Khác với văn cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là người chăm chú cúi
xuống hiện hữu, và bằng kinh nghiệm sống của chính bản thân phát
hiện hết mọi lẽ bất hạnh của thân phận con người.
Sự từ khước hy vọng ảo tưởng; những đam mê vô ích; tâm trạng lưu
đầy; nỗi cô đơn không cứu vãn; nỗi lo âu trước vực thẳm; vân vân..., tất cả đó
là những vấn đề cốt lõi của triết học hiện sinh châu âu, cũng cốt lõi như vấn
đề sinh lão bệnh tử của Phật giáo châu á về
phận người.
Đánh thức bởi sự tan vỡ của thế giới sau Đại chiến, triết hiện
sinh trở thành những món ăn hợp gu của con người hiện đại, bỗng nhiên tìm thấy
bạn tri kỷ trong thế hệ trẻ các đô thị miền Nam (cũng như Nhật Bản) trong đó có
tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt là cái chết, một phạm trù “kinh
điển" của triết hiện sinh (cái chết là hoàn cảnh giới hạn để nhận biết hiện hữu: "cái gì vẫn còn là căn bản đối diện với cái chết, là thuộc về hiện hữu”. K.Jaspers), hoá thành ám ảnh, có sức hút của hố
thẳm trong khát vọng sống của tuổi trẻ một thời bị ném vào lò lửa của cuộc
chiến tranh tàn khốc . . .
Có vài lần tôi tìm đến với Sơn ở Blao, hồi ấy Sơn làm “trưởng
giáo" của một ngôi trường ấp chiến lược, chỉ để được hoãn quân dịch. Nơi
thị trấn chiến tranh heo hút buồn đó, Sơn và tôi mỗi ngày băng qua một nghĩa
trang đầy quạ đen, buổi chiều nghe tiếng chuông báo tử của ngôi giáo đường nhỏ,
và đêm ngồi uống cà phê ở quán Le Cap oral nghe lão Tây già nhại tiếng con chim
chiến tranh (Oiseau de guerre) kêu thê thiết trong đêm sương, nhại theo kiểu
vùng quê Normandie của lão trong thế chiến: "Père, Mère, Frères - tout est
perdu”. °(Cha tôi, Mẹ tôi, Anh em tôi, Tất cả đều mất hết)
Đêm ở Blao, Sơn thường ra ngoài đi lang thang và để đánh lừa kẻ lạ
vô nhà, Sơn dùng chiếc drap trắng trùm kín cây ghi ta trên giường, giả vờ người
nằm bệnh. Thế đấy! Từ đây qua suốt thời tuổi trẻ, Sơn vẫn hát về cuộc đời như
một “cơn đau vùi".
Những năm vào đời của một tài năng, Trịnh Công Sơn đã khám phá ra
âm hưởng La thứ dịu dàng của dòng sông ở Huế (Ướt mi, Nắng thủy tinh...), nỗi cô đơn ở ghềnh đá eo biển Quy Nhơn (Biểnnhớ, Lời buồn thánh...) và ở thị trấn cao nguyên kia, là chiến tranh và cái chết (Phúc âm buồn, Gọi tên bốn mùa, và tất cả trong Kinh Việt Nam).
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh quá dữ dằn và kéo dài, nỗi
chết là một ám ảnh không rời trong tâm cảm quê hương của Trịnh Công Sơn, như
trong Tình ca của người mất trí chẳng hạn: “Chết tình cờ, chết không hẹn hò,
nằm chết như mơ..." Chính điều này đã khiến
Sơn trở thành thần tượng nghệ thuật của tuổi trẻ một thời lửa đạn, và tên tuổi
Trịnh Công Sơn được biết đến giữa những nghệ sĩ phản chiến của thế giới, đối
diện với chính sách Mỹ ở Việt Nam.
Còn xa hơn nữa, nỗi ám ảnh kia đã hằn sâu trong khát vọng sống của
tâm hồn Sơn, như vết máu không tẫy xóa được trên chiếc chìa khoá mở cửa vào lâu
đài kinh dị trong cổ tích Con yêu râu xanh:
"Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh) "Mệt quá
thân tôi nằm xuống với đất
muôn đời" (Ngẫu nhiên)... Rất nhiều lần Sơn "nói dại miệng" theo kiểu đó, kể cả
khi đang thiết tha cùng em: "Thí dụ bây giờ tôi
phải đi. Tôi phải đi, tay chia ly cùng
đời sống" (Rơi lệ ru người) . . . Sự nhạy cảm thường trực về tính hữu hạn của đời
người đã thúc đẩy trầm tư âm nhạc của Trịnh Công Sơn tiếp cận với ý thức Cát bụi, với tâm thức lãng du qua cõi đời vô thường (Một
cõi đi về), nỗi hoài niệm về
nơi "nguyên quán" vĩnh hằng (Bên đời hiu quạnh); từ đó, vào cuối cuộc hành trình của phận người,
Sơn rẽ hướng tìm về cội nguồn minh triết của phương Đông, níu lấy cái Tâm của
mình để sống với đồng loại:
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
(Một cõi đi về)
(Một cõi đi về)
Đây là sự dịu dàng của tâm hồn Trịnh Công Sơn; sự dịu dàng thuộc
về bản chất đã khiến cho người này trở thành người Mẹ và người kia là nghệ sĩ.
Tôi vẫn giữ một hình ảnh rất xúc động về Sơn hồi trẻ; thời Sơn còn
dạy học ở Blao, nghỉ hè về Huế, chúng tôi thường ngồi ở quán cà phê Thành Hội.
Hôm ấy, em bé gái bưng bàn lỡ tay đánh vỡ tách cà phê, làm bẩn áo Sơn. Bà chủ
quán chạy đến, hoảng hốt, giận dữ, con bé rúm người vì sợ hãi. Sơn đứng dậy che
đòn cho con bé, ôn tồn nói với chủ quán: "Chính tôi làm vỡ, không phải lỗi
của nó". Và Sơn thản nhiên rút túi bù tiền, cười nháy mắt với con bé rồi
đi... Nhiều năm sau, tôi gặp
lại cô bé trên rừng, nay đã lớn làm giao liên nội thành, đi dự hội nghị chiến
sĩ thi đua ở Khu. Bé nhắc lại với tôi kỷ niệm đầy trìu mến về anh Sơn đã tập cho
bé hồi ở quán: "Ông tiên vui, ông thường hay nói dối. Chốn
thiên đường không có tháng ngày trôi".
Lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ
sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn, như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với
chiến tranh, thù hận, và nỗi gay gắt của thân phận con người:
Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi! (Để gió cuốn đi)
Điều rất lạ, toàn những ý tưởng triết học đa đoan kia, Trịnh Công
Sơn chỉ chọn một người để nói với là Người Tình. Dù nói về điều gì đi nữa, kể
cả về Cái Chết, mọi bài hát của Trịnh Công Sơn đều là Tình ca, với giai điệu dịu dàng và thành thực kỳ lạ, và
với chất liệu của nụ hoa tầm xuân mà chàng thi sĩ trong ca dao đã một lần hái
và dâng tặng. Không có gì để nghi ngờ, chính Trịnh Công Sơn đã khẳng định về
điều này: "Chúng ta làm cách
nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập
giá đời". Tôi đã nghe Khánh Ly hát
Trịnh Công Sơn từ những ngày nàng còn là Lệ Mai ở phòng trà Đà Lạt. Cho tới bây
giờ, gần suốt một đời "nghe hát" - theo nghĩa của Nguyễn Công Trứ -
cảm nhận của tôi vẫn là thế, rằng với Sơn, Khánh Ly luôn luôn là giọng hát của
Người Tình.
Tại sao trong từng khoảnh khắc của đời mình, Trịnh Công Sơn lại
chọn Người Tình để nói lại mọi điều? Có lẽ thế, bởi em sinh ra là để nuôi nấng
nỗi buồn của đời tôi. Cũng bởi em là loài phù-du-tóc-dài để hiểu tôi trong mọi
nỗi phù du, như thơ Ngô Kha: "Ngày xưa tôi lỡ
làm người tương tri”.
Với Sơn, Người Tình là người đối thoại cần thiết, và vì thế trong Tình ca Trịnh Công Sơn, người nói không là “Anh" mà là "Tôi và
Em". Hai tiếng Anh-Em ngọt ngào đó hình như không thích hợp với những điều
cay đắng. Không thích hợp với nhiều thứ gai góc cuộc đời, như thân phận, cái
chết, và nỗi tuyệt vọng: "Và như thế, tôi
đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng tuyệt vọng". (Tuyển tập những bài
ca không năm tháng - 1995).
Đến đây thì mọi sự đã ngã ngũ, rằng Tình Ca Trịnh Công Sơn chính
là siêu hình học, và vì thế không bao giờ cũ.
Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân những cây cầu
những người yêu nhau đã đi qua. Những Người Đẹp một thời đã thành thiếu phụ, và
những cô bé đã lớn lên thành thiếu nữ. Và tất cả vẫn hát Trịnh Công Sơn như là
Tình Ca của hôm nay, vẫn nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một gương mặt Hoàng tử sầu
muộn và dịu dàng không hề xa lạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét