Phải nói rằng: Nàng rất đẹp.
Đẹp rực rỡ. Nhất là đôi mắt to tròn hun hút muốn thâu tóm cả thế giới về phía
mình. Và làn da, trắng như tuyết. Cứ ngỡ nàng vừa chui ra từ cái vú một con bò
sữa sau một thời gian ấp ủ đủ mệt.
Nhưng, điều làm tôi chú ý tới
nàng, đầu tiên, lại không phải là đôi mắt xoáy ốc với nước da quý phái nàng
có. Mà là một thứ khác.
Đó là một buổi tối thứ bảy.
Phòng karaoke ồn ào thanh âm của rượu và đám đông. Một con bé nhợt nhạt ngấm
men đến bên tôi:
– Anh ơi ! Hát đi. Ôm em đi.
Chơi đi. Đêm nay, còn dài lắm.
Con bé xỉn mất rồi. Tôi chưa
biết phải làm sao với nó, thì nàng tới, bằng giọng nói.
– Đi vào phòng trong ngủ đi.
Đêm không dài lắm đâu. Ngày mai mới dài.
Con bé vội vã quay lưng, bỏ
lại cái nhìn không thiện cảm. Hoặc, cái nhìn bình thường nhưng vừa bị sứt mẻ.
Thì ra, nàng là chủ của cái mớ hỗn độn này.
– Con bé không làm phiền anh
chứ? Nó không biết anh là nhà thơ. Nó cứ muốn một nhà thơ phải chửi thề.
Một ly. Hai ly. Và không ly
nào nữa. Đêm ấy, tôi uống tôi chuếnh choáng. Buổi tiệc của đám bạn bè ăn mừng một
phi vụ. Tiền chảy xuống sàn. Tiệt không thấy một chút thân thiện nào. Trừ,
nàng.
Tôi cũng không hiểu tại sao
nàng cứ đứng hoài bên tôi, cứ phải gào lên bên tai tôi những câu chuyện rất cũ
của nàng. Về cuộc đời nàng. Về những người tình của nàng. Cả những đứa con chưa
ra đời của nàng. Chỉ thiếu một người chồng.
– Cô nghĩ rằng tôi phải trả
quá đắt cho mấy ly rượu như thế này sao?
– Không, nhà thơ à. Tôi đọc
thơ anh. Tôi thấy có tôi cựa quậy, lăn lê bò trườn và đôi khi sõng xoài trong ấy.
Tôi nghĩ rằng: chúng ta có thể làm bạn.
– Làm bạn? Tại sao cô nghĩ
rằng một nhà thơ cần phải có bạn?
– Vì các nhà thơ rất cô độc.
– Và cô muốn lấy đi niềm cô
độc ấy? Biến đi, kẻ cướp ạ. Ông không cần chia sẻ. Ông không cần đàn bà. Ông cần
một thế giới. Ông cần chửi thề.
Nàng giật mình. Hoặc giả bộ
giật mình. Nhưng cũng bỏ đi chứ không can đảm đứng lại chút nào nữa. Ly rượu
sóng sánh trên tay nàng, tôi nhận thấy, tay nàng rất đẹp. Muôn muốt năm ngón
dài với năm cái móng nhọn hoắt tỉa tót trắng hồng. Bàn tay tôi thì lại quá xấu.
Cày cấy quanh năm suốt tháng trên mảnh đất khô hạn gọi là thơ, tôi đếm niềm
sung sướng bằng những nốt chai sần ngày chồng ngày tháng chồng tháng. Xen canh
giữa những vụ ăn chực sự cả tin của những con người dám bỏ cả ngày lương ra mua
một tập thơ, tôi chăm bẳm vài lần ăn cắp mưa nắng ân huệ trên ném xuống. Đủ ăn
tục nói phét và huênh hoang với thiên hạ, Tôi, là một nhà thơ.
Nàng có biết điều này không
nhỉ? Có lẽ không, nên sau một bản khiêu vũ, nàng lại đến bên tôi. Quầy rượu đủ
chỗ cho tất cả chúng ta. Tay lăm lăm cái khăn đã úa mồ hôi và rượu (lau mặt
lau miệng và lau bất kỳ chỗ nào người ta có thể), nàng lại lên tiếng.
– Nhà thơ à, tôi thấy cái giống
các anh cũng hay thật !
Chúm chím từ môi hồng mọng của
nàng, tôi nghe rõ từng chữ tròn đều như vậy. Chạm nọc rồi nhé!
– Cái giống gì?
Nàng vẫn cười. Đám đông vẫn
qua lại ồn ào. Vài lúc, một bàn tay xòe ra bắt tay nàng, nói với nàng những câu
đầy nước bọt:
– Đêm nay, em đẹp quá!
Và nàng trả lời bằng mấy lời
ươn ướt vừa phải:
– Cám ơn anh! Em vẫn đẹp thế
mà !
Tôi không chịu nổi cái cách
nàng thả câu thiện nghệ như vậy. Cái hố kiêu hãnh của một nhà thơ, có khi còn
sâu hơn cái hố bom mà anh ta muốn kêu than hay ca ngợi.
– Cô nói, cái giống gì?
– Thì, cái giống nhà thơ các
anh đấy! Vàng mã. Nên chẳng bao giờ dám nhúng vào lửa.
– Có thể. Vàng mã chỉ cần
thiết cho thế giới bên kia thôi. Can gì mà cô quan tâm?
Năm đó, tôi hai ba, nàng hai
tám. Đêm đó, rượu kéo tôi về phía nàng bằng cách nào đó không thể hiểu nổi. Chỉ
biết rằng, sáng hôm sau tôi tỉnh dậy thì đã không thấy nàng nữa. Một khuôn mặt
không in lại trên drap. Một bầu ngực không in lại trên drap. Một thân Kiều
không in lại trên drap. Người dọn phòng chạy theo tôi.
– Anh ơi! Hình như anh bỏ
quên …
Một cái kẹp tóc mỏng có đính
một bông cúc tím. Của nàng. Tôi bỏ vào túi áo. Trước ngực. Cho đến rất lâu sau
này, tôi vẫn không hiểu được tại sao mình lại cầm cái kẹp tóc ấy và bỏ vào túi
áo trước ngực mình. Đôi khi lẩn thẩn, nghĩ ngợi lung tung rằng, biết đâu, Bông
hồng vàng của anh chàng hốt rác thành Pari lại chẳng vận vào số phận mình?
Chuyện đời, không gì không thể.
Năm đó, tôi được gọi là một
nhà thơ, nàng là một bà chủ quyền uy. Cuộc sống xoay vòng chúng ta, và cắt lát
chúng ta trên cái thớt sằng sặc mùi đời. Quán của nàng, tôi không bao giờ đặt
chân đến nữa. Nhưng thơ của tôi, lại lẩn khuất mờ ảo một ả đàn bà mềm oặt như rắn
mùa động dục. Triền miên rên rỉ triền miên hoan ca. Tất cả những lần ăn nằm với
những thân thể khác, tôi đều nghĩ tới nàng. Đôi mắt to tròn hun hút và làn da
trắng bông. Rồi tôi không thể làm được câu thơ nào nữa. Mớ giấy vụn của ngày
tháng cũ xếp kho, mối mọt ăn dần. Cái bóng của nàng lớn hơn tất cả những gì
nàng để lại.
Cũng có mấy lần, tôi bắt gặp
nàng trên phố. Căm cụi phấn son cùng những món trang sức đắt tiền. Ánh mắt nàng
chạm tôi, quăng bủa mơ hồ về phía tôi.
– Nhà thơ có khỏe không?
Hoặc
– Nhà thơ còn sáng tác nhiều
không?
Đã có lần tôi muốn hét thằng
vào khuôn mặt kiều diễm của nàng:
– Con mụ khốn kiếp, mày đã lấy
thơ của tao đi đâu rồi?
Nhưng, tôi đã chẳng thể lên
tiếng được. Quyền uy của kỷ niệm quả là rất lớn. Trong giới hạn nào đó, nó bắt
chúng ta tê liệt như vừa bị tiêm một mũi ma túy quá liều. Nàng vẫn cười. Qua rất
nhiều xuân hạ thu đông quẩn quanh ngày đếm ngày của tôi.
Trong nhiều giấc chiêm bao
tôi, nàng tiệm cận với Thiên đàng. Đồng trinh Maria vẫn là một kỳ bí với tất cả
khoa học. Mặt phẳng thời gian đã không phẳng lì như chúng ta vẫn tưởng.
Cho đến hôm nay, tôi gặp lại
nàng. Ao câu cá giải trí có bán vé.
Tôi không đếm xỉa lời nàng
nói. Môi hồng hơi cong, giờ phút này tôi mới nhận ra. Tôi ôm chầm lấy nàng. Xiết
thật chặt. Nhấc bổng nàng lên. Lấy đà. Ném thẳng xuống hồ. Buổi sáng rất vắng
khách, không ai thấy.
Mấy vụn lục bình giỡn với
gió, hơi chao nghiêng theo cái tõm của nàng. Rồi trở lại bình thường. Tôi nốc một
ngụm bia. Chờ nàng trồi lên.
Nàng trồi lên thật. Không hốt
hoảng, không sợ hãi.
– Cái cần tre của cái giống
các anh đâu, đưa đây cho tôi nắm leo lên.
– Vậy là, hôm nay cô đã biết
cái giống chúng tôi ra làm sao rồi chứ !
– Rõ là, cái giống các anh
chỉ có được như vậy thôi. Giỏi ăn hiếp đàn bà.
Nàng phong phanh trong chiếc
áo sơ mi của tôi. Bộ đầm hồng, nàng phơi trên cành cây thòng ra hồ. Tôi thấy
nàng run. Nhưng, nàng run không giống một người đàn bà tí nào.
– Cái giống các anh không biết
ôm người ta cho đỡ lạnh à?
Thì ra là vậy. Nàng ba ba và
tôi hai tám. Tôi hôn lên tai nàng, luồn tay vào túi lấy chiếc kẹp cũ cài lên
mái tóc nàng. Bất ngờ, nàng bấu vai tôi. Đẩy mạnh. Loạng choạng thằng đàn ông yếu
ớt ngã ùm xuống hồ.
Dưới nước, tôi nghe mùi sình
ngai ngái. Tiếng cười hinh hích trên đầu.
Thì ra, nàng là con rơi của
Hoài Thanh trong một chuyến cha nàng công tác ở Trung Quốc. Và tôi, một gã ăn
lương nhà xuất bản Việt Nam.
Bà Rịa, 2.2.2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét