Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà không phải
của Lý Thường Kiệt và vấn đề
LK: Nhà thơ Trần Nhuận Minh vừa gửi cho tôi một bài viết ngắn.
Bài viết có nhiều tư liệu mới. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ KHÔNG PHẢI CỦA LÝ THƯỜNG KIỆT và vấn đề nói dối nói thật của người Việt ta.
BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ KHÔNG PHẢI CỦA LÝ THƯỜNG KIỆT và vấn đề nói dối nói thật của người Việt ta.
Quả thật chúng ta đã nói dối quá nhiều, viết dối quá nhiều. Bản
thân tôi cũng đã từng nói dối, đã từng viết dối. Cứ nhớ đến là lại xấu hổ. Đã đến
lúc phải nói thật, viết thật. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật,
nói rõ sự thật, là khẩu hiệu của đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là
phương châm hành động của những người Cộng sản chân chính Việt Nam. Chính tôi
đã trực tiếp nghe từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu khuyến
khích các nhà văn nói thật, viết thật, và yêu cầu các nhà văn lấy đó làm tiêu
chuẩn đạo đức nghề nghiệp của mình.
Có một thời kỳ khá dài, chúng ta nghĩ rằng: cái gì có lợi cho cách mạng, dù cái đó không diễn ra, vẫn là sự thật. Còn cái gì không có lợi cho cách mạng, dù cái đó có diễn ra ngay trước mắt, cũng không phải là sự thật. Quan niệm này, theo tôi, xuất phát từ câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: “Cái gì có lợi cho cách mạng thì cái đó là chân lí”, mà Nguyễn Đình Thi thuật lại, trong ghi chép của Hà Minh Đức. Cũng theo Nguyễn Đình Thi, trong bài nói chuyện về văn nghệ ở Diên An năm 1942, “Mao Trạch Đông phủ nhận tính người, đề cao tính giai cấp và thực dụng của văn học”. (Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi, của Hà Minh Đức, nhà xuất bản Văn học, 2010).
Chúng ta lại phải đánh giặc, hai lần kháng chiến trường kì, vô cùng gian khổ và ác liệt, cần phải chiến thắng bằng mọi giá, để giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, kể cả đốt cháy giải Trường Sơn, nếu cần, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Trong binh pháp cuả mọi thời, mọi quốc gia, ai cũng biết có thuật nghi binh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta cũng dùng thuật nghi binh, làm lạc hướng chú ý của đối phương để tạo ra chiến thắng áp đảo ngay từ trận đầu… Nhưng áp dụng nó trong văn chương và học thuật lại là vấn đề khác, có khi tạo ra những sai lầm vài thế kỷ… Ví như bài thơ Phóng cuồng ca rất nổi tiếng của Trần Tung, Bồi tụng Bùi Huy Bích thời Lê ghi là của Trần Quốc Tảng, 200 năm sau, cho đến tận bây giờ, sai lầm này của ông Bùi vẫn không sửa hết được. Gần đây là bài thơ Nam quốc sơn hà… không phải của Lý Thường Kiệt. Giáo sư Bùi Duy Tân, người thày dạy tôi ở trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đang điều trị ung thư giai đoạn cuối ở bệnh viện Hữu Nghị, nhờ con chở đến và xin đăng ký phát biểu trong hội thảo thơ tại nhà Thái Miếu trong Ngày thơ Việt Nam, chiều Rằm tháng Giêng năm Kỉ Sửu (2009), do nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ tịch hội đồng Thơ chủ trì và tôi là ủy viên hội đồng, được phân công cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương, thực hiện cuộc hội thảo này. Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt thường được biểu diễn trong màn múa hát dàn dựng theo phong cách sử thi rất hoàng tráng với giáo mác oai hùng tại sân khấu chính của Ngày thơ Việt Nam. Giáo sư nói với chúng tôi rằng: đây là lời phát biểu cuối cùng của ông, vì ông không biết sẽ “đi” ngày nào. Chúng tôi đã dành cho ông 45 phút, trong khi những người khác, chỉ có 15 phút.
Tại đây, trong không khí linh thiêng của nhà Thái Miếu, có đốt hương trầm khi hội thảo khai mạc, giáo sư đã chính thức báo cáo rằng, bài thơ ấy khuyết danh, giáo sư là người đầu tiên gán cho Lý Thường Kiệt và sau đó, ông cùng những cộng sự của ông và những học trò của ông nữa, đã viết vào tất cả các loại sách giáo khoa, từ cấp tiểu học đến trên đại học. Và bây giờ, trong hương khói linh thiêng của Thái Miếu - Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, ông chính thức xin lỗi các thế hệ thày giáo và các thế hệ học trò… Nghĩ cũng tiếc, bởi bài thơ mấy chục năm nay, đã được coi là Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc do Lý Thường Kiệt soạn thảo. Và tên ông, Lý Thường Kiệt, sánh ngang với Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Bây giờ không phải của Lý Thường Kiệt thì ứng xử ra sao… Thực ra, không có ý kiến chính thức của giáo sư, bất cứ ai có chút am hiểu về lịch sử và thơ văn thời Lý, cũng đều biết bài thơ ấy khuyết danh, chỉ là tục truyền, mà ngay tục truyền cũng không ghi: “tục truyền rằng bài thơ ấy là của Lý Thường Kiệt”, như sau này ghi tục truyền rằng: những bài thơ Nôm ấy (ám chỉ âm vật và chuyện buồng the ) là của Hồ Xuân Hương (mà không phải của Hồ Xuân Hương). Tôi tra trong Đại Việt sử ký toàn thư (1479) tập I, chương Nhân Tông hoàng đế nhà Lý, năm Bính Thân (1076), vua sai Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt. Sau khi ghi xong cuộc chiến, với thắng lợi lớn rồi, sử gia mới ghi thêm trong ngoặc đơn (…), nguyên văn như sau (“Tục truyền rằng, Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân, có tiếng ngâm to rằng: Nam quốc sơn hà nam đế cư…) Sử gia ghi hết bài thơ 4 câu rồi viết sang việc khác ngay, không ghi bài thơ đó tục truyền là của ai và kết quả bài thơ ấy trong trận đánh là như thế nào.
Bây giờ, trên các diễn đàn và trên các sách báo, vẫn có người nói và viết về bài thơ này của Lý Thường Kiệt… Dù vài năm nay, sách giáo khoa dạy cho học sinh phổ thông trong nhà trường, bài thơ ấy đã đề khuyết danh rồi. Và một bạn tôi cho hay, bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ thiếp chữ vàng đề tên Lý Thường Kiệt trong bảo tàng lịch sử nay cũng không đề tên tác giả nữa. Như thế là sự thật đã được khôi phục theo đúng tinh thần đại hội VI của Đảng.Ví như Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, một Hồ Xuân Hương dân gian, cũng như một Đoàn Thị Điểm dân gian trong truyện Trạng Quỳnh, mà tôi đã trình bày lại khá căn kẽ trong các bài đã đăng báo trước đây… Tôi nhớ giáo sư Hoàng Xuân Hãn hoặc giáo sư Trần Thanh Mại, một trong hai ông, đã kêu to lên rằng: “mồ cha không khóc đi khóc đám mối”. “Mồ cha” là Lưu Hương ký, tác phẩm do Hồ Xuân Hương thật sáng tác. “Đám mối” là Thơ truyền tụng…, sáng tác dân gian gán cho Hồ Xuân Hương. Nó vẫn nguyên giá trị nếu xét trong phạm trù văn học dân gian, chứ không phải văn chương thành văn, văn chương bác học của một tác giả có thật. Vậy mà “đám mối” ấy, có trong tất cả các sách giáo khoa dạy sự trung thực văn hóa cho học trò ở mọi cấp học trong nước, chưa kể ở nước ngoài… Được