Bản Cóm nằm cheo leo trên đỉnh núi Tà Khuông, đỉnh núi cao nhất
huyện biên giới của tỉnh. Bản Cóm như một mảnh quá khứ bị bỏ quên giữa rừng. Bước
sang thể kỷ 21 rồi mà bản Cóm vẫn âm âm u u như chẳng thèm thiết gì đến những
tiến bộ của nhân loại.
Lớp trẻ trong bản cũng được đi học, nhưng chữ đực chữ cái rơi
lổn nhổn như đá cuội dưới khe sâu. Cái lớp học duy nhất của bản gồm đủ mọi
trình độ, mọi lứa tuổi. Thầy giáo là những chiến sĩ biên phòng thay phiên nhau
đến dạy. Có khi trò phải đợi thầy vì thầy cũng còn nhiệm vụ khác nữa. Có khi thầy
đến rồi lại phải đợi trò, vì trò còn đang mải mê bẻ ngô, trồng sắn trên nương
khi đang mùa vụ.
Cả bản chỉ có thằng Khếnh và con Mua là đi học đều. Nhà thằng
Khếnh có của ăn của để, có nhiều đàn ông khỏe mạnh, nên nó không phải lo đến miếng
ăn, chỉ suốt ngày rong chơi, mà chơi mãi cũng chán, nó coi việc học như một thú
chơi, đến đó nó có thể chọc ghẹo đứa này đứa nọ, vỗ vào cái mông nây nẩy của
con Mua. Còn con chữ, nó chả để ý, trừ phi thầy dọa nếu không học bài, thì thầy
đuổi học, là nó sợ.
Khếnh hơn tuổi Mua nhưng học kém hơn Mua, nên trong khi học
đôi khi Mua phải làm cô giáo dạy lại cho thằng Khếnh. Lớp học trứng gà trứng vịt
đó do thầy Kiên biên phòng phụ trách. Thầy dạy đến đâu, còn đâu chúng tự dạy
cho nhau. Với cái Mua, thầy bảo thầy hết chữ rồi, em phải xuống thị trấn học tiếp.
Khếnh không muốn Mua đi, nó ấm ức thầy như ăn cục xôi nuốt không trôi qua cuống
họng. Nó đang mơ đến cái hội xuân sắp tới, nó sẽ dắt tay con Mua chạy vào rừng,
hai đứa ở với nhau một đêm, mặc cho ông cố nội can ngăn. Vì nó nghe thầy Kiên
giảng rồi, thời bây giờ lấy nhau là do tình yêu, chứ không phải do cha mẹ sắp đặt.
Khếnh cãi lại bố và ông cố nội:
- Tôi thích con Mua, tôi sẽ lấy nó.
- Không được!
- Sao không được?
- Vì mày với con Mua là chung một cội.
Ông cố nội Khếnh nằm lẫn trong đống chăn cũ nát, lờ nhờ như một
đống tro bếp, vội nhỏm cái đầu không tóc như cái đầu lâu ho một chặp mới nói được
rồi lại nằm vật xuống như người ta đánh rơi tảng thịt trâu khô treo gác bếp.
Nhưng Khếnh làm sao biết được, tảng thịt khô đã có thời là một người đàn ông cường
tráng, với cơ bắp cuồn cuộn rắn như thân lim, đôi chân nhanh hơn con hoẵng,
đã từng được dân bản tôn là vua săn hổ của cái vùng rừng sâu núi thẳm này. Đó
chính là A Khun.
Song, cái tiếng đồn về A Khun, một tay săn thiện xạ nhất vùng
rừng sát trời mây này không hiểu theo ngọn gió nào mà bay đến tận nhà quan tri
châu dưới huyện lỵ. Quan Châu muốn chàng săn hổ bán cho nhà quan, để nhà quan nấu
cao. Nhà quan sẽ trả cho A Khun nhiều bạc nén, chăn đệm. A Khun từ khi cha sinh
mẹ đẻ ra tới giờ chưa được trông thấy những thoi bạc trắng lấp lánh như thác đổ
dưới trăng thế này, chàng không dám nhận. Song chàng không thể không nhận lời
vì đây không chỉ là sự trao đổi bán mua mà còn là mệnh lệnh của quan Châu. Bởi
nếu chàng không đáp ứng yêu cầu của nhà quan thì cả bản Cóm sẽ phải nhận hậu họa.
