Khi những tia nắng ẩn mình sau những tán lá cây, cũng là lúc
mặt trời âm thầm đi về bên kia núi. Chiều! Một buổi chiều êm ả lướt qua những nẻo
đường, góc phố. Thả hồn mình trong tiếng nhạc du dương trầm bổng và hướng ánh
nhìn vào những tia nắng đang len lỏi qua kẽ nứt thành đổ nát. Buổi chiều bỗng
trở nên thú vị hơn.
Người ta quen gọi là thành đổ nát mà quên mất cả tên gọi
khai sinh- lầu Tứ Phương Vô Sự. Lầu được vua Khải Định cho xây dựng vào
năm 1923. Là nơi học tập của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối của triều
Nguyễn. Tứ Phương Vô Sự nghĩa là mong muốn thiên hạ được thái bình, nhân dân an
lành…
Ngày xưa, lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình nằm trên khuyết
đài, cạnh cửa Hòa Bình, chính giữa mặt bắc của Hoàng Thành Huế; gồm tòa nhà hai
tầng, rộng khoảng 150m2.. Đây là một công trình pha trộn kiến trúc Á - Âu. Nền,
tường, cửa và kỹ thuật mang phong cách châu Âu, còn mái và họa tiết trang trí lại
đậm đặc kiến trúc Á Đông với hình mặt trời ở giữa, hai con rồng chầu bên theo
kiểu hồi long trên nóc, 4 bờ quyết đắp nổi hình rồng. Trải qua thời gian và chiến
tranh đã bị hư hại nặng.
Thành cổ đổ nát trong buổi chiều tà
Hoang sơ, rêu phong cổ kính và đổ nát nhưng từ lâu đã gắn bó
với con người nơi đây. Nhìn ngắm thành đổ nát người ta như tìm về với cái ngày
xưa, với thành quách cung điện nguy nga. Thành cổ còn là minh chứng cho tội ác
của chiến tranh, cho sự bào mòn của thời gian. Nhưng cũng chính từ những đống gạch
cũ, tường rêu phong đã khơi dậy cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ tạo nên những tác
phẩm bất hủ. Những người lãng mạn thì thỏa mình tìm được một chút hay hay, cổ cổ.
Điều đặc biệt là sự hoang tàn, cổ kính, rêu phong ấy đã trở
thành điểm dừng chân lý tưởng cho các đôi tình nhân, các đôi uyên ương. Ở đó đã
ghi dấu bao kỉ niệm, một thời để nhớ của nhiều người. Họ đến đây tìm cho mình một
không gian riêng, yên tĩnh, lãng mạn cũng như mong muốn được sống thảnh thơi,
vô sự, vô lo như tên gọi của thành đổ nát. Ngắm thành cổ, nhiều người còn chiêm
nghiệm đến sự đời: “hạnh phúc được xây dựng từ những viên gạch, nhưng nếu chúng
ta không biết gìn giữ thì thời gian sẽ gặm nhấm chúng và có thể biến chúng
thành một đống hoang toàn, đổ nát. Nhưng nếu chúng ta biết trân trọng và làm mới,
thì trên hết, điều mà chúng ta còn lại, đó chính là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới
nuôi dưỡng được hạnh phúc dài lâu và mãi mãi”.
Nhớ những lúc trời mưa, cả thành ướt đẫm trong mưa, hứng những
giọt mưa tí tách, một vẻ đẹp hoang sơ, trầm lắng. Rồi những đêm trăng, ánh sáng
vằng vặc hắt sáng cả một bờ thành. Thành cổ mờ ảo trong những khoảng không huyền
bí.
Trong những mùa Festival, thành cổ đổ nát được tận dụng một
cách rất nghệ thuật. Khi thì được chiếu đèn làm sáng rực giữa màn đêm. Lung
linh tựa hồ quá khứ, ngày xưa như đang hiện về trong kí ức. Dường như thành cổ
là một tác phẩm nghệ thuật khiến mọi người đều trầm trồ, ngước nhìn. Có khi
lung linh trong ánh nến, thơm ngát tràn đầy hoa sen và trở thành một sàn diễn
thời trang ấn tượng…
Lung linh trong Festival 2008
Với tôi, thành đổ nát còn gắn chặt với những kỷ niệm cùng bạn
bè ở café Chiều. Thời cùng nhau ngồi nghe nhạc, bàn luận về triết lí sống
qua những tình khúc Trịnh Công Sơn, những ca khúc đi cùng năm tháng. Giờ đây “cố
nhân xa rồi, có ai về lối xưa”. Tất cả chỉ còn là “hoài cảm” trong lòng những
con người hoài niệm. Rồi có khi nào kỉ niệm chợt ùa về…
Qua thời gian, thành đổ nát ngày càng hư hỏng trầm trọng. Giờ
đây sẽ được trùng tu lại. Việc trùng tu mang lại cho cố đô một công trình kiến
trúc dưới thời vua Khải Định, giúp cho việc nghiên cứu sự giao thoa về văn hóa
và kiến trúc Á - Âu ở Việt Nam giai đoạn đầu TK XX, làm phong phú các công
trình kiến trúc ở Huế. Hơn nữa, lầu Tứ Phương Vô Sự sẽ trở thành một điểm nhấn
cho không gian kiến trúc, văn hóa ở khu vực Hoàng Thành, góp phần thu hút du
khách.
Thành đổ nát sẽ trở lại là lầu Tứ Phương Vô Sự như xưa, sẽ
đón tiếp bước chân tham quan của hàng ngàn du khách. Nhưng dường như thành cổ với
vẻ thô sơ, rêu phong, hoang tàn sẽ vẫn mãi là hình ảnh gần gũi và gắn bó với
nhiều người. Mọi người sẽ nhớ hoài nét hoài cổ của Huế qua thành cổ đổ nát.
Trong ánh nắng cuối cùng của buổi chiều tà. Những tia nắng nhạt
màu cũng cố gieo mình ngủ lịm vài giây trên thành đổ nát. Tôi ngồi đây cố chiêm
ngắm thành cổ đổ nát những lần cuối để một mai nó chỉ còn là những hình ảnh
trong tâm tưởng, trong miền nhớ, trong khoảng lặng của tâm hồn
Điệp Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét