Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Trà và tình bạn trong thơ

Trà và tình bạn trong thơ
Tình bạn luôn thật nhất, gần mình nhất mỗi khi mình cần. Hãy sống hết mình với tình bạn mà ta đang có. Thời gian không thể níu kéo được tình bạn, chỉ có sự chân thành nuôi lớn tình bạn.
Sáng nay Sài Gòn trời dịu, rảnh rang tôi ngồi tìm đọc lại mấy bài thơ của những người bạn thân gửi tặng. Bạn tôi hiện thời mỗi người ở mỗi xứ đông tây đều có. Hồi xưa khi còn ở chung bạn bè thường đến ngồi quây quần bên nhau bằng tách trà.
Bạn tôi ai cũng thích trà và có khiếu pha trà. 
Uống trà, hát nhạc, làm thơ, thưởng hoa là niềm vui vi diệu tinh thần thuần khiết mà anh em tôi tìm được trong cuộc sống chốn cửa thiền. Đời tu sĩ anh em dường như đã buông bỏ hết những thứ mà thế gian không thể bỏ. Nếu bây giờ uống trà, tấu vài ca khúc, đọc lên một vần thơ mà mọi người xem là “xướng ngôn vô loại” thì tôi không biết tâm hồn người tu sĩ có máu huyết nghệ sĩ sẽ sống như thế nào? Hẳn là khô khan và thiếu sức sống lắm! Sống như vậy đời sẽ mất đi nhiều hoa trái sắc thắm trong vườn ươm.
Anh em tôi từ độ tuổi đôi mươi đã chiêm nghiệm, suy tư về một lý tưởng sống toàn hảo nhưng toàn hảo như thế nào đối với tôi vẫn là một dấu chấm hỏi đầy trắc ẩn?
Tôi đã đi vào thế giới trắc ẩn đó qua niềm vui chung ở tình bạn. Nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm ngồi chiêm nghiệm về tình bạn đôi khi là một chút bâng quơ cho tình yêu tôi chợt phá ra từng điều mới lạ rằng: “cuộc sống không thể thiếu tình bạn”.
Tình bạn luôn thật nhất, gần mình nhất mỗi khi mình cần. Hãy sống hết mình với tình bạn mà ta đang có. Thời gian không thể níu kéo được tình bạn, chỉ có sự chân thành nuôi lớn tình bạn. 
Đi đôi bên tình bạn luôn có sự hiện hữu bình dị thầm lặng của chén trà. Dù sao đi nữa ngồi gần chén trà, bạn bè dễ dàng tâm sự ưu tư nỗi lòng với nhau.” bạn bè khuya sớm một bình trà thơm”.
Trà và tình bạn như sông Hương gặm phiến nguyệt. Khách phong tao dù có tài ba đến đâu cũng không nói, chép hết hương vị đậm đà của trà khi đã ngấm qua hơi thở từng người.
Hơi thở toát ra làm hơi sương cho màn không khí ghép thành bài thơ.
Bài thơ gì?
“Ngụm trà pha sương” 
tôi đã làm trong một chiều mưa thật buồn cho mấy người bạn thân còn đọng lại thường hay lui tới trò chuyện:
đếm lại hơi tàn
của
tháng năm
bạn bè lui tới
còn dăm ba người
ngụm trà tóc nguyệt
pha sương
kẻ mây
người núi
vô biên nỗi buồn.
Chỉ có thơ mới gói ghém nỗi lòng thầm kín của người ẩn sĩ khi đếm tuổi đời đường dài, tình bạn mỗi người đi mỗi ngã.
Mỗi lần đọc bài nầy lên tôi thấy run run thương xót cho thân phận từng người bạn và nỗi lòng chính tôi. Rồi mai đây không biết anh em kẻ mây người núi chốn nào đây?
“Ngụm trà tóc nguyệt pha sương” 
Nghe sao dư âm quá! Vẫn chén trà nồng hương vị thanh mà lắng tâm nhìn lại bạn bè cho thật kỹ từ khuôn mặt đến điệu bộ thấy người nào cũng đượm nét phong sương, già hơn trước rất nhiều.
”Bàn tay sạm nắng mắt gầy trăm năm
Tuổi xuân em nhớ gì chăng?
Bạn bè ly biệt vết hằng tình thương”.
Khiết Phong thường nói với tôi rằng: ”Tuổi anh em sống chung qua rồi, bây giờ là lúc tạm xa nhau để thực hiện lý tưởng và ước mơ”. 
Tôi đồng ý, cho là đúng. Nên: ”Quen nhau từ độ tuổi thơ, cuối cùng cũng phải có giờ chia tay”. Tôi không bao giờ phụ rẫy tài năng và chí nguyện vốn có của anh em. Lẫn không buồn lắm mỗi lần chia tay từng người. Vì đến và đi là lẽ thường tình thường xảy ra nhiều lần trong đời tôi. Tôi đang tập sống và chấp nhận hoàn cảnh sống để thấy rằng ở đâu cũng đẹp, niềm vui hay nỗi buồn tự nó ắt sẽ qua. Không níu kéo câu nệ, bi lụy để phiền cõi lòng ”buồn làm chi cho đời thêm đau khổ, khóc làm chi cho lý tưởng điêu linh”.
(Ở đây tôi đang nói đến “lý tưởng” không phải lý tưởng trong nghĩa” mưu sinh” mà lý tưởng trong nghĩa “Vượt thoát trần tâm chính mình”.)
Lúc nãy Khiêm Cung gọi tôi xuống phòng uống trà. Trà ngon và thơm quá tôi uống một mạch cạn ba chén cho đủ đô mới gọi là:
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Mỗi nhật cứ như thử
lương y bất đáo gia.
Cao hứng nhớ trong truyện kiều có câu hợp tình hợp cảnh:
“Khi hương sớm, lúc trà trưa
Bàn lan điểm nước, đường tơ họa đàn“
Chùa tôi có một nguồn nước hiệu là nước ”Không tên”. Nước này uống trà rất ngon nhất là loại trà Ô Long trộn lẫn ít trà bắc uống vào thì tuyệt. Khiêm Cung khoe với tôi: “đây là trà độc quyền ‘chính chủ’ không đụng hàng, chỉ có khách quý mới được thưởng thức”. 
đúng thật:
Trà phùng tri kỷ ấm
Thi hướng nội nhân ngâm.
(gặp người tri kỷ trà cạn chén
Thơ chỉ bình ngâm mới bạn hiền)
Uống trà với bạn, nhất là bạn hiền, bạn có lý tưởng, có chất tu phẩm hạnh cùng mình đi qua những thăng trầm khốn khó thì còn gì sánh bằng.
Người xưa nói: 
“Dữ quân nhất tịch đàm
Thắng độc thập niên thư” quả không sai. 
Nay xin ghé thăm bài thơ ” Gợi sầu” của Mặc Phong Giang:
Dạo này chẳng thấy bạn bè đâu
Phố vắng đường xa gợi như sầu
Tri kỷ đi mau về cuối phố
Chỉ còn nghe tiếng của đêm thâu.
Thơ thất ngôn tứ tuyệt này tôi cho rằng thuộc loại “khổ ngâm” vì trong thơ ẩn chứa cả nỗi lòng người với cảnh. Giọng thơ trầm và tròn. Đọc lên thấy dư âm, dư vi nhưng man mát nỗi buồn.
Bạn tôi ai cũng có nét giống nhau là thích sống nhàn tịch xa lánh chốn ồn ào đông đúc và luôn ẩn chứa cả vùng trời lặng lẽ nơi nội tâm mà đôi khi suốt cả kiếp người tôi vẫn không thể hiểu thấu bạn bằng con mắt trần tục. Cái đó tôi xem là bí ẩn  của cuộc đời.Vì: 
"Sư về ngồi giữa tháng năm
nghe tà huy mộng bay vào thinh không
an nhiên mỉm một nụ cười
rừng thông nắng rọi yêu thương rạng ngời".
Viễn Du có tài xuất khẩu thành thơ. Năm mười tám tuổi đã ra tập “ Tiếng chiều”. Ngày đó ra tập thơ được xem là bước ngoặc để tiến thân đường đời. Tôi thích đọc thơ Viễn Du vừa có trữ tình vừa mang âm hưởng đạo nhẹ nhàng mà đủ hương vị của tâm linh. Đọc qua nghe không có gì, khi ngẫm lại quả là công phu tuyệt đỉnh.
Thơ của bạn tôi thời  là thơ mới, hiếm khi bạn tôi đọc cho tôi nghe. Đa phần bạn tôi thường gửi bằng thư vào những dịp có thể…
Hôm qua trước khi đi ngủ tôi ngồi ngắm chậu hoa Hồng quỳnh chớm nụ. Sáng ra, hoa nở đẹp hương thơm đượm khắp phòng.
Nhìn bên ngoài, trời âm u mưa rơi nhẹ. Tôi đốt lên một viên trầm cúng Phật rồi ngồi yên ngắm quỳnh lâu lâu hớp ngụm trà gửi lòng thanh hư qua lát mức gừng cay cay  nhớ Huế cố hương.
 Hồng Bối
Theo http://www.daophatngaynay.com/vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...