Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Sông Hương - Truyền thuyết về một tên gọi


Sông Hương
Truyền thuyết về một tên gọi
Nếu như chẳng có dòng Hương. Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi... Tôi chưa đi được nhiều nơi, nhưng những con sông nơi tôi đã đi qua thì không con sông nào lại trong xanh, chảy hiền hòa như dòng sông Hương quê tôi. Nhà thơ Thu Bồn đã từng viết về nó như sau: “Con sông dùng dằng con sông không chảy Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Ngã ba Bằng Lãng, nới hợp lưu của hai nguồn Tả trạch và Hữu trạch tạo thành con sông Hương chảy về Thành phố (ảnh chụp từ cầu Tuần, cách thành phố Huế khoảng 10 km về phía Tây)
Tôi vẫn còn nhớ trong bài tập đọc từ năm tôi còn lớp 4 hay lớp 5 gì đó, đã viết rằng:  trước khi hợp lưu thành  sông Hương, 2 nguồn tả trạch và hữu trạch của nó đã chảy qua những cánh rừng bát ngát thạch xương bồ ở hai bên dòng sông, những cánh hoa thạch xương bồ thơm ngát đã thấm đượm vào dòng nước trong xanh của sông Hương, uốn lượn qua thành phố Huế mang theo cả hương thơm của nó, vì vậy con sông mới được đặt tên là sông Hương.
Thời kỳ đó, sách báo còn đang rất ít, thông tin chưa được cập nhật rộng rãi như bây giờ. Tôi chưa một lần nhìn thấy cây thạch xương bồ, trong trí óc của tôi, tôi tưởng tượng ra đó là một cây rất to cao, vươn mình ra hai bên bờ sông, trên đó những cánh hoa trắng muốt, thơm ngát, rơi rụng lả lả xuống dòng sông, rồi từ đó hương thơm được dòng nước đưa về nơi chúng tôi đang ở. Đó chỉ là tưởng tượng của một cậu bé 10 tuổi, tuy nhiên một điều tôi không biết đến là trong dân gian cũng có một câu chuyện truyền thuyết về dòng sông Hương, tuy không giống như điều tôi đã tưởng tượng ra nhưng cũng có những cánh hoa, những cánh hoa làm thơm dòng nước. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết ở đoạn kết bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” như sau: "Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy; trong đó, tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý nghĩa của truyền thuyết ấy như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử". (một phần của bút ký này đã được đưa vào chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 12).
Mãi tới sau này tôi mới biết thạch xương bồ là một loại cỏ, thân thảo, không phải là một loại cây to cao như tôi tưởng tượng. Thạch xương bồ còn có tên dân gian là bồ bồ, bồ hoàng. Tên khoa học là Acorus Gramineus Soland, dược tính của thạch xương bồ rất cao, gần như một vị thuốc trường sinh.
Hoàng hôn trên sông hương 
(ảnh chụp từ bến thuyền chùa Thiên Mụ)
Liên quan đến tên của con sông còn có một truyền thuyết khác. Đó là câu chuyện nén hương (nhang) của người đàn bà nhà trời (Thiên mụ) trao cho chúa Nguyễn Hoàng để tìm đất định đô, về sau trở thành huyền thoại dựng đô của triều Nguyễn (câu chuyện này tôi đã kể trong truyền thuyết về chùa Thiên Mụ). Chuyện kể rằng chúa Nguyễn Hoàng từ Dinh Cát thuộc tỉnh Quảng Trị vào nam, dọc đường hạ trại nghỉ ngơi cạnh dòng sông (Hương), thấy một người đàn bà nhà trời hiện ra, trao cho chúa một nén hương, dặn: Hãy thắp hương rồi đi xuôi theo dòng sông xinh đẹp này, khi nào hương tàn hết thì dừng lại, đấy là đất thiên thu vạn đại đế vương. Chúa Nguyễn Hoàng cả tin bèn nghe theo lời dặn của người đàn bà nhà trời mà chọn được thủ phủ Phú Xuân sau này. Câu chuyện liên quan đến tên của hai hạng mục có thực và quan trọng trên đất thần kinh: Chúa Nguyễn Hoàng nhân nén hương linh mà đặt tên cho dòng sông dẫn đường chọn đất đế nghiệp là sông Hương. Và tạ ơn người đàn bà nhà trời mách bảo, ngay trong năm 1601, chúa cho xây quốc tự nơi đã được người đàn bà mách bảo bên sông, đặt tên là Thiên Mụ. Như vậy, theo chuyện kể, người đặt tên cho sông Hương là chúa Nguyễn Hoàng.
