Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Người trốn sau hẻm núi


Người trốn sau hẻm núi
Sâu trong hẻm núi, giữa chập chùng những rừng đá nhô lên và vô số loài cây thay lá, Aaron kể về giấc mơ tổ ấm của anh. Một mái nhà giữa cánh rừng. Vợ anh yêu cây. Và cô ấy muốn mỗi sớm mai đều nhìn thấy chồi non giữa bầu trời dù nắng hay mưa.
Những khu trại với hàng chục túp lều mọc lên khi ngày cuối tuần đến, dân mê cắm trại ở các bang xung quanh cũng đổ về. Ảnh: Khải Đơn
Đó là một vườn quốc gia nằm ở bang Kentucky, vùng Đông Nam nước Mỹ. Nơi này hụt sâu vào những con đường không ánh điện, nơi người ta đi từ những con đường liên bang, băng qua nhưng hiếm khi dừng lại. Không sóng điện thoại. Không nhà hàng. Chẳng một quán bia hay đô thị đông đúc nào. Từ trên cao đỉnh núi chiều muộn, mắt người lạc đi giữa màu thẫm của lá phai, màu hoàng hôn sậm dần và bóng tối trùm lên tất cả.
Aaron mở một quán bán thức ăn nhỏ ven con đường tối đen không thể nào nhận diện. Quán kê chừng được năm bộ bàn ghế. Giờ mở cửa.
Hàng năm, mùa cuối năm ở Red River Gorge là khoảng thời gian lý tưởng về thời tiết, lạnh, khô, để dân leo núi từ khắp thế giới đổ về đây và lưu trú trong những trại từ vài tuần đến một tháng để tập luyện. Ảnh: Khải Đơn
Cũng kỳ lạ: mỗi tuần anh đóng cửa vào thứ Ba, thứ Tư, mở cửa muộn trưa thứ Hai và luôn đóng cửa lúc 9 giờ tối mỗi ngày.
Dân leo núi khắp thế giới đổ về đây - Red River Gorge (hẻm núi Sông Hồng - như tôi và bạn gọi đùa kiểu Việt Nam). Họ muốn uống bia muộn. Muốn chuyện trò. Muốn đốt lửa. Chủ quán từ chối. Anh luôn ngừng phục vụ từ 9 giờ khuya. Ngoài trời mùa đông lạnh buốt. Anh nói: Tôi muốn nhân viên được về nhà với gia đình họ.
Ở sâu trong hẻm núi nhiều ngày, tôi bắt đầu hiểu được cách những người như Aaron đang yêu cuộc sống theo kiểu gì.
Một ngày nọ, anh cho bọn tôi mượn đồ mộc để làm chút việc. Từ chân đồi đi bộ sâu lên tít trên cao, khuất sau những rặng thông cao và những cây lá đỏ đã túa màu khắp mùa thu. Cây cối ở đây tràn đầy sức sống quá mức và chúng như xóa sạch mọi dấu vết mà con người muốn chạm.
Những khu chợ nhỏ bán đồ cũ khá phổ biến trong cộng đồng nhỏ, và cách Red River Gorge chỉ chừng 8 dặm. Một số người đến để tìm những món đồ giá rẻ có thể dùng trong thời gian ở trại. Ảnh: Khải Đơn  
Vào hay đặt chân xuống cho hằn vết. Sau hõm đồi cao vút là nơi Aaron gọi “nhà tôi, hãy trèo vào tầng hai để lấy đồ mộc”. Tôi leo cửa sổ vào như anh chỉ. Ngôi nhà đầy ánh sáng dù chưa làm xong. Kính để ánh sáng xuyên vào. Không gian rộng thênh thang. Một góc phòng với cánh cửa bé - có lẽ là cho con gái sắp chào đời của anh.
Aaron sống cả đời ở New York. Anh hay kể về buổi chiều khi mới hẹn hò cùng vợ, anh sẽ vứt xe hơi ở một khu phố nào đó thật xa trung tâm, và đi tàu điện vào để đứng dưới cổng tòa nhà công ty, đợi nàng xong việc để đi ăn tối. Cuối tuần, nàng thường nói anh chở nàng đi đâu đó xa, lên rặng núi cách thành phố vài giờ. Nàng trải tấm thảm ra và thết đãi anh bằng món sandwich tự làm ở nhà hay hộp cơm bento kiểu Nhật học từ YouTube. Aaron kể: “Sau khi cưới nhau, tôi nhận ra cả hai chúng tôi đều muốn được ở gần thiên nhiên hơn. Tôi thấy cô ấy hạnh phúc như một con chim nhỏ mỗi khi được đến nơi nhiều cây cỏ”. Mất bốn năm để anh khép lại tất cả việc làm, sự nghiệp đang thăng tiến và cả cho nàng xem xét có muốn rời khỏi tòa cao ốc giữa thành phố hiện đại hàng đầu thế giới để ra đi không.
Và anh kể: “Tôi nói, tôi sẽ tặng cô ấy một ngôi nhà, như dân vùng này và những kẻ đi chinh phục núi cao vẫn làm”.
Red River Gorge là một sự yên lặng bí ẩn. Người ta chẳng thấy gì khi lướt qua nó giữa đường cao tốc liên bang. Nhưng rồi những vỉa đá nhô lên cứa vào trời đã thuyết phục kẻ phiêu lưu khắp thế giới đổ về đây. Họ bỏ hết mùa hè ở Tây Ban Nha, nhốt mình trong công việc, để đổi lấy ba tuần leo núi miệt mài ở đây. Họ bỏ hết những dự án đang chạy rầm rộ cuối năm ở Berlin, London, chạy về đây vài tuần quyết mòn tay và giày trên tất cả vỉa đá thắt ngặt như những thánh đường. Họ trút bỏ sự bận lòng tàn bạo ngoài kia, gỡ SIM điện thoại, gỡ cái phích cắm tâm trí của mình khỏi góc văn phòng trang nhã kín bưng như nhà tù. Vài tuần. Một tuần. Vài tháng. Một tháng. Cả thế giới như trả giá thật nhiều để tìm về đây, sống như giấc mơ mà họ ao ước. Nhìn thiên nhiên thở. Ngắm vỉa đá lên đầy thách thức. Những kẻ tự sự đầy đơn độc muốn được sống... như con người... sau hàng ngàn giờ dán mình vào máy tính và cân đo thế giới bằng hàng hiệu hay số tầng thang máy
Rời xa đô thị, trút bỏ sự ồn ào, tháo mình khỏi “ổ cắm” là ý niệm được nhắc tới thường xuyên trong những bài viết về sự lo âu, mệt mỏi, khủng hoảng mà con người hiện đại được học. Kỳ nghỉ thì vui, sự lắng lòng thì dễ chịu, còn đánh đổi tất cả để sống bình yên và hòa bình với giấc mộng cạnh tranh không dứt của loài người đầy bất an này... phải cần bao nhiêu can đảm mới làm được?
Aaron là một trong số đó. Anh muốn tự tay “xây” ra món quà đã hứa cho vợ. Quán ăn là nơi đưa đến những bạn hữu từ khắp thế giới. Một tay leo núi đã chỉ dẫn anh cách làm mộng gỗ. Kẻ khác chỉ dẫn anh cách gia cố sàn nhà. Anh cùng vài người bạn, miệt mài đưa từng thanh gỗ mua từ thị trấn về lên hõm đồi mà anh bỏ hết tiền để mua. Anh cắt từng thanh gỗ. Đo ni từng cửa sổ. Cắt từng mép hàng rào thành mũi tên không sắc nhọn “để trẻ con chơi có thể trèo qua”. Ngôi nhà thành hình từ những mùa hè khô ráo, khi anh có thể ngừng tay ở quán ăn và cưa cắt, đục đẽo. Tường nhà được vợ anh phụ tay sơn mỗi cuối tuần cô rảnh. “Tôi làm ngôi nhà đã ba năm, và Liz nói cô ấy không cần đường dẫn xuống dưới. Không cần phải chặt cây hay dọn cỏ gì hết. Cô muốn tự nhiên vậy để chúng tôi có thể thả bộ xuống đường dưới tán cây”.
Những người bạn rời khỏi New York, Chicago, Los Angeles để nghỉ đông, nghỉ hè hay tìm đến quán ăn ven đường nhà anh. Họ gặp lại người đã nghe những cuộc họp qua điện thoại kéo dài nhiều giờ để thảo luận một sản phẩm nào đó đến tận khuya. Họ cùng anh nhớ lại thời thức suốt nhiều đêm dài khi hạn ra sản phẩm trờ tới gần sát kỳ nghỉ lễ. Có người trong quán hôm đó nói với tôi: “Tôi tự hỏi, chúng ta đang làm gì để ráo riết giành lấy những sản phẩm hàng hiệu đắt tiền khủng khiếp chỉ để chừng sáu tháng sau đó nó trở thành đồ sale giá rẻ. Cứ mỗi lần bước vào một thương xá, nhìn chính bản thân dán mắt vào một chiếc áo da đắt tiền, hay nhìn những phụ nữ xách cả chục cái giỏ toàn hàng hiệu, tôi thấy như mình bị nghiện. Ở đây, giữa nơi này, cái áo đắt tiền đó chẳng thể chống nổi một cơn lạnh và mưa dài. Giá trị của chúng ta như một trò lừa đảo trên ti vi”.
Anh ta chỉ là một người trong vô số những người tôi gặp trong cánh rừng đó. Anh là giám đốc bán hàng trong một văn phòng ở Chicago. Ồ, anh ta đang thuyết phục cả thế giới mua hàng, và phải rời khỏi thành phố đó để thuyết phục chính mình trở lại nguyên bản ban đầu của con người: được yên tâm, gần bên thiên nhiên, được thấy cơ thể mình sống động yêu đời thay vì mang vác vô chừng thương hiệu lên cổ. Anh tỏ ý ngưỡng mộ Aaron, và nói về những “kẻ điên” đã từ bỏ nhiều thứ để đến đây nép mình vào hẻm núi. Những người trong quán đêm đó nâng ly, họ cười đùa trong một bữa tiệc thiếu thốn và nồng nhiệt. Nơi này quá xa thị trấn, chẳng thể nào uống bia cho thả giàn, quán cũng chỉ có chừng có két, nên chẳng ai được “quyền” say tận mạng khi tới 9 giờ quán đóng cửa.
Nhưng một chiều khi đi dạo với chủ quán lên hõm đồi để cất đồ làm mộc, anh kể tôi nghe về những lo lắng. Con gái anh sẽ không thể đến trường học hạng nhất như thuở xưa anh học ở New York. Sẽ chẳng có thư viện công cộng hàng đầu nào ở quanh đây. Và nơi đây, giữa cánh rừng, nơi dân đốn gỗ và nông dân, phần nhiều đàn ông quen với cuộc sống hơi thô lỗ của dân làm mộc, có thể là điều cô bé sẽ không thích khi lớn lên. Anh và vợ đang tìm hiểu các chương trình tự học từ xa cho cô bé, tìm hiểu các trường tiểu học và nhà thờ quanh hẻm núi. Anh cũng sợ con gái sẽ thua thiệt những cô bé từ thành thị, biết trang điểm sớm, biết được nhiều môn nghệ thuật, học và sử dụng công nghệ cao. Ở đây, Internet còn là một món hàng xa xỉ và anh phải mua gói cước thật đắt để quán ăn có mạng Internet cho khách dùng (một “đặc sản” hiếm hoi ở vùng này).
Kẻ chạy trốn thế giới hiện đại để tìm sự cân bằng như anh giám đốc bán hàng sẽ không thấy được điều vất vả hàng ngày mà người chọn lựa khác đi như Aaron trải qua. Họ thấy hẻm núi đẹp. Họ muốn kết nối với thiên nhiên. Họ đi tìm cảm giác được thư giãn, dịu dàng, yên ả, tránh xa với cuộc sống thường ngày đầy rẫy màn hình và những tiếng chuông báo điện thoại nhức nhối giăng mắc. Rời xa đô thị, trút bỏ sự ồn ào, tháo mình khỏi “ổ cắm” là ý niệm được nhắc tới thường xuyên trong những bài viết về sự lo âu, mệt mỏi, khủng hoảng mà con người hiện đại được học. Kỳ nghỉ thì vui, sự lắng lòng thì dễ chịu, còn đánh đổi tất cả để sống bình yên và hòa bình với giấc mộng cạnh tranh không dứt của loài người đầy bất an này... phải cần bao nhiêu can đảm mới làm được?
Aaron chỉ cho tôi xem phần tường của ngôi nhà chưa được chà nhám và những vụn gỗ còn đang rỉ mẩn trên sàn. Anh chưa biết làm sao khắc phục nó. Từ đây đến mùa hè năm sau, khi xong hẳn ngôi nhà mà anh chưa tìm được cách chỉnh trang, anh sẽ phải trả tiền cho một nhóm thợ trong thành phố về làm. Nhưng khi đứng dưới ngôi nhà hai tầng và nhìn nó kiêu hãnh đứng bên cạnh những tán cây rậm rạp mát lạnh, tôi thấy anh như một người đàn ông đã hiên ngang chọn lựa điều mà anh và người thân yêu thực sự tin vào. Anh nói về vợ như chú chim nhỏ cần có rừng cây. Anh tưởng tượng con gái trong bụng vợ sẽ lớn lên, ngạc nhiên nhìn thấy sóc và bọn chim nhảy nhót bên hàng rào.
“Bọn sóc sẽ thường xuyên trộm đồ ăn cho mà xem. Nên tôi đã làm cửa lưới gần bếp để vẫn có gió trời và chúng không thể đột nhập. Nhưng ai mà biết được, vợ tôi vẫn thường lén cho bọn chúng đồ ăn lắm”, anh cười hào sảng trong ánh nắng lạnh mùa đông xuyên qua kẽ lá vào nhà...
Khải Đơn

Theo https://baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...