biết có thời kỳ, chúng ta còn định làm hồ sơ để UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương (nhân vật dân gian) là thi hào dân tộc như Hội đồng hòa bình thế giới đã từng công nhận thi hào dân tộc Nguyễn Du. Xuân Diệu đã có tập sách Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Hãy chỉ nói hai vấn đề rất lớn và rất nhỡn tiền trong văn chương, chưa kể trong các loại khoa học đòi hỏi sự chính xác khác. Ví như nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sách giáo khoa sử học, ở tất cả các cấp, hàng vài chục năm, đã viết, do Mai Thúc Loan cùng nông dân Nghệ Tĩnh phải gánh vải cống sang Trung Hoa cho Dương Quí Phi ăn… mà nổi dậy chống quân nhà Đường. Khi tra vào tiểu sử Dương Quí Phi thì Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 713, năm ấy, bố mẹ Dương Quí Phi còn chưa lấy nhau. Năm 719, nghĩa là 6 năm sau, Dương Ngọc Hoàn mới sinh ra, năm 736 mới vào cung, năm 739 mới làm phi cho vua Đường Minh Hoàng và được gọi là Dương Quí Phi… (chưa kể việc gánh vải vài chục năm sau ấy, ở Quảng Châu, Trung Hoa, chứ không phải ở Việt Nam). Rồi em bé Đuốc sống Lê Văn Tám. Tôi đã có 7 năm dạy học (1962 - 1969) và 22 năm làm bí thư chi đoàn và bí thư đoàn, (1962 - 1974), thường nêu cao tấm gương anh hùng hiếm có của anh. Nhưng chỉ một lần, đến thăm kho xăng ở Hà Khẩu, thị xã Hồng Gai, một kho xăng loại nhỏ, sau khi nghe thuyết trình về hệ thống cấu trúc, bảo ôn, và nguyên tắc bảo vệ của các kho xăng, tôi đã nghi ngờ chuyện Lê Văn Tám là bịa rồi… Biết bao trường học, con đường. công viên… hiện vẫn còn mang tên Lê Văn Tám… Gần đây, giáo sư Phan Huy Lê, một nhà sử học đầu ngành và là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã công bố công khai trên báo chí và trên Đài Truyền hình Việt Nam, ý kiến của giáo sư Trần Huy Liệu, trước khi mất (cũng giống như giáo sư Bùi Duy Tân) về việc ông, khi làm Bộ trưởng tuyên truyền, đã tạo ra hình tượng anh hùng này, chỉ để tuyên truyền trong kháng chiến chống Pháp, thì tôi tin ngay và càng thêm kính trọng nhân cách hai vị giáo sư. Rồi cành đào Thăng Long mà vua Quang Trung gửi tặng Ngọc Hân công chúa đang ở Phú Xuân (Huế) là do một nhà viết chèo bịa ra, sau này được sử dụng trong nhiều cuốn sách như một tư liệu chính thức về mối tình cao đẹp của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Gần đây, tôi được biết tại nhà thờ danh nhân văn hóa Chu Văn An (Chu An) tại Chí Linh, Hải Dương có dòng chữ sơn son thiếp vàng lớn để thờ: “Ta chưa thấy nước nào coi thường sự học mà khá lên được”. Dưới câu đại tự đó đề CHU VĂN AN, như một câu danh ngôn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…” của Thân Nhân Trung vậy. Ai cũng ngạc nhiên vì chưa từng thấy Chu An nói thế, viết thế bao giờ. Sau hỏi ra mới biết đó là lời thoại trên sân khấu của nhân vật Chu An trong một vở kịch chèo. Vậy đó là lời của nhà viết chèo hôm nay đấy chứ. Chao ôi, cái nước mình nó thế (lời nhà văn Hoàng Ngọc Hiến) các nhà sử học chân chính, các nhà văn hóa thứ thiệt đi đâu cả rồi…
Ấy là chưa kể “phát minh khoa học” lạ lùng: “ăn ngô bổ hơn ăn gạo” … vân vân và vân vân…
Tôi có câu thơ: Ngày vĩ đại là ngày không nói dối…
Bởi tôi biết “không nói dối” là một điều rất khó tránh và không ít trường hợp, ta dùng nó như một phương tiện hành xử. Vì những lời nói dối, dễ được nghe hơn những lời nói thật, nhất là với đàn bà, trẻ con và các cấp trên. Ví như tôi thường kể cho các cháu ngoại nghe về lòng tốt đến không thể nào có, của các bà tiên, ông bụt, trong các chuyện cổ, mà đương nhiên là tôi vẫn biết đó là những điều bịa tạc giả dối. Ngay từ lúc lọt lòng, mình đã dạy thế hệ sau sự giả dối rồi…Vậy thì còn biết trách ai đây?…
Có một thời kỳ khá dài, chúng ta nghĩ rằng: cái gì có lợi cho cách mạng, dù cái đó không diễn ra, vẫn là sự thật. Còn cái gì không có lợi cho cách mạng, dù cái đó có diễn ra ngay trước mắt, cũng không phải là sự thật. Quan niệm này, theo tôi, xuất phát từ câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: “Cái gì có lợi cho cách mạng thì cái đó là chân lí”, mà Nguyễn Đình Thi thuật lại, trong ghi chép của Hà Minh Đức. Cũng theo Nguyễn Đình Thi, trong bài nói chuyện về văn nghệ ở Diên An năm 1942, “Mao Trạch Đông phủ nhận tính người, đề cao tính giai cấp và thực dụng của văn học”. (Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi, của Hà Minh Đức, nhà xuất bản Văn học, 2010).
Chúng ta lại phải đánh giặc, hai lần kháng chiến trường kì, vô cùng gian khổ và ác liệt, cần phải chiến thắng bằng mọi giá, để giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, kể cả đốt cháy giải Trường Sơn, nếu cần, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Trong binh pháp cuả mọi thời, mọi quốc gia, ai cũng biết có thuật nghi binh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta cũng dùng thuật nghi binh, làm lạc hướng chú ý của đối phương để tạo ra chiến thắng áp đảo ngay từ trận đầu… Nhưng áp dụng nó trong văn chương và học thuật lại là vấn đề khác, có khi tạo ra những sai lầm vài thế kỷ… Ví như bài thơ Phóng cuồng ca rất nổi tiếng của Trần Tung, Bồi tụng Bùi Huy Bích thời Lê ghi là của Trần Quốc Tảng, 200 năm sau, cho đến tận bây giờ, sai lầm này của ông Bùi vẫn không sửa hết được. Gần đây là bài thơ Nam quốc sơn hà… không phải của Lý Thường Kiệt. Giáo sư Bùi Duy Tân, người thày dạy tôi ở trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đang điều trị ung thư giai đoạn cuối ở bệnh viện Hữu Nghị, nhờ con chở đến và xin đăng ký phát biểu trong hội thảo thơ tại nhà Thái Miếu trong Ngày thơ Việt Nam, chiều Rằm tháng Giêng năm Kỉ Sửu (2009), do nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ tịch hội đồng Thơ chủ trì và tôi là ủy viên hội đồng, được phân công cùng với nhà thơ Vũ Quần Phương, thực hiện cuộc hội thảo này. Bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt thường được biểu diễn trong màn múa hát dàn dựng theo phong cách sử thi rất hoàng tráng với giáo mác oai hùng tại sân khấu chính của Ngày thơ Việt Nam. Giáo sư nói với chúng tôi rằng: đây là lời phát biểu cuối cùng của ông, vì ông không biết sẽ “đi” ngày nào. Chúng tôi đã dành cho ông 45 phút, trong khi những người khác, chỉ có 15 phút.
Tại đây, trong không khí linh thiêng của nhà Thái Miếu, có đốt hương trầm khi hội thảo khai mạc, giáo sư đã chính thức báo cáo rằng, bài thơ ấy khuyết danh, giáo sư là người đầu tiên gán cho Lý Thường Kiệt và sau đó, ông cùng những cộng sự của ông và những học trò của ông nữa, đã viết vào tất cả các loại sách giáo khoa, từ cấp tiểu học đến trên đại học. Và bây giờ, trong hương khói linh thiêng của Thái Miếu - Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, ông chính thức xin lỗi các thế hệ thày giáo và các thế hệ học trò… Nghĩ cũng tiếc, bởi bài thơ mấy chục năm nay, đã được coi là Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc do Lý Thường Kiệt soạn thảo. Và tên ông, Lý Thường Kiệt, sánh ngang với Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Bây giờ không phải của Lý Thường Kiệt thì ứng xử ra sao… Thực ra, không có ý kiến chính thức của giáo sư, bất cứ ai có chút am hiểu về lịch sử và thơ văn thời Lý, cũng đều biết bài thơ ấy khuyết danh, chỉ là tục truyền, mà ngay tục truyền cũng không ghi: “tục truyền rằng bài thơ ấy là của Lý Thường Kiệt”, như sau này ghi tục truyền rằng: những bài thơ Nôm ấy (ám chỉ âm vật và chuyện buồng the ) là của Hồ Xuân Hương (mà không phải của Hồ Xuân Hương). Tôi tra trong Đại Việt sử ký toàn thư (1479) tập I, chương Nhân Tông hoàng đế nhà Lý, năm Bính Thân (1076), vua sai Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt. Sau khi ghi xong cuộc chiến, với thắng lợi lớn rồi, sử gia mới ghi thêm trong ngoặc đơn (…), nguyên văn như sau (“Tục truyền rằng, Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân, có tiếng ngâm to rằng: Nam quốc sơn hà nam đế cư…) Sử gia ghi hết bài thơ 4 câu rồi viết sang việc khác ngay, không ghi bài thơ đó tục truyền là của ai và kết quả bài thơ ấy trong trận đánh là như thế nào.
Bây giờ, trên các diễn đàn và trên các sách báo, vẫn có người nói và viết về bài thơ này của Lý Thường Kiệt… Dù vài năm nay, sách giáo khoa dạy cho học sinh phổ thông trong nhà trường, bài thơ ấy đã đề khuyết danh rồi. Và một bạn tôi cho hay, bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ thiếp chữ vàng đề tên Lý Thường Kiệt trong bảo tàng lịch sử nay cũng không đề tên tác giả nữa. Như thế là sự thật đã được khôi phục theo đúng tinh thần đại hội VI của Đảng.Ví như Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, một Hồ Xuân Hương dân gian, cũng như một Đoàn Thị Điểm dân gian trong truyện Trạng Quỳnh, mà tôi đã trình bày lại khá căn kẽ trong các bài đã đăng báo trước đây… Tôi nhớ giáo sư Hoàng Xuân Hãn hoặc giáo sư Trần Thanh Mại, một trong hai ông, đã kêu to lên rằng: “mồ cha không khóc đi khóc đám mối”. “Mồ cha” là Lưu Hương ký, tác phẩm do Hồ Xuân Hương thật sáng tác. “Đám mối” là Thơ truyền tụng…, sáng tác dân gian gán cho Hồ Xuân Hương. Nó vẫn nguyên giá trị nếu xét trong phạm trù văn học dân gian, chứ không phải văn chương thành văn, văn chương bác học của một tác giả có thật. Vậy mà “đám mối” ấy, có trong tất cả các sách giáo khoa dạy sự trung thực văn hóa cho học trò ở mọi cấp học trong nước, chưa kể ở nước ngoài… Được biết có thời kỳ, chúng ta còn định làm hồ sơ để UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương (nhân vật dân gian) là thi hào dân tộc như Hội đồng hòa bình thế giới đã từng công nhận thi hào dân tộc Nguyễn Du. Xuân Diệu đã có tập sách Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Hãy chỉ nói hai vấn