Tình duyên bỏ chợ, Tình người đa đoan...
Chị tôi - Trọng Đài - Mỹ Linh
Trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp,
bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày,
bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng…
Có lẽ đó là một quy luật chung của những người
phụ nữ bao đời nay? Như trò trêu cợt của tạo hóa, người con gái mang trong mình
tất cả sự hoàn mỹ nhưng luôn phải thấp thỏm lo âu cho cuộc sống của mình.
Và cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người
đời giống như một thực tế chua chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang.
Tháng ba, có chút gì đó nhớ… có chút gì đó thương… có chút gì đó chênh chao của
những ngày đổi gió. Tháng ba… hoa gạo đỏ miên man một miền ký ức. Và ở một bến
sông quê nào đó, có một người con gái đang ngồi ngẩn ngơ thương nhớ một thời
con gái tài sắc đa đoan của mình.”
Tôi chợt mường tượng ra khung cảnh ấy khi
nghe ca khúc Chị tôi phát ra từ chiếc radio cũ kỹ. Hình ảnh cô ca sĩ
“tóc ngắn” Mỹ Linh trẻ măng với mái tóc giả dài mượt lang thang trên những con
phố của Hà Nội khiến cho những người khó tính nhất của đất Hà thành xưa cũng phải
ngẩn ngơ, xao động. Có một cái gì đó khắc khoải toát lên từ những ca từ mộc mạc
kia:
Thế là chị ơi
Rụng bông hoa gạo
Câu hát như chơi vơi, thảng thốt khi bắt đầu
bằng một câu cảm thán. Một tiếng gọi thiết tha, ngậm ngùi vang vọng đến tận đáy
sâu của tâm hồn người viết. Hình ảnh người chị xuất hiện đầu tiên với một dự cảm
không suôn sẻ: Ngày chị sinh là một ngày trời chẳng chịu lặng gió, ngày những
cánh hoa gạo đỏ rực rơi miên man đến cháy lòng.
Điểm nhấn của đoạn bài hát vẫn là một câu cảm
thán, một nốt nhạc bỏ lửng giữa chừng. Dường như người viết đã mơ hồ cảm nhận
được cái đa đoan trong số mệnh của người con gái. Và ở đoạn sau, điều ấy đã được
phúc đáp:
Ngày chị sinh trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát để người lý lơi
Những ca từ trầm, buồn, da diết như khắc sâu
trong tâm trí người nghe. Hình ảnh người con gái ngoan hiền nhưng không có được
sự hồn nhiên, thanh thản trong cuộc đời khiến ta day dứt khôn nguôi. Vận mệnh
đa đoan của người con gái, của người chị gái chính là cái đối lập giữa sự tài
hoa và lận đận đằng đẵng đường trần.
Có lẽ đó là một quy luật chung của những người
phụ nữ bao đời nay? Như trò trêu cợt của tạo hóa, người con gái mang trong mình
tất cả sự hoàn mỹ nhưng luôn phải thấp thỏm lo âu cho cuộc sống của mình. Và
cái “lý lơi” dù vô tình hay hữu ý của người đời giống như một thực tế chua
chát, ám ảnh biết bao tâm hồn đa cảm, đa mang.
Ngày chị sinh trời cho làm thơ
Vấn vương với sợi tơ trời
Tình duyên bỏ chợ
Bài hát thật ngắn gọn nhưng lại chưa đừng một
tình cảm lớn đối với một người con gái, một người chị gái. Và cũng chỉ chừng ấy
thôi cũng đủ vẽ lên hình ảnh một người chị với tất cả những nét chấm phá của cuộc
đời. Ấy là một người con gái thôn quê Bắc Bộ được trời phú cho sắc đẹp và tài
hoa.
Cái nết na, nét dịu dàng, tần tảo của chị khiến
người đời ngưỡng mộ, nhưng cũng nó cũng chính là nạn nhân của sự giả dối, toan
tính của người đời. Hình như trong cuộc sống của chị luôn hiển hiện sự giằng xé
giữa tình duyên và nặng gánh trách nhiệm. Chính sự vương vấn, lỡ dở ấy đã tạo
lên sự long đong, lân đận trong cuộc đời của người con gái.
Có thể nói, xung quanh bài hát Chị tôi có
rất nhiều giai thoại. Trước hết, đây là ca khúc chính thức trong bộ phim truyền
hình Người Hà Nội. Chính bài hát đã tạo nên một phần thành công cho bộ
phim và hỗ trợ tuyệt vời cho thông điệp mà những thước phim muốn chuyển tải.
Thế nhưng, bài hát cũng có một đời sống
riêng, nhận được một tình cảm đặc biệt trong lòng công chúng.
Nói về bài hát phải kể đến nguyên liệu đầu
tiên là bài thơ Cho một ngày sinh của nữ thi sĩ Đoàn Thị Tảo viết tặng
chị gái của mình là nhà văn Đoàn Lê. Có lẽ nhà văn Đoàn Lê là một nguyên mẫu
chân thực nhất cho nhân vật trong bài thơ.
Và bằng một tình cảm mến mộ đặc biệt, một sự
đồng điệu hiếm thấy trong cảm xúc, nhạc sĩ Trọng Đài đã đem tới cho bài thơ một
cuộc đời mới, một hơi thở mới, chiêm nghiệm mới. Ca khúc Chị tôi được
“khai sinh” một lần nữa từ bài thơ ban đầu như thế.
Tôi cũng có một người chị gái. Thuở nhỏ tôi
luôn nghĩ rằng các chị - những người con gái thật may mắn khi được trời phú cho
sắc đẹp, cái nết na, ngoan hiền. Và cũng có nhiều người đàn ông yêu chị tha thiết.
Tôi luôn nghĩ rằng cuộc đời chị sẽ thật sung sướng, tròn vẹn.
Nhưng khi tôi và những đứa em khác lớn lên,
trưởng thành thì chị vẫn còn long đong với những mối tình không có hồi kết. Giờ
chị đã lấy chồng, ở một nơi rất xa. Mỗi lần gọi điện về nhà, chị lại khóc thổn
thức. Những khi ấy, tôi thấy chạnh lòng quá đỗi… Có lẽ vì thế mà tôi càng yêu,
càng thấm thía ca khúc Chị tôihơn.
Và trên mỗi nẻo đường tôi lang thang tác nghiệp,
bất chợt gặp hình ảnh người con gái đang tảo tần với những công việc hàng ngày,
bất chợt tôi lại thấy bâng khuâng. Tôi lại nhớ đến hình ảnh chị tôi ở một nơi
xa lắc vẫn thổn thức nhớ về quê nhà.
Thời gian trôi qua mau, dòng đời hối hả khiến
cho những trải nghiệm trở nên mờ nhạt. Nhưng một chút bâng khuâng, một chút
hoài cảm với Chị tôi thôi cũng đủ làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn rồi.
Đinh Quang
Nguồn Tuanvietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét