Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Xuân Thiều còn mãi với “Trời xanh và nỗi nhớ”

Xuân Thiều còn mãi với “Trời xanh và nỗi nhớ”
Đêm 15/9/2014 tại Nhà hát lớn TP Hà Nội diễn ra chương trình trình diễn một số tác phẩm thơ tiêu biểu được phổ nhạc của Xuân Thiều do Hội nhà văn Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn nghệ quân đội và Nhà hát ca múa nhạc quân đội cùng phối hợp thực hiện.
Tình đầu đối với thơ ca
Đại tá - Nhà văn Xuân Thiều (ảnh) là một nhà văn - chiến sỹ. Sinh ra trên quê hương Hà Tĩnh, ông lên đường nhập ngũ từ những tháng năm trai trẻ, chiến đấu, làm thơ, viết văn trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhiều tác phẩm xuất sắc của ông sinh ra trong lửa đạn, được bạn đọc yêu quý, nâng niu, được giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng các năm 1995,1999, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học nhà nước năm 2002. Ông từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Chánh Văn phòng Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều huân chương cao quý khác.
Những giải thưởng này đều vinh danh các tác phẩm văn xuôi, thế nhưng ông từng thổ lộ rằng, thơ ca mới chính là con đường đầu tiên, nỗi nhớ đầu tiên trên con đường sáng tác nghệ thuật của mình:
Đối với tôi, thơ là nỗi nhớ. Thật vậy, tôi là người viết văn xuôi, nhưng bắt đầu đi vào con đường văn học bằng thơ. Tôi mê thơ từ khi còn là học sinh tiểu học. Thuở nhỏ tôi đã đóng một cuốn vở dày để chép lại những bài thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả: Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thái Can... Và dĩ nhiên cũng tập tọe làm thơ. Kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội cũng làm thơ ghi vào sổ tay. Năm 1955, hòa bình lập lại, tôi mới có thơ in báo. Năm 1959 được về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vừa làm thơ, vừa viết văn xuôi. Một thời gian sau, tôi nghiệm thấy mình có sở trường về văn xuôi hơn, nên chuyên tâm viết các tác phẩm văn xuôi, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, kịch bản văn học... Tuy nhiên, dù sao thơ cũng là mối tình đầu nên không thể quên được. Đấy là nỗi nhớ không nguôi nên thỉnh thoảng vẫn quay về với nỗi nhớ...”.
Là một cây bút thường xuyên được tôi rèn, lão luyện trong văn xuôi, trở thành nhà văn nổi tiếng về đề tài chiến tranh và người lính, thế nhưng tình yêu với thơ vẫn luôn ở lại trong ông. Năm 1955, nhà văn Xuân Thiều bắt đầu có thơ in báo nhưng mãi đến năm 1973 ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tay bao gồm những bài thơ viết ở chiến trường: Trước giờ ra trận - ký tên người con trai út Nguyễn Thiều Nam, và đến năm 1998, như tâm sự của nhà văn Xuân Thiều: “Giờ đây vào lúc tuổi đã cao, có thể gọi là đang bước những bước cuối cùng trên con đường văn học, tôi tuyển chọn lại những bài thơ của cả đời mình in vào tập Và nỗi nhớ này… Mong sao tập thơ này sẽ cùng các tập văn xuôi khác để lại một ấn tượng trung thực về chân dung văn học của mình...”
Chương trình thơ - nhạc “Trời xanh và nỗi nhớ”
Chương trình đã được diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Chương trình đã diễn ra vào đêm 15/9. Tới dự, có các vị khách quý: Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Đinh Thế Huynh – UV Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; đồng chí Phạm Xuân Đương –Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế TƯ; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tich Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam… Đặc biệt còn có bà Nguyễn Thị San – người vợ yêu quý của nhà văn Xuân Thiều cùng các con và các cháu của ông. Chương trình bao gồm những bài thơ của nhà văn Xuân Thiều đã được các nhạc sỹ trong và ngoài quân đội phổ nhạc, do NSƯT Xuân Thanh đạo diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Một số bài thơ viết về người lính, viết về những chặng đường hành quân gian khổ nhưng cũng đầy tự hào. Chính những vần thơ hào sảng, vừa mạnh mẽ, vừa thắm thiết và hào hoa ấy đã làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước của mỗi người con đất Việt, làm thôi thúc tinh thần chiến đấu của những người lính như: bài thơ “Huế mùa mai đỏ” với những vần thơ lãng mạn tuyệt vời về xứ Huế, những cảm nhận về thời đại mà tiểu thuyết cùng tên đã từng nhắc tới.
Những vần thơ:
Quê hương ơi! Sao vừa quen vừa lạ
Đò sông La chở cả trời đêm
Bao tháng năm bộ đội
Chân vẫn còn săn, dặm đường xa không mỏi
Có phải quê hương yêu dấu nâng niu
Hay câu dặm mẹ ru trên võng đói nghèo
Củ sắn Cha đưa bàn tay rớm máu
Hay tên núi, tên sông cùng tôi đi chiến đấu
Với Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Đô Lương”
mang tâm tình của những người lính, đi vào đời sống nhân dân, được mọi người nhiệt tình yêu thích, đón nhận. Những tâm tư tình cảm đó, bắt gặp trái tim cộng hưởng của nhạc sĩ nổi tiếng với những bài hát nơi lửa đạn Văn Dung đã phổ thành bài hát “Hành quân trong tình yêu quê hương” gây xúc cảm lòng người.
Nhà thơ Xuân Thiều có một bài thơ rất nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là bài thơ “Trận địa trên cao”
Chiều chiều sau lúc lau xong pháo
Tiếng cười ran, dậy dãy Trường Sơn
Giá mà kéo núi lên cao nữa
Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”
Từ những vần thơ hào sảng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí và niềm lạc quan vô bờ bến của người chiến sỹ. Nhạc sỹ của Đài phát thanh giải phóng ngày ấy là Trần Hữu Bích đã phổ nhạc thành bài hát “Trận địa trên cao”. Nhiều bài viết có nhầm câu thơ “Giá mà kéo núi cao hơn nữa- Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn” thành “Giá mà kéo pháo cao hơn nữa- giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”. “Kéo pháo” nghe đã anh hùng, khí phách rồi, nhưng với tâm hồn lạc quan, ý chí mạnh mẽ và kiên hùng của người chiến sĩ thì nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa “Kéo pháo vẫn chưa là gì, kéo núi mới mang khí phách lớn, mới mang chất Xuân Thiều”.
Từ bài thơ “Trở lại con đường xưa” của nhà thơ Xuân Thiều, nhạc sỹ Huy Thục đã phổ nhạc thành tác phẩm “Trở lại con đường xưa” hoành tráng với lời ghi đầy xúc động: “Nhớ anh Xuân Thiều những ngày ở B để viêt nên tác phẩm này. Mỗi ca từ, nốt nhạc của bài hát “Sóng vẫn gọi ta” dạt dào như sóng vỗ, uy nghiêm như tiếng cha ông, đậm đà như tình yêu mãnh liệt với non sông, tổ quốc, như mãi nhắc nhở chúng ta về tình yêu với Tổ quốc và trách nhiệm với đất nước thiêng liêng.
Ngoài những vần thơ mạnh mẽ, rắn rỏi về người chiến sĩ trên đường hành quân, trước giờ ra trận, về những chiến dịch, những trận đánh... Nhà thơ Xuân Thiều cũng có nhiều bài thơ tình hay như: Trời xanh và nỗi nhớ, Khắc nghiệt, Tỉnh giấc, Cổ tích về chuyện tình... Trong đêm ca nhạc vừa qua đã có một số bài thơ tình tiêu biểu của ông.
Bài thơ “Trời xanh và nỗi nhớ” được nhạc sĩ Trần Lê My phổ nhạc là một bài thơ tình mạnh mẽ, say đắm, giàu âm hưởng dân gian và cũng rất hiện đại. Khi có thêm giai điệu nhịp nhàng, bản tình ca dường tha thiết, khắc khoải hơn.
