Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Trường phái Bùi Giáng


Trường phái Bùi Giáng (*)
Tôi đến gặp ông vào những ngày đầu năm 1976 và từ đó đến nay ông có đến nhà tôi một lần. Nói cho đúng là tôi đưa ông về nhà tôi số 6 Đặng Thái Thân. Hôm đó ông đương đứng dưới trời mưa giữa ngã tư Nguyễn Tri Phương - Lý Thường Kiệt, chỉ trỏ người qua đường. Người ông ướt mèm, tay chân run cầm cập.
Tôi nhen lửa cho ông sưởi và đưa một bộ quần áo lính cho ông thay. Ông luống cuống tìm chỗ kín. Tôi bảo ông cứ cởi truồng ra. Ông nói cái đó không phải thơ lúc nào cũng bày ra được. Ông vừa sưởi vừa làm tặng tôi một bài thơ. Mấy ngày sau tôi thấy ông đứng giữa một ngã ba khác, vừa chỉ đường vừa la hét rằng ông ở Campuchia mới về. Thỉnh thoảng ông có đến 81 Trần Quốc Toản uống bia, rất tỉnh táo. Ông nâng ly bia, trịnh trọng hớp từng hớp một, trầm lặng. Có một lần tôi và Trịnh Công Sơn cụng ly với ông, trong bàn có một nhà thơ trẻ thích nói tiếng Tây và chê ông nói tiếng Tây bồi. Tôi cản nhà thơ trẻ không được. Tôi nói rằng: Người mà anh chê nói tiếng Tây bồi đó là một gã đã từng dịch khoảng 50 tác phẩm của thế giới. Tôi kể tên tác giả được ông dịch như Martin Heidegger, Albert Camus, André Gide, Saint-Exupéry, Shakespeare và có 10 tập thơ đã in. Trong khi nhà thơ trẻ đó hăng hái tranh cãi thì ông rút lui nhẹ nhàng. Tôi quay lại đã thấy ông đứng giữa ngã tư Trần Quốc Toản và Tú Xương, chỉ trỏ lên trời như muốn hướng dẫn các thần linh đi lại.
Bẵng đi một dạo tôi thấy vắng ông, tôi hỏi Bùi Bảy và Thái Râu về sức khoẻ của ông. Được biết ông bị một gã chủ quán vô lại đánh bị thương nặng đương cấp cứu ở Bệng viện Chợ Rẫy. Bùi Bảy làm đơn kiện tên chủ quán thì bị ông ngăn lại. Ông nói hãy tha cho nó, nó có ngu dốt mới đánh mình, vì nó không biết mình là con nhà trời. Nếu kiện, nó ở tù, không ai bán hủ tiếu cho bà con ăn. Tôi vào bệnh viện thăm ông thì các bác sĩ nói rằng ông đã trèo tường trốn đi mất rồi. Tôi nhìn lên bờ tường bệnh viện Chợ Rẫy cao vời vợi lởm chởm thép gai thế mà ông đã vượt bằng cách nào?
Vài lần nữa, tôi đọc thơ ở Trường Đại học Sư phạm nhìn xuống thấy ông ngồi nghiêm chỉnh ở dãy ghế giữa. Tan đêm “Tiếng thơ” tôi xuống tìm thì ông đã lẩn đâu mất.
Những người thân cật ruột của ông như Bùi Văn Nam Sơn, Bùi Bảy và những người bà con khác cố đưa ông về một chỗ để tiện việc nuôi nấng cấp dưỡng, nhưng ông đâu có chịu. Nhà của ông là vũ trụ. Hồi chiến tranh có lần nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến thăm ông đương ngủ trong nghĩa trang thành phố, Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh thức ông dậy. Ông từ từ ngồi dậy và cố ý bảo Tường nói nho nhỏ đừng làm những người dưới mộ thức giấc.
Ông sinh trưởng ở Vĩnh Trinh, Duy Xuyên trong một gia đình hào phú. Ông cố nội Quảng Nghi có đến 4.000 mẫu đất, giàu có nổi tiếng một vùng. Nhưng lớn lên ông sống cuộc đời khổ cực lang thang khắp miền Trung, khi thì chăn bò, lúc mở nông trại. Rồi cuối cùng không biết ông điên từ lúc nào. Khó có người lý giải được ông. Ông không đứng ở hiện tại. Ông sống tại thể bơ vơ. Khi tận cùng dĩ vãng, lúc chót vót tương lai. Cái có thì không, cái không thì có. Ông si tình và si thượng đế nhưng tình cũng không mà thượng đế cũng không. Ông sống với cõi tiên cõi phật nhưng thể xác đau đớn vì bệnh hoạn. Nhưng ông có thấy đau đâu. Quần áo tả tơi nhưng ông không thấy nó rách nát. Ông buộc vá những chỗ lành bằng những túm chỉ xanh đỏ vàng. Những chỗ rách thấy thịt da thì ông cho là lành lặn vì ông nghĩ da thịt ông đã mặc áo da trời. Ông chơi trò bảy sắc cầu vồng trong cái thế giới vô vi mà ông đã bày đặt ra và say mê nó như một cứu cánh an ủi. Ông thương những người da bọc xương và cả những người no béo bị giam hãm trong nhà lầu xe hơi. Khi trò chơi chưa đã, ông bắt đầu kéo căng dĩ vãng về đến tương lai rồi làm ngược lại. Ông đứng chỗ nào trong trời đất này? Ta không lý giải nổi, nhưng ta hiểu nổi:
... Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng
lạc mất đường về chơi bỗng dưng
sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
là quê thân thiết biết bao chừng.