đề rất lớn và rất nhỡn tiền trong văn chương, chưa kể trong các loại khoa học đòi hỏi sự chính xác khác. Ví như nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sách giáo khoa sử học, ở tất cả các cấp, hàng vài chục năm, đã viết, do Mai Thúc Loan cùng nông dân Nghệ Tĩnh phải gánh vải cống sang Trung Hoa cho Dương Quí Phi ăn… mà nổi dậy chống quân nhà Đường. Khi tra vào tiểu sử Dương Quí Phi thì Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 713, năm ấy, bố mẹ Dương Quí Phi còn chưa lấy nhau. Năm 719, nghĩa là 6 năm sau, Dương Ngọc Hoàn mới sinh ra, năm 736 mới vào cung, năm 739 mới làm phi cho vua Đường Minh Hoàng và được gọi là Dương Quí Phi… (chưa kể việc gánh vải vài chục năm sau ấy, ở Quảng Châu, Trung Hoa, chứ không phải ở Việt Nam). Rồi em bé Đuốc sống Lê Văn Tám. Tôi đã có 7 năm dạy học (1962 - 1969) và 22 năm làm bí thư chi đoàn và bí thư đoàn, (1962 - 1974), thường nêu cao tấm gương anh hùng hiếm có của anh. Nhưng chỉ một lần, đến thăm kho xăng ở Hà Khẩu, thị xã Hồng Gai, một kho xăng loại nhỏ, sau khi nghe thuyết trình về hệ thống cấu trúc, bảo ôn, và nguyên tắc bảo vệ của các kho xăng, tôi đã nghi ngờ chuyện Lê Văn Tám là bịa rồi… Biết bao trường học, con đường. công viên… hiện vẫn còn mang tên Lê Văn Tám… Gần đây, giáo sư Phan Huy Lê, một nhà sử học đầu ngành và là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã công bố công khai trên báo chí và trên Đài Truyền hình Việt Nam, ý kiến của giáo sư Trần Huy Liệu, trước khi mất (cũng giống như giáo sư Bùi Duy Tân) về việc ông, khi làm Bộ trưởng tuyên truyền, đã tạo ra hình tượng anh hùng này, chỉ để tuyên truyền trong kháng chiến chống Pháp, thì tôi tin ngay và càng thêm kính trọng nhân cách hai vị giáo sư. Rồi cành đào Thăng Long mà vua Quang Trung gửi tặng Ngọc Hân công chúa đang ở Phú Xuân (Huế) là do một nhà viết chèo bịa ra, sau này được sử dụng trong nhiều cuốn sách như một tư liệu chính thức về mối tình cao đẹp của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Gần đây, tôi được biết tại nhà thờ danh nhân văn hóa Chu Văn An (Chu An) tại Chí Linh, Hải Dương có dòng chữ sơn son thiếp vàng lớn để thờ: “Ta chưa thấy nước nào coi thường sự học mà khá lên được”. Dưới câu đại tự đó đề CHU VĂN AN, như một câu danh ngôn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…” của Thân Nhân Trung vậy. Ai cũng ngạc nhiên vì chưa từng thấy Chu An nói thế, viết thế bao giờ. Sau hỏi ra mới biết đó là lời thoại trên sân khấu của nhân vật Chu An trong một vở kịch chèo. Vậy đó là lời của nhà viết chèo hôm nay đấy chứ. Chao ôi, cái nước mình nó thế (lời nhà văn Hoàng Ngọc Hiến) các nhà sử học chân chính, các nhà văn hóa thứ thiệt đi đâu cả rồi…
Ấy là chưa kể “phát minh khoa học” lạ lùng: “ăn ngô bổ hơn ăn gạo” … vân vân và vân vân…
Tôi có câu thơ: Ngày vĩ đại là ngày không nói dối…
Bởi tôi biết “không nói dối” là một điều rất khó tránh và không ít trường hợp, ta dùng nó như một phương tiện hành xử. Vì những lời nói dối, dễ được nghe hơn những lời nói thật, nhất là với đàn bà, trẻ con và các cấp trên. Ví như tôi thường kể cho các cháu ngoại nghe về lòng tốt đến không thể nào có, của các bà tiên, ông bụt, trong các chuyện cổ, mà đương nhiên là tôi vẫn biết đó là những điều bịa tạc giả dối. Ngay từ lúc lọt lòng, mình đã dạy thế hệ sau sự giả dối rồi…Vậy thì còn biết trách ai đây?…
Trần Nhuận Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét