Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Cánh đồng, nắng và dòng sông


Cánh đồng, nắng và dòng sông….
Chơ vơ mà không chơ vơ
Cánh đồng
Tôi sẽ bắt đầu từ những cánh đồng, có lẽ vì ở đây hầu như ngày nào tôi cũng đi ngang qua những cánh đồng. Mùa này, những cánh đồng đã được thu hoạch xong, mới vừa được cày xới lên, đất nâu hồng, có những thửa đất rất mịn, có những thửa đất là những mảng to. Mùa này, đất nghỉ, đất nằm yên để nuôi đất. Nhưng những lần đi qua, không khi nào tôi không thấy đất vẫn đang cuồn cuộn, âm ỉ một mạch sống vô biên, bất tuyệt. Những mùa khác, người ta đã trồng lên đất nhiều thứ, nào cỏ, nào hướng dương, nào lúa mì, lúa mạch hoặc cải vàng…
Nhưng bây giờ, đất ‘một mình’, phơi mình đón mưa, sương, tuyết. Đối mặt với trời, đất thở. Rất yên và sâu. Ở đây có các dốc đồi nhấp nhô và những con đường uốn lượn, cảnh vật dường như vì thế mà mềm mại, nhẹ nhàng và mở rộng ra thêm, nên những ngày dù buồn hay vui bước ra đều không bao giờ thấy cũ, thấy chán. Con đường từ xóm Hạ lên xóm Thượng hay qua xóm Mới là con đường đi giữa những cánh đồng – những cánh đồng nho, lúa mì, hoa hướng dương hay chỉ là những cánh đồng cỏ, xanh mượt và mềm mại.
Có lần sư cô Thần Nghiêm đã kêu tôi viết “tả” một đoạn ngã tư giữa đường từ xóm Hạ lên xóm Mới, mà đến bây giờ tôi vẫn chưa viết xong. Bốn góc của ngã tư đều là những cánh đồng. Từ xóm Hạ đi lên, bên trái là một quả đồi nhỏ, trên đỉnh đồi là một cái cây. Duy nhất một cái cây. Quả đồi đó, có mùa hoa hướng dương trải vàng rực rỡ, có mùa thì lúa chín xôn xao, lại có mùa cỏ non xanh mượt, có mùa chỉ mộc mạc đất nâu sồng. Còn cái cây, tôi không biết nó đã có ở đó từ lúc nào rồi, có lẽ có ai đó đã cố tình trồng nó ở đó hay nó đã tự mọc lên từ một hạt mầm nào đó. Đó không phải là một cây cổ thụ nhưng cũng không nhỏ để không bị gãy đổ sau bao mùa mưa gió, giông bão hay tuyết băng. Nó ở đó, như để…chơi cho vui, không cần ý nghĩa, mặc cho thiên hạ đi qua có bình luận hay bàn tán là nó đẹp hay cô độc. Tôi thì thích cái “can trường” của nó. Một cái cây chơ vơ mà không chơ vơ vì nó hòa hợp không cùng với quả đồi và khung cảnh xung quanh, như một bức tranh tĩnh lặng và sinh động.
Còn phía bên phải ngã tư cũng là những cánh đồng cây cỏ theo mùa, giữa cánh đồng là một ngôi tháp canh cũ kỹ, “rất Pháp” có những ô cửa ngộ nghĩnh trổ ra như một khuôn mặt cười. Trên là trời cao mênh mông, dưới là những cánh đồng trải dài, tóm lại, có lẽ, chỉ là… đẹp và bao la! Không biết có đủ cho sư cô Thần Nghiêm nhớ làng chưa?:))
