009
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ko Hyung-Ryul lắng nghe hoa than khóc “Lần đầu tiên tôi đến với Việt Nam là năm 2001. Việt Nam thực sự là một đất nước đẹp lấp lánh. Khu...