Chàng thì không sợ nhưng dân bản sợ.
A Khun tiếng là một tay săn sát thú như vậy nhưng chàng chỉ
dám mon men bên ngoài khu rừng thiêng chứ chưa bao giờ dám bước chân vào. Lời
nguyền ấy A Khun vẫn nhớ như in. Nhưng A Khun cũng không dám chống lại lệnh của
nhà quan, lệnh của quan châu là ý trời... Nhiều lần A Khun đã mon men đến khu rừng
thiêng, anh đứng tần ngần trước cửa rừng hồi lâu, đoán chắc loài hổ dữ chỉ có
trú ngụ trong khu rừng rậm rạp thâm u này, thế nhưng lời nguyền cấm kỵ lại văng
vẳng bên tai: Mày sẽ chết, mày phải chết… khiến A Khun rùng mình chững lại. Màn
đêm sập xuống một cách nhanh chóng khiến A Khun không kịp nhận ra nữa thì tất cả
không gian đã nhuốm một màu khói xám mờ mịt. Khu rừng như chìm trong một màn
sương kỳ ảo và bảng lảng những bóng ma. Người cứng vía như A Khun mà cũng bắt đầu
run, A Khun vội quay đầu ù té chạy về nhưng màn sương dày đặc như bưng tầm mắt
anh và lối về như biến mất. A Khun chỉ còn cách leo lên một cành cây cao kiếm
nơi tá túc qua đêm nơi gần rừng thiêng này. A Khun trải qua một đêm dài khủng
khiếp và nặng nhọc, khi anh nhận ra trên trời hình như đang sáng dần ra thì
cũng là lúc anh phát hiện một mùi hôi thối đặc trưng của loài hổ. Chắc chắn con
hổ đang ở đâu quanh đây, và cùng lúc ấy là tiếng đập cánh bay rào rào của loài
vũ cầm, và tiếng báo động của các loài thú nhỏ. Loài hổ bước đi thường rất nhẹ
nhàng không mấy khi phát ra tiếng động. Nhưng một cái bóng to lớn đang trườn
qua đám cây dại, khiến A Khun ngờ vực. Đúng là một con hổ rồi, con hổ rất lạ,
nó có màu lông xám trắng, anh ngờ vực như đã nhìn thấy nó ở đâu, thôi đúng rồi
phải chăng nó là con hổ dòng giống của con hổ bạc ngày trước mà anh đã hạ được.
Anh mừng run lên. Con hổ quả thực đã trưởng thành, nó còn to hơn cả mẹ nó ngày
xưa và chắc chắn là trông nhanh nhẹn hơn. Song, bây giờ A Khun cũng đã có vũ
khí lợi hại hơn ngày trước. Con hổ như vừa đi săn mồi về, nó chỉ kịp bước vào
khu rừng thiêng một đoạn là nằm xuống và lăn ra ngủ như chết, tiếng nó ngáy ưồm
ưồm đều đặn, chứng tỏ nó đã ngủ say. A Khun vẫn ngồi trên cành cây theo dõi. Trời
đã bắt đầu sáng rõ, anh suy nghĩ phải bắn nó một phát thôi là phải trúng tim,
không thể để cho con vật có cơ phản kháng nó sẽ tìm cách tấn công anh ngay.
Nhưng vị trí của anh trên cây không thuận lợi vì xa quá và cũng không thể bắn
vào đúng tim. Nó đang ngủ say, một cơ hội thuận lợi hiếm có phải hành động
không thể chần chừ và cũng không thể để sai sót. Chính vì thế A Khun đã tụt xuống
và tìm một vị trí thích hợp khác.