Là một nhà thơ, nhà văn, là chiến sĩ, trong gia đình, Xuân Thiều lại là một người đàn ông yêu vợ, là một người cha có trách nhiệm, hết lòng yêu thương, chăm sóc và chỉ dạy con cái. Ông có viết một số bài thơ dành tặng con. Trong đó là tình cảm vô hạn của người cha dành cho các con của mình, lòng kì vọng và những khát khao của ông với các con, với những thế hệ trẻ của đất nước.
Tâm tình của nhà thơ Xuân Thiều với con trai Thiều Quang của mình, tâm tình của một người cha bộ đội với người con thân yêu từ mặt trận gửi về chan chứa những yêu thương và khát vọng:
“Rồi con đi theo Ba bước chân lũn tũn
Kìa con ơi tránh vũng nước lầy bùn
Con hãy đi trên con đường rộng lớn
Khi vào đời con thẳng bước đừng run…
Con hãy đi khắp mọi miền đất nước
Những dòng sông dài những đỉnh núi cao
Con sẽ hiểu tình yêu rộng lớn nhất
Là tình yêu tổ quốc, đồng bào…”
Hay là bài thơ “Gửi về con”:
“Ba đi một chặng đường xa
Ví bằng con bước từ nhà ra sân
Ở đây bom đạn réo gầm
Chỉ lo con thột giữa chừng giấc mơ
Thèm nghe một tiếng ầu ơ…
Rừng đêm cánh võng gió đưa xạc xào…”
Bài thơ này được nhà thơ Xuân Thiều được sáng tác trong những ngày vào mặt trận Huế đã trở thành một ca khúc hay do nhạc sỹ Trần Lê My phổ nhạc.
Các diễn viên chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và những người thân trong gia đình nhà văn Xuân Thiều
Tấm lòng đối với cuộc đời
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng, tài sản văn chương nhà văn Xuân Thiều để lại cho đời rất nhiều. Sự cống hiến của ông trong văn học nghệ thuật, phẩm chất cao đẹp của ông trở thành tấm gương, là thần tượng để cho những thế hệ nhà thơ, nhà văn trẻ noi theo. Trong đêm trình diễn này, chúng ta mới chỉ gặp gỡ với một mảng, một phần nhẹ nhất của sáng tạo nghệ thuật ông, đó là thơ ca. Và thơ ca chỉ chắt lọc một phần nhỏ trong số những bài thơ tiêu biểu của ông.
Còn đối với văn xuôi Xuân Thiều, phần nặng nhất trong sáng tạo nghệ thuật của ông là những tiểu thuyết, là những truyện ngắn, là những bài phê bình lí luận văn học, là những phân tích đánh giá về văn học thì chúng ta cần phải dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu hơn.
Có thể nói, tài năng, phẩm chất và những đóng góp to lớn của nhà văn Xuân Thiều với sự nghiệp văn nghệ nước nhà đã là niềm tự hào không chỉ đối với gia đình ông, với quê hương Hà Tĩnh mà còn với văn đàn và những người yêu văn chương cả nước. Sống là người đàn ông trong gia đình, Xuân Thiều hết lòng thương yêu vợ con. Là con người của xã hội, với quê hương, Xuân Thiều luôn trăn trở làm sao để đóng góp nhiều hơn nữa cho quê nhà. Ông trăn trở khi thấy con em huyện nhà còn khó khăn, trường lớp còn nghèo nàn, sách vở thư viện còn sơ sài… Sau này, trên quê hương Hà Tĩnh, đã có một ngôi trường mang tên Xuân Thiều- một người con của quê hương. Đó là trường Tiểu học Xuân Thiều trên địa bàn xã Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Những người con của ông đã hoàn thành nốt tâm nguyện của nhà văn, đóng góp cho giáo dục quê nhà.
Khi chưa về Tạp chí Văn nghệ quân đội, trước năm 1960, theo lời kể của nhà văn Nam Hà, nhà văn Xuân Thiều thường ngâm nga câu thơ của Nguyễn Công Trứ: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
NGỌC HIÊN
Theo http://vannghequandoi.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mùa xuân của chị Vẫn là chị Hiên ngày nào không son phấn, hay mặc áo thêu theo kiểu, cổ giống người xưa đi lạc. Đồng thời cũng có một ...