Khi về đến Thiên Mụ, đoạn sông uốn lượn ôm lấy chân đồi tạo thành một khoảng không gian rộng lớn, trải rộng ra phía trước mặt chùa Thiên Mụ
Có một tài liệu khác thì nói rằng người xưa có thói quen gọi tên sông theo tên làng, xã, huyện, tỉnh nó đi qua. Sông Linh Giang (tên cũ của sông hương) chảy qua địa phận huyện hương Trà (tương đương với đất huyện Hương Trà và một phần huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay) nên tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà, và đó cũng chính là sự bắt nguồn của cái tên sông Hương. Ngoài ra liên quan đến tên sông theo địa danh còn có một mẩu dã sử khác cũng thú vị: Năm 1792, trong chuyến tuần du Phú Xuân, vua Quang Trung hỏi sông đang đi thuyền tên là gì. Quần thần đáp rằng đoạn vừa đi qua tên là Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, còn đoạn trước nữa lại có tên Kim Trà. Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi để đặt tên cho sông dài là thiên nhiên muôn thuở, và phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang, từ nguồn cho tới biển. Như vậy, theo chuyện dã sử này, người đặt tên cho sông Hương là vua Quang Trung.
Đoạn sông Hương chảy qua cầu Bạch Hổ, bao quanh cồn Giả Viên (cồn Giả Viên được xem là thế hổ phục cho Kinh Thành Huế, do vậy câu cầu được đặt tên là Bạch Hổ.
Cho đến bây giờ câu chuyện ai đã đặt tên cho dòng sông vẫn còn là một điều bí ẩn. Và tôi cũng không còn tuổi ngây thơ để tin rằng nước con sông có mùi thơm ngát nữa. Nhưng với riêng tôi, sông Hương bao giờ cũng là một dòng sông thơ mộng, xinh đẹp, gắn liền với tuổi thơ. Đó là những năm học cấp III ở trường Quốc học, bọn tôi vẫn thường xuyên băng qua đường để lang thang trong công viên bên cạnh dòng sông, những buổi chiều sau những lúc học thi căng thẳng, nhâm nhi ly cà phê đặc sánh bên quán cà phê Lộng Gió (đây là quán phải nói rằng thuộc loại lâu nhất thành phố mà đến nay vẫn còn) trong công viên trước trường Quốc học, ngắm nhìn và đón làn gió mát từ dòng sông. Cho đến bây giờ thói quen đó vẫn không thể nào bỏ được. Đó là những buổi tối ngắm sông Hương về đêm từ quán café Thảo Nguyên, nơi có một khoảng không gian bao la giữa 2 cây cầu qua dòng sông: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền. Và những ngày thứ bảy, chủ nhật cả gia đình cùng một vài người bạn rủ nhau ra café Vườn Thiên Đàng, rồi lang thang trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đứng ở đây nhìn dòng Hương cùng với cầu Trường Tiền thì quả thật tuyệt vời.

Quang cảnh sông Hương, cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân mà bạn có thể ngắm được từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh quán cafe Vườn Thiên Đàng.
Xin mượn hai câu thơ của Tố Hữu để kết thúc bài viết này:
“Hương Giang ơi dòng sông êm
Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình”
Nguyễn Văn Liêm
Nguồn: http://hue.blogsite.org/
Theo http://tintuc.hues.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...