Cách đây mấy năm, ngày biết tin Nội tôi mất, tôi đi qua mấy ruộng nho gần xóm Hạ để… khóc. Nội tôi mất đột ngột do tai nạn giao thông mà gia đình không cho tôi hay vì sợ tôi về lại trễ nải việc học. Trong ký ức, những kỷ niệm về Nội gắn liền với những cánh đồng quê. Cánh đồng quê buổi chiều tà chạy chân đất trên những bờ đê, đi hái đậu bắp về luộc ăn với nội những bữa cơm quê đạm bạc, hay lội bì bõm, vọc chơi trong bùn với các cô chú những ngày cày cấy… Tôi không ở quê với Nội nhiều nhưng tình thương của Nội và sự đầm ấm bên những cánh đồng ấu thơ đã nuôi tôi lớn lên, thấy mình may mắn vì có một tuổi thơ ‘quê mùa’ nhưng hồn nhiên và trong trẻo tuyệt vời. Vì vậy mà ngày đó nghe Nội mất, tôi thấy như cánh diều tuổi thơ đã đứt dây bay theo Nội mất hút rồi.
Và rồi tôi đã đến trên những cánh đồng này. Một gia đình mới, một quê hương mới, tôi về lại với cánh đồng của mình. Tôi khám phá, quan sát, học cách gieo trồng, chăm bón,… cho cánh đồng đó. Mỗi mùa mỗi vẻ, cũng xuân đầy, hạ ấm, thu rơi, đông giá. Mỗi ngày tôi gieo và gặt, chấp nhận những gì đang có trên cánh đồng đó cho dù thấy đất có cằn cỗi, hạt giống xấu tốt, cỏ dại chen lấn nhau cũng nhiều.
Xung quanh tôi, mỗi người là một cánh đồng nằm giữa những cánh đồng, tạo thành một “cánh đồng Tăng thân” rộng lớn và phong phú. Những cánh đồng đó đan thành một tấm áo khoác, về địa lý thì chỉ là một mảnh đất nhỏ nhoi trong một góc trời, nhưng tâm linh thì trải rộng thênh thang. Mảnh đất lành này, một phần vừa đang ấp ủ, nuôi dưỡng trong đó tình thương và những hạt giống tốt; phần khác đã có thể đem hoa thơm trái ngọt hiến tặng cho đời, để cho người người về khám phá và tìm lại hạt lành trên chính mảnh đất của mình. Những cánh đồng đó, khi thì hết lòng truyền chất nuôi hạt, nuôi cây, nuôi quả, nhộn nhịp những ngày mùa vui; khi lại lặng yên nằm thở, phơi mình đón mưa gió, tuyết sương. Tôi nhớ Sư Ông có lần đã nói rằng, mình may mắn lắm vì người ta ‘tự động’ mang đất đến cho mình gieo hạt, trồng trọt… Người ta gặt thì đồng thời mình cũng gặt. Bây giờ hạt lành đã chín, như những bông hoa bồ công anh theo gió bay đi muôn phương.
Dòng sông
Dòng sông nắng cho bờ bến rộng…
Tăng thân là cánh đồng mà tăng thân cũng là một dòng sông. Một dòng sông tha thiết và trù phú. Một dòng sông để thả mình vào đó và xuôi theo. Đôi khi tôi thấy những khó khăn và bấp bênh trong tâm thức mình hoặc trong tăng thân giống như những thác ghềnh, những chướng ngại nằm chắn giữa dòng sông. Nhưng chính nhờ đó mà tôi thấy được là dòng sông đang hiện hữu. Dòng sông đang trôi đi, vượt qua. Dòng sông phải luôn vượt qua chính mình để là một dòng sông, nếu không thì đó chỉ là một thứ nước vũng đọng, ao tù. Tôi vẫn thương nhớ sự ngọt ngào, dịu êm của dòng sông quê Nội, nơi tôi đã được thả ghe đi bắt cua trong những hốc cây ven sông, hoặc nhảy ùm xuống mặc lòng tắm gội trong những ngày mưa, ngày nắng. Con sông tuổi thơ còn đó nhưng đã trôi qua lâu rồi. Bây giờ tôi về tắm gội trong dòng sông tăng thân. Lặng yên, hiền hòa trong những ngày bình an, hay cồn cào, nổi sóng khi lòng bất chợt thức dậy những cơn đau. Nhưng tôi thấy rằng tôi ‘trong’ thì sông cũng ‘trong’ mà tôi ‘đục’ hay ‘nổi sóng’ thì sông vẫn bình tĩnh mà ôm ấp, giúp cho tôi lắng lại.
Nắng
… một hôm nhìn nắng hắt lên những chiếc đầu tròn