Mải tìm vị trí mới, A Khun đã bước vào khu rừng thiêng từ lúc
nào, anh mải mê ngắm bắn và đúng như anh đã dự tính. Phát đạn găm vào ngực con
hổ ở một vị trí gần nhất. Con hổ gầm lên một tiếng, máu ộc ra xối xả và nó từ từ
gục xuống khi chưa kịp phát hiện ra kẻ đã kết thúc đời nó. Con hổ nằm bất động
như một tảng đá trắng. A Khun sung sướng nhảy cẫng lên, anh định vác con hổ về
nhưng nặng quá. Phải về bản gọi mọi người ra khiêng mới được. Cả đêm qua mất ngủ
anh đã quá mệt rồi. Con đường về bản như đi trong mây, bước chân A Khun như
không chạm đất, nhưng con đường cứ dài ra, dài ra mãi như đang đi lên trời. Cho
mãi tới khi bóng chiều ập xuống A Khun mới nhìn thấy thấp thoáng những căn nhà
trong bản.
Nhưng lạ quá, sao bản chiều nay lại tĩnh lặng như một khu nhà
mồ vậy, không tiếng trẻ cười đùa trên sân, không tiếng các cô gái giặt giũ, tắm
táp bên những mó nước, không tiếng rít thuốc của người già... Người đầu tiên
nhìn thấy A Khun, mình mẩy đầy máu me đã la toáng lên:
- A Khun đã về rồi dân bản ơi, thế là mày đã trả thù được cho
vợ mày rồi phải không? Xác con hổ ấy đâu?
- Sao mọi người biết tôi…
Chưa kịp nói hết câu thì A Khun nhìn thấy phía nhà mình mọi
người đang xúm lại đông nghịt, và có tiếng khóc như dao dọc nứa của đứa con
trai. A Khun như đờ người, hai con mắt như trật lòng đen ra ngoài khi nhận ra
người vợ xinh đẹp của mình nát bấy không còn rõ mặt người nữa, thân thể nham nhở
những vết cắn xé. Đích thị là đã bị hổ vồ, nhưng nó chỉ vầy chứ không thèm ăn
thịt. A Khun quẳng cây súng và hét một tiếng vọng đến tận trời xanh rồi gục xuống.
Phải mấy ngày sau A Khun mới tỉnh lại được để nghe dân bản kể rằng: "Vợ
mày chờ mãi không thấy mày về, nên sốt ruột vào rừng tìm kiếm, vợ mày bị hổ vồ ở
ngay con suối mà ngày trước mày giết được con hổ cái bán cho nhà quan đó".
Từ đó A Khun chỉ quanh quẩn với mảnh vườn, con lợn, đàn gà,
anh không đi đâu ra khỏi bản lấy nửa bước chứ nói chi đến vào rừng săn bắn. Vua
săn hổ chỉ còn là kỷ niệm.
Thằng Khếnh bỏ học, nó không thèm nói với thầy Kiên một câu,
vì sao nó bỏ nữa, nó chán vì còn động lực đâu để mà đến lớp, con Mua đã được thầy
đưa xuống trường học nội trú dưới huyện rồi. Có lần thầy cũng khuyên nó: Em phải
học cho vững con chữ đi rồi thầy sẽ giới thiệu xuống trường huyện. Nhưng nó chả
thiết, học để làm gì, đi săn con nai con hoẵng, bắn con chim con thú trong rừng
thì đâu cần đến con chữ, nó chỉ cần lấy được con Mua thôi. Mà sao cả nhà ai
cũng ngăn cấm nó. Nó hỏi riết nên ông nội phải nói: Con Mua cũng là chắt ngoại
của cố nội Khếnh, bà nội nó là em gái ông nội Khếnh. Vậy ra nó với con Mua là
cùng một cội, là anh em họ sao lấy nhau được?
Khếnh chỉ còn niềm vui là vào rừng, tìm niềm vui ở thú săn bắn
chim muông. Khếnh dậy từ gà gáy, dắt nắm cơm, đeo cây súng và dắt bên sườn con
dao quắm, nó lững thững đi vào rừng. Mỗi lần thấy Khếnh chuẩn bị như vậy, ông cố
nội Khếnh lại rên hừ hừ dặn nó đừng đi xa, nhưng Khếnh chả thèm nghe cái lời của
một con ma xó. Nó bước đi hăm hở và đầy hào hứng, cứ như rừng mới là nơi để nó
tung hoành. Khếnh gặp thầy Kiên ngược chiều với con đường lên núi, trên vai thầy
cũng có một cây súng, không cần hỏi Khếnh cũng thừa biết thầy vừa đi tuần tra về
rồi rẽ vào bản dạy luôn như mọi khi, nhưng Khếnh vẫn thù thầy nên không hỏi.
Còn thầy lại tươi cười chào Khếnh:
- Khếnh đi săn đấy à, cẩn thận phía đỉnh Tà Khăm mưa
đêm qua đường còn trơn lắm đấy.
Nhưng hôm nay Khếnh nổi hứng, nó không đến rừng Tà Khăm mà muốn
đi đến phía rừng thiêng, nơi từ lâu rồi vẫn cuốn hút nó. Nó vẫn thắc mắc sao
dân bản không dám vào rừng thiêng, họ truyền nhau kể những điều thật ghê rợn
nhưng phi lý, nếu vào rừng với một ý thức bảo vệ rừng thì rừng sẽ che chở chứ
không bao giờ làm hại. Nghĩ thế nó mạnh dạn hăm hở tiến về phía khu rừng vẫn
còn chìm trong màn sương dày đặc. Khếnh cứ đi mãi, đi mãi vào khu rừng như kẻ mộng
du cho đến lúc chợt tỉnh ra thì xung quanh cây cối như đang vây chặt. Phía trên
không còn thấy ánh nắng mặt trời nữa, lá cây đan dày như một chiếc ô khổng lồ,
khỉ từng đàn nhảy rào rào trên các cành cây, ném vào người Khếnh những trái cây
rừng chín nhũn. Khếnh soi la bàn để tìm lối ra, nhưng chưa kịp quay lại thì một
cái đầu bù xù từ trong bụi cây gần đó bỗng hiện ra nhe hàm răng đen xỉn cười
nhăn nhở. Khếnh suýt hét lên, thì bàn tay dài ngoằng của thằng đàn ông lạ đã bịt
chặt lấy miệng Khếnh:
- Đừng sợ, anh bạn trẻ, đừng la lên mà mất mạng đấy.
- Mày là ma à?
- Không phải ma, tao là người, cũng là người Mông giống
mày, nhưng tao ở phía bên kia rừng thiêng, ở nước láng giềng với nước mày.
Ừ, nó nói đúng, nó cũng nói được tiếng Mông mà.
- Thế tao sắp đi qua rừng thiêng rồi à, nhưng mày ở nước khác
sao lại vào rừng thiêng của chúng tao làm gì?
Thằng người Mông nước láng giềng lại cười nhe hàm răng đen xỉn
nhày nhụa cặn đồ ăn, nó nói:
- Chúng tao muốn giúp người Mông nước chúng mày được giàu
sang sung sướng, mày có muốn giàu có không?
- Giúp thế nào?
Cái thằng người Mông mặt mũi râu tóc lông lá như người
rừng kéo Khếnh đi phăm phăm khiến Khếnh có cảm tưởng như đang bị ma ám. Khếnh
muốn giằng ra nhưng không nổi. Nó đưa Khếnh đến một căn lều được cất tạm bợ
trong một bụi cây kín mít, bảo đến đó cho an toàn. Thằng người Mông bảo rằng nó
ở đây không phải chỉ một mình mà còn một bọn người nữa nhưng đang có công việc
cả rồi. Nó bảo Khếnh ở lại đây giúp nó làm quen với người dân bản, để trao đổi
hàng hóa. Khếnh gật đầu lia lịa, tưởng gì khó chứ đưa thằng người Mông này đến
làm quen với người dân bản của nó thì có khó gì.
- Thế mày cần bản chúng tao bán cho mày cái gì?
- Trước hết là bán cho chúng tao mật ong, mật gấu, các
loại da chồn báo. Chúng tao sẽ cung cấp cho chúng mày những đồ điện tử như đài,
tivi, quần áo, xe đạp, xe máy.
- Nhưng bản của tao chưa có điện.
- Thì dùng pin, bán cho chúng mày những đồ thưởng thức như rượu
ngoại, thuốc hút, bánh kẹo và các đồ gia dụng rất tiện lợi và đẹp mắt.
