Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Mây trên đỉnh núi 1

Mây trên đỉnh núi 1
Chương 1
Em đi chầm chậm theo triền đồi, Đà Lạt buổi sáng mặt trời lên muộn, sương còn giăng màn trắng đục trên những hàng thông xanh. Em ngước lên cao, mây mờ che khuất màu xanh của vòm trời trên kia. Vài tia nắng mai thật nhạt, thật yếu ớt cố xiên thủng lớp mây dầy để trải dài lên cỏ, để nhảy múa lung linh trên những bóng hoa dại rải rác khắp đồi. Em kéo cao cổ áo len, chạy nhanh xuống thung lũng để sang sườn đồi bên kia. Ở đấy, rừng thông có vẻ dày hơn, xanh hơn với những thân dài vút cao đùa reo với gió ngàn, với tơ sương bàng bạc, với những đám mây chùng thấp xa xa … Một con suối nhỏ chắn ngang lối đi, em dừng lại bên tảng đá đen lăn lóc cạnh một gốc thông già, 2 tay ôm lấy ngực thở nhè nhẹ. Mệt quá, em nghe máu chạy bừng bừng trong huyết quản, tại hồi nãy mình chạy nhanh quá, em thầm nghĩ. Em ngồi bệt xuống thảm cỏ, tựa lưng vào phiến đá, mơ màng. Đám mây xám trên cao mỏng dần, mặt trời đã lên. Nắng vàng tươi, nắng rực rỡ nô đùa trên vạt áo em màu ngọc, trên cỏ xanh, trên dòng suối óng ánh như con sông bạc trong truyện thần tiên mẹ thường kể dạo em còn bé tí. Bóng dáng mềm dịu của người thiếu nữ từ bên kia đồi đi xuống làm em chú ý. Tà áo trắng bay nhẹ trong gió lạnh buổi sớm, chập chờn như cánh bướm non và đôi chân nàng thoăn thoắt lướt êm trên cỏ. Người thiếu nữ thoáng chốc đã đến trước mặt em, môi hồng cười tươi phô hàm răng đều đặn như hạt ngô, tay phải nàng ôm giá vẽ và tay kia xách chiếc túi màu nâu. Em và nàng chỉ cách nhau bằng con suối bạc, nàng gợi chuyện làm quen:
- Em bé ra đây từ hồi nào vậy?
Em bối rối, em cười gượng gạo:
- Dạ … dạ … em ra từ sớm lận
Người thiếu nữ vẫn cười nhìn em bằng đôi mắt đầy thiện chí:
- Em ra đây ngồi một mình không buồn sao?
Em dạn dần:
- Rứa còn chị? Chị cũng ra có một mình?
Người thiếu nữ đặt giá vẽ xuống cỏ:
- Chị có công việc của chị chứ, cưng.
Em hỏi thật ngớ ngẩn:
- Chị vẽ à?
Người thiếu nữ nghiêng nghiêng mái tóc:
- Ừ, em có thích vẽ không?
- Thích, em mê hội họa lắm. Nhưng … nhưng em không biết vẽ
Em lại hỏi:
- Chị là họa sĩ hở?
Người thiếu nữ lắc đầu:
- Chị chả là gì cả, chị thích vẽ là chị vẽ, vậy thôi
Người thiếu nữ căng bức họa còn vẽ dở lên giá:
- Lội qua giòng suối, sang đây với chị, em cưng.
Em như bị hấp lực bởi giọng nói trong veo thoát ra từ đôi môI hồng nhung, em cởi giày, đứng dậy, vén cao ống quần và tiến đến bờ suối.
Người thiếu nữ nhắc:
- Cẩn thận em, bờ suối trơn lắm đó
Em thận trọng từng bước, nước lạnh làm em hơi buốt lòng bàn chân. Người thiếu nữ lại hỏi:
- Lạnh hở em?
Em ngạc nhiên:
- Răng chị biêt?
Người thiếu nữ đưa tay đỡ em:
- Nhìn cái mặt em nhăn nhăn
Em tròn mắt nhìn nàng cười:
- Giống khỉ ăn ớt không chị?
Người thiếu nữ chúm môi:
- Bậy nào, em đẹp hơn nhiều chứ ly.
Hai chị em cùng cười. Tiếng cười tan loãng mênh mông … Nàng hỏi em:
- À, em tên là gì nhỉ?
- Em tên Sơn.
- Sao tên giống con trai vậy?
Em cười:
- Tại ngày xưa em sinh thiếu tháng, khó nuôi, nên bà nội biểu ba phải đặt tên con trai cho em đó chi.
- Hay nhỉ, em là người Huế phải không?
- Da.
- Hèn gì. Chị thấy em là lạ …
Em ngắt lời:
- Phải rồi, em lên đây chưa đầy một tháng mà. Em theo gia đình đổi lên đây …
Người thiếu nữ cầm lấy tay em:
- Chị hơi tò mò một chút, ba má em là công chức hả?
Em kể:
- Không, ba em là thầu khoán. Tại vì tình hình Huế dạo này chộn rộn quá, ba em lại bị thất bại mấy cái áp phe, nên ông đưa cả gia đình lên đây thử thời vận.
Gió lồng lộng thổi, rừng thông reo vi vụ Em đến bên giá vẽ:
- Ồ, chị đang vẽ cảnh chi mà đẹp rứa?
Người thiếu nữ đang lôi cây cọ từ trong chiếc xách màu nâu, ngẩng lên:
- Đố em đấy
Em nhìn chăm chú vào bức họa:
- Em thấy một đỉnh núi … một đám mây …. Và những hàng thông vút cao …
Người thiếu nữ đến sau lưng em, hơi thở nhẹ nhàng, em quay lại:
- Chết, em quên chuyện ni quan trọng lắm
Nhìn đôi mắt ngạc nhiên của cô gái, em đưa một ngón tay lên môi:
- Em chưa biết tên chi.
Thiếu nữ đập nhẹ vào vai em:
- Vậy mà làm chị hết hồn. Chị tên là Vân, Bạch Vân.
Em vỗ tay reo:
- Tên của chị là mây trắng, làm đám mây bông gòn lang thang trên kia. Chị đẹp quá, chị Vân ơi.
Chị Bạch Vân nhìn em chan chứa cảm tình:
- Sơn, em dễ thương lắm, ước gì chị có một cô em gái như em
Em chớp nhẹ đôi mị Em cũng ao ước như vậy chị Vân, giá chị là chị ruột của em nhỉ, chắc em là người hạnh phúc nhất trần gian. Chị dịu dàng quá, chị trong trắng như một thiên thần, chị xinh tươi như nàng tiên này. Em là đứa con gái duy nhất trong một gia đình có 3 người con, mà chị Vân biết không? Anh Hải em đã đi du học tận Tây Đức xa xôi ngàn dặm và bé Tuấn thì còn nhỏ xíu, em thật bơ vơ trong gian nhà rộng lớn. Ba mẹ đi vắng luôn, vú Thoan lại già nua lẩm cẩm, em chả biết chơi với ai ngoài con mèo Mi Mi … ước gì em có một người chị như chị, chị Vân ơi.
- Em nghĩ gì vậy Sơn?
Em giật mình, nhìn chị Vân:
- Chị Vân, em đang nghĩ đến chị, em cũng ao ước có một người chị dịu hiền như chi.
rứa. Chị Vân ơi, chị cho phép Sơn được làm em của chị nghe.
Đôi mắt chị Vân rưng rưng, chị Ôm em vào lòng:
- Sơn, không hiểu tại sao chị thấy thương em kỳ lạ, dù đây là lần thứ nhất chị em mình gặp nhau.
Em ngồi sát vào người chị Vân, bàn tay chị vuốt nhẹ mái tóc em. Sương tan dần trên cỏ xanh, sương nhạt mờ theo bóng nắng. Và em lâng lâng thả hồn theo muôn tiếng chim hót trên cành. Thời gian qua mau, em bảo chị Vân:
- Chết chưa, em làm rộn chị quá, chị còn phải vẽ nữa chứ
Chị Vân dịu dàng:
- Hôm nay đặc biệt, chị cho phép chị nghỉ một buổi
Em mân mê cây cọ trong tay chị Vân:
- Ngày mô chị cũng ra đây vẽ hả chị Vân?
- Mỗi sáng chủ nhật thôi em, chị còn biết bao nhiêu công chuyện
- Nhà chị Ở mô?
Chị Vân đưa tay chỉ về phía ngọn đồi hồi nãy chị đã từ đó đi xuống
- Nhà chị Ở sườn đồi bên kia
Em nhìn về phía đối diện hướng nhà chị:
- Nhà em lại ở mép đồi bên ni, rứa là nhà hai chị em mình cách nhau bởi một thung lũng.
Chị Vân cướp lời:
- Và con suối nữa chứ
Em quàng tay ôm vòng lưng nhỏ nhắn của chị Vân:
- Dạ … cả con suối nữa
- Hôm nào rảnh, chị dẫn Sơn về nhà chị chơi nhé
- Da.
- Chủ nhật tuần sau, Sơn nhớ lại đây gặp chị nhé
- Da.
Chị Vân siết vai em:
- Trưa rồi, Sơn về đi kẻo ba má chờ
Em quyến luyến:
- Chị Vân, tuần sau mình gặp lại nhau nghe
- Ừ, Sơn cứ đến đây, sẽ gặp chị. Chủ nhật nào chị cũng ra đây vẽ cả mà
Em lại cởi giày để lội suối, em hỏi chị Vân:
- Chị về một lần với em chớ?
Chị Vân mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền thấy thương:
- Chị Ở lại vẽ chút xíu nữa. Sáng hôm nay nắng lên muộn quá, đến giờ này, rặng núi đằng kia mới thấy rõ, để chị tô màu nốt.
Em chần chừ, chưa muốn băng qua suối vội, em năn nỉ:
- Em ở lại xem chị vẽ nghe, chị Vân
- Trưa rồi đấy, Sơn a.
- Một chút thôi mà chi.
- Ừ, thôi lại đây
Em lại gần suýt soa:
- Ồ, tuyệt quá, đám mây giăng ngang đỉnh núi chị vẽ linh động ghê a
Chị Vân vừa đưa cây cọ lên xuốn lẹ làng, vừa bảo em:
- Chị sợ đám mây đó bay đi quá Sơn ạ, ít khi thấy được đám mây đẹp như vậy
Em quả quyết:
- Đám mây đó sẽ không tan mô chị Vân ơi
Chị Vân ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy Sơn?
Em làm ra vẻ bí mật:
- Để em nói chị nghe hí. Em tên Sơn là núi, chị tên Vân là mây. Sáng ni mây gặp núi rồi thì núi sẽ ôm chặt mây lại, sức mấy mà mây bay đi cho được
Gương mặt chị Vân sáng ngời, chị cười theo em:
- Sơn của chị lý luận hay ghê, chị chịu thua rồi đó. Ừ, thì em ráng giữ đám mây đó cho chị để chị hoàn thành xong bức tranh nhé
Em đưa tay nhìn đồng hồ và chợt tiếc thời gian sao qua mau.
- Thôi em về nghe chị Vân
- Ừ, lội suối coi chừng ngã em cưng. Tuần sau nhớ ra gặp chị nhé
- Da.
Em chạy một mạch lên tới đỉnh đồi và quay lưng lại. Dáng dấp chị Vân thật nhỏ bé, màu áo trắng nổi bật giữa nền xanh của thảm cỏ, của ngàn thông và của vòm trời bao la biêng biếc trên cao.
Em gặp vú Thoan trên bậc thềm, đôi mắt vú nhíu lại:
- Con ni thiệt hết nước nói, đi chơi chừ mới chịu về
Em nhảy chân sáo vào nhà:
- Còn sớm mà vú
Vú Thoan gắt:
- Sớm, sớm, trưa đứng bóng rồi, ở đó mà sớm. Vô ăn cơm đi cho tao còn dọn dẹp
Em không để ý đến lời nói gay gắt của vú Thoan. Em hiểu vú, sau cái chết của đứa con trai độc nhất, tính tình vú thay đổi hẳn đi. Vú hay gắt gỏng, vú hay bực tức vô duyên cớ và làm cho mọi người chung quanh phải khó chịu theo mình. Nghe ba kể lại, ngày xưa vú góa chồng sớm, có một đứa con trai không nuôi nổi nên phải gởi vào cô nhi viện. Vú là người cùng làng với ba, nên ba thương tình gọi đến nhà cho ở giữ anh Hải hồi đó mới lên 3. Ba mẹ còn cho phép vú đem Lập, con của vú về ở chung nữa để mẹ con vú khỏi phải xa nhau. Anh Lập hơn anh Hải một tuổi, ba cho anh đi học và xem như con cháu trong nhà. Em vẫn nhớ mơ hồ cái dáng cao lêu nghêu và đen thui của anh Lập, mỗi lần anh leo lên cây trứng cá sau nhà hái trái cho em ăn. Rồi anh Lập thi rớt phần nhất, trong khi anh Hải tiếp tục học lên mãi. Anh Lập chán nản, anh đăng lính, từ đó anh theo đơn vị thuyên chuyển khắp nơi, cả năm mới về thăm nhà một lần. Vú Thoan vẫn ở lại nhà em và trở thành người quản gia trung thành thân tín. Sau ngày anh Hải xin được học bổng đi Tây Đức, nhà còn lại em và bé Tuấn. Vú Thoan thương 2 đứa em còn hơn con ruột, vú săn sóc, chiều chuộng 2 đứa đủ thứ, vú thường nói:
- Tội nghiệp 2 đứa bây, ông bà bận làm ăn cứ đi hoài đi hủy làm tao phải sốt ruột theo. Con cái kháu khỉnh ri mà cứ để lăn để lóc.
Rồi cách đây 2 tháng, hung tin từ biên giới đưa về, anh Lập đã hy sinh trong một trận đánh ở Cao Lãnh. Vú Thoan ngất đi trong tay người bạn đồng đội của anh Lập và khi tỉnh dậy, vú la vú hét, vú xổ tung mái tóc như bà điên. Vú lăn quay xuống nền nhà như cái vụ. Vú theo chiếc GMC chở linh cửu anh Lập về chôn tại quê chồng và khi trở lại, vú gầy sút hẳn đi. Từ đó vú ngẩn ngơ như kẻ mất hồn và đôi lúc vú dữ tợn kỳ lạ. Bé Tuấn thường gọi vú là bà chằng như ba la, ba bảo nên thông cảm với hoàn cảnh Vú. Rồi gia đình em dọn lên Đà Lạt, vú xin theo, đôi mắt vú rưng rưng, cái miệng vú méo xẹo:
- Ông bà cho tui theo với, tui một thân một mình, chừ biết nương tựa vô mô nữa
Tiếng bé Tuấn gọi làm em giật mình:
- Ăn cơm cho rồi chị Sơn, em đói quá
Em bước lại bàn ăn, vú Thoan dở nắp lồng bàn:
- Bữa ni tao nấu bún, 2 đứa bây gắng ăn cho no nghe
Bé Tuấn láu táu:
- Bún chi rứa vú?
Giọng vú Thoan bỗng trở nên hiền dịu:
- Bún cua đó con, ăn đi con, ăn cho mau lớn, mau mập, mau mạnh …
Đôi mắt vú nhìn sững ra khung cửa, em có cảm tưởng như vú đang nói với anh Lập, với đứa con thân yêu đã vĩnh viễn ra đi.
Vú ăn thật ít, vú đứng dậy, lặng lẽ đi ra sau bếp. Bé Tuấn thúc tay em:
- Em sợ vú Thoan quá chị Sơn ơi, ngó như mụ điên a
Em trừng mắt:
- Tuấn không được nghĩ bậy nghe chưa? Vú Thoan đang buồn nên vú mới rứa chớ
Bé Tuấn nói lảng:
- Bún ngon ghê chị Sơn hí. À mà ba me đi mô lâu về rứa hè?
- Ba me xuống Saigon, chắc chiều hoặc mai là Ba me về đó
Em trở về phòng. Đồng hồ trên tường gõ một tiếng. Qúa trưa rồi. Em buông mình xuống giường và nghe cô đơn. Gian phòng như rộng hẳn ra, như thênh thang vô tận cho nỗi buồn dần lan khắp không gian. Ba ơi, ba đi đâu mà lâu vậy? Me ơi, công việc làm ăn bận rộn đến nỗi me quên cả con sao? Hôm chiều thứ 5, me bảo me đi đến thứ 7 về mà bây giờ đến chủ nhật rồi đó me ơi. Ngày nghỉ ở nhà không có me con buồn quá, vú Thoan thì càng ngày càng khật khùng, con sợ vú nổi cơn điên bất chợt ghê.
Em ngủ quên cho đến khi tỉnh giấc thì đã 4 giờ. Em vươn vai ngồi dậy, bước ra phòng khách, bé Tuấn đang chơi với chiếc tàu bay giấy và vú Thoan ngồi tư lự bên bực cửa. Em lại gần:
- Vú xê một bên cho Sơn mở cửa
Vú Thoan nhìn em dò hỏi:
- Lại đi mô nữa đây?
- Sơn lên đồi chơi một chút mà
Vú đứng dậy càu nhàu:
- Đi, đi mô mà đi hoài rứa không biết
Sương lại bắt đầu xuống. Gió thổi về lành lạnh hất tung mái tóc. Em đếm từng bông hoa dại nở trên lối đi đưa em lên đến đỉnh đồi. Dưới thung lũng, con suối vẫn hiền hòa chảy qua bờ đá, nhưng chị Vân không còn ở đó nữa. Nơi chị Vân đặt giá vẽ ban sáng, thảm cỏ vẫn xanh tươi, ngàn thông vẫn vi vu ru vào hồn em nỗi niềm thương nhớ. Em cúi xuống nhặt một trái thông khô tung lên trời và gọi nhỏ chị Vân ơi, chị Vân ơi.
Chương 2
Sáng nay em vào lớp muộn, con Nguyệt Hồng gọi em ơi ới:
- Xuân Sơn, Xuân Sơn
Em quay lại:
- Chi rứa mi?
Nhưng cô Thục đã bước vào lớp. Nguyệt Hồng nói nhỏ:
- Để ra chơi tao kể chuyện ni cho mi nghe hay lắm
Em nao nức suốt 2 giờ học. Nguyệt Hồng cầm tay em kéo nhanh ra khỏi lớp ngay khi trống vừa điểm giờ chơi
- Xuân Sơn ni, chủ nhật ni chị Hương tao tổ chứa làm bánh đó. Mi vẫn thường muốn tập làm bánh “su crème” phải không? Nhớ đến chị Hương dạy cho.
Thật trúng ý em nếu Nguyệt Hồng cho em biết tin này ngay sáng thứ 7 vừa quạ Giờ thì không được nữa rồi vì em đã trót hẹn với chị Bạch Vân. Đối với em lúc này, không ai thay thế được chị Vân, dù đó là chị Hương, người chị cả của Nguyệt Hồng thùy mị dễ thương đã mến yêu em như đứa em ruột.
Nguyệt Hồng nhăn mặt:
- Răng Sơn? Tao hỏi răng mi không trả lời?
Em tần ngần:
- Chủ Nhật … Chủ nhật ni có lẽ tao bận…
Nguyệt Hồng hỏi dồn:
- Bận chi? chừ mới thứ 2 thôi mà, còn đến 6 ngày nữa
Em ngập ngừng:
- Tại mi không nói sớm
Nguyệt Hồng không vui:
- Nói ri là quá sớm rồi chớ chi nữa - Rồi nó nhìn em nghi ngờ - Mà mi bận chuyện chi rứa? Răng lại dấu tao?
Không lẽ em nói với Nguyệt Hồng là em bận đi chơi với chị Bạch Vân. Mà chị Bạch Vân là ai, chính em, em cũng chưa biết rõ chị là ai nữa, chị là một họa sĩ? một nữ sinh, hay là một cô gái đã ra đời va chạm nhiều với thực tế, nên mỗi sáng chủ nhật, chị thường lên đồi thông, thả hồn vào mộng tưởng để quên đi những giây phút muộn phiền? Em không biết gì cả hay nói đúng hơn là em chưa biết gì cả. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sáng hôm qua trên đồi thông ngát xanh đó, chỉ vừa đủ thì giờ cho em nhận thấy rằng, chị Bạch Vân là một cô gái thông minh và đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên ấy đã ám ảnh em suốt cả buổi chiều.
- Sơn, nói cho tao nghe đi
Em hứa để Nguyệt Hồng an lòng:
- Ừ tao sẽ cố gắng đến
Nguyệt Hồng là bạn học của em từ dạo ở Huế. Hai đứa ngồi bên nhau từ mẫu giáo cho đến lớp nhì thì gia đình Nguyệt Hồng dọn lên Đà Lạt sau tết Mậu Thân. Ba Nguyệt Hồng là công chức cao cấp nên sau biến cố đó, ông không dám ở Huế nữa, nỗi lo sợ ám ảnh sau một lần thoát chết đã khiến ông xin thuyên chuyển lên Đà Lạt. Em gặp lại Nguyệt Hồng giữa sân trường Bùi Thị Xuân chan hòa ánh nắng ban mai buổi tựu trường tung bay muôn ngàn tà áo trắng. Nói làm sao hết niềm vui sướng tràn lan khi gặp lại người bạn thời thơ ấu. Ngoài những giờ học ở trường, em và Nguyệt Hồng thường chở nhau trên chiếc Yamaha của nó đi chơi khắp nơi trong những ngày chủ nhật, hoặc đến nhà nó học đan và làm bánh với chị Nhật Hương. Hôm qua, Nguyệt Hồng bận đi ăn giỗ người bà con, em đành phải ở nhà đem toán ra làm một mình. Gian phòng vắng hoe, vú Thoan đi chợ về quăng chiếc giỏ xuống đất càu nhàu:
- Chợ với búa, chán ơi là chán, đồ ăn chi mà còn mắc hơn vàng.
Gặp mặt vú Thoan là thấy bực mình rồi, lại thêm bài toán hắc búa làm hoài chẳng ra. Em xếp tập bỏ vào ngăn kéo rồi thả bộ lên đồi chơi và tình cờ em đã gặp chị Bạch Vân ở đó.
Buổi trưa đi học về me ra đón em tại cửa. Em reo lên:
- A, me về, me về
Me ôm vai em:
- Sơn ở nhà có ngoan không? Bé Tuấn có ngoan không?
Em phụng phịu:
- Răng me hẹn con chiều thứ 7 mà mãi đến chừ me mới về?
Me vuốt tóc em:
- Tại công việc chậm trễ chứ me cũng nóng lòng lắm mà
- Ba có cùng về với me không?
- Có, ba đang tắm.
Em vào phòng cất cặp rồi lại ngồi bên mẹ Cơm đã dọn trên bàn với những đĩa thức ăn thịnh soạn, ba từ buồng tắm bước ra, xúng xính trong bộ pyjama mới. Bé Tuấn vỗ tay:
- Hoan hô ba, bữa ni ba diện ghê
Ba cười lớn:
- Me bây làm tốt cho tao đó
Ba kéo ghế ngồi xuống:
- Còn con Sơn, ba có mua cho con cái manteau đẹp lắm.
Em đang xới cơm, chợt dừng lại:
- Mô ba?
Me trả lời dùm ba:
- Còn trên Air V.N a, ba me về bằng máy bay, nên bao nhiêu đồ đạc phải gửi
bagage.
Bé Tuấn khoe:
- Ba mua cho em đôi giày đẹp lắm chị Sơn ơi
Không khí trong phòng ấm cúng hẳn lên. Em nuốt miếng cơm thấy ngọt ngào cổ họng, em nhấp miếng canh nghe thanh thoát cả hồn. Nhưng hình ảnh êm đềm này biết có tái diễn được lâu không, hay là ngày mai, rồi ba sẽ đi, rồi me sẽ đi, trả em về với những ngày thui thủi buồn tênh, trả em cô đơn giữa căn nhà rộng rãi với bàn ghế lạnh lùng, với hoa cỏ vô tri, với đồi thông sau nhà ngàn năm vẫn reo hoài điệu buồn muôn thủa. Niềm vui trong em thật mong manh, nỗi mừng trong em chưa kịp dâng lên đã chìm xuống khi nghe ba bảo mẹ:
- Mình định đi mô về Bảo Lộc gặp anh Tường?
Me gắp miếng thịt bỏ vào chén:
- Tùy mình, nhưng cũng phải liệu đi cho sớm, nội trong tuần ni, không thôi trễ chuyện hết.
Ba gật gù:
- Thôi để ngày mốt đi. Mai ở nhà nghỉ một bữa cho khỏe
Em buồn quá, em bỏ đũa xuống. Me âu yếm hỏi:
- Răng con ăn ít rứa Sơn?
Em nói dối:
- Con no rồi me ơi
Me cười bảo ba:
- Con Sơn nôn thấy cái áo Manteau nên ăn cơm không được. Thôi ăn cơm xong mình nên đi lãnh Bagage về sớm cho con nó mừng.
Ba nhìn em cười chúm chím:
- Me nói rứa có phải không hở con gái của ba?
Em cúi đầu nhìn những cành hoa tím thêu trên chiếc khăn trải bàn. Em muốn khóc quá, me không hiểu con rồi ba cũng không hiểu con nữa. Con chỉ cần ba me ở mãi bên con, săn sóc con từng li từng tí như ba me của Nguyệt Hồng vậy. Con thèm vòng tay ấm nồng của ba, con thèm ngủ vùi trong lòng me như ngày nào còn nhỏ dại, thế thôi, con không ham được mặc áo đẹp hay những món quà đắt tiền khác mà phải chịu xa lìa ba mẹ hoài, con buồn quá làm sao chịu nổi.
Cả nhà đã dùng cơm xong. Vú Thoan lặng lẽ bưng chén bát xuống bếp. Me nói với theo:
- Chiều ni vú ra chợ mua tim cật về, tôi nấu cháo, tối cho hai đứa nó ăn
Vú Thoan lại nhăn mặt:
- Chợ chiều làm chi có tim cật, chợ chiều vắng hoe vắng hoét, người ta chỉ hạ heo buổi sáng thôi bà ơi.
Me biết tính vú, me đấu dịu:
- Vú chịu khó đi một chút nghe vú, tôi mới về mệt quá, không thôi ai làm phiền vú làm chi
Vú cầm tờ năm trăm me vừa đưa, vú ra ngồi bên chiếc giường tre sau bếp, lẩm bẩm:
- Cháo tim cật, cháo tim cật. Con ơi là con, tao nhớ là mi ưa cháo tim cật lắm mà, có ăn không tao nấu cho luôn thê?
Vú đang lên cơn. Bé Tuấn chạy vào mách ba:
- Ba ơi ba ơi, vú Thoan nổi điên
Cơn khủng khoảng chỉ đến với vú 5-10 phút thôi rồi vú bình thường trở lại. Vú hỏi em:
- Mi ưa ăn tim cật với chi nữa?
Em đang uống nước đáp:
- Vú mua dồi trường nữa nghe vú
Vú Thoan vỗ vào tay em suýt rơi cái ly xuống đất:
- Con ni nhỏ mà khôn vô hậu. Ừ, dồi trường cũng ngon lắm, thằng Lập cũng thích lắm.
Vú lại nhắc đến anh Lập, em sợ vú nổi điên thêm một lần nữa, em đi vội lên nhà trên.
Em giúp mẹ bắc nồi cháo lên. Vú Thoan đi chợ về ra ngồi rửa tim heo cạnh lu nước. Vú hỏi em:
- Sơn ni, tim heo có giống tim người ta không Sơn?
Em lại ngồi gần vú:
- Tim người ta cũng rứa vú ơi
- Tim mi cũng rứa, tim tao cũng rứa mà tim thằng Lập cũng rứa phải không Sơn?
Em nhíu mày:
- Vú cứ nhắc tới anh Lập hoài rứa?
Vú đứng lên múc một gáo nước đổ vào chậu:
- Tim thằng Lập không giống ri mộ Thằng Lập chết rồi, tim thằng Lập tan nát rồi
Em ngồi yên nhìn đôi cánh tay vú vuốt ve quả tim heo đỏ bầm trong chậu. Em không trả lời thêm câu nào dù vú hỏi thêm dồn dập. Em nghe lòng mình xúc động khi nhìn vào đôi mắt rưng rưng của vú Thoan, bà mẹ già nua đã gửi một nửa linh hồn theo người con thân yêu về bên kia cõi sống. Trong nhà, ai cũng có nhận xét như em, từ ngày anh Lập chết, vú Thoan như kẻ mất hồn, có nhiều đêm khuya khoắc, vú mở cửa sau, chạy lang thang trên đồi như một bóng ma.
Me gọi em:
- Sơn ơi, lấy cho me chút tiêu
Me đang xắc những cọng hành thơm tho, em nói:
- Me để con làm dùm cho
Me âu yếm:
- Thôi, con gái me vào phòng nghỉ đi để đó cho me.
Ngày vui qua mau như bóng câu, như cánh én. Sáng nay me đã sửa soạn đi Bảo Lộc với bạ Xe ba đưa em tới trường, bạn bè đông đúc nhưng sao em vẫn thấy lạc lõng bơ vợ Nhìn theo màu xe xanh khuất sau khúc quanh cuối đường, em lủi thủi đi vào cổng. Gió sớm lạnh lùng như hồn em băng giá, ngọn lửa nào sưởi ấm được lòng em giữa lúc này?

Chương 3

Sáng chủ nhật em dậy trễ vì đêm hôm qua thức khuya làm nốt mấy bài tập lý hóa. Em sửa soạn thật nhanh, đồng hồ trên tường gõ 9 tiếng em thầm nghĩ chắc giờ này chị Vân đang đợi em đến sốt ruột mất. Vú Thoan đi chợ chưa về, vú để sẵn bánh mì và trứng tráng cùng ly sữa nóng dành cho em trên bàn ăn. Bé Tuấn đi họp hướng đạo, cửa trước khóa kín. Ba me đi vắng hoài, nhà ít người nên ba làm 2 chìa khóa cửa giao cho em và vú Thoan, đề phòng những lúc vú Thoan đi chợ, em nghỉ học 2 giờ sau thì vẫn có chìa khóa để vào nhà. Em không buồn ăn bánh mì, không buồn nhìn ly sữa thơm tho còn bốc khói, em chỉ nao nức gặp chị Vân lỳ lạ.

Em chạy thật nhanh lên đỉnh đồi và có cảm tưởng con đường mòn ngoằn nghèo đó dài thêm ra. Thung lũng xanh tươi dưới đồi trải rộng trước mắt em cùng tà áo chị Vân bay bay trên giá vẽ ấm cúng hồn em. Hôm nay chị Vân mặc áo dài màu tím nhạt như màu cánh hoa hổ ngươi, chiếc khăn quàng bằng len trắng làm nổi bật nước da trắng hồng của cô gái xứ anh đào. Nghe tiếng động chị ngẩng lên:
- Sơn, sao hôm nay em đến muộn vậy?
Em nhìn chị thương mến:
- Em … ngủ quên mất. Chị đợi em có lâu không?
Chị Vân ngưng vẽ:
- Chị ngỡ là em bận chuyện gì đó Sơn.
Em nhớ đến Nguyệt Hồng, em nghĩ đến chị Nhật Hương, chắc giờ này hai chị em đang lăng xăng đánh trứng, cân bột, cân đường, đặt vào lò hấp, chắc Nguyệt Hồng nó rủa em ghê lắm.
Em cười:
- Em đã hứa là em tới mà, chưa khi mô em sai hẹn hết a.
Chợt em ngạc nhiên:
- Chị Vân, răng hôm nay chị đứng phía bên ni giòng suối?
Chị Vân cười bí mật:
- Đố Sơn đấy
Em ngơ ngác làm chị Vân cười khúc khích:
- Thấy em xách giày lội qua giòng suối tội nghiệp, nên tuần này chị lội thế em
Em xúc động:
- Chị thương em quá. Chị có lạnh chân không hở chị Vân?
Chị Vân lắc đầu:
- Em đừng lo, chị quen rồi, có những lúc Đà Lạt còn lạnh gấp mấy lần vậy nữa.
Em vừa mới lên đây, chắc là chịu lạnh không quen?
Em buộc lại tấm khăn quàng cổ:
- Rồi em cũng sẽ quen như chị mà
Chị Vân nắm tay em kéo lại gần giá vẽ:
- Lại đây mà xem cưng. Bức họa sắp hoàn thành.
Em ngây người trước bức tranh kỳ ảo, hơi sương mờ mờ xám vương vấn hàng thông, xa xa, đỉnh núi hùng vĩ in rõ nét giữa khung trời trong sáng và một đám mây có dáng như giàn hoa ti gôn quyến luyến vây quanh.
Em buột miệng:
- Chị quả là một họa sĩ tài chị Vân ơi
Chị Vân hơi đỏ mặt, chị đập nhẹ vào má em:
- Sơn của chị nịnh khéo ghệ Chị chưa hề đặt chân đến một trường mỹ thuật nào thì làm sao mà trở thành họa sĩ được
Em nhớ đến câu nói của chị Nhật Hương: “Tâm hồn nghệ sĩ là bẩm sinh không phải học mà có được. Sự học hỏi chỉ là để trau dồi thêm năng khiếu sẵn có mà thôi”.
Em đem câu này nói với chị Vân, chị bẹo má em:
- Sơn của chị giỏi lý luận thì thôi
Chị rủ em ngồi xuống thảm cỏ. Nắng đã lên và sương tan dần trên mấy phiến đá xanh. Chị Vân nghiêng đầu xuống vai em nói nho nhỏ:
- Sơn có biết không, ba của chị ngày xưa cũng là một nghệ sĩ đó
Em ngước lên:
- Thật hả chị. Thích ghệ Chắc bác là một họa sĩ tài danh?
Đôi mắt chị Vân u hoài nhìn ra xa:
- Không, ngày xưa ba chị là một thi sĩ, không nổi danh nhưng rất có tâm hồn
Em cảm thấy mình cần phải nghe những lời tâm sự của chị Vân, để biết rõ hơn tâm tình người thiếu nữ mà dáng dấp đó, gương mặt đó đã làm em thương mến ngay từ phút giây tao ngộ ban đầu. Em ngồi sát lại chị Vân:
- Chị Vân ơi, chị kể chuyện về chị cho em nghe đi.. về ba mẹ chị, các em của chị….
Bàn tay chị Vân siết mạnh tay em:
- Chị không còn ai hết Sơn ơi. Chị như loài chim cô đơn vậy. Sơn có biết chim cô đơn là chim gì không?
- Dạ biết, đó là loài chim thường hót vào lúc trời gần tối, tiếng hót thật thảm não chỉ có 4 âm ngắn và một âm dài.
Chị Vân cúi đầu, giòng tóc hững hờ xõa trên vai:
- Đúng rồi đó em
Em nhớ đến những buổi chiều mùa hạ, ba me bắt ghế ra sân hóng mát. Em nô đùa bên cạnh và đã nghe tiếng hót của loài chim cô đơn này lần đầu tiên từ một hoàng hôn nào thật xa xăm. Em tò mò hỏi ba:
- Chim chi kêu lạ rứa ba? Cứ 4 tiếng ngắn rồi một tiếng dài, cứ 4 tiếng ngắn rồi một tiếng kéo dài.
- Chim cô đơn kêu đó con
- Chim cô đơn là chim chi hở ba?
Ba giải thích:
- Theo huyền thoại, thì đó là linh hồn của một người không cửa không nhà, chiến tranh đã cướp mất tất cả những kẻ thân yêu trong gia đình. 4 tiếng đó là: “Père, mère, frère, soeur, tout est perdu” có nghĩa là: “Cha, mẹ, anh, chị, mất tất cả rồi”.
Em xót xa cho thân phận loài chim Cô Đơn đó trong một phút giây rồi quên liền. Tuổi hồn nhiên không cho phép em nghĩ ngợi nhiều đến những chuyện thương tâm, bao nhiêu trò chơi, bao nhiêu vui thú ấu thơ đã làm em quên đi thật nhanh tiếng kêu u sầu của một loài chim nhỏ từng hoàng hôn khi ánh mặt trời nhạt nhòa sau đỉnh núi gọi bóng đêm về. Em sững sờ nhìn chị Vân:
- Chị Vân, chị mồ côi à? Hiện giờ chị đang ở với ai?
Lời chị Vân rưng rưng:
- Chị đang sống với người bạn của mẹ chị và chị gọi bà bằng má. Bà nuôi nấng săn sóc chị từ năm chị lên ba, sau khi má chị kiệt sức trong một trận lụt thật ghê gớm ngoài Trung.
Em nhẹ ngắt lời chị:
- Rứa ba của chị mô?
- Ba chị đi làm ăn xa rồi mất liên lạc luôn từ dạo đó. Má nuôi chị bồng bế lên Đà Lạt và lập nghiệp luôn tại đây, không còn về chốn cũ nữa. Gia đình bên nội, bên ngoại … Chỉ chả còn biết ai là ai
Em nép đầu vào vai chị Vân:
- Hiện giờ chị có được sung sướng không chị Vân?
Đôi môi hồng khẽ mỉm cười:
- Má chị hiện giờ thương yêu chị như con ruột. Bà không chồng con, không họ hàng quyến thuộc. Chị vui lắm chứ Sơn nếu đừng nghĩ ngợi đến dĩ vãng đen tối của mình.
Chị mở nút cổ áo cho em thấy lấp lánh trên chiếc cổ trắng ngần, một sợi dây chuyền bằng vàng tây và một trái tim nhỏ xíu:
- Sơn nhìn xem, đây là kỷ vật của ba mẹ chi.
Tim em đập rộn ràng cho một xúc cảm vừa tràn dâng. Chị Vân đưa tay bấm nhẹ vào một điểm nào đó phía sau quả tim, quả tim bỗng tách ra làm đôi:
- Em thấy chữ gì không Sơn?
Em hồi hộp dán mắt sát vào cổ chị:
- Dạ em thấy … chữ T
- Đúng rồi, đó là họ bên nội chị, ba chị họ Trịnh đó Sơn
Em không ngăn nổi tiếng reo vui:
- A, rứa thì chị cùng họ với em rồi. Như rứa là em có quyền trở thành em ruột của chị đúng tình trạng hợp lệ quân dịch phải không chị Vân? Em là Trịnh Thị Xuân
Sơn, còn chị là Trịnh Thị Bạch Vân …
Chị Vân cười dịu dàng rồi chị lắc đầu. Em ngẩn tò te:
- Ủa, ba chị họ Trịnh mà
Chị Vân cài lại cúc áo:
- Sơn chưa nghe chị kể hết. Hiện giờ chị mang họ của má nuôi chị Khai sinh ngày xưa bị thất lạc, thủ tục xin lại phiền phức, má chị lại không rành về luật lệ hành chánh, nên bà khai sinh chị cùng họ với bà cho tiện.
Em mân mê cúc áo chị:
- Má chị hiện tại là bạn ngày xưa với mẹ ruột chị hả?
- Ừ
- Chắc bà biết rõ về mẹ chị lắm?
Chị Vân bứt một cọng cỏ vò nát:
- Nghe nói ngày xưa mẹ của chị bất hạnh lắm, lấy chồng nhưng gia đình bên ba chị không nhận. Đến khi chết, lại không có mặt chồng bên cạnh để nhìn nhau trong phút cuối đó nữa.
Đôi má hồng của chị Vân đã nhạt nhòa nước mắt, em nép đầu vào vai chị:
- Thôi chị Vân, đừng buồn đừng khóc nữa. Em xin lỗi chị vì đã gợi cho chị nhớ lại chuyện đau buồn này.
Chị Vân vẫn cúi đầu buồn buồn. Em nói lảng sang chuyện khác:
- Chị Vân ơi, khi mô rảnh chị cho phép em tới nhà chị chơi nghe
Chị Vân nhìn em:
- Sơn, em muốn lại nhà chị?
- Da.
- Thật không em?
Em ngạc nhiên:
- Dạ thật chứ, bộ chị không tin em à? Bộ chị nghi ngờ em à? Em thương chị, em quý chị, em xin đến nhà chị chơi là một chuyện dĩ nhiên mà
Chị Vân đứng dậy, tựa mình vào gốc thông già:
- Tại Sơn mới lên Đà Lạt, Sơn không biết. Chứ cả thành phố này đều không ưa má chị, đều muốn xa lánh chi.
Em cầm tay chị Vân:
- Chị có thể cho biết nguyên nhân được không?
Giọng chị Vân buồn rười rượi:
- Tại ngày xưa má chị là vũ nữ …
Em nhíu mày:
- Vũ nữ thì có chi là xấu?
Chị Vân thở dài:
- Dư luận tàn ác lắm Sơn ơi
Rồi chị hỏi em:
- Sơn, giờ em đã biết được chị là con của một vũ nữ, dù là con nuôi, em còn thương chị hết?
Em cương quyết:
- Tình thương không bao giờ “còn” hay “hết” được mà phải nói là “có” hoặc “không”. Em đã “có” thương chị rồi thì em sẽ thương chị mãi mãi. Chị Vân, em nhất định tới nhà chị mà
Chị Vân dẹp cây cọ và hộp màu vào giỏ:
- Trưa rồi Sơn ạ, thôi để chủ nhật sau nghe
Em dùng dằng:
- Hay là chị để em theo chị lên đồi, chị chỉ nhà cho em, rồi chiều em lại
Chị Vân xếp giá vẽ:
- Chiều nay chị không có nhà đâu Sơn. Ráng đợi đến tuần sau đi, chị đưa Sơn về nhà ăn cơm trưa luôn, chịu chưa?
Em đưa tay nhìn đồng hồ, 12 giờ kém 5. Muộn quá rồi nếu không trở về, vú Thoan sẽ chờ cơm và càu nhàu nhức cả óc. Em bắt tay chị Vân từ giã:
- Thôi em về, chủ nhật tới nhớ dắt em về nhà chị đó, nhớ làm bánh cho em ăn nữa đó
Chị Vân cười thật tươi:
- Dĩ nhiên. Nhớ xin phép ba mẹ Ở lại ăn cơm với chị, chị sẽ trổ tài nấu nướng đãi em yêu. Nhớ nhé …
Em bước tới chân đồi rồi quay lại, chị Vân vẫn còn đứng nhìn theo em, tà áo tím bay bay trong gió lạnh như nàng tiên nhỏ lạc bước đến miền rừng núi hoang vu này. Em nói lớn:
- Chị về đi
- Em về đi
Tiếng chị ngân vang như giòng suối ngọt mềm, lời chị êm êm thoảng hơi gió ru em lâng lâng trên từng bước trở về mái nhà buồn tẻ. Vú Thoan ngồi ủ rủ bên mâm cơm, thấy em, vú nạt:
- Mi đi mô mà thẳng cò o ngón, ngồi chờ cơm đến rã cùi thúi cuống cũng không chộ mi về. Mi đi mô rứa Sơn?
Rồi vú òa khóc:
- Hu hu, khổ thân tui ở nhà giữ ba đứa nhỏ cũng không xong.
Em chán nản đi vào phòng Tuấn, thằng bé đang nằm ngủ say sưa trên đi-văng, tiếng vú gọi em:
- Thằng Tuấn ăn cơm rồi, để cho nó ngủ. Ra ăn cơm với tao
Em nuốt vội chén cơm, em nghe lòng nôn nao lạ thường. Hình ảnh chị Vân u buồn với sợi dây chuyền hình trái tim có khắc chữ T như quấn quít lấy trí óc em, như xui khiến em phải làm một cái gì để biết rõ ràng hơn. Chị Vân là ai mà dĩ vãng mịt mờ nghi vấn? Chị Vân là ai mà em cảm thấy thương yêu như giữa chị và em có một liên hệ máu mủ vô hình?
Em nằm trên chiếc xích đu nghĩ ngợi lan man, thì có tiếng réo ngoài cổng:
- Xuân Sơn ơi, Xuân Sơn.
Em chạy ra. Bên ngoài hàng rào gỗ sơn xanh, mặt con Nguyệt Hồng bí xị như cái bánh bao chiều:
- Đồ quỷ sứ, hẹn người ta rồi mất tăm biệt tích.
Em kéo then cửa:
- Vô đây, vô đây đã Nguyệt Hồng
Con bé làm mặt giận:
- Thôi vô làm chi nữa, tao chỉ sang hỏi mi tại răng mi lại thất hứa? Tại sao mi lại cho tao với chị Nhật Hương leo cây?
Em cười cầu hòa:
- Cho tao xin lỗi nghe Hồng, tại tao bận việc bất ngờ quá
- Việc chi?
Em lúng túng:
- Ba me tao đi vắng … nhà lại không có ai, tao phải ở nhà coi nhà đó Hồng ơi
Nguyệt Hồng ngồi xuống chiếc xích đu nhỏ đặt trong sân:
- Mi dối tao. Thường thường, ba me mi vẫn đi hoài và mi vẫn lại nhà tao chơi mỗi sáng chủ nhật mà
Em bào chữa một cách ngập ngừng:
- Tao nói thiệt mà, tao mắc bận thiệt mà. Thôi bỏ qua chuyện nớ đi nghe, chứ mi qua tao làm chi đây?
Nguyệt Hồng nhún nhẩy đôi chân theo nhịp đu:
- Định rủ mi đi ciné đây, không biết cô nương còn mắc bận hết?
Em nghe cơn buồn ngủ đã đậu lên mí mắt càng lúc càng nặng, nhưng không thể từ chối đề nghị của Nguyệt Hồng được. Đã lỡ hẹn với cô bé ban sáng rồi, bây giờ đành chiều lòng bạn không thôi nó giận, cô bé thường có tính hay hờn mát.
Em khoác chiếc áo manteau mới vào người, đi cùng bạn xuống đồi, Nguyệt Hồng tấm tắc:
- Chà, áo mới của mi đẹp vô hậu
Em khoe:
- Ba tao gởi mua tận bên HongKong lận đó
Nguyệt Hồng sờ vào những cúc áo hình trái tim:
- Mấy hàng nút dễ thương ghê
Em lại nhớ đến quả tim sáng ngời long lanh trên cổ chị Bạch Vân, em hỏi Nguyệt Hồng:
- Ở Đà Lạt đây, mi có biết chị Vân không Hồng?
Cô bé nhìn em chăm chăm:
- Tao quen nhiều chị tên Vân lắm, mi phải xác định tên họ cho rõ ràng tao mới biết được chứ. Để tao nói cho mi nghe hỉ, tao quen chị Thu Vân học Khoa học nì, chị Trúc Vân học Kinh Tế nì, chị Thùy Vân làm ở Ngân hàng nì …
Em ngắt lời nó:
- Tao muốn hỏi đến chị Bạch Vân.
Nguyệt Hồng:
- Bạch Vân? Bạch Vân con bà Yvonne Ngọc phải không?
Em ngập ngừng:
- Chắc đó đó
Nguyệt Hồng ngạc nhiên:
- Mi không rõ nữa à?
Em đành kể lại cho Nguyệt Hồng nghe cuộc gặp gỡ giữa chị Vân và em hôm chủ nhật tuần trước, rồi bảo nó:
- Tao mới quen chị Bạch Vân nên tao chưa biết rõ về gia thế của chị, tao chỉ biết là hiện giờ chị đang ở với bà mẹ trong một ngôi nhà cách nhà tao một ngọn đồi.
Nguyệt Hồng gật đầu quả quyết:
- Rứa thì đúng là chị Bạch Vân con bà Yvonne Ngọc rồi
Em mỉm cười với nó:
- Mi cũng quen với chị Bạch Vân nớ hả?
Mặt cô bé lạnh lùng:
- Có biết chớ không quen.
Em liếng thoắng:
- Chị Bạch Vân dễ thương lắm mi ơi
Hai đứa đã đi đến cửa rạp, Nguyệt Hồng chen vào mua vé. Cuốn phim chiếu kỳ này đề cao tình mẫu tử. Em đã khóc rất nhiều khi thấy cô bé đóng vai chính bị lạc mất mẹ vì chiến tranh, sống lạnh lùng trong cô nhi viện, cô bé có đôi mắt thật sáng và thông minh làm em liên tưởng đến chị Vân, em thầm cầu nguyện cho chị Vân chóng gặp người cha đã mất liên lạc từ tấm bé, giống như cô bé trong phim được gặp lại mẹ trong một đêm Giáng Sinh đàn nhạc vang lừng. Cuốn phim kết thúc bằng hình rọi lớn 2 mẹ con cô bé tươi cười dưới những hàng thông giăng mắc đèn màu xanh đỏ và trên trời xa thăm thẳm lấp lánh muôn sao … Nhạc thánh ngân vang mừng đón Chúa Jésus ra đời.
Chương 4
Sáng thứ 2, nghỉ 2 giờ sau. Em trở về nhà thì nhận được tấm bưu phiếu 50000 đồng của ba gửi kèm theo lá thư:
“Con gái cưng của ba,
Con mau lên bưu điện lãnh tiền đem về cất trong két cho ba 20. 30 còn lại con đem sang nhà bác Lộc để lấy hàng rồi mang gấp xuống Bảo Lộc cho bạ Ba mẹ đợi con ở nhà bác Tường. Cẩn thận trong lúc đi đường con nhé.
Hôn con”
Em nhét lá thư vào túi áo len, vội vàng đi ra cổng, vú Thoan gọi giật lại. Em gắt lại:
- Tui đi công chuyện chớ đi chơi mô mà vú hay hỏi tò mò rứa. Ghét vú ghê
Vú Thoan đang cầm cây chổi quét nhà, chợt liệng vào góc cửa:
- Ừ, ghét đi, ghét cho no đi. Con tao chết rồi, con tao mất tiêu rồi, chẳng còn ai thương tao nữa
Vú lại nổi cơn khùng. Em chán nản lắc đầu đi nhanh xuống đồi.
Em vừa ngạc nhiên lẫn sung sướng khi thấy chị Bạch Vân ngồi sau quầy điện tín và tấm khăn len trắng quàng cổ, trông chị Vân dịu dàng như một nàng tiên, em reo lên:
- Chị Vân
- Ồ, kìa Sơn
- Chị làm ở đây hả?
- Ừ, em đi đâu vậy?
- Em đi lãnh Mandat
Chị Vân quay sang nói nohỏ với cô bạn bên cạnh, hình như chị nhờ coi giùm chỗ cho chị, em thấy cô bạn gật đầu
- Ừ, để đó cho tao
Chị Vân bước ra đến bên em:
- Đưa thẻ và bưu phiếu đây chị lãnh giùm cho em cưng. Đằng đó đông lắm, em chen không nổi đâu
Em ngồi một mình trên ghế đợi chị Vân. Em nghĩ đến lá đơn xin phép phải viết chiều nay với một lý do thật chính đáng để xin nghỉ vài ngày xuống Bảo Lộc hoàn tất nhiệm vụ được ba em giao phó. Chắc chuyến này trở về Đà Lạt có cả ba me nữa, em thầm nghĩ và cảm thấy vui vui.
- Cười gì đó Sơn?
Em ngẩng lên:
- Chị Vân, chị lãnh tiền rồi à, mau rứa?
Chị Vân ngồi xuống bên em:
- Thật chị không an tâm tí nào khi thấy em đi một mình về nhà với số bạc lớn như vậy
Em cảm động:
- Chị đừng lọ Ba em thường sai em những công việc như vậy, em quen rồi. Hơn nữa, em sẽ ghé nhà bác Lộc gần đây giao bớt 30 ngàn, em chỉ mang về nhà 20 ngàn thôi
Chị Vân vẫn băn khoăn:
- 20 ngàn cũng là một số tiền lớn đối với một cô bé 15 tuổi như em
Em nhìn chị dò hỏi:
- Chị biết tuổi của em?
Chị Vân tươi cười trả tấm thẻ lại cho em:
- Chị nhìn trong này. Em còn trẻ con lắm Sơn ạ, nếu so với tuổi của em
Em pha trò:
- Như rứa thì em khỏi phải thành bà cụ non phải không chị?
- Bà cụ non … sao?
- Bà cụ non là còn nhỏ tuổi mà làm ra vẻ người lớn đó
- Chị biết rồi, nhưng Sơn đâu phải là bà cụ non
- Rứa mà đôi khi con Nguyệt Hồng vẫn bảo em là bà cụ non đó
Chị Vân thoáng nhíu mày:
- Nguyệt Hồng nào? Có phải Nguyệt Hồng người Huế em của Nhật Hương không?
Em siết tay chị:
- Đúng rồi chị. Con Nguyệt Hồng học cùng lớp với em, tụi em thân nhau lắm. Chị có quen với nó hả?
Chị Vân lắc đầu, giọng chị buồn buồn:
- Chị là bạn của Nhật Hương dạo còn đi học. Chị ra đời sớm trong khi Nhật Hương vẫn tiếp tục học lên.
Em thắc mắc, chị Vân là bạn của chị Nhật Hương, lẽ dĩ nhiên Nguyệt Hồng phải quen thân với chị. Nhưng sao con bé lại tỏ ra lạnh lùng khó chịu khi nghe em nhắc đến tên Bạch Vân? Chị Vân dễ thương, chị Vân dịu dàng thế mà sao Nguyệt Hồng lại có vẻ ác cảm như vậy? Em nêu lên câu hỏi để rồi không tự trả lời được, để thấy tấm màn bí mật xung quanh chị Vân càng ngày càng đặc như lớp sương mù trên những ngọn đồi Đà Lạt mỗi buổi sáng mặt trời chưa lên. Em nhớ đến lời chị Vân đã nói với em sáng hôm qua trên con suối nhỏ cạnh gốc thông già: “Cả thành phố này đều không ưa chị vì má nuôi của chị ngày xưa là một vũ nữ”. Em lại nghĩ đến giọng nói đầy vẻ miệt thị của Nguyệt Hồng khi nó nhắc đến tên má nuôi chị Bạch Vân. Bà Yvonne Ngọc, cái tên bằng chữ Pháp kèm trước tên thật đó đã nói lên một cái gì có vẻ phong trần của người mang tên. Em nhận thấy Nguyệt Hồng và cả dư luận thàng phố Đà Lạt này khắt khe quá. Theo em nghĩ, không có nghề nào xấu cả, chỉ có người xấu mà thôi. Mà bà Yvonne Ngọc thì không thể xấu được, tuy chưa gặp mặt bà, nhưng qua lời kể của chị Vân, bà Yvonne Ngọc là một người bạn tốt, bà đã tôn trọng lời trối trăn của bạn lúc lâm chung, lãnh nuôi đứa con gái bé bỏng của bạn từ năm lên ba cho đến lúc trưởng thành. Gần 20 năm trời nuôi nấng chị Vân bằng tất cả tình thương mến đậm đà, bà Yvonne Ngọc đã ban cho chị Vân tình mẫu tử thiêng liêng ngỡ đã mất khi người mẹ thân yêu vĩnh viễn một lần đi. Em quý chị Vân, và dù ai có nói xỏ nói xiên về bà Yvonne Ngọc, em vẫn kính trọng người đàn bà ấy.
Khách vào bưu điện mỗi lúc một đông, em đứng lên:
- Thôi em về để chị còn làm việc
Chị Vân tiễn em ra cửa:
- Em đi đường cẩn thận nhé Sơn, cầm bóp thật chặt đó
- Chị yên chí mà. Chủ nhật em lại nhà chị chơi nghe
Chị Vân vui vẻ:
- Ừ, chị sẽ đón em yêu bên giòng suối
Em ghé nhà bác Lộc bán dụng cụ máy móc, bác đang tính sổ sách với mấy người bạn hàng, thấy em, bác đon đả:
- Kìa cháu Sơn, có việc gì thế cháu?
Em lễ phép:
- Kính chào bác ạ. Ba cháu sai cháu đem tiền sang bác để lấy hàng.
Bác Lộc gấp cuốn sổ lại:
- Ngồi chơi đã cháu, chờ bác một tí nhé
Em dạ nhỏ rồi ngồi xuống cạnh bàn bác Lộc đang ngồi làm việc. Bác Lộc vào nhà một lát rồi mang ra một gói lớn để lên bàn, bác xoa 2 tay vào nhau:
- Đây đây, hàng mới về. Phụ tùng máy xay trà đó cháu. Đầy đủ tất cả, cháu lấy ngay bây giờ chứ?
Em mở bóp đếm đủ tiền giao cho bác Lộc:
- Dạ, bác cho cháu mang về để còn ngày mai đem xuống Bảo Lộc cho ba cháu
Bác Lộc nhịp nhịp những ngón tay phì nộn trên bàn:
- Mai cháu xuống Bảo Lộc à? Vậy cho bác gửi vài chữ cho ba nhé
Em sốt sắng:
- Dạ, bác viết đi, cháu đợi
Bác Lộc viết hí hoáy lên tấm danh thiếp thật lâu, em đưa tay nhìn đồng hồ, gần 12 giờ rồi, gian phòng đã vắng khách, có tiếng la nheo nhéo của lũ con bác Lộc cùng tiếng đũa chén chạm vào nhau sau nhà. Em chợt nghe bụng đói cồn cào.

Chương 5
Một đêm ngủ no mắt trong vòng tay ấm áp của mẹ, em chui ra khỏi chăn như một con mèo nhỏ. Mẹ đang ngồi trang điểm nơi bàn phấn, nhìn em âu yếm:
- Ngủ nữa đi con, còn sớm mà
Em đưa tay lên che miệng ngáp:
- Me đi mô chừ rứa?
- Me đi công chuyện, con ở nhà ngoan nghe. Trưa me về
- Me ơi, con muốn trở lên Đà Lạt
- Đợi ba me xong công việc, ba me sẽ cùng lên với con
Em lại lười biếng quấn người vào chăn:
- Lạnh quá me ơi
- Thì ở Đà Lạt cũng lạnh vậy
- Nhưng con sợ nghỉ học lâu rồi thiếu bài vở đi me ơi
Me đã chải xong tóc, đi lại bên em ghé ngồi xuống giường:
- Rứa con xin phép nghỉ mấy ngày?
- Ba ngày me
- Ngày mai thì đúng ba ngày, con sợ trễ học chi nữa?
Em cầm lấy tay me:
- Me gắng xong công việc nghe, con nằm nhà một mình buồn bắt chết
Me hôn vào má em:
- Thì ra chơi với mấy đứa con bác Tường
- Tụi nó nhỏ xí mà chơi chi me?
Ba chợt mở cửa phòng, giục:
- Xong chưa mình?
Me đứng lên:
- Dạ rồi
Em gọi:
- Ba ơi
Ba không bước vào phòng:
- Sơn ngủ nữa đi con, còn sớm
Ba me đi rồi, em nằm một mình như chiếc gối bông, như vuông mền nhỏ như tấm thảm giữa nhà lăn lóc bơ vợ Em đến Bảo Lộc hôm qua và đang trọ tại nhà bác Tường. Bác Tường hùn vốn với ba mở nhà máy xay trà tại đây. Ngoài ra còn biết bao nhiêu công chuyện làm ăn to lớn khác mà em không biết được, khiến bác Tường cứ vắng mặt hoài. Bác Tường góa vợ và có 5 con, ba đứa lớn bác cho đi học ở Saigon, thỉnh thoảng bác về thăm, còn 2 đứa nhỏ đang học Tiểu học tại đây. Nhà có 2-3 người làm, nhưng 2 đứa nhỏ, thằng Chánh và con Tâm lúc nào quần áo cũng có vẻ luộm thuộm, theo em nghĩ, chắc tụi nó đang thiếu vắng bàn tay ân cần của người mẹ, tình thương nồng nàn của người mẹ. Thật không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử, mặn nồng bằng tình mẫu tử, mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp mật như đường mía lau. Nước mắt em bỗng ứa ra … Em đang nhớ tới chị Vân, chị Vân mất mẹ, chị Vân lạc cha, chị Vân đang bị dư luận ghét bỏ, nhưng em, em tự nguyện với lòng, giây phút nào em cũng quý mến chị Vân.
Em bước ra nhà sau rửa mặt. Chị Sáu giúp việc cho bác Tường đang châm lửa vào bếp ga:
- Cô chờ tôi nấu mì cho cô ăn điểm tâm nhé
Em cười:
- Phiền chị ghê
Chị Sáu bắc ấm nước lên:
- Có gì đâu mà phiền, lâu lâu cô mới xuống mà. À, cô uống sữa hay café? Để tôi pha
Em đến ngồi xuống ngưỡng cửa nhà bếp:
- Uống café sợ mất ngủ lắm, thôi chị cho Sơn sữa đi
- Cô lên nhà trên chờ tôi nhé
Ăn điểm tâm xong, em lại đi ra đi vào. Buồn không chịu được, em chợt có ý định đi thăm đồi trà của bác Tường. Em dặn chị Sáu:
- Ba me Sơn về chị nói dùm là Sơn qua bên kia thăm đồi trà nghe
- Cô về mau nhé, cũng gần trưa rồi đó
Em bước từng bước cẩn thận xuống con dốc phía bên hông nhà bác Tường. Lối mòn đất đỏ nhơm nhớp vì trận mưa đêm qua làm em 2 lần suýt ngã gượng lại được. Nắng lên cao soi vàng rực vùng đồi núi điệp trùng chung quanh em. Không khí ấm hẳn lại, em nghe tiếng chim hót trên cành reo vui trong lòng em. Lòng em thanh thoát, lòng em mở rộng 2 cánh cửa hồn nhiên để chào đón khung cảnh hùng vĩ trước mặt, cả một đồi trà ngát xanh trải rộng bao la đến chân trời. Em đi thảnh thơi theo con đường nhỏ len giữa những gốc trà san sát vào nhau, con đường dài tưởng chừng vô tận, con đường này nối tiếp đường kia như những mắc lưới đan bằng màu đất đỏ phì nhiêu đưa em đi xa dần mái nhà bác Tường, đưa em đi xa dần thực tại. Em chợt nhớ đến một chuyện thần tiên em đọc đã lâu, có cô bé lạc giữa rừng đào, gặp bà Tiên đưa về tòa lâu đài thủy tinh và ở đó với bà cho đến khi khôn lớn. Nhưng đây không phải là rừng đào, mà là những cây trà xanh tươi cao gần tới ngực em, những búp trà non còn đọng sương mai nhạ thoảng hương thơm dịu dàng. Bà Tiên rừng trà đâu không thấy, ước gì chị Vân là bà Tiên hiện đến giữa lúc này thì vui biết mấy, em sẽ nhờ chị vẽ hình em đứng giữa cảnh đồi núi bao la này, chắc là đẹp lắm. Em nghĩ đến chị Vân giờ này đang ngồi làm việc ở Bưu Điện, em nhớ đến Nguyệt Hồng đang ngồi vẽ bản đồ giờ địa lý sáng nay, chắc con bé mong mình lên lắm. Em nao nức trở về Đà Lạt kỳ lạ.
Có tiếng gọi em chập chùng xa:
- Sơn ơi … Sơn …
Em nhận ra tiếng ba, ba gọi em từ phía bên kia đồi, từ khung cửa sổ treo màn hồng trên lầu phòng bác Tường. Em nhìn thấy dáng ba nhỏ xíu đang đưa 2 tay lên miệng làm ống loa:
- Sơn ơi … Sơn …
Em quay trở về, ngôi nhà bác Tường màu trắng sáng ngời dưới ánh nắng cao nguyên chói chang. Mặt trời lên tới đỉnh đầu, lớp đất đỏ trên lối đi đã khô khan tung lên những đám bụi mỏng khi có làn gió nhẹ thoáng quạ Em chạy tung tăng lên bậc thềm, chiếc quần Jeans trắng bám đầy bụi đỏ, me kêu lên:
- Lên đồi làm chi cho bụi bậm rứa Sơn?
- Con đi thăm đồi trà
- Thôi vào rửa mặt rồi đi ăn cơm
Em đi lên lầu, gặp ba trên cầu thang:
- Ba kêu con chi rứa?
Ba xoa đầu em:
- Ba gọi con về ăn cơm đó. Con đói bụng chưa?
Thằng Chánh con bát Tường đi học về khoe em cái đèn ngôi sao:
- Chị Sơn, đèn của Chánh làm đây nè
Em vờ bĩu môi:
- Sức mấy
- Thiệt đó, chị không tin sao?
Em lắc đầu rồi em gật đầu, tội nghiệp thằng bé mới tí tuổi đầu đã sớm mất mẹ. Nhưng Chánh vẫn còn ba, bác Tường đó, bác sống kiếp gà trống nuôi con bảy tám năm trời nay, săn sóc và lo lắng cho các con từng li từng tí. Còn ba chị Vân đâu? Mối thắc mắc vẫn còn lẩn quẩn trong đầu óc em và hình như càng ngày càng không tìm thấy lời giải đáp, em mong về Đà Lạt, em nao nức mong chóng đến ngày chủ nhật để gặp lại chị Vân bên giòng suối. Tuần này chị hứa sẽ dẫn em về nhà chị chơi, có thể lần này em sẽ tìm được một vài lời giải đáp trong công cuộc “điều tra lý lịch” của chị Vân chăng? Em nôn quá, em bảo me:
- Me ơi, mai về Đà Lạt nghe me?
Me không đáp, me quay sang hỏi ba:
- Mai chúng ta về Đà Lạt được chưa mình?
Ba gật đầu cho hồn em nở hoa theo:
- Thật nghe ba, lần ni ba me phải ở bên con lâu mới được
Bác Tường nhìn em cười, me nhìn em chăm chú, rồi bảo bác Tường:
- Cháu Sơn còn dại lắm anh. Chúng tôi bận rộn công việc không ở gần cháu hoài được nên cháu cứ nghĩ là chúng tôi không thương cháu. Nhưng thật ra, cũng vì tương lai các cháu mà chúng tôi làm việc bất kể ngày đêm, chứ cha mẹ nào mà chẳng thương con, cha mẹ nào mà lại không muốn sống gần con.
Gương mặt me buồn buồn. Ba trầm ngâm nghe me nói, xoay tròn chén cơm trong taỵ Em cúi mặt xuống bàn, em thấy mình có lỗi với ba me thật nhiều, vì… đúng như lời mẹ vừa nói, em vẫn hằng nghĩ là ba me không thương em lắm, không muốn ở gần em bằng những chuyến đi làm ăn xa, nay Saigon, mai Nha Trang… Em ngờ ba me đã có những thú vui riêng thật người lớn mà trong đó không có em, không có bé Tuấn, để 2 chị em tháng ngày vò võ trong gian nhà rộng nhưng lạnh lẽo khôn cùng khi tình thương ấm nồng của ba me đã tan loãng theo những lần đi. Em nói nhỏ:
- Me, me giận con hả?
Me xích lại gần em hơn:
- Không, me chỉ nói cho con hiểu mà thôi. Rằng ba me rất mực thương con, thương bé Tuấn cũng như anh Hải, các con của ba me chính là lẽ sống, là niềm vui, là hơi thở của ba me
Ba lên tiếng:
- Xuân Sơn, con đã hiểu ba me chưa?
Em đáp lí nhí:
- Con xin lỗi ba me
Ba dịu dàng:
- Không, con không có lỗi chi hết, thôi ăn cơm đi con gái cưng của ba.
Em rất vui mừng khi nghe ba bảo, ba me sẽ ở nhà với em đến sáng Chủ nhật ba me mới đi Nha Trang. Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng dù vắng ba me vẫn không buồn lắm, vì em đã có chị Vân. Em sẽ sang nhà chị Vân, sẽ ăn bánh do chính bàn tay mềm dịu của chị làm, chắc là ngon lắm, em đoán thế, vì nhìn đôi tay khéo léo của chị lả lướt trên giá vẽ em nghĩ là chị không thể nào vụng về được trên bất cứ phương diện gì.
Em trở lại trường, Nguyệt Hồng đón em ở cổng:
- Đi Bảo Lộc có chi vui không mi?
Em nhún vai:
- Buồn lắm mi ơi, chán rùng rợn. Có công chuyện tao mới đi, chớ ai muốn đến chỗ khỉ ho cò gáy đó làm chi
Nguyệt Hồng mách:
- Bài toán Hình tuần trước trả rồi mi ơi, tao giữ dùm mi đây ni
Em hấp tấp:
- Mô đưa đây tao, mấy điểm mi?
Nguyệt Hồng mở cặp rút tờ bài làm đưa cho em:
- 18 điểm, nhất đó mị Thầy Tân khen mi đó, hy vọng kỳ thi cá nguyệt ni, mi được làm sơ mi cho thầy
Rồi nó cười khúc khích:
- Làm sơ mi cho thầy Tân diễm phúc lắm mi ơi
Em ngạc nhiên:
- Răng lại diễm phúc?
Nguyệt Hồng nói trong tiếng cười:
- Thầy Tân vừa lùn vừa ốm, đỡ tốn vải. Bất hạnh cho đứa mô nhất Vạn Vật kỳ ni, cô Hải mới sinh xong ngó nặng cân quá.
Em đập vào lưng nó:
- Con quỷ nờ, chuyên môn phê bình giáo sư
Nguyệt Hồng lý sự:
- Làm giáo sư thì phải để cho học trò phê bình, rứa mới đúng lương tâm nghề nghiệp chớ
Em lôi tay Nguyệt Hồng:
- Thôi vô học, con ni nhiều chuyện gớm.
Chương 6
Đồi thông xanh, cỏ nhung êm, tia nắng vàng nhảy múa lung linh, tia nắng vàng soi sáng hồn em. Em ngã vào vòng tay chị Vân, những ngón thon mềm vuốt nhẹ má em:
- Sơn của chị thật đúng hẹn
Sáng hôm nay chị Vân mặc áo dài xanh như màu trời biêng biếc trên cao, như niềm hy vọng nhú lên từ những đồi thông tươi mát. Em hỏi chị:
- Chị không đem giá vẽ theo à?
Chị Vân nắm tay em:
- Chị đến đón em về nhà chị chơi mà
Em sửa lại mái tóc cho chị:
- Thích quá, rứa thì mình đi đi
Chị Vân ngồi xuống thảm cỏ:
- Mình ngồi đây chơi một tí đã Sơn
- Da.
- Trưa nay ở lại ăn cơm cùng chị nhé
- Da.
- Em đã xin phép ba me chưa?
- Ba me em đi Nha Trang. Em có dặn với bà vú ở nhà rồi chi.
- Trời hôm nay đẹp quá Sơn nhi?
- Chị Vân ơi, chị hát cho em nghe đi
- Chị hát dở lắm
- Mặc kệ, em thích nghe chị hát, chị chiều em nghe chị Vân
- Ừ, chị sẽ chiều em
- Hát đi chi.
- Em thích bài gì?
- Bài chi cũng được, chị hát đi
- Chị hát bài “Cỏ Hồng” nhé … “Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép bước đi ôm cỏ mềm ….”
Tiếng hát chị Vân vút cao cho thời gian ngừng lắng. Em theo chị Vân về nhà khi mặt trời sắp lên tới đỉnh đầu. Ngôi nhà chị Vân nhỏ bé, nằm chơ vơ trên sườn đồi. Những cánh cửa sơn màu hồng và chiếc hàng rào gỗ bao quanh đồng màu làm nổi bật giàn Tigôn trắng yểu điệu giăng ngang. Em tìm thấy trong vuông vườn nhỏ trước nhà chị Vân lại hoa em say mê, đó là loại hoa có 8 cánh mỏng môi nàng trinh nữ, đính trên cành dài lá thưa trông có vẻ nửa lả lơi nửa dịu dàng dễ thương. Em chơi vơi bên giàn hoa, chị Vân đặt tay lên vai em:
- Em thích hoa này?
- Dạ. Hoa chi rứa chị?
- Hoa Cosmos đó em, người ta còn gọi là hoa Tố Nữ hoặc hoa chuồn chuồn
- Hoa đẹp quá chị Ơi, em thích hoa ni dễ sợ, ở Huế em, làm chi có
Chị Vân dẫn em đến cửa, những tấm màn màu hồng, em cười:
- Đến nhà chị, em đoán ra 1 điều là chị rất thích màu hồng. Cửa hồng, màn hồng, hàng rào hồng và … cả khóm hoa Cosmos cũng hồng luôn
Chị Vân chu môi nhìn em:
- Em quên một điều là giàn hoa Tigôn ngoài kia màu trắng …
Em nhanh nhẩu:
- Đó là hoa tím mà, Tigôn hồng tượng trưng cho tim vỡ nên chị trồng hoa trắng là đúng rồi
Chị Vân xô nhẹ cánh cửa:
- Sơn của chị nguy biện hay lắm
Người đàn bà đón chúng em bên bàn ăn là ba Yvonne Ngọc. Chị Vân cười với bà:
- Má, Sơn đây mà, Sơn mà con thường nhắc đến với má đó
Bà Yvonne Ngọc cười hiền hậu:
- Sơn đó à, cô bé xinh quá nhi?
Em vòng tay lễ phép:
- Dạ chào bác
- Ừ, ngồi đây con, đói bụng chưa Vân? Đói bụng chưa Sơn, thức ăn má hâm sẵn rồi, giờ chỉ việc múc ra
Chị Vân lăng xăng:
- Sơn ngồi xuống đó đi em, chị sẽ dành cho em 1 ngạc nhiên bất ngờ
Em nhìn theo dáng chị Vân khuất ra nhà sau, vui vui. Bà Yvonne Ngọc kéo ghế ngồi xuống cạnh em:
- Cháu năm nay học ở đâu? Lớp mấy?
- Dạ cháu học đệ Ngũ ở Bùi Thị Xuân
Em vừa đáp vừa quan sát má nuôi của chị Vân. Đó là một người đàn bà đẹp, dù thời gian qua có làm tàn phai xuân sắc nhưng những nét thanh tú chưa mất hẳn trên gương mặt trái soan, đôi mắt sâu thẳm với hàng mi cong và chiếc mũi thật thẳng. Bà Yvonne Ngọc có một chiếc mũi rất đẹp, em thầm nghĩ, chắc các cô gái đến thẫm mỹ viện sửa mũi thì cũng chỉ đẹp đến thế là cùng. Người đàn bà đó đang bị mọi người ghét bỏ, người đàn bà đó đã có một thời nếp sống buông thả, nhưng trong dĩ vãng cơ, mà dĩ vãng dù vui hay buồn, tốt hay xấu thì cùng đã lùi dần vào kỷ niệm. Bây giờ trước mắt em, bà Yvonne Ngọc là một người mẹ tốt, đảm đang. Nghe chị Vân nói hiện nay, bà có một cửa hàng bán quần áo ở khu Hòa Bình, bà đã già từ cuộc đời vũ nữ kể từ ngày chị Vân có trí khôn.
Thế mà dư luận Đà Lạt vẫn không buông tha, vẫn lẽo đẽo như một bóng ma gieo tai họa, làm khổ mẹ con chị vân suốt mười mấy năm trời nay.
Chị Vân đem ra một ổ bánh lớn, em tròn mắt:
- Trời ơi, chị làm bánh chi mà to dữ rứa, làm răng em ăn hết đấy
- Bánh sinh nhật mà
- Sinh nhật của chị hả?
- Không, của em gái chi.
Em ngạc nhiên:
- Em gái chị? Em gái chi mô?
- Đây nè
Chị Vân đặt ổ bánh xuống bàn, em reo lên:
- Ồ!
Trên mặt ổ bánh, hàng chữ kem màu xanh nổi bật: “Sinh nhật Xuân Sơn, 7-12”. Em cắn môi, em bối rối, nhìn lên tấm lịch treo trên tường, số 7 màu đỏ của ngày chủ nhật ghi đậm nét son vào tim em. Em xúc động quá, em òa lên khóc
Chị Vân nhìn vào mắt em:
- Kìa Sơn, sao vậy?
Em ôm chầm lấy chị Vân:
- Chị thương em quá chị Vân ơi, em không biết nói răng đây để tỏ hết lòng biết ơn của em đối với chị.
Chị Vân giả vờ xịu mặt xuống:
- Chị em mà Sơn còn nói đến chuyện ân nghĩa nữa sao, chị giận cho coi
Em hoảng hốt, em víu lấy tay chị:
- Đừng giận em chị Vân. Em xin lỗi chị từ rày trở đi em không nói bậy rứa nữa mộ Em sung sướng quá chị Vân, chị đã đem lại cho em một niềm vui thật bất ngờ.
Bà Yvonne Ngọc đứng lên:
- Để má ra dọn thức ăn
Em tựa đầu vào vai chị Vân, hỏi nhỏ:
- Răng mà chị biết được ngày sinh của em rứa?
Chị Vân để ngón tay trỏ lên môi:
- Bí mật quân sự mà. Đố Sơn đấy
Em nhíu mày suy nghĩ. A, em nhớr rồi, chị Vân đã thấy được ng`y sinh của em trên tấm thẻ học sinh em đưa cho chị lãnh tiền ở Bưu Điện hôm sáng thứ 2 vừa quạ Em bảo:
- Nếu em nói đúng chị thưởng chi?
- 1 cái hôn nhé?
- Ít lắm
- 2 cái hôn nhé
Em lắc đầu:
- Chị hứa là chị phải thương em hoài hoài em mới chịu
Chị Vân hôn nhẹ lên trán em:
- Cái đó thì đã hẳn rồi, em khỏi phải nhắc
Em sung sướng:
- Rứa thì để em nói cho chị nghe, xem có đúng không hí. Chị nhìn thấy ngày sinh của em trên tấm thẻ học sinh phải không?
Chị Vân lại hôn em:
- Thông minh nhất Sơn rồi
Bà Yvonne Ngọc bưng ra 1 tô lớn bằng sứ nghi ngút khói, bà tươi cười bảo em:
- Sơn ăn xúp măng cua trước nhé, bổ lắm đó cháu. Vân, lấy vào chén cho em đi nào
Em như bềnh bồng trên một giòng sông xanh, giòng sông hạnh phúc chan hoà tràn lan. Em lạc vào tòa lâu đài của bà tiên rừng đào thật rồi, có chim ca, có suối mát và có hai gương mặt thiên thần dịu dàng đang săn sóc lo lắng cho em. Em thương chị Vân, em thương bà Yvonne Ngọc, mặc cho dư luận chỉ trích, mặc cho Nguyệt Hồng không thích chị Vân, em nhất định làm em của chị Vân dù mọi người trong thành phố này có ghét lây đến em đi nữa, em cũng đành.
Em ăn hết chén xúp, luôn miệng khen ngon. Bà Yvonne Ngọc âu yếm:
- Cháu thích món này không? Khi nào muốn ăn cứ nói với bác, bác nấu cho ăn nhé.
Chị Vân cứ giục em:
- Sơn ăn gì chậm vậy, nhanh lên chứ để còn đến món khác. Sắp đến giờ cắt bánh rồi đó
Em ngây thơ:
- Cắt bánh cũng coi giờ sao chị?
Chị Vân cười:
- Chứ sao, phải đúng giờ hoàng đạo mới tốt, Sơn của chị mới gặp mọi điều may chứ
Bà Yvonne Ngọc mắng yêu con gái:
- Lớn rồi mà còn đánh lừa con nít
Rồi bà nói với em:
- Đừng tin chị Vân, cháu Sơn, chị ấy nói đùa cho vui đấy. Cứ thủng thỉnh mà ăn, giờ nào cắt bánh lại chả được
Em véo mạnh vao tay chị Vân, chị la:
- Ui cha, bàn tay cô bé này nhỏ tí xíu mà véo đau dữ
Chị Vân mở hộc bàn lấy ra một cây đèn sáp lớn và 5 cây nhỏ. Chị bảo em:
- Cây lớn trượng trưng cho 10 năm, còn mỗi cây nhỏ là một năm. Chứ còn cắm một lúc 15 cây trông không đẹp.
Em tò mò:
- Vậy sinh nhật năm ni của chị, chị cắm mấy cây hở chị Vân?
Chị Vân bật hộp quẹt:
- Chị ấy à? Chị phải cắm hai cây lớn.
- Chị đúng 20 tuổi?
- Ừ, chị ra đời đúng 20 năm 4 tháng, sinh nhật chị vào hồi tháng 8 lận.
Bà Yvonne và chị Vân đứng ở hai đầu bàn, chị Vân bảo:
- Thổi nến đi Sơn
Em đứng dậy, em lại xúc cảm, khóe mắt em rưng rưng. Ánh lửa trên 6 cây nến lung linh, em chu môi thổi từng cây. Tiếng vỗ tay dòn tan của chị Vân và má chị quyện lẫn vào nhau rào rạt, sao em nghe gần gũi quá, sao em nghe ấm cúng quá đi thôi. Em nhắm hờ đôi mắt, tưởng chừng mình đang sống trong mơ, giấc mơ đẹp tuyệt vời. Chị Vân âu yếm cài lên khuy áo em 1 đóa hoa Cosmos, lời chị rung rung:
- Chị ước ao những chuỗi ngày hồn nhiên của Sơn sẽ tươi mãi như đóa hoa này
Em cầm bàn tay nuột nà của chị Vân:
- Em cám ơn chị, cháu cám ơn bác. Cháu … cháu có thể nói, ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời cháu
Bà Yvonne Ngọc đưa con dao bạc cho em:
- Cháu sẽ được hạnh phúc mãi như vậy. Cắt bánh đi cháu
Chị Vân lấy khăn thấm nước mắt cho em:
- Nín đi Sơn, ăn bánh đi. Bánh của chị làm đó, ăn xem có ngon không?
Em đưa tay chùi mắt:
- Chị tài quá, chị giỏi quá. Khi mô chị dạy em làm bánh với nghe
- Ừ, chị sẽ dạy em nếu em muốn.
Lòng ham muốn tập làm bánh lại dậy lên trong lòng em:
- Chị biết làm bánh “su-crème” không chị?
- Biết chứ, em thích à?
- Dạ, em thích mà em không biết làm nơi, chị dạy em nghe?
- Ừ
Em phụ giúp chị Vân dọn dẹp chén bát ra nhà sau
- Để em rửa chén cho
- Thôi em để đấy, vào đây chị cho em cái này
Em theo chị Vân đi vào phòng ngủ. Chiếc giường trải drap màu hồng và chiếc đèn đêm hồng đặt trên table de nuit. Em lại trêu:
- Chị Vân răng mà ưa màu hồng rứa không biết, đáng lẽ chị phải tên là Hồng Vân mới đúng.
Chị Vân cười, đôi má lúm đồng tiền như hai nụ hoa:
- Nằm ngủ với chị một lát rồi về
Em từ chối:
- Thôi chị cho em về sớm, cũng gần 3 giờ chiều rồi. Sợ bà vú ở nhà em lắm.
- Bà đó là gì mà em sợ dữ vậy?
Em phân trần:
- Không phải em sợ, nhưng ba me em đã giao nhà và chúng em cho vú, em phải nghe lời vú chớ
- Sơn ngoan lắm
Khi em từ giã ra về, chị Vân trao cho em 1 tấm giấy cuộn tròn được bao kín bằng 1 lớp giấy hoa thắt nơ đỏ. Em nhìn chị:
- Chi rứa chị?
- Qùa sinh nhật cho em đấy
Em đỡ lấy:
- Cho cho em chi mà nhiều quá rứa?
- Không có chi đâu em, đừng sợ chị tốn tiền, về nhà em sẽ biết
- Em cám ơn chi.
Em sang chào bà Yvonne Ngọc rồi theo chị Vân ra cổng:
- Thôi để em về 1 mình cũng được, chị khỏi mất công đưa
Chị Vân ôm vai em:
- Để chị đưa em ra đến giòng suối
Ánh nắng đã khuất sau những đám mây đen. Gió chiều lạnh lùng khua mấy hàng thông chạm nhau lao xao
- Em lạnh không Sơn?
- Dạ không chị. Ước chi em cứ được đi bên cạnh chị mãi, chắc là em sẽ không bao giờ biết lạnh.
- Sơn, em thương chị đến như vậy sao?
- Dạ, em cũng không biết tại răng em lại thương chị nữa
- Chị cũng vậy, chị thương em. Vì em ngoan? Vì em hiền? Chị không rõ. Tình thương là một cái gì thiêng liêng không giải thích được
Trước mắt em giòng suối cũ đã chắn ngang đường. Em buông tay chị Vân:
- Thôi em về nghe chị Vân. Tuần sau em lại đến nhà chị. Bữa ni em đến 1 mình được rồi, khỏi phải dắt
Chị Vân buộc lại tấm khăn quàng:
- Chị sẽ ra đón em tại đây. Phải dắt em đi chứ, cho dù em đã biết nhà
Em cúi xuống xắn ống quần để lội qua giòng suối:
- Dạ, có chị đón chắc trời sẽ bớt lạnh hơn
- Sơn ơi, em định bao giờ tập làm bánh su crème? Tuần tới nhé, nói đi để chị chuẩn bị vật liệu
Em ngập ngừng:
- Khi mô chị rảnh đã
- Sáng chủ nhật nào chị cũng dành trọn cho em cả mà
- Chị không vẽ à?
- Chị định nghỉ vài tuần đó em
Em đã qua đến phía bên này giòng suối, em nhắn chị Vân:
- Rứa thì tuần tới chị tập cho em làm bánh su crème nghe
- Ừ
- Thôi em về. Chị về đi.
- Sơn về trước đi, chị đứng chờ cho dáng Sơn khuất sau sườn đồi bên kia
Em về tới nhà ngồi ngay trên ghế fauteuil trong phòng khác từ tốn mở gói quà chị Vân trao hồi nãy. Qua lớp giấy hoa, một bức tranh được cuộn tròn cẩn thận, em run run tháo sợi giây hồng buộc quanh. Em choáng váng, bức tranh được chị Vân hoàn thành bên giòng suối mờ sương đang trải rộng trước mắt em, bức tranh đúc kết bằng tất cả rung động chân thành của chị Vân khi nhìn đám mây chập chùng giăng ngang đỉnh núi mỗi buổi sáng chủ nhật chị thả hồn cho mơ mộng bay xạ Bức tranh linh động tuyệt đẹp này, đáng lẽ chị Vân phải cất giữ bên mình như một báu vật, như một kỷ niệm êm đềm không mờ xóa. Sao chị lại cho em một kỷ vật quý giá như vậy, phải chăng chị đã thương em hơn cả bản thân chị, phải không chị Vân? Em xin hứa với chị, em sẽ làm đứa em gái ngoan của chị suốt đời.
Bức tranh mang tên “Mây Trên Đỉnh Núi” của chị Vân được em lồng kính treo trong phòng học. Bức tranh xinh đẹp đó đã gây cho em bao niềm phấn khởi mỗi khi nhìn vào. Có một lần em chứng minh bài toán không ra, em nhìn bức tranh lẩm bẩm: “Mi dốt lắm Sơn ơi, mi ngu lắm Sơn ơi, bài toán rứa mà làm không ra. Gắng suy nghĩ một tí đi, đừng nản lòng, đừng thối chí, mi không xứng đáng là em của chị Vân chút nào”. Thế là đầu óc của em trở nên sáng suốt, em xé bỏ tờ nháp rồi vẽ hình lại, suy nghĩ cẩn thận, và cuối cùng em đã chứng minh xong.
Ba me đi Nha Trang về, thấy bức tranh trong phòng, ba hỏi:
- Bức tranh con lấy ở mô rứa?
Em khoe:
- Của chị Vân cho con đó ba
Ba nhíu mày:
- Chị Vân mô?
Em kể cho ba nghe:
- Chị Vân con mới quen đó bạ Chị Ở trong một ngôi nhà hồng bên thung lũng kia
Ba lại hỏi:
- Con quen chị ấy trong trường hợp nào?
- Dạ cách đây mấy tuần, con đang dạo chơi trên đồi thông sau nhà thì gặp chị Vân đang vẽ bên giòng suối
Em chỉ bức tranh:
- Khi con mới gặp chị Vân thì chị đang vẽ bức tranh ni đó bạ Thiệt chị Vân vẽ đúng y phong cảnh ở đó, khi mô rảnh ba ra ngắm cho xem
Me xen vào:
- Ôi hơi đâu mà đi ngắm cảnh tào lao rứa, ba con công việc bù đầu bù cổ, rảnh được giờ phút mô thì nằm nghỉ cho khỏe chứ thì giờ mô mà dạo chơi đây đó
Ba cười:
- Mình nói rứa chớ làm việc thì làm việc, mà ngắm cảnh thì cũng là 1 sự nghỉ ngơi cho trí óc chứ
Rồi ba quay sang em:
- Ờ, con nói đúng đó. Để khi mô rảnh, ba sẽ cùng con lên đồi thông
- Thiệt hả ba?
- Thiệt chớ
Nhưng ba nói thì nói chứ ba me chả bao giờ được rảnh. Ba me về nhà vài ba bữa rồi lại đi ngay, lần này ba me về Saigon, và trước khi đi me bảo:
- Lần ni ba me đi có hơi lâu. Vú Thoan thì lẩm cẩm quá, ba me có nhờ Dì Nghĩa sang trông chừng nhà dùm và săn sóc 2 con luôn.
Em cúi đầu vâng dạ chứ trong lòng em, em chả thích dì Nghĩa chút nào. Dì Nghĩa là em họ xa của mẹ, dì góa chồng và ở Đà Lạt từ 7-8 năm nay rồi. Dì không con, ở chung với gia đình người em ruột là cậu Xuyến, và theo như lời cậu Xuyến nói thì dì Nghĩa là 1 người đàn bà khó khăn, tối ngày cứ kiếm chuyện gây gổ với mợ Xuyến hoài. Cậu thường nói với me:
- Chị nghĩ coi, ba me em mất rồi, gia đình chỉ còn 2 chị em, không lẽ em đành bỏ chị ấy sao.
Me an ủi cậu, me bảo thôi gắng mà lo cho chị, có chồng cũng như không, cô đơn tội nghiệp.
Buổi sáng ra đi, mẹ dặn em và bé Tuấn:
- Ở nhà ráng vâng lời dì Nghĩa nghe các con. Đừng làm cho dì ấy buồn, tội nghiệp dì ạ Ba me về sẽ mua quà cho các con.
Bé Tuấn nhảy nhót thích thú khi nghe me nhắc đến quà, nó líu lo:
- Me, me nhớ nhắc ba mua cho con chiếc xe tăng bắn ra lửa nghe me
Em buồn tủi cúi nhìn những ngón chân mình di động trên đóa hoa. Me hôn lên trán em, ba hôn lên trán em, rồi chiếc xe màu xanh lại khởi đầu cuộc hành trình, xa dần lớp sương mờ vùng núi đồi Đà Lạt thâm u.
Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau, dì Nghĩa xách gói quần áo đi vào cổng cất giọng oang oang:
- Anh chị Thọ mô rồi? Anh chị Thọ mô rồi?
Em vén tấm màn cửa nhìn ra:
- Ba me cháu đi Saigon rồi
Dì Nghĩa quăng cái nón xuống nền nhà, đến ngồi chễm chệ lên salon:
- Ủa, răng mà đi sớm rứa không biết?
Em nhìn dì:
- Dì tới ở đây với tụi cháu hả?
Dì Nghĩa cố nhướng to đôi mắt ti hí:
- Con ni ăn nói lạ lùng, bộ ba me mi không nói chi cho mi biết hết cả à
Em làm mặt tỉnh queo:
- Dạ không
Dì Nghĩa đập tay đánh đét vào đùi:
- Trời ơi, là cái anh chị Thọ ni thiệt hết nước nói, chỉ có chừng đó chuyện thôi mà cũng quên nói với con.
Rồi dì ngoắc em:
- Tới đây dì nói cho nghe, cả thằng nhỏ sau nữa, thằng chi hè… à, thằng Tuấn. Còn cháu nữa, tên là Sơn phải không? Con gái mà tên giống đúc con trai. Lại đây lại đây, dì nói cho nghe
Bé Tuấn đang ngồi gặm bánh mì trong góc nhà, nhăn mặt nhìn em. Em cũng chán nản cùng cực, thiệt dì Nghĩa là người đàn bà nói nhiều quá. Chắc là em phải điên lên mất khi từ đây cho đến ngày ba me trở về, em và bé Tuấn phải sống bên cạnh 2 người đàn bà kỳ dị, vú Thoan suốt ngày lầm lì như cái bóng, còn dì Nghĩa thì không bao giờ cho phép cái miệng mình nghỉ ngơi.
Dì Nghĩa lại lên giọng:
- Ừ, con Sơn hỏi đúng đó. Dì qua đây ở với 2 cháu thể theo lời yêu cầu của ba me cháu, vì kỳ này, ba me đi công việc có hơi lâu. Hai cháu cứ vững tâm, dì sẽ săn sóc và lo lắng cho 2 cháu đàng hoàng tử tế
Nhưng rồi em thấy, săn sóc đó là những lời chót lưỡi đầu môi, lo lắng đó là sự dòm ngó kiểm soát gắt gao giờ giấc đi về của em. Em có tỏ vẻ phản đối thì dì Nghĩa lại la lên:
- Ba me dặn dì phải coi chừng cháu, cháu nghe rõ chưa?
Em tức quá, cãi lại:
- Coi chừng không có nghĩa là dì phải giữ cháu kỹ càng rứa. Cháu mô có phải là tù nhân.
Vậy là dì Nghĩa kể 1 loạt:
- Tù à, ai coi mi là tù đó. Tù mà đi chơi cả ngày, chủ nhật, thứ 7 tới bữa cơm mới thấy cái mặt.
Em cứng rắn:
- Cháu vẫn thường đi chơi như rứa. Suốt 1 tuần lễ cặm cụi học hành, thì phải cho cháu những giây phút giải trí chớ
Dì Nghĩa đuối lý, nhưng dì vẫn không im lời:
- Con gái mà đi chơi hoài là con gái hư
Em nổi nóng:
- Hư hay không mặc kệ tui. Dì đừng có ăn hiếp, tui không sợ dì mô
Thế là dì hăm, dì dọa:
- Để anh chị Thọ về đây, tao mét hết, tao mét mi cứ bỏ nhà đi chơi hoài, đi cho no rồi về hỗn với tao.
Hai tuần rồi vẫn chưa thấy ba me trở về. Em và dì Nghĩa cứ cắng đắng nhau hoài. Càng ngày dì Nghĩa càng lộ ra bộ mặt gian xảo, em để ý hình như dì muốn lấy bất cứ cái gì có thể lấy được trong nhà này. Bé Tuấn thưòng bảo em:
- Chị Sơn ơi, em thấy dì Nghĩa sớt nửa chai Vani me làm bánh vào trong chai riêng của dì a
- Chị Sơn ơi, em thấy dì Nghĩa lấy hết mấy gói bột giặt bỏ vào xách của dì đó
Em định nói với dì nhưng rồi lại thôi, những sự ăn cắp lặt vặt đó nói ra nhỏ mọn, em định mai mốt me về sẽ nói cho me nghe. Vậy thôi. Chứ xá gì 1 ít vani, vài gói bột giặt mà làm sứt mẻ tình chị em giữa me và dì Nghĩa đi. Nhưng 1 hôm em đi học về, vú Thoan đến mách em:
- Sơn, cô Hoa đi Mỹ về có ghé cho me con mấy cái chai chi a, mà vú thấy dì Nghĩa lấy bớt 1 chai đó, chai đẹp lắm
Em chạy vào nhà, thấy 2 chai kem nuôi da “Lait de lanoline” để trên bàn ăn và 1 tấm giấy chỉ dẫn bên dưới. Dì Nghĩa từ phòng bên đi ra:
- Có ai gửi đồ chi cho me cháu đó
Em không trả lời, em giở tờ giấy ra đọc:
“Chị Thọ mến,
Em vừa về tới Đà Lạt chiều quạ Sáng nay ghé thăm chị nhưng không gặp. Em xin gửi chị 3 chai kem này, gọi là chút quà mọn biếu chị. Mong chị vui lòng nhận. Thế nào em cũng ghé sang thăm chị khi chị đi Saigon về.
Thân chào chị,
Huỳnh Hoa”
Cô Hoa là em bác Lộc, bạn rất thân của mẹ. Cô là công chức cao cấp của Nha Địa Dư Đà Lạt. Cô vừa đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ cách đây 8 tháng. Hồi còn ở Huế, mẹ có nhận được thư cô cho biết chuyến đi vừa rồi và thời gian ở Hoa Kỳ, cô cũng thường viết thư cho mẹ nữa.
Cô hay ra Huế trong những công tác và ở lại nhà em, nên chúng em đều xem cô như người trong gia đình. Em đọc lại lá thư một lần nữa rồi hỏi dì Nghĩa:
- Trong giấy, cô Hoa nói có ghi rõ là 3 chai, răng chừ chỉ còn có 2 chai thôi hở dì?
Dì Nghĩa tránh cặp mắt em:
- Ai biết mô
Em giận quá, chuyện này không thể bỏ qua được, nếu làm lơ cho dì chuyến này thì từ đây cho đến ngày ba me về sẽ mất thêm nhiều vật quý giá nữa. Dì Nghĩa xem thường em quá, dù em còn nhỏ nhưng em vẫn nhận thức được những phải trái chứ, bằng chứng đã sờ sờ ra vậy mà dì còn hòng lấy vải thưa che mắt thánh, em không thể để yên cho dì Nghĩa lộng quyền như vậy được. Em bảo:
- Dì không biết răng được, dì phải biết chứ. Chẳng lẽ chai kem mọc cánh mà bay được à
Dì Nghĩa lúng túng:
- Mi đừng có nói điêu. Mi nghi tao lấy chai kem của me mi hả? Xí, ai thèm
Em nhún vai:
- Không nghi chi hết ạ Mà chắc chắn gì lấy nó, có người thấy
Dì Nghĩa chồm mình lên như bị điện giật:
- Ai thấy? Ai thấy?
- Vú Thoan
Tiếng dì Nghĩa rít lên như bà chằn:
- Mi kêu vú Thoan ra đây
Rồi không chờ em gọi, dì Nghĩa nhảy 3 bước tới bực cửa bếp lôi tay vú Thoan lên nhà trên:
- Vú lên đây mà trả lời, vú thấy tôi lấy chai kem hồi mô? Chỗ mô? Giờ mô?
Vú Thoan ngơ ngác:
- Dì, thả tay tui ra, dì làm chi mà dữ rứa?
Em đến bên vú Thoan, để tay lên vai vú, trấn an:
- Vú đừng sợ, vú cứ nói sự thật đi, vú thấy dì Nghĩa lấy chai kem phải không?
Vú Thoan lắp bắp:
- Ừ, tao thấy dì lấy cái chai chi trắng trắng đẹp lắm
Rồi nhìn lên bàn ăn, vú reo:
- Ừ, đúng rồi, dì lấy cái chai giống như ri
Thế là dì Nghĩa khóc bù lu bù loa:
- Trời ơi ngó xuống mà coi, 2 vú con bây toa rập nhau đổ hô cho tao là ăn cắp, bộ cái mặt tao như ri mà đi ăn cắp hả?
Vú Thoan bỏ đi ra sân, em vào buồng nằm ngao ngán. Em mong sao chóng đến ngày ba me về để dì Nghĩa khăn gói ra khỏi cái nhà này cho xong, thà ba me để em và bé Tuấn ở một mình với vú Thoan còn dễ thở hơn. Vú Thoan tuy hơi khật khùng nhưng là người đôn hậu thật thà, chứ không gian manh như dì Nghĩa, vừa ăn cướp vừa la làng, thật em cũng phải sợ dì luôn.
Em vẫn sang thăm chị Vân đều đều mỗi buổi sáng chủ nhật. Sau tác phẩm “Mây Trên Đỉnh Núi” chị không ra thung lũng để vẽ nữa, chị Ở nhà may vá thêu thùa và tập cho em làm bánh, chị thường bảo em:
- Từ ngày nhận Sơn làm em gái, chị thấy vui thật vui vậy đó. Chứ dạo trước, chủ nhật nào chị cũng một mình thui thủi, chả biết nói chuyện với ai
Sáng nay, chị Vân lấy kim chỉ ra tập cho em thêu hình nổi. em lật cuốn mẫu thêo ra chọn hình. Em lựa hình 2 con chim đang bay:
- Em thích thêu hình này, chị Vân
Chị Vân cười, vuốt tóc em:
- Hai chị em mình đó, Sơn ơi
Đang thêu nửa chừng thì chuông đồng hồ gõ 12 tiếng, em đứng lên từ giã:
- Em về
- Ở lại ăn cơm đi Sơn
- Thôi tuần trước ăn cơm ở nhà chị rồi, bữa nay phải về kẻo ở nhà trông
- Em đem vải về thêu tiếp nhé
- Da.
Em cuốn tất cả vải vóc cùng kim chỉ vài cái hộp tròn. Chị Vân đưa em ra ngõ. Em trở về nhà trong không gian mát lạnh, mặt trời khuất sau đám mây và gió lùa nhẹ tà áo bay bay, em hát khẽ: “Ôi, Đà Lạt thơ, bài thơ mến yêu gieo muôn đời, dệt bằng tiếng gió ngàn gieo qua đồi thông hay bên bờ suối. Ôi Đà Lạt là mơ, giấc mơ tiên nữ xuống trần, tóc mây buông lơ tha thước bên hồ, đợi tình quân đến …”
Em đã ra đến giòng suối trong veo lặng lờ trôi xuôi qua bờ cỏ, em mường tượng đến chị Vân đang xõa tóc bên hồ như nàng tiên trong bài hát “Bài thơ hoa đào” ấy, và em đăm chiêu, mơ mộng … Em không để ý đến bước chân ai ren rén đến sau lưng mình, em cứ ngỡ là tiếng lá rơi. Nhưng không phải, một tiếng thở mạnh làm em giật mình quay lại:
- Dì Nghĩa
Dì Nghĩa nhe hàm răng khập khễnh:
- Tưởng mi tới nhà con Nguyệt Hồng, chừ tao mới biết, thiệt là không uổng công theo mi từ sáng đến giờ
Em nhíu mày:
- Đi theo dõi rình mò như rứa là một hành động xấu
Dì Nghĩa vênh mặt:
- Xấu cũng được. Mi đừng tưởng mi qua mặt được tao, mi còn nhỏ mà ranh lắm, mi đừng tưởng là tao bỏ qua chuyện chai kem vừa rồi, tao nhất định phải trả thù mi.
Em bĩu môi:
- Dì hèn lắm
- Hèn cũng được. Nì, tao bắt được tay day được cánh rồi đó nghe
Em xẵng giọng:
- Dì bắt được cái chi?
Dì Nghĩa lại cười đắc thắng:
- Bắt được mi tới nhà mụ Yvonne Ngọc. Nì, mi liệu hồn đó, tao méc ba me mi liền.
Em chột dạ:
- Mét cái chi?
- Mét mi giao du thân mật với con gái mụ Yvonne Ngọc, mụ nớ ngày xưa làm nghề chi mi có biết không?
Em nghe tức tức:
- Tôi không biết chi hết ạ Bà má chị Vân hiện nay đang trông coi một cửa hàng và chị Vân là người con gái tốt.
Dì Nghĩa bĩu môi:
- Tốt, tốt. Tao hỏi mi, tốt mà răng cả thành phố ni không ai thèm chơi với má con mụ Yvonne?
Em không nói chuyện với dì Nghĩa nữa, em bỏ đi. Dì Nghĩa chạy theo:
- Nì, con ni khinh người quá ta, tao hỏi răng mi không trả lời?
Em khoác tay:
- Chẳng có chi để trả lời hết. Ai không chơi với chị Vân mặc kệ, một mình tôi chơi cũng đủ rồi
- Tao cấm mi
- Dì không có quyền
- Tao là dì của mi mà
- Dì không xứng đáng là dì của tôi. Dì chi mà hay thù vặt, hay ….
- Thôi mi im đi, thiệt mi hỗn hơn gấu, để ba me mi về đây tao sẽ nói chuyện
Em liều:
- Đố dì nói đó
- Khỏi cần đố con ơi
Ngày ba me về dì Nghĩa mách thật. Trong bữa cơm tối, cái miệng dì nói tía lia:
- Anh chị coi đó, con Sơn mà dám tới nhà má con mụ Yvonne Ngọc.
Hình như ba me đã nghe dì Nghĩa kể lể tự sự hồi chiều, cùng những đường thêu dệt dĩ vãng của bà Yvonne, mà theo em đoán, với lời lẽ phóng đại của dì Nghĩa, chắc ngày xưa bà Yvonne phải là một nhân vật xấu xa ghê gớm lắm. Cho nên ba cứ nhìn em lắc đầu:
- Qúa lắm rồi Sơn ơi
Em nuốt cơm không nổi:
- Thưa ba me, chị Vân là người tốt
Dì Nghĩa lại xen vào:
- Mẹ nào con nấy, cái thứ con hoang nớ mà
Em nóng mặt:
- Dì không được nói chị Vân rứa
Ba đập bàn:
- Sơn con không được hỗn
Dì Nghĩa được thể, lên nước:
- Đó anh chị thấy chưa, ở nhà nó trả lời với tôi hàng một hàng 2 rứa đó
Em chảy nước mắt. Lặng yên không nói một lời nào. Em thù dì Nghĩa, em ghét dì Nghĩa kinh khủng, dì đã tiểu nhân với em thì em không còn lý do gì để che dấu hành động xấu của dì nữa. Ngoài vụ dì ăn cắp chai kem dưỡng da, em sẽ mách thêm với me những sự cầm nhầm lặt vặt của dì trong thời gian dì đến ở nhà này nữa. Nhưng me gạt đi:
- Thôi bỏ qua đi con. Đồ đạc mà dì Nghĩa lỡ lấy rồi thì cũng chả đáng là bao, nói ra nó hết tình đi, rồi cậu Xuyến thêm buồn lây. Hơn nữa, mai mốt dì ấy đi rồi.
Em cụt hứng, em bóp những ngón tay kêu rắc rắc:
- Con không ưa dì Nghĩa chút mô hết
Me vuốt tóc em:
- Phải con ghét dì Nghĩa vì chuyện dì ấy đã cấm con đến nhà bà Yvonne Ngọc phải không?
Em cúi đầu, me dịu dàng:
- Vừa mới lên Đà Lạt, me đã nghe phong thanh những dư luận không tốt về bà Yvonne Ngọc nhưng me cũng không để tâm mấy. Chừ đây, nghe tin con giao du với mẹ con bà ấy, me cũng thấy ngại ngại cho con.
Em chống chế:
- Dư luận thường hay a dua lắm me, một đồn 10, 10 đồn trăm. Chứ theo con, con thấy bà Yvonne Ngọc phúc hậu lắm, còn chị Vân nữa, me chưa thấy đó, chị Vân là một người con gái dịu hiền.
- Dì Nghĩa đã nói …
Em như muốn khóc:
- Me đừng nghe lời dì Nghĩa, tâm địa của dì ấy thật xấu xa
Me nghiêm nghị:
- Nhưng đó là sự thật, bà Yvonne Ngọc ngày xưa là một vũ nữ, bà đã phá hoại hạnh phúc biét bao nhiêu gia đình. Giờ người ta khinh bỉ bà ta cũng phải.
Em ràn rụa nước mắt. Em không thể cãi lời me được. Cái dư luận đó mạnh mẽ hơn những lời bênh vực của em, cái dư luận đó đã thành cây đa cổ thụ, rễ lớn rễ nhỏ ăn sâu vào tim, bám sâU vào óc những con người hẹp hòi thành kiến trong thành phố Đà Lạt nhỏ bé này. Nhưng ba me ngăn cấm em giao thiệp với chị Vân là một điều không tưởng, bởi chị Vân là làn sương, chị Vân là gió mát, chị Vân đã đem đến cho em biết bao tình thương mến đậm đà. Em hết thấy cô đơn, em hết thấy lạc loài giữa gian nhà thênh thang khi ba me em vắng mặt, em đã có chị Vân, cánh hoa hồn nhiên trong em đã tìm thấy được giọt sương mai dịu dàng vuốt vẹ Em nghe mát rượt cuộc đời, em nghe ấm nồng ý sống, không lẽ ba me đành lòng xóa tan niềm vui trong em sao.
Dì Nghĩa vẫn chưa chịu về, dì tìm cách nấn ná lại ít ngày, chắc dì muốn chọc tức em chứ gì. Hồi chiều đi học về em nghe dì bảo:
- Tao ở đây hết tuần ni, để xem chủ nhật mi có dám tới nhà mụ Yvonne Ngọc nữa
hết.
Em nói liều:
- Tới thì tới chứ sợ ai
- Ừ, thử coi mi sợ ai, tao thì mi coi chẳng có kí lô nào, được lắm. Nhưng còn anh chị Thọ, bộ mi không sợ ba me mi chắc.
Em không thèm trả lời nhưng trong lòng vẫn thấy lo lọ Dì Nghĩ như con kỳ đà cản mũi làm sao em đến nhà chị Vân được. Còn me đã nói như vậy có nghĩa là me không muốn cho em đến nhà chị Vân nữa, không lẽ em đành lòng làm me buồn sao. Thiệt em bối rối quá, em không biết tính cách nào cho toàn vẹn cả đôi đường. Chủ nhật này chắc em đành thất hẹn với chị Vân mất, vì vừa rồi em nghe ba nói:
- Sáng chủ nhật này ba me sẽ dẫn Sơn và Tuấn đi picnic.
Em đề nghị:
- Thôi, mình đi chiều thứ 7 vui hơn ba
Ba ngạc nhiên:
- Ai lại đi picnic vào buổi chiều bao giờ, hay là Sơn bận chuyện chi phải không?
Dì Nghĩ lại được dịp xen vào:
- Sáng chủ nhật mô nó lại chẳng đến nhà me con mụ Yvonne nớ
Me đang sửa lại tấm màn cửa quay lại:
- Dì đừng nghi cho cháu, tôi đã cấm cháu sang đó chơi rồi
Me lại nói thêm một câu:
- Phải không con, Sơn. Bữa ni con đừng giao thiệp với nhà đó nữa nghe
Em lặng thinh thở dài. Gió đã cuốn lên xô nhẹ đám mây xa lìa đỉnh núi, dì Nghĩa là cơn gió quái ác, là mụ phù thủy ác độc cố tình chia rẽ chị em em. Em bỗng thấy ghét dì Nghĩa kinh khủng.
Chương 7

Em đến bưu điện tìm chị Vân, chị gặp em mừng rỡ:

- Sơn, sao hôm qua không lại chị, làm chị chờ, chị lo quá, sợ em gặp chuyện gì bất trắc
- Em xin lỗi chị nghe chị Vân. Tại bữa qua em bận đi chơi với ba me
- Thích quá nhi?
- Chị đừng giận em nghe
Chị Vân cười với 2 má lúm đồng tiền:
- Giận gì mà giận, chị chỉ lo cho em. Bây giờ gặp lại em, chị mừng rồi
Chị Vân không nói chuyện nhiều được với em vì khách vào đông quá, em đành đứng lên từ giã. Chị Vân nhắn theo:
- Tuần này lại chị nhé
Em đi nhanh ra cửa không quay lại, em không dám nhìn chị Vân bởi em không thể hẹn đến nhà chị được, tuần này và cả những tuần sau. Ba me còn ở nhà, em phải theo ba ma đi chơi, đi ăn, đi ciné. Mà sao lạ em không cảm thấy chút gì vui thú khi được ở cạnh ba me như hồi xưa nữa. Sáng hôm qua lên sân gù chụp hình, em ngớ ngẩn như kẻ mất hồn khiến ba phải kêu lên:
- Kìa Sơn, răng con có vẻ bần thần quá rứa, con đau à?
Em cố làm mặt vui cho ba me yên lòng:
- Không, có chi mô ba
Ba chụp hết 2 cuộn hình màu, cho me cho em và cho cả bé Tuấn. Thường thì em thích chụp hình màu ghê lắm, mỗi lần ba rủ đi chụp là em sửa soạn trước cả tuần lễ, em lựa chọn suốt buổi một màu áo, một màu khăn thế nào cho phù hợp, cho thật nổi khi vào phim, nhưng giờ đây, nỗi lo ngại phải xa cách chị Vân, khiến em không còn để ý đến bất cứ việc gì. Me phải kéo em vào phòng thay áo trước khi đi, vì em mặc một màu áo chemise thật tối. Me lựa cho em một chiếc áo đỏ và khăn quàng len hồng, rồi me bảo ba:
- Mình à, con Sơn hình như đang có điều chi lo nghĩ a
Ba cũng thắc mắc nhìn em, nhưng khi thấy em vẫn chạy nhảy tung tăng thì ba thôi không còn bận tâm nữa.
Thôi, từ đây cho biết đến bao giờ em mới được đến chơi nhà chị Vân để nhìn lại gương mặt bà Yvonne Ngọc phúc hậu, để chị Vân đưa tiễn em xuống đồi với mùa nắng lạnh cao nguyên ửng hồng đôi má chị như màu hoa Cosmos phơn phớt hương trinh.
Dì Nghĩa đã trở về nhà dì ở ngoại ô thành phố và lần này ba me ở lại Đà Lạt khá lâu. Em nghĩ mà xấu hổ, em nghĩ mà tự thẹn cho chính mình vì lần đầu tiên em muốn ba me bận công việc thật bề bộn, để chủ nhật này em ở nhà một mình, em sẽ đến nhà chị Vân.
Em đi bộ về nhà, ngang qua bờ hồ, có tiếng gọi em đằng sau:
- Xuân Sơn, Xuân Sơn.
Chị Nhật Hương dừng xe sát lề đường:
- Xuân Sơn sáng ni không đi học à?
- Dạ em nghỉ giờ sau, tự ý em xin nghi?
- Em bận việc chi rứa?
Em nói dối:
- Dạ, tại em hơi nhức đầu
- Lên đây chị chở về, đi bộ như ri, nắng rồi lại đau thêm đó
Em ghé ngồi sau lưng chị Nhật Hương, vòng tay ôm ngang eo ếch:
- Chị đi học về sớm rứa?
- Ừ, sáng ni chị có giờ thuyết trình nên về sớm. Nì, Sơn.
- Da.
- Răng dạo ni ít thấy em sang nhà chơi, bộ giận Nguyệt Hồng rồi hả?
- Dạ, mô có, tụi em vẫn thân nhau mà
- Chủ nhật nì lại nhà chị chơi nghe
Em chợt có một ý định. Em sẽ nhờ Nguyệt Hồng sang xin phép ba me cho em sang nhà nó chơi, rồi em sẽ về sớm để có thì giờ ghé nhà chị Vân. Em nói với chị Nhật Hương:
- Bữa ni ba me em cứ bắt em ở nhà hoài đó chị Hương ơi, phải nói con Nguyệt Hồng tới xin phép, ba me em mới cho đi chơi được.
Chị Nhật Hương biểu đồng tình:
- Ừ, thì để chị nói Nguyệt Hồng đến xin phép cho
- Để chiều đi học em dặn nó cũng được
Xe dừng trên con đường nhỏ sau nhà em, em bước xuống:
- Cám ơn chị Hương
- Nhớ chủ nhật đến chơi nghe em
- Da.
Một tuần lễ trôi qua trong chờ đợi, em vẫn đi học đều, vẫn ăn, vẫn ngủ, nhưng em vẫn thấy có một cái gì khác lạ trong nếp sống hằng ngày của em. Hình như em đang sống một mình, lẻ loi trong căn phòng rộng, ba đó, me đó, bé Tuấn đó nhưng sao em vẫn thấy xa lạ lạnh lùng. Em đang mặc cảm tội lỗi, tội sắp lừa dối ba me, tội đã nói láo với bạn. Ngày mai, em hứa đến nhà Nguyệt Hồng chơi nhưng với điều kiện nó phải đến nhà em xin phép ba mẹ, cô bé chu môi:
- Chà, bữa ni mi bày đặt dữ
- Ba me tao bữa ni khó lắm. Tại vì cái dì Nghĩa nớ đó, vô hậu lắm. Tao qua nhà chị Vân một tí mà dì cũng mét với ba me tao
Nguyệt Hồng nhăn mặt:
- Mi qua nhà chị Bạch Vân con bà Yvonne Ngọc à?
- Ừ
- Mi …
Em chợt bừng tự ái:
- Bộ mi khinh chị Vân lắm hả? Mi cho là chị Vân không xứng đáng để làm chị tao à?
Nguyệt Hồng xua tay:
- Mi thiệt nông nổi. Khi khổng khi không đi gây tao. Tao muốn nói là dư luận thành phố Đà Lạt này không mấy tốt đối với mẹ chị Vân, tao sợ mi chơi rồi mang tiếng.
Em mím môi:
- Dư luận khắt khe lắm, chuyện dĩ vãng của người ta mà cứ muốn khơi lại hoài. Theo ý tao, bà Yvonne Ngọc là người đáng thương …
Nguyệt Hồng vẫn không buông tha:
- Tao nghe nói ngày xưa, bà Yvonne phá hoại biết bao gia đình.
Em cáu:
- Cái chi thấy tận mắt rồi hãy nói. Ví dú như gia đình của mi đã bị bả làm hại chưa?
Nguyệt Hồng đỏ mặt:
- Không thèm nói chuyện với mi nữa. Tao khuyên điều lợi cho mi, mi không nghe thì thôi chứ răng mi lại kéo gia đình tao vô?
Nguyệt Hồng đã giận em rồi thì thôi không còn hy vọng gì chủ nhật này em bước chân ra khỏi nhà nữa. Nhìn cái mặt của nó lạnh lùng không nói với em một lời, sau đó, em thấy ân hận muốn đến bên cạnh xin lỗi, nhưng khi nghĩ đến lòng khinh bỉ của Nguyệt Hồng đối với gia đình chị Vân, em như cảm thấy danh dự của mình bị tổn thương, như chính em bị miệt thị vậy. Do đó, em nhất định giận Nguyệt Hồng luôn.
 7-6-1972

Thùy An
Theo https://vnthuquan.net/











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...