một hôm bỗng nghe nắng hót vang lên lời chim

tầng không muôn ngàn tiếng gọi

mới hay mình ngủ quên quá sâu!
Những ngày mùa đông này, nắng là một món quà, nắng là một thứ xa xỉ mà đất trời đem tới cho mọi người, mọi loài. Những ngày có nắng, tôi thấy mình như khỏe khoắn, tươi vui hơn. Những ngày có nắng, cảnh vật được nhuộm vàng và như bừng lên một sức sống mới, từ những hàng cây trụi lá, những con đường lặng yên hay mặt hồ phẳng lặng… Mặt trời đang xuyên qua bầu không khí lạnh giá và ẩm thấp để truyền vào cảnh vật và con người một nguồn năng lượng tự nhiên và mạnh mẽ của Người. Những lúc đó, tôi thấy Mặt Trời thật gần, Mặt trời thật sự là Cha, là một ông già ấm áp, độ lượng, đang bao bọc và nuôi dưỡng hết cả đám cháu con nghìn nghìn lớp lớp.
Tôi nhớ một ngày ở Đức, tôi đi bộ từ sớm ra vạt đất rộng có cây dẻ gai to và nằm chơi ở đó. Trời tháng Năm chưa tới hè, vừa tươi mát, vừa ấm áp. Và khi những vạt nắng đầu tiên soi chiếu vào người, tỏa khắp không gian thênh thang đó thì tôi bỗng nghe một cảm giác mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được. Đó là tôi thực sự là một đứa con của đất trời, tôi hoàn toàn hòa điệu, thơ dại đang nằm đong đưa trong cái vòng nôi đó. Thiên nhiên thật gần, bầu trời và mặt đất thật gần. Tôi như chạm được vào cái chiều sâu tâm linh của thiên nhiên. Hồi trước đến giờ, tôi vẫn luôn yêu thiên nhiên, nhưng thường khi, tôi chỉ thấy thiên nhiên…. đẹp, rộng rãi và bao la! Tôi chỉ thấy được một phần nào đó những chiều không gian của thiên nhiên, như chiều sâu của núi cao, vực thẳm; chiều rộng dài của đất trời thênh thang… Nhưng từ từ lúc nào đó không hay, tôi dường như chạm một chiều khác nữa của thiên nhiên, một chiều bất ngờ vỡ hoang từ tâm thức. Tôi học cách đến gần thiên nhiên hơn qua tâm thức.
Những con đường hoa dại còn đó

trắng một vạt trời

những bước chân trở mình khắc ghi dấu vết thiên thu

khi nắng mai bất chợt chảy tràn vào thực tại…
Nắng mai trong lành, rực rỡ là một tiếng gọi, đưa tôi về hiện tại độc nhất mà bất tận. Những con đường hoa trắng hồn nhiên, trong sáng của ngày hôm qua vẫn còn đây. Rất rõ ràng, sống động. Và âm vang của những bước chân bước cẩn trọng không thành tiếng cũng từ tương lai quay về. Hiện tại tròn đầy, khi mắt và lòng nhận thấy được một vùng nắng rực rỡ và tươi mới đang chảy vào ngày. Nắng, những bước chân và sự dừng lại đã gõ cửa cho tâm thức neo vào hiện tại. Đôi khi nhìn nắng, nhìn mọi người đang bước đi bình an, tĩnh lặng và nhìn lại cuộc sống xung quanh mình, tôi thấy “mình đang sống trong một khoảng thời gian đẹp nhất của đời mình“. Thế nhưng, đôi khi, tôi cũng là kẻ cứ nhớ thương hoài về những cái gì đẹp đẽ đã qua. Đó có lẽ vì tôi đã không sống bằng trọn vẹn trái tim mình, không thấy hiện tại đã đủ đẹp, quý giá và tôi cần nối dài những ngày tháng đẹp đẽ này bằng cách “sống đẹp” những ngày hiện tại.
Suối, rừng cây, núi đồi, trăng sao….
Nếu tôi nương nhờ sông để thả vào đó mọi thứ, để chuyển hóa và luân chuyển thì tôi cũng yêu núi vì yêu cái bất động, hùng vĩ và tự tại. Tôi yêu núi còn vì… và vì…., nhưng đơn giản nhất có lẽ là trong tôi có núi và trong núi cũng có tôi. Tôi nghĩ có lẽ trong một người tu nào cũng có ít nhiều ‘chất núi’ trong con người mình như thế.
Tôi rất thích những ngày được ‘về chơi với núi’ trong những chuyến đi chơi hàng năm của quý sư cô Xóm Hạ. Tôi đi chơi núi như đứa con về nhà. Núi đón tôi bằng một vòng tay vô tận, bao la. Đương nhiên, núi cũng là Đất, là Mẹ. Và có bước chân nào của tôi mà không trở về với đất, với Mẹ?
Bình thường tôi cũng khá lười vận động nhưng lên núi rồi thì tôi thích leo núi lắm. Đó là một cơ hội để tôi rèn luyện lại sức khỏe, hít thở khí núi trong lành và … để vượt qua chính mình nữa. Nhớ những ngày leo núi, nhiều khi tôi đi hơi nhanh nên không còn ai xung quanh và cũng khá mệt. Lúc đó tôi hoàn toàn giao phó mình cho những bước chân, hơi thở và mặt đất. Tôi thấy rất rõ mặt đất đang nâng từng bước chân của mình. Và hòa quyện với cái khung cảnh núi non bát ngát, tôi thấy lòng mình mở rộng ra, nhẹ tênh và bình an.
Tôi cũng nhớ một ngày tôi ngồi chơi bên suối, xung quanh là núi đồi vây phủ. Ngồi ngắm những bông hoa đang nở chơi bời, hoang dại, rồi nghe tiếng suối róc rách, ầm ào và tiếng chim hót véo von trên đầu non, tự nhiên tôi cũng nổi hứng ca hát, hát mải mê từ bài này qua bài khác.
Tôi nghe như suối hát rằng:

Sông vẫn chảy đời sông

Suối vẫn trôi đời suối

Đời người cũng chỉ để sống

và hãy thả trôi hết những muộn phiền…
Cho nên tôi cũng muốn đáp lời mà hát hết lòng bằng những niềm bình yên và nhẹ nhàng đang có trong trái tim mình lúc đó. Và rằng, ở đây, bên những cánh đồng, dòng sông, nắng,… tôi còn có những con đường, dốc đồi, bầu trời, rừng cây, trăng sao… Cuộc sống vật chất ở đây đơn sơ, giản dị với những nếp nhà cũ kỹ hay những con đường quanh xóm đầy bùn đất nhưng chỉ cần “cúi xuống, cúi xuống thật gần…” với đất, với trời, với cảnh vật xung quanh thì tôi sẽ về được rất gần với đất Mẹ thiên nhiên. Mở một con đường ra với Thiên Nhiên bên ngoài thì cùng lúc tôi cũng mở được một con đường về với Thiên Nhiên, với những không gian trong lòng mình. Tôi thấy thương quý cuộc đời và biết ơn đất Mẹ, thiên nhiên vô cùng.  
Xin tạ ơn bao la,

tạ ơn đời sống vẫn thiết tha

ta tái sinh ta qua từng hơi thở mới

từng hơi thở bình an, ta đi-về không chờ đợi

từng hơi thở an lành, ta buông thả niềm đau…

Và thả lòng theo mây trắng qua mau

mỗi bước chân xin quay về đất Mẹ

mỗi bước chân xin dốc lòng nương tựa

vì bao dung của đất vẫn tràn đầy

Mai ta về, mây nắng ủ trong tay

đi suốt con đường, bao la mở lối

lắng lòng nghe bao tiếng đời vẫn gọi

và nghiêng xuống muôn trùng, ta cười với mênh mông….
 Chân Duyệt nghiêm
Theo https://langmai.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...