(Người Về)
Khi về quê thì ông viết:
... Bây giờ điệu cũ bay xa
Nguồn trôi... nước bạc đổ ra vô cùng.
(Tặng Bạn)
Cũng có lúc ông lên trời để tìm một nàng tiên:
Nàng tiên ấy đã đi đâu?
Về thăm viếng một trước sau không lời
Một lần như một trùng khơi
Về trao biển rộng muôn nơi nghìn trùng
Cõi bờ như một mộng lung
Chiêm bao gió ngược tháp tùng chiều xuôi
Trái tim người chẳng như tôi
Mẫu người sấm chớp chơi vơi dịu dàng
Người đi tôi ở giữa đàng
Máu tim mộng tưởng bạt ngàn trắng xanh
Người đi tôi khóc một mình
Đười ươi vô tận thình lình tôi ca.
(Một Nàng Tiên)
Rồi ông trở lại trần gian, cái trần gian chỉ có mình ông tới:
Đi về một bữa hôm nay
Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần...
(Trở Lại Trần Gian)
Những năm cuối đời ông lại làm thơ, nhưng bệnh tật khổ đau đói rách vò xé ông, sức đã tàn, tim đã yếu:
... Bài thơ lẻ tẻ xuống hàng
Chào nhau như một chào tràng giang xa
Đi về bất chợt mà ra
Tình yêu như đã từng tha thiết buồn.
Gần như tới cõi thiên đường bỗng nhiên thơ ông sà xuống gần nhân thế hơn và lòng ta cũng như thắt lại:
Đường lây lất chiều nay sương lổ đổ
Đứng bên trời em lại hôm qua.
(Không Đề)
Bây giờ em ở nơi đâu
Có bao giờ biết chốn nào là nơi...
(Bây Giờ)
Và ta đau cùng nỗi đau của thi nhân:
... Anh quỳ xuống giơ hai tay bệ vệ
Chỉ xin nâng một giọt lệ êm đềm.
(Tự Hỏi Vì Sao)
... Gập ghềnh núi đá sương tuôn
Hoàng hôn xin xoá nỗi buồn trăm năm.
(Chuyện Thình Lình)
Làm sao xoá hộ nỗi buồn trăm năm của ông:
Còn hai con mắt khóc người một con!
Nhạc Trịnh Công Sơn nói hộ ông điều đó.
Có một lần tôi nghe xưng ông là “Hoàng Tử Bé” và tôi nghĩ tác phẩm của Saint Expéry gần với thơ nên ông dịch rất đạt. Gần đúng như vậy nhưng xa hơn ông đã hóa thân vào “Hoàng Tử Bé”:
“... Chỉ có thấy một thoáng chớp vàng loé lên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng...
Bây giờ thì tôi thấy hơi an ủi. Nghĩa là... không hoàn toàn an ủi. Nhưng tôi biết chú rõ lắm. Chú bé đã trở về tinh cầu mình, bởi vì lúc trời sáng, tôi không thấy tấm thân chú ở đâu. Tấm thân chẳng có chi nặng lắm... và tôi thích nghe tinh tú ban đêm. Ấy cũng như năm trăm triệu chuông con lấp lánh dịu dàng reo...
Tôi bỗng ngạc nhiên chợt hiểu sự huyền bí nọ của cát. Thuở tôi còn bé tôi đã ở trong một ngôi nhà cổ kính và một truyền kỳ truyền lại rằng có một kho tàng chôn giấu tại đó. Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có kẻ nào khám phá ra kho tàng nọ và cũng chẳng có ai kiếm tìm nó... nhưng nó đã âm thầm làm cho toàn thể ngôi nhà trở thành huyền ảo. Ngôi nhà của tôi chứa chất một niềm bí ẩn ở dưới đáy linh hồn của nó...”.
Có lẽ tôi phải mượn đoạn văn của Saint Expéry viết về “Hoàng Tử Bé” do ông dịch để nói về ông: “... Tôi nhìn dưới ánh trăng vầng trán xanh xao nọ, hai con mắt khép kín nọ, mấy mớ tóc run rẩy trước gió và tôi tự nhủ: Cái ta thấy đó chỉ là một lớp vỏ thôi, cái hệ trọng nhất thì vô hình...”.
Tôi ghi thêm vào đây mấy dòng tôi viết về Bùi Giáng, khi giới thiệu ông và thơ ông trong tuyển Thơ Quảng Nam thế kỷ 20mà tôi đang làm dở:
“Riêng một mình thơ ông cũng có chỗ đứng trong thơ Việt Nam - trường phái Bùi Giáng - một trường phái mà không một nhà thơ nào học nổi. Nếu chúng ta không lưu ý nghiên cứu nhà thơ này thì quả là một mất mát đáng tiếc”.
Ghi chú:
(*) Bài in theo Đặc san tưởng niệm thi sĩ Bùi Giáng do nhóm thân hữu Quảng Nam Đà Nẵng thực hiện, luu hành nội bộ.
Thu Bồn (1935 - 2003): Tên thật là Hà Đức Trọng, nhà thơ, nhà văn, quê ở Quảng Nam.
Thu Bồn
Nguồn: Bùi Giáng trong cõi người ta. Nxb Lao động. 
Trung tâm văn hóa - ngôn ngữ Đông Tây. 2012.
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...