Ngày hôm sau Khếnh dẫn người bạn mới quen xuống núi đi về bản
Cóm. Nó dẫn về nhà, chưa kịp giới thiệu thì từ trong góc nhà ông cố nội Khếnh
đã trợn tròn hai cái lòng trắng mắt lên, miệng cứ ú ớ mãi trong cơn ho khù khụ:
"Đi, đi ngay, không được đưa con ma rừng về nhà". Khếnh phủi tay trấn
an người bạn:
- Lão già ma xó ấy mà, đừng lo.
Người bạn Mông bên kia biên giới tên là Lầu A Chá tỏ vẻ khá
thân thiện với con trai trong bản, chỉ có người già là nhìn nó với vẻ không
thân thiện cho lắm. Hắn dạy Khếnh cách dùng điện thoại, cho Khếnh xem những bức
ảnh có các cô gái đẹp như các nàng tiên mà Khếnh thấy nóng trong người như có lửa
đốt. Chá còn hứa đến một lúc nào đó nó sẽ dẫn Khếnh đến chỗ có những cô gái y
như trong ảnh. Nó đi theo A Chá chỉ mỗi việc giúp A Chá làm quen với con trai
các bản, kéo đám con trai đi chơi và hít một thứ khói trắng mỏng nhẹ như mây
bay mà lúc đầu không quen Khếnh thấy chóng mặt lắm nhưng sau quen rồi thì thấy
rất dễ chịu, cứ như được bồng bềnh trôi trên mây ấy.
Mấy lần về bản nó được nghe thầy Kiên muốn tìm gặp A Khếnh
nhưng Khếnh luôn tránh mặt, nó vẫn còn âm ỉ giữ mối thù với thầy. Thằng A Chá
biết chuyện, nó bày cách để hại thầy giáo nhưng Khếnh cứ ậm ừ, chưa quyết.
Hôm ấy A Chá dặn Khếnh tối nay phải băng rừng về bên kia để lấy
hàng, nó muốn Khếnh cùng đi để vác đỡ vì hàng nhiều và nặng. Khếnh bảo:
- Sao phải đi đêm, nhỡ lạc thì sao, hay để tao về lấy
ngựa thồ hàng cho đỡ nặng.
- Không được, vì bộ đội Việt Nam không cho bọn tao mang hàng
này sang, vì không muốn cho trai Mông biết hưởng cái sung sướng. Chúng nó ngăn
cấm và bắt nếu ai mang hàng này. Tao biết mày không ưa bộ đội biên phòng nên
tao tin tưởng mày sẽ không báo cho chúng biết.
- Nhưng bộ đội biên phòng vẫn đi tuần đêm ở khu rừng này.
- Tao biết nhưng nó chỉ đi vào lúc tờ mờ sáng thôi, chứ ban
đêm nó cũng ngủ mà.
A Khếnh bần thần nhớ lại có lần thầy Kiên có nói: "Tối
mai thầy bận đi tuần, nếu về kịp sáng sớm hôm sau thầy sẽ rẽ về bản dạy các em,
cứ chờ thầy nhé". Nó định kể với A Chá nhưng nghĩ sao nó lại thôi. A Chá
chuẩn bị khá kỹ càng, Khếnh thấy nó dắt con dao nhọn hoắt dài chỉ độ gang tay,
và nhỏ như cái lá nứa vào mạng sườn. A Chá đã khoe và phô diễn màn phóng dao điệu
nghệ của hắn cho Khếnh xem làm Khếnh thích mê tơi và hắn hứa sẽ dạy Khếnh cách
phóng dao trăm phát trăm trúng, thật là hơn đứt cái tài thiện xạ của Khếnh.
Hai thằng ăn uống thỏa thuê suốt buổi chiều, rồi chờ đến quá
nửa đêm, khi tiếng những con thú đi ăn đêm, tiếng cáo chồn hú gọi bạn tình, tiếng
gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, A Chá và Khếnh mò mẫm lên đường. A Chá thuộc
khu rừng thiêng như lòng bàn tay, đi trong đêm mà mắt nó tinh hơn con cú mèo.
Hai người lầm lũi đi suốt đêm. Khi đến một con suối có con thác nhỏ với tiếng
nước dội ầm ầm xuống vách núi, A Chá dừng lại bảo: Đây là hết địa phận của nước
mày rồi, lội qua bên kia con suối là nước tao, nhưng chúng ta dừng lại đây,
nghe ngóng tình hình, nếu không thấy bộ đội biên phòng thì tao sẽ lội sang bên
kia lấy hàng, mày ở lại đây làm cảnh giới, nếu mọi việc yên ổn thì mày hú lên
ba tiếng theo tiếng của con vượn nhé.
Khếnh làm theo lời A Chá, nó chẳng thấy có dấu hiệu gì khả
nghi, chỉ có tiếng gọi nhau của bầy thú, tiếng thác nước chảy ào ào, tiếng những
con chim đi ăn đêm về lích chích trên tổ cây. Bỗng nó nghe tiếng hú của A Chá từ
phía núi bên kia suối, nó cũng hú lại ba tiếng để báo sự bình yên, một lúc nó
nhìn thấy A Chá vác một gùi nặng trên lưng đang lấm lét lội qua con suối. Khi
nó vừa lội lên khỏi mặt nước, đặt cái túi xuống trước mặt Khếnh, thì đột nhiên
một tiếng quát dõng dạc vang lên: "A Chá, mày đã bị bắt".
Khếnh giật mình ngẩng lên thì lạ quá, đó chính là thầy Kiên của
nó, thầy chỉ có một mình và đang giương khẩu súng về phía A Chá. Một thoáng định
thần, A Khếnh chợt nhận ra A Chá không tỏ vẻ sợ hãi mà hắn rất bình tĩnh, với
khuôn mặt không để lộ cảm xúc, nhưng bàn tay hắn đang lần lần vào thắt lưng. A
Khếnh không kịp nghĩ gì cả, nó nhớ tới con dao sắc nhọn như lá nứa và tài phóng
dao thiện xạ của A Chá.
Nhanh như cắt Khếnh đạp tung con dao A Chá vừa kịp rút ra khỏi
túi quần. Con dao trong tay phải của A Chá văng ra, nhưng tay trái của hắn vẫn
kịp rút ra một con dao khác cũng nhanh như cắt đâm phập vào lưng A Khếnh, khi
Khếnh lao lại phía thầy giáo để đẩy thầy tránh né. Một phát súng nổ như xé
toang cả khu rừng vừa tảng sáng, thằng A Chá ôm chân ngã khuỵu xuống bờ con suối
khi hắn định bỏ chạy về phía bên kia biên giới.
A Khếnh chẳng còn nhớ gì nữa, nó cứ nghĩ như thời gian qua nó
vừa ngủ một giấc dài và bị ma rừng thiêng dẫn lối. Khi tỉnh dậy, khuôn mặt nó
nhìn thấy đầu tiên là con Mua. Nó ngơ ngác vì đang nằm ở một nơi rất lạ, có
chăn đệm và toàn một màu trắng toát, nó tưởng nó đã về với trời rồi. Con Mua
nói nó vẫn chưa tin hẳn. Mua bảo: May mà có thầy Kiên tiếp máu, nó mới được cứu
sống, vì đường xuống bệnh viện huyện xa quá. Mua còn mơ ước sẽ cố gắng học lấy
cái nghề chữa bệnh để bản có người ốm hay bị thương sẽ được cứu chữa ngay.
Người thứ hai nó trông thấy là cha nó, nhưng cha nó đến thăm
nó với gương mặt rầu rĩ để báo tin: Ông cố nội nó mất rồi. Sao lại thế hả cha?
Cha nó bảo cố trước khi đi đã cười tươi, nụ cười mà hàng nửa thế kỷ rồi ông cất
kỹ. Ông còn nói rất rõ: "Thế là ta nhắm mắt được rồi, chắt ta đã giải được
lời nguyền, nó không làm điều ác trong rừng, nó được sống". Nhưng cố đi mà
chưa đồng ý cho con lấy con Mua.
Mua ngồi bên vội vàng nói luôn:
- Khếnh yên tâm đi, Mua cũng hỏi bà nội rồi, bà bảo hai đứa
không chung một cội nào hết.
Cha nó còn cho Khếnh biết, chính cố nội đã báo cho bộ đội
biên phòng đi bắt cái thằng A Chá đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét